Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Căn Bản Trung Quán Luận Tụng

08/04/201311:49(Xem: 11203)
Căn Bản Trung Quán Luận Tụng

mattong_4

Căn Bản Trung Quán Luận Tụng

(Mulamadhyamika-karika - Dbu ma rtsa ba'i shes rab)

Trước tác: Long Thọ Bồ Tát

Dịch từ bản Anh ngữ của dịch giả Wulstan Fletcher[1]

Phẩm 18

Quán ngã và các pháp

1. Nếu ngũ uẩn là “Ngã,”

“Ngã” ấy là sinh diệt.

Nếu ngã khác ngũ uẩn,

Chẳng phải tướng ngũ uẩn.

2. Nếu “ngã” chẳng thực có,

Làm sao có “ngã sở”[2]?

Khi ngã, ngã sở, ngừng,

Hết chấp “ngã”, “ngã sở”[3]

3. Người chứng vô ngã trí,

Cũng chẳng có tự tánh.

Người thấy chứng vô ngã

Có tự tánh -- tự mình,

Chẳng thấy được tánh Không[4].

4.Khi quán xét trong, ngoài,

Niệm “ngã”, “ngã sở” ngừng,

Chấp thủ cũng đã diệt,

Chấp diệt, chẳng tái sinh.

5. Nghiệp, phiền não tận diệt,

Thì đó là giải thoát.

Nghiệp, não, do vọng tưởng.

Đều do [tâm] biến kế[5];

Nhập Không, hí luận diệt.

6. Chư Phật hoặcthuyếtngã;

Có khi thuyết vô ngã.

Nhưng cũng tuyên thuyết rằng:

Cả ngã và vô ngã,

Cũng đều không thực hữu.


7.Ngôn ngữ bặt, bởi vì ,

Đối tượng tâm hành dứt[6].

Không sanh cũng không diệt,

Bản tánh của mọi pháp,

Tịch diệt như Niết-bàn.

8.Chư Phật thuyết từng bước:

Chư pháp[7]thật, phi thật;

Vừa phi thật, vừa thật,

Phi thật, phi phi thật.

9.Tự tri, chẳng tùy ai,

Tịch diệt, vô hí luận;

Bất nhị, vô phân biệt:

Là thật tướng như như.

10.Những pháp do duyên sinh,

Thì chẳng là chính nó.

Cũng chẳng là thứ khác.

Chẳng đoạn; cũng chẳng thường[8].

11.Giáo pháp, như cam lồ

Của toàn chư Thế Tôn,

Là hộ pháp thế gian:

[Nhân và quả] chẳng một,

Và nó cũng chẳng khác8

Chẳng đoạn, cũng chẳng thường.

12. Khi Phật chưa hạ thế,

Chư Thanh Văn diệt tận,

Trí chư Bích Chi Phật,

Không thầy, vẫn khởi sanh.

Phẩm 24

Quán Tứ Thánh Đế

1. [Bộ phái khác tranh cãi]

“Nếu tất cả đều không,”

“Không sanh cũng không diệt.

Vậy, theo [Trung Quán Tông]

Tứ Đế không hiện hữu.

2. “Vì Tứ Đế không thật,

Trí tuệ cùng đoạn tập,

Thiền định và chứng ngộ*:

Tất cả đều không có.

3. “Nếu tất cả không có,

Tứ thánh quả cũng không.

Vì không có bốn quả,

“Đắc”, “Hướng”cũng đều không[9].

4.“Nếu Tám Bậc Hiền Thánh

Thảy đều nói không có,

Thì chẳng có Tăng Bảo.

Vì không có Tứ Đế,

Nên Pháp Bảo cũng không.

5.“Pháp, Tăng Bảo đều không,

Làm sao có Phật Bảo ?

Giảng tánh không như vậy,

Là hủy báng Tam Bảo --

6.Và như thế hủy báng

Chứng ngộ [của đạo] quả,

Cùng chối bỏ thiện, ác.

Nhất thiết thế gian pháp --

Đều bị hủy báng cả.

7.Trả lời kẻ vấn nạn:

Ông đã không hiểu được,
Bổn tánh của tánh không,

Chẳng hiểu nghĩa lý không,

Nên hủy báng pháp ấy.

8. Giáo pháp chư Phật thuyết,

Toàn đặt trên nhị đế:

Tục đế của thế gian.

“Nhất thiết tàng” thế đế

Và sau là chân đế[10].

9. Người nào chưa chứng ngộ,

Phân tỏ hai đế này,

Không thể đạt chân như

Chư Thế Tôn đã thuyết.

10. Nếu không nương tục đế,

Chẳng thể hiểu chân đế.

Chẳng chứng đệ nhấtnghĩa,

Nên chẳng đắc Niết-bàn.

11. Do tà kiến tánh không,

Kẻ độn căn tự hại.

Như kẻ ngu bắt rắn,

Người ngốc làm chú thuật.

12.Vì biết rõ khó khăn

Người kém khó nhập vào,

Pháp thậm thâm vi diệu,

Nên tâm Thế Tôn ngại,

Chẳng muốn thuyết pháp này.

13.Kết luận về tánh không

Của ông sai, vô lý.

Luận cứ bác tánh không,

Theo tôi, chẳng hữu lý.

14.Nên hiểu không là nhân

Tạo thành nhất thiết pháp[11].

Còn phủ nhận tánh không,

Là phủ nhận các pháp.

15. Ông quy lỗi cho tôi,

Thật ra, tự ông lỗi.

Như kỵ nhân cưỡi ngựa,

Mà quên ngựa đang cưỡi.

16. Nếu ông thấy chư pháp,

Hiện hữu bởi tự tánh,

Tức là thấy các pháp,

Chẳng có nhân và duyên.

17.Chỉ vì thấy như thế,

Ông bác bỏ tất cả,

Nhân, quả, cùng tác giả,

Hành động và mục tiêu.

Sinh, diệt của vạn vật.

18. Các pháp do duyên sinh,

Tôi nói chính là không;

Cũng gọi là giả danh,

Cũng là Trung Đạo nghĩa.

19. Chưa hề có pháp nào,

Chẳng do nhân duyên sinh.

Nên chẳng có pháp nào,

Mà chẳng phải là không.

20. Nếu các pháp chẳng không,

Thì không thể sinh, diệt.

Theo như thế tức là

Không có Tứ Thánh Đế.

21. Nếu không do duyên sinh,

Do đâu mà có khổ ?

Chư tôn đã dạy là :

Khổ chính là vô thường,

Nên chẳng có tự tánh[12].

22. Nếu khổ có tự tánh,

Làm sao do tập[13]sinh?

Kẻ bài bác nghĩa không

Chẳng thấy có tập [đế].

23. Nếu khổ có tự tánh,

Thì nó không thể diệt.

Vì tự tánh trường tồn,

Tức phủ nhận diệt đế.

24.Nếu đạo có tự tánh

Thì không thể tu đạo.

Nếu đạo là tu sửa,

Chẳng có tánh cố định

Như ông đã gán cho.

25.Nếu Khổ, Tập, Diệt đế,

Thảy đều không hiện hữu,:

Thử hỏi, khi tu Đạo,

Làm sao đắc diệt khổ ?

26.Nếu vô minh, bất trí,

Có tự tánh, thường còn,

Làm sao đắc trí tuệ?

Chẳng phải có tự tánh,

Thì vĩnh viễnchẳng đổi?

27.Như thế, cái ông gọi

Đoạn tập, chứng và định,

Cùng với tứ thánh quả,

Giống như đắc trí tuệ,

Chẳng thể nào có được.

28.Với người chấp tự tánh,

Làm sao đắc quả được,

Khi, sự bất đắc quả

Có tự tánh, cố định ?

29.Nếu quả không thể đắc,

Thì không có Đắc, Hướng.

Và không có Bát Thánh,

Cũng không có Tăng bảo.

30.Vì không Tứ Thánh đế,

Cũng không có Pháp bảo.

Pháp, Tăng đều không có,

Làm sao có Phật bảo ?

31.Theo ông, chẳng nhân nơi

Bồ đềmà có Phật.

Và cũng chẳng nhân nơi

Phật mà có Bồ Đề.

32.Người chưa đắc quả Phật

(Theo ông), dù họ cố

Tu hành Bồ Tát Đạo,

Để mong đạt giác ngộ

Cũng chẳng thể đắc quả.

33.Chẳng ai [có tự tánh]

Có thể làm tội, phúc.

Nếu chẳng phải là không

Người ấy tu được gì ?

Vì tự tánh cố định

Nên chẳng thể tu hành.

34.Dù chẳng [hành] tội, phúc,

Quả báo, theo ông, có.

Quả sinh từ tội, phúc,

Lại cho rằng không có.

35.Nếu theo ông, quả báo ,

Do tội, phúc sinh ra,

Quả từ tội, phúc, sinh --

Làm sao nói chẳng không.

36.Kẻ nào phá tánh không,

Phủ nhận lý duyên khởi

Thì cũng là phủ nhận

Nhất thiết thế gian pháp.

37.Nếu phá bỏ tánh không,

Thì chẳng có sở tác[14].

Như vậy, có hành động

Mà chẳng có khởi đầu,

Và như vậy sẽ có,

Tác giả chẳng tạo tác.

38.Nếu các pháp thế gian,

Hiện hữu có tự tánh,

Thì bất sinh bất diệt.

Chúng sinh sẽ thường trụ,

Vĩnh viễn chẳng dị diệt.

39.Nếu chẳng có tánh không,

Chưa đắc, chẳng thể đắc,

Chẳng thể diệt phiền não

Nghiệp, khổ đau chẳng dứt.

40.Người thấy pháp duyên sinh.

Thì thấy được [Tứ Đế],

Thấy bản tánh của khổ,

Ngộ Khổ, Tập, Diệt, Đạo.


Phẩm thứ 26

Quán thập nhị nhân duyên

1.Chúng sanh do vô minh,

Khởi sinh ba loại hành.

Nên luân hồi tái sinh,

Tùy hành thọ nghiệp báo.

2.Tùy nhân duyên của hành,

Thứcthọ thân lục đạo[15].

Khi thức đi tái sinh,

Tăng trưởng thànhDanh sắc.

3.Khi danh sắc tăng trưởng,

Từ đó sinh lục nhập.

Lục nhập hòa trần thức[16],

Sáu xúckhởi sinh ra.

4.Xúc ấy khởi chỉ vì,

Nương nhãn, sắc, tâm hành.

Nên nhãn thức khởi sinh

Bởi nương vào danh sắc.

5.Tập hợp ba thứ này --

Nhãn, sắc, thức -- là xúc

Từ xúc mà sinh ra,

Thành ba loại cảmthọ.

6.Nhân từ nơi cảm thọ,

Áisinh, càng khát thọ.

Ái khởi thì thủsinh --

Thủ gồm có bốn loại.

7.Do thủ, nên có hữu.

Do người thủ, khởi ra,

Nếu thủ ấy không có,

Sẽ giải thoát, chẳng hữu.

8.Hữu chính là ngũ uẩn.

Do hữu nên có sinh,

lão tử, khổ đau,

Khóc than, cùng sầu não,

9.Tâm khổ đau, phiền não:

Phát khởi ra từ sinh.

Từ đó tạo thành uẩn

Chỉ là khối khổ đau.

10.Hành là gốc luân hồi.

Người trí ngưng tạo nghiệp.

Kẻ si cứ tác nghiệp;

Người trí không như thế,

Vì đã thấy tánh Không.

11.Nếu vô minh dứt trừ,

Hành sẽ không khởi sinh.

Muốn dứt vô minh phải,

Nhờ trí tuệ vi diệu,

Và thiền định tánh Không.

12.Vì vòng khoen này diệt,

Nên khoen sau chẳng sinh.

Khối khổ đau tự nó,

Đoạn diệt đến tận cùng.

Đến đây chấm dứt Căn Bản Trung Quán Luận Tụng, phẩm thứ 18, 24 và 26.

Lời dịch giả (Việt ngữ):

Chúng tôi đã cố gắng giữ lại thể thi kệ bốn câu trong toàn bài, tuy nhiên ở một số chỗ, chúng tôi bắt buộc phải tăng số câu lên để tôn trọng ý văn nguyên thủy. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải chú thích bằng số thêm ở vài chỗ để giải thích về các từ hán-việt đã sử dụng bởi các chư tôn đức trong truyền thống Phật giáo Việt Nam. Vì các từ ngữ này quá xúc tích, cô đọng nên chúng tôi nghĩ đó là một sự cần thiết để cho độc giả dễ hiểu. Còn các chú thích dùng dấu hoa thị là của nhà dịch giả Anh ngữ. Sau cùng, chúng tôi cũng biết là đã có một số các bản dịch trước của chư vị chư tôn đức, lẽ ra chúng tôi dùng thẳng các văn bản đó, nhưng vì văn bản của nhà dịch giả Wulstan Fletcher mang những ưu điểm đặc thù, và là một dị bản đưa ra những điểm riêng biệt của nó. Do đó, chúng tôi xin được dịch bản này đúng theo quan điểm của dịch giả Wulstan Fletcher, hy vọng góp thêm vào vườn hoa Phật giáo một bông hoa lạ.

Bản Anh ngữ 2006, do dịch giả Wulstan Fletcher biên soạn.

Bản dịch Việt ngữ do Sonam Nyima Chân Giác (Canada) và Diệu Hạnh Giao Trinh (France) biên soạn chuẩn bị cho pháp hội thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nantes tháng 8, 2008, với sự tham khảo các văn bản sau:

1.Kalachakra 2004: Select Practice Texts in English & Tibetan.

Published by The Canadian Tibetan Association of Ontario, 2004.

2.The Fundamental Wisdom of The Middle Way.

Nagarjuna’s Mula-Madhyamaka-Karika. Translated and commentary by Jay L. Garfield.

Oxford University Press, 1995.

3.Luận giải Trung Luận: Tánh khởi và duyên khởi.

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức, 2003.

4. Yếu Chỉ Trung Quán Luận, Thích Duy Lực.

5. Trung Luận, Phạm Chí Thanh Mục thích, Cưu Ma La Thập Hán dịch, Thích Thiện Siêu Việt dịch, 2001.

© Ly Bui & Giao Trinh Vo - 2007



[1]Chuẩn bị cho pháp hội thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nantes tháng 8, 2008. Bản dịch Việt ngữ do Sonam Nyima Chân Giác và Diệu Hạnh Giao Trinh biên soạn, phối hợp với các từ ngữ dùng trong bản Hán dịch.

[2]Ngã nghĩa là “cái tôi”, ngã sở nghĩa là “cái của tôi”.

[3]Nên chứng vô ngã trí.

[4]Nếu còn thấy có tự tánh (ngay cả khi nhìn chư A la hán đã chứng vô ngã là có tự tánh) thì vẫn chưa hiểu được

tánh Không, nghĩa là còn sở chấp.

[5]Biến kế là tâm nhìn sự vật bị méo mó sai lầm, như nhìn cuộn giây mà nghĩ là con rắn.

[6]Các dị bản trước dịch là: Thực tướng của các pháp. Tâm hành ngôn ngữ đoạn.

[7]Chư pháp cũng dịch là nhất thiết pháp.

[8]Trung Quán Bát Bất:Bất sinh diệc bất diệt. Bất thường diệc bất đoạn.Bất nhất diệc bất dị. Bất lai diệc bất xuất.

* Nghĩa là trí tuệ ngộ khổ đế, đoạn trừ tập đế, thiền định trên đạo đế và chứng quả diệt đế.

[9]Đắc tức là tứ quả và hướng tức là tứ hướng, là tám bậc Hiền Thánh trong Thanh văn.

Tứ quả gồm: quả Tu đà hoàn, quả Tu đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán.

Tứ hướng gồm: Tu đà hoàn hướng, Tu đà hàm hướng, A na hàm hướng, A la hán hướng.

[10]Đệ nhất nghĩa đế.

[11]Nghĩa là tất cả mọi sự vật.Nguyên câu Hán Việt là: Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành.

[12]Vì tự tánh thì chẳng vô thường.

[13]Tập là thói quen.

[14]Sở tác ở đây là cái mà mình làm.

[15]Các cõi của sáu nẻo luân hồi.

[16]Trần là cảnh vật bên ngoài, hòa hợp với thức là nhận biết tạo ra sáu xúc chạm.

---o0o---

Trình bày: Phổ Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 6767)
Quy mệnh Thiên Quang Nhãn. Đại Bi Quán Tự Tại. Đầy đủ trăm ngàn tay. Muôn mắt cũng như vậy. Làm cha mẹ Thế gian. Hay cho chúng sinh nguyện. Vì thế Bạc Già Phạm. Mật nói Thắng Pháp này. Trước tiên phát nguyện lớn.
08/04/2013(Xem: 10247)
Một thời Đức Phật ngự trong Tịnh Xá tại nước Xá Vệ Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan Đà (Ananda) rằng:”Nay ông hãy lắng nghe. Có Kinh Tiêu Trừ Nhất Thiết Thiểm Điện Chướng Nạn Tùy Cầu Như Ý Đà La Ni mà đấng Như Lai Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác...
08/04/2013(Xem: 6086)
Tại miền Trung Thiên Trúc, nước Ma-già-đà (Ma-kiệt-đà: Magadha), thành Vương Xá (Rajagraha), chùa Na-lan-đà Trúc Lâm (Nalanda), có vị Tam tạng Sa-môn húy là Du-ba-ca-la, Trung Hoa gọi là Thiện Vô Uùy (Subhakarasimha).
08/04/2013(Xem: 8378)
Đức Như Lai ở trăm ngàn Câu chi A tăng kỳ kiếp gom chứa chất liệu Bồ Đề, gia trì văn tự Chân Ngôn của Đà La Ni khiến cho Bậc Bồ Tát đến ngộ tương ứng với điều này mà đốn tập chất liệu của Phước Đức và Trí Tuệ. Ở nơi Đại Thừa, cần tu hành hai lối của Bồ Tát Đạo để chứng đạo Vô Thượng Bồ Đề.
08/04/2013(Xem: 14224)
Trì Thế Bồ Tát có tên Phạn là Àrya Sutàre (Thánh Thiện Cứu Độ) hay Sudhàre (Thiện Trì), Dhàralokajvala (Trì Thế Quang Minh), nhưng trong các Kinh bản thì thường dùng tên gọi là Vasudhàra hoặc Vasudhàri (Danh xưng này tương đương với các vị Thần Đất hay bảo vệ mùa màng thuộc truyền thống An Độ)
08/04/2013(Xem: 7680)
Nếu muốn cầu Tức Tai, cần diệt hết 7 loại tai nạn là : Mặt trời mặt trăng che nuốt, 5 vì sao sai trái mất độ bình thường, binh giặc nổi dậy, nước cạn chẳng đúng thời, gió mưa mất độ, bầy tôi phản nghịch gây tổn hại cho quốc dân, cọp sói thú ác ăn nuốt chúng sinh, lúa gạo (Ngũ cốc ) chẳng được mùa.
08/04/2013(Xem: 10309)
Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự tại giảng đường Trùng Các của Tinh Xá Đại Lâm trong vườn cây Am La thuộc nước Tỳ Xá Ly cùng với 1250 vị Tỳ Kheo đều là các bậc A La Hán đã dứt các Lậu, chẳng thọ thân sau nữa như là vàng ròng đã tinh luyện, thân tâm lặng trong, 6 Thông không ngại.
08/04/2013(Xem: 10886)
Bấy giờ Đức Phật bảo A Nan rằng:”Quán Thế Am Bồ Tát này đã nói Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Thần Chú chân thật không hư dối. Nếu có nhóm người đã cầu nguyện mà muốn thỉnh cầu Quán Thế Am Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát...
08/04/2013(Xem: 4706)
Cúi đầu lễ Đại Mật Từ Trì Kim Cương sinh Mở diễn Nghi vi diệu Khế chân thật giản yếu Người tu tập Du Già Nguyện hưng tâm lợi lạc Hết mười phương không sót Tất cả Giới Chúng Sinh Thành tựu Tính Chân Ngôn Tùy theo ý xưng tụng
08/04/2013(Xem: 5326)
桮輆 屹楠 伋? 才?¦觜X摓叨 亦? OM SARVA YOGA CITTAM UTPÀDA MI (? YÀMI) 向?ư 介?雽 VAJRAM JALIM (? JALI) 向?z 向?_ VAJRA BANDHA 向?z 向?_ 氛?誆 VAJRA BANDHA TRAT 向?z吒在珆 VAJRA VE’SA (? AVI’SA) AH... 鉏先?氛? 觠 SURATRA (? SURATA) STVAM _
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]