Thọ Bồ-đề tâm
Bồ-tát giới yết-ma nghi quỹ
Du-già a-xà-lê Thích Viên Đứcdịch Hán ra Việt
Chúc Huy Nguyễn Minh Hoàng chép lại
Tại miền Trung Thiên Trúc, nước Ma-già-đà (Ma-kiệt-đà: Magadha), thành Vương Xá (Rajagraha), chùa Na-lan-đà Trúc Lâm (Nalanda), có vị Tam tạng Sa-môn húy là Du-ba-ca-la, Trung Hoa gọi là Thiện Vô Uùy (Subhakarasimha). Ngài vốn con nhà hào quý thuộc dòng Sát-lỵ (Ksatrya), rất thông về pháp nghĩa Đại thừa. Sau khi sang Trung Hoa, có một độ Thiện Vô Úy a-xà-lê cùng với một vị đại đức thiền sư ở chùa Hội Thiện tại Tung Nhạc là Kính Hiền hòa thượng đối biện về Phật pháp luận sâu đến yếu chỉ Đại thừa. Lời biện luận của hai ngài đã mở rộng tâm giới nhãn giới của quần sanh, khiến cho nhiều người mộ đạo. Trong bản ghi chép lại, có đoạn thọ Bồ-đề tâm Bồ-tát giới như sau:
1. Kính lễ môn
Đệ tử là … quy mạng mười phương tất cả chư Phật, chư Đại Bồ-đề tâm Bồ-tát, kính thờ làm đại đạo sư. Chư tôn thánh là những bậc đã chỉ bày đường lối đại Niết-bàn, khiến cho loài hữu tình thoát ly các ác thú, nên nay con xin chí tâm đảnh lễ. (3 lạy)
2. Cúng dường môn
Đệ tử là … xin đem chút hương hoa lễ vật cúng dường, và mười phương tất cả thế giới có bao nhiêu hương hoa, tràng phan, bảo cái cùng những vật nhiệm mầu tối thắng, con nguyện đem cúng dường chư Phật cùng chư Đại Bồ-đề tâm Bồ-tát. Trong cùng tận kiếp vị lai, con sẽ đem tất cả thức tịnh diệu chí thành cúng dường, và xin chí tâm đảnh lễ. (3 lạy)
3. Sám hối môn
Đệ tử là … từ quá khứ vô thỉ cho đến ngày nay, do tham giận si mê cùng tất cả phiền não làm não loạn thân tâm, đã tạo tất cả tội nghiệp. Thân nghiệp không lành gây tội sát sanh, trộm cướp, tà dâm. Khẩu nghiệp không lành gây tội nói dối, nói thêu dệt, nói ly gián, nói thô ác. Ý nghiệp không lành gây tội tham lam, giận hờn, si mê tà kiến. Từ vô thỉ đến nay, con bị tất cả phiền não trói buộc thân tâm làm cho ô nhiễm, khiến cho thân khẩu ý tạo nên vô lượng tội nghiệp. Hoặc giết cha mẹ, giết A-la-hán, xúc chạm thân Phật làm cho ra máu, phá sự hòa hợp của chúng Tăng, hủy báng Tam bảo, giam trói đánh đập chúng sanh, phá trai phạm giới, cho đến uống rượu ăn thịt.
Những tội như thế vô lượng vô biên không thể nhớ ghi kể ra cho xiết. Nay con xin thành tâm tỏ bày sám hối tất cả. Từ đây về sau, con nguyện dứt hẳn tâm tương tục, không còn dám làm những tội lỗi ấy. Cúi xin mười phương chư Thế tôn, chư đại Bồ-tát gia trì hộ niệm, khiến cho con căn lành tăng trưởng, tội chướng tiêu trừ. Con xin chí tâm đảnh lễ sám hối. (3 lạy)
4. Quy y môn
Đệ tử là … từ thân này cho đến khi ngồi nơi đạo tràng Vô thượng Bồ-đề, xin quy y ba thân (Pháp, Báo, và Ứng thân) vô thượng của Như lai, quy y Pháp tạng Phương quảng Đại thừa, quy y tất cả chư Bồ-tát Tăng không thối chuyển. Cúi xin mười phương chư Phật, chư đại Bồ-tát chứng biết cho con. Con xin chí tâm đảnh lễ. (3 lạy)
5. Phát Bồ-đề tâm môn
Đệ tử là … từ thân này cho đến khi ngồi đạo tràng đại giác ngộ, thệ nguyện phát tâm Vô thượng Bồ-đề:
-Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ
-Phiền não vô tận, thệ nguyện trừ
-Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học
-Phước trí vô cùng, thệ nguyện tu
-Như lai vô số, thệ phụng sự
-Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành.
Nay con phát tâm sẽ xa lìa Ngã tướng và Pháp tướng để hiển rõ bản giác chân như, khiến cho chánh trí bình đẳng hiện tiền, được phương tiện hay khéo cùng tròn đủ hạnh Phổ Hiền. Cúi xin mười phương chư Phật, chư đại Bồ-tát chứng biết cho con. Con xin chí tâm đảnh lễ. (3 lạy)
6. Giá nạn môn
(Nếu có thầy truyền giới, giới sư nên bảo:)
- Phật tử! Nay tôi hỏi ông về tội thất nghịch, nếu như ông không phạm các tội ấy, chỉ đáp rằng “Thưa không.” Còn nếu có phạm một trong thất nghịch tội thì phải chí tâm sám hối đến chừng nào thấy hảo tướng mới được thọ giới. Khi chưa thấy hảo tướng, dù miễn cưỡng thọ giới cũng không đắc giới. Nếu xét mình có phạm tội thất nghịch, phải phát lồ sám hối, không nên che giấu; dù che giấu để thọ giới cũng không đắc giới mà tội càng thêm nặng, sẽ bị đọa vào Vô gián địa ngục.
Như thành tâm phát lồ sám hối, tất tội nặng sẽ tiêu diệt, được thân thanh tịnh, lần lần vào trí huệ Phật và tiến bước lên quả Vô thượng Bồ-đề. Bây giờ tôi hỏi, ông phải đáp cho thành thật:
- Trong đời này, ông có giết cha không?
- Ông có giết mẹ không?
- Ông có làm cho thân Phật ra máu không?
- Ông có giết A-la-hán không?
- Ông có giết hòa thượng không?
- Ông có giết a-xà-lê không?
- Ông có phá hòa hợp Tăng không?
Phật tử! Chư Phật và chư đại Bồ-tát có đại luật nghi tối thắng tối thượng. Đó là Tam tụ tịnh giới gồm: Nhiếp luật nghi giới, Nhiệp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới. Giới pháp này diệt trừ thập ác, nhiếp tất cả các điều lành về thân ngữ ý, bao hàm hạnh tự lợi lợi tha. Nay tôi hỏi: “Từ nay cho đến khi thành Phật, ông có thể tinh cần giữ gìn Tam tụ tịnh giới mà không trái phạm không?”
(Đáp: “Dạ thưa, con giữ được.”)
(Như người không phạm tội thất nghịch, hay là phạm nhưng đã sám hối và thấy hảo tướng, muốn theo nghi tắc tự thọ giới, nên nói như sau:)
Đệ tử là … từ nay cho đến khi ngồi đạo tràng Vô thượng Bồ-đề, quyết tinh cần gìn giữ đại luật nghi của tất cả chư Phật, chư đại Bồ-tát là Tam tụ tịnh giới gồm có: Nhiếp luật nghi giới, Nhiệp thiện pháp giới, và Nhiêu ích hữu tình giới. Con đã phát Bồ-đề tâm xin thọ Bồ-tát giới, cúi xin mười phương chư Phật, chư đại Bồ-tát chứng minh gia bị, khiến cho con được vĩnh viễn không thối chuyển. Con xin chí tâm đảnh lễ. (3 lạy)
(Từ đây đến sau, xin ghi chép theo nghi tắc tự thọ giới. Nếu có thầy truyền, chỉ linh động đổi lại thành lời Giới sư nói.)
7. Thỉnh sư môn
Đệ tử là … xin kính cẩn phụng thỉnh mười phương tất cả chư Phật cùng chư Bồ-tát: Quán Thế Âm Bồ-tát, Di Lặc Bồ-tát, Hư Không Tạng Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, Kim Cang Thủ Bồ-tát, Mạn-thù-thất-lỵ Bồ-tát, Kim Cang Tạng Bồ-tát, Trừ Cái Chướng Bồ-tát và tất cả chư đại Bồ-tát. Xin nhớ lời bản thệ giáng đến đạo tràng chứng minh cho con. Con xin chí tâm đảnh lễ. (3 lạy)
Đệ tử là … xin kính cẩn phụng thỉnh Thích-ca Mâu-ni Phật làm Hòa thượng, phụng thỉnh Mạn-thù-thất-lỵ Bồ-tát làm yết-ma a-xà-lê, phụng thỉnh Di Lặc Bồ-tát làm Giáo thọ a-xà-lê, phụng thỉnh mười phương chư Phật làm Chứng giới sư, phụng thỉnh tất cả chư Bồ-tát ma-ha-tát làm đồng học pháp lữ. Cúi xin chư Thế tôn, chư đại Bồ-tát từ mẫn hứa nhận lời thỉnh của con. Con xin chí tâm đảnh lễ. (3 lạy)
8. Yết-ma môn
(Đây chính là lúc làm pháp Yết-ma truyền giới, nên chí tâm cẩn trọng.)
Đệ tử là … xin mười phương ba đời tất cả chư Phật, chư đại Bồ-tát xót thương hộ niệm. Từ ngày nay cho đến khi ngồi nơi Bồ-đề đạo tràng, con xin thọ học tịnh giới của tất cả chư Phật chư Bồ-tát là Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới. Ba tịnh giới này, con xin thọ trì đầy đủ. (Nói ba lần.)
Con xin chí tâm đảnh lễ. (3 lạy)
9. Kiết giới môn
Đệ tử là … từ hôm nay cho đến khi chứng đạo Vô thượng Bồ-đề, xin thọ trì đầy đủ tịnh giới của chư Phật, Bồ-tát. Nay con thọ tịnh giới đã xong, xin đúng pháp giữ y như vậy. (Nói ba lần rồi đảnh lễ ba lạy.)
10. Tu tứ nhiếp môn
Đệ tử là … đã phát Bồ-đề tâm, thọ Bồ-tát giới, xin từ nay tùy lực tu Tứ nhiếp pháp là Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, và Đồng sự không dám sai phạm.
Vì muốn điều phục nghiệp tham lam bỏn sẻn từ vô thỉ, để làm lợi ích cho chúng sanh nên phải Bố thí. Vì muốn điều phục những phiền não giận hờn, kiêu mạn từ vô thỉ để làm lợi ích cho chúng sanh, nên phải thật hành Ái ngữ. Vì muốn làm lợi ích chúng sanh để cho tròn đủ bản nguyện, nên phải tu môn Lợi hành. Vì muốn gần gũi đại thiện tri thức, để cho tâm lành không bị gián đoạn, nên phải thật hành môn Đồng sự. Bốn pháp như thế, con xin thọ trì, và xin chí tâm đảnh lễ. ( 3 lạy)
11. Thập trọng giới môn
Đệ tử là … xin kính giữ 10 điều trọng giới:
1.Không lui sụt tâm Bồ-đề vì phòng ngại cho sự thành Phật.
2.Không bỏ ngôi Tam bảo mà quy y theo ngoại đạo, vì đó là tà pháp.
3.Không huỷ báng Tam bảo và giáo điển tam thừa vì làm như thế là trái với Phật tánh.
4.Đối với những kinh điển Đại thừa rộng sâu, chỗ mình không thông hiểu cũng không sanh lòng nghi báng vì đó chẳng phải là cảnh giới của phàm phu.
5.Đối với chúng sanh đã phát Bồ-đề tâm, không nói những điều làm cho họ thối tâm trở về nhị thừa, vì làm như thế là đoạn hạt giống Tam bảo.
6.Đối với những kẻ chưa phát tâm Bồ-đề, cũng không nói pháp khó tin hiểu của Đại thừa, khiến cho họ nghi ngại rồi phát tâm nhị thừa, vì làm như thế là trái với bản thệ.
7.Trước hạng người nhị thừa và kẻ tà kiến, không nên vội nói pháp Đại thừa sâu mầu, vì e họ sanh lòng nghi báng mà mang tội nặng.
8.Không khởi các pháp tà kiến vì như thế là đoạn căn lành.
9.Trước kẻ ngoại đạo, không nên nói mình được Giới mầu Vô thượng Bồ-đề, khiến cho họ sanh lòng ganh giận tìm cầu Giới ấy không được, rồi về sau không thể phát Bồ-đề tâm; vì làm như thế cả hai đều bị tổn.
10.Những điều gì có tổn hại hoặc không lợi ích cho chúng sanh đều chẳng nên tự làm, bảo người làm, thấy kẻ khác làm mà vui theo, bởi như thế là trái với pháp lợi tha và lòng từ mẫn.
Những giới như thế, con xin thanh tịnh thọ trì.
Dư ngôn
Căn cơ của chúng sanh không đồng, nên đức Thế tôn thuyết giáo cũng chẳng phải một. Vậy chẳng nên chấp riêng một pháp mà sanh điều thị phi lẫn nhau, bởi làm như thế là trái cơ, hãy còn không được quả báo nhơn Thiên, huống chi là đạo Vô thượng.
Có kẻ chỉ chuyên Bố thí mà được thành Phật, có người duy Trì giới cũng chứng Bồ-đề. Những hạnh Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ cho đến tám muôn bốn ngàn pháp môn, nếu thâm nhập một môn tất đều được thành Phật. Nay xin y theo Kinh Kim Cang Đảnh lập một phương tiện khiến cho người tu hành mau đi đến quả Bồ-đề.
Tuy hành giả đã thọ Bồ-tát giới, nhưng cũng nên thọ giới pháp nội chứng thanh tịnh vô lậu của chư Phật mới có thể vào định môn. Giới pháp đó chính là môn đà-ra-ni bí mật mà chư Phật đã nương vào để đi đến biển Nhất thiết trí. Pháp bí mật này khó được nghe, nay chỉ đối với người hữu duyên mà khai thị một đôi phần thiết yếu.
Đà-ra-ni thanh tịnh bí mật ấy như sau:
Úm, sam muội gia tát đát noan.
Chân ngôn này công đức to rộng không thể kể xiết. Người nào tụng qua ba lần, có thể nghe và đi vào cấm giới thanh tịnh cùng các pháp bí mật khác. Kẻ ấy lại có thể đầy đủ luật nghi thanh tịnh của tất cả Bồ-tát.
Lại vì người phát tâm mà truyền thọ đà-ra-ni rằng:
Úm, mạo địa chất đa bút đát ba na dã mê.
Tụng chân ngôn này ba biến, có thể phát tâm Bồ-đề kiên cố cho đến khi thành Phật không bị thối chuyển.
Lại vì người cầu chứng nhập mà nói đà-ra-ni rằng:
Úm tức đa bát ra di dễ đàm ca rô mê.
Tụng chân ngôn này ba biến, liền được tất cả giới tạng rất sâu và đầy đủ nhân Nhất thiết chủng trí, sau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.
Lại vì người cầu vào hạnh vị Bồ-tát mà truyền thọ đà-ra-ni rằng:
Úm, phạ nhựt ra mãn tra lam ba ra phệ xá mi.
Tụng chân ngôn này ba biến, có thể vào tất cả ngôi Quán đảnh mạn-đà-la, đối với các pháp bí mật khi nghe không còn bị chướng ngại, kham vào vị quán đảnh của Bồ-tát và thọ trì các định môn.
Như trên, sự truyền thọ giới pháp vô lậu đã xong. Nay lại vì ủng hộ hành nhơn, truyền thọ thêm một đà-ra-ni sau đây:
Úm, thuật đà thuật đà.
Tụng chân ngôn này 10 muôn biến, tất cả tội chướng đều tiêu trừ, ba nghiệp thanh tịnh, ma tà không khuấy rối. Như tấm vải trắng sạch dễ ăn màu, hành giả tụng chân ngôn này cũng thế, khi tội chướng tiêu rồi dễ thâm nhập các pháp môn, mau chứng được tam-muội.
Phụ lục
Giới pháp nội chứng thanh tịnh vô lậu của chư Phật
Úm, sam muội gia tát đát vam.
Chân ngôn này công đức to rộng không thể kể xiết. Người nào tụng qua ba lần, có thể nghe và đi vào cấm giới thanh tịnh cùng các pháp bí mật khác. Kẻ ấy lại có thể đầy đủ luật nghi thanh tịnh của tất cả Bồ-tát.
Úm, mạo địa chất đa ổ địa ba na dã mê.
Tụng chân ngôn này ba biến, có thể phát tâm Bồ-đề kiên cố cho đến khi thành Phật không bị thối chuyển.
Úm chất đa bát ra để vĩ đàm ca rô nhị.
Tụng chân ngôn này ba biến, liền được tất cả giới tạng rất sâu và đầy đủ nhân Nhất thiết chủng trí, sau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.
Úm, phạ nhựt ra mãn tra lam ba ra phệ xá nhị.
Tụng chân ngôn này ba biến, có thể vào tất cả ngôi Quán đảnh mạn-đà-la, đối với các pháp bí mật khi nghe không còn bị chướng ngại, kham vào vị quán đảnh của Bồ-tát và thọ trì các định môn.
Như trên, sự truyền thọ giới pháp vô lậu đã xong. Nay lại vì ủng hộ hành nhơn, truyền thọ thêm một đà-ra-ni sau đây:
Úm, thuật đà thuật đà. [1]
Tụng chân ngôn này 10 muôn biến, tất cả tội chướng đều tiêu trừ, ba nghiệp thanh tịnh, ma tà không khuấy rối. Như tấm vải trắng sạch dễ ăn màu, hành giả tụng chân ngôn này cũng thế, khi tội chướng tiêu rồi dễ thâm nhập các pháp môn, mau chứng được tam-muội.
Pháp trì tụng này trước sau có hai đà-ra-ni, tùy ý tụng một, không nên tụng gom hết, sợ tâm không chuyên nhứt.
Người tu hành muốn nhập tam-muội (chánh định), khi ban đầu mới học, phải dứt các cảnh duyên, phải ở riêng một chỗ thanh tịnh, ngồi bán già xong, trước hết cần phải thủ ấn hộ trì.
Ấn: Lấy ngón Đàn Huệ hiệp lại đứng thẳng, ngón Giới Nhẫn Phương Nguyện kia, hữu áp tả xoa nhau sát lưng trên hai ngón, ngón Tấn Lực hiệp đứng thẳng, đầu đứng co nhau, trung tâm hơi mở ra chút ít, ngón Thiền Trí đều hiệp thẳng đứng tức thành.
Kết ấn này rồi, trước ấn trên đảnh, thứ ấn trán, vai bên mặt, vai bên trái, rồi ấn tim, ấn nơi gối hữu, gối tả. [1]Khi ấn mỗi chỗ đều tụng trước bảy biến đà-ra-ni này, xong bảy chỗ rồi mới đưa ấn lên đảnh xả. Rồi cầm chuỗi niệm đà-ra-ni này, có thể tụng nhiều 200, 300 biến cho đến 3.000, 5.000 cũng được. Mỗi khi ngồi tụng một lạc-xoa (10 vạn) rất dễ thành tựu.
Thân đã được gia trì xong, ngồi ngay thẳng, bán già như trước, lấy gối hữu áp lên gối tả không cần kết toàn già. Ngồi toàn già phần đông bị nhức mỏi, nếu tâm duyên chỗ đau mỏi ấy tức khó đắc định. Nếu trước kia đã kết toàn già được thì tốt lắm.
Đầu mặt trông ngay thẳng, mắt không mở quá cũng không nhắm quá. Mở lớn thì tâm tán, nhắm nghiền thì hôn trầm. Chớ duyên ngoại cảnh, an tọa đã xong.
Bấy giờ, vận tâm cúng dường sám hối. Trước đem tâm quán sát tất cả mười phương chư Phật, ở trong Pháp hội nhơn Thiên, vì tứ chúng nói pháp. Tiếp đến quán tự thân mình nơi trước mỗi mỗi chư Phật, đem tam nghiệp kiềng thành cung kính lễ bái, tán thán. Nên quán như vậy cho rõ ràng như đối trước mắt thấy thật rõ, nhiên hậu ở mười phương thế giới đã có hết thảy thiên thượng nhơn gian, hương hoa thượng diệu, tràng phan bảo cái, ẩm thực trân bảo, các món cúng dường đầy đủ tận hư không khắp pháp giới, cúng dường tất cả chư Phật, chư đại Bồ-tát, Pháp Báo Hóa thân, giáo lý hạnh quả và đại hội chúng.
Hành giả làm pháp cúng dường này rồi, phải vận tâm ở mỗi mỗi trước chư Phật Bồ-tát, khởi tâm ân trọng chí thành phát lồ sám hối:
“Con từ vô thỉ đến ngày nay bị phiền não che mất chơn tâm, đã lâu trôi lăn theo dòng sanh tử, thân khẩu ý nghiệp khó trình bày đầy đủ. Con nay chỉ biết rộng sám hối hết. Một phen sám hối xong, vĩnh viễn dứt trừ tâm tương tục, không dám tái phạm. Cúi mong chư Phật Bồ-tát lấy sức đại từ bi gia oai hộ niệm cho con sám hối, khiến cho con tội chướng mau được tiêu diệt.” [1]
Lại nữa nên phát hoằng nguyện:
“Con đã lâu ở tại dòng lưu chuyển, hoặc nơi quá khứ đã từng tu hành hạnh Bồ-tát lợi lạc vô biên hữu tình, hoặc tu thiền định, hoặc siêng năng tu hạnh tinh tấn, hộ trì ba nghiệp, đã có Hằng hà sa công đức cho đến Phật quả, cúi mong chư Phật Bồ-tát khởi lòng từ nguyện lực gia oai hộ niệm cho con, khiến cho con nương nhờ công đức này, mau cùng tất cả môn tam-muội được tương ưng, mau cùng tất cả môn đà-ra-ni được tương ưng, mau được tất cả tự tánh thanh tịnh.”
Phát thệ nguyện rộng lớn như vậy khiến cho không thối thất, mau được thành tựu.
Lại kế phải biết điều hòa hơi thở:
Trước tưởng hơi thở ra vào, từ trong tự thân mình, mỗi mỗi chi tiết gân mạch đều thông suốt, miệng cần phải từ từ thở ra, tưởng hơi thở này sắc trắng như mây khói tuông chảy nhuần ướt như dòng sữa, nhưng cần phải biết chỗ xa gần của nó, rồi trở lại từ từ theo mũi mà vào, khiến cho hơi thở vào khắp trong chu thân, cho đến gân mạch thảy đều chu khắp, thở ra vào như vậy mỗi cái cho đến ba lần. Sự điều hòa này khiến cho hơi thở của thân không có gió, hoặc nóng hoặc lạnh v.v., thảy đều an khắp. Đấy là điều đầu tiên tu học về thiền định.
Ngài Du-ba-ca-la (Thiện Vô Uý) nói rằng: “Người mới tu sợ nhiều nhất là khởi tâm động niệm nên điều hòa hơi thở lần lần nhẹ và không còn thấy nghe hơi thở nữa, đến chỗ chuyên giữ vô niệm làm cứu cánh, tức lần tăng trưởng cái bất khả đắc vậy.”
Nói về niệm thì có hai:
- Niệm bất thiện: ý nghĩ không lành;
- Thiện niệm: ý nghĩ lành.
Bất thiện là vọng niệm, phải trừ dứt nó đi. Thiện pháp chánh niệm không cần phải phục diệt. Chơn chánh tu hành, cần yếu là chánh niệm tăng trưởng sau mới đến rốt ráo thanh tịnh, như người học bắn tập lâu mới thuần thục, không còn tâm tưởng, đi đứng nằm ngồi cùng với định tương ưng, không lo sợ khởi tâm động niệm, cứ vậy mà tấn tu mãi.
Lại nữa, không cần phải tu pháp tam-ma-địa nữa. Sở dĩ gọi là tam-ma-địa vì không có pháp riêng khác, chỉ ngay nơi tự tánh thanh tịnh tâm của tất cả chúng sanh gọi là Đại viên cảnh trí. Trên đến chư Phật, dưới đến các loài cử động, thảy đều bình đẳng, không có thêm bớt, chỉ vì vô minh vọng tưởng, khách trần ngăn che cho nên trôi lăn mãi trong sanh tử không được làm Phật.
Người tu hành nên để tâm thanh tịnh, chớ duyên tất cả các cảnh. Tưởng tượng một vòng tròn sáng vằng vặc như mặt trăng thanh tịnh, cách thân mình bốn thước [1], đối trước mặt mình không cao không thấp, lượng đồng một cánh tay, viên mãn đầy đủ, ánh sắc sáng sạch, trong ngoài rực rỡ. Thế gian không có phương pháp này, ban đầu tuy không thấy, lâu lần tinh thục, dần dà thấy suốt, thấy rồi tức lại quán sát cho mở rộng lần lần từ bốn thước rồi bội tăng thêm cho đến ba ngàn đại thiên thế giới, phân minh rõ ràng.
Khi muốn ra khỏi cảnh quán, như vậy lần lần tóm lại như tướng cũ. Lúc ban đầu mới quán dường như vành mặt trăng tròn, sau rồi chu khắp không còn vuông tròn nữa.
Tu tập quán này được rồi, tức liền chứng Giải thoát tất cả chướng ngại tam-muội. Đặt được tam-muội này gọi là Địa tiền tam hiền. Y đây tiệm tiến biến chu pháp giới như Kinh đã nói gọi là Sơ địa. Sở dĩ gọi sơ địa là vì chứng pháp này, xưa đã chưa được mà nay mới được, sanh đại vui mừng nên gọi là sơ địa hay Hoan hỉ địa. Cũng còn chưa thấu rõ cái tự tánh thanh tịnh tâm này nên chỉ có ba nghĩa dụ như vành trăng tròn sáng:
1.nghĩa là tự tánh thanh tịnh, lìa tham dục cấu nhơ;
2.nghĩa là thanh lương lìa nóng giận phiền não;
3.nghĩa là quang minh sáng suốt, lìa ngu si mờ ám.
Lại nữa, mặt trăng ấy là tứ đại đã thành thì rốt ráo cũng hoại đi vì mặt trăng là người đời ai cũng thấy, lấy đó để làm ví dụ khiến cho người được ngộ nhập. Người tu hành mỗi khi tu tập pháp quán này, quán tập thành tựu không cần rút ngắn, chỉ thấy sáng sạch trong suốt không một vật chi, cũng không thấy thân cùng tâm, muôn pháp bất khả đắc cũng như hư không, cũng không phải là không có thể hiểu giải được vì vô niệm bình đẳng nên nói như hư không chớ chẳng gọi là không tưởng [1], lâu lâu có thể thuần thục, đi đứng nằm ngồi tất cả thời xứ, để ý cùng không để ý, nhậm vận nối nhau tương ưng, không còn ngăn ngại. Tất cả vọng tưởng tham sân si, hết thảy phiền não không nhờ đoạn trừ mà tự nhiên không khởi, tánh thường thanh tịnh. Y đây tu tập thẳng đến thành Phật chỉ có một đường, không có lý nào riêng khác. Đây là đạo nội chứng của chư Phật Bồ-tát, không phải cảnh giới của hàng nhị thừa ngoại đạo.
Tu tập pháp quán này là Hằng hà sa công đức của tất cả Phật pháp, không do cái gì khác mà ngộ, vì một mà suốt hết, tự nhiên thông đạt, hay mở ra một chữ thì diễn nói vô lượng pháp, sát-na ngộ nhập trong các pháp tự tại vô ngại, không khứ lai khởi diệt, tất cả bình đẳng. Người tu hành này lần lần đến tướng thăng tấn, lâu rồi tự mình chứng biết, không phải nay mới dự nói cái chỗ cứu cánh.
Ngài Du-ba-ca-la Tam tạng nói rằng: “Đã hay tu tập một quán thành tựu rồi, nơi trong tâm các ông, có năm thứ tâm nghĩa mà người tu hành phải biết:
1.Sát-na tâm: nghĩa là sơ tâm kiến đạo, một niệm tương ưng, thoạt còn thoạt mất, như đêm tối chớp sáng, tạm hiện rồi liền diệt cho nên nói rằng là sát-na.
2.Lưu chú tâm: đã thấy đạo rồi, mỗi niệm mỗi niệm gia công nối nhau không dứt như dòng nước tuôn chảy, cho nên nói là lưu chú.
3.Cam mỹ tâm: nghĩa là do công phu tích chứa không thôi nghỉ mới được linh nhiên sáng suốt, thân tâm khinh khoái, thư thái nhẹ nhàng, hưởng thụ mùi vị ngọt của đạo cho nên nói cam mỹ.
4.Tồi tán tâm: (bẻ gãy dứt hẳn tâm tán loạn) Tinh cần hoặc hưu phế, cả hai cũng lìa bỏ cho nên nói là tồi tán.
5.Minh cảnh tâm: (tâm như gương sáng) Đã lìa được hoạn tâm tán loạn, thấu đạt được tánh viên minh, tất cả đều vô trước cho nói là minh cảnh.”
Nếu rõ thấu năm tâm, ở đâu tự nghiệm, tam thừa, phàm phu, thánh vị có thể tự phân biệt. Các vị tu hành mới học tu định nên thực hành theo bí mật phương tiện gia trì định pháp của quá khứ chư Phật. Một thể cùng tất cả môn tổng trì tương ưng. Vậy cho nên cần thọ bốn đà-ra-ni này:
Úm, tốc khất xoa phạ nhựt ra [1]
Đà-ra-ni này hay khiến sở quán thành tựu.
Úm, để sắt tra phạ nhựt ra
Đà-ra-ni này hay khiến sở quán không mất.
Úm, sam bát la phạ nhựt ra
Đà-ra-ni này hay khiến sở quán lần lần rộng.
Úm, sam hạ ra phạ nhựt ra
Đà-ra-ni này hay khiến sở quán rộng, lại khiến lần lần thu hẹp như cũ.
Bốn đà-ra-ni như thế là Bà-nga-phạm tự chứng nội pháp (nội pháp tự chứng của đức Thế tôn), là một phương tiện rất sâu mầu để khai thị cho các kẻ tu học mau chứng nhập.
Nếu muốn mau cầu tam-ma-địa này, thường trong tứ oai nghi đi đứng nằm ngồi nên thường tụng đà-ra-ni ấy, dụng công nhớ niệm chớ có tạm bỏ qua, đều rất mau hiệu nghiệm.
Nam mô khể thủ thập phương Phật
Chơn như hải tạng cam lồ môn
Tam hiền thập thánh ứng chơn tăng
Nguyện tứ oai thần gia niệm lực.
Hi hữu tổng trì thiền bí yếu
Năng phát viên minh quảng đại tâm
Ngã kim tùy phần lược xưng dương
Hồi thí pháp giới chư hàm thức.
THIỆN VÔ ÚY TAM TẠNG THỌ GIỚI SÁM HỐI VĂN và
THIỀN MÔN YẾU PHÁP
Hết
---o0o---
Vi tính: Chúc Huy
Trình bày: Anna