Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Phẩm Phân Biệt Tùy miên

17/04/201312:30(Xem: 5722)
5. Phẩm Phân Biệt Tùy miên

Đại cương về Luận Câu Xá

Hòa thượng Thích Thiện Siêu

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế,
PL. 2543 - TL. 1999

-ooOoo-

V. PHẨM PHÂN BIỆT TÙY MIÊN

Nguyên nhân cảm sinh ra thế giới mê vọng có gần và có xa. Nguyên nhân gần là nghiệp như đã nói ở phẩm trên, còn nguyên nhân xa chính là tùy miênđược nói trong phẩm tùy miên này.

Phẩm tùy miên gồm có 69 bài tụng. Tùy miênlà tên khác của phiền nãohay hoặc. Luận Câu-xá 20 nói: Tùy miên có bốn nghĩa: vi tế, tùy tăng, tùy tục, tùy phược.

Khi căn bổn phiền não hiện tiền vẫn khó biết rõ hành tướng của nó nên gọi là vi tế. Nó làm tăng thêm sự hôn ám trầm trệ đối với cảnh nó duyên và những tâm tương ưng với nó nên gọi là tùy tăng. Nó thường theo dõi hữu tình gây ra các tội lỗi nên gọi là tùy tục. Nó thường hiện khởi trói buộc, không muốn, nó vẫn sanh, cố ngăn, nó vẫn khởi nên gọi là tùy phược.

Phẩm này nói rộng về mười thứ tùy miên là tham, sân, si..., cũng nói đến mười thứ triền phược, sáu thứ cấu nhiễm..., Nhưng mười thứ tùy miên có sức mạnh hơn, thường theo dõi loài hữu tình làm tăng thêm sự hôn ám, trầm trệ, nên nêu nó làm tên phẩm.

Toàn phẩm chia ra làm hai phần chính:

1. Thể tánh tùy miên (Hoặc).
2. Đoạn trừ tùy miên.

Xem đồ biểu dưới đây về bố cục phẩm tùy miên.

ĐỔ BIỂU VỀ BỐ CỤC PHẨM TÙY MIÊN

TÙY MIÊN

HOẶC THỂ

CĂN BẢN HOẶC

CHI MẠT HOẶC

Căn bản Hoặc

Các môn Phân biệt

Ước số tăng thêm
Nói về kiến tư đoạn
Nói riêng 5 kiến
Nói về 4 đảo chấp
Nói về 7, 9 mạn
Biến hành phi biến hành.

Lậu vô lậu duyên
2 thứ tùy tăng
2 tánh phân biệt
Căn phi căn
Hoặc hay trói và lìa trói
Hoặc lìa tăng
Thứ lớp khởi hoặc

3 lậu, 4 lưu, 4 ách, 4 thủ

Nêu thể
Giải thích tên

Các kiết
Triền cấu
5 triền cái

Nói về các kiết sử
Phân biệt triềi cấu

CÁC PHIỀN NÃO KHÁC

DỨT HOẶC

4 NGUYÊN NHÂN ĐỌAN
HOẶC 4 THỨ ĐỐI TRỊ,
ĐOẠN HOẶC CHỨNG TỊCH DIỆT
9 ĐỌAN BIẾN TRI

Đoạn 1. TỰ THỂ CỦA HOẶC

* TIẾT 1. CĂN BẢN HOẶC

Những phiền não chiêu cảm quả báo mê vọng đau khổ là phiền não căn bản, hoặc gọi làbản hoặc: những phiền não tùy tùng phiền não căn bản khởi lên gọi là phiền não chi mạt, hoặc gọi là tùy hoặc. Bản hoặc hay tùy hoặc đều thuộc loại phiền não căn bản, vì nó là gốc sanh ra các loại phiền não khác.

Bản hoặc có sáu thứ là tham, sân, si,mạn, nghi, ác kiến. Nếu chia ác kiến ra làm năm thứ là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, thì sẽ có mười căn bản hoặc. Trong đó, nghilà tánh do dự lưng chừng, không nhận định rõ sự lý nhân quả về mặt mê cũng cũng như mặt ngộ. Thân kiếntiếng Phạn gọi là tác-ca-da-kiến, gồm ngã kiến và ngã sở kiến. Đối với thân thể do năm uẩn hòa hiệp tạo thành, không nhận thức rõ như vậy, lại lầm chấp trong đó có một thực thể trường tồn duy nhất chủ tể, đó gọi là ngã kiến. Đối với những sự vật sở hữu của thân, chúng cũng toàn là giả hữu như huyễn, chẳng có tự tha gì cả, thế mà nhận lầm chúng có thật và thuộc về ta, đó gọi là ngã sở kiến.

Biên kiến, đã chấp có thật ngã, tất sẽ chấp sau khi chết, ngã sẽ tồn tại hoặc tiêu ma, chấp lệch lạc một bên như vậy gọi là biên kiến.

Tà kiến, tất cả sự thấy biết sai lệch điên đảo, đều là tà kiến, song lối phủ nhận nhân quả chính đáng và chấp nhận nhân quả tà vạy là nặng hơn hết, tà kiến ở đây chỉ co sự phủ nhận nhân qủa ấy.

Kiến thủ kiến,tức chấp chặt ba thứ thân kiến, biên kiến, tà kiến trên kia cho là đúng, kiến thủ kiến là đầu mối của sự tranh chấp, tranh đấu.

Giới cấm thủ có hai loại:

a. Không phải nhân chấp là nhân, tức chấp trì những cấm giới tà vạy, như giới trâu, giới chó, cho khổ hạnh là nhân để sanh lên cõi trời...

b.Không phải đạo chấp là đạo, tức tin những đạo lý không đưa đến sự giải thoát, như tin tắm nước sông Hằng sẽ rửa sạch phiền lụy; như Phật dạy, giới là viễn nhân đưa đến Niết-bàn, định, huệ mới là cận nhân của Niết- bàn, không tin định, huê.

Kiến có nghĩa là suy tìm, so tính, lấy tâm sở huệ làm thể. Khi tâm sở huệ suy tìm đúng đắn thì gọi là chánh kiến, khi nó suy tìm sai lầm thì gọi là tà kiến.

Trong năm ác kiến này, có ba thứ làm tự thể cho bốn món điên đảo kiến, đó là thân kiến làm tự thể cho điên đảo vô ngã chấp là ngã. Biên kiến làm tự thể cho điên đảo vô thường chấp là thường. Kiến thủ kiến làm tự thể cho điên đảo khổ chấp là vui, bất tịnh chấp là tịnh.

Mạn trong sáu bản hoặc nếu chia ra thì có bảy thứ:

1. Mạn, có tâm cao mạn so sánh, đối với người thua mình, tự cho mình hơn; đối với người bằng mình, tự cho mình bằng.

2. Quá mạn, có tâm cao mạn. Đối với người bằng mình lại cho mình hơn; đối với người hơn mình lại cho mình bằng.

3. Mạn quá mạn, có tâm cao mạn, đối với người hơn mình lại cho mình hơn.

4. Ngã mạn, có tâm chấp ngã, ngã sở rồi sanh ra cao mạn, dương dương tự đắc, dù không công nhiên so sánh hơn thua với người.

5. Tăng thượng mạn, chưa học, chưa tu, chưa chứng lại tự cho đã học, đã tu, đã chứng.

6. Tà mạn, có tâm cao mạn. Tự thị về những kiến giải và cách tu tập tà vạy mà khinh khi lấn lướt người khác.

7. Ty liệt mạn, có tâm cao mạn, mình thua người nhiều, lại tự cho là chỉ thua chút ít, không chịu phục tùng người hơn; hoặc tự mãn với chút ít học thức, đạo đức mà không cầu tiến.

Trong mười bản hoặc, năm thứ tham, sân, si, mạn, nghi gọi là năm độn sử, vì tánh nó trì độn, có căn rễ sâu dày khó trừ. Còn năm thứ ác kiến gọi là năm lợi sử, vì tánh nó mãnh lợi, không có căn rễ sâu dày, đễ đoạn trừ. Hai thứ độn sử và lợi sử này chia lại thành mê lý hoặc và mê sự hoặc. Mê lý là mê làm về đạo lý nhân quả, vô thường,vô ngã, tức đạo lý Tứ Diệu đế; mê sự là mê lầm tham đắm về sự tướng sắc thanh của vũ tr? vạn vật.

Mê lý hoặc cũng gọi là kiến hoặc, có hai nghĩa:

1.Hoặc được đoạn trừ khi thấy rõ chân lý Tứ đế.
2. Kiến là suy lường, hoặc này do suy lường mà có.

Mê sự hoặc cũng gọi là tư hoặc, tu hoặc,có hai nghĩa:

1.Hoặc chỉ được đoạn trừ bởi tư duy tu tập lý Tứ đế, chứ không phải chỉ thấy mà trừ được.
2. Hoặc do tư duy tham đắm thế gian mà có ra.

Xem biểu đồ:

BẢN HOẶC

5 ĐỘN SỬ

Tham
Sân
Si
Mạn

Mê sự hoặc
Tu hoặc
Tư hoặc

Nghi

Mê lý hoặc
Kiến hoặc

5 LƠ ω SỬ

Thân kiến
Biên kiến
Tà kiến
Kiến thủ
Giới cấm thủ

Trên đây, mê lý hoặc tức gọi là kiến hoặc, chia ra có 88 sử. Mê sự hoặc tức gọi là tư hoặc, chia ra 81 bậc (phẩm) giải thích như sau:

1. Mê lý hoặchay kiến hơặc có 88 sử, là căn cứ vào đa số phiền não ở cõi Dục, Sắc và Vô sắc mà quy định. Khi mê lý Tứ đế ở cõi Dục thì sẽ khởi ra 32 sử; mê lý Tứ đế ở cõi Sắc thì khởi ra 28 sử; mê lý Tứ đế ở cõi Vô sắc thì khởi ra 28 sử.

32 sử ở cõi Dục là mê lý Khổ đế khởi lên 10 sử (5 độn sử và năm lợi sử) mê lý Tập đế khởi 7 sử (trong 10 sử trừ thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ), mê lý Diệt đế khởi lên 7 sử (như Tập đế), mê lý Đạo đế khởi lên 8 sử (tức trong 10 sử trừ Thân kiến, biên kiến).

28 sử ở cõi Sắc và Vô sắc là trong số 32 sử của cõi Dục, ở cõi Sắc trừ thêm 4 phiền não sân do mê lý Tứ đế nên còn lại 28 sử. Ở cõi Vô sắc cũng vậy.

Cộng chung tất cả ba cõi có 88 sử do mê lý Tứ đế mà phát sinh, được tóm tắt trong bài tụng:

Khổ hạ cụ nhất thiết (đủ mười sử),
Tập diệt các trừ tam (thân,biên, giới),
Đạo đế trừ nhị kiến (thân, biên),
Thượng nhị bất hành sân (như cõi Dục trừ sân).

2. Mê sự hoặc:hay tu hoặc có 81 phẩm (bậc). Ở đây chia ba cõi ra làm chín địa, mỗi địa có chín bậc tu hoặc. Như vậy, 9x 9= 81 phẩm.

Cõi Dục gồm chung cả năm loài: trời,người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh ở xen lộn thành một địa gọi là ngũ thú tạp cư địa.Cõi Sắc có bốn địa là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Cõi Vô sắc cũng có bốn địa: Không vô biên xứ địa, Thức vô biên xứ địa, Vô sở hữu xứ địa và Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa.

Xem biểu đồ sau:

81 TƯ HOẶC

DỤC
(Tham, sân, si, mạn)

Ngũ thú tạp cư, 9 phẩm

SẮC
(Tham, si, mạn)

Ly sanh hỷ lạc, 9 phẩm
Định sanh hỷ lạc, 9 phẩm
Ly hỷ diệu lạc, 9 phẩm
Xả niệm thanh tịnh, 9 phẩm

VÔ SẮC
(Tham, si, mạn)

Không vô biên xứ, 9 phẩm
Thức vô biên xứ, 9 phẩm
Vô sở hữu xứ, 9 phẩm
Phi tưởng phi phi tưởng xứ, 9 phẩm

Như vậy, tự thể của tư hoặc ở cõi Dục có bốn thứ là tham, sân, si, mạn; ở cõi sắc có ba thứ là tham, si, mạn, ở cõi vô sắc cũng có ba thứ là tham, si, mạn. Cộng cả ba cõi thành mười thứ tư hoặc, mười tư hoặc này cộng với 88 sử thuộc kiến hoặc thành 98 sử, được gọi là căn bản phiền não. Xem biểu đồ sau:

98 SỬ

DỤC

KHỒ ĐẾ, 10 sử, từ tham đến giới thủ
TẬP ĐẾ, 7 sử (trừ thân, biên, giới)
DIỆT ĐẾ, 7 SỬ (...nt...)
ĐẠO ĐẾ, 8 SỬ (trừ 2 kiến thân, biên)
TU SỞ ĐOẠN, 4 sử: tham, sân, si, mạn

Kiến đoạn, 32

Tu đoạn, 4

36 Sử

SẮC

KHỒ ĐẾ, 9 sử (như Dục, trừ sân)
TẬP ĐẾ, 6 sử (trừ sân, biên, giới)
DIỆT ĐẾ, 6 sử (...nt...)
ĐẠO ĐẾ, 7 sử (trừ thân, biên, sân...)
TU SỞ ĐOẠN, 3 sử (trừ tham, si, mạn)

Kiến đoạn, 28

Tu đoạn, 3

31 Sử

VÔ SẮC

KHỒ ĐẾ, 9 sử (như dục, trừ sân)
TẬP ĐẾ, 6 sử (trừ thân, biên, giới)
DIỆT ĐẾ, 6 sử (...nt...)
ĐẠO ĐẾ, 7 sử (trừ thân, biên, sân...)
TU SỞ ĐOẠN, 3 sử: tham, si, mạn

Kiến đoạn, 28

Tu đoạn, 3

31 Sử

Hỏi:Trong 98 phiền não căn bản đó, bao nhiêu thuộc tánh bất thiện, bao nhiêu thuộc tánh hữu phú vô ký?

Đáp:Các phiền não căn bản của hai cõi Sắc và Vô sắc, và thân kiến, biên kiến của cõi Dục,cùng với si tương ưng với hai cõi này khởi lên, tất cả đều thuộc tánh hữu phú vô ký. Còn lại tất cả căn bản phiền não ở cõi Dục đều thuộc tánh bất thiện. Hai cõi trên ở trong định, tuy vẫn còn phiền não, nhưng chúng bị ép dưới định, không đủ khả năng chiêu cảm quả dị thục khổ báo, nên chúng chỉ thuộc hữu phú vô ký.

Lại nữa, thân kiến, biên kiến của cõi Dục cùng phiền não si tương ưng với nó khởi lên, chỉ chấp lấy tự thân khởi vọng kiến ngã, ngã sở hay chấp đoạn, chấp thường...Nó không làm tổn hại ai nên thuộc tánh vô ký, chứ không phải bất thiện. Bởi lẽ khi chấp thân ta là thường, thì sợ thân ta ngày sau chịu khổ, nên hiện tại cố gắng tu hành, trì giới, bố thí...để được sanh trong hàng trời, người, hưởng lạc. Khi chấp thân ta sẽ đoạn diệt thì tương lai chính thân ta cũng không còn huống gì là của cải (ngã sở), nên cũng có thể vì thế gắng tu để được giải thoát.

Hỏi:Các hoặc thuộc tánh bất thiện, bao nhiêu thứ là bất thiện căn, bao nhiêu thứ không phải là bất thiện căn?.

Đáp:Bất thiện căn có ba nghĩa (Tỳ-bà-sa 11 nêu 5 nghĩa):

- Tánh chất chỉ là bất thiện.
- Phiền não căn bản.
- Làm gốc cho tất cả pháp bất thiện.

Nay trong 98 căn bản phiền não, cái được gọi là bất thiện căn là chỉ cho tất cả tham, sân, của cõi Dục cùng phiền não si thuộc tánh bất thiện (không phải si thuộc hữu phú vô ký). Những phiền não khác không hội đủ ba yếu nghĩa nói trên, nên không gọi là bất thiện căn.

Hỏi:Trong 98 bản hoặc, có bao nhiêu thứ chỉ tương ưng với đệ lục ý thức và có bao nhiêu thứ tương ưng chung với cả sáu thức để khởi lên.

Đáp:88 sử thuộc kiến hoặc và tất cả "mạn" thuộc tư hoặc chỉ nương nơi ý thức thứ sáu để khởi lên, còn tất cả phiền não thuộc tu sở đoạn, tức ba thứ tu hoặc tham, sân, si của cõi Dục, và tham, si của cõi Sắc và cõi Vô sắc đều nương chung cả sáu thức mà khởi lên. Nếu phân biệt về mười bản hoặc, thì 7 thứ là 5 ác kiến cùng "nghi, mạn" chỉ nương ý thức thứ sáu mà khởi lên; còn ba thứ tham, sân, si thì nương chung cả sáu thức mà khởi lên.

Hỏi:10 bản hoặc tương ưng với 5 thọ khổ, lạc, ưu, hỷ, xả là thế nào?

Đáp:Cứ nói riêng 10 bản hoặc của cõi Dục, tất cả đều tương ưng với xả thọ; còn đối với khổ, lạc, ưu, hỷ thì sự tương ưng không đồìng. Nếu tham đối với cảnh khả ý, thì nương cả sáu thức khởi, nên tương ưng với lạc và hỉ thọ, vì nương năm thức khởi thì có lạc thọ tương ưng, khi nương ý thức khởi thì có hỉ thọ tương ưng. Nếu sân đối với cảnh bất khả ý, cũng nương cả sáu thức khởi, nên tương ưng với khổ và ưu thọ, vì khi nương 5 thức trước thì có khổ thọ tương ưng, khi nương ý thức khởi thì có ưu thọ tương ưng. Nếu khi si đối với cảnh không khổ không vui, cũng nương cả 6 thức khởi, nên tương ưng với cả khổ, lạc, ưu, hỉ, thọ vì si khi nương 5 thức trước khởi, thì tương ưng với khổ hoặc lạc thọ; khi nương ý thức khởi, thì tương ưng với ưu hoặc hỷ thọ. Nếu si chỉ nương ý thức khởi tâm sầu muộn, thì chỉ tương ưng với ưu thọ. Bởi si hay do dự đối với tiền cảnh, nên sanh ưu sầu. Tà kiến chỉ nương ý thức khởi, tùy khi vui hoặc buồn mà có, tương ưng với hỉ hoặc ưu thọ. Như khi tạo ác nghiệp lại khởi lên tà kiến, cho rằng chẳng có quả báo đau khổ nên không sợ, thì khi đó có hỉ thọ tương ưng. Nếu khi tạo thiện nghiệp lại khởi lên tà kiến, cho rằng không có qủa báo phước đức gì, làm lành cũng uổng thôi, thì khi đó có ưu thọ tương ưng. Ngoài ra, 5 phiền não là mạn, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, chỉ tương ưng với hỉ thọ, vì nó nương ý thức thứ 6 khởi, chỉ vận chuyển theo tâm trạng hoan hỷ vậy.

Tóm lại, căn bản hoặc là nguyên nhân gồm cả kiến hoặc và tư hoặc. Kiến hoặc có 88 sử, tư hoặc có 81 phẩm, nhưng thật thể chung cục của tư hoặc chỉ có 10 tùy miên, đó là 5 độn sử và 5 lợi sử. Trong đó, 5 lợi sử lấy huệ tâm sở làm thật thể, nên gom lại không quá sáu thứ. Sáu thứ tùy miên này thuộc vào những tâm sở nào trong 46 tâm sở. Xem đồ biểu sẽ rõ:

6 TÙY MIÊN CĂN BẢN

Tham

Bất định pháp

Sân

Đại phiền não địa pháp

Si

Đại phiền não địa pháp

Mạn

Bất định pháp

Nghi

Bất định pháp

Ác kiến

Đại địa pháp

* TIẾT 2: CHI MẠT HOẶC (Tùy phiền não)

Hỏi:Phiền não chi mạt như thế nào?

Đáp: Khi tạo nghiệp ác nơi thân, miệng, ý, bên trong nội thân không những khởi lên 10 căn bản hoặc như tham, sân, si,v.v... mà còn có 19 thứ chi mạt hoặc tùy tùng theo nó nổi lên, đó là:

1. Phóng dật:Tánh phóng túng, lêu lỏng, không để ý ngăn ngừa điều dữ, không để ý làm điều thiện.
2. Giải đãi: Tánh lười nhác không cố gắng trong việc bỏ ác làm lành.
3. Bất tín:Tánh uế trược không tin tưởng đạo lý nhân quả chân chánh.
4. Hôn trầm:Tánh hôn ám, trầm trệ, bất kham các việc lành.
5. Trạo cử:Tánh dao động, không điềm tĩnh đối với cảnh vật đang tiếp xúc.
6.Vô tàm:Tánh không biết tự hổ đối với những tội lỗi mình đã gây, lại không biết tùy thuận, sùng kính đối với những pháp công đức, như giới, định, tuệ và các bậc sư trưởng.
7. Vô quý: Tánh không biết thẹn với người khi mình gây tội lỗi, và không biết e dè, sợ hãi các điều tội lỗi, mà các bậc cao đức thường chê bai răn dạy.
8. Phẫn:Tánh nổi giận trước những sự bất bình, tổn hại, do loài vật và hoàn cảnh gây ra.
9. Phú:Tánh ưa che dấu những tội lỗưi mình làm vì sợ mất danh dự.
10. Xan:Tánh keo kiệt, đắm say các tài vật và sở học có được không san xẻ cho người.
11. Tật:Tánh ghen ghét, chỉ muốn tài lợi, danh dự về cả cho mình, không muốn thấy người khác có.
12.Thụy miên:Tánh hôn muội uể oải.
13. Hối:Tánh hối hận những điều mình đã làm. (từ số 4 đến 13 là triền).
14. Não:Tánh nóng nảy bực bội không chịu nghe theo lời can dạy về các điều quấy của mình.
15. Hại:Tánh hung dữ, làm những điều bức hại, đánh mắng kẻ khác.
16. Hận:Tánh ngậm hờn kết oán đối với những việc đã làm cho mình nổi giận.
17. Siểm:Tánh dua nịnh bợ đỡ, làm bộ tịch cúi lòn, chiều theo ý người không kể gì phẩm giá mình.
18. Cuống:Tánh ưa làm mê hoặc dối trá người, mưu tính, bịa đặt, cách thức để lừa gạt sự hiểu biết của người khác.
19. Kiêu:Tánh kiêu ngạo chấp nê những gì mình có cho là hơn cả.

(Từ số 14 -19 là cấu uế).

Trong 19 thứ chi mạt hoặc này, 5 thứ phóng dật, bất tín, hôn trầm, trạo cử, giải đãi thuộc về đại phiền não địa pháp. Bất cứ lúc nào, hễ tâm nhiễm ô khởi lên, thì cũng có nó tương ưng khởi theo. Hai thứ vô tàm, vô quý thuộc loại đại bất thiện địa pháp, hễ tất cả tâm bất thiện khởi lên, thì đều có nó tương ưng khởi theo. 10 thứ từ phẩn (số 8) đến kiêu (số 19); trừ hối và thụy miên (số 12, 13) thuộc tiểu phiền não địa pháp. Hai thứ hối, miên thuộc bất định địa pháp.

19 chi mạt hoặc này cũng gọi là tùy phiền não. Vì sao? Vì nó tùy tùng căn bản phiền não gây não loạn thân tâm chúng sanh nên gọi là tùy phiền não.

Hỏi:10 tùy phiền não đều có mặt ở ba cõi ư?

Đáp:Hai thứ cuống và siểm chỉ giới hạn ở cõi Dục và Sơ thiền cõi Sắc; 6 thứ phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm, trạo cử, kiêu ở cả ba cõi đều có. Riêng cõi Dục thì có đủ cả 19 thứ.

Hỏi:Phân biệt 19 thứ tùy phiền não trong ba cõi về ba tánh thiện, ác và vô ký như thế nào?

Đáp:Tại cõi Dục, 6 thứ phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm, trạo cử và kiêu thông cả hai tánh bất thiện và hữu phú vô ký. Các thứ còn lại đều thuộc tánh bất thiện. Tại cõi Sắc 8 thứ là phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm, trạo cử, kiêu, cuống, siểm và tại cõi Vô sắc có 6 thứ là phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm, trạo cử, kiêu chỉ thuộc tánh hữu phú vô ký.

Hỏi:Các căn bản phiền não được đoạn trừ do kiến đạo và tu đạo, còn tùy phiền não này được đoạn trừ như thế nào?

Đáp:8 thứ phóng dật, bất tín, hôn trầm, giải đãi, trạo cử, vô tàm, vô quý, thùy miên được đoạn trừ do cả kiến đạo và tu đạo. Nghĩa là thứ nào tương ưng với căn bản kiến hoặc thì được đoạn trừ bởi kiến đạo; thứ nào tương ưng với căn bản tu hoặc thì do tu đạo đoạn trừ. Còn lại 11 thứ kia là những thứ tự do phát khởi, không tùy thuộc vào phiền não khác, chỉ tương ưng với vô minh thôi, nên những thứ này chỉ do tu đạo mới đoạn được.

Hỏi:Tâm vương có 6, từ nhãn thức đến ý thức, 19 tùy phiền não này, bao nhiêu thứ khởi theo ý thức, bao nhiêu thứ khởi theo cả 6 thức?

Đáp:Có 7 thứ là phóng dật, bất tín, giải đãi, hôn trầm, trạo cử, vô tàm, vô quý cùng khởi theo cả sáu thức. 12 thứ còn lại chỉ khởi theo ý thức. Tại sao vậy? Bởi 5 thứ phóng dật,bất tín, hôn trầm, giải đãi, trạo cử, thuộc đại phiền não địa pháp, nó thông khắp tất cả nhiễm tâm, nên bất cứ một thức nào trong 6 thức khi khởi tâm ô nhiễm, thì nhất định có nó khởi theo. Còn vô tàm vô quý thuộc đại bất thiện địa pháp, nó thông khắp tất cả tâm bất thiện, nên bất cứ khi nào tâm bất thiện khởi lên, nhất định đều có nó khởi theo. Riêng 10 thứ từ phần (số 8) đến (số 19) trừ hối, miên (số 12, 13) thuộc tiểu phiền não địa pháp, nó có đủ bốn tính cách:

Chỉ do tu mới đoạn được.
Chỉ khởi theo ý thức.
Chỉ tương ưng với vô minh.
Riêng biệt nhau hiện khởi.

Như vậy, 10 thứ này chỉ khởi lên theo ý thức. Hối và miên thuộc bất định địa pháp, hối thì dùng tâm phân biệt những điều đã làm, miên là tâm hôn muội giản lược, nên hai thứ này cũng chỉ khởi lên theo ý thức, chứ không khởi lên theo 5 thức trước.

Hỏi:19 tùy phiền não này tương ưng với 5 thọ như thế nào?

Đáp: Cả 19 thứ đều tương ưng với xả thọ. Nhưng đối với khổ thọ, lạc thọ, ưu thọ, hỷ thọ thì khác. 6 thứ phóng dật, bất tín, hôn trầm, giải đãi, vô tàm, vô quý, vì khởi theo với cả 5 thức, nên tương ưng với cả bốn thọ, khổ, lạc, ưu, hỷ. Cò 6 thứ phẫn, hận, hại, não, tật, hối vì chỉ khởi theo ý thức, nên chỉ tương ưng với ưu thọ, hỷ thọ. Vì nếu không cùng với tâm hoan hỷ mà siểm, cuống, phú miên thì tương ưng với hỷ thọ, còn khi với tâm u buồn mà siểm, cuống, phú miên thì tương ưng với ưu thọ. Riêng một thứ xan chỉ khởi theo ý thức tâm vui thích, nên chỉ tương ưng với hỷ thọ. Đây là kể từ Nhị thiền trở xuống. Nếu ở Tam thiền chỉ tương ưng với lạc thọ, vì tại Tam thiền cả giới lẫn địa đều cao hơn, có sự hoan hỷ tột bực, nên chỉ có lạc thọ mà thôi.

PHIỀN NÃO PHÁT SANH

Hỏi:Các phiền não vừa nêu làm thế nào khởi lên được?

Đáp: Do ba nhân duyên các phiền não phát khởi, đó làsức nhân, sức cảnh giới, và sức Gia hạnh.

1. Do sức nhân: Như trong khi khởi lên lòng tham là do hạt giống tham sẵn có trong tâm chưa bị dứt, chưa biết khắp đủ (vị đoạn, vị biến tri). Nếu đã dứt và đã biết đủ thì gọi là dĩ đoạn, dĩ biến tri.

2. Do cảnh giới: Tức là sự vật đối với thích hợp lòng tham hiện ra trước mắt.

3. Do gia hạnh: Tức là sự phân biệt sai lệch đối tượng sự vật (phi lý tác ý, nếu tác ý lạc thanh tịnh thì gọi là như lý tác ý).

Sức nhân là hạt giống nhân, cảnh vật đối tượng và phi lý tác ý là duyên, tức đủ nhân duyên thì các phiền não phát sinh.

* TIẾT 3: CÁC PHIỀN NÃO (Tạp minh chư phiền não)

Tất cả phiền não đều gom lại trong hai loại là căn bản và chi mạt. Thể tánh của nó, như đã nói, nhưng trong các kinh luận lại thường nêu ra ba lậu, bốn bộc lưu, bốn ách, bốn thủ, năm thuận hạ phần kiết sử, năm thuận thượng phần kiết sử, chín kiết, mười triền, sáu cấu, năm cái. Những thứ này chẳng phải nằm ngoài hai loại căn bản và chi mạt phiền não?

Đây, trước biện minh tự thể của chúng, sau đó mới nói rõ chúng thuộc vào căn bản và chi mạt như thế nào?

1. Ba lậu:Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Ba loại lậu này làm cho loài hữu tình lưu chuyển trong vòng sanh tử, lại thường tiết lậu các xấu xa ô nhiễm ra ở sáu căn không biết khi nào dứt.

a. Dục lậu: Chỉ cho hoặc lậu ở cõi dục. Lấy 41 hoặc thuộc cõi Dục làm tự tánh. 41 hoặc ấy lấy 36 căn bản hoặc thuộc cõi Dục (Xem Biểu đồ 98 sử, phần cõi Dục ở đoạn trước), trừ 5 phiền não si trong 5 bộ pháp (5 bộ pháp là các lậu hoặc đoạn trừ do kiến đạo về Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế là 4, cộng với các lậu hoặc đoạn trừ do tu đạo Là 5). Còn lại 31. Cộng thêm 10 triền cái thuộc chi mạt hoặc là vô tàm, vô quý, thụy miên, trạo cử, hôn trầm, xan, tật, phẫn, phú, hối thành 4 1ậu hoặc.

b. Hữu lậu: Chỉ các lậu hoặc ở cõi Sắc và Vô sắc. Lấy 52 hoặc của cõi này làm tự tánh. 52 hoặc là lấy 31 hoặc của cõi Sắc (xem đồ biểu 98 sử ở trên, phần cõi Sắc) trừ 5 phiền não si của trong bộ pháp, còn lại 26, như vậy 26 + 26 = 52. Những phiền não của cõi trên gọi là hữu lậu vì có ba tánh cách:

(a) Tánh hữu phú vô ký.
(b) Đồng chuyển hiện bên trong, vì đây đa phần duyên định và nội thân mà phát hiện, chứ ít duyên ngoại sắc như cảnh Dục.
(c) Đồng nương định địa phát khởi (xem đồ biểu 9 - phần Cõi Sắc và Vô sắc trên).

c. Vô minh lậu: Lấy 51 phiền não si khởi lên ở xả ba cõi làm tự tánh. Trong tất cả điều ác, tách riêng si thành một lậu, vì si là cội gốc sanh tử trong ba cõi.

2. Bốn bộc lưu:Bốn dòng nước cuốn, là dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu. Tánh nó hay nhận chìm chúng sanh, nhận chìm pháp lành, nên gọi là bộc lưu.

- Dục bộc lưu: Chỉ phiền não thuộc cõi Dục, thể nó có 29, tức lấy 41 hoặc thuộc lậu, trừ đi 5 kiến Khổ đế, 2 kiến thuộc Tập đế, 3 kiến thuộc Diệt đế, 3 kiến thuộc Đạo đế, ở cõi Dục (cộng thành 12 kiến). Vậy, 41 - 12 = 29 hoặc, gọi đó là dục bộc lưu.

- Hữu bộc lưu: Chỉ những phiền não ở hai cõi Sắc và Vô sắc, tự thể nó có 28, tức lấy 52 hoặc thuộc hữu lậu trên kia, trừ đi 24 kiến của cõi Sắc và Vô sắc, còn lại 28 hoặc, gọi đó là hữu bộc lưu.

- Kiến bộc lưu: Chỉ tất cả các tâm khởi lên bởi mê 5 bộ pháp (kiến đạo Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế là 4, thêm tu đạo là 5) cả trong ba cõi.

Thể của nó có 36 kiến, và nó rất nhạy bén, nên từ trong các hoặc lậu tách riêng nó ra thành một bộc lưu.

- Vô minh bộc lưu: Tức 15 phiền não si khởi lên bởi mê 5 bộ pháp trong ba cõi, tương đồng với vô minh.

3.Bốn ách: Là dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách. Hay buộc loài hữu tình vào dưới ách các sự khổ. Tự thể của nó cũng giống như bốn bộc lưu nói trên.

4.Bốn thủ:Dục thủ, ngã ngữ thủ, giới cấm thủ, kiến thủ.

a. Dục thủ:Tham dục thủ trước đối với 5 trần sắc, thanh, hương, vị, xúc và nó là phiền não thuộc cõi Dục.Tự thể nó có 34 thứ, tức là 24 căn bản phiền não thuộc cõi Dục, cộng thêm mười triền là vô tàm, vô quý..., thành ra 34. 24 căn bản phiền não đây là trong 5 bộ pháp đều có tham, sân, si, mạn nhân thành 20, cộng thêm 4 phiền não nghi vì mê bốn đế, thành 34.

b. Ngã ngữ thủ:Chỉ cho căn bản hoặc của hai cõi trên. Tự thể nó có 38, tức là tham, si, mạn trong 5 bộ pháp của hai cõi trên, nhân thành 30. Cộng thêm 8 phiền não nghi bởi mê bốn đế ở hai cõi trên thành 38. Ngã ngữ chỉ nội thân. Các phiền não của hai cõi trên phát sinh không phải duyên theo ngoại cảnh mà là duyên theo nội thân, nhưng nội thân vốn không có thật ngã, chỉ có ngã trên danh ngôn. Chấp thủ cái ngã danh ngôn đó gọi là ngã ngữ thủ.

c. Giới cấm thủ:Là thứ phiền não có ở cả ba cõi. Tự thể nó có 6, tức giới cấm thủ trong Khổ đế và Đạo đế ở cả ba cõi. Nhưng vì sao lại lập riêng thứ này? Vì giới cấm thủ có nghĩa là phi đạo mà chấp là đạo, rất trở ngại cho thánh đạo, lại làm cho kẽ tại gia và xuất gia đều bị lầm gạt.

d. Kiến thủ: Tự thể nó là 30 kiến, tức lấy 36 kiến của ba cõi trừ đi 6 giới cấm thủ nơi Khổ đế và Đạo đế của ba cõi.

5. Năm thuận hạ phần kết:Là tham, sân, thân kiến, giới cấm thủ, nghi.

- Tham: Chỉ tâm tham ái ở cõi Dục. Tự thể nó có 5, tức phiền não tham trong 5 bộ pháp của cõi Dục.
- Sân: Tự thể nó có 5 tức 5 phiền não sân trong 5 bộ pháp thuộc cõi Dục.
- Thân kiến: Tự thể nó có 3, tức thân kiến được đoạn trừ khi thấy Khổ đế của ba cõi.
- Giới cấm thủ: Tự thể nó là 6 giới ở ba cõi được đoạn trừ khi thấy Khổ đế và Đạo đế của ba cõi.
- Nghi: Tự thể nó có 11, chỉ cho 11 nghi ở ba cõi, được đoạn trừ khi thấy lý Tứ đế.
- Kiết: Là phiền não, 5 thứ này gọi là thuận hạ phần vì hai lẽ:

a. Hạ là chỉ cõi Dục vì ở dưới hai cõi Sắc, Vô sắc, mà dục là một phần trong ba cõi, nên gọi là hạ phần. 5 thứ này có tánh thuận hợp lôi kéo chúng sanh vào trong cõi Dục, nếu có dứt trừ tham sân và được sanh cõi Sắc, thì ba thứ thân kiến, giới cấm thủ, nghi vẫn lôi kéo phải sanh lại cõi Dục. Ví như kẻ bị nhốt ngục, trốn thoát khỏi hai người giữ ngục vòng trong, lại bị ba kẻ tuần phòng vòng ngoài bắt đem giam lại.

b. 5 thứ này khởi lên và được đoạn trừ do hàng hạ nhân là kẻ phàm phu dị sanh và Dự lưu, Nhất lai.

6. Năm thuận thượng phần kết: Là sắc tham, vô sắc tham, trạo cử, mạn, vô minh.

a. Sắc tham:Là tham ái về cõi Sắc, tự thể nó chỉ có một, đó là lòng tham ái cõi Sắc, được đoạn trừ khi tu Tứ đế.

b. Vô sắc tham:Là lòng tham ái về cõi Vô sắc, tự thể nó cũng chỉ có một như trên.

c. Trạo cử:Chỉ cho chi mạt phiền não thuộc cõi Sắc và Vô sắc, tự thể nó có hai, tức hai trạo cử của hai cõi trên, được đoạn trừ khi tu Tứ đế.

d. Mạn: Chỉ cho phiền não của hai cõi trên, tức hai mạn của hai cõi trên, chỉ nhờ tu đạo mới dứt trừ.

đ. Vô minh:Chỉ phiền não si của hai cõi trên.

Thuận thượng phần kết cũng vì do hai lẽ:

a. Hai cõi Sắc, Vô sắc ở trên và một phần trong ba cõi nên gọi là thượng phần. 5 thứ phiền não nầy theo cõi trên, buộc chúng sanh sanh vào hai cõi trên, chứ không làm chúng sanh sanh xuống cõi Dục, cũng không làm cho được giải thoát khỏi ba cõi.

b. Năm thứ này được khởi lên và đoạn trừ do hàng thượng nhân, tức hàng Thánh giả Bất hoàn, chứ không phải hàng phàm phu, Dự lưu, Nhất lai, vì hai bậc này còn phải sanh lại xuống cõi Dục. Vì hai lẽ đó mà gọi là thượng thuận phần kết.

7. Chín kết: Đó là ái, nhuế, mạn, vô minh, kiến, thủ, nghi, tật, xan. Vì nó hay ràng buộc chúng sanh dính liền với sự khổ ở cõi Dục, khó lìa ra được, nên gọi là kiết. Trong đây, kiến kiếtchỉ cho thân kiến, biên kiến, tà kiến; thủ kiếtchỉ cho kiến thủ, giới cấm thủ. Hai thủ này là năng chấp thủ, còn ba kiến kia là bị chấp thủ. Do đó, 5 ác kiến lại chia làm hai kiến kiết và thủ kiết.

Hỏi:Trong các tùy phiền não, tại sao chỉ lập xan và tậtlàm kiết?

Đáp:Vì xan và tật có tánh cách quá xấu sau đây:

1. Thường hiện hành.
2. Làm nguyên nhân cho nghèo hèn (Xan làm nguyên nhân cho nghèo, tật làm nguyên nhân cho hèn).
3. Khắp làm tỏ rõ tùy hoặc, tức chính tật tương ưng với ưu làm cho tùy hoặc "lo lắng" (thích) tỏ rõ cùng khắp; xan tương ưng với hỷ làm cho tùy hoặc "hân hoan" tỏ rõ cùng khắp.
4. Làm não loạn hai chúng tại gia và xuất gia.Tại gia bị xan tật tài sản làm não loạn; xuất gia bị xan tật giáo pháp làm não loạn.
5. Làm não loạn đức thù thắng của hàng nhân, thiên.
6.Làm não loạn chúng bạn mình và chúng bạn người; xan làm não loạn chúng bạn mình; tật làm não lạon chúng bạn người.

8. Mười triền:Là mười thứ trói buộc chúng sanh vào ngục sanh tử, và làm nhân khởi lên các hành động ác, do đó khiến chúng sanh bị trói buộc vào đường ác, nên gọi là triền. Nhưng nói rộng thì tất cả phiền não, dù là căn bản hay chi mạt, đều gọi là triền được cả. Nên cũng có chỗ gọi tham, sân, si là 3 triền.

10 triền là vô tàm, vô quý, tật, xan, hối, miên, trạo cử, hôn trầm, phẫn, phú. Nó là chi mạt hoặc từ căn bản hoặc phát sanh; như vô tàm, xan, trạo cử là từ tham sanh; vô quý, tùy miên, hôn trầm là từ vô minh sanh, tật và phẫn từ sân sanh; hối là ố tác từ nghi sanh; phú từ si hoăc từ cả tham và nghi sanh.

9. Sáu cấu:Cấu là nhơ bẩn cũng là tên khác của phiền não. Sáu cấu là não, hại, hận, siểm, cuống, kiêu. Cuống và kiêu từ tham sanh, hại và hận từ sân sanh. Não từ kiến thủ sanh. Siểm từ các kiến sanh.

10. Năm cái:Với các phiền não và tùy phiền não nói trên, có một lúc Phật gọi theo cách khác là cái.Gồm có 5 thứ: tham dục, sân nhuế, hôn miên, trạo hối, nghi. Năm thứ này thường che lấp tâm tánh, ngăn che Thánh đạo, chướng ngại định huệ, không phát sanh được các thiện pháp, không khai mở được thiện tâm thanh tịnh, nên gọi là cái.Nó chỉ có ở cõi Dục, không có ở hai cõi trên vì nó thuần là phiền não bất thiện, mà hai cõi trên thì không có bất thiện. Mặc dù có chỗ nói tự thể của ba thứ hôn trầm, trạo cử, nghi thông cả ba cõi, song ở đây nói nó chỉ có ở cõi Dục, vì nó có hai thứ tùy miên đi kèm với hôn trầm, hối đi kèm với trạo cử, nên nó trở nên mạnh đủ khả năng che lấp (cái) và chỉ có ở cõi Dục. Bởi với tham dục thì tu bất tịnh quán đối trị, với sân nhuế thì tu từ bi quán đối trị, với nghi thì tu nhân duyên quán đối trị, hôn trầm vì có tánh cách hôn ám uể oải nên tu quang minh tưởng để đối trị, trạo hối vì có tánh không tịch tịnh nên tu xa-ma-tha (chỉ) để đối trị.

Tóm lại, 4 lậu, 4 bộc lưu, 4 ách v.v...tuy có nhiều thứ nhưng cũng đều từ căn bản hoặc hoặc chi mạt hoặc tùy nghi chia ra hay hợp lại với những tên gọi sai khác theo tánh chất của chúng, chứ không phải chúng tách ngoài căn bản hoặc và chi mạt hoặc mà có được.

Những phiền não trên thường trói buộc chúng sanh trong ba cõi suốt qua ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai.

Hỏi:Nói phiền não trói buộc chúng sanh trong ba đời như vậy thì quá khứ và vị lai thật có như hiện tại hay không thật có mà có thể có sự trói buộc đó? Nếu pháp quá khứ vị lai là thật có, tất nó có mãi mãi, vậy nên nói nó là thường? Nếu thật là không thì đâu có thể có việc trói buộc và bị trói buộc cùng sự thoát ly trói buộc? Nói cách khác nếu pháp không thật có thì không có luân hồi và sự giải thoát luân hồi?.

Đáp:Các pháp trong ba đời thật có hay thật không đã trở thành vấn đề tranh luận gay gắt giữa các bộ phái. Nổi bậc nhất là Hữu bộ và Kinh bộ. Hữu bộ chủ trương "ba đời thật có", "pháp thể hằng có" và trưng dẫn kinh giáo và chánh lý để làm chứng. Ngược lại Kinh bộ chủ trương "Quá, vị không thật thể, hiện tại thật có" cũng trưng dẫn kinh giáo và chánh lý để làm chứng. Hữu bộ đã có những dẫn chứng sau đây:

Dẫn chứng 1:Kinh Tạp A-hàm cuốn 3 nói: "Bấy giờ Thế Tôn cáo chư Tỷ-kheo: Sắc quá khứ, vị lai còn vô thường, huống là sắc hiện tại? Thánh đệ tử đa văn, quán sát như vậy xong, không tiếc nuối sắc quá khứ, không mong cầu sắc vị lai, đối với sắc hiện tại thì nhàm chán xa lìa, muốn dứt trừ để tịch tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy". Và luận Chánh lý đã giải rõ câu này như sau: "Đức Thế Tôn bảo sắc quá khứ, vị lai còn vô thường như vậy, huống gì sức hiện tại, nếu quán sát rõ được vô thường như vậy, thời Thánh đệ tử đa văn đối sắc quá khứ mới siêng tu nhàm chán dứt trừ tâm tiếc nuối, đối với sắc vị lai mới siêng tu để dứt trừ tâm mong cầu, và đối với sắc hiện tại thì siêng tu để nhàm chán xa lìa. Nếu sắc quá khứ không thật có thì Thánh đệ tử đa văn không nên đối với sắc quá khứ siêng tu yếm xả, nhưng vì sắc quá khứ là thật có, Thánh đệ tử đa văn mới nên siêng tu yếm xả, nếu sắc vị lai không thật có, thì Thánh đệ tử đa văn không nên siêng tu để dứt tâm mong cầu đối với sắc vị lai; nhưng vì sắc vị lai là thật có, Thánh đệ tử đa văn mới nên siêng tu để dứt tâm mong cầu đối với sắc vị lai". Do đó biết sắc quá khứ vị lai là không thật có.

Dẫn chứng 2: "Vì hai duyên sanh". Khi tâm thức sanh khởi phải dựa vào hai duyên mới sanh khởi được như kinh Tạp A-hàm cuốn 8 nói: "Thế Tôn cáo Tỷ-kheo: Có hai nhân duyên sanh thức, những gì là hai? Đó là mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp". Nếu giả sử quá khứ vị lai không thật có thì ý thức duyên quá khứ vị lai thiếu mất hai trợ duyên, có nghĩa là ý căn làm chỗ dựa cho ý thức vốn ở quá khứ, nếu quá khứ không có, tự nhiên thiếu mất cái trợ duyên của ý căn; còn pháp trần là đối tượng của ý thức nó vốn thông cả quá khứ, vị lai,nếu quá khứ vị lai không có, tự nhiên ý thức thiếu mất cái trợ duyên của pháp trần. Hai duyên đều thiếu, thời ý thức nương ý căn duyên pháp trần không sanh khởi được. Nhưng sự thật không như vậy, cho nên biết quá khứ vị lai không thật có.

Dẫn chứng 3: "Vì thức có cảnh". Khi sự nhận thức sanh khởi, nhất định phải có cảnh làm đối tượng. Trước thấy có cảnh sau thức mới sanh, như đức Thế Tôn nói: "Mỗi thức nhận biết mỗi cảnh tượng, gọi là thức thủ uẩn". Cảnh tượng được biết đó là gì? Đó là sắc cho đến pháp. Chứ đức Thế Tôn không nói chỉ có thức mà không có cảnh.Cho nên, nên biết nhất định có cảnh mới có thức duyên cảnh quá khứ, vị lai, nếu cảnh quá khứ, vị lai thật không có, thời thức không có đối tượng để duyên. Đối tượng được duyên đã không có thì thức cũng không có. Còn như đã thừa nhận thức là có thật thì đương nhiên phải thừa nhận thật có cảnh quá khứ, vị lai, chứ không thể mặt này thì phủ nhận sự thật có cảnh quá khứ, vị lai, mặt khác lại khẳng định có thức duyên cảnh quá khứ, vị lai.

Dẫn chứng 4: "Vì nghiệp có quả báo". Ta tạo nghiệp lành dữ, nghiệp đó đã lặng về quá khứ, chờ gặp duyên thì chiêu cảm quả báo vui khổ. Do nghiệp có ở quá khứ đó làm chứng để biết quá khứ thật có và do có quả báo ở vị lai làm chứng để biết vị lai thật có. Giả sử hai đời không có, nên nói không có quá khứ, vị lai, thời thật thể hai nghiệp thiện ác cũng không, quả báo vui khổ cũng chẳng có. Nhưng thật tế nghiệp quá khứ đã có quả báo vị lai, thế thời quá khứ, vị lai nhất định là thật có.

Bốn dẫn chứng trên để chứng minh cho chủ trương ba đời thật có. Hai cái đầu là giáo chứng, hai cái sau là lý chứng. Do giáo chứng lý chứng chứng minh tôn chỉ: "Tất cả thật có".

Hỏi:Bản thể các pháp đã thật có thì trước sau đồng nhất, trước sau đồng nhất thì làm sao có pháp gọi là quá khứ, pháp gọi là hiện tại, pháp gọi là tương lai?

Đáp:Các học giả Hữu bộ có bốn cách giải thích vấn đề này, đó là do loại sai khác,do tướng sai khác, do vị sai khác, do chờ duyên sai khác.

1.Tôn giả Pháp Cứu chủ trương "do loại sai khác" nên có ba đời: Theo ông tự bản thể các pháp có ba loại sai khác nên có ba đời khác nhau. Như khi từ vị lai đi đến hiện tại là bỏ loại vị lai để đắc loại hiện tại, như khi từ hiện tại trôi về quá khứ là bỏ loại hiện tại để đắc loại quá khứ. Các pháp họat động trong thời gian ba đời là do loại chứ không phải do thể nó có sai khác, ví dụ như phá loại kim khí này để làm loại kim khí khác. Về hình thái tuy thay đổi khác nhau, nhưng thể chất vàng trước sau vẫn là vàng, không hề thay đổi. Luận chủ Thế Thân không nhận quan điểm này, vì theo quan điểm này "Thể tánh là thường, nhưng dụng thì chuyển biến" như vậy không khác với Số luận chủ trương ba đức là tát-đỏa, lạt-xà, đáp-ma, thường nhưng chuyển biến thành 25 đế.

2. Tôn giả Diệu Âm chủ trương "do tướng sai khác" nên có ba đời khác nhau. Tướng là tướng trạng. Như các pháp ở quá khứ, tuy không rời tướng hiện tại, vị lai, song vì tướng quá khứ rõ rệt hơn nên chỉ gọi là pháp quá khứ. Các pháp khi ở hiện tại là hiệp cùng với tướng hiện tại, các pháp khi ở vị lai là hiệp cùng với tướng vị lai, khi ở quá khứ cũng giống như thế, nên chỉ có thể nói các pháp có ba đời là do tướng nó không đồng nhau, chứ không phải do thể nó có sai khác.

Luận chủ Thế Thân cũng không nhận quan điểm này vì ngay nơi một tướng này vẫn có đủ hai tướng kia. Nơi tướng quá khứ vẫn có tướng hiện tại, vị lai. Nơi tướng hiện tại hay vị lai vẫn có đủ hai tướng kia, như vậy tướng ba đời rất lộn xộn.

3. Tôn giả Thế Hữu chủ trương: "do vị sai khác" nên có ba đời khác nhau. Y ٠rằng sở dĩ pháp thể thật có thường hằng nhưng có ba đời là do vị trí khởi tác dụng của nó. Khi ở vị trí chưa khởi tác dụng thì đó là vị lai; khi ở vị trí đang khởi tác dụng thì đó là hiện tại; và khi ở vị trí tác dụng qua rồi, thì đó là quá khứ. Ví dụ đồng bạc khi đặt nó vào vị trí một, nó thành một; khi đặt nó vào vị trí trăm, nó thành trăm; đặt vào vị trí ngàn nó thành ngàn. Một, trăm, ngàn khác nhau, nhưng đồng bạc trước sau chỉ là đồng bạc. Luận chủ Thế Thân tán đồng quan điểm này.

4. Tôn giả Giác Thiên chủ trương "do đối đãi sai khác" nên có ba đời khác nhau. Như từ trước nhìn tới sau, thì trước là quá khứ, như sau nhìn lại trước thì sau là vị lai; như đứng ở giữa nhìn tới sau, nhìn lại trước, ở giữa gọi là hiện tại. Ví dụ một người đàn bà đối trước cha mẹ thì trở thành con gái, đối sau con cái thì trở thành bà mẹ; mình đối với mình thì là đàn bà. Chủ trương này cũng bị lỗi lộn xộn về ba đời, luận chủ Thế Thân không chấp nhận.

Tóm lại, đối với bốn chủ trương nói trên, luận chủ tạm thời đứng trên lập trường của Hữu bộ mà chấp nhận chủ trương thứ ba của Tôn giả Thế Hữu là đúng hơn ba chủ trương kia, nhưng thật tế luận chủ đồng tình với Kinh bộ chủ trương"quá khứ vị lai không thật thể" nên đã dẫn lý lẽ của Kinh bộ để bác lại quan điểm" do vị trí tác dụng" của Thế Hữu như sau: Nói rằng do vị trí tác dụng mà thành có ba đời, vậy do cái gì làm cho tác dụng đó thành ba đời? Nếu do cái khác làm cho tác dụng đó thành ba đời, lại do cái khác nữa làm cho cái khác đó thành ba đời, thì sẽ mãi vô cùng. Đó là điều sai lầm. Và nếu như Hữu bộ cho quá khứ, vị lai đều thật có như hiện tại, như vậy chỉ đều gọi là hiện tại, chứ cần chi gọi quá khứ, vị lai. Rốt cùng luận chủ Thế Thân không đồng tình với chủ trương "Pháp thể hằng có, nhưng tánh nó vô thường" của Hữu bộ mà đồng tình với chủ trương "quá,vị vô thể", của Kinh bộ.

Hỏi:Kinh bộ chủ trương"quá, vị vô thể" thì làm sao cắt nghĩa việc phiền não trói buộc, cảnh trần bị trói buộc và sự thoát ly trói buộc, chứng giải thoát Niết-bàn?

Đáp:Theo tông nghĩa của Kinh bộ, dẫu quá, vị vô thể vẫn thành việc trói buộc, bị trói buộc và thoát ly trói buộc. Khi phiền não được sanh trong quá khứ, nó còn tồn tại ở hiện tại, thì nói là có phiền não trói buộc của quá khứ. Phiền não ở vị lai được sanh ra từ phiền não hiện tại, thì nói là có phiền não trói buộc của vị lai. Cảnh trần mà phiền não duyên theo trong quá khứ và vị lai còn tồn tại ở hiện tại, thì nói là có cảnh trần bị trói buộc cuả quá khứ và vị lai. Lại giả sử dứt trừ được chủng tử phiền não của hiện tại, là cảnh trần quá khứ, vị lai được thoát ly khỏi trói buộc. Phiền não hiện tại có quả và nhân. Nếu dứt được quả phiền não hiện tại, tức là dứt được nhân phiền não của quá khứ, nếu dứt được nhân phiền não của hiện tại, tức là dứt được quả phiền não của vị lai. Như vậy dẫu quả vị thật không có, nhưng vì nó đã từng có và sẽ có cho nên có việc trói buộc, bị trói buộc và thoát ly trói buộc.

Đoạn II. SỰ DỨT TRƯ ؠHOẶC

* TIẾT 1. NGUYÊN NHÂN DỨT TRƯ ؍ HOẶC

Căn bản hoặc và chi mạt hoặc chung cục đều nằm trong hai loại: kiến hoặc và tư hoặc. Có bốn nguyên nhân đoạn trừ hai hoặc này. Đoạn trừ kiến hoặc do ba nguyên nhân, đọan trừ tư hoặc do một nguyên nhân. Ba nguyên nhân đoạn trừ kiến hoặc đó là:

a. Khắp biết cảnh sở duyên mà đoạn.
b. Do năng duyên đoạn mà đoạn.
c. Do sở duyên đoạn mà đoạn.

Sở dĩ do ba duyên sai khác như vậy vì, những hoặc do thấy lý Tứ đế mà được đọan trừ, đều có hai loại:

1. Nhân thấy lý Khổ đế và Tập đế mà đoạn trừ, có hai loại:

- Loại duyên tự giới (là duyên Khổ, Tập đế của cõi Dục mà phát sanh).
- Loại duyên tha giới (là chỉ duyên hai cõi trên).

2. Nhân thấy Diệt đế, Đạo đế mà đoạn trừ. có hai lo?i:

- Loại duyên vô lậu (tức duyên Diệt, Đạo đế vô lậu)
- Loại duyên hữu lậu (tức duyên Khổ, Tập đế).

Hỏi:Loại kiến hoặc do khắp biết các sở duyên mà đoạn là thế nào?

Đáp: Ví như nhân thấy lý Khổ đế, Tập đế, đoạn trừ loại hoặc duyên tự giới. Không luận loại hoặc này ở cõi Dục, cõi Sắc, Vô sắc, đều thuộc vào loại hoặc do khắp biết cảnh sở duyên mà đoạn trừ như:

Tụng sớ nói: "Do thấy Khổ, Tập đế ở cõi Dục, khi trí nhẫn về Khổ, Tập phát sinh, đã biết rõ Khổ, Tập nên biết rõ loại hoặc duyên Khổ, Tập tự giới được đoạn trừ. Đó là do khắp biết cảnh sở duyên nên đoạn. Cảnh sở duyên đây là chỉ cho cảnh Khổ, Tập đế vậy". Và không những loại hoặc duyên tự giới do khắp biết cảnh sở duyên khổ tập mà được đoạn trừ. Tụng sớ còn nói: "Do thấy Diệt, Đạo đế đoạn lậu hoặc vô lậu duyên. Đây là vì tà kiến, nghi, vô minh, duyên một cách sai lầm về diệt đạo đế vô lậu mà phát sinh. Khi trí nhẫn về Diệt, Đạo đế phát sinh, biết rõ Diệt, Đạo đế thì tà kiến, nghi, vô minh kia đoạn từ. Do đó gọi là đoạn trừ kiến hoặc do khắp biết cảnh sở duyên. Sở duyên đây chỉ cho diệt đạo đế vậy. Nói tóm lại, loại hoặc do duyên một cách sai lầm về Khổ, Tập đế ở tự giới mà phát sinh thì do khắp biết rõ chân lý Khổ, Tập đế mà đoạn trừ, loại hoặc do duyên một cách sai lầm về Diệt, Đạo đế thuộc cõi dưới mà phát sinh, thì do khắp biết rõ chân lý Diệt Đạo đế mà đoạn trừ. Đó gọi là do khắp biết cảnh sở duyên mà đoạn kiến hoặc.

Hỏi:Loại kiến hoặc do năng duyên đoạn mà đoạn thế nào?

Đáp: Như lấy phiền não duyên tự giới mà duyên đến phiền não duyên tha giới, thì phiền não duyên tha giới là cảnh sở duyên, phiền não duyên tự giới là tâm thức năng duyên. Sở duyên được tồn tại nhờ năng duyên. Giả sử phiền não năng duyên được đoạn trừ, thì những phiền não duyên tha giới cũng được đoạn trừ theo. Ví như người nhờ cột trụ mà đứng được, nếu cột trụ ngã thì người cũng ngã.

Hỏi:Loại kiến hoặc do sở duyên đoạn mà đoạn là thế nào?

Đáp: Như muốn đoạn trừ loại kiến hoặc hữu duyên lậu, thì chỉ cần đoạn trừ sở duyên của nó, tự nhiên nó (năng duyên) cũng bị đoạn trừ theo. Sở duyên ở đây chỉ cho phiền não duyên Diệt, Đạo đế vô lậu, năng duyên ở đây chỉ cho phiền não duyên Khổ, Tập đế hữu lậu. Giả sử cảnh sở duyên là những hoặc duyên Diệt, Đạo vô lậu bị đoạn trừ, thì năng duyên là những hoặc duyên Khổ, Tập đế hữu lậu cũng bị đoạn trừ theo. Ví như người nhờ chống gậy mà đi được, nếu bỏ gậy thì người cũng ngã theo.

Tư hoặc chỉ có một nguyên nhân mà đoạn trừ như thế nào? Đó là nhân đối trị đoạn.Trong 9 địa, mỗi địa có 9 phẩm tư hoặc, từ thượng phẩm cho đến hạ hạ phẩm. Muốn đối trị (đoạn trừ) phiền não thượng thượng phẩm (thô) thì dùng lối tu đạo hạ hạ phẩm (non yếu), cho đến muốn đối trị phiền não hạ hạ phẩm (tế) thì dùng lối tu đạo thượng thượng phẩm (sáng, mạnh). Hoặc do thô và tế chia ra thượng, trung, hạ thành 9 phẩm. Tuy nhiên, nguyên nhân đối trị đoạnnày không chỉ giới hạn đối với tư hoặc mà cả với kiến hoặc. Nhưng kiến hoặc đã có ba nguyên nhân dủ để đoạn trừ, Không phải cần đến nguyên nhân đối trị đoạn này làm chi.

ĐỔ BIỂU ĐOẠN HOẶC

ĐOẠN HOẶC KIẾN TƯ

ĐOẠN KIẾN HOẶC

Do thấy Khổ để đoạn trừ

Duyên tự giới

Biến trí đoạn

Duyên tha giới

Năng duyên đoạn

Do thấy Tập để đoạn trừ

Duyên tự giới

Biến trí đoạn

Duyên tha giới

Năng duyên đoạn

Do thấy Diệt để đoạn trừ

Duyên vô lậu

Biến trí đoạn

Duyên hữu lậu

Sở duyên đoạn

Do thấy Đạo để đoạn trừ

Duyên vô lậu

Biến trí đoạn

Duyên hữu lậu

Sở duyên đoạn

ĐOẠN TƯ HOẶC: Hoặc do Tu đạo Đoạn

Đối trị đoạn

* TIẾT 2:BỐN THỨ ĐỐI TRỊ

Trên nói do đối trị đoạn đoạn trừ tư hoặc. Vậy có mấy thứ đối trị? Có 4 thứ:

1.Yểm hoạn đối trị: Tức là sanh tâm nhàm chán muốn xa rời hoặc, nghiệp, khổ nên khởi sự tu tập để xa lìa.

2. Đoạn đối trị: Tức dùng vô gián đạo chánh thức đoạn trừ phiền não.

3. Trì đối trị: Tức sau khi đã chính thức đã đoạn trừ hết phiền não, chứng đắc trạch diệt, giữ vững trạch diệt đã chứng đắc đó. Đây chính là đã giải thoát đạo.

4.Viễn phần đối trị: Là sau khi được giải thoát đạo, còn làm cho rời xa hơn nữa đối với các phiền não do vô gián đạo đã đoạn trừ trước đó.

Tóm lại, do bốn đạo đối trị hết các tư hoặc và chứng đắc trạch diệt. Bốn đạo đó là gia hạnh đạo (yểm hoạn đối trị), vô gián đạo (đoạn đối trị), giải thoát đạo (trì đối trị) và thắng tấn đạo (viễn phần).

* TIẾT 3:ĐOẠN HOẶC CHỨNG TRẠCH DIỆT

Trong lúc tu vô gián đạo, phát khởi đoạn đối trị để chính thức đoạn trừ phiền não, được gọi "các hoặc không còn tái đoạn nữa", kết quả là chứng được trạch diệt, tức là ly hệ quả(lìa hết mọi buộc ràng) mà bản thể là thường trụ vô vi, không có cao thấp, hơn kém. Tuy nhiên, người tu khi vào thắng tấn đạo vẫn có khả năng đoạn trừ các hoặc đã đoạn trừ trước, và vẫn tiếp tục chứng đắc quả ly hệ, cho nên được chia ra bậc ly hệ qua sáu thời.

1. Khi khởi lên giải thoát.
2. Khi được quả Dự lưu.
3. Khi được quả Nhất lai.
4. Khi được quả Bất lai
5. Khi được quả A-la-hán
6. Khi luyện căn (tức từ độn căn A-la-hán luyện tập để chuyển thành lợi căn A-la-hán).

Trong thời này, quả ly hệ do đoạn trừ các hoặc, tùy theo chỗ tu đạo Thắng tấnmà lại tiếp khởi sự chứng đắc cao hơn. Nhưng các quả ly hệ, có thứ trải đủ sáu thời, có thứ không đủ sáu thời. Như quả ly hệ do đoạn trừ kiến hoặc của Dục giới phải đủ sáu thời mới được chứng được; quả ly hệ do đoạn trừ phẩm thứ chín tư hoặc của Dục giới, chỉ do ba thời chứng đắc, đó là khi đắc quả Bất hoàn, khi đắc quả A-la-hán thành lợi căn A-la-hán. Ngoài ra chiếu theo đây mà rõ.

Hỏi:Thường thì phải đoạn trừ hết kiến hoặc, hay dứt hết sáu phiền não là nghi và năm kiến, thì mới chứng quả Dự lưu. Sao có nhiều nơi, như kinh Tạp A-hàm29nói, dứt ba kiết sử thân kiến, giới cấm thủ và nghi, chứng quả Dự lưu?

Đáp: Nên biết nghi và năm kiến đều thuộc căn bản phiền não, trong đó biên kiến từ thân kiến mà có; kiến thủ từ thân, biên, giới cấm thủ mà có; tà kiến từ nghi mà có. Vậy, đoạn trừ thân, giới, nghi là đoạn trừ nguồn gốc của ba thứ kia, nên cũng tức là đoạn trừ tất cả.

* TIẾT 4: CHÍN ĐOẠN BIẾN TRI

Biến tri nghĩa là biết cùng khắp. Có hai thứ là Trí biến tri Đoạn biến tri. Trí vô lậu cùng khắp lý Tứ đế gọi là Trí biến tri, kết quả đoạn trừ hết các phiền não bởi kiến đạo và tu đạo gọi là Đoạn biến tri. Nhưng đây từ Đoạn biến trilập ra chín thứ gọi là Chín biến tri. Biến tri là trí, nhưng đây không gọi trí, là biến tri mà chủ yếu gọi đoạn là biến tri, vì đoạn là quả (trạch diệt, ly hệ) mà trí là nhân. Nhân trí biết cùng khắp lý Tứ đế mà phiền não được đoạn trừ, được thành ly hệ quả, nơi quả đã hàm có nhân, nên gọi là đoạn biến tri. Chín biến tri là kết quả đoạn trừ những phiền não do kiến đạo sở đoạn trong ba cõi, lập sáu biến tri; kết quả đoạn trừ những phiền não do tu đạo sở đoạn trong ba cõi, lập ba kiến tri. Cọng cả hai kết qủa trên thành chín. Nói rõ hơn, đoạn kiến hoặc của ba cõi lập sáu biến tri là đoạn kiến hoặc thuộc Khổ, Tập đế của Dục giới lập một biến tri; đoạn kiến hoặc thuộc Diệt đế của Dục giới lập một biến tri; đoạn kiến hoặc thuộc Đạo đế của cõi Dục lập một biến tri; đoạn kiến hoặc thuộc Khổ, Tập đế của hai cõi Sắc và Vô sắc lập một biến tri; đoạn kiến hoặc thuộc Diệt đế của hai cõi Sắc và Vô sắc lập một biến tri; đoạn kiến hoặc thuộc Đạo đế của hai cõi Sắc và Vô sắc lập một biến tri. Cọng tất cả kiến hoặc trong ba cõi được đoạn trừ có sáu biến tri. Đoạn tư hoặc trong ba cõi lập ra ba biến tri là: đoạn hết tư hoặc thuộc cõi Dục lập một biến tri, đó là sự biến tri của sự dứt hết năm thuận hạ phần kiết; đoạn hết tư hoặc thuộc cõi Sắc và Vô sắc lập một biến tri, đó là biến tri củasự dứt hết kiết sử sắc ái; đoạn hết tư hoặc thuộc cõi Vô sắc lập một biến tri, đó là biến tri của sự đoạn hết vĩnh viễn mọi kiết sử.

Xem đồ biểu dưới đây:

BIỂU ĐỔ 9 ĐOẠN BIẾN TRI

9 BIẾN TRI

1. Do đoạn hết KIẾN HOẶC thuộc Khổ, Tập đế
2. Do đoạn hết KIẾN HOẶC thuộc Diệt đế
3. Do đoạn hết KIẾN HOẶC thuộc Đạo đế

Cõi Dục

Kiến đoạn

Đoạn các hoặc ở ba cõi

4. Do đoạn hết KIẾN HOẶC thuộc Khổ, Tập đế
5. Do đoạn hết KIẾN HOẶC thuộc Diệt đế
6. Do đoạn hết KIẾN HOẶC thuộc Đạo đế

Cõi Sắc và Vô Sắc

7. Do đoạn hết năm thuận hạ phần kiết của cõi Dục
8. Do trừ hết kiết sử sắc ái của cõi Sắc
9. Do sự trừ hết mọi kiết sử ở cõi Vô sắc

Tu đoạn


---o0o---



Chân thành cảm ơn Đạo Hữu Bình An Sơn đã gởi tặng tập sách này

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567