Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuốn 18

16/04/201316:42(Xem: 15040)
Cuốn 18

Luận Đại Trí Độ
( Mahàprajnàparamitàsatra)

Tác giả:Nàgàrjuna (Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán:Cưu Ma La Thập
Dịch Hán ra Việt:Thích Thiện Siêu

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Ấn hành 1997

---o0o---

Cuốn 18

CHƯƠNG 27

GIẢI THÍCH: BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT

KINH: Ðối với hết thảy pháp, tâm không trụ trước, nên đầy đủ Thiền Ba-la-mật.

LUẬN: Hỏi: Thế nào là Bát-nhã Ba-la-mật?

Ðáp: ChưBồ-tát từ khi mới phát tâm cầu trí Nhất thiết chủng, ở giữa khoảng thời gian ấy tuệ biết rõ thật tướng các pháp, ấy là Bát-nhã Ba-la-mật.

Hỏi: Nếu nhưvậy, không nên gọi là Ba-la-mật, vì cớ sao? Vì chưa đến bên bờ trí tuệ?

Ðáp: Trí tuệ của Phật chứng được thật là thật Ba-la-mật. Nhân nơi Ba-la-mậtấy mà sở hành của Bồ-tát cũng gọi là Ba-la-mật; vì là trong nhân nói quả vậy. Bát-nhã Ba-la-mật ấy, ở trong tâm Phật thì đổi tên làtrí Nhất thiết chủng.Bồ-tát thực hành trí tuệ cầu đến bờ kia, nên gọi là Ba-la-mật; Phật đãđến bờ kia, nên gọi trí của Phật là Nhất thiết chủng.

Hỏi: Hết thảy phiền não và tập khí Phật đã đoạn, con mắt trí tuệ thanh tịnh, nên đúng nhưthật chứng được thật tướng các pháp; thật tướng các pháp tức là Bát-nhã Ba-la-mật. Bồ-tát chưa diệt tận các lậu, mắt tuệ chưa thanh tịnh, làm sao có thể biết được thật tướng các pháp?

Ðáp: Nghĩa ấy sẽ nói rộng ở trong chương sau, nay chỉ lược nói. Nhưngười vào biển, có người mới vào, có người tận thấu đáy nguồn, cạn sâu tuy khác mà đều gọi là vào. Phật và Bồ-tát cũng nhưthế. Phật thời cùng tận đáy nguồn, còn Bồ-tát chưa dứt phiền não và tập khí, thế lực ít ỏi, không thể sâu vào. Nhưở trong phẩm sau có nói thí dụ: Nhưngười ở trong nhà tối đốt đèn chiếu các vật, mỗi mỗi đều rõ ràng, lại có thêm đèn lớn nữa thì lại càng rõ hơn, thời biết bóng tối của ngọn đèn sau chiếu phá cùng với bóng tối của ngọn đèn trước chiếu phá cùng ở trong một chỗ. Ngọn đèn trước tuy cùng bóng tối ở chung, mà cũng chiếu sáng được các vật. Nếu ngọn đèn trước không có bóng tối ở chung, thời ngọn đèn sau không ích thêm gì. Trí tuệ của Phật và Bồ-tát cũng nhưvậy. Trí tuệ của Bồ-tát tuy cùng với phiền não và tập khí hợp một chỗ, mà vẫn có thể biết được thật tướng các pháp, cũng nhưngọn đèn trước có thể soi được vật; còn trí tuệ của Phật dứt hết các phiền não tập khí và cũng biết được thật tướng các pháp; nhưngọn đèn sau lại càng sáng rõ gấp bội.

Hỏi: Thế nào là thật tướng các pháp?

Ðáp: Mọi người đều nói đến thật tướng các pháp, tự cho là phải. Trong đây nói thật tướng là không thể phá họai, thường trú không đổi khác, không ai làm ra được. Nhưtrong chương sau Phật nói với Tu-bồ-đề: “Nếu Bồ-tát quán hết thảy pháp chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải khổ chẳng phải lạc, chẳng phải ngã chẳng phải vô ngã, chẳng phải có chẳng phải không v.v... cũng không tác ý về quán ấy, ấy gọi là Bồ-tát thực hành Bát-nhã Ba-la-mật. Theo nghĩa này là bỏ hết thảy quán, dứt hết thảy ngôn ngữ, lìa các tâm hành, từ xưa lại nay bất sanh bất diệt nhưtướng Niết-bàn. Tướng hết thảy pháp cũng nhưvậy, ấy là thật tướng các pháp. Nhưbài kệ khen ngợi Bát-nhã Ba-la-mật rằng:

Bát-nhã Ba-la-mật,

Thật pháp không điên đảo,

Niệm, tưởng, quán đã trừ,

Ðường ngữ ngôn cũng dứt.

Vô lượng tội trừ hết,

Tâm thường nhất thanh tịnh.

Người tôn diệu nhưvậy,

Thời thấy được Bát-nhã,

Nhưhưkhông vô nhiễm,

Vô hý, vô văn tự,

Nếu quán được nhưvậy,

Ấy tức là thấy Phật,

Ðúng nhưpháp quán Phật,

Bát-nhã và Niết-bàn,

Ba điều ấy một tướng,

Ðúng thật không sai khác.

ChưPhật và Bồ-tát,

Lợi ích cho tất cả,

Bát-nhã chính là mẹ,

Hay xuất sanh nuôi nấng,

Phật là cha chúng sanh,

Bát-nhã sanh ra Phật,

Bát-nhã là tổ mẫu,

Của hết thảy chúng sanh.

Bát-nhã là một pháp,

Phật nói ra nhiều tên.

Tùy sức các chúng sanh,

Lập ra danh tự khác.

Nếu người được Bát-nhã,

Tâm nghị luận đều dứt.

Nhưkhi mặt trời mọc,

Sương sớm biến tan liền.

Oai đức của Bát-nhã,

Lay động hai hạng người:

Kẻ vô trí sợ hãi,

Người có trí hoan hỷ.

Nếu người được Bát-nhã,

Thời là chủ Bát-nhã,

Ðối Bát-nhã không vướng,

Huống gì đối pháp khác.

Bát-nhã không đâu đến,

Cũng lại không đi đâu,

Người trí khắp mọi nơi,

Tìm cầu không thấy được.

Nếu không thấy Bát-nhã,

Ấy là thời bị buộc.

Nếu người thấy Bát-nhã,

Ấy cũng là bị buộc.

Nếu người thấy Bát-nhã,

Ấy thời được giải thoát.

Nếu không thấy Bát-nhã,

Ấy cũng được giải thoát.

Việc ấy rất hy hữu,

Sâu xa có đại danh,

Thí nhưvật huyễn hóa,

Thấy mà không thể thấy.

ChưPhật và Bồ-tát,

Thanh-văn, Bích-chi Phật,

Ðạo giải thoát Niết-bàn,

Ðều từ Bát-nhã được.

Ngôn thuyết là thế tục,

Vì thương xót hết thảy,

Giả danh nói các pháp,

Tuy nói mà chẳng nói.

Bát-nhã Ba-la-mật,

Thí nhưngọn lửa lớn,

Bốn phía không thủ được,

Không lấy cũng chẳng lấy,

(Vô thủ diệc bất thủ).

Một chấp thủ đã xả,

Ấy gọi không thể thủ.

Không thể thủ mà thủ,

Ấy tức gọi là thủ.

Tướng Bát-nhã không hoại,

Vượt qua mọi ngôn ngữ,

Vưà không nương tựa đâu,

Ai khen được đức nó,

Bát-nhã chẳng thể khen.

Tôi nay được tán thán,

Tuy chưa khỏi đất chết,

Thì cũngđã được ra”.

CHƯƠNG 28

GIẢI THÍCH: TƯỚNG BÁT-NHÃ

Hỏi: Sao chỉ gọi riêng Bát-nhã Ba-la-mật là Ðại (Ma ha) mà không gọi năm Ba-la-mật kia?

Ðáp: Ma ha, Trung hoa dịch là Ðại, Bát-nhã dịch là Tuệ. Bát-nhã Ba-la-mật dịch là Ðáo bỉ ngạn. Vìđến được bờ kia của biển cả trí tuệ, đến bờ mé của hết thảy trí tuệ, đến chỗ cùng tột nên gọi là đáo bỉ ngạn.CPhật trong ba đời mười phương lớn bậc nhất, thứ đến là Bồ-tát, Bích-chi Phật, Thanh-văn; bốn bậc đại nhân ấy đều từBát-nhã Ba-la-mật xuất sanh nên gọi là Ðại.

Lại nữa, nó hay đem lại cho chúng sanh quả báo lớn, vô lượng vô tận, thường không biến khác, gọi là Niết-bàn. Còn năm Ba-la-mật kia không được như vậy. Bố thí v.v... mà lìa Bát-nhã Ba-la-mật thì chỉ đem lại cho chúng sanh quả báo thế gian, cho nên không được gọi là Ðại.

Hỏi: Cái gì là trí tuệ?

Ðáp: Bát-nhã Ba-la-mậtthu nhiếp tất cả trí tuệ; vì cớ sao, vì Bồ-tát cầu Phật đạo nên phải học tất cả pháp, được tất cả trí tuệ; đó làtất cả trí tuệ của Thanh-văn,Bích-chi Phật, Phật. Trí tuệ ấy có ba thứ: Học, vô học, phi học phi vô học. Trí phi học phi vô học là như càn huệ địa, bất tịnh quán, an-na-bát-na, tứ niệm xứ thuộc Dục giới, noãn pháp, đảnh pháp, nhẫn pháp, thế đệ nhất pháp v.v... Trí học là khổ pháp trí, nhẫn, tuệ cho đến hướng A-la-hán, Kim-cang tam-muội tuệ trong vô ngại đạo (vô gián đoạn) thứ chín. Trí vô học là A-la-hán với trí giải thoát thứ chín (giải thoát đạo). Từ đó về sau, hết thảy trí vô học như Tận trí, Vô sanh trí v.v... Trí tuệ cầu đạo Bích-chi Phật cũng như vậy.

Hỏi: NếuBích-chi Phật đạo cũng như vậy, thời làm sao phân biệt giữa Thanh-văn và Bích-chi Phật?

Ðáp: Ðạo tuy một thứ mà dụng trí có khác. Nếu lúc chư Phật không xuất hiện, hoặc lúc Phật pháp đã diệt, người ấy do nhân duyên đời trước, tự xuất phát trí tuệ, không theo người khác nghe, do tựtrí tuệ đắc đạo. Như một Quốc vương đi dạo chơi ở trong vườn, ban mai trong sáng trông thấy rừng cây hoa quả tốt tươi, rất đáng ưa vui. Vua ăn xong nằm nghỉ, các đại phu thể nữ của vua, chung nhau hái hoa, bẻ phá cây rừng, vua thức dậy, thấy cây bị hủy hoại, mà tự giác ngộ: “Tất cả thế gian vô thường, biến hoại, đều cũng như vậy!” Suy nghĩ như vậy, tâm vô lậu phát sanh, dứt hết kiết sử, chứng đắc đạo Bích-chi Phật, đủ sáu thần thông, liền bay đến giữa rừng yên vắng. Nhân duyên như vậy, do phước đức, nguyện hạnh, quả báo đời trước, đời nay thấy được một ít nhân duyên mà chứng thành đạo Bích-chi Phật. Như vậy là sai khác.

Lại nữa, Bích-chi Phật có hai hạng: Một gọi là Ðộc giác, hai gọi là Duyên giác như trên đã nói. Ðộc giác là người này trong đời này thành đạo, tự mình giác ngộ không theo người khác nghe, ấy gọi là Ðộc giác Bích-chi-ca Phật.

Ðộc giác Bích-chi-ca Phật có hai hạng: 1- Vốn là học nhân, sanh trong loài người, lúc bấy giờ không có Phật, Phật pháp đã diệt, vị Tu-đà-hoàn này đã mãn bảy phen sanh, không còn phải sanh phen thứ tám, tự được thành đạo. Người này không gọi là Phật, không gọi là A-la-hán, chỉ gọi là Tiểu Bích-chi-ca Phật, cùng với A-la-hán không khác. Hoặc có vị không bằng Ðại A-la-hán Xá-lợi-phất v.v... 2- Là Ðại Bích-chi-ca Phật, trong một trăm kiếp tạo công đức, tăng trưởng trí tuệ, được phần ba mươi hai tướng, hoặc được ba mươi mốt tướng, ba mươi tướng, hai mươi chín tướng, cho đến một tướng trong chín hạng A-la-hán, trí tuệ thông lợi hơn, vào được trong tổng tướng, biệt tướng của các pháp thậm thâm, lâu ngày tu tập định, thường ưa ở một mình. Tướng trạng như vậy, gọi là Ðai Bích-chi Phật, vì thế mà có sai khác.

Người cầu Phật địa, từ khi mới phát tâm khởi nguyện: “Nguyện tôi làm Phật độ thoát chúng sanh, được hết thảy Phật pháp, thực hành sáu Ba-la-mật; phá chúng Ma quân và các phiền não, được Nhất thiết trí, thành tựu Phật đạo, cho đến vào Vô-dư Niết-bàn. Tùy theo bản nguyện bản hạnh, từ trung gian ấy có được trí tuệ, hết thảy tổng tướng, biệt tướng đều biết hết; ấy gọi là trí tuệ của Phật đạo. Ba thứ trí tuệ ấy đều biết cả, đến tận cùng bờ mé nó; do vậy nên nói là đến bờ trí tuệ.

Hỏi: Nếu như đã nói hết thảy trí tuệ đều nên vào, hoặc thế gian, hoặc xuất thế gian; sao chỉ nói trí tuệ của ba thừa đến tận cùng bờ nó, mà không nói các trí khác?

Ðáp: Trí tuệ của ba thừa là thật trí tuệ, các trí khác đều là hư vọng.Bồ-tát tuy biết mà không chuyên làm. Như trừ núi Ma-lê, các núi khác không sản xuất cây hương Chiên-đàn. Hoặc ở chỗ khác có lời nói hay, đều từ trong Phật pháp mà có được. Từ nơi phi Phật pháp, mới nghe tuy hay ho, mà lâu thời không đẹp; thí như sữa bò sữa lừa, sắc nó tuy giống nhau, mà sữa bò thời thành váng sữa, sữa lừa thời thành phân. Lời Phật pháp và lời của ngoại đạo đều nói: “Không giết, không trộm, từ mẫn chúng sanh, nhiếp tâm lìa dục; và quán “không” tuy đồng, nhưng lời ngoại đạo nóilúc đầu tuy in tuồng đẹp, mà cùng tột chỗ về thời là hư dối. Tất cảngoại đạo đều mắc vào ngã kiến. Nếu thật có ngã thời nó phải rơi vào hai chỗ làtướng hủy hoại; hoặc là tướng không hủy hoại; nếu làtướng hủy hoại thời phải như da bò, nếu là tướng không hủy hoại thời phải như hư không. Ở hai chỗ ấy không có tội sát, không có phước bất sát. Nếu như hư không, mưa móc không thể thấm, gió nóng không thể làm khô, thế thời rơi vào tướng thường; nếu thường thời khổ không thể não hại, lạc không thể làm vui. Nếu không chịu khổ lạc, thời không nên tránh khổ tìm phước. Nếu như da Bò, bị gió mưa làm hư hoại, thời rơi vào vô thường; nếu vô thường thời không tội phước. Lời ngoại đạo nói nếu đúng thật như vậy, thời đâu có việckhông sát là phước, sát sanh là tội?

Hỏi: Phước đức trì giới củangoại đạo có lỗi như vậy, còn thiền định và trí tuệ thì thế nào?

Ðáp: Ngoại đạo lấy tâm chấp ngã chạy theo thiền cho nên phần nhiều còn ái, kiến, mạn, không xả hết thảy pháp nên không có trí tuệ thật.

Hỏi: Ông cóngoại đạo quán “không”, quán “không” thời xả hết thảy pháp, tại sao nói ngoại đạo không xả hết thảy pháp, nên không có trí tuệ thật?

Ðáp: Ngoại đạo tuy quán “không”, mà lại chấp thủ tướng không, tuy biết các pháp không mà không tự biết ta không; vì ái trước theo trí tuệ quán không vậy.

Hỏi: Ngoại đạo có định vô tưởng, ở đó tâm tâm số pháp đều diệt; vì đều diệt nên không có lỗi thủ tướng ái trước trí tuệ?

Ðáp: Do định lực vô tưởng cưỡng làm cho tâm diệt, chẳng phải do sức của thật trí tuệ; lại ở trong đó sanh tưởng cho đó là Niết-bàn, không biết đó có được là chỉ do hòa hợp làm ra, do vậy rơi vào trong điên đảo; trong đó tâm tuy tạm diệt, sau khi gặp nhân duyên thì sanh trở lại; ví như người ngủ say không mộng, tâm tưởng không hoạt động, nhưng đến khi thức thời có trở lại.

Hỏi: Ðịnh vô tưởng có lỗi như vậy, còn cóÐịnh phi hữu tưởng phi vô tưởng, ở đó không hết thảy vọng tưởng, cũng chẳng giống như cưỡng làm cho tưởng diệt như ởđịnh vô tưởng; mà ở trong đây do sức trí tuệ, nên không còn tưởng?

Ðáp: Trong ấy có tưởng, vì tế vi nên không biết; nếu là vô tưởng thì Phật đệ tử còn vì lẽ gì lại cầu được trí tuệ thật? Trong Phật pháp, thức của trong Phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng ấy, nương nơi ba uẩn (thọ, tưởng, hành) mà trụ. Bốn uẩn này thuộc nhân duyên cho nên vô thường, vô thường nên khổ, vô thường khổ nên không, không nên vô ngã, không vô ngã nên có thể xả bỏ. Các ông ưa đắm trí tuệ nên không được Niết-bàn; ví như con sâu đo, co để chân sau an ổn mới cất chân trước, nếu chỗ tựa hết, không còn tiến tới được nữa mà trở lui. Ngoại đạo nương Sơ thiền để xả tham dục hạ địa, cho đến nương phi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ, để xả vô sở hữu xứ, trên đó không còn chỗ nương nữa, thời không thể xảp hi-hữu-tưởng-phi-vô-tưởng-xứ. Vì không còn chỗ nương, nên lo sợ mất ngã, sợ rơi vào trong chỗ vô sở đắc.

Lại nữa, trong kinh ngoại đạo có cho phép sát, đạo, dâm, vọng ngữ, uống rượu, nói rằng vì tế trời nên chú nguyện mà giết không tội. Vì hành đạo, nếu gặp cấp nạn,muốn toàn thân mà giết người nhỏ, không tội. Lại gặp cấp nạn mà vì hành đạo, trừ vàng, ngoài ra được phép trộm lấy để tự cứu toàn, sau sẽ trừ ương tội ấy. Trừ vợ của Thầy, phu nhân của Quốc vương, vợ của thiện tri thức, đồng nữ, ngoài ra những nữ nhân khác vì bức bách cấp nạn, được phép tà dâm. Vì thầy, vì cha mẹ, vì bò, vì thân, vì làm môi giới, được phép nói dối. Ở xứ lạnh cho phép uống rượu thạch mật, trong khi tế trời cho phép nếm một hai giọt rượu. Trong Phật pháp thì không như vậy. Ðối với hết thảy chúng sanh, tâm từ xem bình đẳng, cho đến một con kiến cũng không cướp mạng nó, huống gì giết người? Một cây kim, một sợi chỉ không lấy huống gì nhiều vật? Ðối với kẻ dâm nữ vô chủ không lấy tay đụng, huống gì là vợ con người? Ðùa giỡn còn không được nói dối, huống chi cố ý nói dối. Tất cả rượu hết thảy thời không được uống, huống chi ở xứ lạnh, khi tế trời? Ngoại đạocác ông so với Phật pháp khác xa nhau như trời với đất. Pháp ngoại đạocác ông là chỗ sanh ra các phiền não, còn Phật pháp thời là chỗ diệt các phiền não. Ðó là chỗ khác nhau lớn.

Pháp của Phật vô lượng, giống như biển lớn, tùy ý dục của chúng sanh mà thuyết ra mỗi mỗi pháp; hoặc nóicó, hoặc nóikhông; hoặc nói thường, hoặc nói vô thường; hoặc nói khổ, hoặc nói vui; hoặc nói ngã, hoặc nói vô ngã; hoặc nói siêng làm ba nghiệp, thu nhiếp các thiện pháp; hoặc nói hết thảy các pháp không có tác tướng. Như vậy mỗi mỗi nói sai khác. Người vô trí nghe đến là cho trái nghịch sai lầm, còn người trí nhập vào ba pháp môn, quán hết thảy lời Phật nói đều là thật pháp, không trái nghịch nhau.

Những gì là ba pháp môn? 1- Côn-lặc-môn, 2- A-tỳ-đàm môn, 3- Không môn?

Hỏi: Sao gọi là Côn-lặc-môn? Sao gọi là A-tỳ-đàm môn? Sao gọi là Không môn?

Ðáp: Côn-lặc có ba triệu hai trăm ngàn lời. Lúc Phật còn tại thế, Ðại Ca-chiên-diên viết ra. Sau khi Phật diệt độ, tuổi thọ con người giảm dần, sức nhớ biết ít, không thể đọc tụng rộng, các vị đắc đạo soạn làm ba trăm tám mươi bốn ngàn lời. Nếu người nào vào Côn-lặc-môn, thời luận nghị sẽ vô cùng, trong đó có các môn tùy tướng, môn đối trị v.v...

Tùy tướng môn như Phật nói kệ:

“Các việc ác chớ làm,

Các việc lành vâng làm,

Tự thanh tịnh ý mình,

Ấy là chư Phật dạy”.

Trong đó nói đủ các tâm số pháp, nay chỉ nói tự thanh tịnh ý mình, thời nên biết đã nói đủ các tâm số pháp. Sao vậy? Vì hành tướng và sở duyên đồng nhau vậy. Như Phật nói bốn niệm xứ, trong ấy không rời bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, vì sao? Trong bốn niệm xứ, bốn tinh tấn là bốn chánh cần, bốn định tức là bốn như ý túc, năm thiện pháp tức là năm căn lực. Phật tuy không nói các pháp môn khác mà chỉ nói bốn niệm xứ, nên biết đã nói các pháp môn khác. Như Phật ở trong bốn đế, hoặc nói một đế, hoặc nói hai, hoặc nói ba. Như Mã-tinh Tỳ-kheo (Assaji – A-thuyết-thị: Mã- thắng, Mã-sư) nói kệ cho Xá-lợi-phất:

“Các pháp từ duyên sanh,

Pháp ấy duyên đến, diệt,

Thầy tôi Ðại Thánh chủ,

Nói nghĩa ấy như vậy”.

Bài kệ này chỉ nói đến ba đế, nên biết đạo đế đã có ở trong đó, vì không rời nhau. Ví như một người phạm lỗi, cả nhà chịu tội. Như vậy v.v... gọi là tùy tướng môn.

Ðối trị môn là, như Phật chỉ nói bốn điên đảo, thường điên đảo, lạc điên đảo, ngã điên đảo, tịnh điên đảo. Trong ấy tuy không nói bốn niệm xứ, song nên biết đã có nghĩa bốn niệm xứ; ví như nói thuốc là đã biết bệnh nó, nói bệnh là biết thuốc nó. Nếu nói bốn niệm xứ thời biết đã nói bốn đảo. Bốn đảo là tướng tà; nếu nói bốn đảo là đã nói các kiết sử, vì cớ sao? Vì nói cội gốc thời biết đủ cành lá nó. Như Phật nói hết thảy thế gian có ba độc; nói ba độc nên biết đã nói ba phần, tám chánh đạo. Nếu nói ba độc, nên biết là đã nói hết thảy các phiền não độc. Mười lăm thứ ái là tham dục độc, năm thứ sân là sân nhuế độc, mười lăm thứ vô minh là ngu si độc; các tà kiến, kiêu mạn, nghi thuộc về vô minh. Như vậy tất cả các kiết sử đều thu vào ba độc. Lấy gì để diệt nó? Lấy ba phần, tám chánh đạo. Nếu nói ba phần, tám chánh đạo, nên biết đã nói ba mươi bảy trợ đạo phẩm. Các tướng như vậy, gọi là đối trị môn. Những pháp tùy tướng môn, đối trị môn như vậy, gọi là Côn-lặc-môn.

Sao gọi là môn A-tỳ-đàm? Hoặc Phật tự nói nghĩa các pháp, hoặc Phật tự nói danh tự các pháp, các đệ tử tập họp thuật giải nghĩa lý của nó. Như Phật nói: Có Tỳ-kheo đối với các pháp hữu vi, không chánh ức niệm, mà muốn được đệ nhất pháp của thế gian (thế đệ nhất), không có lẽ đó. Nếu không được đệ nhất pháp của thế gian mà muốn vào trong chánh vị, không có lẽ đó. Nếu không vào trong chánh vị mà muốn được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, không có lẽ đó. Nếu có Tỳ-kheo đối với các pháp hữu vi, chánh ức niệm, muốn được pháp đệ nhất của thế gian, việc ấy có được. Nếu được pháp đệ nhất của thế gian, nên được vào chánh vị, vào chánh vị nên được quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, thì chắc chắn có lẽ ấy. Như Phật nói đi thẳng đến pháp đệ nhất của thế gian mà không nói các nghĩa tướng của nó như nó hệ thuộc giới nào, nhân duyên gì, quả báo gì? Từ pháp đệ nhất của thế gian, các pháp sở hành của hàng Thanh-văn, cho đến Vô-dư Niết-bàn, mỗi mỗi phân biệt nghĩa tướng của nó, ấy gọi làA-tỳ-đàm môn.

Không môn là Sanh không, Pháp không; như trong kinh Tần-bà-ta-la Vương Nghinh Phật nói: “Phật bảo Ðại vương: “Khi sắc sanh chỉ là ”không” sanh, khi sắc diệt chỉ là “không” diệt, khi các hành sanh chỉ là “không” sanh. Khi diệt chỉ là “không” diệt, trong ấy không có tự ngã, không người, không thần ngã, không có người từ đời này đến đời sau, trừ nhân duyên hòa hợp danh tự là chúng sanh; kẻ phàm phu ngu si chạy theo danh để cầu thật”. Trong các kinh như vậy, Phật nói về sanh không.

Pháp không là, như Phật nói ở trong kinh Ðại Không: Mười hai nhân duyên từ vô minh cho đến già chết, nếu người nói đó là già chết , hoặc nói ai già chết? đều là tà kiến. Sanh, hữu, thủ, thọ, ái, xúc, lục nhập, danh sắc, thức, hành, vô minh cũng như vậy. Hoặc có người nói thân tức là thần ngã, hoặc nói thân khác thần ngã; hai lời đó tuy khác nhau, song đồng là tà kiến. Phật nói: Thân tức là thần ngã, tà kiến như vậy, chẳng phải đệ tử Ta. Hoặc nói thân khác thần ngã, cũng là tà kiến, chẳng phải đệ tử Ta. Trong kinh ấy Phật nói về pháp không. Nếu nói: “ai già chết”, nên biết đó là lời hư vọng, ấy gọi là sanh không. Nếu nói: “ấy là già chết”, nên biết đó là lời hư vọng, ấy gọi là pháp không. Cho đến vô minh cũng như vậy.

Lại nữa, Phật nói về sáu mươi hai kiến trong kinh Phạm Võng: Nếu có người nói “thần ngã thường, thế gian cũng thường”, ấy là tà kiến. Nếu nói: “thần ngã vô thường, thế gian vô thường” ấy cũng là tà kiến. Nếu nói: “thần ngã và thế gian cũng thường cũng vô thường, thần ngã và thế gian chẳng phải thường và chẳng phải vô thường” đều là tà kiến. Do vậy, biết các pháp đều là không, ấy mới là thật.

Hỏi: Nếu nói thần ngã thường, nên là tà kiến vì cớ sao? vì tánh thần ngã không có. Nếu nói thần ngã thường cũng phải là tà kiến, vì cớ sao? vì thế gian thật vô thường, vì điên đảo cho nên nói thường. Nếu nói thần ngã vô thường, cũng là tà kiến, vì cớ sao? vì tánh thần ngã không có, không nên nói là vô thường. Còn nếu nói thế gian là vô thường thì chẳng phải là tà kiến, vì cớ sao? vì tánhhết thảy pháp hữu vi, thật đều vô thường?

Ðáp: Nếuhết thảy pháp thật đều vô thường, sao Phật nói: “nói thế gian vô thường, ấy gọi là tà kiến. Thế cho nên biết thế gian chẳng phảithật là vô thường.

Hỏi: Nơi nơi Phật đều nói: Quán pháp hữu vi vô thường, khổ, không, vô ngã, khiến người ta đắc đạo; sao đây nói vô thường bị rơi vào tà kiến?

Ðáp: Phật nơi nơi thuyết vô thường, nơi nơi thuyết bất diệt. Như Ma-ha-nam Thích vương đi đến Phật, bạch Phật rằng: “Ở thành Ca-tỳ-la này dân chúng đông nhiều, có khi tôi gặp họ rong xe, ruổi ngựa, voi cuồng, đấu sức, bèn mất tâm niệm Phật. Khi ấy tôi tự nghĩ: Nếu nay tôi chết, sẽ sanh về đâu?” Phật bảo Ma-ha-nam: “Ngươi chớ sợ hãi. Ngươi bấy giờ không sanh vào ác thú mà sanh đến thiện thú; ví như cây thường nghiêng về hướng đông, nếu có bị đốn, chắc ngã về hướng đông; người lành cũng như vậy. Nếu khi thân tử hoại, thiện tâm ý thức thường lấy tín, giới, văn, thí, huệ huân tâm, nên chắc chắn được lợi ích, được sanh lên cõi trời. Nếuhết thảy pháp niệm niệm sanh diệt vô thường, sao Phật nói có các công đức huân tập, cho nên mới chắc chắn được sanh lên cõi trời. Do vậy nên biết chẳng phải tánh vô thường.

Hỏi: Nếu vô thường là không thật, sao Phật nói vô thường?

Ðáp: Phật tùy chỗ thích ứng của chúng sanh mà thuyết pháp. Vì phá điên đảo chấp thường cho nên Phật nói vô thường. Vì người không biết không tin có đời sau nên Phật nói tâm đi đến đời sau, sanh lên cõi trời do nghiệp tội phước, trăm ngàn vạn kiếp không mất. Ðây làÐối trị Tất-đàn, chẳng phải Ðệ nhất nghĩa Tất-đàn. Thật tướng các pháp, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Nhiều nơi Phật cũng nói các pháp không, trong các pháp không, cũng không vô thường. Do vậy nên nói thế gian vô thường là tà kiến. Thế nên gọi là pháp không.

Lại nữa, Phạm-chí ở thành Tỳ-gia-ly tên Luận Lực. Những người có tài lợi hưng thịnh đem nhiều vật báu thuê Luận Lực đến tranh luận với Phật. Nhận vật thuê xong, ngay đêm ấy soạn năm trăm nạn vấn, sáng sớm cùng các người tài lực đi đến chỗ Phật, hỏi Phật rằng: “Một đạo cứu kính hay nhiều đạo cứu kính?” Phật nói: “Một đạo cứu kính chứ không nhiều”. Phạm-chí nói: “Phật nói một đạo, các thầy ngoại đạo đều có đạo cứu kính. Thế là nhiều chứ không phải một?”. Phật nói: “Tuy tên có nhiều mà đều chẳng phải thật đạo, vì cớ sao? Vì hết thảy đều mắc vào tà kiến, nên không gọi là đạo cứu kính”. Phật hỏi Phạm-chí: “Lộc Ðầu Phạm-chí đắc đạo chăng?” Ðáp: “Trong hết thảy người đắc dạo, đây là đệ nhất”. Khi ấy Tỳ-kheo Trưởng lão Lộc Ðầu Phạm-chí, đang ở sau lưng Phật hầu quạt cho Phật, Phật hỏi Phạm-chí: “Ông biết Tỳ-kheo này chăng?” Phạm-chí thưa biết, rồi hổ thẹn cúi đầu. Bấy giờ Phật nói nghĩa phẩm kệ:

“Mỗi mỗi cho cứu kính,

Mà mỗi tự ưa đắm,

Cho mình phải người trái,

Ấy đều chẳng cứu kính.

Người ấy vào luận chúng,

Khi biện minh nghĩa lý,

Mỗi mỗi thị phi nhau,

Hơn thua ôm lo mừng.

Người hơn rơi hầm kiêu,

Kẻ thua sa ngục lo.

Cho nên người có trí,

Không theo hai pháp ấy.

Luận Lực ông nên biết,

Pháp của đệ tử Ta,

Không hư cũng không thật.

Ông muốn cầu việc gì?

Ông muốn hoại luận tôi,

Trọn đã không hoại được,

Khó thắng bậc đại trí,

Chỉ đủ tự hủy hoại”.

Như vậy, nhiều nơi trong các kinh Thanh-văn, Phật thuyết các pháp không.

Ðại thừa Không môn là, hết thảy các pháp, tánh thường tự không, không do trí tuệ phương tiện quán cho nên không. Như Phật nói với Tu-bồ-đề: ”Sắc, sắc tự không, thọ, tưởng, hành, thức, thức tự không. Mười hai nhập, mười tám giới, mười hai nhân duyên, ba mươi bảy đạo phẩm, mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cọng, đại từ đại bi, Tát-bà-nhã, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều tự không.

Hỏi: Tất cả các pháp tánh thường tự không, không có gì, sao không đọa vào tà kiến? Tà kiến gọi là không tội, không phước, không đời này đời sau, cùng với đây nói “không” không khác nhau?

Ðáp: Người nói không tội, không phước, họ không nói không có đời này, chỉ nói không có đời sau; như loài cây cỏ tự sanh tự diệt. Hoặc người sanh, hoặc người giết, chỉ ở trong đời hiện tại, không còn có sanh ở đời sau, mà họ không biết quán trong thân ngoài thân tự tướng đều không. Do đó mà có khác.

Lại nữa, người tà kiến, làm nhiều việc ác, dứt các việc lành, còn người quán không, đối với thiện pháp còn không muốn làm, huống chi làm ác?

Hỏi: Tà kiến có hai thứ: thứ phá nhân phá quả, có thứ phá quả không phá nhân. Như lời ông nói là phá quả không phá nhân. Phá quả phá nhân là nói không nhân không duyên, không tội không phước; ấy là phá nhân. Nói không đời này, đời sau, tội phước quả báo; ấy là phá quả. Người quán không nói “đều không” thời tội phước nhân quả đều không, thời cùng với tà kiến đây có gì khác?

Ðáp: Người tà kiến, đối với các pháp đoạn diệt làm cho không; còn người Ðại thừa biết các pháp thật không, không phá không hoại.

Hỏi: Ba thứ tà kiến: 1- Phá quả báo tội phước, không phá tội phước; phá quả báo nhân duyên, không phá nhân duyên; phá đời sau, không pháđời này. 2- Phá quả báo tội phước; cũng phá tội phước; phá quả báo nhân duyên, cũng phá nhân duyên; phá đời sau, cũng pháđời này, không pháhết thảy pháp. Phá hết thảy pháp, đều làm cho không có gì. Người quán không, cũng nói chơn không không có gì, cùng với người tà kiến thứ ba này có gì khác?

Ðáp: Người tà kiến phá các pháp làm cho không; còn người quán không biết các pháp thật không, không phá không hoại.

Lại nữa, người tà kiến nói các pháp đều không, không có gì, chấp thủ hý luận về tướng không của các pháp; còn người quán không, biết các pháp không, không thủ tướng, không hý luận.

Lại nữa, người tà kiến tuy miệng nói hết thảy không, nhưng ở chỗ ưa thời sanh ưa, ở chỗ giận thì sanh giận, ở chỗ kiêu mạn thời sanh kiêu mạn, ở chỗ ngu si thời sanh ngu si, tự dối gạt mình. Còn như đệ tử Phật thật biết không, tâm không lay động; hết thảy chỗ kiết sử sanh không còn sanh; ví như hư không, khói lửa không thể làm nhơ, mưa lớn không thể ướt. Quán không như vậy, các thứ phiền não không còn dính vào tâm.

Lại nữa, người tà kiến nói không có gì, không từ ái (thạch bản ghi là chữ thọ?) làm nhân duyên xuất sanh; còn chơn không là từ ái làm nhân duyên xuất sanh, thế là khác. Bốn vô lượng tâm, các pháp thanh tịnh, vì sở duyên của nó không thật nên còn không bằng với trí tuệ chơn không, huống là tà kiến này?

Lại nữa, kiến ấy gọi làtà kiến, còn chơn không kiến gọi là chánh kiến. Người hành tà kiến, đời này gọi là người tệ ác, đời sau sẽ rơi vào địa ngục. Người hành trí tuệ chơn không, đời này được khen ngợi, đời sau được làm Phật; ví như nước khác với lửa; cũng như cam lồ với độc dược; là phân hôi so với vị tô-đà, thức ăn của trời.

Lại nữa, trongchơn không có Không không tam muội, tà kiến thấy không, tuy có không mà không có Không không tam muội.

Lại nữa, người quánchơn không; trước hết bố thí, trì giới, thiền định vô lượng, tâm kia dịu mềm , các kiết sử mỏng, sau mới đắc chơn không. Người tà kiến không có các việc ấy, chỉ muốn lấy ức tưởng phân biệt, tà tâm thủ không; ví như người ở nông điền, lúc đầu không biết muối, thấy người ta lấy muối bỏ vào rau thịt mà ăn. Hỏi rằng: “Vì sao làm như vậy?” Trả lời rằng: “Vì muối ấy có thể làm cho đồ ăn ngon lành”. Người kia bèn nghĩ rằng, muối ấy có thể làm cho đồ ăn ngon thì chất vị nó phải nhiều, liền bốc toàn muối bỏ vào miệng mà ăn, muối mặn rách miệng, mới hỏi lại rằng: “Sao ông nói muối có thể làm cho ngon? Người kia nói: “Ðồ ngu! Phải trù lượng nhiều ít hòa vào mới ngon được, cớ sao ăn toàn cả muối”, không thực hành các công đức, mà chỉ muốn được không, ấy là tà kiến, dứt các thiện căn.

Các nghĩa như vậy gọi là Không môn. Nếu người nào vào ba môn (Côn-lặc, A-tỳ-đàm, Không môn) này thời hiểu nghĩa Phật pháp không hề trái nghịch nhau. Biết được việc ấy tức là năng lực của Bát-nhã Ba-la-mật, đối với hết thảy phápkhông gì quái ngại. Nếu không được Bát-nhã Ba-la-mật, mà vào A-tỳ-đàm môn thời rơi trong chấp hữu, vào Không môn thời rơi trong chấp vô; nếu vào Côn-lặc môn thời rơi trong chấp cả hữu cả vô.

Lại nữa, Bồ-tát Ma-ha Tát thực hành Bát-nhã Ba-la-mật, tuy biết các pháp nhất tướng, cũng biết được hết thảy pháp chủng chủng tướng. Tuy biết các pháp chủng chủng tướng, cũng biết được hết thảy pháp nhất tướng. Trí tuệ như vậy của Bồ-tát, gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.

Hỏi: Bồ-tát Ma-ha Tát làm sao biết hết thảy pháp chủng chủng tướng? Làm sao biết hết thảy pháp nhất tướng?

Ðáp: Bồ-tát quán các pháp nhất tướng, đó là tướng có; nhân tướng có ấy, trong các pháp có tâm sanh, như vậy hết thảy có.

Hỏi: Trong pháp không sao cũng có tâm sanh?

Ðáp: Nếu nói “không”, sự ấy tức là có.

Lại nữa, Bồ-tát quán hết thảy pháp nhất tướng, đó là vô tướng; như tướng trâu không có tướng dê, nơi dê không có tướng trâu. Như vậy trong các pháp, mỗi mỗi không có tướng của pháp khác; như trước đã nói, nhân có nên có tâm sanh, pháp ấy khác với có, vì khác cho nên không. Nếu pháp “có” là trâu thì dê cũng nên là trâu, vì sao? Vì pháp “có” không khác nhau vậy. Nếu khác với có thời là không, như vậy hết thảy làkhông.

Lại nữa, Bồ-tát quán hết thảy pháp là một, nhân pháp một ấy mà trong các pháp chỉ một tâm sanh. Các pháp mỗi mỗi có tướng một, hợp các một nên gọi là hai, gọi là ba .... Một là thật; hai, ba ... là hư.

Lại nữa, Bồ-tát quán các pháp có sở nhân nên có, như thân người vô thường; vì sao? Vì là tướng sanh diệt. Hết thảy pháp đều như vậy, có sở nhân nên có.

Lại nữa, hết thảy pháp không sở nhân nên có, như thân người vô thường sanh diệt; nhân sanh diệt nên biết vô thường. Nhân ấy lại nên có nhân. Như vậy thì vô cùng, nếu vô cùng thời vô nhân. Nếu nhân ấy lại không có nhân, thời nhân vô thường ấy cũng không phải nhân. Như vậy, hết thảy không có nhân.

Lại nữa, Bồ-tát quán hết thảy pháp có tướng, không có pháp gì không tướng; như đất có tướng cứng nặng, nước có tướng lạnh ướt; lửa có tướng nóng, chiếu sáng; gió có tướng nhẹ, động; hư không có tướng dung chứa; phân biệt giác tri là tướng của thức; có đây có kia là tướng của phương; có lâu có mau là tướng của thời; tâm trược ác não loạn chúng sanh là tướng của tội; tâm tịnh thiện thương xót chúng sanh là tướng của phước; đắm trước các pháp là tướng của trói buộc; không đắm trước các pháp là tướng của giải thoát. Hiện tiền hết thảy pháp, không bị chướng ngại là tướng của Phật. Như vậy, hết thảy đều có tướng.

Lại nữa, Bồ-tát quán hết thảy pháp đều không tướng, các tướng ấy do nhân duyên hòa hợp sanh, không có tự tánh cho nên không. Như đất; do hương, vị, xúc bốn pháp hòa hợp lại gọi là đất. Không phải chỉ có sắc mà gọi là đất; cũng không phải chỉ vị, xúc mà gọi là đất; vì cớ sao, nếu chỉ có sắc là đất, còn ba thứ kia không phải là đất, vậy là đất không có hương, vị, xúc? Hương, vị, xúc cũng như vậy.

Lại nữa, bốn pháp ấy sao làm một pháp? Sao một pháp làm bốn pháp? Vì thế không được lấy bốn thứ làm đất, cũng thế không được lìa bốn thứ làm đất.

Hỏi: Tôi không cho bốn pháp là đất, chỉ nhân bốn pháp cho nên có pháp đất sanh; đất ấy trụ ở giữa bốn pháp?

Ðáp: Nếu từ bốn pháp sanh ra đất, thời đất với bốn pháp khác nhau; như cha mẹ sanh ra con, thời con khác với cha mẹ. Nếu như vậy, nay con mắt thấy sắc, mũi biết hương, lưỡi biết vị, thân biết xúc; đất nếu khác với bốn pháp đó, thời phải nên có căn khác, thức khác để biết đất. Nếu không có căn khác, thức khác để biết đất, thời không có đất.

Hỏi: Nếu trên kia nói về tướng đất có lỗi, phải nên như A-tỳ-đàm nói về tướng đất: Ðất gọi là sắc do bốn đại tạo ra, trong đó chỉ địa chủng là tướng cứng. Ðất là sắc có thể thấy?

Ðáp: Nếu đất chỉ là sắc, trước kia đã nói lỗi. Lại đất là tướng cứng, nhưng con mắt chỉ thấy sắc, như thấy trăng dưới nước, tượng trong gương, bóng của cây cỏ thời không có tướng cứng, tướng cứng là do thân căn xúc chạm mà biết.

Lại nữa, nếu con mắt thấy sắc ấy là đất, còn tướng cứng là địa chủng; con mắt thấy sắc ấy là nước, lửa, còn tướng ướt là thủy chủng, tướng nóng là hỏa chủng. Nếu như vậy, thì gió và phong chủng, cũng nên phân biệt, nhưng mà không phân biệt được. Như nói: “Thế nào là gió, thế nào là phong chủng? Thế nào là phong chủng? Thế nào là gió? Nếu gió và phong chủng là một vật, thời không nên đáp hai cách. Nếu gió và phong chủng không khác thời đất và địa chủng cũng không thể khác.

Hỏi: Bốn đại, mỗi mỗi không lìa nhau; như trong đất có nước, lửa, gió bốn thứ. Nhưng trong đất thì đất nhiều hơn hết, nên gọi là đất; trong nước, lửa, gió cũng như vậty?

Ðáp: Không phải, vì sao? Vì nếu trong lửa có bốn đại, thì phải nên đều nóng cả, vì không có lửa gì không nóng; nếu ba đại kia ở trong lửa mà không nóng, thời không gọi là lửa. Nếu nóng thời đất, nước, gió bỏ mất tự tánh, đều gọi là lửa. Nếu cho là nó vi tế nên không thể biết, thời không khác gì với không có. Nếu có thô có thể biết được, thời biết có vi tế; nếu không thô thời cũng không tế. Vì các nhân duyên như vậy, biết tướng đất không thể có được. Nếu tướng đất không thể có được thời tướng củahết thảy phápcũng không thể có được. Thế nên hết thảy pháp đều một tướng.

Hỏi: Chẳng nên nói vô tướng, vì sao, vì đối với các pháp vô tướng tức là tướng, Nếu không có vô tướng thời không thể phá tướnghết thảy pháp, vì sao, vì không có vô tướng. Nếu có vô tướng ấy, thời không thể nói hết thảy pháp vô tướng.

Ðáp: Lấy vô tướng để phá tướng các pháp; nếu có tướng vô tướng, thời đọa vào trong tướng các pháp. Nếu không đọa vào trong tướng các pháp, thời không nên hạn hỏi. Vô tướng phá hết tướng các pháp, cũng là tướng tự diệt; ví như que củi mồi lửa, sau khi đốt hết củi, cũng lại tự đốt. Thế nên Thánh nhân thực hành Vô tướng vô tướng tam muội, để phá vô tướng.

Lại nữa, Bồ-tát quán hết thảy pháp không hợp, không tan, không sắc, không hình, không đối, không bày, không nói, chỉ có một tướng, đó là vô tướng. Như vậy các pháp một tướng,

Làm sao quán chủng chủng tướng? Hết thảy các pháp thu nhiếp vào hai pháp là danh, sắc; sắc, vô sắc; có thể thấy, không thể thấy; có đối, không đối; hữu lậu, vô lậu; hữu vi, vô vi v...v... Hai trăm pháp môn hai phần, như trong phẩm Thiên Nạn nói.

Lại nữa, có hai pháp, là nhẫn nhục và nhu hòa. Lại có hai pháp là thân kính và cúng dường. Hai thí là tài thí và pháp thí. Hai lực là lực tuệ phân biệt và lực tu đạo. Hai cụ túc là giới cụ túc và chánh kiến cụ túc. Hai tướng là tướng chất trực và tướng nhu nhuyến. Hai pháp là định và trí. Hai pháp là minh và giải thoát. Hai pháp là thế gian pháp và đệ nhất nghĩa pháp. Hai pháp là niệm và xảo tuệ. Hai đế là thế đế và đệ nhất nghĩa đế. Hai giải thoát là đãi thời giải thoát và bất hoại tâm giải thoát. Hai Niết-bàn là Hữu-dư Niết-bàn và Vô-dư Niết-bàn. Hai cứu cánh là sự cứu cánh và nguyện cứu cánh. Hai kiến là tri kiến và đoạn kiến. Hai cụ túc là nghĩa cụ túc và ngữ cụ túc. Hai pháp là thiểu dục và tri túc. Hai pháp là dễ nuôi và dễ đủ. Hai pháp là pháp tùy và pháp hành. Hai trí là tận trí và vô sanh trí. Như vậy ... vô lượng pháp môn hai phần.

Lại nữa, biết ba đạo là kiến đạo, tu đạo, vô học đạo. Ba tánh là đoạn tánh, ly tánh, diệt tánh. Ba tu là giới tu, định tu, tuệ tu. Ba Bồ-đề là Phật Bồ-đề, Bích-chi-ca Phật Bồ-đề, Thanh-văn Bồ-đề. Ba thừa là Phật thừa, Bích-chi-ca Phật thừa, Thanh-văn thừa. Ba quy y là Phật, Pháp, Tăng. Ba trú là phạm trú, thiên trú, thánh trú. Ba tăng thượng là tự tăng thượng, tha tăng thượng, pháp tăng thượng. Chư Phật ba thứ bất hộ là thân nghiệp bất hộ, khẩu nghiệp bất hộ, ý nghiệp bất hộ. Ba phước xứ là thí, giới, thiện tâm. Ba gậy khí (cụ) là gậy khí nghe, gậy khí ly dục, gậy khí tuệ. Ba luân là biến hóa luân, thị tha tâm luân, giáo hoá luân. Ba giải thoát môn là Không giải thoát môn, Vô tướng giải thoát môn, Vô tác giải thoát môn. Như vậy ... vô lượng pháp môn ba phần.

Lại biết bốn pháp là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, bốn Thánh đế, bốn Thánh chủng, bốn sa môn quả, bốn tri, bốn tín, bốn đạo, bốn nhiếp pháp, bốn y, bốn thông đạt thiện căn, bốn đạo, bốn thiên nhân luân, bốn kiên pháp, bốn vô sở úy, bốn vô lượng tâm. Như vậy ... vô lượng pháp môn bốn phần.

Lại biết năm vô học chúng, năm xuất tánh, năm giải thoát xứ, năm căn, năm lực, năm đại thí, năm trí, năm A-na-hàm, năm chỗ Tịnh-cư thiên, năm trị đạo, năm trí tam muội, năm Thánh phần chi tam muội, năm ngữ đạo như pháp. Như vậy ... vô lượng pháp môn năm phần.

Lại biết sáu xả pháp, sáu ái kỉnh pháp, sáu thần thông, sáu hạng A-la-hán, sáu địa kiến đế đạo, sáu tùy thuận niệm, sáu tam muội, sáu Ba-la-mật. Như vậy ... vô lượng pháp môn sáu phần.

Lại biết bảy giác ý, bảy tài, bảy y chỉ, bảy tưởng định, bảy diệu pháp, bảy tri, bảy chỗ thiện nhân đi, bảy tịnh, bảy tài phước, bảy phi tài phước, bảy trợ định pháp. Như vậy ... vô lượng pháp môn bảy phần.

Lại biết tám Thánh đạo phần, tám bội xả, tám thăng xứ, tám đại nhân niệm, tám thứ tinh tấn, támtrượng phu, tám A-la-hán lực. Như vậy ... vô lượng pháp môn tám phần.

Lại biết chín thứ đệ định, chín danh sắc (từ danh đến sanh tử là chín) vv... diệt, chín vô lậu trí, chín vô lậu địa, chín địa tư duy đạo. Như vậy ... vô lượng pháp môn chín phần.

Lại biết mười vô học pháp, mười tưởng, mười trí, mười nhất thiết nhập, mười đại địa thiện, Phật mười lực. Như vậy ... vô lượng pháp môn mười phần.

Lại biết mười một trợ Thánh đạo pháp. Lại biết mười hai nhân duyên pháp. Lại biết mười ba xuất pháp, mười bốn biến hóa tâm, mười lăm tâm kiến đế đạo, mười sáu An-na-ban-na hạnh, mười bảy Thánh hạnh (nên nói mười sáu), mười tám pháp bất cọng, mười chín ly địa. Một trăm sáu mươi hai đạo trong tư duy đạo, tư duy đạo có khả năng phá giặc phiền não. Một trăm bảy mươi tám Sa-môn quả gồm tám mươi chín hữu vi quả, tám mươi chín vô vi quả. Như vậy các thứ vô lượng pháp tướng sai khác; sanh, diệt, tăng, giảm, đắc, thất, cấu, tịnh đều biết được cả. Bồ-tát Ma-ha-tát biết các pháp ấy xong, có thể khiến cho các pháp nhập vào tự tánh không, mà đối với các pháp không dính mắc; vượt quá địa vị Thanh-văn, Bích-chi Phật, mà vào địa vị Bồ-tát. Vào địa vị Bồ-tát xong, lấy đại bi tâm thương xót, lấy sức phương tiện phân biệt chủng chủng danh tự các pháp, độ chúng sanh khiến chứng được tam thừa. Ví như người công xảo, dùng sức thuốc có thể biến bạc thành vàng, biến vàng thành bạc.

Hỏi: Nếu các pháp tánh chơn không, sao còn phân biệt chủng chủng danh tự? Sao không chỉ nói là tánh chơn không?

Ðáp: Bồ-tát Ma-ha-tát không nói “không” là có thể đắc, có thể trước, thì không nên nói các pháp có chủng chủng tướng sai khác. Không bất khả đắc là không có gì quái ngại; nếu có quái ngại ấy là khả đắc chứ chẳng phải bất khả đắc không. Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát biết bất khả đắc không, lại còn phân biệt được các pháp, thương xót độ thoát chúng sanh, ấy là sức của Bát-nhã Ba-la-mật, Lấy chỗ cốt yếu mà nói: Thật tướng các pháp là Bát-nhã Ba-la-mật.

Hỏi: Hết thảy kinh sách thế tục và chín mươi sáu thứ kinh của xuất gia ngoại đạo đều nói có thật tướng các pháp?. Lại trong tam Tạng pháp của Thanh-văn, cũng có nói thật tướng các pháp, sao không gọi đó là Bát-nhã Ba-la-mật, mà chỉ riêng thật tướng các pháp nói ở trong kinh này, được gọi là Bát-nhã Ba-la-mật?

Ðáp: Trong kinh sách thế tục, vì để làm an nước toàn gia, thân mạng thọ vui, cho nên chẳng phải thật. Ngoại đạo xuất gia đọa trong pháp tà kiến, tâm ưa đắm, cho nên cũng chẳng phải thật. Trong pháp Thanh-văn tuy có bốn đế, lấy vô thường, khổ, không, vô ngã quán thật tướng các pháp; vì trí tuệ không đầy đủ, không thông lợi, không thể vì độhết thảy chúng sanh; không vì cầu được Phật pháp, nên tuy có thật trí tuệ mà không gọi Bát-nhã Ba-la-mật. Như nói: Phật vào và ra các tam muội, Xá-lợi-phất còn không nghe được tên nó huống là có thể biết được, vì cớ sao? Vì các A-la-hán, Bích-chi Phật khi mới phát tâm, không có nguyện lớn, không đại từ đại bi, không cầu hết thảy các công đức, không cúng dường hết thảy ba đời mười phương Phật, không cứu xét cầu biết thật tướng các pháp, mà chỉ cầu thoát khỏi khổ già bệnh chết. Còn các Bồ-tát từ khi mới phát tâm đã có thệ nguyện rộng lớn, có đại từ bi, cầu hết thảy các công đức, cúng dường hết thảy ba đời mười phương Phật, có lợi trí lớn, cầu thật tướng các pháp, trừ các thứ quán là tịnh quán, bất tịnh quán, thường quán, vô thường quán, lạc quán, khổ quán, không quán, thật quán, ngã quán, vô ngã quán. Xả bỏ các quán theo tâm lực vọng kiến như vậy, mà chỉ quán thật tướng của ngoại duyên là phi tịnh, phi bất tịnh, phi thường, phi vô thường, phi lạc, phi khổ, phi không, phi thật, phi ngã, phi vô ngã. Ðối các quán như vậy, không chấp trước, không thủ đắc, vì là pháp thế tục, không phải đệ nhất nghĩa. Thanh tịnh cùng khắp, không phá không hoại là chỗ các Thánh nhân hành, ấy gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.

Hỏi: Ðã biết thể tướng Bát-nhã là pháp vô tướng, vô đắc; vậy hành giải làm sao có thể đắc pháp ấy?

Ðáp: Phật dùng phương tiện thuyết pháp, hành giả hành đúng như Phật nói thời đắc; ví như đường hiểm bờ cao, nhờ thang mà lên được. Lại như nước sâu nhờ thuyền mà qua được.Bồ-tát mới phát tâm, nếu theo Phật nghe, hoặc theo đệ tử Phật nghe, hoặc nghe trong kinh nói: “hết thảy pháp rốt ráo không, không có tánh nhất định khả thủ khả trước, là pháp đệ nhất thật, diệt trừ các hý luận”. Tướng Niết-bàn là rất an ổn, tôi muốn độ thoát hết thảy chúng sanh, làm sao riêng lấyNiết-bàn? Tôi nay phước đức, trí tuệ, thần thông lực chưa đầy đủ, nên không thể dẫn dắtchúng sanh, phải đầy đủ các nhân duyên ấy, thực hành năm Ba-la-mật là bố thí, v.v... Do tài thí nên được giàu lớn, do pháp thí nên được trí tuệ, có thể do hai thí ấy mà dẫn dắt chúng sanh nghèo cùng vào tam thừa đạo. Do trì giới nên được sanh vào cõi người cõi trời tôn quý, tự thoát khỏi ba đường ác; cũng khiến chúng sanh thoát khỏi ba đường ác. Do nhẫn nhục, nên ngăn được thứ độc nóng giận, mà được thân sắc đoan chánh, oai đức đệ nhất, ai thấy đều hoan hỷ, tâm phục kính tin, huống còn thuyết pháp nữa? Do tinh tấn nên có thể phá sự giải đãi đối với phước đức, đạo pháp, mà được thân kim cang, tâm bất động. Dùng thân tâm ấy phá tâm kiêu mạn của phàm phu khiến được Niết-bàn. Do thiền định, phá tâm tán loạn, lìa cái vui tội lỗi theo ngũ dục, hay vì chúng sanh nói về pháp ly dục. Thiền là chỗ y chỉ của Bát-nhã Ba-la-mật, y nơi thiền mà Bát-nhã Ba-la-mật tự nhiên pháp sanh. Như trong kinh nói: “Tỳ-kheo nhất tâm chuyên định, có thể quán thật tướng các pháp.

Lại nữa, biết ở trong Dục giới phần nhiều do tội nghiệp xan và tham, đóng cửa các thiện. Khi thực hành Bố-thí Bát-nhã Ba-la-mật thì phá hai việc ấy, mở cửa các thiện. Vì muốn được thường mở, nên thực hành giới Ba-la-mật về mười thiện đạo. Vì chưa đầy đủ thiền định, trí tuệ, chưa ly dục nên phá giới Ba-la-mật. Do vậy nên thực hành nhẫn nhục, biết ba việc trên có khả năng mở cửa phước. Lại biết phước đức quả báo ấy là vô thường, thọ hết vui ở cõi trời người, trở lại đọa vào đường khổ. Vì nhàm đủ phước đức vô thường ấy, nên cầu thật tướng Bát-nhã Ba-la-mật.

Việc ấy làm sao được? Chắc chắn phải do nhất tâm mới có thể được. Như xâu ngọc báu của Long vương, nhất tâm quán sát mà không chạm đến rồng thì giá trị bằng Diêm-phù-đề. Nhất tâm thiền định thì trừ bỏ năm dục, năm cái; muốn được tâm vui phải dùng tinh tấn; cho nên tiếp sau nhẫn nhục là nói tinh tấn Ba-la-mật. Như trong kinh nói hành giả thân ngồi ngay thẳng, buộc niệm ở trước, chuyên tinh cầu định, dầu cho thịt xương khô mục, trọn không giải đãi thối lui, cho nên tinh tấn tu thiền. Nếu có tài vật mà bố thí không đủ khó; vì sợ đọa đường ác, sợ mất tiếng tốt mà trì giới, nhẫn nhục cũng không là khó. Do vậy nên ở ba độ đầu không nói đến tinh tấn. Nay vì thật tướng Bát-nhã Ba-la-mật, mà từ tâm cầu định, việc ấy mới khó, cho nên phải cần đến tinh tấn. Thực hành như vậy, có thể đắc Bát-nhã Ba-la-mật.

Hỏi: Phải thực hành năm Ba-la-mật, sau mới đắc Bát-nhã Ba-la-mật, hay cũng có thể thực hành một, hai Ba-la-mật cũng có thể đắc Bát-nhã ư?

Ðáp: Các Ba-la-mật có hai thứ: 1. Trong một Ba-la-mật có đủ các Ba-la-mật tương ưng tùy hành. 2. Tùy thời thực hành riêng từng Ba-la-mật. Hễ Ba-la-mật nào nhiều thì theo đó gọi tên ấy. Ví như bốn đại chung hợp, tuy không lìa nhau, song theo đại nào nhiều mà được gọi tên.

Tương ưng tùy hành là, trong một Ba-la-mật có đủ năm Ba-la-mật. Ấy là không lìa năm Ba-la-mật mà đắc Bát-nhã Ba-la-mật.

Tùy thời đắc danh là, hoặc nhân một, nhân hai Ba-la-mật mà đắc Bát-nhã Ba-la-mật. Nếu người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà bố thí, bấy giờ tìm tướng bố thí thấy chẳng một chẳng khác, phi thường, phi vô thường, phi hữu, phi vô v.v... Như trong đoạn nói về bố thí ở trước. Nhân thật tướng bố thí mà hiểu hết thảy pháp cũng như vậy. Ấy gọi là nhân bố thí mà đắc Bát-nhã Ba-la-mật.

Hoặc có người trì giới, không não hại chúng sanh, tâm không có hối tiếc. Nếu thủ tướng rồi sanh chấp trước thời nổi lên cạnh tranh, người ấy tuy không sân não chúng sanh, song đối với pháp có tâm ưa ghét cho nên lại sân não chúng sanh. Thế cho nên muốn không sân não chúng sanh, hãy thực hành quán chư pháp bình đẳng. Nếu phân biệt là tội là vô tội, thời chẳng phải thực hành GiớiBa-la-mật; vì cớ sao, vì ghét tội, yêukhông tội, thời tâm sanh tự cao, trở lại trong con đường não hại chúng sanh. Thế cho nên Bồ-tát quán người có tội, người không tội, tâm không ghét yêu. Quán như vậy là chỉ thực hành GiớiBa-la-mật đắc Bát-nhã Ba-la-mật.

Bồ-tát suy nghĩ rằng: Nếu không được pháp nhẫn, thời không thể thường nhẫn. Hết thảy chúng sanhkhi chưa có gì bức bách thời nhẫn được; khi có sự khổ bức thiết rồi thời không thể nhẫn được. Ví như người tù sợ gậy đánh phải đến chết khổ. Do nhân duyên ấy nên sanh pháp nhẫn: Không có người đánh, người mắng, cũng không có người chịu; chỉ do nhân duyên quả báo điên đảo đời trước nên gọi là chịu. Khi ấy không phân biệt, ấy gọi là sự nhẫn. Pháp nhẫn là thâm nhập tất cánh không, ấy gọi là pháp nhẫn. Ðược pháp nhẫn ấy, thường không còn sân não chúng sanh . Tuệ tương ứng với pháp nhẫn là Bát-nhã Ba-la-mật.

Tinh tấn thường ở trong hết thảy thiện pháp, thành tựu được hết thảy thiện pháp. Nếu có trí tuệ trù lượng phân biệt các pháp, thông đạt pháp tánh, khi ấy tinh tấn giúp cho thành trí tuệ.

Lai như thật tướng của tinh tấn là thân lìa tâm, như thật bất động. Tinh tấn như vậy, hay sanh ra Bát-nhã Ba-la-mật. Ngoài ra các sự tinh tấn khác là như huyễn, như mộng, hư dối phi thực, cho nên không nói. Nếu thâm tâm nhiếp niệm, thời như thật thấy thật tướng các pháp. Thật tướng các pháp là không thể dùng thấy, nghe, suy nghĩ mà biết được; vì cớ sao, vì sáu căn, sáu trần đều là nhân duyên quả báo hư dối. Những điều thấy biết trong ấy cũng là hư dối. Cái biết hư dối ấy, hoàn toàn không thể tin. Ðiều có thể tin là chỉ có thật tướng trí tuệ của chư Phật trải A-tăng-kỳ kiếp chứng được. Vì trí tuệ ấy dựa nơi thiền định nhất tâm, quán thật tướng các pháp; ấy gọi là trong thiền định phát sanh Bát-nhã Ba-la-mật. Hoặc có khi lìa năm Ba-la-mật, chỉ nghe, đọc tụng, tư duy, trù lượng thông đạt thật tướng các pháp; ấy là trong phương tiện trí phátsanh Bát-nhã Ba-la-mật.Hoặc từ hai, ba, bốn Ba-la-mật phát sanh Bát-nhã Ba-la-mật; như nghe một đế mà được thành đạo quả. Hoặc có khi nghe hai, ba, bốn đế mà thành được thành đạo quả.

Có người đối với khổ đế còn mê lầm nhiều, nhờ nghe nói khổ đế mà đắc đạo. Ba đế kia cũng như vậy. Hoặc có người mê cả bốn đế, nhờ nghe nói bốn đế mà đắc đạo. Như Phật nói với Tỳ-kheo: Nếu ngươi dứt được tham dục, Ta bảo nhậm ngươi chứng được đạo quả A-na-hàm. Nếu dứt được tham dục, thì nên biết sân, si cũng dứt. Trong sáu Ba-la-mật cũng như vậy. Vì phá tâm xan tham nhiều nên nói pháp bố thí, nên biết các ác khác cũng bị phá. Vì phá các tạp ác nên nói đủ sáu Ba-la-mật cho nên hoặc mỗi mỗi thực hành riêng, hoặc hợp lại thực hành. Khắp vì mọi người nên nói đủ sáu Ba-la-mật, chứ không phải vì một người.

Lại nữa, nếu Bồ-tát không hành hết thảy pháp, không thủ đắc hết thảy pháp nên đắcBát-nhã Ba-la-mật, vì cớ sao? Vì các hành đều hư vọng không thật; hoặc gần có lỗi, hoặc xa có lỗi; như pháp bất thiện là gần có tội lỗi, còn pháp thiện lâu về sau, khi biến đổi thì người đắm trước nó hay sanh lo khổ, ấy là xa có tội lỗi. Ví như đồ ăn ngon, đồ ăn dở đều có tạp độc, mà ăn đồ ăn dở liền không vui, ăn đồ ăn ngon tức thời ngon vui; song lâu về sau, cả hai đều cướp mạng sống, nên không nên ăn cả hai. Các hành thiện, áccũng như vậy.

Hỏi: Nếu như vậy, sao Phật nói có ba hành là Phạm hành, Thiên hành, Thánh hành?

Ðáp: Hành vô hành gọi là Thánh hành, vì cớ sao? Vì hết thảy Thánh hành, không ngoài ba môn giải thoát. Trong Phạm hành, Thiên hành, nhân thủ tướng chúng sanh mà sanh, tuy khi hành không có lỗi, nhưng về sau đều có lỗi. Lại chính ngay đây tìm tánh thật, thì đều là hư vọng. Nếu Hiền Thánh đem tâm vô trước thực hành hai hành đó, thời không có lỗi. Nếu được như vậy, hành pháp vô hành, hoàn toàn không có gì đắc, thời phiền não điên đảo hư vọng rốt ráo không sanh. Như hư không thanh tịnh, nên đắc thật tướng chư pháp, do vô sở đắc là đắc; như trong đoạn vô sở đắcBát-nhã đã nói.

Sắc pháp v.v... không phải không cho nên không, mà từ xưa đến nay thường tự không. Sắc pháp v.v... không phải vì trí tuệ hiểu không thấu, cho nên nói không có gì được, mà chính từ xưa đến nay thường tự không có gì được. Thế không nên hỏi thực hành mấy Ba-la-mật thì đắcBát-nhã! Các đức Phật thương xót chúng sanh, theo nghĩa thế tục mà nói hành, chứ không phải đệ nhất nghĩa.

Hỏi: Nếu không có gì được, không có gì hành, sao hành giả cầu tìm nó?

Ðáp: Không có gì được (vô sở đắc) có hai thứ: 1. Thế gian có chỗ mong cầu mà không được như ý, ấy là không có gì được (vô sở đắc). 2. Trong thật tướng các pháp, không có gì là tướng quyết định, nên gọi là không có gì được (vô sở đắc), chứ không phải không có phước đức trí tuệ tăng ích thiện căn; như người phàm phu phân biệt pháp trên thế gian nên có sở đắc. Các công đức thiện cũng như vậy, tùy theo tâm thế gian nên nói có sở đắc, còn trong tâm chư Phật thời không sở đắc.

Ấy là lược nói nghĩa Bát-nhã Ba-la-mật. Sau sẽ rộng nói.

(Hết cuốn 18 theo bản Hán)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]