Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mục 3: Hỏi Đại Chúng Về Viên Thông

23/11/201217:05(Xem: 9519)
Mục 3: Hỏi Đại Chúng Về Viên Thông

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU

Mục 3: Hỏi Đại Chúng Về Viên Thông


Kinh: Ông Anan và cả đại chúng nhờ Phật chỉ dạy, Trí Huệ viên thông, được không nghi lầm, cùng lúc chấp tay đảnh lễ chân Phật, thưa: “Ngày nay chúng tôi thân tâm sáng suốt, vui thích mà được không ngăn ngại. Mặc dầu tỏ ngộ được nghĩa Một và Sáu mất hết, mà còn chưa rõ cội gốc viên thông. Thưa Thế Tôn, chúng tôi phiêu linh bơ vơ nhiều kiếp, may đâu lại được dự vào dòng giống của Phật, như đứa con mất sữa, bỗng nhiên gặp được mẹ hiền. Nếu nhân nơi đây mà được thành Đạo, thì chỗ được mật ngôn đồng với nguồn tỏ ngộ, mà cùng với lúc chưa nghe không có sai khác. Xin Phật rủ lòng Đại Bi ban cho chúng tôi Pháp bí mật trang nghiêm, thành tựu sự chỉ bày tối hậu của Như Lai”.

Nói xong lời ấy, năm vóc gieo xuống đất, lui ẩn vào trong tâm cơ sâu nhiệm, mong Phật tâm truyền.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo khắp các vị Đại Bồ Tát và các vị lậu tận Đại A La Hán trong hội rằng: “Các ông là những vị Bồ Tát và A La Hán sanh trong Phật Pháp mà đắc thành Vô Học. Nay Ta hỏi các ông: Trong lúc ban đầu phát tâm, trong mười tám giới, ngộ được viên thông ở giới nào, và do phương tiện gì mà vào Tam Ma Địa?”

Thông rằng: Chỉ bày cái Huệ Giác Viên Thông, tức ở trước là Sáu mở Một tiêu cho đến đắc Vô Sanh Nhẫn. Do Sáu mở mà thân suốt thông vô ngại. Do Một tiêu mà tâm vô ngại. Tuy chưa đến chỗ sáu căn thanh tịnh, nhưng Nhổ Một Sáu tiêu, Sáu tiêu Một mất nên đã sáng suốt không còn nghi lầm. Có điều chưa rõ gốc Căn Viên Thông ở đâu. Căn nào là Viên Thông nhất? Theo Căn nào mà nhập để chứng Viên Thông?

Theo Căn Viên Thông mà chứng Quả Viên Thông, với Anan thì nhân chỗ này mà thành Đạo, với Như Lai thì đó là sự khai thị tối hậu, nên Ông Anan mới xin Phật mật trao cho pháp sâu nhiệm trang nghiêm.

Nếu luận về Căn Viên Thông, thì trước đã bày rõ rằng mười phương Như Lai ở nơi mười tám giới mỗi mỗi tu hành đều đắc viên mãn Bồ Đề Vô Thượng, trong đó không có hơn kém. Nay lại bảo khắp các vị Bồ Tát và A La Hán lúc mới đầu phát tâm ngộ Viên Thông ở giới nào, do phương tiện gì mà vào Tam Ma Địa? So sánh Căn Viên Thông, còn tự có thể nói được. Đến phương tiện ngộ nhập thì mỗi người tự biết, tự chứng, há lời nói có thể đến được ư? Lời nói không thể đến, thì chỉ có thể tâm truyền.

Căn cứ vào sự cầu xin của Ông Anan, là mong Phật tâm truyền, chứ không lấy lời mà nói, còn Ông Anan cũng lấy tâm mà nhận lãnh, chứ không phải lấy sự nghe mà nghe. Không lấy lời nói mà truyền, đó là mật ngôn. Không lấy sự nghe mà nghe, đó là cội nguồn tỏ ngộ. Cho nên được mật ngôn của Phật, thì đồng với cội nguồn tỏ ngộ, nên tuy có nghe mà cũng như chưa nghe. Nghe mà chẳng nghe, đó là thực nghe. Bởi thế mới “Lui ẩn vào trong tâm cơ sâu nhiệm, mà mong đắc vậy”.

Giả sử, Phật có thể ban cho, Ông Anan có thể đắc, thế chẳng phải là Mật. Lấy đó mà chứng Viên Thông, thì chẳng phải là Viên Thông vậy. Ngộ là do tự ngộ, há ai có thể đưa cho mình ư?

Thiền sư Bàn Sơn Tích thượng đường nói : “Một đường hướng thượng, ngàn Thánh chẳng truyền. Người học mệt nhọc hình hài, như vượn bắt bóng!”

Bóng mà bắt được, thì cái Bí Mật Trang Nghiêm mới truyền được!

Tiết Độ Sứ Kinh Nam là Thành Nhuế, vào cúng dường Ngài Vân Cư, hỏi rằng : “Đức Thế Tôn có Mật Ngữ, Ngài Ca Diếp chẳng che giấu là thế nào?”

Tổ Ứng gọi : “Thượng Thơ!”

Ông Nhuế ứng tiếng : “Dạ!”

Tổ Ứng nói : “Hội chăng?”

Ông Nhuế nói : “Không hiểu”.

Tổ Ứng nói : “Nếu ông không hiểu, thì Thế Tôn có Mật Ngữ. Nếu ông mà hiểu, thì Ngài Ca Diếp chẳng che giấu!”

Thế nên biết chuyện này, chẳng tự ngộ suốt thì không thể được.

I. VIÊN THÔNG VỀ THANH TRẦN

Kinh: Nhóm Ông Kiều Trần Na năm vị Tỳ Kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Ở Lộc Uyển và ở Kế Viên, chúng tôi được nhìn thấy Như Lai khi mới thành Đạo. Chúng tôi do Âm Thanh của Phật mà tỏ ngộ Tứ Đế. Phật hỏi trong hàng Tỳ Kheo, thì trước tiên tôi thưa là hiểu. Thế Tôn ấn chứng cho tôi tên A Nhã Đa (Hiểu), là Âm Thanh nhiệm mầu toàn vẹn. Tôi ở nơi Âm Thanh, đắc A La Hán.

“Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ tu chứng của tôi, thì Âm Thanh là trên hết”.

Thông rằng: Ông Kiều Trần Na ban đầu ngộ hai chữ Khách Trần, đã được đặt tên là Giải. Ở nơi Âm Thanh của Phật tỏ ngộ pháp Tứ Đế. Đức Phật ban đầu ở vườn Lộc Uyển chuyển ba pháp luân Tứ Đế. Một là, Tướng Chuyển. Hai là, Khuyên Tu Chuyển. Ba là, Chứng Chuyển.

Một là, Tướng Chuyển: chỉ bày cái tướng trạng, đây là Khổ, đây là Khổ Tập, đây là Khổ Diệt, đây là Đạo Khổ Diệt.

Hai là, Khuyên Tu: khiến nên tu, nên biết cái Khổ, nên biết Khổ Tập... nên biết Đạo.

Ba là, Chứng Minh: đưa mình ra chứng minh cho chân lý ấy. Khổ ta đã biết, chẳng cần trở lại biết, cho đến Đạo ta đã tu, không cần tu lại nữa.

Tỏ ngộ Tứ Đế thì chỉ mới cởi bỏ được cái pháp sanh diệt, đó là tỏ ngộ nơi hai chữ Khách Trần, nhân đó đắc A La Hán. Há bảo rằng Âm Thanh đều là sanh diệt, mà ta chẳng sanh diệt theo sao? Âm Thanh đều là Khách Trần, mà ta chẳng phải là Khách Trần sao? Nhưng nói cái Âm Thanh nhiệm mầu, ẩn mật tròn vẹn, thì cái ẩn mật tròn vẹn ấy lại ở nơi Âm Thanh vậy. Há cho Âm Thanh là sanh diệt, mà nó là chẳng phải sanh diệt đấy chứ! Cho Âm Thanh là Khách Trần, mà nó thật là chẳng phải Khách Trần đấy chứ! Cái ngộ này là chỉ có Ông Kiều Trần Na tự biết, đâu nói với ai được, nên mới gọi là Mật. Chỗ Chứng của ông là ở Âm Thanh, nên lấy Âm Thanh làm Viên Thông vậy.

Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn lúc ở với Tổ Bách Trượng, tâm trí thông minh, mà tham thiền chẳng được.

Đến khi Tổ Bách Trượng tịch, bèn đến tham học với Tổ Quy Sơn.

Tổ Quy Sơn nói: “Ta nghe ông ở chỗ Tiên Sư Bách Trượng, hễ hỏi một thì đáp mười, hỏi mười đáp trăm. Cái thông minh lanh lợi đó là cái ý thức vọng tưởng của căn bản sanh tử. Giờ đây, khi cha mẹ chưa sanh ra, hãy nói một câu xem!”

Trí Nhàn bị hỏi, lập tức ngẩn ngơ.

Bèn trở về liêu phòng, lấy hết sách vở từng đọc qua, tìm từ đầu chí cuối một câu để trả lời mà không thể nào có. Bèn tự than rằng “Bánh vẽ chẳng làm cho hết đói!” Mấy lần cầu xin Tổ Quy Sơn nói vỡ ra cho.

Tổ Sơn nói : “Nếu ta nói cho ông, ngày sau ông sẽ chửi ta. Cái ta nói ra đó là cái của ta, nào có ăn nhằm gì đến ông!”

Trí Nhàn bèn đem hết sách vở đã đọc ra đốt sạch, nói: “Đời này chẳng có học Phật Pháp! Cứ làm hoài một ông tăng cơm cháo khỏi nhọc mệt tâm thần ư?”

Rồi khóc mà từ giã Tổ Quy Sơn.

Đến Nam Dương, thấy di tích của Huệ Trung Quốc Sư bèn dừng ở đó.

Một hôm đang giãy cỏ, tình cờ một miếng ngói văng chạm cây tre thành tiếng, bỗng nhiên tỉnh ngộ. Vội vàng trở vào tắm gội, hướng về núi Quy Sơn đảnh lễ, ngợi ca rằng : “Hòa Thượng từ bi, ơn hơn cha mẹ. Lúc ấy vì tôi nói ra, thì làm sao có được chuyện ngày nay”.

Rồi làm bài tụng :

“Một chạm, mất sở tri

Nào còn mượn tu trì

Động thân, bày lối cổ

Chẳng rơi (vào) cơ lặng im

Nơi nơi không dấu vết

Oai nghi ngoài sắc thanh

Mười phương người đạt Đạo

Đều nói : “Thượng Thượng căn”.

Tổ Quy Sơn nghe được, bảo với Ngài Ngưỡng Sơn: “Tay ấy thấu suốt rồi”.

Ngưỡng Sơn nói: “Đây là cái tâm cơ ý thức sách vở mà thành, để con đích thân tự khám nghiệm đã!”

Rồi Ngài Ngưỡng Sơn gặp Ngài Trí Nhàn, hỏi: “Hòa Thượng khen ngợi sư đệ phát minh được đại sự, ông hãy nói ra xem!”

Ngài Trí Nhàn lại đọc bài tụng trước kia.

Ngưỡng Sơn nói: “Đây là sự kết tụ ghi nhớ mà thành. Nếu là chánh ngộ, thử nói ra cái khác đi!”

Ngài Trí Nhàn bèn tụng:

“Năm xưa nghèo, chưa thật nghèo

Năm nay nghèo, mới thật nghèo

Năm xưa nghèo không đất cắm dùi

Năm nay nghèo dùi cũng không có!”.

Ngưỡng Sơn nói: “Như Lai Thiền thì cho là ông hiểu, còn Tổ Sư Thiền [Đời nhà Đường, Tổ Ngưỡng Sơn lập ra đề mục Tổ Sư Thiền trước tiên. Gọi chỗ tâm ấn của Tổ Đạt Ma truyền lại là Tổ Sư Thiền, cái pháp thiền tột mức riêng truyền ngoài giáo pháp. Gọi Như Lai Thiền chỉ cái ý tu chưa đến chỗ minh tâm kiến tánh] thì chưa mơ màng thấy!”

Ngài Trí Nhàn lại tụng:

“Tôi có một Cơ

Chớp mắt thấy Nó

Vậy bằng chẳng hiểu

Hãy gọi Sa Di!”.

Ngài Ngưỡng Sơn báo lại cho Tổ Quy Sơn: “Mừng cho Nhàn sư đệ đã hội Tổ Sư Thiền”.

Tổ Huyền Giác nói: “Hãy nói xem Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền phân hay chẳng phân?”

Tổ Trường Khánh Lăng nói: “Cùng lúc thong dong”.

Có nhà sư hỏi Hòa Thượng Diệp Huyện Tỉnh về công án “Cây Bách trước sân” của Tổ Triệu Châu.

Hòa Thượng nói: “Ta không từ nan mà nói với ông, nhưng liệu ông có tin không?”

Nhà sư nói: “Lời của Hòa Thượng đáng kính trọng, đâu dám không tin!”

Hòa Thượng nói: “Ông có nghe tiếng giọt mưa trước mái nhà chăng?”

Nhà sư hoát nhiên mở tỏ, bất giác la lên: “Chao ôi!”

Ngài bảo: “Ông thấy đạo lý gì?”

Nhà sư dùng kệ đáp:

“Giọt mưa đầu mái

Rõ ràng rành rẽ!

Phá nát Càn Khôn

Ngay đó tâm dứt”.

Như chỗ chứng của Ngài Trí Nhàn và nhà sư trên đây, cũng lấy Âm Thanh là hơn hết vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]