Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Pháp duyên khởi

18/08/201202:37(Xem: 6594)
12. Pháp duyên khởi
MINH SÁT TU TẬP

Tác giả: Achaan Naeb Mahàniranonda

Thiền viện Boonkanjanaram

Dịch giả: Pháp Thông

 

PHẦNI:

LÝ THUYẾT


XII. PHÁP DUYÊN KHỞI

Pháp Duyên Khởi hay Thập Nhị Nhân Duyên (Paṭicchasamuppāda)là một chuỗi nhân và quả tạo thành một vòng xích mười hai mắc (nidana: nhân duyên), minh họa những điều kiện khiến cho có sự sanh và tái sanh. Chính thực tánh pháp chi phối các hiện tượng nhân quả này, với mỗi nhân duyên tạo điều kiện cho nhân duyên kế tiếp khởi lên. Nó khởi lên trong vòng luân hồi (samsāra-vatta)và không thể nào ngăn được. Chỉ có nhân và quả, hoàn toàn không có một tự ngã hay tha lực trong thế gian này hay thế gian khác chi phối nó.

Không một người hay một sức mạnh bên ngoài nào có thể làm cho điều này xảy ra, nên gọi là Pháp Duyên Khởi, và trong pháp này, chỉ có nhân và duyên (paccāya).Chẳng hạn, vô minh (avijjā)là duyên đưa đến hành nghiệp...

Pháp Duyên Khởi đề cập ở đây chỉ nói đến sự trở thành trong thế gian này, như một con người. Mười hai mắt xích nhân duyên của Pháp Duyên Khởi được trình bày như sau:

Duyên Vô Minh, Hành Nghiệp sanh
Duyên HànhNghiệp, Thức sanh
Duyên Thức, Danh-Sắc sanh
Duyên Danh-Sắc, Lục Nhập sanh
Duyên Lục Nhập, Xúc sanh
Duyên Xúc, Thọ sanh
Duyên Thọ, Ái sanh
Duyên Ái, Thủ sanh
Duyên Thủ, Hữu sanh
Duyên Hữu, Sanh sanh
Duyên Sanh, Lão Tử sanh
Duyên Lão Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh

Từ Vô Minh đến Lão - Tử đã chấm dứt Pháp Duyên Khởi thực thụ. "Sầu, Bi, Khổ v.v..." chỉ là những gì tiếp nối cho thấy rằng mỗi lần sanh đều dẫn đến Khổ (dukkha)- Thánh Đế Thứ Nhất. Pháp Duyên Khởi hay Thập Nhị Nhân Duyên còn được gọi là Hữu Luân - Bhavacakka. Hễ còn nằm trong vòng luân hồi thì bánh xe này chẳng thể nào dừng lại được.

1. Định Danh

1) Vô Minh (avijjā)là không thông đạt Tứ Đế.

2) Hành Nghiệp (sankhāra)không phải là hành uẩn trong ngủ uẩn. Hành Nghiệp ở đây là nghiệp tích lũy từ kiếp quá khứ đưa đến tái sanh. Có ba loại: Phước Hành (puññābhasankhāra), Phi Phước Hành (apuññābhasankhāra), Bất Động Hành (āneñjābhasankhāra, Tứ thiền vô sắc)

3) Thức (viññāṇa) tức Thức tái sanh (patisandhi viññāna)

4) Danh-Sắc (nāma-rūpa)là ba tâm sở: thọ, tưởng, hành, cộng với sắc do nghiệp sanh (kammajārūpa).

5) Lục Nhập (sālaàyatana)tức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xứ.

6) Xúc (phassa)nói đến tâm sở hướng tâm đến đối tượng của Lục Nhập.

7) Thọ (vedanā)là tâm sở cảm nhận thọ lạc hay thọ khổ, ...

8) Ái (tanhā)là sở hữu tham (lobha-cetasika),cảm thấy mong muốn khi sáu căn hoạt động.

9) Thủ (upādāna) là tâm sở phát xuất từ sở hữu tham, nhưng cường độ mạnh hơn.

10) Hữu (bhava) là nghiệp hữu (kammabhava),hay sự hiện hữu trong đó các nghiệp thiện ác được tạo tác.

11) Sanh (jāti)nói đến Năm Uẩn hay Danh-Sắc.

12) Lão - Tử (jaramaranaṃ)sự tiếp nối đương nhiên của sanh hữu.

Đức Phật mô tả pháp Duyên Khởi này để chúng ta có thể nhận ra sự thực của mọi hiện hữu, chúng phát sanh khi có đủ nhân và duyên. Điều này giúp chúng ta nhận ra Danh-Sắc là vô thường, khổ và vô ngã.

Vô minh được xem là mắc xích đầu tiên trong chuỗi duyên khởi, nhưng thực ra nó cũng giống như một bánh xe hay một vòng tròn, không có điểm khởi đầu hay kết thúc. Tuy nhiên, vô minh là mấu chốt của những mắc xích trong chuỗi duyên khởi, bởi lẽ nó là nhân căn để của mọi phiền não. Sự diệt vô minh bằng trí tuệ là cách duy nhất để phá vỡ chuỗi duyên khởi. Vô minh xuất phát từ các lậu hoặc - dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu. Thế nhưng cả bốn lậu này lại bắt nguồn từ vô minh. Vô minh đó là bất tri Tứ Thánh Đế.

Một lần, Trưởng lão Ananda thưa với Đức Phật rằng, Pháp Duyên Khởi này thật là tuyệt diệu và dễ hiểu. "Không phải đâu", Đức Phật nói, "Pháp Duyên Khởi rất là thâm sâu và khó hiểu đấy." Nếu có người nào muốn nghiên cứu về Pháp Duyên Khởi, tốt nhất nên tìm một cuốn sách đặc biệt viết về đề tài này và chắc chắn sẽ vô cùng kinh ngạc trước trí tuệ thâm sâu của Đức Phật. Lợi ích của pháp này là ngăn được ngã kiến, do thấy rằng các pháp phát sanh do duyên và hoàn toàn không có tự ngã, linh hồn hay Thượng đế v.v... tạo dựng ra cái gì cả.

Chứng thực Thập Nhị Nhân Duyên (Hữu Luân) thì hủy diệt được tà kiến như thế nào?

Sự thực chứng Pháp Duyên Khởi sẽ hủy diệt Điên Đảo Tưởng (vipallāsa) bằng năng lực của trí tuệ.

Khi hành giả nhận ra vô minh là duyên của hành nghiệp, nó sẽ diệt tà kiến cho rằng một Đấng Quyền Năng nào đó đã tạo dựng nên mọi sự.

Nhận ra hành nghiệp làm duyên cho kiết sanh thức hay thức tái sanh sẽ diệt được ngã kiến (sakkāyadiṭṭhi), bởi lẽ không phải "ta" được sanh ra mà chỉ có thức tái sanh.

Do thức làm duyên nên có Danh-Sắc (tức các tâm sở và sắc do nghiệp sanh). Điều này làm thay đổi tà kiến cho rằng Danh-Sắc là có tự thể và thường hằng.

Do Danh-Sắc làm duyên mà có lục nhập. Điều này làm chuyển đổi tà kiến cho rằng "ta" nghe, "ta" thấy,...

Do lục nhập làm duyên mà có xúc và xúc thực sự được hình thành từ sự tương giao giữa căn - trần - thức. Vì thế, tà kiến cho rằng căn, trần, thức là tự ngã bị hủy diệt.

Do xúc làm duyên mà sanh thọ, như lạc thọ, khổ thọ, ... nên tà kiến cho rằng "ta" lạc hay "ta" khổ được chuyển đổi.

Do thọ làm duyên mà sanh ái (được diễn tả dưới dạng các tâm sở, là tham tâm sở), tà kiến cho rằng dục lạc trong các hữu đưa đến hạnh phúc được tiêu diệt.

Do ái làm duyên mà có thủ, thủ này do tham tâm sở và tà kiến tâm sở tạo thành, vì thế tà kiến cho rằng những gì khả ái, khả lạc,...đáng chấp giữ, được chuyển đổi.

Do thủ làm duyên mà sanh hữu, nhờ biết rõ điều này mà diệt được tà kiến cho rằng khi con người chết là hết, không có sự tái sanh. (Thực ra, thủ duyên hữu ở đây là tư tâm sở trong 29 tâm gồm 12 bất thiện tâm, 8 dục giới đại thiện tâm, 5 sắc giới thiện tâm và 4 vô sắc giới thiện tâm. Sở hữu tư (cetana)là nghiệp tạo ra quả (vipāka)- quả đó chính là tái sanh hay hữu).

Do hữu làm duyên nên có sanh, điều này hủy diệt tà kiến cho rằng năm uẩn là lạc.

Do sanh làm duyên mà có già - chết. Thấy được diều này, tà kiến cho rằng năm uẩn là tịnh, là thường và có tự ngã sẽ chuyển đổi.

Những phương diện của Pháp Duyên Khởi

Pháp Duyên Khởi có thể được nhìn theo bảy cách như: các chi (12 chi); ba tục đoạn (móc nối); ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai); bốn yếu lược; v.v... Tuy nhiên, ở đây chỉ đề cập đến một vài phương diện quan trọng.

1) Hai mươi Hành Tướng. Nếu phân tích kỹ thì 12 chi trong Pháp Duyên Khởi tạo thành 20 hành tướng (ākāra).

Năm nhân từ quá khứ đến hiện tại: Vô Minh, Hành Nghiệp, Ái, Thủ, Hữu.

Năm quả hiện tại: Thức, Danh-Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ.

Năm nhân hiện tại: Ái, Thủ, Hữu, Vô Minh và Hành .

Năm quả vị lai: Thức, Danh-Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ.

minhsattutap-dohinh106

CHÚ THÍCH

Quá khứ có năm nhân quyết định sanh hữu hiện tại của chúng ta. Vô minh (1) là nhân căn để, là hậu quả do không có trí tuệ siêu thế (lokuttara). Do vô minh này, sống trong thế gian, chúng ta tạo tác các nghiệp, kể cả thiện lẫn ác, gọi là Hành Nghiệp (2). Chẳng hạn, nếu chúng ta hành thiền định để chứng đắc các thiền hữu sắc hoặc vô sắc, chúng ta vẫn còn nằm trong tam giới và vẫn tạo nghiệp (mặc dù đó là nghiệp thiện). Và điều này dẫn đến Ái (8).

Khi Ái trở nên mạnh mẽ, nó chuyển thành Thủ (9). Chúng ta muốn một điều gì là Ái, song khi chúng ta sở hữu vật đó, nó trở thành Thủ. Thủ này dẫn đến Hữu (10). Có hai loại hữu: nghiệp hữu (kammabhava)và sanh hữu (upattibhava). Nghiệp hữu là các tác nghiệp thiện hay bất thiện, nó quyết định cho tương lai của chúng ta. Sanh hữu là tiến trình hiện hữu của một lần sanh mới, được quyết định bởi nghiệp hữu.

Mỗi mắc xích trong năm nidana(nhân duyên) ở quá khứ làm duyên (paccāya)cho năm nidanakế tiếp, và quả lúc đó sẽ trở lại làm duyên cho những nidanatiếp nữa.

Nghiệp Hữu (kammabhava)hàm ý sự sáng tạo của nghiệp, bởi vì ở bất kỳ sanh hữu nào, chúng ta cũng vẫn ở trong vòng luân hồi. Thực tánh pháp (sabhāvadhamma)vốn là pháp duyên khởi, là quy luật - khi tạo tác bất cứ nghiệp gì thì phải thọ lãnh quả của nghiệp đó - mà không ai có thể thoát khỏi hoặc thay đổi. Đây là quy luật tự nhiên, là chân lý.

Năm quả hiện tại (Thức, Danh-Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ) là kết quả của kiếp trước. Trong kiếp hiện tại, nó tiêu biểu cho những phẩm chất (hành tướng) mà con người thọ lãnh khi tái sanh vào một sanh hữu.

Năm nhân trong hiện tại (Ái, Thủ, Hữu, Vô Minh Và Hành) do quả thứ năm (Thọ) trong hiện tại đưa đến. Nhân đầu tiên là Ái, Ái dẫn đến Thủ, Thủ đến Hữu, rồi đến Vô minh và Hành Nghiệp (8, 9, 10, 1, 2). Hữu ở đây là Sanh Hữu (uppattibhava), chính Hữu này quyết định kiếp sống mới. Hữu dẫn đến vô minh bởi con người không thông đạt Tứ Đế. Nhân Vô minh lại tiếp tục tạo Hành Nghiệp. Hành, trong nhóm này, là khi người ta tạo tác các nghiệp thiện (kusala)và bất thiện (akusala).

Năm quả của vị lai (Thức, Danh-Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ), đầu tiên do hành làm duyên cho Thức tái sanh (patisandhi viññāna). Bốn chi kế là danh và sắc trong kiếp hiện tại.

Như vậy có tất cả là hai mươi hành tướng. Hai mươi hành tướng này tựa như một bánh xe, không có khởi điểm cũng không có kết thúc. Tuy thế, Đức Phật biết rằng Vô minh vẫn là nhân căn để của nó.

2. Tam Luân(tivaṭṭa)

Ở phương diện này, chúng ta sẽ nhìn Thập Nhị Nhân Duyên dưới dạng Tam Luân hay Ba vòng xoay.

- Phiền Não Luân (kilesavaṭṭa)muốn nói đến Vô minh (1), Ái (8), Thủ (9).
- Nghiệp Luân (kammavaṭṭa)muốn nói đến Hữu (10), Hành (2).
- Quả Luân muốn nói đến Thức (3), Danh-Sắc (4), Lục Nhập (5), Xúc (6), Thọ (7).

minhsattutap-dohinh110

minhsattutap-dohinh109

3. Nhị Căn (mūla)

Để hiểu được Pháp Duyên Khởi, vấn đề quan trọng là phải biết rằng có hai gốc (căn) tác nghiệp là Vô minh và Ái. Vô minh là nhân căn để cho Ái, và Ái, ngược lại cũng là nhân căn để cho Vô minh. Vô minh thuộc về quá khứ và Ái thuộc hiện tại. Tuy nhiên, chúng đều là gốc (căn) cho nhau, và vòng xoay của nó có thể đi theo hai cách.

Gốc đầu tiên - Vô minh - dẫn đến Thọ, mắc xích thứ bảy. Thọ dẫn đến Ái (mắc xích gốc thứ tám), Ái đến Thủ (9), Thủ đến Hữu (10), Hữu đến Sanh (11), Sanh đến Lão - Tử (12). Người tánh tà kiến (diṭṭhicarita)cho rằng không có nhân quả, không có tội phước và tái sanh. Đó là lý do tại sao Đức Phật trình bày Vô minh như là nhân căn để (gốc), mục đích để chỉ ra rằng có nhân (Vô minh) và quả - trong hiện tại là Thức tái sanh (3), dẫn đến Danh-Sắc (4), Lục Nhập (5), Xúc (6), Thọ (7). Những mắc xích - từ 3 đến 7 - thuộc hiện tại do Vô minh và Hành trong quá khứ tạo ra. Bao lâu con người còn Vô minh, chừng đó vẫn còn thọ quả.

Ái do thọ làm duyên, đưa đến Thủ và Hữu. Ba mắc xích này tiếp tục xoay vòng lại đến Vô minh và Hành. Năm mắc xích - Ái, Thủ, Hữu, Vô minh, Hành - là những nhân hiện tại và là quả của Vô minh. Quả của Vô minh và Hành được lặp lại từ 3 đến 7 trong kiếp hiện tại.

Khi Ái có mặt thì Ái, Thủ, Hữu, Vô minh và Hành trở thành nhân trong hiện tại. và cứ vậy, bánh xe sanh tử xoay vòng mãi. Mỗi lần con người tái sanh (11) thì Thức, Danh-Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ lại có mặt và dẫn đến Lão - Tử (12).

Do thấy được quả của Ái, tà kiến cho rằng mọi vật là thường, không già, không biến hoại, hay những người nặng tham ái (rāgacarita),có thể thấy ra rằng Danh-Sắc dẫn đến Lão - Tử. Trong vòng sanh tử này, chúng ta cứ tiếp tục tái sanh trong tam giới (loka)- Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới - hoặc 31 cõi (bhūmi).Muốn thoát khỏi cái khổ trong tam giới này, chúng ta phải hành Tứ Niệm Xứ, theo những nguyên tắc đã được trình bày trong Kinh Đại Niệm Xứ, là Pháp đầu tiên trong 37 Pháp Trợ Giác Ngộ (Bodhipakkhiyadhamma), đưa đến sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]