Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Lậu hoặc và sự giải thoát

02/08/201209:57(Xem: 10226)
02. Lậu hoặc và sự giải thoát

ĐOẠN TRỪ LẬU HOẶC

Tác giả: Acharya Buddharakkhita
Dịch giả: Pháp Thông

PHẦN II

LẬU HOẶC VÀ SỰ GIẢI THOÁT

Lý do tại sao Kinh Tất Cả Lậu Hoặc (Sabbāsava Sutta)chỉ đềcập đến ba loại lậu hoặc là dục lậu, hữu lậuvô minh lậuthôi? Trong khi, nếu tham khảo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma)ta sẽ thấy rằng ở đây thêm vào một lậu hoặc nữa là kiếnlậu. Mặc dù Kinh không đề cập, nhưng kiến lậu này đã được kể trong loại thứ hai, bởi vì hữu lậu chỉ có thể khởi sanh khi có một cơ sở tư tưởng hệ nào đó (thuộc kiến lậu) nhằm xác nhận sự trở thành (sanh hữu), và thậm chí để tán dương nó.

Sự phân chia thành ba loại lậu hoặc này có một ý nghĩa rất sâu xa. Nó đứng ở vị trí đối lập trực tiếp với ba loại giải thoát tâm, thường gọi bằng Pāli Vimokkha.

Các lậu hoặc được gọi là Vimokkha Paccanika, tức chướng ngại của Giải Thoát, hay, như chúng đã được mô tả một cách sinh động là kẻ thù của Giải Thoát. Tam Giải Thoát [2] là: Vô tướng Giải Thoát- Vô nguyện Giải Thoát - Không tánh Giải Thoát. Những tên gọi này xuất phát từ sự quán Tam Tướng, đó là Vô Thường tùy quán (aniccānupassanā),Khổ tùy quán (dukkhānupassanā),Vô Ngã tùy quán (anattānupassanā).

Không có một lý do đặc biệt nào hay một quy luật bất di bất dịch nào nhất thiết buộc phải theo thứ tự đã được đề cập ở trên như vậy. Chẳng hạn, trong Vô Ngại Giải Đạo (Patisambhida Magga),bắt đầu với Vô Ngã Tùy Quán (Anattānupassanā)và Không Tánh Giải Thoát (Suññata Vimokkha),được xếp ở cuối theo thứ tự đã đề cập ở trên. Điều này cũng được áp dụng đối với thứ tự của các lậu hoặc, đó là, dục lậu (kāmāsāva),hữu lậu (bhavāsava)và vô minh lậu (avijjāsavā).

Từ những liệt kê này chúng ta có thể thấy rằng dục lậu đứng đối lập hoàn hoàn với Vô Nguyện Giải Thoát, nói lên cái khổ chung hay tính chất bất toại nguyện của thế gian. Tương tự, vô minh lậu tạo thành đối tác tương ứng của Không Tánh Giải Thoát, tiêu biểu cho tuệ căn thể nhập vào bản chất vô ngã của vũ trụ. Trong khi đó hữu lậu đối lập trực tiếp của Vô Tướng Giải Thoát, phản ánh dòng biến dịch của thế gian.

Tam Giải Thoát chỉ hiển lộ khi nào hành giả đã có một chỗ trú vững chắc và xác định trong pháp quán hay trong sự tưởng tri (saññā)về Tam tướng (Lakkhana),là đặc trưng của vạn pháp trong vũ trụ, như đã đề cập ở trên. Những pháp quán này, đúng thời, sẽ phát triển thành một sự tưởng tri hay nhận thức và khắc sâu trong dòng tâm thức, có thể nói là như vậy.

Vô thường tưởng (Anicca saññā),là sự nhận thức về bản chất biến đổi hoặc tính chất vô thường của các pháp hữu vi. Khổ tưởng (Dukkha saññā),là sự nhận thức về những hệ lụy và khổ đau căn bản của cuộc đời. Và Vô ngã tưởng (Anatta saññā),là sự nhận thức về chức năng vô ngã và không có thực thể của các pháp, tức là thấy các pháp như chúng thực sự là, chứ không như chúng dường như là vậy. Khi tâm đã hoàn toàn hướng về sự hiểu biết hợp theo Tam tướng, thì tuệ thể nhập vào thực tại của vạn pháp này sẽ tự động giải thoát tâm ra khỏi sự trói buộc mà các lậu hoặc vẫn thường áp đặt.

Tham dục chỉ khởi lên khi nào không thấy được rằng bất cứ cái gì ta ước muốn, thâu tóm, sở hữu và tích trữ đều phải thất tán không thể nào tránh được, bởi vì mọi thứ đang thay đổi, đang vô thường. Ngược lại, nếu tâm an trú vững chắc trong vô thường tuỳ quán, tâm dễ tự động tiếp thu những đức tính xả ly, ly dục, những pháp đối nghịch hoàn toàn với tham muốn, sở hữu, dục tham, dục vọng, v.v...

Sự đấu tranh sinh tồn, sự thôi thúc để được sống còn, hay những gì Đức Phật thường gọi là khát ái và chấp thủ vào sanh hữu, làm một lậu hoặc khởi lên, chủ yếu là vì tâm thiếu khả năng phân biệt, nghĩa là nó không nhận thức rõ tính chất phổ quát của hệ lụy và khổ đau, không nhận thức rõ cái khổ trùm khắp biểu thị đặc tính của những gì phải chịu vô thường. Bất cứ cái gì phù du đều phải thất tán, và trong sự mất mát ấy, có nỗi thống khổ, và nỗi thống khổ đó là dukkha(khổ), một thực tại cơ bản. Nếu tâm được định hướng và tu tập để thể nhập vào sự thực của khổ, thể nhập vào cái tính chất phải chịu đau đớn và sầu khổ bên trong những gì không bền và không ổn định, là bản chất cuộc đời, lúc ấy, chắc chắn không thể nào còn chút khát vọng tái sanh hay khát vọng muốn được sống còn trong một chiều kích mà về căn bản là khổ và bất toại nguyện như vậy.

Vô minh, về bản chất, là không biết, không thấy hay từ chối không muốn biết và không muốn thấy những sự thực, mà những sự thực này đã được Đức Phật trình bày một cách cô đọng trong đẳng thức chân lý nổi tiếng của Ngài hay còn gọi là Tứ Thánh Đế. Sự khám phá ra những sự thực hay thực tại căn bản này của Đức Phật tạo thành Tứ Thánh Đế. Do đó, đẳng thức chân lý này không phải là một học thuyết hay lý thuyết, mà là một kinh nghiệm. Nó cần phải được mỗi người tìm đạo hiện thực hóa để thành tựu sự giác ngộ của mình. Kinh điển Pàli giải thích rất rõ sự định nghĩa về vô minh như là không biết, không thấy Khổ (Dukkha Sacca: Khổ đế); như không biết, không thấy Nhân Sanh Khổ là tham ái (Dukkha Samudaya Sacca: Tập đế); như không biết, không thấy sự Diệt Khổ là chiều kích của giải thoát, tức Niết Bàn (Dukkha NidrodhaSacca: Diệt đế) như không biết, không thấy Con Đường dẫn đến Niết Bàn (Dukkha NirodhagāminiPatipadā Sacca: Khổ Diệt Đạo Thánh đế).

Vô minh không chỉ che đậy những sự thực của cuộc đời, mà nó còn làm cho những sự thực này xuất hiện theo cách điên đảo (vipallāsa),khiến cho những gì về bản chất là vô thường lại có vẻ như bền vững, những gì bẩm sinh là bất toàn và bất toại nguyện, những nét đặc trưng của khổ (dukkha),lại hoá ra toàn mãn, vừa lòng và đưa đến hạnh phúc; những gì không có thực thể, xem chừng như có thực và hữu ngã. Tương tự, nó cố tình phóng hiện cái chân lý về sự Giải Thoát tối hậu - Niết Bàn - thành ra hư vô thuyết, và đạo lộ dẫn đến Niết Bàn trở thành bất lực, như vậy đã biến nơi An Ổn Tối Thượng thành nơi bất ổn.

Sự xuyên tạc những chân lý này còn có nhiều hàm ý khác. Nó trang bị cho tâm một quan kiến điên đảo, thường là thiên về những hành động nhằm xác nhận sự hiện hữu của thế gian này, biện minh cho lối sống phàm tục, ca ngợi cuộc sống trần gian này là một điều gì đó đáng hưởng thụ, và xây dựng một xu hướng thiên về sự buông thả và mông muội bảo thủ, như vậy, vô minh chính là nhân căn để của mọi điều ác. Nó là mẹ của các lậu hoặc.

Giống như tình trạng "tối tăm" trong thời chiến tranh, vô minh phong tỏa sự phát triển của trí tuệ và tri kiến như thực. Cũng như đám mây che phủ mặt trời, vô minh che phủ sự thực. Như khu rừng rậm um tùm vùng nhiệt đới. Nơi đây những tia nắng mặt trời không bao giờ xuyên qua được, vô minh đưa con người vào cánh rừng nội tâm u ám, ẩm ướt, nơi đây một cái tâm mưng mủ để cho những lậu hoặc rỉ ra.

Vì lậu hoặc gây ra sự mù quáng tâm trí, vô minh không chỉ biểu thị cho sự vắng mặt của tri kiến hay sự hiểu biết, mà nó còn là sự có mặt của tà kiến và sự hiểu biết điên đảo. Nó khởi lên chủ yếu là vì khuynh hướng vị kỷ, mà, giống như sự xảo diệu của chiếc gậy phù thủy, nó tạo ra trò lừa bịp rằng cuộc đời này, suy cho cùng cũng vẫn trường cửu, vẫn khả ái và diễn đạt cái Ta hay Linh hồn này như một nhân tố cơ bản, bất biến trong một bối cảnh vô thường. Cái cảm giác có "Ta", hay bất cứ cái gì thuộc về cái "Ta" này là một sự hư cấu hay một ảo giác mà vô minh nghĩ ra rất có hiệu quả để thông đồng với hữu lậu (lậu hoặc thúc đẩy sự sống còn) nhằm khống chế tâm con người. Như vậy, vô minh là một lậu hoặc có từ vô thủy và cực kỳ xấu xa, nó nuôi dưỡng và khơi dậy các lậu hoặc khác. Khi tâm được định hướng để thấu triệt những trò bịp bợm này, và nhờ vậy mà có thể tuệ tri Tam Tướng (Vô thường - Khổ - Vô ngã), chỉ khi ấy nó mới duy trì được ở trong trạng thái minh mẫn và trí tuệ. Một dòng tâm thức được chiếu sáng như vậy chắc chắn không thể nào bị tấn công bởi những thế lực đen tối của vô minh.

Nếu các lậu hoặc giữ chặt tâm trong gọng kềm giống như ê-tô [3] của nó, thì sự thức tỉnh tam tướng sẽ giải phóng tâm (ra khỏi sự kềm kẹp đó). Sự thức tỉnh này tạo thành những lối vào giải thoát khỏi mọi trói buộc. Do đó, loại giải thoát đặc biệt khởi lên tùy mỗi cách thức tỉnh cũng được gọi là Giải Thoát Môn (vimokkha-mukha).

Liên quan đến Tam Giải Thoát Mônnày, Patisambhidā Magga(Vô Ngại Giải Đạo) đã trình bày một cách rất trong sáng như vầy: "Khi vị nào, tín tâm hay quyết tâm mạnh, như lý tác ý các hành là vô thường (anicca),vị ấy chứng đắc Vô Tướng Giải Thoát. Khi vị nào, an tịnh (định) mạnh, như lý tác ý các hành là khổ vị ấy chứng đắc Vô Nguyện Giải Thoát. Khi vị nào tuệ mạnh, như lý tác ý các hành là vô ngã (anattā)vị ấy chứng đắc Không Tánh Giải Thoát."

Ở đây, Vô Tướng nghĩa là vô vi giới. Các hành xuất hiện trong tâm như vô số những hình ảnh hay các tướng. Khi tâm bị dục lậu (kāmāsava)tóm chặt, nó chứa đầy những hình ảnh gồm đủ mọi loại đối tượng, làm cho nó phân tán và vì vậy ở trong trạng thái vỡ vụn.

Sự thức tỉnh vô thường và thái độ xả ly như quả của nó làm đảo ngược cái tiến trình tâm đang bị xâm chiếm bởi các tướng hay hình ảnh này, và làm cho tâm có thể thọ hưởng trạng thái giải thoát do sự vắng mặt của những tư duy, hình ảnh, thôi thúc v.v... luôn luôn thay đổi và phân tán này sanh. Đây gọi là Vô Tướng Giải Thoát, đối tác tương ứng tích cực và trong sáng của dục lậu (kāmāsava)tiêu cực và tối tăm vậy.

Tham dục được biểu thị bằng sự đuổi theo các đối tượng mà, giống như cái bóng, luôn luôn lùi dần và khiêu khích làm cho khát vọng và khát ái ấy không thể nào thỏa mãn nổi, rồi từ sự không hoàn thành và thất vọng tất yếu ấy, bao nỗi thống khổ và đau đớn nảy sanh. Ngược lại, sự thức tỉnh vô thường được biểu thị bằng việc xoay lưng lại với các pháp thế gian. Vì vậy mới có tên gọi là Vô Tướng Giải Thoát.

Về Vô Nguyện Giải Thoát, ở đây cần phải hiểu là điều kiện của tâm không thiên về một cái gì cả (apanihita: vô nguyện); có nghĩa là, tâm không nhắm vào bất kỳ một đối tượng hay hành nào để bị dính mắc và bị trói buộc vào trong đó. Như vậy, sự không xu hướng về một đối tượng nào để bị dính mắc vào đó phát sanh từ sự thức tỉnh khổ. Khi ta nhận thức rõ được rằng mọi thứ đều là khổ, tự nhiên ta sẽ không có sự xu hướng theo để bị dính mắc vào đó. Đó chính là ý nghĩa của vô nguyện.

Hữu lậu thiết lập một vòng luẩn quẩn (luân hồi) được xem là một từ đồng nghĩa của khổ. Khi ta phải chịu sự tử sanh, sanh tử bất tận, khi ta trôi dạt vô định trong đại dương luân hồi (samsāra),ta đã bị trói chặt trong một hoàn cảnh tuyệt vọng, không thể thoát ra được. Tình trạng bấp bênh cố hữu của cuộc đời này tạo ra bao nổi thống khổ và đau đớn. Sự thức tỉnh khổ đương nhiên sẽ loại trừ bất cứ một ước nguyện nào liên quan đến cái vòng luẩn quẩn của khổ đau, tuyệt vọng và không bền vững này. Đây chính là Vô Nguyện Giải Thoát.

Tương tự, khi nói đến Không Tánh Giải Thoát, cũng cần phải hiểu rằng đó là một trạng thái tâm đã được Giải Thoát khỏi sự kềm kẹp của thân kiến (ảo tưởng về một cái ta) và niềm tin nơi một thực thể thường hằng gọi là linh hồn v.v... những suy đoán siêu hình, trừu tượng về một cái Ta, một linh hồn, hay bản ngã v.v..., luôn luôn tạo ra những định kiến tư tưởng điên đảo và thần bí, tạo ra những giáo điều, và đồng thời làm cho con người trở thành ích kỷ hẹp hòi, không có lòng khoan dung độ lượng. Chính cái ảo ngã này một lần nữa được xem là mầm mống của tất cả những phiền não khác. Chính cái Ta và của Ta này đã tạo thành suối nguồn của tham lam, dục vọng, hận thù, ngã mạn và kiêu căng. Và khi Ta đã thiết lập vòng phiền não luân, đương nhiên Ta cũng thiết lập vòng luẩn quẩn của nghiệp, quả và tái sanh. Cái sức mạnh ngấm ngầm và đáng ngại náu mình trong ảo ngã (thân kiến) là như vậy.

Khi hành giả thức tỉnh vô ngã, bản chất phi thực thể trong vạn pháp, tính chất hữu vi, chức năng phi ngã của các pháp thế gian, tâm hành giả đương nhiên được giải phóng khỏi sự kềm kẹp của ảo ngã, của cái Tôi, của tính vị kỷ. Tâm mất hẳn cái ý niệm viễn vông về ngã tính; nó không còn chút hứng thú nào nữa trong các vấn đề tư tưởng hệ hay thần bí. Chính vì thế mới có tên gọi Không Tánh Giải Thoát.

Hơn nữa, Patisambhida Magga(Vô Ngại Giải Đạo) còn đưa ra một sự phân tích rất tỉ mỉ nhằm trình bày cho thấy sự kết hợp và hoán đổi vị trí trong việc thức tỉnh Tam Tướng diễn ra như thế nào để có thể dẫn đến cả ba loại giải thoát trong lúc thực hành "Thiền Minh Sát", mà mục đích chính của nó là để thành tựu trạng thái Lậu Tận của bậc A-la-hán (Khīnāsava).

--ooOoo--

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]