Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 1

12/12/201116:09(Xem: 6951)
Phần 1

VI DIỆU PHÁPNHẬP MÔN

Tỳ kheo Giác Chánh

[01]

Vi Diệu Pháp Nhập Môn

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambhuddhassa.
Cung Kính Đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Đấng Chánh Biến Tri.

1- Pháp (Dhamma) (*)

V- Pháp là chi?

Đ- Pháp là những trạng thái riêng biệt, có tướng trạng khác nhau (như vuông, tròn, dài, ngắn, sáng, tối v.v.) tức là những tư cách riêng biệt để phân biệt được. Pháp có hai:

Là Pháp Chơn Đế.
Là Pháp Tục Đế.

(*) Tự trì trạng thái gọi là Pháp (Attano lakkhanaṃ dhāretīti: Dhammo); hay "Nhậm trì tự tánh; Quỷ sanh vật giải".

2- Pháp Chơn Đế (Paramatthasacca).

V- Thế nào là Pháp Chơn Đế?

Đ- Pháp Chơn Đế là pháp bản thể chơn tướng, sự thật của Chế Định, không thay đổi (Pháp Chơn Đế ví như chất vàng. Còn Pháp Tục Đế ví như các kiểu nữ trang). Pháp Chơn Đế có hai:

Là Chơn Đế vô vi.
Là Chơn Đế hữu vi.

3- Chơn Đế Vô Vi (Asaṅkhāta).

V- Thế nào là Chơn Đế vô vi?

Đ- Chơn Đế vô vi là bản thể vắng lặng, hoàn toàn thanh tịnh, cứu cánh tối hậu: cũng gọi là viên tịch, Niết Bàn, Diệt Đế v.v...

4- Chơn Đế Hữu Vi (Saṅkhāta).

V- Thế nào là Chơn Đế hữu vi?

Đ- Chơn Đế hữu vi là pháp bản thể còn sanh diệt, còn tạo tác. Do các duyên trợ tạo cũng gọi là pháp hành, pháp hợp thế v.v.. có hai loại Chơn Đế hữu vi là Sắc và Danh.

5- Sắc (Rūpā).

V- Thế nào là Sắc?

Đ- Sắc là thể chất vô tri giác, hằng tiêu hoại đổi thay. Cũng gọi là Pháp Hợp thế, Dục giới, Cảnh Lậu v.v.. bản chất của Sắc là vật biến ngại và biến hoại.

6- Danh (Nāma).

V- Thế nào là Danh?

Đ- Danh là pháp không hình sắc cũng gọi là Tâm Pháp tức là Tâm, Tánh, Trí, Thức, hiểu biết, suy nghĩ, trừu tượng v.v.. Danh có hai loại:

Tâm.
Sở Hữu Tâm.

7- Tâm (citta) (*).

V- Thế nào là Tâm?

Đ- Tâm là hiểu biết, suy nghĩ, nhận thức, tức là biết cảnh, nhận thức đối tượng, cũng gọi là Ý Thức. Tâm có hai loại:

Tâm Hợp Thế.
Tâm Siêu Thế.

(*) Tướng trạng của tâm là biết cảnh; phận sự của tâm là làm hướng đạo cho Sở hữu tâm và Sắc pháp; sự thành tựu của tâm là được sinh khởi liên tục; nhân cần thiết của tâm là Sắc, Thọ, Tưởng và Hành uẩn.

8- Tâm Hợp Thế (Lokiya citta).

V- Thế nào là Tâm Hợp Thế?

Đ- Tâm Hợp Thế là Tâm biết cảnh trong đời, tâm biết cảnh còn sanh tử, tâm biết cảnh phiền não, tâm biết cảnh còn giới hạn bởi không gian và thời gian. Tâm Hợp Thế có hai:

Tâm Dục Giới.
Tâm Đáo Đại.

9- Tâm Dục Giới (Kāmāvacara citta).

V- Thế nào là Tâm Dục Giới?

Đ- Tâm Dục Giới là Tâm chuyên môn bắt cảnh dục (chuyên biết cảnh Sắc, thinh, khí, vị và xúc). Tâm Dục Giới có ba:

Tâm Bất Thiện.
Tâm Vô Nhân.
Tâm Dục Giới Tịnh Hảo.

10- Tâm Bất Thiện (Akusala citta) (*).

V- Thế nào là Tâm Bất Thiện?

Đ- Tâm Bất Thiện là Tâm chẳng lành, chẳng tốt, Tâm xấu, Tâm quấy, Tâm thấp hèn, Tâm hạ tiện, Tâm Bất Thiện có ba:

Tâm Tham.
Tâm Sân.
Tâm Si.

(*) Bất thiện có 5 nghĩa: 1) Bệnh hoạn. 2) Không tốt đẹp. 3) Không khôn khéo. 4) Tội lỗi và tạo ra nhân xấu. 5) Quả khổ. Trái lại với 5 điều kể trên là 5 nghĩa của Thiện.

11- Tâm Tham (Lobha citta) (*).

V- Thế nào là Tâm Tham?

Đ- Tâm Tham là ý ham muốn, Tâm nhiễm đắm, Tâm chấp trước, Tâm luyến ái, Tâm đắm nhiễm tức là trạng thái Tâm thu hút đối tượng. Tâm Tham có tám thứ:

Thọ hỷ hợp tà vô trợ.
Thọ hỷ hợp tà hữu trợ.
Thọ hỷ ly tà vô trợ.
Thọ hỷ ly tà hữu trợ.

Thọ Xả hợp tà vô trợ.
Thọ Xả hợp tà hữu trợ.
Thọ Xả ly tà vô trợ.
Thọ Xả ly tà hữu trợ.

(*) Nhân sinh Tham có 4: 1) Tục sinh có nghiệp tham liên hệ. 2) Nói từ đời trước đã tham. 3) Thường gặp cảnh tốt (chung). 4) Hay gặp cảnh vừa ý (riêng).

12- Tâm Tham Thọ Hỷ Hợp Tà Vô Trợ. (*)

V- Thế nào là Tâm Tham thọ hỷ hợp tà vô trợ ?

Đ- Tâm Tham thọ hỷ hợp tà vô trợ là do lòng ham muốn một cách vui thích với một quan niệm sai lầm được khởi lên một cách nhanh chóng, không cần sự trợ giúp.

Thí dụ: Như một người vào chùa thấy tượng Phật bằng vàng, khởi lên lòng tham muốn, lấy một cách vui mừng và mau lẹ: do nghĩ rằng không tội. Lòng ham muốn lấy là tham, vui mừng là thọ hỷ, mau lẹ là vô trợ, cho là không có tội là tà kiến.

(*) Nhân sinh Thọ Hỷ có 4: 1) Tục sinh bằng tâm Thọ Hỷ. 2) Thiếu sự suy xét tế nhị. 3) Thường gặp cảnh tốt. 4) Không gặp sự suy vong.

13- Tâm Tham Thọ Hỷ Hợp Tà Hữu Trợ.

V- Thế nào là Tâm Tham thọ hỷ hợp tà hữu trợ?

Đ- Tâm Tham thọ hỷ hợp tà hữu trợ là lòng ham muốn sanh chung với sự vui mừng và có sự hiểu lầm, nhưng Tâm này khởi lên một cách chậm chạp do ngoại cảnh hoặc nội tâm khởi lên đôi ba lần.

Thí dụ: Như người vào chùa thấy tượng Phật bằng vàng. Sau một lúc suy tư hay nhìn tượng Phật bằng vàng nhiều lần mới khởi lên lòng tham muốn lấy.

14- Tâm Tham Thọ Hỷ Ly Tà Vô Trợ.

V- Thế nào là Tâm Tham thọ hỷ ly tà vô trợ?

Đ- Tâm Tham thọ hỷ ly tà vô trợ là lòng ham muốn có sự vui mừng nhưng chẳng có sự chấp sai và khi Tâm nầy khởi lên một cách mau lẹ không chần chờ.

Thí dụ: Như người vào chùa thấy tượng Phật bằng vàng liền vui mừng và lấy ngay, nhưng người ấy biết là có tội.

Chú thích: Biết có tội là ly tà.

15- Tâm Tham Thọ Hỷ Ly Tà Hữu Trợ.

V- Thế nào là Tâm Tham thọ hỷ ly tà hữu trợ?

Đ- Tâm tham thọ hỷ ly tà Hữu trợ là lòng ham muốn, có sự vui mừng không có sự hiểu lầm, nhưng khi khởi lên do lòng ngoại cảnh kích thích nhiều lần hay nội tâm nhiều lượt suy nghĩ.

Thí dụ: Như người vào chùa thấy tượng Phật bằng vàng lòng tham muốn khởi lên nên lấy một cách vui mừng, nhưng vì biết có tội nên chần chờ, sau nhiều lần suy tư mới lấy.

16- Tâm Tham Thọ Xả Hợp Tà Vô Trợ. (*)

V- Thế nào là Tâm Tham thọ xả hợp tà vô trợ?

Đ- Tâm Tham thọ xả hợp tà vô trợ là lòng ham muốn lấy một vật, vì thói quen nên không có sự vui mừng, chỉ lấy một cách thản nhiên với quan niệm cho rằng không tội và lấy một cách mau lẹ.

Thí dụ: Như một người tánh quen ăn cắp vặt, nên vào chùa thấy một cái chai liền ăn cắp một cách mau lẹ và cho rằng không tội nhưng vì lấy vật tầm thường và lấy do thói quen nên tâm thản nhiên.

Chú thích: Thản nhiên là thọ xả.

(*) Nhân sinh Thọ Xả có 4: 1) Tục sinh bằng tâm Thọ Xả. 2) Có sự suy xét tế nhị. 3) Thường gặp cảnh trung bình. 4) Không gặp sự suy vong tàn tạ.

17- Tâm Tham Thọ Xả Hợp Tà Hữu Trợ.

V- Thế nào là Tâm Tham thọ xả hợp tà hữu trợ?

Đ- Tâm Tham thọ xả hợp tà hữu trợ là lòng ham muốn một cách thản nhiên, hợp với quan niệm sai lầm và khởi lên một cách chậm chạp do ngoại cảnh nhiều lần kích thích hoặc nội tâm nhiều lượt suy tư.

Thí dụ: Như người vào chùa thấy chiếc lọ bình (bằng sành), sau nhiều lần suy nghĩ mới lấy, nhưng lấy với tư cách bình thản (không vui mừng) và cho rằng vô tội.

18-Tâm Tham Thọ Xả Ly Tà Vô Trợ.

V- Thế nào là Tâm Tham thọ xà ly tà vô trợ?

Đ- Tâm Tham thọ xả ly tà vô trợ là lòng ham muốn một cách thản nhiên, không có sự chấp sai, khởi lên một cách mau lẹ, không chần chờ.

Thí dụ: Như có người thấy tiền của người khác để liền lấy với tư cách thản nhiên, bình thường nhưng người ấy biết rằng có tội.

19- Tâm Tham Thọ Xả Ly Tà Hữu Trợ.

V- Thế nào là Tâm Tham thọ xả ly tà hữu trợ?

Đ- Tâm Tham thọ xả ly tà hữu trợ là lòng ham muốn một cách bình thường và khởi lên chậm trễ do ngoại cảnh nhiều lần kích thích hoặc có sự suy nghĩ nhiều lần.

Thí dụ: Như có người ăn no, gặp người khác mời ăn thêm, bị mời nhiều lần người ấy mới ăn, với tư cách thản nhiên, không có suy nghĩ sai lầm.

20- Tâm Sân (Dosa citta) (*)

V- Thế nào là Tâm Sân?

Đ- Tâm Sân là trạng thái nóng nảy, bực bội, khó chịu, bất bình, phiền muộn, bất toại nguyện. Tâm Sân có hai:

Tâm Sân thọ ưu hợp phấn vô trợ.
Tâm Sân thọ ưu hợp phấn hữu trợ.

(*) Nhân sinh Sân có 4: 1) Sân quen thành nết. 2) thiếu sự suy xét tế nhị. 3) thiếu học, ít nghe điều phải. 4) hay gặp cảnh xấu.

21- Tâm Sân Thọ Ưu Hợp Phấn Vô Trợ.

V- Thế nào là Tâm Sân thọ ưu hợp phấn vô trợ?

Đ- Tâm Sân thọ ưu hợp phấn vô trợ là lòng nóng nảy, khó chịu, phiền muộn một cách mau lẹ.

Thí dụ: Như một người bị kẻ khác vừa nói nặng một tiếng thì trong tâm đã nổi nóng. Nổi nóng đó là Tâm Sân thọ ưu hợp phấn. Vừa nghe nói lời nặng đã phiền là vô trợ.

22- Tâm Sân Thọ Ưu Hợp Phấn Hữu Trợ.

V- Thế nào là Tâm Sân thọ ưu hợp phấn hữu trợ?

Đ- Tâm Sân thọ ưu hợp phấn hữu trợ là lòng nóng nảy, buồn bực, phẩn nộ khởi lên sau nhiều lần nghe thấy v.v..

Thí dụ: Như một người nọ bị kẻ khác dùng lời thô lỗ, mắng nhiếc. Khi mới nghe chưa giận, nhưng khi nghe nhiều lần mới phát Tâm Sân (nghe nhiều lần mới phát tâm sân là hữu trợ).

23- Tâm Si (Moha citta) (*).

V- Thế nào là Tâm Si?

Đ- Tâm Si là lòng tăm tối, mê mờ, thiếu trí tuệ, đồng nghĩa với Vô-minh. Tâm Si có hai loại:

Tâm Si Hoài Nghi.
Tâm Si Phóng Dật.

(*) Nhân sinh Si có 4: 1) Do nghiệp si mê đời trước. 2) sanh nhằm đời nhiều sân hận. 3) Thường gặp cảnh phiền não. 4) Pháp ngũ căn yếu. Trái lại với 4 điều trên là 4 nhân sinh Trí Tuệ.

24- Tâm Si Hoài Nghi.

V- Thế nào là Tâm Si Hoài Nghi?

Đ- Tâm Si Hoài Nghi là trạng thái mê mờ do nghi hoặc, phân vân, lưởng lự, không quyết tâm. Hoài nghi có hai cách:

a) Hoài nghi sự thông thường.
b) Hoài nghi sự tu hành.

- Hoài nghi sự tu hành (*) có tám cách:

1- Hoài nghi Phật.
2) Hoài nghi Pháp.
3) Hoài nghi Tăng.
4) Hoài nghi Tam Học.
5) Hoài nghi Ngũ Uẩn.
6) Hoài nhi mười hai xứ.
7) Hoài nghi mười tám giới.
8) Hoài nghi lý duyên khởi.

(*) Hoài nghi sự tu hành là hoài nghi những pháp đắc chứng.

- Hoài Nghi Phật có 5 điều:

1- Hoài nghi sự đắc toàn giác.
2) Hoài nghi hào quang sáu màu.
3) Hoài nghi hào quang chiếu sáng khi suy xét lý duyên sanh.
4) Hoài nghi về Thần Thông của Đức Phật.
5) Hoài Nghi về nhứt thiết chủng trí của Đức Phật.

- Hoài Nghi Pháp có 5 điều:

1- Hoài nghi Đạo.
2) Hoài nghi Quả.
3) Hoài nghi Niết)bàn.
4) Hoài nghi Pháp)học.
5) Hoài nghi Tam-thế.

- Hoài Nghi Tam thế có 3:

Hoài nghi Quá-khứ.
Hoài nghi Vị-lai.
Hoài nghi Hiện-tại.

- Hoài Nghi Quá Khứ có 5 cách:

Đời trước ta có không kìa?
Đời trước không có ta phải không kìa?
Đời trước ta giàu sang, nghèo hèn thế nào kìa?
Đời trước ta có hình dáng như thế nào kìa?
Đời trước ta từ đâu sanh lại?

- Hoài Nghi Vị Lai có 5 cách:

Đời sau ta có phải không kìa?
Đời sau không có ta phải không kìa?
Đời sau ta giàu sang, nghèo hèn như thế nào kìa?
Đời sau ta có hình dáng như thế nào kìa?
Đời sau ta sanh ra như thế nào và chết sẽ sanh về đâu kìa?

- Hoài Nghi Hiện tại có 6 cách:

Đây là ta phải chăng?
Đây không phải là ta chăng?
Hiện giờ cái gì là ta?
Hiện giờ ta là cái gì?
Hiện giờ chúng sanh và ta từ đâu sanh lại?
Nếu ta và chúng sanh chết sẽ sanh về đâu?

- Hoài Nghi Tăng có 2 điều:

Thánh Tăng có thật hay chăng?
Phàm Tăng có sự đắc chứng thật hay không?

- Hoài Nghi Tam Học có 3 điều:

Hoài nghi Giới học.
Hoài nghi Định học.
Hoài nghi Tuệ học.

25- Tâm Si Phóng Dật.

V- Thế nào là Tâm Si Phóng Dật?

Đ- Tâm Si Phóng Dật là trạng thái Tâm mù mịt, mê mờ, do sự loạn động, lao chao, toán loạn, phang duyên theo trần cảnh, bất nhất tâm, không an trú trong đề mục

26- Tâm Vô Nhân (Ahetuka citta). (*)

V- Thế nào là Tâm Vô Nhân?

Đ- Tâm Vô Nhân là Tâm không có Tham, Sân, Si, Vô Tham, Vô Sân, và Vô Si tương ưng. Tâm Vô Nhân có hai:

Tâm Quả Vô Nhân.
Tâm Duy Tác Vô Nhân.

(*) Tâm Vô Nhân là những tâm không có các nhân Tham, Sân, Si, Vô Tham, Vô Sân và Vô Si.

27- Tâm Quả Vô Nhân .

V- Thế nào là Tâm Quả Vô Nhân?

Đ- Tâm Quả Vô Nhân là Tâm kết Quả của Tâm Bất Thiện và Quả Thiện Dục Giới: Trong khi làm thiếu trí và thiếu Tam tư. Tâm Quả Vô Nhân có hai:

Tâm Quả Bất Thiện.
Tâm Quả Thiện Vô Nhân.

28- Tâm Quả Bất Thiện.

V- Thế nào là Tâm Quả Bất Thiện?

Đ- Tâm Quả Bất Thiện là Tâm được thành tựu do Tâm Tham, Tâm Sân, và Tâm Si. Tâm Quả Bất Thiện có 7:

1) Nhãn Thức (*) Quả bất thiện (cái biết của mắt khi trông thấy cảnh sắc xấu).
2) Nhĩ Thức Quả bất thiện (cái biết của tai khi nghe tiếng xấu).
3) Tỷ Thức Quả bất thiện (cái biết của mũi khi ngửi mùi xấu).
4) Thiệt Thức Quả bất thiện (cái biết của lưỡi khi nếm vị xấu).
5) Thân Thức Quả bất thiện (cái biết của thân khi cảm xúc cảnh xấu).

6) Tâm Tiếp thâu Quả bất thiện (tâm tiếp nhận cảnh Ngũ xấu).
7) Tâm Quan Sát Quả bất thiện (tâm xem xét cảnh Ngũ xấu).

(*) Nhân sinh nhãn thức có 4: Nhãn vật (hay nhãn căn, thần kinh nhãn), cảnh Sắc, Ánh sáng và Tác ý.
Nhân sinh nhĩ thức có 4: Nhĩ vật, Cảnh Thinh, Hư Không và Tác ý.
Nhân sinh tỷ thức có 4: Tỷ vật, Cảnh Khí, Gió và Tác ý.
Nhân sinh thiệt thức có 4: Thiệt vật, Cảnh Vị, Nước và Tác ý.
Nhân sinh thân thức có 4: Thân vật, Cảnh xúc, Đất, Lửa, Gió và Tác ý.
Nhân sinh tâm Tiếp Thâu và Quan sát có 3: Sắc Ý Vật, Cảnh Ngũ và Tác ý

29- Tâm Quả thiện Vô Nhân.

V- Thế nào là Tâm Quả Thiện Vô Nhân?

Đ- Tâm Quả Thiện Vô Nhân là Tâm thành tựu của Tâm Thiện Dục Giới. Tâm Quả Thiện Vô Nhân có tám:

Tâm Nhãn Thức Quả thiện (cái biết của Mắt khi thấy cảnh sắc tốt).
Tâm Nhĩ Thức Quả thiện (cái biết của Tai khi nghe tiếng tốt).
Tâm Tỷ Thức Quả thiện (cái biết của Mủi khi ngửi mùi tốt).
Tâm Thiệt Thức Quả thiện (cái biết của Lưỡi khi nếm vị tốt).
Tâm Thân Thức Quả thiện (cái biết của Thân khi cảm xúc cảnh tốt).

Tâm Tiếp Thâu Quả thiện (tiếp nhận cảnh Ngũ tốt).
Tâm Quan Sát Quả thiện thọ xả (Tâm xem xét cảnh Ngũ tốt thường).
Tâm Quan Sát Quả thiện thọ hỷ (Tâm xem xét cảnh Ngũ tốt đặc biệt).

30- Tâm Duy Tác Vô Nhân.

V- Thế nào là Tâm Duy Tác Vô Nhân?

Đ- Tâm Duy Tác Vô Nhân là Tâm chỉ có hành động mà không có kết quả của hành động và không có sáu nhân tương ưng. Tâm Duy Tác Vô Nhân có ba:

Tâm Khai Ngũ Môn.
Tâm Khai Ý Môn.
Tâm Ưng Cúng Vi Tiếu (*).

(*) Sự cười có 6 cách: 1) cười nghiêng ngữa. 2) cười ra nước mắt. 3) cười lớn tiếng. 4) cười nhỏ tiếng. 5) cười hở răng. 6) cười nhếch mép. Tâm Ưng Cúng Vi Tiếu tạo cười bằng hai cách sau cùng.

31- Tâm Khai Ngũ Môn (Pañcadvārāvajjana).

V- Thế nào là Tâm Khai Ngũ Môn?

Đ- Tâm Khai Ngũ Môn là trạng thái Tâm hướng đến năm cảnh (Sắc, thinh , khí, vị, xúc).

32- Tâm Khai Ý Môn (Manodvārāvajjana).

V- Thế nào là Tâm Khai Ý Môn?

Đ- Tâm Khai Ý Môn là trạng thái Tâm hướng đến cảnh pháp hoặc phán đoán cảnh Ngũ.

33- Cúng Tâm Ưng Vi Tiếu (Hasituppāda).

V- Thế nào là Tâm Ưng Cúng Vi Tiếu?

Đ- Tâm Ưng Cúng Vi Tiếu là Tâm sai khiến sự mĩm cười của A-La-Hán (Chư Phật Độc Giác và Toàn Giác mĩm cười bằng 4 Tâm Đại hạnh thọ hỷ chớ không phải Tâm Ưng Cúng Vi Tiếu).

34- Tâm Dục Giới Tịnh Hảo.

V- thế nào là Tâm Dục Giới Tịnh Hảo?

Đ- Tâm Dục giới tịnh Hảo là những tâm tốt đẹp trong cõi Dục Giới tức là nhân lành của Dục Giới, quả lành sanh làm người trong cõi Dục Giới. Tâm Dục Giới Tịnh Hảo có ba loại:

Tâm thiện Dục Giới.
Tâm Quả Dục Giới.
Tâm Duy Tác Dục Giới.

35- Tâm Thiện Dục Giới (*).

V- Thế nào là Tâm thiện Dục Giới?

Đ- Tâm Thiện Dục Giới là nhân lành sẽ sanh quả tốt tức là nhân thành tựu làm người và trời cõi Dục Giới. Tâm Thiện Dục Giới có tám:

Tâm Thiện thọ hỷ hợp trí vô trợ.
Tâm Thiện thọ hỷ hợp trí hữu trợ.
Tâm Thiện thọ hỷ ly trí vô trợ.
Tâm Thiện thọ hỷ ly trí hữu trợ.

Tâm Thiện thọ xả hợp trí vô trợ.
Tâm thiện thọ xả hợp trí hữu trợ.
Tâm Thiện thọ xả ly trí vô trợ.
Tâm Thiện thọ xả ly trí hữu trợ.

(*) Nhân sinh tâm Thiện có 6: 1) Tâm khéo tu tập. 2) Ở chỗ được tiến hóa. 3) Thường hội hợp với các bậc trí thức. 4) Đời trước đã tạo phước. 5) Sắp đặt việc làm theo thiện pháp. 6) Gặp cảnh tạo phước.

36- Tâm Thiện Thọ Hỷ Hợp Trí Vô Trợ (*).

V- Thế nào là Tâm thiện thọ hỷ hợp trí vô trợ?

Đ- Tâm thiện thọ hỷ hợp trí vô trợ là tâm làm việc lành một cách hoan hỷ có trí tuệ tương ưng, và mau lẹ.

Thí dụ: Như một người Thiện Tín thấy nhà Sư khất thực, lòng rất vui mừng liền mang đồ dâng cúng với sự hiểu biết rằng cúng dường đặng phước.

Chú thích:"Vui mừng" là thọ hỷ, biết cúng dường có phước là hợp trí, liền mang đồ dâng cúng là vô trợ.

(*) Nghiệp tạo Trí có 9: 1) Thuyết pháp cho người nghe. 2) Dạy nghề vô tội. 3) Tạo nghiệp vô tội. 4) Kính trọng người thuyết pháp. 5) Làm phước nguyện sanh trí tuệ. 6) thường soạn kinh cao sách chánh. 7) Ưa bố thí chánh pháp. 8) Thỉnh cầu người thuyết pháp cho mình nghe. 9) Dạy tài vô tội.

Nhân sinh tâm vô trợ có 6: 1) Tục sinh bằng tâm vô trợ. 2) Thân tâm mạnh mẽ. 3) Hay nhẩn nại. 4) Biết rành các việc. 5) Thường được nghe thấy việc làm của các bậc thiện tri thức. 6) môi trường sống thích hợp. Trái với 6 điều vừa kể là nhân sanh tâm hữu trợ.

37- Tâm Thiện thọ Hỷ hợp Trí Hữu Trợ.

V- thế nào là Tâm Thiện thọ hỷ hợp trí hữu trợ?

Đ- Tâm Thiện thọ hỷ hợp trí hữu trợ là tâm làm việc lành một cách vui vẻ có trí tuệ tương ưng, nhưng chậm chạp.

Thí dụ:Như người Phật tử thấy kẻ bần hàn phát tâm thương xót nhưng sau một lúc suy tư mới vui lòng đem của Bố Thí với sự hiểu biết rằng Bố Thí là có phước.

Chú thích: Sau một lúc suy tư mới Bố Thí là hữu trợ.

38- Tâm Thiện Thọ hỷ Ly Trí Vô Trợ.

V- Thế nào là Tâm thiện thọ hỷ ly trí vô trợ?

Đ- Tâm Thiện thọ hỷ ly trí vô trợ là Tâm làm việc lành một cách vui thích nhưng thiếu trí. Tuy vậy, trong khi làm một cách rất sốt sắng.

Thí dụ: Như một trẻ em gặp nhà Sư rất vui mừng, vội vả vái chào, nhưng nó không biết rằng kỉnh lễ Chư Tăng là có phước.

39- Tâm Thiện Thọ Hỷ Ly Trí Hữu Trợ.

V- Thế nào là Tâm Thiện thọ hỷ ly trí hữu trợ?

Đ- Tâm Thiện thọ hỷ ly trí hữu trợ là Tâm làm việc một cách thích thú, nhưng thiếu sự sáng suốt, làm một cách chậm chạp.

Thí dụ: Như trẻ em gặp nhà Sư khất thực, cha mẹ biểu chúng mang đồ dâng cúng. Chúng chần chờ, sau nhiều lần khuyên bảo, chúng mới vui lòng mang đồ để bát, nhưng không biết làm vậy là có phước.

40- Tâm Thiện Thọ Xả Hợp Trí Vô Trợ.

V- Thế nào là Tâm Thiện thọ xả hợp trí vô trợ?

Đ- Tâm Thiện thọ xả hợp trí vô trợ là Tâm làm việc lành một cách thản nhiên nhưng rất sốt sắng và có tuệ tương ưng.

Ví dụ: Như người Phật tử sống trong xứ Phật giáo, việc dâng cúng chư Tăng là thường lệ, nên khi thấy nhà Sư đi khất thực, lật đật mang đồ dâng cúng với sự hiểu biết dâng cúng là có phước, nhưng vì hằng ngày thường dâng cúng nên trong khi khởi tâm làm với một cách thản nhiên.

Chú thích: Thản nhiên là thọ xả.

41- Tâm Thiện Thọ Xả Hợp Trí Hữu Trợ.

V- Thế nào là Tâm Thiện thọ xả hợp trí hữu trợ?

Đ- tâm Thiện thọ xả hợp trí hữu trợ là Tâm làm việc lành một cách vô tư có trí tuệ nhưng lại chần chờ.

Thí dụ: Như những người Phật tử thường thọ Bát Quan Trai nhưng tới ngày giới có nhiều người nhắc nhở mới đi thọ giới, mặc dù vẫn biết rằng thọ giới là có phước.

42- Tâm Thiện Thọ Xả Ly Trí Vô Trợ.

V- Thế nào là Tâm thiện thọ xả ly trí vô trợ?

Đ- Tâm Thiện thọ xả ly trí vô trợ là Tâm làm việc lành với tư cách thản nhiên, thiếu sự hiểu biết nhưng rất sốt sắng.

Thí dụ: Như một trẻ em trong gia đình Phật tử, vì thấy cha mẹ thường làm phước nên chúng cũng bắt chước làm theo. Khi có người hành khất đến nhà chúng liền xúc gạo ra cho, không cần phải có ai nhắc nhở, hay phải đắn đo suy nghĩ. Nhưng chúng vì làm theo thói quen nên không vui thích và vì trí óc trẻ con nên không biết bố thí là có phước.

43- Tâm Thiện Thọ Xả Ly Trí Hữu Trợ.

V- thế nào là Tâm thiện thọ xả ly trí hữu trợ?

Đ- Tâm Thiện thọ xả ly trí hữu trợ là Tâm làm việc lành một cách vô tư thiếu sự hiểu biết và làm một cách chần chờ chậm chạp.

Thí dụ: Như trẻ em thấy người hành khất đến nhà, cha mẹ biểu đem tiền ra cho, sau nhiều lần sai biểu chúng mới làm theo, nhưng không có sự vui thích và cũng không biết rằng bố thí là có phước.

44- Tâm Quả Dục Giới.

V- Thế nào là Tâm Quả Dục Giới?

Đ- Tâm Quả Dục Giới là thành quả của Tâm Thiện, là Tâm Tục Sinh của người và Chư Thiên cõi Dục Giới, cũng là Tâm Hộ kiếp của người và Chư Thiên cõi Dục Giới, cũng là Tâm Tử của người và Chư Thiên cõi Dục Giới, cũng là Tâm làm việc Mót (Thập di hay Na cảnh) có tám thứ như Tâm Thiện Dục Giới.

45- Tâm Duy Tác Dục Giới.

V- Thế nào là Tâm Duy Tác Dục Giới?

Đ- Tâm Duy Tác Dục Giới là Tâm làm các việc lành (như Bố Thí, Trì Giới V.V..) của vị A-la-hán trong cõi Dục Giới, Tâm Duy Tác Dục Giới là Tâm và hành động giống như nhân lành trong cõi Dục giới, nhưng chỉ sanh nơi cơ tánh của vị A-La-Hán, cũng gọi là Tâm Đổng Tốc duy tác của cõi Dục Giới, Tâm Duy Tác Dục Giới cũng có tám thứ như Tâm Thiện Dục Giới.

46- Tâm Đáo Đại (Mahaggata).

V- Thế nào là Tâm Đáo Đại?

Đ- Tâm Đáo Đại là Tâm an trụ trong một cảnh (đề mục) rất lâu, tức là tâm thiền Sắc giới và Vô Sắc Giới.

47- Tâm Sắc Giới (Rūpavacara)(*).

V- Thế nào là Tâm thiền Sắc Giới?

Đ- Tâm Thiền sắc Giới là Tâm Thiền (**) dùng đề mục bằng sắc pháp là Tâm sanh trong cõi còn sắc pháp. Tâm Thiền có 3 loại:

Tâm Thiện Sắc Giới.
Tâm Quả Sắc Giới.
Tâm Duy Tác sắc Giới.

(*) Sắc Giới có 3 nghĩa: 1) Dùng Sắc Pháp làm đề mục để tu thiền. 2) Nếu chứng thiền sẽ được thác sanh về cõi Sắc giới. 3) Ở cõi Sắc giới vẫn còn Sắc tế.

(**) Đình chỉ tư duy trên đối tượng; hay Vì thiêu đốt triền cái nên gọi là Thiền (Ārammaṇūpanijjhānato: Jhānaṃ, puccanīkajhāpanato vā jhānaṃ). (Jhānena sampayuttaṃ cittanti Jhānacittaṃ = Khắn khít trên đề mục nên gọi là tâm Thiền).

48- Tâm Thiện Sắc Giới.

V- Thế nào là Tâm Thiện Sắc Giới?

Đ- Tâm Thiện Sắc Giới là nhân lành sẽ có kết quả làm các vị phạm thiên trong cõi Sắc giới. Tâm Thiện Sắc Giới có năm:

Sơ Thiền.
Nhị Thiền.
Tam Thiền.
Tứ Thiền.
Ngũ Thiền.

49- Tâm Sơ Thiền.

V- Thế nào là Tâm Sơ Thiền?

Đ- Tâm Sơ Thiền là Tâm an trú trong một đề mục, một trạng thái hỷ lạc do ly dục (Sắc dục, thinh dục v.v..) sanh; có năm chi: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định.

50- Tâm Nhị Thiền.

V- Thế nào là Tâm Nhị Thiền?

Đ- Tâm Nhị Thiền là trạng thái Tâm an trú trong đề mục, một trạng thái gọi là hỷ lạc do định sanh; có 4 chi: Tứ, Hỷ, Lạc và Định.

51- Tâm Tam Thiền.

V- Thế nào là Tâm Tam Thiền?

Đ- Tâm Tam Thiền là Tâm an trú trong một đề mục, một trạng thái như Tâm Nhị Thiền nhưng chỉ có 3 chi: Hỷ, Lạc và Định.

52- Tâm Tứ Thiền.

V- Thế nào là Tâm Tứ Thiền?

Đ- Tâm Tứ Thiền là Tâm an trú trong một đề mục có trạng thái gọi là hỷ trú xả hay nói một cách khác cho rõ hơn là trạng thái an lạc rất vi tế, không có sự vui mừng thô tháo. Có 2 chi: Lạc và Định.

53- Tâm Ngũ Thiền.

V- Thế nào là Tâm Ngũ Thiền?

Đ- Tâm Ngũ Thiền là Tâm trụ một cảnh rất yên lặng thanh tịnh, một trạng thái được gọi là xả niệm thanh tịnh. Có 2 chi: Xả và Định.

54- Tâm Quả Sắc Giới.

V- Thế nào là Tâm Quả Sắc Giới?

Đ- Tâm Quả Sắc Giới là quả thành tựu của Tâm Thiện Sắc Giới. Là Tâm làm việc Tục Sinh, Hộ Kiếp và Tử của các vị Phạm Thiên trong cõi Sắc Giới. Cũng có năm thứ như Tâm Thiện sắc giới.

55- Tâm Duy Tác Sắc Giới.

V- Thế nào là Tâm Duy Tác Sắc Giới?

Đ- Tâm Duy Tác Sắc Giới là tâm của vị A-la-hán tu thiền sắc giới cũng giống như Tâm Thiện sắc giới nhưng không có quả dị thục và những tâm nầy chỉ sanh nơi cơ tính của vị A-la-hán.

56- Tâm Vô Sắc Giới (Arūpāvacara) (*).

V- Thế nào là Tâm Vô Sắc Giới?

Đ- Tâm Vô Sắc Giới là những Tâm thiền biết cảnh không Sắc pháp. Tâm Vô Sắc Giới có ba:

Tâm Thiện Vô sắc Giới.
Tâm Quả Vô Sắc Giới.
Tâm Duy Tác Vô Sắc Giới.

(*) Chỉ nương theo cảnh không sắc tướng nên gọi là Vô Sắc giới (Arūpe avacaratīti: Arūpāvacaraṃ).

57- Tâm Thiện Không Vô Biên.

V- Thế nào là Tâm Thiện Không Vô Biên?

Đ- Tâm Thiện Không Vô Biên là tâm Thiền quan niệm về "hư không vô cùng tận", không có bờ mé (hư không đây do sự suy tư trừu tượng chớ không phải là khoảng trống hay đề mục hư không trong Thiền sắc giới) gọi là tâm thiện không vô biên, vì Tâm nầy là nhân sanh làm phạm thiên trong cõi Không Vô Biên.

58- Tâm Thiện Thức Vô Biên.

V- Thế nào là Tâm Thiện Thức Vô Biên?

Đ- Tâm Thiện Thức Vô Biên là Tâm Thiện quan niệm về "Thức không bờ mé". Vì Tâm nầy là nhân sanh làm Phạm Thiên trong cõi Thức Vô Biên.

59- Tâm Thiện Vô Sở Hữu.

V- Thế nào là Tâm Thiện Vô Sở Hữu?

Đ- Tâm Thiện Vô Sở Hữu là Tâm Thiện quan niệm rằng: "Không có chi cả" dù Tâm hay sắc. Gọi là tâm Thiện Vô Sở Hữu. Vì Tâm nầy là nhân sanh làm Phạm Thiên trong cõi Vô Sở Hữu.

60- Tâm Thiện Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.

V- Thế nào là Tâm Thiện Phi Tưởng Phi Phi Tưởng?

Đ- Tâm Thiện Phi Tưởng Phi Phi Tưởng là tâm thiền do quán xét lại Tâm Vô Sở Hữu. Hồi quan thấy rằng: "Không có tưởng cũng không có không tưởng" và trạng thái Tâm nầy rất vi tế dường như không có tưởng nhưng chẳng phải là không có tưởng. Gọi là Tâm Thiện Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Vì Tâm này là nhân lành làm Phạm Thiên trong cõi Phi Tưởng phi Phi Tưởng.

61- Tâm Quả Vô Sắc.

V- Thế nào là Tâm Quả Vô Sắc?

Đ- Tâm Quả Vô Sắc là thành quả của Tâm Thiện Vô Sắc. Tức là Tâm làm việc Tục Sinh, Hộ Kiếp và Tử của các vị Phạm Thiên trong cõi Vô Sắc.

62- Tâm Duy Tác Vô Sắc.

V- Thế nào là Tâm Duy Tác Vô Sắc?

Đ- Tâm Duy Tác Vô Sắc là Tâm của bậc A-la-hán tu thiền vô sắc, cũng giống như Tâm Thiện vô sắc nhưng không có Quả Dị Thục, Bởi vì Tâm nầy là Tâm của bậc A-la-hán.

63- Tâm Siêu Thế (Lokuttaracitta) (*).

V- Thế nào là Tâm Siêu Thế?

Đ- Tâm Siêu Thế là Tâm chỉ biết cảnh Niết Bàn, ngoài hạn cuộc thế gian, thoát ly tam giới. Tâm Siêu Thế có hai loại:

Tâm Đạo.
Tâm Quả.

(*) Tại thế nhưng tâm siêu xuất tam giới, không còn luân hồi nên gọi là tâm Siêu Thế (Loke uttarantīti: Lokuttaro).

64- Tâm Đạo (Magga Citta) (*).

V- Thế nào là Tâm Đạo

Đ- Tâm Đạo là Tâm sát trừ Phiền não, thấy rõ Niết Bàn. Tâm Đạo có bốn:

Tâm Sơ Đạo.
Tâm Nhị Đạo.
Tâm Tam Đạo.
Tâm Tứ Đạo.

(*) Tâm có chi đạo tương ưng (để sát trừ phiền não) gọi là Tâm Đạo (Maggen sampayuttaṃ cittaṃ: Maggacittaṃ).

65- Tâm Sơ Đạo.

V- Thế nào là Tâm Sơ Đạo?

Đ- Tâm Sơ Đạo là Tâm sát trừ phiền não là thấy rõ Niết Bàn lần đầu. Sơ Đạo dứt tuyệt được Thân Kiến, Hoài Nghi, Giới Cấm Thủ. Cũng gọi là thất lai đạo (là đắc đạo nầy sẽ không quá bảy lần tái sanh trong cõi Dục Giới, cũng gọi là Dự Lưu hay Nhập Lưu là bậc nầy đã vào dòng thánh vức sẽ đưa đến Niết Bàn).

66- Tâm Nhị Đạo.

V- Thế nào là Tâm Nhị Đạo?

Đ- Tâm Nhị Đạo là tâm sát trừ phiền não, tâm thấy rõ Niết Bàn lần thứ nhì, làm giảm nhẹ hai phiền não kế là Dục Ái và Sân, cũng gọi là Nhất Lai đạo (là chứng Đạo nầy chỉ có thể tái sanh trong Dục Giới thêm một kiếp).

67- Tâm Tam Đạo.

V- Thế nào là Tâm Tam Đạo?

Đ- Tâm Tam Đạo là Tâm sát trừ phiền não và thấy rõ Niết Bàn lần thứ ba. Tâm Tam Đạo trừ tuyệt hai phiền não mà Nhị Đạo đã làm giảm nhẹ (tức là Dục Ái và Sân), Tâm Tam Đạo cũng gọi là Bất Lai Đạo (là chứng đạo nầy sẽ không còn Tục Sinh lại cõi Dục Giới nữa).

68- Tâm Tứ Đạo.

V- Thế nào là Tâm Tứ Đạo?

Đ- Tâm Tứ Đạo là Tâm sát trừ phiền não và thấy rõ Niết Bàn lần thứ tư (cũng là lần cuối cùng). Tâm Tứ Đạo sát tuyệt năm phiền não còn lại là Ái Sắc, Ái Vô Sắc, Ngã Mạn, Phóng Dật và Vô Minh. Cũng gọi là Vô Sanh Đạo (chứng đạo nầy thì không còn tái sanh nữa), cũng gọi là Sát tặc (dứt tuyệt ác pháp), cũng gọi là Ưng Cúng (vì bậc chứng đến đạo nầy thì Thân, Khẩu, Ý hoàn toàn trong sạch, xứng đáng cho người dâng cúng).

69- Tâm Quả Siêu Thế.

V- Thế nào là Tâm Quả Siêu Thế?

Đ- Tâm Quả Siêu Thế là thành quả của Tâm Đạo, có bốn:

Sơ Quả.
Nhị Quả.
Tam Quả.
Tứ Quả.

70- Sở Hữu Tâm (Cetasika) (*).

V- Thế nào là sở hữu Tâm?

Đ- Sở Hữu Tâm là phần phụ thuộc của Tâm, vật sở hữu của Ý hoặc thức tức là phần phụ trợ cho sự biết cảnh. Sở Hữu Tâm có ba loại:

Sở Hữu Tợ Tha.
Sở Hữu Bất Thiện.
Sở Hữu Tịnh Hảo.

(*) Sở hữu tâm đối với tâm có 4 cách đồng: 1) Đồng sinh với Tâm. 2) Đồng diệt với Tâm. 3) Đồng nương một vật với Tâm. 4) Đồng biết một cảnh với tâm.

71- Sở Hữu Tợ Tha (Annasamānā).

V- Thế nào là Sở Hữu Tợ Tha?

Đ- Sở Hữu Tợ Tha là loại Sở Hữu giống theo pháp khác. Như chúng hợp với tâm thiện thì đồng một tánh chất với pháp thiện, nếu hợp với pháp Bất Thiện thì sẽ đồng một tánh chất như pháp Bất Thiện, nếu hợp với pháp Vô ký (Tâm Quả và Tâm duy tác) thì đồng một tánh chất như Pháp Vô Ký. Sở Hữu Tợ Tha có hai loại:

Sở Hữu Biến Hành.
Sở Hữu Biệt Cảnh.

72- Sở Hữu Biến Hành (Sabbacittasādhārana).

V- Thế nào là Sở Hữu Biến Hành?

Đ- Sở Hữu Biến Hành là loại Sở Hữu hợp đặng tất cả Tâm không một thứ Tâm nào có thể thiếu bảy sở hữu nầy. Vì vậy nên gọi là Sở Hữu Biến Hành. Sở Hữu Biến hành có bảy thứ:

1) Xúc. 2) Thọ. 3) Tưởng. 4) Tư. 5) Định (nhất hành). 6) Mạng Quyền. 7) Tác Ý.

73- Sở Hữu Xúc (Phassa) (*).

V- Thế nào là Sở Hữu Xúc?

Đ- Sở Hữu Xúc là trạng thái gặp gỡ của ba phần: Vật, Cảnh và Thức. Sở hữu Xúc được phân ra sáu loại:

1) Nhãn Xúc (là Sở Hữu Xúc hợp với Tâm Nhãn Thức do mắt và Cảnh Sắc đối chiếu nhau).
2) Nhĩ Xúc (là Sở Hữu Xúc hợp với Tâm Nhĩ Thức trong khi tai và Cảnh Thinh đối chiếu nhau).
3) Tỷ Xúc (Sở Hữu Xúc hợp với Tâm Tỷ Thức khi Mũi và Cảnh Khí đối chiếu nhau).
4) Thiệt Xúc (Sở Hữu Xúc hợp với Tâm Thiệt Thức khi lưỡi và Cảnh Vị đối chiếu nhau).
5) Thân Xúc (Sở Hữu Xúc hợp với Tâm Thân Thức khi Thân và Cảnh Xúc đối chiếu nhau).
6) Ý Xúc (Sở Hữu Xúc hợp với Tâm Ý Thức khi Ý quyền đối chiếu với Cảnh Pháp).

(*) Tâm chạm cảnh gọi là Xúc (Ārambhaṃ busatīti: Phasso).

74- Sở Hữu Thọ (Vedanā) (*).

V- Thế nào là Sở Hữu Thọ?

Đ- Sở Hữu Thọ là trạng thái tiếp thâu, cảm nhận đối tượng. Thọ có năm thứ và sáu loại.

Năm thứ:

Thọ Khổ là trạng thái cảm nhận sự đau đớn của thể xác.
Thọ Lạc là trạng thái cảm nhận sự khoái lạc của xác thân.
Thọ Hỷ là trạng thái lảnh nhận đối tượng một cách an vui, dễ chịu của Tâm.
Thọ Ưu trạng thái cảm nhận đối tượng một cách buồn bực khó chịu của Tâm.
Thọ Xả là trạng thái cảm nhận đối tượng không Khổ, không Lạc, không Hỷ, không Ưu tức là ngoài ra bốn Thọ trên cũng gọi là Thọ phi Khổ phi Lạc.

Sáu loại:

Nhãn thọ (là Sở Hữu Thọ hợp với Nhãn Thức để lãnh nạp cảnh Sắc).
Nhĩ Thọ (là Sở Hữu Thọ hợp với Tâm Nhĩ Thức để tiếp nhận Cảnh Thinh).
Tỷ Thọ (là Sở Hữu Thọ hợp với Tâm Tỷ Thức để lãnh thâu Cảnh Khí).
Thiệt Thọ (là Sở Hữu thọ hợp với Tâm Thiệt Thức để lãnh thâu Cảnh Vị).
Thân Thọ (là Sở Hữu Thọ hợp với Tâm Thân Thức để lãnh thâu Cảnh Xúc).
Ý Thọ (là Sở Hữu Thọ hợp với Tâm Ý Thức để tiếp nhận Cảnh Pháp).

(*) Tâm hưởng cảnh gọi là Thọ (Vedatayīti: Vadanā).

75- Sở Hữu Tưởng (Saññā).

V- Thế nào là Sở Hữu Tưởng?

Đ- Sở Hữu Tưởng là tư cách trạng lại, nhớ lại, hồi tưởng lại những vật đã qua, đã mất, đã diệt mà trước kia đã gặp. Có sáu loại:

1) Sắc Tưởng: tức là nhớ ra cảnh sắc (các màu xanh, vàng, đỏ, trắng v.v...) mà trước kia mắt đã thấy, đã biết.
2) Thinh Tưởng: nhớ ra các thứ tiếng (Cảnh Thinh) mà trước kia Nhĩ Thức đã biết, đã nghe.
3) Khí Tưởng: nhớ ra các mùi mà trước kia Tỷ Thức đã ngửi, đã biết.
4) Vị Tưởng: nhớ ra các cảnh Vị (ngọt, mặn, cay, đắng v.v..) mà trước kia Thiệt Thức đã nếm, đã biết.
5) Xúc Tưởng là nhớ ra các cảnh Xúc (cứng, mềm, nóng, lạnh v.v..) mà trước kia thân thức đã biết, đã cảm xúc.
6) Pháp Tưởng: nhớ ra cảnh pháp (đối tượng của Ý Thức) mà trước kia Ý thức đã biết, đã suy nghĩ.

76- Sở Hữu Tư (Cetanā).

V- Thế nào là Sở Hữu Tư?

Đ- Sở Hữu Tư là trạng thái tính làm, quyết làm, cố tâm. Có sáu loại:

1) Sắc Tư: Sở Hữu Tư hợp với Tâm Nhãn Thức để quyết định khi Nhãn Thức biết cảnh Sắc.
2) Thinh Tư: Sự cố ý nhận được cảnh Thinh tức là Sở Hữu Tư hợp với Tâm Nhĩ Thức.
3) Khí Tư: Sự cố ý nhận ra cảnh Khí tức là Sở Hữu Tư hợp với Tâm Tỷ Thức.
4) Vị Tư: tức là sự cố ý nhận ra cảnh Vị tức Sở Hữu Tư hợp với Tâm Thiệt Thức.
5) Xúc Tư: là sự cố ý nhận ra cảnh Xúc (Đất, Nước, Lửa, Gió) tức là Sở Hữu Tư hợp với Tâm Thân Thức.
6) Pháp Tư: là sự cố suy nghĩ cảnh Pháp tức là Sở Hữu Tư hợp với Tâm Ý Thức.

77- Sở Hữu Định (Ekaggatā).

V- Thế nào là Sở Hữu Định?

Đ- Sở Hữu Định là một trạng thái gom Tâm vào một đề mục, chong ngay vào cảnh, an trụ vào đối tượng.

78- Sở Hữu Mạng Quyền (Jīvitindriya).

V- Thế nào là Sở Hữu Mạng Quyền?

Đ- Sở Hữu Mạng Quyền là sự sống còn của Danh Pháp tồn tại đủ ba sát-na (sanh,trụ,diệt), gọi là Mạng vì bảo tồn sự sống của Tâm Pháp trong ba sát-na tiểu, gọi là Quyền vì có khả năng điều hành các Danh Pháp đồng sanh cùng làm một phận sự.

79- Sở Hữu Tác Ý (Manasikāra) (*).

V- Thế nào là Sở Hữu Tác Ý?

Đ- Sở Hữu Tác Ý là tư cách gom thâu đối tượng làm thành cảnh cho Tâm.

Thí dụ: Như ống viễn kính thâu cảnh vật ở xa cho vừa tầm con mắt cho thấy được; hoặc như răng cắn miếng thực phẩm cho vừa chừng để miệng nhai được v.v...

(*) Làm thành cảnh cho tâm gọi là Tác Ý (Ārammaṇaṃ manasipatipādāyatīti: Manasikāraṃ).

80- Sở Hữu Biệt Cảnh (Pakiṇṇaka).

V- Thế nào là Sở Hữu Biệt Cảnh?

Đ- Sở Hữu Biệt Cảnh là loại Sở Hữu chỉ hợp với một số tâm. Còn một số tâm khác thì không hợp đặng. Sở Hữu Biệt Cảnh có sáu thứ:

1) Tầm. 2) Tứ. 3) Thắng giải. 4) Cần. 5) Hỷ. 6) Dục.

81- Sở Hữu Tầm (Vitakka). (*)

V- Thế nào là Sở Hữu Tầm?

Đ- Sở Hữu Tầm là hướng tâm đến cảnh hay là cách đem Tâm đến đối tượng.

Thí dụ: Như con Ong bay đi đến một cái bông.

Tầm có sáu loại:

1) Sắc Tầm là trạng thái Tâm tìm đến cảnh Sắc (các màu), hướng đến cảnh Sắc.
2) Thinh Tầm là trạng thái Tâm hướng đến cảnh Thinh, tìm đến cảnh Thinh.
3) Khí Tầm là trạng thái Tâm hướng đến cảnh Mùi, tìm đến cảnh Mùi.
4) Vị Tầm tức là trạng thái Tâm hướng đến cảnh Vị, tìm đến cảnh Vị.
5) Xúc Tầm là trạng thái Tâm hướng đến cảnh Xúc (sự đụng chạm) tìm đến cảnh Xúc.
6) Pháp Tầm là trạng thái Tâm hướng đến cảnh Pháp (những đối tượng mà trước kia đã gặp, như cảnh Sắc mắt đã gặp cho đến những sự suy nghĩ mà Tâm trước đã suy tư).

(*) Vitakkanaṃ: Vitakko = Tìm tòi cảnh gọi là Tầm.

82- Sở Hữu Tứ (Vicāra) (*).

V- Thế nào là Sở Hữu Tứ?

Đ- Sở Hữu Tứ là trạng thái Tâm quan sát đối tượng một cách khắn khít (chăm chú quan sát).

Thí dụ: Như con Ong bay rà rà chung quanh cái bông mà nó đã gặp. Tứ có sáu loại:

1) Sắc Tứ là trạng thái Tâm quan sát cảnh Sắc.
2) Thinh Tứ là trạng thái Tâm quan sát cảnh thinh (tiếng).
3) Khí Tứ là trạng thái Tâm quan sát các Mùi.
4) Vị Tứ là trạng thái Tâm quan sát cảnh Vị.
5) Xúc Tứ là trạng thái Tâm quan sát cảnh Xúc do Thân đụng chạm.
6) Pháp Tứ là trạng thái Tâm quan sát những đối tượng mà Ý suy nghĩ.

(*) Kềm giữ cảnh gọi là Tứ (Vicaranaṃ: Vicāro).

83- Sở Hữu Thắng Giải (Adhimokkha).

V- Thế nào là Sở Hữu Thắng Giải?

Đ- Sở Hữu Thắng Giải là trạng thái Tâm quyết đoán trước sự vật một cách khẳng định.

Thídụ: Như vị Quan tòa tuyên án một vụ kiện.

84- Sở Hữu Cần (Viriya)(*).

V- Thế nào là Sở Hữu Cần?

Đ- Sở Hữu Cần là siêng năng tinh tấn cố gắng trước sự khó khăn.

Thí dụ: Như viên dõng tướng khi lâm trận bất chấp gươm đao, hằng lướt tới tiêu diệt đối phương và bảo vệ đoàn quân của mình. Cũng vậy, Sở Hữu Cần có đặc tánh nâng đỡ pháp tương ưng và bài trừ pháp đối nghịch.

(*) Đủ sức chịu đựng với sự khó khăn gọi là Cần (Udukkha sābhe sahanaṃ ussaho).

85- Sở Hữu Hỷ (Pīti). (*)

V- Thế nào là Sở Hữu Hỷ?

Đ- Sở Hữu Hỷ là trạng thái Tâm no vui bằng cảnh.

Hỷ có năm loại:

1) Tiểu Đản Hỷ (Khuddikāpīti) là trạng thái no vui làm da nổi ốc.
2) Sát Na Hỷ (Khaṇikāpīti) là sự no vui thoáng qua như điện chớp.
3) Hải Triều Hỷ (Okkhantikāpīti) tức là sự no vui như sóng tạt vào bờ.
4) Khinh Thăng Hỷ (Ubbhogapīti) là trạng thái no vui một cách nhẹ nhàng có thể bay bổng được.
5) Sung Mãn Hỷ (Pharanapīti) là sự no vui một cách mát mẽ thấm nhuần cả toàn thân.

(*) No nê với cảnh gọi là Hỷ (Pinayapīti: Pīnayo)

86- Sở Hữu Dục (Chanda).

V- Thế nào là Sở Hữu Dục?

Đ- Sở Hữu Dục là sự mong muốn. Dục có ba loại:

Tham Dục là sự ham muốn ngũ trần (Bất thiện).
Pháp Dục là sự mong muốn được chứng các Thiện Pháp.
Tác Dục là sự muốn làm không phải là pháp Thiện, cũng không phải là Pháp Bất Thiện.

87- Sở Hữu Bất Thiện (Akusala).

V- Thế nào là Sở Hữu Bất Thiện?

Đ- Sở Hữu Bất Thiện là những pháp chẳng lành, chẳng tốt (cũng gọi là pháp xấu, pháp ác, pháp đen) Sở Hữu Bất Thiện có năm loại:

1) Sở Hữu Si Phần. 2) Sở Hữu Tham Phần. 3) Sở Hữu Sân Phần. 4) Sở Hữu Hôn Phần. 5) Sở Hữu Hoài Nghi.

88- Sở Hữu Si Phần.

V- Thế nào là Sở Hữu Si Phần?

Đ- Sở Hữu Si Phần là những pháp làm cho Tâm si ám, mê mờ, tăm tối không sáng suốt. Sở Hữu Si Phần có bốn thứ:

1) Sở Hữu Si. 2) Sở Hữu Vô Tàm. 3) Sở Hữu Vô Úy. 4) Sở Hữu Phóng Dật.

89- Sở Hữu Si (Moha) (*).

V- Thế nào là Sở Hữu Si?

Đ- Sở Hữu Si là trạng thái tăm tối, mờ ám trái với trí tuệ đồng nghĩa vớivô minh, chính vì sở hữu si làm cho tâm chúng sanh đen tối không biết rõ pháp chơn đế như Ngũ uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, bốn đế v.v...

(*) Mê mờ trong cảnh gọi là Si (Ārammane muyhatīti: Moho).

90- Sở Hữu Vô Tàm (Ahirika) (*).

V- Thế nào là Sở Hữu Vô Tàm?

Đ- Sở Hữu Vô Tàm là trạng thái Tâm không hổ thẹn với những điều tội lỗi ác xấu.

(*) Không biết hỗ thẹn với việc ác gọi là Vô Tàm (Na hiriyati na lajjiyati: Ahiriko).

91- Sở Hữu Vô Úy (Anottappa) (*).

V- Thế nào là Sở Hữu Vô Úy?

Đ- Sở Hữu Vô Úy là trạng thái Tâm không ghê sợ những điều tội lỗi, ác, xấu, đặc tánh của Sở Hữu Vô Úy là không ghê sợ kẻ khác chê trách.

(*) Không biết ghê sợ tội lỗi gọi là Vô Úy (Na ottappatīti: Anottappaṃ).

92- Sở Hữu Phóng Dật (Uddhacca)(*).

V- Thế nào Sở Hữu Phóng Dật?

Đ- Sở Hữu Phóng Dật là trạng thái Tâm giao động phóng túng, bị trần cảnh chi phối.

(*) Sự loạn động gọi là Phóng Dật (Uddha tassabhāvo: Uddhaccaṃ).

93- Sở Hữu Tham Phần.

V- Thế nào là Sở Hữu Tham Phần?

Đ- Sở Hữu Tham Phần là những pháp làm cho Tâm thu hút đối tượng, dính mắc theo trần cảnh, gom thâu mọi vật cho thành Sở Hữu của mình, Sở Hữu Tham Phần có ba:

1) Tham. 2) Tà Kiến. 3) Ngã Mạn.

94- Sở Hữu Tham (Lobha) (*).

V- Thế nào là Sở Hữu Tham?

Đ- Sở Hữu Tham là trạng thái Tâm chấp trước đối tượng luyến ái cảnh trần, say đắm theo ngũ dục.

(*) Ham muốn gọi là Tham (Ubbhatīti: Lobho).

95- Sở Hữu Tà Kiến (Diṭṭhi) (*).

V- Thế nào là Sở Hữu Tà Kiến?

Đ- Sở Hữu Tà Kiến là trạng thái Tâm hiểu lầm chấp sai.

(*) Thấy biết trái với sự thật gọi là Tà Kiến (Micchā passatīti: Diṭṭhi).

96- Sở Hữu Ngã Mạn (Māno)(*).

V- Thế nào là Sở Hữu Ngã mạn?

Đ- Sở Hữu Ngã Mạn là trạng thái Tâm tự đắc, tự kiêu, tự đại, tự cao, tự mãn. Ngã Mạn có chín cách:

1) Hơn ỷ hơn.
2) Hơn ỷ bằng.
3) Hơn ỷ thua.

4) Bằng ỷ hơn.
5) Bằng ỷ bằng.
6) Bằng ỷ thua.

7) Thua ỷ hơn.
8) Thua ỷ bằng.
9) Thua ỷ thua.

(*) Cho mình hơn người .v.v. gọi là Ngã Mạn (Seyyomasmīti ādinā manatīti: Mano).

97- Sở Hữu Sân Phần.

V- Thế nào là Sở Hữu Sân Phần?

Đ- Sở Hữu Sân Phần là những pháp làm cho Tâm nóng nảy, bực bội, khó chịu. Sở Hữu Sân có 4:

1) Sở Hữu Sân. 2) Sở Hữu tật. 3) Sở Hữu Lận. 4) Sở Hữu Hối.

98- Sở Hữu Sân (Dosa) (*).

V- Thế nào là Sở Hữu sân?

Đ- Sở Hữu sân là trạng thái Tâm bất bình, phẩn nộ, sầu khổ, ưu bi. Sân trái với Từ (Vô sân).

(*) Sự hung ác, độc hại .v.v. gọi là Sân (Saya meva dussatīti: Doso).

99- Sở Hữu Tật (Issā)(*).

V- Thế nào là Sở Hữu Tật?

Đ- Sở Hữu Tật là trạng thái Tâm ganh tỵ, tật đố, ghét phần hơn của kẻ khác. Tật trái với Tùy Hỷ.

(*) Không chịu người hơn mình gọi là Tật (Issayanā: Issā).

100- Sở Hữu Lận (Macchariya)(*).

V- Thế nào là Sở Hữu Lận?

Đ- Sở: Hữu Lận là trạng thái Tâm bỏn xẻn, keo kiết, bón rít, hà tiện tức là không chịu chia sớt của cải cho kẻ khác.

(*) Keo kiết, bỏn xẻn gọi là Lận (Macchera bhavo: Macchariyaṃ).

101- Sở Hữu Hối (Kukkucca)(*).

V- Thế nào là Sở Hữu Hối?

Đ- Sở Hữu Hối là trạng thái Tâm hối tiếc những sự vật đã qua. Hối có nhiều cách: Hối hận việc ác đã làm, Hối tiếc việc Thiện đã bỏ qua...

(*) Hối hận với việc ác đã làm, với việc thiện chưa làm gọi là Hối (Kataṃ me pāpamakataṃ me puññaṃ).

102- Sở Hữu Hôn Phần.

V- Thế nào là Sở Hữu Hôn Phần?

Đ- Sở Hữu Hôn Phần là những Sở Hữu mê mờ yếu đuối chỉ hợp với các Tâm Bất Thiện hữu trợ. Sở Hữu Hôn Phần có hai thứ:

1) Sở Hữu Hôn Trầm. 2) Sở Hữu Thụy Miên.

103- Sở Hữu Hôn Trầm (Middha).

V- Thế nào là Sở Hữu Hôn Trầm?

Đ- Sở Hữu Hôn Trầm là cách lười biếng lui sụt. Có trạng thái co rút lại.

104- Sở Hữu Thụy Miên (Thīna).

V- Thế nào là Sở Hữu Thụy Miên?

Đ- Sở Hữu Thụy Miên là tư cách buồn ngũ, dã dượi, hạn chế lộ tâm.

105- Sở Hữu Hoài Nghi (Vicikicchā)(*).

V- Thế nào là Sở Hữu Hoài Nghi?

Đ- Sở Hữu Hoài Nghi là trạng thái Tâm lưỡng lự, phân vân, nghi ngờ không thể quyết đoán.

(*) Phân vân nghi hoặc gọi là Hoài nghi (Vici kicchātīti: Vicikicchā).

106- Sở Hữu Tịnh Hảo (Sobhana).

V- Thế nào là Sở Hữu Tịnh Hảo?

Đ- Sở Hữu Tịnh Hảo là những Sở Hữu trong sạch, tốt đẹp, thanh tịnh. Những Sở Hữu này chỉ hợp với Tâm Tịnh Hảo, không khi nào hợp với các Tâm Vô Tịnh Hảo. Sở Hữu Tịnh Hảo được phân ra bốn loại:

1) Sở Hữu Tịnh Hảo Biến Hành. 2) Sở Hữu Giới Phần. 3) Sở Hữu Vô Lượng Phần. 4) Sở Hữu Trí Tuệ.

107- Sở Hữu Tịnh Hảo Biến Hành (Sobhana Sādhāranā).

V- Thế nào là Sở Hữu Tịnh Hảo Biến Hành?

Đ- Sở Hữu Tịnh Hảo biến hành là những Sở Hữu trong sạch, tốt đẹp, tinh khiết và có mặt trong tất cả Tâm Tịnh Hảo. Sở Hữu Tịnh Hảo Biến Hành có 19 thứ: Tín, Niệm, Tàm, Úy, Vô Tham, Vô Sân, Hành Xả, Tịnh Thân, Tịnh Tâm, Khinh Thân, Khinh Tâm, Nhu Thân, Nhu Tâm, Thích Thân, Thích Tâm, Thuần Thân, Thuần Tâm, Chánh Thân, Chánh Tâm.

108- Sở Hữu Tín (Saddhā).

V- Thế nào là Sở Hữu Tín?

Đ- Sở Hữu Tín là niềm tin, đức tin, trạng thái Tâm tín ngưỡng theo, Tín có hai loại: Phàm Tín và Thánh Tín hoặc là Chánh Tín và Tà Tín.

109- Sở Hữu Niệm (Sati).

V- Thế nào là Sở Hữu Niệm?

Đ- Sở Hữu Niệm là sự biết ngay, biết đến, biết đặng, biết rõ. Trạng thái nhận thức sự vật hiện hữu tức là tư cách theo dõi, quan sát, chăm chú theo hành động của Thân và Tâm. Niệm có bốn đối tượng: Thân, Thọ, Tâm, Pháp.

110- Sở Hữu Tàm (Hiri).

V- Thế nào Sở Hữu Tàm?

Đ- Sở Hữu Tàm là sự hổ thẹn tội lỗi, mắc cở với việc xấu, lui sụt trước ác pháp. Đặc tính của Sở Hữu Tàm là hổ thẹn tội lỗi đối với tha nhân

111- Sở Hữu Úy (Ottappa).

V- Thế nào là Sở Hữu Úy?

Đ- Sở Hữu Úy là trạng thái ghê sợ tội lỗi, kinh hải trước việc xấu. Đặc tính của Sở Hữu Úy là sự ghê sợ tội lỗi với chính mình.

112- Sở Hữu Vô Tham (Alobha).

V- Thế nào là Sở Hữu Vô Tham?

Đ- Sở Hữu Vô Tham là trạng thái Tâm không ham muốn ngũ dục, chẳng luyến ái Ngũ trần, không chấp trước các đối tượng. Đặc tánh của Sở Hữu Vô Tham là không dính mắc trần cảnh. (Vô Tham ở đây còn đồng nghĩa với bố thí).

Thí dụ: Như lá sen đối với giọt nước.

113- Sở Hữu Vô Sân (Adosa).

V- Thế nào là Sở Hữu Vô Sân?

Đ- Sở Hữu Vô Sân là trạng thái Tâm không nóng nãy, không sân giận, không bất bình, Vô Sân đồng nghĩa với Tâm Từ. Đặc tánh của Sở Hữu Vô Sân là làm cho Danh Pháp đồng sanh được êm dịu mát mẽ, làm tiêu sự nóng nảy.

Thí dụ: Như nước đối với lửa.

114- Sở Hữu Hành Xả(Tatramajjhatatā).

V- Thế nào là Sở Hữu Hành Xả?

Đ- Sở Hữu Hành xả là trạng thái Tâm quân bình không thiên lệch, trung tánh. Đặc tánh của Sở Hữu Hành Xả là làm cho Danh Pháp đồng sanh được ngang nhau không thái quá, bất cập.

Thí dụ: Như người đánh xe giỏi, khéo điều khiển cặp ngựa song hành luôn luôn đi ngang nhau.

115- Sở Hữu Tịnh Thân, Tịnh Tâm (Kāyapassaddhi, Cittapassaddhi).

V- Thế nào là Sở Hữu Tịnh Thân, Tịnh Tâm?

Đ- Sở Hữu Tịnh Thân là trạng thái làm cho các sở hữu đồng sanh an tịnh, còn Tịnh Tâm là trạng thái làm cho tâm an tịnh. Đặc tánh của hai Sở Hữu này là làm cho lắng dịu phiền não dục.

Thí dụ: Như bóng mát của cây ngăn che được sức nóng của mặt trời.

116- Sở Hữu Khinh Thân và Khinh Tâm (Kāyalahūtā, Cittalahūtā).

V- Thế nào là Sở Hữu Khinh Thân, Khinh Tâm?

Đ- Sở Hữu Khinh Thân là trạng thái làm cho các sở hữu đồng sanh nhẹ nhàng. Còn sở hữu Khinh Tâm là trạng thái làm cho tâm nhẹ nhàng. Đặc tánh của hai sở Hữu này là diệt trừ sự nặng nề đình trệ của Tâm và Sở Hữu.

Thí dụ: Như người để gánh nặng xuống.

117- Sở Hữu Nhu Thân, Nhu Tâm (Kāyamudutā, Cittamudutā).

V- Thế nào là sở Hữu Nhu Thân, Nhu Tâm?

Đ- Sở Hữu Nhu Thân là trạng thái làm cho các sở hữu đồng sanh được mềm dịu. Còn sở hữu Nhu Tâm là trạng thái làm cho tâm được mềm dịu. Đặc tánh của hai sở hữu này là diệt trừ sự thô cứng của Sở Hữu và Tâm. Hai sở hữu này đối trị với tà kiến và ngã mạn.

Thí dụ: Như nước làm cho miếng da cứng trở nên mềm.

118- Sở Hữu Thích Thân, Thích Tâm (Kāyakammaññatā, Cittakammaññatā).

V- Thế nào là Sở Hữu Thích Thân, Thích Tâm?

Đ- Sở Hữu Thích Thân là trạng thái làm cho các sở hữu đồng sanh thích ứng vớicông việc. Còn sở hữu Thích Tâm là trạng thái làm cho Tâm đồng sanh thích hợp với công việc. Đặc tánh của hai sở hữu nầy làm cho Tâm và sở hữu thích ứng vớiviệc làm.

Thí dụ: Như lửa đỏ làm mềm cục sắt, có thể làm cho trở thành bất cứ món khí giới nào.

119- Sở Hữu Thuần Thân, Thuần Tâm (Kāyapāguññatā, Cittapāguññatā).

V- Thế nào là sở hữu Thuần Thân, Thuần Tâm?

Đ- Sở Hữu Thuần Thân là trạng thái làm cho các sở hữu đồng sanh được tinh luyện thuần thục. Còn Sở Hữu Thuần Thân là trạng thái làm cho Tâm được thuần thục. Đặc tánh của hai Sở Hữu nầy là điêu luyện Tâm và Sở Hữu cho được thuần thục.

Thí dụ: Như người thợ lành nghề.

120- Sở Hữu Chánh Thân, Chánh Tâm (Kāyujjukatā, Cittajjukatā).

V- Thế nào là Sở Hữu Chánh Thân, Chánh Tâm?

Đ- Sở Hữu Chánh Thân là trạng thái làm cho sở hữu được ngay thẳng. Còn Sở Hữu Chánh Tâm là trạng thái làm cho Tâm được ngay thẳng. Đặc tánh của hai Sở Hữu nầy là đối trị sự tà vạy của Tâm và Sở Hữu.

Thí dụ: Như kim chỉ nam giúp cho kẻ lữ hành không bị lạc hướng.

121- Sở Hữu Giới Phần (Viratiyo).

V- Thế nào là Sở Hữu Giới Phần?

Đ- Sở Hữu Giới Phần là những Sở Hữu có năng lực sát trừ nghiệp ác của Thân và Khẩu (khi hợp với Tâm Siêu Thế) và chế ngự nghiệp ác của Thân và Khẩu (khi hợp với Tâm Thiện dục giới). Sở Hữu Giới Phần có ba thứ:

1) Chánh Ngữ. 2) Chánh Nghiệp. 3) Chánh Mạng.

122- Sở Hữu Chánh Ngữ (Sammāvācā).

V- Thế nào là Sở Hữu Chánh Ngữ?

Đ- Sở Hữu Chánh Ngữ là sở hữu ngăn ngừa hoặc sát trừ ác nghiệp của Khẩu tức là không nói dối, không nói lời hung dữ, không nói lời chia rẽ, không nói lời nhảm nhí vô ích.

123- Sở Hữu Chánh Nghiệp (Sammā Kammantā).

V- Thế nào là Sở Hữu Chánh Nghiệp?

Đ- Sở Hữu Chánh Nghiệp là sở hữu ngăn ngừa và sát trừ nghiệp ác của Thân tức là không sát sanh, không trộm cắp, và không tà dâm.

124- Sở Hữu Chánh Mạng (Sammā Ājīvo).

V- thế nào là Sở Hữu Chánh Mạng?

Đ- Sở Hữu Chánh Mạng là sở hữu ngăn ngừa và sát trừ sự nuôi mạng sống bằng cách tà vạy tức là không dùng Thân, Khẩu ác để nuôi mạng sống.

125- Sở Hữu Vô Lượng Phần (Appamaññāyo).

V- Thế nào là Sở Hữu Vô Lượng Phần?

Đ- Sở Hữu Vô Lượng Phần là những sở hữu lấy vô lượng chúng sanh đau khổ và hạnh phúc làm đối tượng. Sở Hữu Vô Lượng Phần có hai:

1) Bi. 2) Tùy Hỷ.

126- Sở Hữu Bi (Karunā).

V- Thế nào là Sở Hữu Bi?

Đ- Sở Hữu Bi là sở Hữu thương xót chúng sanh đau khổ. Sở Hữu nầy đối với tất cả chúng sanh, dầu kẻ thân hoặc thù khi thấy họ bị đau khổ đều thương xót.

127- Sở Hữu Tùy Hỷ (Muditā).

V- Thế nào là Sở Hữu Tùy Hỷ?

Đ- Sở Hữu Tùy Hỷ là sở hữu vui theo sự hạnh phúc hay thành công của tất cả chúng sanh. Sở Hữu nầy đối với tất cả chúng sanh dù kẻ thân hay người thù khi thấy họ hưởng hạnh phúc như giàu sang, sắc đẹp v.v... hoặc thấy họ làm những việc lành như Bố thí, Trì giới v.v... thì phát tâm hoan hỷ chớ không ganh tỵ.

128- Sở Hữu trí Tuệ (Paññindrya).

V- Thế nào là Sở Hữu Trí Tuệ?

Đ- Sở Hữu Trí Tuệ là trạng thái Tâm sáng suốt hiểu biết sự vật đúng với sự thật. Sở Hữu Trí Tuệ được gọi là Tuệ quyền bởi Sở Hữu nầy là nguồn gốc của sự sáng suốt dù là Phàm Tuệ hay Thánh Tuệ hoặc Tuệ Văn, Tuệ Tư, Tuệ Tu đều phát xuất từ nơi sở Hữu nầy.

129- Sở Hữu Nhất Định và Bất Định.

V- Thế nào là Sở Hữu Nhất Định và Bất Định?

Đ- Sở Hữu Nhất Định là những sở hữu nầy khi hợp với tâm nào thì hợp mỗi cách đồng sanh và không thay đổi. Còn sở hữu Bất Định khi hợp với những tâm mà chúng có thể hợp được thì những sở hữu nầy phối hợp với Tâm một cách riêng biệt và bất thường (hoặc có hoặc không).

Sở Hữu Nhất Định có 41. Còn Sở Hữu Bất Định có 11 là: Ngã Mạn, Tật Lận, Hối, Thụy Miên, Hôn Trầm, Bi, Tùy Hỷ, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng.

Lời giải:

Sở Hữu Ngã Mạn bất định bởi sở hữu nầy chỉ hợp với 4 Tâm Tham ly tà, nhưng khi nào có sự kiêu căng, tự đắc thì mới có Ngã Mạn, trái lại thì không.Sở Hữu Tật hợp với 2 Tâm Sân trong trường hợp bực bội, khó chịu vì sự ganh tỵ với phần hơn của kẻ khác thì mới có sở hữu Lận phối hợp, trái lại không.Sở Hữu Lận chỉ hợp với hai Tâm Sân trong trường hợp bực mình vì có kẻ khác đến xin chia sớt vật sở hữu của mình thì mới có sở hữu Lận phối hợp, trái lại thì không.

Sở hữu Hối chỉ hợp với 2 Tâm Sân trong trường hợp bức rức, khổ tâm. Vì việc Thiện không làm được và đã làm những điều tội lỗi thì sở hữu Hối mới phối hợp, trái lại thì không.

Sở hữu Hôn Trầm và Thụy Miên chỉ hợp với 4 Tâm Tham hữu trợ và Tâm Sân hữu trợ trong trường hợp giải đãi, lười biếng, dã dượi thì mới có sở hữu Hôn Trầm Thụy Miên phối hợp, trái lại thì không.

Sở hữu Bi chỉ hợp với 8 Tâm Đại Thiện, 8 Tâm Đại Hạnh và 12 Tâm Thiền Sắc Giới thọ hỷ trong trường hợp thấy chúng sanh đau khổ, ngoài ra thì không.

Sở hữu Tùy Hỷ cũng hợp với các Tâm như sở hữu Bi nhưng chỉ hợp với trường hợp thấy chúng sanh làm được việc lành hoặc hưởng được hạnh phúc, trái lại thì không.

Sở hữu Chánh Ngữ chỉ hợp với 8 Tâm Thiện Dục Giới và các Tâm Siêu Thế cũng vậy đối với sở hữu Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Nhưng đối với 8 Tâm Thiện Dục Giới thì 3 sở hữu Giới phần có khi hợp có khi không và những lúc phối hợp với Tâm Thiện Dục Giới thì có 1 trong 3 mà thôi. Như khi Tâm Thiện Dục Giới khởi lên để ngăn ngừa sự nói dối, nói đâm thọc, nói lời hung ác, nói nhảm nhí vô ích thì có sở hữu Chánh Ngữ phối hợp chớ Chánh Nghiệp, Chánh Mạng thì không. Còn khi nào Tâm Thiện Dục Giới khởi lên để ngăn ngừa việc sát sanh, trộm cướp, tà dâm thì sở hữu Chánh Nghiệp phối hợp. Còn sở hữu Chánh Ngữ, Chánh Mạng thì không. Khi nào Tâm Thiện Dục Giới khởi lên để ngăn ngừa ý định muốn dùng Thân ác, Khẩu ác thì có sở hữu Chánh Mạng phối hợp. Còn khi hợp với Tâm Siêu Thế thì sở hữu giới phần đồng sanh và có đủ không thể thiếu được.

Như vậy, sở hữu Giới Phần Bất Định đối với Tâm Thiện Dục Giới, nhưng Nhất Định đối vớiTâm Siêu Thế.

130- Sở Hữu Biến Hành Phối Hợp.

V- Sở Hữu Biến Hành hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Biến Hành hợp đặng tất cả 121 Tâm.

131- Sở Hữu Tầm Phối Hợp.

V- Sở Hữu Tầm phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Tầm phối hợp đặng 55 Tâm là 11 Tâm Sơ Thiền và 44 Tâm Dục Giới (trừ Ngũ song thức).

132- Sở Hữu Tứ Phối Hợp.

V- Sở Hữu Tứ phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Tứ phối hợp đặng 66 Tâm là 11 Tâm Sơ Thiền, 11 Tâm Nhị Thiền, và 44 Tâm Dục Giới (trừ Ngũ song thức).

133- Sở Hữu Thắng Giải Phối Hợp.

V- Sở Hữu Thắng Giải hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Thắng Giải phối hợp đặng 78 Tâm là trừ Ngũ song thức và Si Hoài Nghi (hoặc 110 nếu tính rộng).

134- Sở Hữu Cần Phối Hợp.

V- Sở Hữu Cần phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Cần phối hợp đặng 73 Tâm hoặc 105 Tâm là trừ 15 Tâm Quả Vô Nhân và Tâm Khai Ngũ Môn.

135- Sở Hữu Hỷ Phối Hợp.

V- Sở Hữu Hỷ phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Hỷ phối hợp đặng 51 Tâm: 4 Tâm Tham Thọ Hỷ, Tâm Quan Sát Thọ Hỷ, Tâm Vi Tiếu Thọ Hỷ, 12 Tâm Dục Giới Tịnh Hảo Thọ Hỷ, 11 Tâm Sơ Thiền, 11 Tâm Nhị Thiền và 11 Tâm Tam Thiền.

136- Sở Hữu Dục Phối Hợp.

V- Sở Hữu Dục phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Dục phối hợp đặng 69 hoặc 101 Tâm trừ ra 18 Tâm Vô Nhân và 2 Tâm Si.

137- Sở Hữu Si Phần Phối Hợp.

V- Sở Hữu Si Phần phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Si Phần phối hợp đặng 12 Tâm: là Tâm Bất Thiện.

138- Sở Hữu Tham Phối Hợp.

V- Sở Hữu Tham phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Tham phối hợp đặng 8 Tâm Tham.

139- Sở Hữu Tà Kiến Phối Hợp.

V- Sở Hữu Tà Kiến phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Tà Kiến phối hợp đặng 4 Tâm: là 4 Tâm Tham hợp tà.

140- Sở Hữu Ngã Mạn Phối Hợp.

V- Sở Hữu Ngã Mạn phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Ngã Mạn phối hợp đặng 4 Tâm: là 4 Tâm Tham ly tà.

141- Sở Hữu Sân Phần Phối Hợp.

V- Sở Hữu Sân Phần phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Sân Phần phối hợp đặng 2 Tâm: là 2 Tâm sân.

142- Sở Hữu Hôn Phần Phối Hợp.

V- Sở Hữu Hôn Phần phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Hôn Phần phối hợp đặng 5 tâm: 4 Tâm Tham hữu trợ và Tâm Sân hữu trợ.

143- Sở Hữu Hoài Nghi Phối Hợp.

V- Sở Hữu Hoài Nghi phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Hoài Nghi hợp đặng 1 tâm: Tâm Si Hoài Nghi.

144- Sở Hữu Tịnh Hảo Biến Hành Phối Hợp.

V- Sở Hữu Tịnh Hảo Biến Hành phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Tịnh Hảo Biến Hành phối hợp đặng 59 hoặc 91 Tâm: trừ ra 30 Tâm Vô Tịnh Hảo.

145- Sở Hữu Giới Phần Phối Hợp.

V- Sở Hữu Giới Phần phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Giới Phần phối hợp đặng 16 hoặc 48 Tâm là 8 Thiện Dục Giới và 8 hoặc 40 Tâm Siêu Thế.

146- Sở Hữu Vô Lượng Phần Phối Hợp.

V- Sở Hữu Vô Lượng Phần phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Vô Lượng Phần phối hợp đặng 28 Tâm là 8 Tâm Thiện Dục Giới, 8 Tâm Duy Tác dục giới, 12 Tâm Thiền Sắc Giới thọ Lạc.

147- Sở Hữu Trí Tuệ Phối Hợp.

V- Sở Hữu Trí Tuệ phối hợp đặng mấy Tâm?

Đ- Sở Hữu Trí Tuệ phối hợp đặng 47 hoặc 79 là 12 Tâm Dục Giới Tịnh Hảo hợp trí, 27 Tâm Đáo Đại 8 hoặc 40 Tâm Siêu Thế.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]