Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương mười hai

10/07/201103:30(Xem: 9027)
Chương mười hai

KINH KIM CANG CHƯ GIA

KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA

CHƯƠNG MƯỜI HAI

60.-ÂM:

Phục thứ: "Tu Bồ Đề! Tùy thuyết thị kinh, nãi chí tứ cú kệ đẳng đương tri thử xứ, nhứt thiết thế gian; Thiên, Nhơn, A tu la giai ưng cúng dường như Phật tháp miếu".

NGHĨA:

Lại nói tiếp: "Này Tu Bồ Đề! Chỗ nào tứ cú kệ, phải biết chỗ ấy, cả thảy thế gian: Thiên, Nhơn, A tu la đều nên cúng dường, cũng như tháp chùa, của Phật vậy".

Giải :Trần Hùng giải: Tùy thuyết là tùy thuận theo chúng sanh mà thuyết pháp.

Thuyết kinh này, đến chỗ Tứ cú kệ thì cả Thiên, Nhơn, A tu la các đạo đều dùng: Hoa hương, chuỗi hột, tràng phan, bửu cái, hương đăng, mà cung kỉnh cúng dường, như có tháp Xá lợi của Chơn thân Phật ở đó vậy, huống chi là đọc tụng toàn cả bộ kinh này! Phải biết đọc tụng toàn cả bộ kinh này, thì cái pháp đặng thành tựu đó, là pháp thượng thượng "xuất thế gian", chớ chẳng phải là pháp tầm thường.

Cho nên Đàn kinh có nói: "Pháp Ma ha Bát Nhã Ba la mật là pháp rất tôn thượng đúng bực nhứt".

Tạ Linh Vận giải: Phong tẩn pháp thân gọi là tháp, tạo tượng, lập chùa gọi là miễu.

Thể thánh nghi thần đều ở trong Tứ cú kệ nên phải dưng cúng trí kỉnh cho hết lòng.

Lục Tổ giải: Tùy chỗ nào có người ta, thì nên giảng kinh này; thường phải giữ lòng không sở đắc, ắt trong thân ấy hiện toàn thân Xá lợicủa Như Lai. Cho nên nói: "Như chỗ tháp miễu của Phật".

Lòng thanh tịnh mà nói kinh này, khiến cho thính giả trừ lòng mê vọng, tỏ ngộ bổn lai Phật tánh, thường giữ sự chơn thiệt thì cảm phục đến Thiên, Nhơn, A tu la, Nhơn, Phi nhơn, các đạo cũng đều đến cúng dường người trì kinh ấy.

Vương Nhựt Hưu giải: Nói tùy chỗ nào là cả thảy những chỗ.

Bằng có người thọ trì, đọc tụng, diễn thuyết, thì công đức oai nghi lực thiệt rất lớn, cho nên chỗ đó thành tháp miễu, mà cả thảy mỗi người và Thiên đạo, A tu la đạo cũng đều cung kỉnh.

A tu la có ba thứ: một thứ thuộc về cõi Trời; một thứ thuộc về cõi người; một thứ thuộc về cõi súc sanh. Đại khái cũng như người, nhưng lòng tham sân cũng còn trọng, nên phải thác sanh về loại ấy. Hễ có phước lớn thì sanh về cõi Trời. Phước nhỏ sanh về cõi người, bực hạ thì sanh về súc sanh.

Tăng Nhược Nột giải: Tháp miễu nói đủ thì là: Tháp bà, là phần mộ hay là mả tròn - Miễu chi đề, chỗ thờ cốt Phật.

Lý Văn Hội giải: Tùy thuyết là lòng không phân biệt, các lý thuyết, tùy chỗ khác nhau, gặp phàm thì nói phàm, còn gặp Thánh thì nói Thánh.

Đương tri thử xứ là nói cái tâm ấy - Như Phật tháp miễu là bằng người chỉ tham danh lợi lòng không thanh tịnh mà nói kinh này, thì trở lại đọa vào luân hồi chớ có ích chi. Như lòng thanh tịnh thì phải vắng lặng chẳng khởi vọng niệm. Dùng lòng không sở đắc không tri giải ấy mà nói kinh này khiến cho những thính giả sanh lòng thanh tịnh, không các vọng niệm mới gọi là cúng dường, thì tuy huyễn thân tức là Pháp thân. Trong ấy có hiện toàn thân Xá lợi của Như Lai, cảm phục đến cõi Thiên, Nhơn đều phải cung kỉnh, nào có khác chi là tháp miễu.

61.-ÂM:

Hà huống hữu nhơn tận năng thọ trì đọc tụng!

Tu Bồ Đề! Đương tri thị nhơn thành tựu tối thượng đệ nhứt hy hữu chi pháp. Nhược thị kinh điển sở tại chi xứ, tức vi hữu Phật, nhược tôn trọng đệ tử.

NGHĨA:

Huống chi, là người thọ trì đọc tụng toàn cả kinh này!

- Tu Bồ Đề! Phải biết người ấy thành tựu đặng cái pháp tối thượng đệ nhứt ít có. Bằng như chỗ nào có kinh điển này, tức có Phật, hoặc như bực đệ tử tôn trọng vậy.

Giải :Lục Tổ giải: Tự tâm tụng đặng kinh này, tự tâm rõ đặng kinh này, tự tâm thể đặng cái lý không chấp trước, tuy ở chỗ nào cũng thường tu theo hạnh Phật, thì tự tâm tức là Phật. Cho nên nói: "Ở các chỗ ấy tức là có Phật".

Vương Nhựt Hưu giải: Tôn trọng đệ tử :là đệ tử đặng tôn, đặng trọng, là thuộc về bực đại đệ tử, như Bồ Tát v.v...

Bằng hay thọ trì đọc tụng, thì như có Phật cùng đại đệ tử ở đó vậy.

Tăng Nhược Nột giải: Kinh là Pháp Bảo.

Tức vi hữu Phật :là Phật Bảo.

Nhược tôn trọng đệ tử :là Tăng Bảo.

Kinh điển sở tại chi xứ :là Tam Bảo ở chung lại.

Đệ tử: là sự học thì sau thầy, nên nói đệ; sự hiểu bởi thầy mà sanh ra, nên nói tử.

Lại nói: Dùng theo lễ phụ huynh mà thờ thầy, nên nói đệ tử.

Phó Đại Sĩ giải:

Tụng:

Ba la mật lục độ, Công đức lớn hằng hà.

Kệ bốn câu thường tụng, Báu vô số khó quá

Pháp môn đều rõ thấu, Cảm phục đến Tu la,

Kinh sám hằng tôn tặng, Thinh danh tợ Phật Đà.

Lý Văn Hội giải: Thành tựu là thấy tánh không nghi - Tối thượng đệ nhứt v.v... là Phật với chúng sanh vốn không sai khác.

Bằng lòng thường thanh tịnh, chẳng sanh chẳng diệt, không các vọng niệm, thì bấy giờ chắc đặng thành Phật.

Cao Thiền sư giải: Thân, khẩu, ý thanh tịnh, ấy là Phật xuất thế; thân, khẩu, ýkhông tịnh, ấy là Phật diệt độ.

Sở tại chi xứ v.v... là như cả thảy trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, lòng không khởi diệt, rỗng rang thanh tịnh, thường giữ theo hạnh Phật, niệm niệm tinh tấn, không có xao lãng, thì chỗ ấy tự tâm là Phật. Ấy là con nhà Phật, cho nên mới đáng tôn trọng.

Lại nói:

Tức tâm là Phật, Phật đây nè!

Tìm mách nơi ngoài thiệt quá mê.

Nhứt niệm rỗng rang về bổn địa,

Dễ như rửa cẳng bước lên ghe.

Lại nói: Tâm tức là Phật vốn không Phật khác, Phật tức là tâm vốn không tâm khác; ví như bàn tay nắm, như nước thành sóng; sóng tức là nước, nắm cũng bàn tay.

Ông Vô Nghiệp Thiền sư hỏi ông Mã Tổ: "Thế nào tức tâm là Phật?".

Đáp: "Tại ngươi không rõ cái tâm ấy, ngoài ra thì không có vật chi, mê tức chúng sanh, ngộ tức Phật, ví như bàn tay nắm, nắm cũng bàn tay". Dứt lời Sư liền ngộ.

Ông Tăng hỏi Ông Mã Tổ:

- Thế nào là Phật?

Đáp: - Tức tâm là Phật.

Ông Bách Trượng hỏi Ông Trường Khánh:

- Thế nào là Phật?

Đáp: - Cỡi trâu tìm trâu.

Ông Tăng hỏi Ông Thủ Sơn Hòa Thượng:

- Thế nào là Phật?

Đáp: - Nàng dâu cỡi lừa, mẹ chồng giắt trống.

Ông Sơn Khuê Thiền sư có lời tụng :

Nhỏ gọi nàng dâu lớn mụ gia,

Cũng đồng địa rị cách không xa.

Đáng cười cỡi ngựa còn tìm ngựa.

Yên ngựa xương lừa xét chẳng ra. ([114])

Ông Tăng hỏi ông Từ Thọ:

- Thế nào là Phật?

Đáp : - Gánh nước bán ở bờ sông.

Ông Tăng hỏi ông Thái Dương:

- Thế nào là Phật?

Đáp : - Thế nào là chẳng phải Phật?

Ông Tăng hỏi ông Qui Tông:

- Thế nào là Phật?

- Ta nói với ngươi, ngươi tin chăng?.

- "Hòa Thượng nói thiệt đâu dám chẳng tin".

- "Là ngươi đó đa!".

Xuyên Thiền sư giải: Hiệp lại cũng như vậy.

Tụng:

Tợ biển thẩm sâu, như non kiên cố.

Lật lại trở qua, chẳng đi chẳng trụ.

Sư tử lông vàng nhảy khỏi hang,

Hét gầm lũ cáo cả kinh hoàng,

Dùng mưu trù hoạch không dùng võ,

Ngoại đạo tà ma thảy phục hàng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]