Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương ba

10/07/201103:30(Xem: 10665)
Chương ba

KINH KIM CANG CHƯ GIA

KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA

CHƯƠNG BA

16.-ÂM :

Phật cáo Tu Bồ Đề: "Chư Bồ Tát Ma ha tát ưng như thị, hàng phục kỳ tâm".

NGHĨA :

Phật bảo Tu Bồ Đề: " Các đại Bồ Tát, nên hàng phục cái vọng tâm như vậy".

Giải :Lý Văn Hội giải: Ma ha tátlà lớn. Tâm lượng rộng lớn, không thể so lường, là người rất tỏ ngộ.

17.-ÂM:

Sở hữu nhứt thế chúng sanh chi loại.

NGHĨA :

Bằng có cả thảy các loại chúng sanh.

Giải :Lục Tổ giải: Nhứt thế: là tóm góp.

Sau này sẽ có phân riêng chín loại.

Vương Nhựt Hưu giải: Phàm có sanh, đều gọi là chúng sanh. Trên từ chư Thiên, dưới đến loài xủng động ([76]) đều chẳng khỏi có sanh, cho nên nói: Cả thảy chúng sanh. Chúng sanh tuy vô số vô cùng, nhưng chẳng ngoài chín loài. (Bài sau có giải).

Lý Văn Hội giải: Chúng sanh: là cả thảy: Lành, dữ, phàm, Thánh, còn lòng chấp bỏ, dấy sanh vô lượng vô biên phiền não, vọng tưởng, luân hồi trong lục đạo.

Cổ Đức có nói:

Hoa giác tốt tươi ít kẻ trồng

Lửa lòng ung đốt hằng ngày nhúm.

Là nói những người mê muội chịu các sự phiền não, lại hớn hở an vui, vốn chẳng phải người tỏ đạo, có khác chi là hình cây tượng gỗ.

Hoặc hạng người trung căn, cho phiền não là khổ, thì trí huệ ấy cũng không bằng ngu si; như vậy không phải là lầm hay sao?

Chớ nên chứa để nơi lòng. Bằng không như thế, học đạo để dùng vào đâu? Thiệt chẳng ích chi cho mình. Phải lấy sức trí huệ mà thắng nó mới đặng.

18.-ÂM :

Nhược noãn sanh, nhược thai sanh, nhược thấp sanh, nhược hóa sanh; nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng, nhược phi hữu tưởng phi vô tưởng.

NGHĨA :

Hoặc sanh trứng, sanh con, sanh chỗ ướt, hóa sanh, hoặc có sắc, không sắc, có tư tưởng, không tư tưởng, chẳng phải có tư tưởng, chẳng phải không có tư tưởng.

Giải :Lục Tổ giải :

Loài sanh trứng là loài mê tánh;

Loài sanh con là loài tập tánh;

Loài sanh chỗ ướt là loài theo tà tánh;

Loài sanh hóa là loài theo thú tánh,

Bởi mê nên gây các nghiệp, bởi tập nên hay dời đổi, bởi theo đen nên lòng chẳng định, bởi theo thú nên đọa vào A tỳ(Địa ngục).

Lấy tâm mà tu tâm, thì vọng sanh phải quấy. Chẳng tỏ đặng cái lý không tướng, cho nên nói:Hữu sắc.

Lòng giữ ngay thẳng, chẳng làm việc cung kỉnh cúng dường, chỉ rỏ lòng ngay tức là Phật, chẳng tu phước huệ, cho nên nói Vô sắc.

Chẳng tỏ lý Trung đạo, mắt thấy, tai nghe, thì để ý suy nghĩ, ưa chấp pháp tướng, miệng thì nói hạnh Phật, mà lòng chẳng làm theo, cho nên nói: "Hữu tưởng".

Người mê ngồi thiền, tính bề trừ vọng, chẳng học đạo từ, bi, hỷ, xả, trí huệ phương tiện, cũng như cây đá không có tác dụng, cho nên nói: "Vô tưởng".

Chẳng chấp cả hai pháp tướng (hữu tưởng, vô tưởng) cho nên nói: "Phi hữu tưởng". Lòng còn cầu lý, cho nên nói: "Phi vô tưởng"([77]).

Vương Nhựt Hưu giải: Nhược noãn sanh, lớn như chim cánh vàng (Kim sí điểu); cho đến nhỏ như loài rận, rệp.

Nhược thai sanh: Lớn như voi, sư tử; bực trung như người; nhỏ như mèo, chuột.

Nhược thấp sanh: Như cá, trạnh, ba ba, cua đinh, cho đến các thứ vi trùng trong nước.

Nhược hóa sanh: Như sâu, bọ trong các thứ gạo, bắp, trái, hột, ở cõi Thiên, nhơn, địa ngục mà hóa sanh ra.

Bốn loài trên đây, đều gọi là chúng sanh ở cõi "Dục giới".

Nhược hữu sắc: Sắc là sắc thân, là chỉ các hàng Thiên nhơn, từ cõi Sơ thiền Thiên cho đến cõi Tứ thiền Thiên, tuy có sắc thân, mà không có hình nam hay nữ. Đã hết tình dục, nên gọi "Sắc giới".

Nhược vô sắc: Là chỉ các Thiên nhơn cõi "Vô sắc giới", cao hơn cõi Tứ thiền Thiên - duy có tánh linh, không có sắc thân, nên gọi "Vô sắc".

Nhược hữu tưởng: Là chỉ các Thiên nhơn cõi trời "Hữu tưởng", Thiên nhơn ấy không có sắc thân duy có tánh tưởng niệm mà thôi, từ đây trở lên, đều gọi "Vô sắc giới".

Nhược vô tưởng: Là chỉ các Thiên nhơn cõi trời "Vô tưởng", cao hơn cõi trời "Hữu tưởng", một niệm lặng lẽ chẳng động, nên nói: "Vô tưởng".

Nhược Phi hữu tưởng Phi vô tưởng: Là chỉ các Thiên nhơn cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, cao hơn cõi trời Vô tưởng,một niệm vắng lặng chẳng động, nên nói Phi hữu tưởng. Song chẳng phải cây đá mà không có tưởng, nên nói: Phi vô tưởng.Cõi trời này, sánh với ba cõi kia, thì lại cao tột hơn, còn người thì sống rất lâu, chẳng những tám muôn kiếp mà thôi.

Lý Văn Hội giải: Nhược noãn sanhlà bởi còn tham chấp cái vô minh, nên bị sự tối tăm nó bao phủ.

Thai sanh: là bởi xúc động cảnh trần nên mới sanh lòng tà vậy,

Thấp sanh: là vừa dấy ác niệm, liền đọa vào tam đồ ([78]); cũng vì vậy mà mắc phải tham, sân, si.

Hóa sanh: là cả thảy phiền não vốn thiệt không căn, dấy lòng vọng tưởng, thì thoạt nhiên mà có.

Kinh Giáo Trung có nói: "Cả thảy chúng sanh, tánh vốn cụ túc, tùy nghiệp mà chịu quả: Tại cái nhân vô minhnên sanh trứng; tại phiền não bao trùm nên sanh con; tại tùy các loại ưa muốn dầm thấm, nên sanh chỗ ướt; tại hay khởi ra phiền não, nên sanh hóa.

Lại nói:nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt,nếu hồi quang soi lại, mà còn chỗ tham lậu, thì phải đọa vào bốn loài: thai, noãn, thấp, hóa.

Sắc, thinh, hương, vị, nếu hồi quang soi lại, mà không chỗ tham lậu thì chứng đặng bốn quả A La Hán.

Ông Phó Đại Sĩ có làm lời tụng:

Không sanh vừa khởi hỏi Phật cảm ứng phân bày.

Trước dạy trụ như thế, Sau khuyên tu cách này.

Noãn, thai cùng thấp, hóa Phương tiện động từ bi.

Bằng chấp mê tà kiến, Thì trụ tướng chẳng sai.

Hữu sắc: là kẻ phàm phu, lòng còn chấp có, vọng sanh phải quấy, chẳng tỏ cái lý "không tướng".

Vô sắc: là chấp trước cái tướng "không", chẳng tu phước huệ.

Hữu tưởng :là mắt thấy, tai nghe, liền sanh vọng tưởng, miệng thì nói hạnh Phật, mà lòng chẳng làm theo.

Vô tưởng: là ngồi thiền trừ vọng, cũng như cây đá, chẳng học đạo từ bi, trí huệ, phương tiện.

Phi hữu tưởng, như Kinh Giáo Trung nói: "Có không đều dứt, nói, nín thảy quên". Bằng có lòng chấp bỏ, ghét thương, thì chẳng tỏ lý Trung đạo.

Ông Lâm Tế Thiền sư có giải: Vào phàm, vào Thánh, vào nhiễm, vào tịnh, chốn chốn hiện ra các quốc độ, đều là các pháp tướng "không", vậy mới thiệt là thấy rõ lý chơn chánh. Bằng ai còn yêu Thánh, ghét phàm, thì hãy còn nổi chìm trong biển sanh tử.

Phi vô tưởng :là còn có lòng cầu lý.

19.-ÂM :

Ngã giai linh nhập Vô dư Niết bàn nhi diệt độ chi.

NGHĨA :

Ta đều khiến cho đặng rõ lý Vô dư Niết bàn (giải thoát) mà diệt độ.

Giải :Lý Văn Hội giải: Ngã : là Phật tự xưng, giai: là gồm,linh: là khiến, nhập: là tỏ thấu, Vô dư :là chơn thường vắng lặng.

Kinh Pháp Hoa có nói: "Phật sẽ vì trừ dứt, khiến thảy chẳng còn dư...".

Niết bàn :là lòng Bồ Tát không còn chấp bỏ, ví như mặt trăng tròn vo êm lặng. Còn chúng sanh bởi mê về pháp "Niết bàn không tướng", nên mắc phải cái thân sanh tử có tướng.

Diệt :là trừ dứt; độ: là hóa độ.

Lục Tổ giải: Như Lai chỉ rõ trong ba giới, chín cõi đều có sẵn cái lòng "huyền diệu Niết bàn"khiến cho tự mình tỏ ngộ lấy.

Vô Dư :là không còn cái tập khí ([79]) phiền não.

Niết bàn: viên mãn, thanh tịnh khiến cho dứt hết cả thảy tập khí chẳng sanh nữa, thì mới hạp với lý ấy.

Độ :là đưa qua biển lớn sanh tử.

Lòng Phật bình đẳng, nguyện cùng với cả thảy chúng sanh: đồng tỏ ngộ cái lý Vô tướng Niết bàn viên mãn thanh tịnh; đồng độ qua khỏi biển lớn sanh tử, đồng chứng quả với chư Phật.

Muôn sự phiền não sai biệt nhau, đều bởi lòng ô nhiễm, mới có thân hình vô số, đều gọi chung là chúng sanh. Cái lòng đại bi phổ hóa của Như Lai, đều khiến cho đặng rõ lý Vô dư Niết bàn mà diệt độ cả.

Trong Chứng Đạo Ca có nói: "Kẻ ngộ đồng lên nẻo Niết bàn".

Chú giải: Niết bàn :là chẳng sanh chẳng diệt. Niết: là chẳng sanh, bàn :là chẳng diệt, tức là nẻo "Vô sanh".

Ông Xung Ứng Chơn Nhơn, Châu Sử Khanh, lúc luận đàm cùng ông Bất Thác Hòa thượng, có chỉ khói nhang mà nói: "Muốn rõ Hữu dư Niết bàn của người học đạo, hãy coi tro trong lư thì biết. Còn muốn rõVô dư Niết bàn của người học đạo, hãy coi tro trong lư đã bay đi hết thì biết".

Vương Nhựt Hưu giải: Niết bàn: là Vô vi.

Kinh Lăng Già có nói: "Niết bàn là chỗ thanh tịnh, chẳng chết chẳng sống; cả thảy các bực tu hành đều nương về đó". Vậy thì, Niết bàn là chỗ để siêu thoát nẻo luân hồi, xa lìa đường sanh tử. Thiệt là chỗ rất nhiệm mầu, chớ chẳng phải gọi là chết. Người đời không rõ lý ấy, nên nhận lầm là chết, thiệt rất sai lầm.

Vô dư Niết bàn tức là Đại Niết bàn là nói ngoài Niết bàn này lại không còn chi dư nữa, cho nên nói: Vô dư Niết bàn.

Bài này nói chín loại chúng sanh, trong các thế giới của bài trước đã giải, đều hóa độ cho đặng làm Phật và chứng đặng Niết bàn cả.

20.-ÂM :

Như thị diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh, thiệt vô chúng sanh đắc diệt độ giả .

NGHĨA :

Diệt độ chúng sanh vô lượng vô số vô biên như vậy, nhưng thiệt chẳng có chúng sanh nào mà đặng diệt độ cả.

Giải :Vương Nhựt Hưu giải: Cả thảy chúng sanh đều bởi trong nghiệp duyên mà hiện ra.

Hễlàm nghiệp duyên người, thì sanh làm người.

Tu nghiệp duyên cõi Trời, thì sanh về cõi Trời.

Tạo nghiệp duyên súc sanh, thì sanh làm súc sanh.

Gây nghiệp duyên địa ngục, thì sanh ở địa ngục.

Chín loài chúng sanh, như bài trên đã nói, thì không chi là chẳng phải bởi nghiệp duyên mà sanh ra. Vốn thiệt không có chi gọi là chúng sanh cả, nên Bồ Tát phát tâm hóa độ cho, đều đặng thành Phật, đồng chứng Niết bàn, chớ thiệt không có một chúng sanh nào nhờ cái pháp Niết bàn cả.

Tăng Nhược Nột giải: Trong cái nghĩa bực nhứt ([80]) thì không có chúng sanh nào độ đặng, tức là tâm thường trụ.

Bằng thấy có độ đặng, tức là còn sanh diệt. Cũng bởi cả thảy chúng sanh, bổn lai ([81]) vốn là Phật; thì có chúng sanh đâu mà độ? Cho nên nói:

Chơn pháp giới bình đẳng,

Phật không độ chúng sanh.

Trần Hùng giải: Trong cái "tánh" đã sẵn có trí huệ Đại thừa, nhưng chúng sanh chẳng hay tự tỏ ngộ lấy.

Phật, thiệt mở đường tỏ ngộ cho chúng sanh vô lượng vô số vô biên; khiến cho những chúng sanh trong lòng còn các sự ngu si tà kiến, phiền não thảy đều diệt độ. Diệt độ rất nhiều như vậy, sao lại nói: Không có chúng sanh nào đặng diệt độ?

- Là bởi để về phần chúng sanh, tự tánh tự độ lấy, chớ Phật ta nào có công chi.

Trong kinh Bảo Đàn, Lục Tổ có nói: "Tự tánh tự độ, gọi là chơn độ".

Kinh Tịnh Danh có nói: "Cả thảy chúng sanh, bổn tánh sẵn diệt độ, chẳng cần phải diệt độ nữa".

Văn Thù Bồ Tát hỏi Phật: "Thế nào là thiệt không có chúng sanh nào đặng diệt độ?".

Đáp: "Tánh vốn thanh tịnh, chẳng sanh chẳng diệt, nên không có chúng sanh nào đặng diệt độ cả, cũng không có Niết bàn nào mà đến cả; đều để về phần chúng sanh tự tánh tự độ lấy mà thôi".

Kinh Hoa Nghiêm có nói:

Bằng ai muốn tỏ biết,

Cả thảy Phật ba đời,

Hồi quang tánh Pháp giới,

Gây việc bởi lòng người.

Bài kệ trong Tạo Hóa Nhơn Tâm có nói:

Nghiệp duyên bởi tại lòng.

Ảnh hưởng nào sai chạy.

Tạo hóa vốn không làm,

Quần sanh tự tạo lấy.

Lý Văn Hội giải: Vô lượng vô số vô biên chúng sanh :là khởi ra vô lượng vô số vô biên lòng phiền não.

Đắc diệt độ là đã tỏ ngộ, thì lòng không chấp bỏ, cả thảy phiền não đổi làm diệu dụng, cho nên nói: "Không có chúng sanh nào đặng diệt độ cả".

Kinh Bửu Tích có nói:

"Người khôn cùng khổ lạc.

Chẳng động tợ hư không".

Tiêu Diêu Ông giải: Thường hay xem xét tánh phiền não vốn không, việc đã qua rồi thì thôi, chớ nên lưu ý.

Lại nói: Tánh phiền não vốn không, chớ nên nghi ngại, phải coi như mộng huyễn, không cần chú ý. Dầu cho cái tình còn động, có khác nào cái tiếng dội kia, dội rồi liền dứt.

21.-ÂM :

Hà dĩ cố ? - Tu Bồ Đề! Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ Tát.

NGHĨA :

Bởi cớ sao ? - Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát mà có ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, thì chẳng phải là Bồ Tát .

Giải :Lục Tổ giải: Người tu hành cũng có bốn tướng.

1. - Lòng có năng sở, mà khinh dễ chúng sanh là ngã tướng.

2. - Ỷ mình là người giữ giới, khinh kẻ phá giới là nhơn tướng.

3. - Nhàm chán cái khổ của ba đường ([82]) muốn sanh về các cõi Trời là Chúng sanh tướng.

4. - Lòng muốn sống lâu mà cầu tu nghiệp phước, chấp pháp chẳng quên là thọ giả tướng.

Có bốn tướng ấy tức là chúng sanh; không bốn tướng ấy tức là Phật.

Tăng Nhược Nột giải: Ngã tướng :là bởi cái lục thức ([83]) của mình nối nhau chẳng dứt. Trong ấy lại chấp "có ta", hiểu như thế, là chấp theo bề trong, cho nên nói: "Ngã tướng".

Nhơn tướng: là ngoài cái cảnh lục đạo ([84]) kêu chung là người, các cảnh ấy mỗi thứ còn có chấp trước, phân biệt, hơn thua; có đây, có kia. Hiểu như thế là chấp theo bề ngoài, cho nên nói: "Nhơn tướng".

Chúng sanh tướng :là bởi cái tâm thức, trước hết nhờ tinh cha huyết mẹ, rồi tiếp theo có bốn ấm: Sắc, thọ, tưởng và hành hòa hiệp lại, cho nên nói: Chúng sanh tướng.

Thọ giả tướng: là kể cho mạng căn một đời của ta chẳng dứt, cho nên nói: "Thọ giả tướng".

Trần Hùng giải: Tham, sân, si, ái là bốn nghiệp dữ.

Thamthì hay vì việc "riêng của mình, ấy là có ngã tướng ".

Sân thì hay phân biệt người ta, ấy là có nhơn tướng.

Si thì ngang ngược, chẳng kỉnh nhường, ấy là chúng sanh tướng.

Ái thì trông mong cho đặng sống lâu, ấy là thọ giả tướng.

Như Lai chẳng chấp có độ chúng sanh, mà cho là có công. Rốt lại cũng chẳng có chi là "Sở đắc", là bởi đã dứt hết bốn tướng.

Kinh Viên Giác có nói: "Chưa trừ dứt bốn tướng, chẳng đặng quả Bồ đề".

Bồ Tát phát lòng cầu đạo Vô thượng Bồ đề, thọ giáo pháp "Không tướng" của Như Lai, há còn có bốn tướng sao? Nếu còn có một tướng nào, thì ắt dấy lòng chấp có độ chúng sanh, tức là kiến thức của chúng sanh, chớ chẳng phải là Bồ Tát. Bồ Tát cùng chúng sanh, tánh vốn chẳng khác; ngộ thì chúng sanh là Bồ Tát, thì Bồ Tát là chúng sanh; cũng bởi mê, ngộ bốn tướng ấy mà thôi.

Hà dĩ cố là lời biện luận. Phật e cho các Bồ Tát chẳng tỏ cái lý "không tướng của chơn không", vì vậy nên mới biện luận đến bốn tướng ấy.

(Trong phần thứ 17 và 25 cũng đều nói như vậy).

Nhan Bính giải: ([85]):Nhứt thế chúng sanh: Kinh Niết Bàn có nói: "Thấy đặng tánh Phật, chẳng gọi là chúng sanh, không thấy đặng tánh Phật, thì gọi là chúng sanh".

Ma ha: Đại, là Phật gọi ông Tu Bồ Đề cùng các bực Đại giác tánh.

Hoặc loài sanh trứng, sanh con, sanh chỗ ướt, sanh hóa, là loài xuẩn động hàm linh (bò, bay, máy, cựa) có hình sắc, không hình sắc, có tình tưởng, không tình tưởng, cho đến chẳng thuộc hai cảnh có không; chúng sanh hình thể tuy chẳng đồng, nhưng chơn tánh vốn không có khác.

Chín loài chúng sanh ấy, Phật đều khiến cho tỏ lý Vô dư Niết bàn mà diệt độ cả.

Niết bàn: Chẳng sanh gọi là Niết, chẳng tử gọi là bàn.

Trong kinh có nói:

"Như Lai chứng Niết bàn.

Bặt dứt đường sanh tử".

Diệt độ: diệt dứt cả thảy phiền não, độ qua khỏi biển khổ sanh tử.

Linh :là khiến, là Phật đều khiến cho tỏ ý Vô dư Niết bàn.

Vô dư: Bực La Hán, tuy chứng đặng Niết bàn, nhưng hãy còn dư thân trí, nên nói: Hữu dư Niết bàn. Đến bực không còn dư thân trí, mới gọi: Vô dư Niết bàn.

Thiệt vô chúng sanh đắc diệt độ giả là chúng sanh đã tỏ ngộ bổn tánh vắng lặng rồi, lại còn diệt độ cái gì nữa! Nếu như bổn tướng mà chưa đặng bấy giờ trừ dứt thì đâu phải là bực Bồ Tát giác tánh?!

(Chỗ này ông Nhan Bính có dẫn bài tụng của ông Phó Đại Sĩ, song đã có đăng nơi đệ thứ hai, đoạn Trường hàng số 18, nên không đem vào đây).

Lý Văn Hội giải: Ngã tướng :là ỷ mình có danh vị, quyền thế, giàu có và tài năng, ưa cầu thân cùng bực cao sang, mà khinh bỉ những người hèn dốt.

Nhơn tướng: là chấp lòng năng sở ; chấp lòng tri giải, chưa đặng nói đặng, chưa chứng nói chứng; ỷ mình giữ giới khinh kẻ phá giới.

Chúng sanh tướng: là có cái lòng hy vọng, hoặc nói chánh làm tà, miệng lành lòng dữ.

Thọ giả tướng: là trong lúc hiểu tợ hồ như "ngộ" nên đối cảnh sanh tình, chấp trước các tướng, mong cầu sự phước lợi.

Có bốn tướng ấy thì đồng với chúng sanh, chẳng phải là Bồ Tát.

Lâm Tế Thiền sư giải: Trong cái thân điền ([86]) ngũ uẩn có vị "Vô vị Chơn nhơn" ([87]), sộ sộ rõ ràng sao chẳng biết dùng? Ấy vậy mỗi giờ chớ cho hở dứt, thì trước mắt đều là đó (xúc mục giai thị).

Bởi tình sanh nên trí mới khác, vì vọng tướng nên thể mới riêng. Vậy nên phải luân hồi trong ba cõi, mà chịu các điều thống khổ.

Dám hỏi các người: "Trước mắt đều là đó, mà đó là cái chi?".

Mỗi mỗi non sông nào trở ngại.

Trùng trùng lầu các mặc kinh doanh.

Xuyên Thiền sư giải: Đội trời đạp đất, mũi thẳng mắt ngang.

Tụng:

Sờ sờ đạo cả,

Chói chói rõ ràng.

Người người sẵn đủ,

Kẻ kẻ hoàn toàn.

Bởi chưng sai một niệm,

Hiện tượng cả muôn ngàn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]