Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5: Bardo trạng thái mộng - Phần 2

26/06/201114:29(Xem: 4735)
Chương 5: Bardo trạng thái mộng - Phần 2

KHO TÀNG CÁC GIÁO HUẤN SIÊU VIỆT
Tác giả: Đại sư Orgyen Kusum Lingpa, Liên Hoa dịch -
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

PHẦN I: GIẢI THOÁT NHỜ LẮNG NGHE TRONG BARDO

CHƯƠNG 5: BARDO TRẠNG THÁI MỘNG - PHẦN 2

Bây giờ, ta sẽ tiếp tục với các giáo lý về Bardo Trạng thái Mộng và sự thực hành giấc mộng sáng suốt. Các giấc mộng là kết quả của những tập quán được đem đến từ thực tại khi thức. Cũng giống như con ngựa được dẫn dắt bởi một sợi dây cương. Bởi các tập quán từ thực tại khi thức của các bạn được đem vào trạng thái mộng, nên điều quan trọng là nhận ra chúng. Các bạn phải luôn luôn nhắc nhở tâm thức rằng mọi hiện tượng đều như một giấc mộng. Tất cả các pháp đều huyễn hóa. Bằng cách thực hành điều tôi đã giảng về sự nhận thức tánh Không cố hữu của các hiện tượng hiển nhiên và sự chuyển hóa thân bất tịnh huyễn hóa, các bạn có sự chuẩn bị hay tự chuẩn bị để tiến hành cùng loại thực hành này khi thực sự ở trong trạng thái mộng.

Khi các bạn chuẩn bị đi ngủ, các bạn cần khơi dậy tâm Bồ-đề. Việc này được thực hiện bằng cách suy nghĩ rằng tất cả chúng sinh đã từng là cha mẹ của bạn trong quá khứ, và sự thiết tha trong việc thực hành của các bạn là phải có được năng lực để giải thoát tất cả chúng sinh và an lập họ trong trạng thái toàn giác. Sau đó, hãy thực hiện một sự khẩn cầu giúp các bạn có thể thể nhập thiền định về sự tỉnh giác huyễn hóa trong trạng thái mông. Hãy nằm nghiêng về bên phải trong tư thế “sư tử ngủ” với bàn tay phải ở dưới đầu, hai đầu gối hơi co và cánh tay trái để dọc theo thân. Hãy cố gắng an trụ thật thư giãn trong một trạng thái tỉnh giác thuần tịnh. Rồi hãy quán tưởng vị Đạo Sư căn bản của các bạn ở trên đầu mình, hoặc trên gối của các bạn, và duy trì sự tỉnh giác về sự hiện diện của các bậc Đạo Sư. Hơn nữa, hãy quán tưởng bản thân các bạn là một hiện thân trí tuệ như Đức Văn-thù, Quán Thế Âm (Avalokiteśvara) hay đức Phật Di-lặc (Maitreya). Nếu các bạn gặp khó khăn trong việc tự quán tưởng mình là một Bổn Tôn thì hãy cố gắng phát triển sự tự hào của một bậc giác ngộ, một vị Phật hay Bồ Tát. Điều này sẽ đem xuống thêm các sự ban phước. Khi đã tự củng cố mình như một vị Phật, hãy khẩn cầu để có được một giấc mộng sáng suốt. Hãy cầu nguyện với vị Đạo Sư căn bản (bổn sư) ở trên gối hay ở trên đỉnh đầu các bạn và đọc những bài cầu nguyện này bảy lần.

Sau đó hãy quán tưởng Đức Padmasambhava ở trung tâm cổ họng của các bạn, có kích thước khoảng một đốt ngón tay cái, đang mỉm cười, chói ngời và trong sáng nhưng không có sự hiện hữu thực sự. Hãy cho phép tâm thức các bạn tập trung vào sự hiện diện của Đức Padmasambhava và khẩn cầu ngài để các bạn có được một giấc mộng sáng suốt. Trong khi khẩn cầu với sự tỉnh giác về sự hiện diện của vị Đạo Sư căn bản ở trên đầu và Đức Padmasambhava trong trung tâm cổ họng, các bạn hãy cố đi vào giấc ngủ.

Nếu các bạn không thể có được một giấc mộng sáng suốt, nghĩa là có khả năng nhận ra giấc mộng trong khi nó đang diễn ra, thì các bạn phải thức dậy và lặp lại tiến trình. Hãy kiên nhẫn trong việc này và lặp lại tiến trình của sự khơi dậy tâm Bồ-đề, làm vững chắc sự quán tưởng, đi vào một trạng thái sùng mộ và thực hiện các sự khẩn nguyện. Sau đó cố gắng đi vào giấc ngủ một lần nữa với sự tỉnh giác nhất tâm của sự thực hành và ý hướng của bạn.

Nếu làm như thế mà các bạn vẫn không thể có một giấc mơ sáng suốt thì các bạn có thể cần thêm thời gian trong thực tế khi thức để tự nhắc nhở mình rằng mọi sự xuất hiện đều như một giấc mộng, cũng giống hệt như giây phút này là một giấc mộng, để các bạn có thể đem sự tỉnh giác đó vào trạng thái mộng. Hãy tập trung một cách mạnh mẽ, lặp đi lặp lại, trên sự kiện rằng các sự xuất hiện trong thời gian ban ngày và thời gian trong mộng đều có cùng một bản chất. Chúng thật huyễn hóa. Rồi các bạn sẽ có một sự tỉnh giác nào đó trong trạng thái mộng, rằng thực sự các bạn đang nằm mộng, rằng đó là một ảo tưởng huyễn hóa.

Nếu các bạn thực hành theo cách này nhiều lần và nhận ra rằng bạn vẫn không thể có được một giấc mơ sáng suốt, các bạn nên giữ tư thế nằm “sư tử ngủ” và tự quán tưởng mình như một Bổn Tôn, có thể là Đức Vajrapani, Hayagriva Trưma Ngakmo hay Vajrayogini. Sau khi đã củng cố sự tự quán tưởng thì các bạn nên quán tưởng Đức Vajrasattva, có kích thước của một móng ngón tay cái ở trung tâm cổ họng. Hãy tập trung vào trái tim Đức Vajrasattva và thực hiện những sự cầu nguyện mạnh mẽ để có được một giấc mơ trong sáng và cố gắng đi vào giấc ngủ.

Nếu sau khi thực hành theo cách này một thời gian, các bạn vẫn thấy rằng không có được một giấc mơ sáng suốt, nghĩa là các bạn không đạt được bất kỳ kết quả nào, thì các bạn có thể tiến hành kỹ thuật kế tiếp là quán tưởng trong trung tâm cổ họng các bạn một hoa sen bốn cánh với các chữ sau đây ở trên đó. Ở trung tâm hoa sen, hãy quán tưởng một chữ OM màu trắng. Trên cánh phía trước chữ OM hãy quán tưởng chữ AH. Trên cánh bên phải, hãy quán tưởng chữ NU. Ở phía sau, quán tưởng chữ TA. Và ở bên trái, quán tưởng một chữ RA. Hãy bắt đầu sự thiền định này bằng cách tập trung trên chữ OM và sau đó khi bạn bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, hãy di chuyển tâm bạn tới chữ AH ở trước chữ OM, cho phép sự tập trung của các bạn an trụ ở đó. Khi các bạn tự cảm thấy mình buồn ngủ hơn nữa, hãy lập tức di chuyển sự chú tâm của các bạn tới chữ NU. Khi cảm giác về giấc ngủ trở nên nặng nề và mãnh liệt hơn, hãy cố gắng di chuyển tâm bạn tới chữ TA ở cánh phía sau. Sau đó, đúng vào lúc bạn bắt đầu ngủ, hãy di chuyển tâm tới chữ RA và cố gắng thực sự đi vào giấc ngủ bằng cách một lần nữa quay trở lại với chữ OM là tâm của Đức Vairocana. Hãy cố làm điều này để ngay trước khi ngủ thì điều sau cùng các bạn vẫn còn tỉnh giác được là chữ OM.

Năm chữ này, OM AH NU TA RA là các chữ của năm vị Phật thiền và các ngài có rất nhiều sự ban phước. Điều quan trọng là giữ sự tập trung nhất tâm để vọng tưởng không cắt đứt các giai đoạn của sự quán tưởng này và đi vào giấc ngủ trong cách thức đúng đắn đã được mô tả.

Bây giờ, nếu sau khi thực hành phương pháp này mà các bạn vẫn không thể có một giấc mơ sáng suốt, thì còn có một phương pháp cuối cùng. Sau khi thực hiện các sự khẩn cầu, các bạn hãy quán tưởng trong trung tâm cổ họng các bạn một bindu ánh sáng và tập trung tâm các bạn vào đó trong khi các bạn đi dần vào giấc ngủ với trạng thái tỉnh giác đó.

Đây là các phương pháp khác nhau mà các bạn có thể nỗ lực. Sau một tháng thực hành phương pháp này, chúng chuyển đổi lẫn nhau, các bạn cần nhận ra rằng có sự tiến bộ thực sự. Nếu sau khoảng một tháng mà các bạn vẫn không có một giấc mơ sáng suốt, thì có thể các bạn đang tiếp cận sự thực hành không đúng cách hoặc có lẽ samaya (hứa nguyện) của các bạn bất tịnh. Lúc đầu, khi các bạn sắp có một giấc mơ sáng suốt, nhiều giấc mơ sẽ xảy ra và chúng sẽ trở nên rất rõ ràng trong tâm các bạn, chính ngay trước khi kinh nghiệm về một giấc mơ sáng suốt mà những giấc mơ của các bạn tăng lên và trở nên rất sâu sắc. Một giấc mơ sáng suốt là một trạng thái mà các bạn có thể nhận thức rằng mình đang mơ ngay khi đang ở trong trạng thái mộng. Thật dễ dàng để làm điều này khi giấc mộng có tính chất gây khiếp sợ, nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều nếu giấc mộng là một phần đáng ao ước đối với kinh nghiệm của đời người. Nếu các bạn không thể có một giấc mơ sáng suốt thì các bạn cần cố gắng sửa chữa samaya (hứa nguyện) bị hư hại, tiến hành thêm các thực hành chuẩn bị tiên quyết, các kỹ thuật tịnh hóa, trì tụng thần chú một trăm âm cũng như kiên trì trong sự tích tập công đức và tịnh hóa nghiệp tiêu cực của mình, bởi vì các bạn cần tẩy trừ các chướng ngại đang ngăn cản các bạn trong việc đạt được giai đoạn này, là điều cần thiết để tiến hành giai đoạn kế tiếp của sự thực hành.

Một khi các bạn đã có một giấc mơ sáng suốt, giai đoạn kế tiếp là chuyển hóa kinh nghiệm về trạng thái mộng thành tịnh quang trong trạng thái mộng. Các bạn bắt đầu kỹ thuật theo cách có ít nhiều tương tự với cách mà các bạn đã làm với kỹ thuật để có một giấc mơ sáng suốt. Các bạn khơi dậy tâm Bồ-đề, nằm nghiêng trong tư thế “sư tử ngủ”, tự quán tưởng mình là Bổn Tôn và quán tưởng một vòng tròn ánh sáng trắng được đánh dấu với chữ HRIH trong trung tâm tim của các bạn. Rồi các bạn đi vào giấc ngủ trong khi tập trung vào điều này một cách nhất tâm. Khi các bạn đi vào giấc ngủ và thành công thì thay vì kinh nghiệm các hiện tượng của giấc mộng, kinh nghiệm về ánh sáng (hay ánh sáng chói, quang minh) sẽ xuất hiện. Kinh nghiệm về ánh sáng giống như ở trong một không gian xanh dương chói ngời có ít mây. Như thế là một lớp mây mỏng đang thu nhỏ lại vào màu xanh ngắt của không gian. Hay có thể bạn chỉ kinh nghiệm đang ở trong không gian mà không có bất kỳ tri giác về một sự vật nào.

Theo các truyền thống khác, khi ta đang đến gần kinh nghiệm tịnh quang, có thể có các dấu hiệu hay thị kiến như khói, một huyễn tượng, lửa cuồn cuộn, sương mù hay một không gian trong trẻo thanh tịnh. Các thị kiến này cũng có thể xuất hiện trong thực hành tsalung. Trong thực hành Dzogchen, mặc dù các dấu hiệu xảy ra và là những kinh nghiệm có giá trị trên con đường, chúng tuyệt nhiên không phải là kinh nghiệm Vajrasattva tịnh quang và cần phải gạt sang một bên. Theo truyền thống Dzogchen về sự tri giác tịnh quang, có thể có các dấu hiệu tốt nào đó như một giấc mơ kỳ diệu ngay trước kinh nghiệm về tịnh quang, hay có thể nghe âm thanh của một con rồng hay thấy mặt trời mọc. Sau cùng, tất cả những điều này chỉ là những kinh nghiệm trên con đường. Những sự xuất hiện này phát sinh từ chính không gian tịnh quang, nhưng ta nên cố gắng tập trung vào việc tri giác kinh nghiệm tịnh quang. Khi kinh nghiệm này xuất hiện, thân thể ta sẽ không còn nữa, thậm chí chỉ là trong tri giác của các bạn. Ta sẽ không tri giác điều gì khác hơn là tịnh quang. Trạng thái tri giác này giống như màu xanh ngắt của không gian nhưng lại không giống như việc chỉ kinh nghiệm không gian. Thân xác và không gian sẽ bất khả phân, chỉ đơn giản là một sự tỉnh giác về tánh Không như không gian hoàn toàn rộng mở, chói lọi và trong sáng. Nếu ta không nhận ra điều này thì ta không nhận ra ánh sáng căn bản.

Kinh nghiệm về ánh sáng căn bản giống như một đại dương xanh dương bao la. Ánh sáng căn bản là Pháp Thân Phổ Hiền. Thấu suốt trạng thái tỉnh giác đó là lên tới cấp bậc thứ mười ba của một bậc nắm giữ kim cương (Kim Cương Trì) và trên cấp bậc đó ta sẽ được giải thoát, ngay cả trước sự phô diễn của các Bổn Tôn từ hòa và phẫn nộ xuất hiện trong bardo. Nếu ta không được giải thoát trên cấp bậc đó, ta cũng có thể được giải thoát ngay khi sự phô diễn của các Bổn Tôn từ hòa bắt đầu xuất hiện trong Bardo Pháp tánh, khởi đầu với Đức Vajrasattva. Đối với các hành giả của tantra Kalachakra, vì đã quen thuộc với Vajra Heruka (Heruka Kim cương) ở phương Đông, nên khi Bổn Tôn xuất hiện, nếu họ đã nhận các giáo huấn về sự giải thoát nhờ lắng nghe thì sự nhận ra và giải thoát sẽ đồng thời. Tương tự như vậy, các hành giả của Yamantaka sẽ được giải thoát khi Bổn Tôn xuất hiện từ phương Nam. Những người quen thuộc với Đức Phật Heruka ở trung ương, Hayagriva ở phương Tây, và Vajrakilaya ở phương bắc sẽ có khả năng được giải thoát khi vị Bổn Tôn bảo trợ của họ hiển lộ và họ nhận ra bản tánh của sự hiển lộ đó. Khi ấy các hành giả của Vajrakilaya sẽ được giải thoát trong cõi thuần tịnh của Đức Phật Amoghasiddhi (Bất Không Thành Tựu). Những người đã từng thực hành sự hiển lộ về thân của giác tánh giác ngộ, Đức Manjushri (Văn-thù), sẽ được giải thoát một cách tương ứng. Những người thực hành Ratnasambhava Heruka (Heruka Bảo Sinh) sẽ được giải thoát trong cõi thuần tịnh của sự Vinh quang Hiển lộ của Đức Phật Ratnasambhava (Bảo Sinh).

Trong bất cứ trường hợp nào, nếu ta không nhận ra ánh sáng căn bản thì ta sẽ tiếp tục kinh nghiệm sự phô diễn của các Bổn Tôn từ hòa và phẫn nộ trong Bardo Pháp tánh. Nếu ta đã từng thực hành trong đời và đã có những ấn tượng nghiệp mạnh mẽ đó, thì khi những Bổn Tôn và Heruka này xuất hiện trong Bardo Pháp tánh, ta sẽ nhận ra và được giải thoát ở cấp bậc thứ mười ba của một vị Kim Cương Trì. Nếu không, ta sẽ đi xa hơn nữa trong bardo và kinh nghiệm đang ở trong hai mươi hai nơi đầy năng lực và ba mươi hai chốn linh thánh, ở đó các vị Phật hóa thân an trụ. Ta sẽ thực sự kinh nghiệm đang ở trong Núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ của Đức Padmasambhava, các cõi thanh tịnh của Đức Tara hay Đức Quán Thế Âm, và sẽ có thể đạt được giải thoát trong Bardo Trở thành, đó là giải thoát như một Hóa Thân. Nếu không có điều nào trong những sự xuất hiện này được nhận ra thì ta sẽ tiếp tục luân hồi trong ba cõi sinh tử, nhận lấy vô số tái sinh trong một trạng thái hoang mang. Đó là điều các bạn từng làm từ vô thủy đến nay. Thật đáng kinh sợ biết bao!

Việc nhận lãnh các giáo lý về giai đoạn thành tựu sáu bardo là rất quan trọng. Không có gì tốt hơn, vì giáo lý này giải thoát các bạn khỏi vòng sinh tử. Chánh Pháp phải làm lợi lạc cho các bạn vào lúc chết. Nếu thật sự làm lợi lạc thì đó mới là pháp hoàn hảo, và nếu không làm lợi lạc cho các bạn vào lúc chết thì đó là pháp không tốt đẹp.

Giáo Pháp của Mật thừa là con đường nhanh nhất để giải thoát trong bardo, vì ta quá quen thuộc với các Bổn Tôn và nhận ra khi các ngài xuất hiện. Tùy theo các khuynh hướng quen thuộc của ta, các ngài sẽ xuất hiện tràn đầy năng lực. Vajra Heruka là một hiển lộ phẫn nộ của Đức Vajrasattva, nhưng cả hai chỉ là một. Những người thực hành phái Tân dịch sẽ nhận biết Vajrasattva trong hình tướng từ hòa hay phẫn nộ, dù họ là hành giả của Kalachakra, Chakrasamvara, Guhyasamaya hay Hevajra. Suốt trong bốn tantra lớn, hiển lộ từ hòa của Vajrasattva chiếm ưu thế. Vì thế, các hành giả của tất cả các tantra này sẽ rất quen thuộc với hiển lộ từ hòa. Không có gì khác biệt giữa Đức Vajrasattva của phái Cựu dịch và của phái Tân dịch. Họ sẽ nhìn Vajrasattva phù hợp với khả năng của riêng họ. Những người đã thực hành những Bổn Tôn này sẽ nhìn thấy các ngài khi các ngài xuất hiện trong bardo, sẽ nhận ra các ngài và được giải thoát. Bất luận Đức Vajrasattva được thực hành như thế nào trong bất cứ dòng truyền thừa đặc biệt nào, bản chất của ngài vẫn thế. Vajrasattva là hiện thể hiển lộ của trí tuệ nguyên thủy như gương (Đại viên cảnh trí). Ngài là Akshobhya và xuất hiện như Akshobhya hay Vajrasattva như một hiển lộ của trí tuệ như gương. Nếu ta đã từng thực hành Yamantaka, sự hiển lộ của sắc tướng giác ngộ – là Đức Manjushri (Văn-thù) – thì ta sẽ gặp được Đức Phật Vairocana trong bardo và được giải thoát. Điều này tương ứng với sự tịnh hóa mê lầm (si). Trong thực tế, Đức Manjushri thuộc về tầng cấp thân giác ngộ, trong khi Đức Avalokiteshvara thuộc về tầng cấp ngữ giác ngộ là sự tịnh hóa tham muốn. Đức Vajrasattva thuộc tầng cấp tâm giác ngộ là sự tịnh hóa sân hận. Bất kỳ Bổn Tôn nào trong các Bổn Tôn thuộc về tầng cấp hoạt động giác ngộ, chẳng hạn như Vajrakilaya tương ứng với sự tịnh hóa ganh tị như tất cả các Bổn Tôn Tara đã làm. Các ngài là hiện thân của sự tịnh hóa chất độc ganh tị. Đức Phật Ratnasambhava là hiện thân của sự tịnh hóa kiêu ngạo.

Về các yếu tố (đại), tham tương ứng với lửa; sân tương ứng với nước; si tương ứng với đất; kiêu ngạo tương ứng với các hình thành của đất, chẳng hạn như núi non; ganh tị tương ứng với gió. Khi thảo luận về mối tương quan giữa các yếu tố (đại) và các cảm xúc, điều này không có nghĩa là bằng cách thành tựu Bổn Tôn nào đó các bạn sắp trở nên được nối kết với một độc hay yếu tố (đại) đặc biệt, mà nó có nghĩa rằng Bổn Tôn đó là sự biểu lộ được tịnh hóa của khuynh hướng đó, tồn tại trong các bạn rất lâu khi các bạn ở trong vòng sinh tử. Sự giải thích này về mối tương quan giữa các đại, vô minh và những phẩm tính của giác tánh trí tuệ, những mô tả là đồng nhất cho cả phái Cựu dịch lẫn Tân dịch.

Trong phái cựu dịch, giai đoạn thành tựu của anu yoga bao gồm sự thực hành về sự hợp nhất đại lạc và tánh Không bằng cách khám phá bốn hỉ lạc, nhưng sự khám phá này vẫn còn là một kinh nghiệm về tịnh quang được minh họa. Nó là sự hiển lộ của kinh nghiệm trí tuệ nguyên thủy như bốn hỉ lạc và vẫn còn là sự minh họa. Trong khi các bạn ở trên con đường thì kinh nghiệm tượng trưng cho kinh nghiệm tuyệt đối chỉ xảy ra vào lúc kết quả. Đây là sự hiển lộ của trí tuệ nguyên thủy tuyệt đối được liên kết với kinh nghiệm tối hậu về tịnh quang hay tịnh quang tuyệt đối như đối nghịch với tịnh quang minh họa, giống như một đứa trẻ với một mô hình (bản sao) về một cái tháp (stupa) và sau đó là cái tháp thực sự. Sự minh họa chỉ giống như mô hình, trong khi sự vật thực sự thì tuyệt đối.

Nếu các bạn có thể nghỉ ngơi trong tỉnh giác nội tại và muốn chuyển hóa nó thành kinh nghiệm về ánh sáng trong trạng thái mộng, các bạn hãy giữ tư thế sư tử nằm như đã giảng trước đây. Rồi các bạn cố đi vào giấc ngủ trong một trạng thái tỉnh giác khi mà ánh sáng và tánh Không được hợp nhất, cho phép tỉnh giác nội tại trong trạng thái của tánh Không chói sáng đó được tập trung trong trái tim. Các bạn sẽ cố gắng thình lình đi vào giấc ngủ mà không mất tỉnh giác về sự trong sáng và tánh Không.

Trong bản văn có dạy rằng, những ai có thể rơi vào ánh sáng thay vì ngủ sẽ không có các hiện tượng mộng, bởi vì giấc mộng chỉ là sự xuất hiện của các tập khí. Thay vào đó họ sẽ kinh nghiệm sự tương tục của trạng thái định quân bình trong giác tánh nội tại.

Có những giai đoạn tan rã xảy ra khi các bạn rơi vào giấc ngủ, và đây cũng là giai đoạn tan rã tương tự xảy ra vào lúc chết. Nếu các bạn có thể nhận ra tịnh quang này thì nó cũng sẽ là kinh nghiệm các bạn có vào lúc chết. Tuy nhiên, kinh nghiệm tịnh quang sẽ không có giai đoạn tan rã. Nó giống như trường hợp một đứa trẻ nhận ra mẹ và nhảy vào lòng bà. Ánh sáng con, là cái được minh họa, là sự tu tập mà ta đã trải qua trong tiến trình của cuộc đời. Khi ánh sáng căn bản ló rạng vào lúc chết thì ánh sáng con sẽ hợp nhất với ánh sáng căn bản và sự giải thoát xảy ra. Để đạt được sự giải thoát vào lúc chết, các bạn nương nhờ vào các thực hành đã thực hiện trong Bardo Đời Này, gặp gỡ giác tánh nội tại, và trong Bardo Trạng thái Mộng.

Về những giai đoạn tan rã này, chúng đến vào lúc chết và trong khi các bạn ngủ. Trước tiên, địa đại tan vào thủy đại và lúc đó bạn sẽ cảm thấy một cảm giác nóng ấm nơi trung tâm trán. Việc duy trì sự trong sáng trống không là rất cần thiết. Trong giai đoạn tan rã kế tiếp, thủy đại tan vào hỏa đại, lúc đó rất cần duy trì sự trong sáng trống không và tỉnh giác về sự quân bình thiền định. Ví dụ như, các bạn nên cố giữ sự trong sáng chói ngời của tâm giống như chăm chú vào ngọn đèn bơ chiếu sáng căn phòng tối. Nếu các bạn có khuynh hướng đánh mất sự tỉnh giác thì hãy tăng cường sự tập trung vào tỉnh giác nội tại hơn trước. Sau đó hỏa đại tan vào phong đại và lúc này rất cần duy trì sự tu tập trong quân bình thiền định, để cuối cùng ngay khi các bạn rơi vào giấc ngủ thì phong đại tan vào thức.

Nếu các bạn có thể ở trong trạng thái trong sáng trống không ngay khi phong đại tan vào thức, đúng lúc rơi vào giấc ngủ, thì không còn nghi ngờ gì nữa, kinh nghiệm tịnh quang sẽ ló rạng. Sự chiếu sáng sẽ ló rạng thay vì trạng thái của giấc ngủ thông thường đặt nền tảng trên sự mê lầm (si). Sẽ không có Bardo giấc mộng vào lúc này. Nó sẽ trở thành kinh nghiệm về ánh sáng, hoàn toàn trong sáng và trống không, cũng như sự buông xả không nắm giữ điều gì ngoài sự nhận biết đơn thuần của việc thấy nó đúng như nó là và an trụ ở đó. Điều này tương ứng với Bardo Vào lúc Chết khi ánh sáng được minh họa trở thành ánh sáng căn bản và ta có thể đạt được giải thoát.

Các bạn nên tự quen thuộc với các giai đoạn tan rã này, bởi khi mỗi đại tan rã vào đại kế tiếp, kinh nghiệm sẽ mạnh mẽ hơn. Nếu chưa từng có sự tu tập thì điều này chỉ đưa bạn tới một trạng thái ngủ sâu hơn nữa. Nhưng nếu đã có tu tập, điều này sẽ dẫn các bạn đến gần ánh sáng căn bản hơn. Nếu nhờ năng lực của cái thấy và sự thiền định mà các bạn có thể duy trì sự trong sáng trong tâm vào lúc đó, giống như ngọn đèn bơ được thắp lên trong căn nhà tối, kinh nghiệm về ánh sáng sẽ xuất hiện. Các bạn sẽ có thể tan vào ánh sáng đó, nó là bản tánh căn bản của tâm. Các bạn sẽ thành công trong việc tan hòa vào kinh nghiệm ánh sáng căn bản, kinh nghiệm tịnh quang trong khi các bạn ngủ, hay tan hòa vào ánh sáng căn bản lúc chết.

Vì cái chết xảy ra cho tất cả chúng sinh trong ba cõi nên sự tu tập theo cách này rất quan trọng. Khuynh hướng mạnh mẽ nhất vào lúc chết sẽ là tin tưởng rằng các bạn thực sự hiện hữu và bám chấp vào cái biết đó. Không có sự tu tập trong bản tánh huyễn hóa của các hình tướng xuất hiện, không tự mình quen thuộc với ánh sáng, thì cho dù các bạn là một học giả rất uyên thâm hay một yogi kỳ dị với mái tóc dài, các bộ y phục trắng, một cái bùa bằng bạc cột trong tóc trên đỉnh đầu, các khoen tai bằng vỏ ốc và mọi thứ đồ trang sức... các bạn vẫn thất bại vào giây phút quan trọng này. Sự thực hành thực sự của các bạn sẽ (cho kết quả) rõ ràng vào lúc bạn chết. Nếu các bạn chưa từng thành tựu cái thấy (kiến) thì các bạn sẽ chết như một người bình thường thay vì như một hành giả tu tập Pháp. Là một hành giả, điều quan trọng là chuẩn bị cái chết để không dễ dàng bị lạc lối ở đó với ác hạnh, quằn quại một cách bất lực, muốn hoàn tất công việc hơn nữa và nhận ra rằng đã quá muộn. Các bạn đừng cố gắng hành xử như các Đại thành tựu giả vĩ đại trong quá khứ hoặc làm ra vẻ như mình là một hành giả Kim Cương thừa vĩ đại. Sự trắc nghiệm cuối cùng xảy ra vào lúc chết, và nếu không có chút thành tựu nào thì các bạn sẽ chết theo cách thông thường. Tất cả các hành giả ở mọi cấp bậc, dù họ là các nhà sư, yogi hay hành giả cư sĩ, đều phải chuẩn bị cho giây phút này. Cách thức chuẩn bị là chứng ngộ cái thấy và sự thiền định.

Đây là Giáo Pháp sâu xa nhất mà các bạn sẽ luôn luôn tiếp xúc. Vấn đề duy nhất là, mặc dù các bạn đã tiếp xúc với nó, các bạn vẫn khó làm những hành giả, ngay cả của Tiểu thừa. Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao tôi xử sự với các bạn như thể các bạn có nghiệp của các hành giả vĩ đại thuộc Đại thừa hay Dzogchen Kim Cương thừa, mặc dù tâm thức các bạn bị giới hạn trong các trạng thái tỉnh giác thấp kém. Một yogi đích thực có cái nhìn linh thánh, và thực sự nhìn thấy thế giới bên ngoài như một cõi thanh tịnh, tất cả chúng sinh là các Bổn Tôn nam và nữ, và nghe mọi âm thanh như bản tánh của mantra. Vì nam hay nữ ấy an trụ trong trạng thái Kim cương ba nhánh của giác tánh như sự nô đùa của sự sống, vượt lên những biên cương của thiền định, không thiền định và hậu thiền định. Ngày nay hầu hết các hành giả Kim Cương thừa tự cho mình là anh hùng với nhiều vũ khí, nhưng khi trận chiến thực sự xảy ra họ đánh rơi vũ khí và chạy trốn. Những anh hùng đích thực không có vũ khí. Cũng vậy, nhiều hành giả tồi mặc những y phục kỳ dị và sử dụng năm điều đáng ao ước, nhưng họ không có bất cứ cái thấy (kiến) nào. Các yogi giỏi không cần đến bất kỳ thứ gì trong những loại đó, nhưng họ thường không được nhận biết. Ngày nay bất kỳ các bạn đi đâu, dù ở Tây Tạng, Ấn Độ hay bất cứ nơi nào, các bạn đều thấy rõ vấn đề này. Ai cũng muốn giáo lý Dzogchen và tự cho là mình đang thực hành ở mức độ cao nhất. Tuy thế, khi thực sự khảo sát thì thậm chí có rất ít người gần đến mức để được xem là các hành giả Dzogchen, ít người có thể thực sự được xem là đi theo gót chân của các Đại thành tựu giả vĩ đại trong quá khứ.

Giáo pháp thật sâu xa, nhưng các hành giả vẫn đổ lỗi cho Pháp đối với những thiếu sót của riêng họ. Có những người sinh ra đời là người xấu, và họ đổ lỗi cho Pháp đối với mọi vấn đề của họ, trong khi tự cho mình là tốt đẹp nhưng thực tế không phải thế. Các bạn chớ bao giờ đổ lỗi cho Pháp. Pháp là tuyệt hảo trong mọi dòng truyền thừa. Các bạn phải thấy được lỗi lầm của chính mình và nỗ lực sửa đổi, để khi về già thì các bạn có thể như một con chim bay thẳng đến giải thoát mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Rồi các bạn sẽ chiến thắng những bardo và đạt được giải thoát.

Vào cuối giai đoạn tan rã của các đại, phong đại tan vào thức và thức tan vào tịnh quang. Nếu sự vô minh ngăn che ánh sáng chói ngời thì ta sẽ rơi vào giấc ngủ, bị say bởi giấc ngủ giống như ta say rượu. Nếu không thế, ta sẽ thực hiện sự tỉnh giác về ánh sáng chói ngời, sự thành tựu tuyệt đối với tất cả sáu trạng thái bardo.

Bây giờ, những phương pháp cuối cùng để thành tựu sự tỉnh giác tịnh quang trong trạng thái mộng là giữ tư thế sư tử ngủ, quán tưởng trong trung tâm tim của các bạn một hoa sen bốn cánh, ở giữa bông hoa là Đạo Sư căn bản của các bạn xuất hiện và là một, không thể phân ly với Đức Padmasambhava. Thân ngài có kích thước của một đốt ngón tay cái và ngài trong sáng chói ngời và mờ. Hãy để bản thân các bạn tập trung vào sự hiện diện của ngài trong trung tâm tim của bạn và nếu các bạn mất sự tỉnh giác thì đem nó trở lại và duy trì sự tập trung. Sau đó, hãy tưởng tượng rằng ánh sáng từ thân Đức Padmasambhava đi vào các bạn và thân các bạn tan ra thành ánh sáng. Rồi ánh sáng phát ra thâm nhập ba cõi sinh tử. Vũ trụ tan ra thành ánh sáng, hòa tan vào tất cả chúng sinh. Tất cả chúng sinh tan thành ánh sáng và hòa tan vào các bạn. Bản tánh của bạn là Đức Padmasambhava ngồi trong trái tim bạn và các ý niệm còn sót lại của bản ngã hòa tan vào Đức Padmasambhava. Rồi hãy tưởng tượng rằng các bạn và tất cả chúng sinh được giác ngộ trong giác tánh của thân, ngữ, và tâm của Đức Padmasambhava.

Khi tâm thức các bạn hợp nhất với Đức Padma-sambhava thì thay vì một kinh nghiệm về giấc ngủ hôn trầm, đó sẽ là một kinh nghiệm về sự trong sáng và thấu thị. Trước hết các bạn sẽ kinh nghiệm thấy vào thân thể của chính mình và sau đó nhìn thấy mọi sự đang diễn tiến quanh mình một cách rõ ràng. Các bạn có thể đi vòng quanh núi Tu-di và bốn châu lục. Các bạn sẽ thấy chúng sinh trong các cõi sống. Thậm chí các bạn sẽ có thể thấy một tên trộm lẻn vào nhà trong khi các bạn đang ngủ ở đó. Các bạn sẽ thấy mọi tình huống xảy ra trong khi các bạn ở trong kinh nghiệm về ánh sáng chói này, thay vì ở trong trạng thái mộng. Đây không phải là sự giác ngộ, mà chỉ là một giai đoạn trên con đường.

Khi phong địa tan vào thức, trong trường hợp của một hành giả chân thực thì kinh nghiệm đó trở thành ánh sáng chói. Còn với người không có sự tu tập, thức bị che chướng bởi vô minh. Điều này hoàn toàn giống như khi đang say rượu và không thể nhận ra sự tỉnh giác nội tại. Chúng ta tiến hành các thực hành này, chúng được liên kết với sáu bardo để thể nhập Phật tánh, đó là giải thoát khỏi mọi dấu vết của mê lầm.

Phương pháp khác mà các bạn có thể sử dụng là tự quán tưởng mình là Bổn Tôn.Ở giữa thân các bạn, hãy quán tưởng kinh mạch năng lực trung ương, avadhuti, thật chói sáng và trong suốt như một cái nhau phồng lên và không có bất kỳ sự hiện hữu bẩm sinh chân thực nào. Kinh mạch kéo dài từ lỗ mở ở đỉnh đầu xuống tới điểm ngay dưới rốn. Sau đó, ở ngang trung tâm trái tim, hãy quán tưởng một bindu ánh sáng trắng với sắc hơi đỏ, nổi lên, rung động, lung linh, sẵn sàng tự nhiên đi lên và ra khỏi đỉnh đầu. Khi các bạn tập trung vào bindu ánh sáng này, các bạn phải ở trong một trạng thái tỉnh giác nội tại, trong sáng trống không, và sau đó cố gắng đi vào giấc ngủ.

Nếu các bạn không thể kinh nghiệm ánh sáng sau khi đi vào giấc ngủ theo cách này, thì thật lý tưởng nếu có một người bạn ở đó để đánh thức bạn khi bạn bị cuốn vào giấc ngủ vào một lúc nào đó. Họ sẽ đánh thức các bạn để xem các bạn có rơi vào kinh nghiệm về ánh sáng hay không. Các bạn không cần tiếp tục ngủ trong một thời gian dài, các bạn có thể thức để xem các bạn có kinh nghiệm ánh sáng hay không và sau đó các bạn có cơ hội để tiến hành sự thực hành một lần nữa để thể nhập kinh nghiệm ánh sáng. Đây là phương cách khác để tập nhận ra ánh sáng vào lúc chết.

Khi các bạn thực hành, thì sau cùng các bạn cần đạt tới mức độ không còn bất kỳ sự phân biệt nào giữa thực tại lúc thức và trạng thái mộng hay kinh nghiệm tịnh quang. Chúng trở thành một dòng tương tục của giác tánh nội tại. Khi các bạn thành tựu kinh nghiệm về ánh sáng này, an trụ trong giác tánh nội tại, các khả năng thấu thị mà các bạn phát triển sẽ hết sức đáng ngạc nhiên. Các bạn sẽ có thể viếng thăm chúng sinh ở những cõi hiện hữu khác. Các bạn sẽ biết ai trong những thân quyến của các bạn đã tái sinh ở đó, vì thế các bạn có thể tạo mối liên hệ về nghiệp tốt đẹp hơn đối với họ trong tương lai, bởi các bạn biết rõ điều gì xảy ra cho họ. Các bạn sẽ có thể nhìn thấy những chúng sinh mà các bạn có những cộng nghiệp đặc biệt với họ. Đây là điều cực kỳ ích lợi trong phạm vi làm lợi lạc chúng sinh. Nếu các bạn trở thành một hành giả tốt ở cấp độ này thì các bạn có thể tự coi mình như một yogi Dzogchen hạng thứ (so với hạng trưởng).

Sau khi các bạn đã hoàn thiện sự thực hành về ánh sáng chói lọi này, các bạn sẽ nhìn mọi hiện tượng hiện hữu với tri giác thanh tịnh. Các bạn sẽ có thể thấy được những năng lực nam mãnh liệt như Samatabhadra (Đức Phật Phổ Hiền) và những năng lực nữ mãnh liệt như Samantabhadri (phối ngẫu của Đức Phổ Hiền). Vào lúc đó, các bạn có thể tự coi mình như một yogi Dzogchen có hạng. Sẽ không còn bất kỳ sự phân biệt nào giữa tốt và xấu. Dù sao đi nữa, điều này kết thúc sự truyền dạy về Bardo Giấc mộng, bao gồm giai đoạn thành tựu ánh sáng chói lọi (quang minh).

Điều đó sẽ kết thúc giáo lý vào tối hôm nay. Tôi cảm thấy muốn về nhà và đi ngủ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]