Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Phần Tựa

26/06/201103:38(Xem: 7643)
2. Phần Tựa

KINH DI GIÁO
Thích Hoàn Quan Việt dịch
Trung tâm Phật giáo Hayward xuất bản 1994

PHẦN TỰA

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước hết chuyển pháp luân độ anh em ông A Nhã Kiều Trần Như; cuối cùng thuyết pháp độ ông Tu Bạt Đà La. Những người đủ duyên được độ đều đã độ hết, ở trong rừng Ta La Song Thọ, Phật sắp nhập Niết Bàn, khi ấy giữa đêm thanh vắng không một tiếng động, ngài vì các đệ tử lược thuyết pháp yếu.

GIẢNG NGHĨA

Chuyển pháp luân: Lăn bánh xe pháp. Giáo pháp của đức Phật gọi là Pháp Luân. Luân là chỉ cho xe báu của Chuyển luân Thánh vương, gồm có hai nghĩa: đi khắp và dẹp trừ, nghĩa là xe của vua Chuyển Luân đi khắp trong bốn châu thiên hạ, dẹp trừ những bọn oán địch. Cũng thế, giáo pháp của đức Phật đi khắp trong các cõi chúng sanh và dẹp trừ bọn giặc phiền não, nên "Giáo pháp" dụ cho bánh xe; còn "Chuyển" (lăn) là dụ cho việc nói giáo pháp. Nói tóm, chuyển pháp luân là chuyển vận giáo pháp nơi tự tâm mình vào tâm của kẻ khác y như chuyển bánh xe từ chỗ này đến chỗ khác.

Niết Bàn (Nirvana): Có chỗ gọi là nê hoàn, nê bạn hay Niết bàn na, các nhà dịch có nhiều nghĩa khác nhau: Diệt, Diệt độ, Diệt tịch, Bất sanh, Vô vi, An lạc, Giải thoát... Niết bàn còn một tên khác là Ba Lị Nật Phược Nẫm (Parinirvàna) dịch là Viên tịch, đầy đủ phước trí, hoàn toàn vắng lặng sạch tất cả các thứ phiền não trần lao. Niết bàn có bốn thứ khác nhau:

1. Bản lai tự tánh thanh tịnh Niết bàn: Mặc dù chúng ta bị khách trần phiền não mà tự tánh vẫn thường thanh tịnh, rỗng rang như hư không, xa lìa các tướng phân biệt, bặt sự nói năng, dứt đường suy nghĩ. Cái tánh ấy xưa nay vẫn thường vắng lặng (Niết Bàn này thuộc về phàm phu).

2. Hữu dư y Niết bàn: Hàng Nhị thừa do đoạn hết được phiền não chướng (sự ngăn ngại do phiền não gây ra) mà hiển ra Chân như. Hữu dư y là còn nương nơi thân hữu lậu. Nghĩa là đối với các phiền não đã đoạn hết mà vẫn còn thân hữu lậu, mặc dù còn thân hữu lậu nhưng các chướng phiền não đã vắng bặt.

3. Vô dư ý Niết bàn: Hàng Nhị thừa đã đoạn được phiền não chướng và cũng đã đoạn được báo thân hữu lậu rồi. Nghĩa là chân như sau khi ra khỏi sanh tử mà được hiển bày.

4. Vô trụ xứ Niết bàn: Chân như do đoạn sở tri chướng (sự ngăn ngại chơn trí do hiểu biết gây ra) mà được hiển bày. Đây là Niết Bàn của chư Phật. Hàng Nhị thừa vì chưa đoạn được sở tri chướng nên chẳng hiểu được lẽ "sanh tử chẳng khác Niết Bàn". Do đó họ còn chấp có sanh tử đáng chán, Niết Bàn đáng ưa; còn chư Phật đã đoạn sở tri chướng được chân trí bồ đề, nên không còn thấy sanh tử và Niết Bàn khác nhau. Nghĩa là chư Phật đầy đủ trí huệ nên không ở trong sanh tử, nhưng vì lòng đại bi, nên cũng không trụ Niết Bàn; không sanh diệt mà thị nhập sanh diệt để hóa độ chúng sanh.

A Nhã Kiều Trần Như (Ajnata Kaundinya): A Nhã là tên, dịch nghĩa là Giải (hiểu biết), cũng dịch là Vô Tri (không có điều nào là không biết). Trần Như là họ, dịch là Hỏa Khí.

Khi Phật mới thành đạo, liền đi thẳng đến vườn Lộc Giả nói pháp tứ đế độ năm anh em ông Kiều Trần Như, trong số đó ông Kiều Trần Như hiểu được lý "Vô Tri Diệu Trí" trước nhất nên được gọi là A Nhã.

Tu Bạt Đà La (Subhadra): Dịch là Hảo Hiền, ông là người đệ tử cuối cùng của Phật. Khi ông quy y Phật thì đã 120 tuổi rồi.

Nguyên trước kia ông là người ngoại đạo, khi nghe Phật sắp nhập Niết Bàn, ông hối hả đến chỗ Phật xin vào yết kiến và cầu pháp. Ông xin gặp Phật hai ba phen nhưng ngài A Nan sợ ông khuấy rầy Phật nên chẳng chịu cho ông vào. Hai bên tranh chấp giằng co, Phật nghe thấy mới kêu cho vào và nói pháp Bát Chánh Đạo cho ông nghe. Nghe xong, ông Tu Bạt Đà La chứng được sơ quả.

ĐẠI Ý

Đây là lời dẫn khởi thuộc về phần Tựa của bộ kinh Di Giáo. Đoạn nầy cũng có thể thay cho sáu món Thành Tựu. Sáu món Thành Tựu là:

1. Pháp sư thành tựu.
2. Pháp môn thành tựu.
3. Đệ tử thành tựu.
4. Đại tổng tướng thành tựu.
5. Nhân quả tự tướng thành tựu.
6. Phân biệt tổng tướng thành tựu.

Đại phàm đoạn mở đầu của các bộ kinh đều nói đến sáu món thành tựu, nhưng riêng sáu món thành tựu của bộ kinh Di Giáo nầy không đồng với các bộ kinh khác. Các bộ kinh khác thường mở đầu bằng câu "Pháp này tôi, nghe, một thuở nọ...". Kinh này thì không thế, câu mở đầu lại là "Phật Thích Ca Mâu Ni ..."

Năm chữ "Phật Thích Ca Mâu Ni" là nói Pháp sư thành tựu. Thích Ca là họ của Phật. Trung hoa dịch là Năng Nhân, có nghĩa là Tài năng và Đức hạnh. Nguyên nhân Phật lấy họ Thích Ca là vì trong dòng dõi của ngài, ở các trào vua trước, ra đời đều là những vị vua thông minh, nhân từ nên về sau đổi ra họ Thích Ca, có ý ca ngợi tài trí thông minh của dòng dõi.

Mâu Ni là danh xưng của đức Phật. Trung hoa dịch là Tịch Mặc. Trước kia đức Phật tên là Tất Đạt Đa (Siddhàratha) chính âm là Tát Ba Kiệt Thích Tha Tất Đà (Savrãthásiddha), nhưng về sau do sự tôn trọng, khen ngợi ngài, vì ngài ở trong cảnh vắng lặng mà thành tựu được trí huệ phi thường, không giờ khắc nào không ở trong đại định, nên gọi là Mâu Ni.

Trong câu "trước hết, chuyển Pháp luân độ anh em ông A Nhã Kiều Trần Như; cuối cùng, thuyết pháp độ ông Tu Bạt Đà La" gồm nói hai món thành tựu: Pháp môn thành tựu và Đệ tử thành tựu.

Câu "Những người đủ duyên được độ Phật đã độ hết" là nói đến sự nghiệp của đức Phật ra đời và việc đô sanh đã được viên mãn là Đại tổng tướng thành tựu.

Ta La Song Thọ: Ta la nghĩa là kiên cố, là cây có bốn mặt. Mỗi mặt: trên hai nhánh hiệp nhau, dưới hai gốc liền nhau, có một khô một tươi, tiêu biểu cho Tứ đức phá trừ Bát đão của phàm phu và Nhị thừa.

Câu "Trong rừng cây Song thọ" là Nhân tự tướng. Câu "Sắp vào Niết bàn" là Quả tự tướng. Rồi câu "Khi ấy giữa đêm" là nói Tổng tự tướng, gồm chung là Nhân quả Tự tướng thành tựu.

Câu "Vì các đệ tử lược nói pháp yếu" là phân biệt Tổng tướng thành tựụ "Các đệ tử" là tiêu biểu cho nhân sai biệt; "Lược nói pháp yếu" là tiêu biểu cho pháp thế gian và xuất thế gian sai biệt.

Mặc dù đức Phật sắp nhập Niết Bàn, tự mình khổ não, vẫn còn cố gắng vì chúng đệ tử chỉ dạy cặn kẽ những điều cần thiết. Ấy là biểu lộ lòng từ bi vô hạn, chẳng khác nào người cha đối với các con khi sắp lâm chung vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]