Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 6 - Thọ ký

20/06/201111:44(Xem: 7777)
Phẩm 6 - Thọ ký

PHÁP HOA KINH THÂM NGHĨA ĐỀ CƯƠNG
Hoà thượng Thích Từ Thông
Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh 2001

PHẨM 6: THỌ KÝ

Bấy giờ Thế Tôn bảo đại chúng: Ma-ha-ca-diếp ở đời vị lai sẽ phụng thờ 300 muôn ức Phật, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen và nói vô lượng đại pháp của chư Phật. Thân rốt sau được thành Phật hiệu là Quang Minh đủ mười đức hiệu. Nước tên là Quang Đức. Kiếp tên Đại Trang Nghiêm. Phật thọ 12 tiểu kiếp. Chánh pháp trụ thế 20 tiểu kiếp. Cõi nước tốt đẹp không có các thứ dơ xấu, không sạch. Đất đai bằng thẳng, lưu ly trong suốt, cây báu thẳng hàng, vàng ròng làm dây trang trí bên đường, hoa báo thơm đẹp tung rải khắp nơi. Bồ tát và Thanh văn số đông vô lượng. Dầu có ma và dân ma, nhưng không có việc ma, họ luôn luôn hộ trì Phật pháp.

Nói xong, Phật thuyết một bài kệ lập lại ý trên.

Lúc bấy giờ ngài Đại-mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Đại-ca-diếp… thảy đều run sợ. Chấp tay chiêm ngưỡng Phập và cùng có chung tâm niệm đại ý như sau: Thế Tôn, nếu thấu rõ lòng chúng con, xin ban cho chúng con lời thọ ký để được an lòng. Chúng con biết lỗi của Tiểu thừa, nhưng chưa tin khả năng của mình có thể được Phật tuệ. Chúng con ví như người đói gặp bữa tiệc vua, nhưng chưa dám ăn. Dù nghe Phật nói tất cả sẽ thành Phật, nhưng chưa được Phật thọ ký thì lòng chúng con vẫn còn lo ngại. Phật thọ ký rồi, lòng chúng con thỏa mãn, như kẻ đói được bao ăn.

Biết tâm niệm của các đệ tử, Thế Tôn bèn bảo:

“Ông Tu-bồ-đề, đời vị lai phụng thờ 300 muôn ức na-do-tha Phật cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen, thường tu hạnh thanh tịnh, tròn đủ đạo Bồ tát. Thân rốt sau thành Phật hiệu danh tướng Như Lai, đầy đủ mười đức hịêu. Kiếp tên Hữu-Bửu, nước tên Bửu Sanh, quốc độ bằng thẳng, đất lưu ly, cây báo trang nghiêm, hoa báu khắp đất. Không có các thứ nhiễm ô bất tịnh. Dân cõi nước đó chỗ ở đẹp đẽ, nguy nga, tráng lệ. Hàng đệ tử Thanh Văn đông không kể xiết. Chúng Bồ tát vô số ức na-do-tha. Đức Phật thọ 12 tiểu kiếp. Chánh pháp trụ ở đời 20 tiểu kiếp. Phật thường trụ trong hư không thuyết pháp độ thoát vô lượng Bồ tát và Thanh văn.

Rồi đức Thế Tôn cũng nói bài kệ lập lại ý nghĩa trên.

Đức Thế Tôn dạy tiếp: Ông Ca-chiên-diên đời vị lai dùng các đồ cúng dường và phụng thờ 8.000 ức Phật. Sau khi chư Phật diệt độ, ông dựng tháp cao 1.000 do tuần, rộng 500 do tuần, toàn bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, san hô, hổ phách, còn cúng các thứ hoa thơm, chuỗi ngọc, hương xoa, hương đốt, lọng nhiểu, tràng phan… làm cho tháp miếu huy hòang tráng lệ. Sau đó lại cúng dường 20 muôn ức Phật nữa. Bấy giờ đầy đủ đạo Bồ tát, ông sẽ được thành Phật hiệu Diêm Phù Na Đề Kim Quang Như Lai đủ mười đức hiệu. Quốc độ của Phật tòan thất bảo hợp thành. Lan can trang trí bằng vàng ròng, châu ngọc báu lạ, cõi nước của Phật Kim Quang Như Lai không có 4 đường dữ: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la. Chỉ có Trời, Người, và vô lượng Thanh Văn, Bồ Tát. Phật thọ mạng 12 tiểu kiếp, chánh pháp trụ thế 20 tiểu kiếp, tượng pháp cũng vậy.

Đức Thế Tôn tuyên lại ý nghĩa trên bằng một bài kệ.

Sau hết, đức Phật thọ ký cho ông Đại-mục-kiền-liên rằng ông Đại-mục-kiền-liên sau nầy sẽ cúng dường 8.000 ức Phật. Sau các Phật diệt độ, dựng tháp miếu cao 1.000 do tuần, rộng 500 do tuần, cũng toàn bằng thất bảo. Trang trí hương hoa, chuỗi ngọc vàng ròng, lọng nhiểu, tràng phan… để cúng dường trang nghiêm tháp miếu.

Sau đó, lại cúng dường 200 muôn ức Phật, rồi được thành Phật hiệu Đa-ma-la-bạt-chiên-đàn-hương đủ mười đức hiệu. Kiếp tên Hi Mãn, nước tên Ý Lạc. Quốc độ bằng thẳng. Đất pha lê cây vàng, lá bạc, hoa trân châu, khắp nơi sạch sẽ, ai thấy cũng hoan hỉ. Trời Người vô số, Thanh Văn, Bồ Tát không thể đếm xiết. Phật thọ 24 tiếu kiếp, tượng pháp cũng vậy.

Để tuyên lại ý nghĩa trên đức Thế Tôn nói một bài kệ:

… Các đệ tử của ta

Bậc oai đức đầy đủ

Số đó năm trăm người

Ta đều sẽ thọ ký

Ở nơi đời vị lai

Đều sẽ được thành Phật

Ta cùng với các ông

Đời trước kết nhân duyên

Ta nay đã thuật nói

Các ông khéo lắng nghe.

THÂM NGHĨA

Thọ ký là một môn đặc biệt, chỉ có trong kinh giáo thuộc hệ tư tưởng tối thượng thừa. Khó mà định nghĩa gọn gàng giản đơn về hai chữ “thọ ký”. Rằng “thọ ký” tức là dự đoán. Không phải. Vì dự đóan có thể đúng hoặc có thể sai. Rằng thọ ký giống như tiên tri. Không đúng. Vì tiên tri chỉ có nghĩa là biết việc sau này, mà cũng không lấy gì bảo đảm! Rằng thọ ký giống như một mệnh lệnh tối thượng “phán” truyền! Càng không thể chấp nhận vì “thọ ký” không phải là sự đền ơn hay một ân sủng của đấng chúa tể nào hay một vị thần quyền thiêng liêng tối thượng.

Thọ ký là nói lên một sự thật, một chân lý tất yếu tất nhiên. Sự thật ấy sẽ được hiện thực trong tương lai và đã hiện thực trong ngược dòng quá khứ. Cho nên bộ môn “thọ ký” được xem là một thông lệ của ba đời chư Phật thường làm. Làm trong lúc sắp kết thúc cuộc hành trình giáo hóa chúng sanh và chỉ đến lúc chúng sanh có thể nhận biết khả năng thành Phật của mình, Phật mới đem sự thật nầy ra dạy bảo.

Thành Phật có nghĩa là đạt đến địa vị giác ngộ chân lý hoàn toàn và giải thóat vô minh trọn vẹn. Phật đã đạt đến, chúng sanh tu hành rồi cũng sẽ đạt đến, vì chúng sanh sẵn có Tri Kiến Phật rồi.

Ông Tu-bồ-đề, Đại-ca-diếp, Đại-mục-kiền-liên… được thọ ký thành Phật sau nầy. Đó là đức Phật nói ra một sự thật. Chẳng những hàng Thanh Văn, Duyên Giác ở trong Hải Hội Pháp Hoa được thọ ký mà còn nhiều hạng ngừơi khác cũng sẽ được thọ ký dài dài… Đó là chỗ dụng nghĩa thầm kín sâu xa của bộ môn thọ ký trong hệ giáo lý tối thượng thừa.

Là Phật, thì Phật nào cũng đầy đủ ba đức: Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát. Nói một cách đơn giản dễ hiểu là Phật nào cũng có Bồ-đề và Niết-bàn. Cho nên quốc độ của Phật thì dứt khóat không có điều kiện ô nhiễm môi trường, cũng không có lý do sanh ra sự khổ đau hoặc xấu xí.

… “ Hằng dụng giới hương đồ vinh thể

Thường trì định phục dĩ tư thân

Bồ-đề diệu hoa biến trang nghiêm

Tùy sở trụ xứ thường an lạc…”

Lấy giới làm phấn để thoa thân

Dùng định làm áo mặc hằng ngày

Hái hoa trí tuệ làm vật trang điểm

Vì vậy, người đó ở đâu thì chổ đó trở nên an lạc.

Quốc độ của chư Phật thanh tịnh, trang nghiêm đẹp đẽ, phát xuất từ chân lý:

“ Tùy kỳ tâm tịnh, tắt Phật độ tịnh”

Thật lý mà suy. Nếu toàn quốc độ cấu tạo bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, san hô, hỗ phách… thì các thứ ấy còn quý giá gì nữa mà ham! Đó là Như Lai vận dụng lối thuyết pháp “phổ vị thế giới tất đàn”, nói cho đẹp lòng vừa ý, êm tai để “dụ” những chúng sanh còn nặng lòng tham lam báu vật.

“ Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán.”

Có đức Phật nào quên chân lý ấy đâu. Dù là vàng bạc, lưu ly, pha lê… vẫn là “pháp hữu vi”. Mà “pháp hữu vi” thì như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, như chớp rốt cuộc chẳng có gì !

Vấn đề cúng dường, đọc cho đúng thì nên đọc là “cung-dưỡng” có nghĩa là vun bồi cung cấp và bồi dưỡng cho tăng trưởng thêm lên. Để đem lại hiệu quả cứu cánh giải thóat giác ngộ, người đệ tử Phật có hai cách “cúng dường”:

Một là cúng dường Phật tánh. Quay về với “bản lai diện mục” với tự tánh thanh tịnh bản nhiên vốn có của con người, hàng ngày sinh họat không rời Tri Kiến Phật. Đó là cách cúng dường Phật tánh.

Hai là cúng dường Pháp tánh.Hành động trong vạn pháp, cọ xát thực tế vạn pháp. Xây dựng, trang trí, thẩm mỹ, nghệ thuật từ vạn pháp duyên sanh có ra. Là một Bồ-tát hạnh, vì mục đích giải thoát giác ngộ, Bồ tát không tránh né, không từ nan, không sợ tiêm nhiễm vì giá trị quí giá của những vàng bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, san hô, hổ phách… ấy. Do vậy, dù sử dụng thất bảo xây pháp, nhưng thất bảo ấy trở thành “pháp tánh” một thứ pháp mà tự tánh của nó vốn thanh tịnh bản nhiên. Người xây tháp và nguyên liệu xây tháp không có dính mắc gì nhau. Đó là việc làm biểu thị về nghị lực của Bồ-tát là “ tâm cảnh như như”. Cho nên việc xây tháp miếu cúng dường như thế là hành động thả một cầu phao mà vớt cả hai con thuyền. Dựa trên Pháp Tánh mà tôi luyện Phật tánh của mình. Đứng vững ở Phật Tánh mình mà bồi dưỡng đức thanh tịnh bản nhiên của Pháp tánh, vì Phật tánh và Pháp tánh không hai.

Phật mỗi vị có một đức hiệu riêng, vì khi tu nhơn hành Bồ-tát đạo, mỗi vị riêng có một tâm đắc một sở trường. Điều đó cũng còn có nghĩa là pháp tu, pháp hành của các Bồ Tát trong lúc tu nhơn không có một nguyên tắc chung nào gò bó. Ai tu pháp môn gì cũng được, miễn là đừng lạc vào tà đạo, mê tín dị đoan, hoang đường, ảo tưởng là tốt. Đối với nền giáo lý Phật thì phóng khóang và tôn trọng dân chủ tuyệt đỉnh từ đầu, cho nên kinh điển Phật có câu “Vô Lượng Pháp Môn Tu”.

Do tu nhơn sai khác cho nên thành quả cũng sai khác. Đến như việc thọ mạng dài ngắn, đệ tử ít nhiều mỗi mỗi đều khác biệt, nhưng tất cả chư Phật đều có một thành tựu chung cùng đến cái đích cứu cánh là:

VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]