Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10a. Tâm siêu thế

24/05/201115:04(Xem: 8649)
10a. Tâm siêu thế

VI DIỆU PHÁPGiảng Giải

Tỳ kheo Giác Chánh

BÀI 10-a

TÂM SIÊU THẾ
Lokuttaracitta

Là tâm biết cảnh Niết-Bàn. Một trạng thái siêu thế vượt ngoài thời gian và không gian; không thuộc về thế gian vô thường, khổ não và vô ngã. Chấm dứt sanh diệt, thoát ly tam giới. Vượt ngoài thế gian ở đây có nghĩa là hiện trạng sanh diệt chấm dứt chớ không phải có một cái gì thực hữu sanh tồn ngoài thế gian. Tâm siêu thế được chia làm hai loại:

I. Tâm Đạo (Maggacitta):

Là tâm sát trừ phiền não, tỏ ngộ Niết-Bàn còn được gọi là tâm giải thoát.

Tâm này được thành tựu bởi một thời gian dài cam go tu tập. So với việc thực hành thiền chỉ để thành tựu đạo quả nơi sắc giới hay vô sắc giới thì quá trình tu tập nơi đây phức tạp và gay go hơn nhiều.

1.1) Cơ bản lý thuyết thiền quán:

Lý duyên khởi (Paticcasammuppāda) dạy rõ: "Do vô minh và ái dục, chúng sanh sanh tử; do sanh tử, khổ não có mặt". Chấm dứt sanh tử hay giải thoát (Vimutti) tức là an lạc. Mục đích của thiền quán là đạt được sự an lạc ấy.

- Để đoạn trừ ái dục, hành giả cần có một cái nhìn trung thực, đúng với sự thật của sự vật (nhận chơn). Như yêu mến xác thân là một ái dục, để đoạn trừ ái dục ấy hành giả cần nhận chơn xác thân là bất tịnh.

- Để đoạn trừ vô minh, hành giả cần có một lý trí sáng suốt để phân biệt đâu là sự thật, đâu là giả; đâu là chơn, đâu là ngụy, ...

Thiền quán dẩn hành giả đến hai mục đích ấy: nhận chân và sáng suốt.

Gọi là thiền quán (Vipassanā) có nghĩa là thiêu đốt nghịch pháp, phiền não do sự quán xét, thẩm hộ (Thiền - Jhāna), (Quán - Vipassanā) cũng dịch là minh sát nghĩa là xem xét với cái nhìn sáng suốt.

Nhìn một thân người, với vọng tưởng ta sẽ thấy sự đẹp, xấu, ... Đó là cái nhìn (sự quan sát) của vô minh. Trái lại, cũng nhìn một thân người, với trí giác, ta chỉ thấy bản chất bất tịnh của thân, tức là ta nhận chân được một sự thật, dưới sự che đậy của quần áo là một lớp da, dù được trang điểm như thế nào đi nửa thì bên trong vẩn là bất tịnh. Đó là sự quán sát bằng trí tuệ hay còn gọi là minh sát.

Khi thực hành thiền quán, hành giả chuyên tâm theo dõi sự diệt sanh, sanh diệt của danh sắc (thân và tâm); hay dùng trí quán triệt, phân tích về bản chất giả tạm của ngũ uẩn.

Với sự chuyên tâm như vậy, một ngày nào đó, hành giả sẽ chợt nhận thấy rằng thế gian là giả tạm, là hư ảo, không có gì đáng để nắm giữ cả. Khi đó, nếu được phát triển thêm, hành giả sẽ trải qua nhiều giai đoạn chứng nghiệm và dần dần đạt đến đạo quả Niết-Bàn. Tổng quát: hành giả luyện tập đến giai đoạn nhàm chán của tâm, từ sự nhàm chán đó hành giả tiến đến xã ly và từ xã ly, hành giả tiến đến giai đoạn giải thoát.

1.2 Cơ bản thực hành thiền quán:Ở thiền chỉ, hành giả chỉ cần gom tâm vào một đề mục là đủ. Đối với thiền quán, sự gom tâm không phải là sự "chú tâm nhất điểm" như ở thiền chỉ, mà là sự "tấn tâm tùy quán" (Anuvipassi), đó là sự để tâm uyển chuyển theo dỏi sự biến chuyển, sự đổi thay, sự diệt sanh của Danh Sắc.

Sự tu tập thiền chỉ là lối niệm "gom tâm vào một điểm", nghĩa là giữ tâm luôn luôn khắn khít với đề mục, còn lối niệm của thiền quán là śự chuyên chú ghi nhận"theo dỏi ghi nhận sự chuyển biến của ngũ uẩn để có một "cái nhìn" đúng sự thật về bản chất của thế gian.

(1) Đề mục thiền quán (Satipaṭṭhāna):

Trong thuật ngữ Phật học, chữ Kammaṭṭhāna (đối tượng hành thiền) được dùng chung cho cả thiền chỉ lẩn thiền quán còn riêng chữ Satipaṭṭhāna (niệm xứ) (Sati = niệm; Paṭṭhāna = vị trí, nơi chốn, chỗ. Dịch chung là đối tượng suy niệm, ghi nhận) chỉ dùng riêng đối với thiền quán. Có tất cả là bốn niệm xứ (tứ niệm xứ).

Thế nào là tứ niệm xứ?. - Tứ là bốn còn niệm là trạng thái tâm quan sát, theo dỏi, chú tâm, ghi nhớ, biết. Vậy tứ niệm xứ là bốn nơi chốn để chú tâm, để quan sát. Bốn nơi chốn ấy là:

i) Thân quán niệm xứ (Kāyānupassanā)

Thân quán niệm xứ là quan sát, biết rõ những gì thuộc về Sắc uẩn hay Hành tướng của Sắc uẩn. Hành giả lấy những gì trong thân và ngoài thân làm đối tượng để chuyên chú. Niệm thân giúp hành giả thấy rõ hiện trạng sanh diệt của sắc uẩn (Rūpakhandha).

Trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna), niệm thân được Đức Phật chia làm bảy phần:

a) Niệm hơi thở (Ānapānasati): hành giả ngồi kiết già, an trú trong chánh niệm, trong đề mục hơi thở.

Khi hít vô dài, hành giả biết rõ.
Khi thở ra dài, hành giả biết rõ
Khi hít vô ngắn, hành giả biết rõ.
Khi thở ra ngắn, hành giả biết rõ.
Khi hít vô, hành giả biết rõ mình đang hít vô.
Khi thở ra dài, hành giả biết rõ mình đang thở ra.
Khi hít vô hơi thở vắng lặng, hành giả biết rõ.
Khi thở ra hơi thở vắng lặng, hành giả biết rõ.
Khi hít vô tâm vui mừng khởi lên, hành giả biết rõ.
Khi thở ra tâm vui mừng khởi lên, hành giả biết rõ.
Khi hít vô thân sung sướng sinh khởi, hành giả biết rõ.
Khi thở ra thân sung sướng sinh khởi, hành giả biết rõ.
Khi hít vô thọ tưởng sinh khởi, hành giả biết rõ.
Khi thở ra thọ tưởng sinh khởi, hành giả biết rõ.
Khi hít vô thọ tưởng vắng lặng, hành giả biết rõ.
Khi thở ra thọ tưởng vắng lặng, hành giả biết rõ.
Khi hít vô tâm cảm thấy thơ thới, hành giả biết rõ.
Khi thở ra tâm cảm thấy thơ thới, hành giả biết rõ.
Khi hít vô tâm vô tư đối với cảnh, hành giả biết rõ.
Khi thở ra tâm vô tư đối với cảnh, hành giả biết rõ.
Khi hít vô tâm xa lìa ngũ dục, hành giả biết rõ.
Khi thở ra tâm xa lìa ngũ dục, hành giả biết rõ.
Khi hít vô tâm thấy được vô thường, hành giả biết rõ.
Khi thở ra tâm thấy được vô thường, hành giả biết rõ.
Khi hít vô tâm xa lìa triền cái, hành giả biết rõ.
Khi thở ra tâm xa lìa triền cái, hành giả biết rõ.
Khi hít vô tâm giải thoát khỏi phiền não, hành giả biết rõ.
Khi thở ra tâm giải thoát khỏi phiền não, hành giả biết rõ.

Tóm lại: khi niệm hơi thở, hành giả chú tâm theo dỏi hơi thở ra, vô; trong khi đó, nếu trong thân, tâm có trạng thái gì sinh khởi hành giả phải ghi nhận được ngay sự việc vừa sinh khởi rồi tiếp tục quan sát hơi thở trở lại.

Biết rõ hơi thở của mình gọi là "quán thân trên nội thân", biết rõ hơi thở của người là "quán thân trên ngoại thân", biết rõ hơi thở của mình và người là "quán thân trên nội và ngoại thân", biết rõ hơi thở lúc sinh khởi gọi là "quán sự sinh trên thân", biết rõ hơi thở lúc diệt gọi là "quán sự diệt trên thân".

b) Niệm đại oai nghi:

Đại oai nghi là cách đi, đứng, ngồi, nằm. Đi là sự chuyển động của xác thân, hai chân luôn luôn dở, bước, đạp. Đứng là xác thân đình trụ, dừng lại, hai chân chịu sức nặng của thân. Nằm là xác thân trải dài trên đất, giường, ghế, ... Ngồi là xác thân co lại nửa phần trên, mông chạm vào một mặt phẳng như mặt ghế, mặt giường, ...

Hành giả phải luôn luôn gìn giữ chánh niệm, khi thân xác đang ở oai nghi nào hành giả phải biết rõ. Biết rõ oai nghi của mình gọi là "quán thân trên nội thân", biết rõ oai nghi của người là "quán thân trên ngoại thân", biết rõ oai nghi của mình và người là "quán thân trên nội và ngoại thân", biết rõ oai nghi sinh khởi gọi là "quán sự sinh trên thân", biết rõ oai nghi lúc diệt gọi là "quán sự diệt trên thân".

c) Niệm tiểu oai nghi

Tiểu oai nghi hay oai nghi phụ là những động tác phụ ngoài bốn động tác chính đã kể trên. Như tay dở lên, cười, nói, mặt quần áo, gật đầu, ...

Khi nhìn tới phía trước, hành giả biết rõ.
Khi ngó lui phía sau, hành giả biết rõ.
Khi mặt y nội, y vai trái, hành giả biết rõ.
Khi mang bát, mặt Tăng già lê, hành giả biết rõ.
Khi ăn uống, nhai nuốt, hành giả biết rõ.
Khi đại hay tiểu tiện, hành giả biết rõ.

Tóm lại, tất cả những diễn biến xảy ra nơi thân, hành giả biết rõ. Biết rõ các tiểu oai nghi của mình gọi là "quán thân trên nội thân", biết rõ các tiểu oai nghi của người là "quán thân trên ngoại thân", biết rõ các tiểu oai nghi của mình và người là "quán thân trên nội và ngoại thân", biết rõ các tiểu oai nghi sinh khởi gọi là "quán sự sinh trên thân", biết rõ các tiểu oai nghi lúc diệt gọi là "quán sự diệt trên thân".

d) Niệm về thể trược (còn được gọi là quán thân bất tịnh) (Asucino)

Hành giả quán thân mình từ đỉnh tóc đến gót chân. Thân này được bao bọc bởi một lớp da, che đậy những vật bất tịnh bên trong như tóc lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, tim, gan, thận, ruột, óc, dạ dày, phổi, vật thực, phẩn, nước tiểu, đàm giải, mũ máu, mở đặc, ....

Hành giả quán sát thân bất tịnh như vậy một thời gian, hành giả sẽ sinh tâm nhàm chán thân mình cũng như thân người. Quan sát 32 thể trược của mình gọi là "quán thân trên nội thân". Quan sát 32 thể trược của người là "quán thân trên ngoại thân". Quan sát 32 thể trược của mình và người là "quán thân trên nội và ngoại thân". Quan sát 32 thể trược sinh khởi gọi là "quán sự sinh trên thân". Quan sát 32 thể trược lúc diệt gọi là "quán sự diệt trên thân".

e) Niệm về Tứ Đại (Vavatthāna)

Tứ đại là Địa đại, Thủy đại, Hỏa đại và phong đại. Địa đại là chất đông đặc, có phận sự nâng đỡ các sắc pháp, có trạng thái cứng hoặc mềm. Thủy đại là chất lỏng, ướt, có phận sự nuôi dưỡng các chất sắc khác cho được tươi nhuần, gìn giữ sự phối hợp của các chất sắc khác cho dính lại với nhau. Có trạng thái chảy ra hay quến lại. Hỏa đại là chất âm dương, có phận sự làm cho các sắc khác khô chín và không hư thúi, có trạng thái nóng hoặc lạnh. Phong đại là chất hoạt động, có phận sự di chuyển hoặc cử động, có trạng thái lay động hoặc căng phồng lên. Theo kinh tạng, tứ đại trong thân có 42 thứ là:

- Đất có 20 thứ: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tim, gan, óc, phổi, bao tử, ruột già, ruột non, vật thực, phân.

- Nước có 12 thứ: mật, đàm, mủ, máu, nước mắt, mở đặc, mồ hôi, dầu da, nước bọt, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu.

- Lửa có 4 thứ: lửa làm cho ấm thân, lửa làm cho thân xác khô khan, lửa làm cho thân nóng nảy, lửa làm cho vật thực tiêu hóa.

- Gió có 6 thứ: gió quạt lên, gió quạt xuống, gió ngoài ruột, gió trong ruột, gió chuyển động thân, gió theo hơi thở ra vô.

Sự quan sát về tứ đại giúp hành giả xã ly lòng cố chấp về xác thân. Quan sát tứ đại trong thân gọi là "quán thân trên nội thân". Quan sát tứ đại ngoài thân là "quán thân trên ngoại thân". Quan sát tứ đại trong thân và nghĩ đến tứ đại ngoài thân là "quán thân trên nội và ngoại thân". Quan sát tứ đại sinh khởi gọi là "quán sự sinh trên thân". Quan sát tứ đại lúc diệt gọi là "quán sự diệt trên thân".

f) Niệm về tử thi (Āsubha)

Tử thi là thân xác con người đã chết. Sau khi chết hai ba ngày thì thân xác bị biến dạng, sình lên, da đổi ra màu xanh đen, mùi hôi thúi nổi lên, xác thân rả ra, chảy nước mủ, bị dòi bọ đụt, ...

Hành giả quan sát tử thi để sanh tâm kinh cảm, ghê sợ xác thân, trừ lòng tham ái sắc tướng xinh đẹp. Quan sát thân mình rồi sẽ cũng như tử thi đã gặp gọi là "quán thân trên nội thân". Quan sát thân người rồi sẽ cũng như tử thi đã gặp là "quán thân trên ngoại thân". Quan sát thân mình và thân người rồi sẽ cũng như tử thi đã gặp là "quán thân trên nội và ngoại thân". Quan sát sự sinh khởi (trong từng giai đoạn) của thân gọi là "quán sự sinh trên thân". Quan sát thấy sự diệt mất (trong từng giai đoạn) của thân gọi là "quán sự diệt trên thân".

g) Niệm về hài cốt (Aṭṭhikāni)

Tử thi sau một năm trở lên chỉ còn lại bộ xương khô, đó gọi là hài cốt. Hài cốt này có thể là một bộ xương trắng hếu hay đen thui, rã ra thành bột. Hành giả quan sát thân mình với ý nghĩ: thân này đặc tánh là như vậy, bản chất là như vậy. Thân này rồi sẽ trở thành bộ xương khô như vậy, không thể nào vượt ra khởi bản chất đó. Sự quan sát như vậy là "quán thân trên nội thân". Quan sát thân người khác với ý nghĩ: thân đó rồi sẽ như vậy, không thể nào vượt khỏi đặc tính đó là "quán thân trên ngoại thân". Quan sát thân mình và thân người với ý nghĩ: thân này đặc tánh là như vậy, bản chất là như vậy. Thân này rồi sẽ trở thành bộ xương khô như vậy, không thể nào vượt ra khởi bản chất đó là "quán thân trên nội và ngoại thân".

Hành giả tu tập theo bảy cách của thân quán niện xứ vị ấy sẽ an trú trong chánh niệm, hướng đến chánh đạo. Vị ấy sống không nương tựa, không đắm nhiểm một vật gì trên đời.

ii) Thọ quán niệm xứ (Vedanānupassanā)

Thọ là trạng thái hưởng cảnh của tâm; là cảm giác của tâm khi hứng chịu ngoại cảnh. Là những cảm giác khổ, lạc, ưu, hỷ và xã. Khi một tâm sinh khởi, ắc phải có một thọ đồng sinh, sự biết thọ sinh khởi gọi là thọ quán niệm xứ. Tức là theo dỏi, suy niệm, ghi nhận cảm thọ khởi lên. Tạng Abhidhamma, bộ Vibhaṅga có ghi rằng:

Khi cảm giác khổ, vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác lạc, vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác ưu, vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác hỷ, vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác xã, vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác khổ thuộc vật chất, vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác khổ không thuộc vật chất, vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác lạc thuộc vật chất, vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác lạc không thuộc vật chất, vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác phi khổ phi lạc (xã) thuộc vật chất, vị ấy biết rõ.
Khi cảm giác phi khổ phi lạc không thuộc vật chất, vị ấy biết rõ.

Tóm lại, quan sát để thấy rõ thọ uẩn gọi là thọ quán niệm xứ. Quan sát các cảm thọ của mình gọi là "quán thọ trên các nội thọ". Quan sát cảm giác của người gọi là "quán thọ trên các ngoại thọ". Quan sát cảm giác của mình và của người (dù thọ nào củng là vô thường, khổ não và vô ngã) gọi là "quán thọ trên các nội và ngoại thọ". Quán thấy sự sinh khởi và hoại diệt của các cảm giác gọi là "quán sự sinh diệt trên các thọ".

iii) Tâm quán niệm xứ (Cittānupassanā)

Tâm là sự nhận biết đối tượng, sự biết cảnh qua 6 căn: tâm nhãn thức (sự biết cảnh sắc), tâm nhĩ thức (sự biết cảnh thinh), tâm tỷ thức (sự biết cảnh khí), tâm thiệt thức (sự biết cảnh vị), tâm thân thức (sự biết cảnh xúc), tâm ý thức (sự biết hết 6 cảnh). Hành giả quan sát, ghi nhận sự sanh diệt, thay đổi của tâm thức, nhờ đó, thấy rõ được thực thể của thức uẩn (Viññāṇamkhandha). Như vậy người hành Tứ Niệm Xứ phải biết rõ các điều sau:

Khi mắt biết cảnh sắc, vị ấy biết rõ.
Khi tai biết cảnh thinh, vị ấy biết rõ.
Khi mũi biết cảnh khí, vị ấy biết rõ.
Khi lưỡi biết cảnh vị, vị ấy biết rõ.
Khi thân biết cảnh xúc, vị ấy biết rõ.
Khi ý biết cảnh pháp, vị ấy biết rõ. (Ý thức cũng biết cảnh ngũ, nhưng rất khó quan sát). Đồng thời vị ấy còn phải biết rõ trạng thái của tâm khi được tiếp xúc với lục trần.
Khi tâm có tham, vị ấy biết rõ.
Khi tâm vô tham, vị ấy biết rõ.
Khi tâm có sân, vị ấy biết rõ.
Khi tâm vô sân, vị ấy biết rõ.
Khi tâm có si, vị ấy biết rõ.
Khi tâm vô si, vị ấy biết rõ.
Khi tâm có hôn trầm, vị ấy biết rõ.
Khi tâm có phóng dật, vị ấy biết rõ.
Khi tâm thành đáo đại (tâm thiền), vị ấy biết rõ.
Khi tâm không thành đáo đại, vị ấy biết rõ.
Khi tâm cao thượng, vị ấy biết rõ.
Khi tâm vô thượng, vị ấy biết rõ.
Khi tâm định, vị ấy biết rõ.
Khi tâm không định, vị ấy biết rõ.
Khi tâm giải thoát, vị ấy biết rõ.
Khi tâm không giải thoát, vị ấy biết rõ.

Tóm lại, khi tâm tiếp xúc với đối tượng có trạng thái như thế nào, hành giả phải quan sát biết rõ trạng thái ấy. Quan sát tâm mình gọi là "quán tâm trên nội tâm". Quan sát tâm người khác gọi là "quán tâm trên ngoại tâm". Quán sát tâm của mình và của người khác gọi là "quán tâm trên nội ngoại tâm". Quán thấy sự sinh khởi của tâm gọi là "quán sự sinh trên tâm". Quán thấy sự diệt mất của tâm gọi là "quán sự diệt của tâm".

iv. Pháp quán niệm xứ (Dhammānupassanā)

Là sự quan sát tất cả các trạng thái của Danh Sắc trên mọi phương diện (vi tế và chi tiết). Niệm pháp để thấy rõ chơn tướng của tưởng uẩn(Saññākhandha) và hành uẩn(Sañkhārakhandha). Được phân ra làm năm loại:

(a) Quan sát năm triền cái (Nivarana)

Triền cái là những pháp ngăn che các thiện pháp nhất là thiền định và trói buộc tâm trong vòng bất thiện. Có năm loại triền cái: thamdụccái, sânhậncái, hôn thụycái, trạo hối(Phóng Dật) cái và hoài nghicái. Vị tỳ kheo quán pháp trên các pháp cần phải biết rõ nhân sanh khởi của các trạng thái tâm sau đây:

Khi nội tâm có tham dục , vị ấy biết rõ.
Khi nội tâm không có tham dục , vị ấy biết rõ.
Với tham dục chưa sinh khởi, nay sinh khởi, vị ấy biết rõ.
Với tham dục đã từng sinh khởi, nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ.
Với tham dục đã đoạn diệt, tương lai không sinh khởi, vị ấy biết rõ.
Khi nội tâm có sân hận, vị ấy biết rõ.
Khi nội tâm không có sân hận, vị ấy biết rõ.
Với sân hận chưa sinh khởi, nay sinh khởi, vị ấy biết rõ.
Với sân hận đã từng sinh khởi, nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ.
Với sân hận đã đoạn diệt, tương lai không sinh khởi, vị ấy biết rõ.
Khi nội tâm có hôn thụy, vị ấy biết rõ.
Khi nội tâm không có hôn thụy, vị ấy biết rõ.
Với hôn thụy chưa sinh khởi, nay sinh khởi, vị ấy biết rõ.
Với hôn thụy đã từng sinh khởi, nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ.
Với hôn thụy đã đoạn diệt, tương lai không sinh khởi, vị ấy biết rõ.
Khi nội tâm có trạo hối, vị ấy biết rõ.
Khi nội tâm không có trạo hối, vị ấy biết rõ.
Với trạo hối chưa sinh khởi, nay sinh khởi, vị ấy biết rõ.
Với trạo hối đã từng sinh khởi, nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ.
Với trạo hối đã đoạn diệt, tương lai không sinh khởi, vị ấy biết rõ.
Khi nội tâm có hoài nghi, vị ấy biết rõ.
Khi nội tâm không có hoài nghi, vị ấy biết rõ.
Với hoài nghi chưa sinh khởi, nay sinh khởi, vị ấy biết rõ.
Với hoài nghi đã từng sinh khởi, nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ.
Với hoài nghi đã đoạn diệt, tương lai không sinh khởi, vị ấy biết rõ.

Tóm lại, khi một trong năm triền cái sinh khởi, hành giả quan sát biết ngay. Quan sát năm triền cái của mình gọi là "quán pháp trên các nội pháp". Quan sát năm triền cái của người khác gọi là "quán pháp trên các ngoại pháp ". Quán sát năm triền cái của mình và của người khác gọi là "quán pháp trên các nội ngoại pháp ".

(b) Quan sát năm thủ uẩn (Upādānakkhando)

Uẩn là khối, nhóm, tập họp. Năm thủ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Khi tâm có sự chấp thủ (bám víu) uẩn nào, hành giả phải biết rõ.

Sắc uẩn, khi sắc uẩn sanh hay diệt, hành giả biết rõ.
Thọ uẩn, khi thọ uẩn sanh hay diệt, hành giả biết rõ.
Tưởng uẩn, khi tưởng uẩn sanh hay diệt, hành giả biết rõ.
Hành uẩn, khi hành uẩn sanh hay diệt, hành giả biết rõ.
Thức uẩn, khi thức uẩn sanh hay diệt, hành giả biết rõ.

Quán thấy sự chấp thủ năm uẩn của chính mình gọi là "quán pháp trên các nội pháp". Quán thấy sự chấp thủ năm uẩn của người gọi là "quán pháp trên các ngoại pháp". Quán thấy sự chấp thủ năm uẩn của mình và của người gọi là "quán pháp trên các nội ngoại pháp ". Quán thấy sự sinh khởi của năm uẩn gọi là "quán sự sinh trên các pháp ". Quán thấy sự hoại diệt của năm uẩn gọi là "quán sự diệt trên các pháp ".

(c) Quan sát mười hai xứ (Āyatana)

Xứ là nơi, chỗ, vị trí. Có tất cả là 12 xứ chia làm 2 phần là nội xứ và ngoại xứ.

6 nội xứ là:

Nhãn xứ: Mắt, vật trông thấy được các màu sắc.
Nhĩ xứ: Tai, vật nghe được các tiếng.
Tỷ xứ: Mũi, vật ngữi được các mùi.
Thiệt xứ: Lưỡi, vật nếm được các vị.
Thân xứ: Thân, vật cảm xúc được các sự va chạm.
Ý xứ: Tâm, sự nhận thức được mọi đối tượng qua năm xứ kể trên.

6 ngoại xứ là:

Sắc xứ: còn gọi là cảnh sắc, đối tượng ghi nhận của mắt.
Thinh xứ: còn gọi là cảnh thinh, đối tượng ghi nhận của tai.
Khí xứ: còn gọi là cảnh khí, đối tượng ghi nhận của mũi.
Vị xứ: còn gọi là cảnh vị, đối tượng ghi nhận của lưỡi.
Xúc xứ: còn gọi là cảnh xúc (đất, lửa, gió), đối tượng ghi nhận của thân.
Pháp xứ: còn gọi là cảnh pháp, đối tượng ghi nhận của ý thức: các trạng thái, màu sắc, hình thể, ...).

Người tu Tuệ quán, khi mắt thấy cảnh chỉ biết "đây là mắt, đây là sắc", do duyên hai pháp nầy, kiết sử (5 Triền cái) sinh khởi, hành giả biết rõ như vậy. Với kiết sử chưa sinh khởi, nay sinh khởi, hành giả phải biết rõ nhân của chúng. Với kiết sử đã sinh khởi, nay được đoạn trừ, hành giả biết rõ nhân của chúng. Với kiết sử được đoạn trừ, nay không còn tái phát, hành giả biết rõ nhân của chúng.

Khi tai nghe âm thanh ...
Khi mũi ngửi mùi ...
Khi lưỡi nếm vị ...
Khi thân cảm xúc ...
Khi ý suy nghĩ pháp ...

Nói tóm lại, người hành Tứ Niệm Xứ, trong bốn oai nghi, dù ở oai nghi nào, khi căn môn tiếp xúc với cảnh trần, hành giả phải an trú trong chánh niệm (biết rõ). Và nếu 10 triền cái sanh khởi, hành giả phải biết rõ. 10 Triền cái là 10 pháp trói buộc: dục ái, hữu ái, phẩn uất, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi, tật đố, lận, sắc, vô minh, giới cấm thủ.

Quán sát các xứ của mình gọi là "quán pháp trên các nội pháp". Quán sát các xứ của người gọi là "quán pháp trên các ngoại pháp". Quán sát các xứ của mình và của người gọi là "quán pháp trên các nội ngoại pháp ". Quán thấy sự sinh khởi của các xứ gọi là "quán sự sinh trên các pháp ". Quán thấy sự hoại diệt của các xứ gọi là "quán sự diệt trên các pháp ".

(d) Quan sát thất giác chi (Bojjhaṅga)

Còn gọi là thất bồ đề phần là bảy pháp là cho tỏ ngộ thánh đế, thấy rõ Niết-Bàn, đắc chứng đạo quả. Tạng Abhidhamma, bộ Vibhaṅga giải về thất giác chi như sau:

Niệm giác chi là sự ghi nhớ, biết đến, thường hằng nhớ, không lẩn lộn, không quên mình.
Thẩm giác chi là trí tuệ, vô si, trạch pháp, giác minh, chánh kiến, thấy rõ sự thật (thiện hay bất thiện).
Cần giác chi (tinh tấn giác chi) là sự mở đường, hướng đạo, sách tấn, chánh cần, không lui sụt.
Hỷ giác chi là sự no vui, no lòng, phỉ lạc, pháp hỷ, trạng thái vui tươi, thái độ hoan hỷ.
Tịnh giác chi là sự vắng lặng, cách yên tịnh của tâm thức (sự an tỉnh của tứ danh uẩn).
Định giác chi là sự nhứt hành, an chỉ, đình trụ của tâm trên đối tượng (đề mục).
Xã giác chi là sự buông bỏ, cách xã ly, quân bình, trung tánh, bình thản, điềm nhiên, vô sự.

Người hành Tứ niệm xứ, khi nội tâm có niệm giác chi, vị ấy biết rõ. Khi nội tâm không có niệm giác chi, vị ấy biết rõ. Với niệm giác chi trước chưa sanh khởi, nay sanh khởi, vị ấy biết rõ. Với niệm giác chi đã sanh khởi nay tu tập được viên thành, vi ấy biết rõ.

Khi nội tâm có thẩm giác chi, vị ấy biết rõ. ...
Khi nội tâm có cần giác chi, ....
Khi nội tâm có hỷ giác chi, ...
Khi nội tâm có tịnh giác chi, ...
Khi nội tâm có định giác chi, ...
Khi nội tâm có xã giác chi, ...

Tóm lại, khi hành pháp tuệ quán, trong bốn oai nghi, khi trong tâm có pháp bồ đề phần sinh khởi đều phải biết rõ. Quán thấy thất giác chi của mình là "quán pháp trên các nội pháp". Quán thấy thất giác chi của người khác là "quán pháp trên các ngoại pháp". Quán thấy thất giác chi của mình và của người khác là "quán pháp trên các nội và ngoại pháp". Quán thấy sự sinh khởi lên của thất giác chi là "quán sự sinh trên các pháp". Quán thấy sự diệt mất của thất giác chi là "quán sự diệt trên các pháp". Hành như vậy gọi là pháp quán niệm xứ về thất giác chi.

(e) Quan sát tứ diệu đế (Ariyasacca)

Tứ Diệu Đế còn gọi là Tứ Thánh Đế là bốn sự thật siêu việt, bốn sự thật mà các vị thánh nhân thấy rõ và biết rõ.

1) KhổDiệu Đế (Dukkhāriyasacca)

Khổ diệu đế là sự bất toàn, vô thường, trống không, giả tạm, bất toại nguyện. Khổ đế chỉ cho sinh, già, bệnh, chết, sầu bi, khổ, ưu, không đạt ý muốn, tóm lại, chấp thủ năm uẩn là khổ. Tạng Abhidhamma, tập Paticasamuppāda giải:

Sinh là sự sanh khởi của Danh và Sắc (ngũ uẩn).
Già là sự củ kỹ, tức là sát na trụ của Danh và Sắc.
Chết là chấm dứt một kiếp sống, sự tiêu diệt của Danh và Sắc trong từng sát na.
Sầu là sự phiền muộn, âu lo, buồn rầu.
Bi là sự khóc than, bi thán, ai bi.
Khổ là sự khổ khổ (không thích hợp với thân và tâm, sự bất như ý), hoại khổ (khổ sinh lên khi lạc diệt đi, hoặc lạc cực sinh bi), hành khổ (sự khổ vì ngũ uẩn bị hoại).
Ưu là sự lo buồn, tư lự.
Ai là sự thống kổ, rất buồn bực.
Cầu bất đắc là sự mong cầu đừng bệnh, đừng sinh, đừng già, đừng chết, đừng sấu bi, ... mong cầu những sự việc không bao giờ có thể toại nguyện được.
Chấp thủ năm uẩn là sự tham ái, chấp thủ vào năm uẩn của mình.

2) TậpDiệu Đế (Samudayāriyasacca)

Tập diệu đế là nguyên nhân sinh ra sự khổ. Nguyên nhân đó không gì khác hơn chính là lòng tham ái.

- Dục ái: lòng tham ái sinh khởi và an trú trong các sắc thân, trong các sự khả ái, tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, các sắc pháp, các âm thanh (thinh sắc), các mùi thơm (khí sắc), các vị (khẩu vị), các sự xúc chạm, và các pháp sinh khởi trong tâm.

Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Thức trong đời: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Xúc trong đời: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc.
Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Thọ trong đời: nhãn thọ, nhĩ thọ, tỷ thọ, thiệt thọ, thân thọ và ý thọ.
Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Tưởng trong đời: sắc tưởng, thinh tưởng, khí tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng.
Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Tư (gom thu) trong đời: sắc tư, thinh tư, khí tư, vị tư, xúc tư và pháp tư.
Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Ái (khao khát) trong đời: sắc ái, thinh ái, khí ái, vị ái, xúc ái và pháp ái.
Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Tầm (suy nghĩ, tìm kiếm, tìm tòi) trong đời: sắc tầm, thinh tầm, khí tầm, vị tầm, xúc tầm và pháp tầm.
Hoặc lòng tham ái sinh khởi và an trú theo các Tứ (quan sát, xem xét, khám phá) trong đời: sắc tứ, thinh tứ, khí tứ, vị tứ, xúc tứ và pháp tứ.

- Hữu ái là sự khao khát, mong muốn các sự vật hiện hữu được tiếp tục hiện hữu trong các đời sau (thường kiến).

- Phi hữu ái là tham ái về sự đoạn diệt (sự tham ái theo đoạn kiến).

3) DiệtDiệu Đế (Nirodha - Ariyasacca)

Tạng Abhidhamma, bộ Vibhaṅga có giải: "Diệt tận các tham ái là diệt diệu đế".

Hoặc diệt sự tham ái đối với Thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức là diệt diệu đế.
Hoặc diệt sự tham ái đối với Xúc: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc là diệt diệu đế.
Hoặc diệt sự tham ái đối với Thọ: nhãn thọ, nhĩ thọ, tỷ thọ, thiệt thọ, thân thọ và ý thọ là diệt diệu đế.
Hoặc diệt sự tham ái đối với Tưởng: sắc tưởng, thinh tưởng, khí tưỡng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng là diệt diệu đế.
Hoặc diệt sự tham ái đối với Tư: sắc tư, thinh tư, khí tưỡng, vị tư, xúc tư và pháp tư là diệt diệu đế.
Hoặc diệt sự tham ái đối với Ái: sắc ái, thinh ái, khí tưỡng, vị ái, xúc ái và pháp ái là diệt diệu đế.
Hoặc diệt sự tham ái đối với Tầm: sắc tầm, thinh tầm, khí tưỡng, vị tầm, xúc tầm và pháp tầm là diệt diệu đế.
Hoặc diệt sự tham ái đối với Tứ: sắc tứ, thinh tứ, khí tưỡng, vị tứ, xúc tứ và pháp tứ là diệt diệu đế.

Tập diệu đế và diệt diệu đế khác nhau ở chỗ tham ái sinh và tham ái diệt đối với mọi sự vật. Do đó mà có câu "Phiền não tức bồ đề, Niết-Bàn là sinh tử".

4) ĐạoDiệu Đế (Maggāriyasacca)

Tạng Abhidhamma, bộ Vibhaṅga có giải: "bát thánh đạo có tám chi: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn (chánh cần), chánh niệm và chánh định".

Chánh kiếnlà thấy rõ sự khổ, thấy rõ các nhân sinh khổ, thấy rõ các pháp diệt khổ và thấy rõ con đường đi đến diệt khổ.

Chánh tư duy là sự suy nghĩ xa lìa tham dục, sự suy nghĩ xa lìa sân hận, sự suy nghĩ xa lìa giết hại.

Chánh ngữ là không nói dối, không nói đâm thọc, không nói hung dữ và không nói lời nhảm nhí, vô ích.

Chánh nghiệplà không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm.

Chánh mạnglà không nuôi thân sống bằng thân nghiệp tà vạy và bằng khẩu nghiệp tà vạy.

Chánh tinh tấnlà ngăn ngừa các ác pháp chưa sinh khởi không cho sinh khởi, diệt trừ các ác pháp đã sinh khởi và ngăn ngừa các ác pháp đã diệt được không cho tái phát. Tu thập thiện pháp chưa có cho có và gìn giữ các thiện pháp đã có cho được phát triển viên mãn.

Chánh niệmlà sự tỉnh giác, biết rõ các sự việc xảy ra trong hiện tại, biết rõ thân trên thân, biết rõ thọ trên các thọ, biết rõ tâm trên các tâm và biết rõ pháp trên các pháp. Chế ngự tham sân sinh khởi.

Chánh địnhlà trạng thái tâm thanh tịnh, vắnh lặng, xa lìa các pháp bất thiện. Chứng và trú sơ thiền: có Tầm, Tứ, Hỷ và Lạc do nhờ ly Dục sinh. Chứng và trú nhị thiền: có Hỷ và Lạc do nhờ Định sinh. Chứng và trú tam thiền: có sự an lạc do nhờ Xã niệm sinh. Chứng và trú tứ thiền: có sự an tịnh do nhờ phi khổ phi lạc sinh.

Tóm lại, người hành Tứ Niệm Xứ trong 4 oai nghi, luôn luôn phải có chánh niệm (biết rõ, ghi nhận hiện tại) đối với các pháp, và biết rõ "đây là sự khổ, đây là nhân sinh khổ, đây là sự diệt khổ và đây là con đường đi đến diệt khổ". Quán tứ diệu đế trong thân gọi là "quán pháp trên các nội pháp". Quán bốn diệu đế ngoài thân gọi là "quán pháp trên các ngoại pháp". Quán thấy bốn diệu đế ở trong và ngoài thân gọi là "quán pháp trên các nội và ngoại pháp". Quán thấy sự có mặt của tứ diệu đế gọi là "quán sự sinh trên các pháp". Quán thấy sự biến hoại của tứ diệu đế gọi là "quán sự diệt trên các pháp".

Lưu ý:Tứ niệm xứ là pháp tu chỉ quán, vì cùng một đề mục, nếu hành giả tu theo thiền chỉ (Samatha) thì sẽ đắc Định; nếu hành giả tu theo thiền quán (Vipassana) thì sẽ đắc Tuệ.

(xem tiếp phần 10.b)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]