Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cửa thứ nhì: Quán Hữu Quả và Vô Quả

07/05/201108:45(Xem: 10044)
Cửa thứ nhì: Quán Hữu Quả và Vô Quả

THẬP NHỊ MÔN LUẬN
LUẬN VỀ MƯỜI HAI CỬA
Tác giả: Long Thọ (Nàgàrjuna)
Dịch giả Hoa Ngữ: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Dịch giả Việt Ngữ: Thích Viên Lý

CỬA THỨ NHÌ
QUÁN HỮU QUẢ VÀ VÔ QUẢ

Nói thêm lần nữa rằng chư pháp là bất sanh. Tại sao?

Nếu một quả đã có thực,
không thể có sanh.
Nếu từ lúc đầu quả không thực
cũng không thể có sanh
Nếu vừa thực vừa không thực,
không thể có sanh.
Làm sao có thể sanh?

Nếu một quả đã có thực trong một nhân, sẽ không thể có sanh. Nếu ngay từ đầu quả không thực cũng sẽ không có sanh. Nếu một quả vừa thực vừa không thực, cũng sẽ không có sanh. Tại sao?

Nếu một quả đã là thực trong một nhân và lại trở thành một sản phẩm, thì sẽ tiếp nối vô cùng tận. Nếu một quả chưa được sanh ra mà đã trở thành một sản phẩm, thì vật đã được sanh ra rồi hẳn là phải có một sản phẩm nữa. Tại sao? Bởi vì khởi thủy chúng đã có sẵn trong một nhân. Ngay chính quả của cái đã sanh ra cũng lại sẽ có sản phẩm của nó, vì vậy sẽ vô cùng tận.

Nếu nói rằng cái đã được sanh ra rồi không bao giờ có thể lại được sanh ra có thể sẽ được sanh ra thì chẳng có nguyên tắc gì về sự sanh sản. Bởi vậy, không thể có chuyện một quả đã có sẵn trong một nhân và trở thành một sản phẩm.

Nếu nói rằng một quả đã có sẵn trong một nhân, và cái chưa được sanh ra sẽ được sanh ra, nhưng sản phẩm đã được sanh ra rồi sẽ không được sanh ra lần nữa, thì đó là điều vô nghĩa. Vì cái chưa sanh và cái đã sanh đều là thực, [nên chúng có cùng tánh chất]. Không có lý do gì [khiến chúng có những chức năng khác nhau], khiến cái này được sanh ra mà cái kia không được sanh ra.

[Theo luận lý của bạn] nếu cái chưa được sanh ra là thực, thì cái đã được sanh ra là không thực. Tại sao? Vì cái đã được sanh và cái chưa được sanh là trái ngược nhau. Khi mà cái đã được sanh và cái chưa được sanh là trái ngược nhau thì sự sanh sản của chúng phải khác nhau.

Thực và không thực ra là trái ngược nhau. Giả thử cái được sanh ra là thực và cái chưa được sanh ra cũng là thực; nếu vậy chúng không khác nhau. Tại sao? Nếu cả hai đều là thực thì chúng khác nhau ở điều gì? Nhưng thực ra thì chẳng phải chúng không khác nhau. Vì vậy, nếu một nhân là thực trong một quả, vẫn không thể có sanh.

Bất cứ cái gì là thực thì đã được thực hiện, tại sao nó còn phải sanh ra lần nữa? Giống như cái gì đã làm thì không cần phải làm lần nữa, và cái gì đã đạt được thì không cần đạt được lần nữa. Vì vậy cái gì là thực không sanh ra lần nữa.

Nếu một quả là thực trong một nhân, thì người ta có thể nhận thấy quả trước khi nó sanh ra; nhưng sự thực thìngười ta không thể nhận thấy. Thí dụ, người ta không khận thấy cái bình trong đất sét, hoặc chiếc chiếu trong mớ cỏ. Vì vậy, nếu một nhân là thực trong một quả, không có sự sanh.

Hỏi: Tuy một Quả có trước, nhưng vì nó chưa biến đổi nên không nhận thấy.

Đáp: Nếu cái bình chưa được sanh ra, hình thể của nó chưa biến đổi cho nên không thể nhận thấy nó; vậy nhờ tướng gì để chúng ta biết và nói rằngtcái bình có trước trong đất sét? Có phải nhờ tướng bình, hay tướng bò, hay tướng ngựa mà chúng ta biết có cái bình chăng? Nếu đất sét không chứa đựng tướng của cái bình, tướng của con bò hoặc con ngựa, thì chẳng phải cái bình không hiện hữu hay sao? Vì vậy, không thể nói rằng một quả có trước trong một nhân và sẽ được sanh ra.

Một vật đã biến đổi thì được gọi là một quả, và do đó phải có sự biến đổi xảy ra từ trước trong nhân. Tại sao? Vì bạn nói rằng một quả có trước trong một nhân. Nếu những vật như cái bình đã trải qua biến đổi và có trước [trong nhân của chúng], thì người ta phải có thể nhận thấy chúng. Nhưng thực sự thì không thể nhận thấy chúng. Bởi vậy, không thể nói rằng vì quả không trải qua biến đổi cho nên không thể nhận thấy nó.

Nếu cái không trải qua biến đổi không được gọi là một quả, thì rốt cuộc không thể nào đạt được quả. Tại sao? Vì sự biến đổi không xảy ra trước sự sanh và cũng không xảy ra sau sự sanh. Bởi vậy, những quả như vái bình rốt cuộc không thể nào có được.

Nếu cái đã biến đổi được gọi là một quả thì một quả không ở trong một nhân. Do đó bạn không biết chắc một quả đã có trước trong một nhân hay không có trong một nhân.

Hỏi: Sự biến đổi có trước nhưng không thể trông thấy. Một vật có thể thực sự hiện hữu, tuy rằng người ta không nhận thấy sự hiện hữu của nó. Thí dụ, không thể nhận ra một vật vì (1) nó quá gần, hoặc vì (2) nó quá xa; người ta không thể nhận ra một vật khi (3) có khuyết tật giác quan; hoặc người ta không nhận ra một vật vì (4) không để ý tới nó. Người ta không thể nhận ra một vật vì (5) có những chướng ngại hoặc vì (6) sự giống nhau. Người ta không thể nhận ra một vật vì (7) nó bị vật khác lấn át. Một vật (8) quá nhỏ thì không thể nhận ra. Thuốc trong mắt là một thí dụ rằng khi một vật quá gần thì không nhận ra nó. Một con chim bay quá cao và biến đi trong bầu trời là một thí dụ rằng không thể nhận ra một vật ở quá xa. Một số thí dụ cho thấy người ta không thể nhận biết một vật khi có khuyết tật giác quan: Một người mù không thể trông thấy màu sắc; một người điếc không thể nghe; cái mũi bị nghẹt không thể ngửi thấy mùi; cái miệng của một người bệnh không thể biết vị của thức ăn; một thân thể tê liệt không có cảm giác; một tâm trí điên loạn không thể nhận biết thực tại. Một thí dụ rằng chúng ta không nhận ra một vật khi không chú ý tới nó: khi chúng ta chú tâm vào những màu sắc hay những vật nào đó thì chúng ta không nghe một tiếng nói nhỏ. Những thí dụ cho thấy chúng ta không nhận biết một vật vì có những chướng ngại: mặt đất cản trở tầm mắt khiến chúng ta không trông thấy nước lụt tràn dâng, và một bức tường cản trở khiến chúng ta không trông thấy những vật ở bên trong. Một thí dụ rằng chúng ta không nhận ra một vật vì sự giống nhau: một cái chấm màu đen trên nền màu đen. Một thí dụ cho thấy chúng ta không nhận ra một vật khi nó bị vật khác lấn át: chúng ta không nhận ra tiếng nói nhỏ khi đang có những tiếng chuông, tiếng trống. Một thí dụ rằng những vật quá nhỏ thì không nhận ra: chúng ta không trông thấy những hạt bụi cực nhỏ. Do đó, dù các vật hiện hữu nhưng người ta không nhận ra chúng vì tám nhân duyên nói trên. Ngài không đúng khi nói rằng vì không thể thấy cái bình trong nhân của nó, cho nên nhân không thể hàm chứa sự biến đổi. Tại sao? Một vật có thể hiện hữu nhưng người ta không nhận thấy nó vì tám nhân duyên nói trên.

Đáp: Sự kiện rằng chúng ta không thể nhận ra những biến đổi và những quả như cái bình chẳng phải vì tám nhân duyên nói trên. Tại sao? Những biến đổi và những quả quá gần sẽ có thể nhận ra nếu chúng đừng quá gần; và những gì ở quá xa sẽ có thể nhận ra nếu chúng ở gần hơn. Tuy những khả năng cơ thể của chúng ta không đủ tốt để nhận ra chúng, nhưng nếu các khả năng đó thanh tịnh và tốt thì có thể nhận ra chúng. Tuy tâm trí tản mạn nên không nhận ra chúng, nhưng có thể nhận ra nếu chúng ta chú tâm. Những chướng ngại vật có thể ngăn cản chúng ta trông thấy vật nào đó, nhưng chúng ta có thể nhận ra những biến đổi và quả khi không có chướng ngại vật. Khi các đối tượng giống nhau nên chúng ta không trông thấy, nhưng khi chúng không giống nhau thì chúng ta có thể thấy. Khi các đối tượng bị lấn át nên chúng ta không nhận thấy, nhưng khi chúng không bị lấn át thì chúng ta có thể nhận thấy. Một vật có thể quá nhỏ nên không trông thấy, nhưng cái bình và những quả khác thì đủ lớn và có thể trông thấy.

Nếu một cái bình quá nhỏ nên không trông thấy ở trong nhân, thì cũng không thể trông thấy sau khi nó sanh ra. Tại sao? Vì cái đã sanh ra và cái chưa sanh ra có cùng đặc tính nhỏ bé, nếu cả hai đều là thực.

Hỏi: Một vật là nhỏ khi chưa sanh ra, nhưng nó trở thành lớn sau khi sanh. Vì vậy, cái đã sanh có thể nhận ra, trong khi cái chưa sanh không thể nhận ra.

Đáp: Nếu như vậy thì nhân không bao gồm quả vì không có cái lớn ở trong nhân.

Không có cái gì lớn trong nhân trước sự sanh sản. Nếu có cái gì lớn trong nhân thì bạn không nên nói rằng quả quá nho nên không trông thấy. Nay quả là lớn, nhưng bạn bảo là quá nhỏ nên không thấy; nếu vậy cái gì lớn không thể được gọi là một quả. Vậy thì rốt cuộc người ta không thể đạt được quả. Nhưng thực ra người ta có thể đạt được quả. Vậy bạn nhìn nhận rằng chẳng phải vì nó quá nhỏ nên không trông thấy. Do đó, không thể nói rằng nhân bao gồm quả và rằng vì tám nhân duyên nên không trông thấy quả.

Nếu một nhân bao gồm một quả và rồi sanh ra quả, thì cả nhân và quả đều mất đi những tướng của chúng. Tại sao? Vì giống như một cái mền trong những sợi dệt hoặc một trái cây trong cái bát. Trong những trường hợp này, cái gọi là nhân chỉ là nơi chốn và không thể gọi là nhân. Tại sao? Vì sợi dệt và cái bát chẳng phải là nhân của cái mền và trái cây. Khi một nhân bị hủy diệt thì quả cũng bị hủy diệt. Một vật như sợi dệt chẳng phải là nhân của cái mền. Nhưng nếu không có nhân thì sẽ không có quả. Tại sao? Vì nhờ có nhân duyên nên quả mời thành. Nếu nhân không thể thành thì làm sao quả có thể thành?

Nếu không có sự tạo thành thì không thứ gì có thể được gọi là một quả. Các nhân như những sợi dệt không thể sanh ra các thứ quả như những cái mền. Tại sao? Những sợi dệt không sanh ra cái mền vì chúng chỉ cung cấp một nơi chốn không có quả. Cho nên không có nhân và cũng không có quả. Nếu không có nhân không có quả, người ta không nên tìm xem nhân bao gồm quả hay không bao gồm quả.

Giả thử một nhân bao gồm quả và người ta không nhận ra quả. Nhưng các tướng của quả thì phải có thể nhận ra. Thí dụ, chúng ta ngửi thấy mùi thơm và biết rằng có những bông hoa; chúng ta nghe thấy tiếng chim hót và biết rằng có một con chim; chúng ta nghe thấy tiếng cười và biết rằng có một con người; chúng ta trông thấy khói và biết rằng có lửa; chúng ta trông thấy con hạc và biết rằng có hồ nước ở gần. Vì vậy, nếu một nhân bao gồm một quả thì phải có những dấu hiệu. Nay, không có vật thể và cũng không có những tướng một quả; cho nên chúng ta biết rằng nhân không bao gồm quả ở trong nó.

Nếu trong nhân bao gồm quả và rồi sanh ra quả thì người ta không nên nói rằng những sợi dệt gây ra cái mền hoặc mớ cỏ lát gây ra cái chiếu. Nếu nhân không bao gồm quả thì chẳng có cái gì có thể sanh ra quả. Thí dụ, nếu có cái mền không làm bằng sợi dệt, nó có thể được làm bằng cỏ hay không? Nếu nó không làm bằng sợi hay cỏ thì chúng ta có nên nói rằng nó không sanh ra chăng? Nếu nó không sanh ra, chúng ta có thể gọi nó là quả. Nếu không có quả thì không có nhân, như đã nói trước đây. Vì vậy, chẳng phải là nhân đã bao gồm quả ở trong nó và rồi sanh ra quả.

Nếu một quả không phải do bất cứ thứ gì tạo nên thì nó phải là thường hằng như Niết Bàn. Nếu quả là thường hằng thì tất cả hữu vi pháp đều là thường hằng. Tại sao? Vì tất cả hữu vi pháp đều là quả. Nếu chư pháp đều là thường hằng thì chẳng có vô thường. Nhưng nếu không có vô thường thì cũng không có thường hằng. Tại sao? Vì có thường hằng nên mới có vô thường, và có vô thường nên mới có thường hằng. Nếu vậy, chẳng có thường hằng mà cũng chẳng có vô thường. Nhưng đó là điều bất khả. Vì vậy, người t̀a không nên nói rằng nhân đã bao gồm quả ở trong nó rồi sanh ra quả.

Nếu nhân đã bao gồm quả ở trong nó rồi sanh ra quả, thì quả sẽ sanh ra quả khác. Thí dụ, một cái chiếu khiến có người ngồi lên nó, một cái màn tạo ra sự che phủ, và một cái xe tạo ra sự vận tải. Nhưng thực ra những quả này chẳng phải được gây ra như vậy. Cho nên, người ta không nên nói rằng nhân đã bao gồm quả ở trong nó và sanh ra quả.

Một người nào đó có thể lý luận rằng đất có mùi thơm, nhưng nếu không có mưa thì mùi thơm đó không toát ra. Một quả chỉ giống như sau: Nó sẽ không sanh ra nếu không có sự phối hợp của các nhân duyên. Nhưng không phải vậy. Tại sao? Như bạn nói, một cái gì đó chỉ được gọi là quả sau khi nó đã được tạo ra, vậy thì những vật như cái bình không phải là quả. Tại sao? Bởi vì vật gì được tạo ra là do tạo ra. Nhưng theo lý luận của bạn những vật như cái bình đã có thật và không phải là những thứ đã được tạo ra. Vì vậy, nếu quả là cái gì đã được tạo ra thì không thể nói rằng nhân đã bao gồm quả ở bên trong và sản xuất ra quả.

Thứ nhân soi sáng có thể soi sáng như không thể sanh sản ra những vật gì. Thí dụ, khi một ngọn đèn được thắp để soi sáng chiếc bình trong bóng tối thì nó cũng soi sáng cả cái giường và những vật khác trong phòng ngủ. Những nhân duyên phối hợp để làm ra một cái bình không thể sản xuất một cái giường và những đồ vật khác. Vì vậy, người ta nên hiều rằng một nhân không bao gồm một quả ở bên trong.

Nếu một quả đã thực sự có sẵn trong một nhân rồi được sản xuất ra thì người ta không thể phân biệt giữa cái đã được tạo ra và cái chưa được tạo ra. Nhưng bạn đã phân biệt như vậy. Cho nên, chẳng phải một nhân đã có sẵn một quả và sản xuất ra nó.

Bây giờ giả thử một quả không có sẵn một nhân ở trong nó nhưng nó sản xuất ra quả. Điều này không thể được. Tại sao? Nếu cái gì đó có thể sanh ra từ hư không, thì người ta có thể mọc thêm cái đầu thứ nhì và cái tay thứ ba. Tại sao? Bởi vì một cái gì đó có thể sanh ra từ hư không.

Hỏi: Những vật như cái bình có nhân duyên cho nên chúng có thể sanh ra. Nhưng cái đầu thứ nhì và cái tay thứ ba không có nhân duyên, vì vậy, làm sao chúng có thể sanh ra được? Cho nên điều ngài vừa nói là không đúng.

Đáp: Một cái đầu thứ nhì, một cái tay thứ ba, một cái bình và những quả khác đều không có trong nhân của chúng. Thí dụ, không phải có cái bình trong đất sét và không có cái bình trong tảng đá. Vậy tại sao chúng ta coi đất sét là nhân của cái bình mà không coi tảng đá là nhân của nó? Tại sao chúng ta gọi sữa là nhân của phó mát, và gọi sợi dệt là nhân của tấm thảm mà không gọi cỏ lát là nhân của nó.

Nếu một nhân không có một quả ở trong nó nhưng nó sanh ra quả thì bất cứ cái gì cũng có thể sanh ra bất cứ cái gì khác. Nếu vậy một ngón tay có thể sanh ra xe, ngựa, thực phẩm và những thứ khác. Tương tự như vậy, sợi dệt chẳng những có thể sản xuất ra tấm thảm mà còn sản xuất ra xe, ngựa và thực phẩm. Tại sao? Nếu vật nào đó có thể sanh ra từ hư không thì tại sao sợi dệt lại không thể sản xuất ra xe, ngựa, thực phẩm, mà chỉ có thể sản xuất ra tấm thảm – vì tất cả những thứ đó đều không có thực trong nhân?

Nếu nhân không có quả ở trong mà sanh ra quả thì nhân chẳng cần có năng lực đặc biệt nào đó để sản xuất ra quả đặc biệt nào đó. Thông thường, nếu chúng ta muốn có dầu, chúng ta lấy ra từ mè, chứ chẳng phải từ cát. Nhưng nếu chúng không có liên hệ gì với nhau, tại sao chúng ta lấy dầu từ mè chứ không phải từ cát?

Có lẽ bạn nói rằng chúng ta từng trông thấy mè sản xuất ra dầu, nhưng chúng ta không bao giờ trông thấy cát sản xuất ra dầu. Vì vậy chúng ta kiếm dầu từ mè chứ không phải từ cát. Nói vậy là không hợp lý. Tại sao? Nếu cái gọi là “sanh tướng” (dấu hiệu của sự sanh sản), thì người ta có thể nói rằng vì chúng ta từng nhìn thấy mè sản xuất dầu nhưng không bao giờ trông thấy cát sản xuất dầu, nên chúng ta tìm dầu mè mà không tìm từ cát. Tuy nhiên, không có “sanh tướng,” cho nên người ta không thể nói rằng vì chúng ta đã trông thấy mè sản xuất dầu, nên chúng ta tìm dầu từ mè mà không tìm từ cát.

Nay tôi không những bác bỏ một thí dụ của sự sanh sản từ nhân mà còn bác bỏ tất cả những nhân và quả. Nếu nói rằng một nhân đã có sẵn một quả ở trong nó và sanh ra quả, rằng một nhân không có sẵn một quả và sanh ra quả, rằng một nhân vừa có sẵn vừa không có sẵn quả và sanh ra quả, thì những lập luận đó không đứng vững. Thí dụ của bạn nói rằngt bạn đã trông thấy mè sản xuất dầu [cho nên tìm dầu từ mè] là căn cứ vào ý niệm sanh sản từ nhân, nhưng ý niệm đó không đứng vững.

Nếu quả không có nhân ở trong nó mà lại sanh ra quả, thì đặc tính của nhân không thể có. Tại sao? Nếu một nhân không có cái gì [ở trong nó] thì làm sao nó có thể sanh sản ra cái gì? Làm sao nó có thể sanh sản hoặc đạt được cái gì? Nếu không có sự chế tạo hoặc sanh sản thì làm sao nó có thể được gọi là nhân? Vì vậy một tác nhân không thể tạo cái gì, và cái được tạo ra cũng không thể tạo cái gì khác.

Nếu nhân đã có quả ở trong nó thì không có sự khác biệt giữa sự tạo tác, tác nhân, và vật được tạo ra. Bởi vì nếu quả đã có thật rồi thì tại sao nó lại còn được tạo ra lần nữa? Bởi vậy, bạn có thể nói rằng vì sự tạo tác, tác nhân, vật được tạo ra, và các nhân khác không thể thiết lập, chonên tôi phải chấp nhận lập luận rằng một nhân không bao gồm một quả ở trong nó. Tuy nhiên điều đó không nhất thiết là đúng. Tại sao? Nếu người ta chấp nhận sự khác biệt giữa sự tạo tác và tác nhân, và sự sanh sản từ nhân, thì họ phải chấp nhận lời biện luận của bạn. Nhưng tôi khẳng định rằng sự tạo tác, tác nhân, và nhân quả đều là không. Hơn nữa, việc bác bỏ sự tạo tác, tác nhân và nhân quả của bạn phù hợp với lập trường của tôi và không chống lại tôi. Vì vậy tôi vẫn cho rằng lập luận “một nhân không bao gồm một quả rồi sản xuất ra quả” là không đứng vững. Nếu người nào chấp nhận rằng một nhân bao gồm một quả, thì bạn bác bỏ ý niệm đó. Nhưng tôi không nói rằng một nhân đã bao gồm sẵn một quả ở trong nó; vì vậy tôi không cần phải chấp nhận sự phản bác của bạn, và tôi cũng không cần phải chấp nhận luận điểm rằng một nhân không bao gồm một quả ở trong nó.

Lập luận “một nhân vừa bao gồm vừa không bao gồm một quả nhưng sanh ra quả” cũng không đứng vững. Tại sao? Vì “bao gồm” và “không bao gồm” là trái ngược nhau trong bản chất. Làm sao những thứ trái ngược nhau trong bản chất lại có thể ở cùng nhau? Giống như ánh sáng và bóng tối, đau khổ và sung sướng, đi và ở, trói buộc và cởi mở, không thể ở cùng nhau; vì vậy một nhân vừa bao gồm vừa không bao gồm một quả thì không thể sanh sản. Vả lại, lập luận “một nhân vừa bao gồm vừa không bao gồm một quả” đã bị bác bỏ ở phần trên khi chúng ta xét những trường hợp bao gồm và không bao gồm.

Vì vậy, nếu một nhân không bao gồm một quả ở trong nó, thì không có sự sanh sản. Nếu một nhân bao gồm một quả ở trong nó thì cũng không có sự sanh sản. Và nếu một nhân vừa bao gồm vừa không bao gồm một quả thì cũng không có sự sanh sản. Không thể biện luận xa hơn nữa, chúng ta đã khảo sát tất cả những phương diện và không thể tìm thấy sự sanh sản. Vậy thì rốt cuộc quả chẳng phải được sanh sản ra.

Khi mà rốt cuộc không có sự sanh sản ra quả thì tất cả những sự vật được tạo ra (hữu vi pháp) đều là không. Tại sao? Vì tất cả mọi sự vật được tạo ra đều là nhân và quả.

Khi mà những vật được tạo ra đều là không thì những thứ không được tạo ra (vô vi pháp) cũng là không.

Khi mà cả hữu vi pháp lẫn vô vi pháp đều là không thí cái “ngã” chẳng là không hay sao?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]