Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần Tìm Hiểu Phẩm 10: Phân biệt Huệ

03/05/201115:33(Xem: 12170)
Phần Tìm Hiểu Phẩm 10: Phân biệt Huệ
 
GIẢI THOÁT ĐẠO LUẬN
VIMUTTI MAGGA
Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt

Phần 2:PHẦN TÌM HIỂU

Phần Tìm Hiểu Phẩm 10: Phân biệt Huệ

 

Chuyển tiếp: Con đường giải thoát theo trong Luận văn, gồm có việc tu tập Giới, Định Huệ. Trong chín Phẩm trước, Luận văn lần lượt trình bày đường lối tu tập để giữ Giới chothanh tịnh, để tâm được an trú vào Định lực, nhằm đến mục tiêu cuối cùng là phát triển được Trí Huệ.

Phẩm 10 nầy trình bày các hình thức của Trí Huệ Bát-nhã đưa hành giả đến nơi giác ngộ và giải thoát.

080. Dàn bài của Phẩm 10: Phân biệt Huệ.

I. Nhập đề:Chẳng thấy có phần Nhập đề, Luận văn đi thẳng vào định nghiã Trí huệ là gì.

II. Thân bài:Thân bài chia ra hai phần rõ rệt: (1) thế nào là Trí huệ và công đức của Trí Huệ; (2) các loại Trí huệ.

A. Thế nào là Trí huệ / Bát-nhã:phiên âm chữ Phạn Prajna, chữ Pàli Panna.

1. Hình tướng và chức năng của Trí Huệ:

11. Huệ là nhìn sự vật đúng như thật.
12. Định nghiã trong A-tỳ-
đàm: phân biệt việc lợi ích và chẳng lợi ích.
13. Trí Huệ và Bát-nhã.
14. Các chức n
ăng của Trí Huệ / Bát-nhã: chọn lựa đúng; đưa đến Chánh trí; sức mạnh phá tan ngu si; ánh sáng như ngọn đèn; qúi như bảo vật.

15. Phạm vi của Trí Huệ: bốn Chơn lý Nhiệm mầu;

16. Các công đức của Trí Huệ: bài Kệ trong Luận văn

17. Nghiã của Trí Huệ: đoạn trừ phiền não.

B . Các loại Trí Huệ:

Chỉ có một Trí Huệ Bát-nhã nhưng biểu lộ ra dưới nhiều hình thức. Luận văn sắp xếp thành hai loại, ba loại bốn loại.

1. Hai loại Trí Huệ:

11. Trí Huệ ở thế gian, còn nhiều lậu hoặc;
12. Trí Huệ xuất thế gian, dứt lậu hoặc.

2. Ba loại Trí Huệ:

21. Văn huệ, Tư Huệ và Tu Huệ:

Văn Huệ: nhờ nghe mà được huệ;
Tư Huệ:
do suy tư mà khởi lên Huệ;
Tu Huệ:
do tu nhập vào chánh
định.

22. Huệ đến, Huệ đi Huệ phương tiện:

Huệ đến làm lợi cho nghiệp lành;
Huệ đi
làm tăng ác nghiệp;
Huệ phương tiện dùng tất cả mọi phương tiện
để làm tăng việc hành thiện.

23. Huệ tụ, chẳng tụ, Huệ vừa tụ vừa chẳng tụ:

Huệ tụ tích luỹ nghiệp lành ở ba nghiệp;
Huệ chẳng tụ
ở bốn đạo hàng Thanh văn;
Huệ vừa tụ vừa chẳng tụ: Huệở bốn quả hàng Thanh v
ăn, tụ ba nghiệp lành, mà chẳng tụ ở bốn quả.

3. Bốn loại Trí Huệ:

31. Huệ tùy nghiệp, Huệ hợp Chơn lý, Huệ liên hệ Đạo, Huệ liên hệ Quả:

Huệ tùy nghiệp: khởi lên tại các lãnh vực của Chánh kiến;
Huệ hợp Chơn lý:
khởi lên khi thấy các đặc tướng Khổ, Vô thường, Vô ngã.
Huệ liên hệ Đạo
khởi lên khi hiểu rõ bốn
Đạo hàng Thanh văn;
Huệ liên hệ Quả khởi lên khi
đắc bốn Quả hàng Thanh văn.

32. Huệ dục giới, sắc giới, vô sắc giới, đạo quả:

Huệ dục giới khởi lên khi làm việc thiện xác định ở cõi dục giới;
Huệ sắc giới
khởi lên khi làm các việc thiện xác định ở cõi sắc giới;
Huệ vô sắc giới
khởi lên khi làm các việc thiện xác định ở cõi vô sắc giới.
Huệ liên hệ với Đạo và quả
khởi lên khi tu tập bốn Đạo và bốn Quả Thanh văn

33. Pháp trí, tỉ trí, tha tâm tâm trí đẳng trí:

Pháp trí khởi lên khi tu tập các Đạo Quả trong Chánh pháp;
Tỉ trí khởi lên khi hiểu biết sự việc quá khứ, hiện tại và vị lai;
Tha tâm trí
khởi lên khi hiểu được tâm của kẻ khác;
Đẳng trí khởi lên ngoài ba
địa hạt trên.

34. Huệ do nhàm chán, chưa thông đạt; Huệ chẳng do nhàm chán mà thông đạt; Huệ do nhàm chán mà thông đạt, và Huệ chẳng do nhàm chán, chẳng thông đạt:

Huệ do nhàm chán tham dục nhưng chưa thông đạt Bốn Chơn Lý nhiệm mầu
Huệ chẳng do nhàm chán mà thông
đạt được bốn Đạo và bốn Quả Thanh văn;
Huệ do nhàm chán các tham dục mà thông
đạt được bốn Quả và bốn Đạo
Các Huệ còn lại thuộc nhóm thứ tư.

35. Có bốn loại Huệ về biện luận:

Huệ nghiã biện: phân biệt rõ về nghiã;
Huệ pháp biện:
thông
đạt Chánh pháp; hiểu rõ đầy đủ 12 loại bộ kinh;
Huệ từ biện: phân biệt rõ ngữ nguyên; giải thích rõ nghiã và lời;
Huệ lạc thuyết biện:
phân biệt chính sự hiểu biết, và thuyết giảng chẳng ngại.

36. Bốn loại Trí: Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí.

Nơi Khổ trí, Huệkhởi khi hiểu Khổ đế;
Nơi Tập trí, Huệ khởi khi hiểu Tập đế, các nguyên nhân gây ra Khổ;
Nơi Diệt trí, Huệ khởi khi thực hiện việc tận diệt các nguyên nhân gây ra Khổ
Nơi
Đạo trí, Huệ khởi khi thi hành theo Bát Chánh Đạo.

III. Kết luận:Chẳng thấy phần Kết luận của Phẩm 10.

081. Tìm hiểu nghiã các chữ khó của Phẩm 10:

Huệ: Huệ = Trí Huệ = dịch nghiã chữ Bát-nhã. Chữ Bát-nhã vốn do phiên âm chữ Phạn Prajna, chữ Pàli Panna, có nghiã trí thông minh hiểu biết mọi sự vật. Sở dĩ Kinh sách thường chẳng dịch chữ Bát-nhã mà chỉ phiên âm, là vì các bực đại sư sợ người đời lẫn lộn trí thông minh thông thường với Trí Huệ Bát-nhã. Chỗ khác nhau giữa hai trí đó là, một đằng thông minh, lanh lợi, bặt thiệp, nhưng chỉ nhằm mục đích đem mối lợi về cho mình, còn đằng khác, Trí Huệ Bát-nhã thì có khả năng đưa hành giả đến bờ giác ngộ và giải thoát.

Nói cách khác, trí thông minh trí tại thế gian; trong khi Trí Huệ Bát-nhã trí xuất thế gian.

A-tỳ-đàm: phiên âm chữ Pàli Abhidhamma, dịch nghiã là Luận tạng, các bộ Luận, bàn về Chánh pháp, trong Tam Tạng Kinh điển. Còn được dịch là Vi diệu pháp, nghiã là các pháp vi diệu, nhiệm mầu, giúp cho hành giả tu tập để đi đến giác ngộ và giải thoát.

Chánh trí: Xem lại trang 455, Phẩm 8.

Huệ trượng: Huệ = trí huệ; Trượng = gậy gộc, một thứ vũ khí. Ví Bát-nhã như Huệ trượng, vì với Trí Bát-nhã ta có thể đánh dẹp các sự cám dỗ, các mối đe doạ, để phòng thân.

Huệ câu: Huệ = trí huệ; Câu liêm = loại vũ khí dài, ở đầu có móc câu nhọn. Lý do ví Bát-nhã với một vũ khí là vì Bát-nhã có sức mạnh tinh thần giúp ta phòng vệ thân tâm.

Huệ quang,Huệ minh,Huệ đăng: Huệ = trí huệ; Quang = ánh sáng; Minh = sáng; Đăng = đèn. Bát-nhã chiếu sáng lên nên được ví như ánh sáng, như ngọn đèn.

Huệ điện: Bát-nhã đẹp đẽ, lộng lẫy như cung điện

Huệ bảo: Bảo = vật qúi báu. Ví Bát-nhã với bảo vật.

Biện luận = tranh luận, bàn luận, bàn cãi hơn thua nhau về lý lẽ.

Chơn Như: Chơn = chơn thật, Như = như thế. Chơn Như hoặc Như Như là tiếng chuyên môn trong Phật học để nói đến Chơn Lý tuyệt đối.

Ngoại đạo: Ngoại = ngoài; Đạo = tôn giáo. Chữ ngoại đạo trong Phật học dùng để chỉ các tôn giáo, các môn phái chẳng phải là chánh tông của Phật giáo.

Nguyên gốc của chữ nầy chẳng có nghiã xấu, nhưng sau thường được dùng để chỉ các đạo phái mê tín, các bàng môn tả đạo.

Thế pháp: Thế = đời, thế tục, đời sống thường chưa tu hành. Sống theo thế pháp là sống theo tục lệ, luật lệ ở đời.

Lý Nhân Duyên: Xem lại trang 496, Phẩm 8

Danh-Sắc: Xem lại các trang 422 và 426 Phẩm 8.

Tứ Đế = Tứ Diệu Đế: Tứ = bốn; Diệu = nhiệm mầu, kỳ diệu; Đế = Chơn lý, Sự Thật. Bốn Chơn lý Nhiệm mầu là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế Đạo đế.(1) Khổ đế là Chơn lý về sự khổ ở đời; (2) Tập đế là Chơn lý về nguốn gốc gây nên sự khổ; (3) Diệt đế là Chơn lý về sự tận diệt sự khổ, đắc được Niết-bàn; (4) Đạo đế là Chơn lý về con đường Bát Chánh Đạo, có tám ngành, đưa đến sự tận diệt các phiền não và được giải thoát. Tứ Diệu Đế được Đức Phật Thích-ca thuyết giảng lần đầu tiên, sau khi Ngài thành Đạo, ở vườn Lộc uyển cho năm anh em ông Kiều trần như nghe, gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân.

Khế Kinh: Khế = phù hợp với; Kinh = lời Đức Phật giảng, được ghi chép lại trong Tam Tạng Kinh Điển. Tại sao gọi là khế kinh?Vì Kinh của Phật giảng khế lý, nghiã là phù hợp với Chơn Lý. Và vì Kinh của Phật giảng khế cơ, nghiã là phù hợp với căn cơ, với khả năng của người nghe. Hơn nữa, khi dịch chữ Phạn Sutra, Pàli Sutta, ra tiếng Hán Việt bằng chữ Kinh, các bực đại sư sợ lộn với Ngũ Kinh của Đức Khổng Tử, nên dịch Kinh Phật là khế kinh. Đôi khi, chữ sutra chẳng được dịch mà chỉ phiên âm là Tu-đa-la.

Kết sử: Kiết sử: Kết = ràng buộc; Sử = sai khiến. Có mười kết sử, tức là mười mối tình cảm hay phiền não, ràng buôc thân tâm, sai khiến ta phải hành động theo con đường chẳng lành.

Đó là ngũ hạ kết, hoặc ngũ độn sử, năm mối ràng buộc của người căn cơ còn thấp kém: (1) tham kết, (2) sân kết, (3) thân kết, (4) giới cấm thủ kết, (5) nghi kết. Nói cách khác, năm kết sử thấp nầy gồm có: tham, giận, có thân kiến (chấp thân tâm nầy là Ta), tin thờ các nghi thức mê tín, dị doan, và sự nghi ngờ; các tình cảm phiền não nầy che mờ con đường lành, súi dục con người theo đường dữ.

ngũ thượng kết, hoặc ngữ lợi sử, năm mối ràng buộc cao hơn, nhưng vẫn sai khiến con người hành động chẳng đúng theo Chánh pháp: (6) sắc ái kết, (7) vô sắc ái kết, (8) trạo kết, (9) mạn kết, (10) vô minh kết. Nói cách khác, năm kết sử cao nầy gồm có: yêu thích cõi sắc giới, cõi vô sắc giới, thân tâm còn xao động, vụt chạc, sự kiêu mạn, phách lối, và sự ngu si, mê mờ; các tình cảm phiền não nầy, tuy cao hơn, nhưng vẫn che mờ con đường lành theo Chánh pháp.

Văn huệ: Văn = nghe; Huệ = trí huệ. Văn huệ là trí huệ phát khởi lên nhờ nghe người chỉ dạy; sự hiểu biết từ bên ngoài vào.

Tư huệ: Tư = suy nghĩ. Tư huệ là trí huệ phát khởi lên nhờ sự suy tư của chính mình; sự hiểu biết từ bên trong nhờ suy nghĩ mà phát giác được.

Tu huệ: Tu = tu tập. Huệ = trí huệ. Tu huệ là trí huệ phát khởi như tu tập Định lực; nhờ tâm an định, chú ý đến đề mục quán tưởng mà sự hiểu biết trong Thiền Định được tăng lên. Chẳng do suy nghĩ, chẳng do nghe nói đến, sự hiểu biết bên trong nầy phát khởi do định lực nhờ tu tập bốn cấp Thiền.

Tam-muội: Xem lại trang 506, Phẩm 10.

Bốn Đạo và Bốn Quả: đạo và quả cấpTu-đà-huờn, đạo và quả cấp Tư-đà-hàm, đạo và quả cấp A-na-hàm,đạo và quả cấp A-la-hán. Đạolà con đường đang tu tập; Quả là kết quả việc tu tập đã thành công, còn gọi là quả vị.

Kham nhẫn: Kham = ưng chịu, gánh vác được; nhẫn = nhịn nhục, bền chí. Kham nhẫn là vui lòng gánh chịu sự khó khăn, khổ sở mà chẳng than van.

Pháp trí: Pháp = chánh pháp, giáo pháp, đạo pháp; Trí = trí huệ. Pháp trí là trí huệ khởi lên khi theo đúng Chánh pháp.

Tỉ trí: Tỉ = so sánh; trí = trí huệ. Tỉ trí là trí huệ khởi lên khi có sự hiểu biết trong việc so sánh thời hiện tại với hai thời quá khứ và vị lai. Trái nghiã với Đẳng trí.

Đẳng trí: Đẳng = bình đẳng, ngang hàng, chẳng có sự phân biệt kỳ thị chỗ hơn chỗ kém. Đẳng trí là trí huệ khởi lên khi tâm bình đẳng, đối xử với mọi việc đồng đều, chẳng so đo hơn kém, bỏ sự chấp thủ, chọn lấy sự buông xả với xả niệm.

Nghiã biện: Nghiã = ý nghiã, phần nội dung; Biện = biện luận, tranh luận. Nghiã biện là một ngành của sự tranh biện, bàn cãi về ý nghiã, nội dung của đề mục.

Pháp biện: Pháp = chánh pháp, giáo pháp; Biện = tranh biện, bàn cãi. Pháp biện là trí huệ khởi lên khi xét đến cách luận bàn về đạo pháp được thông suốt.

Từ bìện: Từ = chữ, ngôn ngữ; Biện = biện luận, môn học về... Từ biện là khoa học cứu xét về căn nguyên của ngôn ngữ, còn gọi là ngữ nguyên học.Giỏi về từ biện là rành rẽ về nguồn gốc của chữ, của ngôn ngữ.

Lạc thuyết biện: Lạc = vui; Thuyết = nói; Biện = tranh biện, bàn cãi. Lạc thuyết biện là trỏ vào người khéo nói, vui nói trong khi tranh biện, giảng giải giáo pháp rành rẻ, dễ hiểu, dễ nhớ khiến người nghe thích thú mà tin theo.

Thập Nhị Bộ Kinh = Mười hai loại Bộ Kinh = Những lời thuyết giảng của Đức Phật Thích-ca được kết tập thành mười hai loại hình thức bài pháp; xin đừng lầm rằng Đức Phật chỉ nói có 12 Bộ Kinh; Ngài đã thuyết giảng trong hơn 45 năm, vô số Kinh kệ, ghi trong Tam Tạng Kinh Điển, số lượng kinh đến hơn ngàn bộ. Các hình thức bài pháp đó gồm có:

Khế Kinh:Xem lại trang 514, Phẩm 10 nầy. Còn gọi là Trường hàng, những bản Kinh dài. (Phạn: sutra)

Trùng tụng: Trùng = nhắc lại, lập lại ý chánh dưới hình thức ngắn gọn hơn. (Phạn: geya)

Thọ ký: bản Kinh trong đó Đức Phật có tuyên bố một hay nhiều người đệ tử sẽ đắc ngôi vị Chánh đẳng Chánh giác, trong tương lai. (Phạn: vyakarana)

Phúng tụng: Phúng = tiếng đọc trầm buồn để cảm hoá người; Tụng = đọc. Phúng tụng là một hình thức bốn câu thơ ngắn, gọi là tứ cú kệ, hay nói tắt là Kệ. Như các bài Kệ trong Kinh Pháp Cú. (Phạn: gathà)

Tự thuyết: Tự = chính mình; Thuyết = nói. Khi thuyết giảng, phần nhiều bản Kinh do các đệ tử nêu một vấn đề thắc mắc lên, được Đức Phật giải thích. Nhưng trong phần tự thuyết, tự Đức Phật nêu lên vấn đề chẳng có ai thưa hỏi, mà đem dạy cho đệ tử. Còn gọi là vô vấn tự thuyết. (Phạn: Udàna).

Nhân duyên: Nhân = nguyên nhân; Duyên = duyên cớ; Xin xem lại trang 496, Phẩm 8. Ở đây, nói đến các bản Kinh giải thích về Mười hai Nhân duyên liên kết nhau tạo thành vòng Luân hồi sanh tử của chúng sanh. 12 nhân duyên: (1) Vô minh, (2) Hành, (3) Thức, (4) Danh-Sắc, (5) Lục nhập, (6) Xúc, (7) Thọ, (8) Ái, (9) Thủ, (10) Hữu, (11) Sanh, (12) Tử, sẽ được Phẩm 11: Năm Phương tiện giảng rõ thêm. (Pàli: Nidàna).

Thí dụ: Những bản Kinh dùng thí dụ để giải thích nghiã thâm sâu. (Phạn: Avadàna)

Bổn sự: Quyển thứ tư của Tiểu Bộ Kinh gồm các bản kinh ngắn, khởi đầu bằng câu: "Đức Phật có nói như vầy" (Pàli: Itivuttaka)

Bổn sanh: Những bản Kinh thuật lại các tiền kiếp của Đức Phật Thích-ca. (Pàli: Jàtaka)

Phương quảng: Phương đẳng = Những bản Kinh lớn của Đại Thừa Phật giáo, như Kinh Hoa nghiêm, Kinh Thủ lăng nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Đại Bát-Niết-bàn, v.v. (Phương = vuông; Quảng = rộng lớn; Đẳng = bình đẳng, ngang hàng nhau) (Phạn Valpulya)

Vị tằng hữu: Vị = chưa; tằng = từng; hữu = có. Vị tằng hữu là những bản Kinh thuật lại những sự việc phi thường chưa từng xảy ra trong đời, như việc khi Đức Phật mới đản sanh đã bước đi bảy bước, hào quang sáng chói khắp bốn phương. (Phạn: Abhudharma)

Luận nghị: Luận = Nghị = bàn luận về ý nghiã của sự việc. Đây là những bản Kinh Đức Phật giảng rõ nghiã và phân biệt các tướng mạo. (Phạn: Upadesa).

Khổ trí: Khổ = đau khổ; Trí = trí huệ. Khổ trí là trí huệ khởi lên khi thông hiểu rõ về Khổ đế.

Khổ tập trí:Khổ tập = nguồn gốc gây ra sự đau khổ. Khổ tập trí là trí huệ khởi lên khi thông hiểu rõ Tập đế, Chơn lý thứ hai nói về các nguyên nhân của sự Khổ.

Khổ diệt trí: Khổ diệt = sự tận diệt các nỗi Khổ. Khổ diệt trí là trí huệ khởi lên khi thông hiểu và thực hiện được sự tận diệt các nỗi Khổ nói trong Diệt đế, Chơn lý thứ ba nói về sự diệt Khổ và Niết-bàn.

Đạo trí: Đạo = đây là Bát Chánh Đạo, con đường tám ngành thuộc về Đạo đế, Chơn lý thứ tư về phương cách tu tập để tiêu diệt các nỗi Khổ.

Cụ túc trí: Cụ túc = đầy đủ;Cụ túc trí gồm có 4 trí trên.

082. Tìm hiểu và suy gẫm về Phẩm 10:

1) Tóm tắt ý nghiã của Phẩm 10:

11. Luận văn nơi Phẩm 10, chẳng có phần Nhập đề và phần Kết luận, mà lại đi thẳng vào đề mục Trí Huệ Bát-nhã. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, mục tiêu việc tu tập theo Giáo lý nhà Phật là đạt đến nơi giác ngộ, để tự mình giải thoát mình ra khỏi cảnh khổ đau sanh tử của Luân hồi. Nhằm mục tiêu nầy, việc giữ Giới ở các Phẩm đầu tiên có nhiệm vụ tạo nên một kỷ luật tự giác chính mình đặt mình vào khuôn khổ tu tập. Một khi việc giữ giới được thanh tịnh, thân tâm trở nên an tịnh, dễ mà đắc được Định lực. Nhờ định lực nầy, càng ngày càng thâm hậu, khiến cho Trí Huệ được khởi lên, vẹt hết mọi che mờ u ám của vô minh và phiền não, khiến cho con đường giải thoát càng ngày càng sáng tỏ; mọi cố gắng đưa đến các kết quả trông thấy rõ rệt, và do đó mà vững bước tiến tu.

12. Luận văn đưa ra định nghiã rất rõ ràng về Trí Huệ: tâm ý nhìn thấy sự vật đúng như hiện thấy, chẳng bị che mờ, chẳng có sẵn thành kiến, chẳng có sự phân biệt kỳ thị. Sự Thật như thế nào thì thấy ra như thế ấy, đó là trí Bát-nhã.

Sau định nghiã, Luận văn kể ra những đức tánh cao qúi của Trí Bát-nhã, ta chỉ cần nhớ đức tánh quan trọng bực nhứt nầy: cắt đứt mọi phiền não. Tại sao? Vì trước kia, thiếu trí, ta cũng dư biết các phiền não làm khổ cho ta, nhưng ta chưa thấy rõ cách thức để dẹp bỏ chúng. Giờ đây, với Trí Bát-nhã, thấy rõ các lợi hại, việc dẹp bỏ tùy ở ý chí của ta, và một khí ý chí còn ngần ngại, còn lùi sụt, Trí Bát-nhã nơi ta soi sáng thêm cho Chánh niệm, khiến ta cảm thấy tự hổ thẹn khi rời xa con đường chánh đạo, do đó mà biết chăm lo tu tập.

Phần quan trọng của Luận văn phân biệt tỉ mỉ các loại Trí Huệ Bát-nhã. Thật ra, mỗi người được phú sẵn một tâm trí sáng suốt, chớ chẳng phải có hai, ba, bốn loại; chẳng qua Trí ấy biến hiện dưới nhiều hình thức. Khi ta xét đến Đạo và Quả hàng Thanh văn, Trí ấy giúp ta thấy rõ bốn Đạo và bốn Quả mà Luận văn phân biệt một cách rất khó thấy là Huê tụ, chẳng tụ, và chẳng chẳng tụ. Cũng vậy, đối với bốn loại Trí huệ mà Luận văn liệt kê, Khổ trí, Khổ tập trí, Khổ diệt trí và Đạo trí, ta chỉ cần nhớ đến Bốn Chơn lý nhiệm mầu: Khổ, Tập, Diệt, Đạo là biết được Trí huệ khởi lên khi xét về Khổ, về Tập, về Diệt và về Đạo, vì cùng một Trí Bát-nhã mà hiểu thấu, thông đạt và thực hiện đến hoàn mãn. Giản dị và dễ nhớ hơn.

Nhưng điểm quan trọng bực nhứt về Trí huệ Bát-nhã là việc dẫn dắt mọi hành động, mọi suy tư của con người theo đúng con đường Chánh đạo, mà ta xét trong tiểu mục kế đây.

2) Khẩu hiệu của Đạo Phật: Từ Bi và Trí Huệ.

Đạo Phật là con đường đưa hành giả đến nơi giác ngộ và giải thoát: giác ngộ được cảnh khổ đau phải trôi lăn mãi trong cảnh sanh tử của vòng lẩn quẩn Luân Hồi; giải thoát khỏi mọi ràng buộc, phiền não của cuộc đời thế tục, sướng ít khổ nhiều nầy, để cất bước thênh thang, tự tại theo con đường an lạc của Niết-bàn. Giúp thực hiện mục tiêu đó, Đạo Phật nêu ra khẩu hiệu Từ Bi và Trí Huệ. Từ là ban vui; Bi là cứu khổ; Trí là thoát cảnh ngu si, mê mờ, Huệ là nhìn Sự Thậtđúng như thật.

Mình tu tập để được giác ngộ và giải thoát; mình đã biết được con đường đi đến mục tiêu, đem chia xẽ với người khác, đó là con đường tu hành của Bồ-tát, vừa tự độlại vừa độtha. Nhưng muốn đem nguồn vui đến cho mọi người thì trước nhứt, chính lòng ta phải tràn đầy niềm vui ấy. Thế cho nên muốn thực hiện hạnh Từ Bi, người Phật tử phải biết yêu chính mình, phải biết cứu khổ cho chính mình. Giúp cho ta nhận chân được điều ấy, chính là vai trò của Trí Huệ Bát-nhã, khả năng của tâm trí dẫn hành giả đến bờ giác ngộ và giải thoát.

Có trí thông minh tuyệt đỉnh ở đời, nhưng còn thiếu ánh Từ Bi rạng chiếu thì việc tranh danh đoạt lợi cho mình cũng khó tránh khỏi. Có lòng Từ Bi quảng đại ở đời, nhưng vắng bóng Trí Huệ Bát-nhã thì việc cứu giúp đồng loại cũng còn khiếm khuyết. Thế cho nên sức mạnh của Trí Huệ cần được đức Từ Bi dịu dàng hướng dẫn; cũng như hạnh Từ Bi cũng phải nhờ đến Trí Huệ soi đường. Cả hai, Từ Bi và Trí Huệ, bổ sung cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau, đồng đưa hành giả cùng nhơn loại đến cảnh thanh bình và an lạc lâu dài.

Thế nên, việc tìm hiểu và suy gẫm về Phẩm 10: Phân biệt về Huệ, người học Luận văn nầy nên hướng tâm đến khẩu hiệu nêu trên của Đạo Phật, và nhận ra tầm quan trọng của Trí Huệ: thiếu Trí huệ là thiếu tất cả; nhưng có đầy đủ Trí huệ cũng chưa được hoàn toàn, vì:

- Trí Huệ phải đi song hành với Từ Bi,

thì mục tiêu giác ngộ và giải thoátmới mong có ngày sớm đạt được.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]