Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tu tâm quyết

24/04/201116:27(Xem: 5732)
Tu tâm quyết

CHƠN TÂM TRỰC THUYẾT
Thích Đắc Pháp dịch
Tu Viện Chơn Không xuất bản

TU TÂM QUYẾT

Ba cõi nhiệt não như trong nhà lửa, chúng sanh an nhẫn đắm mình trong đó để chịu khổ dài. Muốn khỏi luân hồi không đâu bằng cầu Phật. Nếu muồn cầu Phật thì Phật tức là tâm. Tâm nào tìm chi cho xa, đâu có lìa thân này. Sắc thân là giả, có sanh có diệt. Chơn tâm như hư không, chẳng đoạn chẳng biến. Cho nên nói: “Hài cốt vỡ tan trở về lửa gió, một vật trường linh che trùm trời đất”.

Than ôi! Người hôm nay mê lâu thế? Chẳng biết tự tâm mình là chơn Phật, chẳng biết tự tánh mình là chơn pháp. Muồn cầu pháp mà cầu các thánh ở tha phương. Muồn cầu Phật mà chẳng quán tự tâm. Nếu nói ngoài tâm có Phật, ngoài tánh có pháp, chấp cứng tình nầy, muồn cầu Phật đạo, dù trải qua số kiếp như vi trần, đốt thân chặt tay đập xương ra tủy, chích máu viết kinh, ngồi mãi chẳng nằm, ngày ăn một bửa, cho đến đọc hết một đại tạng kinh, tu muôn ngàn khổ hạnh, chẳng khác nào nấu cát làm cơm, chỉ luống tự nhọc.

Ông chỉ hiểu tự tâm mình, thì hằng sa pháp môn, vô lượng diệu nghĩa chẳng cầu mà được. Đức Thế Tôn nói: “ Ta xem khắp tất cả chúng sanh đều có đủ đức tướng trí huệ của Như Lai”. Lại nói: “ Tất cả chúng sanh mỗi mỗi đều huyễn hóa mà hay sanh ra cái diệu tâm viên giác của Như Lai”. Thế nên lìa tâm này không Phật có thể thành. Quá khứ chư Phật chỉ là người sáng tâm mà thôi. Hiện tại các bậc Thánh hiền cũng là người tu tâm mà thôi. Vị lai người tu học nên y pháp như thế mà tu. Mong mỗi người tu cần yếu chớ tìm cầu bên ngoài. “Tâm tánh không nhiễm vốn tự viên thành, chỉ lìa vọng duyên tức như như Phật”.

***

Hỏi: Nếu nói Phật tánh hiện ở thân này, đã ở trong thân không lìa phàm phu. Cớ sao nay tôi chẳng thấy Phật tánh? Xin giải rõ khiến được khai ngộ.

Đáp: Ở tại thân ông mà tự ông chẳng thấy. Suốt mười hai giờ ông biết đói biết khát, biết lạnh, biết nóng, hoặc vui, hoặc giận,v.v... Trọn là vật gì? Lại sắc thân là địa thủy hỏa phong bốn duyên hội hợp, cái chất của nó là vô tình, đâu hay thấy nghe hiểu biết? Cái thấy nghe hiểu biết nhất định là Phật tánh của ông. Tổ Lâm Tế nói rằng: “Bốn đại chẳng biết nói pháp, chẳng nghe pháp. Hư không chẳng biết nói pháp, chẳng nghe pháp. Chỉ cái rõ ràng riêng sáng ở trước mẳt của ông, cũng chớ phân tích nó, cái ấy mới biết nói pháp và nghe pháp”.

Ba chữ “Chớ phân tích” là pháp ấn của chư Phật và cũng là tâm bổn lai của ông. Thế thì Phật tánh ở tại thân ông, đâu có nhờ cầu bên ngoài? Ông nếu chẳng tin, tôi sẽ nêu lên nhơn duyên nhập đạo của các bậc thánh xưa, để cho ông trừ hết nghi hoặc. Ông sẽ tin là chơn thật.

Xưa vua Dị Kiến hỏi tôn giả Ba La Đề rằng: Thế nào là Phật? Tôn giả đáp: Kiến tánh là Phật. Vua hỏi: Thầy kiến tánh chăng? Tôn giả đáp: Tôi kiến Phật tánh. Vua hỏi: Tánh tại chỗ nào? Tôn giả đáp: Tánh tại tác dụng. Vua hỏi: Ấy là tác dụng gì? sao trẫm chẳng thấy? Tôn giả đáp: Tôi đã thấy tác dụng rõ ràng, tự nhà vua không thấy đó thôi. Vua hỏi: Nơi trẫm có không? Tôn giả đáp: Bệ hạ nếu tác dụng thì đâu chẳng có. Còn bệ hạ nếu chẳng tác dụng thì thể kia khó thấy. Vua hỏi: Nếu khi đang tác dụng mấy chỗ xuất hiện? Tôn giả đáp: Nếu khi xuất hiện thì có tám chỗ. Vua nói : Xin vì trẫm chỉ tám chỗ xuất hiện kia. Tôn giả đáp: Nơi thai gọi là thân, ở đời gọi là người, nơi mắt gọi là thấy, nơi tai gọi là nghe, nơi mũi phân biệt các mùi nơi lưỡi đàm luận, nơi tay nắm bắt, nơi chơn chạy nhảy. Biến hiện thì khắp sa giới, thu lại thì chỉ trong hạt bụi. Người hiểu biết cho đó là Phật tánh, người chẳng hiểu gọi đó là tinh hồn. Nhà vua nghe xong liền khai ngộ.

Có một vị Tăng hỏi Hòa Thượng Qui Tông rằng: “Thế nào là Phật? Đáp: Ta nói ra sợ ông chẳng tin. Tăng thưa: Hòa Thượng nói thật con đâu dám chẳng tin. Đáp: Tức là ông đấy. Tăng hỏi: Bảo nhiệm như thế nào? Đáp: Vết mây nơi mắt làm cho không hoa rơi loạn. Vị Tăng kia ngay lời ấy tỉnh ngộ”.

Trên đã nêu lên nhơn duyên nhập đạo của các bậc thánh xưa, rõ ràng giản dị chẳng ngại đến tỉnh lực. Nhơn công án nầy, nếu có chỗ tin hiểu, tức cùng với thánh xưa nắm tay mà đi.

***

Hỏi: Ngài nói kiến tánh, nếu thật kiến tánh tức là thánh nhơn, ứng hiện thần thông biến hóa khác hẳn mọi người. Cớ sao bọn người tu tâm hiện nay, không có một người hiện thần thông biến hóa?

Đáp: Ngươi chớ nên khinh khi mà phát ra lời nói điên như thế. Chẳng phân tà chánh là người mê đảo. Người học đạo thời nầy miệng thời bàn chơn lý, tâm thì sanh thối khuất, trở lại rơi vào chỗ vô phần, nên khiến ông sanh nghi. Người học đạo chẳng biết trước sau, nói lý chẳng phân gốc ngọn, đấy là tà kiến chớ chẳng gọi là tu học, chẳng những chỉ tự lầm mà còn lầm người. Hạng người nầy há chẳng thận trọng ư?

Phàm nhập đạo có nhiều cửa, nhưng nói chỗ cốt yếu chẳng ngoài hai cửa “Đốn ngộ và tiệm tu”. Tuy nói đốn ngộ đốn tu là hàng căn cơ tối thượng mới được vào. Nếu suy về quá khứ thì đã nhiều đời y nơi ngộ mà tu lần lần huân tập cho đến đời nầy, nghe liền phát ngộ, một chốc liền xong. Xét lẽ thật thì cũng là căn cơ trước ngộ sau tu.

Lại, hai môn đồn tiệm nầy là lối mòn của ngàn thánh, các bậc thánh từ trước đâu chẳng trước ngộ sau tu; nhơn tu mới chứng. Cái gọi là thần thông biến hóa ấy, phải ngộ mà tu, rồi lần lần huân tập mới hiện, chớ chẳng phải khi ngộ rồi liền phát hiện. Như trong Kinh nói: “Lý liền đốn ngộ, nhân ngộ nên sự đều tiêu, chớ chẳng phải một chốc liền trừ được các nhơn, phải lần lượt mới hết”. Ngài Khuê Phong rất thấu đáo về nghĩa trước ngộ sau tu. Ngài nói: “Biết băng nơi hồ là toàn nước, nhờ ánh mặt trời mới tan ra. Ngộ phàm phu tức là Phật, nhờ pháp lực để huân tu. Băng tan thì nước chảy và mới có công dụng giặt rửa. Vọng hết thì tâm rỗng suồt, mới ứng hiện diệu dụng thần thông sáng suốt”. Thế thì, việc thần thông biến hóa chẳng phải một ngày có thể thành tựu được, phải tiệm huân lâu mới có thể phát hiện. Huống lại, việc thần thông đối với người liễu đạt, còn cho là việc yêu quái, và cũng là việc bờ mé ngọn ngành đối với bậc thánh, tuy cũng có hiện nhưng chẳng phải cần thiết.
Ngày nay bọn ngu mê vọng bảo rằng: một niệm khi ngộ liền hiện vô lượng thần thông biến hóa. Nếu hiểu như thế, bảo họ là kẻ không biết trước sau, cũng không phân được gốc ngọn. Đã không biết trước sau gốc ngọn mà muồn cầu Phật đạo, giống như người đem gỗ vuông cho vào lỗ tròn, há chẳng lầm to ư? Đã chẳng biết nên khởi ý tưởng phiêu lưu, tự sanh lui sụt, đoạn chủng tánh Phật, người như thế chẳng phải ít. Đã tự mình chưa sáng cũng không tin người khác có chỗ giải ngộ. Thấy người giải ngộ không thần thông liền sanh ngã mạn, khinh hiền dối thánh, thật đáng thương thay!

***

Hỏi: Ngài nói hai môn đốn ngộ tiệm tu là lối mòn của ngàn thánh. Đã đốn ngộ tại sao lại nhờ tiệm tu? Nếu tiệm tu cớ sao nói đốn ngộ? Lại xin tuyên nói hai nghĩa đốn tiệm, khiến dứt hết nghi thừa.

Đáp: Đốn ngộ ấy là phàm phu khi mê cho tứ đại làm thân, vọng tưởng làm tâm. Chẳng biết tự tánh là pháp thân chơn thật. Chẳng biết tự kỷ hư tri là Chơn Phật. Ngoài tâm tìm phật, trôi nổi trong gian khổ. Chợt được thiện tri thức chỉ cho đường vào, một niệm hồi quang thấy được bản tánh mình. Tánh địa nầy nguyên không phiền não. Trí tánh vô lậu vốn tự đầy đủ, tức cùng với trí tánh của chư Phật chẳng khác nhau chút nào.

Tổ Sư nói: “Đốn ngộ, tiệm tu là đốn ngộ cái bản tánh cùng chư phật không khác. Tập khí từ vô thủy khó trừ hết liền, nên phải y ngộ mà tu, lần lần huân tập mới thành công. Cũng như nuôi dưỡng thánh thai lâu ngày mới thành thánh, nên nói tiệm tu. Giống như trẻ sơ sanh các căn đều đầy đủ cùng với người không khác. Nhưng khí lực nó chưa đầy đủ, phải trải qua nhiều năm tháng mới thành người lớn.

***

Hỏi: Phải dùng phương tiện gì khiến một niệm hồi cơ, bèn ngộ tự tánh?

Đáp: Chỉ tự tâm ông, lại dùng phương tiện gì? Nếu dùng phương tiện để cầu giải hội: tỷ như có người chẳng thấy mắt của mình, cho rằng không mắt, lại muốn cầu thấy. Đã là mắt của mình thế nào lại thấy? Nếu biết chẳng mất tức là thấy mắt. Lại không có cái tâm cầu thấy thì đâu có cái tưởng chẳng thấy. Cái tự kỷ hư tri cũng lại như vậy. Đã là tự tâm sao lại cầu hiểu? Nếu muốn cầu hiểu bèn hiểu chẳng được. Chỉ biết chẳng hiểu ấy là kiến tánh.

***

Hỏi: Người thượng thượng căn nghe rồi liền dễ lãnh hội. Còn người trung hạ căn, đâu chẳng nghi hoặc? Xin nói phương tiện khiến người mê được vào.

Đáp: Đạo chẳng thuộc biết cùng chẳng biết. Ông nên từ bỏ cái tâm “đem mê đợi ngộ” mà nghe lời nói của ta: các pháp đều như mộng, như huyễn hóa. Cho nên vọng niệm vốn tịch, trần cảnh vốn không. Chỗ các pháp đều không ấy, là cái biết rỗng suốt chẳng mê (hư tri bất muội), tức là cái tâm không-lặng rỗng suốt nầy vậy. Đấy là bản lai diện mục của ông, cũng là cái pháp ấn ba đời chư Phật, lịch đại Tổ Sư và các bậc thiện tri thức trong thiên hạ, thầm thầm truyền nhau. Nếu ngộ tâm nầy đúng như có chỗ nói: “Chẳng cần giẵm qua thứ lớp thẳng đến Phật địa, mỗi bước vượt qua ba cõi. Về nhà thoắt tuyệt các nghi, bèn vì người trời làm thầy. Bi trí nương nhau, đầy đủ hai lợi, kham nhận người trời cúng dường, ngày tiêu muôn lượng huỳnh kim”. Nếu ông được như thế, thật là đại trượng phu, việc hay làm một đời đã làm xong.

***

Hỏi: Căn cứ theo phần trên, thế nào là tâm không-lặng rỗng suốt?

Đáp: Cái hiện nay ông hỏi ta, ấy là tâm không-lặng rỗng suốt của ông. Sao không phản chiếu lại mà còn tìm bên ngoài. Nay ta căn cứ vào phần trên của ông chỉ thẳng bản tâm, khiến ông được ngộ, ông nên tịnh tâm nghe ta nói:

Trong mười hai giờ từ sớm đến chiều, hoặc thấy, nghe, cười, nói, giận, vui phải, quấy, v.v... Muôn ngàn cái vận chuyển thi vi. Hãy nói thảy đều là cái gì? Sao hay vận chuyển thi vi? Nếu nói sắc thân vận chuyển, cớ sao có người một phút mạng chung, thi thể chưa thối nát mà mắt không tự thấy, tai không nghe, mũi không phân biệt mùi, lưỡi chẳng đàm luận, thân chẳng lay động, tay chẳng nắm bắt, chơn chẳng chạy nhảy? Thế nên biết, cái hay thấy nghe động tác nhất định là bản tâm ông chớ chẳng phải sắc thân. Huống nữa, sắc thân bốn đại nầy tánh nó là không, như ảnh trong gương, như trăng đáy nước. Đâu thể rõ ràng thường biết, sáng suốt chẳng mê hoặc, có cảm liền thông, đủ hằng sa diệu dụng? Cho nên nói: “Bửa củi gánh nước đều là thần thông diệu dụng”.

Hơn nữa, nhập đạo có nhiều đường, ta chỉ ông một môn khiến ông trở lại nguồn:
Hỏi: Ông nghe tiếng cu kêu chim hót không?
Đáp: Nghe.
Hỏi: Ông nghe lại tánh nghe của ông xem có nhiều tiếng không?
Đáp: Đến chỗ này tất cả âm thanh, tất cả phân biệt đều không thể được.
Nói: Lạ thay! Đây là cửa Quan âm nhập lý vậy. Ta hỏi ông : Khi đến chỗ đó tất cả tiếng, tất cả phân biệt đều không thể được. Vậy đang lúc đó chẳng phải là hư không sao?
Đáp: Nguyên lai chẳng không, sáng suốt chẳng mê.
Hỏi: Cái thể chẳng không ấy thế nào?
Đáp: Cũng không tướng mạo, nói không thể đến.
Nói: Đấy là thọ mạng của chư Phật, chư Tổ ông chớ hồ nghi. Đã không tướng mạo nào có lớn nhỏ. Không lớn nhỏ nào có bờ mé nên không trong ngoài, không trong ngoài nên không gần xa, không gần xa nên không bỉ thử, không bỉ thử nên không vãng lai, không vãng lai nên không sanh tử, không sanh tử nên không cổ kim, không cổ kim nên không mê ngộ, không mê ngộ nên không phàm thánh, không phàm thánh nên không nhiễm tịnh, không nhiễm tịnh nên không phải quấy, không phải quấy nên tất cả danh ngôn đều không thật có. Cả thảy đều không như vậy, thì tất cả căn cảnh, tất cả vọng niệm, cho đến muôn ngàn tướng mạo, muôn ngàn danh ngôn đều không thật có. Đấy há không phải là cái không-tịch xưa nay, cái không vật xưa nay sao?

Tuy nhiên, cái chỗ đều không của các pháp, biết suốt chẳng mê, chẳng đồng với tánh vô tình. Tự hiểu một cách mầu nhiệm rằng, đấy là cái tâm thể không-tịch, hư tri, thanh tịnh của ông. Tâm không-tịch này là cái “thẳng tịnh minh tâm” của ba đời chư Phật, cũng là cái “giác tánh bản nguyên” của chúng sinh. Ngộ nó và giữ nó thì ngồi trên tòa giải thoát nhất như chẳng động. Mê nó và trái nó thì trường kiếp luân hồi trong sáu thú. Cho nên nói: “Mê nhứt tâm đến sáu thú, ấy là đi, là động. Ngộ pháp giới trở về nhứt tâm, ấy là đến, là tịnh”. Tuy mê ngộ có sai khác, nhưng bản nguyên thì chỉ có một. Cho nên nói: “Pháp ấy là tâm của chúng sinh, cái tâm không-tịch này nơi thánh không tăng nơi phàm không giảm”. Lại nói: “Nơi thánh trí chẳng sáng, ẩn phàm tâm chẳng mê”. Chẳng tăng nơi thánh chẳng giảm nơi phàm, Phật Tổ sao lại khác nơi người? Sở dĩ khác hơn người, ấy là hay tự giữ tâm niệm vậy.

Ông nếu tin được thì nghi tình liền dứt, phát chí trượng phu, khởi kiến giải chơn chánh. Thân nếm cái mùi vị kia, tự đến tự chấp nhận cái địa vị kia. Đấy là chỗ người tu tâm giải ngộ. Lại không có thứ đệ và cấp bực. Cho nên gọi là đốn. Như nói: “Trong cái tín nhơn đã khế hợp với quả đức của chư Phật không sai một mảy, mới thành tín vậy”.

***

Hỏi: Đã ngộ lý nầy lại không giai cấp. Cớ sao lại nhờ vào sự huân tu lần lần mới thành?

Đáp: Cái nghĩa ngộ rồi lần lần tu trước đã nói đầy đủ mà cái tình nghi chưa gỡ. Nay chẳng ngại nói lại. Ông nên lặng tâm nghe rõ: Kẻ phàm phu từ vô thủy khoáng kiếp cho đến ngày hôm nay, trôi lăn trong năm đường sanh tử qua lại. Chấp cứng tướng ngã cùng vọng tưởng điên đảo. Hạt giống vô minh tập lâu thành tánh. Tuy đến nay đốn ngộ tự tánh xưa nay không-lặng cùng Phật không khác, nhưng cái cựu tập này rất khó dứt trừ. Cho nên gặp cảnh thuận nghịch có giận có vui. Chuyện thị phi lừng lẫy khởi diệt. Khách trần phiền não cùng trước không khác. Nếu chẳng dùng sức mạnh của trí bát nhã, thì làm sao đối trị được vô minh đến được chỗ thôi hết dứt hết? Như nói: “Đốn ngộ tuy đồng với Phật, nhưng nhiều đời tập khí sâu. Gió dừng nhưng sóng còn dậy, lý hiện nhưng niệm còn xâm”.

Cảo Thiền Sư nói: “Những kẻ lợi căn thường thường chẳng tốn nhiều sức để phát minh việc này, bèn sanh tâm dễ dui, lại chẳng chịu tu trị, lâu ngày chầy tháng vẫn y như trước trôi nổi, chưa thoát khỏi luân hồi”. Lại há có thể một phen ngộ bèn bác chỗ hậu tu ư? Nên sau khi ngộ phải lâu ngày chiếu xét. Vọng niệm chợt khởi đều chẳng theo nó, lại trừ cho đến không còn trừ mới đến cứu cánh. Bậc thiện tri thức trong thiên hạ, sau khi ngộ rồi còn phải hành hạnh chăn trâu là thế.

Tuy có hậu tu nhưng trước đã đốn ngộ “vọng niệm vốn không, tâm tánh vốn tịnh”, nơi việc ác đoạn mà không đoạn, nơi việc thiện tu mà không tu. Đấy mới là chơn tu chơn đoạn. Cho nên nói rằng “ Tuy tu đủ muôn hạnh nhưng chỉ lấy vô niệm làm tông”.

Ngài Khuê Phong nhận xét nghĩa “tiên ngộ hậu tu” như sau: “Đốn ngộ tánh nầy nguyên không phiền não, vô lậu trí tánh vốn tự đầy đủ cùng Phật không khác. Y đây tu tập gọi là tối thượng thừa thiền, cũng gọi là Như Lai thanh tịnh Thiền, nếu hay mỗi niệm tu tập, tự nhiên lần lần được muôn ngàn tam muội. Môn hạ Ngài Đạt Ma lần lượt truyền nhau là thiền này”.

Lại, nghĩa đốn ngộ tiệm tu như xe có hai bánh, thiếu một không thể được. Hoặc có người chẳng biết thiện ác tánh không, vững ngồi chẳng động, đè nén thân tâm, như đá đè cỏ cho là tu tâm, đấy là lầm to. Nên nói “Thanh Văn tâm tâm đoạn hoặc, tâm năng đoạn là giặc”. Chỉ quán sát một cách đúng đắn rằng sát, đạo, dâm, vọng từ tánh mà khởi, khởi tức chẳng khởi. Ngay nơi đó liền lặng, cần gì lại đoạn? Cho nên nói: “Chẳng sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm”. Lại nói: “Niệm khởi liền giác, giác nó liền không”. Nên người ngộ tuy có khách trần phiền não nhưng đều thành đề hồ.
Chỉ nên soi thay các hoặc nguyên không có gốc. Ba cõi không hoa nầy như gió cuốn khói. Sáu trần huyễn hóa nầy như nước nóng tan băng. Nếu hay mỗi niệm tu tập như thế, chẳng quên chiếu cố “định huệ đồng tu”, thì thương ghét tự nhiên lạnh nhạt, bi trí tự nhiên thêm tỏ, tội nghiệp tự nhiên đoạn trừ, công hạnh tự nhiên tăng tiến. Khi phiền não tận thì sanh tử liền dứt. Nếu dòng phiền não nhỏ nhiệm vĩnh viễn đoạn trừ, thì Viên Giác đại trí sáng suốt một mình, liền hiện ngàn trăm ức hóa thân trong mười phương cõi nước. Tùy cơ cảm ứng giống như trăng hiện trong không, ảnh phân muôn nước. Ứng hiện không cùng, độ chúng sinh có duyên khoái lạc vô ưu gọi là Đại Giác Thế Tôn.

***

Hỏi: Trong pháp môn hậu tu có nghĩa “định huệ đồng tu”, tôi thật chưa rõ. Lại xin tuyên giải khiến mở mê để dẫn vào cửa giải thoát.

Đáp: Nếu lập pháp nghĩa để vào lý, thì ngàn pháp môn không pháp môn nào chẳng định huệ. Nắm được cương yếu của nó thì trên tự tánh thể dụng có hai nghĩa. Trước đã nói “không-tịch hư tri” ấy vậy. Định là thể, huệ là dụng. Ngay nơi thể là dụng, nên huệ chẳng lìa định. Ngay nơi dụng là thể, nên định chẳng lìa huệ. Định tức huệ nên tịch mà thường tri. Huệ tức định nên tri mà thường tịch. Như Tào Khê nói: “Đất tâm không loạn là tự tánh định, đất tâm không si là tự tánh huệ”. Nếu ngộ được như thế thì mặc tình tịch mà tri, chiếu soi hay che đậy không hai . Đấy là cửa “Đốn”, và là Định Huệ song tu vậy.

Nếu nói trước dùng lặng lẽ để trị duyên lự, sau lấy tỉnh táo để trị hôn trầm, trước sau đối trị điều phục hôn loạn để nhập vào chỗ tĩnh. Đấy là cửa tiệm, là chỗ sở hành của người căn cơ kém. Tuy nói tỉnh táo và lặng lẽ gồm giữ nhưng chưa khỏi giữ tịnh làm pháp hạnh. Đâu như người liễu sự chẳng lìa bổn tịch bổn tri nhậm vận song tu. Cho nên Tào Khê nói: “Tự ngộ mà tu hành chớ chẳng phải ở nơi chỗ tịnh. Nếu mắc nơi tịnh trước sau là người mê”.

Người liễu đạt đối với nghĩa định huệ đồng tu, không rơi vào dụng công, nguyên tự nó vô vi, lại không một đặc biệt thời tiết nào. Khi thấy sắc nghe tiếng chỉ có vậy. Khi mặc áo ăn cơm chỉ có vậy. Khi đi ỉa đi đái chỉ có vậy. Khi bàn chuyện với người chỉ có vậy. Cho đến đi đứng nằm ngồi, hoặc nói nín, hoặc vui, hoặc giận. Tất cả thời mỗi mỗi đều như thế. Giống như chiếc xuồng rỗng nương theo sóng mặc tình lên xuống. Như dòng nước chảy trong núi, gặp lúc cong, gặp lúc thẳng mà tâm tâm vô tri. Ngày nay bay nhảy mặc tình, ngày mai mặc tình bay nhảy. Tùy thuận các duyên không chướng ngại. Nơi thiện ác chẳng đoạn chẳng tu. Chất trực không dối, thấy nghe tầm thường. Lại không một mảy bụi để đối đãi, nhọc gì ra sức chùi rửa? Không một niệm để sanh tình, chẳng nhờ mượn sức quên duyên.

Tuy nhiên người nghiệp chướng sâu tập khí nặng, huệ quán kém, tâm trôi nổi nhiều, sức vô minh lớn, sức bát nhã nhỏ. Nơi cảnh giới thiện ác chưa khỏi bị động tịnh thay đổi. Tâm không lạnh nhạt. Chẳng thể không quên duyên khiến công phu lau chùi. Như nói: “Sáu căn nhiếp cảnh, tâm chẳng theo duyên gọi đó là định. Tâm cảnh đều không, soi xét không lầm gọi đó là huệ”. Đây là môn tùy tướng định huệ, là pháp môn tiệm, là chỗ sở hành của người căn cơ kém.

Nhưng trong pháp môn đối trị không thể không. Nếu trạo cử lẫy lừng thì trước dùng định môn, xứng hợp với lý mà nhiếp tâm tán loạn, chẳng theo duyên khế hợp với bổn tịch. Nếu hôn trầm quá nhiều thì dùng huệ môn trạch pháp quán không, soi xét không lầm để khế hợp với bổn tri. Lấy định trị loạn tưởng, lấy huệ trị vô ký. Động tịnh đều hết công phu đối trị cũng xong. Thế thì đối cảnh mà mỗi niệm về nguồn, gặp duyên mà tâm tâm khế hợp với đạo. Nhậm vận song tu mới là người vô sự. Nếu như thế mới có thể gọi thật là “định huệ đồng tu”, thấy rõ Phật tánh ấy vậy.

***

Hỏi: Căn cứ chỗ phân tích của Ngài, pháp môn trước ngộ sau tu, trong nghĩa định huệ đồng tu có hai loại: Một là tự tánh định huệ, hai là tùy tướng định huệ. Tự tánh định huệ thì nói rằng mặc tình lặng biết, nguyên tự nó là vô vi, không một mảy trần để so sánh đối đãi. Nhọc gì ra sức chùi rửa. Không một niệm để sanh tình, không nhờ ra sức quên duyên. Ngài phân đó là môn đốn, chẳng lìa tự tánh định huệ đồng tu.

Tùy tướng định huệ thì nói rằng xứng hợp với lý, nhiếp tán loạn chọn pháp quán không. Quân bình điều phục hôn trầm và tán loạn để nhập vào vô vi. Ngài phân đó là tiệm môn, là chỗ hành của hàng căn cơ kém. Do đó nên đối với hai môn định huệ nầy có chỗ nghi.

Nếu nói chỗ hành của một người là trước y nơi môn tự tánh định huệ đồng tu, rồi sau đó là dùng môn tùy tướng công phu đối trị chăng? Hay là trước lại y nơi môn tùy tướng, quân bình điều phục hôn loạn, rồi sau mới nhập vào môn tự tánh? Nếu trước y nơi tự tánh định huệ thì mặc tình lặng biết, lại không cần công phu đối trị, sao lại phải giữ môn tùy tướng định huệ?

Nếu trước dùng môn tùy tướng định huệ đối trị thành công, rồi sau mới hướng về tự tánh môn thì giống y như trong tiệm môn, hạng căn cơ kém, trước ngộ sau lần lượt huân, sao gọi rằng Đốn? Cái ngộ trước tu sau là dùng công phu vô công phu. Nếu một lúc không trước sau thì hai môn định huệ đốn tiệm có sự khác nhau, làm sao một lúc đồng hành? Lại môn đốn ấy y nơi tự tánh môn mặc tình quên công phu. Còn môn tiệm của hàng căn cơ kém, theo môn tùy tướng công phu đối trị nhọc nhằn. Như thế căn cơ đốn tiệm của hai môn chẳng đồng, hơn kém rõ ràng. Thế sao môn ngộ trước tu sau bên trong đều có chia hai loại? Xin nói rõ để dứt hết lòng nghi ngờ.

Đáp: Chỗ tôi giải thích đã rõ ràng, ông tự sanh nghi, theo ngôn ngữ sanh hiểu biết rồi chuyển thành nghi hoặc. Nếu được ý quên lời, nhọc gì cật vấn? Nếu đem hai môn mỗi mỗi phán xét về chỗ hành, thì người tu tự tánh định huệ là môn Đốn, dùng công phu vô công phu, gồm vận dụng hai cái tịch tự tu, tự tánh để thành Phật đạo ấy vậy. Người tu môn tùy tướng định huệ là trước chưa ngộ, dùng môn tiệm của hàng căn cơ kém để dụng công đối trị, tâm tâm đoạn hoặc, giữ gìn cái tịnh làm pháp hạnh. Hai môn này chỗ đốn tiệm khác nhau chẳng thể lầm lộn. Môn ngộ rồi tu sau ở trong ấy đã gồm nói môn tùy tướng đối trị rồi, chẳng phải toàn để cho hàng căn cơ kém hành, ấy là nắm cái phương tiện giả nói kia rồi giữ mãi mà thôi. Bởi cớ nơi đốn môn này cũng có hạng căn cơ thắng và căn cơ liệt, không thể lúc nào cũng xét đoán về hành lý kia.

Nếu người phiền não nhạt mỏng, thân tâm nhẹ nhàng an ổn, nơi thiện lìa thiện, nơi ác lìa ác, tám gió chẳng động, ba thọ lặng yên, y tự tánh định huệ nhậm vận song tu. Tánh thiên chơn không tạo tác động tinh thường Thiền, thành tựu được lý tự nhiên. Cần gì mượn môn tùy tướng đối trị? Không bịnh chẳng cần thuốc.

Người tuy trước đã đốn ngộ, nhưng phiền não còn đầy, tập khí còn nặng, đối cảnh niệm niệm sanh tình, gặp duyên tâm tâm đối đãi, bị hôn loạn kia giết chết, mê muội nên mất “cái biết lặng lẽ thường nhiên”. Ngay đó nhờ môn tùy tướng định huệ, chẳng quên đối trị, quân bình điều phục hôn loạn để nhập vào vô vi, tức phải cần vậy.

Tuy mượn công phu đối trị, tạm điều phục tập khí, nhưng do trước đốn ngộ tâm tánh vốn tịnh, phiền não vốn không, nên liền không lạc về môn tiệm của hàng căn cơ kém và ô nhiễm tu tập.

Người chưa ngộ mà tu, tuy dụng công chẳng quên, niệm niệm huân tu mà thường sanh nghi chưa được vô ngại. Như có một vật ngăn trong ngực. Cái tướng chẳng an thường hiện ở trước, lâu ngày chầy tháng ra công đối trị thuần thực, thì thân tâm khách trần in tuồng được khinh an. Nhưng gốc nghi chưa được dứt, giống như đá đè cỏ. Còn ở nơi ranh giới của sanh tử, chẳng được tự tại. Cho nên nói: “Chưa ngộ mà tu chẳng phải chơn tu”.

Người ngộ tuy có dùng phương tiện đối trị, nhưng niệm niệm không nghi chẳng rơi vào ô nhiễm, lâu ngày chầy tháng tự nhiên khế hội. Diệu tánh thiên chơn mặc tình lặng biết, niệm niệm phan duyên tất cả cảnh, nhưng tâm vĩnh viễn đoạn các phiền não, chẳng lìa tự tánh định huệ đồng tu. Thành tựu vô thượng bồ đề. Sánh với cơ trước có phần hơn, nhưng lại không sai khác. Vậy thì môn tùy tướng định huệ, tuy là chỗ hành của hàng tiệm cơ nhưng đối với người đốn ngộ có thể bảo là “chỉ sắt thành vàng”. Nều biết như thế thì đâu do hai môn định huệ, mà có cái nghi thứ lớp trước sau ư ?

Mong các vị tu hành nên nghiên cứu ý vị của lời nói nầy, chớ hồ nghi mà tự sanh lui sụt. Nếu người đủ chí trượng phu, cầu vô thượng bồ đề, bỏ đây thì làm sao? Cần yếu là chớ chấp vào văn tự, phải hiểu thẳng và mỗì mỗi qui về tự kỷ, khế hợp với Thiền Tông, thì vô sư trí, tự nhiên trí hiện tiền. Lý thiên chơn rõ ràng chẳng mê, thành tựu được huệ thân chẳng do nơi khác mà ngộ.

Lại cái diệu chỉ nầy tuy là việc chung cho mọi người, nhưng nếu không phải là người có căn khí Đại Thừa và đã gieo trồng giống bát nhã từ trước, thì không thể nào một niệm sanh chánh tín được. Đâu những chẳng tin lại đi phỉ báng để chiêu quả vô gián, là thường thấy vậy. Tuy chẳng tin nhận, nhưng một lần nghe qua tai, cũng tạm thời kết duyên, và cái công đức của người ấy cũng không thể lường được. Như trong Duy Tâm Quyết nói: “Nghe mà không tin còn kết được nhân Phật chủng. Học mà chẳng thành còn hơn phước báo cõi người, cõi trời, chẳng mất chánh nhơn thành Phật. Huống lại nghe liền tin, học liền thành công, giữ gìn chẳng mất, thì công đức kia đâu hay đo lường được?”

Truy niệm về nghiệp quá khứ luân hồi chẳng biết bao nhiêu kiếp, theo dòng hắc ám vào địa ngục vô gián, chịu muôn ngàn thống khổ chẳmg biết bao nhiêu phen. Muốn cầu Phật đạo chẳng gặp thiện hữu nên trường kiếp trầm luân, mờ mịt chẳng biết, tạo tác nghiệp ác. Cũng có lúc hoặc một phen nghĩ, bất chợt thở dài, lại cam thông thả để rồi trở lại thọ nhũng tai ương như trước sao?

Chẳng biết ai khiến ta nay được làm người, trong vạn vật hư dối nầy, chẳng mê mờ đuờng tu chơn. Thật có thể gọi là rùa mù gặp bộng cây, hạt cải ném vào lỗ kim. Đấy là một điều vinh hạnh có gì hơn? Nay ta nếu tự sanh lui sụt, hoặc sanh lười biếng mà thường trônng lại phía sau, bỗng chốc mất thân mạng, thoái đọa vào đường ác chịu các khổ não. Khi ấy tuy mong nghe được một câu Phật pháp để tin hiểu thọ trì, mong khỏi cảnh chua cay ấy còn trông gì được? Đến lúc lâm nguy hối hận không ích gì.

Mong các vị tu hành chớ sanh phóng dật, chớ mắc tham dâm. Như cứu lửa cháy đầu chẳng quên soi xét. Vô thường chóng vánh, thân như giọt sương mai, mạng như bóng trời chiều. Ngày nay còn đây, ngày mai khó bảo toàn. Cần phải lưu ý!
Vả lại bằng vào cái thiện hữu vi ở thế gian cũng có thể khỏi ba đường khổ luân hồi, nơi cõi trời, cõi người được quả báo thù thắng, thọ các khoái lạc. Huống lại, đây là pháp môn tối thượng thừa rất thâm sâu. Chỉ tạm thời có niềm tin cũng thành tựu được công đức không thể lấy tỷ dụ mà nói được một phần nhỏ. Trong Kinh nói: “Nếu có người lấy bảy báu bằng ba ngàn đại thiên thế giới, bố thí cúng dường cho bao nhiêu chúng sanh trong thế giới ấy đều được đầy đủ. Lại giáo hóa cho họ được tứ quả. Công đức kia vô lượng vô biên, cũng không bằng cái công đức chỉ khoảng một bửa ăn chánh tư duy pháp nầy”. Thế nên pháp môn nầy của ta tối tôn tối quí đối với các công đức so sánh không đến được. Cho nên Kinh nói: “Một niệm tịnh tâm là đạo tràng, còn thù thắng hơn tạo tháp bảy báu như hằng sa. Tháp báu rồi sẽ nát thành bụi, một niệm tịnh tâm thành tựu được quả Phật”.

Mong mỏi các vị tu hành nghiên cứu ý vị của lời nầy, cần phải lưu ý! Thân nầy chẳng nhằm đời nầy độ, lại đợi đời nào độ thân này? Nay nếu chẳng tu, ngàn kiếp sai lầm. Nay nếu gắng tu cái hạnh khó tu, lần lần được công hạnh chẳng khó, rồi sẽ tự tiến. Than ôi! Người thời nay đói gặp cơm vua mà chẳng biết ăn. Bịnh gặp y vương cho thuốc mà chẳng biết uống. Không biết phải nói như thế nào! Tôi cũng đành cam chịu vậy!

Vả lại việc hữu vi ở thế gian hình dáng nó còn có thể thấy, công dụng nó còn có thể xét nghiệm. Khi thành công một việc người ta còn tán thán cho là ít có. Còn Tâm tông của ta đây không hình có thể nhìn, không trạng có thể thấy, đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành tuyệt. Cho nên thiên ma ngoại đạo hằng hủy báng cửa “Không”. Thích Phạm chư thiên không ngớt ngợi khen. Huống nữa, kẻ phàm phu dùng kiến thức cạn cợt, đối với Tâm tông còn mờ mịt, làm sao biết được?

Thương thay! Con trạnh trong giếng sao biết được bao la của bể cả. Con dã can làm sao rống được tiếng Sư tử? Cho nên, trong đời mạt pháp mà có người nghe pháp môn nầy cho rằng rất hy hữu và tin hiểu thọ trì, người ấy đã ở trong vô lượng kiếp thừa sự chư Thánh và gieo trồng các căn lành, kết sâu được cái chánh nhơn bát nhã, có căn tánh tối thượng. Kinh Kim Cang nói: “Người đối với chương cú nầy hay sanh tín tâm, nên biết người ấy đã ở chỗ vô lượng đức Phật trồng các căn lành”. Lại nói: “ Vì những hàng phát tâm Đại Thừa mà nói, vì những hàng phát tâm Tối Thượng Thừa mà nói”.

Mong các vị cầu Đạo chớ sanh tâm hèn yếu, cần phải phát tâm dõng mãnh. Cái nhơn lành đời trước nay đâu biết được? Nếu chẳng tin mình có khả năng thù thắng thì cam làm hạ liệt rồi sanh ý tưởng cho là khó khăn. Nay chẳng chịu tu, dù có thiện căn đời trước, hiện nay đoạn tuyệt. Càng ở trong cái khó kia lần lượt thành xa vậy.
Nay đã đến núi châu báu chẳng lẽ trở về tay không. Một phen mất thân người muôn kiếp khó tìm lại. Mong phải cẩn thận đó!

Há lại có người biết núi châu báu kia mà chẳng cần nó, rồi lại hằng oán trách mình nghèo khó ư?

Nếu muốn được châu báu thì đừng tiếc thân này./.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]