Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời Nói Ðầu

23/03/201102:15(Xem: 5445)
Lời Nói Ðầu

KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG
Thích Viên Giác dịch và giảng

Lời Nói Đầu

Kinh Tứ Thập Nhị Chương là một bộ kinh tuyển chọn những lời Phật dạy ở rải rác trong kho tàng Kinh điển Phật giáo.

Lịch sử truyền bá bộ kinh, cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn còn chưa thống nhất. Theo sử Phật giáo Trung Quốc thì Kinh Tứ Thập Nhị Chương được hai ngài Ca Diếp Ma Đằng (Kàsyapamàtanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmarakinhsa) dịch từ bản Phạn qua Hán năm 67 Tây lịch tại Lạc Dương. Kinh Tứ Thập Nhị Chương cũng là một bộ kinh được lưu hành tại Giao Châu vào thế kỷ thứ hai.

Về văn bản Kinh Tứ Thập Nhị Chương, theo Hòa thượng Trí Quang, thì có hai bản chính, gọi tắt là bản A và bản B. Bản A là bản xưa nhất nằm trong Đại Tạng Kinh, bản Đại Chính, quyển 17, trang 722-724 có khoảng vào thời Hậu Hán hoặc Tam Quốc. Bản B là bản hiện đang lưu hành nằm trong Thái Hư Toàn Thư, tập 6, trang 1-74. Bản B này được sửa chữa từ bản A mà thành, có sớm nhất cũng vào đầu nhà Tống (kinh 42 bài, Trí Quang dịch, T.8,9).

Dĩ nhiên còn khá nhiều bản khác nữa như bản của Ngô Chi Khiêm dịch, bản Hiếu Minh Hoàng đế thời Tiền Tấn. Bản Tống Nhân Tông Hoàng đế chú giải Sa môn Liễu Đồng bỗ chú các bản thuộc đời nhà Minh v.v... thực ra cũng bắt nguồn từ bản A và B đã nói ở trên.

Bản Kinh Tứ Thập Nhị Chương đang lưu hành nếu bỏ qua một bên phần thêm thắt của người sau về tư tưởng thiền học Đại thừa thì nội dung rất gần với giáo lý nguyên thủy. Phần lớn nội dung đề cập những vấn đề liên quan đến sự tu tập của giới xuất gia, chú trọng nhiều tiến trình tu tập Giới – Định – Tuệ. Về giáo lý cốt lõi thì bốn chân lý Khổ – Tập – Diệt – Đạo được coi là nền tảng của Kinh.

Khi được mời dạy Kinh Tứ Thập Nhị Chương tại Trường Cơ Bản Phật học Long An, chúng tôi căn cứ vào bản Hán văn đã được dịch của Hòa thượng Hoàn Quan (mà Hòa Thượng Trí Quang gọi là bản B đang lưu hành). Để cho tăng ni sinh dễ lãnh hội, chúng tôi dịch lại lời Việt và giảng dạy theo từng chương độc lập, không theo hệ thống mà thầy Hoàn Quan đã giảng.

Như đã nói, nội dung nguyên bản, nhất là bản A (Trí Quang dịch) Kinh Tứ Thập Nhị Chương rất gần với tư tưởng nguyên thủy nên khi giảng dạy phần lớn dựa vào các kinh A Hàm và Nikàya - Trong đó có một số bài kinh có liên quan hoặc tương đương với Kinh Tứ Thập Nhị Chương, do đó chúng tôi coi như là xuất xứ của chương Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Mục đích của chúng tôi là làm sáng tỏ và phong phú hơn, nghĩa lý của lời Phật dạy trong kinh này vốn rất cô đọng. Về phương thức trình bày, vì là giáo án nên cần phải rõ và cơ bản nên chúng tôi chia ra 4 phần cho một kinh (chương):

Phần 1: Chánh văn Việt dịch,
Phần 2: Đại ý,
Phần 3: Giảng nghĩa và
Phần 4: Nhận xét và Kết luận (như là toát yếu).

Nếu có những từ ngữ, thuật ngữ khó sẽ được giải thích rõ.

Kho tàng tam tạng giáo điển rộng rãi bao la, Kinh Tứ Thập Nhị Chương được coi là một quyển kinh toát yếu nghĩa lý căn bản cho những người xuất gia học Đạo, có thể làm cẩm nang về đường lối tu tập cho người sơ học.

Qua những tháng ngày giảng dạy choTăng Ni sinh về Kinh Tứ Thập Nhị Chương nầy, chúng tôi nhận thấyTăng Ni sinh thích thú và bày tỏ niềm tin vào giá trị, tác dụng của kinh đối với việc tu tập, chúng tôi mới hiểu được lý do tại sao kinh này được lưu truyền rất sớm trong lịch sử truyền bá tư tưởng Phật Đà ở nước ta và được chọn dạy trong chương trình Cơ bản Phật học từ xưa cho đến nay.

Trong phạm vi giáo án giảng dạy Trường Cơ bản Phật học và khả năng hạn chế, chắc chắn không khỏi lầm lẫn, thiếu sót, kính mong chư thiện hữu tri thức vui lòng chỉ giáo cho giáo án được hoàn bị.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tỳ kheo Thích Viên Giác

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]