Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Câu-xá tông

15/03/201108:20(Xem: 6495)
1. Câu-xá tông

CÁC TÔNG PHÁI ĐẠO PHẬT
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến biên soạn

CÂU-XÁ TÔNG

Khai tổ: Bồ Tát Thế Thân khởi đầu ở Ấn Độ và Huyền Trang ở Trung Hoa vào khoảng năm 654. Tchitsu và Tchitasu truyền sang Nhật năm 658.
Giáo lý căn bản
: Bộ luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá
Tông chỉ
: Không có bản ngã, tất cả hiện tượng chỉ là hư dối, là sự hợp thành của các pháp mà thôi.



LỊCH SỬ

Tông Câu-xá ngày nay không còn, mặc dù trước kia, tông ấy đã có một thời hưng thịnh với rất nhiều người tu tập theo. Tuy nhiên, ảnh hưởng sâu sắc của tông này cho đến nay vẫn còn rất rõ rệt trong Phật giáo.

Tên gọi Câu-xá của tông này vốn được phiên âm từ tiếng Phạn là Kośa, có nghĩa là “kho báu”. Đây cũng là tên gọi một bộ luận nổi tiếng của Bồ Tát Thế Thân. Tên tiếng Phạn của bộ luận này là Abhidharmakoa-stra, phiên âm là A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận, và là giáo lý căn bản của Câu-xá tông.

Bồ Tát Thế Thân sinh năm 316 và mất năm 396, sống gần trọn thế kỷ 4. Ngài là người được y bát chân truyền, làm Tổ sư đời thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ. Ngài là em ruột của Bồ Tát Vô Trước, người đã sáng lập ra Duy thức tông. Câu-xá tông là một tông thuộc Tiểu thừa, trong khi đó Duy thức tông là một tông Đại thừa. Ban đầu, ngài Thế Thân học theo giáo lý Tiểu thừa, thuộc Nhất thiết hữu bộ, là một trong 18 bộ phái Tiểu thừa đầu tiên của Ấn Độ đã phân chia sau khi Phật nhập diệt khoảng gần 200 năm. Ngài học tinh thông giáo lý của bộ phái này, nghiên cứu sâu bộ Đại Tỳ-bà-sa luận. Sau ngài lại học thêm giáo lý của Kinh lượng bộ, cũng là một bộ phái lớn. Ngài thấy có những điểm không hài lòng với giáo lý của các bộ phái này, mới soạn ra bộ A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận là một sự tổng hợp rất công phu từ bộ Đại Tỳ-bà-sa luận và giáo lý của Kinh lượng bộ. Vì dựa vào Đại Tỳ-bà-sa luận, nên bộ luận của ngài đôi khi cũng được xếp vào Nhất thiết hữu bộ, nhưng thật ra nội dung luận này đã hình thành nên một tông chỉ mới. Vì thế mà Câu-xá tông ra đời.[5]

Bộ luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá phân ra làm 9 phẩm, được người đương thời mệnh danh là Huệ luận, hay Thông minh luận, để tỏ ý ca tụng sự uyên bác, trí huệ được hàm chứa trong đó. Chín phẩm này đề cập đến và phân tích rõ chín vấn đề căn bản khác nhau, có thể lược kể ra như sau:

1. Giới phẩm, nói về cái thể của giới pháp.

2. Căn phẩm, nói về cái dụng của các pháp.

3. Thế gian phẩm, nói về các thế giới, với sáu đường thác sanh trong luân hồi: cõi trời, cõi người, cõi a-tu-la, cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

4. Nghiệp phẩm, luận về các nghiệp thiện ác.

5. Tùy miên phẩm, nói về tùy miên, tức là khuynh hướng sa vào các điều ngăn trở việc tu đạo. Có 7 pháp tùy miên là: tham dục, sân hận, nghi ngờ, kiêu mạn, chấp hữu và si mê.

6. Hiền thánh phẩm, nói về các bậc hiền thánh.

7. Trí phẩm, nói về 10 loại trí tuệ.

8. Định phẩm, nói về tâm an định.

9. Phá ngã phẩm, nói về thật tướng vô ngã vì tất cả các pháp đều giả hợp, hư dối. Đây là phẩm cuối cùng, tổng kết toàn bộ luận thuyết để nêu lên tông chỉ.

Các phẩm 3, 4 và 5 đều luận về pháp hữu lậu. Trong đó, phẩm thứ 3 là quả hữu lậu (thác sanh trong 6 nẻo), và hai phẩm 4, 5 là nhân hữu lậu (tạo ra các nghiệp thiện ác).

Các phẩm 6, 7 và 8 luận về pháp vô lậu. Trong đó, phẩm thứ 6 là quả vô lậu (chứng đắc các quả vị hiền thánh), và 2 phẩm 7, 8 là nhân vô lậu (tu tập trí huệ và định lực).

Qua phân tích như trên, có thể thấy bộ luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá nhằm hiển bày giáo lý vô ngã, trên cơ sở tất cả các pháp đều giả hợp, không có thật, chỉ hiện hữu nhất thời và không chân thật. Trong các pháp lại chia làm hai là pháp hữu lậu và pháp vô lậu.

Về mặt hình thức, bộ luận cũng được trình bày thành hai phần. Phần thứ nhất gọi là A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận tụng, gồm khoảng 600 bài kệ tụng. Phần thứ nhất gọi là A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận thích, là phần bình giải về 600 bài kệ tụng đó.

Năm 563, vào đời Trần, ngài Chân Đế, một cao tăng Ấn Độ sang Trung Hoa có dịch sang chữ Hán với tên là A-tỳ-đạt-ma Câu-xá thích luận, gồm 22 quyển.[6]Năm 654, vào đời Đường, ngài Huyền Trang lại dịch với tên là A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận, gồm 30 quyển.[7]Chính qua 2 dịch phẩm này mà Câu-xá tông được truyền bá ở Trung Hoa. Mặc dù khá ngắn ngủi, chỉ tồn tại trong đời nhà Đường, nhưng tông phái này đã để lại ảnh hưởng khá nhiều trong các tông phái khác, nhất là giáo lý vô ngã đã trở thành nền tảng trong giáo lý chung, nên những cơ sở lý luận của bộ luận này được rất nhiều vị luận sư sử dụng để biện giải cho lý thuyết của tông phái mình.

Cũng trong thế kỷ thứ 7, hai cao tăng Nhật Bản là Tchitsu và Tchitasu sang Trung Hoa cầu học với ngài Huyền Trang. Năm 658, hai vị này về nước và truyền bá giáo lý Câu-xá tông tại nước Nhật, với tên gọi là Kusha-sh. Ngày nay, tông Câu-xá cũng không còn ở Nhật. Nhưng giáo lý của tông này vẫn được đưa vào giảng dạy trong các trường Phật học và trong các tự viện. Về mặt văn chương, bộ A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận cũng vẫn được xem là một tác phẩm luận giải nổi tiếng trong văn học Phật giáo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]