Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

33. Tập đế

24/02/201116:04(Xem: 9732)
33. Tập đế

PHÁ MÊ KHAI NGỘ
Lê Sỹ Minh Tùng

33. Tập đế
(Sameda Dukkha) (Arising of Suffering)

Trong phần Khổ đế, Đức Phật đã cho chúng ta thấy tất cả mọi nỗi khổ trên cõi đời này. Nhưng khác hẳn với triết lý Khổng Mạnh là: "Hữu thân hữu khổ, vô khổ bất thành thân”. Giáo lý của Đức Phật không dạy cho con người muốn trở thành người hữu dụng thì phải chấp nhận chịu khổ và rèn luyện con người trong cảnh khổ để đạt một tương lai sáng rạng. Ở đây Đức Phật muốn cho chúng ta biết đâu là nỗi khổ dầu ở giai cấp nào vẫn lãnh chịu cái khổ như thường. Nghèo thì có nỗi khổ của nghèo, còn giàu sang thì có cái nhức đầu của kẻ phú quý.

Cái khổ nó gắn liến với cuộc sống của chúng ta từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến khi chúng ta lìa bỏ cõi đời này. Nhưng không phải khi thấy đời toàn là khổ ải thì chúng ta than trời trách đất, nhậu nhẹt say sưa để quên đi tất cả những nỗi khổ bởi vì càng say thì càng khổ không ích lợi gì. Muốn hết khổ, thì phải tận diệt nó. Nhưng làm sao mà có thể diệt trừ chúng nếu chúng ta không hiểu rõ nguyên nhân nào sinh ra cái khổ. Đây chính là giai đoạn thứ hai mà Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng sinh. Vậy Tập đế là bước thứ nhì trong bộ Tứ Diệu Đế cốt tìm nguyên nhân phát sinh ra sự khổ đau.

Vậy thế nào là Tập đế?

Tập: là chứa và dồn thêm mỗi ngày một nhiều hơn còn Đế là sự thật vững chắc.

Như thế, Tập đế là sự thật vững chắc nói về nguyên nhân của những nỗi khổ đã tích lũy lâu đời, lâu kiếp trong mọi chúng sinh và đây chính là cội rễ của sanh tử luân hồi.

Khi Lục căn tiếp xúc với Lục trần thì tâm chúng ta phát sinh ra vọng tưởng. Chính những vọng tưởng này đã gieo vào tâm ta không biết bao nhiêu là phiền não. Đức Phật đã đem tất cả những phiền não này gom lại thành 10 cái chính: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biến kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến.

1) Tham: có nghĩa là tham lam. Tham là một động lực vô cùng quan trọng bởi vì chính nó là nguyên nhân mà ta phải làm đủ mọi cách để thỏa mãn sự ưa thích của nó. Những thứ như tiền tài, danh lợi, vật chất cao sang, cao lương mỹ vị.. là những cội nguồn phát sinh ra lòng tham. Một khi lòng tham đã nổi dậy, thì con người bất chấp mọi thủ đoạn, bày ra trăm mưu ngàn kế để thỏa mãn những dục vọng đó. Mà đã nói tới lòng tham, thì không thể bỏ sót một điều nữa là lòng tham thì vô đáy, thâu góp bao nhiêu cũng không vừa. Có một thì muốn mười, có mười thì muốn trăm. Tham cho mình chưa đủ, còn tham cho cả thân bằng quyến thuộc. Cũng vì tham, mà gia đạo bất hòa và cũng vì tham, mà nhân loại giết hại lẫn nhau. Nhiều người khi thấy lợi nhỏ thì không tham, nhưng khi thấy lợi lớn thì cũng tối mắt như thường.

2) Sân: có nghĩa là nóng giận. Khi dục vọng của con người phát sinh thì lòng tham nổi lên, mà nếu chúng ta không thỏa mãn được những tham vọng này thì lòng sân sẽ nổi dậy. Một khi sân đã nổi lên, thì chúng ta trở thành điên cuồng, nói năng hung dữ, mặt mày bừng bừng sát khí. Bởi vì sân làm cho con người mất đi nhân tính nên họ có thể làm bất cứ việc gì trong những giây phút đó. Chính cũng vì cái sân này mà đã làm cho bao người tán gia bại sản, thân danh bại liệt, vào tù ra khám, thân xác tật nguyền, đau đớn. Vì thấy sự nguy hại của nó, mà kinh Hoa Nghiêm nói rằng: ”Nhất niệm sanh tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, có nghĩa là một ý niệm sân hận nổi lên thì cũng như là mở ra trăm ngàn cái nghiệp chướng. Còn đối với người tu Phật, thì cái sân còn tai hại biết bao bởi thế kinh Phật còn chép thêm:”Nhất tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn”, tạm dịch là một đóm lửa giận, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức.

3) Si: có nghĩa là si mê, mờ ám. Si chẳng khác nào như là một đám mây đen che lấp lên trên đỉnh trí tuệ của con người. Nếu trí tuệ không còn minh mẫn thì ta đâu còn phân biệt giữa tốt và xấu, chánh với tà và đây là nguyên nhân chính để chúng ta tạo ra lắm điều ác nghiệp. Cũng chính vì si mê mà lòng tham trở thành không đáy. Nhưng nếu trí tuệ của chúng ta còn sáng suốt để thấy cái tai hại của lòng tham thì chúng ta có thể kìm hảm cái tham đó được chứ đâu có nhắm mắt mà làm nô lệ cho nó và để cho nó tự do hoành hành thao túng. Cũng vì si mà lửa sân có cơ hội bừng cháy. Nếu chúng ta còn sáng suốt, thì khi nào chúng ta lại để cho sân tha hồ tung hoành như vậy! Bởi sự quan trọng của chữ si, nên kinh Phật cũng dạy thêm: ”Bất uy tham sân khởi, duy khung tự giác trì” có nghĩa là không sợ tham và sân, mà chỉ sợ si mê. Thật vậy, bởi vì một khi tham, sân vừa nổi lên mà chúng ta có đủ trí tuệ sáng suốt để ngăn chận chúng kịp thời thì tham, sân cũng chẳng làm gì được. Giống như khi có ánh sáng mặt trời bừng lên thì bóng tối tất nhiên phải tự tan biến.

Vì sự tai hại trầm trọng của tham, sân, si, cho nên Đức Phật đã gọi chúng là “tam độc”. Chính cái tam độc này cũng còn được gọi là các căn bản bất thiện bởi vì nó là cội ngưồn để sinh ra ác nghiệp và đưa đẩy con người lún sâu vào sinh tử luân hồi.

4) Mạn: có nghĩa là ngạo mạn. Khi một người không có đức độ, thuộc hạng tham danh háo sắc, thường phát sinh trong tư tưởng của họ những dục tính như tự nâng mình lên cao và hạ người khác xuống. Họ tự cho mình là quan trọng mà khinh rẽ mọi người. Lúc nào họ cũng tự cao, tự đại, dương dương tự đắc, mục hạ vô nhân, hổn láo với người trên và khinh mạc kẻ dưới.

Vì mang bản tính ngạo mạn như thế nên không ai nói mà họ nghe cho dù là lời hay lẽ thiệt. Do đó họ đã làm nhiều điều sai quấy tạo ra ác nghiệp và dĩ nhiên là trầm luân trong lục đạo luân hồi.

5) Nghi: có nghĩa là nghi ngờ, không có lòng tin. Những người có lòng nghi ngờ thì khó mà thành công được. Bởi vì từ việc nhỏ đến việc lớn, họ lúc nào cũng không tin tưởng ai cả. Mà một khi đã không tin tưởng, thì không nhất tâm làm việc và như thế làm sao tạo kết quả tốt được. Những người có lòng nghi hoặc là loại người thiếu chân thật và không áp dụng trí tuệ một cách sáng suốt để phân biệt ai là chánh, ai là tà, hoặc đâu là tốt, đâu là xấu. Với tính nghi kỵ này sẽ làm cho người chung quanh của ta bực bội, không thành thật đối đãi với ta và dĩ nhiên tự ta chuốc lấy thêm đau khổ.

6) Thân kiến: nhìn nhận cái thân tứ đại là trường tồn bất biến. Vì không thông hiểu luật vô thường, vô ngã nên chúng ta nghĩ rằng trong ta có một cái Ta riêng biệt, chắc chắn và không biến đổi. Bởi vì nó là cái Ta riêng của chính ta, không dính dấp tới người khác nên chúng ta tìm mọi cách để thỏa mãn bất cứ những gì mà cái Ta thích. Chúng ta xây nhà cao cho cái Ta ở, sắm xe đẹp cho cái Ta hưởng thụ, mua món ngon vật lạ cho cái Ta dùng, tranh công dành chức cho cái Ta hãnh diện. Do sự quý trọng và cung phụng cho cái Ta như thế mà chúng ta đã tạo ra không biết bao nhiêu điều tội lỗi, chà đạp lên bao nhiêu cái Ta khác và làm cho họ đau khổ cũng vì cái Ta của ta.

7) Biện kiến: có nghĩa là lý luận một chiều. Đây là nói về những người có lý luận độc đoán. Họ nghĩ rằng lý luận của họ là đúng nhất bất chấp là lý luận ấy thực sự có đúng hay không. Có hai loại biện kiến thường thấy là:

a) Thường kiến: là họ lý luận rằng khi chết rồi, cái Ta vẫn còn tồn tại mãi mãi. Người chết sẽ sanh ra người, còn súc vật chết sẽ trở lại làm súc vật và thánh nhân chết sẽ trở lại làm thánh nhân. Vì tin tưởng như vậy, nên đối với họ, có tu hay không tu cũng như nhau. Họ không sợ tội ác, nên chẳng cần làm thiện.

b) Đoạn kiến: đối với nhóm nầy, thì họ nghĩ rằng chết là hết. Một khi chúng ta tắt thở, nhắm mắt xuôi tay thì không còn gì tồn tại nữa. Lúc đó tội cũng không mà phước cũng chẳng còn. Họ luôn luôn tâm niệm rằng:”Tu nhơn đức già đời cũng chết, hung hăng bạo ngược tận số cũng chẳng còn”. Vì tin tưởng như thế, nên luật nhân quả luân hồi đối với họ không còn ý nghĩa gì cả thành thử họ mặc tình làm điều tội lỗi.

8) Kiến thủ: có nghĩa là cố chấp. Vì chúng ta là phàm phu nên trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có những hành vi sai quấy và có những ý kiến sai lầm. Nhưng vì cố chấp, chúng ta không dùng trí tuệ sáng suốt để phân minh, mà cứ bảo thủ hành vi, ý kiến của mình. Chúng ta tự cho mình là hay, là giỏi và những người này dễ bị đụng chạm tự ái. Cũng chính bởi tính bướng bỉnh cứng đầu này mà họ đã gây ra nhiều đau khổ.

9) Giới cấm thủ: có nghĩa là làm theo lời răn cấm của những tà giáo. Những giáo điều này đôi khi thật là vô lý, mê muội nhưng vẫn làm cho một số người lầm tưởng đó là con đường giải thoát cho họ. Chân lý của Đức Phật là phá mê khai ngộ. Nếu dựa vào chân lý này thì người tu sẽ phát sinh ra trí tuệ và trí tuệ là những tia sáng mặt trời để đốt tan những bóng đen mê muội ngõ hầu giúp chúng ta phân biệt đâu là chính, đâu là tà.

10)Tà kiến: có nghĩa là nghe theo tà giáo để làm những việc không chánh đáng và trái với luật nhân quả. Những người có tà kiến thì thường tin vào mê tín dị đoan chẳng hạn như xin xăm, bói quẻ, coi sao, cúng hạn. Mê tín dị đoan và giáo lý nhà Phật không thể nào đồng hóa nhau được. Tại sao? Phật giáo thì lúc nào cũng chủ trương là cuộc đời của chúng ta luôn luôn gắn liền với nghiệp căn và nghiệp quả. Chúng ta là kết quả của căn nghiệp mà chúng ta đã tạo nên. Thành thử xin xăm, bói quẻ hay coi sao, cúng hạn cũng không thay đổi được nghiệp quả mà chúng ta đã tạo ra.

Thử ngẫm nghĩ như thế này: nếu những người bói quẻ, cúng sao có thể thay đổi được số mệnh cho họ thì chính họ đã có cuộc sống sung sướng giàu sang. Do đó họ phải ở nhà lo hưởng thụ chớ ngu gì phải đi ngồi đầu đường xó chợ để kiếm từng đồng, từng cắc. Chính họ mà còn không thể giúp cho họ được thì làm sao họ có thể giúp cho chúng ta? Nếu chúng ta tin vào họ, thì chúng ta chỉ phí thì giờ và làm cho tâm thêm mê muội cũng như làm giàu cho bọn lười biếng nói khoác mà thôi chứ không mang lại kết quả gì cả. Nếu chúng ta muốn cuộc sống hiện tại khá hơn, tương lai thêm tươi sáng, thì chỉ có một con đường duy nhất là tạo cho mình thật nhiều thiện nghiệp, luôn luôn phát tâm Bồ-đề và dĩ nhiên phải tránh xa ác nghiệp.

Tóm lại, trong mười món phiền não trên, thì tác dụng của nó có phần khác nhau. Có thứ thì yếu ớt, nông cạn, dễ dàng trừ khử và có thứ thì sanh cội, sanh rễ khó khăn khử trừ. Đức Phật đã chia tất cả 10 loại phiền não này ra thành hai loại: kiến hoặc và tư hoặc.

1)Kiến hoặc: Kiến là sự thấy biết từ bên ngoài vì thế kiến hoặc là những cái sai lầm về mê lý và vọng chấp từ bên ngoài mà thấm vào trong tâm của chúng ta. Do đó một khi con người đã thấu suốt chân lý của Đức Phật thì những mê lầm nầy sẽ từ từ biến mất.

2)Tư hoặc: Tư là phần bên trong tức là tâm tư vì thế tư hoặc là những điên đảo mê lầm đã có sẵn trong tâm thức của con người. Đây là nói đến 4 loại phiền não thuộc loại nặng ký. Chúng nó có khả năng ăn sâu vào tận gốc rễ và rất khó tiêu trừ. Đó là Tham, Sân, Si, Mạn. Tham, Sân, Si, Mạn gắn liền với con người như hình với bóng. Hễ có con người là có nó và mình đi đâu thì nó theo đó. Chúng nó ăn sâu vào trong tiếm thức của chúng ta để sai khiến, đọa đày và bắt chúng ta phải thỏa mãn những dục tính, nhu cầu của nó. Càng nghe lời nó thì chúng ta càng sa vào vòng sanh tử luân hồi bởi những ác nghiệp mà chúng ta đã gây ra. Nhưng cổ nhân cũng có câu: ”Cao nhân tắc hữu cao nhân trị” cho nên dù nó có nguy hiểm như thế nào, nhưng nếu chúng ta trì công tu hành thì bốn món độc kia sẽ bị tiêt trừ.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]