Chương III
Thiền Quán
Quán chiếu cùng lúc tâm an tịnh và tâm dao động
Hãy đặt tâm trở lại trạng thái trong sáng, rỗng lặng, và quán sát tánh của nó. Sau đó khởi lên một ý niệm và cũng quán sát tánh của nó. Nhìn kỹ xem hai tánh này là một hay khác? Nếu bảo là khác thì khác chỗ nào? Tâm an tịnh và tâm dao động xuất hiện cùng một lúc hay luân phiên nhau, cái này trước, cái kia sau? Tâm an tịnh có giống như một cánh đồng trong đó tâm dao động khởi lên như những cây lúa chăng? Hoặc giả cả hai đều giống nhau tựa như một cuộn dây và những sợi chỉ dệt nên nó? Khi tâm an tịnh, không mảy may vọng niệm, nó có di chuyển không? Khi tâm dao động (khởi niệm), nó có cùng lúc an tịnh không? Chắc chắn phải có sự khác biệt giữa hai tâm, vì tâm dao động hay suy nghĩ, khái niệm sự vật, trong khi đó tâm an tịnh lại không mảy may vọng động, rỗng lặng như như. Nhưng nếu cho rằng hai tâm này tánh khác nhau, vậy khác nhau ở màu sắc, hình dáng chăng? Khác nhau ở sinh, trụ, diệt hoặc ở quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc ở thường, vô thường? Hãy quán chiếu kỹ lưỡng xem sự khác biệt nằm ở đâu?
Kiên nhẫn tu tập, quán chiếu về sinh khởi của ý niệm, ta sẽ hiểu tánh của tâm an tịnh và tâm dao động chỉ là một, nó thay phiên nhau hiện khởi. Khi tâm đứng lặng thì không có gì di động; khi tâm di động thì không có gì đứng yên cả, như nước và sóng. Hiểu rõ tánh không hai của tâm, đó là đã giác ngộ được một phần nhỏ.
Tâm tựa như một tấm gương sáng, luôn luôn chiếu soi dù có hay không có cảnh vật.
Từ nay mỗi lần thiền quán, ta phải quán chiếu tiếp tục những ý niệm, xem nó có phải là một phần của "tánh rỗng lặng" [1], hay nó tan biến rồi nhường chỗ lại cho "tánh rỗng lặng"?
Nói một cách khác, phải chăng khi mặt trời ló rạng, ta mở cửa sổ, tức thì bóng tối tan hoà vào ánh sáng? hay bóng tối chạy đi nơi khác nhường chỗ lại cho ánh sáng?
Hoặc giả chính ý niệm tự thân nó cũng là rỗng lặng? Nếu cho rằng một trong hai giả thuyết trên là đúng, ta phải thành khẩn tham vấn vị Thầy cầu gia hộ, và sau đó trở về cố gắng quán chiếu một lần nữa để thấu hiểu thế nào là thực tánh của các pháp.
Cách thức quán chiếu (thực) tánh của tâm có thể chia làm 3 loại tùy theo căn tánh của hành giả:
1) Tu tập Thiền Quán trước rồi đến Thiền Định.
2) Tu tập cùng lúc Thiền Quán và Thiền Định.
3) Tu tập Thiền Định trước rồi đến Thiền Quán
Loại 1) và 2) thường thích hợp với người nghiệp nhẹ, căn tánh lanh lợi. Người căn tánh trung bình nên tu tập theo loại 3) với sự chỉ dẫn thứ tự mạch lạc như đã trình bày ở các chương trước.
Hãy tinh tấn tu tập, không nên giải đãi, tăng trưởng lòng tin và kính trọng đối với vị Thầy. Củng cố sự tập trung tâm ý không để xao lãng, không mong cầu cũng không lo sợ.
Nếu cố gắng tu tập quán chiếu tâm (cộng thêm chí nguyện Bồ Đề), chắc chắn sẽ trực ngộ nhanh chóng tánh giác nguyên thỉ (bổn tánh). Đến đây, hãy dứt bặt các ý niệm nghi vấn về tâm an tịnh và tâm dao động. Đây là điểm thứ tư.
Chú thích:
[1] Vacuité thường được dịch là tánh Không, nhưng ở đây tôi dịch là "tánh rỗng lặng" vì tánh Không trừu tượng và hay gây nhiều hiểu lầm