Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương Mở Đầu

03/01/201103:56(Xem: 11441)
Chương Mở Đầu

SỐNG HẠNH PHÚC - CHẾT BÌNH AN

The Joy of Living - Dying in Peace
Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14
Dịch: Chân Huyền

CHƯƠNG MỞ ÐẦU

Tôi xin tặng những bài giảng này cho những người không có thì giờ để học hỏi nhiều. Tôi không có gì để nói khác hơn những chuyện đã nói trướcđây. Vậy, xin quý vị đừng đọc sách chỉ để có thêm kiến thức hay thêm những từ ngữ mới, mà nên cố gắng dùng những điều tôi giải thích để chuyển hóa tâm mình. Nếu chỉ nghe hoặc đọc thôi không đủ, quý vị nên thực tập những gì học hỏi được, luôn luôn cố gắng áp dụng những điều đó vào các sinh hoạt tâm linh. Như vậy giáo pháp mới có ích lợi thực sự.

Chính Bụt đã nói: "Ðừng làm các việc ác, hãy ráng tu nhân tích đức, làm điều lành và chuyển đổi toàn diện tâm thức mình". Ðó là giáo pháp Như Lai. Chúng ta nên nghe theo lời Bụt dạy vì trong thâm tâm tất cả chúng ta, không ai muốn bị đau khổ, người nào cũng muốn sống hạnh phúc. Khổ đau là kết quả của những hành động sai lầm và bất thiện, trong khi hạnh phúc là kết quả của những hành thiện tốt đẹp. Tuy nhiên, muốn bỏ điều xấu làm điều tốt, chúng ta không thể chỉ thay đổi cách nói năng hoặc hành động mà chúng ta chỉ có thể làm được chuyện này bằng cách chuyển hóa tâm của mình.

Trong đời sống chúng ta nên hành động một cách thông minh, có mục đích và phải biết coi các mục tiêu đó có thể thực hiện được chăng. Trongtruyền thống tu học Phật giáo, mục tiêu của chúng tôi là đạt tới Niết bàn tịch tĩnh, tới quả vị Bụt. Loài người chúng ta may mắn có khả năng đạt tới các mục tiêu này. Quả vị Giác ngộ mà chúng ta tìm kiếm chính là sự tự do nhờ vượt thoát được những vọng tưởng thiêu đốt tâm tư.

1.- BẢN TÂM THANH TỊNH

Bản chất của tâm vốn dĩ thanh tịnh, những cảm xúc bất an làm khổ chúng ta chỉ là những lầm lẫn nhất thời.Tuy thế, chúng ta không thể loạibỏ những cảm thụ tiêu cực đó bằng cách cắt bớt một số tế bào trong bộ não. Kỹ thuật giải phẩu tối tân nhất ngày nay cũng không thể làm được chuyện này. Cách duy nhất là chúng ta phải chuyển hóa được tâm của chúngta.

Ðạo Phật dạy rằng tâm là nhân duyên chính khiến ta bị luân hồi. Nhưngcũng chính tâm lại là cái duyên lớn nhất giúp ta thoát vòng sanh tử. Sựgiải thoát này thực hiện được khi ta kiểm soát được những ý nghĩ bất thiện và phát huy được những tư tưởng tích cực, hướng thiện. Ðiều cần biết là công việc chuyển đổi này đòi hỏi sự kiên trì nhiều năm trường. Chúng ta đừng nên mong có kết quả tức thời. Hãy nghĩ tưởng tới các vị thầy lớn trong quá khứ. Quý ngài đã chịu rất nhiều gian khổ trong việc thực chứng tu tập. Cuộc đời tu hành của Bụt Thích Ca là tấm gương toàn thiện nhất cho chúng ta.

Vì lòng từ bi đối với chúng sanh, Bụt Thích Ca ra đời trước đây hơn 2500 năm tại Ấn Ðộ. Ngài lọt lòng Mẹ đã là một hoàng tử. Ngay từ khi cònnhỏ, ngài đã có nhiều hiểu biết và từ bi. Ngài hiểu rằng bản chất của chúng ta là ai cũng ưa sống hạnh phúc, không ai muốn bị đau khổ. Khổ đaukhông phải lúc nào cũng do ngoại cảnh đưa tới cho ta. Không phải chỉ đói kém hoặc bị hạn hán mới khổ. Trong hai trường hợp trên, chúng ta có thể tự bảo vệ, chẳng hạn bằng cách tích trữ lương thực. Nhưng những nỗi khổ như sanh, già bệnh chết là những cái khổ liên hệ tới bản chất sâu xacủa dòng đời, thì chúng ta không thể giải quyết bằng những điều kiện ngoại biên được. Ngoài ra chúng ta còn có sẵn trong mình một cái tâm không thuần hòa, có thể tiếp nhận đủ mọi vấn đề rắc rối. Nó chứa đựng nhiều tư tưởng bất thiện, tiêu cực như nghi ngờ, sân hận. Khi tâm ta cònbị những tư tưởng tiêu cực này bủa vây, thì dù ta có quần áo lụa là để mặc, thực phẩm tuyệt hảo để ăn, chúng cũng không giúp ta giải quyết đượcvấn đề.

Bụt Thích Ca đã để tâm quán sát những chuyện đó và quán tưởng về bản chất của chính cuộc đời ngài. Thấy mọi người đều khổ, ngài cũng biết rằng chúng ta sở dĩ khổ vì có cái tâm vô kỷ luật. Ngài thấy rằng tâm ta chạy như thú hoang đến nỗi nhiều đêm ta mất ngủ. Ðối diện với cái tâm chất chứa những đau khổ và khó khăn của con người, ngài dùng trí tuệ để tìm xem phải chăng có một phương cách nào giúp cho người ta thoát được những khổ đau đó?

Bụt cho rằng cuộc sống đời vương giả trong cung điện không phải là phương cách thoát khổ mà có thể nó còn là một trở ngại nữa. Vậy nên ngàitừ bỏ hết thảy những tiện nghi hoàng gia, kể cả liên hệ với vợ con, để sống cuộc đời của kẻ không nhà. Trong việc tìm đạo, ngài học với nhiều vị thầy, lắng nghe họ dạy dỗ. Ngài học được ít nhiều từ các vị thầy này,nhưng không ai đưa ra được con đường thoát khổ một cách tuyệt đối. Ngàitu khổ hạnh rất nghiêm mật trong sáu năm. Từ bỏ cuộc đời sung sướng củahoàng gia và tu khổ hạnh nhiều năm giúp ngài có đủ duyên phát triển trítuệ trong khi thiền quán. Ngồi dưới gốc cây Bồ đề, ngài vượt thoát đượctất cả mọi chướng ngại và đạt được quả vị Giác ngộ. Sau đó, ngài bắt đầu giảng dạy, chuyển pháp luân, căn cứ vào những kinh nghiệm và sự thựcchứng của chính mình.

2.- HỌC THEO BỤT THÍCH CA

Khi nói về Bụt, chúng ta không nói tới một con người đã có tỉnh thức ngay từ khi ra đời. Bụt bắt đầu giống y như chúng ta. Ngài là một con người bình thường như chúng ta, cũng nhìn thấy cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử. Ngài cũng có những tư tưởng và cảm thọ sướng khổ y như chúng ta. Nhưng nhờ vào ý chí tu luyện quyết tâm và kiên trì, ngài đã đạt đượcnhững quả vị tỉnh thức đưa tới tình trạng toàn giác.

Chúng ta nên nhìn ngài như một tấm gương để noi theo. Chúng ta ra đờivới tư cách một con người tự do và may mắn. Dù đã phải chịu ít nhiều khổ đau, chúng ta vẫn may mắn có trí thông minh, có sự tỉnh thức không khác gì ai. Chúng ta lại được nghe những lời giảng dạy thâm sâu của Bụt,và hơn nữa còn có khả năng hiểu được Phật pháp. Từ thời Bụt Thích Ca tới nay, các Phật tử đã nhìn Bụt và các đệ tử giỏi của ngài như những tiền nhân đáng noi gương.

Dù chúng ta sanh ra là một con người bình thường, chúng ta cũng nên rán lợi dụng những duyên may quý báu này trước khi chết để thực chứng phần nào Phật pháp. Làm được vậy, chúng ta sẽ không còn sợ chết. Một người tu tập giỏi có thể chết bình an không hối tiếc gì, vì người đó đã xử dụng được tiềm năng của họ. Trái lại, làm người mà chúng ta không mang được dấu ấn tích cực nào vào trong tâm thức, chỉ lưu giữ những gì phiền trược, thì chúng ta đã lãng phí đời mình. Gây đau khổ hay chết chóc cho con người hay các loài khác, ta giống như loài quỷ chứ chẳng giống người. Vậy nên hãy sống cho xứng đáng với kiếp người, đừng làm mộtthứ phá hoại.

3.- THỰC HÀNH THEO GIÁO PHÁP

Trên thế giới có khi người ta nhân danh tôn giáo để gây ra chiến tranh. Chuyện này xảy ra khi chúng ta coi tôn giáo là một thứ nhãn hiệu chứ không thực hành theo giáo pháp của tôn giáo đó. Tu tập phần tâm linhlà một phương cách giữ gìn kỷ luật cho tâm trí ta. Nếu chúng ta để cho những tư tưởng bất thiện hướng dẫn, không bao giờ chịu gắng sức chuyển hóa chúng; nếu chúng ta dùng giáo pháp để làm cho tự ái tăng trưởng hơn,thì giáo pháp có thể trở thành mầm mống của chiến tranh. Trái lại, nếu chúng ta thực tập để chuyển hóa tâm mình, thì không bao giờ nó sẽ là nguyên nhân gây ra xung đột.

Có nhiều người chỉ nói giáo pháp trên môi lưỡi. Thay vì dùng giáo pháp để trừ khử những tư tưởng bất thiện của mình, họ lại nắm lấy nó nhưmột thứ của cải mà họ là chủ nhân. Họ dùng giáo pháp để gây ra chiến tranh hay thúc đẩy các hoạt động phá hoại khác. Dù là đệ tử theo đạo Phật, đạo Ấn Ðộ, đạo Thiên Chúa, Do Thái giáo hay Hồi giáo, chúng ta không nên hài lòng chỉ với cái danh hiệu mà thôi. Ðiều quan trọng là ta biết rút tỉa ra những thông điệp được giảng dạy trong các truyền thống tôn giáo khác nhau này, để chuyển đổi tâm thức vô kỷ luật của chúng ta. Nói tóm lại, là con Bụt chúng ta nên noi gương Bụt Thích Ca.

4.- TU TẬP KHÔNG DỄ

Ðôi khi suy ngẫm trên cuộc đời Bụt Thích Ca, tôi cảm thấy mắc cở. Dù giáo pháp của ngài được giảng dạy theo nhiều trình độ khác nhau, nhưng Bụt trong lịch sử rõ ràng đã khổ tu trong sáu năm liền. Ðiều này chứng tỏ rằng tâm ta không thể được chuyển đổi bằng cách chỉ ngủ, sống thoải mái và hưởng thụ những tiện nghi. Nó cũng chứng tỏ ta chỉ có thể đạt đạosau một thời gian dài tu luyện khó khăn. Thật không dễ gì đạt tới một trình độ tâm linh trong một thời gian ngắn hoặc khi ta không cố gắng. Ngay cả Bụt, người đề xướng ra giáo pháp mà chúng ta theo đây, cũng còn phải khổ luyện như thế! Chúng ta làm sao hy vọng đạt được giác ngộ khi ta chỉ tu tập ít nhiều và an vui với sự thanh thản? Nếu đọc chuyện các bậc đại sư thời xưa, ta thấy rằng họ đã khổ công quán tưởng và thiền tậptrong ẩn mật. Họ không dùng con đường tắt nào khác.

Nếu chúng ta thực tâm quy y Bụt, ta phải nhìn vào ngài như tấm gương để noi theo. Muốn khổ công tu luyện cũng phải biết tu như thế nào, khôngphải cứ cố gắng khổ cực là giác ngộ được. Trong đạo Bụt, chúng ta cần có niềm tin và sự tận tụy, nhất tâm, nhưng thêm vào đó ta cũng phải có trí tuệ sáng suốt nữa. Dĩ nhiên ta có thể đạt tới một mức phát triển tinh thần nào đó nhờ nỗ lực và tín tâm, nhưng muốn tới bờ giác, ta cần phải có trí tuệ.

Ðể có thể nuôi dưỡng những đức tính và phát triển những tánh thiện đãcó sẵn, ta cần hiểu là trí tuệ cũng có nhiều trình độ. Ðiều quan trọng là ta biết chú tâm ta vào một đối tượng đáng quán chiếu. Một người thôngminh nếu không có cơ hội, thì anh hay chị ta cũng không có cơ hội dùng trí tuệ của mình cho một đối tượng thích hợp. Muốn có sự hiểu biết lớn, ta cần tìm những cơ hội có thể áp dụng giáo pháp vào đời sống. Vậy nên Bụt không dạy ta chỉ cần có lòng tin vào Bụt là đủ. Ðầu tiên, Bụt dạy vềTứ Diệu Ðế rồi căn cứ vào đó ngài giảng dạy theo nhiều trình độ, đưa ranhững phương cách khác nhau cho đại chúng học theo.

5.- HẠNH PHÚC - KHỔ ÐAU ÐỀU DO CHÍNH TA

Kinh điển do Bụt giảng dạy đã được dịch ra tiếng Tây Tạng gồm trên 108 cuốn, chứng tỏ ngài đã giảng dạy rất nhiều. Nhiều kinh điển còn chưađược phiên dịch ra ngôn ngữ Tây Tạng nữa. Học đạo đàng hoàng, ta sẽ có lòng tin và có trí tuệ. Ta nên cố gắng học cho hiểu và hành trì những lời Bụt dạy, ta sẽ phát triển được trí tuêï và lòng từ bi. Dần dà ta sẽ giữ được kỷ luật cho tâm mình. Theo triết lý Phật giáo, chúng tôi không tin rằng mọi sự vật được hình thành hay chủ động bởi những yếu tố bên ngoài. Chúng tôi cũng không tin những sự vật có nhân duyên bất biến. Chúng tôi cho là hạnh phúc hay đau khổ là do chính mình tạo ra. Tính chất của các hành nghiệp chúng tôi làm ra tùy thuộc vào tình trạng của tâm thức mình, tùy tâm có kỷ luật hay không mà thôi.

Khó khăn và đau khổ tới từ cái tâm vô kỷ luật. Vậy nên, hạnh phúc thật sự ở ngay trong tay ta. Chúng ta tự gánh lấy trách nhiệm, chúng ta không thể mong đợi người khác mang tới cho ta hạnh phúc. Muốn được hạnh phúc, ta cần nhận biết những nguyên nhân tạo ra nó, rồi phát triển nhữngcái duyên này. Trong khi đó ta nhận diện những nguyên nhân gây đau khổ,rồi loại bỏ chúng đi. Nếu ta biết nên tập những gì, nên bỏ những gì, thì ta tự nhiên được sung sướng.

Căn nguyên của đau khổ là vô minh. Vô minh có nghĩa là quan niệm sai lầm về tự ngã. Tất cả những khổ đau vô lượng chúng ta gặp đều do quan niệm sai lầm này. Vậy nên khi nói rằng Bụt vì lòng từ bi mà loại trừ mọità niệm, có nghĩa là Bụt do lòng từ bi làm lợi cho muôn loài. Muốn vậy,ngài đã dạy nhiều giáo pháp có trình độ khác nhau để ta thoát được vô minh và những tư tưởng bất thiện. Ai học theo ngài, hiểu được chánh kiếnvà thực tập được thì sẽ thoát được khổ. Chúng ta kính ngưỡng Bụt Thích Ca vì ngài đã dạy ta những giáo pháp thâm diệu như thế.

6.- HẠNH PHÚC DO LÒNG TỪ BI

Bụt là nơi nương tựa đáng tin cậy vì ngài đã phát triển tâm từ bi và dùng hết cuộc đời ngài để nuôi dưỡng tâm đó. Trong đời sống bình thường cũng vậy, người đáng tin hay không là người có lòng từ bi hay không. Khimột người thiếu lòng từ bi, thì dù họ học cao và thông minh, ta cũng không thích nương tựa vào họ. Học giỏi không đủ, điều căn bản của con người biết giúp ích kẻ khác chính là lòng từ bi. Một con gười có lòng từbi hay có ý thiện muốn làm điều tốt lành cho người khác, thì ta có thể yên tâm tin vào họ. Ðức tính quan trọng nhất của Bụt là lòng từ - là ý muốn mang lợi lạc tới cho muôn loài. Vì ngài đã phát triển được những tính thiện nơi ngài, nên Bụt có đủ khả năng giải thích về sự quan trọng của những đức tính đó. Vì ngài đã thực chứng được nên ta có thể nương tựa vào ngài.

Bụt Thích Ca, vị sáng lập ra đạo Bụt, là con người vững chãi, toàn thiện, ta có thể nương tựa vào ngài một cách an toàn. Nhưng không phải chỉ trông vào sự toàn thiện của ngài, ta còn phải thực tập theo gương Bụt. Ta phải biết cách bỏ những con đường bất thiện để đi vào nẻo thiện.Dù không được học hỏi trực tiếp với ngài, nhưng nếu chúng ta hiểu biết ít nhiều về những giáo pháp này, thì ta đã có thể đối đầu với những khó khăn và khổ lụy một cách tốt đẹp hơn.

Cứ tưởng tượng có hai người cùng gặp một vấn đề. Tùy theo họ hiểu đạohay không mà họ sẽ có những thái độ và phương cách khác nhau để ứng xử.Thay vì làm giảm bớt khổ lụy, người không biết đạo lại làm cho tình trạng bết bát hơn vì giận hờn, ghen tỵ v.v... Con người có chút tỉnh thức và hiểu biết, sẽ có tinh thần để ứng xử cởi mở hơn, thẳng thắn hơn.Với chút ít hiểu biết về Phật pháp và kinh nghiệm tu tập, dù ta chưa thể chấm dứt mọi khổ đau, ta cũng có thể đối diện với chúng một cách dễ chịu rồi. Như vậy, nhờ giáo pháp mà chúng ta được lợi lạc trong đời sốnghằng ngày.

Cuộc đời vô thường như mây mùa thu. Sinh tử của muôn loài có thể coi như những màn kịch. Con người sinh ra, chết đi nào khác những vai trò các nghệ sĩ đóng tuồng ra vô trên sân khấu. Vì sự vô thường đó mà chúng ta không thể có an bình. Ngày nay hãy biết mình may mắn được làm người. So sánh với súc vật và quỷ dữ trong địa ngục, đời sống con người thật đáng quý. Nhưng dù nó đáng quý tới đâu, chúng ta rồi cũng sẽ phải chết. Suy ngẫm về cuộc đời người ta từ khi sanh ra tới lúc chết đi, ta không thấy có hạnh phúc trường cửu và cũng không có an toàn.

Ngay sự sanh cũng đã kèm theo đau khổ. Sau đó là phải đối diện với những vấn đề như bệnh tật, già nua, gặp cảnh bất như ý hay khi không đạtđược những gì mình ưa thích. Một vài vấn đề ta phải đối diện như chiến tranh thì do chính con người gây ra. Nhưng tựu chung, khi nào còn sống trong cõi luân hồi này, khi nào còn bị những cảm thọ phiền não- một thứ độc dược - xâm nhập tâm trí, thì chúng ta còn đau khổ, không có hạnh phúc hay an bình lâu dài.

Tất cả các phần tử của cây độc dược - trái, hoa, rễ, lá và cành - tấtcả đều bị chất độc ngấm vô. Vì mọi sinh hoạt của chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những cảm thọ xao động này, ta sẽ sớm muộn gặp vấn đề và khổ đau. Vì bệnh và chết là tính cách tự nhiên của đời sống, ta không nên ngạc nhiên khi bị đau ốm hay tử vong. Nếu không thích bệnh không thích chết, vậy thì ta nên chấm dứt vòng luân hồi. Ta nên chấm dứt không sanh ra trong cõi này nữa. Khi nào tham sân si còn ở trong ta thì ta sẽ gặp cảnh khổ hoài hoài. Khi tâm trí bị phiền trược ta không thể có bình an. Câu hỏi quan trọng là: làm sao cho ta dứt được chúng.

7.- BẢN CHẤT CỦA TÂM

Những cảm xúc phiền trược không phải là bản chất của tâm. Vì nếu chúng là tâm thì khi nào tâm có mặt chúng cũng có mặt. Không phải vậy. Thí dụ một người có thể rất nóng tính, nhưng đâu phải người đó nổi nóng suốt ngày? Người khó thương đôi khi cũng dễ chịu tươi cười. Vậy nên, những cảm xúc phiền não trong ta dù rất mạnh mẽ, chúng không phải là những thứ dính chặt vào tâm ta. Chúng không phải là tâm. Phiền não là dovô minh. Giống như khả năng tiếp xúc có mặt trên toàn thân thể ta. Vô minh xâm nhập tất cả những cảm xúc tiêu cực trong ta. Không có phiền nãonào mà không liên hệ với vô minh.Vậy thì ta phải tìm hiểu vô minh là gì. Ðó chính là tình trạng tiêu cực của tâm gây ra tất cả những phiền não cho ta. Nó chính là cái nhân đưa ta vào vòng luân hồi. Dù vô minh hay chấp ngã rất mạnh, nhưng đó chỉ là một tâm thức sai lầm. Có những thành tố của tâm thiện (gọi là tâm sở thiện), có thể chống lại với tâm vô minh. Nếu ta dựa vào chúng, ta sẽ nhổ được gốc vô minh. Bản chất của tâm là trong sáng và tỉnh thức. Trong bản tâm, không có những phiền não.Ðó chỉ là sự che lấp cái tâm chân thật. Vậy nên tâm chân thật có thể nhổ bật gốc rễ của vô minh. Một ngày nào đó, ta sẽ giác ngộ: tâm ta trong sáng tỉnh thức hoàn toàn.

8.- NIẾT BÀN TRONG TÂM

Hiện nay có thể bạn chưa thực chứng được lòng tin tưởng vào những chân lý này. Nhưng nếu bạn chịu học hỏi và áp dụng luận lý, phân tích học, bạn sẽ dần dần tin vào khả năng dứt bỏ được những cản trở đó của tâm. Ðại cương, ta có thể nói Niết bàn chính là dự vắng mặt của phiền não, và ta có thể đạt tới Niết bàn ngay trong tâm ta. Vì ta không muốn bị khổ và ta có thể đạt tới Niết bàn, ta cần quán tưởng vềø cái khổ. Nếuhiểu được sự luân hồi và bản chất của khổ, ta sẽ tu tập Giới, Ðịnh và Tuệ. Khi thấy vật gì đẹp tới đâu, ta hiểu rằng nó có tính chất gây khổ đau. Ðể có hứng khởi muốn đạt tới cảnh giới Niết Bàn, ta nên có ý muốn đạt được một cảnh đời tốt đẹp hơn trong tương lai. Trước đó, ta phải biết quý trọng cuộc đời hiện tại, nếu không biết cách sống sao cho phát triển được lòng từ bi, thì có lẽ ta chẳng cần bàn tới chuyện đạt tới đờisống tốt đẹp hơn sau này. Vì ta có thể thoát vòng sanh tử, nên điều cănbản là ta phải tu học để làm hiển lộ Phật tánh. Muốn nuôi dưỡng ý hướngnày, ta nên quán chiếu về sự khao khát hạnh phúc và ghét khổ đau của mọi loài cũng như mọi người. Vậy mỗi chúng ta đều nên phát nguyện giúp tất cả chúng sanh đạt tới quả vị Phật. Muốn đạt tới mục tiêu đó, ta cần thực tập con đường giải thoát.

Kinh điển nói tới quy y Bụt, Pháp và Tăng để được giác ngộ. Nói chungchúng ta có thể nương tựa vào nhiều phương pháp. Khi bị nắng cháy, ta nương vào bóng mát của cây. Khi đói ta nhờ tới thực phẩm. Tương tự như vậy, khi muốn được lợi lạc nhất thời, ta có thể nương tựa vào các thần quyền địa phương. Trong các tôn giáo khác nhau, chúng ta thấy nhiều giáopháp để nương tựa. Trong đạo Bụt, Niết bàn tịch tĩnh hay tình trạng thoát khổ tuyệt đối, chính là nơi ta nương tựa.

Niết Bàn hay trạng thái an lạc hòa bình là gì? Dù chúng ta không thích đau khổ, ta vẫn cứ khổ vì tâm ta bị những phiền não chiếm ngự. Do cái tâm không kỷ luật này mà ta tích lũy những cảm thọ tiêu cực. Tâm vô kỷ luật chính là nguyên nhân của phiền não. Nếu ta dứt bỏ được nguyên nhân này,ta sẽ đạt tới trạng thái dứt khổ, gọi là giải thoát hay Niết bàn, là hạnh phúc trường cửu. Do đó ta nương vào Phật pháp.

Ðể có thể thật sự dứt khổ, ta phải đi theo chánh đạo. Ta cần nuôi dưỡng những tính thiện trong ta. Khởi đầu, ta chỉ nhận biết rằng tâm ta là đối tượng của ngu si, thiên kiến và lầm lẫn. Khi sự hiểu biết về bản chất các pháp của ta tăng tiến, ta sẽ nghi ngờ, tìm hiểu mọi sự vật có tự tánh riêng chăng? Ta sẽ dần dà hiểu rằng những đối tượng trước đây tathấy hoàn toàn tốt đẹp mà ta mê thích, thực sự chúng có bản chất riêng trong tự thân chúng hay chăng?

Tương tự như vậy, những gì làm ta giận dữ có tự tánh độc lập không? Càng quen thuộc với những suy ngẫm này, ta càng tiến sâu vào sự hiểu biết và thực chứng. Kết quả là ta sẽ có khả năng phát triển trí tuệ và thực chứng về tự tánh Không của mọi sự vật. Chuyện này y như thắp lên một ngọn đèn sáng tại nơi tối tăm. Nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể giác ngộ được ngay, vượt thoát vô minh tức thì như khi ta bật ngọn đèn điện. Phát huy những tính thiện trong tâm phải có thời gian, từ từ mới làm được.

Những tôn giáo khác có nhiều phương pháp phát triển tình thương và lòng bác ái, nhưng không có truyền thống tâm linh nào giải thích rằng mọi sự vật trống rỗng, rằng vạn pháp đều nương vào nhau (tương tức, tương nhập). Chỉ có đạo Bụt cho rằng ta sẽ được giải thoát khi hiểu đượctánh Không, bản chất thật sự của vạn vật. Vậy nên chỉ có Bụt, Pháp, Tăng là tam bảo xứng đáng cho những ai mong được giải thoát nên nương tựa vào. Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã dạy chúng ta như vậy.

Ta quy y nương vào Phật, Pháp, Tăng giống như ta không còn lối nào khác để đi. Có nhiều loại tín ngưỡng. Trong niềm tin tưởng sáng láng, trong lành ta quý trọng tánh thiện của Bụt, Pháp, Tăng. Rồi tới lòng tinvì tín nhiệm và tín tâm khao khát muốn cố gắng đạt tới những quả vị giống như tam bảo. Nếu ta cố gắng như vậy, chắc chắn kiếp sau ta sẽ khá hơn. Khi ta tu tập hàng ngày, lúc chết ta sẽ không nuối tiếc chi nữa. Ðiều quan trọng lúc lâm chung làm sao ta giữ được thiện tâm và những ý hướng thiện, trong lành. Bạn có thể thực hiện được điều ấy vì bạn đã tu tập trong đời sống hàng ngày. Nếu ta tỉnh thức được khi sắp lìa đời và hướng tâm ta về đường thiện, chắc chắn khi tái sanh, bạn sẽ tới được chỗtốt đẹp hơn.

9.- CUỘC ÐỜI QUÝ GIÁ

Học hỏi về các trình độ giác ngộ và các giáo pháp đưa tới tình trạng hướng thiện đó là điều rất lợi ích cho tâm ta. Khi học, ta sẽ cố gắng làm theo những bài giảng và chắc chắn sẽ tiến bộ về tinh thần, có thể đitới giác ngộ. Ðừng nghĩ rằng mình không có đủ thông minh để học hành như vậy. Chớ bỏ qua những cơ hội được học hỏi giáo pháp kẻo lỡ mất dịp may. Mọi loài chúng sanh, kể cả loài sâu bọ, cũng được cho là có Phật tánh. Loài người chúng ta may mắn có khả năng hiểu được Phật pháp.

Khi nghe hay đọc về giáo pháp, rán áp dụng để hiểu được những tính bất thiện và làm hiển lộ được trong tâm những tính thiện. Nếu ta không nhìn thấy được những khuyết điểm của mình, ta không thể tiến bộ được. Người ta thường như vậy, khi không chú ý đặc biệt, ta không thể nhận ra được những lỗi lầm của chính mình. Ta thường hay kêu ca rằng ta không làm gì sai quấy hết. Tự xét mình là chuyện tối quan trọng. Ta có thói quen sống mà không hay biết mình đã làm những gì. Ta phải làm sao để làmtôn vẻ đẹp của tâm lên. Tôi không có nhiều kinh nghiệm lắm, chỉ biết chút ít thôi, nhưng tôi bảo đảm với bạn rằng chúng ta có thể làm được như vậy.

Chúng ta thấy cuộc đời quý gia vô cùng vì ta có tự do và nhiều may mắn. Nhưng chuyện này không kéo dài mãi mãi. Sớm muộn gì ta sẽ phải đối diện với cái chết. Nếu bị đọa vào kiếp tệ hơn, ta khó có cơ hội gặp Phậtpháp. Ta sẽ bị đau khổ triền miên. Chúng ta rất cần tu tập ngay để có thể bảo tồn được những tính thiện, loại trừ tính ác, trong hiện tại và tương lai. Như vậy chúng ta sẽ thực chứng được ít nhiều con đường thoát khổ. Hiểu rõ điều này, ta sẽ biết ơn Bụt, người thầy có giá trị và đáng tin biết bao. Ta cũng sẽ hiểu thêm được giáo pháp của ngài.

Ðược sinh ra trong hoàn cảnh tốt hơn, làm người hay làm thần cũng chưa đủ. Khi nào ta chưa dứt bỏ được phiền não trong tâm, ta vẫn chưa thực chứng được an lạc và hạnh phúc vĩnh cửu. Khi đã hiểu chút đỉnh về chánh đạo và con đường thoát khổ, ta sẽ biết được các đối lực của phiền não mạnh ra sao và sự giải thoát là có thật. Từ đó, ta sẽ nuôi dưỡng ý hướng muốn đạt tới Niết bàn, thoát được mọi nỗi khổ. Nhưng như thế cũng chưa đủ, ta phải đi xa hơn, nuôi lòng mong ước giúp cho tất cả chúng sanh đều thoát khổ.

Tôi đã giảng về những kinh nghiệm của riêng tôi, nghĩ rằng như vậy cólợi ích cho các bạn nhất. Chúng ta tu học thì nên nhìn xa. Ta khởi đầu với một căn bản vững vàng, xây dựng một cái gì có giá trị tâm linh. Dĩ nhiên ta cần thời gian, nhưng khi bắt đầu biết nhìn xa và cố gắng liên tục, ta sẽ từ từ đạt được vài kết quả. Dù quả vị Phật là chuyện xa vời, nhưng khi thực tập hàng này, ta nên bắt đầu trên căn bản đó. Cuối cùng ta cũng có thể đạt tới giác ngộ. Ðể có thể thực tập, ta phải biết làm gìvà làm cách nào, nên ta cần nghe hay đọc những bài giảng như vầy.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]