Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghiệp Báo

11/12/201016:16(Xem: 9892)
Nghiệp Báo

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Tâm Minh Lê Đình Thám

NGHIỆP BÁO

Nghiệp báo là nhân quả trong đường luân hồi. Nghiệp là những hoạt động về thân thể, về lời nói hay ý nghĩ, và cái kết quả đền đáp lại những hoạt động ấy, thì gọi là nghiệp báo.

Không phải hoạt động nào cũng có báo, những việc vô ký như đi, đứng, nằm, ngồi, v.v. không làm hại và cũng không làm lợi cho ai, thì không có nghiệp báo, hoặc nói một cách khác, chỉ có nghiệp báo vô ký, không có ảnh hưởng gì, trong đường luân hồi.

Những hoạt động có quả báo rõ ràng, chia là ba thứ:

a. Thiện nghiệp: Là những việc lành, có lợi cho người và đem lại quả báo tốt cho mình.

b. Ác nghiệp: Là việc dữ, có hại cho người và đem lại quả báo xấu cho mình.

c. Bất động nghiệp: Tức là những hành động tu luyện tự tâm, làm cho không lay động trước cảnh ngũ dục, những cảnh khổ vui và những cảnh có hình tướng. Tu luyện cái tâm như thế, gọi là tu thiền định.

Những người tu thiền định, quan sát tác hại của ngũ dục (muốn của, muốn sắc, muốn danh, muốn ăn ngon, muốn ngủ nghỉ) đi đến thoát ly được cái sự ưa muốn ấy, thì thân tâm khoan khoái, vui mừng vô hạn và lên được Ly sinh hỷ lạc địacủa Sơ thiền.

Từ so thiền, những người tu tập, làm cho tâm thường định tĩnh, không còn dính dáng gì với ngũ dục nữa, làm cho tâm luôn luôn vui mừng trong định, thì lên Định sinh hỷ lạc địacủa Nhị thiền.

Những người ở Nhị thiền, thấy cái vui mừng trước kia còn quá thô động, gạt bỏ cái vui mừng ấy và chỉ hưởng sự khoan khoái, yên vui, êm dịu, thì lên Ly hỷ diệu lạc địacủa Tam thiền.

Những người ở tam thiền, xét thấy cái vui chỉ đối với cái khổ mà có, gạt bỏ cái vui nhẹ nhàng, êm dịu, giữ một tâm thanh tịnh, ra ngoài vui khổ, thì lên Xả niệm thanh tịnh địacủa Tứ thiền.

Ở Tứ thiền, những người thấy cái hư không làm chướng ngại tiêu diệt rưởng hư không, chỉ còn cái hay biết cùng khắp vũ trụ, thì được định Thức vô biên xứ. Tiêu diệt cả cái hay biết đó, vào chỗ không còn thấy gì nữa, thì được Vô sở hữu xứ.

Khi tiêu diệt cả cái tưởng không có gì, hình như không còn tưởng niệm nữa, nhưng sự thật thì vẫn còn tưởng niệm, thì gọi là định Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Những người được các thiền định như trên, hiện tiền đã hưởng thụ một cảnh giới đặc biệt và đến khi xả thân, thì tự động lên các cõi trời Tứ thiềnTứ không. Do tác dụng của các hành động tu tập thiền định như thế rất là mạnh, không thể bị chuyển biến, vì nwhnxg nghiệp thiện và ác đã làm từ trước, nên gọi những hành động tu tập ấy, là bất động nghiệp.

Bất động nghiệp, khi đã chứng đến những định Tứ thiền, Tứ không, có tác dụng to lớn đã đành, mà dầu cho chưa đắc định, cũng có những quả báo rất tốt.

Chính những thiện nghiệp, ác nghiệp, bất động nghiệp tổng hợp lại, tạo thành cái quả dị thục của một đời, tức là cái nghiệp báo dắt dẫn thụ sinh trong đường luân hồi.

Song trong một đời, chúng sinh khi làm điều lành, khi làm điều dữ, thì sẽ do những điều gì mà chịu quả báo và quả báo ấy sẽ như thế nào? Chúng ta đều biết, mọi sự vật thay đổi mãi mãi, nhưng chỉ chuyển từ trạng thái này đến trạng thái khác, chứ không hề mất hẳn. Ví dụ như nước nấu sôi, chuyển thành hơi nước, hơi nước gặp lạnh thì đọng lại thành nước, tuy có những sự biến chuyển, nhưng chất nước không hề mất hẳn. Dù cho phân tích nước ra thành dưỡng khí và khinh khí, thì tuy không còn nước, nhưng các chất dưỡng khí, khinh khí vẫn còn tồn tại và kết hợp với những chất khác, thành những vật khác, có khi lại kết hợp trở lại thành nước, chứ không hề mất hẳn. Dầu cho phân tích các thứ dưỡng khí, khinh khí thành ra trung hòa tử, âm điện tử, thì bản chất vẫn còn, chứ không hề mất hẳn.

Chẳng những các vật hữu tình như thế, mà các năng lượng vô hình như luồng điện, như từ trường v.v. có tác dụng rõ rệt, cũng không hề mất hẳn, nó chuyển từ trạng thái này đến trạng thái khác mà thôi.

Cái tâm của chúng ta là một năng lượng vô hình, làm cho thân ta sống và có hay biết, năng lượng ấy có thể biến chuyển nhiều cách, nhưng không hề mất hẳn, thì khi hết làm cho cái thân này sống, nó sẽ làm cho cái thân khác sống, đó là luân hồi.

Các vị tu thiền định được túc mạng thông, nhớ lại các đời trước, kiếp trước, thì không còn nghi ngờ gì về luân hồi. Các đức Như Lai được túc mạng minh, thấu rõ sự chuyển biến của vô lượng chúng sinh trong vô lượng kiếp, càng nhận rõ hơn nguyên do phức tạp của sự chuyển biến ấy. Trong những trường hợp nhất định, cũng có những chúng sinh nhớ được đời trước, do được trở lại làm người ở trên thế giới, hoặc hơn nữa ở trên đất nước của mình đã sống. Nhưng trường hợp đó rất hiếm, vì nghiệp báo rất phức tạp, sinh động và vì trong vũ trụ này, có vô lượng vô biên cõi Phật, mỗi cõi Phật có hàng ngàn triệu thế giới.

Hiện nay chúng ta không nhớ được đời trước, song chúng ta cũng có nhận biệt thân người có cái tính không thay đổi. Khi chúng ta còn bé, nhắm mắt lại thì thấy tối, đến khi đã trưởng thành, đã lớn tuổi, nhắm mắt lại, chúng ta vẫn thấy tối như thế. Cái thấy tối ấy, từ bé đến lớn, không hề thay đổi, mặc dù thân thể có thay đổi, tất nhiên sẽ bị diệt vong, ngược lại, cái tính không thay đổi kia, trước cũng thế, sau cũng thế, thì không thể bị tiêu diệt, mà đã không bị tiêu diệt, thì hết đời này, tất nhiên nó phải sống đời khác, đó là luân hồi.

Huống nữa, trong thế gian, mỗi người sinh ra đều có năng khiếu khác nhau, người có khiếu học văn, người có khiếu học toán, người có khiếu âm nhạc, người có khiếu hội họa, dù là những anh em một cha mẹ, hoặc những chị em sinh đôi, cũng vẫn mỗi người, mỗi khác, không ai giống hệt như ai. Lý Thái Bạch, lên 4 tuổi, đã làm được thơ hay, Pascal, lên 8 tuổi, đã giải toán, ở nước ta, Nguyễn Trực, 15 tuổi, đã đỗ trạng nguyên, hiện tiền cũng không thiếu gì, những người có năng khiếu đặc biệt, những điều đó không thể là ngẫu nhiên, nó phải do những tập quán hiểu biết từ đời trước truyền qua đời này. Do chúng ta có cái thức tâm tiếp tục tồn tại mãi mãi, hết làm cho thân này sống, thì làm cho thân khác sống, nên mới có luân hồi.

Trong một đời, tất cả những hoạt động về thân thể, về lời nói và nhất là về ý nghĩ, đều có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm thức ấy, nói một cách khác, là đều huân tập cái thức tâm ấy, như người ở trong xưởng làm nước mắm thì tất nhiên có mùi nước mắm.

Khi thức tâm chịu sự huân tập của các điều thiện nhiều hơn, thì kết quả chung là sẽ thụ sinh lên các cõi trên, đó là vì, việc thiện là việc lợi tha, do nghĩ đến lợi ích người khác mà làm, mà đã nghĩ đến người khác, thì thức tâm hoạt động rroongj rãi hơn, hóa ra nhẹ nhàng và được đi lên. Ngược lại, nếu huân tập thức tâm bằng việc ác nhiều hơn, thì phải đi xuống, vì việc ác gốc nơi lòng ích kỷ, chỉ biết có mình, không nghĩ đến người khác, do đó, thức tâm hoạt động trong phạm vi hẹp hòi, hóa ra nặng nề và phải đi xuống. Trong một đời, ít ai chỉ làm điều thiện hay điều ác, nên nghiệp báo cũng tùy theo sự tổng hợp ảnh hưởng của các điều thiện, ác đã làm. Ảnh hưởng điều thiện nhiều chừng nào, thì xuống thấp chừng ấy, nếu ảnh hưởng thiện ác xấp xỉ ngang nhau thì quả báo không thay đổi.

Những hành động tu tập thiền định, tức là bất động nghiệp có tác dụng tất lớn. Người tu hành được định nào, thì thụ sinh theo định ấy, các nghiệp khác không thể lay chuyển được.

Ngoài các bất động nghiệp ra, còn có những nghiệp đặc biệt, có thể lấn át phần nào ảnh hưởng của các nghiệp khác, đó là:

a. Cực trọng nghiệp:Là những nghiệp lành, nghiệp dữ rất to lớn, ảnh hưởng nghiệp báo chung, như cứu mạng nhiều người hoặc tàn sát nhiều người v.v. nó quyết định phần lớn sự lên, xuống trong đường luân hồi.

b. Tích tập nghiệp: Là những việc lành việc dữ làm thường xuyên và thành thói quen. Do sự huân tập hằng ngày, nên nó ảnh hưởng rất lớn đến nghiệp báo chung.

c. Cận tử nghiệp:Là những việc làm khi gần chết, do những việc làm này, nên mới ảnh hưởng cũng mạnh hơn những việc đã làm từ lâu.

Tổng hợp những ảnh hưởng của tất cả các việc làm lành dữ, sau khi kể đến ảnh hưởng lớn lao của các bất động nghiệp, cực trọng nghiệp, tích tập nghiệp, và cận tử nghiệp, thì có thể hình dung được nghiệp báo chung của một đời.

Lại, trong khi gây ra nghiệp lành, nghiệp dữ, nhất định có tác dụng đến người khác, nên ngoài quả báo nơi tâm thức, lại còn có quả báo đối đãi, nghĩa là khi làm lợi cho người khác, thì ifkhacs gặp dịp sẽ làm lợi cho mình, khi làm hại cho người khác, thì người khác gặp dịp sẽ làm hại cho mình. Quả báo đối đãi này rất phức tạp, nó kéo từ đời này sang đời khác, khi có dịp gặp nhau, thì có sự vay trả, trả vay, khó mà lường hết được.

Nghiệp báo của một đời, do sự tổng hợp ảnh hưởng của các nghiệp đã làm trong đời ấy, cộng với ảnh hưởng của cấc nghiệp đã làm trong các đời quá khứ. Ví dụ: sự huân tập của các nghiệp trong quá khứ đã dẫn dắt tâm thức của một chúng sinh vào loài người. Trong suốt một đời làm người, nếu chúng sinh ấy tạo ra một số nghiệp thiện và nghiệp ác, ảnh hưởng xấp xỉ ngang nhau, thì nghiệp báo chung của chúng sinh ấy, sau khi chết, vẫn cứ dẫn dắt vào loài người.

Cái sức dẫn dắt của nghiệp báo, vào loài người hay loài khác, thì gọi là nghiệp lựchay nghiệp báo dẫn dắt thư thế gọi là dẫn nghiệp. Dẫn nghiệp dắt vào trong một loàn, trong một thế giới, trong một cõi nước nhất định, còn việc thụ sinh vào gia đình nào, trong hoàn cảnh nào, với thân thể và trí thông minh như thế nào, gặp những thiện duyên, ác duyên như thế nào, thì thuộc và mãn nghiệp, tức là cái nghiệp báo đầy đủ, có kể đến phẩm chất của các nghiệp, thiện, ác, và quả báo đối đãi của các nghiệp thiện, ác. Mãn nghiệp này, chỉ có tác dụng lớn trong các cõi dưới, vì từ sơ thiền trở lên, mọi người đều ở trong thiền định và mọi người đều hóa sinh, nên không có duyên nợ và những sự vay trả.

Muốn biết rõ dẫn nghiệp thúc đẩy thức tâm thụ sinh trong các loài như thế nào, thì cần rõ thức tâm là gì? Nói một cách ước lược, thì thực chất của thức tâm là cái năng lượng làm cho có sống, có hay biết. Bản tính của năng lượng ấy cùng khắp vũ trụ, không riêng cho một thân nào, cho một chúng sinh nào, nhưng hoạt động của năng lượng ấy, thì lại chia ra từng luồng tâm niệm, hình như khác nhau, thành ra cá thể của mỗi chúng sinh. Khi chưa giác ngộ được bản tính cùng khắp, thì các luồng tâm niệm tiếp tục hoạt động riêng biệt theo sự huân tập của các nghiệp, hết làm sống thân này, thì làm sống thân khác, gắn bó với thân của mỗi đời và theo nghiệp báo, đi từ loài này, sang loài khác.

Ở đây, cần phải tránh hai kiến chấp sai lầm là chấp thường và chấp đoạn. Chấp thường là chấp có cái ý thức biết người, biết mình tòn tại mãi mãi. Người đời thường gọi ý thức ấy là linh hồn. Quan niệm về linh hồn, theo các ngoại đạo có những chỗ không giống nhau. Có những ngoại đạo quan niệm linh hồn là cái ý thức cộng với một thân thể nhẹ nhàng, như cái thân trong chiêm bao. Có những ngoại đạo quan niệm linh hồn là cái ý thức có phân biệt, có biết mình biết người, nhưng không có thân thể. Có những ngoại đạo quan niệm linh hồn có nhiều thân thể, hoặc có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng đều có phân biệt, biết mình biết người. Nói tóm lại, những quan niệm của các ngoại đạo về linh hồn tuy có khác nhau, nhưng căn bản là giống nhau ở chỗ là cái ý thức biết người, biết mình… nghĩa là cái ý thức gắn bó với một thân thể nhất định, như cái ý thức của chúng ta, trong lúc đang thức hay trong lúc chiêm bao. Sự thật thì thức ấy, dựa vào thân thể mà có, chứ không thể riêng có một mình được. Ý thức đó thường gián đoạn, lúc ngủ mê, khi chết giấc, ý thức không còn hoạt động, huống nữa là chết. Vì thế, nên chấp có cái linh hồn tồn tại mãi mãi, sau khi chết là sai lầm, không hợp với chính lý.

Chấp đoạn: Là chấp rằng, chết rồi thì mất hẳn, như Thuận thế ngoại đạo, v.v. Chấp như thế cũng không đúng lý, vì tất cả mọi sự vật đều có chuyển biến, chứ không hề mất hẳn.

Song cái luống tâm niệm hết làm sống thân này, lại làm sống thân khác, có phải là thường không? Nó không phải là thường, vì nó sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, chuyển biến mãi mãi. Nhưng nó có phải là đoạn không? Cũng không phải, vì nó tiếp tục không gián đoạn.

Nhận biết luống tâm niệm không phải thường, không phải đoạn, thì mới rõ được đạo lý luân hồi, thì mới rõ được, tuy không có gián đoạn, nhưng thức tâm lại chuyển biến mãi theo sự huân tập của các nghiệp.

Sự huân tập ấy, tạo thành dẫn nghiệp, dắt thức tâm vào các loài trong lục đạo. Nếu trong một đời người, 90 phần trâm hoặc 100 phần trăm ý niệm là những ý niệm xấu, làm tổn hại cho người hay đa số người, hoặc có tạo ra những cực trọng nghiệp, tích tập nghiệp và cận tử nghiệp rất xấu, thì phải đọa vào địa ngục. Không nên quan niệm địa ngục là một nơi ngục tù, có những người chuyên môn hành phạt. Dịch theo đúng tiếng Phạn (Naraka) thì địa ngục chỉ là một loài chúng sinh, do thân thể nhỏ yếu, nên phải chịu rất nhiều đau khổ. Nếu trong một số kinh Phật mô tả những sự đau khổ trong các địa ngục, như chính thân người bị hình phạt, đó là vì, Phật nói về địa ngục cốt cảnh cáo những chúng sinh ngoan cố, làm cho họ biết sợ mà hối cải mà thôi. Song, tuy không có ai hành phạt, tuy không phải lấy thân người mà chịu, nhưng những đau khổ ở địa ngục vẫn có và có nhiều. Những vi sinh vật đã chết khi nhiệt độ lên xuống một ít, những con giun đất gặp ánh sáng mặt trời, đã không sống được, có thể hình dung được cái đau khổ của Địa ngục hỏa diệm, vì đối với các vật như thế, thì ở đâu cũng là lửa cả. Con kiến, con sâu bị dẫm phải, thì thân thể dập nát, tất nhiên cũng chịu đau khổ như ở các Địa ngục hợp sơn hợp thạch. Đó là chưa kể trong lúc gần chết, khi nhiều căn không hoạt động nữa, chỉ còn cái ý thức hỗn loạn, với những cảm giác đau đớn khắp thân thể, thì cũng có thể có những chiêm bao rất dữ dội, kéo dài trong một thời gian tương đối rất lâu, cho đến khi chết hẳn. Nói tóm lại, dầu ở loài địa ngục hay ở các loài khác, thì cũng tự mình gây nghiệp, rồi tự mình chịu báo, chứ không có người trung gian nào thưởng phạt cả. Nếu quan niệm một cách khác, thì sẽ lạc vào ngoại đạo, chấp có ông Trời tự ý thưởng phạt, mà chính mình lại không chịu nghiệp báo; không thể có ông Trời như thế, vì không có vật nào có thể tự sinh ra, vì một nhân thì không thể sinh ra quả, vì mọi sự mọi vật đều diễn biến theo nhân quả. Ngoại đạo thường chấp có ông Trời, hoặc ông Thần thưởng phạt các linh hồn, sự thưởng phạt đó, nếu có, nhất định sẽ không công bằng, vì những người thưởng phạt đó nhất định sẽ không hiểu được hết tâm niệm sâu kín của mọi người và không thể không bị tình cảm chi phối. Ngược lại, nghiệp báo là kết quả ảnh hưởng của các ý niệm của các việc làm do ý niệm điều khiển, nên không lúc nào sai chạy được.

Nếu các ý niệm ác nhiều đến 70 phần trăm, thì nghiệp báo dẫn dắt vào các loài quỷ, suốt đời phải chịu đói khát.

Nếu ảnh hưởng nghiệp thiện chỉ có 40 phần trăm và nghiệp ác đến 60 phần trăm, thì nghiệp báo dẫn dắt vào các loài súc vật. Nghiệp ác tương đối nặng thì làm giống có lông, tương đối nhẹ thì làm giống có cánh.

Nếu những ý niệm thiện ác xấp xỉ ngang nhau, thì trở lại làm người, thiện nhiều hơn một ít thì thông minh, ác nhiều hơn một ít thì ngu ngốc. Đạo Phật quan niệm có vô lượng, vô biên thế giới, trong đó có vô lượng, vô biên cảnh giới loài người, thiện nhiều hơn thì sinh vào những cảnh giới tốt, ác nhiều hơn thì sinh vào những cảnh giới xấu.

Phân tích những cảnh giới loài người khác nhau, trong các kinh thường chia ra làm bốn châu là:

1. Đông thắng thần châu: Trong đó, loài người chú trọng rất nhiều về triết học, đạo đức.

2. Tây ngưu hóa châu: Trong đó, loài người chú trọng rất nhiều vềcủa cải, hàng hóa.

3. Nam thiện bộ châu: Là cảnh giới chiết trung giữa Đông thắng thần châu và Tây ngưu hóa châu. Trong ba châu trên con người đều tư hữu và hưởng thụ giữa người này và người khác rất chênh lệch.

4. Bắc câu lô châu: Cũng có tên là Uất-đơn-việt châu, trong đó, con người không có tư hữu, các thức ăn mặc, ai cần gì thì có nấy, con cái đều nuôi dưỡng chung, nên con người không tham của cải vật chất và không phạm tội trộm cắp. Do ở Bắc câu lô châu, vật chấtt dồi dào, đời sống sung túc nên con người không nghĩ tới riêng tư, tinh thần thoải mái, thanh khiết, sống lâu đến hàng ngàn tuổi và về sau, lại được sinh lên các cõi trời.

Nếu ý niệm thiện rõ ràng nhiều hơn ý niệm ác, thì được sinh lên các cõi Trời. Đạo Phật quan niệm các cõi Trời là những cõi trong đó, chúng sinh hưởng phúc nhiều hơn cõi người, chứ không phải như thiên đường của ngoại đạo.

Những người có nhiều thiện niệm, nhưng chưa thoát ly ngũ dục, thì sinh lên các cõi trời của Dục giới còn có đàn ông, đàn bà và có ngũ dục. Những cõi Trời thấp như Tứ thiên vương thiên, Đao-lợi thiên, thì còn chịu ánh sáng mặt Trời và còn dâm dục như ở cõi người. Các cõi trời trên như Dạ-ma thiên, Đâu-suất-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hóa tự tại thiên, thì tự mình có ánh sáng không cần ánh sáng mặt trời và sự dâm dục cũng tế nhị hơn, như ôm nhau mà nhảy, bắt tay nhau, cười duyên với nhau hoặc liếc mắt đưa tình với nhau.

Khi thoát ly được ngũ dục, thì lên Sơ thiền, có cái thân thể hóa sinh bằng vi tế tứ đại và không có sự phân biệt đàn ông, đàn bà. Trên Sơ thiền là Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Các cõi này đều có sắc thân, nên thuộc về Sắc giới.

Trên các cõi Sắc giới, thì có Tứ thiền không là Không vô biên xứ thiên, Vô sở hữu xứ thiên và Phi tướng phi phi tướng xứ thiên, thuộc về Vô sắc giới, chỉ có tâm thức, chứ không có thân thể. Trên các cõi trời này, người ta hưởng phúc rất nhiều, có cõi sống đến hàng vạn kiếp, nhưng cuối cùng vẫn phải chết và luân hồi sang cõi khác.

Ngoài ra còn có các loài A-tu-la, là các loài quỷ thần, tuy có thần thông nhưng hay nóng giận, nên không được sinh vào các cõi trời. Loài A-tu-la rất phức tạp, có giống A-tu-la ngang với loài trời, có giống ngang với loài súc và giống ngang với loài quỷ.

Nói tóm lại, dẫn nghiệp dắt chúng sinh vào nhiều loài khác nhau, ước lượng có thể chia là sáu loài là: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, loài người, loài Trời và loài A-tu-la, gọi là lục đạo.

Những chúng sinh có nghiệp báo như nhau, thì có một thân thể và một hoàn cảnh giống nhau, thành những bạn đồng nghiệp, thức là đồng loại. Nghiệp báo về thân thể thì gọi là chính báo, nghiệp báo về hoàn cảnh thì gọi là y báo. Những chúng sinh đồng nghiệp có chính báo và y báo na ná giống nhau, nên hiểu biết nhau hơn, vì thế, những việc thiện, việc ác đối với đồng nghiệp có một tầm quan trọng đặc biệt.

Nhất là giữa các chúng sinh đồng nghiệp, thường có những quả báo đối đãi, một bộ phận của mãn nghiệp. Quả báo đối đãi cắt nghĩa tại sao có những sự ưa ghét, làm lợi, làm hại lẫn nhau mà không thấy nguyên do rõ rệt. Quả báo đối đãi lắm khi trái ngược với quả báo nơi thức tâm, như trong trường hợp làm những việc thiện có lợi cho người với ý niệm xấu, thì quả báo nơi thức tâm là xấu, nhưng quả báo đối đãi có thể là quả báo tốt.

Do ngoài quả báo nơi thức tâm, còn có quả báo đối đãi, nên nghiệp báo rất là phức tạp, không thể lường hết được.

Cần phân biệt nghiệp báo của đạo Phật với số mạng của ngoại đạo. Theo ngoại đạo, những người sinh ra đều có số mạng nhất định, không thể thay đổi. Nghiệp báo thì khác hẳn, nghiệp báo không phải là bất di bất dịch và thường chuyển biến theo nhân quả. Nhân quả thì chẳng những có nhân quá khứ sinh ra quả hiện tại và tương lai, mà cũng có nhân hiện tại sinh ra quả hiện tại và tương lai. Do những nhân hiện tại, có thể đem lại những wuar hiện tại, nên con người có thể làm chủ phần nào vận mệnh của mình, có thể chuyển được những nghiệp báo xấu thành những nghiệp báo tốt và cũng có thể luyện tập thay đổi tư tưởng, tu hành được các thiền định, hoặc được chứng những quả xuất thế gian của tam thừa. Ví dụ như theo số mạng thì người nào có số mạng đỗ trạng nguyên, nhất định sẽ đỗ trạng nguyên. Nghiệp báo thì khác hẳn, người nào đó có thể có nghiệp báo tốt, làm cho có thân thể khỏe mạnh, trí tuệ thông minh, hoàn cảnh thuận lợi để học giỏi biết nhiều, nhưng nếu người ấy không tạp ra những nhân hiện tại, chăm lo học hỏi mà chỉ chơi bời lêu lổng, thì chẳng những không đỗ được trạng nguyên mà có thể mù chữ, chẳng những không dùng được cái thông minh để học tập, mà còn có thể dùng cái thông minh để làm những điều ác, gây ra những quả báo xấu hiện tại và tương lai.

Nói tóm lại, nghiệp báo chủ yếu là cái quả báo của những thiện nghiệp, ác nghiệp và bất động nghiệp đã huân tập nơi thức tâm, tổng hợp thành cái nghiệp lực dẫn dắt vào loài này, loài khác để hưởng hạnh phúc hay chịu đau khổ. Như thế nghiệp nhân do tự mình gây nêm, nghiệp báo do tự mình chuốc lấy, chứ không có ai thưởng phạt cả.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]