Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thập bát giới

08/12/201015:27(Xem: 3353)
Thập bát giới

SỨ MỆNH CỦA ĐẠO PHẬT

NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH 2010

Thập bát giới

Thập bát giới (mười tám giới)là sự phân loại đối với những hiện tượng trong thế giới hữu tình, là quan niệm về vũ trụ và nhân sinh từ trí tuệ siêu xuất của Đức Phật. Đây cũng là pháp tu căn bản của Phật giáo, là con đường đưa đến Giải thoát - Niết bàn.

Mười tám giới gồm sáu căn, sáu trần và sáu thức. “Giới”nghĩa là giới hạn, vì mỗi yếu tố đều có một phạm vi hoạt động và ảnh hưởng riêng biệt của nó. Sáu căn là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)ở trong cơ thể con người, thuộc Nhân-Sinh-Quan của Phật giáo. Sáu trần là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, những cảnh tượng bên ngoài, thuộc Vũ-Trụ-Quan của Phật giáo. Hệ thống kinh Nguyên thuỷ gọi sáu căn là sáu nội xứ, sáu trần là sáu ngoại xứ, cộng lại là mười hai xứ.

Mỗi căn tiếp xúc với một trần tương ứng, sinh ra thức: Mắttiếp xúc với Sắcsinh Nhãn thức, khiến con người biết được hình dạng màu sắc của sự vật, rồi khởi niệm phân biệt đẹp xấu to nhỏ; Tai tiếp xúc với Âm thanhsinh Nhĩ thức, phân biệt khen chê hay dở… Năm căn đầu (mắt, tai mũi, lưỡi, thân)duyên với năm trần tương ứng (gọi là tiền trần), phát khởi năm thức có tên Tiền ngũ thức. Riêng pháp trần không phải có hình tướng cụ thể, chỉ do những bóng dáng của tiền trần lưu ảnh trong tàng thức, khi có cơ hội chợt trỗi dậy làm ta nhớ lại. Khi Ý căntiếp xúc với pháp trần, Ý thứcphát sinh. Nhà Phật rất chú trọng đến tâm ý, vì đây là động cơ chính tạo mọi nghiệp thiện ác. “Công vi thủ, tội vi khôi”. Lập công đầu là nhờ ý thức, nhưng tạo tội cũng khởi phát từ ý thức mà ra.

Cách phân loại theo mười tám giới cho chúng ta một nhận định đúng đắn về nhân sinh và vũ trụ. Lìa Căn-Trần-Thức, không có cái gọi là chúng sinh và thế giới. “Chúng”là sự tập hợp; “Sinh”là tạo ra, là phát khởi. “Chúng sinh”là vay mượn các duyên để sinh khởi và tồn tại một thân tâm. Đáo cùng, thân năm uẩn của chúng ta chỉ là duyên hợp giả có, nhưng chúng ta lại mê lầm chấp nó là thật, là ta. Do chấp có ngã (Ta)và ngã sở (của ta)nên sinh ra đắm luyến thân, quay cuồng theo ngũ dục, đời đời kiếp kiếp trôi lăn trong sanh tử. Cho đến thế giới vũ trụ vô biên, cũng không ra ngoài lý duyên sinh. “Vũ”chỉ cho không gian, “Trụ”chỉ thời gian. Không gian và thời gian thật ra chỉ là sản phẩm của vọng tưởng, do sự phân chia ước lệ của con người; không có cái gì không nhờ các duyên tụ hợp mà thành. Vì vạn pháp đều do duyên hợp nên không đồng nhất và không có chủ tể, luôn luôn biến đổi nên vô thường. Vì không có chủ tể, không đồng nhất và vô thường, nên chúng là Vô ngã đây là chân lý tuyệt đối mà chỉ có Đức Phật, bậc giác ngộ tối thượng mới thấu triệt và tuyên dương, khiến giáo lý nhà Phật như ánh sáng mặt trời soi thấu tất cả mọi bí mật ngàn đời trong tột cùng pháp giới.

Vì Căn và Trần đều không thật có, nên Thức, phát sinh từ sự giao thoa giữa Căn-Trần, cũng không thật. Như vậy, sự hiện hữu của Căn-Trần-Thức là sự giả có, do tâm biến hiện, còn tự tánh của chúng vốn là không. Cái có này không thật có vì tánh nó là không, cũng không thật không vì duyên hợp giả có, cho nên gọi là Chân Không mà Diệu Hữu. Quán chiếu sâu xa điều này, chúng ta sẽ thấu triệt tinh thần “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”của Bồ tát Quán Tự Tại. Soi thấy năm uẩn đều không, nghĩa là soi thấy mười tám giới đều là tự tánh Không như thế. Nhận ra được chân không nhờ trí tuệ Bát Nhã, chúng ta sẽ tự tại với mọi biến đổi nhiễu nhương của đời sống, vẫn làm việc tích cực vì con người và cuộc đời nhưng không đắm luyến bất cứ thứ gì, nên vượt qua tất cả mọi khổ nạn. Đây là tiền đề giải thoát phiền não và sinh tử luân hồi.

Khi tôn giả Phú-Lâu-Na thỉnh Phật chỉ dạy pháp yếu tu hành, Phật đã bảo: “Chỉ cần sáu căn không dính mắc với sáu trần, ngay đó là giải thoát”. Kinh Lăng Nghiêm mô tả lời giải đáp cho nghi vấn của Ngài A-Nan, bằng lời dạy đồng thanh của mười phương chư Phật: “Nguồn gốc của trầm luân sanh tử là sáu căn của ông; nguồn gốc của Niết bàn giải thoát cũng là sáu căn của ông chứ không đâu khác”. Ngài Điều Ngự Giác Hoàng, Sơ tổ thiền tông Việt Nam Trúc Lâm Yên Tử cũng viết: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, tiếp xúc với cảnh mà tâm không khởi niệm, đó là thiền, không cần hỏi thêm chi nữa. Người đời khi mắt nhìn thấy sắc, liền khởi ý phân biệt đẹp xấu, đẹp thì thích, xấu thì không ưa, từ đó liên tưởng đến những chuyện khác. Vọng niệm cứ thế sinh diệt không dừng. Người biết tu, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng ... đều nhận rõ nhưng không có ý niệm phân biệt, chia chẽ, nên các căn không dính mắc với trần cảnh. Vì không dính mắc nên không tạo nghiệp, do đó thoát ly khỏi phiền não và sinh tử.

Nhiều người lầm tưởng, tu hành là phải trốn tránh thế gian, phải đè nén vọng tưởng, phải kiềm chế mọi nhu cầu của cơ thể. Thật ra, cấu tạo Tâm-Sinh-Vật lý là cấu tạo tự nhiên của con người. Cơ thể chúng ta có những nhu cầu cần thiết để tồn tại và phát triển. Quá nuông chiều thân xác, chạy theo những thú vui trần tục mà xa rời đạo lý, chỉ biết sống theo bản năng là một cực đoan không nên có. Nhưng quá khổ hạnh khiến cho thân thể hao mòn, tinh thần u mê trì trệ, là cực đoan thứ hai, cũng không hợp với đạo. Đức Phật không chủ trương bạo động, bắt đè nén thân xác hay trấn áp vọng tâm. Đối với thân, người tu khéo tuỳ duyên, vẫn ăn uống ngủ nghỉ, vẫn sống chan hòa cùng cuộc đời, chỉ không khởi niệm khen chê ưa ghét. Đối với tâm, người tu chỉ cần biết những tâm hành sanh diệt đều là vọng tưởng, không theo nó; vọng tưởng tự lặng là tâm được an. Sống hồn nhiên như vậy, tu nhẹ nhàng như vậy mà lại khế hợp với tự tánh.

Lại có người hiểu lầm, cho trạng thái vô tâm của nhà Thiền là hoàn toàn không còn “tâm”gì cả, hoàn toàn vắng bặt mọi ý nghĩ, bặt luôn cả thấy nghe hiểu biết. Thật ra tinh thần nhà Thiền là tinh thần trung đạo: Không đè nén vọng tưởng cũng không dung túng vọng tâm. “Vô tâm”là không khởi tâm phân biệt, tâm sinh diệt, nhưng bản tâm chân thật thanh tịnh chưa từng sinh diệt bao giờ. Ấy là chân tâm, là Phật tánh sẵn có, đầy đủ và bình đẳng ở muôn loài chúng sanh. Chúng sinh vì vô minh, cho thân-tâm-cảnh là thật có, nên tiếp xúc với sự vật bên ngoài bằng cái biết có phân biệt so sánh, đó là tâm tỷ lượng và phi lượng. Sau đó khởi thêm một chuỗi những niệm khen, chê, ưa, ghét... càng lúc càng xa hẳn thực tại. Vì thế, tai có nghe mà không thấu, nhìn mà không thấy được lý chân thật của các pháp. Người biết tu, hàng ngày vẫn đối duyên xúc cảnh, tất cả đều biết nhưng không khởi niệm. Đây là trạng thái hiện lượng của tâm, biết bằng trực giác không qua trung gian suy luận. Các Ngài có cái nhìn thấu suốt được thực tướng của các pháp, thấy các pháp như nó đang là, nên không xâm phạm đến bản vị của chúng. Nếu chúng ta an trú tâm vào giờ phút hiện tại, không dong ruổi về quá khứ hay mơ màng đến tương lai, thì một thời điểm nào đó, các pháp sẽ vén mở sự bí mật ngàn đời. Bởi vì, khi tâm thanh tịnh, thế giới trở thành pháp giới, Ta Bà biến thành Tịnh Độ.

Xét đến tam vô lậu học (Giới-Định-Huệ), chúng ta thấy căn bản vẫn là sự tương quan giữa Căn-Trần-Thức. Giới được lập ra để ngăn không cho sáu căn dong ruổi theo sáu trần, như dây vàm buộc mũi trâu không cho ăn lúa mạ của người. Định là dứt bặt các duyên, không để tiền trần lưu ảnh phát sinh ý thức. Huệ là quán chiếu vào Căn-Trần-Thức, thấu triệt được tự tánh không của tất cả các pháp; từ đó thấm sâu vào lòng thực tại, thể nhập vào sự bình đẳng tuyệt đối giữa chúng sanh và chư Phật, giữa thế giới nhiễm ô phiền não với Tịnh Độ Niết Bàn.

Mười tám giới không chỉ là pháp số trong giáo lý Phật môn, mà còn là những nhận định đúng đắn về con người và vũ trụ. Đó cũng là pháp tu, tuy đơn giản nhưng thành tựu thật phi thường. Chúng ta học và nghiên cứu lời Phật dạy, không phải để có một số vốn kiến thức suông về Phật pháp. Chúng ta phải áp dụng lời dạy của Đức Phật để tự hoàn thiện chính mình, để đi theo con đường Phật đã đi và đã đến đích, rồi góp phần của mình vào việc làm lợi ích cho người sau. Có như vậy, chúng ta mới làm đúng tinh thần học Phật và tu Phật.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]