Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 10: Một Phương Pháp Thiền

26/11/201017:32(Xem: 3940)
Chương 10: Một Phương Pháp Thiền


CHƯƠNG 10
Một Phương Pháp Thiền

Giờ chúng ta sẽ chuyển sang một phương pháp hành thiền hơi khác với phương pháp ‘quét dọn’. Kết quả cũng có thể khác, chúng ta sẽ bàn sau. Trước hết, chú tâm vào hơi thở, nhận biết cảm giác nơi mũi. Trụ ở nơi đó trong chốc lát.

Giờ chuyển sự chú tâm lên đầu, chỗ mỏ ác, trong phạm vi khoảng một đồng xu lớn. Hãy nhận biết mọi cảm giác, cảm xúc ở nơi đó: cảm giác ấm áp, nặng nề, chuyển động, lặng yên, cứng, mềm, co thắt -bất cứ cảm giác nào vừa kể trên hay gì đó khác hơn thế nữa. Sau đó xử dụng tâm như một cây quạt đang từ từ xoè cánh, dần dần phủ hết lên đến đỉnh đầu. Nhận biết từng điểm đặc biệt, cho đến khi tất cả vùng đầu đó hoàn toàn trong tầm kiểm soát của bạn, biết rõ từng cảm xúc, biết từng cảm giác. Phơn phớt ngoài da hay sâu thẳm vào trong. Bất cứ điều nhận thức nào, hãy nhận biết toàn vẹn, từng điểm từng điểm một, cho đến khi tất cả vùng sọ não đều trong tầm nhận thức của bạn.

Trụ tâm vào đỉnh đầu, trong phạm vi khoảng một đồng xu lớn. Cố gắng thẩm thấu các cảm giác, cảm xúc, trở thành một với chúng. Rồi xử dụng tâm như một cây quạt đang từ từ mở cánh. Bắt đầu từ trên đỉnh đầu, di chuyển dần xuống phía sau đầu cho đến điểm tận cùng của sọ, nhận biết từng vị trí, cho đến khi tất cả vùng đó hoàn toàn trong tầm kiểm soát của bạn.

Giờ chuyển sự chú tâm vào phía bên trái đầu. Nhẹ nhàng mở rộng nhận thức từ phía trên đầu, xuống phía trái đầu, đến tận hàm; từ chân tóc phía trước mặt ra sau tai trái, xử dụng tâm như một cây quạt đang từ từ mở cánh, nhận biết từng vị trí, đặt tất cả vùng đầu ấy trong tầm kiểm soát của bạn. Nhận biết được các cảm thọ. Hoàn toàn nhất tâm, trở thành một với chúng.

Giờ chuyển sự chú tâm vào phía bên phải đầu. Bắt đầu từ phía trên đầu, dần dần lan ra như một cây quạt đang từ từ mở cánh, xuống phía bên phải đầu, đến tận hàm; từ chân tóc phía trước mặt ra sau tai phải. Nhận biết từng vị trí, rồi tất cả vùng đầu ấy.

Giờ hãy cố gắùng nhận biết phía trước đầu, phía sau đầu, bên trái, bên phải cùng lúc, hoặc là càng nhiều điểm càng tốt.

Bắt đầu từ chân tóc phía trên trán, từ từ mở rộng sự quán sát xuống cả khuôn mặt, đến tận cằm, tận hàm, nhận biết từng vùng, cho đến khi tất cả vùng mặt đều nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Nhận biết các cảm giác, nhận biết các cảm xúc.

Cố gắng quán sát cả đầu, bao gồm cả mặt, được càng nhiều càng tốt.

Giờ chú tâm cùng lúc vào vùng cổ và phía sau gáy, hoặc từng phần một, chánh niệm về cả hai nơi. Từ từ triển khai từ hàm và từ gáy, xuống cổ, xuống phía sau ót, đến chỗ giáp thân, nhận biết từng vùng, sau đó toàn vùng. Quán sát cùng lúc các vùng, hay từng phần một, chánh niệm ở cả hai nơi.

Giờ chú tâm vào vai trái. Bắt đầu từ cổ, từ từ triển khai sự quán sát như một cây quạt đang từ từ mở cánh dọc theo vai đến bả vai, nơi tiếp giáp với tay. Ghi nhận từng điểm, rồi toàn vùng, nhận biết các cảm thọ, cảm giác. Nhột nhạt, tê, nặng nhẹ, lo âu, sợ hãi, rõ ràng, tĩnh động-hay bất cứ dấy khởi nào. Bắt đầu từ bả vai trái, triển khai dần sự quán sát xuống đến khủy tay trái. Ghi nhận từng vị trí, rồi toàn vùng. Trở nên nhất tâm, cố gắng hoà mình vào từng vị trí, vào các cảm thọ.

Bắt đầu từ khủy tay trái, từ từ triển khai sự quán sát như một cây quạt đang từ từ mở cánh, dần xuống cánh tay trái đến chỗ quanh vùng cổ tay, nhận biết từng vị trí, rồi tất cả vùng đó.

Giờ quán sát cùng lúc vai trái và cả cánh tay trái đến tận cổ tay, hoặc khỏang từ cổ xuống đến cổ tay, được càng nhiều phần càng tốt.

Giờ quán sát mu và lòng bàn tay trái, hoặc cùng lúc, hoặc từng phần một, chánh niệm ở cả hai nơi.

Chú tâm vào các ngón tay trái, di chuyển dần từ kẽ các ngón tay đến đầu các ngón tay. Trụ tâm vào các đầu ngón tay, dẫn tâm thoát từ đó vào không gian.

Chú tâm vào vai bên phải. Bắt đầu từ cổ, dần dần triển khai sự quán sát như một cây quạt đang từ từ mở cánh bao phủ cảvai phải đến bả vai. Nhận biết từng vị trí, rồi cả vùng đó, trở thành một với chúng, trở thành một với các cảm xúc, cảm giác ở nơi đó.

Bắt đầu từ bắp tay bên phải. Dần dần triển khai sự quán sát đến tận khủy tay phải; nhận biết các cảm xúc, cảm giác. Đầu tiên cảm nhận từng vùng, rồi toàn vùng.

Bắt đầu từ khủy tay phải. Từ từ triển khai sự quán sát xuống cánh tay phải đến chỗ quanh vùng cổ tay, nhận biết từng vị trí, rồi tất cả vùng đó, nhận thức và cảm thọ quyện làm một.

Giờ quán sát vai phải, cả cánh tay phải cho đến cổ tay phải, hoặc được càng nhiều càng tốt, từ cổ đến tận cổ tay. Chú tâm vào mu và lòng bàn tay phải, hoặc cùng lúc, hoặc từng phần một, chánh niệm về cả hai nơi.

Chú tâm vào các ngón tay phải. Di chuyển dần dọc từ kẽ các ngón tay đến đầu các ngón tay. Trụ tâm vào các đầu ngón tay, dẫn tâm thoát từ đó vào trong không gian.

Chuyển sự chú tâm vào thân trước. Bắt đầu từ vai, dần dần triển khai sự quán sát như một cây quạt đang từ từ mở cánh, dần xuống thắt lưng, chánh niệm trên từng vị trí, rồi tất cả vùng. Nhận biết các cảm thọ. Nhột nhạt, nhẹ nhõm, đau đớn, ấm áp, cứng, lỏng –hay bất cứ gì.

Bắt đầu từ chỗ thắt lưng thân trước, dần triển khai nhận thức xuống phía dưới thân đến háng. Nhận biết từng điểm từng điểm một, rồi toàn vùng, hòa nhập làm một với các cảm thọ, trở thành nhất tâm.

Giờ chú tâm vào tất cả vùng phía trước, từ vai đến háng, tất cả cùng một lúc, hoặc càng nhiều càng tốt. Nhận biết từng cảm thọ, từng cảm giác.

Chuyển sự chú tâm vào thân sau. Bắt đầu từ vai, dần dần triển khai sự quán sát xuống tận thắt lưng. Chánh niệm trên từng vị trí, rồi tất cả vùng.

Bắt đầu từ chỗ thắt lưng thân sau, dần triển khai nhận thức xuống phía dưới thân đến bàn tọa. Nhận biết từng điểm từng điểm một, rồi toàn vùng.

Giờ chú tâm vào tất cả vùng phía sau lưng, bắt đầu từ vai đến chỗ tiếp giáp với chân, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Quán sát tất cả vùng thân, từ vai đến háng, từ vai đến bàn tọa, phía trước và phía sau, tất cả toàn phần, hay bao nhiêu tùy sức. Nhận biết từng cảm thọ, nhận biết từng cảm giác.

Giờ bao gồm luôn cả hai tay với thân trước, thân sau.

Đặt chú tâm vào đùi trái. Bắt đầu từ háng, dần dần triển khai sự quán sát đến tận đầu gối trái. Chánh niệm ở từng vị trí cho đến khi cả vùng đùi trái đều nằm trong tầm kiểm soát của bạn.

Bắt đầu từ đầu gối trái, triển khai dần sự quán sát xuống bắp chân trái cho đến tận mắt cá trái, từng điểm từng điểm một, cho đến khi cả vùng đều được quán sát. Hòa quyện vào từng cảm thọ, từng cảm giác như một.

Giờ chú tâm vào toàn chân trái, từ háng xuống đến mắt cá, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Chuyển sự chú tâm vào gót chân và phần trên chân trái, cùng lúc, hay từng phần, giữ chánh niệm ở cả hai nơi.

Trụ tâm vào các ngón chân trái, di chuyển dần từ kẽû chân đến các đầu ngón chân. Đặt tất cả tâm trụ vào năm đầu ngón chân, rồi chuyển tâm từ đó hoà vào không gian trong phòng.

Đặt chú tâm vào đùi phải. Bắt đầu từ háng, dần dần triển khai sự quán sát xuống đùi, quanh đùi phải đến tận đầu gối phải. Chánh niệm ở từng vị trí, rồi toàn vùng, trở nên nhất tâm, hoà quyện làm một với các cảm thọ.

Bắt đầu từ đầu gối phải, triển khai dần sự quán sát xuống bắp chân phải cho đến tận mắt cá phải. Nhận biết từng điểm từng điểm một, rồi toàn vùng.

Giờ chú tâm vào toàn chân phải, từ háng xuống đến mắt cá, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Chuyển sự chú tâm vào gót chân và phần trên chân phải, cùng lúc, hay từng phần, giữ chánh niệm ở cả hai nơi, nhận biết từng cảm thọ.

Trụ tâm vào các ngón chân phải di chuyển dần từ kẽû chân đến các đầu ngón chân. Đặt tất cả tâm trụ vào năm đầu ngón chân, rồi chuyển tâm từ đó hoà vào không gian trong phòng.

Giờ quán sát cả hai chân, từ háng xuống đến mắt cá, cùng lúc, hay từng phần một, giữ chánh niệm ở mọi nơi.

Chú tâm vào cả hai gót và phần trên chân, cùng lúc, hay từng phần một, giữ chánh niệm ở mọi nơi, hoà quyện làm một với các cảm thọ.

Chuyển tâm trở lại mười ngón chân. Di chuyển dần từ kẽû chân đến đầu các ngón chân. Trụ tâm vào mười đầu ngón chân, từ đó chuyển tâm ra ngoài hoà vào không gian.

Giờ trở lại với toàn thân. Cố gắng quán sát từ trên đỉnh đầu đến tận các đầu ngón chân, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, được càng nhiều phần càng tốt. Hoà quyện thành một với các cảm thọ, nhận thức và cảm thọ trở thành một.

Trụ tâm vào kẽ chân của mười ngón chân. Di chuyển dần ra các đầu ngón chân. Trụ tâm vào mười đầu ngón chân, từ đó chuyển tâm ra ngoài hoà vào không gian.

Phương pháp hành thiền giới thiệu phía trước được gọi là ‘quét từng phần từng phần”. Phương pháp thứ hai nầy được gọi là ‘quét trọn”. Mỗi phương pháp được xửû dụng cho một mục đích khác nhau. Phương pháp thứ nhất cốt để đạt tri kiến, để chánh niệm đối với các phản ứng của mình, để nhận chân được tính cách vô thường, vô ngã. Phương pháp thứ hai được dùng để đạt thanh tịnh. Không phải ai cũng thích ứng được với phương pháp nầy, nhưng nó được xử dụng cho mục đích đó. Người ta thường xử dụng nó như lối dẫn vào các tầng thiền định.

Bất cứ ai có thể có được những lạc thọ nơi thân đều có thể xử dụng các cảm thọ đó như một đề mục thiền quán. Ta không cần phải quán sát tất cả các phần của cơ thể, như ta đã vừa làm, tuy nhiên ở bất cứ giây phút nào mà lạc thọ khởi lên nơi thân, thì cảm thọ đó trở thành đề mục thiền quán. Đó là bước khởi đầu đưa ta đến với sơ thiền, là một khía cạnh của tầng thiền định đó. Dĩ nhiên là người ta dễ đi vào định bằng những cảm thọ dễ chịu hơn là những cảm thọ trung tính, do đó điều nầy giúp thiền sinh mang những gì đạt được vào đề mục thiền quán. Lúc ấy, tất cả năm chi phần của tầng thiền định thứ nhất đều có thể thực hiện được.

Không quan trọng là cả thân hay chỉ những phần nào đó trên cơ thể được có những cảm thọ dễ chịu, vì chính sự cảm thọ làm đề mục thiền quán, mới đáng kể. Khi ta cảm thấy rõ ràng rằng chính loại cảm thọ nầy là cái mà ta muốn trụ tâm vào, thì cảm thọ ấy sẽ dẫn ta vào tầng thiền định thứ nhất. Đó là một trong những phương pháp sẵn có, là một trong những chiếc chìa khóa để mở cửa. Phương pháp nầy không mở cửa cho tất cả mọi người, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ, bằng một phương cách khá đơn giản, mở cửa cho khá nhiều người.

Nếu các cảm thọ dễ chịu dấy khởi ngay cả trước khi bạn quán sát được phân nữa thân, cũng không sao. Lúc đó không cần thiết phải tiếp tục ‘quét trọn’ nữa, thay vào đó xử dụng cảm thọ bạn có để làm đề mục thiền quán.


THAM VẤN

Thiền Sinh (TS): Quán tưởng đóng vai trò gì trong phương pháp nầy, thưa Ni Sư?

Ayya Khema (AK): Nó chỉ có mặt, nếu như bạn đã xử dụng nó để giúp các cảm thọ dấy khởi. Quán tưởng không phải là một phần của phương pháp nầy. Đây là nền tảng thứ hai của chánh niệm (vedananupassana), hoàn toàn về thọ. Nếu các cảm xúc chỉ dấy khởi khi bạn quán tưởng phần thân thể mà bạn đang chú tâm vào, thì hãy nhớ rằng chỉ quán tưởng không chưa đủ; đối tượng chính là các cảm thọ.

TS: Con cảm thấy mình có thể cảm giác được nhiều bộ phận khác nhau, nhưng rồi con lại có khuynh hướng quán tưởng nữa. Đôi khi con quán sát đến một bộ phần khiến con đau đớn, bứt rứt. Lúc ấy giống như con đang nhìn vào giữa bóng đen. Không phải con cố ý làm thế, nó xảy ra tự nhiên.

AK:Một khi các cảm xúc đã dấy khởi, không cần đến sự quán tưởng nữa.

TS: Ý Ni Sư muốn nói là quán tưởng sẽ giúp các cảm thọ dấy khởi?

AK: Có những người cần đến quán tưởng. Nó không phải là một phần của phương pháp nầy, nhưng đôi khi nó cũng cần thiết như một đôi nạng. Nếu là như thế, ta không nên chỉ dừng lại ở giai đoạn quán tưởng, mà hãy quán sát các cảm thọ, cảm xúc.

TS: Con có cảm giác như là thân đang quán sát thân.

AK: Thân không thể quán sát thân.

TS: Tâm là một phần của thân, nó đang quán sát thân, và có một cái tâm khác quán sát cả hai.

AK: Tâm đang quán sát thân, và tâm đang quán sát tâm. . . điều đó có thể xảy ra, nhưng đó không phải là mục đích của thiền quán, nó không giúp ta tìm được thanh tịnh hay tri kiến.

TS: Khi con thực hành phương pháp nầy, con lo lắng làm sao phải quán sát hết cả thân. Ni Sư có thấy rằng điều đó không quan trọng lắm?

AK:Chỉ có bậc A La Hán mới hoàn toàn. Đừng căng thẳng quá, cứ cố gắng hết sức mình. Bất cứ phần nào em đã thiếu sót trong lần thực hành nầy, thì lần thực hành kế tiếp sẽ làm được thôi.

TS: Nếu con áp dụng phương pháp nầy mỗi ngày, thì con nên thực hành một hay hai lần?

AK: Em có thể áp dụng phương pháp ‘từng phần’ mỗi ngày một lần, và phương pháp ‘quét trọn’ cũng một lần một ngày. Có thể tùy nghi, áp dụng nó như thế nào mà mình cảm thấy thoải mái nhất. Nhiều người kết hợp cả hai phương pháp nầy.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]