Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

VI. Diệt trừ Ngũ uẩn

18/11/201016:25(Xem: 9494)
VI. Diệt trừ Ngũ uẩn

VI. Diệt Trừ Ngũ uẩn:
Khi sựsinh diệt của các đối tượng trong từng sát na được thấy một cách rõ ràng, thì thiền sinh sẽ kinh nghiệm được vô thường, khổ, vô ngã.

Khi thiền sinh có thể phân biệt tiến trình vật chất và tâm ngay vào lúc thấy, thì thiền sinh cũng có thể hiểu được tiến trình vật chất và tâm vào lúc nghe, ngữi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Thiền sinh có thể thấy nhân và quả liên quan giữa chúng và thấy được ba đặc tính trong những hiện tượng thấy, nghe... này.

Mắt của người bình thường không hành Thiền Minh Sát, thường bị dẫn dắt ý bởi ý niệm sai lầm, nên thấy đó là người, đàn ông, đàn bà, tự ngã v.v... Với trí tuệ Minh Sát, thiền sinh sẽ không tìm ra tự ngã, linh hồn bởi vì chúng chẳng hiện hữu. Khi thiền sinh có tâm định và chánh niệm vững chắc thì sẽ thấy các hiện tượng vật chất và tâm sinh diệt từng sát na một. Thấy rõ tất cả những hiện tượng vật chất và tâm này không kéo dài, chúng chỉ tạm thời khởi sinh rồi hoại diệt. Thật vậy, các hiện tượng vật chất và tâm khởi sinh một cách đơn độc rồi mất tức khắc một cách đơn độc. Thiền sinh sẽ thấy một cách rõ ràng chúng không độc lập, chúng bị đàn áp bởi sinh diệt, không toại nguyện và không có linh hồn, tự ngã, không cốt lõi, ta không thể kiểm soát sự sinh diệt của chúng, chúng diễn ra theo những duyên liên hệ của chúng. Tất cả năm uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, đều mang đặc tính là vô thường, khổ, và vô ngã.

Khi thấy được ba đặc tính đó, thiền sinh hãy tiếp tục quán sát cho đến khi chín mùi. Nhờ quán sát các hiện tượng vật chất và tâm cuối cùng năm uẩn sẽ bị loại trừ.

Đức Phật dạy chúng ta cách thức để loại trừ tham ái, dính mắc vào năm uẩn. Ngài đã dạy Trưởng lão Rādha:

“Này Rādha, trẻ con chơi với cát, dùng cát để xây dựng những ngôi nhà nhỏ, làm những cái nồi bằng cát để nấu ăn. Khi chúng còn dính mắc vào những đồ vật chơi đó, chúng có ý nghĩ rằng: Đây là nhà của ta, đây là đồ vật của ta... Chúng rất vui vẻ, hạnh phúc với những đồ chơi bằng cát đó. Nếu có ai đến phá nhà cửa của chúng, chúng tiếc nuối, khóc than và mách ba má mình. Khi trẻ con vẫn còn thích đồ chơi đó, thì chúng rất thích thú và dính mắc vào đồ vật của mình. Nhưng những tham ái, dính mắc vào đồ chơi đó sẽ biến mất khi trẻ con cảm thấy chán với những trò chơi này. Lúc đó, chúng sẽ phá vỡ, đá đổ đồ chơi mà chúng xây dựng nên. Bây giờ, nếu có ai phá bỏ đồ chơi của chúng thì chúng không giận dữ vì chúng đã chán đồ chơi đó rồi”.

"Chẳng khác lũ trẻ con này, chúng sanh bị dính mắc vào năm uẩn với ý nghĩ sai lầm rằng: Đây là ta, đây là của cải của ta, đây là những thứ thuộc quyền sở hữu của ta, đây là con trai ta, đây là con gái ta. Chúng sanh đã dính mắc sâu đậm vào năm uẩn nên họ phải ở trong biển sanh tử luân hồi, không thể nào thoát khỏi vòng tái sinh đang tiếp tục quay mãi.

Đức Phật dạy Rādha tiếp:

“Này Rādha, hãy loại bỏ sắc uẩn (thành phần vật chất) và hãy hành thiền để loại trừ tham ái, giống như đứa trẻ đã phá bỏ, đạp đổ những căn nhà bằng cát khi chúng cảm thấy nhàm chán với những đồ chơi đó. Con cũng vậy, hãy loại trừ, vứt bỏ sắc uẩn. Hãy hành thiền cho đến khi tất cả các tham ái bị loại trừ. Giống như loại trừ sắc uẩn. Con phải thực hành để loại trừ các uẩn khác như thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Con hãy thực hành cho đến khi mọi tham ái, dính mắc vào năm uẩn được loại trừ hoàn toàn”.

Đức Phật giải thích cho Trưởng lão Rādha rằng:

“Loại trừ tham ái có nghĩa là đạt đến An Tịnh, Niết bàn”.

Niết Bàn là gì?Muốn hiểu rõ bản chất của Niết Bàn, chúng ta cần phải hiểu Niết bàn là gì? Niết Bàn tiếng Pāḷi là Nibbānna do gốc chữ Nibbanum Nghĩa đen của nó là “dập tắt, hủy diệt” hay có bản chất an tịnh. Diệt tắt hay hủy diệt là gì? Đó là diệt tắt ba vòng luân lưu mãi: vòng phiền não, vòng quả, à vòng nghiệp.

Vòng phiền não(Kilesa-vaṭṭa) gồm có vô minh, tham ái và chấp thủ.

Vòng nghiệp(Kamma-vaṭṭa), gồm thiện và ác. Vòng quả(Vipāka-vaṭṭa), gồm có thức tái sanh, hiện tượng vật chất và tâm ở sáu căn (cửa), sáu xúc, và sáu thọ. Tất cả những gì mà chúng ta thấy, nghe, ngữi, nếm, đụng chạm và suy nghĩ đều là thành phần của vòng quả.

Do vô minh nên ta không thấy được bản chất thực sự của sự vật vào lúc thấy và nghe vì vậy nên ta cho là: ta thấy, ta nghe, ta ngửi v.v... Đó là sự diễn đạt hay giải thích sai lầm do vô minh chi phối. Vì nắm giữ quan kiến sai lầm cho rằng những gì ta nghe, ta thấy là thường còn, đáng yêu nên ta tham ái, dính mắc vào những gì thấy, nghe đó. Tham ái này gọi là “Tanhā”. Tham ít gọi là tham ái (Tanhā). Tham nhiều quá gọi là chấp thủ (Upādāna). Đó là cách thức mà vòng phiền não tiếp tục quay tròn.

Vì tham ái, dính mắc vào các uẩn cho chúng là tốt đẹp, đáng yêu nên ta cố gắng làm mọi cách để đạt được cái mình yêu thích, bởi thế, vòng nghiệp phát sanh. Do tác ý mà thức tái sanh khởi sinh ngay lập tức sau khi tử thức xuất hiện. Thức tái sanh là duyên cho vật chất và tâm khởi sinh. Tiếp theo là lục căn. Từ đó khởi sinh ra vòng quả. Những gì ta thấy, ta nghe là một phần của vòng quả.

Do vòng quả, vô minh, tham ái và chấp thủ khởi sinh. Sự không trong sạch này cũng là một phần của vòng phiền não. Do vòng phiền não này vòng nghiệp phát sinh. Do vòng nghiệp này vòng quả khởi sinh. Cứ thế đó, ba vòng này tiếp tục quay, cái này tiếp theo cái kia.

Nếu chúng ta tiếp tục duy trì chánh niệm thì đạo và quả cuối cùng sẽ khởi sinh. Khi đã thấy Niết bàn xuyên qua đạo và quả, vòng phiền não sẽ không còn xuất hiện nữa.

Khi đắc quả A-la-hán, vòng phiền não bị loại trừ thì sự cố ý hay tác ý không còn nữa. Khi tác ý không còn thì quả của các hiện tượng vật chất và tâm không khởi sinh. Như vậy, khi một vị A-la-hán chết đi sẽ không còn tái sinh nữa. Các hiện tượng vật chất và tâm không còn khởi sinh, khổ đau tận diệt, đạt Niết Bàn. Đó là một cách để giải thích Niết Bàn. Niết Bàn là sự tận diệt đau khổ. Niết Bàn cũng có thể định nghĩa là sự chấm dứt ba vòng luân lưu: vòng phiền não, vòng nghiệp, vòng quả. Do năng lực quả tâm của vị A-la-hán, ba vòng luân lưu sẽ không bao giờ xuất hiện nữa. Vậy Niết Bàn là sự chấm dứt ba vòng luân lưu. Đó là lý do tại sao Đức Phật khuyến khích chúng ta hành Thiền Minh Sát cho đến khi ba vòng luân lưu hoàn toàn loại trừ, hay nói cách khác hành thiền cho đến khi tham ái bị loại trừ.

Việc đầu tiên để tận diệt phiền não là giữ giới luật trong sạch. Người cư sĩ ít nhất giữ năm giới, các vị xuất gia giữ giới luật của mình. Một khi giới đã trong sạch, ta có thể thực tập thiền Định hay Thiền Minh Sát.

Có hai cách để phát triển Thiền Minh Sát:

1. Phát triển thiền định làm căn bản, sau đó phát triển Thiền Minh Sát.

2. Thực hành Thiền Minh Sát ngay bằng cách ghi nhận các hiện tượng vật chất và tâm diễn ra qua sáu cửa giác quán trong giây phút hiện tại.

Đối với những người mới hành Thiền Minh Sát, khó có thể ghi nhận các diễn tiến xảy ra ở các cửa giác quan, chỉ cần chú ý những hiện tượng vật chất nỗi bật nhất. Trong khi đi phải ghi nhận chuyển động của sự đi. Trong khi ngồi ghi nhận mọi tác động của sự ngồivà tất cả những tác động nỗi bật khác.

Hòa thượng Mahasi dạy chúng ta, khi ngồinên chú ý vào chuyển động phồng xẹp của bụng, bởi vì khi chú tâm vào bụng thiền sinh dễ thấy sự căng cứng, rung chuyển, co dãn... Chuyển động phồng xẹp ở bụng có nhiều điểm nỗi bật, dễ ghi nhận chánh niệm hơn các nơi khác.

Nếu sự ghi nhận bị gián đoạn bởi mộng ban ngày hay suy nghĩ hãy ghi nhận: mộng, mộng; suy nghĩ, suy nghĩ. Khi những cảm giác như không thoải mái, nóng, đau nhức mạnh mẽ và rõ ràng thì ta hãy ghi nhận những điều đang xảy ra. Khi thấy hay nghe những gì, hãy ghi nhận: thấy, thấy, nghe, nghe... Lúc đầu, định tâm chưa đủ mạnh, tâm dễ dàng lang bạt đây đó: nếu điều này xảy ra phải ghi nhận sự phóng tâm hay vọng tâm này. Cuối cùng, khi định tâm ngày càng khá hơn, sự vọng động sẽ càng bớt đi.

Trong thời gian chánh niệm liên tục, tâm ghi nhận kịp thời tiến trình chuyển động phồng xẹp. Tâm cũng có khuyng hướng lang bạt nhưng ít hơn trước. Ngay khi sự lang bạt được ghi nhận, sự lang bạt này sẽ chấm dứt. Khi sự lang bạt chấm dứt hãy trở về với chuyển động phồng xẹp của bụng. Thế đấy, mọi hiện tượng nỗi bật diễn ra đều phải được ghi nhận. Tâm tịnh (Cittavisuddhi) sẽ thành tựu khi thiền sinh có thể ghi nhận liên tục từng sát na các đối tượng đang diễn ra.

Khi tâm thanh tịnh, trong sạch, đề mục trở nên rõ ràng, thiền sinh sẽ phân biệt được hiện tượng vật chất và tâm, thiền sinh cũng phân biệt được giữa đối tượng ghi nhận và tâm ghi nhận. Khi tất cả mọi sự vật đều được ghi nhận một cách rõ ràng thì thiền sinh sẽ thấy rõ rằng chỉ có vật chất và tâm xảy ra trong cơ thể này. Đó là tuệ giác "phân biệt vật chất và tâm" (Nāmarūpāriccheda-ñāṇa). Khi tuệ giác này khởi sinh thì thiền sinh đã hoàn thành “kiến tịnh” (Diṭṭhi Visuddhi).

Thiền sinh tiếp tục ghi nhận sự phồng xẹp không gián đoạn thì sẽ thấy được sự tương quan nhân quả giữa các hiện tượng vật chất và tâm. Thiền sinh sẽ thấy rõ rằng mọi tác động của thân trong khi đi, đứng, ngồi, nằm, co, duỗi v.v... đều được khởi nguồn hay có nguyên nhân là ý muốn, ý muốn đi, ý muốn đứng...

Lúc bấy giờ thiền sinh sẽ có kinh nghiệm rằng: Khi có một sự thấy hay thức thấy phát sinh thì có bốn yếu tố: mắt, phần trong nhạy cảm của mắt, vật thấy, ánh sáng, sự chú tâm đóng góp vào sự thấy. Thiền sinh cũng hiểu rằng: thức hay tâm phát sanh không phải chỉ ở mắt mà còn vào lúc nghe, ngửi, nếm và xúc chạm ở các cửa giác quan khác. Khi biết những nguyên nhân liên quan, có nghĩa là có tuệ thấy nhân quả hay điều kiện (Paccaya-pariggaha Ñāna). Khi đã đạt được tuệ giác này thiền sinh đã hoàn thành tầng mức “đoạn nghi tịnh”(Kankhāvitarana Visuddhi).

Hai tuệ giác đầu tiên này chỉ là tuệ suy tư (Santīrana paññā) chứ chưa phải là tuệ minh sát thực sự. Đây là hai tuệ giác bắt nguồn từ kinh sách lý thuyết hay từ những lời giảng. Kinh sách lý thuyết hay những lời giảng, dầu đó lời giảng của chư Phật cũng chỉ giúp ta có được văn huệ (Suttamayāpaññā: trí tuệ có được do nghe) hay tư huệ (trí tuệ có được do suy tư). Chỉ có tự mình thực hành mới có được trí tuệ minh sát thực sự, và trí tuệ này mới đưa đến giác ngộ.

Sau khi đã đạt hai tuệ giác "phân biệt vật chất và tâm", "tuệ nhân quả", thiền sinh sẽ kinh nghiệm được tuệ giác minh sát thật sự. Đây là tuệ giác chính tự thiền sinh kinh nghiệm chứ không phải là tuệ vay mượn như hai tuệ giác đầu tiên. Khi thực hành Thiền Minh Sát liên tục, thiền sinh sẽ quán sát sự sinh và diệt của các hiện tượng vật chất và tâm xảy ra trong từng sát-na. Thiền sinh sẽ thấy rõ ràng ba giai đoạn: “giai đoạn khởi đầu, giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn biến mất” của các hiện tượng vật chất và tâm. Thấy được các hiện tượng vật chất và tâm sinh diệt, là thiền sinh thấy được vô thường, khổ, vô ngã. Đạt được giai đoạn này thiền sinh đã đạt được tuệ giác thấy vô thường (Sammasana ñāṇa). Đây là tuệ giác khởi đầu của Tuệ Minh Sát.

Tiếp tục chánh niệm thiền sinh sẽ thấy sự sinh diệt của hiện tượng vật chất và tâm ngày càng nhanh hơn. Đến khi thấy sự sinh diệt này cực kỳ nhanh chóng, ở gian đoạn này thiền sinh có đủ định và niệm mạnh mẽ để thấy hiện tượng sinh diệt mau lẹ khủng khiếp. (Giai đoạn này đôi khi thiền sinh thấy ánh sáng và thấy hỉ lạc...) Thiền sinh đã được tuệ "sinh diệt" (Udayabbayā nupassanā ñāṇa). Ở giai đoạn này nhờ tuệ Minh Sát xuyên thấu, thiền sinh sẽ thấy rõ hơn về chân đế, và lúc đó tục đế sẽ giảm bớt. Thiền sinh sẽ thấy các yếu tố về chân đế sinh và diệt. Dần dần thiền sinh chỉ thấy sự diệt mà thôi. Bấy giờ thiền sinh đạt được tuệ diệt (Bhangā nupassā ñāṇa).

Khi thiền sinh tinh tấn tiếp tục hành thiền không thối chuyển, thiền sinh sẽ đạt tuệ giác thấy rõ vật chất và tâm sinh diệt, thật nguy hiểm, thật đáng sợ và thật đáng chán. Cuối cùng, thiền sinh sẽ đạt mức độ tâm quân bình tốt đẹp; dầu cho đối tượng quán sát là vui hay khổ, tâm thiền sinh cũng an tịnh tĩnh lặng, không bị ảnh hưởng, không bị giao động. Thiền sinh có thể quán sát mọi hiện tượng vật chất và tâm một cách rõ ràng với tâm quân bình, định tỉnh. Đến đây, thiền sinh sẽ đạt được tuệ xả hành (Saṅkhārupekkhā ñāṇa). Ở tuệ này, thiền sinh có tâm xả đối với các pháp hành hay có tâm xả đối với tất cả vật chất và tâm… Thiền sinh tiếp tục hành thiền cho đến khi thấy rõ mỗi một sát-na các hiện tượng vật chất và tâm đều sinh diệt liên tục. Sau đó, hiện tượng vật chất và tâm hoàn toàn diệt tắt. Thiền sinh kinh nghiệm được sự chấm dứt tuyệt đối của vật chất và tâm. Đó là bản chất của Niết bàn. Thiền sinh đạt được đạo và quả thứ nhất. Đó là cách thức thiền sinh từ phàm nhân trở thành bậc thánh nhập lưuhay Tu Đà Huờn.

Khi đạt đạo quả A-la-hán, tầng mức giác ngộ cao nhất. Thiền sinh sẽ kinh nghiệm sự diệt tắt hoàn toàn. Ba vòng luân lưu: Vòng phiền não, vòng quả, vòng nghiệp bị loại trừ. Loại trừ vòng quả có nghĩa là loại trừ tham ái, nguồn gốc của ngũ uẩn. Khi tham ái vắng bóng thì tất cả mọi đau khổ bị hủy diệt, thiền sinh sẽ không còn tái sanh trong vòng luân hồi nữa. Tham ái là gốc rễ hay nguyên nhân của sự tái sanh. Bao lâu tham ái chưa bị tận diệt thì chúng sinh vẫn còn tái sanh; chúng sanh thường mong đợi ở một đời sống tương lai, nhưng một khi đã tái sanh họ sẽ nhận chịu nhiều loại đau khổ trong kiếp sống đó. Bởi vậy, tái sanh phải được xem là một sự đau khổ đáng sợ. Một người thấy rõ bản chất đáng sợ và nguy hiểm của sự tái sanh, nên họ không muốn tái sanh. Tuy nhiên, ý muốn này chưa đủ, muốn hoàn thành được ý muốn không tái sanh, thiền sinh phải đạt đến mức cao nhất của sự giác ngộ. Loại trừ tất cả tham ái, dính mắc. Tham ái là nguyên nhân của sự tái sanh, là nguyên nhân của ngũ uẩn, là đấng tạo hóa của ngũ uẩn.

Mặc dầu, chúng sanh sợ phải tái sanh vào địa ngục, nhưng dù sợ chúng sanh cũng có thể rơi vào nơi đó. Chúng sanh phải sanh vào địa ngục do hai yếu tố quan trọng sau đây: Tham ái và nghiệp dữ. Vì chưa loại trừ được sự tham ái dính mắc vào cảnh giới tương lai, vì tạo nghiệp bất thiện đủ mạnh để đưa chúng sanh vào địa ngục, nên chúng sanh phải sanh vào cảnh giới này.

Khi chưa đạt được trí tuệ quán thấu của bậc A-la-hán thì những bậc Bồ Tát có tâm nguyện thành Phật vẫn còn luân lưu trong vòng sanh tử, nhiều A tăng kỳ kiếp. Lúc đạo sĩ Sumetha, tiền thân của Phật Thích Ca chưa gặp được Đức Phật Nhiên Đăng, Ngài đã luân lưu rất lâu trong vòng sanh tử luân hồi. Sau khi, được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký, Bồ Tát Sumetha phải trải qua bốn A tăng kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp trái đất. Trong thời gian dài dằng dặc này, Bồ tát đã tìm kiếm nguyên nhân của sự luân hồi sanh tử và phương pháp để thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử này.

Cuối cùng, sau khi đã đạt thành quả Phật. Ngài thốt ra câu nói chiến thắng sau đây: “Qua bao nhiêu kiếp sống trong vòng luân hồi, ta đã thất bại trong việc tìm kiếm kẻ xây nên căn nhà này. Ta phải trải qua nhiều kiếp tái sanh đau khổ! Này người xây nhà, ta đã tìm ra ngươi rồi, ngươi không thể tiếp tục xây căn nhà này lần nữa. Cột kèo và rui mè đã bị phá gãy, tâm ta đã đạt đến chỗ không điều kiện, ta đã loại trừ mọi tham ái”.

Đây chỉ là câu nói ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa. Theo chú giải: Kẻ xây nhà là tham ái. Căn nhà là ngũ uẩn. Sự phá vỡ căn nhà là sự giác ngộ đạo quả Phật, Đức Chánh Biến Tri. Cột kèo bị phá hủy là phiền não. Rui mè bị bẻ gãy là vô minh.

Mặc dầu, đây là những câu thơ ngắn ngũi nhưng trong đó có rất nhiều chi tiết.

Qua trí tuệ của vị Chánh Đẳng Chánh Giác hay bậc A-la-hán, Các Ngài đã thấy: tham ái là kẻ xây ngôi nhà ngũ uẩn (sự giác ngộ này đã đạt được qua năng lực của trí tuệ Minh Sát). Các Ngài đã chứng ngộ rằng: Tham ái không còn xây dựng căn nhà ngũ uẩn được nữa. Các Ngài đã diệt hết, mọi tham ái, mọi phiền não gây ra bởi vô minh. Tâm các Ngài ở trạng thái hoàn toàn diệt tắt. Tâm các Ngài lấy Niết Bàn làm đối tượng, loại trừ mọi ý muốn và chấp thủ. Tâm các Ngài đã hoàn toàn tĩnh lặng, an tịnh trong A-la-hán quả (Samā Patti).

Đức Phật với lòng bi mẫn đã chỉ dẫn cho chúng ta phương pháp giải thoát khỏi mọi đau khổ. Các Ngài đã khổ công tìm kiếm ra con đường giải thoát để dẫn dắt chúng ta đi theo, giúp chúng ta cùng giải thoát. Ý thức được sự đau khổ trong vòng sanh tử luân hồi, tri ân Đức Phật đã khổ công tìm đường giải thoát thiền sinh phải cố gắng hành thiền để đạt được sự giải thoát như Ngài.

Những lời dạy của Đức Phật thật rõ ràng:

“Hãy loại trừ mọi tham ái, diệt tận mọi điều kiện tạo ra dính mắc, đó là loại trừ ngũ uẩn dẫn đến tái sanh. Phương pháp loại trừ thật là rõ ràng, đó là hành thiền Minh Sát, quán sát sự sinh và diệt của các hiện tượng vật chất và tâm liên tục”.

Cầu mong tất cả các bạn đều đạt được Bát Chánh Đạo.
Cầu mong tất cả các bạn đều nương nhờ tuệ giác của Bát Chánh Đạo, loại trừ mọi tham ái.
Cầu mong tất cả các bạn đều đạt quả Niết Bàn, loại trừ ngũ uẩn hoàn toàn.

Người gửi bài: Sư Cô Tịnh An

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]