Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 20: Thường bất khinh Bồ-Tát

14/11/201017:54(Xem: 8960)
Phẩm 20: Thường bất khinh Bồ-Tát

 

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

Phẩm 20
THƯỜNG BẤT KHINH BỒ-TÁT

Không phải tất cả các đệ tử nghe giáo thuyết của đức Phật ở phẩm 19 đều hoàn toàn hiểu ý nghĩa đích thực của lời khuyến dụ và nhắc nhở của Ngài ở trong đó. Một số người đã trở nên nản lòng và nghĩ: “Có lẽ ta không thể thực hành giáo lý của kinh Pháp Hoa một cách toàn hảo”. Một số người khác có thể đã tự mãn, nghĩ rằng: “Ta có thể có được công đức thế này thế nọ nếu ta thực hiện năm loại thực hành của các Pháp sư theo đúng cách thức.” Một số người khác nữa đã nhất thời kiêu mạn tự cho rằng: “Không như hàng đệ tử nhị thừa Thanh văn ('Sràvaka) và Duyên giác (Pratye-kabuddha), ta là Bồ-tát có năng lực siêu nhiên này. Ta hoàn toàn khác với họ.”

Trong mọi cơ hội, các thuyết giảng của đức Phật đều toàn hảo, chẳng thiếu sót gì. Hễ khi nào Ngài nhận ra có chút nghi ngờ tinh tế nhất trong tâm của các đệ tử, Ngài khuyến giáo họ đủ để đưa họ đến Toàn Giác. Ta cũng có thể dễ dàng tưởng tượng rằng hẳn Ngài cũng đã làm như thế trong thuyết giảng của Ngài ở phẩm 19.

Bấy giờ đức Phật chuyển giọng, nói với Bồ-tát Ma-ha-tát Đắc Đại Thế: “Nay Ông nên biết rằng nếu các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di trì kinh Pháp Hoa, và nếu có ai nguyền rủa, mắng chửi hay mạ lỡ họ thì người ấy sẽ nhận đại tội báo như đã nói trước đây; nhưng những ai đạt được các công đức như những công đức đã tuyên thuyết, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của họ sẽ thanh tịnh.” Rồi đức Phật thuật lại chuyện Bồ-tát Thường Bất Khinh như là một minh họa cho những gì Ngài dạy.

CHUYỆN BỒ-TÁT THƯỜNG BẤT KHINH:

“Đắc Đại Thế ! Trong một thời quá khứ vô lượng, vô biên, không thể nghĩ bàn, cách a-tăng-kỳ kiếp, có một đức Phật tên là Oai Âm Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Kiếp của Ngài tên là Ly Suy, quốc độ của Ngài tên là Đại Thành. Đức Phật Oai Âm Vương ấy, trong quốc độ ấy, giảng pháp cho Trời, Người và A-tu-la (asura). Đối với những người cầu mong được là Thanh văn, Ngài giảng về pháp Tứ đế nhằm thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử để cuối cùng đưa đến Niết-bàn; đối với những người cầu mong được là Bích-chi Phật (Duyên giác), Ngài giảng về pháp Mười hai Nhân duyên; đối với các Bồ-tát, Ngài dùng Đại Giác để giảng về Sáu Ba-la-mật để khiến thành tựu Phật tuệ. Này Đắc Đại Thế ! Thọ mạng của đức Phật Oai Âm Vương là bốn mươi vạn ức na-do-tha kiếp, nhiều như cát sông Hằng. Số kiếp mà Chánh pháp được duy trì ở đời nhiều như số vi trần (bụi nhỏ) trong một cõi Diêm-phù-đề (Jambuvìpa); và số kiếp mà Tượng pháp được duy trì ở đời bằng với số vi trần trong Bốn cõi thiên hạ. Sau khi đã tạo rất nhiều lợi ích cho mọi chúng sanh, đức Phật ấy nhập diệt. Sau khi Chánh pháp và Tượng pháp đã hoàn toàn tiêu mất, tại quốc độ này vẫn còn xuất hiện một đức Phật. Ngài cũng có danh hiệu là Oai Âm Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Cứ kế tiếp như thế, có hai vạn ức đức Phật cùng một danh hiệu. Sau khi đức Oai Âm Vương Như Lai đầu tiên nhập diệt và sau khi Chánh pháp chấm dứt, trong thời Tượng pháp, các Tỳ-kheo tăng thượng mạn có thế lực lớn. Vào thời ấy có một vị Bồ-tát Tỳ-kheo tên là Thường Bất Khinh. Này Đắc Đại Thế ! Vì lý do gì vị ấy tên là Thường Bất Khinh ? Vì Tỳ-kheo ấy hễ gặp bất cứ ai, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, đều lễ bái, tán thán họ mà bảo rằng: "Tôi rất kính ngưỡng quý ngài. Tôi không dám khinh thường quý ngài. Tại sao ? Vì tất cả quý ngài đang hành Bồ-tát đạo và sẽ thành Phật." Và Tỳ-kheo ấy không chăm lo đọc tụng kinh điển mà chỉ lo lễ bái. Khi trông thấy từ xa một vị trong Tứ chúng, vị ấy liền đến lễ bái, tán thán rằng: "Tôi không dám khinh thường quý ngài, vì tất cả quý ngài đều sẽ thành Phật." Trong Tứ chúng có những người có tâm sân nhuế, bất tịnh mắng rủa vị ấy rằng: "Cái ông Tỳ-kheo vô trí này từ đâu đến mà lại tự tiện bảo: "Tôi không dám khinh thường quý ngài" rồi lại thọ ký rằng chúng ta sẽ thành Phật ? Chúng ta không cần lời thọ ký hư vọng như vậy." Cứ thế, vị ấy trải qua nhiều năm, cứ vẫn bị la mắng mà không bao giờ nóng giận và cứ luôn bảo: "Quý ngài sẽ thành Phật." Mỗi khi vị ấy bảo như thế, người ta lấy gậy, hèo mà đánh, lấy gạch, đá mà ném vị ấy. Nhưng trong khi tránh xa ra, vị ấy cũng vẫn la lớn: "Tôi không dám khinh thường quý ngài. Tất cả quý ngài đều sẽ thành Phật." Và vì vị ấy cứ mãi nói như thế, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kiêu mạn đặt hiệu cho vị ấy là Thường Bất Khinh.

“Khi sắp mất, vị Tỳ-kheo này nghe và có thể thọ trì hai mươi ngàn vạn ức bài kệ từ không trung, vốn là những bài kệ mà đức Phật Oai Âm Vương ngày xưa đã tuyên thuyết. Tức thì vị ấy đạt được thanh tịnh như đã nói trên của nhãn căn và nhĩ, tỡ, thiệt, thân và ý căn. Sau khi đã đạt sự thanh tịnh của sáu căn này, vị ấy gia tăng thọ mạng thêm hai trăm vạn ức na-do-tha năm và thuyết giảng rộng rãi kinh Pháp Hoa cho người ta. Bấy giờ bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di kiêu mạn từng khinh khi và đặt cho vị ấy tên hiệu Thường Bất Khinh, thấy vị ấy đạt được những năng lực siêu nhiên lớn lao, năng lực về biện thuyết, năng lực Thiền định cao vời, rồi nghe vị ấy thuyết giảng thì tất cả đều tin phục và tùy tùng. Vị Bồ-tát này lại giáo hóa thêm hàng vạn ức chúng sanh, đưa họ đến Đại Giác.

“Sau khi mạng chung, vị ấy gặp được hai ngàn ức đức Phật, tất cả đều có hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Trong Pháp của chư Phật này, vị ấy giảng kinh Pháp Hoa này. Do bởi nhân duyên này, vị ấy lại gặp hai ngàn ức đức Phật, tất cả đều có hiệu là Vân Tự Tại Đăng Vương. Do vì trong Pháp của chư Phật ấy, vị ấy thọ trì, đọc tụng và giảng kinh này cho cả bốn chúng, vị ấy đạt được sự thanh tịnh về mắt thường và về các quan năng mũi, lưỡi, thân, ý và thuyết giảng Pháp trong bốn chúng mà không sợ hãi gì.

“Này Đắc Đại Thế ! Bồ-tát Ma-ha-tát Thường Bất Khinh này đảnh lễ nhiều đức Phật như vậy, cung kính, tôn trọng và tán thán chư vị; và sau khi vun trồng thiện căn, vị ấy lại gặp hàng vạn ức đức Phật và cũng tùy vào Pháp của chư Phật ấy mà thuyết giảng kinh này, công đức thành tựu và trở thành một vị Phật. Đắc Đại Thế ! Ý Ông thế nào? Bấy giờ Bồ-tát có thể là ai khác chăng ? Đấy chính là Ta vậy. Nếu trong các đời trước Ta không thọ trì, đọc tụng và thuyết giảng kinh này cho người khác thì Ta đã không đắc A-nậu-đa-la tam-muội tam-bồ-đề sớm như vậy.

“Này Đắc Đại Thế ! Bấy giờ bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di do tâm sân hận mà khinh thường Ta cho nên suốt hai trăm ức kiếp, họ không bao giờ gặp được một vị Phật, không bao giờ được nghe Pháp, không bao giờ trông thấy Tăng, và suốt trong một ngàn kiếp phải chịu đại khổ não trong địa ngục A-tỳ (Avìci). Sau khi sạch hết tội lỗi, họ lại gặp Bồ-tát Thường Bất Khinh và được Bồ-tát giáo hóa đưa đến Giác ngộ Hoàn toàn. Đắc Đại Thế ! Ý Ông thế nào ? Bốn chúng ấy lúc bấy giờ thường khinh miệt vị Bồ-tát ấy, có thể là ai khác chăng ? Đấy là năm trăm Bồ-tát Bạt-đà-bà-la (Bhadrapàla) và các vị khác, năm trăm Tỳ-kheo-ni Sư Tử Nguyệt và các vị khác, năm trăm Ưu-bà-tắc Tư Phật và các vị khác, tất cả đều không bao giờ thối chuyển trong Đại Giác ngộ. Đắc Đại Thế ! Ông nên biết, kinh Pháp Hoa này gây lợi lạc lớn cho hết thảy Bồ-tát Ma-ha-tát, khiến họ đạt được A-nậu-đa-la tam-muội tam-bồ-đề. Do đó tất cả Bồ-tát ma-ha-tát, sau khi Như Lai nhập diệt, cần phải luôn thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng và sao tả kinhnày.”

Thế rồi đức Phật muốn trùng tuyên giáo lý này, bèn nói lại bằng kệ, chấm dứt thuyết giảng của Ngài trong phẩm này.

Đọc đến đây, các độc giả sẽ lưu ý rằng phẩm này rất khác với các phẩm trước của kinh Pháp Hoa. Các phẩm trước đây trình bày cho chúng ta cảnh tượng đẹp đẽ và mộng tưởng của nhiều quốc độ tuyệt chẳng giống với thế giới này, cũng như những cảnh tượng bi thảm của địa ngục. Phần lớn các nhân vật, gồm chư Phật, đã được giới thiệu như những siêu nhân và các chúng sanh lý tưởng. Nhưng phẩm này được định tính rõ nét bằng thể cách con người.

Bối cảnh của Bồ-tát Thường Bất Khinh khiến chúng ta nghĩ đến một thành phố bình thường của ngày nay, dù rằng không có sự miêu tả về nơi nào. Các nhân vật xuất hiện trong câu chuyện là những người bình thường mà ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Các từ “Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di” không nhất thiết có nghĩa là chư Tăng, chư Ni và các tín đồ tại gia của Phật giáo mà bao gồm mọi người thuộc mọi loại và mọi giai cấp: các tiểu công chức theo thời trang, các thanh niên hào nhoáng, các thương gia trung niên tự cho mình là những người sành sõi có phán đoán chín chắn, các phụ nữ có bản chất hiền thiện nhưng ý chí mạnh mẽ; hòa nhập với những người như thế, ta cũng liên tưởng đến những tu sĩ có kiến thức khoe khoang rằng mình có một kiến thức đầy đủ về Phật giáo, những tu sĩ trung niên tự hào về việc giữ giới, và những tu sĩ lão niên ra phố khất thực mà không có lời thuyết giảng nào, chỉ im lặng đứng ở một góc đường với bộ dáng lãnh đạm và cao cả. Bồ-tát Thường Bất Khinh gợi lên hình ảnh của một tăng sĩ trẻ có vẻ dáng của một người nhiệt tâm và nghiêm túc với một cái gì đó khác thường và tế nhị về mình.

Có thể nói tất cả các phẩm của kinh Pháp Hoa đều có thể cách văn học nhưng phẩm 20 lại gần gũi nhất với cảm nhận của văn học hiện đại. Nó tạo cho ta một cảm giác mạnh mẽ về nhân tính và về những sự vật gần gũi với ta. Điều này là hoàn toàn tự nhiên vì nó khẳng định một cách sống động về một người bình thường chỉ bằng cách tu hạnh tôn kính người khác, thể hiện sự tín thành của mình và cuối cùng đạt được tính chất toàn hảo.

Trong phẩm trước, đức Phật giảng về năm loại thực hành của những Pháp sư và nêu trỏ những công đức rộng lớn, vô biên mà người ta có thể có được nhờ những thực hành ấy. Nhưng một người bình thường có thể bị nản chí vì phương pháp tu tập cá nhân phải theo mà nghĩ rằng: “Có thể ta không thành tựu được năm loại thực hành của các Pháp sư.” Có lẽ người ấy sẽ suy nghĩ theo kiểu cơ hội rằng: “Được rồi, ta sẽ cố thực hiện năm loại thực hành này nhằm theo hình thức.” Rủi thay, tâm của người bình thường vận hành ở trình độ này.

Đức Phật Thích-ca đã nhận biết được tâm của những người nghe giáo lý của Ngài. Do đó, ta có thể đoán được tại sao Ngài thay đổi hoàn toàn phương pháp thuyết giảng của Ngài ở phẩm 20. Trong khi kể về đời sống quá khứ của chính Ngài, Ngài muốn cho người ta hiểu một lần nữa ba giáo lý quan trọng. Thứ nhất, thực hiện trọn vẹn dù chỉ một thiện hạnh quả thực là tối trọng và làm như thế là bước đầu tiên đưa đến giải thoát. Thứ hai, tuy có thể rằng ta học và hành nhiều thứ, vẫn không có giá trị chủ yếu nào trong việc học và hành ấy; sự tạo lập một đời người có giá trị chính là sự việc chúng ta thực hành dù chỉ một thiện hạnh đơn lẻ bằng sự tận tụy và kiên trì nỗ lực. Thứ ba, Bồ-tát hạnh khởi từ sự tôn kính những người khác, tức là từ sự công nhận của ta rằng mọi người đều có Phật tính. Nếu ta cố gắng cứu độ những người khác mà không công nhận Phật tính của họ thì đấy chỉ là sự thực hiện những công hạnh rỗng tuyếch và chỉ có tính hình thức. Sự cứu độ thực sự chính là chúng ta khai mở và tôn trọng Phật tính vốn có ở những người khác.

Đức Phật đã minh họa ba giáo lý quan trọng này trong câu chuyện vị Tỳ-kheo nhân bản Thường Bất Khinh. Hơn nữa, Ngài tuyên bố rằng Thường Bất Khinh chính là đức Phật trong một tiền thân. Tuyên bố của Ngài khiến chúng ta cảm nhận rằng đức Phật vốn có vẻ như rất xa cách chúng ta bỗng đến gần với chúng ta. Đồng thời ta có thể cảm giác rằng nếu ta theo con đường của Bồ-tát Thường Bất Khinh thì ta có thể chắc chắn đạt được sự toàn hảo của tính cách của chúng ta. Đức Phật hình như đã hiện hữu ở đâu đó bên trên các từng mây, rất xa chúng ta. Tuy nhiên, Ngài chỉ cho chúng ta vị Bồ-tát Thường Bất Khinh là chính Ngài trong một tiền thân, một người thân hữu và nhân bản, chúng ta cảm thấy như tìm được một cái thang nhờ đó chúng ta trèo lên tới chỗ ở của đức Phật bên trên các từng mây. Đức Phật đã ban cho chúng ta sự khích lệ lớn lao. Chúng ta có nhiệt tâm và tự bảo:

“Không có cái gì là không thể khi tu hạnh Bồ-tát.” Trong ý nghĩa này, phẩm 20 có một vị trí đặc biệt trong phần kết thúc Bổn Pháp vốn quả là toàn bộ trong kinh Pháp Hoa. Nhiều giáo lý quan trọng bao gồm trong chuyện Bồ-tát Thường Bất Khinh. Ta hãy xét các giáo lý ấy theo từng giáo lý riêng lẻ.

KHAI PHÁT VÀ TÔN TRỌNG PHẬT TÍNH CỦA NGƯỜI KHÁC:

Thời Tượng Pháp và thời Tỳ-kheo Thường Bất Khinh xuất hiện ở thế giới này. Thời Tượng pháp là thời mà chân lý do đức Phật thuyết giảng vẫn còn hiện hữu nhưng người ta học và thực hành chân lý ấy theo kiểu một nghi thức và không còn sự chứng ngộ nữa. Trong thời này, các tu sĩ Phật giáo nỗ lực đạt cho được một kiến thức trọn vẹn về các học thuyết và nghi thức Phật giáo rồi tự hào mình là người trí thức. Một số họ chỉ giữ giới và thực hành giới mà thờ ơ đối với người khác, và sống đời sống tôn giáo biệt lập với cuộc đời thường. Phần còn lại là những tín đồ yếu kém. Trong thời kỳ như thế, tu sĩ Phật giáo mất đi sự tiếp cận với đời sống và linh hồn thực sự của Phật giáo.

Đời sống và linh hồn thực sự của Phật giáo là gì ? Đấy không gì khác hơn là sự việc chúng ta hết lòng thể nghiệm ý nghĩa của câu nói “Tất cả chúng sanh đều vốn có Phật tính”. Toàn bộ đời sống tôn giáo của chúng ta khởi sự bằng sự thể nghiệm này. Chú ý đến Phật tính của chính ta mà đưa nó ra ánh sáng từ chiều sâu thẳm của tâm thức, nuôi dưỡng nó và phát triển nó một cách mạnh mẽ là bước đầu tiên của đời sống tôn giáo của chúng ta; đây là trạng thái tâm thức của hàng Thanh văn và Duyên giác.

Nếu một người có Phật tính của tự mình thì những người khác cũng có như thế. Nếu một người có thể toàn tâm hiểu rằng mình có Phật tính, thì người ấy tự nhiên hiểu được rằng những người khác cũng đều có Phật tính. Người nào không thể công nhận điều này thì người ấy đã không thực sự thể nghiệm Phật tính của chính mình.

Có nhiều người xấu chung quanh ta. Ta không thể không nghĩ đến một số người trong họ là những kẻ ác độc ngay cả khi ta cố gắng nhìn thấy họ theo thể cách ưu ái nhất có thể có được. Ta không thể có cảm tình với những kẻ giết người để cướp của hay lừa đảo người khác vì tài sản. Tuy nhiên, ta đánh giá những người ấy là xấu chỉ do vì những hành động gây tội ác được đăng trên báo chí hay được công bố khác đi. Nếu ta có thể biết được tất cả mọi hoàn cảnh sống của họ thì ta sẽ nhận thấy rằng không có ai quá tệ hại đến nổi không còn một số cảm tính của con người.

Một kẻ sát nhân có thể chơi đùa với đứa bé con của anh ta, tung nhẹ nó trong đôi cánh tay của anh ta khi anh ta ở nhà. Một kẻ tống tiền có thể cư xử với con chó của anh ta như với đứa con của chính anh ta. Một kẻ găng tơ moi tiền từ những công dân thật thà có thể có một bộ hạ cừ khôi mà anh ta thương yêu như một người em ruột thịt. Do như thế, chúng ta không xét tội trạng của họ một cách hời hợt hay lý tưởng hóa họ như là những anh hùng trong phim ảnh. Nhưng khi chúng ta nhìn những người xấu bằng đôi mắt trầm tĩnh và không thiên kiến chứ không phải bằng tình cảm nhạy bén, chúng ta không thể không nhận ra ở họ một chút nhân tính mà họ để lộ ra khi họ hồn nhiên vui đùa với con cái hay đối xử với con chó tử tế như với chính con của họ, hoặc thương yêu đám bộ hạ xuất sắc của họ.

Một chút nhân tính - đây chính là hạt giống của Phật tính vậy. Một đốm Phật tính lóe lên từ tâm thức của ngay cả một người có tâm thức bị che mờ và dơ bẩn vì cái ác của những tội lỗi. Nó giống như một khe hở nhỏ trên tường của ngục tù đen tối. Mọi người, không trừ một ai, đều có một khe hở như thế trong tâm thức, tức là một đốm Phật tính.

Chúng ta cố tìm cái khe hở trong tâm thức của người khác; chúng ta coi trọng nó càng nhiều càng tốt; và do làm như thế, chúng ta khiến cho người khác tự nhận biết nó. Một người hiểu được sự hiện hữu của khe hở trong chính tâm mình sẽ mở rộng nó ra rộng hơn cho mình vì người ấy muốn để ánh sáng vào chỗ thâm sâu của tâm mình nhiều hơn. Đây là ý nghĩa của sự khai phát và tôn trọng Phật tính của nhöưng người khác và đồng thời khám phá Phật tâm của chính mình. Khai phát và tôn trọng Phật tâm của người khác chính là mục đích chủ yếu của hạnh Bồ-tát và Phật giáo sinh động bao gồm điều ấy.

Trong văn mạch này, chúng ta đừng quên biểu ngữ “và vị Tỳ-kheo ấy không chăm lo đọc tụng kinh điển mà chỉ lo lễ bái.” Đây không có nghĩa là vị ấy không cần phải đọc tụng kinh điển mà muốn trỏ rằng đọc tụng kinh điển chỉ là nghi thức, không có giá trị trong thời Tượng pháp. Do đó, đức Phật nhấn mạnh rằng đối với một Tỳ-kheo, khai mở và tôn trọng Phật tính của những người khác thì quan trọng hơn đọc và tụng kinh điển là những thứ đã thoái hóa thành chủ nghĩa hình thức. Điểm này là đời sống và linh hồn của Phật giáo.

Bồ-tát Thường Bất Khinh lễ bái và tán thán mọi người mà ngài gặp rằng “Tôi rất kính ngưỡng quý ngài, vì tất cả quý ngài đều sẽ thành Phật.” Hạnh này của Bồ-tát là khai phát và tôn kính Phật tính của những người khác. Lời Ngài bảo “Tất cả quý ngài đều sẽ thành Phật” trỏ rằng Ngài đã khai phát Phật tính của người khác, đã kính trọng và tán thán Phật tính ấy.

Có hai cách để khiến người ta khám phá Phật tính của chính họ. Một cách là “sự soi sáng theo hướng trực tiếp”; đây là cách trỏ “những sự việc của chính mình” (kỷ sự - ko-ji) đã được giải thích ở phẩm 16. Cách kia là “sự soi sáng theo hướng trái nghịch”, tức là cách trỏ “những sự việc của những người khác” (tha sự - ta-ji) cũng đã được giải thích ở phẩm ấy. Sự soi sáng theo hướng trực tiếp là làm cho những người khác thể nghiệm Phật tính của chính họ bằng sự khám phá và tán thán của chúng ta về Phật tính ấy. Đây là cách mà Bồ-tát Thường Bất Khinh đã sử dụng. Sự soi sáng theo hướng trái nghịch nghĩa là thức tỉnh những người khác ra khỏi sự si muội bằng cách phê phán họ. Đây là cách phải theo khi kêu gọi ai đó làm phận sự hay khi khiến người ấy giật mình bằng những lời lẽ nghiêm khắc: “Anh muốn cái gì với lối sống tệ hại và ích kỷ ấy ? Nếu anh cứ tiếp tục sống theo cách ấy, anh có thể tưởng tượng rằng anh cảm thấy ra sao khi anh sắp chết không ?” Cách này rất có hiệu quả đối với một số người.

Sự soi sáng theo hướng trực tiếp có thể được so sánh với cách thức mà theo đó, nhờ vào một liều thuốc hợp khẩu vị, người ta dễ dàng làm tan lớp vỏ bao bọc Phật tính của mình. Mặt khác, sự soi sáng theo hướng trái nghịch giống như cuộc giải phẫu nghiêm trọng. Nếu một người có thể chịu đựng phương pháp nghiêm trọng này, người ấy sẽ hoàn toàn thay đổi nhân sinh của mình nhờ phương pháp ấy. Tuy nhiên, soi sáng theo hướng trực tiếp có hiệu quả hơn trong phần lớn các trường hợp vì như từ “trực tiếp” nêu tỏ, cách thức này theo cái dòng tự nhiên của sự tỏ ngộ của con người và thích hợp với sự vận hành bình thường của tâm lý con người. Sự khen ngợi không phải là không thích hợp với mọi người. Một cảm giác hạnh phúc khiến một người mở cửa sổ tâm hồn mình để cho ánh sáng ấm áp ùa vào. Thế rồi Phật tính trong tâm người ấy bắt đầu hoạt động.

Ở Nhật, trong thời tiền chiến, trẻ con được giáo dục bằng sự quở mắng, bằng giáo dục soi sáng theo hướng trái nghịch. Nhưng sau Thế chiến thứ II, giáo dục chuyển sang sự dạy dỗ bằng ngợi khen, tức là giáo dục soi sáng theo hướng trực tiếp. Sở dĩ như thế là vì người ta đã hiểu được rằng khen ngợi thì có hiệu quả hơn là trừng phạt trong việc phát triển thể cách của trẻ em và rút ra những khả năng đặc biệt của chúng. Mặt khác, một khuynh hướng nuôi dạy trẻ một cách nuông chiều đã phát triển khiến cho sự giáo dục soi sáng theo hướng trực tiếp trở nên quá đáng. Đôi khi cũng cần phải huấn luyện tâm thức trẻ em bằng cách giáo dục soi sáng theo hướng trái nghịch.

Mọi người đều cảm thấy hài lòng khi được khen ngợi, nhưng những người trưởng thành vốn đã mất đi sự trong sáng của tâm thức thì trước tiên họ cảm thấy khó chịu khi được khen, như thể là họ bị tâng bốc. Sự hiểu nhầm này có thể được xua tan nếu sự khen ngợi thực sự đến từ trong lòng người khen ngợi. Sự khen ngợi chân thật như thế sẽ dần mở cánh cửa sổ tâm hồn của người ta dù có thể nó đã bị đóng chặt.

Cũng có thể nói như thế về những người được Bồ-tát Thường Bất Khinh kính lễ và tán thán. Trong số ấy có những người nổi giận vì lời nói của Bồ-tát, nhục mạ, chưởi mắng hoặc đánh đập, ném đá ngài. Nhưng ngài không hề tức giận vì sự thô bạo của họ mà vẫn nhiều năm kiên trì, cứ mãi lặp lại những sự việc như thế. Thái độ thiết tha của ngài dần dần làm mềm lòng những người đã khinh miệt ngài.

Bằng chứng của điều này là sự việc những người đối nghịch ngài đã tặng ho ngài biệt danh Thường Bất Khinh. Nếu họ đã không có cảm giác thân thiện nào đối với ngài, họ cũng đã cho ngài một biệt danh. Trước hết, những người kiêu mạn giận dữ đối với ngài, bảo rằng “Hắn sỉ nhục chúng ta” hoặc “Hắn xen vào việc của chúng ta”. Nhưng dần dần họ thay đổi thái độ đối với Thường Bất Khinh và xem ngài chỉ như một kẻ kỳ dị và nghĩ: “Anh ta không hề nóng giận dù cả khi bị ném đá hay bị đánh đập. Anh ta cứ mãi kính lễ và tán thán chúng ta rằng "Tôi không dám khinh thường quý ngài". Quả thực anh ta là một anh bạn đặc biệt.” Họ đã trở thành quen với ngài, và đồng thời họ bắt đầu mơ hồ chú ý đến sự cao cả của Thường Bất Khinh mà miễn cưỡng chấp nhận “Có cái gì đó cao vời nơi vị Tỳ-kheo này.” Sự kiên nhẫn của Thường Bất Khinh cuối cùng đã khiến họ bắt đầu cảm thấy kính nể.

Một giáo lý rất quan trọng được nêu trỏ qua hạnh của vị Bồ-tát này. Khi một người lặp lại một hành động kỳ lạ là kính lễ mọi người mà mình gặp, giống như một kẻ ngu phán đoán mọi sự theo điều độc nhất mà mình biết, và nếu người ấy thực hiện một hành động như thế một cách tận tình và cứ kiên trì lặp lại nó mà không ngại bất cứ sự ngược đãi nào mà mình có thể phải chịu nhận, thì cuối cùng hành động của người ấy không thể không khiến những người khác xúc động và khởi lòng kính nể. Vì những người kiêu mạn bắt đầu cảm thấy kính nể Thường Bất Khinh nên khi ngài thực hiện giáo lý kinh Pháp Hoa cho chính ngài và giảng kinh này cho họ thì tất cả họ đều tin và theo ngài.

Một tu sĩ Phật giáo Nhật Bản, Zenkai, vào khoảng năm 1750 đã hoàn tất công việc một mình đào một đường hầm dài khoảng 185 mét xuyên qua một đồi đá tại đèo Yabakei, Kyùshù sau ba mươi năm nỗ lực. Ông đã khởi sự kế hoạch nhằm làm cho dân làng qua đèo được an toàn. Đầu tiên ông bị đối xử như một người mất trí và bị ngược đãi đủ cách. Tuy vậy, ông chẳng để ý gì mà vẫn kiên trì tiếp tục đào hầm xuyên qua ngọn đồi đá. Thái độ hăng say và bền bỉ làm việc của ông cuối cùng đã gây một ấn tượng sâu xa đối với dân làng đến nỗi họ tình nguyện giúp đỡ ông.

Đã có nhiều trường hợp làm đường, khai khẩn đất hoang, đào mương tưới nước nhằm làm lợi cho những người khác đã được thực hiện bằng cùng một loại kinh nghiệm như nhau. Những thí dụ này dạy cho ta một bài học giá trị về những thành quả lớn lao đạt được từ việc làm một điều tốt một cách hết lòng với một sự kiên trì bất khuất khi đối mặt với mọi trở ngại.

HAI BÀI HỌC QUAN TRỌNG:

Giáo lý quan trọng kế tiếp trong chuyện Bồ-tát Thường Bất Khinh được diễn tả trong hai câu sau đây: “Mỗi khi vị ấy bảo như thế, người ta lấy gậy, hèo mà đánh, lấy gạch đá mà ném vị ấy. Nhưng trong khi tránh xa ra, vị ấy cũng vẫn la lớn: "Tôi không dám khinh thường quý ngài. Tất cả quý ngài đều sẽ thành Phật."“ Chúng ta có thể học được hai bài học từ đoạn văn ngắn này. Bài học thứ nhất là Thường Bất Khinh chạy tránh xa khỏi những người tấn công ngài khi họ dùng bạo lực chống lại ngài. “Thường Bất Khinh không bao giờ mất bình tĩnh ngay cả khi ngài bị gậy đánh gắt đến gãy tay hay bị đá ném đến vỡ trán.” Thái độ như thế có thể gợi được lòng khoan dung nhiều hơn ở một số người. Nếu thế thì có thể gây lý do cho họ hiểu nhầm ý nghĩa của thuật ngữ Phật giáo bất tích thân mạng (fushaku shimmyò), nghĩa là “không tiếc mạng sống của mình vì Pháp” hay “giảng Phật pháp dù có phải hy sinh mạng sống của mình.”

Nếu ta hiểu được ý nghĩa thực sự của bất tích thân mạng thì ta biết rằng đấy là ta phải tận tụy với Pháp hơn tất cả mọi thứ khác. Khi chúng ta tận tụy với Pháp thì trước tiên chúng ta phải lưu tâm đến sự thọ trì Pháp, triển khai và quảng bá Pháp bằng bất cứ phương tiện nào có thể có được. Do đó chúng ta loại trừ cái ý tưởng nhỏ nhen rằng chúng ta phải hổ thẹn vì bỏ chạy. Nếu chúng ta quyết định “Tôi sẽ sống càng lâu càng tốt và tôi sẽ kiên trì giảng Pháp mãi mãi”, thì chúng ta sẽ tìm cách thoát chạy ngay khi chúng ta đối mặt với hiểm nguy.

Đây là một bài học đặc biệt quan trọng cho nhân dân Nhật Bản. Họ hình như thiếu tôn trọng mạng sống của con người. Họ có xu hướng xem nhẹ mạng sống của mình. Trong Thế chiến thứ II, mạng sống của nhiều quân nhân đã mất đi một cách vô ích do bởi những ý tưởng “không đầu hàng” hay “chết vì danh dự” như trong các cuộc tấn công tự sát của các không quân Kamikaze. Sự phung phí đáng tiếc này phát sinh từ thành kiến của quân đội Nhật xem trốn chạy là hèn hạ và đầu hàng là sự nhục nhã lớn lao nhất. Những nhà lãnh đạo chiến tranh của Nhật đã không linh động mà hiểu rằng người thắng cuộc trong trường kỳ là người chiến thắng thực sự dù người ấy đã phải một lần tháo chạy. Thay vì như thế, họ lại buộc các binh sĩ xông vào kẻ thù một cách táo bạo. Các nhà lãnh đạo chiến tranh phải xấu hổ về điều này.

Trái lại, tướng Douglas Mac Arthur, tư lệnh tối cao của quân đội Mỹ tại Philippine khi Thế chiến thứ II bùng nổ, đã rút các lực lượng của mình ra khỏi Manila để đến Bán đảo Bataan khi ông bị quân đội Nhật đánh bại. Khi Corregidor thất thủ, ông chạy thoát bằng một chiếc ngư lôi hạm lên vùng Bắc đảo Mindanao, rồi từ đó ông bay sang Darwin, Úc. Rõ ràng là ông chạy thoát khỏi Philippine mà về sau ông tấn công vào quân Nhật và cuối cùng đích thân chiếm Nhật Bản.

Tuy nhiên, ngày xưa, dân Nhật hình như không có thành kiến về tính không đầu hàng. Chẳng hạn, khi Kusunoki Masashige, một tướng quân của thế kỷ mười bốn, cùng với binh đội cố thủ thành Akasaka, rồi bị lực lượng lớn của tướng đối nghịch là Ashikaga Takauji vây hãm, Kusunoki vội thoát chạy khỏi thành với mưu định sẽ thực hiện một trận chiến khác. Có thể rằng ông đã nắm được ý niệm về tầm quan trọng của tính uyển chuyển của Phật giáo vì ông ta là một tín đồ Phật giáo. Do ông chạy thoát khỏi thành Akasaka nên ông đã có thể quấy phá được lực lượng đối nghịch trong những trận chiến khác.

Lãnh chúa Shimazu Yoshihiro nhận ra sự thất bại tất yếu trong trận chiến Sekigahara giữa hai bộ tộc đối nghịch nhau là Toyotomi và Tokugawa năm 1600, đã chọc thủng phòng tuyến của địch mà thoát về lãnh địa của mình, tỉnh Satsuma ở Kyùshù. Do ông đào thoát được mà bộ tộc của ông trở nên mạnh mẽ đến nỗi về sau phe tướng quân Tokugawa phải công nhận sự vượt trội của nó và nó còn tạo ra động lực đưa đến thành công trong công cuộc duy tân của Meiji (Minh Trị) vào năm 1868, lật đổ chế độ Tokugawa. Shimazu Yoshihiro cũng là một tín đồ Phật giáo thuần thành.

Kể cũng khá lạ, không có người Nhật nào khinh rẽ Kusumoki Masashighe hay Shimazu Yoshihiro mà xem họ như kẻ hèn nhát. Ai cũng xem việc thoát chạy của họ thay vì chết vô ích là tốt. Khi nào và tại sao người Nhật đánh mất tính uyển chuyển của họ trong lối suy nghĩ và hành động ? Có phải sự cứng nhắc này là do ảnh hưởng của Khổng giáo vốn từ Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản chậm hơn Phật giáo ? Thế nhưng Khổng giáo dạy ta tôn trọng sự sống của con người như được tỏ lộ trong câu nói: “Người quân tử không bao giờ chuốc lấy hiểm nguy”. Nếu không thì có phải ý tưởng xem nhẹ nhân mạng là đặc biệt của người Nhật ? Bằng chứng lịch sử không cho phép ta vội kết luận như thế. Chúng ta phải kết luận rằng một tính cách như thế vào một lúc nào đó được ghi khắc bởi một triết lý cai trị dù không chắc chắn là khi nào. Sự nghiên cứu có tính cách kinh viện về vấn đề này hẳn sẽ rất có ích cho việc giải thích đặc tính này của người Nhật Bản. Đây là một vấn đề rất quan trọng. Một xu hướng rõ ràng nhằm đẩy mạnh các cuộc đấu tranh chính trị và kinh tế bằng sự trông cậy vào bạo động đã xuất hiện trong những năm gần đây, và những cuộc biểu tình, đình công của các liên đoàn lao động có chiều hướng xấu đi. Phân tích cho cùng, một khuynh hướng như thế phát sinh từ sự thiếu uyển chuyển về tâm thức.

Cây liễu uốn cong khi có gió và không bị gãy dù cây trông có vẻ mảnh mai. Một cành sồi, trái lại, có thể bị gãy trong một trận bão dù cây có vẻ cứng cáp. Đối với người Nhật - và đối với mọi người ở mọi nơi - việc bồi dưỡng tính uyển chuyển của tâm thức để xây dựng một quốc gia vững mạnh hơn há không phải là có tầm quan trọng hàng đầu hay sao ? Tôi tin rằng một sự lĩnh hội thực sự về Phật giáo là con đường ngắn nhất và tốt nhất để thành tựu điều này. Sở dĩ như thế là vì Phật giáo dạy ta một cách rõ ràng cái nguyên lý về tính uyển chuyển của tâm, theo đó, bất cứ tín đồ nào của Phật giáo đều phát triển cái tâm uyển chuyển. Cuộc đời của Bồ-tát Thường Bất Khinh minh họa con người lý tưởng sống theo cách này.

Một quan điểm quan trọng khác trong chuyện Thường Bất Khinh là dù Bồ-tát có chạy tránh sự ngược đãi về thân thể, ngài vẫn giữ chặt niềm tin và không bao giờ chối bỏ chân lý. Ở đây có sự khác biệt giữa sự yếu kém tinh thần với tính uyển chuyển. Một người yếu tinh thần sẽ dễ dàng từ bỏ niềm tin của mình khi bị một áp lực nhỏ từ bên ngoài. Nhưng một tín đồ thực sự vẫn giữ niềm tin của mình và tiếp tục tôn trọng chân lý dù cho có xảy ra điều gì đi nữa. Mục đích của sự việc có một cái tâm uyển chuyển chính là trung thành với chân lý cho đến cuối cùng. Bồ-tát Thường Bất Khinh không bao giờ ngưng hạnh Bồ-tát là làm hiển lộ Phật tánh của những người khác bằng cách kính lễ Phật tính ấy dù cho có phải thoát chạy khi thân thể bị ngược đãi. Cuối cùng, ngài đã khiến những người ngược đãi ngài phát hiện Phật tính của chính họ. Một người như thế có thể được gọi là can đảm thực sự.

Bồ-tát Thường Bất Khinh đạt được một trạng thái tâm thức rất cao dù chỉ bằng một hạnh đơn lẻ là khai mở Phật tính của những người khác bằng cách lễ kính Phật tính ấy. Do đó, khi ngài sắp tịch, từ hư không, ngài nghe kinh Pháp Hoa mà đức Phật Oai Âm Vương ngày xưa đã giảng. Biểu ngữ “từ hư không ngài nghe” nghĩa là ngài nghe tiếng của đức Phật vang trong tâm ngài; nói một cách khác, ngài thể nghiệm chân lý cho chính ngài. Bảo rằng ngài thể nghiệm chân lý cho chính ngài nghe ra có vẻ thần bí, chứ thực ra, chân lý có thể được khám phá bởi bất cứ ai.

Chân lý hẳn đã từng hiện hữu từ quá khứ vĩnh hằng nếu nó thực sự là chân lý. Phẩm 20 của kinh khẳng định rằng đức Oai Âm Vương Như Lai ngày xưa đã thể nghiệm và thuyết giảng chân lý, nhưng chân lý đã không hiện hữu như là một giáo lý trên cõi đời này vào thời mà Bồ-tát Thường Bất Khinh sống. Tuy nhiên, vì chân lý là vĩnh cửu và bất diệt nên khi một người xuất chúng xuất hiện trên đời này, người ấy có thể tái phát hiện chân lý. Bồ-tát Thường Bất Khinh là một người như thế.

Một số người có thể nghĩ rằng câu chuyện này chẳng có ý nghĩa gì đối với thời đại của chúng ta, khi các phương tiện truyền thông thật là tinh vi. Nhưng một ý niệm như thế chỉ đặt căn bản trên một quan điểm thiển cận. Suốt lịch sử vũ trụ từ thời xa xăm, một cái gì đó giống như nền văn hóa hiện nay của con người hẳn đã xuất hiện và biến mất thường xuyên hơn là chúng ta có thể tưởng tượng. Nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra, nền văn hóa hiện nay của chúng ta sẽ bị hủy diệt cùng với mọi thứ khác. Một đời sống mới và khốc liệt sẽ thực sự phát sinh, có lẽ sau hàng trăm ngàn hay hàng trăm triệu năm, sớm hay muộn gì cũng sẽ phát triển nền văn hóa riêng của nó.

Nhìn sự sống của vũ trụ từ thời xa xăm như thế, chúng ta không lấy làm lạ rằng nhiều đức Oai Âm Vương Như Lai đã từng thuyết giảng chân lý và rằng Bồ-tát Thường Bất Khinh đã thể nghiệm chân lý ấy cho chính ngài khi ngài sắp tịch.

KIÊN TRÌ LẶP ĐI LẶP LẠI VIỆC HỌC TẬP VÀ THUYẾT GIẢNG:

Bồ-tát Thường Bất Khinh được khuyến khích kéo dài thọ mạng dù ngài sắp tịch như thế nào ? Đây là một bài học lớn cho chúng ta. Bồ-tát Thường Bất Khinh đã thể nghiệm cho chính mình giáo lý kinh Pháp Hoa. Do vì hết lòng tin giáo lý ấy, ngài kéo dài thọ mạng thêm hai trăm vạn ức na-do-tha năm nữa. Suốt thời gian dài này, ngài rộng giảng kinh Phaùp Hoa. Không những ngài đã thực hành hạnh Bồ-tát căn bản là lễ bái những người khác mà ngài còn thuyết giảng Phật pháp một cách kỹ càng. Theo cách này, ngài đã thăng tiến lên nhiều cấp độ trong Bồ-tát hạnh. Thế rồi ngài soi tỏ cho những kẻ kiêu mạn ngày xưa đã đả kích ngài. Sau khi thọ mạng tự nhiên của ngài chấm dứt, ngài đã gặp hai ngàn ức đức Phật. Ngài lễ bái, cung kính và tán thán chư Phật này và thuyết giảng kinh Pháp Hoa dưới Pháp trướng của chư vị. Do như thế, ngài lại gặp hai ngàn ức đức Phật và dưới Pháp trướng của chư vị, ngài cũng giảng kinh này. Do như thế, ngài đạt được sự thanh tịnh về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, và thuyết Pháp mà không sợ hãi trong tứ chúng - tức là, trong mọi loại người.

Sau khi đã vun trồng các thiện căn như thế, ngài lại gặp một số lớn chư Phật và cũng dưới trướng của chư vị mà ngài giảng kinh Pháp Hoa; do bởi các công đức này, ngài lại gặp một số lớn chư Phật và cũng được chư vị giáo hóa. Theo cách này, ngài cứ lặp đi lặp lại vô số lần việc tu tập của chính mình về Phật pháp và khiến những người khác cũng tu tập như thế. Khi các công đức của ngài đã toàn hảo, ngài trở thành một vị Phật.

Sự lớn lao của cuộc đời tu hành của Bồ-tát Thường Bất Khinh chính là cái tinh thần quả cảm mà nhờ đó ngài không bao giờ lùi bước cứ kiên trì cho đến khi ngài hoàn toàn thành tựu bổn nguyện của mình. Tinh thần của ngài không phải là táo bạo, thô tháp mà là cẩn trọng, bền bỉ. Ngài bước chân trên con đường đưa đến sự chứng đắc Phật quả bằng cách học và hành, hành và học, nhằm để kiên trì tinh tấn, tức là, nhờ cứ lặp đi lặp lại việc chính mình tu tập Phật pháp và khiến những người khác tu tập Phật pháp.

Chúng ta cần theo con đường của ngài từng bước một. Chúng ta hoàn toàn có thể đi vào con đường đưa đến Phật quả bằng cách thực hiện chỉ một hạnh Bồ-tát. Nếu chúng ta toàn tâm thực hiện một hạnh, chúng ta có thể lĩnh hội nhiều chân lý phát xuất từ một chân lý này. Và chúng ta không giới hạn sự lĩnh hội của chúng ta vào chúng ta mà phải giảng ra cho tất cả mọi người. Do giảng chân lý ấy như thế, chúng ta có được những công đức của nó đồng thời làm cho sự hiểu biết của chúng ta ngày càng thâm sâu hơn. Nói một cách khác, chúng ta liên tục gặp vô số vị Phật. Hễ khi nào gặp những đức Phật (chân lý) mới, chúng ta đảnh lễ giáo lý của chư vị, tôn kính và tán thán, đồng thời thuyết giảng giáo lý ấy cho mọi người. Do như thế, chúng ta gặp lại thêm nhiều vị Phật (chân lý) nữa. Qua loại lặp đi lặp lại này, chúng ta có thể dần dần đạt đến cấp độ tâm thức của một vị Phật. Chính đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã xác chứng điều này bằng cách nêu lên một gương tốt. Ngài đã khai thị điều này khi Ngài bảo: “Bồ-tát Thường Bất Khinh bấy giờ có thể là ai khác ? Vị ấy chính là Ta đây vậy.” Bằng cách khai thị điều này, Ngài nêu tỏ rằng sống theo cách của Bồ-tát Thường Bất Khinh là cách đúng đắn để trở thành một vị Phật.

Như đã nêu ở phần đầu phẩm, sự khai thị này hẳn phải khích lệ lớn lao cho những ai đã thối chí trong đời sống tu hành của họ. Một số người có thể cảm thấy rằng: “Ta không thể giảng Pháp cho những người khác vì chính ta chưa hoàn toàn hiểu Pháp.” Nhưng nếu chỉ cần họ hiểu cái nguyên lý của đời sống tu hành - chúng ta chỉ cần giảng Pháp theo như chúng ta đã học với mức tối đa của khả năng chúng ta; thì chúng ta càng thường hay giảng Pháp, chúng ta càng làm sâu sắc sự hiểu Pháp của chúng ta; chúng ta có thể từng bước tiến đến sự toàn hảo về tính cách của chúng ta nhờ cứ kiên trì lặp đi lặp lại việc học tập và thuyết giảng - rồi thì chúng ta sẽ được khích lệ lón lao.

Chúng ta chớ quên những lời quan trọng ở đầu phẩm này: “Khi trông thấy từ xa một vị trong tứ chúng, vị ấy liền đến lễ bái, tán thán...” Đây là cái tinh thần ta cần có khi ta giảng Pháp cho những người khác. Ta chớ mang thái độ thụ động rằng ta sẽ dạy Pháp cho những người khác khi họ đến ta để nghe Pháp hay khi ta gặp dịp. Trái lại, ta phải có một thái độ tích cực chủ động đón nhận người khác và giảng Pháp cho họ. Đây là thái độ của một vị Bồ-tát thực sự muốn cứu độ người ta khỏi khổ đau. Bồ-tát Thường Bất Khinh đã dám thực hiện Bồ-tát hạnh như thế. Trước tiên, ngài là mối phiền toái cho tất cả những người kiêu mạn vì hạnh kiên nhẫn của ngài và vì ngài khiến họ nổi giận, nhưng cuối cùng họ ghi nhận sự chân thành của ngài. Chúng ta có thể học tập nhiều ở thái độ tích cực của vị Bồ-tát trong sự nghiệp truyền giáo của ngài.

Chúng ta cũng cần phải lưu ý cẩn thận câu sau đây: “Bấy giờ bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di do tâm sân hận mà khinh thường Ta cho nên suốt hai trăm ức kiếp, họ không bao giờ gặp được một vị Phật, không bao giờ được nghe Pháp, không bao giờ được trông thấy Tăng, và suốt trong một ngàn kiếp phải chịu đại khổ não trong địa ngục A-tỳ.” Từ đây chúng ta hiểu thế nào là hình phạt do từ chối Phật pháp. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng đoạn văn này không bảo rằng một vị thần hay một vị Phật sẽ giáng hình phạt nào lên con người. Đoạn văn nói lên như sau: khi những người kiêu mạn với tâm sân hận khinh thường một người theo đuổi Bồ-tát hạnh cao cả nhằm khai phát Phật tính của những người khác, thì trong hai trăm ức kiếp không bao giờ họ có thể gặp một vị Phật, không bao giờ có thể nghe Pháp và không bao giờ có thể trông thấy một tín giả của Phật pháp. Hình phạt như thế không do ai giáng đặt nên cả; những người này không bao giờ gặp một vị Phật vì những con mắt của tâm họ bị khép lại, và không bao giờ nghe Pháp vì tai họ bị che phủ. Do như thế, họ không thể dập tắt ngọn lửa ảo tưởng đang cháy trong tâm họ và suốt một ngàn kiếp họ chịu đựng những khổ đau trong địa ngục A-tỳ. Đức Phật không bao giờ đặt để hình phạt nào lên con người mà luôn luôn cứu độ họ với lòng đại từ bi. Nếu họ không muốn thấy đức Phật hay một người truyền bá Phật pháp thì Ngài không bao giờ ép buộc họ phải được cứu độ, Ngài vẫn im lặng chờ đợi cho đến khi đúng lúc, khi thời gian tiêu diệt nghiệp của họ sẽ đến.

Dù ác nghiệp của một người có thể thế nào đi nữa, nếu người ấy trải qua những đại khổ não trong một thời gian lâu dài do bởi ác báo của ác nghiệp ấy, thì ác nghiệp ấy cũng sẽ tiêu biến đi, đền bù cho những đại khổ não của người ấy. Mắt tâm của người ấy chắc chắn sẽ mở ra vào lúc ác nghiệp tiêu biến đi. Sở dĩ như thế là vì người ấy bị phiền não quấy động đã lâu, và vì người ấy ấp ủ ước mong đáp ứng một cái gì đó tuyệt đối và phát sinh lòng khát khao hy vọng vào đấy. Tóm lại, người ấy nhận thức được Phật tính của chính mình. Điều này được nêu tỏ trong câu sau đây: “Sau khi sạch hết tội lỗi, họ lại gặp Bồ-tát Thường Bất Khinh và được Bồ-tát giáo hóa đưa họ đến Giác ngộ Toàn mãn.” Theo như thế, một khi một người tiếp cận được với Phật pháp thì cuối cùng thế nào người ấy cũng được cứu độ thoát khỏi khổ đau.

Trong một đời sống trước kia, những người kiêu mạn được Bồ-tát Thường Bất Khinh dạy về sự hiện hữu của Phật tính của họ. Nhưng vì họ không chịu nghe nên không chấp nhận lời dạy của ngài, họ đã trải qua một thời gian khổ đau lâu dài. Sau đó, họ nhận thức được sự hiện hữu của Phật tính trong tâm họ. Kết quả là, họ đã có thể bước vào con đường cứu độ. Nếu xưa kia họ đã không được Bồ-tát Thường Bất Khinh dạy rằng họ vốn có Phật tính thì họ phải ra sao ? Hẳn họ phải mãi mãi không thể thoát khỏi khổ đau.

Chúng ta chớ quên rằng dù cho một người thuộc loại gì đi nữa thì kính trọng Phật tính của người ấy, dạy cho người ấy biết Phật tính ấy là hiện hữu sẽ tạo cho người ấy một công đức lớn và sẽ đưa người ấy đến giải thoát trong tương lai. Đây là giáo lý quan trọng nhất của phẩm này.

Trong phần cuối phẩm, đức Phật trùng tuyên giáo lý của Ngài bằng kệ. Đoạn kệ kết thúc này quan trọng đến nỗi chúng ta cần tụng thuộc lòng nếu như có thể được. Người đọc sẽ hiểu được ý nghĩa của phần kệ nếu nắm chắc được nội dung của phần văn xuôi. Ở đây chỉ giải thích những phần câu có ý nghĩa đặc biệt. “Lãnh đạo mọi chúng sanh” (Tương đạo nhứt thiết) nghĩa là một vị Phật danh hiệu là Oai Âm Vương sẽ lãnh đạo tất cả chúng sanh.

“Lúc bấy giờ bốn chúng / Chuyên chăm vào sự vật” (Thời ư tứ chúng / Kế trước ư pháp), nghĩa là bốn chúng chỉ chuyên nghiên cứu phần tích Pháp (luật), tức là họ không để ý học cái tinh thần của Pháp (luật) mà chỉ chuyên chú vào nghi thức. Chỗ này có cùng nghĩa với “Các chúng chấp sự vật” (Chư trước pháp chúng). “Nam nữ tín thanh tịnh” (Thanh tín sĩ, nữ) trỏ đến các nam và nữ cư sĩ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]