Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bát Thức Quy Củ Tụng

20/09/201016:19(Xem: 8634)
Bát Thức Quy Củ Tụng

htr_15

BÁT THỨC QUY CỦ TỤNG

Huyền Trang chú thích

Đời nhà Đường, ngài Tam Tạng pháp sư tên là Huyền Trang tạo ra bài luận này. Ngài Huyền Trang sau khi dịch kinh luận về Duy Thức tôn, lại tạo ra Duy Thức luận, ý nghĩa sâu xa, người chưa học khó bề hiểu thấu. Học trò của Ngài là ngài Khuy Cơ, mong lợi ích được phổ thông mới xin Ngài toát yếu lại Duy Thức luận thành ra bài tụng cho dễ nhớ. Tụng này có 4 chương, mỗi chương có 12 câu thuyết minh hành tướng của 8 tâm lý chính, đầu đề là BÁT THỨC QUY CỦ TỤNG.

八識規矩頌

Quy Củ là những dụng cụ để đo hình tròn, hình vuông của thợ mộc.

Quy: Đồ để đo cho tròn.

Củ: Đồ để đo cho thật vuông.

Nếu không có quy củ thì thợ mộc khó bề làm đúng.

Bài tụng giảng về Bát Thức, thuyết minh hành tướng của mỗi thức rõ ràng, thiết thực như cái quy củ hình tròn hình vuông, nên gọi là Bát Thức Quy Củ Tụng.

前五識頌

Tiền ngũ thức tụng

Lời tụng về năm thức trước

性境現量通三性

Tánh cảnh hiện lượng thông tam tánh

  • Cảnh là tánh cảnh, lượng là hiện lượng, thông cả ba tánh.

Cảnh của năm thức trước, căn cứ duy thức tánh biến hiện nên gọi là tánh cảnh. Tánh cảnh là cảnh chân thật, song vì chia ra từng phần: Sắc, thinh, hương, vị, xúc nên gọi là hữu chất tánh cảnh. Lượng có ba món. Năm thức không so sánh lớn nhỏ dài ngắn, không phân biệt rằng nó là cái này cái khác, chỉ duyên với thật cảnh, nên gọi là hiện lượng.

Vì năm thức theo nghiệp phát hiện, có thể giúp ý thức tạo nghiệp nên nó thông cả ba tánh.

眼耳身三二地居

Nhãn nhĩ thân tam nhị địa cư

Ở nhị địa có ba thức: Nhãn nhĩ thân

Câu này cho ta biết địa giới của ba thức: Trong ba cõi chia làm 9 địa.

1- Dục giới ngũ thú tạp cư địa: Gồm năm thú trong Dục giới trong đó có Tu-la không nhất định, vì từ thiên cho đến quỷ, súc sanh đều có nên không kể. Vì Dục giới có đủ: Ăn ngủ, dâm dục nên đủ năm thức.

2- Sắc giới Sơ thiền Ly sanh hỷ lạc địa: Địa này không còn dâm dục nhưng còn sắc thân và không còn đoàn thực (ăn đồ ăn vào bụng) nên không có thiệt thức và tỷ thức.

3- Nhị thiền Định sanh hỷ lạc địa.

4- Tam thiền Ly hỷ diệu lạc địa.

5- Tứ thiền Xả niệm thanh tịnh địa.

6- Vô sắc giới không vô biên xứ địa.

7- Thức vô biên xứ địa.

8- Vô sở hữu xứ địa.

9- Phi phi tưởng xứ địa.

Bảy địa này chỉ duyên định ở trong nên năm thức không phát khởi.

遍行別境善十一

中二大八貪瞋癡

Biến hành biệt cảnh thiện thập nhất

Trung nhị đại bát tham sân si.

Có biến hànhvà biệt cảnh, mỗi tâm sở có 5 món, 11 món thiện, 2 món trung tùy, 8 món đại tùy và tham sân si

Đây là những tâm lý có thể tương ưng với năm thức, bởi thức này không sanh lợi, không mãnh liệt như ý thức nên không tương ưng cả 51 món.

五識同依淨色根

Ngũ thức đồng y tịnh sắc căn

Năm thức đều nương tịnh sắc căn.

Năm thức đồng nương theo năm căn.

Căn có hai: Phù trần căn và thắng nghĩa căn. Phù trần căn là mắt thịt, tai thịt… Thắng nghĩa căn là giác quan tinh vi để 5 thức nương vào đó mà phát sinh tác dụng, chính nó là thần kinh hệ.

Thắng nghĩa căn thể chấp nó tinh vi không ô nhiễm nên có tên là tịnh sắc căn. Năm thức tùy theo căn mà lập danh, giữa căn và thức có nhiều mối quan hệ:

1- Y: Thức nương căn, căn nương thức.

2- Phát: Căn phát thức, thức phát căn.

3- Thuộc: Thức phụ thuộc về căn, căn phụ thuộc về thức.

4- Trợ: Thức giúp căn, căn giúp thức.

5-

Nói tóm lại các giác quan thuộc về sắc chất thì gọi là căn, cái công năng liễu biệt được ngũ uẩn thì gọi là thức. Tuy căn thức không là nhau mà căn là vô phú vô ký, còn thức tùy theo có nhiễm, tịnh.

九緣七八好相鄰

Cửu duyên thất bát hảo tương lân.

Chín, bảy, tám duyên khéo lân cận tương quan cùng nhau.

Đây thuyết minh duyên sanh ra 5 món thức, vì nhãn thức phải 9 duyên mới hiện khởi.

1- Không: Chỉ về hư không.

2- Minh: Chỉ về ánh sáng.

3- Căn: Chỉ về nhãn căn.

4- Tác ý: Tâm sở móng tâm.

5- Cảnh: Hiện cảnh

6- Phân biệt y: Chỉ về lục thức

7- Nhiễm tịnh y: Chỉ về đệ thất thức.

8- Căn bản y: Chỉ đệ bát thức.

9- Chủng tử duyên: Chỉ về chủng tử của nhãn thức.

Trong chín duyên chủng tử là nhân duyên, các món khác là tăng thượng duyên, còn dẫn lực của chủng tử là đẳng vô gián duyên.

Nhĩ thức cần tám duyên vì không cần ánh sáng.

Tỷ, thiệt, thân thức chỉ có bảy duyên vì không cần ánh sáng và hư không.

Nói 9 duyên 8,7 là không nói đến đẳng vô gián duyên, nếu thêm thì phải kể 10, 9, 8.

Vì các pháp đều là hữu vi nên phải nhờ nhân duyên mà sanh nên thiếu một duyên thì không thể phát sanh được.

合三離二觀塵世

Hiệp tam ly nhị quán trần thế

Ba món thì ở trong hiệp, hai món thì ở trong ly mà soi trần thế.

Nhãn thức và nhĩ thức thì ly với cảnh mà biết cảnh, tỷ thiệt thân thức thì hợp với cảnh mà biết cảnh, mà biết cảnh soi biết các tướng trong trần thế đều do năm thức ấy.

愚者難分識與根

Ngu giả nan phân thức dữ căn

Hàng ngu pháp Thinh văn khó chia thức và căn.

Các bậc Nhị thừa cho là căn với thức sanh ra nhau vì không biết căn và thức đều có chủng tử riêng biệt, vì không rõ đệ bát thức, không nhận được tánh vô phú vô ký của căn nên ngộ nhận căn với thức là quy nhất. Thật ra căn và thức đều có công năng phân biệt nhau, căn và thức đối đãi nhau ấy chỉ là tăng thượng duyên mà thôi.

變相觀空唯後得

Biến tướng quán không duy hậu đắc

Biến ra tướng phần để duyên, dù quán tướng ấy là không, điều đó là công dụng của Hậu đắc trí.

Năm thức này khi phát khởi đã biến ra tướng phần của mình, phải kèm theo tướng phần của mình mà phát khởi nên gọi là biến đổi, bởi 5 thức phải nương nơi sắc căn mà hiện khởi, nên dù đem trí trực nhận hiện tượng, đem huệ nhãn trực nhận chân không chỉ là hậu đắc mà thôi, chứ không phải căn bản trí. Hậu đắc trí là sai biệt trí và có pháp biệt nên không duyên thấu chân như, đó là nói về lối tu tập của các bậc Bồ-tát, còn các vị sơ phát tâm, chính nơi duy thức tướng mà quán duy thức tánh, thì dầu duy thức tánh hiện tiền đi nữa cũng chỉ là sở đắc sau khi tu quán chứ chưa thật an trú nơi duy thức tánh.

果中猶自不詮真

Quả trung do tự bất thuyên chân

Chính trong quả vị còn không gọi là chơn

Câu này chỉ rõ chẳng những trong nhân địa mà chính trong quả vị năm thức cũng không thể thân duyên chơn như, vì năm thức duyên với hữu chất tánh cảnh. Các vị Bồ-tát sau khi chứng được chân lý, thân duyên chân như rồi, mới tùy duyên hiện thân hóa độ. Trong lúc hóa độ tùy căn bản trí, không lúc nào chẳng duyên chơn như. Song năm thức chỉ duyên với hữu chất mà thôi, dù đến địa vị Phật Đà cũng thế, vì năm thức y nơi căn bản mà phát khởi nên có phân biệt so sánh, không thể duyên với vô phân biệt trí chỉ tương ưng với sau biệt trí mà thôi.

圓明初發成無漏

三類分身息苦輪

Viên minh sơ phát thành vô lậu

Tam loại phân thân tức khổ luân

Viên minh vừa phát thành vô lậu

Ba loại phân thân diệt khổ não cho chúng sanh.

Hai câu này nói năm thức ở địa vị Phật. Đến địa vị Phật thì thức thứ tám thành Yêm-ma-la-thức, các tâm sở biến thành Đại viên cảnh trí, hiện đại hóa thân, tiểu hóa thân, tùy loại hóa thân, hóa độ chúng sanh ra khỏi bể khổ.

第六識頌

Đệ lục thức tụng

三性三量通三境

Tam tánh tam lượng thông tam cảnh

Đủ ba tánh ba lượng thông ba cảnh.

Ba tánh: Những đặc tánh thuận theo chính lý có ích cho mình, cho người về hiện tại và tương lai thì gọi là thiện, trái lại thì gọi là ác, không thể chỉ là thiện hay ác nên gọi là vô ký.

Ba lượng: Hiện lượng - Tỷ lượng - Phi lượng.

Ý thức có hai món:

1- Minh liễu ý thức: Minh liễu là ngũ câu ý thức, nghĩa là ý thức cùng năm thức trước đồng duyên với năm trần. Minh liễu ý thức đủ ba lượng. Hiện lượng về phần nhiều, còn tỷ lượng, phi lượng về phần ít.

2- Độc đầu ý thức: Độc đầu là ý thức tự duyên cảnh giới riêng của mình có 5 món:

a- Tán vị ý thức: Ý thức duyên với các tướng, so sánh với danh ngôn phân biệt giả dối mà cho là ngoại cảnh, ý thức này chỉ có tỷ lượng và phi lượng.

b- Suy trung ý thức: Ý thức suy xét qua các hiện tượng của sự suy tưởng, món này chỉ có tỷ lượng và phi lượng

c- Định trung ý thức: Ý thức trong thiền định, duyên cảnh sở quán, trường hợp này chỉ có hiện lượng.

d- Mộng trung ý thức: Ý thức trong chiêm bao, nhận thức cảnh chiêm bao.

e- Cuồng loạn ý thức: Ý thức cuồng loạn, duyên cảnh một cách sai lạc, trường hợp này hoàn toàn phi lượng.

Ba cảnh là tánh cảnh, đối chất cảnh và độc ảnh cảnh; khi ý thức đồng duyên với hiện cảnh không so đo chấp trước tức là duyên với tánh cảnh. Khi ý thức cùng với các tâm vương và tâm sở duyên cảnh là duyên với đối chất cảnh. Khi ý thức duyên với các tướng quá khứ vị lai, duyên với các món tưởng tượng là duyên với độc ảnh cảnh, vì vậy nên gọi là ý thức duyên với ba tánh.

三界輪時易可知

Tam giới luân thời dị khả tri

Đương khi luân hồi trong ba cõi cũng dễ hiểu biết được thức ấy

Các loài hữu tình trong ba cõi đều có đệ lục ý thức và đều biết đệ lục ý thức một cách dễ dàng, vì hành tướng của thức này rõ rệt chứ không như thức thứ bảy và thứ tám.

相應心所五十一

Tương ưng tâm sở ngũ thập nhất

Trong đệ lục thức tương ưng 51 tâm sở.

Trong tám thức đặc biệt đệ lục ý thức là có thể tương ưng với 51 món tâm sở, tương ưng nghĩa là khế hợp ưng thuận cùng nhau, khi nào tâm vương cùng tâm sở đồng một tánh, duyên một cảnh đồng một chỗ, và trong một thời thì gọi là tương ưng.

善惡臨時別配之

Thiện ác lâm thời biệt phối chi

Gặp lúc ý thức riêng biệt tương ưng với thiện tâm sở hay ác tâm sở.

Ý thức đủ ba tánh ba lượng ba cảnh lại hành tướng thô thiển rõ ràng, nên có thể tương ưng với tất cả tâm sở, nhưng các tâm sở tánh hay trái nhau, không thể đồng phát khởi một lần như khi đang còn nghi thì không tin. Bởi thế nên lúc gặp đối cảnh là thiện thì ý thức tương ưng với thiện tâm sở, khi gặp ác cảnh thì tương với ác tâm sở, chứ không phải một thời cùng tương ưng với tất cả tâm sở.

性界受三恒轉易

Tánh giới thọ tam hằng chuyển dị

Tánh, giới, thọ với ba món này,

ý thức tùy từng trường hợp mà thay đổi.

Ý thức khi lành khi dữ, khi ở trong định thì lắm lúc chứng đến cảnh tứ thiền, tứ không, khi xuất định vẫn là ý thức của dục giới. Ý thức lại khi thì lãnh thọ là vui hay là khổ nên bài tụng nói ý thức tùy trường hợp mà đổi thay theo ba món tánh, giới và thọ.

根隨信等總相連

Căn tùy tín đẳng tổng tương liên

Căn bản phiền não, tùy phiền não, thiện… cũng thay đổi liền nhau.

Đệ lục ý thức đã thường hay thay đổi thì các tâm sở cũng tùy thức mà đổi thay như ý thức đương lành thì các thiện tâm sở hiện khởi tương ưng, ngược lại lúc ý thức dữ thì bất thiện tâm sở tùy đó mà phát khởi.

動身發語獨為最

Động thân phát ngữ độc vi tối

Phát động thân nghiệp hay ngữ nghiệp độc nhất do ý thức chủ động

Động thân là về thân nghiệp, lời nói là về ngữ nghiệp. thân cử động, miệng nói năng, mới có các lối hành vi, mới gây ra các sự nghiệp có thể làm lợi ích hay tổn hại cho mình và người. Mà đã có nhân thì có quả nên các nghiệp ấy là thân nghiệp và ngữ nghiệp.

Nhưng thân không thể tự động, miệng không thể tự nói, thân miệng là bộ máy để cho ý thức sai khiến. Ý thức đối với cảnh giới có phân biệt lãnh thọ hay xét nghĩ so đo, lợi hại, hay dở, được thua, suy lường, tính toán những phương pháp hành động. Đến khi ý thức quyết định rồi mới do tự tâm sở phát ra lời nói và cử động thân thể để đối với hoàn cảnh, khi thì lân cận khi thì xa cách, khi thì hệ trọng khi thì đánh phá, khi thì chê bai khi thì khen ngợi, gây thành sự lợi ích hay sự tổn hại giữa mình và mọi người. Đây là tác động của ý thức thì gọi là ý nghiệp. Bát thức và thất thức không lanh lợi chỉ một mặt xoay vần theo hiện nghiệp, nên tuy có thể giúp ý thức tạo nghiệp mà tự mình không thể tạo nghiệp được.

Năm thức trước tuy có biết ngoại cảnh nhưng không suy xét rõ ràng nên chỉ có thể giúp ý thức tạo nghiệp mà thôi, vậy biết về phần tạo nghiệp, duy ý thức trực tiếp phát động. Đây là nói động thân phát ngữ là nói nghiệp người, song trong Vô sắc giới không thân nhưng ý thức vẫn tạo nghiệp, mà ý nghiệp có thể phát khởi một mình, không cần phải động thân phát nữa.

引滿能招業力牽

Dẫn mãn năng chiêu nghiệp lực khiên

Về dẫn nghiệp và mãn nghiệp do ý thức phát động và tùy nghiệp lực mà chúng sanh chịu cảm lấy quả báo.

Nghiệp có nhân có quả thì hành động là gây nghiệp nhân, đến khi thọ báo chịu nghiệp quả. Nghiệp có thể chia ra làm dẫn nghiệp và mãn nghiệp. Dẫn nghiệp là nghiệp báo chung dắt đi thọ sanh cõi này cõi khác. Mãn nghiệp là nghiệp báo riêng như đồng một loài người mà có kẻ sang người hèn…

Ví như gây nghiệp thập ác thì đọa vào địa ngục, ngạ quỷ súc sanh. Tạo thập thiện thì sanh chư thiên, những nghiệp như vậy thì gọi là dẫn nghiệp, còn như ưa bố thí thì sau được giàu có hay bỏn xẻn sau phải nghèo cực, người chân chính thì diện mạo đoan trang, người tà thì sau thân thể xấu xa… những nghiệp như vậy gọi là mãn nghiệp.

Dẫn nghiệp làm chủ, mãn nghiệp làm phụ, vì dẫn nghiệp, mãn nghiệp mà các loài hữu tình phải luân hồi trong sáu đường, mà dẫn nghiệp mãn nghiệp phần nhiều do ý thức sinh ra. Ý thức tác thành nghiệp nhân, có nghiệp nhân thì có quả báo. Sự chiêu cảm như vậy là do nghiệp chứ không một ai nắm quyền thưởng phạt được.

Lại các nghiệp hấp dẫn đi đầu thai là những nghiệp có sức mạnh hơn, đã tập lâu thành tập quán, nên chỉ có ý nghiệp là đủ thế lực chiêu cảm quả báo về sau mà thôi.

發起初心歡喜地

Phát khởi sơ tâm hoan hỷ địa

Bậc Hoan hỷ địa mới phát khởi sơ tâm.

Hoan hỷ địa tức là Sơ địa Bồ-tát. Bậc này đã hủy diệt phân biệt ngã và pháp chấp, thật chứng được một phần chơn như, nên không có gì sung sướng bằng, vì thế mà đặt tên Hoan hỷ địa, bậc này thì ý thức đã bắt đầu tương ưng với Diệu quan sát trí.

俱生猶自現纏眠

Câu sanh do tự hiện triền miên

Bây giờ các món câu sanh còn đương dây dưa chưa nhiếp phục.

Hai món câu sanh ngã và pháp chấp ở Sơ địa, hai món này còn hiện hành nên gọi là triền, chủng tử chưa sạch nên gọi là miên. Đó là bậc Sơ địa chưa được thường an trú cảnh giới nhị không chơn như nên tuy đã đoạn được các vọng chấp thô phù song các món câu sanh vẫn chưa nhiếp phục được.

遠行地後純無漏

Viễn hành địa hậu thuần vô lậu

Sau khi chứng viễn hành địa thì đệ lục thức thuần vô lậu.

Viễn hành địa tức là Đệ thất địa Bồ-tát, về bậc này các món phiền não chướng, sở tri chướng trong tam giới không còn hiện hành nữa, nên ý thức đã thường tương ưng với diệu quan sát trí. Tuy vậy Đệ thất địa có công dụng chưa thuần là vô lậu, đến khi chứng đệ bát bất động địa thì mới thật là an trú nơi cảnh giới nhị không chân như, không được vô công dụng hạnh và ý thức mới thuần là vô lậu.

觀察圓明照大千

Quan sát viên minh chiếu đại thiên

Trí quán sát viên mãn pháp giới chiếu khắp đại thiên

Trí quán sát tức là Diệu quan sát trí, trí này viên mãn thanh tịnh soi khắp thật tướng của các pháp, rõ thấu vô lượng pháp môn đầy đủ diệu dụng, thần thông vô ngại, biện tài như ý như lượng mà hiện ra các phương tiện, tự tại thuyết pháp, phá tan các điều nghi hoặc, khiến tất cả chúng sanh đều được lợi ích trên con đường tu tập. Diệu quan sát trí rộng lớn bao dung chẳng những độ sinh trong một thế giới này mà thôi, mà cả đại thiên thế giới, nghĩa là cả một ngàn tỷ thái dương hệ. Diệu quan sát trí đều có thể soi khắp cơ cảm của chúng sanh mà hóa độ, nhưng không lúc nào rời khỏi cảnh giới nhị không chơn như và vô công dụng đạo của chư Phật.

第七識頌

帶質有覆通情本

Đệ thất thức tụng

Đối chất hữu phú thông tình bổn

Cảnh là đới chất cảnh, tánh là tánh hữu vô phú vô ký, thông cả bên tình và bên bổn.

Trong ba cảnh đệ thất thức chỉ duyên với đới chất cảnh. Thất thức duyên với kiến phần của bát thức biến ra nội ngã tướng làm cảnh của mình. Song đệ thất thức không duyên thẳng đến bát thức, chỉ duyên cái ngã tướng là cái tướng giả đối của kiến phần đệ bát thức thôi. Đệ bát thức cũng là tâm tướng phần của thất thức do cả thất thức và bát thức biến thành nên cảnh của thất thức là chân đới cảnh, lại đệ bát thức là bản chất tướng phần của thất thức vin theo bản chất mà phát khởi nên gọi là đới chất cảnh.

Thất thức chỉ duyên với nội cảnh nên chỉ có vô ký tánh, không có thiện ác tánh, tánh vô ký của đệ thất thức thuộc về phần hữu phú vô ký. Hữu phú là có ngăn che là vì thất thức chỉ một mặt duyên về bề trong, nên gọi là hữu phú, hai là vì đệ thất thức thường chấp kiến phần của đệ bát thức là nội ngã che hẳn chân tướng kiến phần của đệ bát thức nên gọi là hữu phú.

Thất thức là thông cảnh bên tình và bên bổn. tình là đệ lục thức, bổn là đệ bát thức nên có tên hay truyền thống thức. Lại nữa thất thức chấp ngã nên thông về tình, thất thức tương tựu bất đoạn nên thông bổn.

隨緣執我量為非

Tùy duyên chấp ngã lượng vi phi

Tùy duyên chấp ngã thuộc phi lượng

Thất thức đủ câu sanh ngã chấp và câu sanh pháp chấp, duyên với kiến phần của đệ bát thức mà chấp làm ngã. Mà kiến phần của đệ bát thức vốn không phải là ngã, nay đệ thất chấp thức duyên lại chấp làm ngã, thế thì lượng của đệ thất hoàn toàn sai lầm, không đúng với sự thật, nên gọi là phi lý phi lượng.

八大遍行別境慧

貪癡我見慢相隨

Bát đại biến hành biệt cảnh huệ

Tham si ngã kiến mạn tương tùy

Đệ thất thức tương ứng với tám tâm sở đại tùy, 5 tâm sở biến hành, một huệ trong biệt cảnh và 4 căn bản phiền não là tham, si, kiến, mạn. Những tâm sở tương ưng với đệ thất thức gồm 18 món.

Thất thức tương ưng với biến hành vì biến hành khắp tất cả các thức. Về biệt cảnh tâm sở, đệ thất thức không thể tương ưng với dục tâm sở vì thất thức chỉ một mặt duyên bóng dáng kiến phần của đệ bát thức mà chấp làm nội ngã. Kiến phần đệ bát thức thường hiện biến luôn không cần phải trông mong nên không cần dục tâm sở. Đệ thất thức thường duyên kiến phần đệ bát thức và thường chấp thật làm nội ngã, đã nhất định rồi nên không còn thắng giải tâm sở. Đệ thất thức duyên với hiện hành tức nội ngã tướng, không có chi phải ghi nhớ nên không có niệm tâm sở. Đệ thất thức chỉ duyên với nội ngã, không duyên với kẻ khác vì nội ngã có 4 món: Ngã si…không cần chuyên nhất, nên không có định tâm sở. Song đệ thất thức duyên với kiến phần bát thức , riêng nhận cái đó là nội ngã, nên thật có lựa chọn và tương ưng với huệ tâm sở.

Trong 11 món thiện tâm sở, đệ thất thức không thể tương ưng với món tâm sở nào vì thất thức là thức ô nhiễm.

Trong 6 món căn bản phiền não, đệ thất thức thường quyết chấp kiến phần bát thức làm nội ngã, không thể nghi ngờ nên không tương ưng với nghi tâm sở. Đệ thất thức ưa đắm nội ngã nên không tương ưng với sân tâm sở. Song đệ thất thức ưa đắm nội ngã là do tham, nên tương ưng với tham tâm sở. Đệ thất thức quý báu nội ngã, đặt nội ngã lên trên tất cả các pháp nên có ngã mạn và tương ưng với mạn tâm sở. Đệ bát thức chấp chặt kiến phần đệ bát thức làm ngã nên có ngã kiến và tương ưng với ác kiến tâm sở. Đệ thất thức lầm nhận kiến phần của đệ bát thức làm ngã nên có ngã si và tương ưng với si tâm sở.

Trong các món phiền não, tiểu tùy phiền não hành tướng thô động, còn thất thức hành tướng nhỏ nhiệm nên không thể tương ưng. Trung tùy phiền não có tánh bất thiện, nhưng đệ thất thức là vô ký nên không thể tương ưng. Song vì đệ thất thức là ô nhiễm nên tương ưng với 8 đại tùy phiền não.

Về bất định tâm sở, thất thức nhiệm vận duyên với hiện cảnh, không nhớ nghĩa nghiệp trước nên không có ăn năn và không tương ưng với ô-tác (hối) tâm sở. Đệ thất thức chỉ là một mặt chấp vì bề trong không duyên ngoại cảnh nên không cần tìm cầu, không cần quán sát, không có mệt nhọc, không cần phải ngủ nghỉ, nên không tương ưng với tầm tư và thùy miên tâm sở.

恒審思量我相隨

Hằng thẩm tư lương ngã tướng tùy

Theo chỗ hằng thẩm tư lương ngã tướng của đệ thất thức.

Thất thức thường suy xét, nghĩ ngợi, đo lường kiến phần đệ bát thức làm ngã nên gọi là hằng thẩm tư lương ngã tướng, bát thức thì hằng mà không thẩm. Ý thức thẩm mà không phải hằng, ngủ thức thì không phải thẩm phải hằng, chỉ đệ thất thức cả hằng cả thẩm. Đó là vì thất thức thường thường suy xét kiến phần đệ bát thức chấp làm ngã không gián đoạn.

有情日夜鎮昏迷

Hữu tình nhật dạ trấn hôn mê

Nên loài hữu tình ngày đêm thường ở trong hôn mê.

Hữu tình chúng sanh xoay vần trong lục đạo ở mãi trong vòng sanh tử mà không tự giác là vì sự chấp ngã của đệ thất thức vậy.

四惑八大相應起

Tứ hoặc bát đại tương ưng khởi

Bốn hoặc, tám đại tùy phiền não tương ưng với thất thức mà khởi.

Bốn món hoặc là ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái và tám món đại tùy phiền não thường hiện hành đồng thời và tương ưngvới 7 thức.

六轉呼為染淨依

Lục chuyển hô vi nhiễm tịnh y

Chuyển thức thứ sáu gọi thức thứ bảy là nhiễm tịnh y.

Chuyển thức thứ sáu tức là ý thức. Vì theo vọng là chuyển biến nên gọi là chuyển thức. Trừ đệ bát thức, còn bảy thức trước thì đều gọi là chuyển thức. Khi thức thứ bảy còn hữu lậu thường chấp nơi ngã thì ý thức đều thành ô nhiễm. Khi thất thức được vô lậu tương ưng vô ngã trí thì ý thức trong niệm đều được thanh tịnh. Vậy ý thức nương theo thất thức khi thành nhiễm khi thành tịnh, nên đối với ý thức, thất thức là nhiễm tịnh y vậy.

極喜初心平等性

Cực hỷ sơ tâm bình đẳng tánh

Đến bậc sơ tâm của cực hỷ địa, thất thức đã tương ưng với bình đắng tánh.

Cực hỷ địa là Sơ địa Bồ-tát, các bậc Bồ-tát mới chứng vào Sơ địa, ý thức đã đến nơi ngã pháp nhị không quán nghĩa là đã ngộ được lý phân biệt ngã, pháp là không nhờ quán pháp ấy nó ngăn không cho chủng tử ngã chấp của đệ thất thức hiện khởi. Nhờ vậy, đệ bát thức cũng bắt đầu có thể tương ưng với tợ bình đẳng tánh trí, đệ thất thức muội liệt, không có sức đoạn hoặc chứng lý nên sự tu chứng chỉ nhờ đệ lục thức.

無功用行我恒摧

Vô công dụng hạnh ngã hằng thôi

Đến hạnh vô công dụng mới phá được cái ngã.

Trước đệ thất địa, sáu thức chưa thường an trụ nơi nhị không nên pháp chấp hãy còn, nhân ngã chưa thật dứt, đến đệ bát địa thì dứt hẳn, nhân ngã chấp và pháp ngã chấp, chỉ còn các món pháp chấp rất nhỏ nhiệm mà thôi.

如來現起他受用

十地菩薩所被機

Như lai hiện khởi tha thụ dụng

Thập địa Bồ-tát sở bị cơ

Đức Như Lai hiện ra tha thọ dụng để nhiếp hóa các cơ Thập địa Bồ-tát.

Đức Như Lai thường hiện thân theo cơ cảm mà giáo hóa, đến quả vị Phật bình đẳng tánh trí nơi đệ thất thức hiện ra mười món tha thọ dụng mà nhiếp hóa các vị Thập địa Bồ-tát. Xong nói như vậy là đứng về chỗ thù thắng mà nói, chứ thật ra thì cả bốn trí của Như Lai đều hiện ra thọ dụng thân.

第八識頌

Đệ bát thức tụng

性唯無覆五遍行

Tánh duy vô phú ngũ biến hành

Tánh chỉ là vô phú vô ký, chỉ có năm món biến hành

Đệ bát thức là tàng, có ba đặc tánh:

1- Năng tàng: Có thể duy trì các chủng tử.

2- Sở tàng: Có thể tiếp nhận sự huân tập của bảy thức trước.

3- Chấp tàng: Chỗ chấp làm bản ngã của Mạt-na.

Tánh của đệ bát thức là chỗ vô phú vô ký. Đệ bát thức theo nghiệp mà sanh, chứ không gây nghiệp cho nên gọi là vô ký. Lại đệ bát thức bình đẳng không bỏ một pháp nào, không trái một pháp nào, không thiện không ác nên gọi là vô ký. Trên thể đệ bát thức không nhiễm, không tương ưng với tâm sở sai lầm, không mê chấp các cảnh giới nên gọi là vô phú.

Đệ bát thức chỉ tương ưng năm biến hành vì công tánh vô phú vô ký. Đệ bát thức chỉ là hiện lượng, nhậm vận duyên với hiện cảnh, nên không tương ưng với biệt cảnh tâm sở. Đệ bát thức là vô phú vô ký nên không tương ưng với thiện tâm sở và ác tâm sở. Lại đệ bát thức chỉ duyên với tánh cảnh, trong niệm niệm chỉ duyên với hiện cảnh chứ không duyên với tánh cảnh, trong niệm niệm chỉ duyên với hiện cảnh chứ không duyên với danh ngôn nên không tương ưng với bất định tâm sở.

界地隨他業力生

Giới địa tùy tha nghiệp lực sanh

Trong tám giới, cửu địa, thức này toàn theo nghiệp mà sanh.

Đệ bát thức là vô phú vô ký, tự mình không gây nghiệp, chỉ theo sức huân tập của các nghiệp lành dữ và theo quả dị thục của các nghiệp ấy mà thọ sanh cõi này hay cõi khác. Đệ bát thức đã sanh vào cõi nào rồi thì cứ phát khởi như thức của cõi ấy, cho đến khi xả thân chứ không như đệ lục thức tuy sanh một cõi mà có thể phát khởi ra thức cõi khác, tạo nghiệp cõi khác.

Trong tám thức, thức thứ tám toàn theo nghiệp lực, đệ lục thức duy có một phần dị thục sanh là theo nghiệp lực, mà thức trước duy có một phần tương ưng với thiện ác tâm sở là không theo nghiệp.

二乘不了因迷執

由此能興論主諍

Nhị thừa bất liễu nhân mê chấp

Do thử năng hưng luận chủ tranh

Hàng Nhị thừa không rõ, nhân có mê chấp rằng không có đệ bát thức. Vì vậy mà dấy lên tranh luận với các luận chủ Đại thừa để phá mê chấp.

Kinh Giải Thâm Mật có câu: “Thức A-dà-na rất sâu nhiệm, hết thảy chủng tử như dòng nước dốc, ta đối với kẻ phàm ngu không khai diễn sợ họ nhận lầm chấp làm ngã”

A-dà-na là đệ bát thức, hành tướng nhỏ nhiệm khó hiểu hết thảy các chủng tử sanh diệt nối luôn như dòng nước dốc, nhìn qua tưởng là yên lặng mà nhìn kỹ thì thấy thay đổi rất mau chóng. Phật đối với hàng phàm phu và hàng ngu pháp Thanh văn không chỉ bày thức ấy, vì sợ phân biệt lầm chấp làm thật ngã. Phật đã không chỉ bày đệ bát thức cho hàng phàm phu, nên các kinh luận Tiểu thừa, tuy mật ý của Phật lắm khi cũng có nói đến, nhưng chưa minh bạch chỉ thức ấy ra, vì vậy đối với Nhị thừa, không hiểu có thức này, huống nữa chỗ chứng của Nhị thừa chỉ đoạn được phiền não chướng, chỉ làm cho đệ bát thức không tương ưng với nhân ngã si, nhân ngã kiến, nhân ngã mạn, nhân ngã ái và thường tương ưng với nhân ngã trí nên không rõ được đệ bát thức.

Phật đối với căn cơ Tiểu thừa, không nói đến đệ bát thức nhưng đối với căn cơ Đại thừa thì Phật thường nói đến luôn để hàng Nhị thừa tu chứng Nhất thế chủng trí. Khi Phật nhập diệt, Đại thừa với Tiểu thừa vẫn một mặt hòa hợp, nên các hàng Tiểu thừa tuy không rõ Đệ bát thức nhưng cũng không bác là không có Đệ bát thức. Về sau có nhiều nhà luận sư Tiểu thừa vì không rõ sanh ra mê chấp, bác không có Đệ bát thức cho đến bác cả kinh luận Đại thừa, nên các vị luận chủ Đại thừa mới tạo luận thuyết lý để chỉ rõ ràng Đệ bát thức là thật có. Theo luận Thành Duy Thức nói thì có 10 lý do (kinh A Hàm).

1- Trì chủng. Trong kinh Tiểu thừa Phật có dạy rằng: Chỗ chứa nhóm của các pháp nhiễm tịnh thì gọi là tâm. Vậy nếu không có Đệ bát thức thì lấy gì làm cái tâm Trì chủng.

2- Dị thục. Trong kinh Tiểu thừa Phật có dạy rằng: Có cái Dị thục huân chứa nghiệp lực lành dữ để chiêu cảm, nếu không có Đệ bát thức thì lấy gì mà chiêu cảm và nghiệp lực nhân đâu mà thành thục.

3- Thú sinh. Kinh lại nói rằng: Loài hữu tình lưu chuyển trong ngũ thú, tứ sanh nếu không có Đệ bát thức thì lấy gì làm Thú sinh.

4- Thọ giả. Kinh nói: Có sắc thân là có chấp thọ, nếu không có Đệ bát thức thì lấy gì làm năng chấp thọ (mạng căn).

5- Thức giả. Trong kinh nói: Ba món Thọ, noãn, thức y trì cùng nhau và đặng tương tục. Nếu không có Đệ bát thức thì lấy gì y trì cho thọ và noãn.

6- Sanh tử. Kinh nói: Các loài hữu tình, khi mạng hết thì an trụ nơi tán tâm. Nếu không có Đệ bát thức thì trong khi mê man không biết hoặc khi chết còn lấy cái gì là tâm nữa.

7- Duyên giả. Kinh nói: Thức duyên danh sắc, nếu không có Đệ bát thức thì lấy thức gì mà duyên với danh sắc.

8- Ý thực. Trong kinh có nói: Hết thảy các loài hữu tình nương theo 4 món thực mà tồn tại, nếu không có Đệ bát thức thì lấy gì làm thức thực.

9- Diệt định. Kinh nói: Khi nhập Diệt tận định các động tác về thân khẩu ý không có hành động gì là chẳng diệt mà thọ, noãn vẫn còn căn không biến nát, thức không ly thân, vậy thì khi nhập Diệt tận định đã không phát khởi thì cái thức không ly thân đó là gì nếu không phải là Đệ bát thức.

10- Nhiễm tịnh. Kinh nói: Vì tâm tạp nhiễm nên hữu tình tạp nhiễm và ngược lại, nếu không có Đệ bát thức thì lấy gì làm nhiễm tịnh.

Do 10 lý do ấy nên rõ Đệ bát thức thật có. Như trong luận Thành Duy Thức đã giải bày minh bạch.

浩浩三藏不可窮

Hạo hạo tam tàng bất khả cùng

Lộng lộng ba tàng không thể cùng.

Ba tàng là năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng. Thể của tàng thức rộng lớn bao hàm không thể cùng tận được.

Đệ bát thức là vô phú vô ký thường tiếp tục không gián đoạn có năng lực trùng chứa hết thảy chủng tử các pháp nên gọi là Năng tàng. Đệ bát thức như cái kho chứa tất cả hạt giống tùy theo 7 chuyển thức huân tập thế nào thì Đệ bát thức duy trì thế ấy, không có lựa chọn nên gọi Đệ bát thức là sở tàng của các chủng tử. Lại Đệ thất thức thường duyên với Đệ bát thức, hằng thẩm tư lương chấp Đệ bát thức là ngã nên gọi Đệ bát thức là ngã ái chấp tàng, cái tên sau này là cái tên riêng của A-lại-da thức.

淵深七浪境為風

Uyên thâm thất lãng cảnh vi phong

Nơi nguồn sâu đệ bát thức, cảnh giới làm gió, nổi ra các sóng là bảy món chuyển thức.

Kinh Lăng Già có câu: “Tàng thức hải thường trú, cảnh giới phong sở động, chủng chủng chư thức lảng, dõng dước nhi chuyển sanh” nghĩa là: cái biển tàng thức thường trú, gió cảnh giới làm động, các thứ sóng thức sôi nổi mà chuyển biến sinh ra. Đệ bát thức vẫn đủ kiến phần, tướng phần, chỉ vì vô minh bất giác, không rõ tánh Duy thức chấp tướng phần làm ngoại cảnh nên theo duyên của ngoại cảnh hư vọng mà chuyển biến ra bảy thức trước, cũng như nước biển vì gió mà nổi sóng. Song nước tức là sóng, sóng cũng là nước, các thức cũng không ngoài Đệ bát thức. Vì vậy nên đệ bát thức cũng có tên là Căn bản thức.

受熏持種根身器

去後來先作主公

Thụ huân trì chủng căn thân khí

Khứ hậu lai tiên tác chủ công

Đệ bát thức chịu huân tập trì chủng, biến sanh căn thân và khí giới, đi sau đến trước làm ông chủ trong việc theo nghiệp chịu quả báo.

Hai câu này nói công dụng của Đệ bát thức, có bốn phần:

1- Chịu huân tập: Huân nghĩa là xông ướp, ví như viên than không phải thơm, không phải thối, hể xông ướp bằng vật thơm thì có mùi thơm, xông ướp bằng đồ thối thì có mùi thối. Đến như các đồ thật thơm, thật thối thì khó lòng mà xông ướp cho đổi thành mùi khác. Tập nghĩa là tập thành thói quen những nghiệp thường làm, những nghiệp thiện ác được huân tập vào Đệ bát thức có thể sánh với sự xông ướp lâu ngày sanh ra mùi thơm mùi thối nên gọi là huân tập.

Phải có đủ 4 nghĩa mới có thể chịu huân tập:

a- Kiên trụ tánh: Là cái tánh tồn tại không hoại diệt, nghĩa là thường trú chắc thật không có gián đoạn. Ví như xông ướp thì lựa những vật chắc tồn tại mới có hiệu quả, chứ nếu xông ướp gió hay xông ướp ánh sáng thì sẽ không có hiệu quả, một cái chịu huân tập cũng cần có tánh chất thật và thường trú.

b- Vô ký tánh: Phải có tánh vô ký tánh mới chịu huân tập đủ các thứ về thiện hay ác, cũng như một vật phải không có mùi mới dễ xông ướp ra mùi thơm mùi thối.

c- Khả huân tập: Là tánh có thể chịu huân tập, đệ bát thức tánh là vô phú rộng rãi, lại là tâm vương nên có thể huân tập, chứ không phải bất động như pháp vô vi, hữu phú như đệ thất thức, phú tàng như các tâm sở.

d- Dự năng huân cộng hòa hiệp tánh: Là cái tánh hòa hiệp cùng các món năng huân. Năng huân là bảy món thức trước, sở huân là đệ bát thức, hai cái hòa hợp cùng nhau mới huân tập được, cũng như phải để các vật có mùi thơm thối gần bên cục than mới xông ướp cục than được. Bởi lẽ ấy mà việc của người này làm không huân tập được đệ bát thức của người khác. Tánh chịu huân tập là tánh đặc biệt của đệ bát thức các thức trước có gián đoạn, thất thức là hữu phú nên không thể chịu huân tập. Đệ bát thức có công năng chấp trì các chủng tử, còn các thức trước là những thức hay huân tập đệ bát thức vì đủ 4 nghĩa:

* Hữu sinh diệt: Những pháp sinh diệt vô thường mới có thể sinh ra tập khí.

* Hữu thắng danh: Có thế lực mạnh mẽ mới sanh ra tập khí.

* Dự sô huân hòa hiệp: Phải hòa hiệp với đệ bát thức mới có thể sinh ra tập khí.

2- Trì chủng tử: Chủng tử tức là tập khí là thói quen, nghĩa là công năng sai khác trong đệ bát thức có thể sanh ra quả của mình, chủng tử đây là các tập khí nơi đệ bát thức, là nội chủng tử, chứ không phải khác giống như ngoại chủng tử, giống ngoại chủng tử như hạt lúa, hạt bắp chỉ là giả danh, thật ra đều là duy thức biến hiện, chủng tử có 6 nghĩa.

a- Sát-na diệt: Chủng tử là pháp hữu vi vừa sanh vừa diệt, chuyển biến luôn cho nên mới sanh ra các pháp.

b- Quả câu hữu: Nhân là chủng tử, quả là các pháp hiện hành, nhân với quả hiển hiện hòa hợp mới là chủng tử. Hiển hiện có 3 nghĩa: Hiển hiện, hiện tại và hiện hữu, hiển hiện về nhân quả, hiện hữu về phần nhân, hiện tại thông cả nhân quả.

Chủng tử với hiện hành phải hòa hiệp, nghĩa là không phải rời nhau. Vậy chủng tử với hiện hành phải đồng thời mới được, chủng tử sanh hiện hành thì chủng tử với hiện hành phải đồng thời, hiện hành huân tập chủng tử thì hiện hành cũng đồng thời, chỉ có chủng tử sanh chủng tử thì mới dị thời, nghĩa là chủng tử khi vừa sanh đã diệt, nhưng diệt rồi lại sanh, không có gián đoạn, dẫu đã sanh hiện hành hay chưa sanh hiện hành cũng vậy thôi.

c- Hằng tùy chuyển: Nghĩa là tự vô thủy cho đến địa vị cứu cánh chủng tử nhất loại tương tục không xen hở. Nhất loại có nhiều nghĩa. Là thọ không thay đổi, tánh không thay đổi, vì đó nên khi đến địa vị cứu cánh không hề gián đoạn.

d- Tánh quyết định: Chủng tử có công năng quyết định, chủng tử ác thì sanh ra ác pháp, chủng tử thiện thì sanh ra thiện pháp, chứ không thể xen lộn.

e- Đại chúng duyên: Tuy chủng tử sanh được tự quả nhưng phải đợi đủ duyên mới sanh trưởng được. Các duyên là nhân duyên, đẳng gián duyên và tăng thượng duyên.

g- Dần tự quả: Là nhân nào quả nấy, chủng tử nhãn thức thì sanh hiện hành nhãn thức, chứ không sanh quả khác được.

Do chủng tử có 6 nghĩa nên đệ bát thức lúc nào cũng đủ chủng tử sai khác. Tuy đủ các chủng tử sai khác nhưng tùy theo sức huân tập có chủng tử đã thuần thục, đủ duyên mà sanh hiện hành. Lại có chủng tử chưa thuần thục đủ duyên, nên không sanh được hiện hành. Đối với chủng tử sanh ra hiện hành các chủng tử lại có thể chia ra làm hai phần:

* Danh ngôn vô ký chủng tử: Là các công năng vô ký về phần danh ngôn như: Sắc không hữu vô… thường sanh quả mãi cho đến địa vị cứu cánh.

* Thiện bất thiện chủng tử: Là công năng về các nghiệp lành dữ, tuy sanh ra quả, nhưng vẫn hữu hạn. Song nói như vậy là chỉ nói về phần sanh ra quả, chưa nói về phần thể tánh chủng tử.

Song, các chủng tử như vậy là bản lai sẳn có nơi đệ bát thức hay vì mới huân tập mà có. Trong đệ bát thức bản lai vẫn đủ tất cả chủng tử, song vì huân tập nên có chủng tử đủ sức duyên mà sanh hiện hành, lại có chủng tử không đủ sức duyên, nên không sanh hiện hành, đến khi các chủng tử không đủ sức duyên mà sanh ra hiện hành được nữa thì gọi là diệt. Nhưng thật ra cái thể của chủng tử vẫn chưa diệt. Đến Phật địa thì hết thảy chủng tử đều biến thành Nhất thế trí.

3- Biến sanh căn thân: Căn thân của các loài hữu tình là đệ bát thức biến sanh và chấp thọ làm chánh báo, từ khi nhập thai cho đến khi mạng chung, thường chấp các thân trì khiến cho khỏi hư nát.

4- Biến thành khí giới: Khí giới là cảnh giới bên ngoài: Núi, sông, cây, cỏ… cảnh giới ấy, mỗi nghiệp biến ra mỗi khác, làm chỗ trú của căn thân nên gọi là y báo. Song ngoài thức ra thực không có gì là ngoại cảnh, nên biết tất cả ngoại cảnh đều do duy thức biến.

Đi sau đến trước làm ông chủ chịu quả báo theo nghiệp đời trước, còn loài hữu tình theo nghiệp thọ sanh. Đã có sanh thì phải có tử. Sanh tử nối liền không dứt. Sau khi chết, sáu thức trước không hiện hành nên không còn phân biệt được nữa, duy chỉ có đệ bát thức tương tục bất đoạn mà thôi. Đệ bát thức rất muội liệt, tánh là vô phú vô ký, không biết thẩm sát phân biệt, chỉ theo nghiệp lực mà thọ sanh. Nghiệp lực tức là cái thức của chủng tử đã được huân tập. Nếu đủ sức đủ duyên mới sanh ra tự quả. Các chủng tử kết tập tạo thành quả chân dị thục. Ấy mà thọ sanh về cõi này cõi khác, như thọ sanh về nghiệp người, bắt đầu chấp thọ cái tinh huyết làm thân, khiến cho tinh huyết lần chuyển ra thân người, rồi lần lần các thức mới được hiện hành. Đến khi chết do nghiệp lực đã hết các thức trước đều diệt, rồi đệ bát thức mới bỏ cái căn thân này không chấp thọ nữa. Từ đó cái căn thân này mới lần lần tan rã. Do đệ bát thức có hai nghĩa ấy nên gọi là Tổng báo chủ. Dị thục có 3 nghĩa:

a- Dị thời nhi thục: Trước làm nhân huân tập vào đệ bát thức rồi về sau mới có quả nên gọi là dị thục.

b- Dị loại nhi thục: Trong thân có thiện có ác mà quả chỉ là vô ký.

c- Biến dị nhi thục: Trong chỗ huân tập khi lành khi dữ, chế biến cùng nhau mà sanh ra quả, dị thục làm cho phải thọ sanh cõi này cõi khác.

Nói tóm lại, công dụng đệ bát thức rất rộng lớn uyên thâm không thể kể xiết. Tất cả từ vũ trụ cho đến vi trần, đều do đệ bát thức biến hiện ra cả.

不動地前纔捨藏

Bất động địa tiền tài xả tàng

Bắt đầu đến Bất động địa mới xả cái tên tàng thức.

Đệ bát thức có nhiều tên do ngã ái chấp tàng nên gọi là A-lại-da. Đến đệ bát Bất động địa đã nhập vô tướng, vô công dụng đạo thì đệ thất thức không còn chấp đệ bát thức làm nội ngã nữa, nên đệ bát thức bỏ tên A-lại-da, chỉ còn tên Dị thục thức.

金剛道後異熟空

Kim cương đạo hậu dị thục không

Sau khi nhập kim cang đạo rồi thì không có dị thục thức.

Từ Bất động địa trở lên thức ấy chỉ còn lại nghiệp cảm của thế gian chưa thành vô lậu nên gọi là Dị thục. Đến Kim Cang đạo rồi xả được các chủng tử ác và vô ký của thế gian, các hạ liệt hữu lậu hết đoạn được thùy miên của phiền não và sở tri chướng nên bỏ tên Dị thục.

大圓無垢同時發

普照十方塵剎中

Đại viên vô cấu đồng thời phát

Phổ chiếu thập phương trần sát trung

Đại viên cảnh trí vô cấu bạch tịnh thức đồng thời phát sanh, khắp soi trong mười phương Phật sát như số vi trần.

Đã xả được dị thục thức rồi thì đệ bát thức toàn là vô lậu nên gọi là vô cấu nhiễm thức, thức ấy thường tương đương với Đại viên cảnh trí, chấp trì hết thảy chủng tử của các pháp hoàn toàn vô lậu, biến hiện ra tự thọ dụng thân và tự thọ dụng độ, đến địa vị này thì gọi là chuyển y, chỉ lấy Đại viên cảnh trí làm sở y, chứ không lấy dị thục thức làm sở y.

Đại viên cảnh trí hiện ra các sắc tướng như bóng trong gương, soi thấu mười phương thế giới tất cả tâm tánh của các loài hữu tình đều hiện trong trí ấy. Các đức Như Lai nương theo trí ấy mà thị hiện ứng thuyết pháp độ sanh, cùng tột đời vị lai công đức vô lượng.

Đến địa vị này, đệ bát thức không còn tánh vô phú vô ký nữa, mà lại có tánh vô lậu thuần thiện thường tương ưng với năm món biến hành, năm món biệt cảnh và 11 món thiện tâm sở, thật là giới bất tư nghì như trong Duy Thức Tam Thập Tụng nói: “Thử tức vô lậu giới”.

HT Thích Khánh Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]