Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Suy nghĩ về một đoạn dịch ngắn trong dịch phẩm “Hữu cú vô cú” của dịch giả Viên Như

10/08/201101:22(Xem: 3191)
Suy nghĩ về một đoạn dịch ngắn trong dịch phẩm “Hữu cú vô cú” của dịch giả Viên Như


Suy nghĩ về một đoạn dịch ngắn
trong dịch phẩm “Hữu cú vô cú” của dịch giả Viên Như
Thích Minh Trí

Tác giả Thích Minh Trí trao đổi với dịch giả Viên Như về bài viết "Nhân kỷ niệm ngày 700 năm ngày nhập Niết Bàn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Dịch lại bài “Hữu cú vô cú” của Ngài giảng tại chùa Sùng Nghiêm”.


Vào lúc 19:10 ngày 28/11/2008, trang tin phattuvietnam.net có đăng tải bài: “Nhân kỷ niệm ngày 700 năm ngày nhập Niết Bàn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Dịch lại bài “Hữu cú vô cú” của Ngài giảng tại chùa Sùng Nghiêm” trên trang nhà của dịch giả Viên Như.

Sau đó, lúc 21:20 cùng ngày Giác Ngộ Online đã đăng bài dịch và giảng này. Và sang ngày 29/11/2008, trang tin Ni giới ngày nay đăng tải lại bài này trên trang nhà, có lẽ họ lấy nguồn từ Giác Ngộ Online – chúng tôi chỉ phỏng đoán, chứ không dám chắc.

Khi dời mũi tên vào tiêu đề bài dịch của dịch giả Viên Như trên Giác Ngộ Online, chúng tôi tình cờ đọc được đoạn mở đầu: “Bài kệ "Hữu cú vô cú" đã có nhiều người dịch, ngoài các bản dịch còn có bản giảng giải của Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Tuy nhiên theo thiển ý của tôi hầu hết các bản dịch cũng như lời giảng vẫn còn nhiều chỗ chưa rõ ràng, nhất quán và thỏa đáng. Vì vậy tôi xin dịch và giảng lại bài này trong cách hiểu biết của tôi”.

Đoạn văn này đã tạo cho chúng tôi một ấn tượng mạnh, khiến chúng tôi phải tò mò click chuột vào bài dịch và giảng này của dịch giả Viên Như. Và khi đọc xong đoạn dịch này, chúng tôi thử tìm hiểu nghĩa lý của bài kệ số 8 trong thi kệ “Hữu cú vô cú” của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Trước hết, chúng tôi xin trích dẫn nguyên tác và dịch âm, dịch nghĩa của dịch giả Viên Như sau đây:

Nguyên tác

有句無句
如是如是
八字打開
全無巴鼻

Dịch Âm

Hữu cú vô cú
Như thị như thị
Bát tự đả khai
Toàn vô ba tỷ.

Dịch nghĩa

Chấp có chấp không,
Như vậy như vậy
Mở miệng nói ra
Đều không khỏi mũi



Câu: “Hữu cú vô cú” dịch giả Viên Như dịch là: “Chấp có chấp không”. Khi đọc câu dịch nghe hơi lạ tai này chúng tôi thận trọng kéo chuột trở lại phần giảng 1 để xem dịch giả Viên Như có lý giải vì sao lại dịch như vậy không.

Và chúng tôi thấy dịch giả Viên Như lý giải theo suy luận chủ quan của mình như sau: “Trước hết khi ai đó nói ‘không’thì rõ ràng nội hàm của từ ‘không’ đã dựa trên khái niệm ‘có’ do đó một trong hai vế không xuất hiện thì vế còn lại cũng không tồn tại”.

Ở đây, dịch giả Viên Như cho rằng, “Trước hết, khi ai đó nói ‘không’ thì rõ ràng nội hàm của từ ‘không’ đã dựa trên khái niệm ‘có’”. Thế thì, “Hữu cú vô cú” tại sao lại dịch là “Chấp có chấp không”? Và dựa trên cở sở ngữ ngôn nào mà dịch giả Viên Như tự cho phép mình dịch nghĩa một cách thỏa mái hoàn toàn không có trong chính văn như vậy?

Trong khi đó, dựa vào cơ sở chữ nghĩa chính văn, dù chúng ta có tra nát tất cả các Từ điển Hán Việt, Việt Hán, hay bất cứ Từ điển nào liên quan đến Hán ngữ cổ văn, kim văn thì cũng không thể tìm ra bất cứ cơ sở lý luận ngữ nghĩa nào để có thể dịch “Hữu cú vô cú” là “Chấp có chấp không” được?

Chữ “句 - cú” nghĩa của nó rất đơn giản là câu văn, lời nói, hay nói. Như chúng ta đã biết, người thuyết giảng thi kệ “Hữu cú vô cú” là đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Sùng Nghiêm. Như vậy, chủ ngữ của câu “Hữu cú vô cú” chính là đức Phật hoàng Trần Nhân Tông - chủ thể thuyết giảng.

Và chúng ta thử thêm chủ ngữ này vào câu vốn bị giản lược chủ ngữ ấy thì chúng ta nhận ra nghĩa lý của nó hết sức rõ ràng và đơn giản. Ví dụ: “Ngã hữu cú vô cú” nghĩa là “Tôi có nói hay không nói”. Đơn giản nghĩa của câu: “Hữu cú vô cú” chỉ có thế, có gì đâu để mà tưởng tượng viễn vông nghĩa lý cao siêu vốn chẳng ăn nhập gì với chính văn.

Chúng ta xem xét câu thứ 3 và câu 4 trong đoạn kệ trên là câu: “Bát tự đả khai, Toàn vô ba tỷ” mà dịch giả Viên Như dịch là: “Mở miệng nói ra, đều không khỏi mũi”.

Chúng tôi xin mở ngoặc nói thêm là để chứng minh cho lối hiểu và dịch của mình, dịch giả Viên Như đã trích dẫn vài cách dịch của chư vị danh tăng, mà ở đây không phải là chủ đề chúng tôi bàn đến. Vả lại, chúng tôi cũng không dám mạo phạm bình luận các phần dịch của chư tôn thiền đức khả kính này.

Dịch giả Viên Như lý giải câu “Bát tự đả khai, Tuyệt vô ba tỷ” như sau: “Sở dĩ tôi dịch “Bát tự đã khai” là “Mở miệng nói ra” là vì tôi cho rằng chữ bát là hình môi trên, phàm khi nói thì phải mở môi, do đó trong văn học người ta thường dùng môi để biểu thị cho lời nói như : đầu môi chót lưỡi, chẳng hở môi, mật ngọt trên môi. Còn câu “Toàn vô ba tỷ” tôi dịch là “Đều không khỏi mũi” có nghĩa rằng muốn mở miệng nói thì không thể không lấy hơi từ mũi, hay nói khác hơn là đều không khỏi bị mũi chi phối”.

Mới đọc sơ qua đoạn lý giải của dịch giả Viên Như, độc giả có cảm giác sự lý giải này là sự lý giải hữu lý, đầy sáng tạo, và là bước đột phá trong nghiên cứu Phật học. Nhưng khi trầm tư suy nghĩ lại nghĩa lý của đoạn dịch thi kệ 4 câu trên đây của dịch giả Viên Như thì quả thật độc giả cũng mù mịt không thể hiểu nổi đại ý mà đức Phật hoàng Trần Nhân Tông muốn thuyết giảng cho thính chúng là gì.

Chúng tôi thử tra cứu trong Từ điển để xem có một cách hiểu nào khác về chữ “Bát tự” mà dịch giả Viên Như cho rằng nó có nghĩa là “hình môi trên” hay không? Trong Hán Anh Tứ Dụng Từ Điển do Bách Linh Xuất Bản Xã ấn hành, Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 59 (1970), có cụm từ: “八字牆門 - bát tự tường môn”, cùng với sự giải thích bằng tiếng Anh như sau: “A double door partly open, and thus resempling the character‘ba’”. Câu giải thích tiếng Anh cụm ngữ “Bát tự tường môn” có nghĩa là “Đôi cánh cửa mở ra một phần, và vì vậy nó giống như chữ bát (八).

Với cách giải thích của Anh Hán Tứ Dụng Từ Điển thì rất rõ ràng “Bát tự tường môn” hoàn toàn đồng nghĩa với “Bát tự đả khai”, có nghĩa bóng là: “Cửa Thiền/ cửa chùa đã mở”, mà nếu hiểu theo nghĩa rộng của nó là một người nào đó đã giác ngộ chân lý.

Còn chữ 巴 – ba, theo Chính Trung Hình Âm Nghĩa Tổng Hợp của Cao Thụ Phiên giải thích như sau: “巴: 面頰曰巴 – ba: diện giáp viết ba”, có nghĩa là “cái má gọi là ba”. Thí dụ như 臉巴 - kiểm ba, có nghĩa là cái má. Trong Nhi Nữ Anh Hùng Truyện có câu: “從那婦人下巴底下, 往上一掠 – Tòng ná phụ nhân đích hạ ba để hạ, vãng thượng nhất lược”, có nghĩa là từ dưới má của người phụ nữ ấy vuốt ngược lên một cái.

Qua sự giải thích và minh họa nghĩa của chữ 巴 – ba, thì chữ “ba” ở đây có nghĩa là đôi má, cái má. Nếu kết hợp với chữ 鼻 - tỷ (cái mũi), thì 巴鼻 - ba tỷ, có nghĩa là mặt mũi. Trong câu: “Toàn vô ba tỷ” có nghĩa đơn giản là: “Tuyệt không mặt mũi”, mà hiểu theo nghĩa lý nhà Thiền là Tuyệt không có sắc tướng, hay nói một khác là Tuyệt đối vô tướng.

Đến đây, chúng tôi xin tạm dịch đoạn thi kệ này ra Việt ngữ như sau:

Có nói, không nói,
Cũng đều như thị.
Cửa Thiền đã mở,
Tuyệt không mặt mũi”

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, đại ý của bài kệ này là: dù tôi (Phật hoàng Trần Nhân Tông)có nói ra hay không nói ra thì các pháp cũng đều như thị. Nếu ai đã giác ngộ chân lý (Cửa Thiền đã mở) thì đều sẽ nhận chân được thực tướng của các pháp là vô ngã tướng (Tuyệt không mặt mũi).

Đoạn thi kệ thuyết giảng của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đây, với văn nghĩa chữ Hán đơn giản, rõ ràng; nghĩa lý hoàn toàn phù hợp với giáo lý “Vô ngã” của Phật giáo Nguyên thủy hay giáo lý “Tính không” của Phật giáo phát triển. Như vậy, chúng ta có nên nhất thiết phải tìm kiếm nghĩa lý quá xa vời với bản ý mà đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thuyết giảng hay không?

Cổ nhân có câu: “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị”. Biển học là mênh mông. Mỗi người đều có quyền nghiên cứu và hiểu theo cách hiểu của riêng mình về một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, không nên áp đặt tri kiến cá nhân của mình lên người khác vì đó là việc làm không hay chút nào. Thiết nghĩ, dịch giả Viên Như cũng cần nên xem xét lại thật kỹ đứa con tinh thần của chính mình trước khi viết đoạn mở đầu trong một dịch phẩm có ý chê bai người khác mà chúng tôi đã đề cập trong phần mở đầu của bài viết này. Mong lắm thay!

Thích Minh Trí
Biên Hòa, 29/11/2008
(Phattuvietnam.net)

Bài liên quan:
Bài Viết Liên Hệ:
Nhân kỷ niệm ngày 700 năm ngày nhập Niết Bàn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Dịch lại bài “Hữu cú vô cú” của Ngài giảng tại chùa Sùng Nghiêm, Viên Như
Suy nghĩ về một đoạn dịch ngắn trong dịch phẩm “Hữu cú vô cú” của dịch giả Viên Như, Thích Minh Trí
Thử đối chiếu bốn bản dịch bài kệ "Hữu cú vô cú", Thích Thanh Thắng
Trao đổi với tác giả bài viết “Suy nghĩ về một đoạn dịch ngắn trong dịch phẩm “Hữu cú vô cú” của dịch giả Viên Như", Viên Như

11-30-2008 09:23:13

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]