Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

IV - B. Tạp thí dụ kinh

04/04/201321:05(Xem: 12717)
IV - B. Tạp thí dụ kinh
Văn Học Phật Giáo Việt Nam - Tập 2

B. Tạp Thí Dụ Kinh

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát
Nguồn: Tiến sĩ Lê Mạnh Thát


BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT TẠP THÍ DỤ KINH

1
Bồ tát độ người giống như mẹ vú khéo nuôi con. Có bốn việc. Một là tắm rửa cho sạch. Hai là cho con bú no. Ba là dỗ ngủ yên. Bốn là bồng bế ra vào cho vui vẻ. Dùng bốn việc ấy nuôi lớn con mình khiến được thành tựu. Bồ tát cũng lại như thế. Có bốn việc nuôi lớn chúng sinh. Một là dùng chính pháp rửa sạch lòng. Hai là dùng kinh pháp cho ăn uống no đủ. Ba là tùy lúc mà thiết lập thiền định tam muội. Bốn là dùng bốn ân làm lợi ích hết thảy luôn khiến cho vui vẻ. Dùng bốn việc ấy khuyên dạy mọi người, nuôi dưỡng chúng sinh khiến được đạo trí lớn.


2
Thế gian có hai loại bạn, thường cùng người kết bạn làm nhân duyên, khiến người mắc tội lớn mà cũng khiến người được phước lớn. Hai loại bạn đó gọi là gì? Một là bạn dữ, hai là bạn lành. Ví như quân giặc làm chuyện ác nghịch, giết hại vua cha, phá loạn thiên hạ, chúng sinh bị độc hại, không ai là không bị. Đó là bạn dữ. Theo chúng mà làm việc, khiến người mắc tội lớn. Ví như Bồ tát Thích Ca Văn phát lòng cầu đạo cứu hộ chúng sinh, dùng lòng thương bốn bậc, bốn ân tiếp hộ hết thảy, ba cõi năm đường không ai là không được độ. Đó gọi là bạn lành. Theo họ mà làm việc, khiến người được phước lớn.


3
Xưa Nam Thiên Trúc có một nước tên Tư Ha Khê nằm trên bờ biển, thành nó rộng hơn bốn vạn dặm. Bấy giờ nước khác có một bà lão tên A Long gặp nạn đói loạn, trôi dạt đến nước đó, cô đơn không nơi nương tựa, nhờ xin ăn mà sống. Bèn đến nhà trưởng giả định xin ở nhờ. Khi trưởng lão trở về gặp, bèn hỏi han bà lão. Bà lão bèn tỏ rõ cảnh cùng khổ của mình. Trưởng lão buồn rầu thương xót, bảo bà lão: “Có thể tại gia tôi, tôi sẽ nuôi nấng bà”. Bà lão vui mừng nói: “Tôi không có gì để đền ơn, chỉ chút ít sức mọn để giúp việc. Mọi việc cần làm, tôi không sợ khó nhọc”. Rồi bèn dừng chân ở lại.

Lòng vừa buồn vừa vui nghĩ: “Ta ngày xưa cúng dường chúng tăng thết đãi theo ý. Bây giờ bỗng gặp nghèo khổ, lòng cho không đạt”. Lòng tự cảm thương, bèn đến lễ nhà sư. Hỏi han xong xuôi bèn thưa: “Không biết sáng nay các thần được cúng chưa?” Nhà sư đáp: “Từ sáng vào thành xin ăn, không được một chút gì. Vì thế đã trở về cởi áo ở đây”. Bà lão liền nghĩ muốn có cơm dâng cúng tăng mà tự mình không có gì, bèn bạch các sư: “Con nay vào thành xem, nếu sửa soạn gì, con sẽ trở về bạch lại. Nếu không cũng sẽ báo cho biết tin”. Lúc ấy, chúng tăng đồng ý, mỗi người cởi áo dưới gốc cây.

Rồi thì, bà lão trở về nhà, thưa lại với vị trưởng giả: “Tôi cần vài ngàn quan tiền. Nay tôi tuy giúp việc ở đây, nguyện tự thân bán làm đứa ở suốt đời, có thể làm giấy chứng”. Vợ trưởng giả hỏi: “Bà ở đây ăn ở với chúng tôi, sao lại cần tiền đem làm việc gì?” Bà lão nói: “Tôi cần dùng gấp không thể nói được”. Liền đó, vợ trưởng giả lấy tiền cho bà, nói: “Bà đem đi, nếu có dịp bà có thể tự trả lại, chứ tôi dùng giấy chứng làm gì? “

Bà lão được tiền, bèn đến những người quen biết trước ở chung quanh, đem sự tình nói hết, lấy tiền đưa cho từng người, nhờ làm cúng đủ sáu mươi người. Chốc lát làm xong, bèn mang đến các sư nói: “Vốn không thật định, chỉ sự chí thành mà thôi”. Họ đều lấy làm lạ về sự tinh tấn xuất kỳ bất ý, mà hỏi: “Bà lão ở chỗ nào, ban sáng ta đi xin ăn khắp hết làng xóm, mà sao không gặp?” Bà lão nói hết gốc ngọn: “Con là người nước kia, gia tiên phụng Phật, cúng dường chúng tăng, gặp đời loạn lạc, một mình cô độc, tại gia đại trưởng giả nước này, giúp việc cho ông, sống nhờ cơm áo, thân nghèo sống gửi không có một đồng tiền. Vừa rồi gặp các nhà sư, buồn vui lẫn lộn, lòng có chỗ muốn, sợ ý nguyện không thành, thưa với vợ trưởng giả, đem thân tự bán, tìm kiếm chút đỉnh, muốn dâng cơm chúng tăng. Bà vợ nhân từ thấy thương, nên lòng thành mọn của con được toại” Nhà sư khen: “Thật có thể gọi là việc bố thí tận tín”. Họ bảo nhau: “Chúng ta cũng vì thân năm ấm, mà đi xin ăn. Bữa ăn hôm nay, chính là ăn thịt người, nên mỗi người phải lập chí để đáp lại công đức bố thí”.

Mỗi người một lòng ấy nhập định. Việc tám phương tinh thành cảm thông, liền được định siêu, thần trí uy linh, rung chuyển cảnh giới, cây cối cúi mình, như muốn quì vái. Các sư thấy điềm, ca ngợi thí chủ. Quốc vương kinh ngạc, lấy làm lạ tại sao, bèn triệu quần thần, cùng bàn điềm lành cảm ứng do đâu mà có. Thần hạ ra bốn cửa thành xem xét nguồn gốc, thấy bên ngoài thành các sư nhóm họp, người cúng nờm nợp cùng vui vẻ nhờ nhau. Họ cùng tâu vua, vua bảo: “Chính do họ làm mau mời họ vào”. Bề tôi trở lại truyền lệnh vua. Bà lão sợ hãi, e có tai vạ, trả lời bề tôi: “Thân tôi thuộc về vợ trưởng giả, không được tự do”. Bề tôi về báo ý đó. Vua bảo: “Vẫn cứ mời đến”.

Lúc ấy, vợ trưởng giả nghe lệnh vua, liền cùng bà lão đến chỗ vua. Vua hỏi ý bà: Bà lão đem hết ngọn nguồn, trình vua. Vua nói: “Ta làm chúa một nước, giàu có tự tại, nhưng không biết vâng kính Tam Bảo, cúng dường chúng tăng, như bà lão đây đến nỗi có cảm ứng như vậy”.

Vua nói: “Bà này là thầy ta”. Bèn đón rước vào trong cung, dùng nước thơm tắm rửa, đặt ngồi vị trí thầy. Cung nhân thể nữ gồm hai vạn người. Vua tự nhận thọ giới làm Ưu bà tắc. Phu nhân và thể nữ là Ưu bà di. Người trong nước hết thảy đều phát lòng đạo.


4
Xưa nhà sư học đạo ở trong núi. Trong núi có nhiều rắn bành. Nhà sư sợ, bèn dựa vào gốc cây, treo cao giường dây mà ngồi thiền định. Chỉ khổ nỗi buồn ngủ không tự ngăn được. Người trời trong hư không cười làm thức giấc, bèn buồn ngủ không hết. Người trời nhân thế tạo phương tiện, muốn làm sư sợ, khiến không buồn ngủ. Nửa đêm, người trời nói: “Này nhà sư! Rắn độc đến!”. Nhà sư quá sợ, bèn đốt đèn tìm khắp, không thấy. Người trời nhiều lần làm không ngưng. Nhà sư bèn nổi giận, nói: “Người trời sao nói hai lưỡi? Không thấy có con gì, sao nói là rắn độc”. Người trời nói nhà sư: “Sao sư không thấy có rắn độc trong mình. Thân mình có bốn rắn độc, không trừ sao lại đi tìm nó bên ngoài?” Nhà sư nghe người trời nói, liền tự suy nghĩ, thấy rõ thân thể mình, mới biết là bốn đại, bị năm ấm sau suy nhận chìm vô số kiếp đến nay vẫn chưa thoát được, liền hiểu bốn chân lý khổ, không, vô ngã. Trời chưa sáng, thì lậu hết, trí hiểu, sáu thần thông đầy đủ, bèn chứng được quả la hán.


5
Xưa có vua A Dục xây trong nước được một ngàn hai trăm ngôi tháp. Sau khi bị bệnh rất nặng, có một sa môn đến thăm vua. Vua gặp mặt, buồn không thể kể xiết. Nhà vua nói: “Vua trước sau làm việc công đức không thể kể xiết, nên cởi mở cõi lòng, chớ có ân hận”. Vua nói: “Giả sử có chết đi cũng không ân hận. Sở dĩ buồn là vì trước đây có xây dệt một ngàn hai trăm chiếc phướn bằng chỉ vàng, muốn tự mình treo phướn rải hoa ở các đồ dùng của tháp thì mới xong, mà nay mắc bệnh nặng, sợ không thành bốn nguyện mình, nên tự buồn thôi”. Nhà sư bảo: “Vua hãy chắp tay một lòng khiến vua thấy hết các tháp trong nước”. Nhà sư liền hiện thần thông, tự khắc 1200 ngôi tháp đều hiện ra trước mặt vua. Vua thấy rất vui mừng, bệnh liền lành hẳn. Bèn lấy phướn hoa vàng treo trên các tháp. Các tháp cúi mình đến tay vua. Vua thỏa ý nguyện mình, thân thể hại hết bệnh, liền phát nguyện lớn, sống thêm 25 năm, làm các công đức cho đến khi được bất thối chuyển.


6
Xưa có vua A Dục, khi lên ngôi, 28 vạn dặm thì thuộc hết về vua. Rồng, dạ xoa... trên đất liền cũng cúi đầu làm tôi, không ai không phục về. Chỉ có một vua rồng ở hồ phía bắc rộng hơn 300 dặm, có được một phần xá lợi của Phật, ngày đêm cúng dường, một mình không chịu cúi đầu trước vua A Dục.

Vua liền cử bốn thứ quân đến bên hồ. Rồng không ra đánh. Rồng có uy thần, vua cũng không thể tiến quân. Như vậy ba lần đến đều không thể tiến quân. Như vậy ba lần đều không thể bắt được rồng. (Vua nghĩ): “Sở dĩ oai thần nó gồm thân vì phước nó lớn hơn ta. Ta nay nên làm nhiều công đức cúng dường Tam Bảo, rồi đến bắt chắc được không nghi ngờ gì”. Do thế, vua sửa xây chùa tháp, rộng mời chúng tăng nhiều lên không nghỉ. Để tự thử công đức, vua đúc một rồng vàng và một hình vua, đặt hai đầu cân, cân xem nặng nhẹ. Lúc mới làm công đức, mà đem cân hai tượng, thì rồng nặng, vua nhẹ. Lúc sau lại cân thì hai bên nặng nhẹ như nhau. Lại làm công đức, sau vua lại cân ngày càng nặng, rồng cân ngày càng nhẹ. Vua biết công đức ngày càng nhiều, dấy binh đánh. Chưa đến nửa đường vua rồng lớn nhỏ cúi đầu đón rước, đem một phần xá lợi Phật mà họ có được, dâng cho vua A Dục. Vua A Dục lại dựng chùa tháp, rộng giảng Phật pháp.


7
Xưa sau khi đức Phật nhập niết bàn được 100 năm thì có vua A Dục yêu thích Phật pháp. Trong nước có hai vạn Tỳ kheo, vua thường cúng dường. Chín mươi sáu nhóm ngoại đạo sinh lòng ghen ghét, âm mưu muốn hại Phật, phá sư. Chúng cùng nhau nhóm họp, suy nghĩ phương pháp. Trong chúng có một tay giỏi việc làm huyễn, nó bảo mọi người: “Ta muốn làm huyễn, biến thành hình ác quỉ, bắt sa môn. Họ nghe mà trốn mất thì sẽ biết là họ không bằng ta, nên chắc chắn trở về với đạo chúng ta”. Vị thần đạo lạ này thờ tên là Ma Di Thủ La (Mahisuna), một đầu bốn mặt, tám mắt tám tay, đó là vị thần đáng sợ nhất của các vị thần. Phạm chí liền hóa làm thân ấy, đem hơn hai trăm quỉ xấu dương dương đi khắp trong nước, từ từ tiến dần đến cung vua. Gái trai một nước không ai là không sợ hãi. Vua ra đón thấy quỉ quá ghê, lên tiếng hỏi: “Không biết thần lớn muốn bảo ban gì?”. Quỉ bảo vua: “Ta muốn ăn thịt người”. Vua lại nói: “Không thể vậy được”. Quỉ bảo: “Nếu vua thương tiếc nhân dân, thì trong nước ai vô ích với vua, hãy giao cho ta ăn”.

Vua nói: “Không có ai”. Quỉ bảo: “Các sa môn không làm ruộng, cũng không đi lính, không thuần thuộc vua. Đó là những người vô ích, hãy giao cho ta ăn”.

Lòng vua không vui. Việc bất đắc dĩ, bèn sai sứ đến Kỳ Hoàn báo tin. Trong hai vạn Tỳ kheo, có sa di nhỏ nhất, mới mười ba tuổi, tên Đoan Chính, thưa với các Tỳ kheo: “Con phải đi đối phó nó”. Họ đồng ý. Sa di ra ngoài, thưa với vị điển chủ: “Nếu có vị Phạm chí nào rớt xuống Kỳ Hoàn, thì xin thầy cứ cạo đầu, không cho thoát”. Rồi đến chỗ quỉ, bảo quỉ: “Biết ngươi đến muốn ăn thịt chúng ta. Ta là người nhỏ nhất trong tăng chúng, nên đến trước cho ngươi sai sử, các Tỳ kheo còn lại đúng lượt sẽ đến”. Sa di lại nói: “Tôi sáng đến chưa được ăn, ông cho tôi ăn được một bữa no, rồi hãy ăn tôi”. Quỉ bèn cho ăn.

Bấy giờ, từ quỉ Phạm chí cũng có hơn hai vạn người. Vua đang làm bếp lớn dọn cho chúng ăn. Sa di bèn lấy phần ăn hai vạn người bỏ hết trong miệng, rồi bằng thần thông bay về Kỳ Hoàn, nên chưa no. Bèn lại bắt lấy hai vạn Phạm chí nuốt luôn, cũng dùng thần thông đưa về Kỳ Hoàn.

Lúc ấy, Phạm chí làm huyễn, bỏ chạy rất sợ hãi, trở lại làm người cúi đầu xin lỗi, xin làm đệ tử. Các Phạm chí bị các Tỳ kheo cạo đầu hết, được giảng kinh pháp, đều chứng được la hán. Nhân dân cả một nước không ai là không vui mừng, được may mắn được độ. Vua suy nghĩ, nói: “Một sa di nhỏ tuổi cảm động như thế, huống nữa lại biển đại thừa, chỗ nào là không có người nhỏ thế”. Bèn phát lòng đạo vô thượng chính thân. Từ ấy trở đi, Phật pháp hưng thịnh, bất diệt tới nay.


8
Xưa có quốc vương thích ăn thịt người, bảo anh nấu bếp: “Các ngươi đêm đi lén bắt người về cung cấp cho bếp, lấy đó làm thường”. Bề tôi sau đó đều biết, liền cùng tống đi, vứt ra ngoài nước, rồi tìm bậc hiền lương để lập vua.

Từ đó, vua ăn thịt người sau 13 năm, mình mọc hai cánh, đi ăn thịt người, không kể xa gần. Ở trong núi, bèn đến cầu đạo với thần cây của núi nói: “Sẽ bắt 500 quốc vương cúng thần cây núi, nếu thần khiến ta được trở về nước làm vua”.

Từ đó, bèn bay đi bắt, được 499 người đem vào hang núi, lấy đá bít cửa. Lúc ấy quốc vương đem các hậu cung đến hồ tắm chơi. Mới ra cửa cung, gặp một nhà sư nói kệ xin ăn. Vua liền hứa là trở về cung sẽ cho vàng bạc. Bấy giờ, vua xuống hồ, sắp định tắm rửa thì vua ăn thịt người từ không trung bay đến ôm vua đem đi về trong núi. Vua gặp vua ăn thịt người không sợ không hãi, sắc mặt như cũ.

Vua ăn thịt người hỏi: “Ta vốn muốn bắt lấy năm trăm người, để tế trời. Đã có bốn trăm chín chín người, nay lại bắt được một người, thế là số đã đủ giết để tế trời. Ngươi biết điều đó, sao không khiếp sợ?”. Vua trả lời: “Người sống tất có chết, vật thành có bại, gặp gỡ tất có chia ly, dọ lại mà phân tích, nên không dám buồn. Nhưng sáng nay khi ra khỏi cung, giữa đường gặp đạo sĩ nói kệ cho tôi, tôi hứa bố thí, nay chưa cho được, nên lấy làm ân hận. Nay vua rộng thương nhân thứ, cho tôi mấy ngày, bố thí xong sẽ trở lại, không trái lời thề nặng”. Vua ăn thịt người đồng ý cho đi, còn bảo thêm: “Hẹn ông bảy ngày, nếu không đến, ta đến bắt ông cũng không khó”.

Vua liền trở về cung ở kinh đô, trong ngoài không ai là không vui mừng. Bèn mở kho tàng, bố thí xa gần, phong thái tử làm vua, ủy lạc trăm họ, rồi giã từ mà đi. Vua ăn thịt người, xa thấy vua đã đến, nghĩ: “Đây ta được người không lạ thường sao? Từ chết được sống mà cố đến trở lại”. Liền hỏi: “Thân mạng là cái người yêu chuộng, mà ông lại xả bỏ, đời khó mà tin có được. Không biết ông giữ chí hướng gì, xin nói ý cho biết”. Vua nói: “Việc thương cho của ta chí thành đáng tin, nên sẽ được giác ngộ hoàn toàn, độ khắp mười phương”. Vua kia nói: “Nghĩa lý của việc tìm Phật, việc nó ra sao?”. Bèn nhân đó rộng giảng năm giới, mười lành, bốn bậc, sáu độ. Lòng mở thênh thang, vua kia theo thọ năm giới làm thân tín sĩ, thả 499 người, mỗi mỗi cho về nước.

Các vua đi theo cùng về nước của vua, vì cảm động trước lời thề đáng tín của vua mà họ được cứu sống, nên không ai chịu về chính nước mình. Họ bèn ở lại nước đó. Ở nước đó mỗi vua dựng một ngôi nhà chạm trổ khắc vẽ trang hoàng tráng lệ theo kiểu nhà vua, ăn uống phục sức ngự dụng không khác gì vua. Người bốn phương đến hỏi: “Sao lại có chuyện giống như nhà vua khắp cả một nước?”. Mọi người trả lời: “Đều là nhà của các vua”. Danh tiếng truyền xa. Từ đó đến nay mới gọi là thành nhà vua. Đức Phật đắc đạo rồi, tự kể lại ngọn nguồn, nói vị vua giữ chữ tín, chính là thân ta. Vua ăn thịt người là Uông Quân Man rồi trở về thành Vương Xá thuyết pháp độ người vô lượng đều là những người có nhân duyên kiếp trước làm vua.

Đức Phật thuyết pháp lúc ấy, không ai không vui mừng, được phước được độ không thể kể xiết.


9
Xưa núi Tuyết có con voi trắng, mình có 6 ngà. Voi chúa có hai vợ, một vợ lớn tuổi, một vợ trẻ tuổi. Mỗi khi ra chơi, hai vợ đều đi kẹp hai bên. Khi voi chúa ra đi chơi, đường đi qua một, hoa cây nhiều đẹp, bèn định lấy hoa cho hai vợ trang sức trên mình, vòi cuốn lấy cây lay xuống. Gió thổi nên làm hoa chỉ rụng trên mình vợ cả. Vợ bé đứng dưới gió nên không được hoa, bảo voi chúa có ý thiên vị, lòng sinh ý dữ. Sau trong hồ voi chúa có mọc một hoa sen ngàn cánh màu vàng. Voi nhỏ gặp, lấy đem dâng voi chúa. Voi chúa được hoa đem cho vợ cả bảo gắn trên đầu. Vợ bé càng ghét tức, nghĩ muốn hại vua.

Trong núi Tuyết có nhiều nhà tu, do thế vợ bé hái lấy trái ngon mỗi lần đem dâng một trăm ngàn Phật Bích Chi. Sau đó đến một chỗ hiểm trên núi, tự thề nguyền đem hết phước báu cúng dường trước sau các Phật Bích Chi để sinh vào trong loài người có của cải thế lực, tự biết đời trước, để giết hại voi chúa ấy. Rồi buông mình phóng xuống dưới núi mà chết.

Hồn đến sinh vào cõi người làm con gái trưởng giả thông minh biết khắp, đẹp đẽ vô cùng. Người con gái lớn lên, quốc vương cưới về làm vợ và thương trọng. Người vợ nghĩ: “Đây chính lúc báo được oán xưa”. Bèn dùng trái dành xoa vàng mặt, nằm ủ kêu bệnh. Vua vào hỏi! Nàng đáp: “Đêm qua nằm mơ thấy đầu voi sáu ngà, em muốn được ngà nó, đem làm khuyên tai. Vua nếu không bắt được ngà đó thì bệnh em ngày một nặng”.

Vua quá thương trọng, nên không dám trái ý, bèn gọi các thợ săn trong nước đến, được vài trăm người và nói với họ: “Các ngươi có thấy có voi sáu ngà trong núi không?”. Họ đều trả lời: “Chưa từng thấy”. Lòng vua không vui, bèn khiến người vợ gọi các thợ săn đến nói ý bà. Bà nói: “Vùng này gần đây thật không có con voi đó. Trong các ngươi ai có gan chịu khổ không?”. Có một người quì nộp xuống nói: “Tôi rất có thể chịu”.

Nhân đó người vợ cho anh một vạn lạng vàng và một móc sắt, một búa đẽo và một bộ y bảo: “Ngươi đi thẳng vào núi Tuyết, đường rẽ có một đại thụ, hai bên có mãng xà mình dài vài trăm trượng, không thể đến gần, dùng búa đẻo cây xuyên qua mà đi, đi tới sẽ gặp một con sông lớn, có cây cối bủa ra trên sông, lấy móc sắt lên cây theo cành mà tiến lên vượt tới chỗ voi ở, xem chỗ nó thường nghỉ ngơi, thì hãy xuống đào một cái hầm sâu, phủ cỏ mỏng trên rồi ở trong rình lúc voi đến, dùng tên bắn nó, xong liền mặc cà sa như phép của sa môn. Voi thờ Tam Bảo nên rốt cuộc không hại người. Thợ săn nhận lời chỉ giáo, liền lên đường ra đi. Bảy năm bảy tháng bảy ngày thì đến chỗ voi ở, bèn đào hầm vào trong ở. Chốc lát voi chúa trở về. Thợ dùng tên độc bắn. Voi bị trúng tên đó, biết không đến từ xa, bèn dùng vòi quật đất trúng hai bên, thấy người trong hầm, liền hỏi ai. Người kia quá sợ hãi, tự thú nói: “Tôi là người ứng mộ”. Voi chúa liền biết đó là việc làm của người vợ vua, bèn tự cắt ngà mình đem cho thợ săn, bảo người ấy: “
Ngươi trở về đi, đàn voi mà thấy tức sẽ giết ngươi, nên nghe chỉ bảo xong thì đi ngay. Đàn voi tất tìm dấu người mà đuổi theo”.

Voi chúa dùng uy thần đem che chở, nên trong khoảng bảy ngày thì ra khỏi vùng ấy, trở về nước mình đem ngà voi dâng cho vợ vua. Vợ vua được ngà, xem qua xem lại, vừa vui vừa hối hận. Chẳng bao lâu thì thổ huyết mà chết.

Lúc Đức Phật Thích Ca vẫn còn ở đời, trời rồng quỉ thần, bốn chúng đệ tử đại hội nghe thuyết pháp. Trong những người ngồi nghe, có một đại Tỳ kheo ni, xa trông Đức Phật, bèn cười lớn tiếng, chốc lát lại cất tiếng khóc. Những người ngồi nghe, không ai là không lấy làm lạ. Đức A Nan hỏi đức Phật: “Vì sao Tỳ kheo ni ấy đã chứng được A la hán, do nguyên nhân nào mà vừa buồn vừa vui không thể tự kiểm soát được, xin được nghe sự việc”. Đức Phật bảo A Nan: “Voi chúa trắng lúc ấy chính là thân ta. Vợ cả nay là Cù Di. Vợ bé nay là vị Tỳ kheo ni ấy vì chứng được thần thông, biết việc ngày xưa, nên buồn vì không chịu được việc lòng vui, còn cười vì đã giết hại người lành, từ đó mà đắc đạo”.

Chúng hội nghe, đều nghĩ: “Kết nhân duyên ác với đức Thế Tôn, mà vẫn còn được độ, huống nữa kết nhân duyên đạo đức”. Hết thảy chúng hội đều phát lòng đạo chính chân vô thượng thề khắp mười phương, rộng độ hết thảy.


10
Xưa đức Phật đến nước ở truồng, nhận lời mời của Tu Kiệt. Nước đó gần biển. Rồng gây mây mưa. Đức Phật sợ trôi chìm nhân dân, nên nhân ăn uống xong, dẫn chúng tăng đến hồ A Nậu Đạt. Đức Phật họp xong, chúng tăng ngồi ổn định thì được báo Xá Lợi Phất không có mặt trong buổi hội. Vua Trời nghĩ: “Tả hữu của Phật thường có thần thông trí huệ càng làm rực rỡ ánh sáng của Phật”. Đức Phật biết ý vua trời nghĩ, bảo Mục Kiền Liên: “Con gọi Xá Lợi Phất đến”. Mục Kiền Liên làm lễ mà đi.

Xá Lợi Phất đang vá áo pháp. Mục Liên nói: “Phật đang đại hội ở trời hồ A Nậu Đạt. Phật bảo tôi đến gọi ông, xin đến đúng giờ”. Xá Lợi Phất trả lời: “Đợi áo tôi xong”. Mục Liên đáp: “Nếu đến không đúng giờ, tôi sẽ dùng thần thông đem ông và ngôi nhà đá trong núi của ông đặt trong bàn tay mặt của tôi để đưa tới chỗ Phật”. Xá Lợi Phất bèn cởi chiếc dây lưng đặt trên đất, nói với Mục Liên: “Ông nếu có thể khiến chiếc dây lưng rời đất thì thân tôi ông mới có thể dở nổi”. Mục Liên liền dở lên, đất vì thế rung động, nhưng dây lưng không thể dở được. Mục Liên dùng thần thông trở về chỗ Phật thì Xá Lợi Phất đã về trước, ngồi bên Phật. Mục Liên mới biết sức của thần thông không bằng sức của trí tuệ.

Bấy giờ trong tọa chúng có một Tỳ kheo, trong tai có hoa tu mạn. Tọa chúng nghi ngờ vì phép Tỳ kheo là rời bỏ yêu trang sức bằng hoa, mà Tỳ kheo này mang hoa là vì sao? Vua trời liền thưa Phật: “Không biết vì sao Tỳ kheo ấy mang hoa”. Đức Phật bảo vị Tỳ kheo vứt bỏ hoa trong tai. Tỳ kheo thọ giáo, bèn dùng tay lấy hoa vứt đi, nhưng hoa tiếp tục như cũ. Như vậy lấy vứt mà chỗ đó vẫn có. Đức Phật bảo vị Tỳ kheo dùng thần thông vứt đi. Bèn dùng sức định tạo ra vài ngàn muôn bàn tay từ không trung vứt bỏ hoa trong lỗ tai. Hoa vẫn không hết. Tọa chúng mới biết đó là do nhân duyên đạo đức, chứ không phải do tạm mang hoa. Vua trời bạch Phật xin nói ngọn nguồn khiến chúng hội cỗi hết nghi ngờ.

Đức Phật bảo vua trời: “Xưa vào thời Phật Duy Vệ cách đây 91 kiếp, lúc bấy giờ đức Phật đại hội thuyết pháp, có một khách say rượu trong đại hội nghe kinh, vui mừng lấy hoa trên tai mình rải lên Phật, rồi làm lễ mà đi. Sau khi chết trong 91 kiếp thọ phước trên trời và cõi người không còn trở lại ba đường dữ. Muốn biết người trời đó thì nay chính là vị Tỳ kheo ấy. Rãi một cành hoa mà phước báu đến nay đắc đạo vẫn chưa hết”. Vua trời thưa Phật: “Một khách say ngày xưa không thọ giới cũng không thực hành sáu ba la mật, chỉ rải một cành hoa, mà phước qua 91 kiếp đến nay không hết, huống nữa là người làm nhiều!”. Đức Phật bảo vua trời: “Nên biết đấng Nhất Thiết Trí làm lợi ích cho hết thảy như vậy”. Hết thảy chúng hội nghe nói như thế, rất vui mừng, rộng phát lòng đạo vô thượng chính chân.


11
Xưa đức Phật mới đắc đạo, giáo hóa thiên hạ, không ai là không vâng theo. Chỉ vua nước Xá Vệ không tin hiểu đúng lúc. Tịnh xá Phật cùng vườn vua gần nhau, chỉ cách bức vách, đều nằm ra bờ sông. Trong tịnh xá có hơn ba trăm sa di để các tôn đức sai khiến. Bấy giờ vị duy na sai các sa di đem bình đến sông lấy nước.

Các sa di đến bờ sông, họ cởi cà sa đùa giỡn. Lúc ấy vua Ba Tư Nặc với phu nhân ngồi trên lầu thấy các sa di cùng đùa giỡn như vậy, liền bảo phu nhân: “Ta không tin Cù Đàm chính vì như vậy. Đám Cù Đàm tự xưng thanh tịnh, không che giấu. Nay họ đùa giỡn không khác gì ta thì sao được gọi là chân”. Phu nhân đáp: “Ví như rắn rồng trong biển, pháp Đại thừa cũng như thế. Có người đắc đạo, có người chưa đắc đạo, không thể bàn gồm vào một”.

Phu nhân nói chưa xong, các sa di mặc lại cà sa, mỗi mỗi lấy nước đi thẳng về tịnh xá, dùng thần thông tung ba trăm chiếc bình lên không trung, mỗi mỗi bay theo đều về tịnh xá. Phu nhân bèn chỉ ra: “Những gì đại vương nói, ý vua chưa xong. Nên nay hiện thần thông thì sao?”. Vua thấy rất vui, liền xuống lầu cùng quần thần trăm quan đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ qui y hối lỗi. Đức Phật vì họ thuyết pháp. Vua và phu nhân hết thảy chúng hội đều phát lòng đại vô thượng chính chân.


12
Xưa trưởng giả Phạm chí nước Xá Vệ ra thành đi chơi, dần dà đến bên Kỳ Hoàn. Đức Phật biết người này có công đức có thể độ. Đức Phật liền ra ngồi dưới gốc cây, phóng hào quang lớn rọi khắp vùng Kỳ Hoàn, cây cối đất đá đều thành sắc vàng. Phạm chí thấy ánh sáng, hỏi người đi theo: “Ánh sáng đó là gì?” Người đi theo nói: “Không biết”. Trưởng giả hỏi: “Chẳng phải là ánh sáng mặt trời sao?” Người đi theo nói: “Ánh sáng mặt trời thì nóng. Ánh sáng này mát lạnh vừa phải, nên chẳng phải là ánh sáng mặt trời”. Trưởng giả lại hỏi: “Phải chăng là ánh lửa ư?” Người đi theo nói: “Chẳng phải ánh lửa. Ánh lửa thì lung lay không định. Ánh sáng này im phắc, không giống ánh lửa”. Người đi theo suy nghĩ biết, bảo trưởng giả: “Đó là ánh sáng đức của sa môn Cù Đàm”. Trưởng giả liền nói: “Đừng nói điều đó. Ta không thích Cù Đàm. Mau trở về”.

Đức Phật liền biến hóa ba mặt đều tự nhiên có suối lớn, đi về hướng nào cũng không thể qua được. Chỉ ở trước Phật có đường thẳng. Người đi theo thưa: “Phía Cù Đàm có đường qua”. Việc bất đắc dĩ, Phạm chí tiến lên, xa thấy đức Như Lai liền lấy quạt che mặt. Đức Phật lại dùng uy thần khiến trong ngoài cất hết, chính mắt thấy Phật giác ngộ, xuống xe, cúi đầu làm lễ. Đức Phật thuyết pháp cho họ, bèn phát lòng đạo vô thượng chính chân, rồi chứng bất thối chuyển. Quay lưng với Phật mà đi còn chứng được trí tuệ đạo, huống nữa người tin hướng Phật ư ?


13
Xưa nước Ba La Nại có tám người đại lực sĩ. Một người đương được sức 60 con voi. Trong đó có một người riêng có nhiều phép linh quyền biến lạ lùng, 64 biến hóa văn vũ đều đủ, vì thế tự thị không biết sợ một ai. Đức Phật thấy người ấy tất rơi vào con đường dữ, nên đến chỗ y định độ thoát. Người giữ cửa báo vào: “Cù Đàm đến bên ngoài, muốn gặp”. Lực sĩ nghe, nói với tả hữu: “Trí tuệ Cù Đàm có, há thắng ta, vì không bằng ta”. Rồi bảo người giữ cửa đuổi đi, không thể gặp.

Đức Phật đến cửa ba lần không gặp. Do thế, đức Phật làm một lực sĩ trẻ tuổi đến đòi đấu. Người giữ cửa vào thưa! Lực sĩ hỏi: “Phải chăng là tám người trong nước sao?” Người giữ cửa đáp: “Là người trẻ tuổi, chưa từng thấy”. Lực sĩ ra ngoài gặp, đem đến diễn trường, khinh nó trẻ tuổi, định quật giết đi, bảo người trẻ tuổi: “Mạnh đến trước nhau, cùng đánh nhau”. Hai người tiến ra, sắp định giao hiệp thì Phật dùng thần thông cất mình lên không trung cách đất hơn mười trượng, xem xuống đất chỉ thấy mũi gươm lửa. Người ấy đều mất hết lòng cao ngạo tức giận, chỉ e sợ chết, xa ở không trung nói quy mạng, lực sĩ ở dưới xin được toàn mạng. Đức Phật hạ xuống đất, hiện lại thân Phật. Lực sĩ biết đó là Phật, bèn cúi đầu làm lễ: “Con nếu biết Phật thần thông lực như vậy thì không dám kiêu ngạo cho đến nay. Xin được tha thứ để giảm vạ nặng”. Đức Phật nhận lời, vì y thuyết pháp sâu sắc, bèn phát lòng đạo vô thượng chánh chân, liền chứng được bất thối chuyển. Đạo quyền biến độ người của Phật là như vậy.


14
Xưa nước La Duyệt Kỳ có đứa con Bà la môn một mình ở với mẹ. Tuổi nhỏ, lớn lên, tự hỏi mẹ nó: “Cha con phụng thờ đạo gì? Con muốn đi theo dấu cha con”. Bà mẹ bảo con: “Cha con lúc sống, một ngày ba lần xuống sông tắm rửa”. Con hỏi: “Cha con làm thế hy vọng chuyện gì?” Bà mẹ nói: “Nước sông Hằng rửa sạch bụi dơ thì có thể được thần thông”. Con nói: “Không phải”. Mẹ bảo con: “Con há có thuyết khác ư?” Con nói: “Nếu như vậy thì cư dân ở phía bắc mỗi ngày xua bò vượt sông thả ở phía nam, mỗi ngày hai lần tắm rửa, sao không đắc đạo? Vả trong sông có loài cá rùa sống trong nước, sao lại không đắc đạo?” Mẹ nói: “Ý con thế nào?” Người con nói: “Chỉ có hồ tắm giải thoát của Như Lai và nước tam muội. Tắm nước ấy mới vô vi”. Nhân bảo mẹ: “Nên đến chỗ Phật, xin tắm gội sự thần hóa”. Rồi mẹ con đến chỗ Phật. Đức Phật vì họ thuyết pháp. Người con làm sa môn chứng được quả A la hán, trở về thuyết pháp cho mẹ lại được quả Tu đà hoàn.


15
Xưa trong nước Kế Tân có một Tỳ kheo rộng dạy môn đồ hơn vài trăm người. Trong đó có người chứng tứ thiền, có người chứng ngũ thông, chứng Tu đà hoàn, chứng A la hán. Bấy giờ có người An Tức đến nước Kế Tân, thấy Tỳ kheo dạy dỗ như vậy, có lòng tin vui, xin làm đệ tử, chưa bao lâu đã chứng ngũ thông bèn hiện thần thông trước mọi người. Thầy bảo: “Ngươi nay chứng được ngũ thông, nhưng lòng kết chưa giải, thì chớ hiện thần thông để tự cống cao”. Lòng bèn giận thầy, bảo thầy đố kỵ, tự nghĩ: “Nên trở về quê mình, làm vẻ đạo đức”. Bèn liền bay về nước mình, đến trước đền vua An Tức, hiện thần thông bay tới.

Vua vì thế làm lễ hỏi: “Nhà tu là người nước nào?” Tỳ kheo nói: “Ta là người nước vua, đến nước Kế Tân học đạo, nay được trở về, muốn làm phước cho đất nước đền đáp ơn đã sinh ra”. Vua rất vui mừng, quì mọp thưa: “Xin nhà tu từ ngày nay trở đi thường ở luôn trong cung ta, nhận ta cúng dường”. Tỳ kheo đồng ý. Vua tự tay cúng dường, hoặc sai phu nhân và thể nữ đến. Tỳ kheo bèn sinh ý dục đối với cô áo xanh. Các thần hạ biết, đem trình vua. Vua la mắng. Vua sở dĩ không tin, vì vốn đã thấy Tỳ kheo bay đến.

Chẳng bao lâu, cô áo xanh lớn bụng. Các bề tôi lại tâu vua. Vua giao cho phu nhân xét nghiệm mới biết sự thật, bèn lột áo tu đuổi đi ra khỏi cung, vì nhà tu nên không đánh đập. Tỳ kheo ra ngoài đi làm giặc cướp, không ai dám chống. Vua không biết đó là vị Tỳ kheo thuở trước, bảo mộ hùng sĩ khiến người ta bắt sống đem đến thì rõ ràng là vị Tỳ kheo thuở trước. Vua hỏi: “Ngươi trước phạm dâm, bảo là lỡ, (bây giờ) sao lại đi cướp của người ta?”. Tỳ kheo cúi đầu nói: “Vì nghèo, không có nghề gì khác”. Vua bảo: “Ta vốn thấy ngươi thần thông bay đến, nên không nỡ hành hạ, nay tha ngươi, chớ phạm trong bờ cõi ta”. Rồi cởi trói, thả cho đi.

Tỳ kheo nghĩ: “Thử đi làm thuê, tìm sống”. Rồi tự ra đi. Có nhà đồ tể thuê làm, giết bò, thọc dê, mọi việc đều làm. Sau chủ sai đập xương, xương văng trúng mặt, làm hư mắt không thấy lại được, nên không trúng thuê lại. Người chủ bảo phải đi. Do thế, bèn cầm một cái bát vỡ, lần đường xin ăn thành ra người hèn.

Tỳ kheo ấy thay đổi trong khoảng mấy năm, thầy dùng mắt đạo xem xét muốn biết ở đâu, thì thấy Tỳ kheo như thế đang ăn xin tại chợ An Tức. Bấy giờ trong số học trò chỉ học ngũ thông mà không cần diệt khổ, là hơn năm trăm người, Thầy bảo: “Các con mau sửa soạn, ngày mai sẽ cùng đi thăm người đệ tử An Tức ngày trước”. Đệ tử đều vui mừng nói: “Người ấy đạo đức ắt hẳn to lớn”.

Thầy bèn hạ mình đi thăm. Họ đều nhờ thần thông chốc lát đã đến ở trước mắt người ấy. Thầy gọi tên y. Y liền đáp lời thầy, nói: “Hòa thượng đến sao?” Thầy nói: “Phải, đến thăm”. Thầy hỏi: “Sao lại thế?”. Đệ tử nói hết ngọn nguồn, biện giải ý mình đã phạm. Thầy bảo các đệ tử: “Chứng ngũ thông không phải đạo vững chắc, không thể trông cậy được”.

Thầy nói xong, lúc ấy năm trăm đệ tử đều chứng được sáu thần thông, thành quả A la hán. Vị đệ tử kia xấu hổ, không nói lời nào. Thầy và trò hết thảy trở về chỗ mình.


16
Xưa có một nước được mùa. Nhiều người nước khác muốn tới chiếm lấy, bèn dấy binh dẫn đến. Trong nước đã biết bèn phát đại binh, mười lăm trở lên, sáu mươi trở xuống đều phải đi lính. Bấy giờ có một người làm nghề dệt chăn, tuổi sắp sáu chục. Người vợ đẹp thường khinh mạn chồng. Mỗi khi vặn hỏi, chồng thường đáp ứng. Chồng hỏi vợ: “Nay phải đi, có lệnh tự sắm sửa binh khí, lương thực đồ dùng, xin sắm cho kịp thời để đi”. Vợ cho chồng một cái hộc năm thăng để đựng lương thực và một máy dệt chăn dài một trượng một xích. Vợ nói: “Ông mang chúng đi mà đánh, không có vật gì khác. Nếu ông làm vỡ hộc và đánh mất máy dệt, thì tôi không còn ăn ở với ông”.

Chồng bèn giã từ ra đi, không nghĩ sẽ bị quân địch làm bị thương hay giết hại, mà chỉ sợ hai vật thất thoát thì mất lòng vợ. Đường đi gặp lính địch cùng đánh. Quân mình không bằng liền rút lui. Người thợ dệt chăn quí hai vật trên, nếu có sai sót thì mất lòng vợ. Mọi người đều chạy, chỉ người thợ dệt chăn đưa máy dệt lên đầu, nhắm hướng giặc mà đứng một mình. Quân giặc thấy vậy, bảo ông dũng cảm, không dám tiến lên, rồi rút lui. Quân nước ông chỉnh đốn lại được trận địa, hết sức tiến đánh, liền được thắng lợi. Quân kia không bằng, chết tẩu tán gần hết. Vua rất vui mừng, sắp thưởng những người có công. Mọi người tâu vua: “Người dệt chăn, nên thưởng cho công đầu”. Vua nhân đó, cho gọi gặp, hỏi lý do: “Người vì sao một mình mà cự được đại quân của địch?” Ông trả lời: “Tôi thực chẳng võ sĩ, vợ tôi cấp cho tôi hai món đồ khi đi lính. Nếu để mất hai món đồ đó, vợ tôi sẽ bỏ đi, không ăn ở với tôi. Cho nên, dù có chết, tôi cũng giữ thành hai món ấy, nhân thế đánh được địch quân, thực chẳng phải do dũng mãnh mà đánh được”. Vua bảo các bề tôi: “Người này vốn tuy sợ vợ, mà cứu được nạn nước nên thưởng công đầu”. Bèn phong làm bề tôi, ban cho của báu, nhà cửa, thể nữ, chỉ dưới bậc vua, con cháu hưởng phước, đời đời nối nhau.

Đó là sự việc xảy ra được ở thế gian. Đức Phật mượn để làm thí dụ. Vợ cho chồng hộc năm thăng, máy dệt một trượng một xích là ví dụ như Phật trao cho đệ tử năm giới mười lành. Dặn chồng nói giữ kỹ hai món đồ đừng làm hư mất thì mới được cùng ta ăn ở, ấy gọi là giữ đạo cho đến chết, chết cũng không vi phạm thì mới được cùng Phật lên nhà đạo. Đã đánh được quân địch, lại được phong thưởng là ví như người giữ giới đời này tiêu diệt được oan gia chống đối, đời sau nhận được phước tự nhiên ở thiên đàng.


17
Xưa trong thành Xá Vệ có một Phạm chí giàu sang, của cải vô số, thông minh hiểu biết, nhưng rơi vào đạo tà, không tin điều lành, bảo là vô ích. Bấy giờ Xá Lợi Phất dùng mắt đạo thấy nghĩ: “Vị trưởng giả này, xưa có phước lớn, nay được giàu sang, chỉ nghĩ ăn vốn xưa, mà không tạo thêm vốn mới, tất sẽ trở lại đường dữ, nên phải đến độ ông ta”. Bèn hiện thần thông, ôm bát đi qua chỗ ông đang ngồi. Lúc ấy, Phạm chí mới ngồi định ăn, thấy Xá Lợi Phất, nên rất tức giận, bèn xua gia nhân ra đánh đuổi, rồi rửa tay, trở lại ngồi ăn, cũng không mời ngồi, cũng không đuổi đi. Ăn xong, bèn rửa tay, súc miệng, ngậm một ngụm nước, nhổ vào trong bát Xá Lợi Phất, nói: “Mang đó đi, ta cho”. Xá Lợi Phất, bảo: “Mong ông suốt đêm được phước vô lượng”. Rồi trở ra đi.

Vị trưởng giả sợ Xá Lợi Phất đi nói lời bài xích, sai người đuổi theo. Xá Lợi Phất về thẳng tịnh xá, dùng nước hòa với bùn, trét chỗ đức Phật kinh hành, rồi bạch Phật: “Ông kia bủn xỉn, chỉ cho một ngụm nước, nay dùng trét chỗ Phật kinh hành, xin Phật kinh hành trên đó, để cho ông kia suốt đêm hưởng phước vô lượng”. Đức Phật liền nhập định kinh hành. Người do trưởng giả sai đi, rình nghe hết như vậy, trở về thưa trưởng giả: “Đức Phật bỏ ngôi vua chuyển luân, đi làm sa môn, ôm bát xin ăn, ấy chẳng phải vì tham cầu, mà vì muốn độ chúng sinh”. Rồi đem hết ngọn nguồn nói cho trưởng giả. Trưởng giả sám hối, tạ lỗi vì ngu si không biết, xin tha thứ tội nặng. Đức Phật nhân đó qui y và thuyết pháp, bèn bỏ nghi, trừ kiết, chứng được bất thối chuyển.


18
Xưa nước Ba Ly Phất so với các nước khác là giàu có thịnh vượng nhất. Chân nhân, thần nhân cho đến bất tiếu chín loại đều đầy đủ đạo đức. Kinh tiên và sách đời cũng đầy đủ, vàng bạc lúa vải, không món nào là không có. Đức Phật thường khen là nước văn vật.

Bấy giờ chín mươi sáu phái ngoại đạo cùng bàn: “Phật bảo nước ấy không gì là không có. Mình sẽ đến xin thứ nước ấy không có, nhân đó chiết phục khiến họ không còn chí thành. Sau đó chúng ta mới được kính thờ”. Phạm chí bàn: “Chưa nghe nước đó có quỉ La Sát, sẽ cố xin tất không thể có được, điều đó làm rõ việc Phật chứng đạo không đúng”. Rồi đi khắp chợ búa muốn định mua quỉ đều không có. Phạm chí vui vẻ nói, bảo đó là đắc sách.

Vua trời biết mưu kế của Phạm chí, bèn hạ xuống, biến làm một người đi buôn ngồi ở chợ như có đồ muốn bán. Phạm chí đi vào chợ, lần lượt đến trước vua trời, hỏi: “Có quỉ bán không?”. Vua trời nói có. Muốn bao nhiêu con. Phạm chí bảo nhau: “Đó là lời nói dối, lấy đâu có quỉ bán, mà còn hỏi mấy con”. Họ nói: “Muốn mấy chục con”. Vua trời bèn mở cửa quán, bỗng có mấy chục con ác quỉ. Phạm chí thấy, quá sợ hãi, mỗi mỗi tâm niệm, biết Phật là chí thành, đều đến qui y Phật nói: “Nước Ba Ly tuy mọi vật đều có, người tay không đến thì một vật cũng không có được, nhưng nếu đem tiền của ra mua thì không vật gì là không được”.

Ấy là mượn để làm thí dụ thị hiện ở thế gian. Ví như trong thành Nhất Thiết Trí không gì là không có. Lòng thương bốn bậc, sáu độ, ba mươi bảy món giúp đạo, thanh văn, duyên giác lên đến Như Lai, nếu người không tu đức hạnh, mà mong thu hoạch một món gì trong thành Nhất Thiết ấy là không thể được. Còn nếu vâng theo thánh giáo, giữ gìn thân, miệng, ý thì như người có tiền của không nguyện ước gì không thành”.


19
Xưa nước Thiên Trúc có chùa Tùng. Trong có bốn nhà sư đều chứng lục thông. Trong nước có bốn cư sĩ, mỗi người thỉnh một nhà tu cúng dường lâu dài. Bốn nhà tu mỗi người đi giáo hóa. Một người đến chỗ trời Đế Thích. Một người đến chỗ vua rồng biển. Một người đến chỗ chim cánh vàng. Một người đến chỗ con người. Như vậy, những gì bốn nhà tu nhận cúng dường còn lại trong bát thì đem về chia lại cho đàn việt mình ăn. Trăm vị đầy đủ chưa từng thấy, mỗi người hỏi nhà tu do đâu có được. Các nhà tu ấy vì mỗi người, họ nói rõ ngọn nguồn. Do thế bốn cư sĩ mỗi người phát một nguyện. Một người nói: “Nguyện sinh vào trời Đế Thích”. Một người muốn sinh trong biển làm rồng. Một người muốn sinh trong loài chim cánh vàng. Một người muốn sinh làm con vua người. Sau khi chết họ đều vãng sinh bốn vua thần, đồng thời có ý nghĩ muốn tu bát quan trai. Họ xem khắp các chỗ thanh tịnh, thì chỉ có hậu viên của vua Ma Kiệt là vắng vẻ, nên đều đến trong vườn, mỗi người ngồi dưới gốc cây, từ tâm giữ chay, thực thành sáu tư niệm. Mỗi ngày một đêm cho tới sáng hôm sau việc xong, họ mới đến nói chuyện với nhau.

Vua Ma Kiệt hỏi: “Các ông là ai?” Một người nói: “Tôi là vua trời”. Một người nói: “Tôi là vua rồng”. Một người nói: “Tôi là vua chim cánh vàng”. Một người nói: “Tôi là vua người”. Bốn người nói hết nguồn ngọn xong, đều rất vui mừng. Vua trời bèn nói: “Chúng tôi đều giữ chay ai được phước nhiều?” Vua người nói: “Tôi đến định ở gần ngoài vườn, tiếng nhạc nghe rõ tới đó, mà tôi trong đó vẫn chuyên tâm nên phước tôi là số một”. Vua trời nói: “Tôi lên trên trời, cung điện bảy báu, ngọc nữ vui chơi, ăn mặc tự ý, vẫn không tưởng nghĩ, mà từ xa đến vẫn giữ trọn ngày chay, nên phước phải là số một”. Vua chim cánh vàng nói: “Tôi chỉ thích ăn rồng là ngon, hơn cả năm món khoái lạc, nay cùng ở một chỗ, không có niệm ác, nhỏ như tóc tơ nên phước tôi là số một”. Vua rồng nói: “Loài chúng tôi là cung cấp lương thực cho chim cánh vàng, thường sợ bị ăn thịt, nên kinh hãi trốn tránh, nay ở một chỗ, đến chết cũng giữ trọn ngày chay, nên phước tôi là số một”.

Vua Ma Kiệt nói: “Tôi có bề tôi mưu trí tên Phi Đà Loại, tôi phải mời đến, khiến ông quyết định ra sao”. Bèn cho mời đến, nói hết ý mình. Phi Đà Loại bèn lấy tấm lụa bốn màu xanh vàng trắng đem treo lên giữa trời, rồi hỏi bốn vua: “Bốn màu trời, mỗi màu có tự khác nhau không?” Bốn vua trả lời: “Khác nhau rất rõ”. Vị bề tôi hỏi: “Ảnh lụa dưới đất có khác nhau không?” Đáp: “Không khác”. Vị bề tôi nói: “Nay bốn vị chịu sắc dáng mỗi khác nhau, ví như màu tấm lụa, chất màu không giống nhau. Nhưng nay theo pháp giữ chay, chí thú một vị, ví như bóng tấm lụa trên đất không sai khác. Nay bốn vị tâm phương phát lòng đạo lớn, tinh tấn vui vẻ giữ chay thì khi thành Phật, cũng đều số một không có sai khác gì”. Bốn vua vui mừng, liền được mắt đạo.


20
Xưa người Phú Ca La Việt có hai con. Cha mắc bệnh gần chết, dặn đứa con lớn: “Em con nhỏ dại, chưa có biết gì, nên nay phải nhọc con khéo làm ăn giúp đỡ nó, chớ khiến nó đói rét”. Cha con buồn bã giã từ nhau, rồi cha mất. Sau đó vợ anh nói với chồng: “Em trai anh lớn lên, sẽ làm rắc rối nhà anh, những vật hiện có, nên chia ra. Bây giờ nó chưa lớn, sao không trừ khử nó đi?” Ban đầu người anh không chịu nghe, nhưng nói nhiều lần, bất đắc dĩ người anh bèn làm theo, đem em mình ra ngoài thành, đến vùng gò mả sâu, cột vào một cây bách, không nỡ ra tay giết, muốn để cho cọp, sói, quỉ dữ hại, nên nói với em: “Mày nhiều lần xúc phạm tao, nên để mày lại đây qua đêm, suy nghĩ lỗi mình, sáng mai sẽ đến đón”. Rồi bỏ mà đi. Chốc lát trời chiều, cú quạ chồn cáo ở đó kêu hú, người em rất sợ hãi, nhưng không có chỗ nương kêu, bèn ngửa mặt lên trời than thở: “Trong ba cõi, ai há nhân từ nhận sự qui y ư? Hôm nay khốn nguy, lòng sợ vô kể”.

Lúc ấy đức Như Lai thấy người em kia cầu cứu, ngồi thẳng dùng định phóng một luồng ánh sáng lớn tên là dẹp tối rọi sáng gò mả tức thì sáng tỏ. Rồi phóng một luồng ánh sáng gọi là cởi trói. Ánh sáng đến, đứa trẻ bị trói liền cởi, mình không còn đau. Rồi phóng một luồng ánh sáng tên gọi no đủ hết thảy. Trẻ thấy ánh sáng, tức không còn đói. Nhân đó, đức Như Lai theo ánh sáng, đi đến trẻ kia, khiến tay tự cởi trói mà nói: “Muốn hướng tới gì?” Trẻ thưa: “Con nguyện làm Phật thoát chết mọi nguy ách như Phật hôm nay”. Liền phát lòng đại chính chân vô thượng. Phật vì nó giảng một số chính yếu, cho đến chứng được pháp nhẫn vô sinh. Trẻ bạch Phật nói: “Anh con tuy có ý ác, trái đạo hiếu, giết con, nhưng nhân đó con được gặp Phật, dứt khổ sống chết, nên con muốn đền ơn...” Đức Phật nói: “Lành thay! Nên biết đúng lúc”. Bèn dùng thần thông bay đến nhà người anh. Vợ người anh thấy, sợ xấu xanh mặt, liền nói với người anh: “Tuy dùng lời của vợ dữ ác, trói tôi bỏ gò mả, nhân việc ấy mà hôm nay tôi đắc đạo, đều nhờ ơn anh”. Bèn vì anh chị dâu thuyết pháp, họ chứng được Tu đà hoàn.


21
Xưa đức Phật ở Vương Xá. Đế Thích nhiều lần xuống cúng dường Tam Bảo. Chỉ Ma Ha Ca Diếp riêng không chịu nhận. Vì sao? Vì bản nguyện chỉ muốn độ những người nghèo khổ. Do thế, vua trời dùng quyền biến, cùng vợ hạ xuống làm hai ông bà nhà nghèo dưới một mái nhà tranh xấu. Bấy giờ Ma Ha Ca Diếp vào thành khất thực. Ông bà trời đón làm lễ, tự nói mình bần hàn xin nhận một bữa ăn sơ sài. Ca Diếp đồng ý, thì ngược lại bát của Ca Diếp đầy tràn cam lộ, dẫu dáng sắc thô xấu, kỳ thực là trăm vị, mới đưa lên miệng thì thơm ngọt phi thường. Bèn dùng tam muội xem xét thì mới biết là vua trời. Ca Diếp nói: “Ơn phước quí vòi vọi mới thế. Vì sao? Không chán đủ ư?” Vua trời nói: “Phước báo của Tam Bảo quá phong phú vô kể, nên kẻ trí chưa từng chán đủ”.


22
Xưa nước ngoài có một chùa Thông, trong thường có chúng tăng hơn trăm người cùng ở học. Có một ưu bà di tinh tấn hiểu kinh, cách chùa không xa, mỗi ngày cúng cơm một sa môn. Chúng tăng tự xếp đặt thứ tự, từ đầu đến cuối, hết rồi lại bắt đầu. Ai đến thì ưu bà di liền theo hỏi ý nghĩa của kinh. Nên những người tự giấu sở học cạn cợt, thường không thích đi. Có một sa môn Ma Ha Lư, cuối đời mới làm sa môn, không biết một chút gì, tới lượt mình đến ăn, bèn đi đường chầm chậm, để đến không đúng lúc. Ưu bà di gặp thấy, nói: “Vị trưởng túc này tuổi lớn, đi đứng khoan thai”. Bèn cho là đại trí tuệ, nên càng vui mừng. Làm thức ăn ngon xong, bà thiết tòa cao, muốn khiến thuyết pháp. Nhà sư lên tòa, thật không biết gì, tự nói với mình: “Người ngu không biết thật khổ”. Ưu bà di nghe vậy, bèn suy nghĩ: “Ngu không biết gì là gốc của mười hai duyên, sống chết không dứt đưa đến các khổ não, vì thế nói là rất khổ”. Suy qua nghĩ lại, bà chứng được quả Tu đà hoàn, nên đứng dậy đi mtại gia kho, định lấy chăn bố thí cho nhà sư. Nhưng nhà sư đã xuống tòa bỏ đi, trở về tịnh xá. Ưu bà di đi ra không biết nhà sư ở chỗ nào. Trong cửa thì nhìn ra cũng không thấy. Thật đáng gọi là đắc đạo thần thông bay đi. Ưu bà di bèn đem chăn trắng đến tịnh xá tìm nhà sư. Nhà sư sợ bị đuổi gọi theo, bèn vào phòng đóng cửa trốn. Thầy của nhà sư đã chứng sáu thần thông, thấy có người đuổi theo, cho là có chỗ xúc phạm, bèn định ý xem, biết ưu bà di đã chứng quả Tu đà hoàn, nên gọi Ma Ha Lư bảo ra nhận bố thí. Thầy vì thế nói hết ngọn nguồn. Ma Ha Lư vui mừng, cũng chứng được quả Tu đà hoàn.


23
Xưa có mẹ già, chỉ có một con mắc bệnh chết mất. Bèn đem ra mả, đặt thây, buồn khóc, không thể ngăn được, nghĩ: “Chỉ có một con để lo tuổi già, mà bỏ ta chết đi thì ta sống làm gì nữa”. Rồi không về nhà, định bỏ mình một xó, không cơm nước, đã bốn năm ngày.

Đức Phật dùng hiểu biết, đem trăm ngàn Tỳ kheo đến gò mả. Mẹ già xa thấy Phật đến, oai thần sáng rực, khiến say được tỉnh, ngủ được thức dậy, đi đến trước Phật làm lễ, rồi đứng. Đức Phật bảo mẹ: “Làm gì ở gò mả?”. Bà thưa: “Thưa đức Thế Tôn, con chỉ có một đứa con, nó bỏ con chết mất, lòng thương nó quá, nên định chết cùng một chỗ”. Đức Phật bảo mẹ già: “Mẹ có muốn con sống lại không?”. Bà mẹ vui mừng nói: “Thật vậy! Thế Tôn!”. Đức Phật nói: “Đi tìm lửa thơm lại, ta sẽ chú nguyện, khiến con sống lại”. Lại bảo mẹ già thêm: “Nên có được ngọn lửa của nhà không có người chết”.

Như vậy mẹ già bèn đi tìm lửa. Gặp người đầu tiên, bà hỏi: “Nhà ông trước sau có ai chết chưa?”. Đáp: “Từ tiên tổ đến nay đều có chết đi qua”. Những nhà được hỏi, trả lời đều như vậy. Đã qua mấy chục nhà, bà không dám lấy lửa. Bèn trở về chỗ Phật thưa: “Thưa đức Thế Tôn, con đi khắp tìm lửa, nhưng không có nhà không chết, nên đã về không”. Đức Phật bảo mẹ già: “Từ trời đất xuất hiện đến nay, không có gì sống mà không chết. Người sống muốn sống cũng lại đáng vui. Mẹ sao mê tìm con để chết”. Lòng mẹ liễu ngộ, biết lẽ vô thường. Đức Phật nhân đó rộng giảng pháp yếu. Mẹ già liền chứng được quả Tu đà hoàn. Kẻ xem ở gò mả vô số ngàn người đều phát lòng đạo chính chân vô thượng.


24
Xưa trong thành Vương Xá, nhân dân nhiều, giàu có, chín nhóm ở riêng, không xen lẫn nhau. Riêng có xóm một ức, người có của một ức, bèn vào ở trong xóm. Bấy giờ có cư sĩ ý muốn ở trong xóm đó, nên bèn đi buôn. Nhọc thân dùng sẻn, rộng các phương kế, trong mấy chục năm, số của chín mươi vạn, chưa đủ một ức thì mắc bệnh rất nặng, tự biết không thể sống, có một đứa con, mới bảy tám tuổi, bèn trăn trối với vợ: “Con ta lớn lên, sẽ giao của cải, khiến rộng buôn bán, cho đủ một ức, tất ở trong xóm đó thì hoàn thành ý nguyện ta khi còn sống”. Nói xong bèn mất.

Đám tang xong xuôi, mẹ đem con vào kho, chỉ của báu, nói: “Cha con có trăn trối, đợi con trưởng thành, làm có mười vạn, đủ một ức, để ở trong xóm ức”. Người con trả lời mẹ: “Sao phải đợi lớn? Có thể giao phó cho con, để sớm cùng ở đó”. Người mẹ liền giao. Nhân đó, đứa con đem của cải trân quí cúng dường Tam Bảo, bố thí cho người nghèo thiếu. Trong khoảng nửa năm, của cải hết sạch. Người mẹ buồn rầu, lấy làm lạ việc người con làm. Người con chẳng bao lâu thân mắc bệnh nặng, rồi chết mất. Người mẹ đã mất của, con lại chết non, bèn buồn nhớ thương. Trong xóm có người giàu nhất, ở xóm 80 ức mà không có con. Nhân thế, đứa con đến sinh vào nhà đó, làm con của người vợ cả, đủ mười tháng sinh ra, đẹp đẽ, thông minh, tự biết kiếp trước. Mẹ tự ẵm bú, chống không chịu ăn, đứa ở ẵm nuôi, cũng lại như vậy. Người mẹ trước của bé nghe sinh con như thế, tình cờ đến xem, thấy thương, liền bồng hôn hít. Trẻ mở miệng đòi ăn, trưởng giả rất vui, tăng giá thuê ở, khiến nuôi giữ trẻ. Trưởng giả bàn cùng vợ: “Tính con nhỏ ta, người khác bồng nuôi, không chịu ăn uống. Người đàn bà này bồng ẵm, trẻ liền vui vẻ. Tôi nay định đến đón, lấy làm vợ nhỏ, khiến trông nuôi con ta, có được không?”. Người vợ đồng ý, bèn đem lễ vật đón về, xây nhà riêng, chia của cải, cấp cho không có gì thiếu thốn.

Bé bèn nói với mẹ: “Mẹ biết không?”. Mẹ rất sợ hãi nói không biết. Bé thưa với mẹ: “Con là người con trước của mẹ, đem phần 90 vạn của mẹ dùng bố thí, nay cùng đến làm chủ 80 ức, không nhọc sức mà ăn, phước nào hơn thế ư?”. Người mẹ nghe lời ấy, vừa buồn vừa vui. Người con lớn lên, giáo hóa xóm một ức theo đạo Đại thừa. Cho nên nói chính khiến ức ngàn xuất ra, có thể làm một xóm thành cửa nhà, dùng đạo ổn định việc bố thí. Ta đi vào đạo Bồ tát là như vậy.


25
Xưa nước ngoài có người trồng nhiều bông vải. Nếu quá thời không hái thì mất màu không đẹp. Nên đến mùa, thuê nhiều tay làm, ngày đêm đều làm, suốt không được nghỉ. Người chủ nghĩ, người làm cực khổ, nấu cho họ nhiều canh thịt để ăn cơm. Lúc canh sắp chín, mùi thơm nghe tỏa ra bốn bên, thì có một con quạ già bay ngang qua, trong chân kẹp phân rơi ngay vào trong canh. Người nấu thấy, muốn tách lấy thì mất tiêu hết canh. Người nấu nghĩ: “Muốn nấu lại canh thì thời giờ đã muộn, mà muốn đem cho người ăn, thì trong có đồ dơ. Kể ra một chút phân ấy không đủ làm hư nồi canh, có thể đem cho khách làm ăn, mình sẽ không ăn”. Khách đến ngồi ăn, múc canh. Khách làm đã ăn. Người nấu cũng đói, không ăn canh đó. Khách kêu người nấu gắp lấy thịt ngon để ăn. Người nấu biết dơ, sợ mất lòng người, gắng nuốt, nhưng không thấy ngon.

Đức Phật mượn truyện để làm thí dụ. Chúng sinh ba cõi nói sắc đẹp ái dục, mà chẳng thấy dơ dáy, dần dần mê đắm, giống như kẻ đói ăn canh ngon. Bồ tát đại sĩ vào cõi sống chết, dạy sắc hiện đang cảm nhận, đủ hết những gì không sạch, không ngọt, không sướng, như người nấu bếp gượng ăn thịt ngậm nuốt vào mà không thấy ngon.


26
Xưa A Nan vào thành khất thực, lúc ấy con gái nhà đạo tà ra đi lấy nước, thấy A Nan đẹp đẽ, có ý thương yêu, về nhà nói với mẹ: “Ngoài có đệ tử Cù Đàm, xin mẹ đem đến cho con”. Bà mẹ bèn triệu quỉ mình thờ, khiến mê hoặc A Nan. A Nan bất giác bỗng đến nhà đó. Bấy giờ, mẹ đạo tà bảo A Nan: “Nay ta đem con gái cho anh, anh không được đi nữa”. A Nan trả lời: “Tôi không làm theo lời bà”. Bà mẹ đạo tà làm một hầm lửa, bảo A Nan: “Anh đến lửa cháy, hay anh đến con gái ta?”. A Nan sợ hãi, một lòng nghĩ Phật.

Đức Phật liền duỗi tay xa xoa đầu A Nan. Quỉ nhà đạo tà thấy tay Phật từ không trung đến, oai thần vô lượng, đều vội vã chạy qua đẩy mẹ đạo tà rớt vào hầm lửa, thân thể cháy rụi, thế mà vẫn được sống. A Nan tức thì được trở về chỗ Phật. Sau đó mẹ đạo tà triệu quỉ mà trách kể: “Các ngươi không thể chuyển đệ tử Cù Đàm khiến mê hoặc, sao lại xô ta rớt trong hầm lửa”. Quỉ đáp: “Ta xưa cùng Ba Tuần hợp một đám tám mươi ức, đến cây bồ đề định phá Bồ tát. Bồ tát dùng tay chỉ đất, ngón tay thon dài sát nhau, bàn tay trong ngoài có ngàn xoáy, oai thần vô lượng. Tám mươi ức chúng đều rớt lộn nhào, không phục hình được. Nay lại ruổi tay đến, chúng tôi thật rất sợ, vì thế tẩu tán, không thể trụ được. Chúng ta là quỉ, tự có nết thương, nếu làm trúng người, không trúng, bèn trở hại mình, tưởng đó cũng biết đã lâu, sao lại trách ta?”. Mẹ đạo tà mới biết đức Phật là đáng kính, liền qui y Tam Bảo, chứng được quả Tu đà hoàn.


27
Xưa bờ biển có cây cối trong mấy mươi dặm, có hơn năm trăm con khỉ. Bấy giờ trên nước biển có đám bọt cao mấy chục trượng giống như núi Tuyết, theo thủy triều mà trôi đến ở bờ biển. Các con khỉ thấy, tự bảo nhau: “Chúng ta lên đầu núi đó, đi du hí đông tây, cũng không sướng sao?”. Lúc ấy, một con khỉ leo lên đầu núi thì rơi tuột chìm xuống đáy nước. Bọn khỉ thấy, lấy làm lạ, lâu không ra lại, bảo trong núi sung sướng vô cùng, nên không trở ra. Chúng đều tranh nhau nhảy trong đám bọt. Cùng lúc chết chìm.

Đức Phật mượn đó làm thí dụ. Biển là biển sinh tử. Nước bọt là thân năm ấm. Con khỉ là thần thức con người, không biết năm ấm không có, vì ái dục si mê đeo đuổi, là chết chìm trong biển sống chết, chẳng có lúc ra. Nên Duy Ma Cật nói: “Thân này như đám bọt, tắm rửa gắng chịu”.


28
Xưa trưởng giả Tu Đạt bảy lần nghèo. Lần chót rất nghèo đến nỗi không có một tiền. Sau trong giỏ rác có được một ghế gỗ, kỳ thật là chiên đàn. Bèn đem ra chợ bán. Được bốn đấu gạo, về nói với vợ: “Đem hầm một đấu, anh sẽ đi tìm về”. Bấy giờ Phật nghĩ: “Nên độ Tu Đạt, khiến phước sinh lại”. Hầm gạo mới chín, Xá Lợi Phất lại. Người vợ thấy vui mừng, đem cơm cả đấu gạo đặt vào trong bát. Rồi nấu một đấu khác. Mới chín thì Mục Kiền Liên lại đến, bà cũng vui vẻ cho hết. Lại nấu một đấu khác, Ca Diếp lại đến, bà cũng lại đem cho. Chỉ còn có một đấu, lại đem nấu chín. Đức Như Lai tự thân đến. Người vợ tự nghĩ: “Mấy ngày hết gạo, chẳng có người đến. Nay có gạo này, đức Như Lai tự thân đến, thì há không được chuyện hết tội, phước sắp muốn sinh ư?”. Bèn đem cơm cả đấu gạo cúng đức Như Lai. Đức Phật miệng chú nguyện: “Tội diệt phước sinh, từ nay trở đi”.

Tu Đạt bỗng trở về, người vợ sợ ông nổi giận, bèn nói: “Như nay đức Phật đến và Xá Lợi Phất, Mục Liên, Ca Diếp cùng đến hết để xin khất thực, trong nhà có bao nhiêu gạo, có nên cho chăng?”. Đáp: “Nên cho ruộng phước khó gặp, nếu ai đến xin, ấy là gặp gỡ”. Người vợ nói: “Bốn đấu gạo ban nãy, tôi dùng hết rồi”. Người chồng rất vui mừng. Chỉ còn lại nước cơm, hai ông bà cùng uống. Chốc lát chẳng bao lâu, trân báu, lúa ăn, vải vóc tự nhiên chất đầy các nhà, như lúc trước giàu có. Tu Đạt mừng rỡ, biết Phật thương nghĩ, lại thỉnh Phật và chúng tăng cúng dường hết sạch. Đức Phật vì họ thuyết pháp, họ đều được dấu đạo.


29
Xưa có người con trưởng giả, mới cưới vợ và rất chi thương kính. Chồng bảo vợ: “Em vào trong bếp lấy rượu nho ra cùng uống”. Vợ đi lấy, mở hủ, tự thấy bóng mình trong hũ ấy, cho là có người đàn bà khác, rất tức giận, trở lại nói với chồng: “Anh tự có vợ giấu trong hũ, lại đi cưới tôi làm gì?”. Chồng tự mình vào bếp xem, mở hũ thấy bóng mình, giận ngược lại người vợ, cho vợ giấu trai. Hai người càng giận nhau, mỗi người tự bảo mình là đúng. Có một Phạm chí vốn rất thân tình với người con trưởng giả đi qua thấy hai vợ chồng cãi nhau, hỏi lý do, lại đi xem, cũng thấy bóng mình, tức giận trưởng giả tự có người thân hậu đem dấu trong hũ, mà giả bộ cãi nhau. Bèn liền bỏ đi. Lại có một Tỳ kheo ni, mà trưởng giả thờ phụng, nghe họ cãi nhau như vậy, bèn đến xem trong hủ, thấy có Tỳ kheo ni, cũng tức giận bỏ đi. Chốc lát có nhà sư cũng đến xem, biết đó là bóng, bùi ngùi than: “Người đời u mê, lấy không làm có thật”. Rồi kêu người vợ cùng vào xem. Nhà sư nói: “Ta sẽ vì con mà lấy người trong hũ ra”. Bèn lấy một cục đá lớn đập vỡ hũ rượu thì rõ ràng không có gì hết. Hai người lòng hiểu, biết chắc là bóng mình, ai cũng cảm thấy xấu hổ. Tỳ kheo vì họ giảng giáo lý chính yếu. Vợ chồng cùng chứng được bất thối chuyển.

Đức Phật lấy việc ấy làm thí dụ. Thấy bóng cãi nhau, ví người trong ba cõi không biết năm ấm, bốn đại, khổ, không, ngã, bất độc, nên sống chết không dứt. Đức Phật giảng xong lúc ấy, vô số ngàn người đều chứng được lẽ vô ngã.


30
Lúc đức Phật còn ở đời, có một nhà giàu lớn sáu người ăn. Nô tỳ, vàng bạc, trân báu không thể kể xiết. Đức Phật cùng A Nan đi vào phố xóm khất thực. Qua nhà có duyên trước, đức Phật đến ngoài ngõ thì cha mẹ con dâu cháu chắt nhảy nhót mừng vui, mời Phật vào ngồi. Trong phòng chỉ thảm nhung, chén bát cúng dường đều bằng vàng bạc pha lê. A Nan quì xuống bạch Phật: “Người này vốn có công đức gì mà giàu lớn đến thế?”. Đức Phật bảo A Nan: “Người này thời trước, gặp đời đói rách, trong nhà nghèo khổ, cỏ cây khô hạn, chỉ đến bờ sông, lặt lượm khắp nơi đêm về dùng để sống, nấu canh vừa chín, thì bên ngoài có nhà sư đến khất thực, bèn ra xem thấy sa môn. Cha mẹ liền nói: “Đem phần ta cho sư”. Con cái cháu chắt mỗi đứa tự đem phần mình nhường cho cha mẹ, mời cha mẹ ăn. Sáu người cùng một lúc phát nguyện mỗi người cúng phần ăn một ngày của mình. Nhờ phước mà sinh lên trời hay trong cõi người, thường được yên ổn, giàu có nhiều của cải. Vì cùng phát tâm giống nhau, cha mẹ con cái lớn nhỏ cùng lúc thọ năm giới, chết sinh lên trời, thọ phước vô lượng.


31
Xưa có ba người cùng nghèo khổ, chỉ đi làm nghề bán củi. Bấy giờ là ngày tám tháng tư, chúng Tỳ kheo ở trong chùa làm lễ tắm tượng Phật. Phật Thích Ca Văn lúc ấy cũng ở trong chúng làm duy na. Ba người qua trước chùa, nghe hôm nay tắm tượng, bèn vào xem. Ba người cùng phát tâm, cùng lấy một tiền đem đặt trước tượng, mỗi người khấn tâm nguyện mình. Một người nói: “Xin cho tôi đời sau nhiều của báu, chớ khiến gặp lại cảnh này”. Nên khi chết được sinh vào nhà đại phú, chỉ có một con, tới tuổi trưởng thành, làm đệ tử Phật, luôn sinh lên trời hay trong cõi người. Một người nói: “Xin cho biết làm thầy trị hết bệnh mọi người, khiến tôi được nhiều của”. Nên khi chết sinh nhà Kỳ Vụ, hiểu biết y phương, trị không bệnh gì là không lành, cũng lại sinh lên trời hay trong cõi người, luôn giàu sướng lớn. Một người nói: “Xin cho tôi đời sau sống lâu, chẳng phải vắn số”. Sau sinh lên trời thứ 24, thọ sáu mươi kiếp.

Đức Phật dạy: “Ba người này mỗi người có một nguyện, đời đời được phước vô lượng. Nay ba người ấy đều làm đệ tử của ta, chứng được quả la hán”.


32
Người thế gian vào biển tìm báu, có bảy nạn. Một là gió lớn bốn mặt đồng thời nổi lên khiến thuyền lật úp. Hai là thuyền muốn vỡ mà thủng. Ba là người muốn rớt nước chết mà lên được bờ. Bốn là hai rồng lên bờ muốn ăn thịt. Năm là được chỗ đất bằng, ba rắn độc đuổi theo muốn ăn. Sáu là đất có cát nóng, đi trên cháy gót chân người. Bảy là trông lên không thấy trời trăng, thường tối tăm không biết đông tây. Ấy là nạn lớn.

Đức Phật bảo: “Các đệ tử! Các con cũng có bảy việc khó. Một là bốn mặt gió lớn thổi, tức sinh, già, bệnh, chết. Hai là sáu tình cảm nhận vô hạn, ví như thuyền thủng. Ba là rớt nước sắp chết, tức bị vua bắt được. Bốn là hai rồng trên bờ muốn ăn thịt, tức ngày tháng gặm nhấm mạng sống. Năm là đất bằng có ba rắn độc, tức ba độc trong người mình. Sáu là cát nóng cháy gót chân, tức lửa trong địa ngục. Bảy là ngó lên không thấy trời trăng, tức chỗ chịu tội tối tăm mịt mùng không có ngày ra”.

Đức Phật dạy: “Các đệ tử phải biết nghe lời dạy đó, chớ bỏ qua, phải siêng làm sáu việc, mới có thể được giải thoát”.

Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Tp. Hồ Chí Minh: NXB Tp.Hồ Chí Minh, 1999, tr. 203-204.




CHÚ THÍCH

[15] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Tp. Hồ Chí Minh: NXB Tp.Hồ Chí Minh, 1999, tr. 203-204.
[16] Lê Mạnh Thát, Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên dân tộc ta, Sài Gòn: Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1972, tr. 254-321.
[17] Lê Mạnh Thát, Khương Tăng Hội toàn tập I, Sài Gòn: Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1975.
[18] Lê Mạnh Thát, Sơ khảo lịch sử Phật giáo Việt Nam II, Tp. Hồ Chí Minh: Tu thư Phật học Vạn Hạnh, 1979.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]