Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3

24/04/201313:33(Xem: 4547)
Phần 3

Hành Trình Đến Chánh Niệm

Tự Truyện Của Bhante G.

Journey to Mindfulness: The Autobiography of Bhante G.


Tác Giả: Bhante Henepola Gunaratana

Jeanne Malmgren

Chuyển Ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh

Phần 3

Chương 21. Viên Chức Bhante G.

Nhiều việc tôi làm ở Chùa -cắt cỏ, nấu ăn, sửa ống nước, đóng đinh –là những việc mà quý thầy theo truyền thống thường không làm. Cuộc sống của chúng tôi phải là một cuộc sống yên tĩnh, giản đơn. Nhưng Mỹ là một thế giới mới, và tôi bắt buộc phải đảm nhận một vai trò mới.

Dần dần, tôi còn phải học lái xe!

Một ngày kia, một phụ nữ Mỹ trẻ và bạn trai của cô đến Chùa. Họ là những vị khách thường xuyên viếng Chùa. Tôi nhờ họ chở giùm đến một tiệm bán đồ gia dụng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhờ họ như thế. Bất cứ khi nào có ai đến Chùa, tôi thường xin quá giang đến tiệm thực phẩm, tiệm điện, nơi giặt đồ -bất cứ nơi nào tôi cần đến.

Điều đó cũng làm tôi khó chịu, vì các tu sĩ lý đáng ra không được vì lợi ích riêng của mình mà nhờ các cư sĩ làm bất cứ chuyện gì. Điều đó được xem như là quá tham, quá bám víu.

“Bhante,” người phụ nữ trẻ nói, “vậy là không công bằng. Chúng tôi đến Chùa để thư giãn, đọc sách và hành thiền. Nhưng vừa bước chân vào, sư đã nhờ chúng tôi chở sư đi khắp nơi.”

Tôi đỏ mặt vì giận.

“À, vậy tôi phải làm việc như nô lệ để cô có thể đến đây thư giãn, tọa thiền thoải mái sao? Tôi chỉ nhờ cô giúp đỡ. Bằng không, tôi không thể làm những việc lặt vặt này.” 

Cô ta nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói.

“Nếu chúng tôi dạy sư lái xe thì sao? Như thế thì sư có thể đi bất cứ nơi nào mà sư cần đi, bất cứ lúc nào.”

Tôi cảm thấy thật tuyệt vọng.

“ Làm sao tôi làm được chuyện đó? Tôi không có xe. Và hơn thế nữa, là tu sĩ, tôi không thể nhờ người khác dạy lái xe.”

“Sư đâu có nhờ,” cô phân trần. “Tôi tự nguyện mà.”

Thế là ngày hôm sau đó, người bạn trai của cô lái một chiếc Dodge to vào chùa. Chiếc xe Dodge đó là của cô gái, nhưng cô đã nhờ bạn trai tập cho tôi lái. Tôi chưa bao giờ ngồi sau tay lái, nên rất phấn khởi nhập cuộc.

Sau vài hướng dẫn của anh, tôi bắt đầu lái xe ra đường, và tập cũng khá tốt. Rồi chúng tôi đi vào đường số 16, một con đường khá nhộn nhịp. Người dạy lái xe định đưa tôi qua một con đường nhỏ hơn dọc theo công viên Rod Creek, nơi tôi có thể thực tập mà không phải lo lưu lượng xe nhiều. Chúng tôi đến ngã tư của đường số 16 và đại lộ Colorado, cắt chéo qua đường số 16. Ông thầy bảo tôi rẽ trái, nhưng tôi đang quá chú tâm vào việc lái xe nên cứ lao tới.

“Chậm lại!” ông thầy la lên. “Chậm lại!”

Nhưng đã quá trễ. Tôi tông vào một chiếc Saab xanh đang dừng giữa ngã tư.

Tôi nhảy ra khỏi xe và chạy lại bên chiếc Saab. Thật hú hồn, người lái xe, một phụ nữ trẻ, hình như không hề hấn gì.

Tuy nhiên, xe của cô thì bị hư hỏng nặng. Cú tông vào phía trước xe khiến đèn, bửng xe, mọi thứ đều hư hại. Và dưới cái mui xe nhăn nhúm, bình nước xe đang xịt nước ra.

Tôi rối rít xin lỗi cô gái, rằng tôi chỉ là người đang học lái xe. Cô ta mỉm cười.

“Xin ông đừng lo,” cô nói. “Chuyện này có thể xảy ra cho bất cứ ai.”

Tuy nhiên khi cảnh sát đến, tôi bị phạt 25 đô. Tôi nghĩ là tôi đã thoát nạn một cách dễ dàng, vì kể ra tôi không có đến một giấy phép học lái xe.

Trở về chùa, tôi gọi người phụ nữ, chủ của chiếc Dodge. Tôi rất áy náy về chiếc xe của cô.

“Xin sư đừng lo lắng,” cô trấn an tôi. “Tôi có bảo hiểm, và cha mẹ tôi sẽ lo chuyện đó. Không có gì quan trọng đâu.”

May mắn thay, ông thầy dạy lái xe không nản chí vì tôi. Những tuần lễ sau đó, anh ta đến chùa bất kỳ khi nào có thời gian, và tôi tập lái bằng xe của anh. Anh rất kiên nhẫn với tôi.

Sau một buổi học thêm chính thức ở trường lái xe, tôi sẵn sàng để xin giấy phép lái xe. Lần đầu tiên, tôi rớt bài thi lái xe. Tôi đã vượt qua một chiếc xe tải đang ngừng ở một ngọn đèn xanh. Người coi thi cho rằng đèn thực ra đã chuyển sang đỏ, nhưng tôi không thể thấy vì tôi quá thấp và chiếc xe tải đã cản tầm nhìn của tôi.

Lần thi thứ hai, tôi cẩn thận hơn, và đã vượt được kỳ thi. Tôi thật hãnh diện được có bằng lái xe ở Mỹ!

Nhưng dĩ nhiên là chúng tôi không đủ tiền mua xe cho chùa, vì thế tôi vẫn còn phải luôn nhờ vả người khác. Trong những trường hợp khẩn cấp, tôi mượn xe của tòa đại sứ Ceylon. Cho đến ngày nay, tôi rất ít lái xe, mặc dầu tôi biết lái –ít nhất là tôi nghĩ tôi biết!

Một ngày vào tháng 5 năm 1975, vị trưởng ban truyền giáo ở đại học American báo rằng có người của State Department (cơ quan hành chính tiểu bang) đã gọi tìm tôi. Khi tôi gọi đáp lại, người ở đó hỏi tôi có muốn giúp một số người Việt Nam di tản vừa đến Mỹ. Cơ quan này cần một nhà truyền giáo Phật giáo để trông coi một trong những trại tị nạn đã được thiết lập tại tiểu bang Florida.

Tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm làm việc với người di tản, mà cũng không nói được tiếng Việt hay tiếng Pháp, nhưng tôi đã đồng ý.

Sau đó tôi gọi cho một người bạn của tôi, John Garges, một trong những thành viên người Mỹ của chùa. John đã có kinh nghiệm làm việc với người di tản và anh nói được một ít tiếng Pháp. Vì thế anh tình nguyện đi theo tôi làm thông dịch, khi cần.

Hôm sau chúng tôi đến căn cứ không quân Andrews theo lời dặn. Chúng tôi phải điền một số giấy tờ, rồi một số viên chức phỏng vấn chúng tôi. Sau đó họ bảo chúng tôi đi chích ngừa, rồi hôm sau quay trở lại. 

Chúng tôi vẫn chưa biết là nhiệm vụ này sẽ kéo dài bao lâu, ở nơi chốn nào. Tôi không biết gì để hỏi những điều như thế.

Hôm sau đó, một chiếc phản lực trong căn cứ chuyển chúng tôi đến căn cứ không quân Eglin gần Pensacola, Florida. Chúng tôi là hai hành khách duy nhất.

Người ta dành cho chúng tôi một căn phòng tiện nghi để ở, rồi giải thích rõ nhiệm vụ của tôi ở đây. Căn bản, là tôi ở đó để an ủi mười ngàn người Việt Nam di tản vừa bắt đầu đến. Người ta bảo tôi phải thăm viếng họ mỗi ngày, thực hiện các nghi lễ tôn giáo, và hỗ trợ họ với bất cứ những sự an ủi tâm linh nào mà họ cần đến. Cũng có các tu sĩ Ky-tô giáo và Tin lành ở trại để giúp những người tị nạn vừa chuyển theo các đạo này.

Buổi trưa đầu tiên, khoảng hai giờ sau khi chúng tôi đến trại, một chiếc phi cơ chở đầy người tị nạn đã đến. John và tôi ra đón họ. Già trẻ, nam nữ, đủ cả. Đa số bước ra khỏi máy bay trong những bộ quần áo cũ rách, mang theo ít hành lý hoặc là không có gì cả. Họ có vẻ bị sốc, nhiều người đã khóc, nhất là trẻ em. Một số rõ ràng là bị bệnh hay bị thương; số khác có vẻ bị khủng hoảng tinh thần. Nhiều người đã phải xa lìa người thân -cha mẹ, anh em, vợ chồng. Có người bám chặt vào tay của những người hoàn toàn xa lạ.

Khi nhìn thấy tôi trong bộ y vàng, nhiều người mỉm cười. Có người bật khóc và vái chào tôi không nghỉ.

Mỗi ngày chúng tôi đều thấy hàng đoàn máy bay chở đầy người tị nạn, và mỗi ngày những hình ảnh đó lại tái diễn. Hình ảnh thân quen của một nhà sư Phật giáo dường như là cái phao của sự sống đối với nhiều người tị nạn đã quá đau thương vì chiến tranh, giờ lại đặt chân đến một xứ sở hoàn toàn xa lạ.

Sau hai tuần, John phải trở về với công việc của anh ở Washington, và một lần nữa, tôi lại đơn độc và không có xe. Vì thế tôi hỏi người chịu trách nhiệm ở Văn phòng Tiểu Bang xem có ai có thể chở tôi mỗi ngày từ chỗ trú ngụ đến trại tị nạn. Sáng hôm sau một chiếc taxi của không lực đến đậu trước cửa phòng, và người lái xe bước ra, đầy vẻ bối rối. 

“Tôi đến để rước viên chức Bhante G.,” anh ta nói, trố mắt nhìn chiếc y vàng của tôi.

“Chính tôi,” tôi trả lời.

“Như thế thì tôi không thể đưa ông đi được,” anh ta nói. “Dân sự không thể ngồi trong xe này. Nó chỉ dành cho các viên chức.”

Sau đó, tôi được giao một chiếc xe của Văn phòng Tiểu bang và tự lái. Tôi cũng gặp vấn đề tương tự khi lần đầu tiên vào ăn trưa ở trong câu lạc bộ sĩ quan. Là nhân viên của trại, tôi được vào ăn ở đó, dầu tôi không ở trong quân đội. Nhưng “đồng phục” của tôi khiến nhiều người dòm ngó.Tuy nhiên, dần dần người trong trại cũng bắt đầu nhận ra tôi và chiếc y của tôi.

Công việc giúp người tị nạn của tôi rầt có kết quả. Tôi cảm thấy mình đã mang đến cho họ những sự an ủi mà họ cần ở một thời điểm rất khó khăn trong cuộc đời họ. Đó là phần dễ dàng của công việc.

Phần khó khăn là hòa hợp với một số các vị truyền giáo khác ở trại. Một số coi đây là một cơ hội lý tưởng để kêu gọi người khác vào đạo của mình: Ở đây có hàng ngàn linh hồn cần được cứu rỗi.

Các buổi lễ theo nghi thức tôn giáo được diễn ra trong một căn lều rộng, và các tôn giáo thay phiên nhau hành lễ ở đó. Khi hành lễ, tôi đặt tượng Đức Phật trên bàn thờ. Khi người Ky-tô giáo hay Tin lành hành lễ, thì họ sẽ đặt thánh giá trên bàn thờ.

Căn lều để hành lễ ở cạnh bên một căn lều nhỏ hơn, là văn phòng làm việc của tôi. Một ngày kia, trong lúc đang làm việc, tôi thấy khoảng ba mươi trẻ em bị lùa vào trong cái lều rộng đó. Đa số các em dưới mười tuổi. Một trong những vị mục sư Tin lành, một người rất ganh tị, đi với chúng. Tôi nghe ông bắt đầu lên giọng đọc kinh rửa tội.

Tôi vội vã qua đó, ngăn cản buổi lễ.

“Joseph, ông làm vậy là không đúng,” tôi nói. “Tôi đã thấy ông đi khắp cả trại, thuyết phục cha mẹ chúng cho chúng vào đạo.”

Cả ông ấy và tôi đều biết rằng phần lớn các em này rồi cũng theo đạo Ky-tô giáo thôi. Tất cả mọi tổ chức tôn giáo bảo trợ người tỵ nạn đều là Ky-tô giáo. Cuối cùng khi chúng rời trại đi định cư, chúng bắt buộc phải đi nhà thờ Ky-tô giáo thôi. Nhưng ít nhất, điều đó cũng xảy ra sau này. Tôi nghĩ rằng việc bắt họ vào đạo ngay cả trước khi họ rời trại là không đúng. 

“Những người tỵ nạn này giống như người đang chết đuối,” tôi bảo với ông ta. “Họ sẽ chấp nhận bất cứ điều gì ông bảo họ, vì họ chỉ muốn ra khỏi trại tỵ nạn thôi. Ông có thấy tôi cố gắng thuyết phục người tỵ nạn Ky-tô giáo nào cải đạo sang Phật giáo không?”

Tôi rất bực mình. Tôi đi ngay đến văn phòng của State Department ở trong trại, và báo cáo lại sự việc. Tôi bảo với vị sĩ quan rằng những việc dụ dỗ cải đạo như thế, chỉ làm mang tiếng cho tất cả mọi hoạt động giúp đỡ người tỵ nạn. Ngày hôm sau, trong tờ tin của trại tỵ nạn, có một bài báo đưa ra những luật lệ nghiêm cấm không ai được kêu gọi người tỵ nạn cải đạo của họ. 

Cũng may là phần lớn các nhà truyền đạo khác rất tôn trọng nhau. Một ngày kia, tôi trao đổi với hai thầy tu Ky-tô giáo, một người Việt Nam và một là Mỹ. Thầy tu người Mỹ đeo hai xâu chuỗi trên cổ, một với thánh giá và một với tượng Phật nhỏ. Ông nói rằng sáng đó hai xâu chuỗi dính vào nhau, ông khó lòng gỡ chúng ra.

“Như vậy là không nên để thánh giá và tượng Phật gần nhau,” thầy tu người Việt Nam nói.

“Không, không phải vậy,” tôi nói. “Đó là chúa Jesus và Đức Phật rất thương yêu nhau đến nỗi ta không thể tách biệt họ”. 

Khi mới đến trại, tôi dự định dùng những quyển kinh tụng bằng tiếng Pali trong các nghi lễ Phật giáo. Tôi nghĩ rằng phần đông Phật tử Việt Nam rất quen thuộc với tiếng Pali. Rất tiếc, không phải thế.

Một ngày kia khi tôi đi vòng quanh trại, một cậu bé chào tôi bằng những lời: “Namo ayidafat.” (ND: Nam Mô A Di Đà Phật)

“Con nói gì,” tôi hỏi cậu bé.

Cậu ta lập lại: “Namo ayidafat.”

Tôi hỏi cậu câu đó nghĩa là gì.

“Con không biết,” cậu bé trả lời. “Chỉ biết là khi gặp quý thầy, chúng con đều chào thế.”

Khi cậu bé cho biết cha mẹ cậu có quyển sách với những lời như thế viết trong đó, tôi yêu cầu cậu dẫn tôi đến gặp họ. Khi tôi đến lều của họ, họ mời tôi ngồi. Tôi hỏi nếu tôi có thể mượn quyển sách kinh bằng tiếng Việt của họ? Họ rất hoan hỷ cho tôi mượn. Tôi mang quyển sách đến phòng in trong trại và nhờ làm hai ngàn bản copy. Trong vòng một đôi ngày, tôi đã có được những quyển sách nhỏ, và các nghi lễ của chúng tôi bắt đầu được thực hiện bằng tiếng Việt Nam thay vì tiếng Pali. Tôi yêu cầu một cư sĩ Việt Nam cao tuổi hướng dẫn xướng tụng và tôi lần theo với tất cả sự cố gắng của mình, vì tôi không hề biết ngôn ngữ đó. Rồi tôi giảng Pháp bằng tiếng Anh, và vị cư sĩ đó dịch sang tiếng Việt. Tôi có thể thấy trên gương mặt rạng rỡ của những người tỵ nạn là họ rất cảm kích việc làm này của chúng tôi.

Tôi cũng dạy các lớp tiếng Anh và đều rất vui cả cho tôi cũng như cho các em học sinh. Lớp của tôi dường như lúc nào cũng đông đúc.

Một phần khác trong công việc của tôi là giúp tìm những người bảo trợ -các gia đình hay cá nhân bằng lòng nhận một vài người tỵ nạn đến cộng đồng của họ, và giúp người tỵ nạn tìm nhà ở và công việc làm. Tôi được ban quản lý trại giao cho một điện thoại mà tôi có thể gọi những người có khả năng bảo trợ bất cứ ở nơi nào trên đất Mỹ.

Chúng tôi phải xác minh lý lịch của những người bảo trợ, nhưng đôi khi cũng có người với ý đồ xấu lọt qua được. Một ngày kia, có ba người đàn ông đến trại và chọn ba cô gái khoảng tuổi mười bốn đến mười tám. Những người này nói rằng họ muốn bảo trợ các cô gái. Họ đã ký những giấy tờ cần thiết và dợm bước ra khỏi trại cùng với các cô gái.

Ngay khi vừa thấy như thế, tôi liền chặn họ lại. Những cô gái này không thể rời trại mà không có cha mẹ họ đi cùng, tôi nói. Nếu họ không có cha mẹ ở đây, thì họ phải được bảo trợ cùng với những người Việt Nam lớn tuổi khác để chịu trách nhiệm cho họ.

Dĩ nhiên là tôi không thể chắc chắn, nhưng tôi nghĩ là có thể tôi đã cứu những cô gái này khỏi cuộc đời của những cô gái bán thân hay tệ hơn thế nữa.

Một lần khác, có một phụ nữ sống gần trại, đã đồng ý bảo trợ một thanh niên Việt Nam, nhưng bà đã đem anh ta trả lại trại, nói rằng bà không muốn giữ anh lại. Bà chỉ mới bảo trợ anh được một tháng.

“Tôi tưởng anh ta là một con chiên ngoan,” bà ta nói, miệng trề xuống.

“Anh ta không phải là một người Ky-tô giáo sao?” tôi hỏi.

“Không, không phải như thế tí nào,” bà ta trả lời. Rõ ràng là rất thất vọng.

“Vậy anh ta theo đạo gì?”

“Anh ta theo đạo Phật,” bà sẵng giọng. “Tôi mới vừa khám phá ra”.

“À, vậy thì điều gì đã làm cho bà nghĩ anh ta là một con chiên của Chúa?”, tôi hỏi.

“Vì anh ta có vẻ tử tế và lễ phép. Anh ta rất kiên nhẫn và luôn đối xử với tôi một cách kính trọng.”

Tôi cũng thường gặp những sự đối xử phân biệt như thế. Thí dụ, không lâu sau khi tôi đến trại, một bài biên tập với những lời lẽ thô bạo xuất hiện trên một tờ báo địa phương. Sao chính phủ Mỹ có thể dùng tiền thuế của dân để đem một kẻ ngoại đạo đến đây hòng giúp đỡ người tỵ nạn Việt Nam ở trại? Nếu những kẻ tỵ nạn khốn khổ đó không trở thành con chiên của Chúa, người viết tuyên bố, vậy thì hãy để họ xuống địa ngục. Đừng dùng tiền đóng thuế của chúng tôi để dạy cho họ một tôn giáo của satan (ma quỷ).

Phản ứng của tôi đối với những sự phân biệt đối xử này thường rất đơn giản: đáp lại bằng tâm từ, hay metta. Đó là một trong bốn ba la mật hay những tình cảm tối thượng đã được Đức Phật mô tả. Đó là một ước muốn trong sạch, không vụ lợi, vì lợi ích cho người, một tình thương không bám víu hay mong đợi đáp trả, được thực hành một cách vô điều kiện. Đó là một nguyên tắc căn bản tuyệt đối hỗ trợ cho tất cả mọi ý nghĩ, lời nói và hành động thiện.

Lòng từ bi phá vỡ mọi ngăn cách về tôn giáo, văn hóa, địa lý, ngôn ngữ, và quốc tịch. Nó là một định luật vũ trụ, truyền thống, đã nối kết tất cả chúng ta lại với nhau. Chúng ta cần có tâm từ để sống và làm việc với nhau một cách hòa hợp. Nhất là vì những sự khác biệt của chúng ta, chúng ta còn cần tâm từ nhiều hơn nữa. Và khi chúng ta trải rộng tình cảm này đến người khác, tự nhiên nó cũng khiến cho cuộc sống của chúng ta hạnh phúc và an tịnh hơn. Trong trại tỵ nạn đó, mỗi ngày tôi đều sử dụng năng lực của tâm từ. Người tỵ nạn cần nó để hàn gắn vết thương tâm lý, tình cảm của họ. Tôi cũng cần đến nó, để có thể giữ vũng tinh thần làm việc với họ trong những hoàn cảnh khó khăn này. Và những người chống đối công việc tôi đang làm –đúng ra, họ cũng cần đến nó nữa. 

Một ngày kia có một đám cưới theo đạo Ky-tô giáo ở trại tỵ nạn, do hai vị tu sĩ Ky-tô giáo Việt Nam cử hành. Chẳng lâu sau đó, một đôi bạn trẻ khác đã tìm đến tôi và yêu cầu tôi thực hiện đám cưới theo nghi lễ Phật giáo cho họ. Tôi bảo với họ rằng người tu sĩ Phật giáo không được phép làm lễ cho đám cưới, nhưng nếu họ có thể tìm một vị cao niên để thực hiện các nghi thức thì tôi sẽ làm lễ chúc phúc, cầu an cho họ. Thực ra, chúc phúc, cầu an cho đám cưới thì cũng giống như cho những dịp khác –cũng là những lời mà vị tu sĩ sẽ tụng ở lễ tân gia, lễ mừng có em bé, sinh nhật hay bất cứ trường hợp đáng nhớ nào. Lễ cầu an bao gồm Kinh Hạnh Phúc (Mangala Sutta) (“Kinh Phước Báu –Blessing Sutta”, liệt kê ba mươi tám loại phước báu); Kinh Ratana (“Kinh Tam Bảo,” liệt kê những đặc tính đáng ngưỡng mộ của Tam Bảo); Kinh Karaniyametta (“Kinh Từ Bi,” đề cao những đức tính của tâm từ bi); và Jayamangala Atthagatha (“Bát Đại Thi về sự Chiến thắng vinh quanh,” phác họa lại những giai đoạn trong cuộc đời Đức Phật khi Ngài chiến thắng kẻ thù bẳng những đức tính như độ lượng, trí tuệ, kiên nhẫn, chân thật, vân vân).

Sau khi đọc xong các kinh này ở lễ cưới, vị tu sĩ sẽ vẩy nước lên đôi vợ chồng, và cột một sợi dây vàng ‘chúc phúc’ quanh cổ tay của họ. 

Vì thế, khi các đôi vợ chồng người tỵ nạn nhờ tôi thực hiện các nghi lễ đám cưới cho họ, tôi biết là tôi có thể đảm nhận phần chúc phúc. Những thứ rắc rối khác, tôi để cho bà Longacre, một phụ nữ tình nguyện thường đến làm việc trong trại. Bà vui vẻ lo áo cưới cho cô dâu, bộ veston cho chú rể, nhẫn, bánh và nước ngọt cho một buỗi lễ nhỏ. Đôi vợ chồng tưởng chỉ được có một buỗi lễ theo kiểu Mỹ, đã rất vui mừng vì việc này.

Sau đó, dường như có cơn sốt đám cưới tràn khắp trại, và tôi là vị tu sĩ Phật giáo duy nhất ở đó. Nên có ngày tôi phải làm lễ cho đến ba đám cưới! 

Gần như mỗi ngày, tôi đều gọi điện cho Washington để chắc chắn rằng mọi việc đều suôn sẻ ở chùa. Đại đức Piyananda nói chuyện với tôi, nhưng một cách miễn cưỡng. Ông trả lời ngắn ngủi và cộc lốc. Tôi đoán là ông giận vì tôi đã đi Florida và để ông ở lại lo tất cả công việc trong chùa. Nhưng ông chẳng bao giờ nói thẳng điều đó ra, ông chỉ nung nấu sự phiền hà trong im lặng.

Một lần khi tôi gọi, cháu của tôi, Upali, trả lời điện thoại.

“Sư Piyanada thế nào?” tôi hỏi cháu.

“Sư đang chuẩn bị trở về Ceylon,” cháu trả lời.

“Cái gì? Cho Sư nói chuyện với ông ấy.”

Đại đức Piyananda bắt điện thoại.

“Thưa Sư, có đúng thế không? Sư sắp trở lại Ceylon?”

“Đúng vậy,” ông trả lời.

“Khi nào Sư đi?”

“Ngày mai.”

Tôi không thể tin được.

“Sư là vị tu sĩ duy nhất ở chùa,” tôi nói. “Sư không thể đi. Sư có thể đợi đến khi tôi trở về không?”

“Không,” ông gằn giọng trả lời. “Tôi phải đi ngay bây giờ.”

“Sao sư làm vậy?” tôi van nài. “Tại sao sư để chùa không có người tu nào?”

Ông không nói gì. Tôi cầm điện thoại, chờ đợi, nhưng chỉ có sự im lặng. Cuối cùng tôi gác máy. Sau đó tôi được biết rằng có một vị sư người Sinhala, Đại đức Piyadassi, đang viếng thăm chùa ở Washington. Tôi gọi Michael Roehm và nhờ anh gia hạn lời mời để vị sư đó có thể ở lại lâu hơn là dự định, cho đến khi tôi trở lại. Tôi cũng gọi đến các trại tỵ nạn khác, và hỏi xem nếu có vị tu sĩ Phật giáo nào trong những người tỵ nạn. Ở trại Chaffee, tiểu bang Arkansas, có một vị tu sĩ người Việt Nam, đã gia nhập tăng đoàn khi lớn tuổi, sau khi đã có gia đình và con cái. Thật may, vị này nói tiếng Anh khá giỏi. Vì thế tôi hỏi nếu ông muốn đến Washington, sống ở chùa. Ông ta bằng lòng.

Sự dàn xếp chắp vá đó cũng tạm ổn cho đến ngày tôi trở lại chùa. 

Vào tháng tám, Văn Phòng Tiểu Bang yêu cầu chúng tôi khẩn trương tìm người bảo trợ cho những người tỵ nạn còn lại. Họ muốn giải thể trại ở Eglin trước khi mùa mưa bão bắt đầu.

Vì thế cuối tháng tám, phần lớn mười ngàn người tỵ nạn đã được chuyển đi, hoặc đến nhà người bảo trợ, hay đến các trại tỵ nạn khác không nằm trong tâm bão.

Tôi đã xa chùa hơn bốn tháng. Và khi trở lại, bao rắc rối đang chờ tôi ở đó. 

Chương 22. Gặp Mẹ Lần Cuối

Một cuộc chiến tranh nhỏ đang âm ỉ ở chùa Phật giáo Washington. Ngay khi tôi vừa về đến nhà, một số thành viên trong ban chấp hành tấn công tôi: “Sư đã bỏ rơi chùa,” họ nói. “Chúng tôi mời Sư đến Mỹ để làm việc cho chúng tôi, nhưng giờ thì Sư bỏ hết thời gian giúp mấy người Việt Nam đó. Chúng tôi không ưu tiên hơn họ sao?” 

“Tôi phụng sự Phật, Pháp và Tăng,” tôi trả lời. “Là người tu sĩ, tôi phụng sự tất cả mọi chúng sanh, tôi không thể phân biệt người Sinhala hay người Việt Nam. Những người tỵ nạn đó đang đau khổ, nên tôi cần giúp đỡhọ.”

Mặc dầu họ không than phiền nữa, tôi biết đó không phải là lần cuối cùng tôi phải nghe về những điều này.

Tôi trở về chùa đầu tháng chín, vừa đúng lúc cho khóa mới tại đại học American. Tôi được một học bổng toàn phần để bắt đầu việc chuẩn bị cho bằng thạc sĩ về lịch sử tôn giáo -thật là một món quà tuyệt vời!

Sau khi học được vài tháng, tôi nhận được thư em gái, báo tin mẹ của chúng tôi không được khỏe, bà không còn ăn được gì nữa. Kèm theo bên trong lá thư là một mảnh giấy do mẹ tôi viết. Chỉ một vài dòng, nhưng ở cuối thư, bà bảo đã phải mất gần một tuần để viết. Bà đã quá yếu đến nỗi không thể viết một hay hai chữ cùng một lúc. Cầm được viết cũng đã khó rồi. Nhưng bà quyết tự viết thư cho tôi. Có lẽ bà biết rằng đó là lá thư cuối cùng bà viết cho tôi. “Mẹ mong có thể được gặp con,” bà viết.

“Anh nên trở về,” em tôi viết trong thư. “Mẹ có thể không sống lâu hơn nữa.”

Đó là cuối mùa thu năm 1976. Tôi thông báo cho ban chấp hành của chùa rằng mẹ tôi có thể sẽ mất, và tôi cần về thăm gia đình. Họ đồng ý mua vé cho tôi đi.

Vào tháng mười hai, tôi lên chiếc Pan Am 747 và hướng thẳng về nhà ở Tích Lan. (Năm 1972, chính phủ Ceylon chính thức đổi tên quốc gia này trở lại cái tên truyền thống hơn, Tích Lan, có nghĩa là ‘phồn thịnh và đẹp đẽ’ trong tiếng Phạn). Tôi ngồi ở ghế cạnh cửa sổ, như tôi vẫn thường làm. Máy bay trước hết đến Honolulu, rồi Guam và Singapore.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi rời Honolulu, tôi nhìn ra cửa sổ, thấy lửa bốc lên từ một trong những bộ máy. Tôi đã nghĩ đó có thể là do dầu cặn thải ra.

Nhưng không phải thế.

Một vài giây sau, phi hành gia thông báo rằng chúng tôi phải trở lại Hawaii vì một trong những bộ máy bị cháy. Rồi các tiếp viên hàng không hướng dẫn chúng tôi cách thoát ra khỏi máy bay sau khi đáp xuống. Cầu thang thoát hiểm được bung ra, vì thế chúng tôi có thể ra khỏi máy bay nhanh chóng. Rõ ràng là mọi người đều lo lắng rằng một vụ nổ có thể xảy ra.

Họ cho những người có con nhỏ ra trước. Kế đến là phụ nữ có thai và người già, sau cùng là những hành khách còn lại. Họ bảo hãy để tất cả hành lý trên máy bay.

Tôi để ý thấy một vài hành khách làm dấu thánh giá trên ngực. Người khác thì khóc lóc hay cắn móng tay, hay thầm thì với người kế bên. Tôi nhìn thấy một vài cuốn kinh thánh được mở ra trên đùi.

“Ôi,” tôi nghĩ, “tôi đã làm tất cả những gì có thể trong cuộc đời. Tôi đã giảng pháp cho nhiều người, và tôi đã được công đức. Tôi đang trên đường đi gặp mẹ tôi. Dầu có chết bây giờ, tôi cũng sẽ được một sự tái sinh tốt đẹp.”

Tôi thật sự không cảm thấy sợ hãi. Tôi nghĩ rằng nếu máy bay có rớt xuống, thì dầu gì tất cả chúng tôi sẽ đều bất tỉnh trước khi chạm mặt đất. Chết như thế cũng chắng phải ghê gớm gì.

Rồi tự động tôi bắt đầu nghĩ về những lời Phật dạy về sợ hãi. Sợ hãi, ngài nói, phát sinh từ sự bám víu vào năm uẩn –thân, thọ, tưởng, hành và thức. Chúng ta bám víu vào những thứ này mà ta coi như là ‘cái tôi’. Chúng ta không muốn đánh mất ‘cái ngã’ này, vì thế chúng ta trở nên sợ hãi khi nó bị đe dọa dưới bất cứ hình thức nào. 

“Phiền não phát sinh từ ái dục,” một đoạn trong kinh Pháp Cú đã nói thế. “Sợ hãi phát sinh từ ái dục. Sẽ không còn có phiền não hay sợ hãi đối với người không còn ái dục”. 

Khi máy bay chúi đầu xuống từ trên không, tôi biết nếu tôi có thể quán tưởng đến Tam Bảo, tôi sẽ được bình an. Tâm đầy uế nhiễm bị sợ hãi, lo âu, căng thẳng và bức xúc chế ngự. Nhưng tâm đầy những ý tưởng hướng về Phật, Pháp và Tăng thì tràn đầy thanh tịnh.

Tới Honolulu, máy bay hạ xuống sốc giật mạnh. Đã có những chiếc xe cứu hỏa đậu sẵn trên đường băng và ngay khi chúng tôi vừa chạm mặt đất, những chiếc xe này bắt đầu thổi khói quanh máy bay.

Mọi người nhảy lên, chạy đến cửa thoát hiểm. Chúng tôi không biết máy bay sẽ phát hỏa bất cứ phút giây nào.

Tôi nghĩ có lẽ tôi là người duy nhất trên cả chuyến bay này là chưa bao giờ trượt cầu tuột lúc còn bé.Ôi thật kỳ cục, dĩ nhiên, với chiếc y phùng lên quanh tôi, nhưng tôi phải nhận rằng nó cũng vui một chút! Khi xuống đến mặt đất, tôi nhảy ra và chạy thật nhanh. Đêm đó chúng tôi ở lại khách sạn Hawaii sang trọng, do Pan Am đài thọ.

Ngày hôm sau, tôi tiếp tục đến Singapore. Khi đáp xuống đó, tôi ngạc nhiên khi gặp một số người từ chùa Phật giáo Tích Lan, một chùa Sinhala. Họ mời tôi ở lại chùa họ một tháng. Tôi bảo với họ, tôi đang đi thăm mẹ bịnh, nhưng tôi có thể gửi điện báo cho em tôi để hỏi tình trạng mẹ tôi như thế nào, có thể tôi không cần phải về gấp rút như thế.

Ngày hôm sau, em tôi nhắn tin trở lại. Cô ấy cho biết mẹ chúng tôi cũng không yếu lắm ngay bây giờ, nên tôi ở lại Singapore một tuần. Rồi tôi đi Malaysia, ở đó một tuần nữa. Thời gian rộng rãi đó thật tốt, vì nó cho phép tôi sắp đặt để mang lại một ngạc nhiên thú vị cho mẹ.

Một vài người bạn ở Malaysia đã cúng dường một máy chiếu phim slide, và tôi cũng kiếm được một radio FM với một microphone không dây. Tôi có khoảng năm trăm ảnh slide màu của những nơi tôi đã thăm viếng khắp trên thế giới. Có chùa chiền, nhà chọc trời, khung cảnh thiên nhiên, thú vật và các lễ hội. Tôi muốn chomẹ thấy những nơi tôi đã từng có mặt suốt những năm qua, khi tôi không ở với gia đình. 

Khi đến Tích Lan, chúng tôi đã có buổi chiếu slide ở nhà chị tôi. Vì không có điện ở đó, chúng tôi phải mượn dây nối từ nhà hàng xóm. Mẹ tôi ngồi, hoàn toàn bị thu hút khi bà xem những tấm ảnh slide và lắng nghe những lời giới thiệu của tôi. Mắt bà sáng lên.

Chúng tôi bắt đầu buổi chiếu lúc 10 giờ tối và kéo dài cho đến hai giờ sáng, nhưng mẹ tôi hình như không biết mệt. Khi buổi chiếu đã kết thúc, bà hỏi còn thêm slide nào nữa không. Đó là lần cuối chúng tôi vui vẻ bên nhau. 

Ngày hôm sau tôi gọi bác sĩ của mẹ để hỏi về tình trạng sức khỏe của bà. Ông bảo rằng trái tim mẹ tôi đã yếu. Bà đã tám mươi sáu tuổi, bà có thể ra đi bất cứ lúc nào. Rằng tôi nên cho bà vào nhà dưỡng lão, nơi bà có thể được chăm sóc một cách chu đáo.

Vì thế chị tôi, cháu tôi và tôi quyết định chuyển bà vào một nhà dưỡng lão ở Kandy. Rồi tôi chào từ giã mẹ, đi Colombo. Khi tôi ra đi, họ cũng trênđường chuyển mẹ tôi đến nhà dưỡng lão. Ngày hôm sau, tôi nhận được điện thoại của cháu tôi. Nó khóc.

Nhà dưỡng lão quyết định trả mẹ tôi về, sau khi đã tiếp nhận bà vào được một đêm. Không nói lý do; có thể họ nghĩ rằng nếu bà mất ngay sau khi đến đó sẽ là điều không tốt cho việc kinh doanh của họ. Lúc đó, tình trạng sức khỏe của mẹ tôi đã tồi tệ hơn, có lẽ vì phải di chuyển đường xa để đến được nhà dưỡng lão. Chị và cháu tôi biết rằng phải đưa mẹ đi bệnh viện, nên họ quay trở lại nhà dưỡng lão đón bà -ở đó không có xe cứu thương.

Bà nhất quyết muốn ngồi thay vì nằm xuống ở băng sau. Họ kể rằng bà đã rên đau suốt chuyến đi. Khi đến được bệnh viện, bà đã im lặng.

Bà đã ra đi trong dáng ngồi thẳng, ở băng ghế sau xe. 

Tôi nhớ về những lần mẹ băng bó vết thương cho tôi ngày tôi còn bé, làm sao mà bà luôn biết chính xác phải làm gì để tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi nhớ lại cảm giác được mẹ ôm vào lòng như thế nào. Tôi nghĩ đến lá thư cuối cùng mẹ đã viết cho tôi, chỉ vài dòng, một cách khó khăn.

Tôi cảm thấy buồn vì bà đã ra đi trong đau đớn và hối hận rằng tôi không có mặt ở đó bên bà.

Đức Phật đã nói: “Phải xa cách người mình yêu thương là đau khổ.” Mặc dầu tôi đã trải qua nhiều năm giảng Pháp về đau khổ và phiền não, đã hành bao nghi lễ ở đám táng và an ủi người ta sau sự ra đi của người thân, tôi không nghĩ tôi hoàn toàn hiểu những lời dạy của Phật, cho đến khi tôi kinh nghiệm sự ra đi của mẹ tôi. Khi mẹ mất, nỗi đau khổ của tôi quá sâu đậm đến nỗi tôi cảm thấy trái tim tôi như đã bị châm chích bởi những mũi thuốc đắng cay, nhức nhối.

Với công phu tu hành của tôi cho đến thời điểm đó, tôi luôn cố gắng để làm vừa lòng mẹ. Tôi muốn cho bà, hơn tất cả bất cứ người nào trên thế giới, được sung sướng. Mẹ tôi đã rất hạnh phúc vì tôi xuất gia và tôi đi hoằng pháp khắp cả thế giới. Vì thế mỗi lần làm được điều gì mới, hay điều gì tốt, tôi đều viết cho mẹ biết. Không phải để khoe khoang, nhưng tôi biết rằng chúng sẽ mang lại cho mẹ tôi bao hạnh phúc.

Giờ bà đã ra đi, tôi còn cố gắng làm vui cho ai?

Tôi cảm thấy rằng sự đau khổ đó thực sự làm bấn loạn tâm tôi. Sự bám víu của tôi đối với mẹ là một kết sử lớn nhất của tôi. Khi mất mẹ, trong chốc lát tôi đã quên hết những lời Phật dạy về cái chết và vô thường. Tôi chỉ hoàn toàn bị chìm đắm trong khổ đau.

Cả hai người anh lớn của tôi đều đã ra đi, việc tang ma cho mẹ, tôi phải gánh vác vì là người con trai duy nhất còn sống. Các chị em tôi quyết định hỏa táng mẹ. Buổi lễ đơn giản, với các vị sư tụng kinh bên cạnh giàn hỏa thiêu của mẹ ở nghĩa trang. Cũng giống như tôi đã làm ở đám tang cha, tôi cũng nói vài lời để cảm ơn tất cả mọi người đã đến. Chỉ là lần này, điều đó khó làm hơn. Rất khó hơn.

Cho đến ngày nay, tôi vẫn còn cảm thấy rất trân quý những kỷ niệm về mẹ. 

Vào năm 1979 hay 1980, tôi có buổi nói chuyện ở một hội nghị về các tôn giáo ở Dallas, Texas. Vì thời gian đó gần lễ Thanksgiving, người ta yêu cầu tôi nói về lòng biết ơn. Vì thế, tôi quyết định nói về mẹ tôi.

Nhưng khi tôi đứng ở bục giảng, cố gắng để nói những lời đầu tiên của bài diễn văn, bỗng nhiên tôi bắt đầu khóc. Thật là xấu hổ. Tôi tức tưởi khóc đến nỗi không thể nói được điều gì. Thính giả chỉ ngồi đó nhìn tôi. Phải rất lâu sau, tôi mới lấy lại được bình tĩnh.

Tất cả những gì tôi muốn nói với họ là tôi sẽ không bao giờ quên mẹ tôi, và tôi rất mang ơn tình thương vô giới hạn của bà. Lạ lùng thay, khi đứng đó khóc trước một khán phòng đầy người, tôi lại bắt đầu hiểu một trong những lời Phật dạy về cái chết và sự khổ đau. Ngài đã nói rằng nước mắt mà chúng ta đã đổ xuống vì sự mất mát những bà mẹ trên thế gian, trong luân hồi –những nước mắt ấy còn nhiều hơn nước ở tất cả đại dương.


Chương 23. Ông Có Phải Là Ngài Gunaratana?

Sau đám tang mẹ, tôi ở lại Tích Lan khoảng một tháng.

Bảy ngày sau ngày Mẹ mất, theo truyền thống chúng tôi tổ chức một nghi lễ cầu siêu cho bà. Một số vị sư đến nhà chúng tôi để tụng niệm cho mẹ tôi, rồi thọ trai do chúng tôi cúng dường hồi hướng cho mẹ. Đêm trước đó, thì có một vị sư đến nhà, thuyếp pháp chỉ riêng cho chúng tôi.

Sau đó tôi bỏ ra khoảng vài tuần thăm viếng bạn bè và các chùa nơi tôi đã từng sống trước đây.

Trên đường trở lại Mỹ, tôi đã có thêm khá nhiều con dấu đóng trên hộ chiếu của mình. Tôi dừng chân ở Ấn Độ, Nepal, Liên bang Xô Viết, Hy Lạp, Ý, Pháp, Đức, Bỉ, và Anh.

Trong tất cả các quốc gia này, Nga có lẽ là nơi thú vị nhất. Đó là chuyến viếng thăm Nga đầu tiên của tôi.

Ở phi trường Moscow, Stanley Liyanapatirana, một người Sinhala làm việc ở tòa đại sứ Tích Lan đón tôi. Ông là người đã giúp tôi lấy visa để vào Liên Bang Xô Viết.

Hôm sau tôi đến phòng du lịch trong khách sạn, hỏi thăm cách lấy tour đến Leningrad. Người phụ nữ ngồi sau bàn giấy yêu cầu tôi để lại hộ chiếu và bảo tôi hôm sau trở lại.

Hôm sau khi tôi trở lại như đã hẹn, cô trả hộ chiếu cho tôi, rồi bảo tôi đón taxi nào đó bên ngoài khách sạn. Cô đưa cho tôi một số xe taxi. Tôi tìm được chiếc taxi, nhưng không có bác tài xế nào ở đó. Vì thế tôi leo lên ngồi vào băng sau, nghĩ rằng tôi sẽ đợi bác tài đến.

Bỗng nhiên một người đàn ông to lớn, đến mở mạnh cửa xe. Trước khi tôi có thể nói gì, ông đã chồm vào băng sau, tóm lấy sợi dây đeo máy chụp hình của tôi. Không kịp suy nghĩ gì, chỉ phản ứng theo bản năng, tôi giựt cái dây lại và giữ chặt nó.

"Không! Không!" tôi la lên.

Anh ta không nói gì, chỉ tiếp tục dằn lấy túi xách của tôi. Anh ta to lớn hơn tôi nhiều và tôi biết trước sau gì anh ta cũng thắng, nếu tôi không làm một điều gì đó. 

Vẫn không thả chiếc túi đựng máy ảnh ra, tôi giơ cùi chỏ lên, dùng hết sức lực tống thẳng vào mũi anh ta. Tôi nghĩ là mục tiêu của tôi rất chính xác, anh ta la oái, buông tay, chạy đi.

Vâng, rõ ràng là tôi đã phạm một trong 227 giới luật của người tu sĩ ngày hôm đó. Một tu sĩ không bao giờ được dùng vũ lực trong bất cứ trường hợp nào, dầu là để tự vệ. Lý ra tôi phải buông tay để cho anh ta lấy chiếc máy ảnh, nhưng tôi quá bám víu vào nó, khiến tôi hành động không chánh niệm. Có phim ở trong máy, những bức ảnh tôi đã chụp khắp châu Âu. Tôi chỉ muốn cho bạn bè xem chúng, và đó là tất cả những gì tôi nghĩ đến khi tôi phản ứng một cách bản năng.

Và như tất cả chúng ta đều biết, khi bản năng làm chủ, chánh niệm bị đẩy lùi.

Khi tôi đang hoàn hồn từ việc vừa xảy ra, bác tài xế taxi xuất hiện.

"Ông là ngài Gunaratana?" anh ta hỏi.

"Vâng," tôi trả lời.

Anh ta bước lên xe, không nói thêm một lời nào nữa, chở tôi ra ga. Ngay khi tôi vừa ra khỏi taxi ở ga xe lửa, một người đàn ông xuất hiện trên vỉa hè, đến cạnh tôi.

"Ông là ngài Gunaratana?" ông ta hỏi.

"Vâng," tôi trả lời.

"Xin vui lòng đi theo tôi."

Ông ta đưa tôi đến cửa xe lửa, chào lễ phép rồi biến mất.

"Ông là ngài Gunaratana?" người soát vé tàu hỏi.

"Vâng,”

“Xin vui lòng theo tôi."

Anh ta dẫn tôi đến một toa xe có giường nằm. Dĩ nhiên, việc bị chuyền tay từ người này đến người khác, mà tất cả đều không mỉm cười, là điều khá buồn cười, nhưng tôi đủ biết trong chiến tranh lạnh -thời kỳ Liên Bang Xô Viết, tốt hơn là không nên khôi hài về chuyện đó.

Sáng hôm sau, chúng tôi đến Leningrad. Khi tôi vừa ra khỏi toa xe, một phụ nữ trẻ đang đợi.

'Ông là ngài Gunaratana?"

"Vâng."

"Xin vui lòng theo tôi."

Cô giúp tôi xuống tàu và đưa tôi đến một tiệm ăn gần đó. Cô đưa tôi đến một bàn ăn đặc biệt, kéo ghế mời tôi ngồi.

Khi người bồi bàn đến, anh ta cũng hỏi: "Ông là ngài Gunaratana?"

"Vâng.”

Anh ta mang đến cho tôi bữa điểm tâm gồm có hai cái trứng, bánh mì nướng, bơ, mứt và trà. Tôi ăn một mình và khi tôi dùng xong bữa, lại một người đàn ông khác đến cạnh bàn tôi.

"Ông là ngài Gunaratana?"

"Vâng."

"Xin đi theo tôi."

Người đàn ông đó dẫn tôi đến một chiếc xe buýt chở tour đang chờ bên ngoài tiệm ăn. Tôi lên xe và người lái xe buýt hỏi: "Ông là ngài Gunaratana?"

"Vâng."

Và thế là cuối cùng tôi được tham dự tour đi Leningrad. 

Sau khi trở về chùa ở Washington mùa xuân năm 1977, tôi lại theo học các lớp ở trường đại học American. Tôi đang học năm thứ hai chương trình Thạc sĩ. Tiến sĩ Rodier, cố vấn của tôi trong nhiều năm, đã nói rõ rằng ông muốn tôi tiếp tục học đến tiến sĩ về Triết học. Tôi cảm thấy rất phấn khởi và tự hào. Vì thế tôi nộp đơn xin một học bổng khác nữa và được chấp nhận ngay. Con đường học hành vá víu của tôi, bắt đầu từ nhiều năm trước ở một làng vùng quê Henepola đã mang tôi lên đến những trình độ học vấn cao nhất trong hệ thống giáo dục của Mỹ. Tôi thật khó lòng tin điều đó.

Trong lúc đó, chùa chúng tôi cũng phát triển lên. Gần mười năm kể từ lúc tôi đến đó, con số hội viên đã nhân lên hàng trăm lần. Những buổi lễ cầu nguyện và những lớp học thiền rất nổi tiếng đều có cả hai: người Mỹ và người Sinhala tham dự. Tôi được yêu cầu dạy một lớp thiền mỗi tuần hai lần cho nhân viên Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Tôi cũng bắt đầu nhận được ngày càng nhiều những lời mời đến dạy các khóa an cư tu thiền khắp nước Mỹ. Đó là vào cuối những năm 1970, khi các trung tâm dạy thiền bắt đầu mọc lên ở khắp nơi. Một nơi, ở New Mexico, đã mời tôi đến lần đầu tiên vào năm 1976. Tôi chưa bao giờ đến đó và cũng không biết những người tổ chức, nhưng tôi chấp nhận lời mời của họ. 

Nơi đó thật tuyệt đẹp, cao trên núi. Người ta dành cho tôi một cabin nhỏ, riêng biệt để ở, mà phải leo dốc mới lên tới; và hơi xa những tòa nhà khác. Dường như để tôi được tha hồ ngắm vẻ đẹp của một hồ nước cạnh bên, nhà vệ sinh của cabin tôi nằm ở phía ngoài, và không có gì ngăn che. Tôi hơi do dự trước sự sắp đặt này, nhưng vì cabin của tôi khá tách biệt, tôi đã nghĩ chắc sẽ không có vấn đề gì. 

Sáng hôm sau, trong lúc đang trả lời tiếng gọi của thiên nhiên, tôi bị sốc khi thấy ba phụ nữ trẻ bỗng nhiên xuất hiện để xuống hồ tắm. Họ ở cách tôi khoảng chừng mười lăm thước, ngay trong tầm nhìn của tôi. Tuy nhiên, hình như họ không thấy tôi.

Họ cởi bỏ y phục một cách tự nhiên, rồi đứng trên một hòn đá để sưởi ấm trước khi nhảy vào hồ. Tôi thật xấu hổ, kinh hoàng. Tôi đã là một tu sĩ độc thân từ năm mười hai tuổi và chưa từng bao giờ thấy một phụ nữ khỏa thân trong đời! 

Ngay sau khi đi toilet xong, tôi vội vã tìm vị quản lý của trung tâm.

"Thật không thích hợp chút nào," tôi nói. "Tôi cần phải dời khỏi cabin đó ngay lập tức." 

Ông ta xin lỗi rối rít. Tôi được dời đến một cabin khác, có nhà tắm riêng biệt.

Năm sau, khi tôi lại về trung tâm đó để hướng dẫn một khóa tu thiền mười ngày khác. Cabin tôi ở có phòng tắm ở bên ngoài. Trên mái có những ống dẫn màu đen cuộn tròn, dùng ánh nắng mặt trời làm nhiệt và một tấm màn treo ở lối vào. Ngượng ngùng vì sự kiện nhà vệ sinh năm trước, người quản lý lần này đã biết cẩn thận để giữ cho tôi được kín đáo. Ông ta hỏi mỗi ngày tôi đi tắm lúc mấy giờ và ông treo một tấm giấy trên tường phòng tắm, nói rằng: “Bhante G. tắm vào buổi trưa. Xin vui lòng không làm phiền.”

Ngày hôm sau, tôi đang ở trong phòng tắm lúc 12 giờ, bỗng nhiên một phụ nữ trẻ bước vào, trên người không mảnh vải. Cô ta nói rằng cô muốn hỏi tôi một câu về Pháp.

Tôi giận điên lên. Tôi la lên, "Cô có thể hỏi lúc tôi giảng Pháp tối nay! Không phải ở đây!"

Cô ta dội ngược ra, mặt đỏ bừng. 

Tôi hy vọng đó là lần cuối cùng tôi phải đối phó với các cô gái trẻ khỏa thân. Nhưng đó là thời kỳ của tình yêu cho không.

Năm sau nữa, khi tôi trở lại trung tâm, viên quản lý tội nghiệp đã dành cho tôi một chiếc cabin riêng biệt nhất trong khuôn viên. Từ khu trung tâm phải đi mất vài phút mới đến được. Sẽ không còn ai làm phiền sư ở đó, ông ta trấn an tôi.

Mấy đêm sau đó, khi tôi trở về cabin lúc 10 giờ đêm, sau thời khóa tu thiền cuối cùng của buổi tối. Trước mắt tôi trong khu rừng tối tăm, tôi có thể thấy ánh sáng chiếu rọi từ cửa sổ phòng cabin của tôi.

"Thật tử tế," tôi nghĩ. "Chắc là nhân viên nào đó đã đốt đèn để tôi không phải về nhà trong bóng tối."

Khi bước vào bên trong cabin, tôi đã gặp người đốt đèn. Một phụ nữ đang nằm trong giường của tôi. Cô ta rất trẻ, rất đẹp và rất trần truồng.

"Ra ngay!" tôi lắp bắp.

Cô ta không nói một lời nào, chỉ nằm đó mỉm cười. Rõ ràng cô nghĩ rằng tôi đang đùa.

"Tôi không đùa," tôi nói. "Nếu cô không đi ra ngay lập tức, tôi sẽ đi gọi người quản lý." Tôi quay lưng chuẩn bị bước đi. 

Tôi nghĩ lúc đó cô nhận ra rằng: Tôi không phải là một trong “những” loại guru (thầy) đó. Cô ta nhảy ra, khóc và túm lấy quần áo chạy ra khỏi cửa.

Trong mỗi trường hợp trên, bạn có thể nghĩ rằng tôi hoàn toàn bị chế ngự bởi lòng ham muốn, hay ít nhất cũng cảm thấy một chút tình dục bị khơi đọng. Nhưng tôi có thể chân thành nói rằng tôi rất ngượng ngùng, và rất giận dữ; và hai cảm giác này hoàn toàn chế ngự tâm tôi.

Đối với tôi, bất cứ người nào cố gắng quyến rũ tôi là đã không tôn trọng tôi với tư cách là người tu và là người thầy. Đó là cái tát vào truyền thống 2500 năm và một sự sỉ nhục lớn đối với những lời dạy của Đức Phật. Có thể nghe khó tin, nhưng tôi không cảm thấy lời nguyện sống độc thân của mình là khó giữ. Là người tu sĩ, đó là sự lựa chọn của tôi để sống như thế. Đó là cách sống của tôi từ khi còn là một cậu bé trai. Vì thế tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện sửa đổi nó.

Năm 1980, tôi đạt được học vị tiến sĩ về Triết học. Vào ngày ra trường, tôi rất ngạc nhiên thấy khoảng hai mươi người bạn Sinhala ở trong đám khán giả. 'Bhante," một người trong họ nói, "làm sao sư tìm ra được thời gian để lấy bằng tiến sĩ?"

Tôi cười vì câu hỏi ấy của anh thật đúng. Khi người ta viếng chùa, họ thường thấy tôi cắt cỏ, thuyết pháp hay là sửa chữa nhà cửa. Tôi làm việc suốt ngày.

Nhưng tôi còn một công việc khác nữa, và lúc nào cũng thế, là được làm người sinh viên. Tôi không bao giờ nghĩ người ta có thể ‘hoàn tất’ sự học của mình, chỉ vì họ đã được những học vị. Tôi nghĩ rằng sự học của chúng ta vẫn còn tiếp tục và tiếp tục mãi, nếu chúng ta để ý đến điều đó. Tất cả chúng ta đều là những người tu học cho đến khi ta đạt được giác ngộ.

Thật ra, khi so sánh với những cấp bậc cao siêu trong các chứng ngộ tâm linh mà Đức Phật đã diễn tả, thì chúng ta, những học giả “thế tục" không xứng đáng để được gọi là học giả. Đúng ra, chúng ta còn đang ở trình độ mẫu giáo.

Một học giả thực sự, theo Đức Phật, là người đã đạt được đến ngưỡng cửa quả Dự Lưu. Cái gì là “dòng chảy”? Bất cứ ai đã tìm hiểu chút ít về Phật giáo, đều biết về Bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.

Bát chánh đạo là nền tảng cho việc tu tập theo con đường tâm linh của Đức Phật, những điều mà mỗi chúng ta đều có thể thực hành mỗi ngày. Nhưng đó chỉ là sự bắt đầu, vì không kể là chúng ta đã thực tập tinh tấn thế nào để hoàn thiện các loại thiện xảo này, chúng ta vẫn còn tâm nghi ngờ. Chúng ta có thể thực hành tâm rộng lượng, lòng từ bi, và lòng chân thật. Chúng ta có thể nói nhỏ nhẹ và dịu dàng. Chúng ta có thể chánh niệm và chánh định. Nhưng tất cả đều chịu ảnh hưởng của vô thường –tâm nghi hoặc có thể len lỏi vào khi chúng ta đang bị căng thẳng hay vào bất cứ lúc nào khác.

Một cấp bậc cao hơn của việc thực tập được gọi là Bát chánh đạo siêu việt. Đây là “dòng chảy” được nhắc đến trong câu nói về quả Dự lưu. Đó là cấp bậc nơi mọi nghi ngờ đều được rũ sạch, nơi hành giả biết chắc chắn về chân lý của Tam Bảo.

Ở thời điểm của quả Dự lưu, hành giả bắt đầu chuyển động dọc theo một con đường, đưa họ lên một cấp bậc chứng ngộ cao hơn, và cao hơn nữa. Khi hành giả cuối cùng buông bỏ được niềm tin vào một cái ngã thường hằng, là họ đạt được quả Dự lưu. Bạn có thể nói rằng họ đã vượt qua được kỳ thi vào Bát chánh đạo siêu việt. Họ sẽ, hoặc là đạt được giác ngộ trong kiếp này, hay họ sẽ tái sinh không hơn bảy lần, trên thế giới này hoặc là ở cõi trời.

Sau khi tâm nghi ngờ đã được buông bỏ, các kiết sử khác cần được buông bỏ tiếp theo là lòng sân hận và sự bám víu vào các dục lạc -nói một cách khác, là sân và tham. Sau khi hành giả đã chiến thắng được những uế nhiễm này, họ sẽ được gọi là Nhất lai, là người sẽ tái sinh chỉ một lần nữa. Khi chướng ngại thứ hai đã được buông bỏ, người ấy sẽ trở thành một vị bất hoàn.

Ngay như thế, ở giai đoạn chứng ngộ tột cùng này, vẫn còn năm kiết sử khác cần được chế ngự. Đó là lòng ước muốn được hiện hữu trong sắc giới, lòng ước muốn được hiện hữu trong cõi vô sắc giới, mạn, trạo cử và vô minh. Vị Bất hoàn đã đạt đến một tầng cao trong Bát chánh đạo siêu việt, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đạt được tiến sĩ tâm linh, sự thành tựu rốt ráo. 

Sự chứng ngộ xảy ra khi năm kiết sử cuối cùng bị tan rã. Vào thời điểm đó, hành giả cuối cùng đạt được quả của con đường đạo: trở thành một vị A la hán, một chúng sinh hoàn toàn giác ngộ.

Lúc đó và chỉ lúc đó thì sự học hỏi mới được coi là viên mãn.

Sau khi vừa đạt được bằng tiền sĩ “thế tục”, tôi càng được nhiều nơi yêu cầu đến giảng dạy. Một vài đại học mời tôi vào ban giảng huấn: như Georgetown, Maryland, American, và Bucknell. Tôi không nhận lời bất cứ nơi nào vì trách nhiệm đầu tiên của tôi là với chùa, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn dạy những lớp về Phật giáo ở phần lớn các đại học này trong mười năm như thế.

Bắt đầu từ cuối những năm 1970, một số sư người Sinhala đến sống ở chùa Washington và ngôi nhà lớn trên đường số Mười Sáu trở thành một nơi rộn rịp, ồn ào. Lúc đó thì chúng tôi đã có gần ba ngàn thành viên bao gồm những người Mỹ và Á châu như: Sinhala, Thái, Burma, Campuchia, Lào, và đôi khi người Đại Hàn nữa. Những lớp học hàng tuần và các khóa lễ đều đầy, và Phật tử mỗi ngày ghé vào chùa bất cứ lúc nào để thiền hay viếng chùa. Chuông điện thoại luôn reo không ngừng.

Vào khoảng thời gian đó, có một thanh niên trẻ nhiệt tình tên Matthew Flickstein bắt đầu đến chùa thường xuyên. Anh ta là một nhà tư vấn tâm lý ở Maryland, có một vợ và hai con. Anh cũng rất nghiêm chỉnh trong vấn đề học thiền. Anh thường hỏi tôi rất nhiều câu hỏi. Nhưng vì công việc ở chùa ngập đầu nên tôi khó dành được thời gian trọn vẹn, không bị quấy rầy để giúp Matt.

Vì thế Matt bắt đầu chở tôi đến các nhà nghỉ, như một cách để chúng tôi có được những thời gian như thế. Anh thường mướn một phòng để chúng tôi có thể ở đó vài giờ, tọa thiền và trao đổi về các kinh nghiệm hành thiền. Chúng tôi bắt đầu với phương pháp anapanasati, hay quán niệm hơi thở.

Mỗi lần chúng tôi thở vào hay thở ra, tôi bảo với Matt, chúng ta có thể kinh nghiệm được sự vô thường. Trước hết, chúng ta bắt đầu cảm nhận nhu cầu thở vào. Một sự căng thẳng nhẹ nhàng trong lồng ngực tăng lên dần khi lượng oxy được đẩy ra sâu hơn và sâu hơn nữa cho đến khi chúng ta bắt buộc phải thở vào. Rồi giữ hơi thở lại. Nhưng không duy trì được lâu. Vì không lâu sau sự khó chịu gây ra do lồng ngực căng đầy sẽ khiến chúng ta phải thở ra. Ngay trong một chu kỳ của hơi thở vào ra, đã bao trùm cả khổ đau và hạnh phúc. Chúng ta hoàn toàn không thể làm chủ nó.

Nhận ra được sự chuyển đổi không ngừng này là tấm vé đưa ta đến giải thoát. Chúng ta sẵn sàng để chấp nhận hạnh phúc hay đau khổ, bất cứ điều gì phát sinh. Khi hạnh phúc thay đổi -không thể tránh khỏi, ta không bị sốc vì ta biết rằng đó là vô thường. Và khi đau khổ phát sinh, ta không nản lòng vì ta biết rằng điều đó cũng vô thường. Ta có thể chấp nhận cả hai, mà không để thứ nào làm chủ được ta.

Tôi rất thích thời gian tu tập với Matt, một sự xả hơi khỏi chùa từ những buổi học không định trước này và anh ta cũng rất thích được hướng dẫn riêng. Một tình bạn đã nẩy nở giữa chúng tôi.

Một ngày vào năm 1979, tôi nói với anh, "Matt, sư muốn xây một trung tâm thiền. Ở một nơi nào đó tĩnh lặng, ở đồng quê. Một lâm tự viện."

Anh ta nhìn tôi mắt sáng lên. 

"Thật chứ? Sư nói thật chứ?”

“Thật. Sư không đùa. Vấn đề duy nhất là, sư không có đủ tiền hay đủ người để hỗ trợ một nơi như thế.”

“Con có thể giúp,” Matt nói ngay.

Sau đó, chúng tôi không nói gì thêm về việc này. Tôi nghĩ cả hai đều biết rằng đó là một giấc mộng lớn và cần phải có thời gian để đưa đến kết quả. Chúng tôi cần phải suy tư về nó nhiều hơn một chút. Nhưng Matt là một người rất năng động, người luôn muốn mọi việc xảy ra ngay bây giờ hơn là sau này. Anh ta không thể đợi lâu như thế.

Vài tháng sau, một buổi chiều kia, anh lái xe đưa tôi đi đâu đó và anh bỗng nói: "Bhante, ngôi lâm tự viện đó thế nào rồi? Sư vẫn còn nghĩ đến nó chứ?”

"Dĩ nhiên rồi," tôi trả lời.

"Vậy thì tại sao Sư không tiến hành đi?"

"Vì trước mắt, chúng ta vẫn chưa có những điều kiện tối thiểu. Chúng ta không có đủ tiền hay nhân sự, mà chúng ta cũng chưa có chỗ nào cả."

"Bhante," Matt nói, giọng đầy nôn nóng, "giờ chính là thời điểm đó. Cuộc đời quá ngắn ngủi, chúng ta phải bắt tay vào việc ngay."

Một nụ cười ranh mãnh ở khóe môi anh.

"Nếu sư không sẵn sàng để xây trung tâm đó, con phải đi tìm một vị thiền sư khác thôi," anh nói.

Tôi mỉm cười.

“OK. Hãy bắt đầu.”


Chương 24. Ra Riêng

Khi Matt và tôi bắt đầu tìm địa điểm, tôi có $50,000 trong ngân hàng. Tôi đã để dành ít nhất mười năm nay. Đó là số tiền mà Văn phòng Tiểu bang (State Department) đã trả cho tôi khi làm việc ở trại tỵ nạn ở Florida, cộng với tiền thù lao của các bài diễn văn, các lớp tôi dạy ở các trường đại học –bất cứ gì tôi đã tự kiếm được, bên ngoài công việc của tôi ở chùa Phật giáo Washington.

Matt và tôi bắt đầu lái xe vòng quanh Virginia, tìm những nơi bán đất. Một ngày kia vào năm 1983, chúng tôi tìm được một khoảng đất rất đẹp với diện tích 189 mẫu Anh (hay 75 mẫu ta) và mười hai dãy nhà trên đó. Giá bán là một triệu rưỡi đô. Cả hai chúng tôi đều đồng ý là miếng đất thật hoàn hảo. Matt, là một người nói chuyện khôn khéo, đã nói để người chủ bớt xuống còn $700,000. Chúng tôi đã đưa cho họ tấm ngân phiếu $2000 ngay tại chỗ, như tiền để “làm tin”, để họ không quảng cáo bán trên thị trường nữa. Trong vòng ba tháng, chúng tôi phải có đủ $100,000 tiền đặt cọc.

Trở lại xe, tôi nói: "Chúng ta thiệt là điên. Làm sao chúng ta có được số tiền lớn như vậy. Chúng ta cũng không có cách gì để quyên một số tiến như thế trong ba tháng.”

Matt có vẻ không hề suy chuyển.

"Tôi biết một người gây quỹ," anh nói, "người ấy sẽ giúp chúng ta có $100,000 đó."

Vài ngày sau, chúng tôi nghiên cứu biểu đồ mà người gây quỹ đã phác họa cho chúng tôi. Đó là một dạng gây quỹ theo hình kim tự tháp. Những người dưới đáy tháp sẽ đóng mười đô. Con số người này rất nhiều. Khi lần lên mỗi bậc tháp sau đó, những người cúng dường sẽ ít hơn, nhưng tiền cúng sẽ nhiều hơn: hai mươi, năm mươi, một trăm đô.

Khi cộng tất cả lại, chúng tôi sẽ có được hơn 1 triệu.

"Biểu đồ này trông rất hấp dẫn," tôi nói với Matt. "Nhưng người này đâu có giúp chúng ta có được số tiền này miễn phí. Anh ta đòi $5000 đô mỗi tháng. Số tiền $5000 đầu tiên sẽ tìm đâu ra? Và nếu anh ta chỉ gây quỹ được có $5000 thì sao? Chúng ta sẽ tiêu tiền ra nhanh hơn tiền anh ta gây quỹ được.”

Matt có thể thấy tôi lo lắng thế nào. Anh biết tôi không thích việc mua trả góp hay vay mượn, vì làm thế chúng tôi bắt buộc phải trả lãi.

Vì thế anh đề nghị một chuyến đi gây quỹ. "Hãy lên xe con," anh nói, "hãy đến viếng những người Sư biết và những người con biết. Hãy hỏi xem họ giúp đỡ được gì mình không?"

Tháng sau đó, chúng tôi đi ngang dọc miền đông bắc nước Mỹ trong chiếc Toyota Cressida của Matt. Chúng tôi đến Nữu Ước, New Jersey, Rhode Island, New Hampshire và Massachusetts. Chúng tôi băng qua biên giới Canada, đến thăm những người ở Montreal, Ottawa và Toronto. Chúng tôi còn lên đến cả Newfoundland và Nova Scotia.

Đôi khi chúng tôi lái mười bốn tiếng một ngày. Có khi chúng tôi đến nhà người quen lúc giữa khuya. Có người ủng hộ chúng tôi mười, mười lăm hay hai mươi đô, tôi nghĩ, đôi khi chỉ là để cho chúng tôi đi khuất mắt. Đôi khi họ cảm thấy tội nghiệp chúng tôi và mời chúng tôi ở lại qua đêm.

Nhiều người khá rộng rãi. Có người viết cho chúng tôi ngân phiếu $500 đô. Người khác biếu $1000 đô canada. Phong cách đầy thuyết phục của Matt đã khiến cho nhiều người tin tưởng.

"Chúng tôi làm việc này là vì lợi ích của nhiều người," anh sẽ nói khi ngồi ở bàn ăn của ai đó. "Hãy giúp chúng tôi nếu bạn có khả năng."

Cuối chuyến đi, xe của Matt đã ghi thêm hơn 5000 dặm (hơn bảy ngàn kilo mét) đường dài. Và chúng tôi cũng quyên góp được $5000 USD.

"Có vẻ khá đấy chứ," tôi nói với anh.

Chúng tôi mở một tài khoản dưới tên công ty mới của chúng tôi: Hội Bhavana. (Từ Bhavana-vun trồng tâm linh- có vẻ tóm tắt được ý định của chúng tôi về ngôi lâm tự viện.)

Nhưng rõ ràng là chúng tôi không thể nào kiếm được $95,000 đô trong hai tháng nữa. Chúng tôi phải hủy bỏ hợp đồng mua đất ở Virginia và chịu mất $2000 tiền làm tin. 

Trong lúc đó tôi đã báo với các vị tu sĩ ở chùa và ban chấp hành rằng chúng tôi đang gây quỹ cho một trung tâm thiền ở một nơi nào đó xa Washington. Tôi chưa bao giờ nói trung tâm thiền đó sẽ thuộc quyền của chùa Phật giáo Washington, nhưng đó là điều họ nhầm tưởng.

Sau này, khi chúng tôi đã quyên góp được đủ tiền để mua một miếng đất, họ hỏi thẳng tôi rằng chỗ địa điểm mới này có trực thuộc chùa không.

"Không," tôi trả lời.

"Tại sao không?" họ hỏi tiếp.

"Vì đó không phải là điều tôi muốn," tôi nói.

Sự thật là, tôi đã quá chán những chuyện chính trị ở chùa. Vị tổ sáng lập ra chùa Phật giáo Washington thuộc về phái Amarapura của Phật giáo Nguyên thủy. Tôi lại thuộc về một phái khác, phái Siyam. Buồn thay, điều đó đã gây ra nhiều xung đột suốt mấy năm qua. 

Một vị sư, được chuyển đến chùa năm 1980, không thích tôi. Ông nói vì tôi thuộc phái Siyam Nikaya, tôi không quan hệ gì với ngôi chùa do phái Amarapura dựng lên. Ông cố gắng tạo ra những xích mích để các vị sư khác chống lại tôi.

Đến khoảng giữa năm 1980, tôi đã quá mệt mỏi bởi những sự chỉ trích này. Tôi cảm thấy rằng các vị tăng sĩ trẻ mới đến không biết tất cả những việc tôi đã làm suốt bao năm để phát triển chùa. Năm 1985 tôi thỉnh vị hội trưởng của phái Amarapura Nikaya ở Tích Lan đến chùa để giải quyết những xung đột này. Ông đã đến, nhưng cũng không kết quả gì. Ông ta chỉ muốn thăm viếng bà con và có được một kỳ nghỉ phép ngắn.

Tôi bắt đầu nghĩ đến việc đi khỏi chùa ngày càng nhiều hơn, đến việc sống ở một nơi yên tịnh, thanh bình mà tôi có thể chỉ nghĩ đến việc giảng Pháp mà không lo lắng gì đến những chuyện chính trị trong việc quản lý một ngôi chùa.

Đến tháng năm, năm 1984, chúng tôi có được khỏang $18,000 trong tài khoản của Hội Bhavana. Tôi đề nghị với Matt nên bắt đầu suy nghĩ về một dự án nhỏ hơn. Hãy tìm khoảng mười hay mười lăm mẫu Anh, tôi bàn với Matt. Hãy thử tìm ở miền Tây Virginia. Ở đó đất rẻ hơn.

Matt hẹn với một chuyên viên nhà đất gặp nhau ở quán cà-phê trên Lộ số 50, trong vùng đồi núi ở phía đông của West Virginia. Khi chúng tôi có mặt vào ngày đã hẹn, nhà địa ốc không xuất hiện. Matt hỏi thăm những người có mặt trong quán cà-phê xem có ai gặp người đó không. Một trong những vị khách ở đó hỏi chúng tôi đang cần bao nhiêu đất. 

"Khoảng mười đến mười lăm mẫu Anh," Matt trả lời.

"Tôi có mười ba mẫu," người đàn ông nói. "Giá tôi bán $18,000. Anh bạn có muốn coi không?"

Matt và tôi lái xe ra đường Back Creek, một con đường nhựa nhỏ hẹp, để đi coi đất. Chúng tôi rất vừa ý, mà giá cả cũng vừa đúng với khả năng của chúng tôi. Chúng tôi trao cho người bán tấm ngân phiếu $8000 và ký hợp đồng ngay ngày hôm đó.

Tháng 7, chúng tôi tổ chức một nhóm người giống như đi hành hương đến thăm miếng đất mới. Tất cả những người đã đóng góp cho trung tâm thiền mới này đều được mời tham dự. Chúng tôi rời Washington đi một đoàn 10 xe. Có hai vị sư ở chùa cũng đi theo tôi. Có người mang theo một tấm bảng để chúng tôi có thể cắm lên miếng đất. Tấm bảng đề "Ngôi làng Pháp," cái tên mà chúng tôi đã quyết định đặt cho chỗ mới này.

Giữa mùa hè, nơi này nhìn rất đẹp. Đầy bóng cây phủ và một dòng suối nhỏ chảy qua đó. Chúng tôi ngồi xuống đất và mỗi người bày tỏ lòng biết ơn đối với nơi này. Hai vị sư kia và tôi tụng kinh cầu nguyện.

Ngay khi có tin chúng tôi đã mua được miếng đất, một vài thành viên của chùa Washington lên tiếng phản đối. Số khác không cúng dường nữa; có người còn không chào hỏi đến tôi. Những buổi họp bí mật được tổ chức và tôi không được mời dự.

Vì tôi đã hình thành một số nhóm tu thiền ở Washington và tôi cũng có một số trách nhiệm giảng dạy tại chùa, tôi định sẽ tiếp tục ở lại chùa, khi miếng đất ở West Virgnia đang được phát triển. Vì thế, một năm rưỡi trôi qua mà ở Ngôi Làng Pháp cũng không có nhiều hoạt động. Có người bảo họ lo là tôi đã sai lầm.

"Bhante, tại sao Sư lại mua đất cách Washington cả trăm dặm?" họ hỏi. "Ai sẽ đi xa đến tận nơi đó? Ai sẽ hỗ trợ Sư? Thiệt là phí tiền.”

Nhiều đêm tôi không ngủ, tự hỏi không biết điều đó có đúng không? Thật là chán nản.

Cuối năm 1984, tôi quyết định trở về thăm Tích Lan. Gần chín năm rồi tôi không trở lại đó, và gia đình yêu cầu tôi về dự lễ cúng hồi hướng cho mẹ tôi. Cũng có một số nước mời tôi đến thuyết giảng, nên tôi định sẽ gom tất cả lại trong một chuyến đi.

Cũng có nhiều chuyện bất ngờ thú vị trong chuyến đi đó. Ở Thụy Điển, tôi khánh thành một chùa Phật giáo vừa xây dựng xong. Ở Pháp, tôi trú tại một chùa Sinhala, nơi mà, một đêm kia, khi cuộc nội chiến bắt đầu nóng bỏng ở Tích Lan, nó cũng đã tràn sang cả những con đường dễ thương của Paris. Tất cả các xe đậu trước chùa Tích Lan đều bị đâm bể bánh, có lẽ phần lớn là do người Ấn Độ Tamil biết có người Sinhala viếng chùa.

Ở Malawi, tôi cũng giúp khánh thành một chùa Phật giáo mới, ngay cạnh bên một chùa của người Sikh. Ở Nairobi, tôi đi thăm các loại thú ở khu bảo tồn động vật hoang dã Masai Mara. Và ở Úc, tôi được gặp một thần đồng về Phật giáo.

Tôi đã nghe về đứa trẻ này nhiều năm trước đó, khi có ai đó bí mật để một băng cassette trên bàn làm việc của tôi ở chùa Washington. Qua cuộn băng, tôi nghe được một giọng thánh thót, rõ ràng của một đứa trẻ đọc tụng các kinh tiếng Pali, phát âm rất chuẩn. Tôi đã tìm hiểu thêm và đã biết đứa bé đó là ai. Vào thời điểm người ta thu băng, em chỉ mới bốn tuổi. Em sống ở Tích Lan. Người ta nói đứa bé này đã tụng các kinh một cách trôi chảy không có sự dẫn dắt hay nhắc nhở từ một người lớn nào. 

Vì thế khi tôi về nhà năm 1984, một vài năm sau khi tôi lần đầu được nghe cuộn băng tụng đọc rất ấn tượng, tôi quyết định tìm gặp đứa bé. Có người cho tôi địa chỉ em ở Kandy, nhưng tôi không tìm ra được ngôi nhà, dù tôi đã ba lần đi tìm.

Sau khi rời Tích Lan, tôi đi Malaysia, Singapore, Thailand, và Úc. Ở Úc, tôi giảng Pháp ở Canberra, Perth và Sidney. Ở ga xe lửa Sidney, một phụ nữ trẻ tên Elizabeth Gorski đã đón để chở tôi đến một chùa Thái, nơi tôi sẽ tạm trú. Trong xe của cô có một cậu bé tóc đen, độ tuổi mười mấy. Cô giới thiệu cậu bé là Ruwan.

Ngày hôm sau cô đến chùa để chở tôi đi đâu đó. Cậu bé cũng ngồi ở băng ghế sau, giống như ngày hôm trước.

"Elizabeth," tôi nói, “cô có nghe về một cậu bé ở Tích Lan có thể tụng kinh bằng tiếng Pali?”

"Bhante, nó đang ngồi ngay cạnh Sư đó,” cô ta trả lời.

Tôi sửng sốt. Tôi đã tìm được đứa bé Sinhala nổi tiếng ở tận Úc. Elizabeth giải thích rằng cô đã gặp cậu bé tên là Ruwan Seneviratne, ở Tích Lan và hoàn toàn bị chinh phục bởi giọng tụng đọc của em. Vì thế mỗi mùa hè khi cậu bé nghỉ học, cô cho cậu bé sang Úc chơi với cô, với sự cho phép của cha kế của em.

"Con đã học tụng kinh bằng cách nào?" tôi hỏi Ruwan. "Có ai dạy cho con không?"

"Thưa không, Bhante," cậu bé trả lời. "Khi còn rất nhỏ, mỗi sáng con thường ngồi trên ghế và đọc kinh. Giống như là con đang đọc ra từ trong trí nhớ."

Elizabeth yêu cầu tôi đừng có nói với ai là tôi đã gặp Ruwan. Nếu tin tức đồn ra là cậu bé đang ở đây, thì mọi người sẽ đổ xô đến nhà cô để nghe cậu bé tụng kinh. Dựa vào lời kể của chính cậu bé, nhiều người tin rằng trong một kiếp trước vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, cậu bé là phụ tá cho một vị học giả nổi tiếng Buddhaghosa, và đó là lý do tại sao em có thể tụng tiếng Pali một cách rõ ràng, lưu loát như thế.

Ngày nay bất cứ khi nào đi Tích Lan, tôi đều thăm Ruwan. Cậu đã lập gia đình, có hai con và là một Phật tử thuần thành. Thật ra, cậu cũng muốn thành lập một trung tâm thiền. 

Khi tôi trở lại Washington vào tháng 5 năm 1985, không khí ở chùa lạnh lẽo. Trong khi tôi đi vắng, người ta đã bắt đầu nói này nọ về trung tâm thiền mới của chúng tôi ở West Virginia. Người ta đồn là Matt và tôi đang bắt tay kinh doanh một thứ gì đó.

Ban giám đốc yêu cầu tôi phải gặp họ ngay. Tôi còn chưa quen với giờ giấc thay đổi nhưng tôi đồng ý ngồi lại với họ. Đúng ra đó là một cuộc thẩm vấn, hơn là một cuộc họp. Bao nhiêu câu hỏi chĩa vào tôi như những mũi tên.

Tại sao Sư thành lập hội Bhavana?

Ai tài trợ?

Ai sẽ là người điều khiến?

Tại sao sư phải đi xa như vậy để giảng Pháp?

Tôi đã trả lời từng câu hỏi của họ với hết khả năng của mình. “Này,” tôi nói, "không phải là tôi đang xây một nhà thổ, một tiệm rượu hay một chỗ đánh bài. Đó sẽ là một trung tâm thiền. Tại sao quý vị cảm thấy căng thẳng như thế?"

Sau đó, thì họ nói lên nguyên nhân chính của vấn đề: “Tại sao Sư không liên kết chỗ mới đó với chùa Phật giáo Washington.”

"Vì tôi muốn nó là một trung tâm thiền thực sự," tôi nói, "không phải là một trung tâm văn hóa. Và tôi không muốn những chuyện chính trị ở Tích Lan chen vào. Tôi muốn nơi đó hoàn toàn độc lập.”

Những khuôn mặt hằn học nhìn tôi.

Sau đó, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn. Một đêm người thủ quỹ trong ban chấp hành bảo tôi rằng có một cuộc họp ở chùa và tôi phải đến dự.

Có khoảng hai mươi người đêm đó. Ngay khi chúng tôi vừa ngồi xuống, một người Sinhala đứng dậy và bắt đầu lăng nhục tôi.

"Sư chẳng bao giờ làm gì cho nơi này,” ông ta nói. "Sư chỉ ngồi đó lo học hành. Con dán trong nhà bếp Sư cũng không quan tâm. Sư chỉ lo mang bà con thân quyến ở Tích Lan đến đây để tìm việc cho họ, nhưng không tìm cho ai khác nữa. Sư phải dạy cho con em chúng tôi tiếng Sinhala, nhưng sư dành hết thời gian đi đây đó, giảng pháp cho người Tây phương mà họ cũng không phải là Phật tử."

Tôi kinh hoàng. Vị này bình thường rất bình tĩnh, từ tốn và tôi đã coi ông là một người bạn.

Tôi biết rằng ông đã bị những người muốn đuổi tôi ra khỏi chùa ảnh hưởng. Và tôi biết rằng mọi phản ứng của tôi trong lúc này sẽ bị xem xét đánh giá. Vì thế tôi không trả lời những cáo buộc của ông. Thay vào đó, tôi chỉ bắt đầu truyền tam quy và ngũ giới cho cả nhóm, đọc tụng với tất cả sự bình tĩnh mà tôi có thể có được.

Ở một buổi họp sau đó của ban chấp hành, họ yêu cầu Matt Flickstein và một người bạn khác của tôi, Albert Cambarta, rút tên ra khỏi chùa. Khi điều đó xảy ra, tôi biết rằng đã đến hồi kết cuộc.

Nhưng chúng tôi chưa xây được dãy nhà nào trên miếng đất ở West Virginia. Nếu tôi đi ra khỏi chùa luôn, tôi sẽ không có nơi nào để tá túc. Tôi cần ở lại chùa Washington ít nhất cho đến khi chúng tôi có được một chỗ tạm trú ở địa điểm mới.

Cuối cùng, tôi đã phải chịu đựng ở lại đó hơn ba năm nữa, nhưng không phải dễ dàng gì. Chúng tôi tiếp tục gây quỹ cho hội Bhavana, riêng biệt với chùa Washington. Điều đó thường tạo ra một không khí căng thẳng, đầy sân hận.

Cuối cùng ban giám đốc cho tôi ba lựa chọn. Tôi có thể rút khỏi chức chủ tịch của chùa Phật giáo Washington. Tôi có thể rút tên ra khỏi ban chấp hành của hội Bhavana hay là tôi phải để cho hội Bhavana sát nhập với chùa.

Tôi cho họ câu trả lời ngay lập tức: "Tôi sẽ rút lui khỏi chùa,” tôi nói. Tôi có thể thấy từ vẻ kinh hoàng trên gương mặt họ rằng họ chẳng bao giờ nghĩ là tôi có thể ra đi. Tôi đã ở đó hai mươi năm, trong khi nhiệm vụ của tôi dự tính chỉ là năm năm. Tôi là người đã chọn tất cả họ vào ban chấp hành. Có lẽ họ nghĩ rằng tôi quá bám víu vào địa vị của mình, đến nỗi tôi không thể nào ra đi. 

Thật ra đó là một sự lựa chọn đơn giản. Nếu họ đã có can đảm yêu cầu tôi rút lui, thì tại sao tôi phải ở lại đó? Hơn nữa tôi rất phấn khởi nghĩ tới việc tôi có thể đến sống ở Làng Pháp (Dhamma Village), dầu chúng tôi chỉ mới làm được cái khung của dãy nhà đầu tiên.

Ngay sau đó, tôi gửi thư từ chức đến vị hội trưởng của phái Amarapura Nikaya ở Tích Lan. Tôi yêu cầu ông cho phép đại đức Maharagama Dhammasiri, một vị khách tăng ở chùa, thay thế tôi. Thư trả lời đồng ý. Vì thế tôi giúp đại đức Maharagama Dhammasiri xin visa thường trú. Vị sư này đã nhận được thẻ xanh ở Mỹ vào ngày 26 tháng 5, 1988.

Ngày hôm sau, tôi trao cho đại đức Dhammasiri xâu chìa khóa của tôi, có tất cả các chìa khóa trong chùa. Tôi báo với sư tài khoản chùa ở ngân hàng nào và còn có bao nhiêu tiền trong đó. Tôi cũng chỉ cho sư nơi cất giữ tất cả những giấy tờ quan trọng của chùa. 

Rồi tôi lên xe, một mình, và lái đi.

Tôi không cảm thấy gì ngoài cảm giác được giải thoát, một sự giải thoát mạnh mẽ, tràn đầy.


Chương 25. Xây Tu Viện

Lúc tôi chuyển đến địa điểm mới, chúng tôi đã đào được giếng nước và đã có điện. Nhưng chỉ có khung sườn của một toà nhà dài, hẹp nổi lên giữa rừng.

Lúc đầu, mọi thứ đều ở trong một tòa nhà: nhà bếp, ba phòng ngủ và vài cái nhà tắm. Chúng tôi biến một trong những phòng ngủ trở thành chánh điện, có thể chứa khoảng mười hay mười hai người. Phòng ăn, một nơi rộng rãi cạnh bên nhà bếp, đồng thời cũng là thiền đường. 

Nhà bếp có một bếp gas với hai lò nấu. Nước dùng, chúng tôi kéo từ giếng hay từ đầu suối ở phía trên của vùng đất. Nhà vệ sinh chúng tôi mướn của Port-o-Let (ND: Nhà vệ sinh di chuyển được, chỉ sử dụng tạm thời).

Không kể những tiện nghi hạn chế đó, tôi rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy như tôi có thể thật sự phụng sự Phật pháp ở nơi này, không bị những vấn đề hành chánh, chính trị ở chùa phiền hà và tất cả những điều khó chịu khác đã khiến tôi phải đi khỏi chùa Washington. Ở đây, trong thung lũng núi hoang vắng này, tôi có thể tạo ra một nơi mà người ta có thể đến để trải nghiệm sự bình an. 

Tôi không làm việc này để được nổi tiếng, để lôi kéo đệ tử hay thu gom tiền bạc. Những gì tôi muốn là để được thấy các tăng ni và thiền sinh cư sĩ đi trên những con đường sâu lắng trong thiền định và quán tưởng về Phật pháp. Tôi hy vọng rằng dần dần sẽ có nhiều người như thế giống như cây trong rừng kia!

Người bạn duy nhất của tôi trong những ngày đầu này là đại đức Yogavacara Rahula, một vị tăng sĩ Mỹ trẻ, người đã lang thang khắp châu Á và đã xuất gia vào giữa những năm 1970 ở Tích Lan. Đại đức Rahula đã nghe về chương trình xây dựng một tu viện trong rừng của chúng tôi và đã viết thư đến cho tôi ở chùa Washington, xin phép được gia nhập với chúng tôi. Đại đức đã dọn đến nơi này vào tháng 4, 1987, khi tôi vẫn còn ở chùa Washington. Đại đức đã sống trong khu nhà còn xây dở dang. Bhante La Hầu La đã chứng tỏ qua bao năm tháng là cánh tay mặt của tôi và là vị tu sĩ đầy năng lực, và đáng tin cậy nhất mà tôi đã được gặp.

Một trong những công trình đầu tiên mà Bhante Rahula đã làm được là dọn sạch một khoảng trống làm vườn rau. Để làm được điều đó, ông đã phải lượm không biết bao nhiêu đá ra khỏi đất núi nơi này. Một lần khi tôi đến thăm, ông chỉ mới bắt đầu. Hai tuần sau, khi tôi trở lại, ông đã dùng những viên đá này để làm một bức tường chắn tuyệt đẹp. Tôi đã nghĩ: đây là loại lao động cần cù mà chúng tôi rất cần để biến nơi này thành hiện thực.

Matthew Flicksteinn cũng vẫn là người bạn trung thành của tôi. Cuối năm 1987, Matt đã mua mười mẫu Anh, cạnh đất chúng tôi, và cúng dường nó cho hội Bhavana. John Hitchings, một nhà bảo trợ khác, sau đó mua khoảng đất hai mẫu, nằm giữa hai phần đất kia và cúng dường nó cho hội. Như thế tổng cộng lại chúng tôi có khoảng hai mươi lăm mẫu. 

Trước đó, ngay cả trước khi tôi dọn đến địa điểm mới, chúng tôi đã giao hẹn với một người xây dựng ở địa phương. Rằng mỗi lần chúng tôi có đủ tiền ủng hộ, chúng tôi sẽ trả cho ông để ông xây thêm một ít trên khu nhà đầu tiên đó. May mắn thay, ông ta không có vẻ phiền hà gì về công việc lúc có, lúc không này.

Nền của tòa nhà đầu tiên được đổ qua ba giai đoạn, tùy thuộc vào việc gây quỹ của chúng tôi. Khung nhà và tường cũng được xây dựng theo cách đó. Đến khi phải làm mái nhà, người xây dựng đề nghị chúng tôi tự làm giàn kèo để tiết kiệm tiền. Ông ta bảo chúng tôi sẽ cần bốn mươi kèo loại thường và bốn mươi loại hình cái kéo. Chúng tôi có thể đóng những loại thường, còn loại hình cái kéo thì phức tạp hơn, vì thế ông sẽ đặt hàng. Rồi ông vẽ cho chúng tôi cách làm các loại kèo thường.

Thế là chúng tôi bắt đầu kêu gọi tình nguyện viên, yêu cầu họ mướn các dụng cụ bằng điện và mua gỗ, đinh. Chúng tôi hoàn thành bốn mươi cái kèo thường đó trong chỉ một cuối tuần. Tiếc thay, chúng không đều nhau. Người xây dựng phải sửa chữa lại nhiều cái.

Khi mái nhà đã hoàn thành với những lớp ván ốp màu đỏ đậm, rất đẹp, viên giám sát nhà trong hạt đến đánh giá chất lượng. Ông ta nhìn rồi lắc đầu.

"Chỉ một mùa tuyết là cả cái mái nhà này sẽ đổ xuống," ông ta nói. 

"Vậy chúng tôi phải làm gì?" tôi hỏi.

“Ông phải dỡ xuống và làm lại,” ông ta nói.

Tôi chắc rằng ông nhìn thấy vẻ hốt hoảng trên gương mặt tôi. 

"Chúng tôi là một hội nghèo,” tôi nói. “Chúng tôi làm gì có tiền để làm trở lại."

"Thôi được," viên giám sát nói. "Tôi sẽ cho ông một chọn lựa khác. Ấy là làm một cái khung hình chữ A, kích cỡ khoảng 2x10x22, rồi đóng lên các kèo. Nhưng trước hết, ông phải bảo đảm là khung kèo bằng phẳng, phải kẹp chúng lại bằng loại gỗ dán.”

Dĩ nhiên, chúng tôi phải đợi đến lúc quyên đủ tiền để mua gỗ sửa chữa. Rồi lại phải mất thêm vài tháng nữa chúng tôi mới tìm được người có kinh nghiệm làm những khung hình chữ A.

Trong lúc đó, ở chùa Washington, tôi nhận được một lá thư của Russell LaFollette, một trong những người hàng xóm của chúng tôi ở West Virginia gửi. Ông nói rằng ông để ý thấy chúng tôi chứa nhiều gỗ trong tòa nhà chánh trên đất của chúng tôi mà không có khóa hay người bảo vệ. “Như vậy không an toàn”, ông viết. “Nếu sư muốn, tôi sẽ trông chừng đồ đạc của Sư, giá ba đô một ngày.” Chúng tôi đồng ý.

Những người hàng xóm khác không tử tế như vậy. Có người không giấu sự tức bực, cho rằng chúng tôi đã xâm lấn lãnh địa của họ.

Ngay sau khi vừa mua đất, chúng tôi đã tự giới thiệu mình vời người hàng xóm gần nhất. Chúng tôi đứng bên phần đất của mình. Anh ta đứng ở bên kia.

"Đây là Bhante Gunaratana," Matt giới thiệu. "Chúng tôi vừa mua miếng đất này và chúng tôi sẽ xây một trung tâm thiền ở đây."

Người đàn ông không nói một lời. Anh ta chỉ đứng đó trố mắt nhìn chúng tôi, lạnh lùng và bực dọc.

"Thưa ông, khi nào ông có thời gian, chúng tôi xin mời ông đến tham dự tu thiền với chúng tôi," tôi nói.

"Ông muốn làm chuyện khùng điên gì thì làm," người đàn ông ngắt lời. “Còn tôi, tôi là một tín đồ Thiên Chúa ngoan đạo."

Mỗi lần chúng tôi vừa dựng một thùng nhận thư trên lộ, thì nó bị đập xuống. Thật ra, thùng thư vẫn tiếp tục là mục tiêu tấn công qua bao năm tháng. Nó đã bị bắn lủng đầy lỗ, bị dán băng keo kín lại, bị đổ đầy phân chó và bị đánh cắp. Lúc đó, chúng tôi đã phải thay đến năm hay sáu thùng thư rồi. 

Chúng tôi cũng dựng lên một biển báo ở cuối đường, với một mũi tên và những chữ "Làng Phật Pháp (Dhamma Village)". Trong một hay hai ngày sau, nhiều chữ đã bị bôi đen để tấm bảng được đọc trở thành "Làng Quỷ (Dam Village)" (Sau này, chúng tôi quyết định không dùng tên đó nữa mà chỉ để đơn giản là Hội Bhavana.)

Ngay trước khi xây được các dãy nhà trên miếng đất, chúng tôi đã bắt đầu tổ chức những khóa tu thiền ở đó. Lúc đầu chỉ là những khóa tu một ngày. Chúng tôi sẽ ngồi ở ngoài trời dưới gốc cây. Sau này, chúng tôi yêu cầu người ta mang theo lều bạt để ở lại qua đêm.

Từ những ngày đầu tiên khi các thiền sinh bắt đầu đến hành thiền, chúng tôi đã bị những người hàng xóm cạnh nhà quấy nhiễu. Sống ở đó là người đàn ông đã đón chào chúng tôi bằng những lời không thân thiện, vợ ông ta và hai đứa con trai. Họ thường bắn súng lên trời, chửi rủa tục tằn và để chó họ sủa không ngừng. Người vợ thường đứng trong sân, lớn giọng hát thánh ca. Còn hai con trai của họ hình như lúc nào cũng tập đánh trống vào thời khóa tọa thiền buổi tối của chúng tôi. 

Chúng tôi chẳng bao giờ than phiền vì không muốn mối liên hệ với họ sẽ xấu hơn. Nhưng những người hàng xóm khác đôi khi gọi cảnh sát giùm chúng tôi. Khi cảnh sát đến, tiếng ồn ào sẽ ngưng lại được một lúc -nhưng chỉ một lúc.

Người nấu bếp cho chúng tôi một thời gian ở đó, là một người Mỹ gốc Phi châu. Mỗi lần anh bước ra ngoài, những người hàng xóm thấy anh, thì họ sẽ la to: “Cút đi, đồ mọi đen!"

Chúng tôi cũng có một nữ tu người Đức sống ở tu viện một thời gian. Cô ở trong một thất khá gần đất của gia đình kia. Một buổi chiều khi cô đang ngồi ngoài hiên, một viên đạn của loại súng BB bay vút qua đầu cô, xuyên qua cửa sổ và dính vào tường.

Sự quấy nhiễu tiếp tục suốt sáu hay bảy năm trời cho đến khi đôi vợ chồng kia ly dị và người đàn ông dọn đi. Những đứa trẻ lúc đó đã trưởng thành. Vì thế chỉ còn người vợ ở lại đó. Cũng lạ, chỉ vài năm sau đó, một trong hai người con trai của gia đình trở lại thăm nhà. Anh đi qua khu đất của chúng tôi, chào hỏi Đại đức Rahula.

“Tôi xa nhà, theo hải quân," anh ta nói, "và tôi đã đến một số quốc gia theo Phật giáo. Vì thế giờ tôi hiểu tất cả những việc này. Tôi xin lỗi vì đã làm khó dễ cho các ông. Chúng tôi chỉ làm theo lời của cha chúng tôi. Cha đã bảo các ông là những người xấu.”

Người hàng xóm khác của chúng tôi là Bernard và Aveline Denise, lúc nào cũng thân thiện. Họ sống ở phía sau chúng tôi, rồi dần dần đến năm 1991, họ bán luôn cho chúng tôi bảy mẫu đất của họ. Ngôi nhà của họ trở thành khu nội điện cho các tăng.

Vào ngày 2 tháng 10 năm 1988, chúng tôi chính thức khánh thành tòa nhà chánh. Ngoài ra cũng có ba thất bằng gỗ, làm theo khuôn mẫu của những thất một phòng ở các tu viện bên châu Á. Tới lúc đó, chúng tôi đã có điện, hệ thống ống nước. Trung tâm đã hoàn tất, sẵn sàng mọi sinh hoạt.

Một tháng sau lễ khánh thành, Matt đến tìm tôi và bảo rằng anh muốn đến Thái Lan hay Tích Lan để xuất gia làm tu sĩ. 

"Đó là một ý nghĩ khá lạ lùng,” tôi nói.

“Tại sao?” anh ta hỏi.

“Vì sư có thể làm lễ xuất gia cho anh ngay tại đây.”

“Nhưng con tưởng sư đã nói là sư sẽ không làm lễ xuất gia cho con," anh ta nói.

“Đó là mười năm về trước," tôi trả lời. "Con của anh lúc đó còn nhỏ. Chúng cần anh hơn. Lúc đó điều quan trọng là anh phải ở nhà với chúng. Giờ chúng đã lớn rồi, và nếu anh được sự đồng ý của vợ thì sư sẽ rất sẵn sàng để làm lễ xuất gia cho anh tại đây. Anh có thể là tu sĩ trong một hay hai tháng."

Matt rất vui mừng.

Ý nghĩ trở thành một tu sĩ 'tạm thời' (ND: gieo duyên) không lạ lùng như ta thoạt nghe. Ở một số quốc gia theo Phật giáo, thanh niên phải trải qua một thời gian, đôi khi là một năm, sống trong tăng đoàn. Sau đó, họ hoàn tục, trở lại đời sống cư sĩ. Đôi khi những người lớn tuổi đã lập gia đình sẽ xuất gia trong một hay hai tháng trong mùa mưa hay có thể chỉ một vài tuần, để hồi hướng cho cha mẹ quá cố của mình.

Nhưng trước khi có thể làm lễ xuất gia cho Matt hay bất cứ ai khác, chúng tôi phải thành lập một simaở hội Bhavana. Sima là một khu thiêng liêng, dành cho các nghi lễ đặc biệt ở tu viện. Nó có thể là một ngôi nhà, một chiếc thuyền, một hang động hay chỉ là một khoảng không gian mở được đánh dấu bằng những lằn ranh. Trong tiếng Pali, simacó nghĩa là ranh giới. Các tăng ni thường họp lại trong sima, hai lần mỗi tháng để sám hối và trì tụng các giới luật trong tu viện. Các cư sĩ không thể dự các buổi họp này. Vào những dịp khác, như là lễ xuất gia, cư sĩ được mời vào sima để chứng kiến những gì đang diễn ra.

Sima đôi khi còn thiêng liêng hơn cả điện thờ. Thiết lập một sima mới là một nghi lễ linh thiêng đến nỗi bất cứ vị tăng nào được mời đến dự cũng không thể từ chối. Nếu đến trễ, thì vị ấy không được phép tham gia nghi lễ và phải đợi ở bên ngoài.

Một sima lúc nào cũng được bao bọc bởi tám hòn đá. Có đầy đủ những lời hướng dẫn trong việc chọn kích cỡ đá cũng như cách xếp đặt chúng.

Matt đem tôi đến một mỏ đá, và tôi bảo người cắt đá chúng tôi cần những gì: tám hòn đá, mỗi hòn kích thước ngang 12 inches*, cao hai feet* rưỡi và dày ba inches*.

Vì chúng tôi không có khả năng để xây một tòa nhà làm sima, chúng tôi quyết định thiết lập nó trong ngôi thất nhỏ của tôi, đã được xây đầu năm đó, do Matt cúng dường.

Tôi định nếu chúng tôi thiết lập được sima và làm lễ xuất gia cho Matt trong cùng một ngày, thì thật là duyên lành. Chúng tôi định ngày đó là 22 tháng 7, năm 1989.

Trong lúc đó, có hai người khác nữa cũng đến trung tâm chúng tôi xin xuất gia: Misha Cowen, một phụ nữ trẻ ở California, người đã mơ thấy được trở thành một nữ tu sĩ, và Tom West, ở Vancouver, Canada cũng muốn thề nguyện làm tỳ kheo. Sau khi quán sát cả hai trong vài tháng, tôi thấy rằng họ đã sẵn sàng cho cuộc sống không nhà. Tôi sẽ xuất gia cho họ trong cùng buổi lễ với Matt.

Chúng tôi muốn có càng nhiều các tu sĩ tham dự buổi lễ quan trọng này càng tốt. Vì thế chúng tôi mời ba mươi lăm tăng sĩ phái Nguyên thủy ở khắp nơi trên nước Mỹ gồm: người Sinhala, Thái, Lào, Campuchia, Việt Nam và Burma, cũng như một tu sĩ đại thừa Nhật Bản và hai vị ni theo Đại thừa.

Vào buổi sáng tiến hành buổi lễ, tất cả chúng tôi họp lại trên sàn gỗ dán mà chúng tôi đã dựng lên ở chỗ sima. Một phóng viên ảnh của viện Smithsonian có mặt để ghi lại phóng sự cho cả ngày hôm đó. Tôi yêu cầu ba người -Matt, John Hitchins và Daniel Cory –chính thức trình giấy tờ của ba miếng đất mà chúng tôi sở hữu. Rồi sau đó là thời gian dành cho sima.

Tám hòn đá đã được đặt cẩn thận thành vòng tròn quanh sima. Mỗi hòn đá có một vị tăng đứng cạnh. 

Với sự trịnh trọng, vị tăng cao niên nhất, hòa thượng tiến sĩ Havenpola Ratanasara Mahathera, đi từ hòn đá này đến hòn đá khác, bắt đầu từ hướng đông. Khi đối mặt với vị tăng đứng ở mỗi hòn đá, vị tăng ấy sẽ nói: "Đây là hòn đá của phương đông, thưa Thượng tọa.” Hay "Đây là hòn đá của đông nam, thưa Thượng tọa.”

Sau khi đi hai vòng qua các hòn đá, vị sư trưởng sẽ dừng lại và xướng lên một cách trịnh trọng, "Đây là giới hạn của sima này."

Sau đó tôi tuyên bố rằng nghi lễ xuất gia sẽ diễn ra sau giờ thọ trai, lúc 2 giờ chiều.

Trong lúc thọ trai, vị tu sĩ người Nhật Bản tiến lại phía tôi và yêu cầu tôi xuất gia cho ông nữa. Ông muốn trở thành một tu sĩ theo phái Nguyên thủy và tôi nhận lời.

Vì thế ngày hôm đó, chúng tôi xuất gia cho ba người nam và một nữ. Tôi đặt danh hiệu cho Matt là Sumati, có nghĩa là "Chánh Giác." Tom West trở thành Sona, hay "Vàng" -là tên của một tu sĩ được vua Ashoka xưa kia gửi đi làm nhà truyền giáo Phật giáo. Và người phụ nữ trẻ ở California có tên là Sister Sama, nghĩa là "An Bình."

Sumati và Sona, cả hai đều thọ giới sadi và giới trọng trong một ngày và vị tăng sĩ người Nhật, vì ông đang là tu sĩ nên chỉ thọ giới trọng. Tuy nhiên Sister Suma xuất gia chỉ làm sadi ni.

Truyền thống Phật giáo đòi hỏi phải có ít nhất năm vị tu sĩ chứng kiến buổi lễ xuất gia. Khi ni chúng Nguyên thủy tan rã vào thế kỷ thứ 10 sau công nguyên, do thiếu sự ủng hộ, không còn có người nữ tu sĩ nào đã thọ đầy đủ giới để làm chứng cho lễ xuất gia của các nữ tu trẻ. Đó là một bức xúc đối với phụ nữ ngày nay nếu họ muốn xuất gia tu theo Nguyên thủy. Mãi đến gần đây, họ vẫn phải bằng lòng ở một vị trí lừng chừng, chỉ là thức xoa thọ mười giới. Đó đã là nguyên nhân gây bất hòa trong cộng đồng Phật giáo Nguyên thủy nhiều năm nay.

Tôi biết rằng vấn đề đó sẽ được đặt ra khi chúng tôi bắt đầu thọ giới cho nhiều người ở hội Bhavana. Người nữ sẽ muốn trở thành những nữ tu sĩ thọ đủ giới. Tôi phải quyết định mình sẽ làm gì.

Đức Phật đã đề ra những hướng dẫn chi tiết về việc xuất gia cho người nữ, nhưng ngài chẳng bao giờ nói rằng chỉ có nữ tu sĩ mới có thể thực hiện lễ xuất gia cho nữ cư sĩ. Ngài cũng không bao giờ nói rằng nếu các ni đoàn có bị tan rã, họ sẽ không được thiết lập lại ni đoàn khác. Từ đó tôi kết luận rằng không có lý do gì tăng sĩ không thể làm lễ thọ giới cho người nữ.

Ngoài ra tôi được biết hòa thượng Havenpola Ratanasara Mahathera, vị tỳ kheo người Sinhala rất được kính trọng, người đã khánh thành sima cho chúng tôi, đã truyền giới xuất gia cho một người phụ nữ Thái ở California.

Vì thế khi Misha Cowen đến hội Bhavana để hỏi xem cô có thể trở thành một nữ tu sĩ không, tôi đã bằng lòng. Tuy nhiên vì cô mới biết Phật pháp, tôi bảo cô trước hết phải làm thức xoa. Tôi biết rằng mình không thể làm lễ thọ đại giới cho cô mà không có sự ủng hộ của tăng đoàn, nhưng tôi hy vọng rằng tới lúc cô đã sẵn sàng thọ đầy đủ giới, thì đã có các tỳ kheo ni với đầy đủ giới, lúc ấy tôi có thể gửi cô đến đó.

Một vài tăng sĩ biết chuyện tôi đang dự định làm, họ yêu cầu tôi đừng xuất gia cho cô. Tôi lễ phép trả lời rằng ý tôi đã quyết, vì thế cô đã trở thành Sister Sama ở buổi lễ xuất gia đầu tiên tại Hội Bhavana.

Từ lúc đó đến nay, tôi đã làm lễ xuất gia cho năm phụ nữ khác nữa. Tất cả họ đều được nhận vào làm thức xoa. Một số người cũng chỉ muốn xuất gia gieo duyên trong thời gian ngắn, vì thế sau đó họ rời khỏi Hội Bhavana. Trong những người này, có một phụ nữ người Đức, đã trở thành Sister Sucinta, tiếp tục tu lên thọ đại giới vào năm 1997 ở Bodhgaya, Ấn Độ. Cô đã tham dự một buổi lễ thọ giới đông đảo với hàng chục các vị thức xoa khác. Có các tăng sĩ phái Đại thừa và Nguyên thủy đều tham dự buổi lễ truyền giới đó.

Trước lễ xuất gia đầu tiên của chúng tôi ở Bhavana vào tháng 7, năm 1989, tôi chỉ làm lễ xuất gia cho một người khác, một cậu bé mười lăm tuổi ở chùa Phật giáo Washington, người muốn được xuất gia trong một thời gian ngắn. Tôi chưa bao giờ thực hiện nghi lễ xuất gia khi tôi ở Á châu.

Vì thế đó là một ngày trọng đại cho tất cả chúng tôi. Hội Bhavana đã dựng được sima và cũng đã thâu nhận các vị tăng và ni đầu tiên của Hội.

Giấc mơ của tôi về một tu viện ở trong rừng đã thành hình. Tôi thật vui mừng không thể diễn tả nên lời.


Chương 26. Vô Giá

Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, lịch đi hoằng pháp của tôi dày đặc. Tôi được mời đi thuyết giảng khắp nước Mỹ, Canada, Nam Mỹ, Scandinavia, Âu châu, Úc và Á châu. Tôi đồng ý với gần như tất cả các lời mời gửi đến tôi -càng đi xa càng tốt. Tôi rất thích du lịch.

Ở nhiều nơi, sẽ có người thông dịch các bài thuyếp pháp của tôi. Ở các quốc gia khác, thì phần đông thính giả nói tiếng Anh, nên tôi có thể giảng Pháp bằng ngôn ngữ này.

Sau mỗi khóa tu hay một buổi thuyết pháp, người ta thường đến gặp tôi để cảm ơn. Đôi khi họ muốn bắt tay tôi, hay ôm tôi. Dĩ nhiên, phần đông họ là phụ nữ. Điều này, luôn tạo ra sự khó xử cho tôi. Các tăng sĩ Nguyên thủy không được đụng chạm đến phụ nữ. 

Tôi thường chắp hai tay lại với nhau, mỉm cười, và nói: “Xin lỗi. Không phải tôi vô lễ nhưng đây là cách chúng tôi, người tu sĩ Phật giáo chào nhau hoặc để tỏ lòng biết ơn."

Điều này khiến có người bối rối, người thì đỏ mặt. Số khác lại cảm thấy như bị xúc phạm, quay đi không nói một lời nào. Điều đó luôn khiến tôi cảm thấy buồn.

Tôi biết nhiều người nghĩ rằng các vị tu sĩ Phật giáo không đụng chạm đến phụ nữ vì họ không 'sạch'. Tôi đã từng bị coi là một người kỳ thị giới tính, kiêu mạn, lạnh lùng, e thẹn. Không có điều gì đúng.

Tôi tránh đụng chạm phụ nữ không phải vì tôi nghĩ họ là những sinh vật gớm ghê, xấu xa. Trái lại, phụ nữ là những sinh vật đẹp nhất trên thế giới. Và đó mới chính là vấn đề.

Có một câu chuyện về Đức Phật đã giải thích điều đó rất rõ ràng. Có lần khi thị giả của Đức Phật là ngài Ananda hỏi Phật, "Bạch Thế tôn, người tu sĩ chúng ta phải đối xử thế nào đối với phụ nữ?"

"Đừng nhìn họ," là câu Phật trả lời.

"Nhưng đôi khi chúng ta không thể tránh nhìn họ," Ananda nói. "Rồi ta phải làm sao?"

"Đừng nói chuyện với họ."

"Nếu hoàn cảnh bắt buộc ta phải tiếp chuyện với họ thì làm sao, bạch Thế tôn?" ngài Ananda tiếp tục hỏi.

"Chỉ nói vắn tắt, một cách đầy chánh niệm," Đức Phật trả lời.

Đức Phật là một người nam, một người đàn ông bằng xương thịt. Ngài hiểu rất rõ rằng không có hình ảnh nào có thể chiếm ngự tâm người đàn ông bằng hình ảnh của một người phụ nữ. Không có lời nói nào, không có hương nào, không có vị nào. Không có sự tưởng tượng nào có thể chiếm ngự tâm của người đàn ông giống như là ý nghĩ về một phụ nữ, họ không còn có thể nghĩ đến thứ gì khác.

Khi người nữ nhìn một người nam họ thích cũng giống như thế.

Đó là lý do tại sao Đức Phật đã đề ra những giới luật khắt khe cho cả tăng và ni. Một tăng sĩ không được đụng chạm đến phụ nữ và nữ tu sĩ cũng không được đụng chạm đến người nam.

Khi họ xuất gia, giới luật của người tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy là phải nguyện sống đời độc thân. Lời nguyện đó khá khó giữ, nhưng nếu bạn bắt đầu đụng chạm đến người khác giới, thì gần như không thể nào giữ được. Một cái ôm hay một nụ hôn nhẹ cũng có thể đánh thức lòng ham muốn, sự quyến luyến. Mà đó chính là những điều mà chúng tôi cố gắng chế ngự khi chúng tôi đã chọn đi theo con đường của Phật. 

Ở hội Bhavana, chúng tôi rất coi trọng các giới luật tu viện. Khách vãng lai và các cư sĩ ở chùa được yêu cầu phải giữ tám giới luật, bao gồm ngũ giới cộng thêm một số giới ở chùa nữa là: không ăn sau giờ ngọ, không có những hoạt động tình dục, không có những giải trí như xem truyền hình hay nhảy múa.

Các giới luật này nhằm bảo vệ hơn là hạn chế chúng ta. Chúng bảo vệ chúng ta bằng cách loại bỏ nhiều hoạt động khiến chúng ta xao lãng việc tu thiền một cách nghiêm chỉnh. 

Tôi luôn cảm thấy rằng chúng tôi không cần phải giảm bớt các giới luật để thu hút thêm nhiều người đến trung tâm của mình. Nếu họ cảm thấy giới luật ở Hội khá khắt khe, không muốn đến thì họ sẽ không đến, như thế cũng không sao. Vẫn có người khác đến. Người cư sĩ luôn có lòng tôn kính các giới luật. Khi họ thấy chúng tôi sống ở đây như thế nào, họ rất cảm kích. Họ sẽ chấp nhận các giới luật một cách vui vẻ, dầu cho đó là một khóa tu cuối tuần hay dài lâu.

Họ cũng tán thán việc chúng tôi điều hành hội Bhavana chỉ dựa vào dana(tiền cúng dường), thay vì bắt họ phải đóng lệ phí. Không có lệ phí nào cho các hoạt động như thuyết pháp, các khóa tu hay các lễ lạc. Chỉ có một thùng phước sương ở trong phòng ăn, và một hộp bao thư để cạnh bên. Các vị khách muốn cúng bao nhiêu, tùy hỉ.

Đây là một truyền thống lâu đời như giáo lý của Đức Phật. Danadịch theo tiếng Pali có nghĩa "rộng rãi". Phật Pháp luôn được coi là vô giá, vì thế không thể áp đặt cái giá nào lên đó; nó chỉ có thể được ban tặng, không tính toán.

Ở Mỹ, dĩ nhiên, cái gì cũng có giá. Suy cho cùng đây là một nền kinh tế tài chính. Người bán sẽ cho bạn biết sản phẩm của họ giá bao nhiêu, và bạn, là người tiêu dùng phải quyết định sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền để mua sản phẩm đó. Dana, trái lại, có nghĩa rằng bạn, người tiêu dùng, phải tự quyết định rằng một sản phẩm đáng giá bao nhiêu. Bạn tự xét mình muốn trả bao nhiêu, chỉ hy vọng là bạn đã công bằng.

Trong nền văn hóa Mỹ, danalà một thông điệp mạnh mẽ. Lần đầu nghe về nó, người ta thường phản ứng với sự lạ lẫm. Họ khó thể tin rằng toàn thể tu viện và trung tâm thiền đã được xây dựng dựa trên lòng tin và sự rộng rãi của con người. Sự phụ thuộc của chúng tôi vào dana, lòng tin rằng chúng tôi sẽ được hỗ trợ khi cần đến, là điều hiếm thấy ở Mỹ đến nỗi dường như nó đã mở được tâm và trí của mọi người. Tôi nghĩ rằng họ tin tưởng chúng tôi hơn vì rõ ràng chúng tôi không có ý lấy gì của họ. Thay vào đó, chúng tôi ban tặng cho họ một điều gì đó.

Từ lúc ban đầu, tôi cũng rất cương quyết không để Hội Bhavana mang dấu ấn của một nền văn hóa nào. Tôi không muốn trung tâm này được coi là một chùa Sinhala, hay một trung tâm tu thiền Mỹ hay một thiền đường Nhật Bản. Tôi muốn nó là một nơi mà mọi người thuộc mọi truyền thống, và mọi chủng tộc, nguồn gốc quốc gia, đều cảm thấy thoải mái, tự tại. 

Đôi khi điều đó đòi hỏi các vị khách của chúng tôi phải uyển chuyển. Phật tử Á châu theo truyền thống không gọi trước hay ghi danh cho các Phật sự ở chùa. Họ ghé đến bất cứ khi nào họ muốn cúng dường, cần tham vấn một tăng ni nào đó, hay cần làm lễ cầu an cho một em bé sơ sinh. Họ luôn đến chùa vào những ngày rằm. Đối với họ, chùa là một nơi rất tuyệt vời để thư giãn với gia đình và bè bạn.

Người Mỹ, trái lại, đòi hỏi một không khí có quy củ hơn. Họ luôn hẹn trước khi đến trung tâm. Và vừa đến nơi là họ tham khảo xem thời khóa biểu ở chùa có gì, vì thế họ biết rõ ràng họ phải làm gì từng giờ trong ngày. Họ muốn tìm ở chùa một không khí tĩnh lặng và trầm ngâm. 

Thời gian mới đầu ở hội Bhavana, khi chỉ có một cánh cửa duy nhất ngăn chia thiền đường và nhà bếp, thường có những sự xung đột văn hóa xảy ra. Người Tây phương thì im lặng, ngồi nhắm mắt trên chiếu thiền trong thiền đường.Ở phòng bên cạnh, một nhóm người Sinhala và Thái trò chuyện lớn tiếng trong lúc chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn cho các vị tăng ni.

Giờ thì tất cả chúng tôi đều học sống hòa hợp với những sự khác biệt của nhau một cách dễ dàng hơn, và tôi nghĩ đó là một điều tốt. Người Á châu bắt đầu ngưỡng mộ sự tinh tấn thực tập thiền quán của người Tây phương, và người Tây phương cũng thán phục tâm chân thật, tốt đẹp, rộng rãi của các vị khách người Á châu. Buồn thay, lòng tôn trọng lẫn nhau quá hiếm hoi trên thế giới này.

Năm 1983, cuộc nội chiến đã bùng nỗ ở Tích Lan. Sự xung đột đã âm ỉ từ khi đất nước giành được độc lập từ người Anh vào năm 1948. Hai nhóm thiểu số mạnh nhất -người Sinhala (mà đa số là Phật tử) và người Tamil (đa số theo Ấn Độ giáo) -lập tức bắt đầu tấn công nhau.

Người Sinhala cho rằng người Anh đã dành nhiều quyền lợi cho nhóm người Tamil bằng cách xây dựng cho họ trường tốt, cho họ những công việc lương cao. Vì thế, người Sinhala đòi được đền bù. Vào năm 1956, một người Sinhala, tên là Bandaranaike, đã thắng cuộc tranh cữ quốc hội. Vừa vào được quốc hội, ông vận động tuyên truyền sẽ biến tiếng Sinhala thành ngôn ngữ chính thức ở Tích Lan.

Điều đó khiến cho người Tamil nổi giận và làm cho họ cảm thấy bị bỏ rơi. Một phong trào chống chính phủ bí mật nổi lên trong nhóm người Tamil. Một thanh niên trẻ háo chiến tên là Prabhakaran, kêu gọi những người trẻ tuổi tình nguyện đánh bom tự sát. Anh ta tiêu diệt những người lãnh đạo Tamil khác mà anh ta coi là kẻ thù của mình. Năm 1983, nhóm “Những Con Hổ” Tamil của Prabhakaran bắt đầu cuộc tấn công đầu tiên của họ, giết hại mười ba người lính. Để đáp trả, biểu tình nổi lên khắp nơi trong xứ.

Kể từ đó đã có một cuộc chiến tranh đẫm máu giữa người Sinhala và người Tamil. Suốt gần hai mươi năm của cuộc nội chiến, 65.000 người đã chết.

Cuộc bạo động này đã làm tôi rất buồn, và tôi cố gắng không đứng ở phe nào. Nhưng năm 1983, tôi được biết về 500.000 người tỵ nạn, nhiều nhất là người Tamil, bị kẹt ở các trại tỵ nạn ở miền Bắc Tích Lan. Lúc đó tôi vẫn còn ở chùa Phật giáo Washington. Tôi liền gửi một lá thư đến tất cả thành viên của chùa kêu gọi họ đóng góp cho quỹ cứu trợ những người tỵ nạn. Rất nhiều người công kích tôi vì đã ủng hộ người Tamil.

Tôi trả lời rằng, tôi không cần biết họ là người Sinhala hay người Tamil –nhưng họ là những chúng sinh đang đau khổ. Chỉ vì lý do đó, tôi muốn giúp đỡ họ.

Một lần khác, tôi đang giảng Pháp cho một nhóm người Sinhala ở Ottawa. Có người hỏi về ngũ giới. Về giới đầu tiên, cấm sát sinh, tôi nói đó là một giới luật vô điều kiện. Có nghĩa là không được giết hại trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Giới thứ ba (cấm tà dâm) và giới thứ năm (cấm rượu và những chất gây ghiện) là những giới luật có điều kiện, tôi nói. Những giới luật này có thể được uyển chuyển để phù hợp với một vài hoàn cảnh nào đó. Thí dụ, vợ hay chồng có thể hành dục với người hôn phối của mình. Hoặc người ta có thể dùng các loại thuốc có chứa rượu hay uống chút ít rượu nếu điều đó không ảnh hưởng đến chánh niệm. 

Nhưng đối với giới thứ nhất, cấm sát sinh, không có điều kiện. Ngay cả khi chúng ta giết hại để bảo vệ bản thân, gia đình mình hay quốc gia mình cũng không đúng. Tôi có thể thấy một vài khuôn mặt cau mày, tỏ vẻ phản đối khi tôi nói như thế.

Sau đó, một người đến nói với tôi, "Bhante, nếu Sư giảng như thế ở Tích Lan, sư sẽ không sống được đến ngày mai. Kêu gọi bất bạo động là việc không nên làm lúc này ở đó."

Tuy nhiên, ở Mỹ, không phải là quan điểm chính trị gây cho tôi những khó khăn, mà đôi khi chính là chiếc y tôi mặc.

Một lần tôi đến viếng một vị bác sĩ người Sinhala giàu có, sống ở St. Louis. Ngoài tôi, vị bác sĩ còn mời bốn tăng sĩ khác nữa, để thực hiện một nghi lễ đặc biệt cho ông. Trước khi buổi lễ bắt đầu, chúng tôi đi vòng quanh công viên ở phía bên kia đường. Không lâu sau, một chiếc xe cảnh sát đậu tấp vào lề cạnh chúng tôi. Viên cảnh sát bước ra khỏi xe, hỏi chúng tôi đang làm gì.

"Chúng tôi đang đi bộ," tôi nói. "Chúng tôi đã làm gì sai à?"

Vị cảnh sát nói rằng gần đây có một số vụ trộm cắp trong khu vực. Và một người dân cư ngụ trong vùng đã gọi cảnh sát báo rằng có ba kẻ lạ mặt luẩn quẩn trong công viên. Sau đó viên cảnh sát bắt đầu thẩm vấn tôi một cách cặn kẽ, một cuộc thẩm vấn mà tôi chưa bao giờ phải trải qua như sau:

Tôi từ đâu đến? Tôi làm gì ở St. Louis? Tôi đang ở đâu? Đã từng phạm tội gì chưa? Tên cha? Tên mẹ? Cha mẹ tôi làm nghề gì? Tôi đã lập gia đình chưa? Có con cái không? Ai đã mời tôi đến đây? Tại sao?

Rồi anh ta hỏi thêm tôi cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu và có dấu vết gì đặc biệt trên người không. Sau đó anh ta còn hỏi số an sinh xã hội cũng như xét visa của tôi.

Tôi trả lời tất cả mọi câu hỏi của anh, nhưng thực sự điều tôi muốn làm là chỉ hỏi anh ta một câu đơn giản: Ông đã biết bao nhiêu kẻ trộm cướp mà lại quấn mình trong những chiếc áo vàng rực rỡ, rồi lại rảo bước trong công viên trong một buổi sáng như thế này?

Đôi khi tôi cũng thu hút sự chú ý của các nhân viên bảo vệ an ninh ở phi trường. Suy cho cùng, chắc hẳn là vì màu da đen và y phục khác thường của tôi. Y của tôi có rất nhiều ngăn, trong đó tôi có thể giấu ma túy hay vũ khí.

Một lần ở Denver, tôi bị một nhân viên bảo vệ trì kéo vì cô ta không tin ống muối nhỏ tôi mang trong túi thực sự là muối. “Tôi dùng để súc miệng. Cổ tôi bị viêm,” tôi giải thích. 

Cô ta nhất quyết gọi cảnh sát phi trường và một chuyên viên về ma túy. Kết quả là tôi trễ chuyến bay đi Vancouver và phải đợi tám tiếng chờ chuyến bay kế tiếp.

Một lần khác nữa, trở về nhà đến phi trường Dulles sau chuyến đi hoằng pháp ở Âu châu, tôi gặp một người bạn Mỹ. Khi ông đi qua cửa hải quan cùng với tôi. Các nhân viên hải quan nhảy sổ vào chúng tôi. Bạn tôi bảo với họ, tôi là một tu sĩ Phật giáo trên đường về nhà sau một khoá tu thiền, nhưng họ cứ đoan chắc là tôi tàng trữ cocaine. Chúng tôi phải giải thích rất lâu mới có thể đi qua được.

Trong những trường hợp như thế, trước đây tôi thường giữ im lặng, nhưng giờ thì tôi cứng rắn hơn. Tôi nói với các nhân viên hải quan rằng họ không có quyền làm khó dễ tôi, khi mà tôi rất sẵn sàng hợp tác và đồng ý mở tuí xách của mình ra.

"Tôi không có gì để che giấu," tôi luôn nói vậy. Rồi tôi tặng cho các viên chức kia một nụ cười thật tươi và trải lòng từ bi đến họ.


Chương 27. Trưởng Tăng Đoàn Nayaka

Khi tôi đến Tích Lan năm 1985, một hội đồng đề cử gồm một số tăng sĩ đã đề nghị tôi nhận một chức vị danh dự nhất trong tông phái của tôi: danh hiệu của Thượng tọa Trưởng tăng đoàn Nayaka ở Bắc Mỹ.

Nói một cách đơn giản, danh hiệu đó có nghĩa như là "trưởng của cộng đồng tăng và ni". Tương đương với chức vị tổng giám mục của bên Thiên chúa giáo. Nó có nghĩa bạn là vị tăng ở thứ vị cao nhất trong tông phái của bạn, ở một vùng nào đó (trong trường hợp của tôi là Mỹ và Canada). Và đó là một tước vị bạn giữ cho đến cuối đời.

Tôi cũng có suy nghĩ về việc đề cử này, nhưng cho rằng danh vị đó không thích hợp cho tôi. Tôi không nghĩ rằng mình đã có đóng góp gì to lớn để xứng đáng được nhận danh dự đó. Vả lại, còn có một vị tăng trong tông phái của chúng tôi, thuộc hàngtrưởng lão hơn tôi, sống ở California, người mà tôi nghĩ xứng đáng với danh hiệu đó hơn là tôi. Vì thế tôi đã từ chối.

Tháng 3 năm 1996, lúc tôi đang dạy ở Norway thì người ta lại đề nghị lần nữa. Cũng nhóm tăng sĩ đó đã điện thoại để hỏi xem tôi có đổi ý, bằng lòng chấp nhận lời họ đề nghị không. Tôi lại từ chối. Việc đó lại tái diễn khi tôi đến trạm dừng kế tiếp trên chuyến đi của mình: khi tôi ở Thụy Điển, họ lại gọi, gia hạn lời đề nghị, và tôi lại từ chối.

Khi tôi đến Pháp, lại có một điện báo chờ đợi tôi: "Xin hãy suy nghĩ lại," bức điện báo ghi. Tôi không trả lời bức điện báo.

Khi khóa tu kết thúc, tôi trở lại hội Bhavana. Có một vị khách tăng đến từ Tích Lan đang chờ ở đó. Ông đã được gửi đến để trao tận tay tôi lá thư của cái ủy ban quá cương quyết muốn tôi trở thành trưởng tăng đoàn Nayaka.

Tôi nghĩ có thể đã đến thời điểm. Tôi biết thân quyến và bạn bè của tôi sẽ rất hạnh phúc. Vì thế tôi xuôi lòng.

Tôi đã dự định sẽ đi Úc hoằng pháp mùa hè năm đó. Tôi hứa sẽ dừng lại Tích Lan, trên đường đi, để nhận bằng danh dự đó. Tôi không nghĩ đó là một sự kiện lớn lao gì, nên dự tính sẽ chỉ ở đó một ngày.

Tôi đến Tích Lan lúc 1:30 sáng, ngày mùng 4 tháng 7, 1996. Nghỉ qua đêm ở phòng chủ tịch ở Vidyalankara Pirivena, trường Phật học mà tôi đã ra trường năm 1952.

Sáng hôm sau tôi được đưa đến Kandy, văn phòng đầu não của tông phái Siyam Nikaya của Phật giáo Nguyên thủy ở Tích Lan. Khi đến nơi, tôi kinh ngạc thấy một đám đông khoảng hai trăm người chờ đợi để đón tiếp tôi -tất cả đều là họ hàng hay bạn bè cũ. Tôi đã viết thư cho một vài thành viên trong gia đình để báo với họ rằng tôi sẽ ghé về, nhưng Thượng tọa tiến sĩ Vajira, người tổ chức chương trình, đã viết thư báo cho nhiều người hơn nữa.

Tôi bước ra khỏi xe và nhận ra những khuôn mặt tôi đã không được gặp bốn mươi năm nay. Nhiều người tôi còn không nhận ra được cho đến khi họ xưng tên họ. Em gái tôi, Sita đã sắp đặt một bữa tiệc trưa thịnh soạn cho tôi và năm mươi tăng sĩ khác đến từ khắp nơi ở Tích Lan để dự buổi lễ này.

Sau bữa thọ trai, lúc tôi đang cố gắng tiếp xúc với càng nhiều vị khách càng tốt, thì một vị tu sĩ tiến gần đến để báo rằng người ta đang chờ đợi tôi ở chùa Pahamune, ngôi chùa của thầy của sư phụ tôi. Ở đó, tôi được mời một ly trà và được tặng một chiếc y vàng mới tinh để mặc trong dịp lễ này.

Không lâu sau đó một người đến để báo rằng đã sẵn sàng để tiến hành đám rước. "Đám rước gì?" tôi nghĩ. Tôi hoàn toàn không ngờ rằng những nghi lễ trang trọng như thế đã được xếp đặt cho tôi; tò mò, tôi bước ra ngoài.

Có một hàng dài khoảng vài trăm người. Tôi hoàn toàn không biết họ là ai, từ đâu đến. Tôi được dặn phải đi ở hàng đầu đám rước, chỉ sau tấm băng rôn to lớn với hàng chữ: "Chào mừng vị trưởng tăng đoàn tông phái Nakya". Sau lưng tôi là các nhạc công, kẻ đánh trống, người nhảy múa, người thổi cồng, và các đám trẻ ăn mặc đầy màu sắc. Mọi người đều ở trong trạng thái phấn khởi của một buổi lễ hội hoành tráng, tôi cũng nhận ra một vài vị viên chức chính quyền trong đoàn người, kể cả vị Bộ trưởng quốc phòng.

Đám rước dài hơn nửa cây số, và họ đưa chúng tôi đến sima ở chùa Malwatta. Ở đó, tôi sẽ cúng dường những mâm quà đến khoảng hơn hai mươi vị cao tăng thuộc tông phái Siyam Nikaya, gần giống như những gì tôi đã làm vào ngày thọ đại giới của tôi bốn mươi chín năm về trước. Giống như trước, căn phòng cũng đầy kín người với một sợi dây thòng xuống giữa phòng để ngăn chia giới cư sĩ và tu sĩ. Trời nóng đến nỗi mồ hôi tôi tuôn dầm dề. Tôi lại bị sái giờ giấc và đã ngủ rất ít đêm hôm trước đó. Mùi hoa nồng nặc trên bàn thờ, cộng với khói nhang dày đặc khiến cho không khí thật ngột ngạt. Tôi hy vọng rằng mình không ngất xỉu ngay lúc đó.

Thượng tọa tiến sĩ Vajira trao cho tôi chiếc mâm đầu tiên, bảo tôi mang dâng cho vị Đại Lão Sư của tông phái, người đang ngồi trên tọa cụ, phía bên phải tượng Phật.

Tôi cầm mâm tiến lại gần vị Đạo Lão Sư và quỳ xuống trước mặt ông. Bằng giọng khàn đục, ông nói vài lời nhỏ nhẹ về lòng biết ơn của ông đối với những công tác Phật sự của tôi.

Sau đó, Thượng tọa Vajira đưa cho tôi từng chiếc mâm một, để tôi mang đến cho mười chín vị tăng còn lại, ngồi ở phía bên trái theo thứ tự tuổi tác. Các thầy của tôi đã mất, chỉ còn một vị, người đã có mặt ngày hôm đó -Thượng tọa Parawahera Pannananda Nayaka Mahathera. Ông đã tám mươi tám tuổi, đi từ Colombo đến đây để chứng kiến việc tôi được nhận danh dự này.

Khi cúi chào và dâng chiếc mâm lên cho ông, tôi thấy mắt ông ngấn lệ. Mắt tôi cũng mờ lệ. 

Sau khi tôi ngồi xuống, thầy thư ký mở một ống màu bạc và lấy ra văn bản chứng nhận với tên tôi là Trưởng Tăng Đoàn Nakya. Ông đọc lớn bằng cả hai thứ tiếng Sinhala và tiếng Anh, rồi yêu cầu tôi bước ra phía trước để nhận lãnh văn bản đó từ tay vị Đại Lão Sư.

Vài vị tăng đọc diễn văn bằng tiếng Sinhala. Vị bộ trưởng quốc phòng cũng nói vài lời trước khi được các vệ sĩ của ông hộ tống ra về. Và rồi buổi lễ kết thúc.

Đám đông bao quanh tôi để chúc tụng. Mười phút sau, tôi được đưa ra xe và chở về chùa Chiếc Răng, nơi chúng tôi sẽ cử hành một nghi lễ đặc biệt. Tôi được phép chiêm ngưỡng xá lợi Phật trước khi dâng cúng lên Đức Phật một mâm bạc đầy hoa tươi.

Nhiệm vụ cuối cùng trong ngày đó của tôi là đến đảnh lễ vị trưởng lão của một tăng đoàn khác thuộc tông phái chúng tôi. Ông cũng bày tỏ sự vui mừng vì tôi được nhận danh dự này, và tôi cúng dường ông một chiếc y mới.

Rõ ràng là tôi phải ở lại Tích Lan hơn một ngày, vì thế tôi hòa mình chung vui với bạn bè, gia quyến, và các huynh đệ đồng tu. Ngày hôm sau, những cuộc tiếp đón khác lại diễn ra, mỗi lần ở một nơi khác. Trong bốn ngày, có đến bảy buổi lễ tất cả, tôi cứ phải đi từ nơi này đến nơi khác, bất cứ đâu mà người ta đưa tôi đến.

Một trong những buổi lễ diễn ra ở Vidyalankara Pirivena, ngôi trường cũ của tôi, gần Colombo. Ở đó, chúng tôi được đón tiếp bằng một ban nhạc nổi tiếng chỉ biễu diển ở các buổi lễ của tiểu bang. Thủ tướng, Bà Sirimavo Bandaranaike, trao cho tôi bằng khen.

Một buổi lễ khác diễn ra ở chùa nơi tôi lần đầu xuất gia. Ở đó cũng có một đám rước dành cho tôi. Vị thầy giáo thời xưa ở làng Malandeniya cũng có mặt, giờ ông đã rất lớn tuổi, ông biết tôi từ khi tôi còn là chú tiểu. Ông đã đi bộ suốt khoảng đường diễn hành, cạnh bên chiếc xe tôi đi, vịn vào xe và nói chuyện với tôi qua cửa sổ mở. Tôi mời ông lên xe ngồi với tôi, nhưng ông từ chối. Sau đó tôi nói, tôi sẽ xuống đi bộ với ông, nhưng ông cũng không nghe.

Một đêm người ta tổ chức lễ tụng kinh suốt đêm cho tôi, ở một chùa ngoại ô Kandy. Tôi không tham dự; mà chỉ lắng nghe. Mười hai vị tăng tụng kinh cầu an cho tôi. Tôi đã tụng những bài kinh này quá nhiều lần trong đời, để cầu an cho người khác, giờ tôi là người được cầu nguyện cho, tôi không khỏi có cảm giác bỡ ngỡ.

Suốt năm ngày lễ hội, tôi rất cảm động khi có nhiều người tỏ lòng trân trọng công việc tôi làm, dầu phần lớn các công việc đó không xảy ra ở Tích Lan. Suốt bốn mươi lăm năm, tôi đã dốc hết sức lực của mình để hoằng pháp ở những xứ sở xa lạ, không phải quê hương của tôi. Nhưng tôi đã nghe nhiều vị trưỏng lão tăng khuyến khích các đệ tử trẻ của họ noi theo gương tôi, học sinh ngữ để có thể đi hoằng pháp ở nước ngoài, đem lại danh dự cho Phật giáo và Tích Lan.

Tuy nhiên tự hào là một việc nguy hiểm. Đó là một sự bám víu mạnh mẽ và khó chế ngự. Để chiến thắng nó, tôi luôn nhắc nhở mình rằng trong suốt những năm qua, tôi chỉ cố gắng sống theo Pháp và giảng Pháp cho người khác, càng nhiều càng tốt. Vì thế, thật ra không có gì để tôi phải tự mãn.

Buổi tiếp đón cuối cùng là ở làng quê của tôi, Henepola. Được tổ chức trong giảng đường của chùa.

Người vợ góa của anh Rambanda cũng có mặt, với bốn đứa con. Một trong những người cậu của tôi cũng đến, cùng với các cháu nội ngoại của ông.

Ba chị em gái của tôi, Bisomanike, Bandaramenike và Sita Ekanayaka và con cái của họ cũng đã đến Kandy để chứng kiến buổi lễ hoành tráng nơi tôi chấp nhận danh hiệu Trưởng Tăng Đoàn Nayaka. Nhưng tôi nghĩ buổi họp mặt đơn giản ở ngay tại làng quê của chúng tôi mang nhiều ý nghĩa hơn đối với tất cả chúng tôi.

Một vị bô lão ở Henepola đứng lên chào đón khách và tôi phải khó khăn lắm mới nhận ra ông. Ông tám mươi ba tuổi, tên là Puncibanda, trùng hợp một cách ngẫu nhiên với tên cha tôi. 

"Tôi nhớ lại khi giảng đường này được xây lên," ông nói, giọng đứt quãng vì xúc động. "Chính là cha của Bhante Gunaratana đã xây nó. Không ai có dụng cụ máy móc vào những ngày đó, mà cũng không có nơi nào để mua gỗ tốt. Chúng tôi chỉ có những viên gạch thô sơ, tự làm tại nhà."

Nước mắt lăn dài trên gương mặt vị bô lão.

"Nhưng chùa cần một giảng đường. Chúng tôi không có nơi nào trong làng để mọi người có thể tụ họp, vì thế ông Puncibanda đã xây dựng nơi này cho chúng tôi. Ông ấy đã xây khéo đến nỗi cho tới ngày nay, bảy mươi lăm năm sau, nó vẫn còn trụ vững. Và hôm nay chúng ta danh dự được có mặt ở đây để đón tiếp con ông ấy, người đã xuất gia, đã đi thật xa để truyền bá Phật Pháp, và đã giành được danh dự lớn lao này."

Các chị em gái của tôi lúc đó đều khóc. Tôi cũng cảm thấy một nỗi nghẹn ngào trào dâng trong lòng, nhưng tôi cố kiềm chế lại. Dĩ nhiên, người tu sĩ cũng có thể và cũng khóc. Đại đức Ananda, vị thị giả của Đức Phật, đã khóc khi sư phụ người tịch diệt. Chính tôi cũng đã khóc mấy ngày trước đó, khi dâng chiếc mâm bạc lên vị thầy già yếu của mình. Tôi cũng đã khóc ở đám tang của cha mẹ tôi, và ngay cả, như tôi đã kể, khi đọc bài diễn văn nói về mẹ tôi.

Tuy nhiên lần này, tôi là Trưởng Tăng Đoàn Nayaka. Chỉ cần nói lên danh hiệu đó cũng gợi trong lòng người ta niềm kính trọng, và đó là một danh hiệu tôi sẽ giữ cho đến cuối đời.

Tôi muốn sống cho xứng đáng với ngày trọng đại đó và cũng để trân trọng những người đã dành cho tôi vinh dự này. Tôi muốn nâng niu sức mạnh và sự hoàn mỹ của một truyền thống 2,500 năm tuổi. 

Dầu vậy, mắt tôi cũng mờ lệ. Tôi không thể kiềm chế mình.

Suy cho cùng, tôi cũng chỉ là một đứa con.

Một đứa con đã trở về quê hương ở Henepola.


Lời Cuối

Năm nay tôi đón sinh nhật thứ bảy mươi lăm của mình. Khi nhìn lại quãng đời mình đã trải qua, tôi bàng hoàng. Bảy mươi năm trước, tôi là một cậu bé đi chân không, sống trong một ngôi làng rậm rạp cây, trên một hòn đảo ở Ấn Độ Dương. Cậu bé đó thường ngồi vẽ tranh dưới cát bằng một que cây. Hôm nay tôi là một tu sĩ có trình độ học vấn sau tiến sĩ, với hàng ngàn dặm đường bay đã được tích lũy và một chiếc máy vi tính xách tay G4 loại mạnh, xếp trong hành lý xách tay của mình. 

Tôi có bạn bè và đệ tử ở khắp nơi trên thế giới và lục địa duy nhất mà tôi chưa đến là vùng Nam Cực. Quyển sách đầu tiên của tôi, Chánh NiệmCơ Bản (Mindfulness In Plain English), đã được dịch sang tiếng Trung Hoa, Đại Hàn, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Pháp. (ND: Sư Gunaratana chưa biết là quyển sách ấy đã được dịch sang cả tiếng Việt Nam, tựa là Chánh Niệm-Thực Tập Thiền Quán, dịch giả Nguyễn Duy Nhiên).

Tôi nói điều này không phải để khoe khoang, nhưng để chứng minh rằng người ta có thể đạt đến những mục tiêu cao xa, khi họ được trang bị với lòng quyết tâm và nghiệp lành. Và tôi thực sự tin rằng rất nhiều cuộc hành trình và nhiều sự thành tựu của tôi có được là do nghiệp quả từ nhiều đời trước của tôi.

Nhưng tôi cũng luôn tự thôi thúc để hoàn thiện mình hơn. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi cảm thấy giống như, lúc đầu tôi là một người đi đứng khó khăn. Rồi người này cố gắng một cách chậm rãi, khốn khổ để bước vài bước tới. Dần dần khi đã vững vàng hơn trên đôi chân, anh ngước nhìn lên và thấy một ngọn đồi cao ba, bốn chục mét trước mặt. Vì thế anh cố trèo lên. Rồi anh ta lại thấy một ngọn đồi khác cao hơn chút nữa, sáu chục mét. Anh cũng đã trèo lên ngọn đồi đó nữa.

Còn nhiều ngọn đồi nữa tiếp theo sau. Mỗi ngọn lại cao hơn ngọn trước đó, và anh tiếp tục leo lên tất cả, từng cái một. Dần dần anh thấy ngọn núi cao nhất chưa từng thấy trước đó -vĩ đại, hùng vĩ. Anh hít thở thật sâu vào, đặt chân này trước chân kia, rồi lần bước tới.

Khi đến trên đỉnh núi, anh nhìn quanh và thấy những đỉnh núi khác nữa. Cuối cùng, anh nhận ra rằng, mình đã không còn sức để tiếp tục trèo lên nữa.

Giờ khi đã đạt đến thập kỷ thứ tám của mình, tôi nghĩ rằng tôi sẽ nghỉ ngơi chút đỉnh. Tôi có thể đợi đến kiếp sau để trèo lên những ngọn núi còn lại.

Dĩ nhiên, tôi vẫn còn phải vượt qua ngọn núi cao nhất. Tất cả những gì tôi đã vượt qua đều không đáng kể, so với ngọn núi ở phía trước mặt, đỉnh núi vô cùng tận -sự giác ngộ viên mãn, toàn diện, siêu việt.

Còn trong lúc này đây, cuộc sống vẫn còn đầy thử thách. Một trong những bổn phận của tôi là phải giữ giới luật của một người tu khi còn sống trong thế giới phàm tục. Khi tôi du hành, người ta dành cho tôi những tiện nghi vượt bực. Tôi ở trong những khách sạn năm sao hay những biệt thự sang trọng có hồ tắm được xây ngay trong đại sảnh. Những người giàu sang lái xe đưa tôi đi trong những chiếc Bentley hay Porsche của họ. Có lần tôi còn được đón trong một chiếc Rolls-Royce màu trắng, mui trần, và một lần khác, trong một chiếc trực thăng của tư nhân.

Dầu người ta cố gắng dành cho tôi nhiều vinh dự, nhưng tôi cảm thấy rất bức xúc khi thụ hưởng tất cả những sự sang cả này. Người tu sĩ phải sống đời đơn giản. Không rườm rà, không đòi hỏi gì hơn những nhu cầu tối thiểu. Vậy mà đôi khi tôi phải nằm trên những chiếc giường quá ấm êm đến nỗi tôi phải bí mật lấy mền, trải ra trên thảm ngủ, với hy vọng rằng các vị chủ nhà không bao giờ khám phá ra được điều ấy.

Nhiều bạn bè, thân quyến của tôi vẫn còn sống ở Tích Lan. Họ vẫn còn phải đi trên những sàn nhà làm bằng phân bò, giống như tôi đã từng trải qua trong thời thơ ấu. Tôi nghĩ về họ khi ngồi trên những chiếc ghế hạng nhất êm ái trên các chuyến bay, và tôi không cầm được nước mắt.

Mặc dầu tôi đã cố gắng giảm bớt các chuyến du hành những năm gần đây, nhưng những lời mời đến dạy và hướng dẫn các khóa tu thiền vẫn đến từ khắp các nước trên thế giới. Những nơi như -Canada, Brazil, Malaysia, Singapore, Úc, Scandinavia, Âu châu- tôi đi gần như hàng năm. Dấu thông hành đến các nước được đóng đầy trong hộ chiếu tôi từ rất lâu rồi.

Năm 1977, tôi trở thành công dân nước Mỹ, vì thế Mỹ giờ đã trở thành quê hương. Tôi đã thõa mản ước nguyện được giảng Pháp bằng thứ ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. (ND: tiếng Anh).

Hội Bhavana, cũng như các trung tâm thiền khác, cũng có những khó khăn riêng của nó: sự cúng dường không đều đặn, những xung đột nội bộ, những kẻ lang thang ghé qua, xin ở lại, rồi ra đi với sổ tiết kiệm của chùa hay chiếc xe của cộng đồng.

Nhưng những người trong ban điều hành của Hội vẫn rất hài lòng với những thành tựu mà Hội đã đạt được. Năm 1997, chúng tôi đã xây được một thiền đường thật khang trang, nhờ vào sự cúng dường đóng góp gần $150.000 đô của các nhà bảo trợ người Thái ở Mỹ và ở Thái Lan.

Thiền đường là một công trình kiến trúc thật đẹp mắt, gần giống các vương cung thánh đường với những cây xà bằng gỗ thông vàng trông như bộ sườn của một chú cá voi. Một tượng Phật đồ sộ, nặng hơn ba trăm ký, ngồi trên tòa cao dưới một cửa sổ bằng kính khắc họa. Các cửa sổ đều được khắc hình lá Bồ đề, gợi nhớ đến loại cây đã che chở cho Đức Phật khi Ngài ngồi thiền định trong đêm Ngài đạt được giác ngộ. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ mang đến nhiều cảm hứng cho những ai đến đây tu hành.

Thiền đường cũng có những tiện nghi vật chất khác: Ngay cả trong những mùa đông khắc nghiệt của West Virginia, các thiền sinh cũng được sưởi ấm bằng những ống dẫn nước nóng dưới sàn nhà.

Tôi đã thực hiện nhiều lễ xuất gia ở hội Bhavana cho cả nam và nữ cư sĩ. Một số là Á châu; còn lại phần đông là người Tây phương. Một số vẫn sống đời tu sĩ; số khác đã hoàn tục. 

Có khoảng hai mươi thất ở rải rác trong rừng trên đất của chúng tôi, và chúng tôi đã xây cũng như làm mới lại nội điện để các thiền sinh có thể ở lại, tổng cộng là chín tòa nhà. Có thể chứa đến sáu mươi khách ở lại qua đêm.

Tôi cảm thấy cuối cùng tôi đã thực hiện được cách sống mà tôi đã phác họa ra cho những năm cuối đời mình. Tôi không còn phải sửa chữa các ống nước bị nhiễu, làm đệm tường, hay cắt cỏ. Tôi không phải lái xe hay phải cân bằng sổ sách. Có người ở quanh tôi để làm các chuyện đó.

Tất cả tác quyền từ các sách của tôi, và tiền cúng dường của thiền sinh trong các khóa tu thiền, tôi đều bỏ cả vào tài khoản ngân hàng của hội Bhavana. Vào ngày sinh nhật tôi và các ngày lễ, tôi thường nhận được các ngân phiếu cúng dường từ bè bạn và thân quyến.

"Bhante, hãy dùng tiền này cho riêng sư," họ nói. "Đừng bỏ vào quỹ hội Bhavana."

Tôi chỉ mỉm cười, cảm ơn họ, rồi bỏ tất cả vào tài khoản của hội Bhavana. Đó là việc phải làm. Tôi là tu sĩ; tôi không có tài sản. Tôi sẽ ra đi như tôi đã đến trong thế giới này -không có sở hữu. Tài sản mà ta thực sự sở hữu chính là nghiệp của mình.

Tôi không thể tưởng tượng ra một cuộc sống nào khác cho mình hơn là cuộc sống như thế này của một tu sĩ, và được hoằng Pháp. Tôi được sinh ra để làm Phật sự đó, và tôi cảm thấy rất hàm ân vì có duyên lành để làm thế. Tôi đã được tiếp xúc với những người nghèo nhất trong các người nghèo, cũng như giàu nhất trong các người giàu, những người nổi tiếng, những kẻ hạ tiện, những người thánh thiện và những kẻ ác độc.

Qua tất cả, tôi đã nhận thức được rằng không có gì quan trọng bằng việc có thể nhìn thấy được Tứ thánh đế trong tất cả mọi thứ ở quanh ta. Tham, sân và si chế ngự cuộc sống của con người. Chúng ta phải cố gắng tu hành tinh tấn để chế ngự được những uế nhiễm này nếu chúng ta muốn chấm dứt khổ đau.

Pháp Phật luôn che chở cho tôi, là cánh dù trong những cơn bão tố. Đó là chỗ nương tựa mà chúng ta lúc nào cũng có thể quay về, nếu chúng ta nhớ được thế. 

Tôi mong rằng bạn cũng sẽ tìm được chỗ nương che cho cuộc đời của mình giống như thế.

Bhante Henepola Gunaratana

High View, West Virginia

Mùa Xuân 2003


Chú Thích 

Trong sách này, Sư Gunaratana sử dụng các đơn vị đo lường của Anh. Xin ghi bảng đối chiếu để bạn đọc tiện theo dõi:

-Inch/Inches = 2.54 cm

-Foot/Feet = .3048 m

-Yard = .9144 m

-Acre = 4046.86 m2

-Gallon = 3.7858 lít 

-Ceylon: Tên gọi của Sri Lanka trước đây. 

-Sinhalese: Ngôn ngữ của người Sinhala, một trong hai dân tộc chính ở Sri Lanka, chiếm 68% dân số, hầu hết theo đạo Phật. Dân tộc lớn thứ hai ở Sri Lanka là Tamil (14%), phần lớn theo đạo Ấn Độ.

Nguyện đem công đức này hướng về khắp tất cả,

đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo

----o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]