- Bài 01 - Tôn kính Phật
- Bài 02 - Kính Trọng Pháp
- Bài 03 - Cung kính Tăng
- Bài 04 - Trụ am thất
- Bài 05 - Hầu Thầy
- Bài 06 - Phụng dưỡng người thân
- Bài 07 - Làm bồ tát ở nhà
- Bài 08 - Tiếp đãi khách
- Bài 09 - Đọc Kinh Sách
- Bài 10 - Làm quan chức
- Bài 11 - Làm thương mại
- Bài 12 - Làm nghề nông
- Bài 13 - Làm công cho người
- Bài 14 - Làm việc chúng
- Bài 15 - Lễ bái tụng niệm
- Bài 16 - Ngồi thiền
- Bài 17 - Nghi biểu khi ăn
- Bài 18 - Ngủ nghỉ
- Bài 19 - Cùng người chung ở
- Bài 20 - Chăm sóc người bệnh
- Bài 21 - Nhập thất tịnh tu
- Bài 22 - Duyên sự khi ra ngoài
- Bài 23 - Tống táng hậu sự
- Bài 24 - Các việc trong thiền đường
- Phần phụ lục
HỌC PHẬT HÀNH NGHI
(PHÉP TẮC CHO NGƯỜI HỌC PHẬT)
Thích Minh Thông Lược dịch và Phụ chú
Bài 4 - Trụ am thất
Lời thưa: Kinh Phật Thoại nói: tỳ-kheo ở nơi tụ-lạc, dầu cho nghiệp thân và khẩu đều tinh tấn, chư Phật vẫn thường lo. Còn tỳ-kheo ở núi tuy rảnh việc nằm không, chư Phật thảy đều mừng. Cho nên cổ đức nói:
Tăng trụ thành hoàng Phật-tổ ha
Tiên-hiền đô thị ẩn nham a
Sơn-tuyền lưu xuất nhân gian khứ
Thanh-thủy y nhiên thành trược ba
Tạm dịch:
Tăng ở thị thành Phật-tổ la
Tiên-hiền quý vị ở non mà Nguồn trong trên núi nhân gian chảy Thanh thủy trở thành sông đục ra.
Phàm sa-môn khi ra cất Am thất để tu hành, trong ngoài chung quanh Am đều nên quét dọn sạch sẽ, chẳng được để bề bộn các thứ tạp vật. Công phu sớm tối chuông trống cần phải đều đặn rõ ràng chẳng được lơ là trễ nãi. Mặt trước Am cần phát quang mở lối, chẳng được để hoang tàn. Hai thời cơm cháo cần phải thanh khiết, chẳng được nhiều món tạp nhạp. Trong Phật điện phải luôn luôn lau chùi sạch sẽ, trừ những thứ pháp khí, hương đèn ra chẳng nên để các thứ tạp vật. Hoa quả, nước sạch, thức ăn cúng Phật, v.v... chẳng được lấy mũi ngửi trước. Không được trái thời loạn đánh chuông, gõ mõ, đánh kiền chùy, v.v... Khám thờ Phật, đèn Phật nên lấy giấy kiếng dùng màn lồng che đậy để tránh bụi bặm cùng làm tổn hại các loài bọ trùng bay vào. Thời thường nên lau chùi khiến tâm mắt sáng sạch. Kim thân Phật tượng phải luôn giữ gìn như mới, chẳng để bụi trần làm dơ bẩn khó coi.
Lời phụ: Am là nhà ở của người xuất gia cách xa làng mạc, là căn nhà nhỏ khiêm nhường làm bằng tre nứa và lợp cỏ hoặc lá mà thành; cũng gọi là thảo am, bồng am, am thất, mao am, thiền am, lư am. Tăng tục phần nhiều ở am để tu hành. Đã phát tâm ra mở Am Thất tất phải thông hiểu kinh luật, tự biết đường tu hành, tự có thể khuyến tấn tự mình. Sinh hoạt hằng ngày phải biết chiếu theo quy củ, sống một mình cũng phải khép mình như đang sống giữa chốn già-lam, nương chúng tùy chúng sách tấn lẫn nhau. Pháp khí xử dụng đúng với phép tắc cũng là một pháp môn giáo hóa người khác vậy.
Thường thấy các tiểu am của tăng lữ gần nhà dân, không những tự thân đã không trang nghiêm mà đối với Phật tượng cũng để cho lốm đốm khó coi. Trong Phật điện để bụi trần cao cả tấc. Treo tượng thì tùy tùy tiện tiện, để lẫn lộn ở chỗ không thể thấy nghe. Những việc như vầy chính là chỗ làm, hành vi của những hành giả một khi buông chiếc ca-sa xuống liền mất thân người. Hy vọng các bậc minh triết nên cùng nhau khuyên gắng.
Lời phụ: người tu nếu quá tùy tiện thì một khi mất thân người, lai sanh không biết đi về đâu. Phải biết câu: đa phương tiện xuất hạ lưu. Xin cùng nhau khuyên gắng.
Sớm tối nên hằng luôn tụng niệm chẳng được thôi dứt. Hương đèn cúng Phật cần nên thường thay tươi mới, chớ để bàn thờ trống không. Khoản đãi khách khứa cần nên giữ lễ, chẳng được giữ lòng kiêu ngạo hay ton hót. Dạy đệ tử cũng phải có giờ giấc, chẳng được nóng giận mắng chửi người. Chẳng được nuôi dưỡng gà vịt heo mèo, chẳng được cất giữ dao súng, hỏa pháo, cần câu, lưới cá, v.v... tất cả những thứ này đều là thứ tác hại sanh vật, làm tổn lòng từ. Chẳng được nương mình gần gũi nơi hàng nữ lưu (trừ Am của ni cô). Chẳng được gặp người là quyên góp tiền, chẳng được nhận đình đám ngồi đàn làm pháp sự. Nếu có nhà thiện tín thật tâm thì bất đắc dĩ cũng có thể qua lại. Nếu chẳng vậy thì thuận theo tự nhiên do người tự đến, tuy nhiên cũng không được lấy đó làm thường nghiệp (cách sanh hoạt hằng ngày).
Lời phụ: Đối nhân xử thế tất theo phép, hành xử phải lấy lòng nhân khoản đãi, bình đẳng với hết thảy chúng sanh. Lấy lợi ích người làm trọng, Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: Bồ-tát lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy lòng từ-bi làm bổn hoài. Chẳng để mất tín tâm của người học Phật đối với Tam-bảo.
Phàm mướn nhân công làm việc chùa, nên trước phải phân định ngày giờ và giá cả, nói rõ nơi đây ăn chay, giới sát niệm Phật, không uống rượu, không ăn các thứ nồng cay, cho đến chẳng được ca hát cười giỡn, v.v... công thợ nên trả bằng tiền nhiều hơn để thay thế cho các thứ nhu yếu phẩm, các thứ khác. Bên ngoài am chẳng được trồng đào lý các thứ cây ăn trái, để tránh chiêu khẩu thiệt (miệng người đàm tiếu).
Chẳng được ăn và trồng ngũ tân(*). Chẳng được sống tà mạng(**) Kinh Phạm Võng nói: nếu Phật-tử, dùng ác tâm vì lợi dưỡng buôn bán nam sắc nữ sắc, tự tay làm đồ ăn, tự xay, tự giã, xem tướng, bàn mộng, đoán sẽ sanh trai, sanh gái, bùa chú pháp thuật, nghề nghiệp, phương pháp nuôi ó và chó săn, hòa hiệp trăm thứ thuốc độc, nghìn thứ thuốc độc, độc rắn, độc sanh kim, sanh ngân, độc sâu cổ, đều không có lòng từ bi, lòng hiếu thuận. Nếu cố làm điều trên, Phật-tử này phạm “khinh cấu tội.”
Lời phụ: Sống phải theo pháp của Bát Chánh Đạo: chánh kiến: rõ biết khổ tập diệt đạo, chánh tư duy: biện biệt được thị phi nhân ngã, chánh ngữ: bất vọng ngữ, nói lời lợi người, chánh nghiệp: thuận theo 5 giới, chánh mạng: ngược lại với tà mạng, chánh tinh tấn: 4 chánh cần: pháp ác đã sanh làm trừ diệt, chưa sanh thì khiến chẳng sanh, điều thiện chưa khiến phát sanh, sanh rồi khiến thêm lớn, chánh niệm: quán 4 pháp bất tịnh: tâm vô thường, thọ thị khổ, thân bất tịnh, pháp vô ngã, chánh định: xa lìa các pháp tham dục xấu xa thành tựu đạo pháp.
Tà mạng: (hạ khẩu thực: làm ruộng, hái bán thuốc,... để mưu sinh. Ngưỡng khẩu thực: xem thiên văn, thuật số để mưu sinh. Phương khẩu thực: dựa vào thế lực của các nhà quyền quý, giàu có, làm sứ đi khắp 4 phương cho họ để mưu sinh. Tứ duy khẩu thực: làm nghề bói toán lành dữ để mưu sinh). Ngũ Tân: (hành, hẹ, tỏi, nén và hưng cừ: là 5 thứ rau có vị nồng cay, 5 thứ này nấu chín ăn phát dâm, ăn sống thêm sân nộ; cũng gọi là ngũ huân).
Trong Am chỉ treo những câu liễn cảnh sách, ngoài ra chẳng nên để những chữ gì khác. Phàm là những gì có đủ sự trang nghiêm thì nên để cúng trong Phật điện đường, nhưng lại chẳng được quá hoa lệ, đã viết là Am thì nên lấy sự thanh khiết không trang sức làm trên hết. Lại chẳng được tích chứa nhiều tiền bạc, gạo thóc, áo quần, trân bảo vật quý, tránh cho lòng thèm muốn của người đời. Nếu có dư thời nên đem ra bố thí cho những người nghèo khó khốn khổ trong những năm mất mùa đói kém. Chẳng được cứ mãi lo cho vay cho mượn, để mang danh là Am nhà giàu. Chẳng được dùng kim tiền, huân tửu, kết giao với thổ thần, cùng các hàng vô lại. Chẳng được cùng với hàng văn nho đọc sách để ngâm ca xướng vịnh thơ văn. Chẳng được cùng với những người lân cận thiếu thốn tránh phát sanh những lời hiềm chê. Nếu gặp những năm đói kém, hoặc rét buốt nghiêm trọng cùng tang ma các việc, nên tùy theo sức mình mà chu cấp cho họ.
Lời phụ: Am tu hành tức cần nghiêm tịnh, hoàn cảnh thoáng đãng, khiến thân tâm được an tịnh, tinh thần phấn chấn. Sự sự vật vật đều là pháp cảnh tỉnh khiến mình người đồng vượt lên bờ giác. Đối việc đời chỉ làm theo bổn phận.
Chẳng được cùng người đời kết giao làm cha mẹ, huynh đệ, tỷ muội. Chẳng được kia đây tặng quà lễ qua lại, cùng đến người thăm chơi, hay đưa người về Am cũng lại như vậy. Trừ những việc cúng dường các Trưởng-lão, chẳng được tặng biếu hoa quả cùng người đời. Chẳng được với người đời chúc phúc khánh hạ, trừ phúng điếu; trong am lại chẳng được tổ chức tiệc vui mừng.
Lời phụ: đã xuất gia tức cắt ái từ thân thì đâu còn quay lại nhận người khác làm thân quyến nữa. Xử sự nên theo pháp, chẳng theo thế tình. Kẻo không, chẳng độ được người lại còn bị người độ đi mất.
Nếu là ngày Phật, Bồ-tát Thánh Đản, nên vì đại chúng tụ hội mà diễn thuyết Phật-pháp, đưa thư tín Phật. Chẳng được nhận những trẻ nhỏ ấu nhi làm đồ đệ quyến thuộc. Chỉ trừ việc vì nhân duyên đại sự, bằng không chẳng được cầu người cùng hướng đến các nhà hào phú hóa duyên, và cầu tụng kinh sám, v.v... chẳng được dừng đứng bên trường học, dừng lại cùng những người nhàn rỗi, người xấu, trừ cần phải dưỡng bệnh. Lúc dưỡng bệnh thì nên tùy thời vì họ mà thuyết nhân duyên Phật-pháp, chẳng được cùng người đánh đàn, chơi cờ, ca hát.
Lời phụ: các ngày vía, giỗ tổ trong năm nên lợi dụng cơ hội này để kết duyên, gieo duyên cho người. Đem Phật-pháp giới thiệu với người, mỗi khi có dịp giao tiếp đều nên khéo dẫn dắt họ quay về với đạo giải thoát.
Chẳng được luận đàm việc chánh sự (chính trị), chiến tranh, tố tụng, chuyện thị phi trong nhân gian, cùng tất cả những việc thế gian tạp sự. Lúc không việc gì thì nên tụ họp đồ chúng, đồng tham đạo hữu, công nhân, v.v... mà vì họ thuyết về nhân quả trong Phật-pháp. Chẳng được thọ nhận y áo cùng đồ dùng của người nữ để lại (trừ Am của ni cô). Chẳng được phóng hỏa thiêu đốt núi rừng, v.v... Kinh Phạm Võng nói: “Nếu Phật-tử vì ác tâm, phóng hỏa đốt núi rừng đồng nội. Từ tháng 4 cho đến tháng 9 phóng hỏa, hoặc cháy lan đến nhà cửa, thành ấp, tăng phường, ruộng cây của người, và cung điện tài vật của quỷ thần. Tất cả chỗ có sanh vật, không được cố thiêu đốt. Nếu cố thiêu đốt, Phật-tử nầy phạm “khinh cấu tội.”
Lời phụ: Xuất gia lấy việc xuất thế làm trọng. Kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật nói: việc chính trị thế gian giống như 6 con rồng múa, khó phân thị phi nhân ngã. Phải biết: phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.
Chương này tuy chỉ riêng nói về phần của sa-môn, tuy nhiên tương lai có hàng cư sĩ nào muốn ở Am thì cũng nên y chiếu theo thông lệ trên mà thi hành.
Gửi ý kiến của bạn