Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thọ và đắc Đại Thừa Bồ Tát Giới.

08/04/201314:13(Xem: 4456)
Thọ và đắc Đại Thừa Bồ Tát Giới.
THỌ VÀ ĐẮC ĐẠI THỪA BỒ TÁT GIỚI


Thích Thái Hòa



I. Tổng Luận Và Ý Nghĩa:

1. Tổng luận:
Ý thức tự giác là yếu tố cơ bản để xác định con người có khả năng trưởng thành, về tư duy và sáng tạo, có khả năng đạp vỡ mọi trói buộc và mở ra một chân trời giải thoát.
Ý thức ấy đã được khơi mở từ nơi đời sống của Bậc giác ngộ, Bậc thanh tịnh hoàn toàn, siêu xuất trần thế không để lại chút nào phiền muộn cho bất cứ ai.
Hình ảnh của Đấng có ý thức tự giác, là một hình ảnh tuyệt đẹp, vì ở đó không có gợn lên một tí xi của sự sống nô lệ.
Và hiển nhiên, đó là hình ảnh tuyệt vời để cho chúng sanh quy ngưỡng và là mảnh ruộng phì nhiêu để cho chúng sanh gieo trồng phước đức.
Bởi vậy, ai là người đánh mất ý thức tự giác, thì đó là kẻ sống đời nô lệ, là kẻ phàm tình, là kẻ bị mê hèn bởi năm uẩn, bị dục vọng đánh lừa, là đồng lõa với hèn nhác và bị chìm đắm khổ đau.
Và hễ tu tập mà để đánh mất ý thức tự giác, thì không mong gì bước đi được những bước đi tự do, không mong gì dự vào dòng Thánh để trở thành và chứng đắc các Thánh quả.
Muốn có ý thức tự giác, thì trước hết con người phải thọ trì “Biệt giải thoát luật nghi”, nghĩa là luật nghi có khả năng đưa hành giả thoát khỏi từng đối tượng cá biệt của nghiệp đạo, để rồi ung dung tự tại, cỡi trên sóng thức mà vượt qua muôn ngàn trùng dương sanh tử.
Bồ Tát giới là đặt trên nền tảng của “Biệt giải thoát luật nghi”, nên hễ nếu không thọ và trì Biệt giải thoát luật nghi, thì không thể thọ và trì Bồ Tát giới.
Vì sao? Vì không có cơ sở để Bồ Tát giới phát sinh.
Lại nữa, Bồ Tát giới là giới bao gồm cả ba tụ thanh tịnh, mà thuật ngữ Phật học gọi là “Tam tụ tịnh giới”.
Tụ thứ nhất là Nhiếp luật nghi giới, gồm có: Thanh tịnh về biệt giải thoát luật nghi, đó là sự thanh tịnh về “chỉ trì”, mà các điều cấm chỉ ở trong giới bổn đã quy định.
Thanh tịnh về căn luật nghi, đó là luật nghi có khả năng phòng hộ, khiến các quan năng khi nhận thức, không bị trần cảnh bên ngoài khuấy động.
Thanh tịnh về mạng luật nghi, đó là luật nghi nuôi dưỡng thanh tịnh về mạng bằng Bốn Thánh Chủng.
Thanh tịnh về niệm luật nghi, đó là luật nghi làm cho bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi đều ở trong sự thanh tịnh.
Do đó, một người tu tập viên mãn về tụ Nhiếp luật nghi là viên mãn về Pháp thân thường trú ở chư phật.
Tụ thứ hai là Nhiếp thiện pháp giới, gồm tất cả giới thuộc về thực hành pháp Thiện vô lậu, nghĩa là Thiện do đình chỉ các ác của thân, ngữ và ý mà phát sinh, do thanh tịnh ba nghiệp mà phát sinh, do thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, do thực hành ba pháp quy y, thể hiện bốn đức tin kiên cố, tu tập Lục độ, Tứ vô lượng tâm… mà phát sinh.
Tụ giới nầy, không những nhắm đến chỉ trì mà còn nhắm đến tác trì nữa.
Sống bằng đời sống không gây tổn hại cho người khác, chính nó đã là Thiện, chính nó đã là phụng hành các Thiện, nhưng Thiện ấy, không kiên cố, không lớn mạnh, không siêu việt, bằng Thiện do vận khởi tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả để là lợi ích cho mình và người.
Bởi vậy, Nhiếp Thiện Pháp Giới cũng được gọi là “Trưởng Dưỡng Thiện Pháp Giới”.
Do đó, hễ hành trì viên mãn tụ thứ hai nầy là viên mãn về Báo thân trang nghiêm của chư Phật.
Tụ thứ ba là Nhiêu Ích Hữu Tình Giới, gồm tất cả giới thuộc về Thệ và Nguyện.
Thệ nguyện của tụ giới nầy là lấy Bồ Đề Tâm làm nhân hạnh tu tập, lấy đạo quả Vô Thượng Bồ Đề làm mục tiêu hướng đến và lấy hết thảy chúng sanh làm đối tượng phục vụ.

Do ��ó, hễ hành trì viên mãn tụ nầy là viên mãn Thiên bách ức hóa thân của chư Phật.
Thệ nguyện viên mãn Thiên bách ức hóa thân của chư phật, là để Bồ Tát phục vụ chúng sanh đem lại lợi ích cho họ và Bồ tát có thể sử dụng mọi phương tiện, mọi hình thức để giáo hóa chúng sanh, khiến họ quay lưng lại với trần lao mà hướng đến quả vị giác ngộ.
Sự phục vụ chúng sanh như vậy, gọi là Bồ Đề Hạnh, Bồ Đề Nguyện.
Do thực hành Bồ Đề, mà người thọ trì Bồ tát giới cầu học các trí, tu tập các pháp môn tâm địa và làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, không biết mệt mỏi, không biết chán nản.
Họ là bạn của chúng sanh không mời mà tự đến, phục vụ xong việc liền đi, không có một điều kiện nào để thủ và xả.
Đối với chúng sanh nào thiện căn chưa có phát khởi, thì làm cho phát khởi, đã phát khởi thì làm cho tăng trưởng, đã tăng trưởng thì làm cho chứng đắc các Thánh quả.
Đối với chúng sanh nào, khổ do bệnh hoạn, thì trao cho phương pháp trị liệu và dược liệu, khổ do ngu dốt thì trao cho văn hóa, khổ do lạc đường thì chỉ cho nẻo chánh, khổ do bội phản thì dạy cho pháp quán thi ân không mong cầu đáp trả, khổ do sợ hãi các nạn, thì dạy cho cách bảo hộ, khổ do nghèo nàn thì dạy cho cách làm tăng trưởng phước đức, và đối với chúng sanh ương ngạnh, thì tìm cách điều phục, huấn luyện.
Sự thực hành Bồ Đề như vậy là nhờ có Thệ, có Nguyện, nếu không có Thệ và Nguyện độ chúng sanh thì không có Bồ Tát Giới.
Do đó, chính Thệ và Nguyện đã tạo thành ý nghĩa Bồ Tát giới một cách linh hoạt và mầu nhiệm.

2. Ý Nghĩa:

Bồ Tát Giới là gì? Bồ Tát Giới hay còn gọi là Bồ Tát Tâm Địa Giới, đó là giới lấy tâm làm thể, làm chỗ tu nhân, làm đức tin, làm đối tượng chuyển hóa, quán chiếu để thấy rõ không- lý; lấy tâm làm cứ điểm để lập Thệ và Nguyện, nhằm xác quyết mọi hành động; lấy tâm làm chủ đích hướng đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề; lấy tâm làm lãnh địa để duy trì và sinh trưởng các Thiện pháp, sinh trưởng các địa vị giác ngộ của Bồ Tát và Phật, nên Bồ Tát Giới là giới tâm của bốn mươi địa vị Hiền Thánh.
Bồ Tát Giới là giới thuộc về Phật tính, Phật tính là bản thể của giác ngộ, là chủng tử của giác ngộ có khả năng sinh trưởng sự giác ngộ, nên Phật tính không bị khu biệt bởi thời gian, bởi không gian và bởi chủng loại.
Do đó, Bồ Tát Giới khẳng định, hết thảy chúng sanh đều có Phật tính, nghĩa là hết thảy họ đều có Bồ Tát Giới tính, vì hết thảy chúng sanh đều có Bồ Tát Giới tính, nên hết thảy chúng sanh đều có thể thọ và trì Bồ Tát Giới để thành Phật. Vì Bồ Tát Giới không bị khu biệt bởi không gian, nên hết thảy chúng sanh trong mọi không gian đều có thể thọ và trì Bồ Tát Giới, và vì Bồ Tát Giới không bị khu biệt bởi thời gian nên chúng sanh ở ba đời đều có thể thọ và trì Bồ Tát Giới để tu tập và thành Phật. Bồ Tát Giới là vậy, nên Bồ Tát Giới còn có những ý nghĩa như sau:
a- Giới Pháp Vô Tận:
Bồ Tát Giới mà gọi là giới pháp vô tận, vì người thọ và trì giới này, khi xả thân và thọ thân, giới thể Bồ Tát vẫn tồn tại không mất, tồn tại cho đến khi nào vị đó thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.
Và vị đó dù ở bất cứ cảnh giới nào, chủng loại nào thì giới thể Bồ Tát ở họ vẫn hằng tồn.
Như vậy, Bồ Tát Giới mà gọi là Giới Pháp Vô Tận, vì nó vô tận với không gian, vô tận với thời gian và vô tâïn với sinh mệnh.
b- Giới Pháp Tâm Thọ:
Bồ Tát Giới là giới pháp thuộc về tâm thọ, vì nó luôn tồn tại với tâm và nó là tâm, do tâm thệ nguyện lãnh thọ mà giới thể thành tựu.
c- Giới Pháp Thuộc Về Công Đức:
Vì thệ độ hết thảy chúng sanh và nguyện thành Phật là từ nơi giới này mà phát sinh; vì Tứ Vô Lượng Tâm và Lục Ba La Mật từ nơi giới này mà phát sinh, các Thiện pháp vô lậu cũng từ nơi giới nầy mà phát sinh, các địa vị Hiền Thánh cũng từ nơi giới nầy mà phát sinh, trí tuệ siêu việt cũng từ nơi giới n��y mà phát sinh, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp cũng từ giới nầy mà phát sinh, thiết lập Vương quốc Tịnh độ với Y báo, Chánh báo trang nghiêm cũng từ giới nầy mà phát sinh và ngay cả Phật địa cũng do giới nầy mà phát khởi.
Do đó, giới kinh nói:
“Chúng sanh thọ Phật giới,
tức nhập chư Phật vị.
Vị đồng đại giác dĩ,
chơn thị chư Phật tử”.
(Phạm Võng Kinh, tr 1004, Đại Chính 24).
Nghĩa là:
Chúng sanh thọ Phật giới,
chính vào địa vị Phật.
Vị đã đồng đại giác,
đích thị là Phật tử.
Từ ngữ Phật tử là một từ ngữ đích thực xứng gọi cho những ai có thọ và trì Bồ Tát Giới.
Vì người đó trong hiện tại, họ đang chuyển hóa tự tâm để thành tâm của Bồ Tát và Phật, thân đang làm việc của Bồ Tát và Phật, miệng đang nói lời của Bồ Tát và Phật, và tương lai họ sẽ tiêu sạch hết các vọng tưởng sai lầm về tự ngã, về con người, về chúng sanh, về sinh mệnh và họ sẽ đầy đủ các đức tướng, các đức tính của một vị Đại Giác Ngộ.
Do đó, Bồ Tát Giới là giới pháp thuộc về mọi công đức.
d- Giới Pháp Bản Nguyên:
Tất cả chúng sanh đều có gốc rễ từ nơi Tự Tánh Thanh Tịnh, mà tự tánh ấy chính là Bồ Tát Giới tính. Bồ Tát Giới tính là tính bình đẳng với tâm, bình đẳng với Phật, bình đẳng với chúng sanh. Sỡ dĩ, chúng là bình đẳng, vì chúng đều có gốc rễ từ nơi Tự Tánh Thanh Tịnh.
Do đó, hễ chúng sanh nào trở về với Tự Tánh Thanh Tịnh ấy, thì chúng sanh ấy là Phật, Phật chính là bản nguyên Tự Tánh Thanh Tịnh.
Do đó, hễ tự tâm của chúng sanh nào lắng hết tất cả vọng trần, tiêu hết các duyên trần, thì tâm đó là tâm của Phật và Phật đó chính là tâm, chúng sanh nào đạt được tâm như vậy, thì chúng sanh ấy có tâm của Phật.
Bởi vậy, Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt”. Nghĩa là Tâm, Phật, và chúng sanh, cả ba đều bình đẳng, không có sai khác. Sự không sai khác ấy, chính là sự không sai khác về Bản Nguyên Tự Tánh Thanh Tịnh giữa Tâm, Phật và chúng sanh.
Giới pháp thuộc về Bản Nguyện Tự Tánh Thanh Tịnh là bảo vật vô giá của hết thảy chúng sanh, nên chúng sanh cần phải trở về để tiếp nhận và giữ gìn.
Trong Giới Kinh Phạm Võng, Đức Phật Thích Ca nói: “Giới pháp ấy là giới quý báu như ngọc kim cương và là bản nguyên của chư Phật, của Bồ Tát, là chủng tính của Phật.
Hết thảy chúng sanh đều có Phật tính, nên hết thảy chúng sanh có thân, có tâm, có ý, có thức, những loài có tình, có tâm ấy, đều nhập vào trong giới pháp tính Phật.
Đương nhiên, vì đã có gốc rễ như vậy, thì chắc chắn sẽ có hoa trái của pháp thân thường trú.
Mười Ba La Đề Mộc Xoa, ta đã nói ra ở trong thế giới nầy, giới pháp ấy, hết thảy chúng sanh trong ba đời, phải phụng kính thọ trì. Ta nay sẽ vì đại chúng, mà nói lại mười giới pháp vô tận, mà nguồn gốc của giới là Tự Tánh Thanh Tịnh nơi hết thảy chúng sanh.(Phạm Võng Kinh, tr 1003, Đại Chính 24).
e- Giới Pháp Viên Mãn Cụ Túc:
Bồ Tát Giới mà gọi là viên mãn cụ túc, vì là giới đầy đủ cả ba tụ. Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới. Và đồng thời Bồ Tát Giới cũng đầy đủ cả Tín, Hạnh, Nguyện và Nhiếp thọ.
Tín là gốc của Hạnh, Nguyện và nhiếp thọ. Mọi Hạnh, Nguyện và Nhiếp thọ phải phát xuất từ Tín.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín là gốc của Đạo, là mẹ đẻ của mọi thứ công đức, nuôi lớn hết thảy gốc của Thiện”.
Luận Đại Trí Độ thì nói: “Biển cả Phật pháp mênh mông, sâu thẳm, nếu không có Tín, thì không thể vào được”.
Thật vậy, có những vị chưa hiểu Phật pháp là gì, nhưng chỉ do họ có đức tín thuần tịnh, nên họ đi vào biển cả Phật pháp và an trú vào bậc Hiền Thánh một cách an toàn và kiên cố, họ thực hành các thiện pháp một cách vững chắc, họ hướng nguyện Bồ Đề về nhiếp hóa, làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh không có gì lay chuyển nổi.
Bởi vậy, trong bất cứ lời thệ nguyện nào của Bồ Tát cũng đều có đủ cả ba tụ thanh tịnh giới.
Trong mười nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, chúng cũng hàm chứa đủ cả ba tụ thanh tịnh nầy.
Bồ Tát Phổ Hiền là vị Bồ Tát có đủ hiền trí và hiền đức để phổ nhiếp chúng sanh, khắp trong mọi không gian và thời gian, một vị Bồ Tát thường xuất hiện trong các thời thuyết giáo của Đức Phật Thích Ca, để làm tiêu biểu cho bậc có đức tin và có khả năng thực hiện đức tin Đại Thừa, tức là thực hiện đức tin đối với Bồ Tát Giới.
Ngài thường xuyên xuất hiện qua hình thức cỡi trên voi chúa trắng sáu ngà.
Voi chúa có sức mạnh, có bước đi vững chắc, ấy là tượng trưng cho Bồ Tát Phổ Hiền, là vị có đức tin kiên cố, đối với giới học, định học và tuệ học Đại Thừa, và có đức tin vững chắc đối với đại Hạnh và đại Nguyện.
Màu trắng của voi chúa là tượng trưng cho Bồ Tát Phổ Hiền có khả năng thực hành giới đức một cách thanh tịnh, đó là sự thanh tịnh về Biệt giải thoát, về các căn, về sinh mạng và về các oai nghi tế hạnh trong lúc phụng hành các thiện pháp và nhiếp hóa chúng sanh.
Sáu ngà là tượng trưng cho Bồ Tát Phổ Hiền có khả năng thực hành viên mãn Lục độ một cách hiện thực qua sự vận khởi bi và trí để giáo hóa, làm cho chúng sanh thuần thục đối với đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.
Nên, mười hạnh nguyện Phổ Hiền là một mô thức căn bản cho những người thọ trì Bồ Tát Giới, thực hành Bồ tát Đạo.
Trong mô thức hành động nầy, hẳn nhiên, chúng bao gồm đủ cả ba tụ thanh tịnh giới như:
Lễ kính chư Phật.
Xưng tán Như Lai.
Quảng tu cúng dường.
Ba hạnh nguyện nầy thuộc về Nhiếp Thiện pháp giới.
Nếu người thọ trì Bồ Tát Giới mà không có Hạnh và Nguyện như vậy, thì không có tác trì, không có tác trì thì không thể gọi là bậc có đại Nguyện, không có đại Nguyện thì không thể vận khởi đại bi và đại trí để nhiếp hóa chúng sanh nhằm trang nghiêm bản thân và Phật độ.
Sám hối nghiệp chướng.
Hạnh nguyện nầy thuộc về Nhiếp Luật Nghi Giới. Nghiệp chướng là chướng ngại do nghiệp.
Chướng ngại nầy là do không có thanh tinh về thân, thanh tịnh về ngữ, thanh tịnh về ý, khiến trở ngại sự đoạn trừ các ác, trở ngại sự phụng hành các thiện, trở ngại sự nhiếp hóa chúng sanh, trở ngại sự thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.
Vậy, Bồ Tát do thực hành hạnh nguyện sám hối nầy mà đoạn trừ được các ác của thân, ngữ và ý, làm cho pháp thân thanh tịnh được biểu lộ.
Tùy hỷ công đức.
Thỉnh chuyển pháp thân.
Thỉnh Phật trụ thế.
Thường tùy Phật học.
Hằng thuận chúng sanh.
Phổ giai hồi hướng.
Sáu hạnh nguyện nầy, thuộc về Nhiêu ích hữu tình giới. Vì mục đích của Bồ tát là làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, và vì vậy, Bồ Tát thực hiện sáu hạnh nguyện nầy thuần thục là có thể thành tựu Thiên bách ức hóa thân để giáo hóa chúng sanh một cách tự tại.
Tóm lại, ý nghĩa của Bồ Tát Giới là ý nghĩa của sự thực hành hạnh nguyện Bồ Tát đạo.
Kinh Đại Bát Nhã nói: “Tịnh giới vô lậu của hàng Thanh văn, Độc giác, chỉ hồi hướng đến Niết Bàn để cầu tự lợi, còn tịnh giới của Bồ Tát là vì độ thoát vô lượng chúng sanh mà hồi hướng đến Vô thượng Bồ Đề.
Do dó, tịnh giới của Bồ Tát, siêu việt hơn tịnh giới vô lậu của hàng nhị thừa”.( Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh 586, tr 1032, Đại Chính 7).
Một hành giả từ nơi Bồ Đề Tâm mà phát khởi Hạnh và Nguyện để thọ trì Bồ Tát Giới, vị ấy hiện hữu giữa cuộc đời như là sự hiện hữu của Đấng tình yêu mang đầy đủ chất liệu của trí tuệ để làm tươi mát cho mọi sự sống.
Sự hiện hữu ấy, như là sự hiện hữu của lý tính mầu nhiệm, không hề làm trở ngại bất cứ một lý tính nào.
Sự hiện hữu ấy, như là sự hiện hữu của tình yêu cao vợi, không làm trở ngại bất cứ thứ tình yêu nào.
Sự hiện hữu ấy, có mặt trong mọi sự hiện hữu để gìn giữ bản chất và hành trì sự tướng của tuệ giác, nên bản chất của mọi sự tướng không hề trở ngại nhau.
Sự hiện hữu ấy, đi vào trong mọi sự hiện hữu, chúng không có mâu thuẫn giữa các giới Thanh Văn và Bồ Tát. Chúng có khả năng dung nhiếp hết thảy để đưa vào biển trí.
Do đó, Bồ Tát Giới hiện hữu như là sự hiện hữu của Bản Nguyên Tự Tánh Thanh Tịnh nơi hết thảy chúng sanh. Và chính đó là ý nghĩa cứu cánh của Bồ Tát Giới vậy.

II. Phân Tướng loại:

Theo Kinh và Luận Đại Thừa, thì Bồ Tát Giới có chín tướng loại:
1- Tự tánh giới:
Bồ Tát Giới là giới thuộc về tự tính.
Sở dĩ gọi là tự tánh giới, vì loại giới này có bốn đức tính.
a. Tùng tha chánh thọ:
Lãnh thọ thánh giới từ nơi Đức Phật, hoặc Bồ Tát, hoặc từ Tôn Tượng, hoặc từ vị đại diện Phật và Bồ Tát.
b. Thiện tịnh tâm thọ:
Lãnh thọ tánh giới từ nơi tự tâm thanh tịnh, trong sáng. Đây là hình thức tự thọ Bồ Tát Giới.
c. Phạm dĩ tức hối:
Hễ thấy có phạm giới, thì phải sám hối ngay tức khắc, không để cho nhiều sát na tâm trôi qua, vì mỗi sát na trôi qua, thì tội lỗi theo sát na ấy mà tăng trưởng trên tâm.
d. Chuyên tâm niệm trú, kiên trì bất phạm:
Chuyên tâm an trú vào Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới không có vi phạm.
Tự tánh giới còn gọi là “Chơn thật giới”, ấy là giới đích thực không hư vọng của Bồ Tát. Còn gọi là “Tự tha lợi giới”, đó là giới đem lại lợi ích cho mình và người. Còn gọi là “Nhiêu ích chúng sanh giới”, là giới làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Còn goi là “Tăng trưởng nhân thiên giới”, là giới làm tăng trưởng phước trí cho cõi người và cõi trời. Còn gọi là “Vô lượng công đức giới”, là giới có năng lực làm phát sinh công đức không kể số lượng.

2- Nhất thiết giới:

Hay còn gọi là “Thông giới”, nghĩa là giới thông cả hàng xuất gia và tại gia.
3- Nan giới:
Bồ Tát Giới là giới rất khó thọ trì, vì chúng có những trường hợp như sau:
a.Vì người giàu có tài sản, đầy đủ thế lực mà từ bỏ để xuất gia, thọ trì Bồ Tát Giới, đây là một điều rất khó, nên Bồ Tát Giới là giới khó thọ trì.
b.Vì người thọ trì Bồ Tát Giới, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nguy khốn nào, cũng không để cho giới đã thọ trì bị sứt mẻ, bị khuyết tật, nên Bồ Tát Giới là giới rất khó thọ trì.
c. Người thọ trì Bồ Tát Giới, thì đối với các hạnh tu tập, tất cả chánh thọ, tất cả sự nhớ nghĩ, tâm luôn luôn an trú Chánh niệm, không loạn động, cho đến đời kiếp các giới thuộc về tế hạnh, cũng không bị khuyết tật, chứ đừng nói đến các trọng giới, nên gọi giới Bồ Tát là giới khó thọ trì.

4- Nhất thiết môn giới:

Bồ Tát Giới là giới đi vào tất cả các cửa ngõ của Chánh thọ, tánh giới, tập giới, phương tiện giới.
a. Chánh thọ giới:
Là giới Bồ Tát, thọ đủ cả ba tụ thanh tịnh giới.
b. Tánh giới:
Là Bồ Tát có Bồ Tát giới tính, nên thanh tịnh về thân, thanh tịnh về ngữ, thanh tịnh về ý và hiền thiện vốn là bản chất của Bồ Tát.
c. Tập Giới:
Là Bồ Tát vốn tu tập Bồ Tát Giới, nên đời này qua đời khác, nhân của giới vẫn còn, tam tụ tịnh giới đã từng tu tập, nên tâm thường nhàm chán điều ác mà không làm, chỉ thích làm điều thiện.
d. Phương tiện thành giới:
Là người thọ trì Bồ Tát Giới, y vào bốn nhiếp pháp mà thực hành hiền thiện của thân ngữ đối với hết thảy chúng sanh.

5- Thiện nhân giới:

Bồ Tát Giới là giới của bậc Hiền trí và Hiền đức.
Hiền trí và Hiền đức có năm trường hợp để hành trì.
a. Tự trì tịnh giới:
Nghĩa là tự mình hành trì giới thanh tịnh.
b. Thọ dự tha nhân:Nghĩa là đại diện Phật và Bồ Tát để trao truyền cho người khác.
c. Tán thán tịnh giới:
Ca ngợi công đức do hành trì giới đem lại.
d.Kiến đồng pháp giả sanh tâm hoan hỷ:
Thấy chúng sanh đồng tu tập các pháp tịnh giới như mình, liền sanh tâm hoan hỷ.
e. Thiết hữu hủy phạm như pháp hối trừ:
Giả thiết rằng: Bậc hiền trí và hiền đức có phạm vào giới pháp, thì sám hối trừ diệt đúng như pháp.

6- Nhất hành giới:

Còn gọi là “nhất thiết chủng giới”. Nội dung của loại nầy, có hai trường hợp bao gồm mười ba loại như sau:
Trường hợp một có sáu loại:
a. Hồi hướng giới:
Vì thọ và trì giới là quay ngược lại với điều ác, quay ngược lại với mê lầm mà hướng đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.
b. Quảng bác giới:
Vì trong giới Bồ Tát là thâu nhiếp hết thảy học giới.
c. Vô tội hoan hỷ xứ giới:
Vì là giới tránh xa hai hành động buông lung tâm ý, một là phóng theo dục lạc, hai là tự khắc khổ ép xác.
d. Hằng thường giới:
Vì người thọ trì Bồ Tát Giới tuy thân mệnh đã hoại chung, nhưng giới thể vẫn tiếp tục tồn tại, không mất.
e. Kiên cố giới:
Vì người thọ trì Bồ Tát Giới, thì tất cả các thứ lợi dưỡng, khen chê, phiền não không thể làm phá hỏng.
g. Thi la trang nghiêm cụ tương ưng giới:
Vì là giới tương ưng với sự trang nghiêm tốt đẹp.
Trường hợp hai có bảy loại:
a. Chỉ tức giới:
Nghĩa là giới đình chỉ và chấm dứt mọi hành vi giết hại…
b. Chuyển tác giới:
Nghĩa là giới có khả năng thâu nhiếp tất cả thiện và làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh.
c. Phòng hộ giới:
Nghĩa là giới có khả năng phòng hộ các điều ác, chuyển khởi các đi��u thiện, và làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
d. Đại sĩ tướng dị thục giới:
Nghĩa là giới làm cho thuần thục tướng mạo của hiền đức và hiền trí.
e. Tăng thượng tâm dị thục giới:
Nghĩa là giới làm cho tăng trưởng sự thuần thục.
g. Khả ái thú dị thục giới:
Giới thuần thục dẫn đến sự ái mộ.
h. Lợi hữu tình dị thục giới:
Nghĩa là giới thuần thục làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh.

7- Trừ não giới:

Hay còn gọi là Toại Cầu Giới. Đó là giới mà người thọ trì mong cầu rằng: Những kẻ khác đừng não hại họ và chúng sanh, bằng những hành vi như : giết mất mạng sống, đối với tài sản không cho mà lấy, uế hạnh, tà hạnh, nói dối, nói lời thêu dệt, nói ly gián, nói tục, đánh đập.
Nếu họ mong cầu được như vậy, thì vui vẻ toại ý, nếu họ mong cầu như vậy mà không được, thì tâm ý của họ không vui.

8- Thử thế tha thế lạc giới:

Nghĩa là Bồ Tát tu tập tịnh giới, đối với những điều ngăn chỉ thì ngăn chỉ, những điều cần khai mở thì khai mở, những điều cần nhiếp thọ thì nhiếp thọ, những điều cần hàng phục thì hàng phục và trong khi thực hành bố thí ba la mật đều có mặt của trì giới ba la mật, khi hành nhẫn nhục ba la mật, tinh tấn ba la mật, thiền định ba la mật, trí tuệ ba la mật đều có trì giới ba la mật.
Bồ Tát tự mình tu tập tịnh giới và giáo hóa kẻ khác tu tập để không những đời nầy họ an trú niềm vui, mà đời sau cũng như vậy.
9- Thanh tịnh giới:
Hay còn gọi là Tịch tịnh giới. Nội dung của thanh tịnh giới có mười trường hợp:
a. Sơ thiện thọ giới:
Điều thiện đầu tiên thọ giới là để làm sa môn, là vì đạo quả Bồ Đề mà không tiếc quý thân mạng.
b. Bất thái trầm giới:
Trì giới không thái quá và không khởi lên nghi ngờ đối với các học xứ.
c. Ly giải đãi giới:
Nỗ lực trì giới, không ham thích ngủ nghỉ.
d. Ly sự phóng dật sở nhiếp thọ giới:
Thâu nhiếp tâm ý, khiến chúng không buông lung.
e. Chánh nguyện giới:
Tu tập chánh nguyện Bồ Đề, không mong cầu tài lợi, không ước muốn sanh thiên mà chỉ thực hành hạnh tịch tịnh.
g. Quy tắc cụ túc sở nhiếp thọ giới:
Gìn giữ và khéo sử dụng oai nghi để thi hành các công việc, phương tiện tu hành các thiện, thân hành và ngữ hành đúng pháp độ, sống đầy đủ chánh mạng, tất cả những lời nói dối trá, nịnh hót và bao nhiêu loại nói sai lầm đều vĩnh viễn xa lìa.
h. Tịnh mạng cụ túc sở nhiếp thọ giới:
Tránh xa sự dối trá của tâm hành và ngữ hành cũng như mọi sinh hoạt tà mạng.
i. Ly nhị biên giới:
Tránh xa hai cực đoan, không buông lung theo các dục và ép xác khổ hạnh.
k. Vĩnh xuất ly giới:
Do tu tập giới mà vượt khỏi ác thú, xa lìa các tà kiến của ngoại đạo.
l. Ư tiên sở thọ vô tổn thất giới:
Giới đã được lãnh thọ để tu tập, không để chúng bị khuyết tật tổn giảm.
Mười nội dung này gọi là thanh tịnh giới, gọi là Bồ Tát đại giới tụ, tu tập để chứng đắc đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. ( Bồ Tát Địa Trì Kinh 4 và 5, tr 910 – 918; Bồ Tát Địa Giới Kinh 4, tr 982 – 984; Du Già Sư Địa Luận 40, tr 510, Đại Chính 30).
Thật ra, sự phân tướng loại của Bồ Tát Giới như thế nầy, cũng là để khai triển sâu rộng và chi tiết hóa của ba loại giới, là Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới.
Do đó, Bồ Tát tam tụ tịnh giới là giới nói tổng, còn chín tướng loại là nói biệt.
Lại nữa, thường nói tổng đã gọn mà đủ, nói biệt thì rườm rà mà lại thiếu.
Tuy nhiên, nếu đề cập đến cả tổng và biệt, thì nó thông cho hết thảy các căn cơ học tập và nghiên cứu.

III. NGUYÊN UỶ CỦA BỒ TÁT GIỚI

1- Từ Phật Pháp Thân:
Bồ tát giới có khởi điểm và truyền thừa từ đâu?
Theo giới kinh Phạm Võng, thì Bồ tát giới có nguồn gốc từ Đức Phật Tỳ Lô Xá Na. Nghĩa là từ Đức Phật nầy nói ra và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được truyền và thọ từ đó.
Như Kinh nói: “Bấy giờ Đức Phật Tỳ Lô Xá Na đã vì Đại chúng mà khai thị một cách tóm tắt, chỉ bằng đầu sợi lông ở trong Pháp môn tâm địa, vì pháp môn ấy nhiều ví như cát trăm ngàn sông Hằng không thể nói hết.
Pháp môn tâm địa ấy, hết thảy chư phật trong thời quá khứ đã nói, chư phật ở thời vị lai sẽ nói, chư phật ở thời hiện tại đang nói, tất cả bồ tát trong ba đời đã học, sẽ học và hiện đang học.
Tôi đã trăm kiếp thực hành Pháp môn Tâm địa ấy, hiệu của tôi là Lô Xá Na.
Hỡi chư phật! Xin các Ngài hãy truyền đạt những điều tôi nói ra, cho hết thảy chúng sanh, nhằm khai thị con đường Tâm địa cho họ.
Bấy giờ trên Tòa Sư Tử sáng chói rực rỡ của Thế giới Liên Hoa Đài Tạng, Đức Phật Lô Xá Na phóng tỏa ra ánh sáng của hào quang, gọi một ngàn Đức Phật Thích Ca hóa thân, trên một ngàn cánh hoa mà bảo rằng:
Hỡi quý Ngài! Xin hãy đem pháp môn Tâm địa của tôi mà đi truyền đạt lại cho một trăm ngàn ức Đức Phật Thích Ca và tất cả chúng sanh.
Hỡi quý Ngài! Xin hãy nói tuần tự về pháp môn Tâm địa của tôi ở trên.
Hỡi quý Ngài! Xin các Ngài thọ và trì, đọc và tụng, nhất tâm mà thực hành.” (Phạm Võng Kinh, tr 1003, Đại Chính 24).
Như vậy, Đức Phật Tỳ Lô Xá Na là ai, mà Ngài là vị đầu tiên trao truyền pháp môn Tâm địa tức là Bồ Tát Giới cho hàng nghìn Đức Phật Thích Ca hóa thân và lại còn khuyến khích một ngàn Đức Phật Thích Ca hóa thân ấy, lại tuần tự trao truyền cho trăm ngàn ức Đức Phật Thích Ca hóa thân khác và hết thảy chúng sanh?
Tỳ Lô Xá Na hay Tỳ Lô Giá Na Phật là chuyển ngữ của Phạn âm Vairocanabuddha.
Vairocana, Hán dịch là “Biến nhất thế xứ”, nghĩa là có mặt khắp cả mọi không gian và mọi thời gian, có khi cũng dịch là “Tịnh mãn”, nghĩa là hoàn toàn thanh tịnh; hoặc “Quảng bác nghiêm tịnh”, nghĩa là sự nghiêm tịnh cùng khắp; hoặc “Quang minh biến chiếu”, nghĩa là ánh sáng soi chiếu khắp hết thảy thời-không ; và cũng dịch là “Đại nhật”, nghĩa là mặt trời soi chiếu vĩ đại.
Vậy, Vairocanabuddha hay Đức Phật Tỳ Lô Giá Na là Đức Phật có mặt khắp mọi thời-không; Đức Phật nghiêm tịnh cùng khắp, Đức Phật mặt trời vĩ đại…
Đức Phật nầy, hiện đang ngồi trên Tòa Sư Tử sáng chói rực rỡ của thế giới “Liên hoa đài tạng”, một thế giới theo lời Ngài Phổ Hiền thuật lại, ở trong Kinh Hoa Nghiêm là rất nghiêm tịnh, được Đức Phật Tỳ Lô Xá Na tạo nên, bởi vô số đại nguyện thanh tịnh, trải qua vô số kiếp tu tập, gần gũi vô số đức Phật mà hình thành, và hiện nay, Ngài là vị đang làm giáo chủ trên thế giới ấy. (Hoa Nghiêm kinh, Phẩm Hoa Tạng Thế Giới, Đại Chính 10).
Đức Phật Tỳ Lô Xá Na cũng chính là bản thân hay Pháp thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hay ngàn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là thọ nhận thân của Đức Phật Tỳ Lô Xá Na , và trăm ngàn ức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là “Biến hóa thân” của Đức Phật Tỳ Lô Xá Na.
Nói cách khác, ngàn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trên ngàn cánh hoa sen, ở nơi thế giới “Liên hoa đài tạng”, hay trăm ngàn ức Đức Phật Thích Ca đều là báo thân, ứng hóa thân của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, nghĩa là các đức Phật Thích Ca ở trong mười phương đều ứng hóa từ Pháp thân của Phật.
Pháp môn Tâm địa hay Bồ Tát giới, đã được Đức Phật Pháp Thân tức là Đức Phật Tỳ Lô Xá Na, nói tại “Liên hoa đài tạng thế giới”, cho một ngàn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngồi trên một ngàn cánh hoa Sen nghe. Và một ngàn Đức Phật Thích Ca nầy đã vâng lời Đức Phật bản thân, để truyền đạt pháp môn Tâm địa cho một trăm ngàn ức Đức Phật Thích Ca hóa thân và hết thảy chúng sanh.
Tóm lại, Pháp môn Tâm địa hay Bồ Tát Giới đã được Đức Phật bản thân nói ra, từ nơi Bản Nguyên Tự Tánh Thanh Tịnh, và đã được phụng hành, đọc tụng bởi các Đức Phật Thích Ca hóa thân ở nơi mỗi thế giới mà các Ngài hiện đang ứng thân để giáo hóa.

2- Từ đức Phật hóa thân:

Bồ Tát Giới mà có khởi điểm từ nơi Bản Nguyên Tự Tánh Thanh Tịnh, được nói ra bởi Đức Phật Tỳ Lô Xá Na, tại thế giới “Liên hoa đài tạng”, đó là Bồ Tát Giới có tính truyền thừa siêu không gian, siêu lịch sử.
Tính nầy, những người không có đức tin Đại Thừa, không có bản chất của Bậc Hiền trí và Hiền đức, thì họ không dễ gì chấp nhận.
Tuy nhiên, dù họ có chấp nhận hay không, điều đó chẳng có gì quan trọng đối với sự thật tuyệt vời ấy.
Nhưng, đối với mặt lịch sử, theo Phạm Võng giới kinh, thì Bồ Tát Giới là do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra từ pháp môn Tâm địa, ngay khi Ngài mới thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề.
Kinh nói: “ Bấy giời, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, khi mới thành tựu Tuệ Giác Vô Thượng, đầu tiên Ngài quy định Bồ tát giới. Ngài nói, sự hiếu thuận với Cha Mẹ, Thầy, Chúng Tăng và Tam Bảo. Hiếu là Pháp của Đạo Chí Thượng, sự hiếu thuận ấy cũng gọi là giới, cũng gọi là sự chế ngự và đình chỉ các ác.
Chính từ nơi miệng của Đức Phật, Ngài đã phát ra vô lượng ánh sáng. Bấy giờ, đại chúng có trăm vạn ức, gồm các vị Bồ Tát, mười tám vị cõi Phạm thiên, sáu vị thiên tử ở cõi trời Dục Giới, các vua của mười sáu nước giàu mạnh, hết thảy họ đều chắp tay, lắng hết tâm trí mà nghe Đức Phật tụng lại Giới Pháp Đại Thừa, của tất cả chư Phật.
Đức Phật dạy các vị Bồ tát rằng, nay tôi cứ nửa tháng đích thân tụng lại giới pháp của chư Phật. Quý vị, tất cả những hàng Bồ Tát mới phát tâm cũng phải tụng, cho đến các hàng Bồ Tát ở địa vị Mười Phát thú, Mười Trưởng dưỡng, Mười Kim cang và Mười địa cũng phải tụng.
Do đó, ánh sáng từ nơi miệng tôi phát ra, là vì có duyên cớ, chứ không phải không có lý do.
Ánh sáng của hào quang ấy, không lệ thuộc màu xanh, đỏ, vàng, trắng và đen, không lệ thuộc vào vật lý và tâm lý, không lệ thuộc vào các khái niệm có và không, không liên hệ đến các pháp thuộc về nhân quả, mà ánh sáng ấy là Bản Nguyên của chư Phật, là căn bản hành trì Bồ Tát đạo, là căn bản hành trì của toàn thể Phật tử.
Do đó, toàn thể Phật tử phải học tập, thọ và trì, đọc và tụng một cách thông minh.
Hỡi những Phật tử thông minh! Quý vị hãy lắng nghe kỹ, nếu những ai đã lãnh thọ giới pháp của chư Phật, dù là QuốcVương,Vương tử,Tể tướng, Bách quan,Tỷ khưu,Tỷ khưu ni, chư Thiên của mười tám tầng trời thuộc Sắc giới, chư Thiên của sáu tầng trời thuộc Dục giới, tất cả dân chúng những kẻ hoàng môn, dâm nam, dâm nữ, nô bộc, tỳ thiếp, các vị quỷ thần trong tám bộ loại, các thần Kim cang, các loài súc sanh cho đến những kẻ biến hóa, hễ hiểu rõ tiếng nói của Pháp sư trong lúc truyền giới, thì hết thảy họ có thể thọ và đắc giới, đều có thể gọi là Bậc thanh tịnh số một”.(Phạm Võng Giới Kinh, tr 1004, Đại Chính 24).
Như vậy, ở mặt lịch sử, thì Bồ Tát Giới do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói và trao truyền cho đại chúng Phật tử, mà trong đó gồm đủ, các vị Bồ Tát, trời, người… và chính ở đây và lúc nầy, Ngài cũng đã quy định một số điều cần thiết đối với sự lãnh thọ và hành trì Bồ Tát Giới.

3- Từ các Kinh và Luận:

3-1. KINH HOA NGHIÊM.
Bồ Tát Giới có gốc rễ từ Kinh Hoa Nghiêm, kinh này do Đức Phật nói ra dưới gốc cây Bồ Đề trải qua hai mươi mốt ngày kể từ khi Ngài thành đạo.
Ở trong kinh nầy, Bồ Tát Giới liên hệ chặt chẽ với các Phẩm Hoa Tạng Thế Giới, Tỳ Lô Xá Na, Tịnh Hạnh, Hiền Thủ, Tu Di Đảnh Kệ Tán Thập Trú, Sơ Phát Tâm Công Đức, Minh Pháp, Thập Hạnh, Vô Tận Tạng, Thập Hồi Hướng, Thập Địa…
Kinh Hoa Nghiêm có ba bản dịch:
a. Hoa Nghiêm Kinh 60.
Do Ngài Phật Đà Bạt Đà La dịch, vào đời Tấn (359-429).
Phật Đà Bạt Đà La, là chuyển ngữ của Phạn ngữ Buddhabhadra, Tàu dịch là Giác Hiền, Ngài là người ở Bắc Ấn, nghiêm trì giới luật cẩn mật, rất tinh thông Thiền học, Ngài đã đến Trung quốc năm Hoằng thủy thứ 10, tức năm 408 TL.
Ở Trung quốc, Ngài dịch rất nhiều Kinh và Luật, trong đó có, bộ Hoa Nghiêm sáu mươi quyển nầy, Ngài mất năm 429 thọ 71 tuổi.
b. Hoa Nghiêm Kinh 80.
Do Ngài Thật Xoa Nan Đà dịch, vào đời Đường (618-907).
Thật Xoa Nan Đà là chuyển âm của Phạn ngữ Sikshànanda, Tàu dịch là Học hỷ, Ngài người nước Vu Điền, đến Trung quốc năm 695, do đáp ứng lời mời của Tắc Thiên Võ Hậu. Ngài đã trú tại chùa Đại-Biến-Không, ở Lạc Dương để dịch Kinh. Ngài tịch năm 710, thọ 59 tuổi.
c. Hoa Nghiêm Kinh 40.
Do Ngài Bát Nhã dịch vào đời Đường.
Bát Nhã là chuyển âm của Phạn ngữ Prajñà, Ngài người Bắc Ấn, đến Trung quốc năm 786 TL, và dịch xong bộ Kinh Hoa Nghiêm bốn mươi cuốn nầy vào năm 798.
Ba bản Kinh Hoa Nghiêm nầy, hiện trong đại Tạng Tân Tu đều có đủ.

3-2. KINH BÁT NHÃ.

Bồ Tát Giới cũng được đề cập đến rất nhiều ở trong hệ thống Kinh tạng Bát Nhã mà cụ thể nhất là các Kinh:
a. Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh, từ quyển 584 đến 588:
Do Ngài Huyền Tráng dịch vào đời Đường.
Ngài người Trung Hoa, sinh khoảng năm 600 và mất năm 664, Ngài là người đã vượt suối băng ngàn từ Trung Hoa đến Ấn Độ học Phật tại tu viện Nalanda vào năm 629, và rồi đã trở về Trung Hoa năm 645, sự nghiệp tu học và dịch kinh của Ngài vô cùng vĩ đại.
Trong bản kinh Đại Bát Nhã do Ngài dịch nầy, nói về thọ và đắc, trì và phạm cũng như công đức hành trì Bồ tát Giới rất rõ.
Kinh hiện có trong Đại Tạng Tân Tu 7, từ trang 1019-1044.
b. Đại Thừa lý thú lục ba la mật đa kinh:
Do Ngài Bát Nhã dịch. Trong bản kinh nầy có đề cập đến trì, phạm và sáu mươi lăm giới tướng của Bồ Tát.
Trong đó, mười giới hoàn toàn giống Thập Thiện giới, và các giới còn lại, nội dung đề cập đến quy tín Tam Bảo, Hiếu kính cha mẹ, hiếu kính đối với Hoà Thượng truyền giới, với vị Giáo Thọ và với các vị tôn Chứng. Tôn trọng các giới, không cầu học và chấp trước ở nơi các quả vị Thanh Văn và Độc Giác. Phòng hộ các oai nghi lúc giao tiếp với ngoại đạo, với những nhà giàu có… để tránh những cơ hiềm của kẻ khác. Phòng hộ năm căn. Phải học tập để hiểu biết. Phải luôn luôn giữ bốn vô lượng tâm. Phải tự xét lỗi mình không dòm ngó lỗi người. Phải thường nghe, thân gần thiện tri thức, tránh xa ác tri thức. Phải quán niệm vô thường mà không tiếc thân mạng…
Trong bản kinh có đề cập đầy đủ giới hành của Bồ Tát, ở đây chúng tôi chỉ dịch lược.
Những ai muốn nghiên cứu kỹ để hành trì, xin đọc thẳng vào Đại Chính Tân Tu 8, trang 889-890.

3-3. PHẠM VÕNG KINH.
Bồ Tát Giới được đề cập trong Kinh Phạm Võng rất cụ thể.
Kinh nầy theo lời tựa của Ngài Tăng Triệu, thì Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch gồm có 120 cuốn, bao gồm 61 phẩm. Nhưng, hiện tại ở Đại Tạng Tân Tu chỉ hai cuốn Thượng và Hạ.
Nội dung của cuốn Thượng nói rằng: Đức Phật Thích Ca bấy giờ, ở tại cõi trời Ma Hê Thủ La của sắc giới, đã đưa tất cả đại chúng đến Liên Hoa Đài Tạng Thế Giới để gặp Đức Phật Tỳ Lô Xá Na, nhằm hỏi con đường thành tựu hàng Bồ Tát Thập địa và cũng như những hình thái để thành tựu Phật quả.
Và bấy giờ, Đức Phật Tỳ Lô Xá Na, đã nói cho đại chúng nghe pháp môn Tâm địa, tức là con đường tu tập thành Phật của Ngài, và thế giới Liên Hoa Đài Tạng là do Ngài tu tập pháp môn Tam địa nầy mà tạo nên, cũng như trăm ngàn ức Đức Thích Ca cũng đều là hóa thân từ Ngài.
Đức Phật Tỳ Lô Xá Na đã nói cho ngàn Đức Phật Thích Ca báo thân và trăm ngàn Đức Phật Thích Ca ứng hóa thân về pháp môn Tâm Địa, mà trong đó gồm có: Thập Phát Thú Tâm, Thập Trưởng Dưỡng Tâm, Thập Kim Cang Tâm và Thập Địa.
Cuốn Hạ, thì kinh đề cập đến sự ẩn một của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng và sự xuất hiện của Ngài trong thế giới Ta Bà nầy. Trong đó, nội dung đề cập đến thân thế, chí nguyện xuất gia, tu tập, thành đạo và nói năm mươi tám giới của Bồ Tát, gồm mười giới tướng là thuộc về giới pháp vô tận.
Bốn mươi tám giới còn lại là thuộc về giới nhẹ, nghĩa là chúng không quan trọng so với mười giới pháp vô tận, nhưng nó lại cần thiết để thành tựu pháp môn Tâm địa.
Kinh do Ngài cưu Ma La Thập (Kumarajìra) dịch vào thời hậu Tần.
Ngài người Kucha (Khâu Tư) thuộc Ấn Độ, xuất gia năm bảy tuổi. Ngài là vị thần đồng không thua bất cứ ai về sự thông minh vào thời bấy giờ.
Ngài học thông Tam Tạng, đáp ứng lời mời của vua Phù Kiên đời Tiền Tần, nên đã đến Trung Quốc năm 383-386.
Ngài đã ở Tràng An để dịch thuật nhiều kinh điển từ Phạn sang Hán và mất năm 413 T L.
Sự nghiệp dịch kinh của Ngài đã để lại cho đời rất vĩ đại. Kinh Phạm Võng là một bản kinh do Ngài dịch, hiện đang được lưu hành, trì tụng rất phổ biến ở các nước Phật giáo Đại Thừa. Kinh hiện có ở Đại Tạng Tân Tu 24, trang 997.

3-4. BỒ TÁT ANH LẠC BẢN NGHIỆP KINH.
Kinh nầy có hai cuốn thượng và hạ, bao gồm tám phẩm, do Ngài Trúc Phật Niệm dịch vào đời Diêu Tần (317-419 TL).
Cuốn thượng, Kinh đề cập đến bốn mươi hai địa vị Hiền Thánh. Trong đó, gồm có: Thập Trú, Thập Hạnh,Thập Hướng, Thập Địa, Vô Tướng Vô Cấu Địa, Diệu Giác Vô Thượng Địa.
Ở trong Kinh còn trình bày hai mươi bốn đại nguyện trong lúc tu tập Bồ Tát Hạnh.
Nội dung của hai mươi bốn đại nguyện nầy bao gồm, Mười Ba la mật và các nguyện liên hệ đến Phật tâm, Phật hạnh, Phật trí, Phật đức và Phật thân…
Cuốn hạ, kinh giải thích cụ thể ý nghĩa của bốn mươi hai địa vị Hiền Thánh. Và ở phẩm đại chúng thọ học của kinh nầy, có đề cập rất rõ về cách lãnh thọ và truyền Bồ Tát Giới, cũng như nêu rõ mười giới pháp vô tận.
Mặc dù thứ tự của mười giới pháp vô tận ở kinh Anh Lạc có khác đôi chút so với kinh Phạm Võng, nhưng nội dung của hai kinh đều giống nhau.
Và hễ đã thọ và trì mười giới pháp vô tận nầy mà huỷ phạm một trong mười, thì đều mất hết bốn mươi hai địa vị Hiền Thánh, quan điểm nầy đồng với kinh Phạm Võng.
Còn về phần giới nhẹ, kinh nầy không nêu rõ từng phần như kinh Phạm Võng, chỉ nêu lên một câu rất tổng quát là “Hết thảy giới thuộc về tám vạn oai nghi, gọi là phần nhẹ, nếu có phạm cần đối thủ sám hối, thì tội liền diệt”. (Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh, tr 1024, Đại Chính 24).

3-5. BỒ TÁT NỘI GIỚI KINH.
Kinh nầy do Bồ Tát Văn Thù khởi thỉnh Đức Phật nói . Và Đức Phật đã nói cho Ngài Văn Thù Sư Lợi cũng như hội chúng về công đức tu tập của hàng Sơ Phát Ý Bồ Tát kể cả tại gia và xuất gia.
Đức Phật đã dạy cách lãnh thọ Bồ Tát Giới cho hàng Bồ Tát sơ phát ý như sau: Phải lãnh thọ ba pháp tự quy, sám hối ba nghiệp kể từ mười vạn kiếp đã trải qua cho đến ngay lúc mới phát ý hành Bồ tát đạo, phải thực hành lục độ, phải phát khởi ba nguyện.
a. Nguyện tu tập là để thành Phật và dựng xây Vương quốc tịnh độ theo mô thức tịnh độ của chư Phật.
b. Nguyện sanh về cảnh giới tịnh độ của Đức Phật A Di Đà.
c. Và phải thực hành các oai nghi, trong lúc vào chùa, cũng như trong lúc ăn uống.
Trong kinh nầy, Đức Phật cũng nêu ra mười hai phần thích hợp, để hàng Bồ Tát Sơ Phát Ý tu tập.
Phần thứ nhất là đề cập đến bốn mươi bảy giới tướng mà hàng Bồ Tát Sơ Phát Ý phải thọ trì.
Mười một phần còn lại là đề cập đến các phương pháp tu tập để tăng trưởng giới đức, giới hạnh của Bồ Tát Sơ Phát Ý.
Kinh do Ngài Cầu Na Bạt Ma dịch vào đời Tống, Nam Bắc Triều.
Cầu Na Bạt Ma là chuyển âm từ Phạn ngữ Gunavarman, Ngài người Kế Tân Ấn Độ, đến Trung Quốc vào năm 431. Ngài đã ở đấy 9 tháng, dịch được một số kinh luật và tịch năm 413, thọ 54 tuổi.

3-6. BỒ TÁT THIỆN GIỚI KINH.

a. Kinh 9 cuốn.
Kinh nầy cũng do Ngài Cầu Na Bạt Ma dịch, vào đời Tống, Nam Bắc Triều, gồm có 9 cuốn.
Nội dung của kinh là nói đến sự phát tâm Bồ Đề, tu tập Bồ Tát hạnh, chứng đắc các Bồ tát địa cho đến Phật địa.
Cụ thể là các phẩm “Bồ Tát Địa Thiện Hành Tánh, Bồ Tát Địa Lợi Ích Nội Ngoại, Bồ Tát Địa Bồ Đề, Bồ Tát Địa Bồ Đề Lực”… và cụ thể nhất là “Bồ Tát Địa Giới”.
Trong phẩm Bồ tát địa giới nầy, kinh nêu rõ Bồ tát giới có chín tướng loại và giải thích từng loại khá thấu đáo, trong đó cũng đề cập đến thọ, trì và phạm…
b. Kinh một cuốn.
Cũng do Ngài Cầu Na Bạt Ma dịch. Nội dung kinh đề cập đến cách thức thọ trì Bồ Tát giới, nêu rõ các giới tướng, gồm có tám trọng giới và các khinh giới mà vị đã thọ trì Bồ tát giới phải phụng hành.
Cả hai bản kinh đều có ở trong Đại Tạng Tân Tu 30, trang 960 và trang 1013.

3-7. BỒ TÁT ĐỊA TRÌ KINH:
Bồ tát địa trì kinh liên hệ chặt chẽ với Bồ tát giới, nhất là các phẩm:
- Chủng tánh: Phẩm nầy đề cập đến mười pháp của Bồ tát đạo.
- Phát Bồ Đề tâm: Phẩm nầy nói về phát khởi tâm Bồ Đề bao gồm những thệ và nguyện.
- Tự tha lợi: Phẩm nầy đề cập đến bảy cứ điểm thực hành Bồ Tát và liên hệ chặt chẽ với Bồ tát giới phẩm là phẩm nói rõ thọ, đắc, trì, phạm đối với Bồ tát giới, về giới tướng thì nói rõ bốn pháp Ba La Di và ba mươi lăm pháp thuộc về Đột Kiết La.
Kinh có mười cuốn, do Ngài Đàm Vô Sấm dịch từ đời Bắc lương.
Tên Phạn của Ngài là Dharmaraksa, Ngài người Trung Ấn, đến Trung Quốc vào đời Bắc Lương năm 412, và đã bỏ ra hai mươi năm để dịch rất nhiều kinh.
Bồ Tát giới bản và Bồ Tát địa trì kinh, đều do Ngài dịch, hiện có trong Đại Tạng Tân Tu 24, trang 1107 cho Bồ tát giới bản và Đại Tạng Tân Tu 30, trang 888, cho Bồ Tát địa trì kinh.

3-8. ƯU BÀ TẮC GIỚI KINH :
Mặc dù kinh có tên gọi là Ưu bà tắc giới, nhưng thật chất nội dung là nói về Bồ Tát giới.
Ngay ở phẩm Tập hội của kinh, Đức Phật đã dạy cho Thiện Sanh rằng: Kính lễ sáu phương là thực hành Lục Ba La Mật và sáu phương ấy không ra ngoài tâm của chúng sanh.
Ngay ở phẩm nầy, Đức Phật còn giải thích ý nghĩa Bồ Tát cho Thiện Sanh nghe như sau: “Vì có được Bồ Đề, nên gọi là Bồ tát; vì có bản chất Bồ Đề, nên gọi là Bồ tát”.
Và phẩm Phát Bồ Đề tâm, phẩm phát nguyện, phẩm tự lợi tha, phẩm thọ giới… đều đề cập đến Bồ tát giới.
Trong phẩm thọ giới, kinh có nêu rõ sáu trọng giới và hai mươi tám giới khinh, mà người thọ Bồ Tát Ưu Bà Tắc Giới phải hành trì.
Kinh có bảy cuốn, cũng do Ngài Đàm Vô Sấm dịch vào đời Lương, hiện có ở trong Đại Tạng Tân Tu 24, trang 1034.

3-9. DU GIÀ SƯ ĐỊA LUẬN:
Bộ Luận nầy, do Bồ Tát Di Lặc nói, Ngài huyền Tráng đã dịch gồm 100 cuốn.
Luận liên hệ chặt chẽ đến Bồ tát Giới. Và luận cũng đã giải thích cặn kẽ con đường tu tập để thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.
Cuốn bốn mươi của luận nêu rõ các loại giới tướng và giải thích từng loại rất chu đáo kể cả các cách thọ và trì.
Du Già Sư Địa Luận, hiện có ở trong Đại Tạng Tân Tu 30, trang 279.
Ngoài các kinh, Luận ở trên chúng ta còn có các bản kinh liên hệ đến Bồ Tát giới như sau:
- Bồ tát giới yết ma văn, do Ngài Di Lặc nói, Ngài Huyền Tráng dịch.
- Đại Thừa Giới Kinh, do Ngài Thi Hộ dịch vào đời Tống.
- Thanh Tịnh Tỳ Ni Phương Quảng Kinh, Ngài Cưu Ma La Thập dịch.
- Bồ Tát Tạng Kinh, Ngài Tăng Già Bạt La dịch vào đời Lương.
- Đại Thừa Tam Tụ Sám Hối Kinh, do Ngài Xà Na Quật Đa và Cấp Đa dịch ở đời Tùy.
Và hai cuốn Bồ tát giới bổn do Bồ tát Di Lặc nói, một cuốn do Ngài Đàm Vô Sấm dịch vào đời Bắc Lương và một cuốn do Ngài Huyền Tráng dịch vào đời Đường.
Như vậy, nguyên ủy Bồ Tát giới là có từ chư Phật Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân và các kinh luận do các vị Tổ sư qua các thời đại đã phiên dịch, trước tác và truyền thừa.

Thọ và đắc từ Chư Phật và Bồ Tát:
Nếu có duyên mà thọ và đắc từ Chư Phật và Bồ Tát thì sự thành tựu giới thể rất là vượt bực.
Đây là cách thọ Bồ Tát giới của ngàn Đức Phật Thích Ca báo thân và trăm ngàn ức Đức Phật Thích Ca ứng hóa thân từ Đức Phật Lô Xá Na ở nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng.
Và đây cũng là cách thọ Bồ Tát giới của chúng đại Bồ Tát mà lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang ở tại cung trời Ma Hê Thủ La của Sắc giới.
Ở nơi cung trời nầy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dùng năng lực của thiền định đưa toàn thể thính chúng ở đó, đến gặp Đức Phật Tỳ Lô Xá Na ở thế giới Liên Hoa Đài Tạng và được Đức Phật nầy dạy về con đường tu tập tâm địa.
Cách thọ nầy, cũng là cách thọ của hội chúng, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hóa thân xuống cõi Ta Bà nầy, sau khi thành Đạo, Ngài liền quy định Bồ Tát giới và trao truyền Bồ Tát giới cho đến cả trăm ngàn ức Bồ Tát, các vị Phạm Thiên, chư thiên của Cõi Sắc và Cõi Dục cũng như những vị ở nhân giới đều nghe thọ (Phạm Võng Kinh, tr 997, Đại Tạng Tân Tu 24).
Sự thọ và đắc Bồ Tát giới bằng cách nầy rất là mầu nhiệm, rất là tối thượng, vì giới đã được trao truyền trực tiếp từ Đức Phật pháp thân và Đức Phật báo thân.

■ Thọ và đắc từ vị Pháp sư:
Trong Kinh Phạm Võng, Đức Phật nói: “Hỡi Phật tử hãy lắng nghe cho kỹ!
Hễ muốn lãnh thọ giới pháp của chư Phật, thì không kể bất cứ ai, dù là Quốc Vương, Vương tử, Bách quan, Tể tướng, Tỷ khưu, Tỷ khưu ni, Phạm thiên, chư thiên trong mười tám tầng trời Cõi Sắc, chư thiên trong sáu tầng Cõi Dục, tất cả dân chúng, những kẻ huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ, nô bộc, tỳ thiếp, tám bộ quỷ thần, Kim cang thần, súc sanh cho đến những loài do biến hóa, miễn rằng tất cả họ, hiểu được lời của vị pháp sư trao giới, thì hết thảy họ, đều đắc giới và có thể trở thành bậc hoàn toàn thanh tịnh.” (Phạm Võng Kinh, tr 1004, Đại Tạng Tân Tu 24).
Như vậy, Bồ Tát giới mang tính bao dung và quảng lượng hơn so với Tỷ khưu giới.
Nhưng, không phải vì vậy, mà dung nạp một cách không trật tự.
Sự trật tự của Bồ Tát giới được tạo nên là do đức tin và sự mong cầu tuệ giác.
Hễ bất cứ ai, bất cứ loài nào, có đức tin và có sự khát ngưỡng tuệ giác, thì tất cả họ có thể đi vào biển cả Giới Pháp đại thừa một cách không ngăn ngại.
Trong Kinh Bồ Tát Anh Lạc Đức Phật nói: “Hỡi các Phật tử! Tất cả chúng sanh muốn vào biển cả của Tam Bảo, thì hết thảy họ phải lấy đức tin làm căn bản. Và họ muốn an trú trong ngôi nhà của giác ngộ, thì hãy lấy giới pháp làm gốc” (Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh, tr1020, Đại Tạng Tân Tu 24).
Thật vậy, loài không có đức tin hoặc có đức tin sai lầm, hoặc những loại ngu đần, thì tự họ không thể nhìn thấy một dấu tích nào của Phật pháp, chứ đừng nói gì đến tin, hiểu, thọ và đắc Bồ Tát giới. Tự bản thân họ không nghe được tiếng Thiện là gì, chứ đừng nói gì đến thọ và đắc giới để hành Thiện.
Dẫu rằng, giới có châu biến cả mười phương, nhưng họ đâu có nghĩ ra để tin và hiểu, để cầu và thọ; tin và hiểu, cầu và thọ đắc là không, thì lấy gì để đắc.
Cũng vậy, mặt trời và ánh sáng vẫn có đó, nhưng đôi mắt mù lòa thì lấy gì để thấy.
Do đó, dù Bồ Tát giới có lượng dung nhiếp rộng lớn như vậy, nhưng mà rất là trật tự, một sự trật tự phát sinh do sự tu tập của những người có đức tin và hiểu biết. Và chỉ có những hạng người như vậy hễ có thọ là có đắc.
Họ muốn thọ và đắc giới Bồ Tát, thì phải thỉnh vị pháp sư, mong vị đó đại diện cho Phật và Bồ Tát, trao truyền giới cho.
Và vị pháp sư đó, dù có ở cách xa ngàn dặm đi nữa, thì người cầu thọ cũng phải trực tiếp đến vị đó để cầu thỉnh rằng:
“Kính bạch đại Tôn giả! Xin Ngài hoan hỷ làm Bậc Thầy trao truyền giới cho con, để cho con thành tựu được giới thể của Chánh pháp”. (Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh, tr 1020, Đại Tạng Tân Tu).
Cách thọ và đắc giới từ vị Pháp sư, theo sách Hoằng giới đại học, Tạng bản Chùa Viên Thông, khắc in năm Thành Thái thứ bảy, thì sự tiến hành trao thọ Bồ Tát giới tuần tự như sau:
1. Thỉnh Thầy Truyền Giới:
Giới tử cầu thọ Bồ Tát giới, được vị dẫn thỉnh, hướng dẫn đến vị Pháp sư truyền giới tác bạch lời cầu thỉnh như sau:
“Kính bạch Đại Đức lắng nghe cho! Chúng con là giới tử cầu thọ Bồ tát giới, nay đến Đại Đức, xin Ngài làm vị Thầy trao truyền giới cho chúng con hết thảy Bồ Tát tịnh giới.
Cúi xin Đại đức thương xót lời cầu thỉnh của chúng con, mà Ngài không từ nan sự mệt nhọc trong chốc lác.
Sau ba lần cầu thỉnh như vậy, vị Tôn giả hoan hỷ nhận lời.
2. Khai đạo và thỉnh Phật làm vị Thầy truyền giới:
a. Khai đạo:
Vị giáo thọ sư huấn giáo hàng giới tử như sau:
“Hỡi quý vị giới tử! Giới tiếng phạn là Pratimoksaśìla phiên âm là Ba La Đề Mộc Xoa. Tàu dịch là “Bảo giải thoát”, nghĩa là bảo trì cho người thực hành thoát ly sanh tử mà đi đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.
Do đó, giới là chiếc xe báu tối thượng, là bậc thầy dẫn đường cao nhất, và là con đường tắt đi đến đại Niết Bàn.
Chư Phật ở quá khứ, nhân ở nơi giới mà thành đạo. Các Bậc Đại Sĩ hiện tại cũng do giới mà nhiếp độ chúng sanh. Những người thực hành trong tương lai, cũng do đây mà đạt được sự giải thoát, thiền định và trí tuệ.
Bởi vậy, giới là cơ bản của vạn đức, là nền tảng của mọi sự trang nghiêm.
Tuy nhiên, giới pháp có ba loại. Một là giới pháp tại gia gồm có: năm giới, tám giới. Hai là giới pháp xuất gia gồm có: mười giới, hai trăm năm mươi giới. Ba là giới pháp chung cho hàng xuất gia và tại gia, đó là Bồ Tát tam tụ tịnh giới.
Tụ thứ nhất là Nhiếp luật nghi giới, đó là không phạm vào mười pháp Ba la di. Nghĩa là không làm các ác, sau cùng là thành tựu Pháp thân.
Hiển nhiên, đình chỉ điều ác là trì giới, làm điều ác là phạm giới.
Tụ thứ hai là Nhiếp thiện pháp giới. Nghĩa là tu tập 84.000 pháp môn, chính là phụng hành các điều thiện, sau cùng là thành tựu Báo thân.
Hiển nhiên làm điều Thiện là trì giới, không làm điều thiện là phạm giới.
Tụ thứ ba là Nhiêu ích hữu tình giới. Nghĩa là phát khởi tâm từ, bi, hỷ và xả để làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, nghĩa là không có chúng sanh nào mà không hóa độ, sau cùng là thành tựu Ứng hóa thân.
Hiển nhiên, thực hành sự hóa độ là trì giới, không thực hành sự hóa độ là phạm giới.
Các tụ tịnh giới như vậy, là khi Đức Phật Thích Ca, Ngài mới thành đạo, ngồi dưới gốc Bồ Đề, đã vì khắp hết thảy chúng sanh mà tuyên thuyết mười giới phần thuộc kho tàng vô tận.
Đầu tiên, Ngài kết mười Ba La Đề Mộc Xoa là giới nghiêm trọng của Bồ Tát. Giới pháp ấy là pháp chỉ đạo.
Do đó, các hàng Bồ Tát cần phải thọ và trì.
b. Khởi thỉnh Tam Bảo:
Hỡi các giới tử muốn thọ trì tịnh giới! Hôm nay, chúng tôi sẽ vì quý vị mà mở lời cầu thỉnh Tam Bảo trong mười phương, xin thỉnh cầu Đức Thích Ca Như Lai làm vị Hoà thượng, hai vị đại Bồ Tát là Ngài Văn Thù Sư Lợi làm vị Yết ma A Xà Lê, và Ngài Di Lặc làm vị Giáo thọ A Xà Lê, các Đức Như Lai trong mười phương thế giới làm những vị tôn chứng và hết thảy hàng Bồ Tát đều làm bạn lữ đồng học.
Tất cả quý vị giới tử, hãy tha thiết và chí thành một lòng theo tôi mà cầu thỉnh.
- Đệ tử chúng con nhất tâm phụng thỉnh:
Kính lễ Pháp thân thanh tịnh của Đức Phật Tỳ Lô Xá Na.
Báo thân viên mãn của Đức Phật Tỳ Lô Xá Na, xin nguyện các Ngài không trái bản nguyện, thương xót hết thảy hữu tình phóng quang đến đạo tràng làm vị giới chủ và chứng minh.
- Nhất tâm kính lễ, phụng thỉnh vị giáo chủ thế giới Ta Bà là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Như Lai, làm vị Hoà thượng cho chúng con đắc giới.
Chúng con do nương tựa Ngài làm vị Hoà thượng mà được thọ giới Bồ Tát. Cúi xin Ngài thương xót chúng con. (cầu thỉnh ba lần).
- Đệ tử chúng con nhất tâm phụng thỉnh: Kính lễ Đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù, xin cung thỉnh Ngài làm vị Yết ma A Xà Lê, chúng con do nương tựa Ngài làm yết ma A Xà Lê mà được thọ giới Bồ Tát. Cúi xin Ngài thương xót chúng con. (cầu thỉnh ba lần).
- Đệ tử chúng con nhất tâm phụng thỉnh: Kính lễ Đức Bồ Tát Di Lặc, xin cung thỉnh Ngài làm vị giáo thọ A Xà Lê, chúng con do nương tựa Ngài làm vị giáo thọ A Xà Lê mà được thọ giới Bồ Tát. Cúi xin Ngài thương xót chúng con. (cầu thỉnh ba lần).
- Đệ tử chúng con nhất tâm phụng thỉnh: Kính lễ các Đức Như Lai trong mười phương, xin cung thỉnh các Ngai làm vị tôn chứng sư, chúng con do nương tựa các Đức Như Lai mà được thọ giới Bồ Tát. Cúi xin các Ngài thương xót chúng con. (cầu thỉnh ba lần).
- Đệ tử chúng con nhất tâm phụng thỉnh: Kính lễ hết thảy các vị đại Bồ Tát, xin cung thỉnh các Ngài làm những vị bạn pháp đồng học, chúng con do nương tựa các Ngài mà được thọ giới Bồ tát. Cúi xin các Ngài thương xót chúng con. (cầu thỉnh ba lần).
c. Lời khải bạch của vị Pháp sư:
Ngưỡng bạch chư Phật, các vị đại Bồ Tát và các vị Tăng Hiền Thánh trong mười phương và ba đời.
Các giới tử nầy, nay cầu mong con, họ muốn rằng, con phụng hành theo chư Phật và Bồ Tát, để xin các Ngài trao truyền Tam tụ tịnh giới.
Các giới tử nầy có khả năng kham lãnh nghĩa lý mầu nhiệm và sâu thẳm ở nơi đại thừa, họ đã có khả năng phát khởi tín tâm.
Cúi xin các Ngài thương xót, ban rải cho ba tụ tịnh giới thanh tịnh của hàng Bồ Tát. (tác bạch ba lần).
Bạch xong rồi đứng dậy kính lễ Tam Bảo trong cả ba đời như sau:
- Nhất tâm đảnh lễ, hết thảy chư Phật, thuộc quá khứ suốt tận biên cương của thời gian nầy.
- Nhất tâm đảnh lễ, hết thảy chư Phật, thuộc đời vị lai suốt tận biên cương của thời gian này.
- Nhất tâm đảnh lễ, hết thảy chư Phật, thuộc đời hiện tại, suốt tận biên cương của thời gian này.
- Nhất tâm đảnh lễ, hết thảy Giáo Pháp tôn quý thuộc quá khứ, suốt tận biên cương của thời gian này.
- Nhất tâm đảnh lễ, hết thảy Giáo Pháp tôn quý thuộc đời vị lai, suốt tận biên cương của thời gian này.
- Nhất tâm đãnh lễ, hết thảy Giáo Pháp thuộc đời hiện tại, suốt tận biên cương của thời gian này.
- Nhất tâm đảnh lễ, hết thảy Chúng Tăng thuộc quá khứ, suốt tận biên cương của thời gian này.
- Nhất tâm đảnh lễ, hết thảy Chúng Tăng thuộc đời vị lai, suốt tận biên cương của thời gian này.
- Nhất tâm đảnh lễ, hết thảy Chúng Tăng thuộc đời hiện tại, suốt tận biên cương của thời gian này.
Đảnh lễ xong, giới tử quỳ xuống tác bạch.
“Cúi xin Đại Đức thương xót, trao truyền cho chúng con Bồ Tát tịnh giới.” (tác bạch ba lần).
3. Vấn già tội:
Sau khi nhận lời tác bạch xong, Pháp sư hỏi giới tử về các già tội. Người cầu thọ Bồ Tát giới, nếu không có bảy tội sau đây, thì mới có thể thọ và đắc giới.
- Không từng làm thân Phật chảy máu.
- Không từng giết Cha.
- Không từng giết Mẹ.
- Không từng giết Hoà thượng.
- Không từng giết vị Yết ma và Giáo thọ.
- Không từng phá sự hoà hợp của chúng Tăng.
- Không từng giết hại các Bậc Thánh Nhân.
Sau khi vị Pháp sư hỏi từng tội như vậy, thì giới tử phải trả lời một cách như thật là không từng có những tội ấy, thì mới có thể thọ Bồ Tát giới.
Tuy nhiên, ở trong Bồ Tát giới Yết Ma văn, còn có quy định một số điều kiện không thể thọ giới Bồ Tát như sau:
- Không có lòng từ bi và hiểu biết.
- Không biết là mình có tham.
- Có đại dục.
- Tâm không vui.
- Không cung kính đối với học giới.
- Khinh thường luật nghi.
- Có tâm đại sân hận, không thể nhẫn nhịn.
- Nhác nhớm.
- Đam mê ăn ngủ và ưa đùa giỡn…
- Quá ngu si, tâm quá muội liệt; phỉ báng Bồ Tát tạng. (Bồ tát giới yết ma văn, Đại Tạng Tân Tu 24, tr 1006).
4. Hướng dẫn phát Bồ Đề Tâm:
Nếu giới tử muốn thọ Bồ Tát tịnh giới, thì trước hết phải phát khởi Bồ Đề Tâm.
Tâm Bồ Đề là tâm đại đạo, tâm ấy là tâm ở trên thì cầu mong đạo lý làm Phật, dưới thì phát khởi hạnh nguyện nhiếp hóa chúng sanh.
Cầu đạo lý làm Phật, nghĩa là Bồ tát phát khởi tâm không hạn lượng, thừa sự cúng dường ở nơi một Đức Phật, hai Đức Phật mà cho đến trăm ngàn vạn Đức Phật, ấy là thừa sự cúng dường hết thảy chư Phật trong mười phương vô tận pháp giới, hư không giới, để mong cầu tất cả trí tuệ, thành tựu vô lượng trăm ngàn pháp môn. Do đó mà phát Bồ Đề Tâm.
Hạnh nguyện nhiếp hoá chúng sanh, nghĩa là Bồ tát phát tâm nhiếp hóa hết thảy chúng sanh, không có hạn lượng trong một thế giới, hai thế giới mà cho đến mười phương vô tận pháp giới, hư không giới. Do đó mà phát Bồ Đề Tâm.
Phát Bồ Đề Tâm đúng như vậy, hạnh nguyện đã thiết lập đúng như vậy, mới xứng danh là Bồ Tát.
- Pháp sư hỏi:
Nay, quý vị có khả năng phát khởi tâm Bồ Đề như vậy không?
- Giới tử đáp: Có khả năng phát khởi. (hỏi và đáp ba lần như vậy).
- Pháp sư khai thị tiếp:
Hỡi các giới tử! Có bao nhiêu công đức thiện căn của hàng Bồ Tát lúc mới phát tâm Bồ Đề, thời không thể hiểu hết ngằn mé. Vì sao? Vì hàng Bồ Tát không để dòng dõi của Như Lai bị đoạn mất mà phát tâm và do phát tâm mà thường được sự thương tưởng của tất cả chư Phật trong ba đời, và chính là cùng dự vào thể tính bình đẳng của cả hết thảy Chư Phật ba đời.
Cho nên, khi mới phát tâm, tâm ấy liền trở thành tâm của Bậc Chánh giác, và chính lúc đó hết thảy Như Lai đồng khen ngợi. Ngay lúc đó là trừ diệt được nỗi khổ của ác đạo; ngay lúc đó có khả năng làm các cõi Phật thanh tịnh và duy trì được dòng dõi của Phật ở trong một thế giới, rồi sẽ thị hiện thành Phật.
- Pháp sư hỏi:
Quý vị có phải là cầu làm Bồ Tát không?
- Giới tử đáp:
Dạ phải.
Tâm Bồ Đề đã phát khởi chưa?
Dạ đã phát khởi. (Hỏi và đáp như vậy ba lần).
Pháp sư khai thị tiếp:
Hỡi quý vị giới tử hãy lắng nghe!
Nay, quý vị muốn tất cả tịnh giới và học xứ Bồ Tát từ nơi tôi trao truyền lại, thì đó là: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, và Nhiêu ích hữu tình giới.
Tất cả tịnh giới và học xứ như vậy, hết thảy Bồ Tát vị lai sẽ viên mãn, Bồ Tát quá khứ đã viên mãn, hết thảy Bồ Tát hiện tại đã và đang viên mãn.
Đối với hết thảy tịnh giới và các học xứ, hết thảy Bồ Tát đã học, sẽ học và đang học.
- Pháp sư hỏi:
Quý vị có khả năng thọ trì không?
Đáp: Có khả năng thọ trì. (Hỏi và đáp như vậy ba lần).
5. Trao y:
Nếu là Sa di thọ Bồ Tát giới, thì pháp sư trao y cho họ đắp trước khi tiếp nhận giới.
- Pháp sư khai thị:
Hỡi các giới tử!
Y nầy là áo giáp nhẫn nhục, hết thảy Bồ Tát đều mặc để tu tập Lục độ Vạn hạnh, cứu độ quần sanh, viên thành chủng trí.
Tôi nay trao cho quý vị, quý vị hãy đội lên đỉnh đầu để thọ trì.
6. Trao bốn niềm tin bất hoại:
Hỡi các giới tử!
Quý vị phải thọ trì bốn niềm tin bất hoại, phải một lòng tín thọ và hãy nói theo tôi:
Con nguyện từ hôm nay cho đến tận biên cương vị lai, đem hết thân mạng về nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng và nương tựa Chánh pháp giới. (nói ba lần như vậy).
7. Hướng dẫn sám hối:
- Pháp sư khai thị:
Các giới tử đã nhận lãnh bốn niềm tin bất hoại rồi, bây giờ tiếp đến là phải sám hối tội nghiệp trong ba đời.
Nghĩa là từ vô thỉ cho đến ngày nay, do không biết Tam Bảo, không tin có quả báo Thiện ác, mà tạo ra tội lỗi vô gián và mười nghiệp ác.
Hoặc tạo ra tội do phá tháp, phá chùa, thiêu đốt kinh tượng, hủy báng Tam Bảo, tạo ra vô lượng, vô biên tội nhất xiển đề như vậy, ngày nay chúng con đối trước mười phương Tam Bảo, chí thành phát lộ sám hối cầu mong Tam Bảo thương xót nguyện đều trừ diệt.
Nếu quý vị không có khả năng bộc bạch, tôi sẽ vì quý vị mà hướng dẫn, quý vị hãy nói theo tôi.
- Đệ tử chúng con hoặc thân, khẩu, ý gồm mười tội ác nghiệp, kể từ quá khứ cho đến suốt tận biên cương vị lai, nguyện vĩnh viễn không còn dấy khởi.
- Đệ tử chúng con hoặc thân, khẩu, ý gồm mười tội ác nghiệp, kể từ hiện tại cho đến suốt tận biên cương vị lai, nguyện vĩnh viễn không còn dấy khởi.
- Đệ tử chúng con hoặc thân, khẩu, ý gồm mười tội ác nghiệp, từ thuở vị lai, cho đến ngằn mé của biên cương này, nguyện vĩnh viễn không còn dấy khởi.
Quý vị hãy chú tâm sám hối và đọc lên:
“Đệ tử sở tạo các ác nghiệp,
đều do vô thỉ tham sân si.
Từ thân miệng ý phát sinh ra,
Hết thảy chúng con xin sám hối”.
Nam Mô Hư Không Tạng Bồ Tát ma ha tát.
(đọc ba lần).
8. Hướng dẫn phát khởi đại nguyện:
- Pháp sư huấn thị:
Hỡi các giới tử!
Quý vị đã sám hối như vậy xong, hẳn nhiên ba nghiệp đã thanh tịnh, như bình sạch lưu ly, soi chiếu từ trong đến ngoài. Tiếp đến quý vị hãy quán chiếu pháp Tứ diệu đế mà phát khởi bốn Hoằng thệ nguyện.
Quán chiếu Khổ đế, nghĩa là ở nơi vô lượng quả báo thống khổ của hết thảy chúng sanh trong Lục đạo, Bồ Tát lấy đó, làm đối tượng quán chiếu mà nguyện nhiếp độ hết thảy chúng sanh, thoát khỏi những quả báo thống khổ ấy.
Do đó, Bồ tát phát nguyện rằng: “Chúng sanh không số lượng thề nguyện đều độ khắp”.
Quán chiếu Tập đế, nghĩa là tất cả chúng sanh đã huân tập và tích lũy vô lượng tác nhân phiền não, vọng tưởng kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, và vì do tác nhân này mà chúng sanh bị chiêu cảm vô lượng quả báo thống khổ, luân chuyển trong ba cõi không có kỳ hạn.
Bồ Tát lấy Tập đế, làm đối tượng quán chiếu mà nguyện nhiếp độ chúng sanh, khiến họ đoạn trừ mọi chướng nghiệp phiền não.
Do đó, Bồ Tát phát nguyện rằng: “Phiền não không cùng tận thệ nguyện đều dứt sạch”.
Quán chiếu Đạo đế, nghĩa là vì hết thảy chúng sanh do không biết Chánh nhân để tu tập, nhằm vượt khỏi lưu tục, nên bị luân chuyển trong lục đạo, tự mình không thể an lạc.
Do đó, Bồ Tát thiết lập vô lượng pháp môn, giáo hoá chúng sanh khiến họ tu học.
Bởi vậy, Bồ Tát phát nguyện rằng: “Pháp môn không kể xiết, thề nguyện đều tu học”.
Quán chiếu Diệt đế, chính là quán chiếu về Niết bàn là trạng thái vắng diệt mọi khát ái, chấp ngã. Nghĩa là không có đạo nào tối thượng bằng Đạo Tịch Tịnh Niết bàn của Như Lai.
Do đó, Bồ Tát phát nguyện rằng: “Phật đạo không gì hơn, thề nguyện đều viên thành”.
Bốn hoằng thệ nguyện như vậy là bao gồm hết thảy các nguyện. Nếu không căn cứ vào Bốn đế lý, mà phát khởi hạnh nguyện, thì nguyện và hạnh không thích ứng đạo lý.
Hỡi các giới tử!
Nếu có thể bi���t năm uẩn đều là không, khổ hay lạc đều là vô ngã, bản chất của chính nó là như như, thì hiển nhiên không có Khổ đế để xả, bản tính của hết thảy trần lao phiền não đều thanh tịnh, thì không có Tập đế để đoạn trừ. Nếu tà kiến, biên kiến đều là Chánh đạo, Trung đạo, thì không có Đạo đế để tu. Nếu sanh tử là Niết bàn thì không có Diệt đế để có thể chứng đạt.
Công đức của sự phát tâm, lập hạnh thấu tình, đạt lý như vậy, chỉ có Đức Phật mới là bậc thấu triệt.
Còn ví như chưa minh triệt, thì dù có chí tâm xuất gia mà vẫn còn rơi vào thiên chấp pháp nhỏ, không tương ứng với Bồ đề tâm, thì trọn không thể chứng đắc đạo quả Vô thượng Bồ đề.
Do đó, hỡi các giới tử! Các người phải phát tâm, thiết lập Bốn hoằng thệ nguyện.
Quý vị hãy tha thiết chân thật nói lên!
“Chúng sanh không số lượng, thề nguyện đều độ khắp.
Phiền não không cùng tận, thề nguyện đều dứt sạch.
Pháp môn không kể xiết, thề nguyện đều tu học.
Phật đạo không gì hơn, thề nguyện đều viên thành”.
Nam Mô Phổ Hiền Vương Bồ Tát ma ha tát. (Ba lần).
9. Tác pháp yết ma:
- Pháp sư huấn thị:
Hỡi các giới tử!
Nay, quý vị đã phát thệ nguyện rồi, tôi sẽ vì quý vị mà khởi thỉnh Tam Bảo chứng minh thọ giới, quý vị hãy nhất tâm khéo nghe khởi ý trong lắng suy nghĩ.
Quý vị phải biết rằng, lần tác bạch thứ nhất xong, thì giới pháp nhiệm mầu tuyệt vời, ở trong mười phương thế giới, do năng lực tác động của tâm mà đều chấn động.
Lần tác bạch thứ hai xong, thì giới pháp mầu nhiệm tuyệt vời ở trong mười phương thế giới, quần tụ như bảo cái, như mây lành ngưng tụ lại trên cửa ngõ chân lông ở trên đỉnh đầu của quý vị.
Và lần tác bạch thứ ba xong, thì giới pháp mầu nhiệm tuyệt vời ở trong mười phương thế giới đã tụ lại nơi cửa ngõ chân lông trên đỉnh đầu quý vị chảy vào thân tâm, làm sung mãn chánh báo của quý vị cho đến tận biên cương vị lai, vĩnh viễn quý vị đã làm dòng dõi của Phật.
Đây là giới thể vô tác, là pháp của đạo vô lậu, chúng cảm thành là do thiện tâm thù thắng của quý vị. Do đó, quý vị phải chí thành mà lãnh thọ.
- Tác pháp:
Pháp sư quỳ trước Tam Bảo tác bạch:
Ngưỡng bạch chư Phật, Bồ Tát trong hết thảy thế giới, khắp hết mười phương vô biên, không có ngằn mé.
Nay trong đây, hiện có các giới tử cầu thọ Bồ Tát giới tên là …
Nay, quý vị nương theo con… để cầu thọ Bồ Tát giới, cho nên họ đã ba lần nói lên lời cầu thọ Bồ Tát giới.
Nay, con sẽ vì họ chứng nhận để tác pháp.
Cúi xin hết thảy chư Phật, Bồ Tát trong các thế giới khắp cả mười phương, vô biên không có ngằn mé, và các Bậc Hiền Thánh chân thật đệ nhất ở khắp hết thảy không gian, thời gian, dù các Ngài hiện có mặt hay không có mặt, và hết thảy các loài hữu tình đều đã có giác ngộ hiện tại, xin các Ngài hãy đến đến đây, vì những người cầu thọ Bồ Tát nầy, tên là… để cùng làm vị chứng minh trong lúc tác pháp. (Tác bạch ba lần).
- Pháp sư huấn thị:
Hỡi các giới tử!
Từ hồi nãy đến giờ, do đối trước Chư Phật, Bồ Tát đã ba lần tác bạch yết ma xong.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ở trong Thánh chúng và nói lên lời rằng: “Hỡi Đại chúng! Ở nước Việt Nam nơi thế giới Ta Bà này, có Bồ Tát tên là… nương theo trí giả tên là… cầu thọ Bồ Tát giới.
Họ không có thầy, vì thương xót những người đang ở đây mà tôi đang và sẽ làm thầy của họ”.
Bây giờ, các Đức Như Lai, trong mười phương đối với quý vị, các Ngài đều nghĩ là con, các Bậc đại địa Bồ Tát đối với quý vị, các Ngài đều nghĩ là em và các Ngài đều thương xót và nâng đỡ, khiến quý vị từ khi thọ giới xong, công đức tăng trưởng, thiện căn không mất, chánh niệm an trú tinh chuyên, kiên trì không huỷ phạm, giới thể đầy đủ cho đến khi chứng quả Vô Thượng Bồ Đề, không có thối chuyển.
Quý vị sẽ thành tựu thân ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hết thảy diệu dụng của thần thông, các loại trí tuệ, vô lượng thảy đều tu học và thành tựu một cách đầy đủ.
Quý vị rồi sẽ vân du qua mười phương cõi, hóa độ vô lượng chúng sanh tâm không hề mỏi mệt.
10. Trao mười giới tướng:
- Pháp sư huấn thị:
Hỡi các giới tử hãy lắng nghe!
Bồ Tát có mười giới ở trong kho tàng vô tận, nếu sau khi đã thọ giới mà phạm, thì không còn là Bồ Tát, mất bốn mươi hai pháp của Hiền Thánh.
Vậy, quý vị hãy vâng lãnh mười giới tướng.
1- Hỡi các giới tử! Kể từ thân này cho đến khi thành tựu thân Phật, trong suốt khoảng thời gian đó không được cố ý giết hại.
Quý vị có thể thọ trì được không?
Giới tử đáp: - Dạ được.
2- Hỡi giới tử! Kể từ thân này, cho đến khi thành tựu thân phật, suốt khoảng thời gian đó không được cố ý trộm cắp.
Quý vị có thể thọ trì được không?
Giới tử đáp: - Dạ được.
3- Hỡi giới tử! Kể từ thân này, cho đến khi thành tựu thân Phật, trong suốt khoảng thời gian đó không được cố ý dâm dục.
Quý vị có thể thọ trì được không?
Giới tử đáp: - Dạ được.
4- Hỡi giới tử! Kể từ thân này, cho đến khi thành tựu thân Phật, trong suốt khoảng thời gian đó không được cố ý nói dối.
Quý vị có thể thọ trì được không?
Giới tử đáp: - Dạ được.
5- Hỡi giới tử! Kể từ thân này, cho đến khi thành tựu thân Phật suốt trong khoảng thời gian đó không được cố ý nấu rượu.
Quý vị có thể thọ trì được không?
Giới tử đáp: - Dạ được.
6- Hỡi giới tử! Kể từ thân này, cho đến khi thành tựu thân Phật, suốt trong khoảng thời gian đó không được nói lên lầm lỗi của hàng xuất gia và tại gia.
Quý vị có thể thọ trì được không?
Giới tử đáp: - Dạ được.
7- Hỡi giới tử! Kể từ thân này, cho đến khi thành tựu thân Phật, suốt trong khoảng thời gian đó không được có ý khen mình mà hủy báng người.
Quý vị có thể thọ trì được không?
Giới tử đáp: - Dạ được.
8- Hỡi giới tử! Kể từ thân này, cho đến khi thành tựu thân Phật, suốt trong khoảng thời gian đó không được cố ý tham tiếc.
Quý vị có thể thọ trì được không?
Giới tử đáp: - Dạ được.
9- Hỡi giới tử! Kể từ thân này, cho đến khi thành tựu thân Phật, trong suốt khoảng thời gian đó không được cố ý sân hận.
Quý vị có thể thọ trì được không?
Giới tử đáp: - Dạ được.
10- Hỡi giới tử! Kể từ thân này, cho đến khi thành tựu thân Phật, trong suốt khoảng thời gian đó không được cố ý phỉ báng Tam Bảo.
Quý vị có thể thọ trì được không?
Giới tử đáp:-Dạ được.
12. Huấn thị sau cùng và hồi hướng:
Hỡi các giới tử!
Quý vị đã thọ mười giới vô tận, hiển nhiên quý vị sẽ vượt hẳn bốn thứ ma, siêu xuất những khổ đau trong ba cõi. Và đối với quý vị từ đời này qua đời khác, giới pháp này không thể mất, nó thường tồn tại với quý vị, cho đến khi quý vị thành Phật.
Quý vị phải biết rằng! Lãnh thọ giới pháp của Bồ Tát là như vậy, còn so với tất cả các giới đã lãnh thọ trước đó, thì Bồ Tát tịnh giới là tối thắng, là tối thượng là kho tàng công đức vĩ đại, vô lượng, vô biên, là tối thượng đệ nhất, là chỗ thân thích của tâm ý tối thắng.
Ví dụ, tất cả Biệt giải thoát luật nghi, phát khởi năng lực rộng lớn để trừ diệt tất cả hành vi ác đối với hất thảy hữu tình, thì không bằng một phần trong năm phần, cho đến không bằng một phần trong toán số thí dụ so với Bồ Tát giới luật nghi.
Hỡi các giới tử!
Quý vị đã thọ Bồ Tát giới, thì nay mỗi nửa tháng, phải tụng Bồ Tát giới, đúng như sự quy định của luật không được bỏ quên.
Do đó, đức Thích Ca Mâu Ni dạy trong Kinh Phạm Võng rằng: “Nếu người thọ trì Bồ Tát giới không tụng giới này, là không phải Bồ Tát, là không phải dòng dõi của Phật”.
Lại nữa, không học Phật giới là bị tội. Do đó, tôi nay phó chúc cho quý vị với tâm niệm tốt đẹp như vậy, để quý vị hộ trì và sanh lòng kính trọng sâu xa, không được khinh thường.
Vậy, quý vị phải y lời giáo huấn mà phụng hành.
Hỡi quý vị giới tử!
Nay, quý vị hãy đem công đức thọ giới này hướng về cõi phương Tây Tịnh Độ, như Ngài Thiện Tài Đồng Tử đã từng học khắp tất cả các bậc có hiểu biết và thành tựu tất cả các pháp môn, về sau lại gặp Bồ Tát Phổ Hiền giáo huấn, phát khởi mười hạnh nguyện về phương Tây Tịnh Độ thân cận đức A Di Đà mà viên thành đạo quả.
Vì sao? Vì hết thảy Bồ Tát phải qua vô lượng, vô số kiếp tu tập Lục độ vạn hạnh, kỳ hạn sau cùng là thành tựu pháp thân của Phật A Di Đà ở cõi Tịnh Độ. Và chính đó cũng là Phật pháp thân của Phật mười phương, đã là pháp thân thì luôn luôn an trú ở cõi Tịch Quang Tịnh Độ.
Tuy nhiên, pháp thân đó không ngoài tự tâm của quý vị, chính tâm của quý vị là tự tánh của tịnh độ và cũng là Phật A Di Đà. Hồi hướng tự tánh tịnh độ như vậy, mới là sự hồi hướng chân thật.
Sau phần huấn thị này, thì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà và các Thánh chúng, rồi hồi hướng theo nghi thức thường của thiền môn.
Như vậy, cách thọ và đắc Bồ Tát giới từ vị Pháp sư đã hoàn tất. (Cách thọ và đắc Bồ tát giới nầy tham khảo ở các kinh như: -Bồ tát nội giới kinh, Đại chính 24, tr1047; Ưu bà tắt giới kinh, Đại chính 24, tr 1047; Bồ tát giới yết ma văn, Đại chính 24, tr1106; Đại bát nhã kinh, Đại chính 7, tr1023; và khoa nghi đầy đủ nhất là ở Hoằng giới đại học chi thơ, tạng bản chùa Viên Thông-Huế, khắc Thành Thái thứ 7).

Tự thọ:
Nghĩa là sau khi Đức Phật và các vị Bồ Tát đã diệt độ, khoảng trong một ngàn dặm hoàn toàn không có pháp sư, người cầu thọ Bồ Tát giới muốn đắc giới, thì tự mình quỳ xuống trước hình tượng của chư Phật hoặc Bồ Tát, chấp tay cung kính phát thệ để thọ giới.
Vị đó quỳ xuống chấp tay bạch như thế này:
“Ngưỡng bạch thập phương Chư Phật và Bồ Tát, con tên là… pháp danh là…
Nay, chúng con ở nơi thập phương của chư Phật và Bồ Tát, thề nguyện thọ trì tất cả học xứ của Bồ Tát, thệ nguyện thọ tất cả tịnh giới của Bồ Tát. Nghĩa là thọ đủ Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới.
Tất cả tịnh giới và học xứ như vậy, hết thảy Bồ Tát trong quá khứ đã viên mãn, hết thảy các Bồ Tát vị lai sẽ viên mãn, hết thảy các vị Bồ tát hiện tại trong mười phương đã và đang viên mãn.
Tất cả tịnh giới và học xứ ấy, hết thảy Bồ tát quá khứ đã học, hết thảy Bồ Tát vị lai sẽ học, hết thảy Bồ Tát hiện tại đã và đang học.
Vị cầu thọ giới Bồ tát giới phải tác bạch ba lần như vậy. (Theo Bồ tát Anh lạc bản nghiệp kinh Đại chính 24, tr 1020; và Bồ tát yết ma văn, Đại chính 24, tr 1106; Du già sư địa luận 141, Đại chính 30, tr 521; Bồ tát địa trì 5, Đại chính 30, tr 917).
Ở phần tự thọ này, thì Kinh Phạm Võng và Phạm Võng thuật ký dạy rằng: “Nếu là tự thọ thì trước hết là phải sám hối, lấy giới hạn chủ yếu là thấy được tướng hảo của chư Phật hoặc Bồ Tát, nếu không thấy được tướng hảo của các Ngài thì không thể đắc giới”.
Kinh còn nói: “Sau khi đức Phật diệt độ, những người có tâm tốt muốn thọ Bồ Tát giới, thì ở trước tượng của đức Phật tự phát nguyện để thọ giới.
Phải sám hối bảy ngày trước hình tượng của Đức Phật, hễ thấy được tướng hảo của Ngài thì đắc giới. Nếu trong bảy ngày mà không thấy được tướng hảo của Ngài, thì phải sám hối tiếp, phát nguyện từ một tuần, hai tuần, ba tuần cho đến một năm, chủ yếu là phải nhìn thấy rõ tướng hảo của Phật, thì mới ở trước hình tượng của Đức Phật để tự thọ.
Nếu trong lúc sám hối mà không thấy rõ tướng hảo của đức Phật và Bồ Tát, thì vấn đề tự thọ là không thể đắc giới” (Phạm võng kinh, Đại chính 24, tr 1006; Phạm võng thuật ký, Đại chính 85, tr 728).
Như vậy, thọ và đắc giới có ba cách như đã nói ở trên, thì cách thọ và đắc giới từ chư Phật và Bồ Tát một cách trực tiếp là cách thọ và đắc giới thù thắng, rất tối thượng.
Cách thọ và đắc giới qua trung gian Vị Pháp sư là đắc giới bậc trung, và cách tự thọ trước hình tượng của đức Phật hoặc Bồ Tát là cách đắc thọ bậc hạ.
Tuy nhiên, ngày nay thọ Bồ Tát giới qua trung gian vị Pháp sư là cách thọ và đắc giới phổ biến và rất dễ thành tựu giới thể so với hai cách thọ kia.
Sự tác thành giới thể cho một người cầu thọ Bồ Tát giới vô cùng khó khăn, nhưng giới thể có thể bị rơi mất qua hai trường hợp sau đây:
Trường hợp một: Là thọ giả phạm một cách nghiêm trọng vào các giới tướng về Ba La Di của Bồ Tát.
Trường hợp nầy, đức Phật đã nói trong Kinh Phạm võng như sau:
“Hỡi những người học đạo thông minh! Mười ba la đề mộc xoa như vậy. Cần phải học tập, không nên phạm vào mảy may như đầu hạt bụi, chứ đừng nói phạm đầy đủ cả mười.
Nếu ai có phạm, thì thân hiện tại, Bồ đề tâm không thể phát triển được. Người đó cũng mất phẩm vị Quốc Vương, Chuyển Luân Vương, Tỷ khưu, Tỷ khưu ni, cũng mất luôn các phẩm vị thập Phát Thú, Thập Trưởng Dưỡng, thập Kim Cang, Thập địa và quả vị mầu nhiệm của Phật tính thường trú, hết thảy đều ẩn mất, sa vào trong ba đường ác, hai kiếp, ba kiếp không nghe được từ ngữ cha mẹ hay danh hiệu Phật, Pháp, Tăng. Vì lẽ đó mà mỗi một không nên phạm”. (Phạm võng kinh, Đại chính 24, tr 1005).
Tường hợp hai: Là hành giả xả bỏ đại nguyện đối với đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác. Nói cách khác, vị ấy đã thối mất Bồ Đề Tâm và đã tự mình tuyên bố xả bỏ.
Một hành giả vừa thọ Tỷ khưu và cả Bồ Tát giới, nếu xả bỏ Bồ Tát giới, thì có ảnh hưởng gì đến Tỷ Khưu giới không?
Nếu do thối thất Bồ Đề Tâm mà xả bỏ Bồ Tát giới, thì chỉ mất Bồ Tát giới mà không mất Tỷ khưu giới.
Nếu phạm vào căn bản giới của Tỳ khưu, thì không những mất giới Tỷ khưu mà giới Bồ tát cũng mất luôn.
Nếu phạm vào một trong sáu trọng giới ở phần sau của Bồ Tát Giới Phạm Võng, thì chỉ mất giới Bồ tát mà không mất giới Tỷ khưu.
Nếu khi thân hoại mạng chung, thì giới tỷ khưu tự xả mà Bồ Tát giới không mất, vì Bồ Tát giới tồn tại theo tâm, chứ không phải tồn tại theo thân.
Các trường hợp vừa thọ giới Tỷ khưu ni, Thức xoa, Sa di, Cận sự, Cận trú vừa thọ giới Bồ Tát thì sự đắc, thất chuẩn theo sự giải thích ở trên mà nghiệm biết. (Du già sư địa luận 40, Đại chính 30, tr 515; Phạm võng kinh thuật ký, Đại chính 85, tr 730).
Đối với Bồ Tát giới, sự thối thất Bồ Đề tâm là quan trọng hơn cả phạm vào Ba La Di. Vì phạm vào Ba La di chỉ làm cho Bồ Đề Tâm bị chướng ngại, không phát triển được liên tục ngay trong đời hiện tại, nhưng không bị rơi vào thiên chấp tà kiến.
Còn thối thất Bồ Đề Tâm nguyện, thì vĩnh viễn không còn tu tập để chứng đắc đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. Ấy mới biết Bồ Đề Tâm nguyện, đối với Bồ tát giới là hệ trọng đến mức nào? Hệ trọng đến nỗi Kinh Đại Bát Nhã đã nói về điều này một cách trịnh trọng như sau:
“Nếu các vị Bồ Tát xuất gia thọ trì tịnh giới mà không hồi hướng đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề, thì các vị Bồ Tát kia chắc chắn không thành tựu Bồ Tát tịnh giới.
Như vậy, họ chỉ là hư danh, hoàn toàn không có nghĩa lý chân thật.
Nên biết, hạng ấy không phải là Bồ tát”. (Đại bát nhã kinh 584, Đại chính 7, tr 1020).
Vậy, những ai thọ và đắc Bồ Tát giới, thì phải giữ Bồ đề Tâm nguyện như giữ con mắt, như giữ hơi thở, như giữ tủy não của mình.³


Thích Thái Hòa

----o0o---

Trình bày: Tịnh Tuệ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]