Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thập giới của Sa-di ni

03/03/201115:43(Xem: 6294)
Thập giới của Sa-di ni
 
TĂNG ĐỒ NHÀ PHẬT (HÁN VIỆT)
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải

SA-DI VÀ SA-DI NI

THẬP GIỚI CỦA SA-DI-NI

Bài này của một nhà sư đời Hậu Hán bên Trung Nguyên soạn, khoảng thế kỷ thứ hai theo Dương lịch, đã mất tên.

Mười giới của sa-di ni thật ra không khác với mười giới của sa-di. Tuy nhiên, bài này được soạn với ý khuyến khích, sách tấn việc trì giới, nên chúng tôi cũng đưa vào để giúp ích thêm cho người muốn tu học.

1. Giới đầu tiên của sa-di ni là không được giết hại sanh mạng. Hãy thương yêu muôn loài như cha mẹ thương con, mở rộng lòng thương đến hết thảy các loài động vật lớn nhỏ, xem như con ruột của mình. Thế nào gọi là không giết hại? Phải tự phòng hộ cả ba nghiệp thân, miệng và ý. Không được tự tay mình giết hại hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác giết hại. Không được ăn thịt những con vật mà mình nhìn thấy hoặc nghe biết, hoặc có nghi ngờ về sự giết hại chúng, hoặc người khác đã giết hại chúng là vì mình.

Sa-di ni phải cẩn thận ngay cả trong lời nói của mình. Không được nói việc muốn giết hại, muốn trả thù, hoặc nói rằng giết hại là thích thú, khoái chí, hoặc khen chê bình phẩm con vật này là ốm, con vật kia là mập, nhiều thịt ít thịt, hoặc thịt ngon thịt dở... Trong ý cũng không được nghĩ đến những chuyện như vậy. Hãy thương tưởng chúng sanh như thương chính thân mình, như cha mẹ, con cái của mình. Hãy hết lòng mà cầu đạo Đại thừa giải thoát. Đó là giới đầu tiên của sa-di ni.

2. Giới thứ hai của sa-di ni là không được trộm cắp. Không được lấy của ai dù là những vật nhỏ nhặt, ít giá trị nhất. Chủ nhân không tự ý cho mình thì không được lấy. Miệng cũng không được nói đến, tâm ý không nghĩ đến những chuyện trộm cắp. Mắt không mê đắm theo hình sắc, tai không mê đắm theo âm thanh, mũi không mê đắm theo mùi hương, lưỡi không mê đắm theo vị ngon ngọt, thân không mê đắm y phục tốt đẹp, tâm không mê đắm sự tham muốn. Đối với sáu điều ấy đều không mê đắm thì có thể đứng vững, tự làm chủ được mình bằng trí tuệ sáng suốt, như vậy gọi là không mắc vào tội trộm cắp. Đó là giới thứ hai của sa-di ni.

3. Giới thứ ba của sa-di ni là không được phạm vào chuyện dâm dục. Như thế nào gọi là không được phạm vào dâm dục? Phải một lòng trong sạch. Thân không làm chuyện dâm dục, miệng không nói lời dâm ô, cho đến trong tâm cũng không nghĩ đến. Tự giữ mình trong sáng, như gió thổi giữa hư không, không gì vướng mắc được. Thân không làm, mắt không nhìn đến, tai không nghe, mũi không ngửi, miệng không nói, tâm không tưởng đến, tất cả đều xa lìa chuyện dâm dục. Hãy quán xét thân này chẳng qua chỉ là tứ đại giả hợp. Trong tứ đại ấy, đất nước gió lửa đều chẳng có món nào thật sự là ta, là người, không có cả thọ mạng, vậy chấp vào đâu mà có sự dâm dục, chấp vào đâu mà vướng mắc? Tâm ý luôn hướng đến Không, Vô tướng, Nguyện. Đó là giới thứ ba của sa-di ni.

4. Giới thứ tư của sa-di ni là không được nói hai lưỡi, nói lời độc ác. Phải nói những lời ôn hòa, hiền hậu. Không thấy đừng nói là thấy, không nghe đừng nói là nghe, thấy điều ác chớ nên truyền bá, nghe điều ác chớ nên lập lại. Phải thẳng thắn mà tránh xa những lời độc ác, thường làm theo bốn tâm từ, bi, hỷ, xả. Không nói những lời sai quấy. Nói ra lời nào đều là việc đạo, không được bàn luận chuyện thế sự, chính sự. Thường ngợi khen kinh pháp, giới pháp chính của Bồ Tát, tâm chí hướng theo Đại thừa, chẳng phải vì những việc học hỏi nhỏ nhặt, nên thường làm theo bốn tâm vô lượng. Đó là giới thứ tư của sa-di ni.

5. Giới thứ năm của sa-di ni là không được uống rượu. Chẳng những không được nghiện rượu, mà cũng không được nếm thử rượu nữa. Rượu dẫn đến rất nhiều lỗi lầm. Rượu làm cho bại hoại phong hóa, tan rã gia đình, nguy hại đến sức khỏe và mạng sống của bản thân, muốn đi bên này lại đến bên kia, muốn nắm vật này lại cầm vật nọ; mất hẳn chủ ý, không thể tụng kinh, không thể thờ kính Tam bảo; khinh thầy, bỏ bạn, bất hiếu với cha mẹ; tâm ý bế tắc, kéo dài sự ngu muội mãi mãi, không thể thấy được đạo lớn, tâm ý không có nhận thức. Vì vậy nên không được uống rượu, chỉ mong muốn sao cho lìa khỏi được năm ấm, năm dục, năm triền cái, chứng đắc năm thần thông, vượt qua năm nẻo. Đó là giới thứ năm của hàng sa-di ni.

6. Không được giữ lấy các loại hoa và hương thơm để tự xông ướp, trang sức, làm thơm làm đẹp cho mình. Các thứ quần áo, giày dép, chăn màn của mình dùng, đều không được tô điểm bằng năm màu chính để cho tăng phần đẹp đẽ. Không được dùng các loại y phục, trang sức quý giá như gấm vóc, tơ lụa, vòng vàng, chuỗi ngọc... cũng không được nhìn ngắm những thứ ấy. Phải mặc y phục theo đúng pháp bằng vải thô xấu, nhuộm những màu xấu xí vào. Khi đi ra ngoài thì phải cúi mặt xuống mà đi. Trong lòng mong muốn trừ bỏ sáu điều nguy hại thì phải lấy giới hạnh làm hương thơm, lấy việc cầu tụng pháp mầu sâu thẳm làm của cải quý giá, cầu được Ba mươi hai tướng tốt làm chuỗi ngọc trang sức, lấy việc vun trồng các vẻ đẹp oai nghi của thân làm trang phục che chở cho mình. Nguyện được sáu phép thần thông không ngăn ngại, lấy sáu pháp ba-la-mật mà dẫn dắt cho người khác, đó là giới thứ sáu của sa-di ni.

7. Giới thứ bảy của sa-di ni là không được ngồi, nằm trên ghế cao, giường rộng có khảm bạc vàng và bao phủ bằng gấm vóc quý giá đủ màu. Không được nghĩ đến hoặc chỉ bảo, sai khiến người khác tìm cách để có những giường, ghế tốt đẹp, chiếu, gối, màn, quạt có tô điểm đẹp đẽ đủ màu. Không được mang những vòng nơi cánh tay, nhẫn trong ngón tay. Những món quý là chánh trực, đức tin, giới hạnh, đức tàm quý, bố thí, học rộng, trí tuệ, một lòng chuyên cần thường cầu chánh định; phải lấy những món ấy mà làm giường chiếu của mình, lấy tâm không dao động, sự sáng suốt tự nhiên mà làm chỗ ngồi. Bảy giác chi kiên định không lay chuyển, chí hướng về nơi tâm đạo. Đó là giới thứ bảy của sa-di ni.

8. Giới thứ tám của sa-di ni là không được nghe ca hát, đàn, trống, sáo, phách các thứ âm nhạc. Không tự mình phạm vào, cũng không được chỉ bảo, sai khiến người khác làm. Thường tự tu thân, làm theo chánh pháp, không phạm vào tà hạnh. Một lòng nương theo Phật, lấy việc tụng kinh, thực hành chân chánh làm niềm vui trong đạo pháp của mình, không chạy theo những thú vui thế tục. Nghe kinh suy xét hiểu thấu nghĩa mầu. Khi không có bệnh thì không được ngồi lên các thứ xe cộ. Nên nghĩ đến sự thanh thản nhẹ nhàng khi đạt được tám loại thần thông chẳng thể nghĩ bàn, xem đó là xe cộ dùng để vượt qua tám nạn. Đó là giới thứ tám của sa-di ni.

9. Giới thứ chín của sa-di ni là không được tích lũy, chứa giữ những vật quý báu. Không được tự mình lấy, cũng không được chỉ bảo, sai khiến người khác lấy. Thường tự mình phải chuyên cần, tinh tấn, lấy đạo pháp cho là quý báu, lấy kinh điển cho là cao trổi, lấy ý nghĩa cho là mầu nhiệm, lấy việc hiểu rõ ba môn giải thoát: Không, Vô tướng, Vô nguyện làm căn bản, thẳng đến ba cửa giải thoát ấy, chẳng cầu sự tham dục. Lòng chỉ cầu được xa lìa chín sự phiền não, an trụ rất lâu trong đạo pháp không có giới hạn cùng tột, mà cũng là không có chỗ trụ. Đó là giới thứ chín của sa-di ni.

10. Giới thứ mười của sa-di ni là không được ăn trái giờ. Thường phải ăn đúng giờ, không được để quá. Khi đã qua giờ ngọ rồi không được ăn nữa. Cho dù có món ngon đến đâu cũng không ăn, lại cũng không chỉ bảo, sai khiến người khác phạm vào, thậm chí tâm ý cũng không được nghĩ đến. Cho dù có món ăn ngon tột bật tự nhiên được mang đến cũng không ăn. Dù những người quyền cao chức trọng mà quá giờ đến cúng dường món ăn cũng không ăn. Dù cho phải chết cũng chẳng phạm giới này. Thường suy nghĩ đến việc thiền định, còn hết thảy món ăn thức uống chỉ cần vừa đủ để nuôi sống mà thôi. Phải cầu hiểu hết những điều sâu xa, đạt tới mọi chí nguyện, chứng đắc Mười lực, lấy đó làm món ăn thức uống của mình. Đó là giới thứ mười của sa-di ni.

° ° °

Sa-di ni đã thọ mười giới rồi, nguồn đạo tư duy được thuần thục. Có thể giữ trọn vẹn được mười điều này thì cho đến năm trăm giới cũng tự nhiên đầy đủ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567