Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Hạnh trì giới (sīla)

07/02/201107:45(Xem: 13461)
3. Hạnh trì giới (sīla)

THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
CƯ SĨ GIỚI PHÁP
Tỳ kheo Giác Giới (Bodhisīla Bhikkhu) biên soạn
PL. 2550 - TL. 2006

CHƯƠNG III

PHÁP MÔN TU TẬP CỦA CƯ SĨ

III. 3. HẠNH TRÌ GIỚI (Sīla)

Ý nghĩa pháp trì giới

Giới (sīla) là nguyên tắc sống cho có sự tốt đẹp về hành động và lời nói, tất nhiên cũng là điều làm cho ý tâm được tốt đẹp, vì giới là đầu mối của thiện pháp (sīra), là điều làm cho mát mẻ (sītala) do bất hối.

Giới có nhiệm vụ là ngăn chặn những lỗi lầm và nâng đỡ những đức hạnh.

Trì giới là sự cố ý kiêng cử những hành vi xấu. Sự kiêng cử hay sự ngăn điều ác có ba trường hợp.

a) Kiêng làm ác do hoàn cảnh (sampattavirati). Thí dụ: trong luật pháp quốc độ cấm giết người cướp của, người dân vì sợ bị tù đày nên không dám phạm tội. Điều đó không phải là giữ giới.
b) Kiêng làm ác do thọ trì (samādānavirati). Thí dụ: một người có tác ý sống tốt đẹp nên nguyện tránh những hành vi sai trái, điều đó chính là ý nghĩa trì giới.
c) Kiêng làm ác do dứt trừ phiền não (samuc-chedavirati). Nghĩa là một vị thánh đã lìa phiền não do thánh đạo đoạn trừ thì không còn hành động ác. Đây là sự thành tựu giới do tâm thanh tịnh, không phải sự trì giới.

Hạng phàm nhân tác ý chế ngự phiền não, không vi phạm điều ác của thân và khẩu, được gọi là người giữ giới. Đây cũng gọi là giới cố ý (cetanā-sīlaṃ).

Yếu tố trì giới

Có hai yếu tố để giữ chín chắn giới hạnh (Visdh I.16):

a) Tàm (hiri), lòng hổ thẹn tội lỗi
b) Quý (ottappa), tâm ghê sợ tội ác.

Một người có lòng hổ thẹn với tội lỗi, nghĩ đến địa vị, gia thế, trách nhiệm của mình, thấy rằng "Thật không xứng đáng nếu ta làm điều quấy như thế". Nhờ biết tự thẹn như vậy nên người ấy không dám dể duôi làm điều ác. Đây gọi là giữ giới chín chắn nhờ có yếu tố lòng tàm.

Một người có tâm sợ hãi tội lỗi, khi nghĩ đến hậu quả đau khổ do làm điều ác, hoặc nghĩ đến sẽ bị các bạn đồng phạm hạnh có trí quở trách nếu biết ta làm điều ác, hoặc nghĩ đến sẽ bị luật pháp quốc độ xử phạt nếu ta phạm lỗi lầm ... nhờ nghĩ thế nên có tâm sợ hãi tội lỗi, nhờ có tâm sợ hãi nên không dám dể duôi làm điều ác. Đây gọi là giữ giới chín chắn nhờ có yếu tố lòng quý.

Người cư sĩ sống tại gia, có những điều dễ dãi mà xã hội vẫn xem là hành xử tốt đẹp lương thiện, nhưng xét về mặt đạo đức Phật pháp, hay nhân quả nghiệp báo thì những điều xã hội chấp nhận đó vẫn là điều quấy, là nghiệp đưa đến quả báo khổ đau. Do đó, người cư sĩ cần phải có lòng tàm quý, để tu tập giữ giới cho tốt đẹp. Khi có lòng tàm quý thì tự nguyện giữ giới, không cần sự bắt buộc.

Phân loại giới của người cư sĩ

Người cư sĩ trong Phật giáo, thông thường có hai loại giới là ngũ giới (pañcasīla) và bát quan trai giới (aṭṭha-uposathasīla).

Ngũ giới là năm giới căn bản mà ngưòi cư sĩ phải giữ đến trọn đời nên ngũ giới cũng được gọi là Thường nhật giới (niccasīla), gồm năm điều là:

1- Kiêng tránh sát sanh (pāṇātipātā veramaṇī), tức là tránh sự giết hại các sinh vật, loài có thức tánh. Gọi là giới sát sanh.
2- Kiêng tránh trộm cướp (adinnādānā vera-maṇī), tức là tránh sự đoạt lấy tài sản sở hữu của người khác mà người đó chưa bằng lòng cho. Gọi là giới trộm cắp.
3- Kiêng tránh tà hạnh dục lạc (kāmesu micchā-cārā), tức là tránh sự quan hệ tình dục bất chính với người khác ngoài vợ hoặc chồng của mình. Gọi là giới tà dâm.
4- Kiêng tránh sự nói dối (musāvādā), tức là tránh nói lời không đúng sự thật, lừa dối người khác; thậm chí không nói dối để vui cười. Gọi là giới nói dối.
5- Kiêng tránh sự uống rượu và chất say (surā-merayamajjapamādaṭṭhānā veramaṇī) tức là tránh sự say sưa rượu chè, không uống các loại chất say. Gọi là giới uống rượu.

Bát quan trai giới, là tám giới thanh tịnh mà người cư sĩ thọ trì vào những ngày bố tát (uposatha), là ngày âl mùng 5, mùng 8, ngày 14, ngày 15, ngày 20, ngày 23, ngày 29 và ngày 30 (nếu tháng thiếu thì trai giới là ngày 28 và 29 âl). Tính một ngày trai giới là kể mặt trời mọc hôm nay đến mặt trời mọc hôm sau. Bát quan trai giời có tám điều là:

1- Kiêng tránh sát sanh (pāṇātipātā veramaṇī).
2- Kiêng tránh trộm cướp (adinnādānā vera-maṇī)
3- Kiêng tránh hành phi phạm hạnh (abrahma-cariyā veramaṇī), tức là kiêng cử sự hành dâm, dù vợ chồng cũng kiêng gần gũi xác thịt khi giữ trai giới. Gọi là giới hành dâm.
4- Kiêng tránh nói dối (musāvāda veramaṇī)
5- Kiêng tránh uống rượu và chất say (surāme-rayamajjapamādaṭṭhānā veramaṇī)
6- Kiêng tránh ăn phi thời (vikālabhojanā vera-maṇī), tức là không ăn những thức ăn nhai thuộc trái cây mễ cốc, từ đứng bóng cho đến hừng đông ngày hôm sau. Gọi là giới ăn phi thời.
7- Kiêng tránh xem múa, hát, nhạc, kịch, trang sức vòng hoa, hương liệu, vật thoa và thời trang (naccagītavāditavisūkadassanamālāgandhavilepana-dhaàraṇamaṇḍanavibhūsanaṭṭhānā veramaṇī), tức là không bận rộn phóng dật với sự ca hát đờn kèn, trang điểm làm đẹp thân. Gọi là giới thưởng thức.
8- Kiêng tránh sử dụng sàng tọa cao rộng (uccāsayanamahāsayanā veramaṇī), tức là không nằm ngồi nơi giường ghế cao sang như hạng quí tộc. Gọi là giới dùng sàng tọa.

Người cư sĩ giữ giới phải biết rõ chi của giới (aṅga), để tự mình biết khi nào giới bất tịnh và khi nào giới hư hỏng (đứt giới).

CHI CỦA GIỚI (Aṅga)

Chi của giới, tức là những điều kiện để kết luận một hành động sai phạm mà chỉ là bất tịnh giới hay hư hoại giới. Một hành động sai phạm mà gọi là đứt giới phải hội đủ chi phần; nếu chưa hội đủ chi giới thì chỉ là bất tịnh thôi.

Ở đây không nói riêng biệt chi của ngũ giới và chi của bát quan trai giới, mà chỉ nói chung những điều giới cần phải biết.

* "Giới sát sanh" có 5 chi:

1- Đối tượng bị hại là sinh vật có thức tánh (pāṇa).
2- Kẻ giết biết rõ đối tượng là sinh vật (pāṇa-saññī).
3- Có tâm sát hại (vadhakacitta)
4- Hành động cố sát (upakkamo)
5- Đối tượng bị chết vì sự cố sát ấy (tenama-raṇaṃ)

Hội đủ 5 chi này mới gọi là phạm giới sát sanh.

* "Giới trộm cắp" có 5 chi:

1- Vật bị lấy là vật có chủ bảo quản (paraparig-gahitaṃ).
2- Kẻ lấy biết rõ là vật có chủ (paraparigga-hitasaññī)
3- Có tâm trộm cắp (theyyacittaṃ)
4- Cố sức lấy trộm (upakkamo)
5- Vật đã bị đem đi khỏi chỗ do sự trộm ấy (tena haranaṃ)

Hội đủ 5 chi này mới gọi là phạm giới trộm cắp.

* "Giới tà dâm" trong ngũ giới, có 4 chi:

1- Đối tượng không nên đi đến (agamanīyat-thānaṃ), tức là người không hợp pháp cho quan hệ tình dục.
2- Có tâm muốn hưởng dục với người ấy (tasmiṃ sevanācittaṃ)
3- Cố gắng hành động (upakkamo)
4- Đã hành động tình dục (maggena maggappa-ṭipādanaṃ)

Hội đủ bốn chi này gọi là phạm giới tà dâm.

* "Giới hành dâm" trong bát quan trai giới, có 4 chi:

1- Có lỗ khiếu để hành dâm (bhedanavatthu), tức là trong thân có 3 khiếu, tính theo hạng người tổng cộng có 30 khiếu.
2- Có tâm muốn hướng dục (sevanācittaṃ)
3- Cố gắng hành động theo ý muốn (tajjovā-yāmo)
4- Đã hành động tình dục (maggena maggappa-ṭipādanaṃ), là đã làm cho khiếu chạm khiếu.

Hội đủ 4 chi ấy gọi là phạm giới hành dâm.

* "Giới nói dối" có 4 chi:

1- Chuyện không thật (atathaṃvatthu) tức là chuyện có nói không, chuyện không nói có.
2- Có tâm muốn nói sai (visaṃvādanacittaṃ)
3- Cố gắng nói sai (tajjo vāyāmo)
4- Người nghe đã tin chắc lời nói đó (parassa tadatthavijānānaṃ)

Hội đủ 4 chi này gọi là phạm giới nói dối.

* "Giới uống rượu" có 4 chi ":

1- Thức uống là chất say (majjanīyavatthu), tức là nước uống có nồng độ
2- Có tâm muốn uống (Pātukamyatācittaṃ)
3- Cố sức uống chất say ấy (tajjo vāyamo)
4- Đã uống nước say ấy (tassa pānaṃ), tức là dù một giọt rượu nuốt khỏi cổ cũng gọi là uống rượu.

Hội đủ 4 chi này gọi là phạm giới uống rượu.

* "Giới ăn phi thời" trong bát quan trai giới, có 3 chi:

1- Phi thời (vikāla), tức là thời gian từ đứng bóng ngày hôm nay cho đến hừng đông ngày hôm sau.
2- Vật thực tác thời (yāvakālika), tức là thức ăn mà chỉ được phép ăn buổi sáng, như các loại trái và mễ cốc, cơm bánh v.v...
3- Đã nuốt khỏi cổ (ajjhoharanaṃ)

Hội đủ 3 chi này gọi là phạm giới ăn phi thời

* "Giới thưởng thức" trong bát quan trai giới gồm hai sự việc: thưởng thức nghệ thuật và thưởng thức mỹ thuật.

Giới thưởng thức nghệ thuật, có ba chi:

1- Điệu múa, bài hát v.v... (naccagītādi)
2- Có tâm muốn thực hiện (kattukamyatācittaṃ), tức là có ý muốn trình diễn hay xem trình diễn.
3- Đã dự nghe hoặc xem (sutadassanatthāya gamanaṃ)

Giới thưởng thức mỹ thuật, có ba chi:

1- Là vật thực trang điểm như vòng hoa v.v... (mālādi)
2- Ưa muốn trang điểm (dhāraṇachandatā), tức là ý thích muốn đeo đồ trang sức, hay thoa xức hương liệu mỹ phẩm.
3- Đã trang điểm (tassa dhāraṇaṃ) tức là đã thực hiện hành động làm đẹp.

Giới thứ bảy của bát quan trai, khi hành động có đủ 3 chi của một trong hai sự việc thì gọi là phạm giới.

* "Giới dùng sàng tọa", có 3 chi:

1- Chỗ nằm ngồi cao và rộng (uccāsayanamahāsayanaṃ), gọi là chỗ cao tức là cao quá 5 tấc tây; gọi là rộng tức là nơi có diện tích mà có thể các vũ nữ đứng tại đấy múa được; hoặc là chỗ nằm ngồi có chạm trổ trang hoàng sang trọng.
2- Có tâm muốn sử dụng (paribhogacittaṃ)
3- Đã sử dụng (paribhogakaraṇaṃ) tức là đã nằm hoặc ngồi trên chỗ ấy.

Hội đủ 3 chi này gọi là phạm giới dùng sàng tọa.

Nếu sai phạm điều giới nào nhưng chưa hội đủ chi của giới thì chưa gọi là hoại giới mà chỉ là bất tịnh.

Pháp hỗ trợ cho giới.

Người cư sĩ cần phải tu tập năm pháp lành (kalyānadhamma), là pháp hỗ trợ cho sự giữ giới tốt đẹp (atthakathā):

1) Từ bi (mettākaruṇā), tính hài hoà vô sân, có lòng trắc ẩn trước đau khổ của chúng sanh mọi loài. Khi người cư sĩ tu tập đức tính này thì sẽ không nỡ hại chúng sanh, không nỡ đoạt mạng sống các sinh vật. Đó là pháp hỗ trợ giới thứ nhất (tránh sự sát sanh).

2) Chánh mạng (sammā-ājiva), có sự tinh tấn trong việc nuôi mạng, quyết không nuôi mạng bằng nghiệp bất thiện. Khi người cư sĩ vui sống chánh mạng sẽ không nghĩ đến gian tham trộm cướp tài sản của kẻ khác. Đó là pháp hỗ trợ giới thứ hai (tránh sự trộm cắp).

3) Phòng hộ dục trần (kāmasaṃvara). Kềm giữ tâm không đam mê sắc dục, luôn thấy được sự nguy hiểm của ngũ trần. Khi người cư sĩ có sự thu thúc như vậy sẽ không khởi lên tà ý với vợ con người khác. Đó là pháp hỗ trợ giới thứ ba (tránh sự tà dâm).

4) Chân thật (sacca). Tính ngay thẳng trung thực, ưa thích sự thật, không thích dối trá. Khi người cư sĩ vui trong pháp chân thật sẽ khó chịu nếu nói dối. Đây là pháp hỗ trợ giới thứ tư (tránh sự nói dối).

5) Chánh niệm tỉnh giác (satisampajañña). Sống kiểm soát và nhận thức, ghi nhớ và suy niệm. Khi người cư sĩ quen sống chánh niệm tỉnh giác sẽ không có sự dể duôi quên mình. Đó là pháp hỗ trợ giới thứ năm (tránh uống rượu).

Ngoài năm pháp hỗ trợ cho giới đã nói trên, người cư sĩ trong ngày trì bát quan trai giới còn phải thực hành bốn pháp hỗ trợ thanh tịnh giới (trai giới):

1- Thu thúc các căn (indriyasaṃvāra). Người cư sĩ trong ngày trai giới sau khi phát nguyện thọ bát quan trai, trọn ngày và đêm ấy phải giữ chánh niệm khi mắt thấy, tai nghe, mũi ngữi, lưỡi nếm, thân xúc, ý suy nghĩ, không để tham sân sanh khởi do thấy, nghe v.v...

2- Tu tập quán tưởng (paccavekkhana). Ngày trai giới, người cư sĩ nên dành nhiều thời gian yên tịnh để tu tập quán tưởng, như tưởng thể trược, tưởng thân già bệnh, chết, tưởng vô thường, tưởng khổ não, tưởng vô ngã.

3- Tu tập tùy niệm (anussati). Nếu có thời gian để tu thiền trong ngày trai giới, người cư sĩ có thể tu tập cận định với sáu tùy niệm là niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên.

4- Tu tập tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna). Nếu người cư sĩ có duyên lành với thiền quán thì ngày trai giới tu tập tứ niệm xứ, càng cao thượng hơn, tức là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.

Những pháp tu tập về đề tài quán tưởng, hay tùy niệm, hay thiền quán này, người cư sĩ phải học hỏi trước từ nơi chư Tăng hay vị sư truyền trai giới hôm đó, để thực hành cho tốt đẹp và hỗ trợ ngày trai giới thanh tịnh và thành tựu phước báu viên mãn.

Quả phúc của sự trì giới

Sự trì giới có rất nhiều lợi ích. Trước hết là giữ giới có năm điều lợi ích thiết thực (Ud.86):

1- Nhờ sự không dể duôi mà đạt được tài sản lớn.
2- Có danh thơm tiếng tốt đồn xa.
3- Đi đến hội chúng, tâm dạn dĩ ung dung
4- Lúc chết không hôn mê
5- Sau khi chết, được sanh vào nhàn cảnh thiên giới.

Có lợi ích thiết thực khác nữa (A.V.1) như Đức Phật dạy cho tôn giả Ānanda rằng:

"Này Ānanda, giới là thiện, giới có mục đích là bất hối, có lợi ích là bất hối".

Khi người giữ giới không làm những điều lỗi lầm tội ác, do vậy, người ấy không bị ray rứt lương tâm, không sống trong trạng thái hối hận, tâm được an lạc tự tại.

Người cư sĩ thọ trì chín chắn ngũ giới, nếu nói riêng mỗi điều giới thọ trì có quả phúc như sau:

"Không sát sanh" có 23 quả phúc:

1- Được trường thọ
2- Thân không tàn tật
3- Ít bệnh hoạn
4- Thân hình vừa vặn
5- Thân thể xinh tốt
6- Tướng khoan thai cao ráo
7- Cử chỉ linh hoạt
8- Bước chân đi dáng đẹp
9- Vẻ mặt tươi sáng
10- Tính tình nhu hòa
11- Tinh thần an vui
12- Tâm dạn dĩ dũng cảm
13- Có nhiều sức mạnh
14- Nói năng bặt thiệp
15- Không bị quần chúng bắt nạt
16- Không có sự kinh hoàng sợ hãi
17- Không bị kẻ thù hãm hại
18- Không bị chết do người cố sát
19- Không có chuyện bực mình
20- Thân thể sạch sẽ
21- Có đông tùy tùng
22- Được mọi người thương mến
23- Không gặp cảnh sanh ly tử biệt

"Không trộm cắp" có 11 quả phúc:

1- Có nhiều của cải
2- Có thực phẩm đầy đủ
3- Kiếm được thực phẩm dễ dàng
4- Có được tài sản chưa có
5- Tài sản có rồi được giữ vững
6- Muốn gì được đó
7- Tài sản không bị tiêu hao do thiên tai, hoả hoạn, trộm cướp, tịch biên hay do người thân.
8- Có được tài sản không bị tranh đoạt.
9- Không bị nghe và biết "sự không có".
10- Ở đâu cũng được an vui.
11- Dễ đạt được tài sản Siêu thế.

"Không tà dâm" có 20 quả phúc:

1- Không bị thù địch
2- Không bị người ganh ghét
3- Không bị tai nạn do người hại
4- Ít bị xa lìa người thương
5- Là chỗ thương yêu của mọi người
6- Có nhiều thân hữu quí mến
7- Tìm cái ăn, cái mặc, chỗ ở dễ dàng
8- Ngủ nghỉ được an vui
9- Thức giấc được an vui
10- Nằm ngồi chỗ nào cũng an vui
11- Sinh kế không khó khăn
12- Không dễ bực mình
13- Không sanh khổ cảnh
14- Không sanh làm người bán nam bán nữ
15- Tánh người nghiêm túc
16- Làm việc minh bạch
17- Tướng mạo uy nghi
18- Ngũ quyền (mắt, tai ... ) đầy đủ
19- Cổ không cúp, "Tức là có oai phong"
20- Không gục mặt, "Tức là có uy quyền"

"Không nói dối" có 14 quả phúc:

1- Có ngũ quyền (mắt, tai ... ) được trong sáng
2- Có lời nói thanh tao
3- Có hàm răng khít khao đều đặn
4- Không quá mập
5- Không quá ốm
6- Không quá cao
7- Không quá lùn
8- Được hưởng xúc lạc
9- Miệng thơm như hoa sen
10- Lưỡi mỏng đỏ như cánh sen
11- Không câm ngọng
12- Có được kẻ tùy tùng tín cẩn
13- Lời nói được tín nhiệm
14- Tâm trí không bị rối loạn

"Không uống rượu", có 15 quả phúc:

1- Làm người có trí nhớ tốt, không bị lẫn
2- Không bị điên khùng, đờ đẫn
3- Có sự hiểu biết mau lẹ
4- Thành người đa trí
5- Làm người tri thức
6- Làm người hiểu biết điều lợi ích và điều không lợi ích.
7- Làm người không hoảng hốt
8- Làm người không có sự bực bội
9- Không bị người vu khống
10- Làm người nói năng nghiêm túc
11- Làm người siêng năng chăm chỉ
12- Làm người tính trung thực
13- Làm người có liêm sỉ
14- Luôn có sự an vui
15- Luôn được người kính nể.

Về quả phúc bát quan trai giới, nếu người cư sĩ thọ trì giới thanh tịnh do nghĩ rằng: vị A la hán trọn đời có lòng từ bi với chúng sanh, không sát hại v.v... ta sẽ theo gương vị A la hán, ngày và đêm nay cũng có lòng từ bi với chúng sanh, không sát hại bất cứ sinh vật nào v.v... Thành tựu trai giới thanh tịnh như vậy sẽ có quả lớn, lợi ích lớn, chói sáng và biến mãn (A.IV.248).

Lại nữa, người thành tựu trai giới thanh tịnh được quả lợi ích lớn là đạt đến hạnh phúc cõi người hơn một vị đại đế cai trị mười sáu quốc độ lớn. Lại có thể sau khi mệnh chung sẽ được sanh cộng trú với chư thiên dục giới, hạnh phúc chư thiên vượt trội loài người (A.IV.251).

Đó là những quả phúc của việc trì giới.




I.6. VAI TRÒ CƯ SĨ TRONG PHẬT GIÁO

Đức Phật có tâm đại bi với chúng sanh, Ngài thuyết pháp vừa theo trình độ và hoàn cảnh của mỗi người, để họ có thể thực hành theo giáo pháp hầu được an vui hạnh phúc và giải thoát khỏi khổ luân hồi như Ngài.

Giáo pháp của Đức Phật ứng dụng cho cả hai giới xuất gia và tại gia.

Người cư sĩ trong Phật giáo cũng có trách nhiệm nặng nề đối với việc tồn vong của chánh pháp.

Đức Phật có thuyết rằng:

"Ở đây, sau khi Như Lai nhập diệt, các tỳ kheo, các tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống tôn trọng và qui thuận bậc Đạo Sư, sống tôn trọng và qui thuận giáo pháp, sống tôn trọng và qui thuận Tăng chúng, sống tôn trọng và qui thuận học giới, sống tôn trọng và qui thuận lẫn nhau. Đây là nguyên nhân chánh pháp được tồn tại lâu dài sau khi Như Lai viên tịch" (A.III.247).

Người cư sĩ Phật giáo, đúng nghĩa là cận sự nam và cận sự nữ không phải là người chi đến với Phật giáo như một học giả nghiên cứu triết học Đông phương. Mà phải nhận thức rõ vai trò của mình đối với Phật pháp, phải thiết tha sống theo tinh thần lời dạy của Đức Phật để hướng tìm mục đích giải thoát, thành tựu hạnh phúc thật sự.

Người cư sĩ chân chánh trong Phật giáo có hai vai trò:

1. Vai trò người hộ pháp (Dhammarakkhaka).
2. Vai trò người thừa tự pháp (Dhammadāyadaka).

Vai trò hộ pháp

Hộ pháp tức là hộ trì Tam bảo: hộ trì Phật bảo, hộ trì Pháp bảo, hộ trì Tăng bảo.

Hộ trì Phật bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng Đức Phật là bậc giác ngộ chân lý, bậc đã tìm ra pháp giải thoát, bậc kính trọng chánh pháp. Do vậy, sự hộ trì Phật bảo cũng gọi là hộ pháp.

Hộ trì Pháp bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng giáo lý của Đức Phật là pháp đem đến sự an vui cho chúng sanh thiết thực hiện tại, lợi ích tương lai, và thoát khỏi luân hồi. Giữ vững giáo pháp cho đúng tinh thần chánh pháp, không để bị mai một, bị sai lệch văn cú ý nghĩa lời dạy của Đức Phật. Đó gọi là hộ pháp.

Hộ trì Tăng bảo, gọi là hộ pháp. Vì rằng Tăng chúng là những vị đệ tử thừa hành giáo lý của Đức Phật, truyền thừa Phật pháp tồn tại trong thế gian ngay khi Đức Phật còn tại thế và sau khi Đức Phật níp bàn. Tăng chúng còn là Giáo pháp còn, do đó sự hộ trì Tăng bảo cũng là hộ pháp.

a) Hộ trì Phật Bảo

Người cư sĩ hộ trì Phật bảo bằng bốn hình thức sau đây:

1- Giữ vững niềm tin đối với Đức Phật, không có hoài nghi sự giác ngộ của Ngài.
2- Hằng tán dương Đức Phật và hoan hỷ người khác tán dương Đức Phật.
3- Thường xuyên lễ bái Đức Phật qua hình, tượng, xá lợi.
4- Xây dựng đền tháp, tôn thờ Phật cảnh trang nghiêm để tôn vinh Đức Phật. Nếu không có khả năng tự mình làm thì ủng hộ người khác cùng làm.

Việc thờ phụng Đức Phật, người cư sĩ làm vai trò ấy là hợp lý hơn các vị xuất gia. Khi Đức Thế Tôn sắp viên tịch, tôn giả Ānanda đã bạch hỏi Ngài về việc xử sự đối với thân Xá Lợi của Thế Tôn phải như thế nào? Đức Phật bảo rằng:

"Này Ānanda, các ngươi chớ bận lo việc thờ phượng Xá Lợi của Như Lai; hãy tinh tấn tự lợi, hãy chuyên cần tự lợi, hãy sống nỗ lực nhiệt tâm, không dể duôi. Này Ānanda, có các hiền trí Sát đế lỵ, các hiền trí Bà la môn, các hiền trí gia chủ tín ngưỡng Như Lai, những người ấy sẽ thờ phượng thân xá lợi của Như Lai" (D.II.141).

b) Hộ trì Pháp bảo

Người cư sĩ hộ trì Pháp bảo bằng năm hình thức sau đây:

1- Giữ vững niềm tin đối với giáo pháp, không có hoài nghi về hiệu năng hướng thượng của Giáo pháp.
2- Siêng năng học hỏi giáo pháp, thọ trì đúng chánh pháp, không mê tín dị đoan, không xu hướng ngoại đạo.
3- Hoan hỷ cúng dường đến các vị tỳ kheo, sa di là bậc đa văn, những vị học pháp, hành pháp và duy trì giáo pháp.
4- Có sự ưu tư trong việc chấn hưng Phật pháp khi thấy có dấu hiệu bi suy thoái, bị phá hoại.
5- Tùy khả năng của mình, hỗ trợ chư Tăng kết tập kinh điển, in ấn sách kinh, mở trường lớp Phật học v.v...

Từ thời Đức Phật đã có những tấm gương cư sĩ hộ pháp như ông Anāthapiṇḍika, bà Visākhā, vua Pasenadi, sau này có vua Asoka ... chẳng những họ cúng dường vật chất hộ độ Đức Phật và Tăng chúng mà họ còn rất quan tâm để hộ trì chánh pháp, cũng cố Phật pháp, làm sao cho giáo pháp hưng thịnh.

Người cư sĩ hộ trì chánh pháp nổi bậc nhất là đức vua Asoka (A Dục vương). Với quyền hành của mình, nhà vua đã cố gắng học Phật pháp cho thông suốt để sàng lọc ra những vị tu sĩ giả danh gây xáo trộn trong Phật giáo, nhà vua cũng đã nhiệt tâm hộ độ chư Tăng kết tập kinh điển lần thứ ba, nhà vua cũng tận tâm giúp đỡ chư Tăng đi hoằng pháp mở mang Phật giáo đến các nước lân bang ...

c) Hộ trì Tăng bảo

Người cư sĩ hộ trì Tăng bảo bằng năm hình thức sau đây:

1- Có niềm tin vững chắc nơi Tăng chúng, không vì lý do một vài phần tử cá nhân xấu mà mất niềm tin với Tăng chúng.
2- Thường xuyên hộ độ cúng dường các nhu cầu vật chất đến chư tăng.
3- Luôn luôn bảo vệ uy tín và thanh danh cho Tăng chúng.
4- Quan tâm đến sự an nguy thịnh suy của Tăng chúng, đồng vui cộng khổ với chư tăng.
5- Đối xử với Tăng chúng bằng sự kính trọng và nhu thuận.

Các cư sĩ thời Đức Phật như ông Jīvakakomārabhacca, bà Visākhā, vua Pasenadi ... là những người hộ Tăng tiêu biểu, vừa hộ độ thực phẩm, vừa bảo vệ thanh danh chư tăng, vừa khéo góp ý nhắc nhở những vị có hành vi sai trái để chấn chỉnh giáo hội tốt đẹp.

Vai trò thừa tự pháp

Thừa tự (dāyada) là sự kế thừa, thừa hưởng, như là thừa tự tài sản, thừa hưởng gia sản v.v... thừa tự pháp là kế thừa Giáo pháp của Đức Phật.

Trong kinh Trung Bộ, Đức Thế Tôn có dạy rằng: "Này các tỳ kheo, các ngươi hãy là người thừa tự pháp của ta, đừng là người thừa tự tài vật - Dhamma-dāyādā me bhikkhave bhavatha mā āmisadāyādā" -- (M.I.12).

Ở vai trò thừa tự pháp, người cư sĩ có ba phận sự:

- Học hỏi giáo lý
- Thực hành giáo pháp
- Duy trì Phật giáo

a) Học hỏi giáo lý

Để lãnh hội những tinh hoa Phật pháp và có được chánh kiến, người cư sĩ phải siêng năng học hỏi giáo lý, ưa thích tìm hiểu Phật pháp. Sự học hỏi giáo lý cho thông suốt, gọi là thừa tự pháp. Ví như một người con kế thừa sự nghiệp của ông cha, là phải biết được giá trị những gì mà ông cha đã để lại, cũng vậy, giáo pháp mà đấng từ phụ đã để lại, đệ tử xuất gia hay tại gia phải chuyên cần học tập để biết được giá trị của giáo pháp ấy, như thế mới đáng gọi là đệ tử thừa tự pháp.

Người cư sĩ học hỏi giáo lý bằng nhiều phương tiện, có thể bằng cách nghe chư Tăng thuyết Phật pháp.

Hoặc có thể học hỏi bằng cách nghiên cứu tham khảo kinh sách Phật giáo.

Hoặc có thể học hỏi bằng cách tìm gặp nhau để đàm luận Phật pháp.

Các cư sĩ thời xưa khi đến viếng thăm Đức Phật hay các vị Tỳ kheo, bao giờ họ cũng hoan hỷ nghe pháp, thiết tha học giáo pháp, như vua Pasenadi, ông Anāthapiṇḍika, bà Visākhā v.v... Có vậy mới xứng đáng gọi là cư sĩ thừa tự pháp.

b) Thực hành giáo pháp

Người cư sĩ không phải chỉ đơn thuần là người có tín ngưỡng tôn giáo, là người theo đạo Phật. Người cư sĩ phải sống theo pháp, thực hành giáo pháp, chấp nhận giáo pháp ứng dụng vào đời sống như là một nhu cầu không thể thiếu. Người cư sĩ có thực hành như vậy mới hưởng được hương vị tuyệt vời của giáo pháp, như khi có nếm qua món ăn rồi mới thưởng thức được hương vị của món ăn đó. Gọi là người cư sĩ thừa tự pháp, phải thật sự cảm nhận được sự đặc thù của chánh pháp qua kinh nghiệm tu tập.

Người cư sĩ ngoài việc học hỏi giáo lý thông suốt, còn phải thực hành nữa. Khi nào còn người thực hành theo giáo pháp thì khi đó Phật pháp còn tồn tại, bởi thế vai trò thừa tự pháp của người cư sĩ cũng rất quan trọng.

Sự thực hành giáo pháp, tức là hành theo ba điều căn bản:

"Không làm các điều ác" (Sabbapāpassa akaraṇaṃ). Nghĩa là người cư sĩ sống né tránh không làm điều tội lỗi như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói chia rẽ, nói độc ác, nói vô ích, tham lam, sân hận và tà kiến.

"Thực hiện các việc lành" (Kusalassa upasampadā). Nghĩa là người cư sĩ thiết tha làm những điều thiện như bố thí, trì giới, tu tiến, cung kính, phục vụ, thính pháp, nói pháp, hồi hướng phước, tùy hỷ phước và cải chánh tri kiến.

"Thanh lọc nội tâm" (Sacittapariyodapanaṃ). Nghĩa là người cư sĩ tinh tấn thiền định để rèn luyện nội tâm, làm cho tâm trong sạch không bị ô nhiễm bởi phiền não tham, sân, si.

Sự tu tập của người cư sĩ theo ba điều trên, gọi là người cư sĩ thực hành giáo pháp.

c) Duy trì Phật giáo

Người cư sĩ thừa tự pháp, ngoài hai phận sự là học hỏi giáo lý và thực hành giáo pháp, còn có một phận sự nữa cũng rất quan trọng, đó là duy trì Phật giáo.

Phật giáo được tồn tại lâu dài là nhờ vào tứ chúng: tỳ kheo, tỳ kheo ni, cận sự nam và cận sự nữ hết lòng phụng sự duy trì chánh pháp. Trong tứ chúng ấy, tỳ kheo và tỳ kheo ni là hàng xuất gia; cận sự nam và cận sự nữ thuộc hàng tại gia cư sĩ. Bậc xuất gia đóng vai trò chính trong phận sự duy trì Phật pháp vững bền; còn đối với hàng cư sĩ chỉ là vai trò phụ.

Tuy người cư sĩ đối với phận sự duy trì Phật pháp là vai trò phụ nhưng không phải là không quan trọng. Vì nếu người cư sĩ không xuất gia hoặc cư sĩ cha mẹ không hoan hỷ cho con cháu xuất gia thì làm sao có tỳ kheo, tỳ kheo ni để duy trì Phật pháp? Lại nữa, nếu người cư sĩ không ủng hộ cúng dường hoặc bảo vệ Tăng chúng Phật giáo thì làm sao các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni có điều kiện thuận lợi làm phận sự duy trì Phật pháp?

Bởi thế, người cư sĩ cũng có phận sự duy trì Phật giáo là gián tiếp. Và người cư sĩ duy trì Phật giáo được gọi là người thừa tự giáo pháp.

Một thời, khi đức vua Asoka (A Dục vương) trở thành Phật tử, đức vua đã ra sức xây cất 84.000 chùa tháp để tôn thờ Xá lợi Đức Phật. Đức vua bạch hỏi chư Thánh Tăng: Sự đại thí như vầy, không biết có ai đã từng làm chưa?

Trưởng lão Moggalliputtatissa thay mặt chư Tăng đã trả lời rằng:

"Thưa Đại vương, dù khi Đức Thế Tôn còn hiện tiền và cho đến nay cũng chưa có một ai làm được việc đại thí như thế này. Chỉ có Đại vương là nguời duy nhất làm được việc đại thí này thôi".

Đức vua Asoka lắng nghe trưởng lão Moggalli-puttatissa trả lời, lòng tràn ngập phỉ lạc. Vua đã suy nghĩ, nếu ta là người đã làm được đại thí này chắc hẳn ta là người thừa kế Phật giáo (Dāyādo sāsanassa) chăng? Nghĩ vậy, Đức vua bèn bạch hỏi vị trưởng lão nữa.

"Kính bạch Tôn giả, trẫm đã làm được đại thí như thế, vậy trẫm có phải là người kế thừa của Phật giáo chăng?"

Trưởng lão đáp:

"Thưa đại vương, người chỉ bố thí bốn món vật dụng, dù có là đại thí chăng nữa cũng chỉ gọi là thí chủ vật dụng (paccayadāyaka), chứ chưa phải là người kế thừa Phật giáo (sāsanadāyada).

Đức vua liền hỏi vị trưởng lão, người thế nào mới gọi là kế thừa Phật giáo. Trưởng lão đáp:

"Những người cha mẹ nào hoan hỷ cho phép con của mình xuất gia trở thành tỳ kheo trong Phật giáo, như vậy, người cha mẹ ấy mới được gọi là người kế thừa Phật giáo."

Đức vua Asoka nghe vậy khởi tâm tịnh tín bèn cho phép hai người con là hoàng tử Mahinda và công chúa Saṅghamittā xuất gia làm tỳ kheo và tỳ kheo ni trong Phật giáo. Sau khi xuất gia, cả hai vị đều đắc quả A la hán, và chính Đại Đức Mahinda đã mở đầu công cuộc hoằng hóa giáo pháp tại xứ Tích Lan.

Các bậc xuất gia duy trì Phật pháp bằng cách hoằng pháp, còn đối với người cư sĩ thì duy trì Phật pháp bằng cách hộ độ chư Tăng hoằng pháp, và tạo người nối truyền hoằng pháp, tức là nếu con em có ý muốn xuất gia thì mình khích lệ, động viên, và hoan hỷ cho phép.

DỨT CHƯƠNG I

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]