Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tỳ Kheo Giới

08/04/201316:14(Xem: 5846)
Tỳ Kheo Giới

Tỷ-kheo giới

Hòa-thượng Thích Trí-Quang dịch giải

--- o0o ---



Ghi sau khi duyệt Tỷ-kheo Giới

Tập tục giữa Ấn, Tàu với ta khác nhau nhiều lắm. Xưa và nay càng khác hơn. Phật giáo cũng vậy. Nên muốn hiểu luật thì phải biết những cái khác đó, kể cả cái khác giữa Bắc tông với Nam tông.

Hãy nói vài ví dụ nhỏ nhặt. Tập tục khác nhau như Ấn ăn bốc, không biết như vậy thì không hiểu được giới 40 (trong 100 giới học) với ghi chú ăn không được một nửa vào miệng, một nửa còn nơi tay. Xưa nay khác nhau như rửa tay sau khi đại tiện thì xưa dùng đất, tro, bồ hòn, bồ kết, nay thì xà phòng. Ấy là chưa nói bao nhiêu cái khác, lớn có nhỏ có, giữa xưa và nay, giữa 2 tông Bắc Nam. Có những cái bây giờ khác hẳn rồi, thí dụ nói về ngọa cụ và tọa cụ.

Chỉ nói bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy ngày nay Tỷ-kheo giới có một ít giới điều không còn nói đến nữa. Thế nhưng ngày nay lại có bao nhiêu cái mà Tỷ-kheo giới đã không qui định trước được. Thí dụ sự học hành, sự giao tiếp... Chỉ sự giao tiếp mà thôi, mà bao nhiêu điều thích ứng hoặc phản ứng đã phải đặt ra. Chưa nói ăn mặc ở, ba sự ấy có bao nhiêu là xáo trộn mà tiện lợi có, khó xử có.

Mấy lời ghi trên đây đi đến kết luận gì? Kết luận ở chỗ phải nhớ luôn đến cái chủ ý của Tỷ-kheo giới. Chủ ý đó là muốn Tỷ-kheo phải là bậc Chúng trung tôn, thân miệng ý, cả ba nghiệp ấy đừng có những tội lỗi và cử động bất xứng, nghĩa là cụ túc giới pháp và oai nghi. Rồi từ chủ ý đó, phải có những sự hạn chế (giá) và linh động (khai) mà sao cho như "liên hoa bất trước thủy", "sự lai tâm hiện, sự khứ tâm không".

Làm như vậy với ý thức và hậu quả là Tỷ-kheo giữ được bản sắc của mình, của Phật giáo mình -- không để đời không có mình cũng được, hay mình cũng như đời mà thôi. Nói cách khác, Tỷ-kheo không tự cao nhưng không tục hóa. Giới luật còn thì Phật pháp còn là như thế này đây.

Mồng 10 tháng 5, PL. 2537
Trí Quang


I. Dẫn Nhập Tỷ-kheo Giới của Tứ Phần Luật

(I.1)

Phật lịch 2518, tôi đã đọc tất cả 5 bộ luật của Phật giáo văn hệ Trung hoa, gọi tắt và ghi theo số hiệu của Đại tạng kinh bản Đại chính thì 1421 là Ngũ phần, 1425 là Tăng kỳ, 1428 là Tứ phần, 1435 là Thập tụng, 1442 là Hữu bộ. Ngoài ra, 1462 là Thiện kiến tuy không trọn vẹn mà rất đáng đọc.

Thế giới Phật giáo thông sử (tập 1 trang 54) nói Tăng kỳ là của Đại chúng bộ, Ngũ phần là của Hóa địa bộ, Tứ phần là của Pháp tạng bộ, Thập tụng là của Hữu bộ Ma-du-la, Hữu bộ là của Hữu bộ Ca-thấp-di-la.

Muốn biết giữa 5 bộ luật như thế nào thì sơ khởi hãy đem giới bản của 5 bộ ra mà so sánh chút ít. Tỷ-kheo giới có 8 loại: 1 là khí, 2 là tăng tàn, 3 là bất định, 4 là xả đọa, 5 là đọa, 6 là hối quá, 7 là học pháp, 8 là diệt tránh. Trong 8 loại này, chỉ có 2 loại 5 và 7 là 5 bộ khác nhau: loại 5 thì Tứ phần, Thập tụng và Hữu bộ đều có 90, Ngũ phần có 91, Tăng kỳ có 92; còn loại 7 thì Ngũ phần và Tứ phần có 100, Tăng-kỳ (Ma-ha-tăng-kỳ, Mahasaghika) có 66, Thập tụng có 113, Hữu bộ có 42. Nhìn đại khái, giới điều quan trọng thì 5 bộ như nhau, giới điều linh tinh mới khác nhau. Nhìn thêm chút nữa, giới bản của Tăng-kỳ, Ngũ phần và Thập tụng thì lời kệ mở đầu và kết thúc đều như nhau, chỉ Tứ phần với Hữu bộ mới khác nhau. Xét văn tự thì Tứ phần có chậm nhất, xét bộ phái thì Tăng-kỳ có sớm nhất. Theo ngài Pháp hiển ghi thì "luật Tăng-kỳ này khi Phật tại thế được đại chúng đầu tiên tuân hành, được lưu truyền tại tinh xá Kỳ-hoàn".

Tôi suy đoán rằng Thượng tọa bộ có 1 bộ luật là bộ được tụng ra trong Đại hội 1 của Kiết tập 1. Rồi bộ này được khẩu truyền mà học thuộc lòng cho đến chép ra văn bản là các bộ luật của các bộ phái khác. Riêng bộ Tăng-kỳ của Đại chúng bộ có thể được tụng ra trong Đại hội 2 của Kiết tập 1, nhưng cũng có thể chỉ là thuộc lòng bộ luật của Đại hội 1. Thế giới Phật giáo thông sử (tập 1 trang 55) nói bộ luật này là của Thượng tọa bộ căn bản, nay không tìm được. Bộ luật của Paly là của hệ Phân biệt thuyết, thiên về Đại chúng bộ, có sau cả luật Tăng-kỳ.

Trên đây là nói 2 bộ luật của 2 bộ gốc là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Còn lại 4 bộ Ngũ phần, Thập tụng, Tứ phần và Hữu bộ thì toàn là hệ Thượng tọa bộ cả. Ít ra, chính trong những bộ luật hiện còn mà thấy đại thể giới pháp có thể nói là khá nhất vị.

(I.2)

Tứ phần luật gọi đủ là "Đàm-mô-đức tứ phần luật". Đàm-mô-đức (Dharmagupta) dịch nghĩa là Pháp tạng hay Pháp hộ, tên của bộ chủ Pháp tạng bộ. Theo Dị tông luận thì Pháp tạng bộ là thứ 9 trong hệ Thượng tọa bộ, xuất từ Hóa địa bộ và có trong bách kỷ 3 sau Phật nhập diệt. Luận ấy còn ghi thêm: những học thuyết của Pháp tạng bộ đa số lại đồng nhất với Đại chúng bộ. Ngài Khuy cơ còn ghi Pháp tạng bộ nói có 5 pháp tạng: kinh, luật, luận, minh chú, bồ-tát. Tương truyền ngài Pháp tạng là 1 trong 5 đệ tử của tôn giả Ưu-ba-cúc-đa.

Trung hoa thì đời Đường sắp đi, do ngài Đạo tuyên khởi lập, Luật tông lấy Tứ phần luật làm căn bản. Lý do vì sao lựa chọn như vậy thì tôi thật chưa rõ, vì chưa đọc đến các bộ sách quan trọng của ngài Đạo tuyên viết về Tứ phần luật, dựng lên Luật tông có học thuyết đàng hoàng. Việc tôi có ý nguyện làm từ lâu là dịch Tỷ-kheo giới bản của Tứ phần luật và làm những gì liên hệ đến giới bản ấy. Trong ý nguyện ấy, hôm nay tôi làm một phần của phần việc thứ nhất.

Tỷ-kheo giới bản cũng gọi là Giới kinh. Giới kinh ở đây có lúc chỉ cho Tứ phần luật, có lúc chỉ cho Tỷ-kheo giới bản của Tứ phần luật, quan trọng hơn nữa có lúc chỉ cho các bài tụng của 7 đức Phật (7 đức Phật có 7 bài tụng là có 7 bản Giới kinh). Riêng đức Bổn sư Thích ca thì 12 năm đầu của thì gian giáo hóa, Giới kinh chính là bài tụng được dịch ra 12 câu. Giới kinh này là cho chư tăng vô sự. Sau 12 năm mới có chư tăng hữu sự, tùy sự chế giới, thành ra Giới kinh có 250 giới nói theo Tứ phần luật.

Tỷ-kheo giới bản của Tứ phần luật kể như có 4 bản. Bản 1 là Tứ phần luật Tỷ-kheo hàm chú giới bản, số hiệu 1806 của Đại tạng kinh bản Đại chính, sẽ được gọi tắt là bản Đạo tuyên. Ngài Đạo tuyên, vị khai lập Luật tông Tứ phần luật, đã biên tập và lược giải giới bản Tỷ-kheo của Tứ phần luật, với phong cách một vị tổ sư. Tôi quí và tin bản này nhất, không những lấy làm chính văn mà còn lấy làm tài liệu chính để hiểu và ghi chú chính văn.

Bản 2 có tên Tân san định Tứ phần tăng giới bản, cũng của ngài Đạo tuyên. Bản này nằm trong Vạn 61/267-279. Dầu có bản này, so sánh, tôi vẫn chọn bản 1 làm chính văn.

Bản 3 là Tứ phần luật Tỷ-kheo giới bản, do ngài Hoài tố biên tập, số hiệu 1429 của Đại tạng kinh bản Đại chính, sẽ được gọi tắt là bản Hoài tố. Còn bản 4 là Tứ phần tăng giới bản, mang số hiệu 1430 của Đại tạng kinh bản Đại chính.

Bản dịch của tôi lấy bản Đạo tuyên làm chính văn. Nhưng chính văn ấy đến loại 7 và loại 8, tức 100 học pháp và 7 diệt tránh, thì lấy bản Hoài tố. Lý do là vì tên của 2 loại này tuy mục lục bản Đạo tuyên có ghi, nhưng chính văn bản ấy không ghi đầy đủ như 6 loại trước. Tên ấy tôi cũng không thấy cần thiết nữa, nên quyết định lấy chính văn bản Hoài tố, ở đấy không ghi tên hay số gì cả, số là của bản Đạo tuyên.

Cũng xin ghi rõ là trong khi dịch, các bản dịch của các hòa thượng Trí thủ và Thiện hòa cũng được tham khảo rất nhiều.

Nên nói thêm về tên giới điều. Trong 8 loại 250 giới, 6 loại đầu có 143 giới thì tên được dịch cả, còn 2 loại 7 và 8 có 107 giới thì, như mới nói, bản Đạo tuyên không ghi đầy đủ nên tôi cũng không dịch. Nhưng điều đáng nói là có ý kiến cho rằng tên giới điều không nên tư vào chính văn giới điều. Nay tôi xét thấy có lắm chỗ chính tên giới điều làm cho giới điều rõ hơn lên, chưa kể cái tên làm cho giới điều như được nói tắt, nói ý chính. Chính sự xét thấy này mà thấy 6 loại trước cần tư tên, còn 2 loại sau sự ấy không cần thiết nữa.

Trong khi dịch tôi vấp 1 chữ. Ấy là chữ "thời". Có không dưới 10 chữ. Chữ quan trọng và khó hiểu nhất là ở đoạn kết thúc 13 giới tăng tàn. Dò các bộ luật khác thấy Ngũ phần và Thập tụng viết "thị pháp ưng nhĩ" (giới này phải thế), Tăng-kỳ viết "thị sự pháp nhĩ" (việc này là thế đấy), Hữu bộ viết "thử thị xuất tội pháp" (đó là cách giải tội). Như vậy chữ "thời" có thể hiểu là trường hợp. "Thị vị thời" đã được dịch "đó là trường hợp này". Những chữ "thời" sau đó đại khái cũng được dịch là "trường hợp" cả.

(I.3)

Tỷ-kheo giới của Tứ phần luật có 250 giới điều, tự chia ra 8 loại, nhắc lại, 8 loại ấy là: một, khí, có 4; hai, tăng tàn, có 13; ba, bất định, có 4; bốn, xả đọa, có 30; năm, đọa, có 90; sáu, h���i quá, có 4; bảy, học pháp, có 100; tám, diệt tránh, có 7. Có ý kiến nói loại 8 không phải là giới. Nói như vậy xét ra không chính xác. Loại 8 cũng là giới điều, ở chỗ mỗi giới điều được lập ra do mỗi trường hợp khác nhau, thêm nữa, khi thi hành mỗi giới điều hay nhiều giới điều này rồi mà ai ngoan cố thì bị nghiêm trị hơn nữa.

Nay đem 8 loại 250 giới mà xét chung thì thấy có thể chia ra 3 loại. Loại một, là những giới điều phạm vào thì mất tư cách Tỷ-kheo, không còn sám hối hay giải tội gì mà cứu vãn được nữa. Loại hai là những giới điều mà phạm vào thì tư cách Tỷ-kheo chỉ còn một chút sống thừa, phải được cử tội, xử tội và giải tội bởi 20 vị Tỷ-kheo là ít nhất mới mong cứu vãn. Loại ba đến loại tám là những giới điều chỉ cần được cử tội, xử tội và giải tội bởi 10 cho đến 1 vị Tỷ-kheo là tư cách Tỷ-kheo được cứu vãn.

Dầu phân loại như vậy mà 250 giới vẫn chưa mất cái cảm giác vụn vặt, mênh mang, nên nay tôi gặp loại là qui nạp lại, thì 250 giới có thể qui nạp như sau. Trong sự qui nạp này nên chú ý mấy chi tiết. Chi tiết 1 là đánh số giới điều, tức 1/1 là giới 1 của loại 1, cho đến 8/7 là giới 7 của loại 8. Chi tiết 2 là các mục qui nạp thì gặp loại là qui nạp, chứ không có thứ tự hay chính yếu thứ yếu gì ở đây. Chi tiết 3 là những mục ít giới điều thì gọi chung là linh tinh, nhưng có những mục chỉ có 1 giới điều mà vẫn để riêng vì tính cách quan trọng giới điều ấy.

Dưới đây là qui nạp 250 giới điều.

- Liên hệ đến dâm: 1/1, 2/1, 2/2, 2/3, 2/4, 2/5, 3/1, 3/2.

- Liên hệ đến đạo: 1/2, 4/30.

- Liên hệ đến sát: 1/3, 5/19, 5/61, 5/62.

- Liên hệ đến vọng: 1/4, 2/8, 2/9, 5/1, 5/2, 5/3, 5/7, 5/8, 5/12, 5/13, 5/68, 5/80.

- Liên hệ đến y: 4/1, 4/2, 4/3, 4/4, 4/5, 4/6, 4/7, 4/8, 4/9, 4/10, 4/23, 4/24, 4/27, 4/28, 4/29, 5/60, 5/88, 5/89, 5/90, 7/1, 7/2.

- Liên hệ đến cụ: 4/11, 4/12, 4/13, 4/14, 4/15, 4/16, 4/17, 5/87.

- Liên hệ đến việc học Luật: 5/71, 5/72, 5/73, 5/75, 5/76.

- Liên hệ đến Phật: 7/60, 7/61, 7/62, 7/63, 7/64, 7/65, 7/66, 7/67, 7/68, 7/69, 7/70, 7/71, 7/72, 7/73, 7/74, 7/75, 7/76, 7/77, 7/78, 7/79, 7/80, 7/81, 7/82, 7/83, 7/84, 7/85.

- Liên hệ đến sự ăn: 5/31, 5/32, 5/33, 5/34, 5/35, 5/37, 5/38, 5/39, 5/40, 5/41, 5/42, 6/1, 6/2, 6/3, 6/4, 7/26, 7/27, 7/28, 7/29, 7/30, 7/31, 7/32, 7/33, 7/34, 7/35, 7/36, 7/37, 7/38, 7/39, 7/40, 7/41, 7/42, 7/43, 7/44, 7/45, 7/46.

- Liên hệ đến tín đồ: 2/12, 7/3, 7/4, 7/5, 7/6, 7/7, 7/8, 7/9, 7/10, 7/11, 7/12, 7/13, 7/14, 7/15, 7/16, 7/17, 7/18, 7/19, 7/20, 7/21, 7/22, 7/23, 7/24, 7/25, 7/48.

- Liên hệ đến sự diệt tránh: 8/1, 8/2, 8/3, 8/4, 8/5, 8/6, 8/7.

- Liên hệ đến sự thuyết pháp: 7/52, 7/53, 7/54, 7/55, 7/56, 7/57, 7/58, 7/59, 7/86, 7/87, 7/88, 7/89, 7/90, 7/91, 7/92, 7/96, 7/97, 7/98, 7/99, 7/100.

- Liên hệ đến Tỷ-kheo ni: 5/21, 5/22, 5/23, 5/24, 5/25, 5/26, 5/27, 5/28, 5/29.

- Liên hệ đến nữ nhân: 5/4, 5/9, 5/30, 5/43, 5/44, 5/45.

- Liên hệ đến sự cư xử trong chư tăng với nhau: 4/25, 5/14, 5/15, 5/16, 5/17, 5/36, 5/46, 5/53, 5/55, 5/58, 5/59, 5/63, 5/64, 5/66, 5/69, 5/70, 5/74, 5/77, 5/78, 5/79.

- Liên hệ đến rượu: 5/51.

- Liên hệ đến người chưa thọ đại giới: 5/5, 5/6, 5/65.

- Liên hệ đến sự phá tăng: 2/10, 2/11.

- Liên hệ đến sự ngoan cố: 2/13, 5/54.

- Liên hệ đến bát: 4/21, 4/22, 7/95.

- Linh tinh:

của và của báu: 4/18, 4/19, 4/20, 5/82;
làm phòng nhà: 2/6, 2/7, 5/20;
thuốc: 4/26, 5/47;
đào đất: 5/10;
chặt cây: 5/11;
giường nằm: 5/18; 5/84, 5/85;
đùa giỡn: 5/52, 7/93, 7/94;
đốt lửa: 5/57;
quân đội: 5/48, 5/49, 5/50;
giặc: 5/67;
vua: 5/81;
đi không phải lúc: 5/83;
làm ống kim: 5/86;
tắm: 5/56;
vệ sinh: 7/47, 7/49, 7/50, 7/51.

Nếu qui nạp lại lần nữa thì 250 giới chỉ thuộc vào 2 loại mà thôi, ấy là loại giới luật và loại oai nghi. Loại giới luật là những giới điều cấm tội lỗi thật sự. Loại oai nghi là những giới điều cấm cử động bất xứng. Trong 8 loại của 250 giới, loại 1 là giới luật, loại 7 là oai nghi, còn lại là cả hai.

(I.4)

Cuộc đời như cuộc đời của Phật, nếu có ký sự thì ký sự ấy lượng và chất phải đạt đến tầm cỡ bậc nhất nhì. Thế nhưng ký sự ấy chỉ nằm rải rác trong các kinh luật. Chỉ có một cạnh khía ký sự rất rõ rệt. Đó là sự sinh hoạt giới luật của Phật và chư tăng của Ngài. Sinh hoạt giới luật, từ ngữ này muốn nói sinh hoạt của Phật và chư tăng của Ngài thì toàn bộ là nhắm vào cuộc sống viễn ly ác pháp. Cạnh khía này luật tạng của bộ phái nào cũng là bộ ký sự khá về lượng cũng như chất.

Chư tăng của Phật trong 12 năm đầu gọi là "Vô sự Tỷ-kheo": Tỷ-kheo không có gì rắc rối cả. Giới luật cho chư tăng thì gian này chỉ là bài tụng mà có thể nói vắn tắt là giữ sạch thân miệng ý. Sau 12 năm mới có kẻ hữu sự, mới có rắc rối. Rắc rối nhất là cái nhóm 6 người gọi là "lục quần Tỷ-kheo". Rồi tùy trường hợp rắc rối xảy ra mà có sự qui định ứng phó lại. Mỗi lần ứng phó là thành một giới điều. Như vậy cái số lượng 250 giới điều không phải nhiều nhiệc gì đối với tập thể mà thường xuyên đã có cả ngàn, lại trải qua thì gian ba bốn chục thập kỷ. Nhìn như thế này thì không những thấy 250 không nhiều, mà còn nhìn thấy cái phàm trong cái thánh của chư tăng thời Phật, cái phàm chẳng phàm gì nhiều và nặng.

Giới điều tuy nhiều, mỗi giới điều lại có khai giá (linh động và hạn chế), nhưng căn bản của giới luật chỉ là thiểu dục tri túc. Thiểu dụclà ít ham muốn đối với những gì chưa có. Tri túclà biết vừa đủ đối những gì đã có. Có thiểu dục tri túc thì không phạm giới. Giữ giới có nghĩa là thiểu dục tri túc chứ không gì khác.

Nhưng Tỷ-kheo giới được truyền thọ như thế nào? Tỷ-kheo giới được truyền thọ, và lãnh thọ, giữa người sống với người sống, người sống mà phải hiện diện mới đúng phép. Số người hiện diện truyền thọ thường gọi là thập sư. Nghĩa là phải có 10 vị Tỷ-kheo hiện diện thì việc truyền thọ Tỷ-kheo giới mới thành tựu. Qui định này cho thấy Tỷ-kheo giới khi được lãnh thọ rồi thì sẽ được và phải được hộ trì, giám sát, được cử tội, xử tội và giải tội bởi chính những vị Tỷ-kheo khác mà trong đó có các vị thầy đã truyền thọ.

Không những thọ giới và trì giới dựa trên cái lực của các vị thầy hiện diện, mà sự sám hối khi phạm giới lại càng là như vậy. Phạm giới Tỷ-kheo thì tùy giới đã phạm mà sám hối trước 1 cho đến 20 vị Tỷ-kheo khác, nghĩa là cũng người hiện diện đối với người hiện diện chứ không phải khơi khơi mà được.

Thêm nữa, Luật không cho sa-di đọc Tỷ-kheo giới trước khi được thọ giới ấy. Vì thẩm định sa-di có hay không có tư cách thọ và trì Tỷ-kheo giới thì không phải sa-di tự thẩm định. Mà trách nhiệm là vị thầy. Vị thầy phải giáo dục cho sa-di có tư cách thọ và trì Tỷ-kheo giới, và thẩm định tư cách ấy. Không phải sa-di tự coi Tỷ-kheo giới, tự cho mình có tư cách thọ và trì giới ấy mà được. Do vậy, không ở đâu mà cái nghĩa thầy trò được nói cho bằng trong luật. "Hòa thượng tự nhiên sinh tâm thương nhớ đệ tử như con, đệ tử tự nhiên sinh tâm kính trọng hòa thượng như cha, siêng năng dạy bảo, lại thêm tôn kính, thì có khả năng làm cho Phật pháp rộng thêm, làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài"(Ngũ phần, Chính 22/110).

Ngày nay có cái hiện tượng suy đồi, ấy là thọ giới rồi là rồi, thầy không còn biết đến trò, trò chẳng còn biết đến thầy. Đôi bên chẳng còn vương vấn gì đến nhau, không còn mà cũng không muốn giữ một trách nhiệm gì với nhau. Trong khi thọ Tỷ-kheo giới là con người được sinh ra một lần nữa, sinh ra giới thân tuệ mạng. Ấy vậy mà không mấy ai lấy làm quan trọng sự được sinh ra ấy cả.

(I.5)

Tỷ-kheo giới với Bồ-tát giới có tương quan không, và tương quan thì như thế nào? Hãy đem 2 giới bản Tỷ-kheo của Tứ phần và Bồ-tát của Phạn võng mà xét thì thấy có những điều đáng nói sau đây.

Một, Tỷ-kheo giới truyền thọ do người hiện diện cả. Kiết-ma đắc giới là tăng Kiết-ma. Rồi nếu phạm giới thì cử tội, xử tội và giải tội đều là tăng Kiết-ma. Sám hối cũng là đối với tăng hiện diện. Bồ-tát giới thì cần nhất là vị thầy vừa là giáo thọ vừa là hòa thượng, còn Kiết-ma đắc giới là tác bạch thập phương chư Phật Bồ-tát, nhưng sám hối thì cực kỳ khó khăn.

Hai, Bồ-tát giới lấy sự phát bồ-đề tâm làm căn bản. Có bồ-đề tâm thì có đủ giới pháp, mất bồ-đề tâm thì giới pháp không những dễ vi phạm, mà có giữ cũng không có ý nghĩa vì vô thượng bồ-đề mà giữ. Tỷ-kheo giới thì tách rời tất cả thân nghiệp và ngữ nghiệp cần tách rời (Câu xá, Chính 29/73), nên thân và miệng mà tội lỗi hay bất xứng thì đã là phạm giới.

Ba, Tỷ-kheo giới thì người lãnh thọ bị khảo sát giá nạn rất kỹ: phải là người mà quá khứ, bề trong, bề ngoài và hoàn cảnh đều tương đối coi được mới được thọ giới. Bồ-tát giới không cần đến như vậy, bởi vì trừ Tỷ-kheo Bồ-tát giới là tăng bảo, mọi bề ngoài tôn nghiêm đã phải có khi thọ Tỷ-kheo giới rồi, còn mọi người ai cũng có thể được thọ cái giới pháp bản nguyên thanh tịnh của mình, miễn là có thể phát bồ-đề tâm và hiểu được tiếng nói của vị thầy truyền giới.

Bốn, Tỷ-kheo giới có cái lý do giữ giới là để tránh đời chê ghét (tị thế cơ hiềm). Chính cái lý do này là cái phần lợi tha của Bồ-tát giới. Và chính trong ý nghĩa này mà nói là giáo hóa chúng sinh, mà nói là duy trì Phật pháp.

(I.6)

Điều phải nói ở đây là sự "phá tăng". Phá tăng là phá Kiết-ma tăng và phá pháp luân tăng. Phá Kiết-ma tăng là dầu chỉ có 4 vị Tỷ-kheo mà 1 người không đồng chúng hòa hợp hay tập hợp, thì sự Kiết-ma bất thành, mọi tăng sự, kể cả sự thuyết giới, đều không thể cử hành. Phá pháp luân tăng là dầu chỉ có 9 Tỷ-kheo mà 1 người đứng ra chia rẽ, kéo theo mình 4 người (để đủ số Tỷ-kheo làm Kiết-ma) rồi tự xưng giáo chủ, xướng ra giáo pháp và lập ra giáo đoàn riêng, nói cách khác là biệt lập Phật giáo riêng (hay khuynh đảo tổ chức của Phật giáo làm thành tổ chức của mình).

Phá tăng, như vậy, là phá hoại Phật giáo. Theo tôn giả Thế thân, loại tội nặng nhất là 5 tội vô gián, trong 5 tội ấy tội phá tăng, nhất là phá pháp luân tăng, là tội nặng nhất, vì "thương tổn pháp thân của Phật". Phá tăng như vậy bản thể là cuồng ngữ. Kẻ phá tăng phải là Tỷ-kheo, không phải tại gia hay Tỷ-kheo ni mà làm được, là kẻ tịnh hạnh chứ không phải người phạm giới, bởi vì phạm giới thì nói không uy tín (Câu xá, Chính 29/93).

Tôn giả Thế thân nói còn thiếu một điều, ấy là những kẻ này hay lợi dụng chính quyền hoặc để cho chính quyền lợi dụng. Kẻ ấy, xưa kia, thời Phật là Đề-bà. Ngày nay, thừa kế Đề-bà cũng không phải thiếu người. Và cái tội phá tăng nặng đến nỗi phạm vào thì hết còn nói đến thọ giới trì giới gì nữa. Ấy thế nhưng có điều lạ là Tỷ-kheo giới cũng như Bồ-tát giới đều đã không nghiêm khắc đúng mức về tội này.

Bồ-tát giới thì những gì liên quan đến sự phá tăng, thí dụ các điều 47 và 48, chỉ để vào loại giới pháp nhẹ. Tỷ-kheo giới thì như các điều 2/10 và 2/11, chỉ xếp vào loại tăng tàn, mặc dầu trường hợp có ra 2 giới điều ấy là chính sự phá tăng của Đề bà.

Ngày trước, khi dịch giải Bồ-tát giới Phạn võng, tôi đã muốn nêu điều này lên. Nhưng rồi lúc đó tôi không làm. Nay nêu lên điều này không phải như một nghi vấn, mà là sự phá tăng ngày nay có chứ không phải không có, vậy mà giới pháp không lên án đúng mức thì làm sao cảnh tỉnh những kẻ Đề-bà mới, những kẻ tùng đảng với Đề-bà mới?

--- o0o ---


Source: BuddhaSasana website( By Binh Anson)

--- o0o ---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]