Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần [17]

22/04/201318:04(Xem: 4331)
Phần [17]


Tạng Luật
Vinaya Pitaka

Tiểu Phẩm
Cullavagga

Tỳ kheo Indachanda Nguyệt Thiêndịch

----oOo----

XII. Chương Liên Quan Bảy Trăm Vị (Sattasatikkhandhakaṃ)

[630] Vào lúc bấy giờ, khi đức Thế Tôn Vô Dư Niết Bàn được một trăm năm, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī công bố trong thành Vesālī mười sự việc: Được phép cất giữ muối trong ống sừng (kappati siṅgilonakappo), được phép ăn khi bóng mặt trời đã hai ngón tay (kappati dvaṅgulakappo), được phép đi vào làng rồi ăn thêm lần nữa (kappati gāmantarakappo), được phép hành Uposatha riêng rẽ (kappati āvāsakappo), được phép hành sự không đủ tỷ-kheo (kappati anumatikappo), được phép thực hành theo tập quán (kappati ācinnakappo), được phép uống sữa chua lúc quá ngọ (kappati amathitakappo), được phép uống nước trái cây lên men (kappati jalogim- pātuṃ), được phép sử dụng tọa cụ không có viền quanh (kappati adasakam- nisīdanaṃ), được phép tích trữ vàng bạc (kappati jātarūparajataṃ).[Mười điều này được dịch theo nghĩa, được giải thích rõ hơn ở phần dưới.]

[631] Vào lúc bấy giờ, đại đức Yasa con trai của Kākandaka trong khi du hành ở xứ Vajji đã đến trú tại Vesālī. Tại đó, đại đức Yasa con trai của Kākandaka đã trú tại Đại Lâm (Mahāvana) nơi giảng đường Kūtāgāra ở Vesālī.

[632] Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī vào ngày Bố Tát (Uposatha) sau khi đổ đầy nước vào một cái chậu đồng đặt ở giữa hội chúng tỷ-kheo rồi nói với các cư sĩ ở Vesālī đang đi qua lại như sau:

- Này các đạo hữu, hãy bố thí đến hội chúng một kahāpana, hoặc một nữa, hoặc một pāda, hoặc một đồng māsaka. hội chúng sẽ có việc phải làm về vật dụng.

Nghe vậy, đại đức Yasa con trai của Kākandaka đã nói với các cư sĩ ở Vesālī rằng:

- Này các đạo hữu, chớ có bố thí đến hội chúng một kahāpana, hoặc một nữa, hoặc một pāda, hoặc một đồng māsaka. Vàng bạc không được cho phép đối với các vị sa-môn Thích tử; các vị sa-môn Thích tử không thích thú vàng bạc; các vị sa-môn Thích tử không thọ lãnh vàng bạc; các vị sa-môn Thích tử là người đã từ bỏ châu báu vàng ròng và tránh xa vàng bạc.

Mặc dù đã được đại đức Yasa con trai của Kākandaka nói như vậy, các cư sĩ ở Vesālī cũng vẫn bố thí đến hội chúng một kahāpana, hoặc một nữa, hoặc một pāda, hoặc một đồng māsaka.

Rồi các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī khi đêm ấy tàn đã chia số của cải ấy thành từng phần tùy theo số lượng tỷ-kheo rồi phân phát. Khi ấy, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã nói với đại đức Yasa con trai của Kākandaka điều này:

- Này đại đức Yasa, phần chia của cải này thuộc về đại đức.

- Này đại đức, phần chia của cải này không thuộc về tôi, tôi không thích thú của cải.

[633] Khi ấy, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī (bàn bạc rằng): "Này các vị, đại đức Yasa con trai của Kākandaka này quở trách, chỉ trích, làm giảm niềm tin của những người có niềm tin đã được an trú, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự hòa giải (patisāranīya) đến vị ấy." Họ đã thực thi hành sự hòa giải (patisāranīya) đến vị ấy. Rồi đại đức Yasa con trai của Kākandaka đã nói với các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī điều này:

- Này các vị, đức Thế Tôn có quy định: "Vị sứ giả cùng đi nên được ban đến vị tỷ-kheo thực thi hành sự hòa giải (patisāranīya)." Này các vị, hãy cho tôi một tỷ-kheo làm sứ giả cùng đi.

Khi ấy, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã chỉ định một vị tỷ-kheo và cho làm sứ giả cùng đi với đại đức Yasa con trai của Kākandaka. Rồi đại đức Yasa con trai của Kākandaka cùng với vị tỷ-kheo sứ giả cùng đi đã vào thành Vesālī và nói với các cư sĩ ở Vesālī điều này:

- Có lời nói rằng: "Tôi quở trách, chỉ trích, làm giảm niềm tin của các vị là những cư sĩ có niềm tin đã được an trú, bởi vì tôi nói sai Pháp là: "Phi Pháp," đúng Pháp là: "Đúng Pháp," sai Luật là: "Phi Luật," đúng Luật là: "Đúng Luật."

[634] Này các đạo hữu, vào một thuở nọ, đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapindika. Này các đạo hữu, ở nơi ấy, đức Thế Tôn đã nói với các tỷ-kheo rằng:

- "Này các tỷ-kheo, đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời bởi vì khi bị ô nhiễm bởi những vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi. Bốn điều ấy là gì?

Mây, này các tỷ-kheo, là điều làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời bởi vì khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Sương mù, này các tỷ-kheo, là điều làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời bởi vì khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Khói bụi, này các tỷ-kheo, là điều làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời bởi vì khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Rāhu chúa loài asura (hiện tượng nguyệt và nhật thực), này các tỷ-kheo, là điều làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời bởi vì khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỷ-kheo, đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời bởi vì khi bị ô nhiễm bởi những vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Cũng tương tợ như vậy, này các tỷ-kheo, đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với sa-môn và Bà La Môn; vì khi bị làm ô nhiễm bởi những điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà La Môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi. Bốn điều ấy là gì?

Này các tỷ-kheo, có những sa-môn và Bà La Môn uống rượu, uống men say, không chừa bỏ việc uống rượu và men say. Này các tỷ-kheo, đây là điều làm ô nhiễm thứ nhất của sa-môn và Bà La Môn; vì khi bị làm ô nhiễm bởi điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà La Môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Còn một điều khác nữa, này các tỷ-kheo, có những sa-môn và Bà La Môn thực hành pháp dâm dục, không chừa bỏ pháp dâm dục. Này các tỷ-kheo, đây là điều làm ô nhiễm thứ hai của sa-môn và Bà La Môn; vì khi bị làm ô nhiễm bởi điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà La Môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Còn một điều khác nữa, này các tỷ-kheo, có những sa-môn và Bà La Môn thích thú vàng bạc, không chừa bỏ việc thọ lãnh vàng bạc. Này các tỷ-kheo, đây là điều làm ô nhiễm thứ ba của sa-môn và Bà La Môn; vì khi bị làm ô nhiễm bởi điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà La Môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Còn một điều khác nữa, này các tỷ-kheo, có những sa-môn và Bà La Môn chấp nhận cuộc sống bằng sự nuôi mạng không chân chánh, không chừa bỏ sự nuôi mạng không chân chánh. Này các tỷ-kheo, đây là điều làm ô nhiễm thứ tư của sa-môn và Bà La Môn; vì khi bị làm ô nhiễm bởi điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà La Môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỷ-kheo, đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với sa-môn và Bà La Môn; vì khi bị làm ô nhiễm bởi những điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà La Môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi."

Này các đạo hữu, đức Thế Tôn đã nói điều ấy; đấng Thiện Thệ đã nói điều ấy; rồi bậc đạo sư còn nói thêm điều này nữa:

[635]

Có những vị sa-môn
và những Bà La Môn
ô nhiễm do dục sân,
còn có những nam nhân
bị vô minh che áng
thoả thích điều khoái lạc,
uống rượu và men say,
thực hành điều dâm dục,
thích thú bạc và vàng,
là những kẻ khờ si.
Có những vị sa-môn
và những Bà La Môn
sống bằng sự tà mạng,
những điều ô nhiễm này
được nói lên bởi Phật
vị giòng dõi mặt trời.
Có những vị sa-môn
và những Bà La Môn
đã bị làm ô nhiễm
bởi những ô nhiễm ấy,
không sáng, không rực rỡ,
không còn được thanh tịnh
bởi tham ái dục tình.
Chúng đã bị che lấp
bởi màn đêm bóng tối,
nô lệ của ái tình,
bám víu cuộc đời này,
chúng làm cho tăng trưởng
tử thần thật ghê sợ,
chết rồi chúng tái sanh.

[636] Có lời nói như vầy: "Nghe nói tôi quở trách, chỉ trích, và làm giảm niềm tin của các vị là những cư sĩ có niềm tin đã được an trú là việc tôi nói sai Pháp là: "Phi Pháp," đúng Pháp là: "Đúng Pháp," sai Luật là: "Phi Luật," đúng Luật là: "Đúng Luật."

[637] Này các đạo hữu, vào một thuở nọ, đức Thế Tôn ngự tại Rājagaha, Trúc Lâm (Veluvana), nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, ở nơi hậu cung, trong lúc các hầu cận của đức vua ngồi lại tụ họp với nhau, có câu chuyện qua lại này sanh khởi: "Vàng bạc được cho phép đối với các vị sa-môn Thích tử; các vị sa-môn Thích tử thích thú vàng bạc; các vị sa-môn Thích tử thọ lãnh vàng bạc."

Chính vào lúc ấy, này các đạo hữu, vị thôn trưởng Manicūlaka là một vị đang ngồi trong nhóm người ấy. Khi ấy, này các đạo hữu, vị thôn trưởng Manicūlaka đã nói với nhóm người ấy điều này: "Các ngài chớ có nói như thế. Vàng bạc không được cho phép đối với các vị sa-môn Thích tử; các vị sa-môn Thích tử không thích thú vàng bạc; các vị sa-môn Thích tử không thọ lãnh vàng bạc; các vị sa-môn Thích tử là người đã từ bỏ châu báu và tránh xa vàng bạc." Khi ấy, này các đạo hữu, vị thôn trưởng Manicūlaka đã có thể thuyết phục được nhóm người ấy.

Này các đạo hữu, sau khi thuyết phục được nhóm người ấy, vị thôn trưởng Manicūlaka đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, này các đạo hữu, vị thôn trưởng Manicūlaka đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Ở đây, bạch ngài, trong lúc các hầu cận của đức vua ngồi lại tụ họp với nhau ở nơi hậu cung, có câu chuyện qua lại này sanh khởi: "Vàng bạc được cho phép đối với các vị sa-môn Thích tử; các vị sa-môn Thích tử thích thú vàng bạc; các vị sa-môn Thích tử thọ lãnh vàng bạc." Bạch ngài, khi được nói vậy, con đã nói với nhóm người ấy điều này: "Các ngài chớ có nói như thế. Vàng bạc không được cho phép đối với các vị sa-môn Thích tử; các vị sa-môn Thích tử không thích thú vàng bạc; các vị sa-môn Thích tử không thọ lãnh vàng bạc; các vị sa-môn Thích tử là người đã từ bỏ châu báu và tránh xa vàng bạc." Bạch ngài, khi ấy con đã có thể thuyết phục được nhóm người ấy. Bạch ngài, trong khi nói như thế, có phải con là người đã nói đúng lời của đức Thế Tôn và không phải là người đã vu khống đức Thế Tôn một cách sai trái? Có phải con đã nói theo lý lẽ của Giáo Pháp? Và có phải một người nói đúng theo Giáo Pháp có lời nói hợp với giáo lý sẽ không rơi vào vị thế đáng bị chê trách?

- Đúng vậy, này Thôn trưởng, trong khi nói như thế, ngươi là người đã nói đúng lời của ta, ngươi không phải là người đã vu khống ta một cách sai trái, ngươi đã nói theo lý lẽ của Giáo Pháp, và một người nói đúng theo Giáo Pháp có lời nói hợp với giáo lý sẽ không rơi vào vị thế đáng bị chê trách. Bởi vì, này Thôn trưởng, vàng bạc không được cho phép đối với các vị sa-môn Thích tử, các vị sa-môn Thích tử không thích thú vàng bạc, các vị sa-môn Thích tử không thọ lãnh vàng bạc, các vị sa-môn Thích tử là người đã từ bỏ châu báu và tránh xa vàng bạc. Này Thôn trưởng, kẻ nào chấp nhận vàng bạc cũng sẽ chấp nhận luôn năm điều đem lại dục lạc. Này Thôn trưởng, kẻ nào chấp nhận năm điều đem lại dục lạc, ngươi có thể biết chắc chắn rằng: "Đây không phải là Pháp của sa-môn, đây không phải là Pháp của Thích Tử." Và này Thôn trưởng, ta có nói như vầy: "Người mong muốn cỏ thì tầm cầu cỏ, người mong muốn củi thì tầm cầu củi, người mong muốn xe cộ thì tầm cầu xe cộ, người mong muốn đàn ông thì tầm cầu đàn ông." Nhưng này Thôn trưởng, ta không có nói rằng: "Bằng bất cứ phương tiện gì, vàng bạc nên được thích thú, nên được tầm cầu."

Có lời nói như vầy: "Nghe nói tôi quở trách, chỉ trích, làm giảm niềm tin của các vị là những cư sĩ có niềm tin đã được an trú là việc tôi nói về sai Pháp là: "Phi Pháp," đúng Pháp là: "Đúng Pháp," sai Luật là: "Phi Luật," đúng Luật là: "Đúng Luật."

[638] Này các đạo hữu, vào một thời gian nọ, tại Rājagaha đức Thế Tôn đã từ chối vàng bạc và quy định điều học có liên quan đến đại đức Upananda giòng dõi Sākya.

Có lời nói như vầy: "Nghe nói tôi quở trách, chỉ trích, làm giảm niềm tin của các vị là những cư sĩ có niềm tin đã được an trú là việc tôi nói về sai Pháp là: "Phi Pháp," đúng Pháp là: "Đúng Pháp," sai Luật là: "Phi Luật," đúng Luật là: "Đúng Luật."

Khi được nói vậy, các cư sĩ ở Vesālī đã nói với đại đức Yasa con trai của Kākandaka điều này:

- Bạch ngài, chỉ có một mình ngài Yasa con trai của Kākandaka là sa-môn Thích Tử, tất cả các vị kia đều không phải là sa-môn, không phải là Thích Tử. Bạch ngài, xin ngài Yasa con trai của Kākandaka hãy ngụ tại Vesālī. Chúng tôi sẽ nỗ lực về vật dụng cần thiết như y phục, đồ ăn khất thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh đến đại đức Yasa con trai của Kākandaka.

Sau khi giải thích cho các cư sĩ ở Vesālī xong, đại đức Yasa con trai của Kākandaka đã cùng với vị tỷ-kheo sứ giả cùng đi trở về lại tu viện.

[639] Sau đó, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã hỏi vị tỷ-kheo sứ giả cùng đi rằng:

- Này sư đệ, các cư sĩ ở Vesālī đã hòa giải với đại đức Yasa con trai của Kākandaka chưa vậy?

- Chúng ta gặp điều xúi quẩy với các cư sĩ rồi. Chỉ một mình Yasa con trai của Kākandaka được xem là sa-môn Thích Tử. Còn tất cả chúng ta đã bị xem không phải là sa-môn, không phải là Thích Tử.

Khi ấy, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī (đã bàn bạc rằng): "Này các vị, Yasa con trai của Kākandaka này chưa được chúng ta cho phép đã giải thích cho hàng tại gia, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự án treo (ukkhepanīya) đối với vị ấy." Họ đã tụ họp lại với ý định thực thi hành sự án treo (ukkhepanīya) đối với vị ấy. Khi ấy, đại đức Yasa con trai của Kākandaka đã bay lên không trung và xuất hiện ở Kosambī.

Khi ấy, đại đức Yasa con trai của Kākandaka đã phái sứ giả đi đến các tỷ-kheo ở Pāvā (Pātheyyaka), Avanti, và khu vực phía nam: "Xin các đại đức hãy đến, chúng ta cần giải quyết sự tranh tụng này trước khi điều phi Pháp phát triển và Pháp bị bỏ quên, trước khi điều Phi Luật phát triển và Luật bị bỏ quên, trước khi những kẻ nói phi Pháp phát triển mạnh và những người nói về Pháp yếu đi, trước khi những kẻ nói Phi Luật phát triển mạnh và những người nói về Luật yếu đi."

[640] Vào lúc bấy giờ, đại đức Sambhūta Sānavāsī đang ngụ tại núi Ahogaṅga. Khi ấy, đại đức Yasa con trai của Kākandaka đã đi đến gặp đại đức Sambhūta Sānavāsī ở núi Ahogaṅga, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Sambhūta Sānavāsī rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Yasa con trai của Kākandaka đã nói với đại đức Sambhūta Sānavāsī điều này:

- Bạch ngài, các tỷ-kheo này giòng dõi Vajji ở Vesālī công bố trong thành Vesālī mười sự việc: "Được phép cất giữ muối trong ống sừng, được phép ăn khi bóng mặt trời đã hai ngón tay, được phép đi vào làng rồi ăn thêm lần nữa, được phép hành Uposatha riêng rẽ, được phép hành sự không đủ tỷ-kheo, được phép thực hành theo tập quán, được phép uống sữa chua lúc quá ngọ, được phép uống nước trái cây lên men, được phép sử dụng tọa cụ không có viền quanh, được phép tích trữ vàng bạc." Như vậy, bạch ngài, chúng ta cần giải quyết sự tranh tụng này trước khi điều phi Pháp phát triển và Pháp bị bỏ quên, trước khi điều Phi Luật phát triển và Luật bị bỏ quên, trước khi những kẻ nói phi Pháp phát triển mạnh và những người nói về Pháp yếu đi, trước khi những kẻ nói Phi Luật phát triển mạnh và những người nói về Luật yếu đi."

- Này đại đức, hãy như vậy đi. Đại đức Sambhūta Sānavāsī đã trả lời đại đức Yasa con trai của Kākandaka.

Khi ấy, một số lượng tỷ-kheo gồm sáu mươi vị ở Pāvā (Pātheyyakā bhikkhū), tất cả là những vị sống trong rừng, hành hạnh khất thực, mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ, chỉ sử dụng ba tấm y, toàn bộ đều là A La Hán, đã đến tụ họp tại núi Ahogaṅga. Một số lượng tỷ-kheo gồm tám mươi tám vị ở Avanti và khu vực phía nam, một số trong các vị là những vị sống trong rừng, một số trong các vị hành hạnh khất thực, một số trong các vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ, một số trong các vị chỉ sử dụng ba tấm y, nhưng tất cả đều là A La Hán, đã đến tụ họp tại núi Ahogaga.

[641] Khi ấy, trong lúc các tỷ-kheo trưởng lão hội ý, điều này đã khởi lên: "Tranh sự này khó khăn và tế nhị. Làm thế nào chúng ta có thể có được một nhóm, bởi vì trong sự tranh tụng này chúng ta phải là lực lượng mạnh hơn?"

Vào lúc bấy giờ, đại đức Revata ngụ tại Soreyya, là vị đa văn, sở hành được truyền thừa, là vị nắm giữ Pháp, là vị nắm giữ Luật, là vị thuộc lòng các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, chu đáo, là vị ưa thích các học giới. Khi ấy, các tỷ-kheo trưởng lão đã khởi ý rằng: "Chính vị đại đức Revata này ngụ tại Soreyya là vị đa văn, sở hành được truyền thừa, là vị nắm giữ Pháp, là vị nắm giữ Luật, là vị thuộc lòng các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, chu đáo, là vị ưa thích các học giới. Nếu chúng ta có được đại đức Revata chung nhóm, như thế trong sự tranh tụng này chúng ta sẽ là lực lượng mạnh hơn." Trong khi các tỷ-kheo trưởng lão đang hội ý, đại đức Revata đã nghe được nhờ vào thiên nhĩ thông thanh tịnh vượt trội loài người. Khi nghe thế, vị ấy khởi ý rằng: "Tranh sự này thật sự khó khăn và tế nhị. Trong sự tranh tụng như thế này nếu ta tránh né là điều không hợp lý. Và giờ đây, các tỷ-kheo ấy sẽ đến, nhưng bị lấn cấn bởi các vị ấy thì ta sẽ an trú không thoải mái. Hay là ta nên đi trước?" Sau đó, đại đức Revata Soreyya đã đi đến Saṅkassa.

Khi ấy, các vị trưởng lão tỷ-kheo đã đi đến Soreyya hỏi rằng:

- Đại đức Revata đang ở đâu?

Người ta nói như vầy:

- Vị đại đức Revata ấy đã đi Saṅkassa rồi.

Khi ấy, đại đức Revata từ Saṅkassa đã đi Kannakujja. Rồi các tỷ-kheo trưởng lão đã đi đến Saṅkassa hỏi rằng:

- Đại đức Revata đang ở đâu?

Người ta nói như vầy:

- Vị đại đức Revata ấy đã đi Kannakujja rồi.

Khi ấy, đại đức Revata từ Kannakujja đã đi Udumbara. Rồi các tỷ-kheo trưởng lão đã đi đến Kannakujja hỏi rằng:

- Đại đức Revata đang ở đâu?

Người ta nói như vầy:

- Vị đại đức Revata ấy đã đi Udumbara rồi.

Khi ấy, đại đức Revata từ Udumbara đã đi thành phố Aggala. Rồi các tỷ-kheo trưởng lão đã đi đến Udumbara hỏi rằng:

- Đại đức Revata đang ở đâu?

Người ta nói như vầy:

- Vị đại đức Revata ấy đã đi thành phố Aggala rồi.

Khi ấy, đại đức Revata từ thành phố Aggala đã đi Sahajāti. Rồi các tỷ-kheo trưởng lão đã đi đến thành phố Aggala hỏi rằng:

- Đại đức Revata đang ở đâu?

Người ta nói như vầy:

- Vị đại đức Revata ấy đã đi Sahajāti rồi.

Cuối cùng, các tỷ-kheo trưởng lão đã gặp được đại đức Revata ở Sahajāti.

[642] Khi ấy, đại đức Sambhūta Sānavāsī đã nói với đại đức Yasa con trai của Kākandaka điều này:

- Này đệ, đại đức Revata này là vị đa văn, sở hành được truyền thừa, là vị nắm giữ Pháp, là vị nắm giữ Luật, là vị thuộc lòng các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, chu đáo, là vị ưa thích các học giới. Nếu chúng ta hỏi đại đức Revata một câu hỏi, đại đức Revata có khả năng trình bày trọn đêm chỉ với một câu hỏi ấy. Và giờ đây, đại đức Revata sẽ gọi một tỷ-kheo đệ tử chuyên đọc tụng về âm từ. Khi vị tỷ-kheo ấy chấm dứt phần đọc tụng về âm từ, đệ nên đi đến gặp đại đức Revata và hỏi về mười sự việc ấy.

- Xin vâng, bạch ngài. Đại đức Yasa con trai của Kākandaka đã trả lời đại đức Sambhūta Sānavāsī.

Lúc bấy giờ, đại đức Revata đã gọi một tỷ-kheo đệ tử chuyên đọc tụng về âm từ. Khi vị tỷ-kheo ấy chấm dứt phần đọc tụng về âm từ, đại đức Yasa con trai của Kākandaka đã đi đến gặp đại đức Revata, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Revata rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Yasa con trai của Kākandaka đã hỏi đại đức Revata rằng:

- Bạch ngài, quy định cất giữ muối trong ống sừng là được phép?

- Này sư đệ, quy định cất giữ muối trong ống sừng là như thế nào?

- Bạch ngài, là mang theo muối bằng ống sừng (nghĩ rằng): "Món nào không có muối, ta sẽ thưởng thức món ấy," có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Bạch ngài, quy định hai ngón tay là được phép?

- Này sư đệ, quy định hai ngón tay ấy là như thế nào?

- Bạch ngài, là ăn vật thực sái giờ khi bóng nắng mặt trời (chiếu ở trên đất) đã dài hai ngón tay, có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Bạch ngài, quy định trong làng là được phép?

- Này sư đệ, quy định trong làng ấy là như thế nào?

- Bạch ngài, là vị đã ăn xong, đã được thỏa mãn (nghĩ rằng): "Bây giờ, ta sẽ đi vào trong làng," rồi thọ dụng thức ăn không phải còn thừa, có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Bạch ngài, quy định về chỗ trú ngụ là được phép?

- Này sư đệ, quy định về chỗ trú ngụ ấy là như thế nào?

- Bạch ngài là nhiều trú xứ có chung ranh giới (sīmā) thực hiện nhiều lễ Bố Tát (Uposatha), có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Bạch ngài, quy định về sự thỏa thuận là được phép?

- Này sư đệ, quy định về sự thỏa thuận ấy là như thế nào?

- Bạch ngài là thực thi hành sự với hội chúng không đủ số lượng (nghĩ rằng): "Chúng ta sẽ thuyết phục các tỷ-kheo đi đến," có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Bạch ngài, thực hành theo tập quán là được phép?

- Này sư đệ, thực hành theo tập quán là như thế nào?

- Bạch ngài là (vị nghĩ rằng): "Điều này thường được thực hành bởi thầy tế độ của ta, điều này thường được thực hành bởi thầy giáo thọ của ta," rồi thực hành theo, có được phép không?

- Này sư đệ, thực hành theo tập quán có điều được phép, có điều không được phép.

- Bạch ngài, quy định chưa được khuấy là được phép?

- Này sư đệ, quy định chưa được khuấy ấy là như thế nào?

- Bạch ngài, có loại sữa đã qua khỏi trạng thái sữa nhưng chưa ở vào trạng thái sữa đông, vị đã ăn xong, đã được thỏa mãn, lại uống loại sữa ấy không phải còn thừa lại (từ bữa ăn), có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Bạch ngài, quy định uống nước trái cây lên men là được phép?

- Này sư đệ, quy định uống nước trái cây lên men là như thế nào?

- Bạch ngài, là uống loại rượu vừa mới lên men nhưng chưa đạt đến trạng thái rượu mạnh.

- Này sư đệ, không có được phép.

- Bạch ngài, quy định tọa cụ không có viền quanh là được phép?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Bạch ngài, vàng bạc là được phép?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Bạch ngài, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ấy ở Vesālī công bố trong thành Vesālī mười sự việc này. Bạch ngài, chúng ta cần giải quyết sự tranh tụng này trước khi điều phi Pháp phát triển và Pháp bị bỏ quên, trước khi điều Phi Luật phát triển và Luật bị bỏ quên, trước khi những kẻ nói phi Pháp phát triển mạnh và những người nói về Pháp yếu đi, trước khi những kẻ nói Phi Luật phát triển mạnh và những người nói về Luật yếu đi.

- Đúng vậy, này sư đệ.

Đại đức Revata đã trả lời đại đức Yasa con trai của Kākandaka như thế.

Dứt Tụng phẩm thứ nhất.

[643] Các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã nghe được rằng: "Nghe nói Yasa con trai của Kākandaka có ý muốn giải quyết sự tranh tụng này nên quy tụ một nhóm, và nghe nói đã có được một nhóm." Khi ấy, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã khởi ý rằng: "Tranh sự này khó khăn và tế nhị. Làm thế nào chúng ta có thể có được một nhóm, bởi vì trong sự tranh tụng này chúng ta phải là lực lượng mạnh hơn?"

Sau đó, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã khởi ý rằng: "Chính vị đại đức Revata này là vị đa văn, sở hành được truyền thừa, là vị nắm giữ Pháp, là vị nắm giữ Luật, là vị thuộc lòng các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, chu đáo, là vị ưa thích các học giới. Nếu chúng ta có được đại đức Revata chung nhóm, như thế trong sự tranh tụng này chúng ta sẽ là lực lượng mạnh hơn."

Khi ấy, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã chuẩn bị nhiều vật dụng cần thiết của sa-môn: bình bát, y phục, tọa cụ, ống đựng kim, dây buộc thân, đồ lọc nước, và bình lọc nước. Sau đó, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã đem theo vật dụng cần thiết của sa-môn (đã chuẩn bị) ấy vội vã đáp thuyền đi Sahajāti. Sau khi rời thuyền, họ đã chia nhau thức ăn ở dưới một gốc cây nọ.

[644] Lúc bấy giờ, đại đức Sālha trong lúc độc cư thiền tịnh đã có một tư tưởng suy tầm khởi lên như vầy: "Những ai là người nói đúng Pháp: là các tỷ-kheo ở về hướng đông hay là các tỷ-kheo ở Pāvā?" Sau đó, đại đức Sālha trong khi quán xét về Pháp và Luật đã khởi ý rằng: "Các tỷ-kheo ở về hướng đông là các vị nói phi Pháp, các tỷ-kheo ở Pāvā là các vị nói đúng Pháp."

Khi ấy, một vị trời ở cõi Tịnh Cư Thiên dùng tâm biết được tư tưởng suy tầm của đại đức Sālha, rồi giống như một người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, cũng tương tợ như thế, vị ấy đã biến mất ở cõi Tịnh Cư Thiên và hiện ra trước mặt đại đức Sālha. Rồi vị trời ấy đã nói với đại đức Sālha điều này:

- Đúng rồi, bạch ngài Sālha, các tỷ-kheo ở về hướng đông là các vị nói phi Pháp, các tỷ-kheo ở Pāvā là các vị nói đúng Pháp. Như vậy, bạch ngài Sālha, hãy duy trì theo đúng Pháp.

- Này vị trời, ngay cả trước đây và bây giờ ta luôn duy trì theo đúng Pháp; nhưng ta sẽ không bộc lộ quan điểm trong sự tranh tụng này cho đến khi nào ta được chỉ định.

[645] Sau đó, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã đem vật dụng cần thiết của sa-môn (đã đem theo) ấy đi đến gặp đại đức Revata, sau khi đến đã nói với đại đức Revata điều này:

- Bạch ngài, xin vị trưởng lão hãy nhận lấy vật dụng cần thiết của sa-môn là bình bát, y phục, tọa cụ, ống đựng kim, dây buộc thân, đồ lọc nước, và bình lọc nước.

- Này các đại đức, ta đã có đầy đủ ba y rồi.

và ngài đã không muốn thọ lãnh.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỷ-kheo hai mươi tuổi hạ tên Uttara là thị giả của đại đức Revata. Khi ấy, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã đi đến gặp đại đức Uttara, đến rồi đã nói với đại đức Uttara điều này:

- Xin đại đức Uttara hãy nhận lấy vật dụng cần thiết của sa-môn là bình bát, y phục, tọa cụ, ống đựng kim, dây buộc thân, đồ lọc nước, và bình lọc nước.

- Các đại đức, ta đã có đầy đủ ba y rồi.

và đại đức đã không muốn thọ lãnh.

- Này đại đức Uttara, dân chúng thường dâng đến đức Thế Tôn vật dụng cần thiết của sa-môn. Nếu đức Thế Tôn thọ lãnh thì chính vì điều ấy mà họ được hoan hỷ. Nếu đức Thế tôn không thọ lãnh, họ dâng đến đại đức Ānanda: "Bạch ngài, xin vị trưởng lão hãy nhận lấy vật dụng cần thiết của sa-môn là bình bát, y phục, tọa cụ, ống đựng kim, dây buộc thân, đồ lọc nước, và bình lọc nước. Như thế sẽ được xem như là vật ấy đã được đức Thế Tôn thọ lãnh." Xin đại đức Uttara hãy nhận lấy vật dụng cần thiết của sa-môn; như thế sẽ xem như vật ấy đã được ngài trưởng lão thọ lãnh.

Khi ấy đại đức Uttara bị ép buộc bởi các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã nhận lấy một y (nói rằng):

- Này các đại đức, hãy nói lý do về việc này.

- Xin đại đức Uttara hãy nói với ngài trưởng lão chỉ có một điều này: "Bạch ngài, xin ngài trưởng lão hãy nói giữa hội chúng chỉ có một điều này: "Các vị Phật Thế Tôn đều sanh lên ở các quốc độ ở hướng đông. Các tỷ-kheo ở về hướng đông là các vị nói đúng Pháp, còn các tỷ-kheo ở Pāvā là các vị nói phi Pháp."

- Được rồi, này các đại đức.

Sau đó, đại đức Uttara nghe theo các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã đi đến gặp đại đức Revata, sau khi đến đã nói với đại đức Revata điều này:

- Bạch ngài, xin ngài trưởng lão hãy nói giữa hội chúng chỉ có một điều này: "Các vị Phật Thế Tôn đều sanh lên ở các quốc độ ở hướng đông. Các tỷ-kheo ở về hướng Đông là các vị nói đúng Pháp, còn các tỷ-kheo ở Pāvā là các vị nói phi Pháp."

- Này tỷ-kheo, ngươi xúi giục ta trong việc phi Pháp.

Rồi vị trưởng lão đã đuổi đại đức Uttara đi.

Khi ấy, các tỷ-kheo giòng dõi Vajji ở Vesālī đã nói với đại đức Uttara điều này:

- Này đại đức Uttara, ngài trưởng lão đã nói gì?

- Này các đại đức, chúng ta đã làm điều tầm bậy. Ngài trưởng lão đã đuổi tôi đi (nói rằng): "Này tỷ-kheo, ngươi xúi giục ta trong việc phi Pháp."

- Này đại đức Uttara, không phải đại đức đã thâm niên hai mươi năm rồi hay sao?

- Đúng vậy, này các đại đức. Nhưng chúng ta cũng cần sự nương tựa vào vị thầy.

[646] Lúc bấy giờ, hội chúng có ý muốn dàn xếp sự tranh tụng ấy đã tụ hội lại. Khi ấy đại đức Revata đã thông báo đến hội chúng rằng:

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu chúng ta giải quyết sự tranh tụng này ở nơi đây, các tỷ-kheo là những vị khởi sự có thể nêu lại vấn đề một lần nữa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên giải quyết sự tranh tụng này ở ngay tại nơi mà sự tranh tụng này đã sanh khởi.

Sau đó, các tỷ-kheo trưởng lão có ý muốn dàn xếp sự tranh tụng ấy đã đi đến Vesālī.

Vào lúc bấy giờ, vị trưởng lão của hội chúng trên trái đất có tên là Sabbakāmī đã tu lên bậc trên được một trăm hai mươi năm, là đệ tử của đại đức Ānanda, đang trú ở Vesālī. Khi ấy, đại đức Revata đã nói với đại đức Sambhūta Sānavāsī điều này:

- Này đại đức, tôi sẽ đi đến trú xá nơi trưởng lão Sabbakāmī đang trú ngụ; vậy đại đức có thể đi đến đại đức Sabbakāmī đúng lúc ấy để hỏi về mười quy định ấy.

- Xin vâng, bạch ngài. Đại đức Sambhūta Sānavāsī đã đáp lại đại đức Revata.

Sau đó, đại đức Revata đã đi đến trú xá nơi trưởng lão Sabbakāmī đang trú ngụ. Chỗ nằm ngồi của đại đức Sabbakāmī được sếp đặt ở phòng trong, còn của đại đức Revata ở trước phòng. Khi ấy đại đức Revata (nghĩ rằng): "Vị trưởng lão vĩ đại này không nằm," nên cũng không nằm xuống. Đại đức Sabbakāmī (nghĩ rằng): "Vị tỷ-kheo khách này dầu đang mệt vẫn không nằm," nên cũng không nằm xuống.

[647] Sau đó, trong đêm vào lúc gần sáng, đại đức Sabbakāmī đã trở ra và nói với đại đức Revata điều này:

- Này sư đệ mến, hiện nay ngươi thường xuyên an trú vào sự an trú nào?

- Bạch ngài, hiện nay tôi thường xuyên an trú vào sự an trú tâm từ.

- Này sư đệ mến, nghe nói hiện nay ngươi thường xuyên an trú vào sự an trú tâm rộng lượng. Này sư đệ mến, sự an trú tâm rộng lượng ấy tức là tâm từ.

- Bạch ngài, trước đây khi tôi còn là người tại gia, tâm từ đã được thực hành. Chính vì thế, ngay cả hiện nay tôi thường xuyên an trú vào sự an trú tâm từ, và tôi đã chứng đạt quả vị A La Hán lâu nay. Bạch ngài, ngài trưởng lão thường xuyên an trú vào sự an trú nào?

- Này sư đệ mến, hiện nay ta thường xuyên an trú vào sự an trú trong trạng thái không (suññatā)?

- Bạch ngài, nghe nói hiện nay ngài trưởng lão thường xuyên an trú vào sự an trú của bậc đại nhân. Bạch ngài, sự an trú của bậc đại nhân tức là trạng thái không.

- Này sư đệ mến, trước đây khi ta còn là người tại gia, trạng thái không đã được thực hành. Chính vì thế, ngay cả hiện nay ta thường xuyên an trú vào sự an trú trong trạng thái không, và ta đã chứng đạt quả vị A La Hán lâu nay.

[648] Trong khi cuộc nói chuyện trao đổi này của hai vị tỷ-kheo trưởng lão chưa chấm dứt thì đại đức Sambhūta Sānavāsī đã đến. Khi ấy, đại đức Sambhūta Sānavāsī đã đi đến gần đại đức Sabbakāmī, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Sabbakāmī rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sambhūta Sānavāsī đã nói với đại đức Sabbakāmī điều này:

- Bạch ngài, các tỷ-kheo này giòng dõi Vajji ở Vesālī công bố trong thành Vesālī mười sự việc: "Được phép cất giữ muối trong ống sừng, được phép ăn khi bóng mặt trời đã hai ngón tay, được phép đi vào làng rồi ăn thêm lần nữa, được phép hành Uposatha riêng rẽ, được phép hành sự không đủ tỷ-kheo, được phép thực hành theo tập quán, được phép uống sữa chua lúc quá ngọ, được phép uống nước trái cây lên men, được phép sử dụng tọa cụ không có viền quanh, được phép tích trữ vàng bạc." Bạch ngài, ngài trưởng lão đã học tập được nhiều Pháp và Luật từ nơi thầy tế độ; bạch ngài, khi ngài trưởng lão quán xét về Pháp và Luật thì khởi ý thế nào? Những ai là người nói đúng Pháp: Các tỷ-kheo ở về hướng đông hay là các tỷ-kheo ở Pāvā?

- Này sư đệ, ngươi cũng đã học tập được nhiều Pháp và Luật từ nơi thầy tế độ; này sư đệ, khi ngươi quán xét về Pháp và Luật thì khởi ý thế nào? Những ai là người nói đúng Pháp: Các tỷ-kheo ở về hướng đông hay là các tỷ-kheo ở Pāvā?

- Bạch ngài, khi quán xét về Pháp và Luật thì tôi khởi ý thế này: "Các tỷ-kheo ở về hướng đông là các vị nói phi Pháp, các tỷ-kheo ở Pāvā là các vị nói đúng Pháp;" nhưng tôi sẽ không bộc lộ quan điểm cho đến khi nào tôi được chỉ định trong sự tranh tụng này.

- Này đệ, khi quán xét về Pháp và Luật thì ta cũng khởi ý thế này: "Các tỷ-kheo ở về hướng đông là các vị nói phi Pháp, các tỷ-kheo ở Pāvā là các vị nói đúng Pháp;" nhưng ta sẽ không bộc lộ quan điểm cho đến khi nào ta được chỉ định trong sự tranh tụng này.

[649] Lúc bấy giờ, hội chúng có ý muốn dàn xếp sự tranh tụng ấy đã tụ hội lại. Trong khi sự tranh tụng ấy đang được xem xét, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không một lời phát biểu nào có ý nghĩa. Khi ấy, đại đức Revata đã thông báo đến hội chúng rằng:

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi sự tranh tụng này của chúng ta đang được xem xét, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không một lời phát biểu nào có ý nghĩa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên giải quyết sự tranh tụng này bằng đại biểu. Hội chúng đã chọn bốn tỷ-kheo ở hướng đông, bốn tỷ-kheo ở Pāvā. Đại đức Sabbakāmī, đại đức Sālha, đại đức ujjasobhita, đại đức Vāsabhagāmika là (đại biểu) của các tỷ-kheo ở hướng đông, đại đức Revata, đại đức Sambhūta Sānavāsī, đại đức Yasa con trai của Kākandaka, và đại đức Sumana là (đại biểu) của các tỷ-kheo ở Pāvā.

Sau đó, đại đức Revata đã thông báo đến hội chúng rằng:

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi sự tranh tụng này của chúng ta đang được xem xét, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không một lời phát biểu nào có ý nghĩa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định bốn tỷ-kheo ở hướng đông, bốn tỷ-kheo ở Pāvā để giải quyết sự tranh tụng này bằng đại biểu. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi sự tranh tụng này của chúng ta đang được xem xét, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không một lời phát biểu nào có ý nghĩa. Hội chúng chỉ định bốn tỷ-kheo ở hướng đông, bốn tỷ-kheo ở Pāvā để giải quyết sự tranh tụng này bằng đại biểu. Đại đức nào thỏa thuận với sự chỉ định bốn tỷ-kheo ở hướng đông, bốn tỷ-kheo ở Pāvā để giải quyết sự tranh tụng này bằng đại biểu, xin im lặng; đại đức nào không đồng ý có thể nói lên.

Bốn tỷ-kheo ở hướng đông, bốn tỷ-kheo ở Pāvā đã được hội chúng chỉ định để giải quyết sự tranh tụng này bằng đại biểu. Hội chúng thỏa thuận nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

[650] Vào lúc bấy giờ, có vị tỷ-kheo tên Ajita được mười năm thâm niên là vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi ấy, hội chúng đã chỉ định đại đức Ajita là vị sắp xếp chỗ ngồi cho các tỷ-kheo trưởng lão. Lúc bấy giờ, các tỷ-kheo trưởng lão đã khởi ý rằng: "Chúng ta nên giải quyết sự tranh tụng này ở đâu?" Khi ấy, các tỷ-kheo trưởng lão đã khởi ý rằng: "Tu viện Vālika này xinh xắn ít tiếng động, ít ồn ào; như vậy chúng ta nên giải quyết sự tranh tụng này ở tu viện Vālika."

Sau đó, các tỷ-kheo trưởng lão có ý muốn dàn xếp cuộc sự tranh tụng ấy đã đi đến tu viện Vālika.

[651] Khi ấy, đại đức Revata đã thông báo đến hội chúng rằng:

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi xin hỏi đại đức Sabbakāmī về Luật.

Đại đức Sabbakāmī cũng đã thông báo đến hội chúng rằng:

- Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, khi được đại đức Revata hỏi về Luật, tôi sẽ trả lời.

[652] Rồi đại đức Revata đã hỏi đại đức Sabbakāmī điều này:

- Bạch ngài, quy định cất giữ muối trong ống sừng là được phép?

- Này sư đệ, quy định cất giữ muối trong ống sừng là như thế nào?

- Bạch ngài, là mang theo muối bằng ống sừng (nghĩ rằng): "Món nào không có muối, ta sẽ thưởng thức món ấy," có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Việc ấy được phủ quyết ở đâu?

- Ở Sāvatthi, trong phần Suttavibhaṅga.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội Ưng đối trị (pācittiya) trong vấn đề vị (tỷ-kheo) cất giữ vật thực.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ nhất đã được hội chúng giải quyết xong. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo sư. Tôi để riêng thẻ thứ nhất này.

[653] - Bạch ngài, quy định hai ngón tay là được phép?

- Này sư đệ, quy định hai ngón tay ấy là như thế nào?

- Bạch ngài, là ăn vật thực sái giờ khi bóng nắng mặt trời (chiếu ở trên đất) đã dài hai ngón tay, có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Việc ấy được phủ quyết ở đâu?

- Ở thành Rājagaha, trong phần Suttavibhaṅga.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội Ưng đối trị (pācittiya) trong vấn đề vật thực sái giờ.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ hai đã được hội chúng giải quyết xong. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo sư. Tôi để riêng thẻ thứ hai này.

[654] - Bạch ngài, quy định trong làng là được phép?

- Này sư đệ, quy định trong làng ấy là như thế nào?

- Bạch ngài, là vị đã ăn xong, đã được thỏa mãn (nghĩ rằng): "Bây giờ, ta sẽ đi vào trong làng," rồi thọ dụng thức ăn không phải còn thừa, có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Việc ấy được phủ quyết ở đâu?

- Ở Sāvatthi, trong phần Suttavibhaṅga.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội Ưng đối trị (pācittiya) trong vấn đề vật thực không phải còn thừa lại.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ ba đã được hội chúng giải quyết xong. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo sư. Tôi để riêng thẻ thứ ba này.

[655] - Bạch ngài, quy định về chỗ trú ngụ là được phép?

- Này sư đệ, quy định về chỗ trú ngụ ấy là như thế nào?

- Bạch ngài là nhiều trú xứ có chung ranh giới (sīmā) thực hiện nhiều lễ Bố Tát (Uposatha), có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Việc ấy được phủ quyết ở đâu?

- Ở Rājagaha, trong chương về Uposatha.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội tác ác (dukkata) trong vấn đề vi phạm Luật.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ tư đã được hội chúng giải quyết xong. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo sư. Tôi để riêng thẻ thứ tư này.

[656] - Bạch ngài, quy định về sự thỏa thuận là được phép?

- Này sư đệ, quy định về sự thỏa thuận ấy là như thế nào?

- Bạch ngài là thực thi hành sự với hội chúng không đủ số lượng (nghĩ rằng): "Chúng ta sẽ thuyết phục các tỷ-kheo đi đến," có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Việc ấy được phủ quyết ở đâu?

- Ở trong câu chuyện về Luật của các vị ở Campā.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội tác ác (dukkata) trong vấn đề vi phạm Luật.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ năm đã được hội chúng giải quyết xong. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo sư. Tôi để riêng thẻ thứ năm này.

[657] - Bạch ngài, thực hành theo tập quán là được phép?

- Này sư đệ, thực hành theo tập quán là như thế nào?

- Bạch ngài là (vị nghĩ rằng): "Điều này thường được thực hành bởi thầy tế độ của ta, điều này thường được thực hành bởi thầy giáo thọ của ta," rồi thực hành theo, có được phép không?

- Này sư đệ, thực hành theo tập quán có điều được phép, có điều không được phép.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ sáu đã được hội chúng giải quyết xong. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo sư. Tôi để riêng thẻ thứ sáu này.

[658] - Bạch ngài, quy định chưa được khuấy là được phép?

- Này sư đệ, quy định chưa được khuấy ấy là như thế nào?

- Bạch ngài, có loại sữa đã qua khỏi trạng thái sữa nhưng chưa ở vào trạng thái sữa đông, vị đã ăn xong, đã được thỏa mãn, lại uống loại sữa ấy không phải còn thừa lại (từ bữa ăn), có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Việc ấy được phủ quyết ở đâu?

- Ở Sāvatthi, trong phần Suttavibhaṅga.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội Ưng đối trị (pācittiya) trong vấn đề vật thực không phải còn thừa lại.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ bảy đã được hội chúng giải quyết xong. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo sư. Tôi để riêng thẻ thứ bảy này.

[659] - Bạch ngài, quy định uống nước trái cây lên men là được phép?

- Này sư đệ, quy định uống nước trái cây lên men là như thế nào?

- Bạch ngài, là uống loại rượu vừa mới lên men nhưng chưa đạt đến trạng thái rượu mạnh.

- Này sư đệ, không có được phép.

- Việc ấy được phủ quyết ở đâu?

- Ở Kosambī, trong phần Suttavibhaṅga.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội Ưng đối trị (pācittiya) trong vấn đề uống rượu và chất say.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ tám đã được hội chúng giải quyết xong. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo sư. Tôi để riêng thẻ thứ tám này.

[660] - Bạch ngài, quy định tọa cụ không có viền quanh là được phép?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Việc ấy được phủ quyết ở đâu?

- Ở Sāvatthi, trong phần Suttavibhaṅga.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội Ưng đối trị (pācittiya) trong phần cần được cắt bỏ.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ chín đã được hội chúng giải quyết xong. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo sư. Tôi để riêng thẻ thứ chín này.

[661] - Bạch ngài, vàng bạc là được phép?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Việc ấy được phủ quyết ở đâu?

- Ở Rājagaha, trong phần Suttavibhaṅga.

- Làm việc ấy phạm tội gì?

- Phạm tội Ưng đối trị (pācittiya) trong vấn đề thọ lãnh vàng bạc.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ mười đã được hội chúng giải quyết xong. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo sư. Tôi để riêng thẻ thứ mười này.

[662] Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, mười vấn đề này đã được hội chúng giải quyết xong. Như thế, mười sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo sư.

[663] Này sư đệ, sự tranh tụng này đã được kết thúc, được yên lặng, được ổn thỏa, khéo được ổn thỏa. Này sư đệ, sư đệ có thể hỏi ta về mười sự việc này trước hội chúng để các tỷ-kheo ấy cùng nhau hiểu rõ.

Sau đó, đại đức Revata đã hỏi đại đức Sabbakāmi về mười quy định ấy trước hội chúng. Đại đức Sabbakāmi đã trả lời mỗi khi được hỏi.

Trong cuộc kết tập về Luật có bảy trăm tỷ-kheo không thiếu và không dư; cho nên cuộc kết tập về Luật này được gọi là "Liên quan bảy trăm vị."

Chương Liên Quan Bảy Trăm Vị là chương thứ mười hai.
Trong chương này có hai mươi lăm sự việc.

Tóm Lược Chương này:

[664]

Mười vấn đề, đầy nước,
hành sự, cùng sứ giả,
đi vào, bốn điều nữa,
và vàng, Kosambī
và vị ở Pāvā,
đường đi Soreyya,
khu vực Saṅkassa,
vùng Kannakujja,
vùng Udumbara,
và Sahajāti,
rồi yêu cầu, đã nghe,
"Chúng ta nên làm gì?"
Thuyền ngược giòng, bình bát,
vị ở xa thanh vắng,
đem cho, vị thầy dạy,
hội chúng, và Vệ Xá,
tâm bác ái, hội chúng,
các đại biểu (giải quyết).

Tiểu Phẩm được đầy đủ.

----oOo----


Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

Source: BuddhaSasana

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]