Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2

18/04/201317:29(Xem: 2901)
Phần 2

NHỮNG TRUYỆN DUYÊN KHỞI

TRONG LUẬTBÍ-SÔ-NI

Lược thuật:Giác Tuệ

Hiệu đính:Thích Đỗng Minh

Chú thích:Tâm Nhãn

--- o0o ---

Phần 2

TÁM VIỆC THÀNH PHẠM

Khi đức Phật ở tại thành Thất-la-phiệt, thì lúc bấy giờ, trong thành này có một nam tử bán hương, tướng mạo đoan chánh, cưới vợ chưa bao lâu. Bí-sô ni Thổ La Nan Ðà nhân đi qua trông thấy, liền sanh ái nhiễm, hỏi nam tử:

-Anh cưới vợ bao lâu rồi ? Người vợ của anh hình dáng thế nào ? Hai vợ chồng có thương nhau không ?

Nam tử trả lời:

-Thưa thánh giả, nếp sống của kẻ đạo người tục có khác nhau, phiền gì thánh giả phải hỏi điều đó ?

Cô ni nói:

-Anh và em cùng giao hợp, há không vui thú lắm sao ?

Cô ni nói mãi những lời khêu gợi, khiến nam tử phải sanh nhiễm trước. Cô ni cùng hẹn, bảo nam tử đến chùa ni, vào cửa ngõ... phòng... chỗ cư trú của mình, để cùng nhau gặp gỡ. Nam tử dặn:

-Chớ nên cho người ngoài biết việc riêng tư này.

Ni cô dặn:

-Khi vào chùa, anh không nên lắc linh.

Ni cô dặn dò xong, về chùa.

Ðến chiều tối, theo sự ước hẹn, nam tử đến chỗ phòng ở của cô ni. Cô ni vừa thấy nam tử đến, liền kêu vào phòng mình và dấu nam tử dưới gầm giường. Các đệ tử của cô ni đến bên ngoài phòng thỉnh vấn, sau khi thọ giáo, đều trở về phòng. Khi ấy, cô ni cũng trở về phòng, thì nam tử từ dưới gầm giường chui ra. Cô ni vì quên, nên la lên là có kẻ trộm, khiến cho nam tử hoảng sợ vội trả lời:

- Tôi không phải là ăn trộm, mà là người được hẹn đến đây.

Bấy giờ, nhiễm tâm từ bên trong bộc phát, nam tử liền ôm cô ni đặt lên giường. Cô ni tự nghĩ: “Ta là người đứng đầu trong chúng, nhiếp phục được mọi người là nhờ giới đức. Ta phá Thi-la 1thì làm sao được ! Mọi người biết việc ta làm, thảy đều vất bỏ ta thì sao ?!!”.

Cô ni suy nghĩ như vậy rồi, liền hối thiếu niên ra gấp. Theo lời cô ni, thiếu niên bỏ chạy ra. Cùng lúc đó, cô ni cũng vùng chạy, và tông nhằm ngực của thiếu niên. Thiếu niên ngã nhào xuống đất, mửa máu. Cô ni chạy ra ngoài, lớn tiếng kêu lên:

- Quý vị nên biết, tôi đã hàng ma, đã xô ngã được oán địch.

Chư ni nghe, thảy đều cùng hỏi:

- Ðại tỷ, chứng đắc quả A-la-hán chăng?

Cô ni trả lời:

- Không chứng đắc.

Chư ni lại hỏi:

- Có chứng được Bất-hoàn, Nhất-lai, Dự-lưu quả chăng ?

Cô ni trả lời:

- Không chứng.

Chư ni lại hỏi tiếp:

- Cô đã trần thiết nhiều phẩm vật cúng dường đức Thế Tôn chăng ?

Cô ni cũng đáp:

- Không.

Chư ni nói:

- Như vậy thì tại sao cô lớn tiếng kêu lên như thế ?!

Cô ni liền chỉ người nam tử và nói:

-Người này đã vào phòng tôi, tôi dùng chân đạp, khiến cho mửa máu.

Chư ni nghe và thấy sự việc như vậy, liền hỏi:

- Nếu cô không dẫn vào, thì người này làm sao vào trong chùa này được ?!

Các Bí-sô ni đều cùng cơ hiềm:

- Cô làm ác nghiệp, chúng tôi không tùy hỷ.

Chư ni bạch lại Bí-sô. Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật dùng nhân duyên này tập hợp các ni chúng. Ngài nhận thấy những điều lợi ích nên hỏi Bí-sô ni kia:

- Thật sự cô đã làm những việc này phải không ?

Bạch rằng:

- Chính con đã làm.

Ðức Phật liền quở trách:

- Người làm hạnh bất tịnh, chẳng phải việc tùy thuận, chẳng phải hạnh của Sa-môn nữ, chẳng phải việc làm của người xuất gia.

Ðức Thế Tôn dùng mọi cách quở trách rồi, liền bảo với các Bí-sô ni rằng:

- Ta nhận thấy mười điều lợi ích đối với Tỳ-nại-da của Thanh văn ni, nên nay chế học xứ như vầy:

Bí-sô ni nào, tự mình có nhiễm tâm, cùng với nam tử có nhiễm tâm, dựa kề, cười giỡn, hẹn chỗ đến, hẹn giờ đến, được thể hiện bên ngoài, chấp nhận, chỗ vắng cùng trượng phu buông thân nằm. Tám việc như vậy mà cùng nhau nhận lãnh, Bí-sô ni này mắc Ba-la-thi-ca, không được sống chung”.

MỘT MÌNH ÐẾN NHÀ THẾ TỤC

Khi đức Phật ở tại thành Vương-xá, có Bí-sô ni tên là Thiện Hữu, dùng việc không có thật, để hủy báng Thật Lực Tử. Khi ở trước mặt các Bí-sô, Thiện Hữu tự nói mình đã phạm giới, bèn xin hoàn tục, rồi sau đó bị bệnh khổ.

Thiện Hữu có người em gái là Bí-sô ni Tri Hữu, khi bệnh Thi��n Hữu nặng, gần qua đời, liền nhắn Bí-sô ni Tri Hữu rằng:

- Nay tôi lâm phải bệnh khổ, gần qua đời, cô nên đến gấp để tôi được gặp mặt.

Tri Hữu nhận được tin, liền đến. Trong đêm đó, Thiện Hữu qua đời. Người chồng đi vắng, đêm ấy vừa về, thấy vợ đã chết, đấm ngực khóc than:

- Ai sẽ nuôi nấng con trai con gái trong nhà này đây !

Người thân trong gia đình bảo rằng:

- Dì Tri Hữu đây có thể thay thế.

Tri Hữu nghe vậy liền nghĩ: “Nếu ta trả lời, thì sợ có thể bị bức nhục”, nên làm thinh mà ngồi suốt đêm. Sáng hôm sau, Tri Hữu sắp sửa ra về, thì người anh rể bảo:

- Nay dì muốn đi đâu ? Dì có thể ở đây nuôi nấng các cháu. Ðã là thân tộc, há không bi mẫn sao ?

Người anh rể đến trước mặt, muốn chận Tri Hữu lại. Cô ni Tri Hữu cao giọng giả giận nói lớn:

- Tự thân ông cùng con trai con gái của ông, nhất thời đều chết, cũng không có can gì đến việc của tôi !

Cô ni liền đi vội về chùa. Chư ni thấy, hỏi:

- Ðêm rồi, cô ngủ với ai, ở đâu ?

Ðáp:

- Tôi ngủ không có bạn.

Chư ni nói:

- Nếu gặp ác nhân, há không phá hoại cuộc sống phạm hạnh của cô sao ?!

Tri Hữu trả lời:

- Nếu tôi lên tiếng, thì chắc chắn đã tự chuốc lấy họa ấy.

Chư ni hỏi kỹ và Tri Hữu trả lời đầy đủ. Chư ni đem việc này bạch lại Bí-sô. Bí-sô bạch lên đức Phật. Ðức Phật dùng nhân duyên này tập hợp các ni chúng, hỏi Bí-sô ni Tri Hữu rằng:

- Thật sự, ban đêm ngươi từ chùa đến chỗ khác ngủ, phải không ?

Tri Hữu thưa:

- Thật vậy, bạch Thế Tôn !

Ðức Phật dạy:

- Ðây không phải là việc làm của người xuất gia, phái nữ.

Ðức Thế Tôn quở trách, rồi chế học xứ như vầy:

-Bí-sô ni nào, một mình từ chùa đến chỗ khác ngủ, Tăng-già-phạt-thi-sa1.

ÐỘ PHỤ NỮ ÐÃ LÀM VIỆC PHI PHÁP

Khi đức Phật ở tại thành Vương-xá, vua Thắng Quang có một tướng quân tên là Năng Chấp Kiếm, thường ra quân đi chinh phạt. Vợ của vị tướng này ở nhà, vì dục tình bức bách, nên cùng với ngoại nhân giao thông. Người chồng về, nghe biết sự việc, liền dùng roi và trượng để trị phạt. Tuy bị trừng phạt, chịu khổ nhục như vậy, nhưng người vợ vẫn không bỏ việc ấy. Tướng quân liền nghĩ: “Ta vì quốc vương đi hàng phục thôn ấp khác, khiến cho họ thuận theo. Tại sao vợ của ta không thể làm cho nó nghiêm túc lại được ?!”. Nghĩ như vậy rồi, tướng quân liền đến tâu với nhà vua:

- Cúi xin đại vương, đại vương nên chế lập luật pháp cho người phụ nữ. Nếu không tu sửa đức hạnh của người phụ nữ, thì sẽ ô nhiễm hiến chương, mắc tội xâm phạm luật pháp rất nặng !

Nhà vua nói:

- Ðó là điều tốt.

Sau đó một thời gian, có người con gái của một tướng quân, vi phạm luật này, bị chồng bỏ và bị pháp luật trị tội. Người đàn bà này đến pháp quan, thưa:

- Tôi mới phạm tội một lần, xin được tha thứ !

Pháp quan nói:

- Tội này không thể tha thứ được.

Người nữ biết chắc sẽ không khỏi chết, nên xin:

- Cho được sống thêm bảy năm.

Pháp quan nói:

- Không thể được !

Người nữ nói:

- Nếu sống thêm bảy năm không thể được, thì cho tôi được sống thêm sáu, năm, bốn, ba, hai hay một năm.

Pháp quan cũng đều nói:

- Không thể được !

Tử tội tiếp tục xin được sống thêm bảy tháng, cho đến một tháng. Pháp quan đều nói: “Không thể được”. Cuối cùng tội phạm chỉ van xin được hoãn chết bảy ngày, pháp quan chấp thuận.

Sau khi được chấp thuận, người nữ này tự nghĩ: “Ta chỉ còn sống bảy ngày nữa, rồi sẽ bị hành hình!”. Vì vậy, bà ta khóc ròng rã và đồng thời lo tu các phước nghiệp.

Bấy giờ, ni Thổ La Nan Ðà, vào giờ tiểu thực, đắp y mang bát vào thành khất thực, đến nhà người nữ kia, thấy bà ta khóc sướt mướt, hỏi:

- Này thiếu nữ, vì lý do gì mà tâm đau khổ đến nỗi rơi lệ, trong khi làm việc bố thí như vậy ?

Người nữ thưa rằng:

- Tôi bị tội tử hình, đã gần đến ngày chết rồi !

Cô ni ngạc nhiên nói:

- Chớ nói lên những lời không tốt như vậy !

Người nữ liền khóc và kể lại đầu đuôi câu chuyện.

Cô ni nói:

- Như vậy, tại sao không bỏ thế tục đi xuất gia?

Người nữ thưa:

- Ai là người dìu dắt tôi làm điều đó ?

Cô ni nói:

- Tôi sẽ giúp cô việc xuất gia này.

Người nữ liền đảnh lễ sát chân, và thưa:

- Kính bạch thánh giả, ngài đã ban cho tôi mạng sống !

Thổ La Nan Ðà liền cho xuất gia.

Tướng quân Chấp Kiếm nghe người nữ ác độc kia nay đã xuất gia, liền nói như vầy:

- Há có thể để người kia vào trong thành Vô úy được chăng ? Ðợi đủ bảy ngày, ta sẽ đoạn mạng người ấy !

Cô ni nghe những lời nói này, toan dẫn người nữ kia tìm bạn an ủi, liền đến chỗ mười hai ni chúng, nói:

- Người nữ này là con gái của quan... đã quy y Phật, quy y Pháp rồi, nay quay về với quý vị.

Người nữ kia được dẫn đến hết mười hai chúng. Mười hai chúng nói:

- Ðây là việc thiện. Nay ta sẽ nhiếp thọ, ai lại dám nói ? Nếu có ai vội đến đây nói, ta sẽ tự giải thích.

Thổ La Nan Ðà lại dẫn người nữ kia đến chỗ Ðại thế chúa, thưa rằng:

- Kính bạch thánh giả, thánh giả biết cho, người nữ này là con của quan... thâm tâm quy y Phật, Pháp, Tăng bảo. Nay đến quy y sát chân Ðại thế chúa.

Ðại thế chúa hỏi về cô ta, người nữ trình bày đầy đủ. Thế chúa bảo rằng:

- Này chị em, đây là người không có đức hạnh, sao có thể dùng được ?!

Thổ La Nan Ðà lại dẫn người nữ này đến chỗ Thắng Man phu nhân, và thưa:

- Kính thưa phu nhân, người nữ này là con của quan... đã quy y Tam bảo, nay quay về nương tựa phu nhân.

Phu nhân hỏi cô ta, người nữ này trình bày đầy đủ như trước. Phu nhân nói:

- Ðây là người nữ không có đức hạnh, tại sao lại vội độ xuất gia ? Ðây là việc làm phi pháp, là việc làm sai lầm, ta sẽ tâu lên vua.

Phu nhân đến chỗ vua, trình bày đầy đủ mọi việc. Nhà vua bảo:

- Ðây là vấn đề thật sự phi pháp, song nó là việc khó quyết đoán. Nếu y theo pháp luật mà giết thì thương tổn đến Phật giáo, ta phải chịu ảnh hưởng xấu ác. Nếu nay phóng thích thì lại vi phạm đến hình phạt.

Tấn thối, cả hai đều khó quyết đoán, nhà vua liền sai sứ giả báo cáo đầy đủ mọi việc với tướng quân Chấp Kiếm. Tướng quân tâu lại:

- Nghiêm lệnh đã lập ra, mọi người đều biết, làm sao đối với người nữ này, nhà vua lại muốn vi phạm luật pháp chính mình đã chế, để rồi phóng thích chăng ?!

Nhà vua nói:

- Trường hợp này nên tha thứ thì hơn, chỉ chế cấm cho người khác (tại gia).

Tướng quân nghe như vậy, cơ hiềm mạnh mẽ:

- Tại sao lại độ cho người nữ phi pháp thế này xuất gia ?

Chư ni đem việc này bạch lại Bí-sô. Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật dùng nhân duyên này tập hợp các Bí-sô ni, hỏi lại để xác định sự thật, quở trách... rồi chế học xứ như vầy:

Bí-sô ni nào, biết phụ nữ khác làm việc phi pháp, mọi người đều chê, bị chồng từ bỏ, dù có tâu vua biết, mà độ xuất gia, Tăng-già-phạt-thi-sa”.

ÐÒI VẬT NGƯỜI ÐÃ QUA ÐỜI

Khi đức Phật ở tại thành Vương-xá, trong thành này có một trưởng giả rất giàu, bỗng nhiên lâm trọng bệnh, chữa chạy thuốc men một thời gian lâu, không hề thuyên giảm. Ông trưởng giả biết không thể sống được lâu nữa, bèn lập đàn bố thí rộng rãi, cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, giúp kẻ bần cùng cô quả.

Bấy giờ, Bí-sô ni Thổ La Nan Ðà, vào bữa tiểu thực, mặc y bưng bát, nhân đi khất thực, ghé vào nhà ông trưởng giả, cầu nguyện:

- Nguyện ông trưởng giả không bệnh, an ổn!

Ông trưởng giả bạch:

- Kính thưa thánh giả, đối với thân mạng của con không hy vọng sống lâu, còn lòng con lại không khỏi bệnh hoạn; tất cả mọi của cải đềulâp đàn tu phước.

Cô ni nghe xong, liền nói:

- Này hiền thủ ! Tôi rất mừng vui khi nghe ông làm việc hợp lý này. Song giới người nữ của chúng tôi, vấn đề lợi dưỡng rất là thiếu thốn, ít oi. Nếu theo thứ tự xả thí, thì ân huệ của chúng tôi được nhiều ít, bao nhiêu?

Ông trưởng giả trả lời:

- Tài sản của con hiện có đã xả thí hết, tại sao thánh giả không đến sớm ?

Ni Thổ La Nan Ðà nói:

- Không lẽ tôi từ nhà này ra đi với hai bàn tay không ? Ðây là một điều tổn phước và tai hại !

Trưởng giả trả lời:

- Không còn thứ gì cả, làm sao đây ?!

Ni cô nói:

- Này hiền thủ, ắt phải có chút ít gì để cứu giúp cho nhau chứ !

Bấy giờ, ông trưởng giả chỉ còn có một khế ước của người thiếu nợ, liền chỉ cho cô ni, và nói:

- Thưa thánh giả, hiện nay trong nhà con chỉ còn bản khế ước này, nếu cần cô có thể nhận.

Cô ni nói:

- Này hiền thủ, nếu cho thì tôi mang về.

Cô ni nhận khế ước và nói với ông trưởng giả:

- Do nhờ phước thí nàyTâm đặng diệu trang nghiêm

Thường được đủ của cảiÐạt đến vui vô thượng.

Ông trưởng giả nói:

- Thưa thánh giả, người mắc nợ này nhà nghèo, không thể trả hết một lần. Họ sẽ lần lượt trả ít nhiều, chớ nên gây phiền phức đối với họ.

Cô ni nói:

- Này hiền thủ, tôi là người xuất gia, há không đắn đo suy tính, để gây não loạn đối với người khác sao ?! Ðó là điều không hợp lý.

Không bao lâu, ông trưởng giả mạng chung. Cô ni nghe tin này liền đến kéo lôi, xô đẩy, bắt người mắc nợ đến nơi ngã tư để đòi. Trưởng giả, Bà-la-môn thấy vậy, cơ hiềm: “Tại sao Bí-sô ni lại dựa vào khế ước của người đã chết mà lôi kéo người mắc nợ !”.

Chư ni đem việc này bạch lại Bí-sô. Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật dùng nhân duyên này tập hợp ni chúng, hỏi để rõ sự thật, quở trách..., rồi chế học xứ như vầy:

Bí-sô ni nào, dựa vào khế ước của người khác, mà vì mình đòi vật người đã qua đời, Tăng-già-phạt-thi-sa.

VỘI LÀM PHÁP GIẢI TỘI

Khi đức Phật ở tại thành Vương-xá, bấy giờ, có Bí-sô ni tên là Loạn Ý, ôm lòng giận hờn, thường dùng những lời thô ác, mạ nhục lẫn nhau, nên các ni chúng thảy đều cơ hiềm, khinh tiện cô ta. Nhân lúc Bí-sô ni Loạn Ý đi khất thực, chư ni thấy vắng, liền cùng nhau hội họp nói hạnh ác của cô ta.

Cô Loạn Ý có một người con gái tên là Tịch Tịnh, nghe biết mọi người nói lỗi của mẹ mình, chờ mẹ khất thực về đến để thưa lại. Người mẹ nghe qua, tâm liền nổi giận, đối với ni chúng, dùng những lời thô ác cay nghiệt. Mọi người tìm hiểu để biết, ai đã nói những lời chia rẻ, đấu tranh đó. Cuối cùng mới biết ra: cô Tịch Tịnh đã đến nói lại với mẹ điều ấy. Ðại chúng liền trao cho Tịch Tịnh pháp Yết-ma Xả trí 1. Tịch Tịnh kêu khóc, đến chỗ người mẹ, kính lễ sát chân, thưa:

- Chư ni đã trao cho con pháp Yết-ma Xả trí.

Loạn Ý nghe qua, nổi cơn phẫn nộ bội phần, nói:

- Mong sao, chúng tác pháp Yết-ma cho tất cả mọi người trong nước !

Loạn Ý nói lẫy như vậy, rồi dẫn cô con gái ra ngoài giới, tác pháp giải Yết-ma.

Chư ni nói:

- Chúng vì người con gái của cô, tác pháp Yết-ma Xả trí. Vì sao cô lại ra ngoài giới làm pháp giải nó?

Ni Loạn Ý trả lời:

- Chúng cưỡng tác pháp, tôi giải, có lỗi gì?!

Chư ni hỏi:

- Cô cùng ai tác pháp, và tác pháp nơi nào ?

Cô Loạn Ý nói:

- Tôi cùng với người khác đã tác pháp ngoài giới, để giải.

Chư ni nói:

- Tác pháp để giải như vậy, có hợp lý hay không?

Loạn Ý trả lời:

- Dù hợp hay không hợp, tôi đã làm rồi, có can gì đến việc của cô ?!

Chư ni đem việc này bạch lại Bí-sô. Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật dùng nhân duyên này, tập hợp chư ni, hỏi để xác định sự thật, quở trách... rồi chế học xứ như vầy:

Bí-sô ni nào, đaõ biết Bí-sô ni bị chúng Bí-sô ni tác pháp Yết-ma Xả trí, liền ra ngoài giới, tác pháp Yết-ma giải, Tăng-già-phạt-thi-sa.

KHÔNG BỎ ÁC KIẾN

Tại thành Thất-la-phạt, có một Bí-sô ni tên là Hắc Sắc, đã từng theo ngoại đạo. Mỗi lần cùng với các Bí-sô ni đấu tranh gây nhiễu loạn, thì Hắc Sắc nói: “Xả Phật, Pháp, Tăng. Chẳng phải chỉ có Sa-môn Thích nữ mới trì giới đức hạnh, lòng luôn chơn chất ngay thẳng, thuần thiện phạm hạnh, mà các nơi khác cũng có những người lành như vậy. Ta sẽ đến đó để tu phạm hạnh”. Chư ni đem việc này bạch lên Phật. Ðức Phật bảo chư ni:

- Có thể ở nơi vắng vẻ can gián ni Hắc Sắc. Cô ni nào khác, nếu muốn can gián, thì phải nói như vầy: “Cô ni Hắc Sắc, khi nào có tranh cãi, thì chớ nên nói “Tôi xả Phật, Pháp, Tăng. Chẳng phải chỉ có Sa-môn Thích nữ mới trì giới đức hạnh, mà các nơi khác cũng có những người lành như vậy. Ta sẽ đến đó để tu phạm hạnh”. Này ni Hắc Sắc, nay cô nên bỏ ác kiến như vậy đi!”.

Khi chư ni theo lời dạy, tác pháp can gián nơi chỗ vắng, thì cô ni kia, đối với sự việc đó, chấp chặt không bỏ, lại nói: “Chỉ có đây mới là những sự thật, ngoài ra đều là hư vọng”.

Chư ni đem việc này bạch lại Bí-sô. Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật bảo chư ni:

- Các cô nên trao cho ni Hắc Sắc bạch tứ Yết-ma can gián. Ðánh kiền chùy..., tập họp tất cả ni chúng. Một ni tác bạch: “Ðại đức Ni Tăng xin lắng nghe, Bí sô ni Hắc Sắc này, tự mình khởi lên ác kiến, khi tranh cãi thìnói: “Nay tôi xả Phật, Pháp, Tăng. Chẳng phải chỉ có Sa-môn Thích nữ này mới có trì giới đức hạnh, lòng luôn luôn chơn chất ngay thẳng, thuần thiện phạm hạnh, mà các nơi khác cũng có người lành như ở đây. Ta sẽ đến đó để tu phạm hạnh”. Bí-sô ni nên can gián nơi chỗ vắng vẻ. Khi can gián, nếu ác kiến không bỏ, mà cô lại nói: “Ðây là những sự thật, ngoài ra đều là hư vọng”. Nếu thời gian thích hợp đối với Bí-sô ni Tăng cho phép, thì Bí-sô ni Tăng nên chấp thuận: “Nay Bí-sô ni Tăng tác pháp Yết-ma Bất xả ác kiến, trao cho Bí-sô ni Hắc Sắc”.

Rồi kế đến tác pháp Yết-ma:

- Ðại đức ni Tăng lắng nghe ! Bí-sô ni Hắc Sắc này, tự mình khởi lên ác kiến, khi tranh cãi thì nói: “Nay tôi xả Phật, Pháp, Tăng. Chẳng phải chỉ Sa-môn Thích nữ đây mới có trì giới đức hạnh, lòng luôn chơn chất, ngay thẳng, thuần thiện phạm hạnh, mà các nơi khác cũng có người lành như vậy. Ta sẽ đến đó để tu phạm hạnh”. Chư Bí-sô ni đã đến chỗ vắng vẻ can gián, và khi can gián nơi vắng, ác kiến vẫn không bỏ, lại nói: “Ðây là những sự thật, ngoài ra đều hư vọng”. Nay Bí-sô ni Tăng tác pháp Yết-ma Bất xả ác kiến, trao cho Bí-sô ni Hắc Sắc. Nếu cụ thọ nào đồng ý trao cho Bí-sô ni Hắc Sắc pháp Yết-ma Bất xả ác kiến, thì im lặng. Nếu vị nào không chấp thuận thì nói. Ðây là Yết-ma lần đầu. (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng như vậy). Bí-sô ni Tăng đãchấp thuận trao cho Bí-sô ni Hắc Sắc pháp Yết-ma Bất xả ác kiến rồi. Bí-sô ni đã chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.

Bấy giờ ni chúng y theo lời dạy, tác pháp bạch tứ Yết-ma. Khi can gián, nếu Bí-sô ni kia đối với việc đó vẫn chấp chặt ác kiến, không bỏ, lại nói: “Ðây là những sự thật, ngoài ra đều hư vọng. Tôi đâu có chấp mà khiến tôi bỏ ?!”.

Chư ni đem việc này bạch lại các Bí-sô, Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật dùng việc này, tập hợp ni chúng, hỏi để xác định sự thật, quở trách... rồi chế học xứ như vầy:

Bí-sô ni nào, cùng các Bí-sô ni đấu tranh gây phiền nhiễu, mà nói như vầy: “Tôi bỏ Phật, Pháp, Tăng; chẳng phải chỉ có Sa-môn Thích nữ mới đủ giới đức, có pháp lành hơn hết, mà đối với các Sa-môn khác cũng có đủ giớiđức, có pháp lành hơn hết vậy. Tôi sẽ đến đó tu tập phạm hạnh”. Khi các Bí-sô ni bảo rằng: “Cô nên bỏ kiến giải tội ác này đi”. Khi có lời can gián như vậy, bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì nên ba lần ân cần chánh thức can gián, tùy theo lời dạy mà gạn hỏi, khiến cho họ bỏ việc này; bỏ thì tốt, nếu không bỏ, Tăng-già-phạt-thi-sa.

LÀM NHỚP NHÀ NGƯỜI

Khi đức Bạc Già Phạm ở tại thành Thất-la-phạt, thì bấy giờ nơi núi Chỉ Tra 1, có mười hai vị Bí-sô ni: Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà, Thổ La Nan Ðà, Châu Kế Nan Ðà, Ðể Sa Ðể Sa, Mật Hằng La Ðể Sa, Ba Ly Da Ðể Sa, Lạc Ỷ Da, Bạt Dà La, Tô Bạt Ðà La, Tôn Ðà La, Thệ Diên Ða. Những người này đã tạo ra các điều ác, làm nhớp nhà người, như: cùng với các nam tử giỡn cợt, cười nói, vui đùa, thân thể dựa kề đụng chạm nhau, cùng ngồi một giường, cùng ăn một mâm, cùng uống rượu một chén; hái những loại hoa quả mà mình thấy thích biếu tặng nhau, soạn nhạc, ca múa, trang điểm thân thể, buông lung dật dựa, nằm nghiêng, nằm ngửa, hình trạng tựa như con cá không khác. Hoặc làm tiếng ngựa hý, hoặc làm tiếng trâu rống, miệng phát ra mọi thứ âm thanh, làm chim sẻ đá nhau, cho đến nam nữ nắm bắt nhau, làm những việc phi pháp hý lộng như vậy. Vì vậy, nên núi Chí Tra đã trở thành ác danh lưu bố khắp cả xóm làng. Chư ni muốn đến đó, mà nghe tiếng xấu đồn khắp như vậy, nên không dám đến. Các ni cựu trú đều bỏ ra đi, đến các nơi khác.

Bấy giờ, có số đông Bí-sô ni du hành đến đó, buổi sáng đắp y mang bát vào xóm khất thực, rồi mang bát về không, không nhận được một thức ăn nào cả. Chư ni bèn nghĩ: “Ðại đa số nhân dân trong tụ lạc này đều an lạc, phong phú, thịnh vượng, người nào đến khất cầu cũng đều được đầy đủ, tại sao hôm nay chúng ta không nhận được thứ gì cả ?! Phải chăng, ni chúng ở trú xứ này, trước đây đã làm những điều gì phi pháp, làm nhơ nhớp nhà người, làm những điều sai nguyên tắc, lân la gần gũi nhau, khiến cho mọi người sanh tâm bất tín hay chăng ?!”

Bấy giờ, các trưởng giả trong tụ lạc này nhân có việc cần luận bàn, nên cùng nhau nhóm họp lại một chỗ, trong số đó có một Ô-ba-sách-ca 2tên là Ốt Lộ Ca, thấy các ni đi khất thực, rồi mang bát về không, liền đến đứng gần bên, hỏi:

- Tại sao các cô mang bát không về ?

Các ni liền trình bày đầy đủ mọi việc.

Ô-ba-sách-ca nói:

- Nếu như vậy, quý cô có thể đến thành Thất-la-phạt, đem việc này bạch lên đức Thế Tôn, để Ngài dũ lòng thương đối với chúng tôi.

Các Bí-sô ni nhận lời bằng cách im lặng. Bấy giờ, Ô-ba-sách-ca kính lễ sát chân các ni, và bạch:

- Thưa chư thánh giả, hôm nay xin các ni từ mẫn đến nhà tôi nhận bữa cúng dường ít oi.

Ni chúng hoan hỷ thọ nhận.

Khi đến nhà, chính tay Ô-ba-sách-ca phụng hiến các thứ thức ăn ngon nhất cho chư ni một cách đầy đủ. Sau khi các ni xỉa răng, súc miệng, rửa tay xong, gia chủ nhẹ nhàng thu dọn chén bát, rồi thí chủ mới ngồi trên chiếu, trước chỗ ngồi của các ni. Các ni vì họ mà nói pháp, chỉ bày những điều an vui lợi ích.

Từ chỗ ngồi, các ni xin cáo lui.

Cùng lúc ấy, các ni chúng ở Kiều-tát-la 3, du hành trong nhơn gian, tuần tự đến thành Thất-la-phạt. Ni chúng tại đó thấy khách ni đến, liền chào đón và mời giải lao, rồi hỏi thăm trên đường đi có được an lạc hay chăng ? Các ni đem hết mọi sự việc trình bày đầy đủ. Các ni nghe xong, thưa lại với các Bí-sô. Các Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật bảo Ðại thế chúa rằng:

- Này Kiều-đáp-di 4, ngươi có thể cùng với năm trăm vị Thượng tọa Bí-sô ni, đến núi Chi tra, vì mười hai ni chúng tác pháp Yết-ma trục xuất được chăng ?

Kiều-đáp-dithưa:

- Kính bạch Ðại đức, con có thể đi được.

Ðức Phật nói với Kiều-đáp-di :

- Có năm cách tác pháp Yết-ma trục xuất trở thành phi pháp, phi luật, mà ni chúng lại mắc tội Việt pháp. Năm cách đó là:

1- Không gạn hỏi.

2- Không làm cho người khác nhớ nghĩ lại.

3- Không cứu xét sự việc.

4- Ðương sự không tự nói.

5- Người không có mặt.

Tuy người ta thật sự phạm tội, nhưng phải qua ba lần quở trách cho hợp pháp, để khiến cho chính họ nói lên sự hối hận. Qua ba lần nói đi nói lại tội này, đó là năm cách trục xuất phi pháp, chúng mắc tội Việt pháp. Nếu ngược lại với năm cách này để tác pháp Yết-ma trục xuất, thì đúng như pháp, như luật, chúng không mang tội Việt pháp.

Muốn đến núi kia, trên đường khi gần đến, nên ở tạm một nơi nào đó, rồi sai một Bí-sô ni đến đó cật vấn. Nếu người nào có năm pháp sau đây thì không được sai; nếu đã lỡ sai thì nên hủy bỏ. Năm pháp ấy là:

1- Ái.

2- Nhuế.

3- Bố.

4- Si.

5- Không rành vấn đề cật vấn.

Như thường lệ, tập hợp Tăng rồi, trước hết nên hỏi đương sự: “Bí-sô ni, cô tên gì ? Cô có thể đến núi Chi tra, để cật vấn mười hai vị Bí-sô ni đã làm những việc phi pháp được chăng ?”. Nếu cô ni kia trả lời là “Có thể được”, thì nên sai một Bí-sô ni khác tác bạch Yết-ma:

- Ðại đức Ni Tăng xin lắng nghe ! Bí-sô ni này tên là..., có khả năng đến núi Chi tra kia, cật vấn mười hai vị Bí-sô ni làm nhớp nhà người. Nếu thời gian thích hợp đối với Ni Tăng, Tăng chấp thuận. Nay Tăng sai Bí-sô ni tên là..., làm người cật vấn, đến chỗ chúng Bí-sô ni mười hai người làm nhớp nhà người, tại núi Chi tra. Ðây là lời tác bạch.

Văn Yết-ma y theo văn tác bạch mà làm.

Sau đó, đến thành núi Chi tra, trải chỗ ngồi, rồi đánh kiền chùy, nếu họ nghe tiếng kiền chùy đến tập hợp thì tốt, nếu không đến, thì nên làm pháp Yết-ma trục xuất. Nếu họ đến thì nên báo cáo nguyên do cho họ biết rằng: “Các cô đã cùng nhau làm những việc phi pháp như vậy”. Nếu họ nhận tội thì nên nói với họ rằng: “Vì nhân duyên này, nên chúng tôi đến đây, vì các cô mà tác pháp Yết-ma trục xuất”.

Bấy giờ, ni chúng mười hai người nghe Ðại thế chúa muốn vì họ tiến hành việc trục xuất, trong số đó có Bạt Ðà La, Tô Bạt Ðà La, Tôn Ðà La, Thệ Diên Ðà, tự nghĩ rằng: “Chúng mười hai người đã tạo ra các ác hạnh hủy hoại chánh pháp, chúng ta đồng tình làm như vậy. Nay Ðại thế chúa vì chúng ta đến tác pháp Yết-ma trục xuất, cũng vì chúng ta mà tiến hành việc trục xuất này”. Họ nghĩ như vậy rồi, liền đắp y mang bát ra khỏi cửa thành phía Tây, tuần tự du hành đến thành Thất-la-phạt. Những tội họ đã phạm, tội nào cần nói lên lời sám hối thì họ như pháp, ở trước mặt nói với nhau; còn tội nào tự trách tâm, thì họ y pháp trách tâm, để trừ tội. Họ cùng với các ni thanh tịnh khác, được thọ dụng mọi lợi dưỡng như nhau.

Lúc bấy giờ, thì Ðại thế chúa cùng năm trăm vị, từ cửa thành phía Ðông đi vào, đến trú xứ, trải chỗ ngồi, rồi đánh kiền chùy họp. Trong số mười hai chúng còn lại đều đến tập hợp. Vị ni cật vấn hỏi mười hai chúng rằng:

- Hiện các cô đang làm những việc ác hạnh, hủy hoại chánh pháp, việc này có thật hay không ?

Ðáp rằng:

- Ðúng thật như vậy.

Bấy giờ, vị ni cật vấn biết chúng đã tập hợp rồi, nên tác bạch Yết-ma:

- Ðại đức Ni Tăng xin nghe cho ! Các Bí-sô ni Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà, Thổ La Nan Ðà, Châu Kế Nan Ðà, làm hạnh nhơ nhớp nhà người. Các ni này làm những việc ác hạnh, hủy hoại chánh pháp. Nếu thời gian thích hợp với Bí-sô ni Tăng, Bí-sô ni Tăng chấp thuận trao pháp Yết-ma cho các Bí-sô ni Nan Ðà.v.v... đã làm các hạnh nhơ nhớp nhà người, mà không có tâm buông bỏ. Nay Tăng già làm pháp Yết-ma trục xuất. Ðây là lời tác bạch.

Văn Yết-ma chuẩn theo lời tác bạch mà làm.

Bấy giờ, Ốt Lộ Ca, Ô Ba Sách Ca đã chứng kiến sự việc như vậy rồi, đến chỗ Ðại thế chúa Kiều-đáp-diđảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, Ðại thế chúa Kiều-đáp-divì Ốt Lộ Ca, Ô Ba Sách Ca nói pháp, chỉ dạy những điều lợi ích và vui vẻ, khuyến khích họ tu thiện, phát tâm hoan hỷ, và báo cho biết là những Bí-sô ni làm hạnh nhơ nhớp nhà người, đã bị trục xuất rồi. Ốt Lộ Ca, Ô Ba Sách Ca bạch với Thế chúa Kiều-đáp-di:

- Nguyện thương xót chúng con, sáng mai mời thánh giả đến nhà chúng con dùng bữa cơm đạm bạc.

Kiều-đáp-diim lặng nhận lời mời. Ốt Lộ Ca, Ô Ba Sách Ca biết lời mời của mình đã được nhận rồi, liền trong đêm chuẩn bị ẩm thực đầy đủ. Sáng sớm tinh sương, họ liền sai người đến thỉnh:

- Kính thưa Kiều-đáp-di, thức ăn đã sửa soạn xong, xin mời thánh giả đến thọ trai.

Kiều-đáp-di cùng các ni chúng đắp y mang bát đến nhà Ốt Lộ Ca, Ô Ba Sách Ca. Bí-sô ni chúng đến chỗ ngồi, ngồi xuống. Ô Ba Sách Ca mang đồ ăn thức uống thanh tịnh, theo thứ tự dâng lên đầy đủ cho ni chúng. Sau khi các ni xỉa răng, súc miệng và rửa tay xong, Ô Ba Sách Ca đến trước Thế chúa Kiều-đáp-di, ngồi nơi ghế thấp để nghe pháp. Khi đã chỉ dạy những điều lợi ích, khiến cho vui vẻ xong, các vị từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Bấy giờ, Ðại thế chúa Kiều-đáp-didu hành trong nhân gian, đến thành Thất-la-phạt. Sau khi cất y bát, rửa chân xong, liền đến chỗ đức Phật đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, bạch Phật:

- Con đã vì các Bí-sô ni Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà.v.v... tác pháp Yết-ma trục xuất-vì họ làm những hạnh nhơ nhớp nhà người-đã xong.

Thế chúa bạch Phật rồi, đảnh lễ sát chân, cáo lui.

Bấy giờ, các Bí-sô ni Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà.v.v... cùng nhau bàn tính, bảo:

- Nếu người nào bị té xuống đất, thì tự chống đất mà đứng dậy. Chúng ta cùng đến thành Thất-la-phạt, chỗ đức Phật và nơi Bí-sô ni Ðại thế chúa Kiều-đáp-di, sám hối tạ tội.

Nghĩ như vậy rồi, họ liền tuần tự đến thành Thất-la-phạt.

Bấy giờ, Kiều-đáp-dinghe các Bí-sô ni Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà.v.v... đến trong thành, Thế chúa Kiều-đáp-dicùng năm trăm ni chúng đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Ðại thế chúa Kiều-đáp-dibạch Phật:

- Kính bạch đức Thế Tôn, con nghe các Bí-sô ni Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà... hiện tại đã đến thành này. Vậy gặp họ, nên tiếp đón, đối xử thế nào ?

Ðức Phật dạy:

- Nếu khi gặp họ, thì không cần phải nói chuyện với họ. Nếu là bậc già lớn thì cũng khỏi phải lễ bái. Những vị nhỏ tuổi đến bái chào, cũng đừng chúc “vô bệnh”. Nếu họ xin chỗ ở thì nên chỉ phòng bên cạnh. Nếu họ muốn tìm giường chiếu, thì nên trao cho họ thứ cũ và rách. Nếu họ nói: “Tôi là bậc già lớn, sao lại trao cho những đồ cũ rách ?” thì nên nói: “Cô là người già mà si mê, vì lòng đại từ của đức Phật, nên mới trao cho các cô những đồ vật này”.

Bấy giờ, Ðại Thế chúa Kiều-đáp-dinghe đức Phật dạy như vậy rồi, kính lễ cáo lui.

Lúc bấy giờ có trưởng giả Cấp-cô-độc, cũng đến chỗ đức Thế Tôn, kính lễ sát chân Phật, rồi lui lại ngồi một bên, chấp tay bạch Phật:

- Kính bạch Ðại đức Thế Tôn, con nghe các Bí-sô ni Nan-Ðà... đến thành này làm hạnh ác nhơ nhớp nhà người. Nay con nên như thế nào ?

Ðức Phật dạy:

- Không nên kính lễ chào hỏi, nhưng phải cung cấp thức ăn cho họ.

Bấy giờ, các Bí-sô ni Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà... đến chỗ Ðại thế chúa và các ni cựu trú, để đảnh lễ, hỏi thăm, nhưng họ không được trả lời và cầu chúc “vô bệnh, an lạc”. Các ni thiếu niên không đích thân đến kính lễ. Họ đòi hỏi ngọa cụ thì được cung cấp thứ cũ, rách. Họ cầu xin chỗ ở thì được chỉ nơi phòng thiếu phương tiện nhất. Họ nói:

- Chúng tôi là bậc già lớn, vì sao lại trao cho những thứ xấu tệ này ?

Bấy giờ, Ðại thế chúa mới phương tiện bảo họ rằng:

- Các cô thật là bậc già lớn mà si mê. Ðức Ðại sư còn thương xót, khiến chúng tôi trao cho các cô những vật xấu rách này, không nên không hoan hỷ.

Bấy giờ, Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà... bàn luận như vầy:

- Chủ đích hành động và lời nói của chúng ta, thì Bạt Ðà La, Tôn Ðà La, Thệ Diên Ða, các vị ấy cùng làm tương tợ như chúng ta không khác. Nay chúng ta nên đến đó cùng họ bàn tính.

Khi đến chỗ các vị ấy rồi, Bạt Ðà La.v.v... thấy họ đều không vui vẻ chào đón, hỏi han chi cả. Họ thấy vậy, liền bảo:

- Các lão túc ni không nói năng với chúng ta là điều hợp lý, còn các cô này, tất cả hành vi trước đây của các cô có khác gì chúng tôi đâu, vì sao hôm nay cũng không đón tiếp chúng tôi ?!

Các cô nghe, liền trả lời:

- Hành động, ngôn ngữ của chúng tôi trước đây, thật sự không khác với quý vị, song đối với tội phạm cần phải nói lên những lời sám hối, thì chúng tôi đã nói. Cần trách tâm thì chúng tôi cũng đã trách tâm, để diệt trừ rồi. Chúng tôi đã thanh tịnh, không còn phạm nữa. Do đó, chúng tôi không thể cùng với người ác hạnh phá giới như các cô cùng nhau thọ dụng như người trí được.

Nghe nói như vậy, họ liền nghĩ và nói:

- Các ni chúng kia có ái, có nhuế, có bố, có si. Có Bí-sô ni cùng đồng phạm tội như vậy, mà có người bị đuổi, người không bị đuổi.

Chư ni liền đem việc này bạch lại Bí-sô, Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật bảo các Bí-sô ni:

- Các cô nên đem đến chỗ vắng, can gián tận tình các Bí-sô ni Nan Ðà, Ô Ba Nan Ðà... cho đến tác pháp bạch tứ Yết-ma trục xuất...

Chư ni làm theo lời Phật dạy, nhưng họ vẫn kiên trì không bỏ, còn nói: “Ðây là chơn thật, ngoài ra đều là hư vọng”. Các ni đem việc này bạch lại Bí-sô, Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật dùng nhân duyên này, tập hợp các ni chúng, hỏi để xác định sự thật, rồi quở trách và chế học xứ như vầy:

Bí-sô ni nào, sống tại thôn xóm, thành ấp, làm hạnh ác nhơ nhớp nhà người; làm nhơ nhớp nhà người, ai cũng thấy, cũng nghe, cũng biết; làm hạnh ác, ai cũng thấy, cũng nghe, cũng biết. Các Bí-sô ni nên nói với Bí-sô ni kia rằng: “Quý cụ thọ, các cô làm hạnh ác nhơ nhớp nhà người; làm nhơ nhớp nhà người, ai cũng thấy, cũng nghe, cũng biết; làm hạnh ác ai cũng thấy, cũng nghe, cũng biết. Các cô nên đi, không nên ở nơi đây”. Bí-sô ni kia nói với các Bí-sô ni rằng: “Ðại đức có ái, có nhuế, có bố, có si. Các Bí-sô ni đồng tội như vậy, mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi”.Khi ấy các Bí-sô ni nói với Bí-sô ni kia rằng:“Cụ thọ chớ nói như vầy: ‘Các Ðại đức có ái, có nhuế, có bố, có si. Có Bí-sô ni đồng tội mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi’. Tại sao vậy ?-Vì các Bí-sô ni không có ái, có nhuế, có bố, có si. Các cô làm hạnh ác nhơ nhớp nhà người; làm nhơ nhớp nhà người ai cũng thấy, cũng nghe, cũng biết; làm hạnh ác ai cũng thấy, ai cũng nghe, ai cũng biết. Cụ thọ, các cô không nên nói: ‘Có ái, có nhuế.v.v...’.Khi các Bí-sô ni can gián như vậy, bỏ thì tốt, nếu không bỏ, nên chánh thức ba lần ân cần can gián. Tùy theo những lời dạy mà gạn hỏi, khiến cho họ bỏ việc ấy. Nếu bỏ thì tốt, còn không bỏ, Tăng-già-phạt-thi-sa.


1Thi-la : Nghĩa gốc là thiện, phẩm chất của thiện, luân lý, đạo đức, tánh cách, tập quán. Dịch là giới, là nhừng điều răn dạy thực hiện điều thiện, ngăn ngừa điều ác(phòng-phi chỉ-ác, tu tập thiện sự ).

1Tăng-già-phạt-thi-sa: Hay gọi là Tăng-già-bà-thi-sa, lược dịch là Tăng-tàn, nghĩa là còn sót lại, dư tàn, tàn tật.... Căn bản q.11, tr 681b6,T.23,n.1442 : Tăng-già-phạt-thi-sa, Tăng-già là phạm tội này phải nhờ Tăng già hướng dẫn sám hối.....Phạt-thi-sa là dư tàn...đối với 13 pháp này, Bí-sô tuy phạm mà có dư tàn, chữa trị được, nên gọi là Tăng-tàn. Thiện kiến q.5, tr 263b 5,T.22, n.1425 : Tăng-già-bà-thi-sa, Tăng-già là chỉ cho Tăng, bà nghĩa là bắt đầu, thi-sa là tàn. Tỳ-kheo phạm tội này, nếu muốn thanh tịnh thì đến gặp chúng Tăng, Tăng cho pháp ba-lợi-bà-sa (biệt trú), gọi là bắt đầu. Sau đó, hành 6 đêm ma-na-đỏa (hoan hỷ), đó là khoảng giữa. Giai đoạn cuối cùng là cho pháp a-phù-ha-na (xuất tội). Ðó gọi là Tăng-già-bà-thi-sa.

1Yết-ma xả trí : Yết-ma phiên âm từ Karmavàcana của tiếng Phạn. Hán dịch“Biện sự tác pháp”, tức là những việc cần làm đều phù hợp với pháp qui định, cho nên có công dụng giúp thành tựu. Yết-ma xả trí là tác pháp mặc tẫn người phạm tội. Nghĩa là vị ấy dù sống trong chúng nhưng mọi người đều không tiếp xúc trò chuyện và coi như vị ấy vắng mặt.

1Núi Chỉ-tra: Skt. Krïtàgiri, Pàli. Kitàgiri, phiên âm núi Chỉ-tra, Kê-tra; dịch nghĩa là núi Ðen(Hắc-sơn), cũng là tên một ngôi làng trong nước Ca-thi trung Ấn Ðộ. Tứ phấn: Kỳ-liên. Ngũ phần: Ấp Kiết-la. Tăng kỳ: Thôn Hắc-sơn, nước Ca-thi. Căn bản: Núi Chỉ-tra. Thiện kiến: Núi Kê-tra.

2Ô-ba-sách-ca: Cách phiên âm khác, Y-bồ-tắc, Ô-bà-tắc, Ưu-bà-tắc, dịch là cận sự nam. Một trong tứ chúng đệ tử, một trong hai chúng tại gia, là người thường thân cận cúng dường Tam bảo, chấp tác phục dịch trong tự viện.

3Kiều-tát-la : dịch là nước Vô-đấu-chiến, nước Công-xảo. Có 2 nước Kiều-tát-la,1.Bắc Kiều-tát-la, phía Tây bắc nước Ca-tỳ-la-vệ, Chánh bắc nước Ba-la-nại, 2.Nam Kiều-tát-la, phía Nam nước Ma-kiệt-đà, kinh đô là Xá-vệ. Ðức Phật thường cư trú nơi đây thuyết pháp trước sau 25 năm.Vị trí hiện nay dưới dãy Hy-mã-lạp-sơn (Hymalaya), nằm trên địa phận Nepal ngày nay.

4Kiều-đáp-di : Cựu dịch làø Kiều-đàm-di, tân dịch là Kiều-đáp-di, từ giống cái (nữ thanh) của từ Kiều-đáp-ma(Hàng nữ họ Cù-đàm), tức dì ruột của đức Phật, là Ma-ha-ba-xà-ba-đề.

--- o0o ---


Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567