Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển XIII

18/04/201313:21(Xem: 4547)
Quyển XIII

Theravàda
(Thượng-tọa bộ)

Chú Giải Luật Thiện Kiến

Samantapàsàdikà Nàma Vinayatthakathà

Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la(Sanghabhadra)
Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh(Caràna-citto Bhikkhu)

Phật Lịch 2543 (1999)
--- o0o ---

Có phải Trung Quốc
đã bảo tồn được bản chú giải Luật Tỳ khưu
tiếng Sinhala đã thất truyền?

Tác giả: Ananda W.P. Guruge,
Trưởng phòng Học vụ và
Trưởng khoa Phật giáo Quốc tế,
Đại học Hsi Lai, California, Hoa Kỳ.

-ooOoo-

Vào năm 1996, trong một cuộc thảo luận về vua Asoka (A-dục) do tôi chủ trì tại Đài Bắc, Tiến sỹ Lin Chung-An, giáo sư về vật lý học thiên thể của Đại học quốc gia Đài Bắc, cho biết bộ Tam Tạng của Trung Quốc được xuất bản ở Nhật Bản từ năm 1924 có bao gồm tài liệu lịch sử truyền bá Phật giáo vào Tích Lan. Ông cũng nói rằng tài liệu đó đề cập chi tiết về vua Asoka và liệt kê những phái đoàn truyền giáo được ngài Moggaliputa Tissa (Mộc-kiền-liên Tu-đế) cử đi.

Nhận được thông tin tham khảo của ông, tôi đã kiểm tra bộ Đại chính Tân tu Đại tạng kinh Trung Quốc và phát hiện ra rằng bản kinh số 1462 - Shan-jian-lu-piposha - (Thiện kiến luật tỳ-bà-sa) được trình bày bởi các nhà biên tập Nhật Bản như là một bản dịch của bộ Samantapasadika. Samantapasadika là bản chú giải về Luật Tỳ khưu mà ngài Buddhaghosa (Phật Minh) đã dịch từ bản tiếng Sinhala cổ sang tiếng Pàli vào thế kỷ thứ 5. Tôi rất thích thú khi phát hiện ra bản dịch sang chữ Hán từ bài luận tiếng Pàli của xứ Tích Lan này. Đó có thể là bản duy nhất trong số rất nhiều phiên bản tiếng Sankrit đã được dịch sang tiếng Trung Quốc một cách hệ thống trong hơn hai ngàn năm qua.

Thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên là giai đoạn rất có ý nghĩa về quan hệ giữa Trung Quốc và Tích Lan trong lĩnh vực Phật học. Nổi bật là chuyến đi của ngài Pháp Hiền (Fa-hian), phái đoàn truyền giáo của các ni sư Tích Lan do bà Devasara dẫn đầu đến Trung Quốc thành lập giáo đoàn Tỳ Khưu Ni, và việc ngài Pháp Hiền dịch tạng Luật thuộc Di-sa-tắc bộ (Mahisasaka Vinaya) sang chữ Hán. Tôi cho rằng có thể ngài Pháp Hiền hoặc bà Devasara đã đem quyển Samantapasadika truyền vào Trung Quốc.

Gần đây, tôi bắt đầu duyệt lại quyển sách "Minh quân Asoka: Tiểu sử chi tiết", do tôi viết về cuộc đời nhà vua, phiên bản Ấn ngữ của nhà xuất bản Motilal Banarssidas, và kiểm tra lại các nguồn tư liệu Trung Quốc về vua Asoka. Cho đến nay, tất cả các nhà nghiên cứu về vua Asoka đều dựa vào tài liệu chữ Hán của ông Jean Przyluskis về vị hoàng đế này. Tuy nhiên, sách đó được xuất bản mãi từ năm 1923. Vì thế, không thấy đề cập đến tập Shan-jian-lu-piposha (Thiện kiến luật tỳ-bà-sa). Tôi cho rằng cần phải có một công trình nghiên cứu chi tiết về tác phẩm này, để làm sáng tỏ các nguồn tư liệu gốc Trung Quốc về vua Asoka.

Cho đến nay, tất cả các nguồn tư liệu gốc của Trung Quốc được biết đến và sử dụng đều miêu tả vua Asoka như đã được đề cập trong tư liệu Avadana (Thí dụ kinh) bằng tiếng Sankrit. Về mặt lịch sử, các nguồn tư liệu này không đáng tin cậy và các thông tin đó cũng không tương hợp với những gì được biết về vua Asoka qua các sắc lệnh và bút tích khắc trên đá của nhà vua, còn lưu lại cho đến nay. Thật khó tin rằng người Trung Quốc chỉ bảo tồn được một phiên bản rời rạc của vị Hộ Pháp vĩ đại nhất này.

Với sự hỗ trợ tích cực của vị đồng nghiệp, giáo sư Darui Long (Trợ lý trưởng phòng Học vụ của Đại học Hsi Lai), tôi đã so sánh từng dòng trong nhiều phần của hai bộ Samantapasadika và Shan-jian-lu-piposha. Khi tiến hành việc này, chúng tôi thấy sự việc trở nên rất rõ ràng: Shan-jian-lu-piposha không phải là một bản dịch trực tiếp từ bộ Samantapasadika.

Thứ nhất, tên "Piposho" hay "Vipasa" - phần cuối của tên Trung Quốc được phát âm như vậy, là tên gọi Sankrit của một bản luận: Vibasha = Atthakatha (tỳ-bà-sa, quảng thích, chú thích, chú giải). Phần còn lại của tên (shan-jian, thiện kiến) có thể được dịch lược là "làm sáng tỏ", "kiểm nghiệm kỹ lưỡng" hay "làm rõ" (Shan-jian: Thiện-kiến còn là vương hiệu của vua Asoka - người dịch).

Từ "toàn diện" được chuyển tải bởi từ "Samanta" lại không có trong tên của bản Hán văn. "Lu" có nghĩa là Vinaya (Luật). Shan-jian-lu-piposha nghĩa là "Bộ Luận làm sáng tỏ hoặc làm rõ nghĩa, hoặc kiểm nghiệm kỹ lưỡng (ý nghĩa của) tạng Luật".

Samantapasadika hiển nhiên là một cái tên được đặt cho bản dịch của ngài Buddhaghosa, Ngài thường đặt những tiêu đề thu hút sự chú ý như vậy cho tất cả các bản dịch của mình.

Thứ hailà về Niên đại. Người ta cho là ngài Sanghabhadra (Chúng Hiền), từ Tích Lan đến Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc vào năm 488 sau CN, là người đã dịch bộ Shan-jian-lu-piposha. Ngài đã dịch bộ luận này với sự cộng tác của một nhà sư Trung Quốc tên là Sang-I - nhà sư này đã từng ở Sri Lanka và sau đó trở về Trung Quốc vào năm 429. Bản dịch này được hoàn tất vào khoảng năm 488-489. Có thể nào ngài Sanghabhadra đã mang theo một phiên bản tiếng Pàli của Samantapasadika khi ngài đi thuyền đến Trung Quốc vào khoảng năm 486-487?

Để khẳng định điều này, cần phải xác định thời gian ngài Buddhaghosa dịch bộ chú giải Luật bằng tiếng Sinhala sang tiếng Pàli. Chúng tôi không có tư liệu về thời gian chính xác, nhưng theo bộ Mahavamsa (Đại sử), ngài Buddaghosa đã đến Tích Lan từ vùng lân cận Mahabodhi ở Bồ đề Đạo tràng trong thời trị vì của vua Mahanama (406-428). Trong những năm đầu tiên cư ngụ tại Mahavihara (Đại tự viện), tỉnh Anuradhapura, Tích Lan, ngài đã dành thời gian để sáng tác bộ Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga). Giả sử bộ Samantapasadika là bộ chú giải đầu tiên ngài dịch, thì cũng khó có khả năng ngài Sanghabhadra, là người chắc chắn thuộc bộ phái Abhayagiri (Vô úy sơn), đã tiếp cận được phiên bản tiếng Pàli đó. (Chú thích: trong thời kỳ đó, Tích Lan có 2 bộ phái đối nghịch nhau: Đại tự viện và Vô úy sơn - người dịch).

Mặt khác, bộ phái Abhayagiri cũng có những bộ luận riêng của mình bằng tiếng Sinhala, được gọi là Uttaraviharatthakatha mà vẫn còn tồn tại cho đến khi bộ Mahavamsa Tika (Đại sử luận) hay Vamsatthappasini xuất hiện vào thế kỷ thứ 9. Bộ luận về Mahavamsa phải dựa vào bộ Uttaraviharatthakatha để có được những thông tin chi tiết về vua Asoka và tổ tiên của nhà vua. Vì vậy tôi đã kiểm nghiệm giả thiết rằng ngài Sanghabhadra đã mang đến Trung Quốc không phải là bộ Samantapasadika của Buddhaghosa mà là một phiên bản của bộ Uttaraviharatthakatha.

Để đưa ra giả thiết này, tôi dựa trên chứng cứ quan trọng từ hai bộ sách, mà cả 2 bộ này đều sử dụng rất nhiều thi kệ. Trong bộ Samantapasadika, hầu hết những câu thơ trong đó đều được trích dẫn từ Dipavamsa (Đảo sử), bộ biên niên sử đầu tiên của Tích Lan, ra đời vào khoảng thế kỷ 4-5. Những câu thơ y hệt như vậy trong bộ Shan-jian-lu-piposha thì hoặc là có nguồn gốc từ quá khứ hoặc từ các vị pháp sư (fa-shih). Bản chữ Hán không có một đề cập nào về bộ Dipavamsa, do đó đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng bản gốc của nó còn cổ hơn cả bộ biên niên sử đầu tiên lẫn bộ Samantapasadika. Nó có thể là một phiên bản của bộ Atthakatha (Chú giải) bằng tiếng Sinhala, được xen kẽ với những câu thơ tiếng Pàli. Đây là một tư liệu gốc cho các bộ luận bằng tiếng Pàli của các ngài Buddaghosa, Dharmapala, v.v... và bộ Dipavamsa, Mahavamsa và một tác phẩm khảo cứu chính được tác giả cuốn Pàli Vamsathappakasini sử dụng.

Thứ balà Cấu trúc của bộ sách. Cuốn Samantapasadika mở đầu bằng một đoạn văn rất dài gọi là "Bahiranidanavannana" - "mô tả về ngoại nhân" (nguồn gốc bên ngoài), hay còn gọi là bối cảnh lịch sử. Đây chính là phần được gọi là Atthakatha-Mahavamsa bằng tiếng Sinhanla. Sau đó thì mỗi phần xuất hiện một nơi, như đã được thấy ở trong Suttavibhanga của tạng Luật.

Tuy nhiên, bản Hán văn Shan-jian-lu-piposha được chia làm 18 chương. Trong đó có 4 chương mô tả bối cảnh lịch sử từ khi Đức Phật nhập diệt cho đến ngày tạng Luật được một nhà sư Tích Lan giảng dạy ở Thuparama, tỉnh Anuradhapura, dưới sự hướng dẫn của Trưởng lão Mahinda (ngài Mahinda là con trai vua Asoka, đem Phật giáo Theravada truyền sang Tích Lan - người dịch). Rõ ràng là phiên bản mà ngài Sanghabadra sử dụng có kết cấu khác hẳn bộ Samantapasadika, trừ phi người Trung Quốc có thói quen chia bộ sách ra thành nhiều chương ngắn hơn.

Thứ tư, về Nội dung: chính nhờ vào việc phân tích nội dung mà chứng cớ thuyết phục nhất đã được tìm thấy. Mặc dù cả hai bản đều đề cập đến cùng một thông tin nhưng chúng khác nhau ở chỗ là chủ đề và văn phong rất khác nhau. Bộ Shan-jian-lu-piposha thể hiện thông tin một cách ngắn gọn, súc tích về 3 kỳ Kết Tập Kinh Điển, trong khi lại triển khai, mở rộng các cuộc đối thoại và mô tả tình huống. Một số đoạn mô tả của Samantapasadika (ví dụ cuộc viếng thăm của Đức Phật và các vị Phật thời trước) lại rất cô đọng trong bản dịch Hán văn. Trong số đó, không thể bỏ qua là đoạn đề cập đến việc mang giống cây Bồ Đề (từ Bồ đề Đạo tràng sang Tích Lan - người dịch)mà phiên bản tiếng Pàli đã dành cho hẳn 10 trang. Nhưng bản Shan-jian-lu-piposha đề cập đến đoạn này lại rất ngắn, chỉ trong 4 trang. Mặt khác, thông tin về vua Asoka và tổ tiên của ông lại nhiều chi tiết hơn và phù hợp với phiên bản gốc, gần với bộ Dipavamsa (Đảo sử) hơn là bộ Mahavamsa (Đại sử).

Một manh mối khác là việc phiên âm các tên riêng sang tiếng Hán. Hầu hết các tên riêng đều ngắn và cho thấy là mang gốc tiếng Sinhala cổ, chứ không mang gốc tiếng Pàli.

Giáo sư Long và tôi có kế hoạch phân tích sự khác biệt về văn bản một cách chi tiết hơn trong tương lai. Tuy nhiên, những gì được ghi nhận ở đây đã chứng minh rằng những vấn đề trên không thể nảy sinh chỉ đơn giản do ngài Sanghabadra sử dụng 2 phiên bản tiếng Pàli khác nhau. Những sự sai biệt này vượt quá phạm vi lỗi sao chép hay do sự đọc hiểu khác nhau.

Kết luận:

Kết luận mà tôi muốn rút ra từ phần trình bày ở trên là: bản Hán văn Shan-jian-lu-piposha có thể là phần duy nhất chúng ta có được của bộ Attakatha (Chú giải) bằng tiếng Sinhala đã thất truyền. Phần giới thiệu về lịch sử có thể là một phiên bản của Atthakatha-Mahavamsa bằng tiếng Sinhala của bộ Uttaraviharatthakatha thuộc bộ phái Abhayagiri (Vô úy sơn).

Sự phát hiện này có 2 ý nghĩa:

* Đối với các học giả về truyền thống lịch sử Tích Lan: Bộ chú giải Luật chữ Hán cung cấp một tư liệu về lịch sử Tích Lan không những cổ hơn cả các bộ Dipavamsa, Samantapasadika và Mahavamsa mà còn là một nguồn tư liệu hàng đầu được sử dụng một cách chọn lọc trong tất cả các tác phẩm này và cả bộ luận Mahavamsa của thế kỷ thứ 9-10.

* Đối với các học giả Trung Quốc, bộ Shan-jian-lu-piposha là một bằng chứng nữa về mối quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc và Tích Lan trong việc hình thành hệ thống Tăng đoàn Phật giáo ở Trung Quốc và sự ra đời của tạng Luật Trung Quốc - là sự hợp tác, do kết quả của những sáng kiến của ngài Tao-an (Đạo An) và chuyến đi và lưu lại Tích Lan của ngài Pháp Hiền. Nó cũng nói lên rằng Trung Quốc đã bảo tồn truyền thống Nam phương trong bối cảnh lịch sử của đạo Phật, bao gồm cả ba kỳ Kết Tập Kinh Điển, lịch sử vương triều ấn Độ và Tích Lan cổ, một lịch sử chính xác hơn về vua Asoka, và một biên niên sử đáng tin cậy.

Đối với học giả của cả hai nước, một giai đoạn nghiên cứu mới đã được mở ra: Liệu Trung Quốc có thể còn những manh mối nào nữa về thời cổ xưa của nền văn hóa Tích Lan, đang chờ đợi được khám phá trong kho tàng mênh mông các phiên bản dịch thuật về Phật pháp?

(theo nhật báo Daily News, Sri Lanka. 30/7/2003).

Tâm Hạnh và Đồng Lộc dịch,
Bình Anson hiệu đính,
3-09-2003.

-ooOoo-

Luật Thiện Kiến Tỳ-Bà-Sa

- Quyển Thứ Ba -

--- o0o ---


Chân thành cám ơn Cư sĩ Bình Anson đã gửi tặng phiên bản điện tử bộ luật này (Trang nhà Quảng Đức, 05-2002)

Trình bày :Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]