Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sám Thi Nước Từ Bi (Thủy Sám Pháp, Thi Hóa của Thích Linh Như)

27/07/202019:48(Xem: 13136)
Sám Thi Nước Từ Bi (Thủy Sám Pháp, Thi Hóa của Thích Linh Như)

Tu Bi Thuy Sam

Sám Thi Nước Từ Bi


Thi Hóa của Thích Linh Như

pdf-icon
Download bản kinh pdf để tụng:

Sám Thi Nước Từ Bi (Thủy Sám Pháp, Thi Hóa của Thích Linh Như)




***

 LỜI GIỚI THIỆU
của Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh
     Viện Chủ Trung Tâm Phật Giáo,
               Chùa Việt Nam
    Tại Houston, Texas- Hoa Kỳ.

 
    Từ Bi Thủy Sám là một trong những sám văn được lễ bái và trì tụng trong các Đạo Tràng xưa nay.
     Đó là bởi, duyên khởi sám văn này, vốn tích xưa còn để dấu, là một truyện tích cảm động lòng người, phơi bày cái lẽ nhân quả báo ứng, oan trái buộc ràng không dễ gì gỡ bỏ, tỏ rõ cái cân phước họa không biết đâu mà lường trong cuộc sống hiện thực tương liên của mỗi và mọi người, mọi loài.
     Đó cũng là bởi, sám văn này, mỗi chữ như viết ra từ gan ruột, mỗi lời như xuất tự con tim, chân thành hết mực mà lại thống thiết đến vô cùng, khiến cho ai tụng đọc cũng không khỏi động lòng đến phải nhìn lại mình mà sanh tâm tàm quý, ai cầu sám hối.
    Đại Đức Thích Linh Như, trong niềm cảm bội sâu xa, đã phát tâm chuyển toàn bộ sám văn quý báu 
này ra thể lục bát- một thể thơ mang âm vận thuần túy dân tộc. Sự chuyển sám văn thành sám thi đó, nếu có làm cho văn khí của nguyên tác và ngay cả, của bản dịch mà Đại Đức lấy đó làm nền tảng, rơi đi ít nhiều; thì bù lại, lại khiến người trì tụng dễ nhớ, dễ thuộc, dễ rung cảm hơn với vần điệu gần gũi trong tiếng nói dân tộc. Nếu một ngày nào trong tương lai, những câu thơ trong bản sám thi này đi vào tiếng nói hằng ngày của người dân việt, thì đó quả là một ơn ích lớn mà công trình này mang lại, trong việc đem văn để chở đạo vào lòng người và cuộc sống, nhất là trong thời buổi khung hoảng tinh thần và sa đọa đạo đức đáng kinh hãi như hiện nay.
     Tôi tin có ngày đó vì sám thi này, không chỉ làm cái việc "Thuật Nhi Bất Tác", mà còn thể hiện một nỗ lực đầy sáng tạo nghệ thuật. Ở đó, ý tưởng trong sáng, ngôn từ đẹp đẽ, vần điệu nhu nhuyến mang cảm xúc tràn ngập cũng đầy tính chất chân thành, thống thiết như sám văn.
      Trong niềm tin đó, và cảm vì tấm lòng của Đại Đức, tôi kính cẩn viết mấy lời giới thiệu sám thi này đến với Phật tử mười phương.

      Thích Nguyện Hạnh
      Houton, ngày 10 tháng 10 năm 2005



   DUYÊN KHỞI
      Lược Sử về
THIỀN SƯ NGỘ ĐẠT

 
      Tại Trung Quốc, vào đời Đường, thời đại Vua Ý Tông; có ngài Thiền Sư Ngộ Đạt pháp danh Tri Huyền, được phong làm Quốc Sư, tại Kinh Đô, tình cờ Ngài gặp một tăng nhân chưa hề quen biết. Tăng nhân này bị bệnh phong hủi, ai cũng gớm ghê, nên không có ai dám đến gần săn sóc. Chỉ có ngài Ngộ Đạt xót thương hoàn cảnh của tăng nhân, không sợ gớm ghê mà tự tay săn sóc chu đáo và không bao giờ có ý nghĩ ghê tởm hay chán nản. Khi vị tăng nhân khỏi bệnh, cảm nghĩa khí và tác phong của ngài Ngộ Đạt, nên trước khi chia tay có ân cần dặn dò: "Sau này, Ngài sẽ có nạn lớn, thân rất khổ sở, lúc đó hãy tìm đến để gặp nhau tại núi Trà lũng ở Bành Thành, thuộc Tây Thục, chỗ có hai cây tùng làm dấu." Ngài Ngộ Đạt cũng không hỏi han gì thêm.
     Một thời gian sau, ngài Ngộ Đạt đến hoằng đạo tại chùa An Quốc, đạo đức và danh tiếng vang lừng. Vua Ý Tông thân hành đến chùa ban cho Ngài một bộ pháp tòa (ghế ngồi) bằng gỗ trầm 
hương rất quý giá và còn cung phụng rất hậu. Ngài Ngộ Đạt vì được Thiên Tử trọng đãi ban thưởng hậu hỹ như vậy nên khởi tâm vui mừng. Hôm sau, tại đầu gối, tự nhiên mọc một cái mụn có hình dáng giống mặt người, mắt mày răng miệng đủ cả, thỉnh thoảng đút cho đồ ăn thức uống thì cũng há miệng nuốt như người vậy. Cái mụn càng ngày càng lớn và làm cho ngài Ngộ Đạt rất đau đớn. Mọi danh y được mời tới chữa bệnh đều chịu bó tay.
     Ngài Ngộ Đạt chợt nhớ tới lời dặn của vị tăng nhân ngày trước, nên xin từ quan và vào núi Trà Lũng tìm kiếm. Đến núi, nhằm lúc chiều tối, Ngài bàng hoàng nhìn khắp bốn phía, thấy hai cây tùng trong chỗ mây khói. Ngài mừng rỡ và tin lời ước hẹn là đúng, leo núi tìm đến chỗ mây khói có hai cây tùng. Tới nơi ngẩng đầu nhìn xem thì thấy lầu cao, điện lớn, ánh sáng vàng ngọc giao xen với nhau vô cùng rực rỡ. Vị tăng nhân ngày trước đã đứng đón Ngài tại cửa điện,  niềm nở mời Ngài ngủ lại trong điện. Sau khi gặp nhau, ngài Ngộ Đạt kể lể cái đau đớn và khổ sở vì cái mụn mặt người của mình cho vị tăng nhân nghe. Vị tăng nhân mỉm cười nói: "Không hại gì, dưới núi này có một con suối nhỏ, sáng mai xuống rửa là khỏi ngay".
      Sáng sớm, đạo đồng dẫn ngài Ngộ Đạt xuống suối. Mới vốc nước toan rửa, mụn ghẻ mặt người thốt

nhiên la lớn: "Khoan đã; Ngài là người biết nhiều hiểu rộng, đọc hết sách vở cổ kim, vậy Ngài đã đọc chuyện Viên Án và Triệu Thố trong Tây Hán Thư chưa?"
       Ngài Ngộ Đạt trả lời là đã đọc rồi. Cái mụn mặt người lại nói: "Ngài đã đọc rồi mà Ngài không biết Triệu Thố đã bị oan tình và Viên Án đã xử như thế nào sao? Ngài chính là hậu thân của Viên Án, còn tôi chính là Triệu Thố đây. Triệu Thố bị xử chém ngang lưng ở chợ phía Đông, oan khốc biết chừng nào. Nên bao đời qua tôi đã theo ngài tìm cách báo thù. Nhưng Ngài mười đời qua đều làm cao tăng, giới đức nghiêm tịnh, nên tôi không báo thù được. Nay vì sự đãi ngộ của Vua quá xa xỉ, lòng ham danh lợi trong Ngài mới dấy lên, cái đức có phần thương tổn, nên tôi mới có cơ hội báo thù xưa. Ngày nay, mong ơn Tôn giả Ca Nặc bảo Ngài đem nước "Từ Bi Tam Muội" rửa sạch oan khiên của tôi. Từ nay trở đi, oán thù của Ngài và tôi cũng được tiêu diệt."
       Ngài Ngộ Đạt nghe mụn mặt người nói- cơ hồ hồn phách thoát khỏi cơ thể, luôn tay vốc nước mà rửa, đau thấu xương tủy, ngất đi hồi lâu mới tỉnh. Khi tỉnh dậy, coi lại thì mụn ghẻ mặt người đã không còn nữa.Bấy giờ Ngài Ngộ Đạt mới biết là được hiền thánh nhân, thường xen lẫn dấu vết trong nhân gian cứu cho. Đó là điều người phàm 
khó lường nổi, Ngài muốn trở lên tự viện chiêm bái, nhưng nhìn lên thì điện đài, lầu các đã biến mất. Ngài bèn dựng một am cỏ ngay nơi ấy mà tiếp tục tu hành. Sau này đồ chúng rất đông và xây dựng thành một tự viện. Đến đời Tống, niên hiệu Chí Đạo, vua Tống sắc tứ ban danh hiệu là Chí Đức Thiền Tự. Có vị cao tăng tên là Tín, húy là Cổ, viết bài ký sự ghi lại rõ ràng việc này.
     Ngộ Đạt thiền sư- lúc khỏi bệnh, cảm kích sự kỳ lạ của ngài Ca Nặc Tôn GIả, thấm thía rằng oan trái nhiều kiếp, nếu không gặp thánh nhân thì không làm sao cởi mở cho được. Nhân đó mà viết ra bài văn sám hối này để sớm hôm trì tụng, lễ bái, và sau đó  phổ biến khắp nhân gian. Bài văn sám hối này là do ngài Ngộ Đạt cảm ân đức của ngài Ca Nặc Tôn Giả, một vị thánh thị hiện, chỉ dạy đem nước từ bi tam muội rửa sạch oan nghiệp nhiều kiếp, nên lấy sự tích đó đặt tên là Từ Bi Thủy Sám để báo đáp ơn sâu.
     Nay lấy gương người trước, mong những người sau hiểu rõ nguyên nhân- tại sao lại có bài văn sám hối này mà hoặc lễ bái hoặc trì tụng và cần biết luật nhân quả dù lâu đời lâu kiếp vẫn không thể nhầm lẫn.

 


Thich Linh Nhu 2 (6)
THAY LỜI TỰA

      Nước Việt Nam chúng ta là một nước có văn hiến. Dân tộc Việt Nam trong nền tảng văn hiến đó, có trình độ học thức hay không có trình độ học thức, ưa thích bày tỏ cảm quan của mình bằng những câu văn vần. Do thế, những câu ca dao, tục ngữ, ngụ ngôn, v.v... tiêu biểu cho một nền văn học bình dân, đại chúng, phần lớn là những câu văn vần được sáng tạo dưới thể văn câu trên 6 chữ và câu dưới 8 chữ, với lối tiếp vần, điệu chặt chẽ và nhịp nhàng, thường được gọi là thể lục bát. Cho đến khi thiên tài Nguyễn Du- dùng thể điệu văn vần này mà sáng tạo- nên áng văn truyện tuyệt tác Kim Vân Kiều hay Thanh Tâm Tài Nhân thì lập tức, tinh thần văn hiến dân tộc được phát triển tới tuyệt đỉnh. Văn vần lục bát trở thành một hơi thở trong lòng sống dân tộc. Nhiều người Việt, dù chẳng biết chữ, cũng có thể tự sáng tác những ca dao, vè, v.v... bằng loại văn vần này. Vì tính chất thuần túy dân tộc và đại chúng của nó, văn vần lục bát đã thấm sâu vào tâm hồn của tuyệt đại đa số dân tộc Việt. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi có nhiều người thuộc lòng Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trong lịch sử hiện đại, không mấy khi ta lại không bắt gặp những câu thơ, vè ca dao ngụ ngôn v.v... trong những tác phẩm văn chương, bác học mà các tác giả sử dụng như một chứng minh sự phát triển của tinh thần văn hiến dân tộc.

      Trong văn hóa Phật giáo, các bài sám nguyện, một số rất lớn, nếu không muốn nói là tất cả, được sáng tạo dưới thể điệu văn vần lục bát. Vì văn vần lục bát dễ nhớ, dễ thuộc và có giai điệu nhu hòa, bản chất của một dân tộc yêu chuộng tình thương và hòa bình.

      Trong tinh thần muốn đóng góp một hạt cát vào biển văn học Phật giáo. Chúng tôi, khôngngại lời quê thô thiển, mạo muội chuyển vần cuốn Kinh Từ Bi Thủy Sám của Đại sư Ngộ Đạt sang thể văn vần Lục Bát. Vì không có ý so sánh với công trình dịch thuật của Hòa Thượng Thích Trí Quang, nên chúng tôi đã cố tình dùng bản dịch Việt ngữ của Hòa Thượng làm nền tảng cho bản chuyển vần này. Chúng tôi không dám nhận là đây một sáng tác, mà chỉ đơn thuần là một bản chuyển vần, để giúp cho Phật tử dễ nhớ và dễ đọc tụng. Nó không thể là một sáng tác vì nó y theo sự phân bố các Chương, Tiết, Mục, Đoạn và các trích đoạn nguyên văn trong bản dịch của Hòa Thượng Thích Trí Quang, để giữ mạch lạc và ý của nguyên dịch phẩm.

Xin chân thành cảm tạ Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh, Viện Chủ Trung Tâm Phật Giáo, chùa Việt nam tại Houston, đã không quản ngại thời giờ và với một lòng từ ái, bao dung và nâng đỡ kẻ hậu học, đã đọc toàn bộ sám thi này để viết lời giới thiệu nhiệt tình tới Phật tử mười phương.

Cũng xin cảm tạ Thượng Tọa Thích Trí Hải, Thượng Tọa Thích Trí Thường, Đại Đức Thích Trí Toại và Đại Đức Thích Trí Thuyên đã tận tình khích lệ việc làm này, vì lợi ích của mọi người.

Cũng xin cảm tạ Đại Đức Thích Trí Thoát đã đọc tụng và ấn hành dĩa nhựa, để giúp cho phần phổ biến cuốn Sám Thi được thêm sâu rộng.
Cũng không thể quên cảm tạ đạo hữu Minh Giác, tại Toronto, Gia Nhã Nại đã đóng góp nhiều công phu vào việc trình bày sách và dĩa nhựa.
Sau hết, xin cảm tạ quý Phật tử đã nhiệt thành ủng hộ và phát tâm cúng dường tịnh tài đề ấn tống cuốn sám thi này.

Nguyện xin đem dâng tất cả công đức trong việc thực hiện cuốn sám thi này, hồi hướng cho tất cả chúng sinh trong tất cả chúng sinh trong pháp giới và Phật đạo vô thượng.

Phật Lịch 2550, tại Chùa Linh Sơn
Dickinson- Texas
Mùa An Cư Kiết Hạ 2006
Tỳ Kheo THÍCH LINH NHƯ


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com