Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 75: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

10/03/201808:23(Xem: 3779)
Bài 75: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

6. THẬP ĐỊA:

 

l. A Nan! Thiện Nam tử ấy, khéo được thông đạt nơi Đại Bồ Đề, chỗ giác ngộ thông với Như Lai, cùng tột cảnh giới của Phật, gọi là Hoan Hỷ Địa.
2. Tánh dị nhập đồng, tánh đồng cũng diệt, gọi là Ly Cấu Địa.
3. Trong sạch thì phát ra ánh sáng, gọi là Phát Quang Địa.
4. Sáng tỏ thì giác tánh sung mãn, gọi là Diệm Huệ Địa.
5. Tất cả đồng dị đều chẳng thể đến, gọi là Nan Thắng Địa.
6. Tánh trong sạch hiển lộ Chân Như vô vi gọi là Hiện Tiền Địa.
7. Cùng tột bờ bến của Chân Như, gọi là Viễn Hành Địa.
8. Nhất tâm Chân Như, gọi là Bất Động Địa.
9. Chân Như phát dụng, gọi là Thiện Huệ Địa.
10. A Nan, công hạnh tu tập của Bồ Tát từ trước đến đây, công đức viên mãn, cũng gọi địa này là Tu Tập Vị, tức dùng đám mây nhiệm mầu, đầy đủ từ bi trí huệ, che chở chúng sanh, khắp biển Niết Bàn, gọi là Pháp Vân Địa.

 

GIẢI NGHĨA:

 

     Do công dụng tu hành và thành quả giác ngộ của Bồ Tát, có mười quả vị (thập địa) gồm:

 

1- HOAN HỈ ĐỊA (Sơ địa):

     Người đệ tử Phật khéo được thông đạt chỗ biển giác ngộ (Đại Bồ Đề), chỗ giác ngộ gần như Phật, có khả năng nhận thức cảnh giới của Phật.

 

 2- LY CẤU ĐỊA (Nhị địa):

     Hành giả nhận thấy tất cả tính sai khác của vạn pháp là cùng giống nhau, tính giống nhau có cái chung không chân thật, vì đó chỉ là hợp lại của những tính sai khác.

 

3- PHÁT QUANG ĐỊA (Tam địa):

     Hành giả đạt đến độ tột cùng của tâm thanh tịnh, thì trí tuệ trong sáng tự phát sinh, không cần khởi dụng.

 

4- DIỆM TUỆ ĐỊA (Tứ địa):

     Trí tuệ sáng suốt tột cùng, hành giả luôn luôn sống trong tỉnh giác.

 

5- NAN THẮNG ĐỊA (Ngũ địa):

     Hành giả không còn phân biệt giống khác (đồng dị), nọ kia...

 

6- HIỆN TIỀN ĐỊA (Lục địa):

     Thể tánh tịch tịnh sáng suốt đã hiển hiện rõ ràng, tâm Chân Như vô vi hiển lộ thường xuyên.

 

7- VIỄN HÀNH ĐỊA (Thất địa):

     Hành giả nhận thức rõ tột cùng về bản thể Chân Như và sống với bản thể Chân Như.

 

8- BẤT ĐỘNG ĐỊA (Bát địa):

     Hành giả nhập bản thể nhất tâm Chân Như.

 

9- THIỆN TUỆ ĐỊA (Cửu địa):

     Thể nhập bản thể Chân Như rồi, hành giả vận dụng Chân Như biểu hiện ra diệu dụng.

 

10- PHÁP VÂN ĐỊA (Thập địa):

     Cũng gọi địa này là Tu Tập Vị, hạnh tu tập đã xong, công đức viên mãn, lợi mình và tùy ý làm lợi cho người, ví như bóng mây lành che mát khiến cho chúng sinh vui chơi trong biển Niết bàn.

 

7. ĐẲNG GIÁC VÀ DIỆU GIÁC:


     Như Lai ngược dòng từ quả vị trở lại nhân địa, cứu độ chúng sanh; Bồ Tát thuận hành từ chúng sanh tu đến quả Phật, thuận ngược đều giao tiếp nơi Bản Giác, gọi là Đẳng Giác.

- A Nan! Từ Càn Huệ Tâm đến bậc Đẳng Giác rồi giác ấy mới được viên mãn nơi Tâm Kim Cang. Bắt đầu từ Càn Huệ Địa từng lớp tiến lên, trải qua 12 ngôi vị đơn và phức (l) mới đến Diệu Giác, thành Vô Thượng Đạo.
- Mỗi mỗi địa ấy, đều lấy trí Kim Cang quan sát mười thứ ví dụ như huyễn, dùng Xa Ma Tha (chỉ) và Tỳ Bà Xá Na (quán) của chư Như Lai tu chứng trong sạch lần lượt sâu vào.
- A Nan! Như thế đều dùng ba tiệm thứ tiến tu, nên khéo thành tựu 55 quả vị trong đạo Bồ Đề chân thật. Quán như thế gọi là chánh quán, chẳng quán như thế gọi là tà quán.

GIẢI NGHĨA:

 

(1) 12 ngôi vị đơn và phức: Gồm 7 ngôi vị đơn và 5 ngôi vị phức như sau:

- Năm ngôi vị phức: Mỗi ngôi vị gồm mười cấp bậc, tức Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng và Thập Địa.
- Bảy ngôi vị đơn là: Càn Huệ (ái dục khô cạn), Noãn (phát huy tuệ giác làm tâm), Đảnh (lấy tâm làm chỗ nương tựa để phát huy trí tuệ), Nhẫn (tâm khéo đạt lý trung đạo), Thế Đệ Nhất (tâm đạt đến chỗ trống không), Đẳng Giác và Diệu Giác.

 

1- QỦA VỊ ĐẲNG GIÁC:

 

     Đức Phật giảng rằng: Như Lai thì ngược dòng cứu độ chúng sinh, Bồ Tát thì thuận dòng tu tập từ chúng sinh tiến tới; tuệ giác của hai đường giao tiếp gặp nhau nơi bản giác, ở vào giai đoạn đó gọi là địa vị ĐẲNG GIÁC. Ở địa vị Đẳng Giác, Bồ Tát có được trí Kim cang, dùng trí Kim cang phá sạch những tướng vô minh vi tế, tướng vô minh dứt sạch thì Bồ đề Niết bàn Tự tánh hiện ra.

 

 2- QỦA VỊ DIỆU GIÁC:

 

     Đức Phật giảng: Từ địa vị Càn huệ đến địa vị Đẳng giác là 55 địa vị; tột cùng của địa vị Đẳng giác gọi là Kim Cang tâm. Nhìn lại trên quá trình tu tập từ ban đầu chặng giữa chẳng có gì sai khác: Lấy mười thí dụ làm đối tượng để tư duy quán chiếu. Đến khi CHỈ QUÁN quân bình là tột cùng quả Diệu Giác viên măn thành tựu VÔ THƯỢNG BỔ ĐỀ.

 

      Thành tựu Bồ Đề Niết Bàn Vô Thượng, mười phương Như Lai cũng dựa vào ba món tiệm thứ mà tu hành tinh tấn, phát huy theo quá trình tiệm tiến trải qua 55 địa vị ấy mà đến vô thượng Bồ Đề; người Phật tử học hiểu tu hành như thế là đúng chính pháp, tin hiểu khác là người ngoại đạo, tu tập sai lầm sẽ không có ngày thành tựu.

 

      Cuối cùng, Bồ Tát nhìn lại quá trình tu tập giống như người vừa tỉnh giấc chiêm bao, những việc khổ vui, tội phước, vinh nhục là chuyện của một giấc mộng! Bồ Tát nhìn vạn pháp chẳng phải thật có, chẳng phải thật không; tất cả đều như chiêm bao, như trăng đáy nước, như hoa đốm trong không, như bóng trong gương… Do đó, Bồ Tát được tự tại và tiến bước trên con đường vô thượng Bồ Đề.

 

3). KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

      CÓ NHIỀU TÊN GỌI:


     Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử ở trong chúng, liền đứng dậy đảnh lễ bạch Phật:
- Thế Tôn! Nên gọi Kinh này là Kinh gì, con và chúng sanh phải phụng trì như thế nào?
     Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:

- Kinh này gọi là "Đại Phật Đảnh Thuần Trắng Chẳng Ô Nhiễm, Vô Thượng Bảo Ấn, Mười Phương Như Lai Thanh Tịnh Hải Nhãn", cũng gọi là "Cứu Hộ Thân Nhân, Độ Thoát A Nan, và Tỳ Kheo Ni Tánh trong Hội này, đắc Tâm Bồ Đề, vào Biển Biến Tri", cũng gọi là "Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa", cũng gọi là "Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương Mười Phương Phật Mẫu Đà La Ni Chú", cũng gọi là "Quán Đảnh Chương Cú, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm", các ông nên phụng trì.

4). PHẬT GIẢI THÍCH
     NHỮNG NGHI NGỜ:

 (Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567