Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 17: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

25/01/201718:37(Xem: 5437)
Bài 17: Kinh Thủ Lăng Nghiêm




Buddha_1


KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

KINH VĂN 5:

TÁNH THẤY NGOÀI THẤY

VÀ KHÔNG THẤY

 

1). PHÁ NGHI TÁNH

THẤY Ở TRƯỚC MẮT

 

- Bạch Thế Tôn! Nếu kiến tinh này là diệu tánh của con, thì diệu tánh nay ở ngay trước mắt; diệu tánh đã là con thì thân tâm con lại là vật gì?
- Nếu nói thân tâm chẳng phải diệu tánh thì nay thân tâm thật hay phân biệt sự vật; nếu nói trước mắt đều là diệu tánh, thì cái kiến tinh kia sao lại chẳng phân biệt được thân con?
- Nếu nói kiến tinh vô hình, mà có tự thể đồng như các vật, có cảm ứng mới sanh khởi sự dụng kia, thật là bản tâm của con thì phải cho con thấy ngay, vậy kiến tinh trước mắt là thật con, còn thân này thì chẳng phải con, thế thì kiến tinh đã ở bên ngoài thân, sao được gọi là diệu tánh của con? Có khác gì Như Lai trước kia đã hỏi gạn rằng: "Vật thấy được con"? Mong Phật từ bi khai thị cho kẻ chưa ngộ.

     Phật bảo A Nan:
- Nay ông nói kiến tinh ở trước mắt ông, nghĩa này chẳng đúng. Nếu thật ở trước mắt ông mà ông thật thấy được, thì kiến tinh này đã có phương sở, chẳng phải không chỉ ra được. Nay ta cùng ông ngồi trong rừng Kỳ Đà, xem khắp rừng suối và điện đường, trên từ nhật nguyệt, dưới đến sông Hằng, ông hãy ở trước tòa Sư Tử của ta, dùng tay chỉ rõ đủ thứ tướng ấy, chỗ mát là rừng, sáng là mặt trời, ngăn ngại là vách, thông là hư không, cho đến cỏ cây, chỉ mành, lớn nhỏ dù khác, hễ có hình tướng thì đều chỉ ra được. Nếu kiến tinh thật ở trước mắt ông, thì ông phải dùng tay xác thật chỉ rõ cái nào là kiến tinh. A Nan nên biết, nếu hư không là kiến tinh thì cái nào là hư không? Nếu vật là kiến tinh thì cái nào là vật? Ông hãy ở nơi vạn tượng phân tích kỹ càng, chỉ cho ta xem cái kiến tinh sáng tỏ ấy, rõ ràng đồng như các vật, chẳng được lầm lẫn!
     A Nan nói:
- Nay con ở giảng đường này; nhìn ra từ sông Hằng, trên đến nhật nguyệt, tùy nơi tay chỉ mắt nhìn, những gì chỉ được đều là vật chứ chẳng phải kiến tinh. Thế Tôn, như lời Phật vừa nói; chẳng những hàng hữu lậu sơ học Thanh Văn như chúng con, cho đến Bồ Tát, cũng chẳng thể ở nơi vạn tượng chỉ ra cái kiến tinh lìa tất cả vật riêng có tự tánh.
     Phật nói:
- Đúng thế! Đúng thế!

GIẢI NGHĨA

     Tôn giả A Nan Đà thưa: “- Bạch Thế Tôn! Nếu kiến tinh này là diệu tánh của con, thì diệu tánh nay ở ngay trước mắt; diệu tánh đã là con thì thân tâm con lại là vật gì?” Đến đây, Tôn giả A Nan Đà thắc mắc rằng nếu cái thấy (kiến tinh) là tính trong sáng chiếu soi (diệu tánh), thì tính trong sáng chiếu soi này ở ngay trước mắt; mà tính trong sáng chiếu soi đã là con, thì thân tâm con là cái gì?

     Tôn giả nêu thắc mắc: “- Nếu nói thân tâm chẳng phải diệu tánh thì nay thân tâm thật hay phân biệt sự vật; nếu nói trước mắt đều là diệu tánh, thì cái kiến tinh kia sao lại chẳng phân biệt được thân con?” Nghĩa là thân tâm thường phân biệt sự vật, tại sao thân tâm chẳng phải tính trong sáng chiếu soi (diệu tánh), trong khi cái thấy không phân biệt được thân lại là tính sáng suốt chiếu soi?

     Tôn giả nêu thắc mắc tiếp: “- Nếu nói kiến tinh vô hình, mà có tự thể đồng như các vật, có cảm ứng mới sanh khởi sự dụng kia, thật là bản tâm của con thì phải cho con thấy ngay, vậy kiến tinh trước mắt là thật con, còn thân này thì chẳng phải con, thế thì kiến tinh đã ở bên ngoài thân, sao được gọi là diệu tánh của con? Có khác gì Như Lai trước kia đã hỏi gạn rằng: "Vật thấy được con"? Mong Phật từ bi khai thị cho kẻ chưa ngộ”. Nghĩa là dù cái thấy vô hình, nhưng khi các vật hiện diện sẽ sinh khởi (cảm ứng) sự thấy, sự thấy là sự dùng của tâm (dụng); nếu thật là gốc của tâm (bản tâm) thì phải thấy ngay trước mắt. Còn thân này thì chẳng phải con, như thế cái thấy (kiến tinh) phải ở bên ngoài thân, thì làm sao có thể được gọi là tính trong sáng chiếu soi (diệu tính)?

     Đức Phật bảo Tôn giả: “- Nay ông nói kiến tinh ở trước mắt ông, nghĩa này chẳng đúng. Nếu thật ở trước mắt ông mà ông thật thấy được, thì kiến tinh này đã có phương sở, chẳng phải không chỉ ra được”. Phật nói rằng: nay ông nói cái thấy (kiến tinh) ở trước mắt ông, thì cái thấy này đã có chỗ, có thể chỉ ra được; mà sự thực thì không chỉ ra được, do đó chẳng đúng.

     Đức Phật giảng: “Nay ta cùng ông ngồi trong rừng Kỳ Đà, xem khắp rừng suối và điện đường, trên từ nhật nguyệt, dưới đến sông Hằng, ông hãy ở trước tòa Sư Tử của ta, dùng tay chỉ rõ đủ thứ tướng ấy, chỗ mát là rừng, sáng là mặt trời, ngăn ngại là vách, thông là hư không, cho đến cỏ cây, chỉ mành, lớn nhỏ dù khác, hễ có hình tướng thì đều chỉ ra được”. Ở đây, Đức Phật nhấn mạnh rằng các vật có hình tướng dù lớn dù nhỏ khác nhau, đều có thể chỉ ra được.

     Ngài giảng tiếp: “Nếu kiến tinh thật ở trước mắt ông, thì ông phải dùng tay xác thật chỉ rõ cái nào là kiến tinh. A Nan nên biết, nếu hư không là kiến tinh thì cái nào là hư không?” Ở đây, Đức Phật bác bỏ chấp cái thấy ở trước măt, vì không thể chỉ ra cái thấy; Ngài cũng bác hư không là cái thấy vì không thể phân biệt hư không và cái thấy.

     Đức Phật đặt câu hỏi: “Nếu vật là kiến tinh thì cái nào là vật? Ông hãy ở nơi vạn tượng phân tích kỹ càng, chỉ cho ta xem cái kiến tinh sáng tỏ ấy, rõ ràng đồng như các vật, chẳng được lầm lẫn!” Nghĩa là nếu vật là cái thấy thì cái nào là vật cái nào là cái thấy? Nếu vật là cái thấy thì vật cũng thấy ông được sao? Vạn vật trong vũ trụ, hãy phân tích kỹ càng, chỉ ra cái thấy (kiến tinh) sáng tỏ ấy, cũng như các vật, chẳng được lầm lẫn!

     Tôn giả A Nan Đà đáp: “- Nay con ở giảng đường này; nhìn ra từ sông Hằng, trên đến nhật nguyệt, tùy nơi tay chỉ mắt nhìn, những gì chỉ được đều là vật chứ chẳng phải kiến tinh. Thế Tôn, như lời Phật vừa nói; chẳng những hàng hữu lậu sơ học Thanh Văn như chúng con, cho đến Bồ Tát, cũng chẳng thể ở nơi vạn tượng chỉ ra cái kiến tinh lìa tất cả vật riêng có tự tánh”. Nghĩa là tất cả hàng Thanh Văn cho đến hàng Bồ Tát cũng không thể chỉ ra cái thấy lìa rời tất cả vật mà lại có tự tính.

     Đức Phật nói:  “Đúng thế! Đúng thế!” Nghĩa là cái thấy chẳng phải riêng rẽ với vật, vì cái thấy cùng khắp không gian bao trùm vạn vật vậy.

2). KHÔNG CÓ CÁI GÌ

RA NGOÀI CÁI THẤY

     Phật lại bảo A Nan:
- Như lời ông nói, chẳng có kiến tinh lìa tất cả vật riêng có tự tánh, vậy thì trong các vật mà ông chỉ, chẳng có cái nào là kiến tinh. Nay ta lại bảo ông: ông và Như Lai ngồi trong rừng Kỳ Đà (1), xem từ rừng cây cho đến nhật nguyệt, đủ thứ hình tướng sai biệt, nhất định chẳng có kiến tinh cho ông chỉ, ông hãy phát minh nơi những vật kể trên cái nào chẳng phải kiến tinh?
     A Nan đáp:
- Con xem khắp cả rừng Kỳ Đà, thật chẳng biết trong đó cái nào chẳng phải kiến tinh. Tại sao? Nếu cây chẳng phải kiến tinh thì sao lại thấy cây? Nếu cây là kiến tinh thì chẳng nên gọi là cây; như vậy cho đến nếu hư không chẳng phải kiến tinh thì sao lại thấy hư không? Nếu hư không là kiến tinh thì chẳng nên gọi là hư không. Con lại suy xét kỹ càng, phát minh trong vạn tượng không vật nào chẳng phải kiến tinh cả.

     Phật nói:
- Đúng thế! Đúng thế!

     Bấy giờ, những người chưa đến bậc vô học (2) trong chúng nghe Phật nói vậy, ngơ ngác chẳng hiểu đầu đuôi của nghĩa này, đánh mất lý lẽ đã hiểu biết từ xưa nay, bỗng nhiên cảm thấy run sợ,
     Như Lai biết họ băn khoăn lo sợ, sanh lòng thương xót, an ủi A Nan và đại chúng:
- Các thiện nam tử, lời chân thật của Vô Thượng Pháp Vương chẳng dối chẳng vọng, như sở như thuyết, chẳng phải như bốn thứ tà thuyết càn loạn bất tử của bọn Mạc Già Lê, các ông hãy suy xét kỹ, chớ nên làm mất lòng tự tin!

GIẢI NGHĨA

(1) Rừng Kỳ Đà: Đây là rừng của công tử Kỳ Đà nước Xá Vệ, rừng nằm ngoài đạo tràng Kỳ Viên do Trưởng giả Cấp Cô Độc mua một số đất của công tử và xây cất đạo tràng cúng dàng Đức Phật và đại chúng Tỳ Kheo.    

(2) Vô học: Các vị tu hành đã đạt qủa vị thứ tư A La Hán gọi là bậc vô học.

     Đức Phật lại bảo Tôn giả A Nan: “- Như lời ông nói, chẳng có kiến tinh lìa tất cả vật riêng có tự tánh, vậy thì trong các vật mà ông chỉ, chẳng có cái nào là kiến tinh. Nay ta lại bảo ông: ông và Như Lai ngồi trong rừng Kỳ Đà, xem từ rừng cây cho đến nhật nguyệt, đủ thứ hình tướng sai biệt, nhất định chẳng có kiến tinh cho ông chỉ, ông hãy phát minh nơi những vật kể trên cái nào chẳng phải kiến tinh?” Nghĩa là nếu lià khỏi tất cả các vật riêng rẽ, thì chẳng có cái thấy riêng rẽ có tự tính riêng. Đến đây, Đức Phật lại hỏi: Các vật từ mặt trời mặt trăng đến sông núi v.v…, tất cả hình tướng khác nhau dù to dù nhỏ có thể chỉ ra vật nào không phải là cái thấy (kiến tinh)?

     Tôn giả A Nan đáp: “- Con xem khắp cả rừng Kỳ Đà, thật chẳng biết trong đó cái nào chẳng phải kiến tinh. Tại sao? Nếu cây chẳng phải kiến tinh thì sao lại thấy cây? Nếu cây là kiến tinh thì chẳng nên gọi là cây; như vậy cho đến nếu hư không chẳng phải kiến tinh thì sao lại thấy hư không? Nếu hư không là kiến tinh thì chẳng nên gọi là hư không. Con lại suy xét kỹ càng, phát minh trong vạn tượng không vật nào chẳng phải kiến tinh cả”. Tôn giả A Nam Đà thưa Phật rằng tất cả vạn vật đều là cái thấy, vì nếu không có cái thấy thì chẳng thể thấy vật.

     Đức Phật nói: “- Đúng thế! Đúng thế!” Đây là Ngài xác nhận cái thấy và vật là một.

 

     Kinh nói: “Bấy giờ, những người chưa đến bậc vô học trong chúng nghe Phật nói vậy, ngơ ngác chẳng hiểu đầu đuôi của nghĩa này, đánh mất lý lẽ đã hiểu biết từ xưa nay, bỗng nhiên cảm thấy run sợ.” Nghĩa là những người tu học chưa đạt qủa A La HánNgơ ngác chẳng biết đầu đuôi của nghĩa này”, vì trước đã nói cái thấy chẳng phải vật, sau lại nói cái thấy đều là vật; trước đã nói diệu tánh hiện tiền, sau lại nói chẳng thể chỉ ra, nên ngơ ngác đánh mất lý lẽ đã hiểu biết vậy.

     Kinh nói tiếp: “Như Lai biết họ băn khoăn lo sợ, sanh lòng thương xót, an ủi A Nan và đại chúng: “- Các thiện nam tử, lời chân thật của Vô Thượng Pháp Vương chẳng dối chẳng vọng, như sở như thuyết””, Nghĩa là tất cả những điều Phật thuyết đều dùng “Ngũ ngữ” như nói trong Kinh Kim Cang, gồm:

1. Chân ngữ là có sinh tử để diệt, có Niết Bàn để chứng;

2. Thật ngữ là sinh tử và Niết Bàn đều như hoa đốm trên không;

3. Như ngữ là trí huệ chẳng thể suy lường, lời nói chẳng thể diễn tả;

4. Vô hư là chẳng dối;

5. Vô thật là thấy trước việc chưa đến gọi là Bất Dị.

     Ở đây chỉ dùng hai chữ "chẳng vọng" tức là lời “chân thật” để bao gồm.

     Đức Phật nói: “Chẳng phải như bốn thứ tà thuyết càn loạn bất tử của bọn Mạc Già Lê, các ông hãy suy xét kỹ, chớ nên làm mất lòng tự tin!” Nghĩa là trong Bà Sa Luận của Bà La Môn (Ấn Độ giáo) ngoại đạo chấp cõi trời (Phạm Thiên) thường trụ gọi là Bất tử, cho "chẳng đáp càn" được sinh cõi trời ấy, nếu thật chẳng biết mà đáp càn, sợ thành càn loạn, nên có ai hỏi thì đáp rằng "Lời bí mật chẳng nên nói hết", hoặc đáp chẳng định. Vì vậy cho nên Đức Phật quở rằng: “Họ thật là kẻ càn loạn”. Chúng ta thấy lời Phật dạy có thể chứng minh, là chẳng vọng, chân thật, bất hư đời đời nên có thể tin tưởng tuyệt đối, chứ không như ngoại đạo nói hiêu nói vượn chẳng thể chứng minh chân thật vậy.

3). BỒ TÁT VĂN THÙ XIN PHẬT

GIẢNG THẤY & KHÔNG THẤY

       (Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]