Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 09: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

08/12/201611:15(Xem: 5390)
Bài 09: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

4). TÁNH-THẤY KHÁC CON MẮT

     Tức thời, A Nan cùng đại chúng im lặng ngơ ngác, chẳng còn lý lẽ gì để nói nữa.

     Phật bảo A Nan:
- Tất cả người tu học trên thế gian, vì chưa dứt sạch tập khí (1) phiền não, dù đã tu đến chín bậc thiền định (2), chẳng thành quả A La Hán (3), đều do chấp trước sanh tử vọng tưởng, cho là chân thật, nên ông dẫu được học rộng nghe nhiều, chẳng chứng thánh quả.
A Nan nghe rồi, lại đau xót rơi lệ, năm vóc gieo sát đất, quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng:
- Từ khi con phát tâm xuất gia, ỷ cậy oai thần của Phật, thường nghĩ rằng chẳng nhọc tự tu, cho rằng Như Lai sẽ ban cho tam muội (4), không biết thân tâm vốn chẳng thể thay thế nhau được, nên lạc mất bản tâm (5); thân dù xuất gia, tâm chẳng nhập đạo, như đứa con nghèo bỏ cha chạy trốn. Đến nay mới biết, dẫu cho học rộng nghe nhiều, nếu chẳng tu hành (6) thì khác gì người chẳng nghe! Cũng như nói ăn mà không ăn thì làm sao được no!
- Thế Tôn, hiện nay chúng con bị hai chướng (7) ràng buộc, vì chẳng biết tự tánh thường tịch, mong Như Lai thương xót kẻ khốn cùng, khai phát diệu tâm, sáng tỏ đạo nhãn cho chúng con.
     Lúc ấy, Như Lai từ chữ vạn trước ngực phóng ra hào quang, rực rỡ trăm ngàn màu sắc, đồng thời chiếu khắp mười phương vô số quốc độ Phật, soi khắp đỉnh đầu tất cả Như Lai trong mười phương bửu sát (8), rồi xoay về soi cả đầu A Nan cùng đại chúng, bảo A Nan rằng:

- Nay ta vì ông dựng đại pháp tràng, khiến mười phương chúng sanh đều được diệu tâm sáng tỏ, pháp nhãn thanh tịnh. A Nan, trước ông trả lời thấy nắm tay chói sáng, vậy cái nắm tay này do đâu mà có? Làm sao thành nắm tay? Ông lấy gì để thấy?
A Nan đáp:
- Do tánh thanh tịnh sáng ngời như núi báu của thân Phật sanh ra hào quang, ngón tay Phật co nắm lại thành nắm tay, chính mắt con thấy tướng nắm tay vậy.
     Phật bảo A Nan:
- Hôm nay ta nói thật cho nghe: Những người có trí cũng phải nhờ thí dụ mới được khai ngộ. A Nan, ví như tay của ta, nếu chẳng có cánh tay thì chẳng thành nắm tay của ta, nếu chẳng có con mắt ông thì chẳng thành sự thấy của ông. Vậy lấy nhãn căn của ông so với nắm tay của ta, hai nghĩa giống nhau chăng?
- Bạch Thế Tôn! Vâng giống. Nếu chẳng có con mắt thì chẳng thành sự thấy của con, vậy đem nhãn căn của con so với nắm tay của Như Lai, hai nghĩa giống nhau.
     Phật bảo A Nan:
- Ông nói giống nhau, nghĩa này chẳng đúng. Tại sao? Như người không có cánh tay thì tuyệt nhiên chẳng có nắm tay, nhưng người không có mắt thì chẳng phải không thấy. Vì sao? Ông thử hỏi người mù có thấy gì chăng? Người ấy ắt sẽ trả lời: "Nay trước mắt tôi chỉ thấy tối đen, chẳng còn thấy gì khác". Xét theo nghĩa này thì tiền trần tự tối, sự thấy đâu có giảm bớt!
     A Nan nói:
- Những người mù trước mắt chỉ thấy tối đen, sao gọi là thấy?
     Phật bảo A Nan:
- Người mù không có mắt, chỉ thấy tối đen, so với người có mắt ở trong phòng tối, cũng chỉ thấy tối đen, hai thứ tối đen ấy có khác hay chẳng khác?
- Bạch Thế Tôn! Thật chẳng có khác.
- A Nan, nếu người không có mắt, thấy toàn tối đen, bỗng được mắt sáng, liền thấy các sắc tướng trước mắt, gọi là "mắt thấy", người ở trong phòng tối cũng toàn thấy tối đen, bỗng được đèn sáng, cũng thấy các sắc tướng trước mắt, thì phải gọi là "đèn thấy". Nếu đèn có thấy thì chẳng được gọi là đèn, lại đèn thấy thì có dính dáng gì đến ông? Vậy biết, đèn chỉ có tác dụng hiển hiện sắc tướng, sự thấy là mắt, chẳng phải đèn; mắt chỉ có tác dụng hiển hiện sắc tướng, sự thấy là tâm, chẳng phải mắt.
     A Nan và đại chúng dù nghe lời Phật nói vậy, miệng tuy im lặng, nhưng tâm vẫn chưa ngộ, mong được giảng rõ thêm, nên thành tâm chắp tay, đợi Phật dạy bảo.

GIẢI NGHĨA:

(1) Tập khí: Chỉ thói quen, bản năng, bản tính tiềm tàng, hiện lên bất cứ lúc nào, tích tụ trong đời sống và xếp vào Phiền não chướng, thí dụ người hay tìm lỗi người khác, người ưa nói dối, thường tham lam,  thích uống rượu, thích cờ bạc v.v….

(2) Chín bậc thiền định (Cửu định): Theo thứ lớp từng định từ thấp tiến lên các bậc định: Sơ-thiền, Nhị-thiền, Tam-thiền, Tứ-thiền, Không-xứ, Thức-xứ, Vô-sở-hữu-xứ, Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ, và Diệt-tận (Diệt-thọ-tưởng).

(3) Quả A La Hán: S: arhat; P: arahat, arahant, dịch nghĩa là Sát Tặc: diệt hết bọn giặc phiền não ô nhiễm, là Ứng Cúng: người đáng được cúng dường; A La Hán là người đã đạt Niết-bàn hữu dư, đoạn diệt sinh tử (Bất Sinh Vô Sinh), là người đạt bậc vô học của bậc Thánh, không bị ô nhiễm và phiền não chi phối.

(4) Tam muội: Chính định

(5) Bản tâm: Bản thức, bản kiến, bản văn, bản giác, bản tri đều là biệt danh của tự tính.

(6) Tu hành:Theo đúng pháp môn thực hành, có tu có chứng, mới được gọi là tu hành.

(7) Hai chướng ràng buộc: Phiền não chướng:Thân chướng như tham sân si, và Sở tri chướng: làchướng ngại của trí tuệ do sự hiểu biết gây ra.

(8) Bửu sát:Bửu hay Bảolà qúy, Sát: 1- Thế giới, đất nước, cõi (s: kṣetra); 2- Một cây cột dựng thẳng trước một Phật điện, cho biết đây là một tự viện, ngôi chùa, đạo tràng, bảo tháp; 3- Một lối viết tắt của Sát-đế-lỵ (s: kṣatriya), một giai cấp vua chúa và quân binh.

Kinh nói: “Tức thời, A Nan cùng đại chúng im lặng ngơ ngác, chẳng còn lý lẽ gì để nói nữa”. Nghĩa là vì Tôn giả A Nan Đà và đại chúng nghe Đức Phật nói chẳng có một người tu chứng nên không hiểu và ngơ ngác vậy.

Đức Phật bảo Tôn giả A Nan Đà rằng: “Tất cả người tu học trên thế gian, vì chưa dứt sạch tập khí phiền não”, nghĩa là mọi người sống đã quen theo lề lối của thế gian, đã bị các cách hành xử theo tập tục thế gian gây nên nền nếp, tạo ra cái thành đồng vách sắt khó mà phá được. Đây là một lối sống đã thành hình từ lâu đời rồi, nó đã ăn sâu vào tất cả những tư duy của con người và trở thành những mối suy tư lo lắng cùng những ưu phiền khổ não không sao dứt được, do đó Đức Phật nói đếntập khí phiền não” là nghĩa này vậy. Tại sao?

    Vì tất cả mọi người đều còn chấp thật “tiền trần”, như hình dạng màu sắc đối với mắt, lời nói âm thanh đối với tai, mùi đối với mũi, v.v… là của mình, mà tiền trần thì có đó rồi mất đó, thay đổi vô thường, nhưng lại tưởng rằng nó là thường hằng, rồi chấp chặt nó là của mình, đến khi mất nó thì đau khổ buồn phiền. Vì vậy cho nên Ngài bảo: “dù đã tu đến chín bậc thiền định, chẳng thành quả A La Hán, đều do chấp trước sanh tử vọng tưởng, cho là chân thật, nên ông dẫu được học rộng nghe nhiều, chẳng chứng thánh quả”.Nghĩa là do nhớ tưởng các hình bóng âm vang cảm giác do tiền trần gây ra, đó là chấp vọng tưởng là thật, là của mình, thí dụ ăn món ngon thì nhớ hoài, nghe lời chống đối nói xấu về mình thì chẳng thể quên được v.v…, nên bị chúng nó che lấp bản thức chân thường; do đó dù tu đến chín bậc thiền định cũng chẳng thể chứng qủa A La Hán.

Kinh nói: “Tôn giả A Nan Đà nghe rồi, lại đau xót rơi nước mắt, năm thể lạy sát đất, rồi quỳ gối chắp tay thưa Phật rằng: “Từ khi con phát tâm xuất gia, ỷ cậy oai thần của Phật, thường nghĩ rằng chẳng nhọc tự tu, vì cho rằng Như Lai sẽ ban cho chính định (tam muội), không biết thân tâm vốn chẳng thể thay thế nhau được, nên lạc mất bản tâm; thân dù xuất gia, tâm chẳng nhập đạo, như đứa con nghèo bỏ cha chạy trốn””.Ở đây, Tôn giả A Nan Đà hành động và nói năng biểu trưng đúng với tâm trạng của mọi người phàm phu có tư tưởng trông cậy dựa vào người khác, mà chẳng biết rằng ai ăn người ấy no, muốn học đạo phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

     Tôn giả thưa: “Đến nay mới biết, dẫu cho học rộng nghe nhiều, nếu chẳng tu hành thì khác gì người chẳng nghe! Cũng như nói ăn mà không ăn thì làm sao được no! Hiện nay chúng con bị hai chướng ràng buộc, vì chẳng biết tự tánh thường tịch, kính mong Như Lai thương xót kẻ khốn cùng, khai phát diệu tâm, sáng tỏ đạo nhãn cho chúng con”. Hai chướng là: Phiền não chướng là những sinh hoạt tiếp xúc hàng ngày sinh ra những sự lo buồn đau khổ do tham ái năm dục sáu trần, do sân hận, kiêu mạn, tật đố, ganh tị v.v…. Thí dụ như thấy người hơn mình về một phương diện nào đó thì buồn bực, đó là do tính tật đố ganh tị, thấy tiền bạc hay của qúy thì muốn có, đó là do lòng tham. Còn sở tri chướng là những gì học được trong xã hội tạo ra những gì đã làm nền tảng khuôn đúc trong xã hội, nó cũng gây ra vô số buồn phiền khổ đau cho con người. Thí dụ người hãnh diện về những gì mình học được trong xã hội, bị những thứ đó gắn chặt vào làm của mình, rồi sinh ra kiêu mạn. Đối với đạo, hai chướng này tạo thêm vẩn đục, thêm bụi, thêm mây mù che lấp chân tâm, chúng là hàng rào cản trở “khai phát diệu tâm” vậy.

     Kinh nói: “Lúc ấy, tướng cát tường hải vân từ chữ vạn trước ngực Đức Phậtphóng ra hào quang, rực rỡ trăm ngàn màu sắc, đồng thời chiếu khắp mười phương vô số quốc độ Phật, soi khắp đỉnh đầu tất cả Như Lai trong đạo tràng mười phương, rồi xoay về soi tất cả đầu Tôn giả A Nan Đà cùng đại chúng”. Việc này nói lên biểu trưng rằng Đức Phật dùng trí tuệ của Ngài nối kết với trí tuệ của Chư Phật mười phương để soi sáng dẫn dắt Tôn giả A Nan Đà và đại chúng trong hội Lăng Nghiêm.

     Đức Phật bảo Tôn giả rằng: “Nay ta vì ông dựng đại pháp tràng, khiến mười phương chúng sanh đều được diệu tâm sáng tỏ, pháp nhãn thanh tịnh. Vừa rồi, ông trả lời thấy nắm tay chói sáng, vậy cái nắm tay này do đâu mà có? Làm sao thành nắm tay? Ông lấy gì để thấy?” Đến đây, Đức Phật bắt đầu đặt câu hỏi về cái “thấy” để dẫn dắt Tôn giả A Nan Đà và đại chúng thời ấy, cũng như tất cả những người học Kinh này ngày nay.
     Tôn giả A Nan Đà đáp: “Do tánh thanh tịnh sáng ngời như núi báu của thân Phật sanh ra hào quang, ngón tay Phật co nắm lại thành nắm tay, chính mắt con thấy tướng nắm tay vậy”. Ở đây Tôn giả vẫn là biểu trưng đại diện cho hàng phàm phu thưa rằng chính con “mắt” nhìn thấy các ngón tay co nắm lại thành nắm tay.

     Đức Phật giảng và hỏi: “Hôm nay Ta nói cho nghe: Những người có trí cũng phải nhờ thí dụ mới được khai ngộ. Ví như tay của Ta, nếu chẳng có cánh tay thì chẳng thành nắm tay của Ta, nếu chẳng có con mắt ông thì chẳng thành sự thấy của ông. Vậy lấy nhãn căn của ông so với nắm tay của Ta, hai nghĩa giống nhau chăng?” Đức Phật cho biết cần phải có thí dụ thì mới dễ hiểu, vì có thí dụ thì sẽ dùng thí dụ để so sánh phân biệt, ở đây Ngài dùng thí dụ để hỏi rằng “con mắt” giống hay khác “nắm tay”.
     Tôn giả A Nan Đà thưa: “Vâng giống. Nếu chẳng có con mắt thì chẳng thành sự thấy của con, vậy đem nhãn căn của con so với nắm tay của Như Lai, hai nghĩa giống nhau”. Tôn giả trả lời rằng con mắt và nắm tay giống nhau.

     Đức Phật giảng tiếprằng: “Ông nói giống nhau, nghĩa này chẳng đúng; tại sao? Như ông không có cánh tay thì tuyệt nhiên chẳng có nắm tay, nhưng người không có mắt thì chẳng phải không thấy; vì sao? Ông thử hỏi người mù xem, người mù ấy ắt sẽ trả lời: "Nay trước mắt tôi chỉ thấy tối đen, chẳng còn thấy gì khác". Xét theo nghĩa này thì tiền trần tự tối, sự thấy đâu có giảm bớt!” Ở đây chúng ta thấy mắt ví như gương, người mù ví như gương trong tối và nắm tay chẳng thể là gương soi được mà chỉ là vật mà thôi, nên hai thứ này khác nhau vậy.

     Tôn giả A Nan Đà nói: “Những người mù trước mắt chỉ thấy tối đen, sao gọi là thấy?”
     Đức Phật so sánh và hỏi: “Người mù không có mắt, chỉ thấy tối đen, so với người có mắt ở trong phòng tối, cũng chỉ thấy tối đen, hai thứ tối đen ấy có khác hay chẳng khác?” Đây là biện giải vững chắc không thể bác bỏ vậy.
     Tôn giả đáp: “- Thưa Thế Tôn! Thật chẳng có khác” Nghĩa là Tôn giả An Nan Đà cũng như mọi người đều phải công nhận sự tối đen của người mù và sự tối đen của người không mù trong phòng tối là chẳng khác nhau.

     Đức Phật giảng: “- Nếu người không có mắt, thấy toàn tối đen, bỗng được mắt sáng, liền thấy các sắc tướng hình dáng trước mắt, gọi là "mắt thấy". Người ở trong phòng tối cũng toàn thấy tối đen, bỗng đèn sáng, cũng thấy các sắc tướng hình dáng trước mắt, thì phải gọi là "đèn thấy"; nếu đèn có thấy thì chẳng được gọi là đèn, lại đèn thấy thì có dính dáng gì đến ông? Do đó mà biết được đèn chỉ có tác dụng hiển hiện sắc tướng, sự thấy là mắt, chẳng phải đèn; mắt chỉ có tác dụng hiển hiện sắc tướng, sự thấy là tâm, chẳng phải mắt”.  Ở đây, Đức Phật chỉ cho chúng ta biết: đèn chỉ là duyên ánh sáng, mắt là duyên cửa ngõ cho sự thấy, còn cái thấy chính là tâm; như thế con mắt khác cái thấy vậy.

Lúc bấy giờ: “Tôn giả A Nan và đại chúng dù nghe lời Phật nói vậy, miệng tuy im lặng, nhưng tâm vẫn chưa ngộ, mong được giảng rõ thêm, nên thành tâm chắp tay, đợi Phật dạy bảo” Đến đây, Tôn giả và mọi người tuy được Ngài chỉ bảo như thế, nhưng vẫn còn chưa hiểu rõ, nên đều mong Ngài dạy thêm.

5). HỎI NGHĨA HAI CHỮ “KHÁCH

TRẦN” ĐỂ CHỈ CÁI THẤY LÀ CHỦ.


(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]