Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Việc phiên dịch Kinh điển Phật giáo ra chữ Hán

19/03/201614:03(Xem: 9110)
Việc phiên dịch Kinh điển Phật giáo ra chữ Hán

Việc phiên dịch Kinh điển Phật giáo ra chữ Hán

                                                                      

 GS  Nguyễn Vĩnh Thượng

Viec-phien-dich-KDPG-ra-chu-Han-000

Lời tác giả: Việc biên soạn chắc chắn không tránh khỏi những chỗ sai sót, chúng tôi ước mong được sự lượng thứ của các bậc cao minh. Những sự sửa sai và bổ khuyết của quý vị độc giả sẽ giúp  bài viết này được đầy đủ và hoàn hảo hơn trong lần viết lại; đó quả là niềm vinh hạnh cho chúng tôi.
                                                                                                          
NVT

 

Vào đầu thế kỷ 12, quân Hồi giáo đã xâm chiếm Ấn-độ, với bản chất tàn bạo họ đã tàn sát các Tăng Ni, Phật tử, đốt sạch các Kinh điển Phật giáo, phá hoại các đền chùa Phật, họ cũng cướp bóc tài sản và tàn phá những gì không thuộc Hồi giáo. Phật giáo đã bị tiêu diệt nơi xứ Phật.  Nhưng may mắn thay cho đạo Phật, dưới triều đại vua Asoka vào thế kỷ thứ 3 trưóc. CN, Phật giáo đã được truyền qua xứ Sri Lanka/Tích Lan, Miến điện ... Rồi đến khoảng thế kỷ 1 CN, Phật giáo được truyền đến Giao Châu/Việt Nam, Trung quốc, Phù Nam, Cao Ly, Nhật bản… Tam tạng kinh của Thượng Toạ Bộ/ Phật giáo Nguyên Thuỷ được truyền qua Sri Lanka, các kinh điển Mật giáo được truyền sang Tây tạng;  Tam tạng kinh  của Phật giáo nguyên thuỷ, Phật giáo Phát triển/Phật giáo Đại thừa đã được truyền sang Trung quốc. Kho tàng Phật điển ở Trung quốc vô cùng đồ sộ. Mãi đến thế kỷ thứ 18, quân Hồi dần dần suy yếu. Sau đó Ấn độ trở thành thuộc địa của Anh quốc, Phật giáo mới bắt đầu phục hồi trở lại. Vào  thế kỷ 19, các vị trong phong trào phục hồi đạo Phật ở Ấn độ đã mượn Đại tạng Kinh  Phật giáo chữ Hán để dịch ngược lại chữ Sanskrit, và quý vị này cũng thỉnh Tam tạng kinh Pali từ Sri Lanka. Như vậy việc phiên dịch kinh điển Phật giáo ra chữ Hán đã giúp ích cho việc phục hồi Phật giáo ở Ấn độ.
Viec-phien-dich-KDPG-ra-chu-Han-001

 ( Nguồn: bản đồ Con Đường Hoằng Pháp của Thư viện Hoa Sen website)


                      

Bài viết này sẽ được trình bày như sau:  

             I.Phật giáo truyền đến Trung Hoa từ Ấn độ qua con đường tơ lụa và con đường hồ tiêu.
             II.Những khó khăn bước đầu trong việc dịch thuật Kinh điển Phật giáo ra chữ Hán:
                            - Ngôn ngữ Trung Hoa và Ấn độ hoàn toàn khác nhau. Quan niệm triết học                    cũng khác xa.
                            - Chữ cách nghĩa của “Phật giáo Ko-I” (Ko-I Buddhism).
                            -Những lý thuyết dịch thuật của các đại sư: Đạo An (312 – 385) [xem thêm chi tiết ở III.-3: Thời đại nhà Tấn], Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva, 344 – 413) và Huyền Trang/ Tam Tạng Pháp Sư (600 – 664)[xem thêm chi tiết ở III.-6: Thời đại nhà Đường].

              III. Quá Trình việc phiên dịch kinh điển Phật giáo ra chữ Hán và sự phát triển của Phật giáo ở Trung Hoa:
                Các sự kiện lớn đáng chú ý:
                            -Kinh Tứ Thập Nhị Chương được dịch ra tiếng Hán đầu tiên vào thế kỷ I.
                           -Chùa Bạch Mã: ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung Hoa được vua Minh Đế (58 – 75), thời Hậu Hán, xây cất vào năm 68 CN ở phía Đông thành Lạc Dương (tỉnh Hà Nam ngày nay).
                           - Đạo An đại sư đã cải họ Thích ( ,Shih) làm họ mới cho mình, và đã làm tiền lệ cho các Tăng Ni Bắc Truyền/ Đại Thừa.
                           -Phật giáo Trung Hoa đã trãi qua 5 lần Pháp nạn tính đến cuối đời Mãn Thanh    (1911).
                           -Tư Tưởng Mạt Pháp.
                           -Vào đời Đường (618 – 907) :
                                           -Đại Tạng Kinh ( , Av. Great Storehouse Scripture)  được hoàn thành.
                                           -Thiền học Trung Hoa đã phát triển với Pháp Bảo Đàn Kinh của chính Đại sư Trung Hoa là Ngài Lục tổ Huệ Năng.
                            -Vào đời Minh (1368 – 1661), kỹ thuật ấn loát phát triển, Đại Tạng Kinh được in 4 lần với 4 ấn bản khác nhau.
                            -Vào đời Thanh (1662 – 1911): Tục Tạng Kinh ( , Supplement to Tripitaka) được khắc in.
               

                  IV.- Kết Luận:
                         Công việc dịch thuật Tam Tạng giáo điển ra chữ Hán ở Trung Hoa:

-đã kéo dài khoảng 1.900 năm, và đã được hầu hết các triều đại bảo trợ.
-đã làm giàu thêm khoảng 35.000 từ (words) cho tiếng Hán cổ.
-đã giúp tư tưởng Phật giáo được tuyền bá dễ dàng và rộng rãi trong giới trí thức và trong đại chúng.
-đã giúp Phật giáo giải phóng địa vị xã hội của người phụ nữ  Trung Hoa ra khỏi quan niệm “phân biệt Nam Nữ” của Nho giáo.

                  

 Phụ lục: Các Đại Tạng Kinh chữ Hán ở Đại Hàn/Cao Ly và Nhật Bản.
         

I.- Phật giáo truyền đến Trung Hoa từ Ấn độ

Phật giáo được truyền đến Trung Hoa vào khoảng thế kỷ 1 trước Công Nguyên do hai con đường: đường bộ và đường biển.                 

A. Đường bộ còn gọi là con đường tơ lụa (ti trù chi lộ   绸 之 路 ,  silk routes): đây là con đường giao thông buôn bán giữa Trung Hoa và các nước ở phía Tây Trung Hoa được vua Võ Đế đời Tiền Hán cữ Trương Phiên khai phá vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước CN. Con đường này có hai trục lộ: một trục lộ ở phía Bắc và một trục lộ ở phía Nam.

             1. Con đường phía Bắc: Trục lộ phía Bắc phát khởi từ Đôn Hoàng, Ngọc Môn rồi nương theo chân núi Thiên Sơn, qua các nước Hami (Y Ngô), Turfan (Cao Xương), Karashar (Yên Kỳ), Kucha (Khâu Tư), Turfan (Cô Mặc), Ush (Ôn Túc) đến Kashgar (Sở Lạc) nối liền trục lộ phía Nam để đi tới Ấn độ.

             2.Con đường phía Nam: Trục lộ phía Nam bắt đầu từ Đôn Hoàng và Ngọc Môn thuộc địa phận Trung Hoa, rồi nương theo chân núi Côn Lôn qua các nước Lop Nor, Khotan (Vu Điền), Yarland (Xa Sa) đến Kashgar (Sở Lạc). Từ Kashgar vượt qua núi Thông Lĩnh để đi tới phía Bắc Ấn độ.

Giữa hai con đường bộ nói trên , còn có con đường Nhập Trúc Cầu Pháp (nghĩa là đi qua Ấn độ để học trực tiếp về Phật Pháp và thỉnh các Kinh Phật bằng chữ Phạn) do các Đại sư  Trung quốc mở đường . Con đường này bắt đầu từ Đôn Hoàng, qua Lop Nor, tới Karashar, xuyên qua bãi sa mạc Taklamakan rồi tới Khotan để hợp với con đường phía Nam. Ngài Chu Sĩ Hành (203-282, người nước Ngụy thời Tam Quốc) sau khi xuất gia đã quyết chí đi Ấn độ để tìm nguyên bản tiếng Phạn của kinh Phật. Chu Sĩ Hành là vị sư đầu tiên đã mở con đường “Nhập Trúc Cầu Pháp”; sau đó có Ngài Pháp Hiển ( khoảng 340 (?- ?) … đã đi theo con đường này để đi thỉnh kinh Phật ở Ấn độ.

Cả 3 con đường đều qua các vùng núi non hiểm trở và sa mạc khô cằn.

B. Đường biển ( hải lộ 海 路 , sea routes)  còn gọi là con đường hồ tiêu (hương liệu chi lộ  香 料 之 路 ,  spice routes; hồ tiêu chi lộ 胡 椒 之 路 ): đây là con đường giao thông bắt đầu từ hải cảng thuộc tỉnh Quảng Đông, qua Giao Châu/Bắc Việt Nam bây giờ và các  đảo ở phía Đông Nam rồi tới Ấn độ, Sri Lanka … Châu Âu.  Đường thuỷ vừa nhanh chóng vừa bớt gian nan, nên các vị sư Ấn độ thường dùng để đi truyền bá Phật giáo đến Trung Hoa.

Thường thường thì mỗi chuyến di chuyển hàng hoá, đi buôn bán, các thương gia hay thỉnh mời các vị sư đi theo để cầu an trên đường đi, do đó các Ngài có cơ hội truyền bá Phật Pháp. 


[ Tôi xin mở ngoặc ở đây để tìm hiểu thêm về con đường tơ lụacon đường hồ tiêu:
Viec-phien-dich-KDPG-ra-chu-Han-002

(Nguồn:internethttp://en.unesco.org/silkroad)

*Con đường tơ lụa (Silk Routes):
Trung Hoa là nước đầu tiên biết cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa vào khoảng thế kỷ thứ ba. Nơi sản xuất tơ lụa nhiều nhất là Phúc Châu, Hàng Châu, Tô Châu.
Vào thế kỷ 2 trước Công Nguyên, vua Hán Vũ Đế đã sai Trương Khiên khai mở con đường đi về phía Tây đến miền Bắc Ấn độ. Lúc ấy con đường này chưa có tên là con đường tơ lụa, mãi về sau này con đường này mới được đặt tên là con đường tơ lụa, phát xuất từ việc Trung Hoa di chuyển tơ lụa đi bán cho các nước ở phía Tây Trung Hoa. Mặc dầu tơ lụa là hàng hoá chính, nhưng cũng có nhiều hàng hoá khác, nhiều sản vật khác được trao đổi giữa các nơi trên trục lộ này, giữa hai miền Đông và Tây của Châu Á.

Con đường tơ lụa có chiều dài khoảng 6.467 km bắt đầu từ Trung hoa: Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh qua Mông Cổ, Ấn độ, Afghanistan, Kazakhstan, Persian (nay là Iran/ Ba Tư), Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, vùng Địa Trung Hải (Mediterranean Sea) và đến tận Âu Châu. Đây là trục lộ nối liền Đông và Tây của lục địa Châu Á với Âu Châu. Rất nhiều hạng người sử dụng con đường này, nhiều nhất là các thương gia rồi đến các tu sĩ, tăng sĩ, các khách đi hành hương, các kiếm khách giang hồ rày đây mai đó, các cư dân ở các đô thị dọc theo con đường này.

Ngoài việc thương mại, Con đường tơ lụa còn là nơi giao lưu văn hoá, tôn giáo như các tôn giáo: Zoroastrianism (Hoả Giáo, đạo thờ lửa, người sáng lập là Zoroastre, ở miền Đông Iran từ thế kỷ III đến thế kỷ VII thì bị Hồi giáo thay thế vì Ai Cập chiếm Iran vào thế kỷ VII); Manichaeism (Ma-ni giáo, người sáng lập là Mani ở xứ Iran vào thế kỷ III sau CN); Buddhism (Phật giáo); Hinduism (Ấn độ giáo);  Judaism (Do Thái giáo, tiếng Hebrew là Yehudah); Christianity (Cơ đốc giáo) và Islam (Hồi giáo) [ Các đạo thờ Chúa gồm có đạo Do Thái, đạo Kitô/Kitô giáo/Thiên chúa giáo ( "Kitô" là tiếng Hán việt phiên âm từ chữ Khristos trong tiếng Hi Lạp, nghĩa là "Đấng được xức dầu", dịch từ chữ Messiah trong tiếng Hebrew. "Kitô" để chỉ Giêsu, người Tin Lành thường dùng chữ "Christ”. "Kitô hữu" (Christian) có nghĩa là "người có Chúa Kitô hiện hữu (ở trong)", hay "người thuộc về Chúa Kitô"), đạo Hồi đều có chung một ông tổ là Abraham. Ông Abraham là người Do Thái, sinh trưởng tại thành phố UR thuộc đế quốc Babylon (hiện nay thuộc phía Nam Iraq, gần biên giới với Kuwait) vào khoảng năm 2000 trước. CN.

*Giao lưu văn hoá giữa Trung Hoa với các nước phương Tây (Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Iran, Ấn độ):

            1.- Văn hoá Trung Hoa chuyển sang Tây phương:
-Cách trồng dâu nuôi tằm, kỷ thuật dệt tơ lụa.
-Kỹ thuật luyện sắt để chế tạo binh khí và nông cụ.
-Các cây đào, cây sơn và kỹ thuật làm đồ sơn.
-Về y học: dược tính của các cây cỏ, kỹ thuật luyện thuốc.
-4 phát minh lớn từ thời cổ xưa ở Trung Hoa cũng được truyền sang các nước ở phương Tây và các nước láng giềng như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam như:
                      a.- Kỹ thuật làm giấy đã ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước CN.
                      b.-Kỹ thuật in ấn: mực được phát minh từ đời Hán, kỹ thuật khắc chữ trên tấm ván /khắc ván và nguyên lý in trái.
                    c.-Kim chỉ Nam: vào thời chiến quốc người Tàu đã sáng chế ra miếng sắt có từ trường thiên nhiên dùng để chỉ hướng, gọi là từ Nam. Vào cuối đời Đường, người Tàu đã phát minh ra Kim chỉ Nam. Vào đời Tống, kim chỉ Nam đã trở thành nghi khí định phương hướng cho các thầy phong thuỷ sử dụng.
                   d.-Thuốc nổ: vào khoảng đầu đời Đường, một loại thuốc gồm hợp chất : lưu huỳnh + diêm tiêu + than được dùng làm thuốc trị ghẻ lở và khử trùng, chống ôn dịch. Do rủi ro trong lúc pha chế hoặc do tích trữ không thích nghi đã gây nhiều hỏa hoạn, các nhà bào chế thuốc đã ghi lại nguyên nhân các vụ hoả hoạn để phòng ngừa sau này. Thuốc này được đặt tên là hỏa dược (thuốc lửa). Vào cuối đời Đường, hỏa dược được chế biến thành hỏa khí, hỏa khí được dùng làm  vũ khí trong chiến tranh. Đến đời Tống, hỏa khí được phát triển mạnh  trong các trận chiến.

Viec-phien-dich-KDPG-ra-chu-Han-003
(nguồn: internet,bản đồ Silk Roads)

             2.-Văn hóa Tây phương chuyển sang Trung Hoa:
-Cách nuôi ngựa và kỹ thuật tác chiến trên lưng ngựa. Trung Hoa đã mua hàng đàn ngựa từ phương Tây. Lạc đà cũng được sử dụng để di chuyển hàng hóa qua sa mạc.
-Cây nho, hành Tây …
-Ngọc thạch. Kỹ thuật pha chế pha lê , tối tân hơn ở Trung Hoa, cũng đã đến từ Ấn độ, Ai Cập.
-Âm nhạc: nhạc, điệu múa, kịch cũng đã từ Tây vực truyền vào Trung Hoa. Vào thời Đường, nhạc khúc phương Tây đã ảnh hưởng đến việc sáng tác ra “Khúc Nghê Thường Vũ
Y”
nỗi tiếng.
-Hát xiệc ở Tây vực cũng đã truyền vào Trung Hoa.
-Nghệ thuật điêu khắc, đắp tượng, kiến trúc các hang động đã từ Ấn độ, Hy Lạp, Trung Á, Iran truyền vào Trung Hoa.

Trường An (長安,  Chang’an) là kinh đô của nhà Hán (206 tr. CN – 220 CN), đã là nơi mà các thương gia Trung Hoa tập trung tơ lụa và các hàng hoá khác để di chuyển về miền Tây qua Con đường tơ lụa ; đây cũng là nơi tập trung các hàng hoá từ miền Tây (Ấn độ, các nước  Trung Á ở dọc theo con đường này) về Trung Hoa. Lạc đà đã là một phương tiện vận chuyển chính yếu.

Như đã nói, vào thời xa xưa, Con đường Tơ Lụa (Silk Routes/Roads) chưa có tên này. Mãi đến giữa thế kỷ XIX, nhà địa chất học (geologist) người Đức Baron Ferdinand Von Richthofen mới đặt tên cho mạng lưới giao thông này cái tên là Die Seidenstrasse (Silk Roads/routes).

Vào tháng 6 năm 2014, UNESCO đã chọn con đường từ Trường An đến Đại Sơn (,  Tian Shan), con đường này đã là hành lang của Con đường tơ lụa, như là một di sản của thế giới (a World Heritage Site). Đại sơn gồm có nhiều dãy núi lớn ở Trung Á, có ngọn cao nhất được7.439 mét.     

*-*Con đường Hồ Tiêu (Spice routes):
Như đã trình bày ở trên, đây là con đường thuỷ mà các thương gia Ấn độ di chuyển các đồ gia vị như tiêu, cà-ri, quế, ớt, gừng v. v… và trái cây, da thú, đồ vật làm bằng gỗ, các loại đá quý (cẩm thạch, hột xoàn) v.v… để bán . Con đường này bắt đầu từ hải cảng Quảng Đông bên Trung Hoa đi qua Giao Chỉ, các đảo ở phía Đông Nam, phía Đông Ấn độ, Sri Lanka … đến Âu Châu.]

II.-Những khó khăn bước đầu trong việc phiên dịch Kinh điển Phật giáo ra chữ Hán.

Việc phiên dịch kinh điển Phật giáo lúc đầu đã gặp nhiều khó khăn do những lý do chính sau đây:

            A.-Trước nhất là ngôn ngữ Trung Hoa và Ấn độ hoàn toàn khác nhau, trong khi các ngôn ngữ ở vùng Trung Á thì có nhiều điểm tương tợ với Ấn độ. Ngôn ngữ Trung Hoa thì giản dị, ngắn gọn, thực tiễn, còn ngôn ngữ Ấn độ thì có tính bóng bẩy, trừu tượng. Từ ngữ Trung Hoa không có một hệ thống văn phạm cứng nhắc, còn từ ngữ Ấn độ có những qui tắc văn phạm được qui định rõ ràng.

            B.-Quan niệm triết học thì cũng khác xa. Trung Hoa chú trọng vào gia đình, giá trị đạo đức của con người thì lấy gia đình làm căn bản, còn Phật giáo thì chủ trương mở rộng ra khỏi ranh giới của gia đình, của quốc gia, của chủng tộc. Đạo phật chủ trương luân lý từ bi cho tất cả mọi người. Trung Hoa thì chú trọng vào đời sống thực tiễn (hành động) đi tìm một giải pháp cho một xã hội tốt đẹp hơn, còn Phật giáo thì không những chỉ chú trọng đến cuộc đời mà ta đang sống mà còn lo nghĩ  đến một thế giới mai sau một khi con người qua đời.

 

Do chỗ khác biệt về văn hoá và triết học giữa Trung Hoa và Ấn độ nên vào buổi sơ khai của việc dịch thuật kinh điển Phật giáo từ tiếng Ấn độ sang tiếng Trung Hoa, các dịch giả tiên phong đã gặp khó khăn, và nhiều khi không thể tìm ra được những chữ, những ý niệm tương đương cho từ ngữ Trung Hoa. Thêm vào đó, như đã trình bày ở trên, cách diễn tả những suy nghĩ, cách diễn tả những tư tưởng cũng khác nhau giữa hai ngôn ngữ.

Có những chữ không tìm được chữ tương đương trong tiếng Trung Hoa, các dịch giả đã phiên âm từ tiếng Sanskrit như: -đà-la-ni phiên âm dharani, nghĩa là thần chú, chân ngôn;-sát-na phiên âm ksana, nghĩa là đơn vị thời gian ngắn nhất;- niết-bàn, đầy đủ chữ là niết-bàn-na phiên âm nirvana (tiếng Sanskrit, Pali: nibbana);- thuần-nhã-đa phiên âm sunyata, sau này dịch là hư không, chơn không, tánh không;- Phật đầy đủ chữ là Phật-đà phiên âm Buddha (tiếng Sanskrit, tiếng Pali: Buddha, nghĩa là bậc đã giác ngộ và giải thoát hoàn toàn ); -La-hán đủ chữ là A-la-hán  phiên âm Arahat (tiếng Sanskrit, Pali: Arahant); - Bồ-tát,đầy đủ chữ là Bồ-đề-tát-đỏa phiên âm Bodhisattva;-Đạt-ma phiên âm Dharma nghĩa là giáo pháp của Đức Phật, Chánh pháp; - Tăng, đầy đủ chữ là tăng-già phiên âm Samgha (tiếng Sanskrit, tiếng Pali: Sangha) nghĩa là nam giáo sĩ Phật giáo, còn có nghĩa là Giáo hội/giáo đoàn Phật giáo; -ni hay ni cô đủ chữ là Tì-kheo-ni phiên âm Bhikkhuni (tiếng Pali), nữ giáo sĩ Phật giáo.

Có nhiều địa danh, tên cây cối, thú vật không được biết ở Trung Hoa cũng được phiên âm từ tiếng Sanskrit như: -núi Lăng-già phiên âm núi Lanka (ở nước Tích Lan/Sri Lanka), Kinh Lăng-già dịch Lankavatara;- Ba-la-nại phiên âm chữ Varanasi (tiếng Sanskrit) là thành phố lớn ở Ấn độ, xưa là Benares nay là Vanarasi, ở gần thành phố này có vườn Lộc Uyển (Deer park, vườn Nai) đã là nơi Đức Phật Thích-ca giảng bài thuyết pháp đầu tiên (là Kinh Chuyển Pháp Luân/ Dhammacakkappavattana Sutra) cho năm anh em ông Kiều-trần-như (Srt. Kaudinya, Pa. Kondanna) nghe; -Ca-tỳ-la-vệ phiên âm  Kapilavastou (tiếng Sanskrit, Pali: Kapilavatthu) là thủ đô, nơi vua Tịnh Phạn (Pali: Suddhodana) đóng đô, nơi sinh trưởng của Thái tử Tất-đạt đa ( Srt. Siddhartha, Pali. Siddhatta) trước khi thành Phật, nay thuộc phần đất của nước Népal;-cây đa-la phiên âm cây tala/ tara (cây có cùng họ với cây cọ, không có cành, chỉ có lá ở ngọn như cây dừa, cây cao);-lá bối-đa-la dịch pattra, lá cây tala dùng để chép kinh điển Phật giáo ngày xưa; người Tàu gọi ngắn là bối diệp (lá bối);- cây ba-ba-la phiên âm cây pippala là nơi Đức Phật Thích-ca ngồi thiền và đắc quả vị Phật, sau này còn gọi là Bồ-đề thọ (cây Bồ-đề);-chim ca-lăng-tần-già phiên âm karavinka (tiếng Sanskrit), đây là một loài chim ở Ấn độ có tiếng hót ví von, tạo nên  âm thanh vi diệu, thường được ví với lời giảng Pháp của chư Phật, trong kinh A-di-đà có tả cảnh nước Cực-lạc, và có nói đến chim ca-lăng-tần-già ca ngâm các bài Pháp, khiến cho chúng sanh ở cõi trần khi nghe đến đều niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. Thêm vào đó, từ thời xa xưa, các dịch giả Trung Hoa, ngay cả Đại sư Huyền Trang ( ,khoảng 602664), đã  quan niệm rằng thần chú / chân ngôn (mantra, dharani) là ngôn ngữ bí mật của chư Phật, chứa đựng mật nghĩa bí ảo vi diệu nên không thể dùng văn tự để giảng nghĩa và dịch ra được. Hành giả chỉ cần tụng hay niệm với lòng thành, câu thần chú sẽ giúp loại trừ những chướng ngại, gia tăng những ân huệ và che chở cho người tụng niệm. Nên các dịch giả chỉ phiên âm từ tiếng Sanskrit, rồi các dịch giả Việt Nam cũng đã phiên âm lại từ tiếng Hán Việt ra chữ Quốc ngữ. Nhưng vào khoảng cuối thế kỷ XX, các dịch giả đã có khuynh hướng tìm ý nghĩa ẩn tàng, sâu xa của thần chú để chú giải và dịch ra nhầm mục đích giúp Phật tử hiểu được phần nào ý nghĩa của câu thần chú trong khi tụng niệm như vậy tốt hơn là chỉ tụng niệm thuộc lòng mà không hiểu gì hết. Thí dụ như:
Cố Hoà Thượng Thích Đức Niệm, Cựu Viện Trưởng Phật Học Viện Quốc Tế ở California, Hoa Kỳ, đã giải nghĩa câu thần chú duy nhất trong Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh (Prajna paramita hridaya Sutra),  viết ngắn lại  “Tâm Kinh”,  rồi Ngài dịch ra Chữ Quốc ngữ :
Yết Đế  Yết Đế    Ba La Yết Đế         Ba La Tăng Yết Đế            Bồ Đề     Tát Bà Ha 
“Đi!       Đi!        Đến bờ bên kia!     Đại chúng đều đi!      Nguyện mau chóng thành tựu đạo quả Chánh giác!”
(Thích Đức Niệm, Tâm Kinh Yếu Giải, North Hill: Phật Học Viện Quốc Tế, CA, USA, 1998, tr. 193)

a- Nguyên văn tiếng Sanskrit của câu thần chú trên là :

Gate  Gate  Pāragate  Pārasaṃgate  Bodhi  Svāhā

b- Phiên âm câu thần chú nầy ra chữ Hán bởi các dịch giả Tàu:

揭帝 揭帝 般 羅 揭 帝 般 羅 僧 揭 帝     菩提 僧莎訶 

c-Phiên âm câu thần chú ra chữ Quốc ngữ  theo âm Hán Việt:

Yết Đế   Yết Đế    Ba La Yết Đế          Ba La Tăng Yết Đế            Bồ Đề     Tát Bà Ha 

d- dịch ra chữ Quốc ngữ:
 “Đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia , đã đi đến bờ giác ngộ! thật lành thay!

e-Giải thích theo ngôn từ của câu  thần chú:
-gate: yết-đế= đi qua.
-paragate: ba-la-yết-đế= đi đến bờ bên kia.
-Parasamgate: ba-la-tăng-yết-đế= đã đi qua tới bờ bên kia hoàn toàn, hoặc đại chúng cùng nhau đi qua bờ bên kia.
-bodhi:sự giác ngộ.
-svaha: tán thán từ có nghĩa là ngợi khen, tiếng reo lên vì vui mừng hoặc vì đã đạt được ước nguyện.
-bodhi svaha: đến bờ giác ngộ! thật lành thay!

Đức Dalai Lama thứ 14, Tenzin Gyatso, đã chú giải và dịch câu thần chú trên như sau:
“In Sanskrit, . . . , gate gate means “go, go”, paragate means “go beyond”, parasamgate means “go totally beyond”, and bodhi svaha can be read as “be rooted in the ground of enlightenment”. Thus, the entire mantra it self can be translated as “Go, go, go beyond, go totally beyond, be rooted in the ground of enlightenment”. We can interpret this mantra metaphorically to read “Go to the other shore”, which is to say, abandon this shore of samsara, unenlightened existence, which has been our home since beginningless time, and cross to the other shore of final nirvana and complete liberation”.
(The Dalai Lama, Essence of the Heart Sutra, translated and edited by Geshe Thupten Jinpa, Boston: Wisdom Publications, 2002, p. 130-131)

Dịch:
 “ Trong tiếng Sanskrit, . . . , gate gate nghĩa là “hãy đi, hãy đi”, paragate nghĩa là “hãy đi qua bên kia”, parasamgate nghĩa là “hãy đi hoàn toàn qua bên kia”, và bodhi svaha có thể đọc như là “hãy được cắm rể/an trụ vào trong lòng đất giác ngộ”. Chúng ta có thể giải thích câu thần chú này một cách ẩn dụ bằng cách đọc ngắn lại : “Hãy đi qua bờ bên kia”, có nghĩa là hãy rời bỏ bờ bên này của vòng sinh tử luân hồi, của một hiện hữu chưa được giác ngộ mà nó đã là ngôi nhà của chúng ta từ vô thuỷ  đến nay, và hãy đi qua bờ bên kia của cứu cánh Niết bàn và của sự giải thoát hoàn toàn”.

Mặc dầu gặp các khó khăn nhưng các dịch giả tiền phong đã cố gắng vượt bực. Trong khi nghiên cứu triết lý Phật giáo thì họ cũng đi tìm những thuật ngữ của Lão Tử ( 老子)trong Đạo Đức Kinh (道德經) như: chữ đạo ( ) để dịch chữ dharma (lời dạy của Đức Phật, sau này dịch là Pháp). Đôi khi dùng chữ của Nho gia như: giới luật ( ) để dịch chữ sila.

Phần lớn các kinh điển Phật giáo dịch ra tiếng Hán vào thời ban đầu đều dùng từ ngữ của Lão giáo nên được gọi là “Phật giáo Ko-i” (Ko-i Buddhism) . Ko-i có chữ Hán là (chữ Hán Việt: cách nghĩa ). Chữ cách nghĩa là chữ phiên dịch Phật điển mượn từ thuật ngữ của Lão giáo để thuyết minh và lý giải Phật giáo. Nói khác nhiều thuật ngữ Lão giáo đã được Phật giáo Trung Hoa sử dụng. Thí dụ như thuật ngữ vô vi無爲) của Lão tử trong Đạo Đức Kinh  được sử dụng để dịch chữ asaṃskṛta (tiếng Sanskrit, Pali asaṅkhata). Tuy nhiên chữ vô vi trong tư tưởng triết học của Lão tử có ý nghĩa khác hơn chữ vô vi trong tư tưởng triết học Phật giáo:

-Vô vi dịch theo nghĩa đen là “không làm gì”. Nhưng theo thuyết vô vi của Lão tử thì:
道 常 無 為 而 無 不 為   
Đạo thường vô vi nhi vô bất vi 
dịch: “Đạo vĩnh cửu không làm gì mà không có gì là không làm được”.
Như vậy, vô vi không có nghĩa là không làm gì nhưng có nghĩa là không làm gì trái với tự nhiên, phải làm những gì hợp với tự nhiên, tức là phải sống theo tự nhiên; ví như sự vận hành của mặt trời mặt trăng và các hành tinh khác, hay sự sống chết, sinh lão của động vật, thực vật đều do phép tự nhiên chi phối một cách thích hợp. Nói cách khác, chúng chẳng bị điều kiện hoá (unconditioned) tức là chúng chẳng bị các điều kiện khác như thời gian, không gian cùng với các hiện tượng của vũ trụ làm thay đổi.


Về phép xử thế, theo Lão tử, vô vi là không cạnh tranh, không ganh đua mà phải khiêm tốn, bỏ thân mình ở sau mà thành ra thân mình ở trước, bỏ thân mình ra ngoài mà thành ra thân mình còn mãi. Khi mình không tranh giành với ai thì không ai tranh giành được với mình. Vô vi còn có nghĩa là tiết chế lòng dục, không ham muốn, không chuộng những vật hiếm có, phải biết đủ là đủ:
見素抱朴,少私寡欲,絕學無憂。
Kiến tố bão phác, thiểu tư quả dục, tuyệt học vô ưu.
dịch: “Hãy thể hiện sự trinh nguyên và ôm giữ sự chất phác; hãy bớt  tư lợi và giảm ham muốn; hãy dứt tuyệt học vấn (cái biết) ắt không còn lo âu”.

 

-Theo tư tưởng triết học Phật giáo thì vô vi là không có ý niệm, không có nhân duyên tạo tác, không sinh không diệt, không biến đổi, không tạo ra bốn tướng: sanh, trụ, hoại, diệt. Vô vi chỉ thể tánh Niết bàn, thật tướng. Trái lại là hữu vi tức là cái có sắc tướng. Theo Phật giáo tất cả các sự vật trong vũ trụ đều chia ra làm 2 loại: a.- Các pháp hữu vi (conditioned things):là tất cả sự vật biến đổi theo điều kiện. b.- Các pháp vô vi (unconditioned things): là tất cả mọi sự vật bất biến, thường hằng, chẳng sanh chẳng diệt.     

 

Khi người Trung Hoa đã thấu hiểu triết lý Phật giáo một cách sâu xa hơn thì các dịch giả đã loại bỏ dần các “chữ cách nghĩa” mà dùng thẳng các thuật ngữ Phật giáo để dịch Phật điển. Đại sư Đạo An (314 – 385 tr. CN) đã học hỏi triết lý Phật giáo từ các vị sư đến từ Ấn độ nên Ngài đã có khả năng dịch thẳng các kinh Phật mà không dùng chữ “Phật giáo Cách nghĩa”. Bởi vậy nên Ngài đã cực lực phản đối việc dùng chữ “Phật giáo cách nghĩa”.

Công việc phiên dịch kinh điển Phật giáo ở Trung Hoa bắt đầu khoảng thế kỷ thứ I sau Công Nguyên và tiếp tục xuyên suốt gần hai ngàn năm lịch sử nên có rất nhiều thuật ngữ Phật giáo Trung Hoa đã được chuyển hoá từ các bản dịch khác nhau của cùng một cuốn kinh Phật, sự thay đổi này tuỳ thuộc vào thời gian, tuỳ thuộc vào trình độ Phật học của dịch giả. Bởi vậy nên các nhà nghiên cứu Phật học Trung Hoa đã chia lịch sử phiên dịch của Tàu ra làm 3 giai đoạn để qui định bản dịch kinh đó thuộc vào giai đoạn nào:
                a.- Các bản dịch cổ đại/rất xưa (ancient translations) là các bản kinh được dịch trước Ngài Kumarajiva (Cưu-ma-la-thập, 344 – 413): dùng chữ cách nghĩa, phiên âm thẳng nhiều tiếng Sanskrit, do đó kinh văn dịch khó hiểu.
                b.-Các bản dịch xưa/cựu (old translations) là các bản kinh được dịch ở trong  khoảng thời gian kể từ Ngài Kumarajiva bắt đầu dịch [năm 401 vua Hậu Tần là Diên Hưng (394 – 416) rước Ngài về Trường An để dịch Phật điển] đến năm 645 là năm Ngài Huyền Trang ( ,  600 – 664)  bắt đầu dịch. Theo Ngài Kumarajiva thì các bản dịch cần chú trọng việc chuyển đạt ý kinh, lược bỏ các chỗ lập đi lập lại. Trong kinh điển Phật giáo được truyền lại từ thời Đức Phật (khoảng năm 500 trước CN) thì các bài pháp thoại thường có nhiều câu hỏi hỏi đi hỏi lại, và giải đáp  chỉ có một vấn đề trong kinh.
               c.-Các bản dịch mới/tân (new translations) bao gồm các bản dịch của Ngài Huyền Trang , và tất cả các bản dịch sau này. Ngài Huyền Trang chủ trương không lược bỏ chỗ nào, dịch sát bản gốc của kinh mặc dầu bản kinh gốc có rườm rà, có chỗ lặp đi lập lại.

Sự phân chia các giai đoạn trên chỉ có tính cách tương đối vì các bản dịch mới vẫn dùng những thuật ngữ xưa của Ngài Cưu-ma-la-thập. Ngày nay, các dịch giả dịch kinh Phật nhiều khi dùng những chữ dịch khác nhau cho cùng một thuật ngữ Phật giáo trong kinh Phật. Với khuynh hướng mới, và với tầm hiểu biết sâu rộng hơn, các dịch giả đã dùng nhiều từ ngữ hằng ngày để giúp đại chúng dể hiểu hơn không như những bản dịch thời ban đầu đọc rất khó hiểu đối với ngay cả người trung bình.

 

III.-Quá trình việc phiên dịch kinh điển Phật giáo ra chữ Hán và sự phát triển của Phật giáo ở Trung Hoa:

Công việc phiên dịch kinh điển Phật giáo ở Trung Hoa đã trải qua gần 2.000 năm. Các bản kinh dịch ra chữ Hán đã được truyền bá qua Cao Ly/Triều Tiên dưới thời đại Tam Quốc (372 – 668), và sau đó được truyền bá qua Nhật Bản dưới thời vua Nhật Bản Asuka khoảng năm 552 sau CN. Sau này khi Phật giáo Trung Hoa trải qua các kỳ Pháp nạn, kinh điển bị thất lạc hoặc bị thiêu đốt, chùa chiền bị phá huỷ, cho đến lúc có phong trào phục hưng Phật giáo dưới triều đại nhà Tống (960 – 1126) người Tàu phải thỉnh lại các Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng từ Triều Tiên và Nhật Bản.

Những người di dân đến Trung Hoa từ Trung Á (Central Asian Immigrants), sau khoảng vài thế hệ thì họ không còn hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ như tiền nhân của họ, nên nhu cầu dịch các kinh Phật ra tiếng Trung Hoa dần dần xuất hiện.

*1.-Thời nhà Hậu Hán (25 -219):
Lưu Tú quyết tâm phục hồi chế độ nhà Hán, ông được các tướng lãnh tôn lên ngôi Hoàng đế tức là vua Quang Võ nhà Hậu Hán, đóng đô ở Lạc Dương (tỉnh Hà Nam ngày nay). Vua Minh Đế là vị vua thứ nhì của vương triều này.

         1.a.-Phật giáo thời vua Minh Đế (58 – 75) nhà Hậu Hán, khoảng thế kỷ thứ I sau CN, lần đầu tiên hai Ngài Ca-diếp-ma-đằng (Kasyapamatanga,  ?  - 73 CN) và Trúc- Pháp- Lan (Dharmaraksa , ?  - ? ) đã dịch “Kinh Tứ Thập Nhị Chương” (The Sutra in forty two sections): nội dung kinh này gồm các lời dạy luân lý, không có nhiều thuật ngữ Phật giáo chuyên môn, bản dịch dùng những từ ngữ thông thường nên người bình thường có thể đọc dễ dàng. Vua Minh Đế rất tôn kính và hậu đãi hai ngài, vua cho xây chùa Bạch Mã vào năm 68 CN ở phía Đông thành Lạc Dương (tỉnh Hà Nam ngày nay), đây là ngôi chùa Phật đầu tiên ở Trung Hoa, là nơi để hai ngài làm cơ sở phiên dịch Phật điển.

Khoảng năm 147 CN, vào đời vua Hoàn Đế, cuối đời Hậu Hán, Ngài An-Thế-Cao (Arsakes, ? - ?) đến từ nước Parthia, tức Iran ngày nay, đã dịch các bộ kinh như “Tứ Đế Kinh”, “Chuyển Pháp Luân Kinh”, “Bát Chánh Đạo Kinh”…, Ngài Chi-Lâu-ca-sấm (Lokaraksa, 147 - ?) từ nước Đại Nhục Chi đến Trung Hoa khoảng năm 178 đã dịch các kinh điển của Phật giáo Đại thừa /Phật giáo Phát triển : “Kinh Thủ Lăng Nghiêm”, “Kinh Bát-chu Tam-muội” , “Kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Bình-Đẳng Giác” …

          1.b.-Phật giáo thời vua Hán Linh Đế, cuối đời Hậu Hán, vị sư người Hán đầu tiên phiên dịch kinh điển Phật giáo là Nghiêm Phật Điều ( ): có nam cư sĩ An Huyền, người nước An Tức đến du lịch ở Lạc Dương, đã cộng tác với sư Nghiêm Phật Điều cùng dịch “Kinh Pháp Cảnh”, “Kinh A hàm”.

*2.-Thời đại Tam Quốc (220 – 265):

Nhà Hậu Hán mất ngôi, nước Trung Hoa chia thành 3 nước nhỏ: Nguỵ (220 – 265), Thục (221 – 263) và Ngô (222 – 280).
-Năm 220,Tào Tháo (155 – 220),  một Đại tướng quân của vua Hiến Đế, mất; con là Tào Phi (187 – 226) ép vua Hán Hiến Đế nhường ngôi, và lập nên nước Nguỵ, vẫn đóng đô ở Lạc Dương. Nhà Ngụy có 5 đời vua, trị vì được 46 năm.
-Năm 221, Lưu Bị (162 – 223), thuộc dòng dõi nhà Hán, quyết tâm khôi phục nhà Hán, khi hay tin Tào Phi tiếm ngôi nhà Hán, bèn xưng đế, đóng đô ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay), lập nên nước Thục, đó là Chiêu-liệt-đế. Nhà Thục có 2 đời vua, tổng cộng được 43 năm.
-Năm 222, Tôn Quyền (182 -252) chống lại nước Nguỵ và cũng không phục tùng nước Thục, bèn chiếm vùng Giang Nam (phía Nam sông Dương Tử) lập nên nước Ngô, đóng đô ở Kiến Nghiệp (Nam Kinh ngày nay), đó là Ngô-đại-đế. Nhà Ngô có 4 đời vua, trị vì được 51 năm.

-Năm 263, nước Nguỵ tiêu diệt nước Thục, chấm dứt thời Tam Quốc, bây giờ chỉ còn nước Nguỵ và nước Ngô.

 

-Năm 265, Tướng của nhà Nguỵ là Tư Mã Viêm (236 – 290) giết vua cuối cùng của nhà Nguỵ, lên ngôi vua tức Tấn Võ Đế, lập nên nhà Tấn, vẫn đóng đô ở Lạc Dương.

Trong thời Tam Quốc chỉ có 2 nước Nguỵ và Ngô hổ trợ Phật giáo:

           2.a.-Phật giáo  thời nhà Nguỵ (220-265), có Ngài Đàm-ma-ca-la (Dharmakala) đến từ Ấn độ dịch bộ kinh: Tăng kỳ giới bản (giới luật), Cao Tăng truyện. Rồi đến Ngài Đàm-đế (Dharmatrata) cũng từ Ấn độ phiên dịch “Đàm Vô Đức Yết Ma”(ghi cách tác pháp cụ giới). Hai ngài đã truyền giới luật Phật giáo lần đầu tiên ở Trung Hoa.

                  Chu Sĩ Hành (周 士 行  ,203-282), người ở tỉnh Hà Nam, là người Trung Hoa đầu tiên thọ giới luật. Ngài là người Tàu đầu tiên mở đường “Nhập Trúc Cầu Pháp” để thỉnh kinh Phật chính gốc chữ Phạn, Ngài cho rằng các bản dịch kinh Phật hiện có có nhiều nghĩa lý khó hiểu.

            2.b.-Phật giáo thời nhà Ngô (222 – 280): Ngô Tôn Quyền rất trọng dụng các tăng sĩ có tài:

                   Khương Tăng Hội ( ?– 280): cha Ngài sống ở Ấn độ, rồi đi tới Giao Chỉ (Bắc phần bây giờ) buôn bán. Khi Ngài lên được 10 tuổi thì cha mẹ mất, Ngài đã xuất gia cầu đạo, chuyên nghiên cứu kinh Phật. Năm 247, Ngài đến thành Kiến Nghiệp thuộc vùng thống trị của Ngô Tôn Quyền. Vua Tôn quyền cho xây chùa để làm nơi phiên dịch kinh điển cho Ngài. Khương Tăng Hội đã là vị truyền bá Phật giáo vào thưở ban đầu ở đất Giao Chỉ. Ngài đã dịch các bộ kinh như: “Lục độ tập kinh”, “Tạp thí dụ kinh”, chú thích bộ “Pháp Kính kinh”, “Đạo Thụ Vương kinh”. Rất nhiều người theo Ngài để cầu học Phật Pháp.

*3.- Thời đại nhà Tấn (265 – 420):

            3.a.- Phật giáo thời đại Tây Tấn (265 – 316): sau khi diệt nước Nguỵ vào năm 265, lập nên nhà Tấn; năm 280 Tấn Vũ Đế diệt nhà Ngô, thống nhất đất nước, sử Tàu gọi đây là thời đại Tây Tấn. Trong thời đại này, các Đại sư vẫn tiếp tục dịch kinh điển Phật giáo.

            3.b.-Phật giáo thời đại Đông Tấn (317-420): Tây Tấn suy yếu, nên năm 316, bộ tộc Hung Nô từ phương Bắc tràn xuống đánh phá và tiêu diệt nhà Tây Tấn. Hung Nô chiếm vùng Giang Bắc (tức phía Bắc sông Trường Giang), thành lập nước Triệu, sử Tàu gọi là Tiền Triệu.

Lúc ấy, Tư Mã Duệ, thuộc hoàng tộc Tây Tấn, đem quân lui về Giang Nam (tức phiá Nam sông Trường Giang), tự xưng vua, lập nên vương triều Đông Tấn, đóng đô ở thành Kiến Khang (Nam Kinh ngày nay). Sử Tàu coi Vương triều Đông Tấn là chính thống, còn phía Bắc thì các dân tộc Ngũ Hồ tranh giành chia nhau tới 16 tiểu quốc, sử Tàu gọi là “Ngũ Hồ Thập Lục Quốc”. Sử Trung Hoa gọi chung thời này là Đông Tấn Liệt Quốc.

Phật giáo phát triển mạnh ở 2 vùng Giang Bắc và Giang Nam:
- Các Đại sư đã dịch hầu hết các Kinh, Luật, Luận của Phật giáo Nguyên thuỷ/Theravada.
- Bốn bộ kinh trọng yếu của Phật giáo Đại thừa/Phật giáo phát triển cũng được dịch ra chữ Hán, tuy chưa dịch được trọn vẹn các quyển kinh, sau này các Đại sư khác đã tiếp tục hoàn tất: Bát-Nhã, Pháp Hoa, Niết-Bàn, Hoa Nghiêm.

           Ngài Phật-đồ-Trừng (Buddhasimha, 232 – 348) cũng đến từ Ấn độ, là một vĩ nhân của Phật giáo đương thời. Ngài chuyên việc giảng giáo lý của Đức Phật, và đức độ để thu phục mọi người, Ngài không có phiên dịch một bộ kinh điển nào cả. Ngài thâu nhận rất nhiều đệ tử, một trong các đệ tử xuất sắc nhất là Đạo An.

         *Đạo An ( , 312 – 385) cải đổi họ là Thích: Ngài là người tỉnh Hà Bắc, xuất gia lúc 12 tuổi, rất thông minh. Ngài đã hiểu thấu đáo các lời giảng của thầy mình là Ngài Phật-đồ-Trừng. Ngài đem những điều mình đã học để giảng lại đại chúng.

 

Trong lúc loạn lạc vào thời Hậu Triệu, Ngài cùng đệ tử là Tuệ Viễn cùng với 500 người đi về phương Nam, tới Tương Dương (tỉnh Hồ Bắc), Ngài trụ trì tại chùa Đàn Khê. Rất nhiều người kéo đến để học tập Phật Pháp, tiếng tâm của Ngài đã lừng lẫy khắp nơi.

Vua Phù Kiên nghe biết tiếng Đạo An, muốn mời Ngài về phụ chính nên đem 10 vạn quân tiến đánh Tương Dương để đón Ngài về Tràng An. Ngài là một nhân vật rất quan trọng vào thời ấy.

Ngài ở Tràng An được 15 năm, ngoài việc chuyên tâm hoằng dương Phật giáo, Ngài còn làm phụ chính cho vua Phù Kiên. Hàng ngàn người theo học với Ngài. Ngài viên tịch vào năm 385, thọ được 72 tuổi.

Như đã nói trên, Đạo An là vị tăng Trung Hoa đã phản đối lối dịch cách nghĩa (ko-i ), Ngài chủ trương phải dùng thuật ngữ Phật giáo để dịch kinh Phật, không dùng từ ngữ của Lão giáo để tránh sự lẩn lộn giữa hai tôn giáo. Ngài Đạo An đã đưa ra lý thuyết về dịch thuật (theory of translation) kinh điển Phật giáo ra chữ Hán:


                    1.- Ngài Đạo An nhấn mạnh đến sự kiện dễ làm mất nguyên nghĩa khi phiên dịch, đó là thuyết Ngũ thất bản (五失本,the Five Forms of Loss ):
                             a.- Do văn pháp khác nhau nên văn từ giữa nguyên ngữ (Sanskrit word) và Hán ngữ bị đảo ngược (thay đổi thứ tự của chữ, changing the word order)
                             b.-Văn thể của nguyên điển thì chất phác (plain style) trong khi Hán ngữ thì súc tích.
                             c.-Nguyên điển thường có nhiều câu lập đi lập lại, khi dịch ra chữ Hán thì phải cắt bỏ những câu trùng lập.

                                 d.-Trong nguyên điển thường xen lẫn lời chú giải, trong bản dịch chữ Hán thì phải cắt bỏ những lời chú giải, và tóm tắt lại.
                                 e.-Trong nguyên bản kinh điển, khi đã nói xong một sự việc nào rồi, và khi bước sang sự việc kế tiếp lại thường hay lặp lại những điều đã nói ở phía trước, nên bản dịch Hán văn phải cắt bỏ chỗ nhắc lại.

 

                      2.- Ngài Đạo An còn mở rộng ra thêm lý thuyết về dịch thuật để đề cập đến  sự khó khăn của việc phiên dịch qua thuyết ba sự kiện khó khăn: Tam bất dị (三不易, the theory of Three Difficulties ):

                                 a.-Đức Phật đã thuyết pháp cho những người nghe bằng ngôn ngữ và phong cách của người đương thời, nhưng với thời gian và không gian thay đổi thì quả thật rất khó để dịch cho độc giả hoặc thính giả đương thời.

                                 b.-Sự phiên dịch quả rất khó đối với các pháp âm vi diệu (the words of a saint) ra những từ ngữ phàm phu và để cho thích hợp với phong tục của kẻ hậu thế.

                                 c.Các kinh văn được truyền tụng từ kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất rồi kinh văn này đã trải qua các lần ghi chép, hiệu đính lại bởi các bậc cao tăng và của môn sinh của họ trải qua nhiều thế hệ thì việc phiên dịch cho đúng ý nghĩa thật là khó để không tránh khỏi sai lầm.

 

Ngài là vị tăng Trung Hoa đầu tiên đã viết những bản “sớ giải” để giải thích ý nghĩa của kinh điển Phật giáo, và viết các luận văn để làm rõ nghĩa giáo lý của tông phái mình.

 

Ngài là vị tăng sĩ Trung Hoa đầu tiên đã  phát minh ra phương pháp mới để giúp cho người đọc có một cái nhìn bao quát đối với số lượng văn điển khổng lồ  bằng việc biên soạn  tên tuổi của dịch giả và đề mục kinh sách mà họ đã dịch ra chữ Hán từ bản dịch đầu tiên cho đến lúc Ngài soạn mục lục này. Ngài và các đệ tử của Ngài đã sưu tập trong toàn nước Tàu được khoảng 500 đến 600 bản kinh đã dịch để biên soạn “Mục lục kinh điển” (a catalogue of all sutras). Ngài duyệt và sắp xếp các bản dịch ấy thành quyển Tống Lý Chúng Kinh Mục Lục”   ( 綜理眾經目錄),  biên soạn vào năm 374, gọi tắt là “Đạo An Lục”. Bộ mục lục kinh điển của Đạo An  này rất có giá trị. Rất tiếc bộ mục lục này không còn, nhưng Ngài Lương Hựu, đời Lương Võ Đế (464 – 549) đã căn cứ vào “Đạo An lục” mà soạn ra bộ “Xuất Tam  Tạng Ký Tập” nên đã giúp chúng ta biết  về bộ  “mục lục kinh điển” của Đạo An. Đây là một công trình vĩ đại của Đạo An: có rất nhiều bản kinh dịch mà Đạo An đã sưu tầm được đã không có tựa kinh. Thường thì kinh gốc ở Ấn độ không có đề tựa ở đầu kinh sách mà chỉ viết tựa của quyển kinh ở trang sách cuối cùng; trong trường hợp trang cuối cùng bị thất lạc thì cái tựa kinh cũng bị thất lạc luôn. Đối với những quyển kinh không có tựa, Đạo An đã đặt một tựa mới căn cứ vào nội dung của cuốn kinh này. Thêm vào đó, có nhiều bản kinh gốc từ Ấn độ không có phân chia từng chương, từng mục mà các bản dịch trước đã giữ nguyên như vậy thì Đạo An phân chia thành từng chương, từng mục; ví dụ như kinh Pháp Hoa (Lotus Sutra) đã được chia làm 28 chương trong 8 quyển sách nhỏ, trong khi bản chính ở Ấn độ chỉ được chia thành từng chương.

 

Vào thời Đạo An, có rất nhiều kinh điển Phật giáo Đại thừa/Phật giáo Phát Triển đã được dịch ra. Do uy tín và kiến thức uyên bác về Phật học, nhiều dịch giả đã nhờ Đạo An viết lời tựa cho bản dịch, Ngài đã rất vui lòng để dành thời giờ để viết các lời tựa cho các bản dịch cần sự giới thiệu của Ngài.

 

*Đạo An đổi họ Thích, và đã  làm tiền lệ cho các Tăng Ni Bắc truyền/Đại thừa:

Đạo An đã quy định nhiều quy tắc có ảnh hưởng đến nếp sống của Tăng Ni trong giáo đoàn Phật giáo Trung Hoa.

 

Từ trước cho đến thời Đạo An, khi các sư vừa xuất gia thì họ thưởng đổi họ thành họ của vị bổn sư của mình, hoặc lấy tên nơi sinh của mình  làm họ mới. Ví dụ: họ “An” là sư gốc nước An-tức (Parthia),  họ Khang  của sư gốc Khang-cư (Soghdiana), họ Trúc của sư gốc Ấn Độ v.v... Thầy của Đạo An là Trúc-Phật- đồ -Trừng, nên Ngài cũng lấy họ Trúc, nên có tên là “Trúc Đạo An”. Nhưng Ngài đã có một sáng kiến mới về việc đổi họ cho chính mình:

Nguyên Thái tử Siddhartha, họ là Gautama, thuộc đẳng cấp thứ hai / đẳng cấp chiến sỉ và hoàng tộc trong xã hội Ấn độ lúc bấy giờ. Cha là Suddhodana, vua của thị tộc Shakya (âm VH, Thích-ca ) ở trong nước Kosala,  thủ đô là Kapilavastu, có nơi nói Suddhodana là tộc trưởng dân cử của thị tộc Shakya ( an elected chief of the Shakya clan), Kapilavastu là một phần đất của xứ Népal ngày nay, ở dưới chân núi Hymalaya (âm VH, Hy-mã-lạp-sơn).

Thái tử Siddharta đã xuất gia và cuối cùng  vào ngày mồng 8 tháng 12 âm lịch, lúc ấy Ngài được 35 tuổi, Siddhartha bổng nhiên tĩnh ngộ ( attained- enlightenment) sạch hết phiền não. Kể từ đó, Siddhartha Gautama được các đệ tử dùng danh hiệu tôn xưng về đạo đức của Ngài  là Buddh (phiên âm thẳng bằng tiếng Việt: Bụt, âm VH: Phật, đầy đủ chữ là Phật-đà) tức là  bậc giác ngộ ( Awankened one, Enligthtened one)  thường được gọi một cách tôn kính là Đức Phật , một danh hiệu tôn xưng đầy kính trọng (reverend title, very respectful title ). Ngoài danh xưng Buddha (âm VH: Phật, phiên âm tiếng Việt:  Bụt ) Ngài còn có một danh hiệu tôn xưng khác nữa là Shakya Muni ( Thích-ca Mâu-ni) ( Shakya : bộ tộc Shakya, Muni : bậc trí tuệ, người sống ẩn dật; Shakya Muni là bậc trí tuệ của thị  tộc Shakya ( the sage of the Shakya, his tribe or clan). Chúng ta thường kính trọng gọi là “Đức Phật Thích-ca Mâu-ni”. Ngài còn có một danh hiệu tôn xưng khác là Đấng Thế Tôn (Srt. Tathagata).

 

Bộ tộc của Đức Phật (Buddha’s clan) là Shakya, người Trung Hoa phiên âm là Shih ca (釋 迦)

âm Việt Hán là Thích-ca. Đạo An rất tôn kính Đức Phật nên muốn lấy bộ tộc của Đức Phật làm họ cho mình. Đạo An quyết định lấy vần đầu tiên của bộ tộc Shakya là Sha ( Trung Hoa đọc Shih, chữ Hán viết là   ,phiên âm Việt Hán là Thích) làm họ mới cho mình. Tên mới đầy đủ của Ngài là Thích Đạo An (Shih Tao An, 釋 ). Từ đó trở thành tiền lệ, các Tăng Ni thuộc hệ phái Bắc truyền/Đại thừa thường cải họ là Thích khi họ đi xuất gia. Tuy nhiên cũng có nhiều vị Tăng Ni cũng không muốn lấy họ Thích làm họ mới cho mình. Ví dụ như (Trần) Huyền Trang (Tam Tạng Pháp sư), Thái Hư đại sư … Ở Việt Nam cũng có nhiều vị Tăng Ni cũng không cải đổi ra họ Thích: Vạn Hạnh, Khuông Việt, Không Lộ, Viên Chiếu . . . trong thế kỷ thứ 20 Hòa Thượng Hành Trụ thường để tên là Sa môn Lê Phước Bình . . . Như vậy việc lấy họ Thích không phải là một quy luật bắt buộc áp dụng chung cho tất cả các Tăng Ni. Ở Việt Nam, vào năm 1943, lần đầu tiên chúng ta thấy một vị Sư đã lấy bút danh trên quyển sách “Việt Nam Phật Giáo Sử Lược” với Phật danh là Thích Mật Thể . Chính Ngài Thích Mật Thể đã phát động phong trào lấy họ Thích trong tăng chúng Việt Nam. Từ giữa thế kỷ thứ 20 đến nay, các Tăng Ni đều thích lấy họ Thích để chứng tỏ sự tôn kính Đức Phật,  để được mọi người tôn kính mình, và để được phân biệt với hàng cư sĩ và hàng Phật tử. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vị Tăng Ni vẫn dùng Pháp danh, Phật hiệu do vị bổn sư của mình đặt ra khi quy y Tam Bảo, hoặc lấy một bút danh khi viết sách chớ các vị không xưng mình là họ Thích.

Đối với hệ phái Theravada/ Phật giáo Nguyên Thuỷ thì các vị tu sĩ thường để trước Pháp danh là  Tỳ-kheo (Pali: bhikkhu, Sanskrit: bhikṣu) cho nam tu sĩ, Tỳ-kheo Ni (Pali: bhikkhunī,  Sanskrit: bhikṣuṇī ) cho nữ tu sĩ.

 

Từ trước cho tới thời Đạo An, nếp sống và cách ăn mặc của các Tăng Ni không có gì khác với người thường. Đạo An lại đặt ra Tăng chế để làm quy luật cho giáo đoàn: khi đã xuất gia thì phải theo Tăng chế này. Ngài còn quy định tăng phục cho Tăng Ni Trung Hoa dựa theo tăng phục của các vị tăng sĩ Ấn độ, qua thời gian và không gian, tăng phục này cũng có thay đổi.

 

          *Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva, 344-413): là người nước Kucha (Khâu–Tư), ở Ấn độ, lên 7 tuổi đã đi xuất gia. Lúc đầu theo học Trường A-hàm, Trung A-hàm; sau học thêm Tăng Nhất A-hàm, Luận A-tỳ-đàm, Thập Tụng Luật (Sarvastidin Vinaya), Trung đạo Luận (Madhyamaka Sastra), Bách Luận (Shatika Sastra) và Thập nhị môn Luận (Dvadashamukha Sastra). Như vậy lúc đầu Ngài học giáo lý Phật giáo Nguyên thuỷ rồi sang thâm cứu giáo lý của Phật giáo Đại thừa/ Phật giáo Phát triển. Năm 20 tuổi , Ngài thụ đại giới. Thanh danh của Ngài truyền khắp vùng Trung Á và tới tận Trung Hoa. Vua Phù Kiên (trị vì : 357-385) dưới thời Tiền Tần nghe tiếng và mến mộ đức hạnh của Ngài, nên liền sai tướng Lữ Quang đem quân đánh chiếm Kucha để bắt Ngài đem về nước vào năm 383. Lữ Quang đánh chiếm được Kuchan, đón được Ngài Cưu-ma-la-thập, nhưng đi về được nửa đường thì nhà Tiền Tần bị Diêu Trành cướp ngôi vào năm 384, lập nên nhà Hậu Tấn. Lữ Quang bèn chiếm Lương Châu, tự xưng Vương , đóng đô ở Cô-Tàng năm 386, lập một nước riêng là Hậu Lương, và đem Ngài về Cô-Tàng. Diêu Trành mất, con trai là Diêu Hưng lên nối ngôi (trị vì: 393-415) sai quân đi đánh Hậu Lương, hạ được Lữ quang, rồi rước Ngài La-Thập về Trường An năm 401 dưới đời Hậu Tấn. Vua Diêu Hưng trọng dụng Ngài, tôn vinh Ngài làm “Quốc sư”, và lập một đạo tràng để Ngài điều khiển ban dịch thuật kinh điển Phật giáo: mỗi bản dịch sơ thảo đều được các cao tăng trong tăng đoàn duyệt qua, hiệu đính, nhuận sắc sao cho bản dịch được lưu loát, loại bỏ các chỗ trùng hợp, lập đi lập lại. Do đó các bản dịch của Ngài La Thập và các tăng sĩ của Ngài rất có giá trị.

Ngài đã chủ biên và các cộng sự viên đã phiên dịch hầu hết các kinh điển của Phật giáo Đại thừa/Phật giáo Phát triển, các bộ chính như sau:

-Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh; - Tiểu phẩm bát-nhã ba-la-mật kinh; - Kim cương bát-nhã ba-la-mật kinh; - Diệu Pháp Liên hoa kinh; - Duy-ma-cật sở thuyết kinh; - A-di-đà kinh; - Đại trí độ luận; - Trung luận; -Thành thực luận  v. v…

Những kinh điển do Ngài La Thập dịch thuật đã đóng góp một tầm quan trọng cho Phật giáo Trung Hoa.

 

Như đã trình bày ở trên, phong trào “Nhập Trúc Cầu Pháp” – đi đến Ấn độ để học hỏi Phật Pháp một cách trực tiếp và để thỉnh nguyên bản tiếng Phạn của kinh Phật bắt đầu từ Ngài Chu Sĩ Hành đời Tam Quốc. Có nhiều vị Tăng đã tiếp tục phong trào này, nỗi tiếng nhất là Ngài Pháp Hiển, Trí Nghiêm (602 – 668), Bảo Vân. Các Ngài đã vượt qua sa mạc mênh mông, nắng cháy,phải trèo đèo vượt suối đầy gian khổ. Có nhiều bạn đồng hành đã bệnh chết giữa đường, có người chịu khổ cực không nỗi nên đã trở về Trung Hoa. Duy ba Ngài vừa kể đã đến được nước Thiên Trúc/Ấn độ và đem được nhiều nguyên bản tiếng Phạn về.

 

                 Pháp Hiển cùng với Giác Hiền dịch “Đại Bát Nê Hoàn Kinh” và “Ma-ha Tăng Kỳ Luật”.

Đặc biệt Ngài Pháp Hiển đã ghi lại du ký trên đường “Nhập Trúc Cầu Pháp” trong cuốn “Phật Quốc Ký”, còn gọi là “Pháp Hiển Truyện” có một giá trị ngang hàng với bộ “Tây Vực Ký” của Ngài Huyền Trang vào đời Đường. Đây là hai bộ du ký giúp chúng ta nghiên cứu về tình trạng Phật giáo Ấn độ và địa lý Ấn độ,đời sống ở phía Tây Trung Hoa. Ngài Trí Nghiêm và Ngài Bảo Vân đã thỉnh và dịch Kinh Phổ Diệu, Tứ Thiên Vương.

 

                Srimitra (Thi-lê-mật-đa-la) đến Trung Hoa khoảng 307 – 312, đời Tấn đã phiên dịch các kinh điển như “Khổng Tước Vương kinh”, “Quán Đỉnh kinh” v.v…

 

Về mặt tín ngưỡng, vào thời này Phật giáo Trung Hoa đã phát triển và thành lập nhiều tông phái đặc biệt là Tịnh Độ tông:

 

*Tịnh Độ Tông (  ) hay Tịnh thổ tông (淨土宗 , Pure  Land Buddhism ), có khi được gọi là Liên tông ( 蓮宗 ):

Ngài Tuệ Viễn (慧遠) hay Huệ Viễn ( 慧遠 , 334 – 416) đã khai sáng Tịnh Độ Tông với tín ngưỡng Phật A-di-đà. Năm 402, Ngài Tuệ Viễn lập ra “Bạch Liên Xã” ở Lư Sơn. Nơi đây thực hiện phép tu Tịnh Độ: Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử tập trung trước tượng Phật A-di-đà , và nguyện cầu được vãng sanh về miền Tịnh Độ.

Tông phái này có mục đích hoằng truyền pháp môn vãng sanh nơi cõi tịnh độ (pure land) của Đức Phật A-di-đà. Vãng sanh (): vãng nghĩa là đi qua, vãng sanh là đi qua khỏi sự sống tức là chết. Tịnh độ = tịnh thổ (, pure land) : tịnh là trong sạch, thanh tịnh (pure);  độ = thổ (, land) là cõi, nước, nơi; tịnh độ là một cõi thanh tịnh, cõi trong sạch. Vãng sanh nơi cõi tịnh độ nghĩa là sau khi chết/sau khi kết thúc cuộc sống hiện tại thì đi đến một cõi thanh tịnh, an vui hơn ở cõi ta-bà này. Nhiều luận sư đã thuyết minh rằng thật ra không phải chỉ cầu cho sau khi chết / vãng sanh để được đến cõi tịnh độ mà hành giả phải niệm Phật, giữ tâm thanh tịnh, không bị vọng động, vượt qua các phiền não, thực hiện đầy đủ phước đức thì hành giả  sẽ đạt được cõi tịnh độ, cõi cực lạc ngay nơi cuộc đời hiện tại này. Khi đó hành giả có nguyện cầu về đời sống  tương lai: sau khi vãng sanh thì đến cõi cực lạc, cõi thanh tịnh thì chắc chắn sẽ không có gì trở ngại.

Tịnh Độ Tông (Pure Land Buddhism) được phổ biến và có nhiều đệ tử ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Người tín đồ cần phải có lòng thành và tin tưởng nơi sức mạnh cứu độ của Đức Phật A-di-đà, tức là người tín đồ chỉ cần trông cậy một tha lực từ Phật A-di-đà. Các Phật tử tu hành theo phái này chỉ cần chú tâm niệm: “Nam-mô A-di-đà Phật” (Namo Amitabha) nhằm mục đích chế ngự tâm ý cho tâm ý không bị vọng động, có câu: “tâm vượn, ý mã” là ý chỉ tâm và ý luôn luôn bị lay động không ngừng như khỉ luôn chuyền từ nhánh cây này qua nhánh cây khác, và ngựa thì chạy không ngừng nghỉ. Nhờ tin vào tha lực, vào sự hổ trợ của Phật A-di-đà, hành giả rất dễ dàng thực hiện được phép tu này.

Tịnh Độ Tông căn cứ vào 3 bộ kinh và một bộ luận:

  1. Kinh vô Lượng Thọ (Srt. Sukhavati-Vyuha Sutra, Av.  Infinite Life Sutra): nói về tiền thân của Đức Phật A-di-đà.
  2. Kinh A-di-đà (Srt. Amitabha Sutra, Av. Amitabha Sutra): diển tả thế giới cực lạc đầy trang nghiêm, nơi đó Đức Phật A-di-đà thuyết pháp..
  3. Kinh Quán Vô Lượng Thọ (Srt. Amitayurdhyana Sutra, Av. Amitayur Meditation Sutra) trình bày các nét đặc trưng của Tịnh Độ Tông, phép quán tưởng niệm Phật, phẩm hạnh của Phật A-di-đà, Bồ tát Quan Âm, Bồ tát Thế chí.

   Bộ luận:  Vãng Sanh Tịnh Độ Luận  là bộ luận thâu tóm về ý nghĩa của ba bộ kinh trên, do Ngài Thế Thân (Vasubandhu) viết.

 

Trong thời đại Đông Tấn này, có những bộ kinh, luận quan trọng của Phật giáo được phiên dịch:

-Ngài Cưu-ma-la-thập dịch Kinh Bát-nhã, Đại Trí Độ Luận, Trung luận.

- Ngài Đàm-vô-sấm (Dharmarakasa) dịch Kinh Đại Bát Niết Bàn.

-Ngài Giác Hiền dịch Kinh Hoa Nghiêm.

 

4.-Thời đại Nam - Bắc triều (420 – 589 ):

Năm 420, Lưu Dụ, một tướng lãnh của Vương triều Đông Tấn ở Giang Nam, nổi lên cướp ngôi, lập nên nhà Tống ở Giang Nam, sử Tàu gọi là Lưu Tống.

 

Trong khi đó, chính quyền Ngũ Hồ ở Giang Bắc thì suy yếu; lúc bấy giờ có Thát-bạt-Khuê thuộc giống rợ Tiên Ti (ở miền Bắc tỉnh Sơn Tây) quật khởi, thành lập nước Ngụy năm 386, sử Tàu gọi là Hậu Nguỵ, đó là vua Đạo-Võ-Đế. Vua kế vị là Minh-Nguyên-Đế. Hai vị vua này hết lòng bảo hộ Phật giáo, nên Phật giáo rất thịnh đạt. Qua tới đời vua thứ ba là Thái-Võ-Đế, vua này đã diệt các nước nhỏ khác, thống nhất miền Giang Bắc năm 439. Lúc đầu Thái-Võ-Đế cũng tiếp tục bảo hộ Phật giáo. Nhưng về sau nghe lời dèm pha của hai Đại thần là Nhà nho Thôi Hạo và  Đạo sĩ Khâu Khiêm Chi với ý muốn tiêu diệt Phật giáo, nên vua lần lần cũng lơ là với Phật giáo.

Vào năm 445, Cái-Ngô nỗi loạn ở tỉnh Thiểm Tây, vua Thái-Võ-Đế thân chinh đi dẹp loạn. Khi tới Trường An, quân lính khám phá vũ khí cất dấu trong một cái chùa ở Tràng An, vua nghi ngờ các tăng sĩ ở chùa này thông đồng với Cái-Ngộ để làm loạn. Vua ra lệnh giết sạch các tăng sĩ này. Lại thêm quân lính còn khám phá ra nhiều chùa có chứa rượu, có chùa lại có các phòng ốc bí mật ở dưới địa đạo của chùa, các đại thần tâu vua rằng đây là nơi ăn chơi, truỵ lạc của Tăng sĩ với phụ nữ thượng lưu. Do đó các Đại thần tâu với vua Thái-Võ-Đế rằng không những phải trừng phạt các Tăng sĩ ở Trường An mà còn phải trừng trị toàn thể các Tăng sĩ ở toàn lãnh thổ. Nên năm 446, Vua hạ chiếu chỉ phá bỏ Phật giáo: chùa chiền bị tịch thâu, Tăng Ni phải hoàn tục. Nhiều Tăng Ni đã lên tận núi rừng để ẩn lánh.

 

Đây là  Pháp Nạn lần thứ nhất vào đời vua Thái Võ Đế của nhà Hậu Nguỵ.

Cũng may, sau khi vua Thái Võ Đế băng hà, con là Văn-Thánh-Đế nối ngôi đã ra chiếu chỉ phục hưng Phật giáo.

 

Vu-Văn-Giác khởi quân diệt vua Đế-Vĩ của nhà Bắc Tề vào năm 577, tự lên ngôi vua, đó là Chu-Hiếu-Mân-Đế. Vua kế vị là Minh-Đế. Vu-Văn-Hộ là em của Vu-Văn-Giác giết vua Minh -Đế rồi cũng tự lên ngôi. Sau đó Chu-Võ-Đế giết Hộ, cũng tự xưng Vua. Dưới thời vua Chu-Võ-Đế thế nước được chấn hưng nên trở nên hùng cường. Vua Chu-Võ-Đế bèn diệt nhà Bắc Tề để thống nhất phương Bắc vào năm 576, sử Tàu gọi là thời Bắc Chu.      

Sử Tàu coi hai vương triều trên đều thuộc chính thống, và gọi giai đoạn lịch sử này là thời đại Nam-Bắc triều.

 

Pháp nạn lần thứ hai: Phật giáo và Đạo giáo đều bị phế bỏ do hai Đại thần là Vệ-Nguyên-Tung và Đạo sĩ Trương-Tân chủ trương, dưới đời vua Chu-Võ-Đế:

Năm 567, Vệ-Nguyên-Trung dâng lên vua Chu-Võ-Đế một dự án: phá huỷ tất cả chùa chiền, rồi chỉ lập nên một ngôi chùa lớn với tên là “Bình Đẳng Viên Tự”. Chùa này sẽ là nơi quy tụ hàng vạn dân, Vua/Hoàng đế là Như Lai.  Vua chưa thể quyết định ngay vì còn phải họp với các Đại thần, Cao tăng, Danh Nho, Đạo sĩ, Đại nhân; nhưng cũng chưa có quyết định dứt khoát.

Năm 570, Vua lại tiếp tục triệu tập một hội nghị nữa. Hội nghị đã xếp thứ bậc của 3 tôn giáo như sau : Nho giáo đứng ở bậc nhất, Đạo giáo ở bậc nhì và Phật giáo đứng ở bậc ba.

Năm 574, lại có kỳ họp giữa các Cao Tăng và Đạo sĩ. Sau kỳ họp này vua Chu-Võ-Đế quyết định hạ chiếu chỉ phế bỏ cả hai đạo Phật giáo và Đạo giáo: chùa chiền bị phá huỷ, tượng Phật bị đập phá, tài sản của chùa bị tịch thu. Đã có 3.000.000 Tăng Ni phải hoàn tục, rất nhiều vị phải ẩn trốn nơi rừng sâu.

Sau khi diệt xong nhà Bắc Tề, năm 577, vua Chu-Võ-Đế đã hạ lệnh phế bỏ Phật giáo ở Bắc Tề.

 

Năm 578, Vua Chu-Võ-Đế băng hà, con là Tuyên Đế lên ngôi. Năm 579, Vua Võ-Tuyên-Đế ra chiếu chỉ hạ lệnh phục hưng Phật giáo và Đạo giáo.

 

Trong thời đại Nam-Bắc triều này, công việc phiên dịch và trước tác kinh sách Phật giáo đã rất thịnh đạt, mặc dầu Phật giáo đã trải qua hai lần Pháp nạn.

 

 

          Ngài Bodhiruci (Bồ-đề-lưu-chi, 562 – 727) đến Trung Hoa từ Ấn độ. Ngài đã dịch nhiều kinh điển, chủ yếu là các bộ: Thập địa kinh luận, Phật danh kinh, Nhập Lăng-già kinh, Vô lượng thọ kinh luận, v. v… bộ luận: Vãng sanh tịnh độ luận. Tịnh độ tông Nhật Bản tôn Ngài làm Sư tổ.

 

          Ngài Bodhidharma (Bồ-đề-đạt-ma, ? – 535) đến Trung Hoa vào năm 520. Ngài là khai tổ của phái Thiền Tông ở Trung Hoa. Ngài đã đem phép bí truyền “tâm ấn” cho đệ tử là Tuệ Khả làm tổ thứ hai của Thiền tông.

 

*Tư Tưởng Mạt Pháp:
Phật giáo đã được sự hổ trợ của triều đình Trung Hoa, nhiều tăng sĩ đã được các vua trọng dụng, họ đã được cử các chức vụ cao cấp ở trong triều đình, được hưởng bổng lộc. Giới tăng lữ được đại chúng kính trọng và cúng dường nhiều phẩm vật: đất đai, tiền bạc, v. v…Quyền lực và danh lợi đã làm giao động đời sống đạo đức của số đông tu sĩ Phật giáo thời bấy giờ. Khi tự viện trở nên giàu có thì đa số tăng lữ bị biến chất, càng ngày họ càng bị tha hoá, trở nên xa hoa, rơi vào con đường truỵ lạc mà điều thường mắc phải là nữ sắc. Tăng sĩ đã quay lưng lại với lý tưởng và con đường giải thoát mà Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã dạy.

Trước tệ nạn trong cửa thiền nói trên, phong trào Tư tưởng mạt pháp nổi lên và được nhiều người hưởng ứng. Họ lên án gay gắt sự sa đoạ, truỵ lạc của tu sĩ Phật giáo và tổ chức giáo đoàn. Họ lên án các Tăng sĩ tạo ra các điều  dị đoan, tà đạo để kiếm lợi lạc từ người mê tín. Họ còn tiến xa hơn và cho rằng phần lớn hàng xuất gia vào thời họ đều là tội nhân trong cửa Phật, nên cần phải loại trừ những bọn tội nhân đó ra khỏi Phật Pháp, ra khỏi cửa thiền là hợp với ý muốn nguyên thuỷ của Đức Phật. Nói khác, họ chán ghét cảnh chùa chiền bị thế tục hoá. Nhầm để cảnh tỉnh các tín đồ Phật giáo, phong trào “Tư tưởng mạt pháp” nhấn mạnh là đại chúng Phật giáo đang sống trong thời mạt pháp, họ chia lịch sử Phật giáo ra làm 3 giai đoạn:

1.Thời Chánh Pháp (正 法 ) là thời đại sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn kéo dài tới 500 năm, giáo Pháp của Ngài vẫn còn tồn tại.

2.Thời Tượng Pháp ( )  hay Tượng giáo () là thời kỳ bắt đầu sau khi thời Chánh Pháp chấm dứt, kéo dài khoảng 1000 năm, giáo Pháp của Đức Phật vẫn còn tương tự với thời Chánh Pháp.

3.Thời Mạt Pháp (   ) là thời kỳ giáo Pháp của Đức Phật đi đến chỗ suy vi, kéo dài khoảng 10.000 năm. Chúng ta đang sống vào thời Mạt Pháp.

 

Phong trào “Tư tưởng Mạt Pháp” đề nghị cần có những vị cao tăng thạc đức, các cư sĩ , các tín đồ tu hành chân chính, đầy đủ đức độ cùng nhau chỉnh đốn những tệ nạn làm bại hoại Phật Pháp, làm bại hoại cửa thiền; nên nghiêm khắc trong vấn đề thọ giới: cần phẩm chất đạo đức hơn là số lượng. Thêm vào đó, để việc bảo vệ Phật Pháp được hiệu quả, cần đòi hỏi một sự phản tỉnh của Tăng sĩ, cư sĩ, Phật tử và đại chúng để cùng nhau tự chỉnh đốn giáo đoàn.

Có 4 tông phái đã hưởng ứng phong trào “Tư Tưởng Mạt Pháp” mà ra đời để chấn hưng Phật giáo:

1.Tam giai giáo của Ngài Tín Hành.

2.Tân tam luận tông của Ngài Cát Tạng xuất hiện vào đời Tuỳ.

3.Tịnh độ giáo (phát triển) của Ngài Đạo Xước và Thiện Đạo

4.Hoa Nghiêm tông của Ngài Tôn Mật xuất hiện ở đời Đường.

 

Từ đó Phật giáo được hưng thịnh trở lại. Cố Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm đã nhận định:

Phật Pháp thịnh hay suy là do nơi người hoằng đạo, chứ đâu phải cục hạn ở thời kỳ Chánh Pháp hay Mạt Pháp.”
(H.T Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Saigon: Vạn Hạnh, 1965, tr. 97)

 

Tình trạng giáo đoàn Phật giáo ở thời đại Nam-Bắc Triều (420 – 589) đã được Cố Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm ghi chép như sau:
“Giáo Đoàn Truỵ Lạc.- Giáo đoàn của Phật giáo tuy tới chỗ cực thịnh như trên đã kể, nhưng đó cũng là nguyên nhân cho trụy lạc. Giáo đoàn ở Bắc Triều, số Tăng Ni lên tới 2.000.000, những người thành tâm vì Phật Pháp đi xuất gia thì ít, mà những người vì lợi dụng hoàn cảnh được miễn phu phen, tạp dịch, thuế khoá, rồi đi xuất gia lại nhiều. Chân tà trở thành hỗn độn, phần nhiều chỉ tham danh cầu lợi, không có ý chí cao thượng của người xuất gia, nên giáo đoàn dần dần bước vào giai đoạn truỵ lạc. Về việc xây cất chùa viện thì quá ư nguy nga lộng lẫy, làm sút kém cả nền tài chánh của quốc gia, vì thế nên đã có lệnh hạn chế việc xây cất chùa tháp. Hai thời kỳ phá Phật ở thời đại Bắc Triều cũng là do nguyên nhân truỵ lạc của giáo đoàn đã gây ra một phần nào.”
(Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Saigon: Vạn Hạnh, 1965, tr. 105)

 

 

*5.- Thời đại nhà Tuỳ (589 – 618):

 

-Năm 581, Dương Kiên, tể tướng nhà Bắc Chu, cướp ngôi vua Bắc Chu, tự lên ngôi Hoàng Đế, lập nên nhà Tuỳ.
-Năm 589, nhà Tuỳ đem binh tiêu diệt nước Trần ở phía Nam, thống nhất toàn bộ Trung Hoa, chấm đứt thời đại Nam - Bắc Triều. Nhà Tuỳ trị vì được 38 năm thì bị nhà Đường tiêu diệt.

Nhà Tuỳ đã hổ trợ Phật giáo, nên đạo Phật đã được phục hưng sau 2 lần Pháp nạn.

 

Công việc phiên dịch và trước tác đã được nhiều Đại sư Ấn độ và Tàu thực hiện rất tốt. Đặc biệt có Đại sư Ấn độ Ti-ni-đa-lưu-chi, đã dịch một quyển kinh ở Trung Hoa, rồi Ngài đi qua Việt Nam dịch thêm một quyển kinh nữa.

 

*6.-Thời đại nhà Đường (618 – 907):

 

Vào đầu thế kỷ thứ 7, nhà Tuỳ suy nhược, nhiều cuộc nổi loạn chống lại triều đình ở khắp nơi. Năm 618 Đường quốc công Lý Quyên dẹp được các nhóm nổi loạn, chấm dứt nội chiến rồi đem quân tiến đánh Trường An, tiêu diệt nhà Tuỳ, tái thống nhất Trung Hoa, lên ngôi hoàng đế, được tôn xưng là Đường Cao Tổ, lập nên nhà Đường, vẫn đóng đô ở Trường An.

 

Sau một thời hưng thịnh thì nhà Đường đi vào mat vận (823 – 907): nội loạn nỗi lên. Các vua Võ Tôn/g, Hy Tôn/g, Chiêu Tôn/g đều do hoạn quan lập nên. Bọn hoạn quan coi vua như môn đệ, chúng giết hại kẻ hiền tài, buôn quan bán ngục, đục khoét công quỷ, bạo tàn vô số kể; các đại thần, công khanh, tướng quốc đành cúi đầu dâng lệnh hoạn quan.

 

Lần Pháp nạn thứ ba này là do sự xung đột giữa Đạo giáo và Phật giáo: Kể từ giữa đời Đường trở về sau, nhiều đại thần muốn duy trì Đạo giáo và phế bỏ Phật giáo. Lại thêm giáo đoàn Phật giáo bị suy thoái, nhiều tệ đoan xảy ra, một số Tăng Ni thì trục lợi, tham lam, chứa chấp tài sản, truỵ lạc. Năm 842, vua Đường-Võ-Tôn/g (841 – 847) nghe lời Đạo sĩ Triệu Quang Chân nên ra lệnh thanh lọc giáo đoàn Phật giáo. Vua ra lệnh các Tăng Ni nào không giữ giới luật của Phật thì bắt buộc phải hoàn tục, tài sản bị tịch thu.

Năm 844, Vua Đường-Võ-Tôn/g tiến tới biện pháp mạnh hơn: bắt phá huỷ các chùa nhỏ và Tăng Ni ở chùa này phải hoàn tục.

Năm 845, vua hạ lệnh ở trong hai kinh thành Tràng An và Lạc Dương, mỗi nơi chỉ để lại 4 ngôi chùa và 30 vị Tăng Ni. Còn ở các Châu, các Quận thì mỗi nơi để lại một ngôi chùa và 20 Tăng Ni ở Châu lớn, 10 Tăng Ni ở Châu trung bình, 6 Tăng Ni ở Châu nhỏ. Những chùa khác đều bị tiêu huỷ hoặc bị sung công làm nơi hội họp cho công chúng, các Tăng Ni còn lại phải hoàn tục. Theo   lịch sử Phật giáo Trung Hoa thì có 446.000 ngôi chùa lớn nhỏ bị phá huỷ, 260.000 Tăng Ni bị buộc phải hoàn tục.

Năm 846, Đường-Võ-Tôn/g băng hà. Vua Đường-Tuyên Tôn/g lên nối ngôi, vua liền ra chiếu chỉ phục hưng Phật giáo.

Trong kỳ Pháp nạn này, rất nhiều kinh điển Phật giáo vừa bị thất lạc vừa bị thiêu đốt. Sau kỳ Pháp nạn này, Phật giáo bị suy vi, vận mệnh của nhà Đường cũng đi xuống rồi bị diệt vong. Vào thời vua Đường-Võ-Tôn/g, bọn hoạn quan chuyên quyền và tàn ác, ngay cả vua Võ-tôn/g cũng do bọn hoạn quan đưa lên, nên chúng ta có thể suy đoán rằng chắc bọn hoạn quan đã chủ mưu phá Phật.

Nhà Đường trị vì được 290 năm, trải qua 20 đời vua. Đời vua cuối cùng  là vua Ai Đế, Tướng quốc Toàn Trung đã ép vua Ai Đế nhường ngôi cho ông, ông lên ngôi là vua Thái Tổ nhà Hậu Lương năm 907.

 

Nhận định về kỳ Pháp nạn này, cố Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm đã dạy:

Đó cũng là một thức tỉnh cho những Phật tử chân chính biết nhận rõ sứ mạng cao cả Hoằng phápcủa mình, để đưa Phật giáo vào địa vị sẳn có của nó”.

(Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Saigon: Vạn Hạnh, 1965, tr. 184)

 

Thời Đường Phật giáo rất hưng thịnh, tương tợ như thời Lý ở Việt Nam, chỉ trừ một lần Pháp nạn dưới thời Đường-Võ-Tôn/g (trị vì: 841 – 846). Các vị vua khác kể cả nữ hoàng Võ Tắc Thiên (trị vì: 684 – 705) đều hết lòng tôn sùng và bảo hộ Phật giáo.

 

Vào thời Đường, việc phiên dịch và trước tác các kinh sách Phật giáo rất khởi sắc. Đại sư Trung Hoa Huyền Trang là nhà đại phiên dịch, Ngài có nhiều tư tưởng mới mẻ, và đã đưa ra một lý thuyết về phiên dịch kinh điển đáng ghi nhớ. Thêm vào đó còn có 2 đại dịch giả như Ngài Nghĩa Tịnh và Bất Không.

 

         *Ngài Huyền Trang (玄奘,600 – 664): người Lạc Dương (tỉnh Hà Nam), họ Trần. Cha là quan đầu tỉnh đời Tuỳ Dạng Đế (trị vì 604 – 618). Ngài xuất gia lúc 13 tuổi, ở chùa Tịnh Độ. Ngài đi chu du nhiều nơi ở Trung Hoa để tìm thầy học đạo. Nhưng Ngài muốn nghiên cứu sâu rộng về giáo nghĩa của đạo Phật nên Ngài quyết chí “Nhập Trúc Cầu Pháp”. Năm 629, Ngài lên đường đi tới Ấn độ, trải qua rất nhiều gian nan và nguy hiểm. Ngài đã tới được chùa Nalanda (Na-lan-đà), đây là tu viện chính của Phật giáo Đại thừa/ Phật giáo Phát triển, nơi quy tụ nhiều cao tăng có kiến thức uyên bác về đạo Phật, do Ngài Silabhadra (Giới Hiền) chỉ đạo. Huyền Trang đã xin làm đệ tử Ngài Giới Hiền để học hỏi về Duy thức học (Yogacara). Sau đó Ngài tiếp tục chu du nhiều nơi ở Ấn độ, Ngài sưu tầm được nhiều kinh văn bằng tiếng Phạn, trong đó có nhiều kinh luận của Thượng Toạ Bộ/ Phật giáo nguyên thuỷ, Phật giáo Đại thừa/ Phật giáo Phát triển và các sách triết học của các triết gia, các kinh sách của các tôn giáo khác. Thêm vào đó, Ngài còn thỉnh nhiều tượng Phật và xá lợi Phật. Năm 645, Ngài trở về Tràng An. Thời gian “Nhập Trúc Cầu Pháp” của Ngài ở Ấn độ kéo dài tới 17 năm trời.

Vua Đường Thái Tôn/g đón Ngài về , và thiết lập Viện Phiên Dịch, có tầm vóc quốc gia, ở chùa Từ Ân để Ngài phiên dịch các kinh, luật, luận. Ngài trông nom một Ban phiên dịch được tổ chức quy mô trong trật tự gồm có rất đông các bậc danh tăng phụ giúp cùng với những quan văn cao cấp tham gia.

Ngài Huyền Trang đã đưa ra lý thuyết về dịch thuật (theory of translation): theo Ngài có 5 trường hợp phải giữ nguyên âm thanh tiếng Phạn mà không  dịch ra chữ Hán, đó là lý thuyết “ngũ chủng bất phiên” (五種不翻 , theory of five kinds of untranslatable words):

                   1.-Những chữ có ý nghĩa sâu xa, mầu nhiệm,bí mật thì không dịch. Ví dụ đà-la-ni (dharani), hay như các câu thần chú/chân ngôn (mantra, dharani) là ngôn ngữ bí mật, là chân ngôn của chư Phật, của chư Bồ tát thì  không dịch, mà chỉ phiên âm :Yết Đế   Yết Đế  Ba La Yết Đế  Ba La Tăng Yết Đế  Bồ Đề Tát-Bà-Ha  (Gate  Gate  Pāragate  Pārasaṃgate  Bodhi  Svāhā).

                   2.-Những chữ có nhiều nghĩa thì không thể dịch, bởi vì nếu dịch ra chữ Hán thì chỉ có một nghĩa còn các nghĩa khác thì bị mất nghĩa. Huyền Trang đã đưa ra ví dụ như chữ Bhagavat có nhiều nghĩa, nên chỉ phiên âm là Bạc-già-phạm. Bhagavat có những nghĩa sau đây: a.- bậc đã có nhiều dấu hiệu tốt lành, Thế Tôn; b.-bậc hàng phục được chúng ma; c.-bậc đã giải thoát khỏi mọi ràng buộc; d.-bậc đã thấu hiểu hoàn toàn “Tứ Diệu Đế” (Four Noble Truths); e.-bậc đã trải nghiệm nhiều thành tựu siêu việt; f.-bậc đã xuất hữu hoại (one who has abandoned the wandering of transmigration). Chữ Bhaga (ở trong kinh Bhagavad Gita) chỉ phiên âm là Bạc-già vì có nhiều nghĩa như: dễ chịu, tên (name), may mắn, kính trọng.

                      3.-Không dịch những chữ mà Trung Hoa không có những vật tương đương, như địa danh, tên cây cối, thú vật không được biết ở Trung Hoa : -núi Lăng-già (núi Lanka, ở nước Tích Lan/Sri Lanka), -chùa Na-lan-đà (Nalanda),-cây đa-la (cây tala/ tara, có lá dùng để chép kinh điển Phật giáo ngày xưa, người Tàu gọi ngắn là bối diệp (lá bối),-cây diêm-phù (cây Jambu, chỉ trồng ở Ấn độ, không có trồng ở Tàu),-chim ca-lăng-tần-già (chim karavinka).

 

                      4.- Không dịch các chữ mà các bản dịch cổ xưa đã phiên âm (untranslatable words had traditionally  been transliterated, that is, transcribed phonetically). Ví dụ: A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề (Anuttara Samyak Sambodhi), chữ này có nghĩa là giác ngộ tột đỉnh (Supreme enlightenment ), quả vị của Đức Phật; sau này  dịch là Vô thượng chánh đẳng chánh giác. [Vô thượng (anuttara, a-nậu-đa -la) nghĩa là tột đỉnh, không có gì cao hơn; chánh đẳng (samyak, tam- miệu) nghĩa là nơi chân chánh, thật bình đẳng; chánh giác (sambodhi, tam-bồ-đề) nghĩa là giác ngộ chân chánh, tuyệt đỉnh, không có điều giác nhộ nào hơn].- Phật đầy đủ là Phật-đà (Buddha).

 

                      5.-Không dịch các chữ mà nó sẽ mất ý nghĩa đặc thù của nó nếu dịch ra chữ Tàu mà chỉ cần phiên âm. Ví dụ:- bát-nhã (prajna) thay vì dịch “trí tuệ”, - Niết-bàn (Nirvana).

 

Ngài Huyền Trang viên tịch vào năm 664, thọ 65 tuổi. Vua Đường Cao Tôn (trị vì từ 649 dến 683) đã bải triều 3 ngày để làm lể quốc táng. Ngài Huyền Trang rất tinh thông Tam Tạng kinh điển (Luật tạng, Kinh tạng và Luận tạng) nên được tôn vinh là Tam Tạng Pháp Sư.

 

Ngài Huyền Trang đã để lại một sự nghiệp phiên dịch kinh điển Phật giáo thật là đồ sộ cho Phật giáo Trung Hoa. Trong số đó có những bộ kinh chủ yếu như sau:

-Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh, - Bát-nhã ba-la mật-đa tâm kinh,-Bồ tát giới bản Du già sư địa luận của Ngài Di-lặc (Maitreya),-Đại thừa A-tỳ-đạt-ma tập luận và Nhiếp đại thừa luận của Ngài  Vô Trước (Asanga),- Duy thức nhị thập tụng, - Đại thừa bách pháp minh môn luận, - Đại thừa ngũ uẩn luận, - Câu xá luận của Ngài Thế Thân (Vasubandhu), -Nhân minh chính lý môn luận bản của Ngài Trần na (Dignaga),  vân.. vân …

Thêm vào đó, Ngài Huyền Trang còn soạn bộ “Đại Đường Tây Vực Ký” ghi lại du ký về phía Tây nước Trung Hoa trong những ngày Huyền Trang “nhập Trúc cầu Pháp”, sách này ghi chép lại hành trình đi học đạo Phật, tình trạng tôn giáo, địa lý, lịch sử và phong tục của Ấn độ lúc đương thời. Đây là một sử liệu rất có giá trị cho đến ngày nay.

 

*Pháp Tướng Tông:

Tại Tràng An, Ngài Huyền Trang đã sáng lập Pháp Tướng Tông ( 法相宗), một biến dạng kiểu Trung Hoa của Duy Thức Tông ( 唯識宗 ) hay Du-già-hành tông (Srt. Yogacarin) của Ấn độ. Tông phái này chú trọng việc hành trì Du-già (Srt. Yoga), quán tưởng thiền định các pháp đều do  tâm thức mà biến hiện, không có một  pháp nào ngoài tâm thức mà có, nếu ngộ được pháp quán này thì chứng ngộ được chân lý của Duy thức. Tương truyền rằng, ở Ấn độ, Du-già-hành tông là do Bồ-tát Di-lặc (Maitreya) khởi xướng, rồi hai anh em Đại sư Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasabandhu) phát triển.

Duy thức học phân chia các hiện tượng ra làm 100 pháp/ một trăm loại (Srt. Dharma). Tất cả mọi hiện tượng mà con người cảm nhận được chỉ là do thức/ duy thức (only mind).

Tông phái này căn cứ vào các bộ kinh luận như sau: -Giải thâm mật kinh (Srt. Zsandhinirmocana Sutra), -Du-già sư địa luận (Yogacarabhumi Sastra), - Câu-xá luận (Abhidharma kosa bhasya), -Duy thức tam thập tụng (Srt. Trimsatika vijnaptimatrata karika), - Thành duy thức luận v.v…

          *Ngài Nghĩa Tịnh (635 – 713): Ngài sinh năm 635, người Tế Châu (tỉnh Sơn Đông, bây giờ là tỉnh Hà Bắc), họ Trương. Ngài xuất gia hồi còn niên thiếu. Ngài cũng có chí nguyện “Nhập Trúc Cầu Pháp”.

Ngài đã đi theo con đường biển: ra khơi ở hải cảng thuộc  tỉnh Quảng Châu, đi qua Nam Dương rồi tới Ấn độ. Ngài chu du khắp nước Ấn độ để tầm sư học đạo trong 20 năm mới trở lại Ấn độ. Ngài thỉnh rất nhiều kinh điển nguyên bản tiếng Phạn. Ngài dịch rất nhiều kinh điển của tông phái Hữu Bộ như: - Căn bản thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ-nại-da, -Di Lặc hạ sinh thành Phật, - Đại Khổng Tước Vương Chú Kinh v. v…

Ngoài việc phiên dịch kinh điển, Ngài đã biên soạn hai bộ du ký: - Đại Đường Cầu Pháp Cao Tăng Truyện, - Nam Hải Ký Quy Truyện. Hai quyển sách này chứa đựng tài liệu lịch sử rất có giá trị, đã ghi lại tình hình Phật giáo và tình hình các tiểu quốc ở Ấn độ vào thời đó.

Ngài Nghĩa Tịnh viên tịch vào năm 713.

Điểm đáng ghi nhận có 3 bộ  du ký của ba Đại sư Trung Hoa sau đây đã chứa đựng nhiều sử liệu rất quan trọng: 1.- Phật Quốc ký của Ngài Pháp Hiển, 2. Đại Đường Tây Vực Ký của Ngài Huyền Trang/ Tam Tạng Pháp Sư, 3. Nam Hải Ký Quy Truyện của Ngài Nghĩa Tịnh.

Bắt đầu từ triều đại nhà Đường (618 – 907), các Đại sư Ấn độ và Trung Hoa  đã dịch hết Tam Tạng ( , Srt. Tripitaka, Pa. Tipitaka) là ba phần cốt tuỷ của kinh sách Phật giáo, gồm có: Kinh tạng ( , Srt. Sutra Pitaka, Pa.Sutta Pitaka ), Luật tạng ( , Srt. & Pa. Viyana Pitaka), Luận tạng ( , Srt. Abhidharma Pitaka, Pa.Abhidhamma Pitaka). Sau đó các Đại sư còn hoàn thành “Đại Tạng Kinh” ( , Ta-tsang-ching, Av. Great Storehouse Scripture) . “Đại Tạng Kinh” tiếng Hán là tổng hợp tất cả Tam Tạng kinh điển Phật giáo gồm: Kinh, Luật, Luận đã được dịch ra chữ Hán, là phần chính văn và là trọng tâm của bộ Đại Tạng Kinh; lại còn có các sách chú sớ, các luận, các giải thích, các du ký, ký sự v.v…Cụm từ “Đại Tạng Kinh” vốn không thấy xuất hiện trong các kinh sách Phật giáo ở Ấn độ, chỉ thấy xuất hiện ở Trung Hoa kể từ đời Đường trở về sau.

 

*Thiền tông ( 禪 宗) với “Pháp Bảo Đàn Kinh” [法 寶 壇 經 ,Platform Sutra of the Sixth Patriarch)] của Lục tổ Huệ Năng:

Pháp Bảo Đàn Kinh là cuốn kinh do Đại sư Trung hoa Huệ Năng giảng, không phải cuốn kinh đem đến từ Ấn độ.

Thiền tông là một đặc trưng của sự phát triển Phật giáo ở Trung Hoa. Vị sơ tổ của thiền tông Trung Hoa là Ngài Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma, ? – 535) đến Trung hoa từ năm 520 vào đời vua Lương Võ Đế (502 – 549), tổ thứ hai là Tuệ Khả, tổ thứ ba là Tăng Xán, tổ thứ tư là Đạo Tín. Thiền vừa áp dụng phương pháp tọa định, vừa dùng trí tuệ tập trung tư tưởng vào một đối tượng để quan sát, tư duy để thể nhập vào tâm thanh tịnh, ngộ nhập Phật tánh. Đến đời Đường (618 – 907) thì Thiền tông truyền đến vị tổ thứ năm là Hoằng Nhẫn (弘 忍, 602 – 675). Ngũ tổ Hoằng Nhẫn có rất nhiều đệ tử mà trong đó có hai Ngài Thần Tú và Huệ Năng là được xếp vào bậc tuấn kiệt. Hai vị này là đại biểu của Thiền tông đời Đường với hai khuynh hướng tu hành khác nhau:

 

                  1.- Thần Tú ( 神秀 , 606 – 706): Trước khi ngũ tổ Hoằng Nhẫn quyết định trao truyền tâm ấn, Thần Tú đã trình bài kệ:

 

 身 是 菩 提 樹

 心 如 明 鏡 臺

時 時 勤 拂 拭                                                                                                                             勿 使 惹 塵 埃

Thân thị bồ-đề thụ,
Tâm như minh kính đài,
Thời thời cần phất thức,
Vật xử nhạ trần ai.

 

dịch:

Thân là cây bồ đề,
Tâm như đài gương sáng.
Luôn luôn siêng lau chùi,
Chớ để nhuốm bụi trần.

Ngài Thần Tú đã chủ trương phương pháp “Thật tu tiệm ngộ”: ngài chấp nhận có tâm sinh diệt nên hành giả phải cố gắng lau chùi cái tâm sinh diệt này để tâm được sáng tỏ mà giác ngộ.Thần Tú đi về phương Bắc, gọi là Bắc Thiền, lấy hai kinh thành Tràng An và Lạc Dương làm trung tâm để truyền bá thiền tiệm tu.

                   2. Huệ Năng  ( 慧能 ,638 – 713): mồ côi cha mẹ từ thưở nhỏ, không có cơ hội đi học nên không biết chữ, sống bằng nghề bán củi trong chợ. Nhân một hôm đi ngang qua chùa, lắng nghe tiếng tụng kinh Kim Cang/Cương [ đầy đủ là Kim cang (cương) bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh ( 金剛般若波羅密多經, Srt.Vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra) ] đến câu :”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (應 無 所 住 而 生 其 心 , Không trụ vào đâu cả thì cái tâm (giác ngộ) mới xuất hiện, Av.Give rise to a mind that is not based on anything)  thì được giác ngộ. Nên Ngài liền xin ngũ tổ Hoằng Nhẫn nhập môn tu thiền.

Sau khi nghe bài kệ của Thần Tú, Huệ Năng liền nhờ người viết lên vách bài kệ của mình vì Ngài không biết chữ:

菩 提 本 無 樹
明 鏡 亦 非 臺

 本 來 無 一 物

 何 處 惹 塵 埃

Bồ đề bản vô thụ
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?

Dịch:
 Vốn không cây bồ-đề,
Cũng không đài sương sáng,
Xưa nay không một vật,
Lấy đâu nhuốm bụi hồng?

Sau khi đọc xong bài kệ này, Ngài ngũ tổ Hoằng Nhẫn thấy rõ căn tánh siêu việt của Huệ Năng nên đã trao truyền tâm ấn, trao y bát cho Huệ Năng để kế thừa làm Tổ thứ 6. Huệ Năng liền đi ngay về phương Nam, tỉnh Quảng Đông, để truyền thừa phương thức “Đốn ngộ diệu tu”, tức là có thể giác ngộ Phật tính ngay trong chốc lát, ngay ở cõi đời này. Sau này phái Nam Thiền  lại chia thành 5 tông phái mới là Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn.

Lục tổ Huệ Năng đi thuyết pháp luôn luôn có một người đệ tử là sư Pháp Hải đi theo để ghi chép các lời giảng của mình, vì Lục tổ không biết chữ. Sư Pháp Hải đã đúc kết các lời giảng của Huệ Năng thành bộ sách “Tôn Bảo”, sau này được sửa tựa lại là “Pháp Bảo Đàn Kinh”. Kinh Pháp Bảo Đàn là một kinh văn thiền đã được sáng tác ở Trung Hoa vào khoảng giữa thế kỷ thứ 8 và thế kỷ thứ 13.

                        Tư tưởng Thiền học của Huệ Năng được Ngài giảng dạy trong “Pháp Bảo Đàn Kinh”: Theo Ngài thì hành giả phải bỏ hết ngôn ngữ văn tự, xa lìa những lý giải,  hành giả cần phải thấu triệt tâm nguyên, an trí vào trí tuệ Bát-nhã; bởi vì vi diệu lý của Phật Pháp chẳng dính dáng gì với ngôn ngữ văn tự, chữ nghĩa, nên hành giả cần đạt được ý mà quên lời chớ nên chấp vào ngôn ngữ văn tự. Ngài Huệ Năng cho rằng địnhhuệ là một:
Định và Huệ là nhất thể , không có gì khác nhau. Định là thể của Huệ. Huệ là dụng của Định. Tức là trong khi Huệ phát chiếu thì đã có Định tương ứng, và trong khi Định tâm tư thì đã có Huệ tồn tại . . .
[ . . .] Ngoài thì xa lìa các tướng trạng gọi là Thiền, trong thì đoạn trừ các vọng tưởng gọi là Định”.
(Lục Tổ Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn Kinh)

                      3.-“Thiền ở Trung Hoa là  sự kết hợp giữa tư tưởng Phật giáo với tư tưởng Lão, Trang và tư tưởng Nho gia:

“Bồ-đề-đạt-ma đã đặt nền tảng triết lý cho Thiền tông:

教外別

不立文字

直指人心

見性成佛

 

"Giáo ngoại biệt truyền, 

 Bất lập văn tự,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật".

 

dịch:

Việc truyền bá (đạo lý) không lệ thuộc vào kinh điển,
Không vựa vào văn tự (kinh sách),
Đi thẳng vào lòng người,
Thấy được bản tánh mà thành Phật."

Quan niệm "giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự" là một bước tiến xa hơn của quan niệm "bất ngôn chi giáo" ( 不言之教 )  của Lão tử; tức là dạy bảo mà không cần đến lời nói có nghĩa là lời nói chỉ là phương tiện để khêu gợi, để giúp cho người khác suy nghĩ mà tìm hiểu chân lý. Bởi vậy trong quyển Đạo Đức Kinh ( 道 德 經 ), Lão tử đã viết:

知 者 不 言 
言 者 不 知 

"Tri giả bất ngôn,
Ngôn giả bất tri."

dịch:


"Biết thì không nói,
Nói thì không biết"

Từ đó, Lão học đưa ra khái niệm về Đạo, một nguyên lý tuyệt đối bất khả tư nghị. Bất khả tư nghị có nghĩa là không thể nào dùng lý trí mà suy xét, và không thể nào dùng lời nói mà luận bàn được:
道可道, 非常道; 名可名, 非常名.
“Đạo khả đạo, phi thường đạo; Danh khả danh phi thường danh”.
có nghĩa là: “Đạo mà có thể diễn tả bằng lời nói, bằng ngôn ngữ được thì không phải là cái đạo thường hằng, vĩnh cữu và bất biến. Tên mà có thể đặt ra được thì không phải là cái tên thường hằng, vĩnh cữu và bất biến”.
(Nguyễn Vĩnh Thượng, Tư tưởng Phật giáo trong Văn học thời Lý, Toronto: Hiện Đại, 1996, tr. 28)

Quan niệm đốn ngộ, là quan niệm cho rằng hành giả có thể đạt được Phật tính trong chốc lát, và ở ngay trong cõi đời hiện tại này, có thể là phản ánh của tư tưởng Nho gia khi cho rằng ai ai cũng có thể trở thành vua Nghiêu, vua Thuấn miễn là đạt được những đức độ đáng tôn kính.

                  Thiền chủ trương “bất lập văn tự”, nói như thế nhưng mà không phải như thế đâu. Ngày nay các sách vở viết về Thiền thật là vô số kể với nhiều ngôn ngữ khác nhau ở trên thế giới. Thiền tông được truyền qua các nước Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam v. v… Kể từ giữa thế kỷ thứ 20, Thiền tông được hoằng truyền sang Tây phương: Âu Châu, Úc Châu, Bắc Mỹ v.v… Ngày nay văn hoá Thiền đã ảnh hưởng đến nhiều nền văn hoá trên thế giới:

                 “Văn hoá Thiền là văn hoá phong phú bên trong, là văn hoá tạo sức mạnh trong các cõi tế vi của tâm hồn, không như những nền văn hoá khác của cõi trời Âu Mỹ có được bao nhiêu màu sắc thì đã trải ra bên ngoài của cõi nhân sinh bấy nhiêu. Thiền là sống, là linh động. Thiền là luồng như luồng gió, luồng sóng. Thiền gây một sức mạnh, khi lên thì lên vun vút, khi xuống thì xuống tận vực sâu thăm thẳm, nhưng khi phát hiện ra thì thiền lại lặng lẽ: đó là một chiếc lá, trời về chiều, nhẹ rơi trên mặt hồ thu, rồi yên lặng dừng lại; đó là một hơi gió đang thổi bỗng ngưng lại rồi phản vọng trên mặt nước làm  làn nước lăn tăn, chỉ có thị giác của thi nhân mới đón nhận được”.
(H.T Thích Minh Châu, Lời giới thiệu trong quyển Lịch Sử Triết học Ấn độ của H.T Thích Mãn Giác, Saigon: Đại Học Vạn Hạnh, 1968)

*Mật giáo truyền đến Trung Hoa :

Vào thời Đường, 3 vị Đại sư Ấn độ đã đem Mật giáo truyền đến Trung Hoa là:
1.- Thiện Vô Uý (Srt. Subhakarasimha, 637 – 735), 2.- Kim Cương Trí (Vajrabodhi, 663 – 723), 3.- Bất Không Kim Cương (Amoghavajra, 705 – 774).

Ba vị Đại sư này thành lập một tông phái riêng gọi là Mật tông. Các Ngài cho rằng giáo lý của tông phái này thì bí mật được căn cứ vào Kinh Đại NhậtKinh Kim Cương Đính.  Mật tông/ Mật giáo còn gọi là Chân Ngôn tông. Mật giáo là giai đoạn cuối cùng trong lịch sử phát triển Phật giáo ở Ấn độ.

        Ngài Thiện Vô Uý cùng hợp tác với Đại sư Trung Hoa Nhất Hạnh (638 – 727) dịch bộ Đại Nhật Kinh, sau đó Ngài Nhất Hạnh còn soạn luận sớ chú thích bộ Đại Nhật Kinh và dịch nhiều kinh điển của Mật giáo.

        Ngài Bất Không Kim Cương đã phiên dịch nhiều kinh điển của Mật giáo, trong đó có 2 bộ thánh điển căn bản của Mật giáo là Kim Cương Đính KinhPhát Bồ Đề tâm luận.

        Vua Tắc Thiên Võ Hậu rất tôn sùng Mật giáo. Năm 690,Vua ra lệnh xây cất chùa ở mỗi Châu trong nước, lấy tên là Trung Hưng Tự; còn ở hai Kinh thành Lạc Dương và Tràng An thì lấy tên là Đại Vân Kinh Tự. Nữ hoàng Võ Tắc Thiên  còn đặt một đạo tràng ở trong cung đình và thỉnh Ngài Bất Không Kim Cương tới tu phép Mật giáo, hằng ngày cầu cho quốc thái dân an.

Phật giáo Trung Hoa đến cuối đời Đường đã có 14 tông phái được thành lập: Luật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông, Pháp tướng tông, Mật tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Tam Luận tông, Câu Xá Tông, Thành Thật tông, Niết Bàn tông, Địa Tạng tông, Nhiếp Luận tông, Tỳ Đàm tông.

Sau này, Niết Bàn tông nhập với Thiên Thai Tông, Địa Luận tông nhập với Hoa Nghiêm Tông, Nhiếp Luận tông nhập với Pháp Tướng tông, Tỳ Đàm tông nhập với Câu Xá tông. Nên chỉ còn có 10 tông phái Phật giáo ở Trung Hoa: 1. Luật tông, 2. Tịnh Độ tông, 3.Thiền tông, 4. Pháp Tướng tông, 5. Mật tông, 6. Thiên Thai tông, 7. Hoa Nghiêm tông, 8. Tam Luận tông, 9. Câu Xá tông, 10. Thành Thật tông.

*Luật tông chủ trương hành trì giới luật, nhưng mà tông phái nào cũng đều hành trì giới luật chứ không phải chỉ có Luật tông, nên dần dần Luật tông đã hòa nhập vào các tông phái khác nên tông này không còn tồn tại.

Mỗi tông phái đều có những đặc điểm riêng, nhưng luôn luôn nương tựa vào giáo pháp của Đức Phật Thích-ca. Mỗi tông phái đều có tôn chỉ riêng, và cách thực hành, tu tập riêng, nhưng đều hướng đến một mục đích chung là đi tới chỗ giác ngộ, là thể nhập vào chân như. Tuỳ theo trình độ trí thức, khả năng và sở thích của mình, hành giả sẽ chọn lựa tông phái nào thích hợp với mình để tu tập, hành trì. Tông phái nào, con đường nào rồi cuối cùng cũng đi tới giải thoát cả.

 

*7.- Thời Ngũ Đại & Thập Quốc ( Five Dynasties & Ten Kingdoms, 907 – 960)

         -Ngũ Đại:  Năm 907, Chu Ôn, một lãnh chúa, tiếm ngôi nhà Đường, lập nên nhà Hậu Lương (907 – 923), một trong 5 triều đại ngắn ngủi kế tiếp nhau thống trị phía Bắc Trung Hoa. Bốn triều đại kế tiếp là: Hậu Đường (923 – 936), Hậu Tấn (936 – 946), Hậu Hán (947 – 950), Hậu Chu (951 – 960). Sử Tàu gọi là đời Ngũ Đại.

Pháp nạn lần thứ tư dưới thời vua Chu-Thế-Tôn/g:

Nhà Hậu Hán truyền ngôi được hai đời thì quan Khu mật sứ là Quách Uy tiếm ngôi, đó là vua Thái Tổ nhà Hậu Chu. Con nuôi của Thái Tổ là vua Chu Thế Tôn/g nối ngôi. Vua Thế Tông băng hà, con là Cung Đế nối ngôi mới có 7 tuổi. Túc vệ tướng Triệu Khuông Dẫn được các tướng sĩ tôn lên làm vua, đó là vua Thái Tổ nhà Tống. Nhà Chu trị vì được 10 năm, trải qua 3 đời vua.

Vua Chu Thái Tổ rất tôn kính đạo Phật. Nhưng vua Chu Thế Tôn/g thì không thích đạo Phật. Năm 955, vua Chu Thế Tôn/g ra lệnh phá bỏ các chùa chiền khắp nơi, tông cộng có 3356 ngôi chùa, tịch thâu tượng Phật bằng đồng và các chuông đồng và các đồ thờ cúng bằng đồng ở trong các chùa bị thiêu huỷ để đem đúc thành tiền. Các Tăng Ni ở các chùa này thì hoàn tục.
Kỳ phá Phật này không có liên quan gì đến sự xung đột giữa Đạo giáo và Phật giáo, nguyên nhân chính là triều vua Chu-Thế-Tôn/g của nhà Hậu Chu bị kiệt quệ về tài chánh. Sau khi phá Phật thì nhà Hậu Chu cũng đi vào chỗ diệt vong.

Tính tới đây, Phật giáo Trung Hoa đã trãi qua 4 lần Pháp nạn. Lịch sử Phật giáo Trung Hoa có câu: “Tam Võ, nhất Tôn (Chu) Pháp nạn” ; tam Võ gồm có Võ Đế thời Bắc Nguỵ, Võ Đế thời Bắc Chu, Võ Tôn/g thời Đường; nhất Tôn (hay Chu) là Chu-Thế-Tôn/g nhà Hậu Chu. Tính tới cuối thời Mãn Thanh thì Phật giáo Trung Hoa còn trải qua một lần pháp nạn nữa vào năm 1850, dưới thời loạn tướng Hồng Tú Toàn (1812 - 1864).

Gần đây, khi Đại chiến thế giới lần thứ 2 bùng nổ thì Phật giáo Nhật Bản đã ủng hộ Chủ Nghĩa Quân Phiệt với chiêu bài Đại Đông Á của Nhật Bản, nên các chùa chiền đã tích cực  gom góp các chuông đồng, các Phật cụ bằng đồng để đúc súng đạn.

         -Thập Quốc: Trong khi đó thì ở phía Nam, các lãnh chúa tự hùng cứ vùng đất của mình, họ độc lập với nhau mà dựng thành 10 nước nhỏ, sử Tàu gọi là đời Thập Quốc: 1.Ngô, 2.Tiền Thục, 3. Hậu Thục, 4.Ngô Việt, 5. Nam Đường, 6. Mân, 7.Sở, 8. Nam Hán, 9. Nam Bình, 10. Bắc Hàn.

Việc phiên dịch kinh điển không có gì đặc sắc trong thời đại này. Chỉ có lần Pháp Nạn vào thời nhà Hậu Chu như đã trình bày ở trên.

*8.-Thời đại nhà Tống (960 – 1280):

-Năm 960, Triệu Khuông Dẩn, vị tướng phụ trách an ninh nơi cung cấm ở Thủ Đô, phế bỏ vua Cung Đế của nhà Hậu Chu ở phương Bắc, tự lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Khai Phong (tỉnh Hà Nam ngày nay), chấm dứt thời Ngũ Đại. Sử Tàu gọi là nhà Bắc Tống.

-Năm 1127, quân Kim đánh chiếm thủ đô Khai Phong bắt vua Bắc Tống là Khâm Tông đem về giam ở nước Kim, thống trị toàn vùng Hoa Bắc, chấm dứt vương triều Bắc Tống.

-Triệu Cấu, một hoàng tộc của nhà Tống, bèn đem quân xuống vùng Hoa Nam, tự xưng đế, đóng đô ở Lâm An (Hàng Châu ngày nay). Sử Tàu gọi là nhà Nam Tống. Triều đình Nam Tống kéo dài tới năm 1280.

Vào đời Tống, Phật giáo được phục hưng và phát triển rực rở. Rất nhiều đại sư Ấn độ và Trung Hoa đã tiếp tục phiên dịch các bộ kinh điển phụ thuộc, bởi vì các bộ kinh điển trọng yếu đã được dịch từ đời Đường trở về trước. Năm 980, vua Tống Thái Tông cho xây “Dịch Kinh Viện” ở trong khuôn viên chùa “Thái Bình Hưng Quốc” ở tại kinh đô Khai Phong (tỉnh Hà Nam ngày nay).

Vua Thái tổ nhà Tống hết lòng bảo trợ Phật giáo trong việc khắc ván in bộ Đại Tạng Kinh được 1.000 quyển; một bộ Mục Lục Kinh Điển cũng được khắc ván ấn hành lần đầu tiên. Việc khắc ván (khắc chữ ngược trên bản gỗ) để in kinh sách Phật giáo là một bước tiến trong kỹ thuật ấn loát rất to lớn trong lịch sử ấn loát của nhân loại.

*9.-Phật giáo ở nước Liêu và nước Kim:

                9.a.- Phật giáo đời nhà Liêu (907 – 1124) : Da-luật-bảo-cơ, người thuộc dân tộc Khế -Đan, đã liên kết được các bộ tộc Khế Đan, rồi tự xưng Hoàng đế năm 907, đóng đô ở Lâm Hoàng (thuộc Mãn Châu). Vị vua kế nghiệp ông là Thái Tôn đã đem quân tràn xuống phương Nam, diệt nhà Hậu Tấn, thành lập nhà Liêu, giáp ranh phía Bắc của nhà Tống. Lãnh thổ của nước Liêu là vùng Mãn Châu ngày nay. Về sau, nhà Kim của dân tộc du mục Nữ Chân đã liên minh với nhà Tống tiêu diệt được nước Liêu năm 1124. Nhà Liêu trị vì được 219 năm với 9 đời vua.

Nhà Liêu tôn sùng Phật giáo, nên Phật giáo được thịnh đạt. Triều đình nhà Liêu đã hổ trợ Phật giáo, cho tiếp tục khắc kinh, đặc biệt là việc khắc 4 bộ kinh lớn vào vách đá: Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Bảo Tích và Niết Bàn.

                   9.b.-Phật giáo đời nhà Kim (1115 – 1234): dân tộc du mục Nữ Chân phụ thuộc vào nhà Liêu, cũng ở vùng Mãn Châu. Về sau, thừa cơ hội nhà Liêu suy vi, A-cốt-Đã ,một người thuộc dân tộc Nữ Chân, đứng lên tự xưng Hoàng đế, thành lập nhà Kim, đóng đô ở Hội Ninh (thuộc tỉnh Cát Lâm). Năm 1125, nhà Kim liên minh với nhà Tống tiến đánh và tiêu diệt nhà Liêu, lãnh thổ của nhà Kim ở phía Bắc nước Tống. Về sau, thấy nhà Tống suy vi, nhà Kim tiến đánh về phía Nam và chiếm được Kinh đô Biện Kinh của nhà Tống, nhà Kim dời Kinh đô về Yến Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Nhà Tống buộc phải lui về phía Nam, sử Tàu gọi là Nam Tống. Sau cùng, Mông-cổ liên minh với Nam Tống tiến đánh và tiêu diệt nhà Kim vào năm 1234. Nhà Kim trị vì được 120 năm, cả thảy có 10 đời vua.

Triều đình nhà Kim cũng tôn sùng và bảo hộ Phật giáo. Tỳ-kheo Ni Thối-Pháp-Chân ở tỉnh Sơn Tây đã phát nguyện việc khắc ván Đại Tạng Kinh với sự cúng dường tiền phí tổn của dân chúng địa phương, bộ này đã căn cứ vào Đại Tạng Kinh của nhà Tống. Việc khắc ván Đại Tạng Kinh này là một việc làm vĩ đại: không có sự bảo trợ của triều đình, Ni và phật tử đã tự túc mọi chi phí, công việc khắc ván kéo dài tới 30 năm.

*10.-Thời đại nhà Nguyên(1279 – 1367) :

                       *1.- Mông cổ: nguyên là một trong 20 bộ lạc Thất vi  vào đời Đường, ở về phía Tây Bắc Trung Hoa, tự xưng là giống Đạt-đát. Người Mông cổ cuỡi ngựa và bắn tên rất tài, chuyên nghề săn bắn, sống đời sống du mục.
Trước năm 1200, người Mông cổ chia ra thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm do một thủ lãnh dẩn đầu gọi là hãn (khan), và sống trong những cái liều làm bằng da có thể di chuyển được.

Hãn ( 汗) là tiếng Hán Việt phiên âm từ chữ Khan của người Mông cổ (Mongol). Hãn (khan) là danh vị của thủ lãnh người Mông cổ, có nghĩa là người đứng đầu, là thủ lãnh. Đại Hãn (大汗       , Great Khan) để chỉ thủ lãnh tối cao tức là Hoàng đế, là nhà Vua. Người Tàu còn phiên âm tiếng KhaganKhả Hãn ( 可汗 ) có cùng nghĩa với Đại Hãn, tức là “Hãn của các Hãn”, hay là lãnh tụ tối cao: là Hoàng đế, là Vua. Trong sách Tàu, có khi họ dùng từ kép Hãn Vương (汗王 ) hay Vương Hãn (王 汗 ) ; Vương nghĩa là vua, Hãn tiếng phiên âm cũng nghĩa là vua, từ kép Vương Hãn có ý nhấn mạnh và chỉ rõ là Vua Mông cổ.

                      *2.-Thành-Cát-Tư-Hãn (成吉思汗, tiếng Mông cổ là Chinghis /Gengis Khan , 1162 - 1227): ông có tên là Thiết Mộc Chân ( Temujin) sinh năm 1162, người của gia tộc Bột-nhi-chỉ-cân (Borjigin). Cha là Dã-tốc-cai (Yesukhei), một thủ lãnh của bộ tộc Khất Nham (Kiyad). Mẹ là Ha-ngạch-hôn (Hoelum) thuộc bộ lạc Oát-lặc-hốt-nột (Olkhunut).
Năm 1200, ở tuổi 38, ông làm Hãn đối với nhiều gia đình trong bộ lạc. Ông có tài, nhiều mưu lược chính trị, binh pháp giỏi, nên được nhiều bộ tộc kính trọng. Năm 1206, ở tuổi 44, ông đã liên kết các bộ lạc Mông cổ đang sống riêng rẽ hợp lại, và mỡ hội nghị Kurultai ( Hội đồng các thũ lãnh của các bộ lạc Mông cổ), Hội nghị tấn phong ông là Thành-Cát-Tư- Hãn, tiếng Mông cổ có nghĩa là vua của cả thế giới. Ông lên ngôi Đại Hãn, đặt tên nước là Đại Mông Cổ Quốc ( Ikl Mongol Uls), đóng đô ở Hoà Lâm (Karakorum).

                        *3.a.-Mông cổ liên minh quân sự với Tống để tiêu diệt nước Kim của dân tộc du mục Nữ Chân: Năm 1211, Mông cổ sai sứ đến xin nhà Tống liên minh quân sự để đánh nhà Kim. Triều thần nhà Tống muốn thừa dịp này để diệt nhà Kim, vừa để rửa nhục vừa để lấy lại phần đất ở miền Bắc. Trong triều đình duy chỉ có vị Tướng lãnh là Triệu Phạm nhắc lại việc trước đây nhà tống đã liên minh quân sự với nhà Kim để diệt nhà Liêu, sau khi diệt Liêu, nhà Tống bị nhà Kim hãm hại và đánh chiếm cả miền Bắc nước Tống; vị Tướng quân này lo ngại Mông cổ sẽ lập lại việc này  đối với Tống sau khi thắng Kim. Nhưng vua Tống là Lý Tông không nghe, nên đã liên hiệp quân sự với Mông cổ đi đánh nhà Kim. Sau khi chiến thắng nhà Kim, Thành-Cát-Tư –Hãn đã để lại các tướng giỏi để trấn giữ nước Kim mà không giao lại cho nhà Tống. Đại Hãn rút về Mông cổ, và đem theo rất nhiều chiến lợi phẩm.

                     Năm 1219, Mông cổ tiến đánh và tiêu diệt Đế quốc Hồi giáo Khwarezm.
                     Năm 1220, Mông cổ tiến đánh Âu châu, tiến tới được Biển Den (Black Sea).
                     Năm 1223, Mông cổ tiến đánh Nga, cho đến năm 1240, mới chinh phục hoàn toàn lãnh thổ Nga Kiev và Volga Bulgar.
                     Năm 1226, Thành-Cát-Tư-Hãn  tấn công nhà Tây Hạ. Tây Hạ ( 西夏 , trị vì: 1038 – 1227) là một triều đại do dân tộc người Đảng Hạng thành lập, nằm ở phía Tây Bắc nước Trung Hoa thời bấy giờ. Năm 1227, quân Tây Hạ đại bại, và đã chính thức đầu hàng sau 190 năm tồn tại.

                      Năm 1227, Thành Cát Tư Hãn băng hà, thọ được 66 tuổi, trước khi chết ông đã căn dặn không được phát tang để giữ bí mật.

                      Năm 1229, theo kết quả của hội nghị Kurultai, diễn ra sau khi Thành Cát Tư Hãn chết, con trai là Oa-Khoát-Đài (窝阔台, Ogodei, khoảng 1186 - 1241) được bầu làm Đại Hãn lên kế vị, ông là Đại Hãn thứ hai của Đế Quốc Mông cổ.
                     Năm 1237, Mông cổ sang đánh Âu châu.
                     Năm 1241, Mông cổ tấn công Poland(Ba-lan), đụng độ mãnh liệt với liên quân Âu châu, tiếp tục tiến đánh xâm lăng được các nước Đông Âu : Poland và Hungary.
                    

                         Năm 1241, Oa Khoát Đại  chết. Triều đình đã xảy ra nhiều tranh chấp về quyền bính.

                         Đến năm 1246, Quý Do (貴由,Güyük, 1206 – 1248) lên làm Đại Hãn thứ ba của Đế quốc Mông cổ, trị vì từ 1246 - 2148. Sau cái chết của Quý Do, triều đình lại tranh chấp quyền bính nữa.  
                         Năm 1251, Mộng Kha (Mongke) được bầu làm Đại Hãn thứ tư của Đế quốc Mông cổ. Ông sai em là Hốt-tất -liệt đem quân sang đánh nước Đại Việt (Việt Nam) nhưng thảm bại.
                         Năm 1258, Mông cổ chiếm Baghad, trung tâm quyền lực của Hồi giáo. Cùng năm này, Đại Hãn Mộng Kha thân chinh đi đánh các thành của tỉnh Tứ Xuyên, nhưng chưa lấy được hết thì ông qua đời vào năm 1259.
                        

                          Năm 1260, Hốt-Tất-Liệt ( 忽 必 烈 , Khubilai/ Kublai, 1215 sanh ở Mông cổ - 1294 chết ở Ấn độ) tự lên làm Đại Hãn thứ năm của Đế quốc Mông Cổ sau khi anh trai Mộng Kha chết. Ông trị vì từ năm 1260 đến 1294. Năm 1264, Vua Hốt -Tất-Liệt dời đô về Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Năm 1271, ông đổi quốc hiệu là  Nguyên ( 元 ), thành lập triều đại Nguyên/Nguyên triều (元 朝 ). Ông là Đại Đế đầu tiên của triều nguyên.

                          *3.b.--Mông cổ đánh Nam Tống, và tiêu diệt nhà Tống: Không nghe lời can gián của vị Tướng quân ở trong triều là Triệu Phạm, Vua Tống là Lý Tông đã tính sai nước cờ khi bằng lòng liên minh quân sự với Mông cổ để đánh Kim trước đây. Mông cổ không những đã thôn tính nhà Kim mà còn muốn thôn tính luôn nhà Nam Tống.
                         Vua Hốt-Tất-Liệt quyết định đánh lấy Nam Tống để mở mang bờ cõi cho Đế Quốc Mông cổ. Ông liên tục tấn công nhà Nam Tống. Nhà Tống hết sức chống cự lại cho đến năm 1279 thì bị tiêu diệt. Các sử gia đều lấy năm 1279 là năm triều Nguyên thôn tính toàn cõi nước Trung Hoa làm năm khởi đầu cho triều Nguyên (1279 – 1367). Nhà Tống bị tiêu diệt hoàn toàn: lịch sử đã lập lại, và còn sẽ lập lại nữa.

                          Năm 1274 và 1281, hai lần Đại Hãn Hốt-Tất-Liệt đem quân vượt biển với trên 600 chiến thuyền để tấn công Nhật Bản, nhưng không thắng nỗi Nhật.

                         Năm 1294, Vua Hốt-Tất-Liệt chết tại Ấn độ, ở tuổi 79.

                        Sau khi Vua Hốt-Tất-Liệt qua đời, đã có 10 vị vua kế tiếp kế vị. Triều chính nhà Nguyên rối loạn, nhiều nhóm tranh giành quyền bính làm nhà Nguyên suy yếu dần dần. Đến đời vua Thuận Đế thì nhà Nguyên đi tới chỗ diệt vong: Vua thì hoang dâm vô độ, tài chánh công bị khủng hoảng, triều đình in thêm tiền giấy quá nhiều, dân chúng không còn tín nhiệm vào đồng bạc, vật giá leo thang quá độ. Trong khi người Hán thì nghèo khổ, trộm cướp nổi lên khắp nơi, thì trong triều đình người Mông cổ sống xa hoa. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên với chánh nghĩa “Phản Mông Hưng Hán”.

                        Năm 1368, Triều đình nhà Nguyên phải di tản về quê hương Mông cổ của mình, sử Tàu gọi là Bắc Nguyên, trước sức chiến đấu dũng mạnh của lực lượng khởi nghĩa người Hán do Chu Nguyên Chương lãnh đạo, Đế Quốc Mông Cổ bị tan rã. Vào năm 1635, dân tộc du mục Nữ Chân ở Mãn Châu đã tiêu diệt tàn dư của triều Bắc Nguyên.

*-*-* Vài nhận xét về triều Nguyên:

- Từ Đại Hãn Thành-Cát-Tư-Hãn đến Đại Hãn Hốt-Tất-Liệt và các hậu duệ, Đế Quốc Mông Cổ (Mongol Empire) đã có một lãnh thổ rộng lớn với diện tích rộng gắp đôi Đế Quốc La Mã và Đế Quốc Khalip Hồi giáo bao gồm: nước Mông cổ, nước Trung Hoa, một phần đất của Nga, một phần đất của Triều Tiên, Tây Tạng, các quốc gia Hồi giáo như Iraq, Iran, Tiểu Á; Mông cổ tuy chiếm các nước Đông Âu chỉ có một thời gian ngắn như Poland, Hungary nhưng đã làm chấn động Âu châu.

-Trước vó ngựa ngộp trời của đoàn quân viễn chinh Mông Cổ đang tiến đánh các nước Đông Âu,  Giáo Hoàng Innocent IV đã gởi bức thư Cum non solum đề ngày 13 tháng 3 năm 1245 đến Đại đế Ogedei /Đại hãn Oa-Khoát-Đài để yêu cầu người Mông Cổ hãy ngưng cuộc tấn công vào lãnh thổ của các nước theo đạo Cơ đốc giáo và những quốc gia khác ở Âu Châu, Giáo Hoàng Innocent IV cũng nhấn mạnh rằng người Mông Cổ phải lưu ý đến điều này khi họ có những ý định tấn công Âu Châu trong tương lai. Thật ra Đức Giáo Hoàng đã gởi một cảnh báo về một vùng đất mà người Mông Cổ chưa chiếm đóng, người Mông Cổ chỉ mới chiếm Đông Âu. Giáo Hoàng đã cử một Đại thần (Papal legate) của mình đem bức thư này giao tới tay  Ogedei Khan/ Đại Hãn Oa-Khoát Đài: thầy tu dòng Phanxicô (Franciscan friar) người Ý 65 tuổi là Giovanni da Pian del Carpine (1180 – 1252) tên tiếng Anh là John of Plano Carpini đã cùng với vài tu sĩ tháp tùng, trong đó có cả thông dịch viên. Đây là một phái đoàn chính thức của Giáo Hội, có sứ mạng để phản kháng việc xâm lăng các vùng đất Cơ đốc giáo của người Mông cổ, phái đoàn còn có sứ mạng thu thập tin tức về quân đội Mông Cổ và những dự định của họ trong tương lai.

Phái đoàn này rời khỏi Lyon vào ngày 16 tháng 4 năm 1245, sau 106 ngày , họ vượt được khoảng đường 5.000 km, và đã tới được Thủ đô Karakorum của Đế Quốc Mông Cổ. Tới đây họ mới biết tin Ogedei Khan/ Đại Hãn Oa-Khoát-Đài đã qua đời gần 4 năm. Ngày 24 tháng 8 năm 1246, phái đoàn này đã tham dự Hội đồng của Đế Quốc Mông Cổ bầu người kế vị là Guyuk Khan/ Đại Hãn Quý Do (1206 – 1248).
Thầy dòng Giovanni trình bức thư của Giáo Hoàng Innocent IV đến Guyuk Khan/ Đại Hãn Quý Do, và thuyết phục Đại Hãn cải đạo Cơ đốc giáo.

Vào tháng 11 năm 1246, Đại Hãn Guyuk/ Quý Do quyết định đình chỉ cuộc viễn chinh tấn công Âu Châu, sau đó Đại Hãn đã trả lời thư của Giáo Hoàng. Bức thư của Đại Hãn được viết bằng 3 thứ tiếng: Mongol, Arabic và Latin với con dấu của Đế Quốc Mông Cổ. Đại Hãn Guyuk đã từ chối chuyện cải đạo sang Cơ đốc giáo, và nghĩ rằng tốt hơn hết là Giáo Hoàng và các nhà thống trị các nước ở Âu Châu phải đến gặp Đại Hãn, và phải tuyên thệ thần phục Đế Quốc Mông Cổ. Bức thư đã vắn tắt khẳng định một cách  hống hách “ Triều đình Đế Quốc Mông Cổ như là một tai họa của Thượng đế/Chúa trời. ( It was a brief imperious assertion of the Mongol Emperor’s office as the scourge of God. - Nguồn: internet)

Kể từ thập niên 1250, đã có rất nhiều phái đoàn truyền giáo của Thiên Chúa giáo, Cơ đốc giáo đến Mông Cổ để giảng đạo Chúa, và với sứ mạng cải đạo người Mông cổ qua Cơ đốc giáo.

-  Mông cổ đã thất bại trong cuộc xâm lăng Nhật Bản, Syria và Đại Việt (Việt Nam ngày nay), có lẽ vì lý do:- thời tiết biến động trong vùng biển khi tấn công Nhật Bản, khí hậu nóng bức ở Trung Đông như Ả Rập Saudi, mạng lưới sông ngòi chằng chịt, binh pháp cao cường cùng lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước vô bờ bến của dân Đại Việt.

- Triều Nguyên rất hiếu khách, tiếp đãi người Âu châu rất nồng hậu, chẳng hạn như Marco Polo (1254 – 1324). Marco Polo là một du lịch thương gia người Ý (Italian merchant traveller) / lái buôn đã đi qua nước Tàu theo con đường tơ lụa. Ông không phải là người Âu châu đầu tiên đến Trung Hoa. Ông đã đi cùng khắp nước Tàu, nước Mông cổ. Năm 1266, ông được Đại Hãn Hốt-Tất-Liệt (Kubilai Khan) tiếp đãi nồng hậu tại triều đình nhà Nguyên ở Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Ông đã viết quyển du ký: “Livres des merveilles du monde(Book of the Marvels of the world also known as The Travels of Marco Polo). Trong quyển du ký này, ông đã giới thiệu với người Âu châu về các nơi ông đã đi qua: từ Trung Á (Centre Asia) đến nước Tàu (China). Marco Polo đã trở nên rất giàu có về sau này.

-Thành Cát Tư Hãn đã đặt ra các bộ luật viết bằng tiếng Mông cổ, gọi là Yassa ( có nghĩa là điều lệnh hay chiếu chỉ), áp dụng một kỹ luật rất nghiêm ngặt cho tất cả những người dân sống trong Đế Quốc Mông Cổ.

-Về tôn giáo, Đại Hãn Thành Cát Tư Hãn đã thực hiện chánh sách tự do tín ngưỡng: Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo, Phật giáo . . . đều được hoạt động tự do. Duy chỉ có Lạt-ma giáo thì triều Nguyên hết sức ưu đãi, tận tình bảo hộ, và đã nâng lên hàng Quốc giáo.   

* Lạt-Ma (Bla Ma) giáo: được truyền vào Trung Hoa từ thời vua Thái Tổ nhà Nguyên (1279 – 1368), rất được triều đình trọng vọng, và được coi là Quốc giáo. Đó là một tôn giáo ở cung đình nhà Nguyên. Nhà Nguyên không còn quan tâm đến các tông phái Phật giáo cổ truyền như Thiền tông, Tịnh độ tông, Pháp Tướng tông v.v…. Tuy nhiên trong dân gian các tín ngưỡng về tu thiền, tu tịnh độ, niệm Phật … vẫn còn được duy trì mạnh mẽ.

Mật giáo truyền đến Tây Tạng từ Ấn độ vào khoảng năm 749 do Đại sư Ấn độ là Padmasambhava (Liên Hoa Sinh). Mật giáo dung hợp với tôn giáo cổ truyền của Tây Tạng là tôn giáo “Bon” thành một tông phái Mật giáo riêng biệt cho người Tây Tạng, tức là Lạt-Ma giáo. Đây là một tôn giáo chuyên cầu đảo, sùng bái thần linh, quỷ thần và bói toán.

Triều đình nhà Nguyên rất tôn kính các tăng sĩ Tây Tạng của Mật giáo, nên ra lệnh sẽ trừng phạt nặng nề đối với ai xúc phạm đến tăng lữ Tây Tạng của Lạt-Ma giáo.Bởi thế nên các tăng Lạt-Ma giáo luôn tổ chức lể bái cầu đảo, phí phạm công quỷ nhà nước. Nhiều tăng Tây Tạng cưới vợ và sống xa hoa, trong khi đó dân người Hán thì nghèo đói và bị đàn áp, bị cướp bóc tài sản. Do đó, người Hán rất oán hận triều đình nhà Nguyên, nhiều nhóm kháng chiến nổi lên với khẩu hiệu Phản Mông Hưng Hán. Cuối cùng Chu Nguyên Chương, một người người Hán, đã cùng với dân tộc Hán nổi lên diệt được nhà Nguyên, thành lập nhà Minh: Chu Nguyên Chương làm vua Thái Tổ nhà Minh.

Đại Tạng Kinh Của Tây Tạng đã được phiên dịch ra chữ Hán dưới thời nhà Nguyên.

 

*11.-Thời nhà Minh (1368 – 1661):

Chu Nguyên Chương (1328 – 1398) khởi nghĩa diệt được nhà Nguyên năm 1368, rồi tự lên ngôi Hoàng Đế, lấy Quốc hiệu là Minh, đóng đô ở Kim Lăng. Đến đời vua thứ 3 thì dời đô về Bắc Kinh, đổi tên từ Yên Kinh, rồi đổi tên Kim Lăng thành Nam Kinh.
Chu Nguyên Chương nguyên là một tăng sĩ, xuất thân từ cửa chùa, đã bỏ áo cà sa để khoác áo chiến bào đánh đuổi quân Nguyên, nên hết lòng bảo hộ Phật giáo. Phật giáo phát triển rất mạnh vào thời Minh. Lạt-ma giáo thì suy vi từ khi nhà Nguyên bị tiêu diệt, chỉ còn tồn tại ở Mông cổ.

Vua cuối cùng của nhà Minh là vua Vĩnh Lịch đã bị Ngô Tam Quế, một Tướng lãnh của nhà Minh đã theo hàng nhà Thanh, bắt vua đang trốn ở Miến điện đưa về Vân Nam rồi giết chết vua vào năm 1662 và tiếp tục diệt hoàng thất nhà Minh còn chống cự ở vùng Giang Nam.
Nhà Minh trị vì được 293 năm, trải qua 21 đời vua.

Đến đời Minh thì kỹ thuật ấn loát phát triển mạnh. Đã có 4 lần in Đại Tạng Kinh gồm có :- Nam Tạng Bản, -Bắc Tạng Bản, - Võ Lâm Bản, -Vạn Lịch Bản.

Có nhiều cuốn sách ghi chép các tình trạng của Phật giáo ra đời, đây là các sử liệu rất có giá trị như:

-“Đại Minh Cao Tăng Truyện” do Ngài Như Tỉnh soạn vào năm 1617.
-“Thích Giám Kê Cổ Lược Tục Lập” do Ngài Huyển Luận soạn: ghi tình trạng Phật giáo từ thời vua Thế Tổ  nhà Nguyên đến năm Thiên Khải thứ 7 đời nhà Minh, đây là một giai đoạn dài 360 năm.

*12.-Thời nhà Thanh (1662 – 1911):

Sau khi nhà Kim của dân tộc du mục Nữ Chân bị liên quân Mông cổ và Nam Tống tiêu diệt thì dân tộc Mãn Châu sống lệ thuộc vào nhà Nguyên rồi tới nhà Minh. Đến đời vua Thần Tôn của nhà Minh thì trong dân tộc Nữ Chân có Nỗ-nhĩ-cáp-Xích liên kết và thống nhất được các bộ lạc Mãn Châu, rồi tự xưng vua, lấy Quốc hiệu là Hậu Kim, đó là vua Thái Tổ nhà Thanh. Đến đời vua thứ hai là Thái Tôn, vua đổi Quốc hiệu là Đại Thanh. Vào năm 1636, Đại Thanh bắt đầu đem quân tiến đánh nhà Minh.

Năm 1662, với sự giúp đỡ của những người phản loạn nhà Minh như tướng Ngô Tam Quế, người Mãn diệt được nhà Minh và lập nên nhà Thanh, trị vì được khoảng 300 năm, nhà Thanh còn thống trị cả Đài Loan, Mông Cổ, Tây Tạng và Tân Cương cho tới cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911.

Nhà Thanh hết lòng bảo hộ Lạt-Ma giáo với mục đích là để dễ thực hiện chính sách cai trị ở Mông cổ và Tây Tạng, bởi vì Mông cổ và Tây Tạng đều theo tín ngưỡng này.

Thanh triều cũng muốn lấy lòng người Hán nên cũng bảo hộ Phật giáo và  tư tưởng văn hoá cổ truyền của người Hán. Họ rất tôn sùng đạo Phật, Từ Hi Thái Hậu được kính cẩn gọi là “Lão Phật gia”.

Đã có nhiều biến cố xãy ra rất bất lợi cho các vua cuối đời Thanh:
-Chiến tranh Nha phiến hay cuộc chiến giữa Anh quốc và Trung Hoa: chính phủ Anh đòi quyền tự do buôn bán nha phiến đem từ Ấn độ, thuộc địa của Anh, đến Trung Hoa. Nhưng triều Mãn Thanh đã có lệnh cấm nha phiến. Do đó chiến tranh bùng nổ 2 lần:- lần thứ nhất (1840 – 1842):giữa đế quốc Anh và triều Thanh; - lần thứ hai (1856 – 1860):lần này Anh được sự giúp sức của Pháp, Nga và Hoa Kỳ.
- Triều Thanh nhân nhượng người Tây phương qua hai Hoà ước Thiên Tân (1858), và Bắc Kinh (1860).
Từ đó nhiều tổ chức, nhiều cuộc khởi nghĩa, nhiều nhóm cách mạng nổi lên chống nhà Thanh ở khắp nơi với chánh nghĩa “Phản Thanh Phục Minh”: Thái Bình Thiên Quốc (1850 – 1864), rồi Nghĩa Hoà Đoàn (1899 – 1901) và cuối cùng Cách Mạng Tân Hợi đã tiêu diệt nhà Mãn Thanh.

-Hồng Tú Toàn (洪秀全 , 1812 - 1864)   sáng lập ra đạo "Bái Thượng đế", và làm Giáo chủ của Thượng đế giáo,  để tập hợp người dân chống lại chính quyền nhà Thanh. Năm 1844, Hồng Tú Toàn đi truyền đạo. Đến năm 1850, ông phát động cuộc khởi nghĩa vùng núi tỉnh Quảng Tây. Sau khi giành được một số thắng lợi,  thành lập Thái Bình Thiên Quốc, tự xưng là Thiên Vương. Thế lực của quân Hồng Tú Toàn rất mạnh, chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm họ đã chiếm được hết hơn 16 tỉnh ở miền Nam Trung Hoa, đóng đô ở Nam Kinh, đổi tên lại là Yên Kinh. Hồng Tú Toàn được sự yểm trợ của các nước Tây phương. Ông chủ trương thần, Phật là yêu quỉ, đập phá các tượng Phật, chùa miếu, đốt sạch kinh sách Phật giáo, và chủ trương Tứ Thư, Ngũ Kinh là yêu thư, ai đọc thì bị chém đầu. Phật giáo Trung Hoa gặp thêm một lần Pháp nạn nữa. Sau khi các nước Tây phương ký Hoà ước Thiên Tân năm 1858, và Hoà ước Bắc Kinh năm 1860 với nhà Thanh thì họ thấy không có lợi cho họ nếu còn tiếp tục yểm trợ Hồng Tú Toàn, họ chuyển trục, họ quay lại yểm trợ nhà Thanh để dẹp tan loạn Thái Bình Thiên Quốc (1850 – 1864, trị vì được 15 năm ) vào năm 1864.

Sau khi quân Hồng Tú Toàn tan rã, cư sĩ Dương Nhân Sơn đã hết lòng vận động phục hồi và chấn hưng Phật giáo. Ngài Dương Nhân Sơn lập ra “Kim Lăng Khắc Kinh Xứ” làm nơi ấn loát, phát hành kinh điển Phật giáo. Rất nhiều kinh điển Phật giáo bị thất lạc, bị đốt nên Ngài Dương Nhân Sơn phải thỉnh các kinh điển Phật giáo ở Nhật Bản và Đại Hàn. Các kinh điển này cũng được in lại và phổ biến khắp nơi, nên Phật giáo lần lần được phục hồi, và có cơ hội phục hưng. Cư sĩ Dương Nhân Sơn đã tận tuỵ suốt đời trong công việc ấn hành kinh sách Phật giáo để truyền bá khắp nước Trung Hoa: công đức thật vô lượng.

-Tôn Văn (孫文,1866 - 1925) đã đứng lên lãnh đạo cuộc các mạng lật đổ nhà Thanh. Cuộc cách mạng thành công, Cộng Hòa Dân Quốc được thành lập vào ngày 10 tháng 10 năm 1911. Tôn Văn nhậm chức Đại Tổng Thống lâm thời. Năm 1870, Tôn Mỹ, anh của Tôn Văn, đã theo nhóm người Quảng Đông di cư sang Hawai để vào làm đồn điền mía. Chỉ vài năm sau, Tôn Mỹ dành dụm tiền đủ để mở tiệm tạp hoá Tàu nhỏ. Năm 1878, Tôn Mỹ về Trung Hoa cưới vợ Tàu, rồi khi trở về Mỹ  ông dẩn theo em mình là Tôn Văn để nuôi ăn học ở Mỹ. Tôn Văn theo học Y Khoa ở Mỹ, nhưng vì lo tham gia hoạt động cách mạng, ông không có nhiều thời giờ để học. Tôn Mỹ liền gởi em về tiếp tục học Y Khoa ở Hong Kong rồi ở Quảng Châu, Tôn Văn tốt nghiệp Y khoa tại Quảng Châu năm 1892. B.S Tôn Văn lấy tên mới là Tôn Dật Tiên ( 逸 仙), theo đạo Tin Lành, ông vừa hành nghề Y sĩ  tại Quảng Châu,vừa hoạt động cách mạng chống lại nhà Mãn Thanh. Nhà Mãn Thanh kết thúc, vua cuối cùng là Phổ Nghi đã thoái vị vào đầu năm 1912. Nhà Thanh trị vì được gần 300 năm , gồm có 12 đời vua.

 

*Việc xuất bản Đại Tạng Kinh dưới đời nhà Thanh:

              1.-Tục Tạng Kinh ( , Supplement to Tripitaka) là phần bổ sung được tiếp tục khắc thêm vào bộ Vạn Lịch Bản/ Đại Tạng Kinh ở đời nhà Minh.
Rồi sau đó lại tiếp tục khắc thêm một “Tục Tạng Kinh” để bổ túc thêm vào Tục Tạng Kinh vừa khắc; bản kinh này được gọi là “Tục Minh Tục Tạng”.

              2.-Long Tạng Bản: là bản khắc được lấy từ bộ “Bắc Tạng Bản” dưới đời Minh.

             3.-Mãn Châu Văn Đại Tạng Kinh: là Đại Tạng Kinh được dịch ra tiếng Mãn Châu ( 满  州, Manzu, tiếng Mãn: Manju). Năm 1773, vua Càn Long ban sắc lệnh dịch Đại Tạng Kinh
sang chữ Mãn Châu là chữ gốc của sắc tộc mình, tới năm 1790 thì Đại Tạng Kinh tiếng Mãn Châu được hoàn thành sau 18 năm dịch thuật.

             4.- Tần Già Bản là bản khắc lại bộ Súc loát Tục Tạng của Nhật bản, khởi công khắc vào năm 1911.

 

13.-Thời Trung Hoa Dân Quốc (1911 – 1949):

Như đã trình bày, sau khi Cách Mạng Tân Hợi thành công ngày 10 tháng 10 năm 1911. BS Tôn Dật Tiên làm Đại Tổng Thống lâm thời. Rồi ông nhường chức Tổng Thống cho Tể Tướng Viên Thế Khải.
Tôn Dật Tiên qua đời ngày 12 tháng 3 năm 1925, người kế vị lãnh đạo Quốc Dân Đảng với nhiều quyền lực là Tưởng Giới Thạch, cũng là một tín đồ Cơ đốc giáo. Sau này Tưởng Giới Thạch tự phong là Thống chế, rồi làm Tổng Thống Trung Hoa. Cục diện nước Trung Hoa đã biến chuyển theo sự chuyển biến của Đại chiến thế giới lần thứ hai. Tháng 01 năm 1949, Tưởng Giới Thạch bị buộc từ chức Tổng Thống, và giao quyền lại cho Lý Nhân Tông. Sau đó Tưởng Giới Thạch và binh lính của ông đã chạy sang Đài Loan. Trung Hoa lục địa rơi vào tay Cộng Sản dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, ngày 01 tháng 10 năm 1949 “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa” được thành lập.

Dưới thời Trung Hoa Dân Quốc, Phật giáo không còn được chính quyền bảo hộ như trước. Nhà cầm quyền còn sung công nhiều chùa chiền để biến thành trường học hoặc làm nơi đồn trú cho binh lính. Tuy nhiên, vào năm 1924, đã có nhiều Đại sư như Thái Hư …, nhiều cư sĩ nổi tiếng như Vương Nhất Đỉnh, Tưởng Duy Kiều, Lương Khải Siêu …và Phật tử đã tự nguyện phát động phong trào phục hưng Phật giáo.

Sự nghiệp xuất bản và phát hành Đại Tạng Kinh rất đáng lưu ý:

-Ở Trung Hoa:
-Năm 1920, Phật giáo đã hoàn thành việc in bộ Tần Già Tạng, đã được biên soạn vào đời Thanh. Thương vụ ấn thư quán đã in lại bộ Tục Tạng Kinh của Nhật Bản.
-Năm 1934, Đại sư Phạm Thành đã sưu tập các kinh sách, sớ… đã bị thất lạc vào đời Tống để in thành bộ Tống Tạng Di Trân.
-Năm 1944, với sự chủ trì của cư sĩ Tưởng Duy Kiều ở chùa Pháp Tạng tại Thượng Hải đã in bộ Dân Quốc Tăng Tu Đại Tạng Kinh.

-Ở Đài Loan:
-Năm 1956, Hội Tu-đính Trung Hoa Đại Tạng Kinh ở Đài Loan đã khởi sự biên tập bộ Trung Hoa Đại Tạng Kinh, gồm có 4 phần: Tuyển Tạng, Tục Tạng, Dịch Tạng và Tổng Mục Lục:
          - Tuyển Tạng (phần chính) : gồm nội dung của tất cả các bộ Đại Tạng đã có.
          -Tục Tạng: phần bổ sung, gom góp tất cả các kinh sách chưa được đem vào các Đại Tạng trước.
          -Dịch Tạng: sưu tập, gom góp tất cả các kinh sách Phật giáo đã được dịch ra các ngôn ngữ Tây phương ở trong nước hoặc ở ngoại quốc.
          -Tổng Mục Lục
-Năm 1977, Sư Quảng Định đã bắt đầu phát tâm biên soạn, sưu tập và in bộ Phật Giáo Đại Tạng Kinh ở đài Bắc, đến năm 1983 thì hoàn thành. Bộ này gồm có 2 phần: Chánh TạngTục Tạng.
- Cùng năm 1977, Sư Tinh Vân, thuộc Hội Phật Giáo Phật Quang Sơn ở Đài Oan, đã khởi công sưu tập và ấn hành bộ “Phật Quang đại Tạng Kinh”, đến năm 1987 thì hoàn thành.

 

IV.- Kết Luận:

Để kết luận chúng tôi xin nêu ra một số nhận định sau đây:

                         1.-Công việc phiên dịch Tam Tạng giáo điển từ tiếng Phạn (vào đời Nguyên, có Đại Tạng Kinh Tây Tạng) ra chữ Hán ở Trung Hoa đã được hầu hết các triều đình bảo trợ. Từ thời Ngô Tôn Quyền thuộc đời Tam Quốc cho tới cuối đời Thanh, triều đình thường cho xây dựng một cơ sở rộng lớn dùng để làm nơi phiên dịch. Các triều đình đều cử vị cao tăng ưu tú thông thạo Tam Tạng giáo điển, thông thạo tiếng Phạn lẫn tiếng Hán làm chủ tịch Hội đồng phiên dịch. Hội đồng này gồm nhiều vị cao tăng đã đạt tăng vị cao trong hàng tăng quan cùng với nhiều vị quan văn ưu tú ở trong triều đình. Bởi thế nên, Đại Tạng Kinh đã được dịch ra chữ Hán một cách hoàn chỉnh trong một hoàn cảnh hết sức thuận lợi. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc phiên dịch Tam Tạng giáo điển từ tiếng Hán ra chữ Quốc ngữ không được triều đình hay chính quyền hổ trợ; các vị cao tăng, cư sĩ và Phật tử phải tự nguyện làm việc phiên dịch rồi khi đã hoàn thành một bộ kinh thì nhờ sự cúng dường tài lực của tín đồ để in và phát hành; do đó, công việc phiên dịch này vẫn còn tiếp tục cho tới bây giờ, đầu thế kỷ 21.

                       2.-Việc phiên dịch kinh điển Phật giáo ra chữ Hán đã làm giàu thêm rất nhiều thành ngữ và từ ngữ  mới cho tiếng Hán cổ, theo ước tính của một nhà ngôn ngữ Tàu thì Phật giáo đã đem đến 35.000 tiếng mới cho tiếng Hán cổ. Peter Hu, Associate Professor of English at the University of Jiangsu, China, đã viết:
It is this openness that continually enriches the language. Chinese also likes to borrow from other languages. Old Chinese borrowed 35,000 words from Buddhism, and Modern Chinese has absorbed countless words from Western civilizations.”
(Nguồn internet: Peter Hu, Adapting English into Chinese.
http://journals.cambridge.org/action/displayAbstract?fromPage=online&aid=212409
(Đó là sự cởi mở mà nó liên tục làm phong phú thêm cho các ngôn ngữ. Tiếng Tàu cũng muốn mượn từ những ngoại ngữ khác. Tiếng Tàu cổ đã mượn 35.000 tiếng từ (thuật ngữ) Phật giáo, và Hoa ngữ hiện đại đã hấp thu vô số kể các tiếng từ các nền văn minh Tây phương.)

                    3.-Trong lịch sử Trung Hoa, có rất nhiều vị vua rất mộ đạo Phật, ngay cả Vua Tắc Thiên Võ Hậu cũng rất sùng kính và hết lòng hổ trợ Mật giáo. Nhờ vậy Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi ở Trung Hoa.

                                 3.a.-Phật giáo đã chinh phục được giới trí thức Trung Hoa trên bình diện tư tưởng, và chinh phục được đại chúng trên bình diện tín ngưỡng:

                                           -Các nhà Nho, các Đạo gia đã trở thành các nhà nghiên cứu Phật học, họ đã đem những kiến giải của đạo Phật vào các luận giải trong phái tân Nho học. Trong văn học thì có nhiều bài thơ chứa đựng nhiều thiền vị như thơ thiền đời Đường, thơ thiền đời Tống chứa đựng những triết lý về cuộc đời và người đời, về thân phận của kiếp người của Phật giáo. Ngay cả các tiểu thuyết kiếm hiệp hiện đại của Kim Dung cũng chứ đựng những triết lý cao siêu của Phật giáo.

                                          -Trong đại chúng, những quan niệm về  nhân quả báo ứng, sinh tử luân hồi, hình ảnh đại từ đại bi của Đức Quán Thế Âm, của Phật A-di-đà, những khi thất bại hay gặp trở ngại trong cuộc đời họ đều nương tựa vào triết lý của đạo Phật.  

                                          -Trong quan hệ Nam Nữ, Phật giáo đã ảnh hưởng rất sâu đậm trong xã hội Trung Hoa ngày xưa với quan niệm Nam Nữ bình đẳng: Khổng giáo phân biệt Nam Nữ: “Nam Nữ hữu biệt”  (男 女    , Nam Nữ phải có sự phân biệt), thậm chí thư phòng của nhà Nho thì phụ nữ cũng không được bước vào. Khổng giáo quan niệm “Nam Nữ thọ thọ bất thân” (男女受受不 , Trai gái tránh đụng chạm (da thịt) vì dể sanh hoạ) nên buộc người phụ nữ phải cấm cung không được tiếp xúc với phái Nam, không được xuất hiện trước công chúng. Phật giáo đã giải phóng địa vị xã hội của người phụ nữ với quan niệm Nam Nữ bình đẳng . Phật giáo đã phá vở bức màn ngăn cách việc phụ nữ tiếp xúc với  Nam gìới. Nói khác đi, Phật giáo đã thay đổi trật tự xã hội của Nho giáo: đã thay đổi quan niệm về giới tính của Nho giáo. Lâm Ngữ Đường, nhà đại văn hào Trung Hoa cận đại, vào khoảng 1934 đã viết :
Giới hoà thượng Trung Hoa có nhiều cơ hội hơn các giới khác được thấy các bà, các cô sang trọng, diễm lệ. Trong khi tụng kinh, làm lễ, hoặc ở tư gia, hoặc ở chùa, ngày nào họ cũng tiếp xúc với phụ nữ, mà phụ nữ bình thời phải sống gần như cách biệt với xã hội. Khổng giáo chủ trương “nam nữ hữu biệt”, “nam nữ thụ thụ bất thân”, buộc phụ nữ phải cấm cung, và họ chỉ có mỗi một lí do chính đáng để xuất hiện giữa công chúng là lại chùa lễ Phật. Ngày sóc và ngày vọng mỗi tháng, chùa là nơi hội họp của tất cả các “người đẹp” trong miền, có chồng hoặc chưa chồng, bà nào cô nào cũng trang điểm lộng lẫy. Nếu có một vị hoà thượng ăn lén thịt heo thì ta cũng có thể nghi ông ta làm lén những trò khác nữa.”
[Lâm Ngữ Đường(Lin Yutang, 1895 – 1976), Nhân sinh quan và Thơ văn Trung Hoa, New York, 1934. Bản lược dịch của Nguyễn Hiến Lê, Saigon: Ca dao, 1970, tr.72 – 73]

                             3.b.-Kiến trúc chùa chiền và tháp Phật đã giúp cho kiến trúc Trung Hoa trở nên phong phú thêm: nhiều nghệ nhân ở Tây vực đã đến Trung Hoa để tạc tượng Phật, để khắc các bức tranh trong hang động. Cách kiến trúc này ít tốn kém nhân lực, vật lực và tài lực. Những bức tượng, bức ảnh điêu khắc trên vách đá có một nghệ thuật cao, nó đã giúp cho sự phát triển nghệ thuật điêu khắc ở Trung Hoa. Kiến trúc chùa chiền và tháp Phật là loại kiến trúc  quan trọng ở Trung Hoa, chỉ đứng sau kiến trúc các cung điện.

                               3.c.-Khổng miếu là nơi thờ Đức Khổng Tử (孔子 , 551 tr. C - 479 tr CN, Ngài là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục ), được vua nước Lổ cho xây lần đầu tiên ở Trung Hoa tại thành phố Khúc Phụ (quê quán của Khổng tử), tỉnh Sơn Đông, Trung Hoa vào năm  479 trước CN để mỗi năm tới ngày giỗ của Ngài thì các nhà Nho đến thờ cúng. Khoảng 500 năm sau thì Hán Minh Đế cho xây ngôi chùa đầu tiên ở Trung Hoa là chùa Bạch Mã, ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Hoa. Ngày nay số lượng chùa chiền Phật giáo ở Trung Hoa thì nhiều hơn Khổng miếu vô số kể. Như vậy, đạo Phật đã phát triển rất nhanh chóng ở Trung Hoa.

                          3.d.-Bắt đầu năm 1978, Trung Hoa bước vào cuộc cải cách kinh tế và mở cửa thì Phật giáo Trung Hoa cũng đã bị tác động của nền kinh tế thị trường. Nhiều chùa chiền đã trở thành cơ sở kinh doanh: các chùa chiền cổ xưa hầu hết được xây trên các núi đồi hùng vĩ, có phong cảnh tỉnh lặng, đẹp đẻ, thoát tục, có kiến trúc đồ sộ độc đáo nên đã thu hút nhiều khách du lịch. Nhiều chùa đã bán vé vô cửa, và cũng cung cấp nhiều dịch vụ như phòng trà (tea room), nhà hàng … cho khách du lịch, và đã thu vào một nguồn tiền bạc dồi dào. Do đó nên chùa chiền không còn là nơi yên tỉnh, trang nghiêm nữa mà chùa chiền đã trở nên náo nhiệt với sự lai vãng đông đảo của khách du lịch. Các Tăng Ni ngày xưa có nếp sống thanh bần, đạm bạc, có tâm hồn cao cả vô vụ lợi thì ngày nay các Tăng Ni  chạy theo đồng tiền, phải lo kiếm lợi trong việc kinh doanh. Nhiều nhà sư đã có đời sống thế tục: họ cũng tạo xe hơi đắc tiền, điện thoại di động … Nhiều tín đồ làm việc ở chùa cũng lãnh lương bổng nhờ sự kinh doanh của chùa.
Phật giáo Trung Hoa đang bị thế tục hoá, Tăng Ni Trung Hoa đang bị tha hoá. Nhiều tăng Ni đã dành rất nhiều thì giờ vào việc khai thác kinh doanh để kiếm tiền, và dành rất ít thì giờ để tu học.

Trước tình trạng suy thoái của Phật giáo Trung Hoa, các bậc cao tăng, các cư sĩ và Phật tử Trung Hoa tu hành chân chính cần phải chấn hưng đạo Phật một lần nữa.

Một thí dụ về việc kinh doanh rất thành công của Thiếu Lâm Tự ( theo nguồn: internet , đăng vào ngày 16 tháng 11, 2014): Thiếu Lâm Tự là một ngôi chùa đã được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 5 sau CN tại núi Tung Sơn ở thành phố Trinh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Hoa. Đây là một ngôi chùa có tiếng từ thời xa xưa. Trong vòng 10 năm (2004 - 2014),  Thiếu Lâm Tự đã đi vào con đường kinh doanh rất phát đạt: vé vào cửa mỗi năm lên tới 20 triệu US dollars. Ngoài ra còn có các khoản thu nhập khác: kinh doanh dược phẩm, lập công ty điện ảnh, biểu diển võ Thiếu Lâm, lập  trung tâm võ Thiếu Lâm ở ngoại quốc ... Thẳng thắng mà nói vị sư trụ trì của Thiếu Lâm Tự ngoài việc thâm hậu về võ nghệ, sư còn rất giỏi về điều hành kinh doanh theo nền kinh tế thị trường. Nhưng có nhiều nhà phê bình cho rằng chùa chiền là nơi tu hành, nơi tĩnh tọa của chư Tăng, nhưng nay sư trụ trì Thích V. T. lại biến Thiếu Lâm Tự thành một cơ sở kinh doanh. Do đó, các bình giả không khỏi không hoài nghi về "tính tu hành chân chánh" của các sư trong Thiếu Lâm Tự và các người "ăn theo" cơ sở kinh doanh này.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, sự nghiệp phiên dịch kinh điển Phật giáo ra chữ Hán đã giúp cho việc du nhập tư tưởng triết học Phật giáo được dễ dàng, được phổ cập trong hàng trí thức Nho giáo, Đạo giáo, tư tưởng Phật giáo đã ảnh hưởng đến các trường phái triết học Trung Hoa, các môn phái tôn giáo khác; và tín ngưỡng Phật giáo đã ảnh hưởng sâu đậm vào đời sống của đại chúng. Công sức này là do sự làm việc vô cùng tận tuỵ và hy sinh cả đời người của các Đại sư Trung Hoa trải qua khoảng 1.900 năm, chúng tôi tin tưởng rằng rồi đây Phật giáo Trung Hoa sẽ được chấn hưng tốt đẹp trên bình diện tôn giáo.

 

                                                          

Toronto, ngày 16 tháng 3 năm 2016

Nguyễn Vĩnh Thượng
Cựu học sinh trường Trung học Petrus Ký Saigon (1956-1963).                                                                                                                     Cựu sinh viên Viện Cao Đẳng Phật Học Saigon (1964) và
Viện Đại Học Vạn Hạnh Saigon (1964-1967).
Cựu sinh viên trường Đại Học Văn Khoa Saigon (1965-1969). 
Cựu  Giáo sư Triết học (1969-1975) tại các trường Petrus Ký, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn An Ninh, Cần Đước và trường Sư Phạm Saigon.
Cựu Social Services Worker/Social Assistance Case Worker (Viên chức xã hội phụ trách trợ cấp phúc lợi xã hội) tại Region of  Peel, Ontario, Canada (1992-2014), về hưu cuối năm 2014.

 

Tài liệu tham khảo chính yếu

 

-Fung Yu-Lan, A History of Chinese Philosophy, Volume I & II; translated  by Derk Bodde  with introduction, notes, bibliography & index. First Princeton Paperback printing,1983, published by Princeton University Press, USA.[The first Volume (Vol. I) of  Fung Yu-Lan's history was published in Chinese in 1931 by the Shen Chou Publishing Co., Shanghai.The Chinese edition of  Vol. II was published by the Commercial Press, Shanghai. Second Edition in English, 1952... Seventh Printing, 1973].

-Hạnh Cơ, Sơ lược quá trình phiên dịch, soạn thuật và hình thành Đại Tạng Kinh Hán văn trong quyển Tuyển Tập II, Calgary: Hoàng Hậu Thái Châu, 2014, từ tr. 819 đến tr.930.
-Herrlee G. Creel, Chinese thought: from Confucius to Mao Tse Tung, Chicago: University of Chicago Press, 1953.

-Kogen Mizuno, Buddhist Sutras: Origin, Development, Transmission. Translated by Morio Takanashi & others, adapted by Rebecca M. Davis. Tokyo: Kosei Publishing Co. First English edition, 1982. Sixth printing, 1995.

-Phan Khoang, Trung Quốc Sử Cương, Cholon: nhà in Hồng Phát, 1958. in lại: NXB Đại Nam, Glendale, CA, USA, 1984.

-Nguyễn Đăng Thục, Triết học Trung Hoa, tập I & II trong bộ Lịch sử triết học Đông phương, Saigon: nhà in Trường Sơn, 1963. in lại : NXB Xuân Thu, Los Alamitos, CA, USA, 1990.

-Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Trung quốc, Saigon: Vạn Hạnh, 1965.

-Thích Thiên Ân, Zen Philosophy, Zen Practice, Berkerley, CA, USA: Dharma Publishing & College of Oriental Studies, 1975.
-Thích Thiên Ân, Triết học Zen, tập I & II, Saigon: Đông Phương, 1963.

-Thích Thiện Hoa, Mười tôn phái Phật giáo ở Trung Hoa, từ tr. 85 đến tr.252, trong Phật Học Phổ Thông khoá thứ năm, Cholon: Ban Hoằng Pháp, 1964. in lại: Phật học Viện Quốc Tế, Sepulveda, CA,USA, 1987.

 

 Weihe Zhong, An Overview of Translation in China:Practice and Theory, Guangdong: Translation Journal, 2014. Nguồn:
http://translationjournal.net/journal/24china.htm

 

-Wikipedia, Chinese translation theory. Nguồn:   https://en.wikipedia.org/wiki/Chinese_translation_theory

-Wikipedia,  Silk road. Nguồn:  https://en.wikipedia.org/wiki/Silk_Road

-Wikipedia, History of China. Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_China

 

                                 Phụ Lục

 

               Đại Tạng Kinh ở Triều Tiên & ở Nhật Bản

 

 

I.-Đại Tạng Kinh ở Triều Tiên/Cao Ly:

 

Triều Tiên (朝鮮)là một bán đảo nằm nhô ra biển ở Đông Á, có đường biên giới nằm trong đất liền ở phía Tây giáp với Trung Hoa; phía Đông, Nam và Tây bao bọc bởi biển : -Đông là biển Nhật Bản, -Nam là biển Nam Hải, - Tây là biển Hoàng Hải.

Triều Tiên gồm 3 nước cổ xưa là Cao Cú Lệ (高句麗 , Kokuri), Bách Tế (百濟,Kudara) và Tân La ( 新羅,Shiragi).

Lịch sử nước Triều Tiên đã trãi qua các thời kỳ như sau:

-Triều đại Cao Ly (918 – 1392)

-Triều đại Triều Tiên (1392 – 1897)

-Đế quốc Đại Hàn (1897 – 1910)

-Nhật Bản thôn tính Đại Hàn từ 1910 đến sau Đệ nhị thế chiến 1945, Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, nên Triều Tiên thuộc về phe chiến thắng trong kỳ Đệ nhị thế chiến: Triều Tiên bị chia đôi với ranh giới là vĩ tuyến 38. Liên Hiệp Quốc giao Hoa Kỳ miền Nam Đại Hàn, giao Liên Xô miền Bắc Đại Hàn. Miền Bắc là CHDCND Triều Tiên theo chế độ Cộng sản, miền Nam là Đại Hàn Dân Quốc/ Korea ( gốc từ chữ Cao Ly) theo Chủ nghĩa tư bản. Sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Nam Hàn thì Bắc Hàn tấn công Nam Hàn vào  tháng 6 năm 1950. Trung cộng yểm trợ Bắc Hàn, Hoa Kỳ yểm trợ Nam Hàn. Chiến tranh Nam - Bắc kéo dài được 3 năm, đến năm 1953 thì Hiệp định đình chiến ra đời, biên giới Nam -Bắc vẫn tương với vĩ tuyến 38.

 

1.-Phật giáo ở Cao Cú Lệ :

Cao Cú Lệ nằm ở phía Bắc của bán đảo Triều Tiên, được lập quốc vào thế kỷ thứ 1. Năm 668, nước Tân La xâm chiếm nước này. Bây giờ là phần đất của Bắc Hàn.

 Năm 372, vua Phù Kiên, đời Đông Tấn (Tsin) sai Ngài Thuận Đạo đem kinh và tượng Phật sang cho vua tiểu quốc Cao Cú Lệ là Tiểu Thú Lâm. Trong đó có tượng Bồ tát Di Lặc. Từ đó Phật giáo được phát triển, nhiều chùa chiền được xây dựng. Triều đình thì hổ trợ Phật giáo, dân chúng thì rất nhiều người tin Phật.

 

2.Phật giáo ở Bách Tế:

Nước Bách Tế nằm ở phía Tây-Nam của bán đảo Triều Tiên, được thành lập vào khoảng giữa thế kỷ thứ 4 sau CN. Năm 660, Bách Tế bị liên quân nhà Đường của Trung quốc và Cao Cú Lệ tiêu diệt. Nay là phần đất của Nam Hàn.

Năm 384, vị sư Ma-La-Nan-Đà từ Đông Tấn đem đạo Phật truyền bá sang Bách Tế. Vua Bách Tế là Á Tân Vương dạy dân hãy tin Phật. Nho giáo và Lão giáo cũng được truyền vào Bách Tế.

Năm 541, vua Thánh Vương sai sứ sang nhà Lương của Trung Hoa thỉnh kinh thi của Nho giáo, nhiều kinh Phật như kinh Niết Bàn và các nghệ nhân giỏi v. v…

Nước Bách Tế theo tín ngưỡng Đức Phật Di Lặc. Vua ban hành sắc lệnh cấm sát sanh, thả tất cả gà vịt nuôi trong nhà, huỷ bỏ tất cả các dụng cụ săn thú và bắt cá; điều này chứng tỏ Phật giáo Bách Tế đã theo con đường tôn trọng giới luật của đạo Phật một cách triệt để.

 

Năm 552, triều đình nước Bách Tế tặng cho Thiên Hoàng Khâm Minh (Kinmei) một tượng Phật Thích-ca bằng đồng, Phật giáo đã chính thức truyền vào Nhật Bản. Trong thật tế Phật giáo đã truyền vào dân chúng Nhật Bản từ Triều Tiên trước đó nhiều năm.

 

3.-Phật giáo ở Tân La:

Nước Tân La nằm ở phía Đông-Nam của bán đảo Triều Tiên, thuộc phần đất Nam Hàn ngày nay. Nước này được thành lập vào năm 356.

 

Năm 668, Tân La thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nước Triều Tiên, tiếp theo đó là đánh đuổi được quân xâm lăng nhà Đường của Trung Hoa, thâu hồi độc lập.

 

Năm 935, Vương Triều Cao Lệ chiến thắng và tiêu diệt nước Tân La, lập nên nước Cao Ly.

Nước Cao Ly/Triều Tiên được hoà bình, nhân dân sống sung túc, văn hoá phát triển, các tôn giáo Nho, Lão và Phật cùng nhau phát triển. Vào lúc đó trong giới Phật giáo có phong trào “Nhập Đường Cầu Pháp” của các tăng sĩ , tức là tăng sĩ muốn đi qua triều đại nhà Đường ở bên Tàu để cầu học Phật Pháp, nhờ vậy mà Phật giáo Triều Tiên trở nên hưng thịnh.

Vua Thái Tổ Cao Ly hết lòng bảo hộ Phật giáo, vua quy y Tam Bảo, vua ban chức “Vương ” hoặc “Quốc sư” cho cao tăng. Theo lịch sử Phật giáo Cao Ly thì chức Vương sư hoặc Quốc sư có điạ vị trong chế độ tăng quan còn cao hơn cả chức “Đại Thiền Sư” và chức “Tăng Thống”.

 

Năm 1011, vua Hiển Tông nước Cao Ly cho khởi công khắc ván bộ “Sơ Điêu Bản” căn cứ vào bộ “Thục Bản” của nhà Tống: đó là “Sơ Điêu Bản Cao Ly Tạng Bản”.

 

Năm 1085, dưới đời vua Tuyên Tông, có Ngài Tăng Thống Nghĩa Thiên đi qua nhà Tống cầu Pháp. Năm 1090, Nghĩa Thiên về nước, đã đem theo rất nhiều chương sớ, kinh điển của các tông phái Phật giáo. Ngài biên soạn thành bộ “Tân Biên Chư Tôn Giáo Tạng Tổng Mục” rồi đem khắc bản in, tiếp tục thêm vô bộ Sơ Điêu Bản, gọi là “Cao Ly Tục Tạng Bản”.

 

Năm 1232, nước Cao Ly bị quân Mông Cổ xâm lăng. Họ thiêu đốt cả hai bộ “Đại Tạng Kinh” là “Cao Ly Tạng Bản” và “Cao Ly Tục Tạng Bản”.

 

Năm 1236, vua Cao Tông ban sắc lệnh khắc và in lại một bộ Đại Tạng Kinh mới gọi là “Tái Điêu Bản”.Bộ kinh Tái Điêu Bản đã được soạn lại và đã căn cứ, tổng hợp lại các bộ Thục Bản, Khế Đan Đại Tạng Kinh và các phần còn lại của Sơ Điêu Bản. Tái Điêu Bản được ghi chú kỹ lưỡng, nên rất có giá trị cho việc nghiên cứu Phật học. Bộ này còn được gọi là “Cao Ly Đại Tạng Kinh” được lưu trữ ở chùa Hải Ấn tại Nam Triều Tiên cho đến ngày nay.

Hai bộ “Súc Loát Đại Tạng Kinh” và “Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh” của Nhật Bản đã lấy bộ “Cao Ly Đại Tạng Kinh” làm căn cứ để tham khảo.

 

 

III.-Đại Tạng Kinh ở Nhật Bản:

 

Nhật Bản (日本 , , nihon / nippon ) là một đảo nằm ở phía Đông Bắc Châu Á, gồm có 4 quần đảo: quần đảo Chishima, quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukya và quần đảo Izu-Ogasawara. Những quốc gia và lãnh thổ ở vùng biển lân cận với vùng biển Nhật Bản là Nga, Bắc Hàn, Nam Hàn.

Theo sách Trung Hoa Hậu Hán Thư, mục Ông Di truyện thì vào thế kỷ thứ 1 sau CN, nước Nhật Bản có tên là Yamato ( 倭 ,Oa quốc) có hàng trăm nước nhỏ. Từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 6 thì quốc gia Nhật Bản được thống nhất, văn hoá bắt đầu phát triển.

 

Dưới thời Thiên Hoàng Nguyên Minh (Genmei tenno, 661 – 721) tên nước được đổi thành Đại Hoà, người Nhật vẫn đọc là Yamato.

 

Phật giáo được truyền vào Nhật Bản từ Triều Tiên. Năm 552, triều đình nước Bách Tế tặng cho Thiên Hoàng Khâm Minh (Kinmei) một tượng Phật Thích-ca bằng đồng, Phật giáo đã chính thức truyền vào Nhật Bản. Trong thật tế Phật giáo đã truyền vào dân chúng Nhật Bản từ Triều Tiên trước đó nhiều năm. Từ đó, Phật giáo được phát triển, có lúc thịnh, có lúc suy, có lúc được sự hổ trợ tích cực của triều đình và đã trở thành quốc giáo một thời gian.

 

Thái tử Thánh Đức ( Shotoku tai shi, 574 – 622) là vị hộ pháp đầu tiên, và rất tích cực trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản.

 

Vào thế kỷ thứ 8, dưới triều vua Nara ( 奈良,Nại Lương, 710 – 794), nước Nhật và nước Tàu có mối giao hảo rất mật thiết, văn hoá giao lưu giúp Nhật Bản lãnh hội được văn hoá Trung Hoa, và đến cả việc dùng chữ Hán để sử dụng việc ký tự cho văn tự Nhật Bản. Do đó Phật giáo cũng được du nhập vào Nhật Bản một cách nhanh chóng.Đến thế kỷ thứ 13, những tông phái Phật giáo nào của Tàu cũng được du nhập vào Nhật Bản. Hơn thế nữa, Phật giáo Nhật còn thành lập một số tông phái riêng như Nhật Liên Tông.

Gần đây, khi Đại chiến thế giới lần thứ 2 bùng nổ thì Phật giáo Nhật Bản đã ủng hộ Chủ Nghĩa Quân Phiệt với chiêu bài Đại Đông Á của Nhật Bản, nên các chùa chiền đã tích cực  gom góp các chuông đồng, các Phật cụ bằng đồng để đúc súng đạn.

 

 

 

Các thời điểm Phật giáo Nhật đã soạn các kinh sách Phật:

  1. Năm 1637, Phật giáo Nhật đã soạn bộ “Thiên Hải Tạng” căn cứ vào bộ “Đại Tạng Tư Khê Bản” của nhà Tống ở Tàu, và bộ “Phổ Ninh Tự Bản” của nhà Nguyên cũng ở bên Tàu; người Nhật cũng đã cho khắc chữ rời bằng gỗ để in.
  2. Trong khoảng năm 1630 – 1682, Ngài Thiết Nhãn đã soạn và khắc bản in bộ “Hoàng Bá Bản Tạng Kinh” , bộ này căn cứ vào bộ “Minh Bản”, tức Lăng Nghiêm Tự Bản hay Minh Tạng.
  3. Vào năm 1880, dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng (triều đại kéo dài: 1868 – 1912), các cư sĩ Đảo Điền Phiên Căn, Phúc Điền Hành Giới v. v… biên soạn bộ “Súc Loát Tạng Kinh”, gọi đủ tên là “Đại Nhật Bản Hiệu Đính Khắc Đại Tạng Kinh”, đã căn cứ vào bộ Đại Tạng Kinh của Triều Tiên và Đại Tạng Kinh của đời Tống, đời Nguyên, đời Minh. Bộ này còn bổ sung vô các kinh điển Mật giáo đã ấn hành ở Nhật.
  4. Năm 1902, Ngài Nhẫn Trừng khởi công biên tập bộ “Vạn Tự Đại Tạng Kinh”, gọi đầy đủ tên là Đại Nhật Bản Hiệu Đính Huấn Điểm Đại Tạng Kinh. Đến năm 1905, bộ kinh này được soạn xong, nhà xuất bảnKinh Đô Tàng Kinh Thư Việnấn hành.
  5. Cũng vào năm 1905, NXB “Kinh Đô Tàng Kinh Thư Viện” cho in tiếp bộ “Vạn Tự Tục Tạng Kinh” do Ngài Trung Dã Đạt Tuệ biên tập. Bộ kinh này tiếp nối bộ Vạn Tự Đại Tạng Kinh, đây là bộ sách thu thập tất cả những bài viết về Phật học mà bộ Vạn Tự Đại Tạng Kinh không có, lại còn bao gồm cả các dịch phẩm và các trước tác của các vị cao tăng Trung Hoa và Đại Hàn.

Để phân biệt, Phật giáo Nhật Bản gọi Vạn Tự Đại Tạng Kinh là “Chánh Tạng”, còn Vạn Tự Tục Tạng Kinh là “Tục Tạng Kinh”.

  1. Năm 1919, Ngài Trung Dã Đạt Tuệ bắt đầu biên tập bộ “Nhật Bản Đại Tạng Kinh”, đến năm 1922 thì hoàn tất; Hội Nhật Bản Đại Tạng Kinh Biên Toàn đã xuất bản. Bộ kinh này thu góp các sách, các bài chú giảng về Kinh, Luật, Luận cùng những điển tích của Phật giáo do các tác giả Trung Hoa và Nhật Bản biên soạn.
  2. Năm 1924, dưới triều đại Đại Chánh (1912 - 1926), hai vị Bác sĩ người Nhật là Cao Nam Thuận Thứ Lang (Takakusu Junjiro) và Độ Biên Hải Húc đã cùng với nhiều học giả khác bắt đầu biên soạn bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh" ( ), còn gọi là Đại Chánh Tạng hay Đại Chánh Bản. Đây là một Đại Tạng Kinh viết bằng chữ Hán đã thu thập nhiều tác phẩm, kinh điển Phật giáo nhất từ xưa đến nay. Đại Tạng Kinh này được đánh giá là hoàn hảo nhất, và được truyền bá rộng rãi trên thế giới. Đến năm 1934 thì bộ Đại tạng kinh này được hoàn thành, và được chính Hội Đông-Kinh Đại Chánh Nhất Thiết Kinh của các học giả này ấn hành.

Đại Chánh Tạng có nội dung gồm 4 phần:
1. Chánh Biên: gồm các thu thập tất cả các dịch phẩm Kinh, Luật, Luận và các bài viết về Phật học ở Trung quốc, Đại Hàn và Nhật Bản.
2.Tục Biên: gồm các thu thập những tác phẩm Phật giáo của Nhật Bản, các tư liệu khảo cổ ở Đôn Hoàng tại Trung quốc, và cả các tác phẩm, kinh điển bị nghi ngờ là ngụy tạo.
3.Đồ Tượng: gồm các thu thập về Mật giáo do các Pháp sư Nhật Bản học hỏi từ các Pháp sư Tàu, và sau đó họ tự phát triển thêm.
4.Chiêu Hòa Pháp Bảo Tổng Mục Lục.

Hai vị Bác sĩ Nhật Bản nói trên còn soạn một quyển sách : Mục Lục Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Mục lục này giúp cho các nhà nghiên cứu Phật học dễ dàng tra cứu nội dung của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh.

Hiện nay Phật giáo Đài Loan đang sử dụng bộ Đại Tạng Kinh này, và còn đăng lên internet toàn bộ Đại Tạng Kinh này.

 

                                                        Toronto, ngày 16 tháng 03 năm 2016

                                                             GS Nguyễn Vĩnh Thượng

Tài liệu tham khảo chính yếu:

Nguồn: internet về: Lịch sử Triều Tiên, Phật giáo Triều Tiên, Lịch sử Nhật Bản và Phật giáo Nhật Bản.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]