Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển Thứ Ba

15/01/201621:17(Xem: 3224)
Quyển Thứ Ba

Phật nói Kinh

Chánh Pháp Đại Bửu Tích

Hỏi Ngài Ca Diếp

Việt dịch:    THÍCH HUYỀN-VI

 

Tập III

 

QUYỂN THỨ BA

 

 

 

            Lúc bấy giờ đức Thế Tôn lại đem thí dụ để chỉ rõ nghĩa lý.

            -Đức Phật bảo Ngài Ca Diếp: “Ví nhưánh đèn sáng hay phá trừ tất cả tối tăm, nhưng sự tối tăm kia đi ở chỗ nào?  Chẳng phải đi về phương đông; chẳng phải đi về phương nam? Chẳng phải đi về phương tây cũng chẳng phải đi về phương bắc; đi cũng chẳng phải đi, đến cũng chẳng phải đến.  Ca Diếp! Lại nữa yến sáng đèn cũng chẳng phải “ngã”, hay phá được tối tăm.  Hơn nữa, nếu không bóng tối, làm sao rõ được đèn sáng.  Ca Diếp! đèn sáng cùng bóng tối không có tự tánh.  Hai đặc tánh nầy đều không, không đặng không bỏ.  Ca Diếp! trí huệ của mỗi người, cũng lại như vậy.  Có trí thì sanh, không trí liền xả, nhưng không tríkiađi về chỗ nào? Không phải đi về phương đông; không phải đi về phương tây; chẳng phải đi về phương nam; cũng chẳng phải đi về phương bắc, đi đã không đi thì đến cũng chẳng đến.

            Ca Diếp! Lại nữa, có trí thì sanh, không trí liền xả, chẳng phải kia có trí, ta hay phá hoạn không trí.  Lại, nếu không trí vốn không có trí nào rõ ràng.  Ca Diếp!  Có trí không trí đều không tự tánh.  Hai trí nầy đều không, không đắc không xã”.  Đối với nghĩa nầy, ta nói bài kệ:

            “Ví nhưánh đèn sáng,

            Hay phá các tối tăm,

            Tối kia khi dứt hết,

            Các phương không chỗđi,

            Nếu lại ánh đèn nầy,

            Chẳng tối, không thể rõ,

            Cả hai không tự tánh,

            Không tánh, hai đều không.

            Trí tuệ cũng như thế,

            Có trí nếu khi sanh,

            Không trí mà tự bỏ,

            Cả hai như hoa (giữa) không,

            Đều không có tự tánh,

            Lấy, bỏ, không thể được”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như nhà trống không có cửa nẻo, trải qua trăm nghìn năm không có nhân vật ở, nhà kia tối tăm.  Bỗng có trời người đến ở trong nhà kia, thắp sáng nhiều ngọn đèn.  Ca Diếp! ýông nghĩ sao? Bóng tối tăm như thế có nói ta đã trải qua trăm nghìn năm ởđây.  Ta nay không đi.  Có việc như vậy không?.

            -Ca Diếp đáp rằng: “Bạch thế tôn, không bao giờ có.  Bóng tối kia vô phương; nếu ánh sáng đèn sanh, bóng tối quyết định tiêu tan”.

            -Đức Phật nói: “Ca Diếp! Nghiệp và phiền não kia cũng lại như vậy, trải qua trăm nghìn kiếp trụ trong tâm thức chúng sanh.  Người nào thật hành trong một ngày đêm, chánh quán tương ưng, sanh đèn tuệ kia.  Ca Diếp! Như vậy tuệ căn các bậc thánh nếu sanh ra nghiệp, phiền não, quyết định không chỗ có”.  Ta nay đối với nghĩa nầy, phải nói thêm bài kệ:

            “Như nhà trăm nghìn năm,

            Không người không cửa nẻo,

            Bổng có trời, người đến,

            Đối kia đốt đèn sáng,

            Bóng tối kia lâu năm,

            Giây phút đều dứt sạch,

            Tối tăm của nhàkia,

            Không nói ta ở lâu,

            Ta ởđây không đi.

            Nghiệp thức phiền não nhóm,

            Nghĩa kia cũng như vậy;

            Tuy trụ trăm nghìn kiếp,

            Bản tính không chơn thật,

            Người đi trong ngày đêm,

            Chánh vào quán như thật,

            Đèn huệ sáng suốt sanh,

            Các phiền não nhóm họp,

            Giây phút không thể trụ”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như hư không, chẳng trụ hạt giống.  Ca Diếp!  Như vậy, nếu hành giả kia, kiên tâm đoạn chấp, quá khứđã diệt, vị lai không có, hạt giống Phật pháp trụ nơi nào?  Đối với nghĩa nầy, ta phải nói bài kệ:

            “Ví như bầu hư không,

            Không bờ cũng chẳng lường,

            Nếu người ở giữa không,

            Chỗ nào trồng hạt giống,

            Đoạn chấp cũng như thế,

            Quá khứ không thể có,

            Vị lai cũng chẳng sanh,

            Hiện không trồng Phật Pháp”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như phân bón đầy quả đất, có thể trồng tất cả hạt giống không?  Ca Diếp! Nghiệp phiền não uẩn uế đầy khắp thế gian, có thể trồng tất cả hạt giống Phật pháp được không?  Đối với nghĩa nầy, ta nói bài kệ:

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như phân bón đầy quả đất, có thể trồng tất cả hạt giống không?  Ca Diếp! Nghiệp phiền não phẩn uất đầy khắp thế gian, có thể trồng tất cả hạt giống Phật pháp được không?  Đối với nghĩa nầy, ta nói bài kệ:

            “Ví như phân trên đất,

            Tùy chổ nên trồng trọt,

            Phân phiền não chúng sanh,

            Đầy khắp trong thế gian,

            Phật tử nếu thân cận,

            Có thể trồng Phật pháp?”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như muối mặn, rải trên mặt đất, không thể nào trồng hoa sen được.  Ca Diếp!  Cũng như thế, người không tánh hạnh, vị lai khó sanh giống bồ đề”.  Đối với nghĩa nầy, ta nói bài kệ:

            “Ví như muối trên đất,

            Không thể mọc hoa sen,

            Ở trong nước bùn kia,

            Sanh ra nhiều sen thơm,

            Không tánh cũng như thế,

            Xưa nay, tương lai không,

            Trọn không sanh giống Phật”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như chỗ phân nhơ, có thể mọc hoa sen.  Ca Diếp! Như thế, chúng sanh bị phiền não, tà hạnh, có thể sanh giống trí trong Phật pháp”.  Ta nay nói thêm bài kệ:

            “Ví như đất bùn phân,

            Có thể mọc hoa sen,

            Chúng sanh nghiệp tà hạnh,

            Cũng sanh giống Phật pháp”.

            Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như nước của bốn biển lớn tràn đầy vô biên.  Ca Diếp! Cũng thế thấy các Bồ Tát kia đã tạo căn lành, khắp cả pháp giới”.  Đối với nghĩa trên, ta nói thêm bài kệ:

            “Ví như bốn biển lớn,

            Tràn đầy rộng vô biên,

            Bồ Tát cũng như thế,

            Căn lành khắp pháp giới”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như trời, người dùng một đầu sợi lông, trăm phần lấy một, với đầu sợi lông kia, chấm giọt nước rất nhỏ mà muốn thành to lớn như bốn biển.  Ca Diếp!  Cũng thế nhìn thấy hàng Thinh Văn kia, đã làm các lành nhỏ mà cầu đạo Vô Thượng”.  Đối với nghĩa nầy ta nói thêm bài kệ:

            “Ví  như đầu sợi lông,

            Trăm phần nhưng lấy một,

            Với giọt nước nhỏkia,

            Muốn thành biển to lớn.

            Thanh Văn cũng như thế,

            Dùng trí cạn của mình,

            Căn lành mình đã làm,

            Cầu thành Vô Thượng Giác”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như con trùng ở trong hạt cải, nóăn hạt cải kia; thấy trong hạt cải cũng như hư không.  Ca Diếp!Cũng như vậy, tiểu trí tu hành của hàng Thanh Văn, hiểu rõ cái không cũa chúng sanh cũng lại như thế”.  Đối với nghĩa nầy, ta nói thêm bài kệ:

            “Ví như một hạt cải,

            Có trùng ăn trong ấy,

            Chỗ trống không ngăn ngại,

            Thấy kia gọi hư không,

            Trí tu hành Thinh Văn,

            Chứng được một phần không,

            Chỗ thấy không được rộng,

            Nghĩa kia cũng như thế”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như có người thấy thế giới mười phương, hư không vô biên.  Ca Diếp!  Cũng thế, Bồ Tát đại trí vô ngại, thấy cả pháp giới, không có ngằn mé”.  Ta nay phải nói thêm bài kệ:

            “Ví như cõi hư không,

            Mười phương không có bờ,

            Tất cả vật trong đời,

            Nương kia không chướng ngại!

            Bồ Tát cũng như thế,

            Phát khởi trí vô thượng,

            Soi thấy pháp giới không,

            Vô biên không sở đắc”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Sát Đế Lợi thọ phép quán đảnh của Vua, Hoàng Hậu kia tư tình với thứ dân, sau đó sanh hạ người con.  Ca Diếp!  Ýông nghỉ sao?  Hoàng Hậu sanh đứa con, có được Vua làm phép quán đảnh công nhận là Hoàng Tử không?.

            -Ca Diếp bạch rằng: “Không thể được!”.

            -Thế Tôn bảo: “Người đặng Thinh Văn vô sanh pháp giới,  ta là Như Lai có nên quán đảnh xem là pháp vương tử không?  Như trên cũng giống như vậy”.  Đối với nghĩa nầy, ta nói thêm bài kệ:

         “Hoàng Hậu của Vua chúa,

            Tư tình với thứ dân,

            Sau sanh người con trai,

            Không gọi con quán đảnh.

            Thanh Văn cũng như thế,

            Lìa dục chứng vô sanh,

            Chỉ hành sự tự lợi,

            Không xứng tánh Như Lai.

            Quán đảnh con Pháp Vương,

            Con Phật làm lưỡng lợi”. (tự lợi, tự tha)

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như Sát Đế Lợi thọ quán đảnh nhà Vua, có tỳ nữ hầu cận, được Vua sũng ái, sau đó tỳ nữ sanh được đứa con.  Ca Diếp! Ýông nghỉ thế nào?  Tỳ nữ nầy sanh con có được gọi là con Vua không?”.

            -Ca Diếp đáp: “Ấy là con Vua”.

            “Ca Diếp!  Cũng như vậy, Bồ Tát sơ phát tâm, dù bạo lực còn non, sự hóa độ chúng sanh còn kém, chưa khỏi luân hồi, cũng được gọi là con của Như Lai”.  Đối với nghĩa trên, ta phải nói bài kệ:

            “Ví như tỳ nữ Vua,

            Được Vua sũng ái nàng,

            Sau sanh được cậu con,

            Ấy chính là con Vua,

            Bồ Tát cũng như thế,

            Mới phát tâm bồ đề,

            Đức hạnh còn thiếu kém,

            Phương tiện hóa chúng sanh,

            Tuy chưa ra ba cõi,

            Việc làm xứng tâm Phật,

            Được gọi chơn Phật tử”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như vị Luân Vương sanh nghìn Thái Tử, hùng lực, dũng mãnh, biện tài, đoan chánh, phải đầy đủ tướng Luân Vương.  Vua Chuyển Luân kia phải nhìn nhận là con xứng đáng.

            Ca Diếp!  Cũng như thế, trong pháp hội, Như Lai có trăm nghìn sốđông Thinh Văn vây quanh; nếu không có một vị nào có tướng Bồ Tát, Như Lai cũng không công nhận là trưởng tử”.  Đối với nghĩa nầy, ta nói bài kệ:

            “Ví như Vua Chuyển Luân,

            Sanh ra nghìn Thái Tử,

            Nếu không một Thái Tử, 

            Đủ tướng Chuyển Luân kia,

            Thế thì không được Vua,

            Tưởng là có người thế,

            Phật tử cũng như vậy,

            Dù có sốđông nghìn,

            Chúng Thanh Văn vây quanh,

            Không một tướng Bồ Tát,

            Thiện thệ xem người kia,

            Không nhận là con Phật”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như Chuyển Luân Thánh Vương đả có Hoàng Hậu nghén thai bảy đêm, quyết sanh đồng tử, đầy đủ tướng Luân Vương, còn trong thai tạng chưa tượng hình, chưa đủ căn thân.  Tuy chưa thành hình nhưng có nhiều trời, người phát tâm ái trọng.  Không phải qúy trọng cậu bé dũng mãnh đại lực kia.  Ýông nghỉ sao?  Mà là quý trọng ngôi Chuyển Luân Thánh Vương không bị gián đoạn.  Ca Diếp!  Củng lại như thế, Bồ Tát sơ phát tâm căn tính mặc dù chưa thuần thục, chưa khỏi nẻo luân hồi, nhưng ưa thật hành Phật pháp.  Thời gian qua đức Phật nhận thấy người kia, sanh tâm quý trọng, với kia chánh quán tám giải thoát của A La Hán, nhưng không quý trọng.  Vì cớ sao?  Vì kia sơ tâm Bồ Tát giống Phật không bị gián đoạn”.  Ta nay nói thêm bài kệ:

            “Ví như Chuyển Luân Vương,

            Hoàng Hậu vừa nghén thai,

            Bảy ngày chưa thành hình,

            Trời, người sanh ái hộ,

            Không trọng sức mạnh mẽ,

            Mà trọng giòng Luân Vương.

            Bồ Tát cũng như thế,

            Mới phát tâm bồ đề,

            Muốn qua biển luân hồi,

            Các Như Lai quá khứ,

            Đối trí nguyện cung kính,

            Người nầy nối giống Phật,

            Với các chúng Thanh Văn

            Hạng chánh quán tám giải,

            Không sanh lòng kính ái,

            Kia không phần thành Phật”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như có ngọc ma ni lưu ly giả, chất cao như núi Tu Di, không bằng một viên lưu ly thật.  Ca Diếp!  Cũng như vậy, giả sử có tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, không thể bằng một vị Bồ Tát mới phát tâm bồ đề”.  Đối với nghĩa trên, ta phải nói thêm bài kệ:

            “Ví như lưu ly giả,

            Và ngọc ma ni kia,

            Chất chứa như Tu Di,

            Không bằng ma ni thật,

            Chỉ cần một viên thôi,

            Bồ Tát cũng như thế,

            Giả sử hàng Thanh Văn,

            Và chúng Duyên Giác kia,

            Số nhiều như cát bụi,

            Không bằng sơ phát tâm,

            Người cầu đạo bồ đề,

            Chỉ một vị Bồ Tát”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như chim Ca Lăng Tần Già, khi còn ở trong trứng, sớm có thể cùng tất cả loài cầm bay không đồng.  Ca Diếp!  Ýông nghỉ sao?  Vì nó có thể phát ra tất cảâm thanh vi diệu.  Ca Diếp!  Cũng như vậy, sơ phát tâm Bồ Tát kia, mặc dù còn trụ trong vô minh phiền não nghiệp chướng, so sánh cùng tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật không thể đồng.  Ca Diếp! Ýông nghỉ thế nào? Bởi vì kia có phương tiện thuyết pháp hồi hướng căn lành”.  Ta nói thêm bài kệ:

            “Ví như chim Tần Già,

            Khi còn nằm trong trứng,

            Tuy chưa thấy thân hình

            Nhưng cùng các chim khác,

            Sẽ phát tiếng độc đáo,

            Khiến người thường ưa nghe,

            Phật tử cũng như thế,

            Mới phát tâm bồ đề,

            Chưa ra khỏi phiền não,

            Tất cả Phật Bích Chi,

            Và chúng Thanh Văn kia,

            Cũng khó mà so sánh,

            Hồi hướng đại an lạc,

            Phương tận độ hữu tình,

            Không nhơý từ bi,

            Hay nói giọng nhiệm mầu”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như Hoàng Hậu của Luân Vương, sanh được Vương Tử, đầy đủ phước đức Luân Vương, tất cả Quốc Vương cùng nhân dân thảy đều quy phục.  Ca Diếp!  Cũng như thế, hàng sơ phát tâm Bồ Tát, trên trời, trong nhơn gian, tất cả chúng hữu tình, hết lòng quy phục”.  Đối với nghĩa trên ta phải nói bài kệ:

            “Ví như Vua Chuyển Luân,

            Cùng Hoàng Hậu sanh con,

            Dù là thân đồng tử,

            Đầy đủ phước tướng Vua,

            Quốc Vương cùng thần dân,

            Tất cả đều quy hưởng,

            Bồ Tát cũng như thế,

            Mới phát tâm bồ đề,

            Đầy đủ tướng Phật tử,

            Tất cả trong thế gian,

            Trời người cùng chúng sanh,

            Tâm thanh tịnh quy hưởng”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như trên núi tuyết sản xuất các loại dược thảo thượng hạng, hay trị tất cả tật bịnh, hòa hợp uống dùng, tâm không nghi ngờ, quyết định được lành.  Ca Diếp!  Cũng như thế, nếu Bồ Tát đã có trí dược, làm lành tất cả bịnh phiền não cho chúng sanh.  Bồ Tát đem tâm bình đẳng, khắp thí tất cả chúng hữu tình, uống dùng, không có chút nghi lầm, bịnh theo đó lành ngay”.  Đối với việc trên, ta phải nói bài kệ:

            “Ví như núi tuyết lớn,

            Sinh ra nhiều dược thảo,

            Trị lành tất cả bịnh,

            Nếu có ai uống dùng,

            Đặng lành không có nghi,

            Phật tử cũng như thế,

            Xuất sanh thuốc diệu trí,

            Hay lành tất cả người,

            Phiền não sanh tử bịnh,

            Bình đẳng mà cho đó,

            Người đãđược uống dùng,

            Không nghi, quyết định lành”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như có người về nương mặt trăng đầu tháng, như thế mặt trăng tròn không chịu về nương.  Ca Diếp!  Cũng như thế, đệ tử ta cóđức tin mãnh liệt, về nương Bồ Tát mà không chịu về nương đức Như Lai.  Vì sao?Vì Như Lai kia từ Bồ Tát lưu xuất; nếu như Thanh Văn, Bích Chi Phật từ Như Lai sanh, không phải như Bồ Tát”.  Ta nay nói thêm bài kệ:

            “Ví như hữu tình nầy,

            Về nương mặt trăng đầu,

            Đến mặt trăng tròn đầy,

            Kia không chịu về nương, 

            Đệ tử ta cũng thế.

            Về nương với Bồ Tát,

            Không quy hướng Thế Tôn,

            Vìđủ sức đại trí,

            Xuất sanh thân Như Lai,

            Không phải hàng Thanh Văn,

            Vì trí tuệ kém yếu,

            Y Như Lai kia sanh”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như những chữ mẩu của văn tự, hay bao trùm tất cả các việc nghĩa lý biện luận.  Ca Diếp!  Cũng như vậy, Bồ Tát sơ phát tâm hay đủ quán nhiếp tất cả chư Phật, hành hóa trí nhơn vô thượng”.  Ta nay nói thêm bài kệ:

            “Ví như mẫu văn tự,

            Nhơn gian cùng trên trời,

            Luận nghị cùng biện tài,

            Đều nhơn đây kiến lập,

            Bồ Tát cũng như thế,

            Mới phát tâm bồ đề,

            Đầy đủ trí huệ Phật,

            Và các hạnh phương tiện”.

            -Đức  Phật bảo Ca Diếp: “Ví như người đời chưa bỏ lìa yến sáng mặt trăng trở về với ngôi sao.  Ca Diêp!  Cũng như vậy, chưa có người nào thọ giới pháp của ta, bỏ lìa Bồ Tát trở về Thinh Văn”.  Đối với nghĩa trên, ta nói thêm bài kệ:

            “Ví như người thế gian,

            Với mặt trăng bỏ lìa,

            Lại muốn về với sao,

            Việc nầy chưa từng có,

            Như thế đệ tử ta,

            Nghĩa kia cũng như vậy.

            Nếu người thọ giới ta,

            Không về với Bồ Tát,

            Mà muốn hướng Thinh Văn,

            Việc đó rất ít có”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như ngọc lưu ly giả đối với trời, người, thế gian trọn không đắc dụng.  Nếu ngọc lưu ly thiệt, ngọc ma ni bửu châu đối với thế gian, rất làđắc dụng.  Ca Diếp!  Cũng như vậy, nếu hàng Thanh Văn kia đầy đủ giới học, đủ tất cả hạnh đầu đà, tất cả môn thiền định, trọn không thể được ngồi chốn bồ đềđạo tràng thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.  Đối với nghĩa trên, ta nói thêm bài kệ:

            “Ví như lưu ly giả,

            Thấy thểkia trong sạch,

            Với trời, người thế gian,

            Vật dụng không lợi ích,

            Nếu lưu ly kia thật,

            Và ngọc ma ni báu,

            Thể tánh nó thù thắng,

            Việc làm đủ lợi lớn,

            Như thế, Thanh Văn kia,

            Tuy đủ hạnh đầu đà,

            Trì giới vàđa văn,

            Tất cảđại thiền định,

            Không thể hàng bốn ma,

            Mà ngồi tòa bồ đề,

            Đặng thành bậc Thiện Thệ,

            Vì không như Bồ Tát”.

            -Đức Phật bảo Ca Diếp: “Ví như chơn lưu ly, ngọc ma ni bửu châu thật, giá trị của nó bằng trăm nghìn lượng vàng.  Ca Diếp!  Củng như thế, nếu vị Bồ Tát kia đã gieo trồng các phước đức, khi ra làm các việc hữu dụng, chúng Thanh Văn, Bích Chi Phật kia, khó mà so sánh với số trăm nghìn lượng vàng về tâm linh hy sinh cho tất cả”.  Đối với nghĩa trên, ta phải nói bài kệ:

            “Ví như lưu ly thật,

            Và ngọc ma ni kia,

            Khi làm các việc tốt,

            Giá trị trăm nghìn số,

            Vàng bạc, ngọc trân châu,

            Phật tử cũng như thế,

            Trồng các gốc đức hạnh,

            Ứng dụng lợi chúng sanh,

            Phần nhiều chúng Thanh Văn,

            Và Phật Bich Chi kia,

            Vàng ngọc và trân châu,

            Số kia cũng như vậy”.

            Lại nữa, lúc bấy giờ đức Thế Tôn nói rằng: “Tôn GiảĐại Ca Diếp!  Đã có cõi nước, khi sao chổi hiện, đầu đen giống như người nằm ngủ, khiến cõi nước kia, tai nạn bộc khởi, sanh nhiều khổ não.  Ca Diếp! Nếu cõi nước kia, các vị Bồ Tát thật hành đại nguyện, các tai nạn kia, chóng được tiêu trừ, không có các khổ não.  Thế nên Ca Diếp!  Hạnh nguyện Bồ Tát, rộng lớn tất cả căn lành, vì lợi ích chúng sanh.  Lại nữa Bồ Tát kia, đã có thuốc trí, lưu thông bốn phương.  Thuốc nầy trị lành tất cả các bịnh phiền não của chúng sanh, chơn thật không dối”.

            -Ca Diếpbạch rằng: “Dùng những loại thuốc gì để trị những thứ bịnh nào, bạch Thế Tôn?’.

            -Ca Diếp! Chúng sanh đã có các bịnh tham lam, giận tức, si mê đều tự duyên sanh.Phải dùng “Vô Duyên Từ” quán sát tất cả tướng hoặc nghiệp kia, có lý không gốc, tự tánh không sanh, nay cũng không tướng, cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô Sắc tịch nhiên cũng thế.   Lại dứt tất cảđiên đảo.  Những gì làđiên đảo?  Có bốn loạn điên đảo:

 

  1. Chúng hữu tình những sự vật trong thế gian là vô thường mà cứ cho là thường còn; rồi vọng tưởng tất cảđều là vô thường.
  2. Cảnh đời là chốn khổ não lại cố chấp là vui thật; rồi tưởng tượng tất cả cảnh đều là khổ hết.
  3. Tất cả sự vật đều là vô ngã, chúng hữu tình lại chấp là có ngã; rồi tưởng tượng tất cả sự vật đều là vô ngã.
  4. Sự vật đều bất tịnh, chúng hữu tình lại chấp là có tịnh; rồi tưởng tượng tất cảđều không sạch.

Duy nhất niết bàn mới đầy đủ bốn chơn đức (chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh).

 

            Lại nữa, phải thi thiết bốn niệm xứ, khiến chúng hữu tình quán sát thân mạng không có thật, phá trừ ngã chấp.  Quán sự lảnh thọ, không thọ lãnh chỗ được, để phá ngã kiến kia.  Quán vọng tâm, không có tâm nào có thề đặng, cũng để trừ kiến chấp của ngã.  Quán pháp không có pháp chi có thể đặng, để mà phá sạch ngã pháp của chúng hữu tình.  Đem bốn chánh đoạn để thật hành việc đoạn.  Tu thiện phải siêng tu, rồi đoạn ác phải siêng đoạn.  Dùng bốn thần túc để hoàn thành thần lực.  Dùng năm căn bản và năm sức mạnh để đối trị các tính không tin, lười biếng, mất chánh niệm, tán loạn, ngu si v..v.. Đem bảy giác ngộ để đối trị tất cả chứng ngu si.  Dùng tám thánh đạo để đối trị các việc vô trí, tám tướng tà v..v… Ca Diếp!  Ấy gọi là thuốc pháp chân thật.  Ca Diếp!  Quán sát vị Bồ Tát ấyở trong châu Nam Diêm Phù Đề là một vị thầy thuốc số một.  Ca Diếp!  Đã có 3000 đại thiên thế giới chúng sanh, tự giữ gìn mạng mình, thấy vị Bồ Tát kia như thấy vịĐại Y Vương”.

            -Ca Diếp bạch Phật: “Như vậy, người chấp nặng tà kiến, phải dùng thứ thuốc nào trị mau lành, cúi mong Thế Tôn giải nói, khiến chúng sanh rõ biết”.

            -“Ca Diếp!  Bồ Tát kia cứu lành chúng sanh, không phải dùng thuốc thế gian mà là dùng thuốc vô lậu, tất cả căn lành xuất thế gian, lưu truyền bốn phương, thuốc để trị bịnh vọng tưởng cho tất cả chúng sanh kia, chắc thật không dối”.

            -Ca Diếp bạch Phật rằng: “Thế nào gọi là trí xuất thế gian?”.

            -“Ca Diếp!  Trí kia từ nhơn duyên gieo trồng sinh trưởng, lìa các phân biệt, không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ mạng.  Như thế, pháp trí như hư không không chấp trước.  Ca Diếp!  Các ông chính phải cầu tâm, chớ sợ hãi, phải phát tâm tinh tấn.  Như vậy, kia

 

 

 

 

 

 

 

 

 

phải cầu trụ tâm tự nhiên.   Thế nào gọi là tâm trụ?  Thế nào gọi là tâm không trụ?  Có quá khứ, vị lai hiện tại ở chỗ nào mà trụ?  Ca Diếp!  Tâm quá khứđã diệt, tâm vị lai chưa đến, tâm hiện tại lăng xăng.  Ca Diếp!  Lại nữa, tâm pháp nầy không phải ở trong, không phải ở ngoài, mà cũng chẳng phải ở chính giữa.  Ca Diếp!  Lại nữa tâm pháp nầy lìa các sắc tướng, không trụ trước, mà không thể thấy.  Ca Diếp!  Quá khứ các đức Phật không thấy, vị lai các đức Phật không thấy, mà hiện tại tất cả các đức Phật cũng chẳng thấy”.

            -Ca Diếp bạch đức Phật: “Nếu quá khứ, vị lai, hiện tại tất cả Phật không thấy, thế nào tâm kia lại có nhiều thứ hành tướng?”

            - “Ca Diếp! Tâm kia không thật từ vọng tưởng sinh ra.  Thí dụ như đồ huyển hóa, nhiều thứ sanh ra là do hư vọng mà thấy”.

            -Ca Diếp bạch Phật: “Hư vọng không thật, thí dụ kia như thế nào?”

            -Đức Phật bảo Ca Diếp! “Vọng tâm như cục  bọt nổi, sanh diệt không thường; tâm như gióđi không thể nào thu được; tâm như ngọn đèn sáng, nhơn duyên hòa hợp; tâm như hư không, đặng phiền não hư vọng, tâm nhưđiển chớp, giây phút chẳng dừng; tâm như vượn, khỉ vin níu cảnh giới; tâm như họa sư, vẽ nhiều hình tượng; tâm như mỗi niệm không dừng nghỉ, sanh tất cả phiền não.  Tâm hạnh thể nó chỉ có một, vì không hai tâm dụng; tâm như Vua chúa, vì nó tự tại thống lảnh tất cả; tâm như bạn ác, vì nó phát sinh tất cả khổ não; tâm như biển lớn, trôi nổi tất cả căn lành; tâm như người câu cá vì với sự khổ, sanh tưởng là vui; tâm như chiêm bao giả dối, vì vọng chấp thật ngã; tâm như con lằng xanh, đối với vật không sạch mà tưởng là sạch; tâm như qủy mị, làm nhiều việc không tốt lành; tâm như quỷ dạ xoa, tham đắm cảnh giới dục, uống tinh khí người; tâm như oán gia, thường tìm lỗi lầm người; tâm không an trụ, hoặc cao, hoặc thấp, tiến thoái không nhứt định; tâm như giặc cuồng, phá hoại tất cả công đức, tài sản; tâm như con thiêu thân, hằng ham sắc hừng của đèn; tâm như kẻ đắm mê tiếng, như ham đánh tiếng trống; tâm như lợn như chó, tham đắm bất tịnh, ưa đồô uế; tâm như tôi tớ, ham đồăn thừa; tâm hay tham xúc, như con lằng đắm trước đồăn hôi thối.  Ca Diếp!  Tâm không thể cầu, cầu không thểđặng, quá khứ chẳng có, vị lai cũng không, hiện tại chẳng đặng; nếu quá khứ, hiện tại và vị lai không thể đặng, vì chấm dứt ba đời, nếu ba đời chấm dứt, tức là tâm không có; nếu tánh không có, tánh tức không sanh; nếu tánh không sanh, ấy tức không tánh; nếu kia không tánh, không sanh không diệt; nếu không sanh diệt, cũng không vãng lai; nếu không vãng lai, tức không chủ tể; nếu không chủ tể, không giả không thật, ấy tức thánh tánh.  Ca Diếp!  Nếu thánh tánh kia, không đắc giới, chẳng phải không giới, không có tịnh hạnh, không có uế hạnh, không nhơn hạnh, không quả hạnh, cũng không có pháp tâm ý; nếu không có pháp tâm ý, kia không có nghiệp, cũng không có nghiệp báo; nếu không nghiệp báo cũng không khổ lạc; nếu không khổ lạc thì được tánh thánh giả kia, nếu thánh tánh kia không có trên, không có dưới, không có khoảng giữa, thân, khẩu, ý, bình đẳng không có chấp trước.  Vì cớ sao?  Vì tánh khắp cả hư không, bình đẳng không phân biệt vì không phân biệt nên được giải thoát, giác ngộ và sáng suốt hoàn toàn.

 

 

QUYỂN THỨ BA -- Hết

Pd Phuong An

 

 

 

 

 

 

 

           

 

           

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                                                                                     

 

                                                        

 

 

           

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]