Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Quyển Thứ Sáu

08/11/201408:26(Xem: 4061)
6. Quyển Thứ Sáu

Mật Tạng Bộ 2_ No.997 (Tr.549_Tr.554)

 

KINH THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI

_QUYỂN THỨ SÁU_

 

Hán dịch: Nước Kế Tân_ Tam Tạng Sa Môn BÁT NHÃ cùng với MÂU NI THẤT LỢI dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

NHẬP VÀO SỰ NGHIỆP SÂU XA CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN

CỦA NHƯ LAI

_PHẨM THỨ NĂM_CHI HAI_

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Đức Như Lai an trụ bốn Vô Sở Úy (Catvāri-vaiśāradyāni gồm có: Chư Pháp Hiện Đẳng Giác Vô Úy, Nhất Thiết Lậu Tận Trí Vô Úy, Chướng Pháp Bất Hư Quyết Định Thọ Ký Vô Úy, Vi Chứng Nhất Thiết Cụ Túc Xuất Đạo Như Tính Vô Úy) hay làm mọi loại sự nghiệp của chư Phật, ấy là biết thân của mình tức là Chính Đẳng Chính Giác. Tất cả Thế Gian: hoặc Trời, hoặc Người… không ai có thể như Lý nói rằng: “Đức Như Lai Thế Tôn chẳng phải là bậc Chính Giác”.

Do Nhân Duyên nào mà nói các Như Lai là Chính Đẳng Giác? Ấy là các Như Lai đối với tất cả Pháp, bình đẳng hiểu biết chính đúng (chính giác) không có cao thấp

Nhóm nào là tất cả Pháp? Ấy là Pháp của Phàm Phu (Pṛthag-jana), Pháp của bậc Hữu Học (Śaikṣa), Pháp của bậc Vô Học (Aśaikṣa), Pháp của Duyên Giác (Pratyeka-buddha), Pháp của Bồ Tát (Bodhisatva), Pháp của chư Phật (Buddhānāṃ). Các Pháp như vậy đều bình đẳng hiểu biết chính đúng (Đẳng Chính Giác)

Lại có Pháp Thế Gian (Loka), Pháp Xuất Thế Gian (Lokottara), Pháp Thiện (Kuśala), Pháp Bất Thiện (Akuśala), Pháp Hữu Lậu (Sāsrava), Pháp Vô Lậu (Anāsvara), Pháp Hữu Vi (Saṃskṛta), Pháp Vô Vi (Asaṃskṛta). Các Pháp như vậy, Đức Như Lai hiểu biết chính đúng (chính giác) Thể bình đẳng

Thế nào là bình đẳng (Sama)? Ấy là Không (Śūnyatā: tính trống rỗng) là bình đẳng, thấy Bản Tính của tất cả Pháp đều trống rỗng (Không).

Không có tướng (Animitta:vô tướng) là bình đẳng, vì Bản Tính của Tướng vậy

Không có Nguyện (Apraṇihita:vô nguyện) là bình đẳng, vì Tính của ba cõi vậy

Không có sinh (Anutpāda:vô sinh) là bình đẳng, vì Bản Tính của Sinh (Utpāda) vậy

Không có Hành (Asaṃskāra:vô hành) là bình đẳng, vì Bản Tính của Hành (Saṃskāra) vậy

Vô Xuất (Không có chỗ đắc được) là bình đẳng, vì Bản Tính của Xuất (đắc được) vậy

Không có A Lại Gia (Ālaya:tên gọi của Tâm Thức là Thức thứ tám hay Tàng Thức) là bình đẳng, vì Bản Tính của Tâm (Citta) vậy

Chân Đế (Paramārtha-satya) như vậy là bình đẳng, vì Tính của ba đời vậy

Giải Thoát (Vimokṣa, hay Vimukti) là bình đẳng, vì Tính Bản Thể của Vô Minh (Avidya), Hữu Ái (Tṛṣṇa) vậy

Niết Bàn (Nirvāṇa) là bình đẳng, vì Tính Bản Thể của sinh tử luân chuyển vậy.

Tất cả các Pháp bình đẳng như vậy, Đức Như Lai đều hiểu biết chính đúng (chính giác). Do Nhân Duyên này, cho nên nói: “Đức Như Lai đúng là bậc Vô Thượng Chính Đẳng Giác

Thành nơi Chính Đẳng Giác như vậy xong, dùng Tâm Đại Bi phát ra ngôn từ màu nhiệm, vì các chúng sinh nói mọi loại Pháp, bày con đường giải thoát (Vimukti-mārga:Giải Thoát Đạo) khiến cho ra khỏi bờ mé khổ đau (khổ tế).

Ngoài ra, các chúng sinh thật chẳng phải là Đại Sư, tự nói: “Ta là bậc Chính Đẳng Giác”. Đức Như Lai vì các chúng sinh này, cho nên tự mình xướng lên Đức Hiệu, nói lời như vầy: “Chỉ có Ta, Như Lai là Chính Đẳng Giác khiến cho Phi Pháp Khí thành Pháp Khí”. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ mười một của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Bậc tự nhiên giác ngộ

Hiểu các Pháp bình đẳng

Nên Hiệu là Như Lai (Tathāgata)

Chính Giác thấy bình đẳng

_Tất cả Pháp Phàm Phu

Với Pháp Phật bình đẳng

Hữu Học với Vô Học

Pháp Duyên Giác cũng vậy

_Pháp Thế (Loka) với Xuất Thế (Lokottara)

Cả hai cũng bình đẳng

Pháp Thiện (Kuśala) với Bất Thiện (Akuśala)

Cùng Niết Bàn (Nirvāṇa) bình đẳng

_Pháp Không (Śūnyatā), Pháp Vô Tướng (Animitta)

Pháp Vô Nguyện (Apraṇihita), Vô Sinh (Anutpāda)

Các Pháp nhóm Vô Hành (Asaṃskṛta)

Bình đẳng mà hiển bày

_Phật Đại Bi rộng nói

Giác ngộ các chúng sinh

Nghe Pháp được giải thoát

Phật Tối Thắng Nghiệp (Nghiệp tối thắng của Đức Phật)”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Đức Như Lai tự biết các Lậu Phiền Não đã rốt ráo dứt hết. Tất cả Thế Gian: hoặc Trời, hoặc người… không ai có thể nói lời như vầy: “Đức Như Lai chưa dứt hết các Lậu Phiền Não

Vì sao Đức Như Lai tự biết các Lậu Phiền Não  đã rốt ráo dứt hết? Ấy là đối với Dục Phiền Não thì Tâm được giải thoát tất cả Hạnh ham muốn (Dục Hạnh), Tập Khí Phiền Não chứng Diệt Đế (Nirodha-satya). Đối với Hữu Phiền Não thì Tâm được giải thoát tất cả Hạnh giận dữ (Sân Hạnh), Tập Khí Phiền Não chứng Diệt Đế. Đối với Vô Minh Phiền Não thì Tâm được giải thoát các Hạnh Ngu Si (Ngu Si Hạnh), Tập Khí Phiền Não chứng Diệt Đế. Đối với Kiến Phiền Não thì Tâm được giải thoát các Hạnh Phiền Não (phiền não Hạnh) cùng với Tập Khí, chứng Diệt Đế…. do nghĩa này cho nên tùy thuận Tục Đế (Saṃvṛti-satya) nói nơi mà Đức Như Lai rốt ráo dứt hẳn các Lậu Phiền Não thì Thánh Giả Tuệ Nhãn xưng là Chân Đế (Paramārtha)

Quán sát Hiện Chứng không có chút Pháp nào mà có thể đắc được. Ấy là: Hoặc Năng Diệt Trí (Trí hay diệt), hoặc Sở Diệt Hoặc (Hoặc đã diệt), hoặc suy nghĩ, hoặc tu cho đến Hiện Chứng đều chẳng thể đắc được. Tại sao thế? Khi Tự Tính kia tận thì không có gì chẳng tận, chẳng từ Nhân Duyên đối đãi mà nói tận, Tận này là Chân Thật Tận. Chân Thật Tận chẳng cùng với Pháp khác mà tạo làm Nhân Duyên, cho nên Tận này tức là Vô Vi (Asaṃskṛta) tức trong Pháp này không có sinh, không có diệt cũng không có trụ. Không có sinh diệt này, hoặc Phật ra đời hoặc chẳng ra đời thì Pháp Giới thường trụ. Như Pháp Giới thường thì Trí này thành tựu cũng lại như vậy. Như thành tựu này tức chẳng phải là thành tựu (phi thành tựu)

Nếu hay như vậy, như chỗ đã dạy trụ (sở giáo trụ) được không có phiền não, chẳng phải là chặt đứt phiền não được phiền não không có. Đức Như Lai Đại Bi tùy thuận Tục Đế vì chúng sinh nói Pháp diệt phiền não. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ mười hai của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Phật không (không có) Dục Tập Khí

Nên không (không có) Dục Phiền Não

Tập Khí Oán giận tận

Hữu Phiền Não chẳng sinh

_Thiện Thệ (Sugata) lìa Vô Minh (Avidya)

Do diệt gốc rễ Si (Moha)

Các Hoặc Tập Khí tận

Kiến Hoặc (Darśana-mārga-prahātavyānuśaya) tức chẳng sinh

_Phật y Môn Tục Đế

Nên nói phiền não tận

Trong Chân (chân thật) chẳng thể đắc

Không giảm cũng không tăng.

_Tận Trí (Kṣaya-jñāna) chẳng đối Duyên

Thánh biết vốn tự tận

Do không có ba tướng

Tận này tức Vô Vi

_Pháp Giới thường chẳng dời (bất thiên: chẳng dời đổi)

Biết đây, đến bờ kia

Biết xong, nói như vậy

Nghiệp này, Phật năng cùng (hay truy cứu đến cùng tận)”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Đức Như Lai bình đẳng đối với các Pháp chướng ngại, không có chướng ngại biết rõ như thật. Tất cả Thế Gian: hoặc Trời, hoặc người… không ai có thể nói như Lý rằng: “Đức Như Lai đã nói Pháp chướng ngại, chẳng phải là chướng ngại”

Trong đây, thế nào là Pháp gây chướng ngại? Ấy là có một Pháp hay gây chướng ngại, tức là Tâm trược loạn

Lại có hai Pháp hay gây chướng ngại là: không có sùng kính các Công Đức với người có Đức (vô Tàm), không có Tâm ghê sợ tội lỗi (vô Quý)

Lại có ba Pháp hay gây chướng ngại là: hành động ác của Thân, hành động ác của miệng, hành động ác của Ý

Lại có bốn Pháp hay gây chướng ngại là: dùng sự tham lam (Lobha:Tham) mà thực hành Phi Pháp, hoặc dùng sự giận dữ (Dveṣa:Sân) mà thực hành Phi Pháp, có dùng sự ngu si (Moha:Si) mà thực hành Phi Pháp, có dùng sự sợ hãi (Vibhiṣaṇa: bố úy) mà thực hành Phi Pháp

Lại có năm Pháp hay gây chướng ngại là: sự sát sinh (Pāṇāṭipātā- paṭivirati), trộm cắp (Adattādānā-dvirati), Tà Hạnh (Kāma-mithyācārā-dvirati), nói dối (Mṛṣāvādāvirati),  với uống các loại rượu

 

Lại có sáu Pháp hay gây chướng ngại là: chẳng tôn kính Phật (Buddha), chẳng tôn kính Pháp (Dharma), chẳng tôn kính Tăng (Saṃgha), chẳng tôn kính Giới (Śīla), chẳng tôn kính Định (Samādhi), chẳng tôn kính các Thiện Tri Thức (Kalyāṇa-mitra)

Lại có bảy Pháp hay gây chướng ngại là: Mạn (Māna), Quá Mạn (Ati-māna) với Mạn Quá Mạn (Mānāti-māna), Ngã Mạn (Ātma-māna), Tăng Thượng Mạn (Adhi-māna), Ti Mạn (Ūna-māna), Tà Mạn (Mithyā-māna)

Lại có tám Pháp hay gây chướng ngại là: Tà Kiến (Mithya-dṛṣṭi), Tà Tư Duy (Mithya -saṃkalpa), Tà Ngữ (Mithya -vāc), Tà Nghiệp (Mithya -karmānta), Tà Mệnh (Mithya -ājīva), Tà Tinh Tiến (Mithya -vyāyāma), Tà Niệm (Mithya -smṛti), Tà Định (Mithya -samādhi)

Lại có chín Pháp hay gây chướng ngại là: Đã từng não hại Ta, hiện đang não hại Ta, sẽ gây não hại Ta, quá khứ từng ghét bạn tốt của Ta, hiện tại ghét bạn tốt cả Ta, vị lai ghét bạn tốt của Ta, quá khứ yêu Oan Gia của Ta, hiện tại yêu Oan Gia của Ta, Vị Lai yêu Oan Gia của Ta. Đối với chín loại này, nghĩ nhớ đối cảnh tăng thêm Tâm Bất Thiện nên gọi là chướng ngại

Lại có mười Pháp hay gây chướng ngại. Thế nào là mười? Ấy là: sát sinh (Pāṇāṭipātā- paṭivirati), trộm cắp (Adattādānā-dvirati:thâu đạo), Tà Hạnh (Kāma-mithyācārā-dvirati), nói dối (Mṛṣāvādāvirati:vọng ngữ), nói hai lưỡi (Paisunyātvirati:lưỡng thiệt), miệng nói điều ác (Pāruṣyātprativirati), nói thêu dệt phù phiếm (Saṃbhinnapralāpāt-prativirati:Ỷ ngữ), tham dục (Abhidhyāyāḥ-prativirati), giận dữ (Vyāpādāt-prativirati), Tà Kiến (Mithyā-dṛṣṭi-prativirati). Đây gọi là mười.

Như vậy cho đến dấy lên niệm Bất Thiện (Akuśala), ưa dính Nhân Duyên, an trụ tất cả Phiền Não (Kleśa), Kiết Sử (Saṃyojana), thường cùng tương ứng với điên đảo chướng ngại,  nắm giữ bền chắc chẳng buông bó Ái Kiến Phiền Não. Pháp hết thảy Nghiệp thân miệng ý đều cùng tương ứng với danh lợi, các Dục. Như vậy tất cả đều gọi là chướng ngại

Đức Như Lai đều biết, vì chúng sinh, như thật nói nơi Pháp không có chướng ngại, khiến cho chướng ngại ấy bị chặt đứt hẳn chẳng sinh ra nữa. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ mười ba của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Phật hiểu Pháp chướng ngại

Chẳng thể chứng giải thoát

Là Tâm chẳng thanh tịnh

Không Tàm (Hrī: sùng kính các Công Đức với người có Đức) cũng không Quý (Apatrāpya: ghê sợ tội lỗi)

_Trong Nghiệp thân miệng ý

(không có), Hữu (có được), Vô Biểu Giới

Tham Dục (Lobha), Sân (Dveṣa), Si (Moha), Bố (Vibhīṣaṇa:sợ hãi)

Khởi Ác Hạnh vô biên

Giết, trộm, với Tà Dâm

Nói dối, uống các rượu

Sáu Bất Kính, bảy Mạn

Tám Tà Đạo thường hành

Chín não, mười nhân ác

Phật nói đều chướng ngại

Tu tập niệm Bất Thiện

_Phật biết nguồn điên đảo

Trong Không (Abhāva:vô) chấp dính chặt

Từ Bi vì nói Pháp

Khiến lìa Nhân (Hetu) chướng ngại”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Đức Như lai như thật tuyên nói hay chấm dứt con đường đau khổ (Duḥkha-mārga: khổ đạo), tất cả chúng sinh y theo đây tu tập đều được giải thoát.

Ở trong nghĩa này, tất cả Thế Gian: hoặc Trời hoặc người không ai có thể nói như Lý rằng: ‘Điều mà Đức Như Lai đã nói chẳng phải là con đương giải thoát (Vimukti-mārga:giải thoát đạo)”

Thế nào gọi là Chân Giải Thoát Đạo? Ấy là: một con đường là con đường giải thoát, đối với các chúng sinh khởi Tâm thanh tịnh

Lại có hai con đường là con đường giải thoát, ấy là: Xa Ma Tha (Śamatha:Thiền Chỉ), Tỳ Bát Xá Na (Vipaśyana:Thiền Quán)

Lại có ba con đường là con đường giải thoát, ấy là: Pháp Môn Không (Śūnyatā), Vô Tướng (Animitta), Vô Nguyện (Apraṇihita)

Lại có bốn con đường là con đường giải thoát, ấy là bốn Niệm Xứ (Catvāri-smṛty-upasthānāni) là Thân, Thọ, Tâm, Pháp

Thế nào là Thân Niệm Xứ (Kāya-smṛty-upasthānāni)? Ấy là quán Nội Thân Tuần Thân Quán (quán sát thân của mình: từ đầu đến chân theo thứ tự trải qua việc xem xét 36 vật là: tóc, lông, răng…), Tâm được an trụ. quán Ngoại Thân Tuần Thân Quán (quán sát sắc xứ bên ngoài thân của mình, theo thứ tự trải qua việc xem xét hình sắc, âm thanh, mùi ngửi, vị nếm, sự tiếp chạm),Tâm được an trụ. quán Nội Ngoại Thân Tuần Thân Quán (quán sát thân của mình với sắc xứ bên ngoài thân, theo thứ tự trải qua việc xem xét 36 vật trong thân với hình sắc, âm thanh, mùi ngửi, vị nếm, sự tiếp chạm bên ngoài),Tâm được an trụ. Đây gọi là Thân Niệm Xứ

Thế nào là Thọ Niệm Xứ (Vedana-smṛty-upasthānāni)? Ấy là quán sát cảm giác được sinh bên trong thân (nội thọ), cảm giác được sinh ra bên ngoài thân (ngoại thọ), cảm giác được sinh ra bên trong và bên ngoài thân (nội ngoại thọ), xem xét theo thứ tự các cảm giác đã trải qua (tuần thọ quán), Tâm được an trụ

Thế nào là Tâm Niệm Xứ (Citta-smṛty-upasthānāni)? Ấy là quán sát Tâm ở bên trong thân (nội tâm), Tâm ở bên ngoài thân (ngoại tâm), Tâm ở bên trong và bên ngoài thân (nội ngoại tâm), xem xét theo thứ tự các Tâm đã trải qua (tuần tâm quán), Tâm được an trụ

Thế nào là Pháp Niệm Xứ (Dharma-smṛty-upasthānāni)? Ấy là quán sát Pháp ở bên trong thân (nội Pháp), Pháp ở bên ngoài thân (ngoại Pháp), Pháp ở bên trong và bên ngoài thân (nội ngoại Pháp), xem xét theo thứ tự các Pháp đã trải qua (tuần pháp quán), Tâm được an trụ

Lại nữa có năm con đường là con đường giải thoát. Thế nào là năm? Ấy là: Tín Căn (Śraddha-indriya), Tiến Căn (Vīrya-indriya), Niệm Căn (Smṛti-indriya), Định Căn (Samādhi-indriya), Tuệ Căn (Prajña-indriya)

Lại nữa có sáu con đường là con đường giải thoát. Thế nào là sáu? Ấy là: Niệm Phật (Buddhānu-smṛti), Niệm Pháp (Dharmānu-smṛti), Niệm Tăng (Saṃghānu-smṛti), Niệm Giới (Śīlānu-smṛti), Niệm Xả (Tyāgānu-smṛti:niệm thí), Niệm Thiên (Devānu-smṛti)

Lại nữa có bảy con đường là con đường giải thoát. Thế nào là bảy? Ấy là: Niệm Giác Phần (Smṛti-saṃbodhyaṅga), Trạch Pháp Giác Phần (Dharma-pravicaya-saṃbodhyaṅga), Tinh Tiến Giác Phần (Vīrya-saṃbodhyaṅga), Hỷ Giác Phần (Prīti-saṃbodhyaṅga), Khinh An Giác Phần (Prasabahi-saṃbodhyaṅga), Định Giác Phần (Samādhi-saṃbodhyaṅga), Xả Giác Phần (Upekṣa-saṃbodhyaṅga)

Lại nữa có tám con đường là con đường giải thoát. Thế nào là tám? Ấy là: Chính Kiến (Samyag-dṛṣti), Chính Tư Duy (Samyak-saṃkalpa), Chính Ngữ (Samyag-vāc), Chính Nghiệp (Samyak-karmānta), Chính Mệnh (Samyag-ājīva), Chính Tinh Tiến (Samyag-vyāyāma), Chính Niệm (Samyag-smṛti), Chính Định (Samyak-samādhi)

Lại nữa có chín con đường là con đường giải thoát. Ấy là: Sơ Thiền (Prathama-dhyāna), Nhị Thiền (Dvitīya-dhyāna), Tam Thiền (Tṛtīya-dhyāna), Tứ Thiền (Catvāri-dhyāna), Không Xứ (Ākāśanantyāyatana), Thức Xứ (Vijñānantyāyatana), Vô Sở Hữu Xứ (Ākiṃcanyāyatana), Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Naivasaṃjñā-nāsaṃjñāyatana), Diệt Thọ Tưởng Định (Nirodha-samāpatti)

Lại nữa có mười con đường là con đường giải thoát. Ấy là:  chẳng sát sinh (Pāṇāṭipātā- paṭivirati), chẳng trộm cắp (Adattādānā-dvirati), chẳng Tà Hạnh (Kāma-mithyācārā-dvirati), chẳng nói dối (Mṛṣāvādāvirati), chẳng nói hai lưỡi (Paisunyātvirati), chẳng nói điều ác (Pāruṣyātprativirati), chẳng nói thêu dệt phù phiếm (Saṃbhinnapralāpāt-prativirati), chẳng tham dục (Abhidhyāyāḥ-prativirati), chẳng giận dữ (Vyāpādāt-prativirati), chẳng Tà Kiến (Mithyā-dṛṣṭi-prativirati). Đây gọi là mười.

Như vậy hết thảy các Thiện (Kuśala), Pháp Bồ Đề Phần (Bodhyaṅga), hoặc Giới Uẩn (Śīla-skandha:nghiệp Thân Ngữ vô lậu) tương ứng, hoặc Định Uẩn (Samādhi-skandha:ba Tam Muội của hàng Vô Học là Không, Vô Tướng Vô Nguyện) tương ứng, Tuệ Uẩn (Prajñā-skandha: Chính Kiến, Chính Tri của hàng Vô Học) tương ứng, Giải Thoát Uẩn (Vimukti-skandha:cùng với Thắng Giải của Chính Kiến tương ứng) tương ứng, Giải Thoát Tri Kiến Uẩn (Vimukti-jñāna-darśana-skandha:Tận Trí, Vô Sinh Trí của hàng Vô Học) tương ứng, hoặc Thánh Đế (Ārya-satya) tương ứng đều là con đường giải thoát

Lại có con đường giải thoát. Ấy là Chân Chính Trung Đạo không có chút gì có thể đắc được, chẳng tăng chẳng giảm, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng nhiếp chẳng tan, được con đường chân thật, hai Niệm chẳng sinh do tất cả Pháp vốn không có hai.

Đức Như Lai ở trong con đường giải thoát này thấy biết chân thật, cũng vì chúng sinh tuyên nói như vậy, nếu có người tu tập thì hay dứt hết được cội nguồn đau khổ. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ mười bốn của Như Lai

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Tu tập Đạo thanh tịnh

Tăng ích, vô lượng vui

Hay hướng nẻo Cam Lộ

Trí Phật biết tự nhiên

_Hết thảy mọi Nhân (Hetu) Thiện

Là Phật Bồ Đề Phần

Người tu được giải thoát

Không thể nói là sai (phi)

_Chính Niệm diệt trần lao

Hay cùng Thiện hòa hợp

Xa sai (phi), chẳng chấp dính

Được Niết Bàn an vui

_Khéo léo quán Nhân Duyên

Như rỗng (Śūnya:không) không chỗ có

Như Huyễn cũng như Mộng

Hay thoát dòng sinh tử

_Y Định (Samādhi) khởi Tâm Bi

Thoát luân chuyển các cõi (chư hữu)

Đây là nghiệp Đại Tiên

Thế Gian không gì bằng”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Thân của Đức Như Lai không có lỗi lầm. Tất cả Phàm Phu hoặc người Thắng Trí tìm được chút phần lỗi lầm của Đức Như Lai thì không có điều này.

Tại sao thế? Vì Thân Nghiệp của Đức Như Lai có Nghi Phạm (dáng vẻ trang nghiêm khuôn mẫu, lễ pháp, lễ nghi) đoan nghiêm, đi không có liếc nhìn, khoác Tăng Già Lê (Saṅghatī: một trong ba loại áo của Tỳ Kheo), mặc áo, ôm bình bát: đi, đứng, ngồi, nằm, tiến, dừng, quay lại, ra vào thôn phường, đi lại thành ấp… Như vậy tất cả thận trọng kỹ lưỡng an lành, bàn chân chẳng chạm đất nhưng khiến ở mặt đất hiện ra tướng bánh xe ngàn căm rõ ràng, lại có hoa sen thơm tho thù diệu nâng đỡ bàn chân ấy. Phàm các loài động vật (xuẩn động) tiếp chạm với vết tích của Đức Như Lai thì bảy ngày bảy đêm an ổn bình tĩnh (thái nhiên), đời sau sinh vào cõi người, Trời thọ nhận niềm vui thắng diệu.

Ca Sa (Kaṣaya:áo hoại sắc không có màu chính) của Đức Như Lai lìa thân bốn Thốn (4/3 dm) mà chẳng bị rơi xuống, gió xoáy gió mạnh chẳng thể thổi cho lay động, thân thường tỏa ánh sáng,  phàm chỗ được chiếu chạm đến, cho đến bờ mé bên dưới, địa ngục A Tỳ (Avīci) lìa khổ được trong mát. Do nhóm như vậy cho nên nói Thân Nghiệp của Đức Như Lai không có lỗi lầm.

 .)Lại nữa, Thiện Nam Tử! Ngữ Nghiệp của Đức Như Lai không có lỗi lầm. Tất cả Phàm Phu, hoặc ngu hoặc trí tìm được lỗi lầm thì không có điều này. Tại sao thế?

Này Thiện Nam Tử! Đức Như Lai biết lúc nào nên nói, cho nên Thời Ngữ, Chân Ngữ, Thật Ngữ, Nghĩa Ngữ…. như Thuyết mà thực hành không có sai lầm. Nói chẳng cần lập lại, tất cả chúng sinh nghe được, đều vui vẻ, dùng nghĩa của chữ sâu xa trang nghiêm ngữ ngôn, một âm nói Pháp thì nhóm khác loài đều hiểu được. Do nghĩa này cho nên nói ngữ nghiệp của Đức Như Lai không có lỗi lầm.

 .)Lại nữa, Thiện Nam Tử! Ý Nghiệp của Đức Như Lai không có lỗi lầm. Tất cả Phàm Phu hoặc ngu hoặc trí tìm được lỗi lầm thì không có điều này. Tại sao thế? Vì Đức Như Lai thường trụ Tam Ma Hứ Đa (Samāhita: Đẳng Dẫn) thực hành Hạnh của chư Phật thường không có tán loạn. Dùng Trí không có dính mắc (vô trước Trí) biết tất cả Pháp, thế nên Ý Nghiệp của Đức Như Lai không có lỗi lầm.

Thiện Nam Tử! Đức Như Lai tự trụ Pháp không có lỗi lầm, cũng vì chúng sinh nói Pháp như vậy, khiến cho được Pháp không có lỗi lầm của Như Lai. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ mười lăm của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

 “_Thế Tôn: trong (nội:bên trong) không phiền não, sai (phi)

Nghiệp thân miệng ý: sạch không vết

Thế Tôn: trong (nội:bên trong) không phiền não, sai (phi)

Hay lợi ích khắp các Hàm Thức (Satva: hữu tình, chúng sinh)

_Muốn chặt lỗi lầm của chúng sinh

Nên nói Môn vắng lặng tối thắng

Khiến không lầm lỗi, đồng Thế Tôn

Đây Nghiệp Như Lai thứ mười lăm” 

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Đức Như Lai không có tướng khác, âm tiếng (Śabda: thanh) của nhóm khổ vui, thế nên tất cả người, Trời, Ngoại Đạo, hoặc Ma (Māra) hoặc Phạm (Brahma) không ai có thể nói âm tiếng của Đức Phật có lỗi lầm.

Không có tiếng của nhóm nào? Ấy là Đức Như Lai không có âm tiếng lo lắng, vui vẻ. Tại sao thế? Vì lìa yêu, giận vậy. (Đối với) Tất cả chúng sinh: mọi loại cúng dường, cung kính, khen ngợi… thì chẳng sinh Tâm vui vẻ cũng chẳng cao ngạo. (Đối với) Tất cả chúng sinh chẳng tu kính dưỡng, chê bai, mắng chửi… thì chẳng sinh Tâm oán giận cũng chẳng thấp kém

Đức Như Lai không có âm tiếng hối hận. Tại sao thế? Vì sự nghiệp đã làm không có chút gian nan, đã rốt ráo vậy.

Đức Như Lai không có âm tiếng tranh luận. Tại sao thế? Vì xưa kia thường trụ A Lan Nhã (Araṇya:nơi vắng lặng thích hợp cho người xuất gia tu hành và cư trú), lìa cái Ta (Ātman:Ngã), cái của Ta (Mama-kāra:Ngã sở), không có chọn lấy, không có tìm cầu, đã thoát phiền não, các sự trói buộc vậy.

Này Thiện Nam Tử! Đức Như Lai tự trụ âm tiếng không có tướng khác, cũng vì chúng sinh nói Pháp như vậy, khiến lìa âm tiếng của tướng khác như vậy. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ mười sáu của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Cung kính, khen ngợi, Tâm chẳng cao

Khinh mạn, mắng chửi, Tâm chẳng thấp

Xa lìa Pháp yêu, giận với Phi Pháp

Đời trước Diệu Hạnh không ky hiềm (chê trách, nghi ngờ, ghét bỏ)

_Phật, xưa tu trì nơi vắng lặng (Araṇya: A Lan Nhã)

Ngã Sở (Mama-kāra:cái của Ta), Thủ Kết (Parāmarśa-saṃjojana: một trong 9 loại phiền não cột trói chúng sinh) đều không có

Trụ Pháp như vậy, nói như vậy

Nghiệp Tối Thắng này, duy (chỉ có) Như Lai”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Đức Như Lai không có quên mất Niệm (Smṛti:nghĩ nhớ), không có chút Pháp nào mà chẳng ghi nhớ rõ. Do đâu không có quên? Ấy là các Tĩnh Lự (Dhyāna: Thiền), Giải Thoát (Vimukti), Tam Muội (Samādhi:Định), Tam Ma Bát Để (Samāpatti: Đẳng Chí)… trong Pháp như vậy đều không có quên mất. Lại biết Tâm Hạnh của chúng sinh khởi động, nhìn ngó, qua lại… tùy nghi nói Pháp cũng không có quên mất. Trong nghĩa của Pháp (Pháp nghĩa), phân tích lời văn (từ biện), không có chỗ sợ hãi (vô sở úy) cũng không có quên mất.

Đức Như Lai tự trụ Trí Tuệ không có dính mắc, Trong Pháp của ba đời nghĩ nhớ không có quên mất, cũng vì chúng sinh nói Pháp như vậy, khiến cho được nơi nghĩ nhớ không có quên mất. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ mười bảy của Như Lai

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Tối Thắng Pháp Vương không quên mất

Nhóm Thiền Định, Pháp Trí không sót

Tâm Hạnh chúng sinh thảy đều biết

Tùy nghi tuyên nói không chỗ sợ

_Các Thừa (Yāna), tất cả Pháp ba đời

Trí Tuệ không dính cũng không quên

Tù không quên mất, nói cũng thế

Sự Nghiệp của Trượng Phu tối thắng”

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Tất cả Như Lai không có Tâm chẳng định (bất định Tâm). Ấy là: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, nói năng, im lặng. Trong Thời như vậy thường trụ Tam Ma Hứ Đa (Samāhita: Đẳng Dẫn) thâm sâu, vào các Tam Muội, đến ở bờ bên kia, ở các Thiền Định không có chướng ngại, tất cả loại người Trời không có một ai có thể quán được chỗ trụ Tam Ma Hứ Đa (Samāhita) của Đức Như Lai, chỉ trừ uy đức của đấng Thế Tôn mới đến kịp

Đức Như Lai tự trụ Tâm không có gì chẳng Định (vô bất định Tâm), cũng vì chúng sinh nói Pháp như vậy, khiến cho buông bỏ tán loạn. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ mười tám của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Như Lai thường trụ Tam Ma Địa (Samādhi)

Đi, đứng, nằm, ngồi, tất cả Thời

Ăn uống, nói, nín… lợi chúng sinh

Luôn ở Tam Muội, không dao động

Chúng sinh trong mười phương Thế Giới

Không thể lường Tâm Định (Tam Muội Tâm) của Phật

Cũng vì chúng sinh nói Môn này

Đây sự nghiệp khó bàn (nan tư) của Phật”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Tất cả Như Lai không có mọi loại Tưởng (Saṃjñā). Do lìa mọi loại các Tưởng khác, cho nên Tâm không có cao thấp.

Vì sao mà Đức Như Lai không có mọi loại Tưởng? Ấy là ở các cõi Phật (Buddha-kṣetra: Phật sát) không có mọi loại Tưởng vì Thể Tính của cõi Phật đồng với Hư Không không có cùng tận vậy. Nơi các chúng sinh không có mọi loại Tưởng vì Bản Tính của chúng sinh đồng với Vô Ngã (Anātman) vậy. Ở trong chư Phật không có moại loại Tưởng vì đồng với Trí bình đẳng chứng Chân Pháp Giới, một Tướng không có tạp không có phá hoại vậy. Ở trong Phật Pháp không có mọi loại tưởng vì Tính của tất cả các Pháp không có nhiễm vậy. Thấy người Trì Giới chẳng sinh niệm yêu thích, thấy người hủy Cấm Giới chẳng sinh giận oán. Ta Người (tự tha) được lợi thì Tâm chẳng tăng cao, Ta Người (tự tha) mất lợi thì Tâm chẳng giảm ít. Đối với bậc Chính Kiến cũng chẳng tôn trọng, đối với kẻ Tà Kiến cũng chẳng khinh rẻ. Tại sao thế? Vì Đức Như Lai trụ ở Tính bình đẳng vậy.

Đức Như Lai tự trụ các Pháp bình đẳng, không có mọi loại Tưởng, cũng vì chúng sinh nói Pháp như vậy khiến cho lìa các Tưởng. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ mười chín của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Bậc Thiện Thệ (Sugata) không các Tưởng khác

Vì lợi chúng sinh trong Phật Pháp

Các Tưởng như vậy, trọn không có

Nơi Đấng Đại Danh Xưng đã trụ

_Trì Giới, phá Giới với được, mất

Dễ điều, khó điều: Tâm bình đẳng

Lưỡng Túc Tôn (Dvipadottama:Tôn Hiệu của Đức Phật) vì các chúng sinh

Nói Pháp khiến thoát các Tà Chấp

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Đức Như Lai Chính Giác không có gì chẳng chọn buông bỏ (trạch xả). Tại sao thế? Đức Như Lai tu tập buông bỏ (xả) các Thiện Đạo (Kuśala-mārga:con đường tốt lành) chẳng phải là chẳng tu tập mà có chỗ buông bỏ. Ấy là tu tập Thân Giới, Tâm Tuệ như vậy rồi buông bỏ. Sự buông bỏ của Đức Như Lai cùng với Trí (Jñāna) tương ứng, chẳng phải là không biết con đường Xuất Thế (Lokottara-mārga:xuất thế đạo) này. Buông bỏ Thánh Giải Thoát chẳng phải là Thế Gian chẳng phải là Thánh Giải Thoát mà có chỗ buông bỏ. Sự buông bỏ như vậy chẳng buông bỏ Đại Bi (Mahā-kāruṇa) hay chuyển Phạm Hạnh (Brahma-caryā), lợi ích chúng sinh tự nhiên thành tựu, chẳng phải là đợi đối với Nhân Duyên hòa hợp mà được thành tựu.  Sự buông xả của Đức Như Lai này không có cao thấp, bình đẳng an trụ được chẳng dao động. Thể không có hai, xa lìa hai tướng, thảy đều vượt qua hẳn có lượng, không có lượng.  Đợi Thời mà buông bỏ, chẳng vượt qua nơi Thời, chẳng phải là Cảnh Giới động niệm của Tâm Ý Thức, chẳng phải là mượn an lập, chẳng phải là có phân biệt, chẳng phải là gom chứa (tích tụ), chẳng phải là thấy sai biệt. Sự buông bỏ như vậy là chân thắng nghĩa thường hằng chẳng biến đổi. Đây là Đại Xả viên mãn của Đức Như Lai, cũng vì chúng sinh nói Pháp như đây khiến cho được Đại Xả viên mãn như vậy.

Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ hai mươi của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Như Lai không có chẳng chọn bỏ

Tu Đạo tối thắng, nhân duyên Thiện

Thân Giới, Tâm Tuệ thứ tự tu

Tối thắng trong người, không yêu giận

_Chẳng mượn phân biệt, không phân biệt

Chẳng gom chứa, bỏ (xả) cùng tương ứng

Chân thật chẳng biến, trong Đại Xả

Rộng vì chúng sinh, nói như vậy”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Chư Phật Như Lai ưa muốn không có giảm, ấy là muốn Pháp tốt lành (Kuśala-dharma:Thiện Pháp). Thế nào gọi là muốn của Pháp tốt lành? Ấy là Đức Như Lai muốn Đại Từ (Mahā-maitra) không có giảm, muốn Đại Bi (Mahā-kāruṇa) không có giảm, muốn nói Pháp không có giảm, muốn điều phục chúng sinh không có giảm, muốn thành thục chúng sinh không có giảm, muốn thích ở chỗ vắng lặng không cho giảm, muốn các chúng sinh phát Tâm Bồ Đề không có giảm, muốn khiến cho các chúng sinh nối tiếp mầm giống Tam Bảo không có giảm. Đức Như Lai không có muốn tùy theo sự xấu ác của Tâm.

Phàm có Trí  muốn sự tốt lành (Thiện Dục Trí) làm con đường sáng (quang đạo), muốn tự đẩy đủ sự tốt lành, cũng vì chúng sinh nói Pháp như vậy, khiến cho muốn được Nhất Thiết Trí viên mãn tối thắng của Như Lai. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ hai mươi mốt của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Phật muốn Thiện Pháp đã viên cực (viên mãn đến cùng tột)

Từ Bi thường chuyển, độ chúng sinh

Thành thục khuyên phát Tâm Bồ Đề

Nối mầm Tam Bảo chẳng đoạn tuyệt

_Chẳng thuận Tham Dục (Lobha), sân (dveṣa),  si (Moha), sợ (Vibhīṣaṇa)

Phàm Trí có chỗ muốn (hữu sở dục Trí) làm đầu

Bậc Tối Thắng Trí biết như vậy

Thương xót chúng sinh nhiều lười biếng

Không muốn Thiện Pháp, nhiều ác dục

Dạy khiến muốn Thiện, tu Chính Cần (Samyag-vīrya:chính tinh tiến)

Nghiệp Vô Đẳng Trí lợi chúng sinh

Hữu Tình nhân đây đều điều phục”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Đức Như Lai không có giảm hết thảy tinh tiến. Đức Như Lai đối với tinh tiến nào không có giảm? Ấy là điều phục chúng sinh: quán sát xem xét kỹ lưỡng, tinh tiến không có giảm.

Nếu có chúng sinh chuyên Tâm nghe Pháp thì vị họ diễn nói, chẳng ngại khó nhọc, tinh tiến không có giảm.

Nếu có chúng sinh một Kiếp nghe Pháp, Thân Tâm chẳng mệt mỏi thì Đức Phật cũng một Kiếp hoặc hơn một Kiếp chẳng rời khỏi tòa ngồi, chẳng ăn, chẳng uống, nói Pháp không có đứt đoạn.

Nếu lại vượt qua bên ngoài hằng sa cõi nước, có một chúng sinh kham nhậm điều phục, liền đến giáo hóa khiến tu Chính Hạnh mà Thân Tâm của Đức Phật không có lười biếng mệt mỏi, an vui vắng lặng tự thực hành tinh tiến được Thánh Giải Thoát, cũng vì chúng sinh khen ngợi tinh tiến. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ hai mươi hai của Như Lai

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

 “_Tinh tiến sinh ra Nhân Sư Tử (Nṛsiṃha: một Tôn Hiệu của Đức Phật)

Thế nên thường khen nơi tinh tiến

Niệm niệm dũng mãnh, không lúc giảm

Có kham nghe Pháp, thường tuyên nói

_Thiện Thệ tinh tiến không ngơi nghỉ

Nghiệp thâm miệng ý chẳng mệt mỏi

Tụ nhiên mạnh cứng, lìa sai quấy (Phi)

Cũng khuyên chúng sinh khởi tinh tiến”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Đức Như Lai Chính Giác ở tất cả Thời, khắp tất cả Xứ, Chính Niệm (Samyak-smṛti) không có giảm

Thế nào là Thời Xứ chính niệm không có giảm? Này Thiện Nam Tử! Đức Như Lai bắt đầu từ con đường không có gián đoạn, sau này được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác). Tức quán tất cả chúng sinh trong ba đời: Tâm Hạnh nối tiếp nhau sinh diệt chảy rót. Biết như vậy xong thì niệm niệm chẳng quên, chẳng cầu chẳng lùi cho nên thường không có giảm

Đức Như Lai hay quán sát khắp ba Tụ (chính định tụ, tà định tự, bất định tụ) Chính Niệm không có giảm. Ấy là vào sâu trong các Căn, Tâm Hạnh của chúng sinh, tuy Niệm không có động mà xét tìm phân biệt, rồi vì họ nói Pháp không có thác loạn. Thế nên Đức Như Lai niệm không có giảm thiếu, cũng vì chúng sinh nói Pháp này khiến cho Niệm không có giảm. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ hai mươi ba của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Phật niệm chẳng nghĩ, thường chẳng giảm

Biết hết chúng sinh giới không sót

Từ khi giác ngộ Đại Bồ Đề (Mahā-bodhi)

Biết khắp ba đời, không nghĩ lại (tái niệm)

Khéo biết chúng sinh: Tâm Hạnh khác

Các Căn, ưa muốn đều chẳng đồng

Trụ Vô Công Dụng Nghiệp thường hằng

Cũng vì chúng sinh, nói Thắng Pháp”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Hết thảy Tam Muội của Như Lai không có giảm. Vì sao Tam Muội của Như Lai không có giảm? Vì Tam Muội của Như Lai đối với tất cả Pháp bình đẳng, không có hai, không có cao thấp như Chân Thật Nghĩa Đế của tất cả Pháp

Tại sao thế? Vì Tam Muội (Samādhi) tức là Thể Tính của các Pháp bình đẳng,  Tính này bình đẳng tức Tam Muội bình đẳng, Tam Muội bình đẳng tức là Như Lai. Do nghĩa này cho nên nói Tam Muội của Phật được ở Tính bình đẳng của các Pháp.

Thế nào là Tính bình đẳng của các Pháp? Ấy là bờ mé nhiễm dục bình đẳng tức lìa bờ mé Dục bình đẳng, bờ mé oán giận bình đẳng tức lìa bờ mé giận dữ bình đẳng, bờ mé ngu si bình đẳng tức lìa bờ mé ngu si bình đẳng, bờ mé Hữu Vi bình đẳng tức bờ mé Vô Vi bình đẳng, bờ mé sinh tử bình đẳng tức bờ mé Niết Bàn bình đẳng. Nhập vào bình đẳng này, thế nên nói gọi hết thảy Tam Ma Hứ Đa (Samāhita), Tam Muội (Samādhi) của Như Lai không có giảm. Vì sao không có giảm? Vì cùng với bình đẳng không có tăng giảm vậy

Lại Tam Muội của Đức Phật chẳng cùng với con mắt hợp, chẳng cùng với lổ tai hợp, chẳng cùng với lỗ mũi, cái lưỡi, thân xác, Ý hòa hợpĐức Như Lai không có phân biệt Căn (Indriya) vậy.

Tam Muội của Như Lai cũng chẳng cùng với Địa Giới hòa hợp, cũng chẳng hợp với Giới: Thủy (nước), Hỏa (lửa), Phong (gió), cũng chẳng hợp với ba cõi ba đời. Thể Tính chẳng hòa hợp này bình đẳng, cũng vì chúng sinh nói như Pháp này, đều khiến cho được Tam Muội này không có giảm. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ hai mươi bốn của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Tam Muội Như Lai không tăng giảm

Thường tại Đẳng Dẫn (Samāhita) lợi chúng sinh

Thể Tính bình đẳng không cao thấp

Chẳng cùng các Pháp mà hòa hợp

_Quán sát Giới: đất, nước, lửa, gió

Cõi Dục (Kāma-dhātu), Sắc (Rūpa-dhātu), Vô Sắc (Arūpa-dhātu) cũng thế

Luôn nói Môn không giảm không hợp

Nên Định của Như Lai không giảm”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Trí Tuệ của Như Lai không có giảm. Thế nào gọi là Trí Tuệ không có giảm? Ấy là hiện chứng Trí Tự Thể của tất cả Pháp, khắp vì tất cả chúng sinh sai biệt, mở bày diền nói Trí của tất cả Pháp, Trí Tuệ khéo léo không có ngăn ngại, nhỏ nhiệm thâm sâu không có cùng tận, Trí phân tích một câu nhập vào vô số câu, trăm ngàn ức Kiếp thọ trì diễn nói không có cùng tận, Trí mỗi mỗi thưa hỏi riêng, mỗi mỗi đều chặt đứt nghi ngờ, ở tất cả xứ đều không có dính mắc, Trí hay nói sự sai biệt thứ tự nối tiếp nhau của ba Thừa, Trí hay biết tám vạn bốn ngàn Tâm Hạnh sai biệt của chúng sinh, dùng tám vạn bốn ngàn Pháp Uẩn (Dharma-skandha) tùy theo căn cơ nói, Trí điều phục chúng sinh chẳng lỗi Thời

Do nghĩa này cho nên nói Trí Tuệ của Như Lai không có bờ, không có mé, không có tận, có vô lượng Môn, ấy là Trí Tuệ của Như Lai không có giảm, cũng vì chúng sinh tuyên nói như vậy, khiến cho được Trí Tuệ không có cùng tận của Như Lai. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ hai mươi lăm của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Trong tất cả Giáo (Śāstra) Trí hiện tiền

Không ngại, tự tại đến bờ kia

Tự nhiên nói Pháp, lợi Hàm Thức

Tùy Căn, một câu vào vô biên

_Hiểu Hạnh chúng sinh, khó xưng lường

Vì nói tám vạn bốn ngà Pháp

Trí Tuệ vô biên không thể giảm

Nghiệp mười sức tối thắng (tối thắng thập lực nghiệp) khó lường”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Sự Giải Thoát (Vimukti) của Đức Như Lai Thế Tôn không có giảm.

Vì sao sự giải thoát của Như Lai không có giảm? Ấy là sự giải thoát của Thanh Văn tùy thuận vào âm tiếng mà được. Sự giải thoát của Duyên Giác do ngộ được Nhân Duyên sinh xa lìa tất cả nơi chấp dính đã dây lên, chẳng duyên vào Tiền Tế (quá khứ), chẳng nhập vào Hậu Tế (tương lai), chẳng dính mắc hiện tại. Đối với con mắt, đối với hình sắc chẳng dính mắc hai tướng. Lỗ tai với âm thanh, cái mũi với mùi ngửi, cái lưỡi với vị nếm, cái thân với sự tiếp chạm, cái Ý với Pháp… cũng thế, chẳng dính mắc hai tướng cho nên gọi là Giải Thoát.

Lại có sự nhỏ nhiệm, hoặc chấp, hoặc dính mắc, hoặc Ý phân biệt… xa lìa ba điều này liền được giải thoát, thấy ánh sáng Trí Tuệ thuộc Tự Tính của Tâm, cho nên Giải Thoát này tức là Trí Tuệ. Thế nên nói một sát na Tâm cùng với Trí tương ứng, liền được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác)

Đức Như Lai Đẳng Chính Giác như vậy xong, cũng vì chúng sinh nói Pháp như vậy khiến cho được giải thoát. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ hai mươi sáu của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Thanh Văn tùy thuận tiếng (Śabda) giải thoát

Bích Chi Phật ngộ Nhân Duyên sinh

Thiện Thệ giải thoát như Hư Không

Không dơ, không dính rất tôn thắng

_Biết rõ Tâm quá khứ chảy rót

Bản Tính giải thoát, được không cột

Nơi không trói buộc biết như thật

Nên nói Giải Thoát chẳng thể giảm”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Trí Thân Nghiệp của Đức Như Lai là con đường trước tiên, tùy theo Trí Tuệ thực hành, ấy là Thân Nghiệp của Đức Như Lai viên mãn đầy đủ. Hoặc có chúng sinh vừa mới thấy Thân của Đức Phật mà được điều phục. Hoặc nghe nói năng (ngữ ngôn) mà được điều phục, hoặc thấy im lặng mà được điều phục, hoặc thọ nhận thức ăn uống mà được điều phục. Như vậy, hoặc bốn uy nghi, hoặc nhìn thấy tướng tốt đẹp, hoặc chẳng nhìn thấy Đỉnh (Uṣṇīsa:đỉnh kế, nhục kế), hoặc lại nhìn ngó, hoặc phóng ánh sáng, nhấc bàn chân, hạ bàn chân, khi ra vào thành ấp thôn xóm thời chúng sinh nhìn thấy đều được điều phục, cho nên uy nghi của Đức Phật không có chút phần nào chẳng thể điều phục tất cả chúng sinh. Thế nên nói rằng: “Trí Thân Nghiệp của Đức Như Lai làm con đường trước tiên, tùy theo Trí Tuệ chuyển”.

Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ hai mươi bảy của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Nếu thấy uy nghi Thân tối thắng

Hoặc ra, hoặc vào, hoặc tướng tốt

Hoặc thấy tướng Ô Sắt Ni Sa (Uṣṇīsa:đỉnh kế, nhục kế)

Đều đặt chúng sinh trong điều phục

_Tối Thắng Tôn hoặc phóng ánh sáng

Vô lượng chúng sinh đều an vui

Người chạm ánh sáng đều điều phục

Nghiệp Lưỡng Túc Tôn rất khó lường”

 

_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Hết thảy tất cả Trí Ngữ Nghiệp của Đức Như Lai làm con đường trước tiên, tùy thuận Trí thực hành.

Thế nào gọi là tùy thuận Trí thực hành? Đức Như Lai nói Pháp không có chướng ngại, hay nói đầy đủ văn nghĩa không có thiếu, âm tiếng (Śabda: thanh) của lời nói phát ra nhập vào Tâm của chúng sinh phát sinh Trí Tuệ. Ấy là tiếng chẳng cao, tiếng chẳng thấp, tiếng chính trực, tiếng chẳng chẳng khiếp sợ, tiếng chẳng ngượng nghịu, tiếng chẳng tục tằn thô kệch, tiếng không có Trù Lâm (Gahana: dụ cho phiền não tà kiến của chúng sinh), tiếng rất nhu nhuyễn, tiếng có kham nhận, tiếng chẳng phá vỡ, tiếng luôn xem xét quyết định, tiếng chẳng nhanh quá, tiếng chẳng chậm quá, tiếng không có sai lầm, tiếng phân tích khéo, tiếng của ngôn từ màu nhiệm, tiếng màu nhiệm sâu xa, tiếng màu nhiệm rộng lớn, tiếng suối tuôn chảy, tiếng chẳng đứt đoạn, tiếng trau chuốt tinh tường (nhuận thục), tiếng tinh thâm hay khéo (thâm mỹ), tiếng hòa hợp, tiếng trang nghiêm, tiếng lợi ích, tiếng trong trẻo, tiếng không có vết tích ô nhiễm (Rajas:trần, bụi bặm), tiếng không có phiền não, tiếng không có nhiễm dơ (cấu nhiễm), tiếng không có ngu si, tiếng rất hăng hái mạnh mẽ (sí thịnh), tiếng không có chỗ dính mắc, tiếng khéo giải thoát, tiếng rất thanh tịnh, tiếng không có quanh co, tiếng không có thấp kém, tiếng không có cứng ngắc, tiếng không có chậm chạp (mạn hoãn), tiếng hay sinh an vui, tiếng khiến cho Thân thanh tịnh, tiếng khiến cho Tâm vui vẻ, tiếng mừng vui con đường trước tiên, tiếng Ý trước tiên thưa hỏi, tiếng hay làm sạch Tham Dục, tiếng chẳng dấy lên oán giận, tiếng hay diệt ngu si, tiếng hay ăn nuốt chúng Ma, tiếng hay phá vỡ nghiệp ác, tiếng hay thiêu đốt Ngoại Luận, tiếng tùy thuận giác ngộ, tiếng như đánh trống Trời, tiếng người Trí nghe vui, Tiếng Thích Đề Hoàn Nhân (Śakra-devānām-indra:Trời Đế Thích), tiếng Đại Phạm Thiên Vương, tiếng sóng dâng lên của biển lớn, tiếng mây sấm rền khắp, tiếng đại địa chấn động, tiếng Ca Lăng Phả Già (Kalaviñka), tiếng chim Câu Chỉ La (), tiếng chim Mệnh Mệnh (Jīvaṃ-jīvaka), tiếng Lộc Vương (Mṛga-rāja), tiếng Ngưu Vương (Vṛṣbha-rāja), tiếng Nhạn Vương (Haṃsa-rāja), tiếng chim Hạc kêu, tiếng chim Công (Mayūra), tiếng đàn Không Hầu (Vīṇā), tiếng kèn, tiếng đàn Tỳ Bà (Tuṇava), tiếng đàn Tranh, tiếng sáo, tiếng vỏ ốc (tiếng loa), tiếng dễ hiểu biết, tiếng rõ ràng, tiếng đáng yêu, tiếng ưa thích nghe, tiếng thâm sâu, tiếng không có nhàm chán, tiếng khiến cho tai an vui, tiếng hay sinh căn lành, tiếng câu chữ viên mãn, tiếng câu chữ của lời văn tuyệt diệu, tiếng hòa hợp lợi ích, tiếng hòa hợp với Pháp, tiếng khéo biết thời tiết, tiếng hợp tất cả Thời, tiếng không có Phi Thời, tiếng nói xưa kia các Căn triển chuyển nối tiếp nhau, tiếng trang nghiêm bố thí, tiếng hay trì Tịnh Giới, tiếng hay sinh An Nhẫn, tiếng tinh tiến mạnh mẽ, tiếng kham nhận Tĩnh Lự (Dhyāna: Thiền Định), tiếng Trí Tuệ rộng lớn, tiếng Đại Từ hòa hợp, tiếng Đại Bi không có mệt mỏi, tiếng Pháp Hỷ sáng tỏ, tiếng Đại Xả sâu rộng, tiếṅ an trụ ba Thừa, tiếng chẳng chặt đứt Tam Bảo, tiếng phân biệt ba Tụ, tiếng ba Thoát Môn, tiếng tu tập các Đế, tiếng tu tập các Trí, tiếng tương ứng bậc Trí, tiếng bậc Thánh khen ngợi, tiếng tùy thuận Hư Không, tiếng không có phân chia cân nhắc (phân lường), tiếng đầy đủ các Tướng.

Này Thiện Nam Tử! Ngữ Nghiệp của Đức Như Lai đầy đủ vô lượng âm thanh như vậy, cho nên nói Trí tất cả Ngữ Nghiệp của Như Lai làm con đường trước tiên, tùy theo Trí Tuệ chuyển. Đây là sự nghiệp Chính Giác thứ hai mươi tám của Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy một lần nữa, nên nói Kệ rằng:

“_Phật Ngữ (lời nói của Đức Phật) vô đẳng (không gì ngang bằng được), sạch không vết

Tất cả Công Đức đều viên mãn

Một Âm (Ghoṣa:tiếng, giọng) tràn khắp vô biên cõi (sát)

Mỗi mỗi đều nghe tùy loại Âm

_Hoặc có được nghe tiếng Thanh Văn

Hoặc có được nghe Pháp Duyên Giác

Hoặc nghe đại uy đức (của) Như Lai

Liền phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề

_Nghĩa câu, chữ, văn đều tròn trịa

Thứ tự an bày đều không ngại

Mà Tâm không có phân biệt khác

Hay nói Diệu Pháp Môn khó lường

_Tiếng tối thắng trong người như vậy

Âm thanh tuôn ra như tiếng vang

Không công, không Tâm mà ứng khắp

Tiếng của không tiếng (vô thanh): Tâm, Vật thích”

 

KINH THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI

_QUYỂN THỨ SÁU (Hết)_

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]