Mật Tạng Bộ 2_ No.997 (Tr.530_Tr.534)
KINH THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI
_QUYỂN THỨ HAI_
Hán dịch: Nước Kế Tân_ Tam Tạng Sa Môn BÁT NHÃ (Prajña: Trí Tuệ) cùng với MÂU NI THẤT LỢI (Muni-śrī:Tịch Mặc) dịch
Phục hồi Phạn Chú và Việt dịch: HUYỀN THANH
ĐÀ LA NI
_PHẨM THỨ HAI_ CHI HAI_
Bấy giờ Đức Thế Tôn như Tượng Vương (Gaya-rāja: vua của loài voi) quay lại quán sát khắp Đại Chúng, lại bảo Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: “Này Thiện Nam Tử! Trong Hội này có hai loại người, một là thành tựu, hai là chưa thành tựu. Nay Ta lại vì người chưa thành tựu dùng phương tiện khéo, tuỳ thuận thí dụ, ngôn từ của Thế Đế (Saṃvṛti-satya) nói Pháp Nhất Thừa (Ekayāna). Như đời có Pháp tên là Ca Lâu La (Garuḍa), muốn tu Pháp này thì trước tiên tô vẽ tượng Ca Lâu La (Garuḍa:Kim Sí Điểu), xem xét kỹ lưỡng, quán sát Quán Hạnh thuần thục. Song, rời tượng vẽ, tay kết Thủ Ấn, tưởng thân của mình thành Ca Lâu La, tác Ngũ Đại Quán (quán sát năm Đại):
Một là quán Đất (Pṛthivi) tác quán màu trắng.
Hai là Nước (Ab) tác quán màu xanh lục.
Ba là quán Lửa (Tejo) tác quán màu đỏ vàng.
Bốn là quán Gió (Vāyu) tác quán màu đen.
Năm là quán Không (Ākāśa:hư không) tác quán màu xanh
Quán này thành xong thì tất cả chất độc đều thành chẳng phải là chất độc (phi độc), nghĩa là hoặc chất độc của hữu tình, hoặc chất độc của Phi Tình (chẳng phải là hữu tình). Hoặc khiến quay lại hỗ trợ, hoặc lấy hoặc bỏ, nhận làm tự tại
_Thiện Nam Tử! Bồ Tát Ma Ha Tát cũng lại như vậy. Nếu muốn nhập vào Quán, trước tiên nên nhập vào Tỳ Lô Giá Na Như Lai Tam Muội, nghĩa là quán thân thể của mình thành Kim Cương bền cứng chẳng thể hoại. Nên dùng thân làm Kim Cương Kiết Già nghĩa là đem bàn chân phải đè trên bắp đùi trái, thẳng thân ngồi ngay ngắn, hơi động gốc lưỡi, môi răng hợp nhau, tác Kim Cương Ngữ. Kim Cương Ngữ là không có tiếng nói, chỉ dùng Tâm niệm thầm, dùng Trí bền chặt quán sát kỹ lưỡng, trái tim của mình dùng làm vành trăng ở ngay đầu lỗ mũi chẳng cho chạy tan, trong sạch tròn đầy, màu như tuyết đọng, sữa bò, thuỷ tinh….Song, vành trăng này là Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta), Tâm Bồ Đề này vốn không có sắc tướng. Vì các chúng sinh chưa thành tựu, cho nên nói như vành trăng. Nên dùng tay phải tác Kim Cương Quyền để ngang trái tim nắm ngón cái của tay trái.
Đây gọi là Năng Dữ Vô Thượng Bồ Đề Tối Tôn Thắng Ấn, tức là Ấn của Bản Sư Tỳ Lô Giá Na Như Lai.
_Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói Đà La Ni là:
“Án, hồng, nhạ, hộ, sa”
輆 猲 堲 旭 屹
OṂ_ HŪṂ JA HO SA
Quán sát Đà La Ni này như thế nào? Nên đem chữ Án (輆: Oṃ) an trong vành trăng đã quán lúc trước, để ở trên đỉnh đầu. Quán chữ Án này có màu như Kha Tuyết (tuyết trắng tinh). Tưởng này thành xong, liền thấy thân của mình ngồi trong vành trăng, liền được thành tựu Tỳ Lô Giá Na (Vairocana), dùng vô lượng vô biên số bụi nhỏ Trí (Jñāna) của nhóm như vậy thành tựu thân này. Đây tức gọi là đủ tất cả Trí (Cụ Nhất Thiết Trí) cũng được tên gọi là đủ Trí Kim Cương (Cụ Kim Cương Trí).
Tu Quán này là Trí của Du Già (Yoga), cũng là Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajña-pāramitā), cũng tức gọi là Quả của các Bồ Tát. Quả này hay được ba loại chân thật. Nhóm nào là ba? Một là được Chân Thật Bất Khả Tư Nghị Nhất Thiết Trí Trí Chư Phật Cảnh Giới Tam Muội lúc trước, hai là được Chân Ngôn bí mật chân thật lúc trước, ba là được Ấn Khế bí mật chân thật lúc trước.
Quán lúc trước thành xong. Liền tưởng trên đỉnh đầu tuôn ra ánh sáng trắng, lại dùng trăm ngàn vạn ức ánh sáng để làm quyến thuộc, bên dưới đến Địa Ngục A Tỳ (Avīcī), bên trên đến cõi Trời A Ca Ni Tra (Akaniṣṭha-deva:Sắc Cứu Cánh Thiên). Trong đó hết thảy tất cả chúng sinh sống chết từ vô thuỷ, Vô Minh đen tối, mù loà không có con mắt Trí (Jñāna-cakṣu:Trí Nhãn) do ngọn đèn Bát Nhã Ba La Mật Đa này mở được con mắt Phật (Buddha-cakṣu Phật Nhãn) ấy. Như chỗ u ám trong sơn cốc sâu thẳm là nơi mà ánh sáng của mặt trời mặt trăng chẳng thể soi chiếu đến, nếu thắp một ngọn đèn thì sự tăm tối lâu dài được trừ bỏ tất cả. Tại sao thế? Do Pháp như vậy, cho nên Tỳ Lô Giá Na Như Lai Tam Muội phóng ánh sáng màu trắng cũng lại như vậy.
_Lại nữa Thiện Nam Tử! Hành Giả từ Tam Muội này khởi xong. Tiếp theo lại nhập vào Bất Động Tam Muội, hướng mặt về phương Tây cũng tác Kim Cương Kiết Già như lúc trước, thẳng thân ngồi ngay ngắn, nên dùng tay trái nắm lấy hai góc của y phục đã mặc quấn quanh cổ tay trái, dùng Quyền nắm bên trên ló ra hai góc, tay phải đè mặt đất. Đây tức tên là Năng Tồi Phục Ấn, tất cả chúng Ma với các Ngoại Đạo, các nhóm Hoặc Nghiệp đều chẳng thể lay động. Tức là Ấn của A Súc Như Lai.
Tiếp theo, cũng ngầm tụng Tỳ Lô Giá Na Như Lai Chân Ngôn như trên đã nói. Nên đem chữ Hồng (猲:Hūṃ) ở trong vành trăng đặt ở trên đỉnh đầu, quán chữ Hồng (猲:Hūṃ) này màu xanh. Quán tưởng thành xong, tiếp theo quán khắp thân đều là màu xanh, thân này liền thành A Súc Như Lai (Akṣobhya-tathāgata).
Quán này thành xong, liền từ trên đỉnh đầu phóng ánh sáng màu xanh, cũng dùng vô số trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc. Trong mỗi một ánh sáng đều có vô lượng Kim Cương Bồ Tát màu xanh hiện ra, đều tác Ấn này, ánh sáng chiếu trong hằng hà sa số Thế Giới ở phương Đông, trong ấy chúng sinh gặp được ánh sáng này thì hết thảy Tâm: lừa dối, cướp đoạt, giết hại thảy đều buông lìa, vắng lặng chẳng động.
_Này Thiện Nam Tử! Hành Giả từ Tam Muội này đấy lên xong. Lại ở phương Nam, ngồi hướng mặt về phương Bắc, cũng làm Kim Cương Kiết Già như trên, ngồi ngay ngắn, thân ngay thẳng, tay trái như lúc trước cầm hai góc áo, ngửa lòng bàn tay phải, gọi là Mãn Nguyện Ấn. Đây tức là Ấn của Bảo Sinh Như Lai (Ratna-saṃbhava-tathāgata)
Tiếp theo, cũng tụng Tỳ Lô Giá Na Như Lai Chân Ngôn lúc trước, tác quán chữ Nhạ (堲:Ja), nên đem chữ này ở trong vành trăng đặt ở trên đỉnh đầu như màu vàng sáng rực. Quán Tưởng thành xong, dần dần quán khắp thân đều là màu vàng sáng rực, thân này liền thành Bảo Sinh Như Lai.
Quán này thành xong, liền từ trên đỉnh đầu phóng ánh sáng màu vàng ròng, cũng dùng vô số trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc. Trong mỗi một ánh sáng đều có vô lượng Kim Cương Bồ Tát màu vàng ròng hiện ra, đều làm Ấn này, trong bàn tay của mỗi một vị Bồ Tát đều tuôn mưa báu Như Ý, ánh sáng chiếu hằng sa Thế Giới ở phương Nam. Chúng sinh trong ấy gặp được ánh sáng này thì hết thảy nguyện cầu đều được đầy đủ.
_Lại ở phương Tây, ngồi hướng mặt về phương Đông, cũng làm Kim Cương Kiết Già như trên, ngồi ngay ngắn, thân ngay thẳng,ngửa lòng bàn tay trái để ở trên rốn, ngửa lòng bàn tay phải đặt chồng lên trên bàn tay trái, đem ngón cái khiến cùng trụ đầu ngón. Ấn này gọi là Ấn của Tam Muội tối thắng bậc nhất, hay diệt cuồng loạn, tất cả vọng niệm, khiến Tâm có một cảnh, tức là Ấn của A Di Đà Như Lai (Amitābha-tathāgata)
Cũng tụng Tỳ Lô Giá Na Như Lai Chân Ngôn như trên, tác quán chữ Hộ (旭:Ho), nên đem chữ này ở trong vành trăng đặt ở trên đỉnh đầu như màu hoa sen hồng. Quán Tưởng thành xong, dần dần quán khắp thân đều là màu hoa sen hồng, liền thành A Di Đà Như Lai (Amitābha-tathāgata)
Quán này thành xong, liền từ trên đỉnh đầu phóng ánh sáng màu hoa sen hồng, cũng dùng vô số trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc. Trong mỗi một ánh sáng đều có vô lượng Bồ Tát màu hoa sen hồng hiện ra, đều làm Ấn này, nhập vào Tam Muội (Samādhi), ánh sáng chiếu hằng sa Thế Giới ở phương Tây. Chúng sinh trong ấy gặp được ánh sáng này đều nhập vào Tam Muội.
_Lại ở phương Bắc, ngồi hướng mặt về phương Nam, cũng làm Kim Cương Kiết Già như trên, ngồi ngay ngắn, thân ngay thẳng, Tay trái như lúc trước cầm hai góc áo, tay phải giương lòng bàn tay dựng thẳng năm ngón tay ngang vai, hướng ra bên ngoài, gọi là Thí Vô Úy. Ấn này hay ban cho tất cả chúng sinh an vui không có sợ hãi, tất cả người ác chẳng thể gây não hại, tức là Ấn của Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amogha-siddhi-tathāgata)
Tiếp theo, cũng tụng Tỳ Lô Giá Na Như Lai Chân Ngôn như trên, tác quán chữ Sa (屹:Sa), nên đem chữ này ở trong vành trăng đặt ở trên đỉnh đầu, đủ cả năm màu. Quán Tưởng thành xong, dần dần quán khắp thân đều là năm màu,liền thành Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amogha-siddhi-tathāgata)
Quán này thành xong, liền từ trên đỉnh đầu phóng ánh sáng năm màu, cũng dùng vô số trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc. Trong mỗi một ánh sáng đều có vô lượng Quang Minh Bồ Tát năm màu hiện ra, đều làm Ấn này, đều ban cho sự không sợ hãi, ánh sáng chiếu hằng sa Thế Giới ở phương Bắc. Chúng sinh trong ấy gặp được ánh sáng này đều được sự không sợ hãi”.
_Đức Phật lại bảo Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: “ Như trên đã nói Pháp của Tự Chứng, chỉ tự mình chứng biết, chẳng phải là lời có thể nói, lìa các tướng thấy (kiến tướng). Vì các chúng sinh chưa thành tựu cho nên ở trong Vô Tướng dùng Tướng hiển bày, ở trong Vô Ngôn Thuyết dùng lời tuyên nói. Ví như thành Càn Thát Bà trong hư không, chẳng phải là thật mà hiện ra thật”.
Bấy giờ, Đức Phật lại bảo Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát với các Đại Chúng rằng: “Này các Phật Tử! Trong tất cả các Thế Giới ở mười phương, vô lượng vô số trăm ngàn vạn ức chúng sinh khác loài, hoặc có chúng sinh chẳng đủ các Căn, hoặc lại đầy đủ năm nghiệp Vô Gián, người giết mổ (đồ nhi), đao phủ (khôi quái), Chiên Đà La (Caṇḍāla:người hiểm ác)… Đối với tất cả, đều ở trong Tam Muội chẳng thể nghĩ bàn, tu tập hướng vào (thú nhập) thảy đều có phần, trừ năm loại người.
Nhóm nào là năm? Một là chẳng tin, hai là Đoạn Kiến (Uccheda-dṛṣṭi:chấp trước cho rằng ta và thế gian cuối cùng đều bị diệt hết, không còn gì cả, không có nhân quả nối tiếp nhau), ba là Thường Kiến (Nitya-dṛṣṭi hay Śaśvata-dṛṣṭi: chủ trương Thế Giới là thường trụ chẳng biến đổi, Tự Ngã của nhân loại chẳng diệt, con người sau khi chết thì Tự Ngã chẳng bị tiêu diệt, lại sinh trở lại, tức nói cái Ta là thường trụ), bốn là Tà Kiến (Mithyā-dṛṣṭi: Chấp biết sai lệc. Chủ yếu là bài xích bốn Đế, đạo lý của Nhân Quả), năm là hoài nghi. Năm loại người như vậy không có Từ Bi
_Thiện Nam Tử! Nếu lại có người hay tạm tu tập Tam Muội này, thân thâm nhẹ nhàng an ổn, liền hay sinh ở năm loại Tam Muội.
Nhóm nào là năm? Một là Sát Na Tam Muội, hai là Vi Trần Tam Muội, ba là Tiệm Hiện Tam Muội, bốn là Khởi Phục Tam Muội, năm là An Trụ Tam Muội.
Thế nào gọi là Sát Na Tam Muội (Kṣana-samādhi)? Ấy là quán vành trăng mỗi một Sát Na (Kṣana), tạm nắm giữ tương ứng, xét tìm lại nhanh chóng mất đi. Thế nên gọi là Sát Na Tam Muội.
Thế nào gọi là Vi Trần Tam Muội (Aṇu-raja-samādhi)? Ấy là ở Tam Muội (samādhi) có chút phần tương ứng, ví như có người chẳng biết mùi vị của Mật, chỉ được khoảng hạt bụi nhỏ ở cái lưỡi (thiệt căn) ấy thì yêu thích an vui, đều quên đi cái niệm đói khát bệnh tật, chỉ lần lượt chuyên tâm mong cầu được nhiều. Tâm của Tam Muội này cũng lại như vậy, được chút phần tương ứng đều quên đi tất cả phiền não đói khát, Tâm được an vui, chuyên luân phiên mong cầu.
Thế nào gọi là Tiệm Hiện Tam Muội? Ấy là do được chút ít, yêu thích an vui dần dần tăng thắng, lông trên thân đều dựng đứng, buồn khóc rơi nước mắt, như trong vật màu đen nhìn thấy một sợi dây trắng. Đây cũng như vậy, do quán vành trăng được chút phần, trụ ở trong Vô Minh ám tối phiền não, thấy chút phần nhỏ nhiệm của Tâm Định hiển hiện.
Thế nào gọi là Khởi Phục Tam Muội? Ấy là Quán Hạnh chưa thuần, hoặc dấy lên hoặc diệt, như cái cân hạ xuống đưa lên, quán thành hoặc diệt, quán mất hoặc sinh
Thế nào gọi là An Trụ Tam Muội? Do bốn Tâm Định lúc trước được an trụ, đều hay thủ hộ tất cả Pháp tốt lành (thiện Pháp), tăng triển sự tốt lành mới (tân thiện), thân tâm an vui. Như trong mùa hạ cực nóng, lặn lội qua bãi cát xa xăm, chịu nóng khát lâu ngày, chợt được nước trong mát lạnh của núi tuyết thì hết thảy nóng khát, lo khổ đều trừ. Đây cũng như vậy, được Tam Muội này thì Nghiệp, Hoặc, Khổ tất cả đều phân phát đi. Đây là mầm Vô Thượng Bồ Đề sinh ra.
Thiện Nam Tử! Như trên đã nói, các chúng sinh ác chẳng đủ các căn, có năm nghiệp Vô Gián còn ở trong đây tu nhận có phần, huống chi là tất cả Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di mà chẳng hướng vào được sao?!...
_Thiện Nam Tử! Nay Đại Chúng này, vô số chúng sinh nghe Pháp này xong đều đối với A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) được chẳng chuyển lùi, Thần Thông, mười Lực, bốn Vô Sở Úy, niệm niệm tăng tiến, vô số Tam Muội thảy đều hiện trước mặt. Ấy là: Yếm Ly Nhất Thiết Pháp Tam Muội, Siêu Quá Nhất Thiết Pháp Tam Muội, Nhất Thiết Pháp Bình Đẳng Tam Muội, Ly Chư Kiến Trù Lâm Tam Muội, Viễn Ly Vô Minh Ám Tam Muội, Nhất Thiết Pháp Ly Tướng Tam Muội, Giải Thoát Nhất Thiết Trước Tam Muội, Ly Nhất Thiết Giải Đãi Tam Muội, Thậm Thâm Pháp Phát Quang Tam Muội, Như Tu Di Sơn Tam Muội, Vĩnh Vô Thất Hoại Tam Muội, Tồi Hoại Ma Quân Tam Muội, Bất Trước Tam Giới Tam Muội, Xuất Sinh Quang Minh Tam Muội… Dùng nhóm như vậy làm Thượng Thủ, vô số Tam Muội đều hiện ngay trước mặt.
_Lại có vô lượng mọi loại chúng sinh được nơi vô số Đà La Ni Môn. Ấy là: Quán Chư Pháp Tính Đà La Ni Môn, Phát Bồ Đề Tâm Đà La Ni Môn, Sanh Bồ Đề Nha Đà La Ni Môn, Liễu Kim Cương Tính Đà La Ni Môn, Đắc Phật Bình Đẳng Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Pháp Bản Tính Thanh Tịnh Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Pháp Bản Tính Nhiếp Thọ Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Pháp Bản Tính Bất Khả Đắc Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Pháp Xuất Sinh Trí Tuệ Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Pháp Giai Tất Thành Tựu Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Pháp Chuyển Biến Tự Tại Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Pháp Đại Quang Phổ Chiếu Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Pháp Viễn Ly Si Ám Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Pháp Tâm Trí Thanh Tịnh Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Pháp Giai Bất Khả Đắc Đà La Ni Môn, Phổ Tán Nhất Thiết Chúng Bảo Diệu Hoa Đà La Ni Môn, Bản Tính Hiển Hiện Xuất Sinh Chư Pháp Đà La Ni Môn, Viễn Ly Nhất Thiết Chư Huyễn Hóa Pháp Đà La Ni Môn, Như Kính Viên Minh Xuất Sinh Ảnh Tượng Đà La Ni Môn, Xuất Sinh Nhất Thiết Chúng Sinh Âm Thanh Đà La Ni Môn, Lệnh Chư Chúng Sinh Tối Cực Hoan Hỷ Đà La Ni Môn, Xảo Thuận Nhất Thiết Chúng Sinh Âm Thanh Đà La Ni Môn, Xuất Sinh Chủng Chủng Âm Thanh Tự Cú Đà La Ni Môn, Vô Hữu Chướng Ngại Đà La Ni Môn, Bản Tính Xảo Tiện Đà La Ni Môn, Giải Thoát Phiền Não Đà La Ni Môn, Ly Nhất Thiết Trần Đà La Ni Môn, Phân Biệt Tự Nghĩa Đà La Ni Môn, Giải Liễu Chư Pháp Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Pháp Vô Ngại Tế Đà La Ni Môn, Do Như Hư Không Đà La Ni Môn, Do Như Kim Cương Đà La Ni Môn, Cận Sắc Quang Vương Đà La Ni Môn, Đắc Tối Tôn Thắng Đà La Ni Môn, Bất Thoái Chuyển Nhãn Đà La Ni Môn, Pháp Giới Xuất Sinh Đà La Ni Môn, Thường Thí An Ủy Đà La Ni Môn, Như Sư Tử Hống Đà La Ni Môn, Siêu Chúng Sinh Phước Đức Đà La Ni Môn, Ly Chư Ưu Não Đà La Ni Môn, Ly Chư Quá Ác Đà La Ni Môn, Diệu Hoa Trang Nghiêm Đà La Ni Môn, Phá Chư Nghi Võng Đà La Ni Môn, Chư Pháp Thuận Như Đà La Ni Môn, Xuất Hiện Chư Pháp Đà La Ni Môn, Đại Thanh Thanh Tịnh Tự Tại Vương Đà La Ni Môn, Vô Tận Bảo Khiếp Đà La Ni Môn, Vô Biên Tuyền Phúc Đà La Ni Môn, Hải Ấn Đà La Ni Môn, Liên Hoa Trang Nghiêm Đà La Ni Môn, Năng Nhập Vô Trước Đà La Ni Môn, Tiệm Tiệm Thâm Nhập Tứ Vô Ngại Trí Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Chư Phật Hộ Trì Trang Nghiêm Đà La Ni Môn… Nhóm Pháp như vậy làm Thượng Thủ, vô lượng vô số Đà La Ni Môn thảy đều hiện trước mặt”.
_Lúc đó, Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật rằng: ‘Thế Tôn! Vô số Đà La Ni Môn như vậy thời nhóm Đà La Ni Môn nào hay khiến cho Bồ Tát tổng trì Diệu Pháp do chư Phật đã nói mà chẳng bị hoại mất? Nhóm Đà La Ni Môn nào hay khiến cho Bồ Tát khi nói Pháp này thời biện tài không có ngăn ngại? Nhóm Đà La Ni Môn nào hay khiến cho Bồ Tát khi nói Pháp này thời tất cả chúng sinh yêu thích vui vẻ?”
Đức Phật bảo Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: “Này Thiện Nam Tử! Có tám Đà La Ni Môn, nếu thọ trì sẽ hay khiến cho Bồ Tát tổng trì Phật Pháp, biện tài không cùng tận, chúng sinh ưa thích nghe. Nhóm nào là tám? Ấy là: Đại Thanh Thanh Tịnh Tự Tại Vương Đà La Ni Môn, Vô Tận Bảo Khiếp Đà La Ni Môn, Vô Biên Tuyền Phúc Đà La Ni Môn, Hải Ấn Đà La Ni Môn, Liên Hoa Trang Nghiêm Đà La Ni Môn, Năng Nhập Vô Trước Đà La Ni Môn, Tiệm Tiệm Thâm Nhập Tứ Vô Ngại Trí Đà La Ni Môn, Nhất Thiết Chư Phật Hộ Trì Trang Nghiêm Đà La Ni Môn…Nếu Bồ Tát hay đối với tám loại Đà La Ni Môn này thọ trì, tu tập tức hay tổng trì Diệu Pháp mà tất cả Như Lai đã nói, biện tài không cùng tận, cũng khiến cho chúng sinh yêu thích vui vẻ”.
_Khi ấy, Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nguyện xin Đức Như Lai thương xót chúng con, rộng phân biệt nói như tám loại Đà La Ni Môn này, Bồ Tát được nghe tức hay ở đây siêng năng cầu hướng vào”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Nhất Thiết Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo nghĩ nhớ! Nay sẽ vì ông rộng phân biệt nói, khiến cho Bồ Tát được vào Môn này.
Thiện Nam Tử! Thế nào gọi là Đại Thanh Thanh Tịnh Đà La Ni Môn? Nếu có Bồ Tát tu tập nơi Đà La Ni Môn này thì nên dùng niệm màu nhiệm thanh tịnh không có dính mắc, an trụ chân thật, Tâm dứt hết sự dao động, Uy Nghi lặng yên, dùng Tâm quyết định nói Pháp vi diệu, khiến cho hết thảy chúng sinh trong một cõi Phật, tùy theo âm của loài ấy nghe được khắp tiếng ấy, đều hiểu nghĩa ấy. Như vậy hoặc hai cõi Phật, hoặc một ngàn cõi Phật, hoặc hai ngàn cõi Phật cho đến mười phương vô lượng vô biên câu chi na do tha trăm ngàn cõi Phật, chúng sinh trong đấy cũng đều tùy theo loài, nghe được khắp tiếng ấy, đều hiểu nghĩa ấy.
Này Thiện Nam Tử! Nếu Bồ Tát này ở trong Chúng Hội, ngồi trên tòa Sư Tử. Tòa ấy cao một câu lô xá (Krośa: 500 Cung, hay 5 dặm), dùng uy lực của Sư Tử Vương (Siṃha-rāja) gìn giữ mọi báu nghiêm sức. Như vậy, hoặc lại cao khoảng nửa Do Tuần (Yojana), một Do Tuần, một ngàn Do Tuần, hoặc lại cao bằng Tu Di Sơn Vương, hoặc lại cao đến cõi Phạm Thiên. Tùy theo nơi mà Tâm của các chúng sinh ưa thích, khiến cho họ đều thấy thân, tòa lớn nhỏ để mà thuyết Pháp. Ngay lúc nói Pháp thời chư Phật ở mười phương đều hiện ra trước mặt, vì Bồ Tát này diễn nói Diệu Pháp (Saddharma). Bồ Tát nghe xong, liền hay dùng sức của Đà La Ni này, một thời nghe kỹ thì tổng trì chẳng quên, vào sâu trong nghĩa lý, hiện chứng tương ứng, thân tâm vui sướng, trong mỗi một Pháp thành Tính của một cảnh, mỗi một chữ, câu, văn không có chỗ nghe tức vào lúc lắng nghe Pháp như vậy thời thường diễn nói không có chướng ngại
Nếu các Bồ Tát vào sâu trong Môn tiếng của một chữ (Nhất Tự Thanh Môn) như vậy thì tất cả Pháp đều nhập vào Môn này, tức từ Môn này sinh ra diễn nói tất cả các Pháp.
Lại trước tiên nói Môn chữ A (唒) thứ nhất sinh ra vô biên vô số Pháp Môn.
Ấy là: A (唒) là tất cả Pháp không có đến, do Thể (Svabhāva: Chân Thể hoặc Thể Tính) của tất cả Pháp không có đến (vô lai)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có đi, do Thể của tất cả Pháp không có đi (vô khứ)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có lưu chuyển tạo ứng (Saṃskāra:Hành) vì Thể không có lưu chuyển tạo ứng.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có đứng lại (Trụ) vì Thể không có đứng lại.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Bản Tính vì Thể vốn thanh tịnh.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có gốc rễ vì Thể khởi đầu chưa sinh ra
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có kết thúc vì Thể không có khởi đầu
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có tận hết vì Thể không có chỗ đi.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có sanh ra vì Thể không có lưu chuyển tạo ứng.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có xuất ra vì Thể không có người tạo làm.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có mong cầu vì Thể không có tướng.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có ngăn ngại vì Tướng của Thể quan hệ buộc vào nhau.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có diệt vì Thể không có Chủ Tể.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có chỗ đến (vô hành xứ) vì Thể không có nguyện.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có sống chết vì Thể lìa phân biệt, không phân biệt
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có lời nói (vô ngôn thuyết) vì âm tiếng cùng tột của Thể buộc vào nhau
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp chẳng thể nói vì Thể không có âm tiếng
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có sai biệt vì Thể không có nơi chốn.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có phân biệt vì Thể thanh tịnh.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Tâm Ý vì Thể chẳng thể mong cầu.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có cao thấp vì Thể vốn bình đẳng
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp chẳng thể hiểu biết vì Thể như Hư Không.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp chẳng thể nói vì Thể vượt qua đường nói năng.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có hạn lượng vì Thể không có nơi chốn
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có sinh ra vì Thể không có nơi sinh ra.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Bản Tịnh (xưa nay trong sạch) vì Thể không có tướng.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có cái ta (vô ngã) vì Thể tức là Tính của cái ta (ngã tính)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có chúng sinh vì Thể vốn thanh tịnh.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có tuổi thọ (thọ giả) vì Thể không có gốc của mạng sống (mệnh căn)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Bổ Đặc Già La (Pudgala: con người, chúng sinh, tên gọi riêng của cái Ta) vì Thể lìa nơi nắm lấy (sở thủ)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Bản Không (xưa nay trống rỗng) vì Tính của Thể vắng lặng.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có tướng vì Tính của Thể thật không có bờ mé.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có hòa hợp vì Tính của Thể không có sinh ra.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có lưu chuyển tạo ứng (vô hành) vì Thể vốn không có tạo làm (Asaṃskāra: vô vi)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có tạo làm (Asaṃskāra: vô vi) vì Thể vượt qua lưu chuyển tạo ứng (hành), không có lưu chuyển tạo ứng (vô hành).
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có chung cùng (bất cộng) vì Thể không có người hay hiểu biết.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có tụ hội vì Thể không có gom chứa
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có xuất ra vì Thể không có nơi xuất ra.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Bản Tính vì Thể không có thân.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có tướng vì Tướng của Thể xưa nay thanh tịnh (bản tịnh)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Nghiệp (Karma) vì Thể không có người tạo làm
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Quả (Phala) vì Thể không có con đường của nghiệp (Karma-mārga)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có gieo trồng vì Thể không có hạt giống (chủng tử)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có cảnh giới vì Thể chẳng có thể nắm lấy
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Địa Giới vì Thể không có các liên kết
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có cột buộc vì Thể vốn tan diệt
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có tụ, tan vì Thể vốn không có tạo làm.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có chảy rỉ vì Thể chẳng sinh ra mê hoặc
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có tự sinh ra vì Thể khởi đầu không có sinh ra.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có vẩn đục vì Thể không có đối chiếu.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có đối chiếu vì Thể vốn không có tạo làm
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có hình sắc vì Thể không có Đại Chủng (Mahā-bhūta: yếu tố của bốn Đại: đất, nước, gió, lửa kết cấu thành Sắc Pháp)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có thọ nhận vì Thể không có người thọ nhận.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có tưởng (Saṃjña: tri giác) vì Thể vượt qua các tướng
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có động tác hành vi (Acarita: vô hạnh) vì Thể lìa sự yêu thích cái có (hữu ái)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có nhận thức (Vijñāna:thức) vì Thể không có phân biệt
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Giới (Dhātu) vì Thể trống rỗng (Śūnya:không), bình đẳng (sama)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Nhập (Āyatana:xứ) vì Thể vượt qua môn cảnh giới
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có cảnh giới (Viṣaya) vì Thể không có nơi đi
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có ham muốn vì Thể lìa phân biệt.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Sắc (Rūpa: hình thể màu sắc) vì Thể không có gốc rễ
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Vô Sắc (Arūpa: không hình thể màu sắc) vì Thể khó nghĩ thấy
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có loạn vì Thể không có thể loạn
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp chẳng nghĩ bàn vì Thể chẳng thể đắc được
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Ý vì Thể vốn không có hai
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp chẳng thể nắm nhận vì Thể vượt qua con đường của cảnh giới.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có A Lại Gia (Ālaya: Tàng Thức) vì Thể không có Nhân Duyên.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có thường vì Thể vốn không có Nhân (Hetu)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có chặt đứt vì Thể chẳng ngăn ngại Nhân (Hetu).
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có tên gọi vì Thể không có tướng mạo.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có lìa vì Thể chẳng nhập vào nhau
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có trụ vì Thể không có chỗ trụ
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có nhiệt não vì Thể không có phiền não.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có lo lắng bực dọc vì Thể không có nghiệp ác
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Tập Khí vì Thể vốn không có dơ bẩn.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có dơ bẩn vì Thể vốn trong sạch.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có vốn trong sạch (bản thanh tịnh) vì Thể không có hình chất .
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Thể (Svabhāva: Chân Thể hoặc Thể Tính) vì Thể không có Y Chỉ (Āśraya: nương dựa dừng trụ ở nơi có sức có Đức mà chẳng lìa)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Y Chỉ vì Thể không có lay động tạo làm
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có lay động vì Thể lìa chấp dính.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có chướng ngại vì Thể đồng với Hư Không
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp đồng với Hư Không vì Thể không có phân biệt.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có Sắc, Tướng, Thể vì Thể không có Nhân của cảnh giới
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có hiển bày vì Thể đều tương tự nhau.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có tương tự nhau vì Thể không có cảnh giới
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có cảnh giới vì Thể như Hư Không thường bì
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có ám tối vì Thể không có sáng
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có sáng vì Thể không có đối chiếu.
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có lỗi lầm vì Thể tốt lành màu nhiệm (diệu thiện)
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có đúng phải vì Thể không có sằng bậy
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có mở hiểu vì Thể không có lay động
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có nhìn thấy vì Thể không có hình sắc
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có nghe vì Thể không có âm tiếng
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có ngửi vì Thể không có mùi hương
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có thường vì Thể không có mùi vị
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có tiếp chạm vì Thể không có chỗ tiếp chạm
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có biết vì Thể không có Pháp
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp không có niệm vì Thể lìa Tâm, Ý, Thức
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp chẳng nghĩ bàn vì Tính của Thể là Bồ Đề bình đẳng, bình đẳng không có cao thấp
Lại chữ A (唒) là tất cả Pháp vắng lặng vì Thể vốn chẳng sinh chẳng diệt
Này Thiện Nam Tử! Bồ Tát như vậy được Đại Thanh Thanh Tịnh Đà La Ni Môn này khi nhập vào chữ A thứ nhất thời diễn nói các Pháp, hoặc trải qua một năm, hoặc lại mười năm, trăm năm, ngàn năm, hoặc trăm ngàn năm, hoặc một Tiểu Kiếp, hoặc một Đại Kiếp cho đến vô lượng vô số Đại Kiếp…. khi nói Pháp này thời chẳng lìa chữ A. Như nói nghĩa của chữ A không có tận, nói các chữ khác cũng lại như vậy, chẳng thể cùng tận. Như vậy dựng lập, mở bày con mắt Pháp (Dharma-sakṣu: Pháp Nhãn), nghĩa ấy sâu xa, xảo diệu, đầy đủ sự trắng trong (thanh bạch: Phẩm hạnh thuần khiết không có điểm dơ)
Lại nữa, Thiện Nam Tử! Bồ Tát trụ Đà La Ni này cho nên được Thân thanh tịnh, uy nghi vắng lặng. Được Ngữ thanh tịnh cho nên biện tài không có ngại. Được Ý thanh tịnh cho nên Từ Bi quán sát. Được Thí thanh tịnh cho nên không có tiếc Tài Pháp, tùy vui ban cho người khác. Được Giới thanh tịnh cho nên không có phá, không có luồn lách, không có Khuyết lậu (nhân giữ Giới chẳng nghiêm mà vị phạm lỗi). Được Nhẫn thanh tịnh cho nên không có oán, không có đối nghịch, không có chướng ngại. Được Cần thanh tịnh (tinh tiến thanh tịnh) cho nên đối với sự nghiệp màu nhiệm không có chuyển lùi. Được Thiền thanh tịnh cho nên không có dính mắc, không có ngạo mạn, không có mùi vị. Được Tuệ thanh tịnh cho nên mở con mắt Trí Tuệ tháo bỏ màng si mê. Được Nghiệp thanh tịnh cho nên tu khắp tất cả Nghiệp thắng thiện. Được con mắt thanh tịnh cho nên có con mắt Trời (thiên nhãn) từ xa nhìn thấy tất cả hình sắc. Được lỗ tai thanh tịnh cho nên có lỗ tai Trời (thiên nhĩ) từ xa nghe được Pháp của chư Phật. Được lỗ mũi thanh tịnh cho nên ngửi khắp mùi hương Tịnh Giới của Như Lai. Được cái lưỡi thanh tịnh cho nên đắc được mùi vị thanh tịnh tùy theo Tâm. Được thân thanh tịnh cho nên tuy hiện ở trong mỗi một bào thai nhưng chẳng bị nhiễm. Được Ý thanh tịnh cho nên khéo hay phân biệt Pháp nhỏ nhiệm. Được hình sắc thanh tịnh cho nên khéo trang nghiêm hết thảy Sắc Tướng. Được âm tiếng thanh tịnh cho nên chỗ nghe được đều là thuận theo Pháp. Được mùi hương thanh tịnh cho nên được xông ướp mùi hương của Thí (bố thí), Giới (trì Giới), Văn (lắng nghe). Được mùi vị thanh tịnh cho nên được tướng Thượng Vị của Đại Trượng Phu. Được tiếp chạm thanh tịnh cho nên nơi mà thân, tay tiếp chạm đều mềm mại nhiệm màu. Được Pháp thanh tịnh cho nên chỗ biết đều được Pháp Minh Môn. Được Niệm thanh tịnh cho nên nơi đã nghe được thì ghi nhớ, giữ gìn không có nghi ngờ quên mất. Được Tâm thanh tịnh cho nên vượt qua tất cả cảnh giới của Ma. Được Hạnh thanh tịnh cho nên vượt qua Pháp thâm sâu đã hiểu.
Này Thiện Nam Tử! Bồ Tát được Tối Thắng Bất Cộng Đại Thanh Thanh Tịnh Đà La Ni này cho nên âm tiếng lớn tràn khắp mười phương Thế Giới, ánh sáng chiếu khắp, vì chúng sinh trong tất cả Thế Giới ấy, phân biệt diễn nói Diệu Pháp mà tất cả Như Lai đã nói, khiến cho họ mở sáng tất cả con mắt Pháp
Thiện Nam Tử! Nay Ta lược nói Đại Thanh Thanh Tịnh Đà La Ni Môn này, bắt đầu nhập vào theo thứ tự Đức của chút phần trong một Môn. Nếu rộng nói, lại có vô số vô lượng vô biên Nghĩa chẳng thể nói. Như nói nơi một Môn chữ A này đều vô lượng vô biên chẳng thể cùng tận. Mỗi một chữ còn lại cũng lại như vậy đều dùng Môn Trí Tuệ không có dính mắc, dần dần tu nhập vào.
_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Thế nào gọi là Vô Tận Bảo Khiếp Đà La Ni Môn?
Tiện Nam Tử! Ấy là trong một chữ nói tất cả Pháp đều không có cùng tận. Nhóm nào là tất cả Pháp không có cùng tận? Ấy là nói hình sắc (Rūpa: Sắc) không có tận. Như vậy nói hình sắc không có thường (vô thường), không có tận.
Nói hình sắc là Khổ (Duḥkha), không có tận
Nói hình sắc không có cái Ta (vô ngã), không có tận.
Nói hình sắc tịch diệt, không có tận
Nói hình sắc vắng lặng, không có tận
Nói hình sắc như đám bọt nổi, không có tận
Nói hình sắc như ảo, không có tận
Nói hình sắc như dợn nước dưới ánh nắng (dương diễm), không có tận
Nói hình sắc như mặt trăng trong nước, không có tận
Nói hình sắc như giấc mộng, không có tận
Nói hình sắc như tiếng vang dội lại (hưởng), không có tận
Nói hình sắc như hình tượng trong gương, không có tận
Nói hình sắc không có Bản Tính, không có tận
Nói hình sắc vốn không có (bản vô), không có tận
Nói hình sắc không có duyên tụ hội, không có tận
Nói hình sắc là cửa trống rỗng (không môn), không có tận
Nói hình sắc không có tướng, không có tận
Nói hình sắc không có Nguyện, không có tận
Nói hình sắc không có Hành, không có tận
Nói hình sắc sinh Pháp, không có tận
Nói hình sắc không có sinh, không có tận
Nói hình sắc Tiền Tế (Pūrvānta:chỉ quá khứ), không có tận
Nói hình sắc Trung Tế (Madhyānta:chỉ hiện tại), không có tận
Nói hình sắc Hậu Tế (Aparānta:chỉ tương lai), không có tận
Nói hình sắc tịch diệt, không có tận
Nói hình sắc gần gũi vắng lặng, không có tận
Nói hình sắc không có Tâm, Hành, Xứ, không có tận
Nói hình sắc không có đường nói năng (vô ngôn ngữ đạo), không có tận
Nói hình sắc chẳng thể nghĩ bàn, không có tận
Nói hình sắc chẳng thể so lường, không có tận
Nói hình sắc không có cái Ta (vô ngã), không có tận
Nói hình sắc không có chúng sinh, không có tận
Nói hình sắc không có tuổi thọ (thọ giả), không có tận
Nói hình sắc không có người nuôi dưỡng, không có tận
Nói hình sắc không có Bổ Đặc Già La, không có tận
Nói hình sắc không có biết, không có tận
Nói hình sắc không có tạo làm, không có tận
Nói hình sắc như cỏ, cây, ngói, sỏi, đá, tường vách; không có tận
Nói hình sắc không có cầu được, không có tận
Nói hình sắc không có nơi mà Đại Chủng đã sinh ra, không có tận
Nói hình sắc không có âm tiếng, không có tận
Nói hình sắc không có dấu hiệu tiêu biểu, không có tận
Nói hình sắc chẳng thể nói, không có tận
Nói hình sắc vốn có mùi vị thanh tịnh, không có tận
Nói hình sắc từ nhân duyên sinh, không có tận
Nói hình sắc không có chặt đứt, không có tận
Nói hình sắc không có âm tiếng, không có tận
Nói hình sắc không có người tạo làm, không có tận
Nói hình sắc không có người thọ nhận, không có tận
Nói hình sắc không có nghiệp quả, không có tận
Nói hình sắc là Pháp Giới bình đẳng, không có tận
Nói hình sắc trụ Chân Như, không có tận
Nói hình sắc trụ Thật Tế, không có tận
Nói hình sắc không có cái của Ta (vô ngã sở), không có tận
Nói hình sắc không có Chủ Tể, không có tận
Nói hình sắc không có cầm giữ nhận lấy, không có tận
Nói hình sắc chẳng thể nghĩ được, không có tận
Nói hình sắc chẳng thể xưng được, không có tận
Nói hình sắc chẳng thể đo lường, không có tận
Nói hình sắc không có bờ mé (vô hữu biên), không có tận
Nói hình sắc tức là Tính của Bồ Đề, không có tận
Nói hình sắc tức là Tính của Niết Bàn, không có tận
Như vậy rộng nói Pháp của nhóm Giới, Xứ...tên gọi, câu cú, văn, thân, tất cả Phật Pháp thảy đều nhập vào Môn Trí Tuệ của Nhất Tự Thanh (âm tiếng của một chữ) này, như dùng bốn Đại đồng một cái tráp thân (thân khiếp). Đây cũng như vậy Nhất Tự Thanh (âm tiếng của một chữ), nghe được bao nhiếp, sinh ra Pháp Môn thâm sâu của báu Trí vô tận, thế nên gọi là Vô Tận Bảo Khiếp. Ta mới lược nói nghĩa của chút phần trong một Môn này như một hạt bụi trong mặt đất. Nếu rộng nói thì vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp chẳng thể cùng tận.
_Lại nữa, Thiện Nam Tử! Thế nào gọi là Vô Biên Tuyền Phúc Đà La Ni Môn?
Này Thiện Nam Tử! đã nói Biên (một phía, một bên) là Đoạn với Thường, mười hai Nhân Duyên là Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên sáu Nhập, sáu Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên già, chết, lo buồn, khổ não.
Nói Vô Biên (không có bờ mé) tức là cõi bí mật không có nhóm Đoạn, Thường hướng vào thâm sâu, gọi là Tuyền Phúc (Tính xoay vần, quay trở lại), thế nên gọi là Vô Biên Tuyền Phúc Đà La Ni Môn.
Lại nữa, Biên (một bên, một phía) nói gọi là lấy, bỏ (thủ xả). Đã nói Tuyền (xoay vần, quay trở lại) là nói chẳng lấy bỏ
Lại nữa, Biên là nói có sinh diệt. Tuyền là nói không có sinh diệt.
Lại nữa, Biên là phiền não sinh tử. Tuyền là Bản Tính thanh tịnh
Biên là có tướng, không có tướng. Tuyền là đều không có chỗ lưu chuyển tạo ứng (vô sở hành)
Biên là suy nghĩ thô tế. Tuyền là không có tìm, không có dò xét
Biên là Nhân (hetu:căn do, nguyên nhân) với các Kiến (Darśana: sự thấy biết). Tuyền là Trí thấu tỏ Nhân, Kiến
Biên là Danh (Nāma) với Sắc (Rūpa). Tuyền là không có biểu thị
Biên là Hữu Vi (Saṃskṛta), Vô Vi (Asaṃskṛta). Tuyền là ba luân (cảnh đã biết, Trí hay biết, người hay biết) thanh tịnh
Biên là nói bên trong với bên ngoài. Tuyền là nhận thức Thể không có trụ
Biên là nói Nghiệp (karma) với Quả (Phala). Tuyền là không có Thể của Nghiệp Quả
Biên là Thiện (Kuśala) với Bất Thiện (Akuśala). Tuyền là không có Thể của lưu chuyển tạo ứng (hành thể)
Biên là lỗi lầm với không có lỗi lầm. Tuyền là Thể không có hai
Biên là nói Nghiệp với Phiền Não (Kleśa). Tuyền là Tính của Thể là ánh sáng
Biên là cái Ta (ngã) với không có cái Ta (vô ngã). Tuyền là Tính của Thể là thanh tịnh
Biên là sinh tử (Jāti-maraṇa, hay saṃsāra), Niết Bàn (Nirvāṇa). Tuyền là Bản Tính của các Pháp tức là Niết Bàn
Này Thiện Nam Tử! Như vậy lược nói, nếu rộng nói thì nói Biên có vô lượng Môn, nói Tuyền cũng có vô lượng Môn
Nếu các Bồ Tát trụ Tuyền Phúc Đà La Ni Môn này, tùy thuận vô biên tất cả Pháp sâu xa, Trí không có cùng tận, hoặc nghĩa của chữ cũng không có cùng tận, dần theo thứ tự hướng vào Vô Biên Tuyền Phúc Đà La Ni Môn. Đã hay tùy thuận ánh sáng của Trí Tuệ cho nên tùy thuận Giác Tính vốn thanh tịnh, mở ánh sáng Trí Tuệ tháo bỏ màng si mê, tùy thuận Giải Thoát (Vimukti) hiểu biết Tính của Thể.
KINH THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI
_QUYỂN THỨ HAI (Hết)_