Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

212. Kinh Nhất Thiết Trí

06/06/201207:32(Xem: 8405)
212. Kinh Nhất Thiết Trí

KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

212. KINH NHẤT THIẾT TRÍ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Uất-đầu-tùy-nhã, trong rừng Phổ cức thích. [02]

Bấy giờ vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc [03]nghe Sa-môn Cù-đàm du hóa tại Uất-đầu-tùy-nhã, trong rừng Phổ cức thích. Sau khi nghe như vậy, vua nước Câu-tát-la, Ba-tư-nặc, bảo một người rằng: “Ngươi đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, thay mặt ta mà thăm hỏi rằng, ‘Thánh thể có khương cường, an lạc không tật bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?’ Rồi nói như vầy, ‘Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc, kính lời thăm hỏi rằng ‘Thánh thể được khang cường, an lạckhông tật bệnh đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’ Ngươi lại nói thêm rằng, ‘Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc muốn đến gặp’.” Người ấy lãnh giáo đến chỗ Phật, cùng Ngài chào hỏi rồi lui ngồi một bên mà thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc kính lời thăm hỏi Thánh thể được khang cường, an lạc không tật bệnh, đi đứng thoải mái khilực như thường chăng? Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc muốn đến gặp.”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Mong vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc được an ổn khoái lạc. Mongcho Trời, Người, A-tu-la, Kiền-tháp-hòa, La-sát và mọi loài khác cũng được an ổn khoái lạc. Vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc muốn đến xin cứ tự tiện tùy ý.”

Lúc đó sứ giả nghe Phật nói, ghi nhớ kỹ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy nhiễu ba vòng rồi lui về.

Bấy giờ Tôn giả A-nan đứng sau lưng Đức Thế Tôn, quạt hầu Phật. Sau khi người sứ giả đi rồi, Đức Thế Tôn quay lại bảo rằng:

“Này A-nan, ông cùng Ta sang ngôi nhà lớn hướng phía Đông, mở cửasổ ra và đóng cửa lớn lại, vào trong chỗ kín đáo ấy. Hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, nhất tâm, không loạn động, muốn nghe và thọ lãnh Chánh pháp.”

Khi ấy Tôn giả A-nan bạch Phật rằng:

“Kính vâng.”

Rồi Đức Thế Tôn dẫn A-nan sang ngôi nhà lớn hướng phía Đông kia, mở cửa sổ ra và đóng cửa lớn lại, dọn chỗ ngồi ở chỗ kín đáo, trải ni-sư-đàn và kiết già mà ngồi.

Lúc đó sứ giả trở về chỗ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la thưa:

“Tâu Thiên vương, tôi đã thông báo cho Sa-môn Cù-đàm và Sa-môn Cù-đàm đang chờ Thiên vương. Cúi xin Thiên vương nên biết đúng thời.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bảo người đánh xe rằng:

“Ngươi hãy sửa soạn xa giá. Hôm nay Ta muốn đến thăm Sa-môn Cù-đàm.”

Người đánh xe lãnh giáo, tức thì sửa soạn xa giá.

Bấy giờ chị em Hiền và Nguyệt [04] đang ngồi ăn với Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe nói hôm nay Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la sẽ đến thăm Phật, liền tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, nếu hôm nay ngài đến thăm Đức Thế Tôn, xin thaychúng tôi cúi đầu thăm hỏi Đức Thế Tôn Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng? Đại vương nói như vầy, ‘Chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Thế Tôn, Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không tật bệnh, đi đứng thoải mái, khílực bình thường chăng?’”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la im lặng nhận lời chị em Hiền và Nguyệt.

Lúc đó người đánh xe sửa soạn xa giá đã xong, đến tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, xa giá trang nghiêm đã xong, xin vâng ý Thiên vương.”

Vua nghe xong, lên xe rời khỏi Uất-đầu-tùy-nhã, đi đến rừng Phổ cức thích.

Lúc đó ngoài cửa rừng Phổ cức thích, một số đông các Tỳ-kheo đi kinh hành trên khoảng đất trống. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đến hỏi các Tỳ-kheo rằng:

“Bạch chư Hiền, Sa-môn Cù-đàm hôm nay ở đâu? Tôi muốn đến thăm.”

Chư Tỳ-kheo đáp rằng:

“Nơi phía Đông kia, tâu Đại vương, tại ngôi nhà lớn hướng phía Đông, có cửa sổ mở và cửa lớn đóng, Đức Thế Tôn đang ở trong đó. Đại vương muốn thăm thì đến nhà ấy, đứng ngoài mà tằng hắng và gõ cửa, Đức Thế Tôn sẽ mở cửa.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la liền xuống xe, với đám tùy tùng vâyquanh, đi bộ về ngôi nhà lớn hướng phía Đông ấy. Đến nơi vua đứng phía ngoài tằng hắng và gõ cửa. Đức Thế Tôn nghe, liền ra mở cửa. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la vào trong ngôi nhà ấy, đến trước bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Thế Tôn rằng, ‘Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không bệnh tật, đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’”

Thế Tôn hỏi rằng:

“Chị em Hiền và Nguyệt không có người sai sao?”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, mong Ngài biết cho, hôm nay chị em Hiền và Nguyệt cùng ngồi ăn với con, nghe con muốn đến thăm Phật, bèn thưa rằng, ‘Đại vương, nếu ngài đến thăm Phật, xin thay chúng tôi cúi đầu thăm hỏi Đức Thế Tôn, Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không bệnh tật, đi đứng thoảimái, khí lực bình thường chăng?’ Nên con bạch lại như vậy cùng Thế Tôn rằng, chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Thế Tôn ‘Thánh thể Ngài khỏe mạnh an lạc, không tật bệnh đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’ Bạch Cù-đàm, chị em Hiền và Nguyệt cúi đầu thăm hỏi Đức Thế Tôn,Thánh thể Ngài khỏe mạnh, an lạc, không tật bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực bình thường chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Này Đại vương, mong cho chị em Hiền và Nguyệt an ổn, khoái lạc, mong cho Trời, Người, A-tu-la, Kiền-đáp-hòa, La-sát cùng mọi loài khác an ổn khoái lạc.”

Bấy giờ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nói lời thăm hỏi Phật rồi lui ngồi một bên bạch rằng:

“Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi mong Ngài nghe chuyện con mới dám trình bày.”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Đại vương, có điều gì muốn hỏi cứ tự ý mà hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, con nghe Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không, và hiện tại cũng không có, không có Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’. Bạch Cù-đàm, Ngài đã nhớ là đã nói như vậy chăng?

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Đại vương, Ta không nhớ là đã nói như vậy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không có, và hiện tại không có, không có Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’.”

Lúc đó Đại tướng Bệ-lưu-la [05]đứngsau lưng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, cầm phất trần hầu vua. Rồi Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la quay lại nói với Đại tướng Bệ-lưu-la rằng:

“Hôm trước Ta ngồi với đại chúng, ai là người đầu tiên nói rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không có và trong hiện tại cũng không có, không có Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’?”

Đại tướng Bệ-lưu-la đáp rằng:

“Tâu Thiên vương, có Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử [06] là người đầu tiên nói như vậy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong, bảo một người rằng: “Ngươi đến chỗ Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử nói như vầy, ‘Ba-tư-nặc vuanước Câu-tát-la cho gọi ông’.”

Người ấy lãnh giáo, đi đến chỗ Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử bảo như vầy:

“Này Niên Thiếu, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la cho gọi ông.”

Sau khi người ấy đi, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la bạch Thế Tôn:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có thể có những lời nói khác, nhưng được ghi nhớ khác. Bạch Cù-đàm, ngài có nhớ đã nói những gì chăng?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Này Đại vương, Ta nhớ đã từng nói như vầy, ‘Trong quá khứ không có, trong tương lai không có, trong hiện tại cũng không có, không có Sa-môn Phạm chí nào trong một thời [07] biết tất cả, trong một thời thấy tất cả’. Này Đại vương, Ta nhớ đã nói như vậy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong tán thán rằng:

“Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Sư [08]. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Thiện sư. Lại có những điều muốn hỏi, mong Ngài cho phép con hỏi.”

Thế Tôn đáp rằng:

“Đại vương, nếu có điều muốn hỏi cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm! Ở đây có bốn chủng tộc, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ, Công sư. Bốn chủng tộc này có sự hơn kém nào không? Và có sự sai biệt nào?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ, Công sư có hơn kém và sai biệt. Hạng Sát-lợi, và Phạm chí ở trong nhân gian được coi là tốithượng. Hạng Cư sĩ và hạng Công sư ở trong nhân gian được coi là hạ liệt. Trong bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư đó là sự hơn kém và đó là sự sai biệt.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

Những gì Sa-môn Cù-đàm nói như Sư. Những gì Sa-môn Cù-đàm nói như Thiện sư.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la lại bạch:

“Bạch Cù-đàm, con không hỏi những vấn đề trong hiện tại, mà con muốn hỏi cả những vấn đề đời sau nữa, mong Ngài nghe con hỏi chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Đại vương, nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:

“Bạch Cù-đàm, ở đây có bốn chủng tộc, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ vàCông sư, có sự hơn kém nào, có sự sai biệt nào ở đời sau chăng?”

Thế Tôn đáp rằng:

“Bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ, và Công sư, có sự hơn kém, có sự sai biệt cả trong đời sau nữa. Bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Công sư và Cư sĩ nếu thành tựu được năm đoạn chi này [09],chắc chắn sẽ gặp được bậc Thiện sư, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng ChánhGiác, chắc chắn được vừa ý, không có điều gì không vừa ý, và cũng luôn luôn được thiện lợi và hữu ích, an ổn khoái lạc. Những gì là năm chi? Đavăn Thánh đệ tử đối với Như Lai đã gieo trồng tín căn, đã quyết định vững bền, không ai có thể tước đoạt, dù là Sa-môn, Phạm chí, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác. Đó gọi là đoạn chi thứ nhất.

“Lại nữa, Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử, ít bệnh, không bệnh, thành tựu sự điều hòa thực đạo[10], không quá lạnh, không quá nóng, dễ chịu, không bị bực dọc. Nghĩa là sự ăn uống được tiêu hóa dễ dàng an ổn. Đó gọi là đoạn chi thứ hai.

“Lại nữa, này Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử không siểm mị, không dối gạt, chất trực, tự bộc lộ sự chân thật đối với Thế Tôn và các vị phạm hạnh. Đó gọi là đoạn chi thứ ba.

“Lại nữa, Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử thường thành tựu hạnh tinh tấn, đoạn trừ ác và bất thiện pháp, siêng tu các thiện pháp, luôn luôn tự sách tấn [11], chuyên nhất kiên cố, đối với gốc rễ các thiện pháp, không hề từ bỏ phương tiện. Đó gọi là đoạn chi thứ bốn.

“Lại nữa, Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử tu hành trí tuệ, quán pháp hưng suy và chứng đắc trí tuệ như vậy, thánh tuệ minh đạt phân biệtthấu triệt, do đó mà chơn chánh diệt tận. Đó gọi là đoạn chi thứ năm.

“Có bốn chủng tộc, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư. Bốn hạng này nếu thành tựu được năm đoạn chi này, nhất định được gặp bậc Thiện sư, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, ắt được vừa ý, không có điều gì không vừa ý, luôn luôn được thiện lợi và hữu ích, an ổn khoái lạc.

“Có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư. Đó là hơn kém, đó là sự sai biệt ở đời sau vậy.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong tán thán rằng:

“Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Sư. Những lời Sa-môn Cù-đàm nói như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe con hỏi chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Đại vương, nếu có điều gì muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:

“Bạch Cù-đàm, có bốn chủng tộc, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư; bốn hạng này có sự hơn kém và sự sai biệt nào đối với đoạn hành [12] chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư. Bốn hạng này có sự sai biệt và hơn kém đối với đoạn hành. Này Đại vương, Đạivương nghĩ sao? Những gì được đoạn bởi tín, và chúng được đoạn bởi bất tín trường hợp đó hoàn toàn không thể có. Những gì được đoạn bởi ít bệnh, mà chúng cũng được đoạn bởi nhiều bệnh, trường hợp đó hoàn toàn không thể có. Những gì được đoạn bởi sự không siểm nịnh, không lừa dối [13],mà chúng cũng được đoạn bởi siểm nịnh, lừa dối, trường hợp này không thể có. Nếu được đoạn bởi tinh cần mà cũng được đoạn bởi giải đãi; trường hợp này không thể có. Nếu đoạn bởi trí tuệ, mà cũng được đoạn trừbởi ác tuệ, trường hợp này không thể có.

“Cũng như chế ngự bốn thứ [14]là chế ngự voi, chế ngự ngựa, chế ngự bò và chế ngự người. Trong đó có hai trường hợp cần chế ngự mà không thể chế ngự và hai trường hợp cần chế ngự mà có thể chế ngự. Đại vương, ý ông thế nào? Hai trường hợp cần chế ngự mà không thể chế ngự, con vật không thể chế ngự ấy mà lại đi đếnchỗ được điều phục, đi đến được chỗ chế ngự [15], thọ nhận công việc của sự điều ngự [16], thì việc này có thể vậy.

“Cũng vậy, này Đại vương, Đại vương nghĩ sao? Nếu những gì được đoạn bởi tín mà cũng được đoạn bởi bất tín chăng? Việc này không thể có.Nếu được đoạn bởi ít bệnh mà cũng được đoạn bởi nhiều bệnh chăng? Việc này không thể có. Nếu được đoạn bởi sự không siểm nịnh không dối trá mà cũng được đoạn bởi siểm nịnh, dối trá chăng? Việc này không thể có. Nếu được đoạn bởi tinh cần mà cũng đoạn bởi giải đãi chăng? Việc này không thể có. Nếu do trí tuệ mà đoạn cũng do ác tuệ mà đoạn chăng? Việc này không thể có. Như vậy, bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ, và Công sư, đó là sự hơn kém, sự sai biệt về đoạn hành.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

“Bạch Cù-đàm, những điều Ngài nói như Sư, những điều Ngài nói nhưThiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe con hỏi chăng?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Đại vương, nếu có điều muốn hỏi tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư, bốn hạng này có sự hơn kém, có sự sai biệt đối với đoạn[17] chăng?”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư, chúngbình đẳng đối với đoạn, không hơn kém, không sai biệt đối với đoạn vậy [18].

“Cũng như một đứa nhỏ dòng Sát-lợi từ phương Đông đến lấy Sa-la khô làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa. Một đứa dòng Phạm chí từ phương Nam đến nó lấy cây Sa-la khô làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa. Một đứa dòng Cư sĩ từ phương Tây đến, nó lấy chiên-đàn làm mồi và cọ xát cho bốclửa. Một đứa bé dòng công sư từ phương Bắc đến, nó lấy cây Bát-đầu-ma [19]khô làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa. Này Đại vương, ý ngài nghĩ sao? Những người khác chủng tộc kia mang các loại cây khác nhau làm mồi lửa, nó cọ xát cho bốc lửa; rồi trong số đó, có người châm vào cây khô làm cho bốc khói, bốc lửa ngọn và phát sanh màu lửa. Này Đại vương, giữa khói với khói, giữa ngọn lửa với ngọn lửa. Giữa sắc lửa với sắc lửa, có những sai biệt nào chăng?”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đáp rằng:

“Bạch Cù-đàm, những người khác chủng tộc đó lấy các thứ cây khác nhau đó làm mồi lửa và cọ xát cho bốc lửa, rồi trong số đó có người châmlửa vào cây khô làm bốc khói, bốc lửa ngọn và phát sanh màu lửa. Bạch Cù-đàm, con không nói rằng giữa khói và khói, giữa ngọn lửa và ngọn lửa,giữa sắc lửa và sắc lửa có sự sai biệt.”

“Cũng vậy, này Đại vương, bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư, chúng hoàn toàn bình đẳng đối với đoạn, không có hơn kém, không có sai biệt đối với đoạn.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

“Bạch Cù-đàm, những điều Ngài nói như Sư. Bạch Sa-môn Cù-đàm, những điều Ngài nói như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho con hỏi chăng?”

Thế Tôn đáp:

“Nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, có chư Thiên chăng?”

Đức Thế Tôn hỏi lại:

“Đại vương, ngài hỏi có chư Thiên không với ý gì?”

Vua Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đáp:

“Bạch Cù-đàm, chư Thiên nào có tranh [20] , ưa tranh thì chư Thiên ấy phải sanh lại thế gian này. Nếu chư Thiên nào không có não hại thì sẽ không sanh lại thế gian này [21].”

Bấy giờ Đại tướng Bệ-lưu-la đứng sau lưng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, cầm phất trần hầu vua. Đại tướng Bệ-lưu-la bạch:

“Bạch Cù-đàm, chư Thiên nào không có tranh, không ưa tranh không đến thế gian này, hãy gác lại chư Thiên đó. Giả như chư Thiên nào có tranh, ưa tranh, thì đến thế gian này, Sa-môn Cù-đàm tất phải nói rằng chư Thiên đó có phước hơn, có phạm hạnh hơn. Vì chư Thiên này được tự tại nên đẩy lui chư Thiên kia, đuổi chư Thiên kia đi vậy.”

Lúc đó Tôn giả A-nan đứng hầu sau Đức Thế Tôn, cầm phất trần hầu Phật. Tôn giả A-nan nghĩ rằng, ‘Đại tướng Bệ-lưu-la này là con của Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, còn ta là con của Đức Thế Tôn. Bây giờ chính là lúc con và con thảo luận. Rồi Tôn giả A-nan nói với Đại tướng Bệ-lưu-la rằng:

“Tôi muốn hỏi ngài, xin tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.

“Thưa Đại tướng, ngài nghĩ thế nào? Trong phần ranh giới thuộc vềBa-tư-nặc vua nước Câu-tát-la mà giáo lệnh có thể truyền đến, Ba-tư-nặcvua nước Câu-tát-la được tự do đuổi đi những vị có phước đức hơn, có phạm hạnh hơn chăng?”

Đại tướng Bệ-lưu-la đáp:

“Này Sa-môn, trong phần ranh giới thuộc về Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la mà giáo lệnh có thể truyền đến thì Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la được quyền đuổi đi tự do những vị có phước đức hơn, có phạm hạnh hơn.”

“Này Đại tướng, ngài nghĩ sao? Nếu không phải trong ranh giới củaBa-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, giáo lệnh không thể truyền đến, thì Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có được tự ý đuổi những vị có phước đức hơn, có phạm hạnh hơn chăng?”

Đại tướng Bệ-lưu-la dáp rằng:

“Này Sa-môn, nếu không phải ranh giới thuộc về Ba-tư-nặc vua nướcCâu-tát-la, giáo lệnh không thể truyền đến thì Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la không được tự do xua đuổi những vị có phước hơn, có phạm hạnhhơn đi khỏi vậy.”

Tôn giả A-nan lại hỏi rằng:

“Này Đại tướng, ngài có nghe nói đến chư Thiên ở Tam thập tam thiên chăng?”

Đại tướng Bệ-lưu-la đáp rằng:

“Khi tôi cùng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la dạo chơi, có nghe nói chư Thiên trên Tam thập tam thiên.”

“Này Đại tướng, ngài nghĩ thế nào? Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la có được quyền tự do xua đuổi chư Thiên có phước hơn, có phạm hạnh hơn ở Tam thập tam thiên khỏi chỗ ấy chăng?”

Đại tướng Bệ-lưu-la đáp rằng:

“Này Sa-môn, Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la còn không thể thấy được chư Thiên ở Tam thập tam thiên, huống gì lại đuổi họ ra khỏi chỗ đó? Đuổi chư Thiên ở Tam thập tam thiên, việc ấy chắc chắn không thể có vậy.”

“Cũng vậy, này Đại tướng, nếu có chư Thiên nào không tranh, khôngưa tranh, không đến thế gian này. Chư Thiên ấy có phước đức hơn và có phạm hạnh hơn. Nếu có chư Thiên nào có tranh, ưa tranh, sanh đến thế gian này thì chư Thiên này đối với chư Thiên kia còn không thể thấy đượchuống gì đánh đuổi ư? Việc đánh đuổi chư Thiên, chắc chắn không thể có.”

Lúc đó Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, Sa-môn này tên gì?”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Này Đại vương, Tỳ-kheo này tên là A-nan, đó là thị giả của Ta.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong khen rằng:

“Những điều A-nan nói như Sư. Những điều A-nan như Thiện sư. Con lại có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho con hỏi chăng?”

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Này Đại vương, nếu có điều muốn hỏi, cứ tùy ý hỏi.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la hỏi rằng:

“Bạch Cù-đàm, có Phạm thiên chăng?”

Đức Thế Tôn hỏi lại rằng:

“Này Đại vương, Đại vương hỏi có Phạm thiên không với ý gì? Này Đại vương, nếu Ta chủ trương có Phạm thiên thì đó là Phạm thanh tịnh.”

Trong lúc Đức Thế Tôn cùng Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la đang luận việc này nửa chừng thì người sứ giả dẫn Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử trở lại đến chỗ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la tâu:

“Tâu Thiên vương, Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử đã đến đây.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe nói liền hỏi Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử rằng:

“Hôm trước ta cùng đại chúng đang hội tọa ai là người trước tiên nói rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm nói như vầy: Trong quá khứ không có, trong tương lai không có, và trong hiện tại cũng không có. Không có Sa-môn Phạm chí nào là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến’?”

Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử đáp:

“Tâu Thiên vương, chính Đại tướng Bệ-lưu-la là người đã nói trước tiên.”

Đại tướng Bệ-lưu-la nghe xong thưa:

“Tâu Thiên vương, chính Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử là người nói trước.”

Cứ như vậy hai người đó cãi nhau về vấn đề này. Ngay trong lúc đó, người đánh xe liền sửa soạn xa giá, đến chỗ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, nghiêm giá đã đến, tâu Thiên vương, mong ngài biết đã đến thời.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la nghe xong, bạch với Phật rằng:

“Con hỏi Cù-đàm về Nhất thiết trí, Sa-môn Cù-đàm đã trả lời con về Nhất thiết trí. Con hỏi Sa-môn Cù-đàm về bốn chủng tánh thanh tịnh; Sa-môn Cù-đàm đã trả lời con về bốn chủng tánh thanh tịnh. Con hỏi Sa-môn Cù-đàm về sở đắc, Sa-môn Cù-đàm đã trả lời con về sở đắc. Con hỏiSa-môn Cù-đàm có Phạm thiên hay không, Sa-môn Cù-đàm đã trả lời cho concó Phạm thiên. Nếu con còn hỏi Sa-môn Cù-đàm các vấn đề khác chắc Sa-môn Cù-đàm cũng sẽ trả lời con các vấn đề ấy.

“Bạch Cù-đàm, hôm nay con có nhiều việc phải trở về, xin kiếu từ.”

Đức Thế Tôn đáp rằng:

“Đại vương, ngài hãy làm những gì ngài nghĩ là đúng thời.”

Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la sau khi nghe những gì Thế Tôn nói, ghi nhớ kỹ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Thế Tôn ba vòng rồi ra về.

Phật nói như vậy. Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la, Tôn giả A-nan và tất cả đại chúng nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli, M.90. Kaṇṇakatthala-suttaṃ.
[02]Uất-đầu-tùy-nhã 鬱 頭 隨 若. Pāli: Ujuññā, một quận lỵ tại xứ Kosala. Phổ cức thích 普 棘 刺; Pāli: Kaṇṇakatthala, là vườn Nai trong quận này.
[03] Câu-tát-la vương Ba-tư-nặc 拘 薩 羅 王 波 斯 匿. Pāli: Kosala-rājan Pasenadi.
[04]Hiền, Nguyệt 賢 月. Pāli: Sakulā và Somaø. Cả hai chị em đều là vợ của vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), cũng là hai vị đệ tử nhiệt thành của Phật.
[05]Bệ-lưu-la 鞞 留 羅 hay Tì-lưu-li. Pāli: Viḍūḍabha, con trai của Pasenadi, mà mẹ nguyên là một nữ tỳ trong dòng họ Thích. Sau này Viḍūḍabha, vì mộtmối thù sĩ diện đối với họ Thích nên đã đem quân tàn sát cả họ.
[06] Tưởng Niên Thiếu Cát Tường Tử 想 年 少 吉 祥 子, Pāli: Sañjaya-Ākāsagotta, tên một người Bà-la-môn, Đại thần của vua Ba-tư-nặc.
[07] Nhất thời 一 時; Pāli: sakideva, trong một thời, một lúc, hay một lần; ngay trong một sát-na.
[08]Sở thuyết như sư 所 說 如 師, không rõ cách nói này. Tham khảo Pāli: heturūpaṃ bhante bhagavā āha, saheturūpaṃ... āha, Thế Tôn nói có nguyên nhân, liên hệ đến nguyên nhân. Không hiểu do liên hệ âm vận như thế nào,bản Hán hiểu heturūpaṃ là ”như sư”. Nếu dịch sát, có thể ”như nhân” nghĩa là, có hình thức luận lý.
[09]Ngũ đoạn chi 五 斷 支 hay ngũ thắng chi, xem Tập Dị 13 (No.1536, Đại 26 tr.422-3). Pāli: pañca padhāniyanngāni. Bản Hán hiểu là pahāna, đoạn trừ, thay vì là padhāna, tinh cần. Xem D. 33. Saṅgītisuttanta.
[10] Đẳng thực đạo 等 食 道. Pāli: sama-vepākiniyā.
[11] Hán: hằng tự khởi ý 恆 自 起 意. Có lẽ Pāli: thāmavant, kiên trì nỗ lực.
[12] Đoạn hành 斷 行. Pāli: padhāna, sự tinh cần hay chuyên cần.
[13] Cuống, siểm. Pāli: saṭha, māyāvin, giảo hoạt và lừa dối hay.
[14]Bốn điều ngự, hay bốn trường hợp huấn luyện, xem kinh 198 trên. Một ít chi tiết trong kinh trước và kinh này không thống nhất trong bản Hán.
[15] Điều địa, ngự địa 調 地 御 地. Pāli: dantabhūmi, địa vị (của con vật) đã được huấn luyện.
[16] Thọ ngự sự 受 御 事. Pāli: dantākaraṇaṃ gaccheyyuṃ, có thể làm công việc (của con vật) đã được huấn luyện.
[17] Đoạn 斷; Pāli: sammappadhāna, chánh cần, hay chân chánh tinh cần.
[18]Trong bản Pāli: na kiñci nānākaraṇaṃ vādāmi yadidṃ vimuttiyā vimuttiṃ, Ta nói không có hành tướng sai biệt nào, tức là giải thoát này đối với giải thoát kia.
[19]Bát-đầu-ma 鈢 頭 摩, thường Pāli tương đương là paduma (hoa sen đỏ), nhưngở đây, trong bản Pāli: udumbarakaṭṭha, cũi bằng gỗ cây udumbaraka, tức cây sung.
[20] Hữu tránh 有 諍, có tranh cãi hay tranh chấp. Pāli: savyāpajjhā, có não hại, sân hận.
[21] Trong bản Pāli, đây là câu trả lời của Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]