Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm thứ 15: Phẩm Song

06/06/201207:32(Xem: 7040)
Phẩm thứ 15: Phẩm Song

KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

182. KINH MÃ ẤP (I)[1]

Tôi nghe như vầy.

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Ương-kị[02], cùng với đại chúng Tỳ-kheo. Ngài cùng với chúng Đại Tỳ-kheo đi đến Mã ấp[03], ngụ tại Mã lâm tự[04].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Người ta thấy các ngươi, những Sa-môn, là Sa-môn. Nếu có ai hỏi các ngươi, những Sa-môn, thì các ngươi có tự xưng mình là Sa-môn chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, có.”

Phật lại nói:

“Cho nên, các ngươi chính vì lẽ đó, chính vì là Sa-môn, phải học pháp như thật Sa-môn, và pháp như thật Phạm chí. Sau khi đã học pháp nhưthật Sa-môn và pháp như thật Phạm chí, bấy giờ mới là Sa-môn chân chánh, không phải là Sa-môn hư danh. Nếu có thọ nhận áo chăn, ẩm thực, giường chõng, thuốc thang, và các thứ tư cụ sinh hoạt khác, những thứ cung cấp ấy được phước lớn, được kết quả lớn, được công đức lớn và được quả báo rộng rãi. Các ngươi nên học như vậy.

“Thế nào là pháp như thật Sa-môn và pháp như thật Phạm chí?

“Thân hành thanh tịnh, chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi thân hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân đã thanh tịnh lại phải làm những gì? Phải học khẩu hành thanh tịnh, chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi khẩu hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩnđục, được các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các thầy nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu đã thanh tịnh, lại phải làm những gì? Phải học ý hành thanh tịnh, chánh đại quangminh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi ý hành thanh tịnh nàymà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu, ý đã thanh tịnh, lại phải làm những gì? Phải học mạng hành[05]thanh tịnh, chánh đại quang minh, khéo léo giữ gìn, không có tỳ vết. Nhân nơi mạng hành thanh tịnh này mà vẫn không tự đề cao, không khinh chê người, không ô uế, không vẩn đục, được các vị Phạm hạnh có trí khen ngợi. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý, mạng hành thanh tịnh, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì làm phải làm thêm’, này Tỳ-kheo Ta nói cho các ngươibiết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa củaSa-môn.

“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu, ý, mạng đã thanh tịnh, lại phải làm những gì? Tỳ-kheo phải học thủ hộ các căn, thường niệm sự khép kín, niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ niệm tâm mà được thành tựu, hằng mưốn khởi ý. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ sắc tướng, không đắm sắc vị; vì sự phẫn tránh[06] mà thủ hộ căn con mắt, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia[07],nên thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, khi ý biết phápkhông chấp thủ pháp tướng, không đắm pháp vị; vì sự phẫn tránh mà thủ hộ ý căn, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia, nên thủ hộ ý căn. Nếu cácngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý, mạng hành thanh tịnh, thủ hộ cáccăn, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì làm phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các thầy mong cầu cứu cánh của Sa-môn mà lạc mất cứu cánh của Sa-môn.

“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu, ý, mạng đã thanh tịnh, đã thủ hộ các căn, lại phải làm những gì? Tỳ-kheo phải học chánh tri khi ra, khi vào[08], khéo quán sát phân biệt[09];co duỗi, cúi ngước, nghi dung chững chạc; khéo mang Tăng-già-lê và các ybát; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng hay im lặng... đều có chánh tri. Nếu các ngươi nghĩ rằng, ‘Ta thân, khẩu, ý, mạng hành thanh tịnh, thủ hộ các căn, có chánh tri khi ra, khi vào, điều cần làm ta đã làm xong, không cần học thêm nữa, đã thành tựu đức nghĩa, không còn gì phải làm thêm’, này Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi biết, không để các ngươi mong cầu nghĩa của Sa-môn mà lạc mất nghĩa của Sa-môn.

“Như muốn cầu học tiến thêm nữa, Tỳ-kheo nếu thân, khẩu, ý, mạng đã thanh tịnh, đã thủ hộ các căn, đã biết rõ sự ra vào, lại phải làm những gì? Tỳ-kheo nên học sống cô độc tại nơi xa vắng, ở trong rừng vắng, dưới gốc cây, những nơi không nhàn yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc vào trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma. Vị ấy saukhi ở trong rừng vắng, hoặc dưới gốc cây, những nơi không nhàn yên tĩnh, trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già, chánh thân chánh nguyện[10], hướng niệm nội tâm[11], đoạn trừ tâm tham lam, tâm không tranh cãi[12],thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không khởi lòng tham muốn, muốnkhiến về mình. Vị ấy đối với sự tham lam, tâm đã tịnh trừ. Cũng vậy,sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn nghi trừ hoặc, đối với các thiện pháp không có do dự. Vị ấy đối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ. Vị ấy đã đoạn trừ năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, rồi ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ.

“Tỳ-kheo với định tâm như vậy, thanh tịnh, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động, bèn hướng đến sự tác chứng Lậu tận trí thông. Vị ấy liền biết như thật rằng, ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật ‘Đây là Lậu’, ‘Đây là Lậu tập’, ‘Đây là Lậu diệt’, ‘Đây là Lậu diệt đạo’. Tỳ-kheo ấy đã biết như vậy, thấy như vậy rồi, tâmgiải thoát dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết là mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Ta nói vị ấy làSa-môn, là Phạm chí, là Thánh, là Tịnh dục[13].

“Thế nào gọi là “Sa-môn”? Là người đã đình chỉ[14]các pháp ác bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệït, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Sa-môn.

“Thế nào gọi là “Phạm chí”? Là người xa lìa[15]các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế mà là gốc rễ của sự hữu trongtương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Phạm chí.

“Thế nào gọi là Thánh? Là người xa lìa[16]các pháp ác, pháp bất thiện, các lậu ô uế, làm gốc rễ của sự hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử.Đó gọi là Thánh.

“Thế nào gọi là “Tịnh dục”? Là người đã tắm rửa sạch các pháp ác,pháp bất thiện, các lậu ô uế, là gốc rễ của hữu trong tương lai, là sự phiền nhiệt, là nhân của khổ báo, của sanh lão bệnh tử. Đó gọi là Tịnh dục. Đó gọi là Sa-môn, là Phạm chí, là Thánh, là tịnh dục.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Bản Hán, quyển 48. Tương đương Pāli, M.39. Mahā-Assapura-suttaṃ. Hán, tham chiếu, No.125 (49.8).
[02] Ương-kị quốc 鴦 騎 國; một trong mười sáu nước lớn thời Phật. Pāli: Aṅga.
[03] Mã ấp 馬 邑; một thị trấn của Ương-kị. Pāli: assapuraṃ nāma aṅgānaṃ nigamo.
[04] Mã lâm tự 馬 林 寺; không rõ.
[05] Mạng hành thanh tịnh, sinh hoạt, hay sự nuôi sống, thanh tịnh. Pāli: parisuddho ājīvo.
[06]Vị phẫn tránh cố 謂 忿 諍 故; vì sự phẫn nộ và tranh cãi. Pāli: yatvādhikaraṇam enam…, do nguyên nhân gì mà… Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi.
[07] Thú hướng bỉ cố 趣 向 彼 故; Pāli: (akusalā dhammā) anvāssaveyyṃ, (các pháp bất thiện) có thể khởi lên (trôi chảy vào tâm).
[08] Chánh tri xuất nhập 正 知 出 入; Pāli: abhikkante paṭikkante saṃpajānakārī, tỉnh giác (biết mình đang làm gì) khi đi tới đi lui.
[09] Thiện quán phân biệt; Pāli: ālokite vilokite saupajānakārī, tỉnh giác khi nhìn trước nhìn sau.
[10] Chánhthân chánh nguyện 正 身 正 願; Pāli: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, ngồi thẳng lưng.Bản Hán, paṇidhāya, sau khi đặt để, được hiểu là paṇidhāna: ước nguyện.
[11] Phản niệm bất hướng 反 念 不 向; Pāli: parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, dựng chánh niệm ngay trước mặt (hệ niệm tại tiền).
[12] Tâm vô hữu tránh 心 無 有 諍; Pāli: vigatābhijjhena cetasā vharati, sống với tâm tư không tham lam.
[13] Tịnh dục 淨 欲; Pāli: nahātaka, người đã tắm sạch.
[14] Tứcchỉ 息 止. Pāli: samaṇo...samitāassa honti pāpakā ākusalā dhammā, Sa-môn..., là những người đã đình chỉ các pháp ác bất thiện. Theo đây, từ samaṇa (Sa-môn) được giải thích là do động từ sammati: (làm cho) yên lặng, tĩnh lặng, tĩnh chỉ, đình chỉ.
[15] Viễnly 遠 離; Pāli: brāhmaṇo...bāhitāssa honti pāpakā ākusalā dhammā, Bà-la-môn (brāhmaṇa) là những người đã loại ra ngoài các pháp ác bất thiện. Theo đây, từ brāhmaṇa được giải thích là do động từ bāheti, cự tuyệt, tránh xa, loại bỏ.
[16] Viễn ly 遠 離; Pāli: āriyo...ārakāssa..., Thánh (āriya), là những người cách xa... Theo đây, āriya do trạng từ ārakā, cách xa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]