Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 2: Kinh Lăng Già

03/05/201119:55(Xem: 7889)
Quyển 2: Kinh Lăng Già
Phat thuyet phap-4
KINH LĂNG GIÀ

LĂNG GIÀ A BẠT ĐA LA BỬU KINH

Pháp Sư Tam Tạng Ấn Độ Cầu Na Bạt Đà La 
dịch từ Phạn sang Hán đời nhà Tống.

Việt Dịch : Tỳ Kheo Thích Duy Lực
Thành Hội Phật Giáo HCM Xuất Bản 1994




PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM
( Phần 2 )


QUYỂN THỨ NHÌ



Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn! Pháp sở thuyết trong kinh Phật nói tự Tánh của Như Lai Tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi. đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh, vì áo nhơ ấm, giới, nhập che khuất, nên bị cấu bẩn vọng phân biệt tham, sân, si sở ô nhiễm, giống như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ. Mà ngoại đạo có cái thuyết '' Chơn Ngã là kẻ tác giả thường trụ, lìa nơi y chỉ, tự tại chẳng diệt''. Vậy, cái nghĩa '' Như Lai Tạng '' của Phật sở thuyết, há chẳng đồng như cái thuyết '' Chơn Ngã '' của ngoại đạo ư?

Phật bảo Đại Huệ :

- Ta nói '' NHƯ LAI TẠNG '', chẳng đồng với cái thuyết '' Chơn Ngã '' của ngoại đạo. Đại Huệ! Ta có lúc nói Không, Vô Tướng, Vô Nguyện, như thật tế, Pháp tánh, Pháp thân Niết Bàn, lìa tự tánh, bất sanh bất diệt, bổn lai tịch tịnh, tự tánh Niết Bàn v.v... dùng những danh từ này để thuyết Như Lai Tạng xong, ấy là vì Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác muốn đoạn dứt sự e sợ danh từ Vô Ngã của phàm phu, nên nói cảnh giới lìa vọng tưởng, Vô Sở Hữu là Như Lai Tạng.

- Đại Huệ! Bậc Bồ Tát vị lai, hiện tại, chẳng nên sanh ngã kiến chấp trước. Ví như thợ gốm nơi một đống đất dùng phương tiện nhơn công, nước, cây, bánh xe quay để làm ra các món đồ gốm, thì Như Lai cũng như thế; ở nơi pháp Vô Ngã lìa tất cả tướng của vọng tưởng, dùng đủ thứ trí huệ, phương tiện khéo léo, hoặc thuyết Như Lai Tạng, hoặc thuyết Vô Ngã. Do nhân duyên này, nên cái thuyết Như Lai Tạng của ta chẳng đồng với cái thuyết chơn ngã của ngoại đạo. Vì khai mở cái trói chấp ngã của các ngoại đạo, nên có cái thuyết Như Lai Tạng, khiến họ lìa vọng tưởng ngã kiến chẳng thật, ngộ nhập cảnh giới ba cửa giải thoát, mong họ chóng được Vô Thượng Bồ Đề. Cho nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác phải thuyết Như Lai Tạng như thế. Nếu chẳng như vậy, ắt đồng với ngoại đạo. Cho nên, Đại Huệ! Vì lìa kiến chấp của ngoại đạo cần phải y theo pháp Vô Ngã của Như Lai Tạng mà tu học.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Nhơn Ngã và ngũ ấm,
Nhân duyên với vi trần.
Tự tánh vốn tự tại,
Duy tâm vọng phân biệt.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát quán chúng sanh đời vị lai, lại thỉnh Thế Tôn :

- Cúi xin Thế Tôn thuyết về đại phương tiện tu hành chẳng gián đoạn của chư Đại Bồ Tát.

Phật bảo Đại Huệ :

- Đại phương tiện tu hành của bậc Đại Bồ Tát phải thành tựu bốn pháp. Thế nào là bốn?

1. Khéo phân biệt tự tâm hiện.

2. Quán ngoài tánh phi tánh.

3. Lìa kiến chấp sanh trụ diệt.

4. Được sự an lạc của đắc Tự Giác Thánh Trí.

Ấy gọi là thành tựu bốn pháp Đại phương tiện tu hành của bậc Đại Bồ Tát.

- Thế nào là Khéo Phân Biệt Tự Tâm Hiện của bậc Đại Bồ Tát? Ấy là quán ngằn mé duy tâm của tam giới, lìa ngã, ngã sở, chẳng lay động, chẳng khứ lai, biết do tập khí hư ngụy huân tập từ vô thỉ, kiến lập thân ( ngã ), tài ( ngã sở ), tùy theo vọng tưởng trói buộc hiện đủ thứ sắc hành của tam giới, ấy gọi là khéo phân biệt tự tâm hiện của bậc Đại Bồ Tát.

- Thế nào là Khéo Quán Ngoài Tánh Phi Tánh? Là nói quán tự tánh của tất cả tánh do vọng tưởng tập khí hư ngụy từ vô thủy làm nhân mà thành, tất cả tánh đều giống như dương diệm, mộng huyễn v.v... Đại Bồ Tát khéo quán như thế, gọi là Khéo Quán Ngoài Tánh Phi Tánh.

- Thế nào là Đại Bồ Tát Khéo Lìa Kiến Chấp Sanh, Trụ, Diệt? Nói tất cả tánh như mộng huyễn, tự tánh, tha tánh và cộng tánh vốn chẳng sanh, liền được vào cảnh giới Vô sanh của tự tâm, liễu tri ngằn mé của tự tâm qui vô sở đắc nên chẳng lìa mà tự lìa. Đã rõ ngằn mé của tự tâm, nên quán được ngoài tánh phi tánh, tất cả pháp sanh ở nơi tam giới trong ngoài đều bất khả đắc; quán được pháp sanh lìa tự tánh, thì kiến chấp về pháp sanh phải diệt. Vậy, khéo biết tự tánh của các pháp như huyễn thì chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn xong thì lìa kiến chấp sanh trụ diệt. Ấy gọi là Đại Bồ Tát khéo phân biệt Lìa Kiến Chấp Sanh, Trụ, Diệt.

- Thế nào là Đại Bồ Tát Đắc Sự An Lạc Của Tự Giác Thánh Trí? Vì Đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn rồi thì trụ nơi Bồ Tát Đệ Bát Địa, được lìa tâm, ý, ý thức, năm pháp tự tánh và hai tướng Vô Ngã, chứng đắc Ý Sanh Thân.

Đại Huệ Bồ Tát hỏi :

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Ý Sanh Thân?

Phật bảo Đại Huệ :

- Nói Ý Sanh Thân, ví như sự đi nhanh chóng của ý đi qua vách đá vô ngại, cho đến khoảng cách số dặm vô lượng ở phương xa, vì trước kia ý đã thấy, ghi nhớ chẳng quên, tự tâm lưu chú chẳng ngừng, thì Ý Sanh Thân cũng như thế, thành chẳng chướng ngại. Đại Huệ! Ý và thân như thế được sanh cùng một lúc, ý sanh thân của Đại Bồ Tát thuộc Thánh chủng diệu tướng trang nghiêm, do như huyễn Tam muội, có sức thần thông tự tại, nên trong một lúc cùng sanh, cũng như ý sanh, chẳng có chướng ngại, tùy theo cảnh giới của bổn nguyện ghi nhớ mà thành tựu cho chúng sanh, đắc sự an lạc của Tự Giác Thánh Trí. Như thế, Đại Bồ Tát đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, trụ Đệ Bát Địa, lần lượt xả bỏ tâm, ý, ý thức, năm pháp tự tánh và hai tướng Vô Ngã, thì chứng đắc Ý Sanh Thân. Ấy gọi là Đại Bồ Tát được sự an lạc của Tự Giác Thánh Trí.

Nói tóm lại, thành tựu bốn pháp đại phương tiện tu hành của bậc Đại Bồ Tát kể trên, cần nên tu học.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Thế Tôn rằng :

- Cúi xin Phật thuyết tướng nhân duyên của tất cả các pháp, do giác đựơc tướng nhân duyên, khiến con và các Bồ Tát được lìa tất cả tánh của vọng kiến hữu vô, chẳng vọng chấp các pháp tiệm sanh, hoặc đốn sanh, hoặc tiệm đốn cộng sanh.

Phật bảo Đại Huệ :

- Tất cả pháp có hai thứ duyên tướng, là ngoại duyên và nội duyên. Ngoại Duyên là : Cục đất, cây cọc, bánh xe, sợi dây, nước, gỗ, nhân công, các thứ phương tiện làm duyên, sanh ra cái bình như bình đất, còn các thứ tơ, lụa, lát chiếu, giống mầm, tô lạc v.v... do ngoại duyên phương tiện sanh ra cũng như thế. Ấy gọi là tướng Ngoại Duyên.

- Thế nào là Nội Duyên? Vì có vô minh ái nghiệp các pháp hòa hợp gọi là năng duyên, từ đó sanh khởi các pháp ấm, giới, nhập, gọi là sở duyên. Các pháp do tự tâm sở hiện vốn chẳng sai biệt, mà phàm phu vọng chấp, thành có sai biệt, ấy gọi là pháp Nội Duyên.

- Đại Huệ! Nói về Nhân gồm có sáu thứ, ấy là : Đương hữu nhân, Tương tục nhân, Tướng nhân, Tác nhân, Hiển thị nhân, Đối đãi nhân.

1. Đương Hữu Nhân : Vì thức thứ tám từ vô thỉ đến nay hay làm nhân cho tất cả pháp, từ nhân sanh quả, bất khả tư nghì, đương lúc đó làm nhân, nên gọi là Đương Hữu Nhân.

2. Tương Tục Nhân : Vì bên trong nương thức thứ tám và thức thứ sáu, phan duyên ngoại cảnh, từ đó pháp trong ngoài làm nhân sanh quả như ngũ ấm chủng tử v.v... do hiện hành huân tập chủng tử, lại do chủng tử huân tập hiện hành, mà quả nhiễm tịnh theo đó liên tục sanh khởi chẳng dừng, nên gọi là Tương Tục Nhân.

3. Tướng Nhân : Do cái đẳng Vô Gián Duyên ( duyên chẳng gián đoạn ) làm ra tướng Vô Gián, sanh ra quả tương tục. Nơi tương tục có tướng Vô Gián đã lìa nơi nhân mà chưa đến nơi quả, vì nó chẳng gián đoạn cho nên tương tục. Vì ở nơi chính giữa của nhân và quả mà có tướng,, nên gọi là Tướng Nhân.

4. Tác Nhân : Tức là tăng thượng duyên, ấy là tạo nghiệp tăng thượng mà sanh ra quả, cũng như Chuyển Luân Vương, do thân thể chứng đắc Luân Vương làm bản nhân mà bánh xe Thất Bửu từ hư không bay đến, ấy là sự tăng thượng. Vì cảnh chẳng thể sanh quả, phải nhờ tâm làm tăng thượng, Luân Vương mới có thể làm ra thắng nhân. Vì tâm làm tăng thượng duyên cho cảnh ( bánh xe bay ), nên gọi là Tác Nhân.

5. Hiển Thị Nhân : Sự vọng tưởng sanh rồi thì hiện cái tướng năng tác, sở tác, như cây đèn chiếu soi hiển thị sắc tướng v. v... gọi là Hiển Thị Nhân.

6. Đối Đãi Nhân : Là lúc pháp diệt thì sự tương tục đoạn đứt, mà ngay đó tánh ''chẳng vọng tướng'' sanh khởi. Đại Huệ! Tự tướng vọng tưởng của phàm phu chẳng lần lượt sanh, chẳng cùng chúng sanh. Tại sao? Nếu cùng lúc sanh thì chẳng phân biệt được năng tác, sở tác, vì chẳng có tướng nhân. Nếu lần lượt sanh thì chẳng có tự tướng, cho nên chẳng thể có lần lượt sanh, như chẳng sanh con thì không được gọi là cha. Đại Huệ! Vì cha với con làm nhân đối đãi với nhau, không có cha thì không sanh được con, không có con thì không được gọi là cha; cha con đối đãi nhau mà sanh, nên gọi là Đối Đãi Nhân.

- Đại Huệ! nói tóm lại, các thứ tướng sanh đều do các thứ nhân của tự tánh vọng tưởng chấp tướng mà sanh. Vì tự tâm hiện ra thọ dụng mà có tự tướng, cộng tướng, ngoại tánh, phi tánh; thực ra Lần Lượt Sanh và Cùng Lúc Sanh hai thứ đều chẳng thể sanh. Cho nên phải lìa hai thứ kiến chấp đó.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Tất cả đều Vô sanh,

Cũng không nhân duyên diệt.

Ở nơi tướng sanh diệt,

Mà khởi nhân duyên tưởng.

Pháp diệt rồi lại sanh,

Do nhân duyên tương tục.

Vì đoạn dứt si mê,

Của tất cả chúng sanh.

Nên thuyết pháp duyên khởi,

Các pháp thật Vô Sanh.

Do tập khí mê hoặc,

Từ đó hiện tam giới.

Duyên thật vốn Vô Sanh,

Lại cũng chẳng có diệt.

Tất cả pháp hữu vi,

Như hoa đốm trên không.

Nếu lìa bỏ kiến chấp,

Năng nhiếp và sở nhiếp.

Chẳng có Vô nhân sanh,

Và đã sanh, sẽ sanh.

Sự sanh vốn chẳng có,

Thảy chỉ là ngôn thuyết.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng :

- Bạch Thế Tôn! Cúi xin vì chúng con nói tướng của Tâm Kinh và ngôn thuyết của vọng tưởng. Con và các Đại Bồ Tát nếu khéo biết tướng Tâm Kinh và ngôn thuyết của vọng tưởng, thì được thông đạt hai nghĩa năng thuyết và sở thuyết, chóng chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, dùng hai thứ năng thuyết và sở thuyết tẩy sạch trần cấu của tất cả chúng sanh.

Phật bảo Đại Huệ :

- Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Lành thay! Thế Tôn! Con xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ :

- Có bốn thứ tướng ngôn thuyết vọng tưởng là : Tướng ngôn thuyết, Mộng ngôn thuyết, Vọng tưởng chấp trước ngôn thuyết, và vô thỉ vọng tưởng ngôn thuyết.

1. Tướng Ngôn Thuyết : Là từ tự tâm vọng tưởng chấp trước sắc tướng mà sanh.

2. Mộng Ngôn Thuyết : Là cảnh giới xưa kia đã trải qua, nay tùy niệm tưởng nhớ mà sanh, Nếu giác ngộ rồi thì cảnh giới '' Vô Tánh '' được sanh.

3. Vọng Tưởng Chấp Trước Ngôn Thuyết : Là như trước kia do oán ghét tạo thành nghiệp, nay tùy niệm tưởng nhớ mà sanh.

4. Vô Thỉ Vọng Tưởng Ngôn Thuyết : Là lỗi từ vô thỉ hư ngụy, chấp trước tạp khí của tự chủng mà sanh. Ấy gọi là bốn thứ tướng của vọng tưởng ngôn thuyết.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại dùng nghĩa này khuyến thỉnh Thế Tôn :

- Cúi xin Phật thuyết lại cảnh giới sở hiện của vọng tưởng ngôn thuyết. Bạch Thế Tôn! Ấy là ở nơi nào? Do cớ gì? Tại sao? Nhân gì mà sanh ra ngôn thuyết vọng tưởng của chúng sanh?

Phật bảo Đại Huệ :

- Do đầu, ngực, cổ họng, mũi, môi, lưỡi, nướu răng, hòa hợp mà phát ra âm thanh.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn! Ngôn thuyết với vọng tưởng là khác hay chẳng khác?

Phật bảo Đại Huệ :

- Ngôn thuyết và vọng tưởng, chẳng phải khác hay chẳng khác. Tại sao? Vì là vọng tưởng làm nhân sanh ra tướng ngôn thuyết. Nếu ngôn thuyết với vọng tưởng khác nhau thì vọng tưởng chẳng nên làm nhân; nếu chẳng khác thì lời nói chẳng hiển bày nghĩa lý. Nhưng sự thật thì chẳng như vậy. Cho nên chẳng phải khác hay chẳng khác.

Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng :

- Vậy ngôn thuyết là Đệ Nhất Nghĩa hay sở thuyết là Đệ Nhất Nghĩa?

Phật bảo Đại Huệ :

- Chẳng phải ngôn thuyết là Đệ Nhất Nghĩa, cũng chẳng phải sở thuyết là Đệ Nhất Nghĩa. Tại sao? Nói '' ĐỆ NHẤT NGHĨA " là do ngôn thuyết sở nhập, nghĩa là sự an vui của bậc Thánh, mới gọi là Đệ Nhất Nghĩa, chẳng phải ngôn thuyết là Đệ Nhất Nghĩa. Đệ Nhất Nghĩa là do Thánh Trí tự giác sở chứng đắc, chẳng phải cảnh giới của ngôn thuyết vọng tưởng, cho nên, ngôn thuyết vọng tưởng chẳng hiện thị Đệ Nhất Nghĩa. Lại nữa, Đại Huệ! Vì do tự tâm hiện lượng sở nhập nên mổi mổi tướng ngoài tánh phi tánh. Thì vọng tưởng ngôn thuyết chẳng hiển thị Đệ Nhất Nghĩa. cho nên, Đại Huệ! phải lìa tướng ngôn thuyết và vọng tưởng, mới có thể hiển bày được Đệ Nhất Nghĩa.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Các Pháp chẳng tự tánh,

Cũng chẳng phải ngôn thuyết.

Không Không nghĩa sâu tột,

Phàm phu chẳng thể liễu.

Tự tánh của pháp tánh,

Lìa ngôn thuyết phân biệt.

Sanh tử và Niết Bàn,

Các pháp như mộng huyễn.

Như vua và Trưởng giả,

Vì muốn các con vui.

Trước cho vật tương tự,

Sau ban đồ chơn thật.

Nay ta cũng như thế,

Trước thuyết pháp tương tự,

Sau mới vì họ giảng,

Pháp thật tế tự chứng.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Cúi xin Thế Tôn thuyết những pháp : Nhất hay dị, đồng hay chẳng đồng, hữu và vô, hay chẳng hữu chẳng vô, thường hay vô thường, chổ chẳng hành của tất cả ngoại đạo, là chổ hành của Tự Giác Thánh Trí, lìa vọng tưởng tự tướng cộng tướng, vào Đệ Nhất Nghĩa chơn thật. Các địa tương tục, dần dần tiến lên, đến chổ tướng cùng tột thanh tịnh, liền vào tướng địa của Như Lai, chẳng mở mang bản nguyện. Ví như hạt châu Ma Ni có nhiều hình sắc cảnh giới vô biên tướng hạnh, nay chỉ hiện tượng bộ phận trong tự tâm, nơi tất cả các pháp, nếu con và các vị Đại Bồ Tát, lìa kiến chấp tự tướng cộng tướng của vọng tưởng tự tánh như trên, sẽ chứng được Vô Thượng Bồ Đề, khiến tất cả chúng sanh đầy đủ sung mãn tất cả an lạc.

Phật bảo Đại Huệ :

- Lành thay! Lành thay! Ngươi khéo hỏi ta các nghĩa như thế, là thương mến tất cả chư Thiên, người đời, khiến họ được nhiều an lạc và nhiều lợi ích. Đại Huệ! hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, Ta sẽ vì ngươi phân biệt giải thuyết.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Lành thay! Thế Tôn, con xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ :

- Phàm phu ngu si, chẳng biết tâm lượng, chấp lấy tánh trong ngoài, dựa theo vọng tưởng chấp trước nhất, dị, đồng, và chẳng đồng, hữu và vô, và phi hữu phi vô, thường và vô thường v.v... làm nhân, huân tập tự tánh, ví như bày nai khát nước, thấy dương diệm tưởng là nước, mê hoặc đuổi theo mà không biết chẳng phải nước. Phàm phu cũng thế, do vọng tưởng hư ngụy từ vô thỉ sở huân tập mà bị tam độc đốt tâm, ham cảnh giới sắc, thấy sanh, trụ, diệt, chấp tánh trong ngoài, nên đọa nơi vọng kiến nhiếp thọ, sanh ra tư tưởng nhất, dị, đồng, chẳng đồng, hữu, vô, phi hữu phi vô, thường và vô thường v. v... Như thành Càn Thát Bà vốn chẳng phải thành, mà phàm phu vô trí lại cho là có thành thiệt, ấy là do tập khí chấp trước từ vô thỉ mà hiện tướng, thật ra chẳng phải có thành, cũng chẳng phải không có thành. Như thế, ngoại đạo do tập khí chấp trước hư ngụy từ vô thỉ, mà nương theo kiến chấp nhất, dị, đồng, chẳng đồng... chẳng khéo liễu tri tự tâm hiện lượng. Ví như có người nằm mơ, thấy nam nữ, voi ngựa xe cộ, thành ấp, vườn rừng, núi sông, ao hồ, đủ thứ trang nghiêm, tự thân thọ dụng trong đó, sau khi thức rồi vẫn cò tưởng nhớ. Đại Huệ! Ý ngươi thế nào? Người ấy tưởng nhớ việc mộng trước kia mãi mãi chẳng bỏ như thế, là có trí huệ chăng?

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Không ạ, Thế Tôn!

Phật bảo Đại Huệ :

- Phàm phu như thế, chẳng biết tánh do tự tâm hiện như mộng huyễn, nương nơi kiến chấp nhất, dị, đồng, chẳng đồng v.v... Ví như bức tranh vốn chẳng cao thấp mà phàm phu cho là có cao thấp, vì bị ác kiến ăn nuốt, hoặc chấp trí huệ của ngoại đạo. Như thế, từ ngoại đạo xưa cho đến ngoại đạo đời vị lai, tập khí ác kiến sung mãn, do đó tự hoại hoại tha. Ngoại đạo cũng lập luận Vô Sanh, mà lọt vào ác kiến, phỉ báng nhân quả, cũng nói là vô, lại nhổ gốc thiện căn, hoại nhân thanh tịnh. Họ đọa vào kiến chấp tự sanh, tha sanh, cộng sanh và tư tưởng hữu vô, chìm nơi kiến lập và phỉ báng, do ác kiến này nên đoại địa ngục.

- Ví như mắt nhặm, thấy có hoa đốm mà nói với chúng rằng : '' Các ngươi xem đây, ấy là hoa đốm, cứu cánh Phi tánh Phi vô tánh, thấy như chẳng thấy. " Vì ngoại đạo này vọng sanh hy vọng, dựa theo kiến chấp nhất, dị, đồng hay chẳng đồng v.v... mà phỉ báng chánh pháp, tự đọa và khiến người khác đạo theo.

- Ví như vòng lửa chẳng phải vòng mà phàm phu tưởng là vòng. Ngoại đạo ác kiến hy vọng như thế, do đó tất cả tánh sanh. Ví như bọt nước giống như hạt châu Ma Ni, phàm phu Tiểu thừa chẳng có trí huệ lại tưởng là châu Ma Ni, và phi châu Ma Ni, chấp trước đuổi theo. Nhưng bọt nước kia chẳng phải châu Ma Ni, chẳng phải lấy hay chẳng lấy. Chỉ vì ác kiến của ngoại đạo do tập khí huân tập như thế, ở nơi Vô Sở Hữu mà nói có sự sanh, do duyên theo hữu lại nói có sự diệt.

- Lại nữa, Đại Huệ! Có ba thứ lượng (1) và năm phần luận (2) mỗi mỗi kiến lập xong, đem sự đắc Thánh Trí tự giác, lìa hai tự tánh, vọng tưởng chấp trước cho là có tánh.

(1) BA THỨ LỰƠNG : Hiện Lượng, Tỷ Lượng và Thánh Ngôn Lượng. Nghĩa chữ Lượng là sự hiểu biểt đúng với mức độ của nghĩa lý, gọi là lượng.

a. Hiện Lượng : Là sự vật hiện hữu trước mắt đang thấy, được hiểu biết, gọi là hiện lượng, cũng như thấy đang mưa biết là mưa.

b. Tỷ Lượng : Là do thí dụ so sánh mà biết, cũng như sáng mới thức dậy, thấy ngoài sân sau vườn, mặt đất ướt đều hết, biết là đêm qua có mưa, gọi là tỷ lượng.

c. Thánh Ngôn Lượng : Nghĩa là không thấy mưa, không thấy mặt đất ướt,chỉ nghe chỉ nghe bậc Thánh nói đêm qua có mưa, vì tin lời nói của bậc Thánh không có nói dối, gọi là Thánh ngôn lượng.

(2) Năm Phần Luận : Là ba chi Tông, Nhơn, Dụ, và Hợp với Kết, tức là năm phần luận, cũng gọi là Nhân Minh Luận, người Tây phương gọi là Logic, dùng để chứng minh sự vật có đúng lý hay không.

- Đại Huệ! Tâm, ý, ý thức, thân tâm chuyển biến tự tâm hiện năng nhiếp sở nhiếp v.v... Các vọng tưởng đoạn dứt, thì người tu hành Như Lai Địa, Tự Giác Thánh Trí, chẳng ở nơi những vọng tưởng ấy, khởi tưởng cho là tánh phi tánh. Nếu người tu hành có cảnh giới như thế, chấp lấy tướng sanh có tánh phi tánh, ấy tức là chấp lấy có sự nuôi dưỡng thiện căn, và chấp lấy ngã tướng nhơn tướng.

- Đại Huệ! Thuyết pháp tánh tự tánh, tự tướng cộng tướng, tất cả đều là Hóa Phật sở thuyết, chẳng phải Pháp Phật thuyết. Những ngôn thuyết ấy đều do kiến chấp hy vọng của phàm phu mà thuyết. Chẳng phải vì người ham trụ chánh định, đắc Tự giác Thánh Trí, đặc biệt kiến lập thẳng vào tự tánh pháp. Nay phương tiện hiển thị, ví như trong nước có bóng cây hiện, ấy cũng chẳng phải bóng, chẳng phải phi bóng, chẳng phải hình cây, chẳng phải phi hình cây. Chỉ do ngoại đạo chẳng biết hiện lượng của tự tâm, theo vọng tưởng chấp trước huân tập thành kiến chấp, nương theo đó sanh tướng nhất, dị, đồng, chẳng đồng, hữu, vô, phi hữu phi vô, thường, vô thường v.v... Tự tâm hiện lượng ví như gương sáng, tùy duyên hiển hiện tất cả sắc tướng mà chẳng khởi vọng tưởng. Ấy chẳng phải tướng, chẳng phải phi tướng, mà thấy tướng phi tướng, phàm phu vọng tưởng cho là tướng thật. Ngoại đạo có ác kiến như thế, tướng tự tâm hiện vọng tưởng chấp trước, nương nơi nhất, dị, đồng, chẳng đồng, hữu, vô, v.v... mà sanh kiến chấp, cũng như gió với nước hoà hợp mà sanh ra âm thanh. Ấy chẳng phải tánh, chẳng phải phi tánh. Ví như đại địa chỗ chẳng có cây, do thấy dương diệm vọng cho là có dòng sông, làm sóng nổi dậy, ấy chẳng phải tánh, chẳng phải phi tánh, tham vô tham ( Tham tức là chấp thật ở chỗ chẳng thể chấp thật mà chấp cho là thật ), phàm phu cũng như thế, vì do tập khí hư ngụy từ vô thỉ huân tập vọng tưởng chấp trước, nương theo sanh, trụ, diệt, nhất, dị, đồng, chẳng đồng, v.v... phan duyên tự trụ những việc ấy, cũng như dương diệm nổi làn sóng kia.

- Ví như có người dùng sức chú thuật, khiến tử thi, người máy hoạt động như hình chúng sanh, nhưng thật chẳng phải chúng sanh. Tất cả những việc kể trên, đều do ác kiến hy vọng của ngoại đạo hý luận chấp trước sự chẳng thật mà kiến lập.

- Đại Huệ! Vì muốn thành tựu sự đắc Tự Giác Thánh Trí, phải lìa những ác kiến vọng tưởng sanh, trụ, diệt, nhất, dị, đồng, chẳng đồng, hữu vô, phi hữu phi vô, thường, vô thường, v.v...

Khi ấy Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Bóng cây hiện trong nước,

Như hoa đốm dương diệm.

Quán tam giới như thế,

Cứu cánh được giải thoát.

Ví như nai khát nước,

Khiến tâm mê loạn chuyển.

Cho dương diệm là nước,

Thật thì chẳng phải nước.

Do chủng tử ý thức,

Hoạt động hiện cảnh vọng.

Phàm phu sanh vọng tưởng,

Như mắt bị bệnh nhặm.

Nơi vô thỉ sanh tử,

Chấp có tánh nhiếp thọ.

Nếu ngược chốt tháo chốt,

Xả lìa tham nhiếp thọ (1).

Như huyễn chú máy động,

Như mây nổi điện chớp.

Quán thế được giải thoát,

Dứt hẳn ba tương tục (2),

Nơi thật chẳng kẻ tạo,

Như dương diệm hư không.

Dù biết pháp như thế,

Thật thì Vô Sở Tri.

Ngôn giáo lập giả danh,

Giả danh chẳng có tướng.

Lại theo đó khởi vọng,

Ngũ ấm và hiện hành.

Như bức tranh hoa đốm,

Mộng huyễn Càn Thát Bà.

Vòng lửa và dương diệm.

Từ không hiện thành có.

Nhất dị, thường, vô thường,

Đồng chẳng đồng cũng vậy.

Lỗi tương tục vô thỉ,

Do phàm phu si vọng.

Như gương sáng Ma Ni,

Hiện ra nhiều sắc tướng.

Thật thì chẳng có gì,

Tất cả tánh hiển hiện.

Cảnh mộng huyễn cũng thế,

Mỗi mỗi sắc tướng hiện,

Đều chẳng thật như vậy.

(1) NHIẾP THỌ : Có sự thọ nhận.

(2) BA TƯƠNG TỤC : Thế giới tương tục, Chúng sanh tương tục và Nghiệp quả tương tục

- Lại nữa, Đại Huệ! Như Lai thuyết pháp lìa tứ cú như thế. Là nhất, dị, đồng, chẳng đồng, hữu, vô, phi hữu phi vô, thường, vô thường, lìa nơi hữu vô, kiến lập, phủ nhận, phân biệt kết tập, chơn đế duyên khởi, đạo diệt, giải thoát... Sự thuyết pháp của Như Lai lấy đó làm gốc, phi tánh, phi tự tại, phi vô nhân, phi vi trần, phi thời, phi tự tánh tương tục mà vì chúng sanh thuyết pháp. Lại nữa, Đại Huệ! Vì tẩy sạch phiền não chướng và sở tri chướng, ví như thương chủ vì dẫn chúng đến nơi bảo sở, nên theo thứ lớp kiến lập một trăm lẻ tám câu Vô sở hữu này, khéo phân biệt Tam thừa ( phá phiền não chướng ) và tướng Thập Địa ( phá Sở tri chướng ).

- Lại nữa, Đại Huệ! Có bốn thứ thiền. Thế nào là bốn? 1. Phàm phu sở hành thiền.

2. Quán sát nghĩa thiền. 3. Phan duyên như thật thiền. 4. Như Lai thiền.

- Thế nào là PHàM PHU SỞ HàNH THIỀN? Là nói Thanh Văn, Duyên Giác, ngoại đạo tu hành, quán nhân vô ngã tánh, tự tướng cộng tướng, lóng xương liền nhau, vô thường, khổ, tướng bất tịnh, v.v... do chấp trước làm gốc. Chỉ quán các tướng như thế, chẳng quán cái khác, thứ lớp tiến tới, tướng chẳng trừ diệt, ấy gọi là Phàm Phu Sở Hành Thiền.

- Thế nào là QUÁN SÁT NGHĨA THIỀN? Nói quán nhơn ( người ) vô ngã, tướng cộng tướng, ngoại đạo, biết tự và tha đều vô tánh, xong quán pháp Vô Ngã, Nghĩa hành tướng của Thập Địa Bồ Tát thừa, dần dần tiến lên, gọi là Quán Sát Nghĩa Thiền.

- Thế nào là PHAN DUYÊN NHƯ THậT THIỀN? Là nói vọng tưởng : hai thứ Vô Ngã là vọng tưởng; chỗ như thật thì chẳng sanh vọng tưởng, ấy gọi là Phan Duyên Như Thật Thiền.

- Thế nào là NHƯ LAI THIỀN? Nói nhập Như Lai Địa, đắc ba thứ tướng trụ chánh định của Tự Giác Thánh Trí thì thành tựu việc bất tư nghì của chúng sanh, gọi là Như Lai Thiền.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Phàm phu sở hành thiền,

Quán sát tướng nghĩa thiền.

Phan duyên như thật thiền,

Như Lai thanh tịnh thiền.

Ví như hình nhựt nguyệt,

Bát Đầu Ma ( hoa sen đỏ ) trong bùn,

Như lửa diệt nơi không,

Người tu hành quán sát,

Mỗi mỗi tướng như thế,

Ngoại đạo chấp tướng thiền.

Thanh Văn và Duyên Giác,

Đọa nơi cảnh giới không.

Nếu xả bỏ tất cả,

Thì là Vô Sở Hữu.

Tất cả cõi chư Phật,

Dùng tay bất tư nghì,

Nhất thời xoa đầu họ,

Thuận nhập tướng Chơn Như.

Lược GIẢI :

Phàm phu thiền chỉ dứt trừ vọng tưởng, Bồ Tát thì xu hướng Chơn Như, đều chẳng phải thật trong sạch. Nếu là Như Lai Thanh Tịnh Thiền thì Thánh phàm bình đẳng, thể tự như như, dùng cái tâm chẳng sanh diệt làm nhân địa, để tu chứng thành tựu quả địa Phật. Ngoại đạo thì chấp tướng mà cầu nhập định, lúc thấy hình nhựt nguyệt sáng tỏ, hoặc thấy hoa sen mọc nơi đất bùn mà chẳng nhiễm, cho là sự chứng đắc. Thanh Văn, Duyên Giác thì chán sanh tử nên xả thân diệt trí, lần lượt diệt sạch thì đọa nơi chấp không. Đạo của ngoại đạo vì không phá ngã chấp, dù tu thiền đắc được thần thông, cũng chẳng thể ra khỏi luân hồi. Như Lai Thiền thì xa lìa tất cả. Nói VÔ SỞ HữU có nghĩ là vô sở trụ, chẳng phải chấp thật không, nên được vào tướng Chơn Như, chứng quả bất tư nghì, khởi dụng bất tư nghì. Ấy là Như Lai Thanh Tịnh Thiền vậy.

Lược giải hết

CHÁNH VĂN :

Khi ấy Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng:

- Thế Tôn nói pháp NIẾT BàN, thuyết pháp nào gọi là Niết Bàn?

Phật bảo Đại Huệ :

- Tập khí tự tánh của tất cả thức đều là pháp sanh tử, như tập khí Tạng thức ( Thức thứ tám ), tập khí ý ( Thức thứ bảy ), tập khí ý thức ( Thức thứ sáu ), tập khí kiến ( Tiền Ngũ Thức ). Nếu chuyển được các tập khí ấy, tức là chuyển sanh tử, gọi là Niết Bàn. Cái Niết Bàn của Ta và chư Phật sở thuyết, tức là cảnh giới tánh không của các pháp.

- Lại nữa, Đại Huệ! Niết Bàn là cảnh giới của Thánh Trí Tự Giác, lìa đoạn thường ( phi đoạn phi thường ), lìa vọng tưởng tánh phi tánh. Thế nào là phi thường? Là vọng tưởng của tự tướng cộng tướng đoạn dứt nên phi thường. Thế nào là phi đoạn? Nói tất cả bậc Thánh quá khứ, vị lai, hiện tại đều được tự giác nên phi đoạn. Đại Huệ! Niết Bàn bất hoại bất tử. Nếu Niết Bàn TỬ thì phải thọ sanh tương tục; nếu HOẠI, thì phải đọa tướng hữu vi. Cho nên Niết Bàn lìa hoại lìa tử, là chỗ quy y của người tu hành.

- Lại nữa, Đại Huệ! Niết Bàn phi xả phi đắc, phi đoạn phi thường, phi nhứt nghĩa, phi đa nghĩa, gọi là Niết Bàn.

- Lại nữa, Đại Huệ! Niết Bàn của Thanh Văn, Duyên Giác dựa theo khổ, không, vô thường, vô ngã, quán sát các pháp tự tướng cộng tướng vốn chẳng thật thể, quán Thập nhị nhân duyên cũng thế, đều là cảnh giới náo động, chẳng ưa thân cận, ham chỗ tịch lặng, tri kiến chẳng điên đảo thì vọng tưởng chẳng sanh. Vì họ chẳng thể chuyển Thức thành trí, trông thấy chỗ tịch lặng của Thức ấm cho là Niết Bàn, thật thì chẳng phải cứu cánh.

- Lại nữa, Đại Huệ! Có hai thứ tướng tự tánh. Thế nào là hai? 1.- Tướng chấp trước ngôn thuyết tự tánh : Là do tập khí chấp trước hư ngụy của ngôn thuyết từ vô thỉ mà sanh khởi. 2.- Tướng chấp trước sự tự tánh : Là do bất giác hiện ra ngằn mé tự tâm mà sanh khởi.

- Lại nữa, Đại Huệ! Như Lai dùng hai thứ thần lực kiến lập, khiến Đại Bồ Tát đảnh lễ chư Phật, hỏi nghĩa và nghe pháp thọ giáo. Thế nào là hai thứ thần lực kiến lập? 1.- Là hiện thân thuyết pháp. 2.- Là vô ngôn thuyết, chỉ dùng tay quán đảnh, truyền thọ địa vị Như Lai.

- Đại Huệ! Đại Bồ Tát chứng Sơ Địa, trụ nơi thần lực của Phật, nhập Đại thừa Chiếu Minh Tam Muội. Nhập Tam Muội này rồi, thì mười phương thế giới, tất cả chư Phật dùng sức thần thông thị hiện tất cả thân diệu ngôn thuyết, như Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng, và như các Đại Bồ Tát khác đã thành tựu tướng công đức như thế. Đại Huệ, ấy gọi là Sơ Địa Bồ Tát.

- Bậc Đại Bồ Tát được thần lực Tam muội chánh thọ, là do tích chứa thiện căn từ trăm ngàn kiếp sở thành tựu. Đối trị tướng sở trị ( tập khí xuất thế gian ) thứ lớp tiến lên chư Địa, cho đến Pháp Vân Địa, thông đạt cứu cánh, trụ nơi cung điện Đại Liên Hoa vi diệu, ngồi tòa sư tử Đại Bửu Liên Hoa, được quyến thuộc của các Đại Bồ Tát cùng loại vây quanh, các thứ báu anh lạc trang nghiêm thân thể, như hoa Chiêm Bặc bằng vàng, như ánh sáng nhựt nguyệt. Các Bồ Tát từ mười phương đến, nơi tòa đại Liên Hoa trong cung điện mà quán đảnh, cũng như sự quán đảnh của Tự Tại Chuyển Luân Thánh Vương và Thái Tử Đế Thích, ấy gọi là thần lực Bồ Tát trụ nơi hai thứ thần lực, thì sẽ gặp mặt chư Phật Như Lai, nếu chẳng thế thì chẳng thể gặp.

- Lại nữa, Đại Huệ! Những pháp hạnh thần túc, tam muội, phân biệt của Đại Bồ Tát, tất cả đều trụ nơi hai thứ thần lực của Như Lai. Đại Huệ! Nếu Đại Bồ Tát lìa hai thứ thần lực Phật mà có biện tài thuyết pháp, thì tất cả phàm phu cũng phải có biện tài thuyết pháp. Tại sao? Vì chẳng cần trụ nơi thần lực mà tự có vậy.

- Đại Huệ! Khi Như Lai vào thành, hiện sức oai thần của Phật, khiến các thứ vô tình như núi đá, cây cối và nhạc cụ, thành ấp, cung điện đều tự nhiên phát ra tiếng âm nhạc, huống là người có tâm thức, dù mù, điếc, câm, ngọng có vô lượng khổ, đều được giải thoát. Như Lai có vô lượng thần lực như thế để lợi lạc chúng sanh.

Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn! Do nhân duyên nào, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác gia hộ thần lực cho bậc Bồ Tát đang trụ Tam muội chánh thọ và khi được Thắng Tiến Địa quán đảnh?

Phật bảo Đại Huệ :

- Vì lìa ma nghiệp phiền não nên chẳng đọa thiền của Thanh Văn thừa; vì đắc Như Lai Tự Giác Địa và đắc pháp tinh tấn, nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, đều dùng thần lực kiến lập chư Đại Bồ Tát. Nếu chẳng dùng thần lực kiến lập, ắt phải đọa ác kiến vọng tưởng của ngoại đạo, hoặc đọa Thanh Văn thừa, hoặc đọa hy vọng của chúng ma, chẳng thể đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do đó, chư Phật Như Lai đều dùng thần lực nhiếp thọ chư Đại Bồ Tát.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Thần lực của chư Phật,

Do đại nguyện trong sạch.

Quán đảnh bậc Bồ Tát,

Sơ Địa đến Thập Địa.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn! Phật thuyết duyên khởi tức là thuyến nhân duyên sanh, chẳng thuyết đạo do tự tâm vọng tưởng phân biệt mà sanh. Thế Tôn! Ngoại đạo cũng thuyết nhân duyên, nói vi trần sanh khởi lúc ban sơ là nhớ tánh thắng tự tại của thần ngã, các tánh khác sanh khởi cũng như thế. Nhưng Thế Tôn nói nhân duyên hay sanh ra các tánh, là dùng Hữu Gián Tất Đàn hoặc Vô Gián Tất Đàn ( lý thành tựu ) để giáo hóa chúng sanh.

- Thế Tôn! Ngoại đạo cũng thuyết Hữu Sanh và Vô Hữu Sanh, Thế Tôn cũng thuyết Vô Hữu Sanh, sanh rồi diệt. Như Thế Tôn sở thuyết Thập Nhị Nhân Duyên, từ vô minh duyên hành cho đến lão tử, ấy là Vô Nhân Thuyết của Thế Tôn, chẳng phải hữu nhân thuyết. Thế Tôn kiến lập cái thuyết như vậy, nói " có cái này nên có cái kia ", chẳng phải kiến lập cái nghĩa tiệm sanh. Cái thuyết " Quán tánh thắng " của ngoại đạo, chẳng phải cái thuyết của Như Lai vậy? Tại sao? Vì ngoại đạo thuyết cái nhân chẳng từ duyên sanh mà có sở sanh. Nhưng Thế Tôn thì thuyết quán nhân có quả, quán quả có nhân, nói nhân duyên tạp loạn như vậy, thế thì duyên nhau đến vô cùng tận vậy.

Phật bảo Đại Huệ :

- Ta chẳng thuyết Vô Nhân và thuyết Nhân Duyên tạp loạn, cái này có nên cái kia có, và năng nhiếp sở nhiếp đều phi tánh, là giác được tự tâm hiện lượng. Đại Huệ! Nếu chấp trước năng nhiếp sở nhiếp thì chẳng giác được tự tâm hiện lượng và ngoài cảnh giới tánh phi tánh, họ có cái lỗi như thế, chẳng phải cái thuyết duyên khởi của ta. Ta thường thuyết do nhân duyên hoà hợp mà sanh các pháp, chẳng phải Vô Nhân Sanh.

Đại Huệ lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn! Chẳng phải ngôn thuyết hữu tánh là có tất cả tánh ư? Thế Tôn! Nếu vô tánh thì ngôn thuyết chẳng sanh, cho nên ngôn thuyết hữu tánh, nghĩa là có tất cả tánh.

Phật bảo Đại Huệ :

- Vô tánh mà có ngôn thuyết, như lông rùa sừng thỏ, là hiện ngôn thuyết của thế gian. Đại Huệ! Chẳng phải tánh, chỉ là ngôn thuyết mà thôi. Như lời người nói " Ngôn thuyết hữu tánh, có tất cả tánh " đó, lập luận của ngươi ắt bị lật đổ.

- Đại Huệ! Chẳng phải tất cả quốc độ đều có ngôn thuyết, ngôn thuyết chỉ là tạo tác thôi. Hoặc có cõi Phật dùng ngó nhìn để hiển bày pháp, hoặc có cõi Phật làm ra hình tướng, hoặc nhướng mày, hoặc chớp mắt, hoặc cười, hoặc ngáp, hoặc tằng hắng, hoặc tưởng niệm, hoặc lay động, các cõi Phật ấy đều chẳng nhờ ngôn thuyết mà hiển bày các pháp. Đại Huệ! Như thế giới Hương Tích và quốc độ Phổ Hiền Như Lai, chỉ dùng ngó nhìn, khiến các Bồ Tát đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn và Tam Muội Thù Thắng. Cho nên chẳng phải ngôn thuyết hữu tánh là có tất cả tánh. Đại Huệ! Như ngươi đã thấy, các loại ruồi, lằn, trùn, kiến trong thế giới này, những chúng sanh ấy chẳng có ngôn thuyết cung làm xong công việc.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Như hư không sừng thỏ,

Và con của Thạch Nữ.

Không mà có ngôn thuyết,

Tánh vọng tưởng như thế.

Nhân duyên hòa hợp sanh,

Phàm phu khởi vọng tưởng.

Chẳng thể đúng như thật,

Nên luân hồi tam giới.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng : Thế Tôn! Âm thanh hiển bày nghĩa CHƠN THƯờNG ấy nương theo việc gì mà thuyết?

Phật bảo Đại Huệ :

- Vì sự mê hoặc mà thuyết. Do chúng sanh mê hoặc, nên chư Thánh thị hiện âm thanh thuyết pháp giáo hóa, gọi là Thanh Giáo, mà chẳng phải điên đảo. Đại Huệ! Như dương diệm, vòng lửa, hoa đốm, thành Càn Thát Bà, mộng huyễn, bóng trong gương v.v... là điên đảo của thế gian, chẳng phải minh trí của bậc Thánh vậy, nhưng chẳng phải không có hiện ra những việc trên.

- Đại Huệ! Bọn mê hoặc có đủ thứ vọng hiện kể trên, chẳng phải mê hoặc tạo ra vô thường. Tại sao? Vì lìa tánh phi tánh vậy. Đại Huệ! Thế nào là mê hoặc lìa tánh phi tánh? Là nói mỗi mỗi cảnh giới của tất cả phàm phu, cũng như bọn ma quỷ thấy sông Hằng là lửa, chẳng thấy nước. Tánh mê hoặc này chỉ hiện nơi ngạ quỷ mà thôi, nơi chúng sanh khác thì hiện tánh chẳng mê hoặc, chứ chẳng phải vô tánh, vì họ đều thấy nước sông Hằng vậy. Tánh mê hoặc như thế, nên bậc Thánh lìa điên đảo và bất điên đảo, do đó nói mê hoặc là thường, vì mỗi mỗi tướng đều chẳng thể hoại vậy. Đại Huệ! Chẳng phải mỗi mỗi tướng mê hoặc hoại, chỉ là tướng vọng tưởng hoại, nên nói mê hoặc là thường.

- Đại Huệ! Tại sao cho mê hoặc là chơn thật? Nếu nói theo nhân duyên, nghĩa là bậc Thánh ở nơi pháp mê hoặc, chẳng khởi cái giác tưởng điên đảo hoặc bất điên đảo. Nếu ở nơi pháp mê hoặc mà có ít phần tư tưởng thì chẳng phải Thánh Trí, vì có chút tư tưởng tức là hý luận của phàm phu, chẳng phải sự tướng của Thánh Trí vậy. Phàm nói hữu vô là phàm phu vọng thuyết, chẳng phải Thánh ngôn thuyết. Kẻ mê hoặc nói điên đảo, bất điên đảo, đều thuộc vọng tưởng, y theo mê hoặc mà sanh khởi hai thứ chủng tánh, ấy là Thánh chủng tánh và phàm phu chủng tánh.

- THÁNH CHỦNG TÁNH : Chia làm ba loại : Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, và Phật Thừa. Nếu Phàm phu vọng tưởng thì sanh Thanh Văn Thừa Chủng Tánh, vì chấp trước tự tướng cộng tướng, nên gọi là do vọng tưởng sanh khởi Thanh Văn Thừa Chủng Tánh. Đại Huệ! Cũng theo vọng tưởng mê hoặc kia mà sanh khởi Duyên Giác Thừa Chủng Tánh, nghĩa là ngay nơi mê hoặc tự tướng cộng tướng kia chẳng tự chấp trước mà khởi Duyên Giác Thừa Chủng Tánh. Tại sao người trí cũng theo sự mê hoặc kia mà khởi Phật Thừa Chủng Tánh? Vì giác được tự tâm hiện lượng ngoài tánh phi tánh, chẳng có tướng vọng tưởng, nên sanh khởi Phật Thừa Chủng Tánh, ấy gọi là ngay nơi mê hoặc kia mà khởi Phật Thừa Chủng Tánh.

- Lại đối với mỗi mỗi sự và tánh, phàm phu khởi vọng tưởng thì sanh phàm phu chủng tánh. Cái nghĩa gọi là chủng tánh chẳng phải hữu sự, cũng chẳng phải vô sự Đại Huệ! Ngay sự mê hoặc chẳng vọng tưởng kia, những tâm, ý, ý thức, lỗi tập khí, pháp tự tánh, pháp chuyển biến v.v... của bậc Thánh đều gọi là NHƯ, cho nên nói NHƯ lìa tâm. Ta nói câu này là hiển thị lìa tưởng, tức là cái thuyết lìa tất cả tư tưởng.

LƯợC GIẢI :

Tư tưởng có hai thứ : Thế lưu bố tưởng và chấp trước tưởng. Phàm phu ở nơi tướng mê hoặc của Thế lưu bốt tưởng sanh khởi chấp trước tưởng, thì thành điên đảo tưởng. Bậc Thánh ngay nơi tướng mê hoặc của Thế lưu bố tưởng mà chẳng khởi chấp trước tưởng, nên không có điên đảo tưởng. Cho nên nói tướng mê hoặc là " THƯờNG ", cũng là " NHƯ ", đều thuộc nghĩa này vậy.

Lược giải hết


CHÁNH VĂN :

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn! Mê hoặc là hữu hay vô?

Phật bảo Đại Huệ :

- Pháp như huyễn chẳng có tướng chấp trước. Nếu mê hoặc có tướng chấp trước thì tánh chấp trước chẳng thể diệt. Pháp duyên khởi của ta thuyết, ắt đồng như pháp Nhân Duyên Sanh của ngoại đạo.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn! Nếu mê hoặc như huyễn thì phải làm nhân cho mê hoặc khác?

Phật bảo Đại Huệ :

- Chẳng phải nhân duyên mê hoặc nên chẳng có lỗi. Đại Huệ! Huyễn chẳng sanh lỗi, vì chẳng có vọng tưởng. Đại Huệ! Huyễn từ chỗ minh liễu sanh khởi, chẳng từ chỗ lỗi tập khí vọng tưởng của chính mình sanh khởi, cho nên chẳng có lỗi. Đại Huệ! Ấy là do tâm mê hoặc của phàm phu chấp trước, chẳng phải Thánh Hiền vậy.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Thánh chẳng thấy mê hoặc,

Trong đó cũng chẳng thật.

Trong đó nếu chơn thật,

Mê hoặc tức chơn thật.

Xa lìa tất cả mê,

Nếu còn có tướng sanh,

Ấy cũng là mê hoặc,

Bất tịnh như bệnh nhặm.

- Lại nữa, Đại Huệ! Đã nói mê hoặc tức chơn thật, thì như huyễn tức phi huyễn, phi huyễn tức như huyễn. Chơn thể của phi huyễn chẳng có tương tự, nay nói phi huyễn, chẳng phải không thấy tất cả pháp như huyễn.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn! Vì chấp trước đủ thứ tướng huyễn nên nói tất cả pháp như huyễn ư? Hoặc vì chấp trước đủ thứ tướng phi huyễn mà nói tất cả pháp như huyễn ư? Thế Tôn! Nếu như huyễn và phi huyễn có tánh khác biệt, ắt phải có tánh chẳng như huyễn. Tại sao? Vì mỗi mỗi sắc tướng chẳng có nhân. Thế Tôn! Nếu mỗi mỗi sắc tướng chẳng có nhân mà hiện tướng như huyễn, thì chẳng có đủ thứ tướng huyễn để chấp trước, cho có tánh tương tự là như huyễn.

Phật bảo Đại Huệ :

- Chẳng phải đủ thứ tướng huyễn chấp trước tương tự, nói tất cả pháp như huyễn. Vì tất cả pháp chẳng thật, chóng diệt như điện, ấy là như huyễn. Ví như điện chớp hiện trong sát na, mới hiện liền diệt. Tất cả tánh như thế, đều chẳng thuộc nơi hữu và vô, chỉ do tự tâm vọng tưởng chấp có tự tướng cộng tướng, nếu quán sát tất cả pháp vô tánh, thì chẳng phải sự hiện sắc tướng chấp trước của phàm phu.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Phi huyễn chẳng thể dụ,

Thuyết pháp tánh như huyễn,

Chẳng thật như điện chớp,

Cho nên nói như huyễn.

Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng :

- Như Thế Tôn sở thuyết, tất cả tánh Vô Sanh như huyễn, vậy chẳng phải pháp sở thuyết của Thế Tôn trước sau trái nhau ư? Sao nói Vô Sanh tánh như huyễn?

Phật bảo Đại Huệ :

- Chẳng phải ta nói " Vô Sanh tánh như huyễn " có lỗi trước sau trái nhau. Tại sao nói sanh mà vô sanh? Là dùng để giác hiện lượng nơi tự tâm, nói hữu phi hữu, ngoài tánh phi tánh, là phương tiện để hiện pháp Vô Sanh, chẳng phải cái thuyết của ta có lỗi trước sau trái nhau, vì bác bỏ cái thuyết nhân sanh của ngoại đạo, nên Ta thuyết tất cả tánh vô sanh. Đại Huệ! Ngoại đạo si mê, muốn cho hữu và vô hữu đều thật, vì chẳng biết do tự tâm vọng tưởng chấp trước đủ thứ nhân duyên mà sanh.

- Đại Huệ! Ta dùng cái thuyết Vô Sanh để thuyết, vì phá cái chấp hữu và vô. Đại Huệ! Ta thuyết tánh âm thanh ( thanh giáo ), là vì đệ tử Ta tạo đủ thứ nghiệp mà nhiếp thọ sanh tử, và phá những người chấp vô kiến, đoạn kiến. Đại Huệ! Vì phàm phu đọa ác kiến hy vọng, chẳng biết tự tâm hiện lượng, vì khiến họ lìa các tướng tánh của tự tánh, nên thuyết tướng các pháp như huyễn; vì phá tướng chấp trước do nhân duyên sanh khởi của họ, nên nói tất cả pháp tướng tự tánh như mộng huyễn, là khiến lìa bả chấp trước ác kiến hy vọng tất cả pháp tự và tha, được thấy chỗ như thật, chẳng lập tà luận. Đại Huệ! Chỗ thấy tất cả pháp như thật, là siêu việt tự tâm hiện lượng.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Vô tác, tánh vô sanh,

Chấp tánh nhiếp sanh tử.

Quán sát pháp như huyễn,

Nơi tướng chẳng khởi vọng.

- Lại nữa, Đại Huệ! Đại Bồ Tát khéo quán danh thân, cú thân, hình thân. Vì Đại Bồ Tát khéo quán danh, cú, hình, nên thuyết tướng danh, cú, hình, theo đó vào nghĩa cú thân, hình thân, chóng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tự giác như thế rồi, lại giác cho tất cả chúng sanh. Đại Huệ! Nói " DANH THÂN ", là y sự lập danh, gọi là danh thân; nói " CÚ THÂN " là trong cú có nghĩa thân, để quyết định nghĩa cứu cánh của tự tánh, gọi là cú thân. Nói " HÌNH THÂN " là hiển thị nghĩa của danh cú, gọi là hình thân. Lại, nói HÌNH THÂN, còn có nghĩa là dài ngắn cao thấp; nói CÚ THÂN, còn có nghĩa đường đi dấu vết, như đường đi dấu vết của voi, ngựa, người và thú v.v... Đại Huệ! Nói danh và hình, là dùng danh để hiển bày bốn ấm Vô Sắc ( thọ, tưởng, hành, thức ) nên nói danh, vì hiện tự tướng nên nói hình, gọi chung là danh cú thân hình. Đối với ngằn mé của tướng danh cú thân hình, cần nên tu học.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Danh thân với cú thân,

Và hình thân sai biệt,

Phàm phu vọng chấp trước,

Như voi mắc đầm lầy.

- Lại nữa, Đại Huệ! Người trí đời vị lai thông đạt nghĩa ta thuyết, dùng nghĩa lìa kiến chấp tướng nhất, dị, đồng, chẳng đồng v.v... hỏi người vô trí, thì họ đáp rằng : " Sự hỏi này chẳng đúng. Nói các sắc tướng thường hay vô thường, khác hay chẳng khác, ấy là chư hạnh của Niết Bàn, lập tướng sở tướng, y sở y, kiến sở kiến, tạo sở tạo, trần và vi trần, tu và kẻ tu v.v... là tướng lần lượt so sánh ". Thật ra, những câu của người trí hỏi kể trên, là vô ký và chỉ hý luận của Phật thuyết, có nghĩa thâm sâu, người si mê như họ chẳng thể biết, vì họ không đủ trí huệ nghe pháp vậy. Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, vì khiến họ lìa sự kinh sợ, nên nói pháp Vô Ký và Chỉ Ký, cũng vì phá nhị kiến luận của ngoại đạo, chứ chẳng phải không thuyết.

- Đại Huệ! Cái thuyết của ngoại đạo, nói mạng tức là thân, những lời nói như thế mới là Vô Ký luận. Đại Huệ! Các ngoại đạo ngu si, nơi nhân lập Vô Ký Luận, chứ chẳng phải sở thuyết của Ta. Đại Huệ! Sở thuyết của Ta lìa năng nhiếp, sở nhiếp, chẳng sanh vọng tưởng, chỉ để phá những kiến chấp của họ. Đại Huệ! Vì họ chấp trước năng nhiếp, sở nhiếp, chẳng biết tự tâm hiện lượng, nên phá sự chấp trước của họ. Đại Huệ! Như Lai Ứng Cúng Đảng Chánh Giác, dùng bốn thứ ký luận vì chúng sanh thuyết pháp. Đại Huệ! Ta thường thuyết Chỉ Ký Luận, là vì người căn chưa thuần thục mà thuyết, chẳng phải vì người căn đã thuần thục thuyết.

- Lại nữa, Đại Huệ! Tất cả pháp lìa nhân duyên sở tác, nghĩa là Vô Sanh, vì chẳng có kẻ tác, nên tất cả pháp Vô Sanh. Đại Huệ! Tại sao tất cả pháp lìa tự tánh? Vì lúc tự khởi giác quán, thấy tướng của tự tánh cộng tánh đều bất khả đắc, nên nói tất cả pháp Vô Sanh. Tại sao tất cả pháp chẳng thể đem lại, chẳng thể đem đi? Vì tự tướng cộng tướng bất khả đắc, nên muốn đem lại không có gì để đem lại, muốn đem đi không có gì để đem đi, nên nói tất cả pháp lìa đem lại đem đi. Đại Huệ! Tại sao tất cả pháp chẳng diệt? Vì chẳng có tánh tướng của tự tánh, thì tất cả pháp bất khả đắc, nên tất cả pháp chẳng diệt. Đại Huệ! Tại sao tất cả pháp vô thường? Vì tướng sanh khởi chẳng có tánh thường, nên nói tất cả pháp vô thường. Tại sao nói tất cả pháp thường? Vì tánh vô sanh chẳng có tướng sanh khởi, nên vô thường là thường, nên nói tất cả pháp thường.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Ký luận có bốn thứ (1) :

Nhất hướng, phản cật vấn.

Phân biệt và chỉ luận,

Để đối trị ngoại đạo.

Thầy Số Luận (2)

Thắng Luận Hiển thị như thế này :

Pháp hữu và phi hữu,

Tất cả đều vô ký.

Nếu chánh giác phân biệt,

Tự tánh bất khả đắc.

Vì lìa nơi ngôn thuyết,

Nên nói lìa tự tánh.

(1) KÝ LUẬN CÓ BỐN THỨ : Phật Thích Ca vì phá chấp của ngoại đạo, có bốn cách đáp sự vấn nạn họ :

1.- Nhất Hướng : Khẳng định đáp.
2.- Phản Cật Vấn : Hỏi ngược lại.
3.- Phân biệt : Bất định đáp (đáp cả hai mặt).
4.- Chỉ Luận : Tức là lương cửu, im lặng đáp.

(2) SỐ LUẬN : Do môn đồ của Ngoại Đạo Tóc Vàng kiến lập, nói SỐ là số lượng để đo lường trí huệ, từ số mà sanh khởi Luận, luận cũng hay sanh ra số, nên gọi là Số Luận. Người tạo ra Số Luận và người học Số Luận gọi là Số Luận Sư.

Khi ấy Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn! Cúi xin vì đại chúng thuyết Tứ quả, Tứ hướng của thừa Thanh Văn về tướng thông nhau và sai biệt. Nếu Đại Bồ Tát khéo biết tướng thông và sai biệt của Tứ quả, Tứ hướng, thì có nhiều phương tiện vì chúng sanh thuyết pháp, khiến chúng sanh thông đạt cứu cánh, như hai thứ tướng vô ngã và trừ sạch hai thứ phiền não và sở tri chướng, trải qua tướng chư Địa, đến cảnh giới cứu cánh bất tư nghì của Như Lai. Giống như hạt châu Ma Ni tùy sắc, khéo dùng tất cả pháp cảnh giới vô tận thân tài để nhiếp thọ, lợi ích tất cả chúng sanh.

Phật bảo Đại Huệ :

- Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, nay Ta vì ngươi thuyết.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Lành thay Thế Tôn! Con xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ :

- Có ba thứ Tu Đà Hoàn, Tu Đà Hoàn quả sai biệt. Thế nào là ba? Nghĩa là hạ, trung, thượng. Hạ đó, bảy đời sanh mới vào Niết Bàn; Trung đó, ba hoặc năm đời mới vào Niết Bàn; Thượng đó, ngay đời ấy liền vào Niết Bàn. Ba hạng này còn tam kết hạ, trung, thượng, ấy là : Thân kiến, nghi kiến và giới thủ kiến, đó là tam kế sai biệt, dần dần tiến lên thì đắc quả A La Hán.

THÂN KIếN có hai thứ : Là Câu Sanh ( mới sanh đã saün có ) và vọng tưởng, như duyên khởi vọng tưởng, tự tánh vọng tưởng, là nương theo duyên khởi tự tánh thì các thứ vọng tưởng tự tánh chấp trước sanh khởi. Vì tướng vọng tưởng chẳng thật, phi hữu phi vô, cũng chẳng phải hữu và vô mà phàm phu vọng tưởng chấp trước mỗi mỗi tự tánh vọng tưởng, như con nai đang khát tưởng dương diệm là nước, đó là thân kiến vọng tưởng của Tu Đà Hoàn. Bậc này tu theo nhơn ( người ) vô ngã, nhiếp thọ pháp vô tánh, dứt trừ vô tri chấp trước lâu đời.

- Đại Huệ! Câu sanh là thân kiến của Tu Đà Hoàn, chấp có tự thân tha thân v.v... Vì có tướng bốn ấm Vô Sắc, có năng tạo và sở tạo lần lượt làm nhơn tướng mà sanh ra sắc. Vì đại chủng và sắc chẳng phải một, nên Tu Đà Hoàn quán pháp hữu và vô chẳng hiện thì thân kiến liền đoạn. Thân kiến đoạn thì tham dục chẳng sanh, ấy gọi là tướng thân kiến hết.

- Đại Huệ! TƯớNG NGHI là tướng thấy được các pháp thiện ( tức là đắc nhơn vô ngã thì lý nghi dứt ) và hai thứ vọng tưởng thân kiến ở trên đã dứt, thì pháp nghi chẳng sanh. Không ở nơi khác khởi kiến chấp nghi bậc Sư là tịnh hay là bất tịnh thì nghi Sư ( Thầy ) dứt. Đến đây, nghi lý, nghi pháp, nghi Sư đều hết, ấy gọi là tướng Nghi của Tu Đà Hoàn đoạn dứt.

- Đại Huệ! Thế nào là GIớI THỦ KIếN? Tu Đà Hoàn chẳng thủ giới, vì thấy rõ tướng khổ nơi vị lai thọ sanh nên chẳng thủ. Đại Huệ! Nói THỦ, là sự quyết định thực tập khổ hạnh tinh tấn của phàm phu, cầu sanh cảnh giới thú vui của cõi Trời. Bậc họ chẳng thủ, là hồi hướng chỗ tối thắng tự giác, vốn lìa vọng tưởng, tu pháp Vô Lậu, hành tướng phương tiện, dù chẳng thủ, nhưng cũng thọ trì giới chi ( Giới phần Vô Lậu ), ấy gọi là đoạn dứt tướng giới thủ của Tu Đà Hoàn. Tu Đà Hoàn đoạn dứt tam kết, tham si chẳng sanh, nếu Tu Đà Hoàn nghĩ như thế, nói " Ta chẳng thành tựu các kết này ", ắt có hai lỗi : Đọa thân kiến và các kết chẳng dứt.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn! Phật nói nhiều tham dục, vậy họ đoạn dứt tham dục gì?

Phật bảo Đại Huệ :

- Họ đoạn dứt những trói buộc như yêu thích người nữ, tham trước đủ thứ phương tiện, tạo thân khẩu ác nghiệp, thọ sự vui trước mắt mà gieo khổ đời vị lai v.v... chẳng sanh tham dục kể trên. Tại sao? Vì họ đắc sự vui của Tam muội chánh thọ, nên họ đoạn dứt tham dục thế gian mà chẳng phải đoạn dứt sự ham Niết Bàn.

- Đại Huệ! Thế nào là tướng Tư Đà Hàm? Ấy là đốn chiếu soi sắc tướng vọng tưởng, chẳng sanh tướng thấy tướng sanh. Vì khéo thấy được tướng thiền hạnh, nền vãng lai thế gian này một lần, mong dứt sạch khổ để đắc Niết Bàn, nên gọi là Tư Đà Hàm.

- Đại Huệ! Thế nào là A Na Hàm? Nghĩa là đoạn dứt sự sanh kiến chấp lỗi lầm của kết tập ( tập khí phiền não ), chẳng sanh vọng tưởng sắc tướng nơi quá khứ, vị lai, hiện tại, tánh phi tánh, gọi là A Na Hàm.

- Đại Huệ! Nói là A La Hán, là do sức sáng suốt giải thoát Tam muội của chư Thiền, dứt sạch tất cả khổ, phiền não của vọng tưởng tánh phi tánh, nên gọi là A La Hán.

Đại Huệ bạch Phật rằng :

- Thế Tôn! Phật thuyết ba hạng A La Hán, nói A La Hánh này là thuộc hạng nào? Thế Tôn! Vì đắc tịch tịnh của đạo Nhất thừa, nên Đại Bồ Tát phương tiện thị hiện A La Hán để giúp Phật giáo hóa.

Phật bảo Đại Huệ :

- Đắc tịch tịnh là đạo Nhất thừa của Thanh Văn, chẳng phải thừa khác. Thừa khác là hành hạnh Bồ Tát, do phương tiện khéo léo của bốn nguyện, nên ở nơi chúng sanh thị hiện thọ sanh và giúp Phật giáo hóa, cũng vì trang nghiêm quyến thuộc của Phật vậy. Đại Huệ! Ở nơi vọng tưởng thuyết đủ thứ pháp, nói đắc quả đắc thiền, thiền giả nhập thiền, thảy đều xa lìa, thị hiện chứng đắc tự tâm hiện lượng, đắc tướng quả, gọi là đắc quả. Lại nữa, Đại Huệ! Muốn siêu việt thiền của vô lượng Vô Sắc Giới, nên lìa tướng tự tâm hiện lượng. Đại Huệ! Nói chánh thọ, thọ tưởng, siêu việt tự tâm hiện lượng là chẳng đúng. Tại sao? Vì còn có tâm lượng vậy.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Chư thiền Tứ Vô Lượng,

Vô sắc Tam Ma Đề.

Tất cả thọ, tưởng diệt,

Tâm lượng vốn không có (1).

Sơ quả và nhị quả,

Tam quả A Na Hàm.

Tứ quả A La Hán,

Đều dứt tâm mê hoặc.

Thiền giả duyên thiền định,

Đoạn chấp thấy Chơn Đế.

Dù vọng tưởng vô lượng,

Giác ngộ liền giải thoát.

BỐN CÂU TRƯỚC CỦA BAÌ KỆ là chỉ các thứ thiền phàm phu, ngoại đạo và Tiểu thừa, đã được giải ở trên.
- Lại nữa, Đại Huệ! Có hai thứ giác, là quán sát giác và Tướng vọng tưởng nhiếp thọ chấp trước kiến lập giác. Đại Huệ! Nói QUÁN SÁT GIÁC là tướng tự tánh của giác tánh, nếu quán sát sự phân biệt, lìa tứ cú bất khả đắc, ấy gọi là quán sát giác. Đại Huệ! Nói TỨ CÚ là lìa nhất, dị, đồng, chẳng đồng, hữu vô, phi hữu phi vô, thường, vô thường gọi là tứ cú. Đại Huệ! Lìa tứ cú này gọi là Nhất Thiết Pháp. Tứ cú quán sát Nhất Thiết Pháp này cần nên tu học.

- Đại Huệ! Thế nào là TƯớNG VọNG TƯởNG NHIếP THọ CHẤP TRƯớC KIếN LậP GIÁC? Là nói tướng vọng tưởng nhiếp thọ chấp trước, tướng vọng tưởng chẳng thật, như điạ, thủy, hỏa, phong; tứ đại chủng và tướng tông, nhơn, thí dụ, giác được chỗ kiến lập chẳng thật mà chấp trước kiến lập, ấy gọi là tướng vọng tưởng nhiếp thọ chấp trước kiến lập giác.

- Nếu Đại Bồ Tát thành tựu hai thứ giác tướng này, đến tướng cứu cánh của tướng Nhơn pháp Vô Ngã thì khéo biết phương tiện Vô Sở Hữu giác, quán sát Hành Địa, đắc Sơ Địa, vào trăm Tam muội đắc sai biệt Tam muội, thị hiện trăm Phật và trăm Bồ Tát, biết các việc trong trăm kiếp quá khứ và vị lai, ánh sáng tự tâm chiếu soi trăm quốc độ, biết tướng từng bậc của chư Địa Bồ Tát. Đại nguyện thù thắng, thần lực tự tại, đến Pháp Vân Địa quán đảnh, sẽ chứng đắc Như Lai Tự Đắc Địa, khéo dùng tâm Thập Vô Tận Cú(1) để thành tựu cho chúng sanh, đủ thứ biến hóa quang minh trang nghiêm, đắc Tự Giác Thánh Lạc Tam Muội Chánh Thọ.

(1) THẬP VÔ TẬN CÚ : Cũng là mười thứ bất nhị của Như Lai. Chư Phật có mười thứ quyét định bất nhị : 1.- Tất cả chư Phật khéo thuyết lời thọ ký bất nhị. 2.- Hay tùy thuận tâm niệm chúng sanh, khiến họ thỏa nguyện bất nhị. 3.- Khéo biết tam thế tất cả Phật và Phật sở giáo hóa tất cả chúng sanh thể tánh bình đẳng bất nhị. 4.- Hay biết thế pháp và pháp tánh của chư Phật chẳng sai biệt, quyết định bất nhị. 5.- Khéo biết tam thế chư Phật đồng một thiện căn bất nhị. 6.- Hay thấu rõ tất cả pháp, diễ thuyết nghĩa lý bất nhị. 7.- Đầy đủ trí huệ của tam thế chư Phật bất nhị. 8.- Biết tất cả sát na nơi tam thế bất nhị.

9.- Biết tam thế tất cả cõi Phật vào trong mộy cõi bất nhị. 10.- Biết lời nói của tất cả tam thế chư Phật tức là lời nói của một Phật bất nhị.

- Lại nữa, Đại Huệ! Đại Bồ Tát nên khéo tạo sắc tứ đại chủng. Thế nào là Bồ Tát khéo tạo sắc tứ đại chủng? Đại Huệ! Đại Bồ Tát giác được chơn đế thì tứ đại chủng chẳng sanh, ở nơi tứ đại chẳng sanh mà quán sát như thế, quán sát rồi giác được ngằn mé danh tướng của vọng tưởng, ngằn mé của tự tâm hiện và ngoài tánh phi tánh, gọi là tâm hiện vọng tưởng ngằn mé. Quán tam giới kia, tánh lìa tạo sắc của tứ đại chủng, thông đạt tứ cú, lìa ngã, ngã sở, tự tướng như thật tướng và lìa trụ phần đoạn sanh tử, thành tựu tự tướng vô sanh.

- Đại Huệ! Tứ đại chủng kia làm sao sanh khởi tạo sắc? Là nói vọng tưởng thấm nhuần đại chủng, trước sanh nội, ngoại thủy giới, rồi cái năng sanh của vọng tưởng đại chủng, sanh nội, ngoại hỏa giới. Vọng tưởng đại chủng phiêu động, sanh nội, ngoại phong giới, vọng tưởng đại chủng ngăn cách, sanh nội, ngoại địa giới. Do chấp sắc và hư không chấp trước lý tà thì có ngũ uẩn tập hợp, sự tạo sắc của tứ đại chủng do đó sanh khởi.

- Đại Huệ! Nói THỨC ẤM là do ham thích đủ thứ sự thích cảnh giới của lục trần dính mắc chẳng bỏ, nên phải tương tục thọ sanh nơi các loài khác. Đại Huệ! Địa, thủy, hỏa, phong tứ đại chủng và sở tạo sắc pháp v.v... là do thức ấm duyên theo nghiệp mà sanh ra tứ đại, chẳng phải tứ đại tự làm duyên mà sanh ra thức ấm. Tại sao? Vì hình tưởng tự tánh, chỗ sở tác chỉ là phương tiện vô tánh, nên đại chủng chẳng sanh. Đại Huệ! Hình tướng tự tánh là do chỗ sở tác phương tiện hòa hợp mà sanh, chẳng phải vô hình. Cho nên tướng tứ đại tạo tác là vọng tưởng của ngoại đạo, chẳng phải thuyết của Ta.

- Lại nữa, Đại Huệ! Nay sẽ thuyết tướng tự tánh của các ấm. Thế nào là tướng tự tánh của các ấm? Nói NGŨ ẤM là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Bốn ấm phi sắc là thọ, tưởng, hành, thức. Đại Huệ! Nói SẮC ẤM, là tứ đại và tạo sắc mỗi mỗi có tướng riêng khác biệt. Đại Huệ! Bốn ấm vô sắc chẳng phải Vô Sắc mà có bốn số ( thọ, tưởng, hành, thức ) như hư không. Ví như hư không siêu việt tướng số mà lìa nơi số, chẳng có số lượng mà vọng tưởng nói là một hư không. Đại Huệ! Như thế, bốn ấm Vô Sắc cũng siêu việt tướng số mà lìa nơi số, lìa tánh phi tánh, lìa tứ cú. Nói TƯớNG Số là ngôn thuyết của phàm phu, chẳng phải Thánh Hiền vậy.

- Đại Huệ! Bậc Thánh như huyễn, mỗi mỗi sắc tướng lìa sự dựng lập, khác hay chẳng khác, cũng như thân bóng mộng của sĩ phu, lìa khác và chẳng khác. Đại Huệ! Nói Thánh Trí đồng như tướng vọng tưởng của ngũ ấm hiện, gọi là tướng tự tánh của các ấm, ngươi nên diệt trừ. Diệt rồi thuyết pháp tịch tịnh, dứt tất cả kiến chấp của các ngoại đạo nơi tất cả cõi Phật.

- Đại Huệ! Lúc nói tịch tịnh, là thấy pháp Vô Ngã tịnh, và vào Bất Động Địa ( Đệ Bát Địa ). Vào Bất Động Địa rồi, đắc vô lượng Tam muội tự tại và đắc ý sanh thân, đắc như huyễn Tam muội, thông đạt sự cứu cánh sáng tỏ tự tại, cứu giúp lợi ích tất cả chúng sanh, giống như đại địa nuôi dưỡng chúng sanh, Đại Bồ Tát phổ độ chúng sanh cũng như thế.

- Lại nữa, Đại Huệ! Các ngoại đạo có bốn thứ Niết Bàn. Thế nào là bốn? 1.- Tánh của tự tánh phi tánh Niết Bàn. 2.- Mỗi mỗi tướng của tự tánh phi tánh Niết Bàn. 3. Tướng giác của tự tánh phi tánh Niết Bàn. 4.- Tương tục lưu chú của tự tướng cộng tướng nơi ngũ ấm đoạn dứt Niết Bàn. Ấy gọi là bốn thứ Niết Bàn của các ngoại đạo, chẳng phải pháp sở thuyết của Ta. Đại Huệ! Pháp của Ta thuyết là các thức của vọng tưởng diệt, gọi là Niết Bàn.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn há chẳng kiến lập thức thứ tám ư?

Phật đáp :

- Kiến lập.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng :

- Nếu kiến lập thì tại sao chỉ lìa ý thức ( Thức thứ sáu ) mà chẳng lìa thức thứ bảy?

Phật bảo Đại Huệ :

- Vì lìa sự phan duyên của thức thứ sáu thì thức thứ bảy chẳng sanh. Ý thức là phân biệt cảnh giới phần đoạn của Tiền ngũ thức, đang lúc phân biệt, liền sanh khởi chấp trước, thì những tập khí nuôi dưỡng nơi tạng thức, khởi hiện hành huân tập chủng tử, do thức thứ bảy truyền vào ý thức, tức là cùng trong thức thứ tám vậy. Chấp trước ngã và ngã sở thì nhân duyên tư duy sanh khởi, thân tướng chẳng hoại, tạng thức do ý thức phan duyên thì cảnh giới tự tâm hiện, tâm chấp trước liền sanh. Các thức lần lượt làm nhân với nhau, cũng như làn sóng biển, do ngọn gió của cảnh giới tự tâm hiện thổi, làn sóng các thức hoặc sanh hoặc diệt cũng như thế. Cho nên, ý thức diệt thì thức thứ bảy theo đó cũng diệt.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mà thuyết rằng :

Ta chẳng trụ Niết Bàn.

Tướng năng tác, sở tác.

Tánh Niết Bàn ta thuyết,

Lìa vọng tưởng nhĩ diệm.

Do thức phan duyên nhau,

Thành đủ thứ thân hình.

Gốc nhân chính là tâm,

Nơi nương tựa của thức.

Như dòng nước đã cạn,

Thì làn sóng chẳng khởi.

Vậy ý thức diệt rồi,

Thì các thức chẳng sanh.

- Lại nữa, Đại Huệ! Nay ta sẽ thuyết tướng thông phân biệt của vọng tưởng tự tánh. Nếu đối với tướng thông phân biệt của vọng tưởng tự tánh mà khéo phân biệt, thì ngươi và các Đại Bồ Tát được lìa vọng tưởng, đến chỗ Tự giác Thánh Trí, chẳng còn vọng tưởng thì mỗi mỗi tướng và hành duyên khởi từ vọng tưởng tự tánh và năng nhiếp sở nhiếp đều đoạn dứt, cũng là giác được kiến chấp thần thông của ngoại đạo.

- Đại Huệ! Thế nào là tướng thông phân biệt của vọng tưởng tự tánh? Là gồm ngôn thuyết vọng tưởng, sở thuyết sự vọng tưởng, tướng vọng tưởng, lợi vọng tưởng, tự tánh vọng tưởng, nhân vọng tưởng, kiến vọng tưởng, thành vọng tưởng, sanh vọng tưởng, bất sanh vọng tưởng, tương tục vọng tưởng, phược bất phược ( trói chẳng trói ) vọng tưởng, ấy gọi là tướng thông phân biệt của vọng tưởng tự tánh.

- Đại Huệ! Thế nào là NGÔN THUYẾT vọng tưởng? Là chấp đủ thứ điệu âm nhạc, cho là vui thú, gọi là Ngôn Thuyết vọng tưởng.

- Thế nào là Sở THUYẾT Sự vọng tưởng? Là nói có sự sở thuyết của tự tánh, do Thánh Trí hiểu biết, theo đó mà sanh ngôn thuyết vọng tưởng, gọi là Sở Thuyết Sự vọng tưởng.

- Thế nào là TƯớNG vọng tưởng? Là ngay nơi sự sở thuyết kia, như nai đang khát, tưởng dương diệm là nước, mỗi mỗi chẳng thật mà chấp là thật, nói tướng của tứ đại, tất cả tánh đều thuộc vọng tưởng, gọi là Tướng vọng tưởng.

- Thế nào là LợI vọng tưởng? Nói ham thích đủ thứ vàng bạc châu báu, gọi là Lợi vọng tưởng.

- Thế nào là Tự TÁNH vọng tưởng? Nói tự tánh có sự thật chấp trì như thế, chẳng khác với vọng tưởng ác kiến, gọi là Tự Tánh vọng tưởng.

- Thế nào là NHÂN vọng tưởng? Nói hoặc nhân hoặc duyên để phân biệt hữu và vô thì tướng nhân sanh, gọi là Nhân vọng tưởng.

- Thế nào là KIẾN vọng tưởng? Là đối với hữu, vô, nhất, dị, đồng, chẳng đồng, những vọng tưởng ác kiến của ngoại đạo, nổi vọng tưởng chấp trước, gọi là Kiến vọng tưởng.

- Thế nào là THàNH vọng tưởng? Là đối với tư tưởng ngã và ngã sở, lập thành luận quyết định, gọi là Thành vọng tưởng.

- Thế nào là SANH vọng tưởng? Nói duyên theo tánh hữu và vô, sanh khởi chấp trước, gọi là Sanh vọng tưởng.

- Thế nào là BẤT SANH vọng tưởng? Là nói tất cả tánh vốn vô sanh vô chủng, do nhân duyên sanh cái thân vô nhân ( chẳng có cái nhân bắt đầu ), gọi là Bất Sanh vọng tưởng.

- Thế nào là TƯƠNG TụC vọng tưởng? Là nói vật này vật kia liên hệ lẫn nhau, như kim và chỉ liền nhau mới có thể may vá, gọi là Tương Tục vọng tưởng.

- Thế nào là PHƯợC BẤT PHƯợC vọng tưởng? Nói trói chẳng trói là do nhân duyên chấp trước, như phương tiện của sĩ phu hoặc trói hoặc mở trói, gọi là Phược Bất Phược vọng tưởng.

- Đại Huệ! Nơi tướng thông và phân biệt của vọng tưởng tự tánh này, tất cả phàm phu chấp trước cho là hữu và vô. Đại Huệ! Do duyên khởi mà chấp trước mỗi mỗi vọng tưởng của tự tánh chấp trước, hiện ra đủ thứ thân hình như huyễn, phàm phu vọng tưởng, thấy mỗi thứ huyễn tướng khác nhau. Đại Huệ! Mỗi thứ tướng huyễn chẳng phải khác, cũng chẳng phải không khác. Nếu nói " khác " thì huyễn chẳng phải nhân của mỗi thứ kia; nếu nói " chẳng khác " thì huyễn và mỗi thứ kia chẳng sai biệt mà lại thấy sai biệt. Do đó, nói chẳng phải khác cũng chẳng phải không khác. Cho nên, Đại Huệ! Ngươi và các Đại Bồ Tát, đối với vọng tưởng tự tánh, duyên khởi tướng như huyễn, khác hay chẳng khác, hữu hay vô, chớ nên chấp trước.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng :

Trói tâm nơi cảnh giới,

Trí giác tưởng chuyển theo.

Thắng giải Vô Sở trụ,

Trí huệ bình đẳng sanh.

Vọng tưởng thì tánh hữu,

Nơi duyên khởi thì vô.

Vọng tưởng và nhiếp thọ,

Phi vọng tưởng duyên khởi.

Mỗi mỗi phân biệt sanh,

Như huyễn lại chẳng thành.

Dù hiện đủ thứ tướng,

Vọng tưởng cũng chẳng thành.

Chấp trước là lỗi lầm,

Đều do tâm trói sanh.

Vọng tưởng vốn vô tri,

Nơi duyên khởi vọng tưởng.

Tánh các vọng tưởng này,

Tức là duyên khởi kia.

Vọng tưởng có đủ thứ,

Nơi duyên khởi vọng tưởng.

Tục Đế Đệ Nhất Nghĩa,

Ngoại đạo chấp thành ba (1).

Cho là vô nhân sanh,

Dứt vọng tưởng Tục Đế,

Là cảnh giới bậc Thánh.

Ví như sự tu hành,

Một không ( hư không ) hiện nhiều mây.

Hư không vốn chẳng mây,

Lại hiện mây như thế.

Tâm cũng như hư không,

Vọng tưởng hiện nhiều sắc.

Do duyên khởi mà hiện,

Chẳng phải sắc phi sắc,

Ví như luyện vàng ròng,

Lọc bỏ các tạp chất,

Vàng thiệt liền hiện ra.

Vọng tưởng sạch cũng vậy.

Tự tánh chẳng vọng tưởng,

Vì duyên khởi thành có.

Kiến lập và phủ định,

Thảy đều do vọng tưởng.

Vọng tưởng nếu vô tánh,

Mà có tánh duyên khởi.

Vô tánh sanh hữu tánh,

Hữu tánh sanh vô tánh,

Nương nhau nơi vọng tưởng,

Mà thành tướng duyên khởi.

Danh tướng thường theo nhau,

Mà sanh các vọng tưởng,

Độ thoát các vọng tưởng,

Rồi thành trí trong sạch,

Gọi là Đệ Nhất Nghĩa.

Duyên khởi có sáu thứ,

Vọng tưởng có mười hai.

Tự giác và nhĩ diệm,

Vốn chẳng có sai biệt.

Năm pháp đều chân thật,

Tự tánh có ba thứ.

Tu hành thấu nghĩa này,

Chẳng ngoài nơi như như.

Các tướng và duyên khởi,

Đều gọi "khởi vọng tưởng".

Các tướng vọng tưởng kia,

Từ duyên khởi mà sanh.

Giác huệ khéo quán sát,

Vô duyên vô vọng tưởng.

Thành tựu tánh vô sanh,

Thế nào giác vọng tưởng.

Do tự giác vọng tưởng,

Kiến lập hai tự tánh :

Là hiện cảnh vọng tưởng,

Và cảnh giới bậc Thánh.

Vọng tưởng như tranh vẽ,

Duyên khởi tức vọng tưởng.

Nếu nói khác vọng tưởng,

Là luận của ngoại đạo.

Do nhị kiến hòa hợp,

Sanh năng tưởng, sở tưởng.

Lìa hai năng, sở ấy,

Thành trí huệ bình đẳng.

(1) TỤC ĐẾ ĐỆ NHẤT NGHĨA, NGOẠI ĐẠO CHẤP THÀNH BA : ngoại đạo nói Đệ Nhất là từ ban sơ sanh giác, Đệ Nhị từ giác sanh ngã tâm, Đệ Tam từ ngã tâm sanh ngũ trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, chẳng biết căn bản của duyên khởi, lại cho là Vô Nhân sanh, thành ra ở ngoài Nhị đế chơn và tục.

Đại Huệ bồ tát lại bạch Phật rằng:

-Thế Tôn! Cúi xin vì đại chúng thuyết tướng Tự Giác Thánh Trí và Nhất Thừa, khiến con và các bồ tát khéo tự giác, chẳng nhờ người khác mà thông đạt Phật pháp.

Phật bảo Đại Huệ:

- Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Đại Huệ bồ tát bạch Phật rằng:

- Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ:

- Theo sở tri của bậc thánh xưa là vọng tưởng vô tánh, từng đời truyền thọ nhau, nghĩa là đại bồ tát tự ở nơi thanh tịnh quán sát tự giác, chẳng do người khác mà được lìa kiến chấp vọng tưởng. Dần dần tiến lên, vào địa vị Như Lai, ấy gọi là TƯỚNG TỰ GIÁC THÁNH TRÍ.

- Đại Huệ! Thế nào là TƯỚNG NHẤT THỪA? Ấy là giác được đạo Nhất Thừa, ta nói là Nhất Thừa. Thế nào là giác được đạo Nhất Thừa? Là nói nhiếp sở nhiếp của vọng tưởng, chỗ như thật thì chẳng sanh vọng tưởng, gọi là Nhất Thừa Giác. Đại Huệ! Nói NHẤT THỪA GIÁC, trừ Như Lai ra, chẳng phải hàng ngoại đạo, Thanh Văn, Duyên Giác và vua Phạm Thiên có thể giác được, nên gọi là Nhất Thừa.

Đại Huệ bồ tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn! Tại sao nói Tam Thừa mà chẳng nói Nhất Thừa?

Phật bảo Đại Huệ :

- Vì tất cả Thanh Văn, Duyên Giác đối với pháp Niết Bàn chẳng thể tự chứng, nên chẳng nói Nhất Thừa. Do Như Lai muốn điều phục tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, truyền thọ pháp tịch tịnh, bậc họ nhờ phương tiện mà đắc giải thoát, chẳng phải do sức của chính mình chứng đắc, nên chẳng nói Nhất Thừa.

- Lại nữa, Đại Huệ! Đối với người chẳng dứt tập khí nghiệp chướng phiền não, nên chẳng vì tất cả Thanh Văn, Duyên Giác nói Nhất Thừa. Đối với người chẳng dứt được

pháp Vô Ngã chẳng lìa phần đoạn sanh tử, nên thuyết Tam Thừa. Đại Huệ! Các bậc họ nếu dứt được lỗi tập khí và giác được pháp Vô Ngã, thì tất cả lỗi tập khí phiền não chẳng sanh khởi, đối với sự phi tánh chấp trước ham thích mùi vị của Tam-muội, bậc Vô lậu đã giác được, giác rồi lại ra vào thế gian, dần dần từ bậc Vô lậu đến chỗ Bồ Đề viên mãn, sẽ chứng đắc tự tại Pháp thân bất tư nghì của Như Lai.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Chư Thiên và Phạm chúng,

Thừa Thanh Văn, Duyên Giác.

Chư Phật Như Lai Thừa,

Ta thuyết những thừa này.

Cho đến tâm thức chuyển,

Các thừa chẳng cứu cánh.

Nếu tâm thức diệt sạch,

Thì chẳng thừa vô thừa.

Chẳng có "Thừa" kiến lập,

Nên ta nói Nhất Thừa.

Vì dẫn dắt chúng sanh,

Phân biệt nói các thừa.

Giải thoát có ba thứ;

Nhân (người) và pháp Vô Ngã.

Phiền não sở tri chướng

Xa lìa được giải thoát.

Như gỗ nổi mặt biển,

Tùy làn sóng xoay chuyển.

Bậc Thanh Văn cũng thế,

Bị tướng gió thổi trôi.

Tu tập diệt phiền não,

Còn tập khí sót lại.

Ham mùi vị Tam muội,

An trụ cõi Vô Lậu.

Chẳng đến chỗ cứu cánh,

Cũng chẳng có lui sụt.

Đắc các thân Tam muội,

Bất giác (uổng) qua nhiều kiếp.

Ví như người say rượu,

Rượu tiêu rồi mới tỉnh.

Pháp "giác" họ cũng thế,

Cuối cùng vẫn thành Phật.

QUYỂN NHÌ HẾT

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]